Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Bãi đá cổ kỳ lạ ở Sa Pa

Bãi đá cổ kỳ lạ ở Sa Pa

- Phạm Hoàng Hải — published 23/07/2009 00:41, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Tháng 8 năm 1924, trong một cuộc dạo chơi vào thung lũng Mường Hoa, ông chủ của ngôi nhà điều dưỡng Sa Pa lúc đó là Jean Batherllier đã vô cùng kinh ngạc khi nhận ra các hình khắc chi chít trên mặt các tảng đá lớn nằm rải rác giữa các khu ruộng bậc thang ven dòng suối Mường Hoa.


Bãi đá cổ kỳ lạ ở Sa Pa

Phạm Hoàng Hải

daf

Tháng 8 năm 1924, trong một cuộc dạo chơi vào thung lũng Mường Hoa, ông chủ của ngôi nhà điều dưỡng Sa Pa lúc đó là Jean Batherllier đã vô cùng kinh ngạc khi nhận ra các hình khắc chi chít trên mặt các tảng đá lớn nằm rải rác giữa các khu ruộng bậc thang ven dòng suối Mường Hoa. Vốn là một cử nhân khoa học, ông biết rằng đây là một phát hiện quan trọng và ngay lập tức ông đã gửi thông báo về cho Viện Viễn đông Bác cổ ở Hà nội. Đúng một năm sau, viện này đã cử nhà nghiên cứu Victor Goloubew cùng một vài cộng sự lên Sa Pa để tiến hành cuộc khảo sát khoa học đầu tiên, chụp ảnh, lấy khuôn âm bản, in dập trên giấy các hình khắc kỳ lạ trên đá này.

Trong bản báo cáo công tác của nhóm nghiên cứu này có mô tả chi tiết địa hình, đồng ruộng, suối, rừng và bản làng xung quanh khu vực phát hiện ra bãi đá cổ này. Theo những mô tả ấy thì cho đến hôm nay, cảnh quan ở khu vực này, mà các bạn đã hoặc sẽ đến thăm, cũng không có nhiều thay đổi ngoại trừ mấy cái cọn nước đã không còn nữa, hai chiếc cầu mây nay đã được chữa lại thành cầu sắt dây cáp và rừng thì đã co hẹp lại và mất đi nhiều.

dac

Từ sau đó đã có nhiều đoàn nghiên cứu của Pháp, của các nước Đông Âu, của các tổ chức quốc tế và của Việt Nam đến đây khảo sát, thu thập tư liệu nhưng cho đến tận hôm nay người ta vẫn chưa tìm được câu trả lời cho các câu hỏi xung quanh các hình khắc này như : Các hình khắc này có ý nghĩa thực sự là gì ? Nó đã được chạm khắc bằng các dụng cụ như thế nào ? Những ai đã khắc lên các tảng đá khổng lồ như vậy ? Và đã khắc vào những thời gian nào ?...

Đã có nhiều giả thuyết đưa ra nhưng tất cả đều tỏ ra là còn thiếu căn cứ. Giả thuyết đơn giản nhất thì cho rằng đây chỉ là các trò chơi ngẫu hứng của các người dân quanh đó, vào khi mà chưa có nhiều người biết đến nơi này. Còn giả thuyết giàu trí tưởng tượng nhất thì cho rằng đây có thể là các thông điệp của người xưa mô tả về một nạn đại hồng thuỷ đã một thời tàn phá trái đất.

Dù còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc, nhưng về hình thức bên ngoài của các di chỉ này được ghi nhận như sau :

dab

Trước hết, các tảng đá này là loại đá granit có bề mặt đã bị nước và gió bào mòn, màu nâu sáng, hơi nháp và có các hạt mốc đen mỏng bám vào. Loại đá này có rất nhiều ở khắp nơi và là cùng loại với những khối đá của hòn Trống Mái nổi tiếng trên núi Độc Cước ở Sầm Sơn Thanh Hoá mà du khách nào cũng biết. Đây cũng là loại đá tự nhiên vẫn thường thấy rải rác khắp các thung lũng quanh Sa Pa, không được gọt rũa, không phải là mang từ nơi khác đến, và người ta đã khắc ngay trên bề mặt tự nhiên của các tảng đá. Các đường khắc chạm có cùng một độ rộng và độ sâu tương đối như nhau, nhưng có nhiều chỗ chồng lên nhau, chứng tỏ đã được khắc vào nhiều thời gian khác nhau.

Phân tích các hình mẫu thu được, người ta thấy rằng nếu mới quan sát thì thấy các hình này rất rối rắm, lộn xộn nhưng thực ra có thể được phân loại thành mấy loại hình chủ yếu. Rõ rệt nhất là các đường thẳng hoặc cong chạy dài song song giống như các bờ ruộng bậc thang. Có những hình nhìn rõ ra là các ngôi nhà sàn với cột, mái, cầu thang. Những hình này kết hợp với các đường uốn lượn, các hình chữ nhật to nhỏ làm cho người ta có thể nghĩ đến một kiểu bản đồ phân chia khu vực nào đó. Một kiểu hình khác là các hình tròn với các tia toả ra làm cho ta liên tưởng đến mặt trời, mặt trăng và bầu trời sao trong tục thờ cúng các vì tinh tú của người xưa.

Rải rác đây đó, có những hình khắc như các chữ tượng hình. Một số chữ có thể nhận ra là chữ Hán cổ, một số chữ rất lạ chưa rõ nguồn gốc. Đặc biệt và hấp dẫn nhất là những hình người, với đường nét rất đơn giản nhưng trông rõ ràng là đàn ông hay phụ nữ với bộ phận sinh dục được phóng đại, có đôi dính nhau bằng một cái vòng, có đôi có hai bộ phận sinh dục nối dài vào nhau trông rất ấn tượng, và có nơi có cả hình đứa bé con nằm dưới háng người phụ nữ. Những hình này làm người ta liên tưởng đến các hoạ tiết thêu trên váy áo của một số dân tộc thiểu số, các hình khắc trên trống đồng cổ, hoặc các hình thêu trên lều vải của dân du mục Trung Á.

Khu bãi đá cổ này nằm cách thị trấn Sa Pa 6 km, trên con đường đi Tả Van, Mường Hoa mà tất cả những người ở Sa Pa đều biết. Hiện nay chương trình đi thăm bãi đá cổ là một trong các tuyến mà các công ty lữ hành, các nhân viên khách sạn luôn giới thiệu với những du khách mới đến Sa Pa. Trên đường đi, các bạn sẽ được thoả mắt ngắm nhìn thung lũng Mường Hoa bao la và đẹp đến kinh ngạc. Các bạn có thể đến đó bằng ôtô, xe ôm hoặc đi bộ như các khách tây balô vẫn thường đi. Ở cây số thứ 6, ngay ven đường có một tảng đá thấp gọi là Hòn Con, cách đó 40m dưới sườn thung lũng, ngay giữa một khu ruộng bậc thang là tảng Hòn Mẹ cao hơn hai đầu người và đối xứng qua Hòn Con lên trên vách núi bên kia đường là Hòn Bố, hòn lớn nhất, cao 6m và dài tới 15m .

daa

Ngoài ra rải rác khắp thung lũng và sườn núi là hàng trăm hòn to nhỏ khác nhau, có nhiều hòn nằm ngay bên bờ suối, có những hòn nằm ẩn mình trong màu xanh của tán lá rừng hay trong nương ngô. Nhưng để tìm đường lại gần các hòn đá ấy cũng không phải là chuyện đơn giản, nhiều khi phải lội qua suối, phải trèo lên các khu ruộng bậc thang hay leo qua các bức tường bằng đá xếp bao quanh các mảnh ruộng, mặc dù nếu nhìn theo tay chỉ của dân bản hoặc của người hướng dẫn thì thấy cũng không xa. Đứng trước những tảng đá kỳ dị này, giữa không gian bao la của núi rừng, người ta bỗng nhiên một lần nữa nhận ra rằng trên trái đất này còn ẩn chứa biết bao điều bí ẩn mà khoa học còn phải bó tay.

Hiện nay các nhà khoa học Việt Nam đang tiến hành những nghiên cứu kỹ lưỡng khu di chỉ kỳ lạ này, và mới đây lần đầu tiên người ta đã phát hiện ra một số hiện vật cổ nằm sâu dưới đất ở vùng này. Công việc khai quật và tìm kiếm mới chỉ đang bắt đầu. Điều đó cho thấy là giả thuyết cho rằng con người mới chỉ đến sinh sống ở Sa Pa từ dăm sáu thế kỷ trước là một giả thuyết sai lầm, và chứng tỏ rằng người ta còn biết rất ít về đời sống của con người xưa kia ở Sa Pa. Hy vọng rằng, những cuộc khai quật mới này sẽ góp thêm những cứ liệu để có thể tìm ra các câu trả lời còn bỏ ngỏ và cho phép chúng ta có được cái nhìn xa hơn về đời sống của con người khi xưa ở vùng đất tươi đẹp này.

Đáng buồn là, nhiều hòn đá khắc cổ này đã và đang bị hư hại nghiêm trọng, bị vỡ hoặc bị mòn vì vô số du khách hàng ngày đua nhau leo lên để chụp ảnh lưu niệm. Có người còn vô văn hoá tới mức lấy gạch đá khắc tên và hình vẽ đè lên các vết tích cổ xưa. Họ phải biết rằng họ đã trực tiếp và chủ ý huỷ hoại các di sản vô giá của lịch sử. Suốt bao trăm năm, các tảng đá này đã chung sống với dân bản, nằm ngay trong mảnh ruộng cày của người dân, ngay bên các con đường mòn qua lại hàng ngày mà không hề bị phá hoại, thay đổi, xước sát. Vậy mà giờ đây một số du khách từ xa xôi đến, tự cho phép mình phô bày những cách ứng xử rất thiếu văn minh và mang tính phá hoại như vậy, thật là đáng xấu hổ và cần phải bị phê phán. Vì thế, hiện nay việc lựa chọn những biện pháp thích hợp để bảo vệ các di sản quý giá này đang được tích cực quan tâm và thực hiện.

PHẠM HOÀNG HẢI


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss