Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Bạn có biết “Con gà” ở làng gốm Lái Thiêu không?

Bạn có biết “Con gà” ở làng gốm Lái Thiêu không?

- Hồng Lê Thọ — published 01/09/2015 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


“Con gà” ở làng gốm Lái Thiêu


Hồng Lê Thọ


LTS.  Blogger Hồng Lê Thọ (blog Người lót gạch - đã bị khoá), bị "bắt quả tang, khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự" ngày 29/11/2014, theo điều 258 Luật hình sự, đã được về nhà "tại ngoại điều tra" vào ngày 11/2/2015, một ngày sau blogger-nhà văn Nguyễn Quang Lập. Tuy nhiên,  anh chưa được trả tự do, không biết tới bao giờ vẫn còn bị "cấm cố tại gia", dù chẳng có khởi tố, xét xử gì cả !

May mà, "thân thể ở trong... nhà" nhưng tinh thần còn đủ cao, mới đây Hồng Lê Thọ đã cầm bút trở lại, viết một loạt 5 bài liền về gốm sứ - một đề tài anh vẫn thích thú từ lâu, gửi đăng trên tạp chí mạng Vietsciences, từ một câu chuyện "hữu duyên" với một chiếc bát men cổ tình cờ anh mua được (cả người bán và người mua đều không biết giá trị của nó, xem bài 1, Lần theo một bát sứ men ngọc thời Lý), qua một khảo luận khá công phu về di tích Hoàng thành Thăng Long và những tranh cãi hiện nay chung quanh các hiện vật được tìm thấy (bài 4, Đi tìm lại nền văn hoá Thăng Long xưa để tăng thêm lòng tự hào dân tộc ?) tới bài 5, Hàng giả, hàng thật... sự thật khó lường, trong đó anh đề cập tới thị trường "đồ cổ" thật ít, giả nhiều ở nước ta hiện nay. Bài dưới đây, anh gửi cho Diễn Đàn, tiếp tục mạch bài gốm sứ đó. 

Diễn Đàn trân trọng giới thiệu bài viết với bạn đọc, như một lời nhắc tới người bạn trí thức dũng cảm vẫn tiếp tục bị cấm cố vô lý chỉ vì đã phát biểu thẳng thắn quan điểm không chính thống của mình về nhiều vấn đề chính trị, xã hội của đất nước. Và nhất là, như một tiếng kêu đòi hỏi nhà nước phải trả tự do hoàn toàn cho anh, cũng như cho tất cả các tù nhân chính trị (những Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, và nhiều người khác nữa, những người bị cầm tù vì chính kiến của mình).


Cái chén rượu “con gà’ bên Tàu đã trở thành một đề tài nóng hổi trong năm 2014 vừa qua, người ta xôn xao, giới buôn đồ cổ bàn ra tán vào vì con gà đời Thành Hóa nhà Minh này đạt mức kỷ lục 36 triệu USD trong cuộc đấu giá diễn ra ngày 8/4/2014 vừa qua tại Hồng Kông. “Trúng thầu” là một người Trung Quốc tên Liu Yiqian, tay chơi chứng khóa hiện đang làm chủ một viện bảo tàng tư nhân ở Thượng Hải và nghe nói vợ chồng anh ta có số tài sản kếch sù hơn 1,6 tỷ USD(!). Theo nhà đấu giá Sotheby, chiếc tách này hiện chỉ còn 17 chiếc tách như thế này trên thế giới còn được lưu giữ đến ngày nay (có nguồn tin khác nói rằng hiện nay có dưới 20 và cũng có nơi cho rằng chỉ còn 10 chiếc chén rượu tương tự!). Trong số đó, 4 chiếc thuộc về các nhà sưu tập tư nhân và số còn lại đã nằm trong các viện bảo tàng. Kỷ lục trước đây của Sotheby là bán 32,4 triệu USD những món gốm sứ Trung Hoa vào năm 2010 vì vậy giá của chén rượu này đã lập nên một kỷ lục mới trong giới mua bán đồ cổ hiện nay.

Chén rượu  vua uống này xác định 500 năm tuổi và có đường kính 8 cm, bên ngoài được trang trí với họa tiết một đàn gà, có một gà trống và một gà mái đang kiếm ăn cùng bầy gà con. Chiếc ly sứ trắng nhỏ nhắn vẽ hình một đôi gà đang chăm sóc đàn gà con này được làm trong khoảng thời gian từ năm 1465 đến năm 1487, vào thời Hoàng đế Thành Hóa. Nicolas Chow, phó chủ tịch sàn đấu giá Sotheby’s châu Á miêu tả chiếc ly này là chiếc “chén thánh” của nghệ thuật Trung Hoa. Rằng “Đây là một kiệt tác huyền thoại của lịch sử gốm sứ Trung Quốc. Chiếc ly này được bao quanh bởi thần thoại” Chow nói như thế!

Được biết Ông Liu giàu lên nhờ tham gia vào thị trường chứng khoán Thượng Hải từ những năm 1990, và hiện nay ông đang làm chủ một tập đoàn khổng lồ kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.. Trước đó, ông Liu đã gây chấn động giới nghệ thuật khi mua một cuộn giấy thời nhà Tống với giá 8,2 triệu USD tại sàn đấu giá Sotheby ở New York, mặc dù sau đó các chuyên gia nói rằng đó chỉ là đồ giả (!)

Liu Yiqian uống trà bằng chiếc ly trị giá 36 triệu USD. (Nguồn: CCTVNews)

Được biết chiếc chén đời Minh này cũng đã được chuyên gia sứ gốm nổi tiếng đời Khang Hy, Càn Long … phỏng tác nhưng chất lượng men nung lẫn nghệ thuật đều không đạt như sản phẩm đời Minh(!). Vào cuối thời Minh, việc làm nhái những chiếc chén Đấu Thái Thành Hóa vẽ gà đã được sản xuất vì giá trị cao của những món nguyên bản.  Nhưng chất lượng của những món làm nhái này chưa thật tốt. Dưới triều đại nhà Thanh của các vị Hoàng Đế Khang Hy, Càn Long, và Ung Chính…(xem The Meiyintang 'Chicken Cup' (1) tất cả đều có làm những chiếc chén Đấu Thái vẽ gà. Một số mang hiệu đề riêng của triều đại, một số lại mang hiệu đề copy hiệu đề thời Thành Hóa. Ngay cả tại thời điểm này những nhà sưu tầm đã “rên rĩ” về giá mắc của những cái chén Thành Hóa và cả về số lượng lớn “hàng nhái” trôi nổi. Tất cả những bản copy chén Thành Hóa thời Thanh ngày nay đều bán ở giá cao tại các cuộc đầu giá. Năm ngoái một những chiếc chén Đấu Thái vẽ gà hiệu đề Càn Long được bán với giá gần 15.000 USD (2).



Chén Gà thời Khang Hy

Đấu giá Xuân Hồng Kông Christie’s 2015: Chén họa tiết con gà thời Ung Chính, khắc bốn chữ Khải,
đường kính 8cm. Giá bán dự kiến: 22 - 27 tỉ VND


Chén Gà thời Ung Chính

Một câu chuyện khá thú vị liên quan chiếc chén uống rượu về câu chuyện tình của nhà vua Thành Hóa với một cung nữ (Câu truyện về đồ sứ cung đình thời Thành Hóa: Vì yêu một người phụ nữ lớn tuổi hơn!) khá hấp dẫn, phải chăng đây cũng là một trong những lí do đẩy giá vượt trần?

Tương truyền rằng :

Hoàng Đế Thành Hóa trị vì từ 1464 đến 1487. khi ông ta còn bé, Cung nữ Wan được Hoàng Thái Hậu chỉ định làm vú ( bảo mẫu) để chăm sóc ông. Cung nữ Wan đã chăm sóc ngài không chỉ với tính cách của một người mẹ mà còn là một tình nhân. Vào lúc Hoàng đế Thành Hóa lên ngôi năm ngài 17 tuổi, Wan đã sữ dụng quan hệ tình cảm của mình với Hoàng Đế để tranh đoạt địa vị quyền lực trong cung đình. Cô ta đã thuyết phục được ngài bỏ rơi chính cung hoàng hậu  để thay mình vào ngôi vị ấy. Sau khi Thành Hóa lên ngôi được 02 năm, Wan hạ sinh cho Hoàng Đế một hoàng tử. Hoàng Đế rất yêu đứa con trai này nên lập tức tấn phong Wan lên hàng cao nhất trong các cung tần.Vị hoàng tử này mất sớm khi lên 01 tuổi, nhưng điều này không ảnh hưởng đến Hoàng Đế vì ngài chẳng yêu ai ngoài Wan. Wan thích ăn vận như nam nhân, tin rằng việc này giúp nàng hạ sinh được một đứa con trai khác. Nàng cũng thường tổ chức tế lễ để cầu xin mau mang thai. Những ghi chép lịch sử kể lại để thể hiện lòng thành Wan thường tổ chức đại lễ khấn vái 20 bàn ăn, thực phẩm chén đĩa cao đầy. vàng và bạc rải khắp sảnh nhằm gia tăng sức thuyết phục cho lời khấn nguyện. Đồng thời Wan cẩn thận để mắt đến những phi tần mà Hoàng Đế hay lai vãng. Nếu có ai trong số phi tần này mang thai, Wan sẽ ra lệnh phá thai. Nhưng mặc dù nỗ lực ngăn cản, một phi tần đã hạ sinh được một Hoàng nam. Vị phi tần này giấu Hoàng Đế và Wan và đã lặng lẽ nuôi dưỡng đứa con suốt 16 năm trong lãnh cung. Cuối cùng Wan mất năm 58 tuổi do đột quỵ và vị Hoàng Đế 40 tuổi sầu thương, trầm cảm và mất sau đó chỉ vài tháng…Hoàng Đế Thành Hóa si tình Wan đến mức mà người ta đồn rằng mỗi ngày trong năm ông đều tặng để vui lòng nàng một món quà. Rất nhiều trong số những món quà tặng này là những món gốm sứ nhỏ và xinh xắn. Trong số các dòng gốm sứ khác nhau, có một loại được gọi là Đấu Thái ( Doucai), đã được sản xuất rất sớm từ đầu Minh nhưng chất lượng của những món Đấu Thái thời kỳ đầu không thể nào sánh bằng đồ Đấu Thái được sản xuất dưới triều đại Thành Hóa. Một vài món quà được đặt làm tặng Wan chính là những chiếc chén Đấu Thái vẽ gà. Cũng có đồn đại rằng những chiếc chén Đấu Thái vẽ gà đã được sử dụng trong các tiệc lễ cưới hỏi. Đồ án vẽ gà gồm một chú gà trống nghẩng đầu, một con gà mái cúi đầu bận rộn tìm sâu, và 3 con gà con. Ở trôn chén có một triện hiệu đề  chữ Hán công bố chiếc chén được chế tạo dưới thời “ Đại Minh Thành Hóa”. Thư pháp làm triện là theo mẫu chữ viết của chính vị Hoàng Đế trẻ. Để làm vừa long vị phi tần ưa thích của ông, Thành Hóa đã ra lệnh cho các nghệ nhân sản xuất đa số những món đẹp là đồ Đấu Thái. Để làm được một món đồ cung đình hoàn hảo, phải làm nhiều món  và hủy đi những món thiếu hoàn hảo. Nhiều mảnh vỡ từ những món bị hủy này đã được tìm thấy tại những di chỉ lò gốm. Theo nhiều ghi chép, để chắc chắn làm được một cái chén thật hoàn thiện, 72 người thợ được điều động liên quan đến việc sản xuất này. Việc sản xuất đồ Đấu Thái làm thành hai giai đoạn. Đầu tiên cái chén được vẽ viền cảnh vật bằng men lam cobalt, phủ lên một lớp men trong rồi nung cao độ. Rồi thì tô điểm men màu khác lên trên men và cái chén lại được nung một lần nữa ở một nhiệt độ thấp hơn mà cho phép men màu hòa lẫn vào men nhưng phải không ảnh hưởng đến men ở khu vực không tô men màu. Điều này có nghĩa là giá thành để sản xuất những chiếc chén Đấu Thái vẽ gà là rất cao.  Vào cuối triều đại Minh, suốt thời Minh Vạn Lịch (1573 – 1620) nhiều nhà sưu tầm và học giả đã bắt đầu tường thuật lại giá thành cực kỳ cao của những chiếc chén Đấu Thái vẽ gà…(3)



Chén gà đời Minh (Thành Hóa)

Huyền thoại về chén rượu như vậy càng làm cho giới quyền quí (phong kiến ngày xưa lẫn dân sưu tầm cổ vật Trung Hoa ngày nay) mê tít, say mê đến hoảng loạn và tạo ra một sinh khí cho thị trường đồ cổ đắt giá, thật giả lẫn lộn.

Vậy các nhà sản xuất sứ gốm của nước ta không lẽ bó tay nhìn “thiên hạ” nhảy múa theo gà ?

Đặc biệt đồ án tranh “cát tường” với hình ảnh con gà trống trên tô, đĩa.. đã trở thành “thương hiệu” của gốm men màu Lái Thiêu

(ĐÔI NÉT VỀ GỐM NAM BỘ--Nguyễn Thị Hậu)



Rất may người viết đã phát hiện những con gà Lái Thiêu – một vùng gốm sứ hoa-việt – độc đáo và tương đối nhiều chủng loại hơn. Nói khác đi, nơi đây họ đã sản xuất những “đàn gà” tiêu biểu trong tô, bát, chậu... cũng khá xinh xắn, sinh động và không mấy đắt giá như đồ bên tàu, vừa hợp túi tiền vừa thỏa mãn được nhãn quan chẳng “gà mờ” chút nào(!). Tất nhiên màu men, độ trắng mịn và sự tinh xảo… của những vật dụng có tiết họa con Gà của Lái Thiêu không thể nào sánh kịp với hàng của Trung Quốc như chúng ta đã nhìn thấy qua các hình ảnh ở trên nhưng điều có thể nói được là hàng Lái Thiêu không hề phỏng họa tiết thời nhà Minh của các đời sứ gốm nổi tiếng bên ấy như Khang Hy, Ung Chính, Càn Long… để chạy theo mốt thời trang… như đã mô tả mà là đây là những nghệ thuật sáng tạo mới mặc dù có bàn tay của đối tác người Hoa khi sang VN lập nghiệp tại quê hương mới Lái Thiêu vào giữa thế kỷ thứ 19 (4)

Sứ gốm Gà của Lái Thiêu



9/2015

Hồng Lê Thọ

Chú thích:

(1) THE MEIYINTANG 'CHICKEN CUP' (An Exceptionally Important and Fine Doucai 'Chicken Cup' Mark and Period of Chenghua)

(2) Cuộc "chơi với lửa" của anh hai vùng lục tỉnh - Tin van hoa, http://vietbao.vn/Van-hoa/Cuoc-choi-voi-lua-cua-anh-hai-vung-luc-tinh/20478593/181/

(3) http://www.phongluuqb.com/co-ngoan/co-vat-the-gioi/cau-truyen-ve-do-su-cung-dinh-thoi-thanh-hoa-vi-yeu-mot-nguoi-phu-nu-lon-tuoi-hon.html

(4) Gốm Lái Thiêu là hiện tượng thuộc hàng độc đáo nhất trong số hàng chục làng nghề gốm trên khắp đất nước. Đây là sản phẩm của những người Trung Hoa đầu tiên đặt chân lên vùng đất trù phú miền Đông Nam bộ giữa thế kỷ 19. Ban đầu nó là sự kết hợp giữa các dòng gốm Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông của Trung Hoa. Về sau, trong từng nét gốm Lái Thiêu còn thể hiện sự giao thoa văn hóa nhuần nhị của người Hoa, người Việt và phương Tây. Có những món đồ trong bộ sưu tập này được trang trí vẫn còn mang màu sắc Trung Hoa như vẽ lan, vẽ trúc, nhưng cũng có những món đã vẽ hoa hồng, thậm chí hình quả địa cầu, mang dấu ấn hội họa châu Âu. Đặc biệt là sự chuyển hóa rất nhẹ nhàng từ những hình tượng của người Trung Hoa sang những hình ảnh gần gụi trong đời sống người Việt. Con chim sáo bên chùm hoa mẫu đơn thường gặp trên mặt gốm được thay dần bằng con chim trao trảo, sau đó hoa mẫu đơn cũng được thay luôn bằng hoa dâm bụt dung dị mà đất Bắc không thể có. [TS Nguyễn Thị Hậu, Khảo cổ vùng gốm Nam Bộ]



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss