Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / “Nhiều người lấy bằng cấp thay cho tri thức”

“Nhiều người lấy bằng cấp thay cho tri thức”

- Nguyễn Thị Từ Huy/Nhật Lệ — published 06/08/2011 16:43, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
... cũng phổ biến hiện tượng tri thức và những người làm ra tri thức thực sự thì bị bạc đãi, trong khi bằng cấp dởm và những người có bằng cấp dởm lại được trọng dụng. Giữa hiện tượng này và sự sa sút về kinh tế, yếu kém về quân sự, lệ thuộc vào nước ngoài, có quan hệ khăng khít với nhau, đáng tiếc là còn ít người hiểu được điều này. Và đáng tiếc nhất là những người quản lý ở các cấp chưa chứng tỏ là đã hiểu được điều này.


TS Nguyễn Thị Từ Huy


“Nhiều người lấy bằng cấp
thay cho tri thức”



TH

Điều gì khiến chị, một tiến sĩ văn học, thay vì “bổ một nhát cuốc” lên cánh đồng văn chương, lại đi dịch “Nietzsche và triết học” trước tiên? Bản thân mỗi việc đọc và hiểu được những tư tưởng của Nietzsche đã khó, huống hồ là đọc những biện giải về ông từ những nhà triết học khác.

Bởi vì nhiều khái niệm trong cuốn “Nietzsche và triết học” đã được ứng dụng vào nghiên cứu văn học: sự quy hồi vĩnh cửu, sức mạnh, sự thật, mặc cảm tội lỗi, nỗi đau… Triết học và văn chương có chung một mối quan tâm. Alain Robbe-Grillet nói rằng : « triết học và văn chương có cùng những đối tượng, tiếp tục cùng những nghiên cứu giống nhau, nhưng bằng những phương thức khác nhau ». Đôi khi văn chương đi trước triết học trong mối quan tâm này. Nhà văn Kundera khẳng định : « …tất cả những đề tài hiện sinh lớn mà Heidegger phân tích trong tác phẩm Tồn tại và thời gian, cho rằng chúng đã bị toàn bộ nền triết học châu Âu trước đó bỏ rơi, thì lại đã được khám phá, phô bày, soi sáng bởi bốn thế kỷ tiểu thuyết châu Âu. » Muốn phát triển văn học và nghiên cứu văn học, cần có nền tảng triết học. Đấy là lý do vì sao tôi chọn dịch cuốn sách của Deleuze. Còn về chuyện “khó”, tất nhiên là rất khó. Nhưng cái khó cũng có sức hấp dẫn của nó. Nó giúp ta khám phá các giới hạn của trí tuệ, nó giúp ta cảm nhận sự may mắn rằng ta được sở hữu một trí tuệ mà không phải loài động vật nào cũng có.

Deleuze nhận thấy rằng, đối với Nietzsche, triết học phải tiến hành công việc phê phán, triết học trở thành triết học phê phán…Và triết gia chính là kiểu người phê phán. Ông ta phải luôn chống lại thời đại mình, phải luôn phê phán thế giới hiện tại. Liệu những giá trị của tư tưởng Nietzsche có phù hợp với tư duy phương Đông, nhất là đối với tư duy người Việt ?

Tôi nghĩ rằng chúng ta là con người, trước khi là người Việt Nam, do vậy chúng ta cũng có những đặc điểm phổ quát của con người, chúng ta cũng mang các giá trị phổ quát của con người. Chúng ta có thể học được từ kinh nghiệm của nhân loại những gì hữu ích cho sự phát triển của chúng ta. Đấy là điều mà người Nhật đã làm, điều đã góp phần tạo nên sức mạnh của Nhật Bản hiện nay. Phan Châu Trinh trước đây đã rất ý thức về chuyện này, ông đã nói rằng: “ Người Nhật học [thế giới] như vậy, ta chẳng học gì cả, mất nước là phải ”, tôi dẫn theo Nguyên Ngọc trong bài “Đem tinh hoa tri thức của nhân loại về cho đất nước. Một sự nghiệp lớn và cấp thiết” [ Doanh nhân Sài Gòn cuối tháng, số 2, tháng 5.2007, tr. 76].

Chị đặt một vấn đề rất hay, rằng « trong lập luận của Nietzsche về mối quan hệ giữa triết học và tình trạng sức khỏe của dân tộc, có một điểm mà ông chưa bàn tới : liệu một dân tộc bệnh hoạn có thể trở thành một dân tộc lành mạnh được không ? » Mặc dù khi ấy, chị đã biết trước câu trả lời : « Khi một dân tộc ốm yếu bệnh tật bắt đầu quan tâm đến triết học, bắt đầu thấy cần đến triết học (cho dù nó chưa đủ khả năng để làm ra triết học) thì đó có phải là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của nó bắt đầu hồi phục, một dấu hiệu dự báo rằng nó có thể trở thành một dân tộc lành mạnh, cường tráng trong tương lai ? » Có bao giờ, câu trả lời từ bản thân chị bị lung lay hay không ?

Đời sống không phải là một trạng thái tĩnh, bất biến, mà nó luôn vận động và tiềm tàng những khả năng biến đổi. Con người cũng vậy. Khả năng biến đổi này được Sartre gọi là hạt nhân “hư vô”, hay sự “tự do” của con người. Tuy nhiên, sự biến đổi có thể diễn ra theo nhiều hướng khác nhau, có thể tồi tệ đi, cũng có thể tiến bộ lên. Tôi đặt niềm tin, sự ngây thơ, và ảo tưởng của tôi vào xu hướng tiến bộ, tức là vào cái khả thể: bệnh có thể lành, dân tộc có thể trở nên cường tráng. Ảo tưởng sẽ trở thành hiện thực khi có những người hành động, và nhất là khi những người hành động càng ngày càng nhiều lên.

Phải chăng đó chính là điều thôi thúc chị muốn dịch một cách hệ thống những tác giả quan trọng của triết học và văn học Phương Tây được coi là đương đại, ít hoặc chưa từng được giới thiệu ở Việt Nam ?

Đối với tôi, đó chính là hành động. Hành động trong lĩnh vực của mình, trong phạm vi nghề nghiệp của mình.

Giữa triết học và văn chương, mối quan hệ hình và bóng lâu nay vẫn bị tách nửa ở VN. Vậy chị nhìn nhận thế nào về một nền văn học thiếu vắng tư tưởng triết học « ngoài luồng »?

Nhiều nhà văn không đọc triết học, nhưng khi họ quan tâm tới những việc như họ là ai, đời sống này có ý nghĩa gì, nó vận động như thế nào, sự thật của đời sống này là gì, họ đóng vai trò gì đối với toàn bộ cái dòng chảy được gọi là lịch sử, họ có quan hệ như thế nào với những người khác, với cộng đồng, họ tìm kiếm điều gì, họ có thể làm gì, họ không thể làm gì, đời sống tinh thần của họ như thế nào v.v…thì họ đã gặp gỡ với những vấn đề của triết học.

Tuy nhiên, những mối quan tâm này càng trở nên có ý thức hơn, sâu sắc hơn, nếu như nhà văn tiếp xúc với các tác phẩm triết học. Một số nhà văn nước ngoài còn dùng tác phẩm của mình để đối thoại với các triết gia.

Một nền văn học thiếu vắng triết học vẫn có thể đẻ ra các tác phẩm có giá trị khi các nhà văn quan tâm thực sự đến những vấn đề thuộc về thế giới này, một sự quan tâm vô vị lợi, một sự quan tâm cho thấy tư cách người của họ. Điều đó, kỳ lạ thay, có thể đưa họ lại gần với triết học, mà đôi khi họ không biết.

Lao vào làm những cái khó, dịch những tác phẩm kén người đọc, làm luận án nghiên cứu về Alain Robbe Grillet- nhà văn của những nghịch lý, việc lội ngược dòng này có khiến chị liên tưởng đến hình ảnh « lặn lội thân cò nơi quãng vắng », khi mà những giá trị tri thức gần như chưa được đánh giá cao hoặc ít ra, được tưởng thưởng xứng đáng ?

Voltaire qua truyện Candide cho ta thấy rằng sự độc ác và ngu dốt gắn liền với nhau như con gà và quả trứng, nghĩa là không biết cái nào đẻ ra cái nào. Quan niệm đó là quan niệm chung của các nhà khai sáng ở châu Âu thế kỷ XVIII, những người ý thức được rằng tri thức chính là sức mạnh, khả năng tư duy độc lập làm nên sức mạnh cho con người. Kant nói rõ điều đó trong bài “Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?” Chính vì thế mà trí thức phương Tây hồi đó đã phát động cả một phong trào rộng lớn nhằm đưa ánh sáng của tri thức để xóa đi bóng tối của sự ngu dốt. Và phương Tây ngày nay hiểu rất rõ giá trị của tri thức, cho dù họ không còn tuyệt đối hóa lý tính nữa. Tôi làm việc với hy vọng rằng xã hội chúng ta sẽ đánh giá đúng giá trị và ý nghĩa của tri thức, trước khi quá muộn. Mà lúc này cũng đã là quá muộn rồi. Một trong những dấu hiệu, đó là chúng ta đang lấy bằng cấp thay cho tri thức. Vì thế chúng ta có thể có bằng cấp (có nhiều) nhưng không có khả năng giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Hoặc là cũng phổ biến hiện tượng tri thức và những người làm ra tri thức thực sự thì bị bạc đãi, trong khi bằng cấp dởm và những người có bằng cấp dởm lại được trọng dụng. Giữa hiện tượng này và sự sa sút về kinh tế, yếu kém về quân sự, lệ thuộc vào nước ngoài, có quan hệ khăng khít với nhau, đáng tiếc là còn ít người hiểu được điều này. Và đáng tiếc nhất là những người quản lý ở các cấp chưa chứng tỏ là đã hiểu được điều này.

« Ta không bao giờ trùng khít với chính mình »- trên con đường tìm kiếm tự do nội tại, Alain Robbe Grillet đã nhận ra luôn có một con người khác trong mình. Chị có thể nói gì về con người khác trong chị, một con người của thơ (dữ dội, hoài nghi, băn khoăn, tự vấn, rất khác với vẻ ngoài), một con người của phê bình văn học (không khoan nhượng, không thỏa hiệp, không thủ cựu) ?

Tôi không biết nói gì thêm ngoài những gì đã được viết ra, đã được công bố. Cảm ơn chị đã đọc tôi rất kỹ.

Tập thơ « Chữ cái » như một giọng nói khác biệt giữa đám đông, một thân thể được khoác ngoài bằng chiếc áo chữ quá chật. Người ta vẫn thường làm đau « cái tôi của chữ », như vẫn thường làm thế với con người. Đến nay, chị đã gần hoàn tất tập « Biến mất », với nỗ lực « vít vào khoảng trống một hiện diện rỗng”, để “chân trời của biến mất mở vào những thế giới khác/những thế giới biến mất trong những thế giới khác”. Tập “Biến mất” mang cá tính thơ nhiều hơn tập đầu. Liệu có phải “biến mất” là một cách tự giải thoát của những con người đã ở đến đỉnh điểm của sự cô đơn, của nỗi đau, bất lực hay của trống rỗng trong thân xác?

Tất cả chúng ta rồi sẽ biến mất khỏi cõi đời này. Nhưng một khi đã biến mất rồi thì không còn ý thức được về sự biến mất của mình nữa. Vì thế, có một lúc trong đời, vào đầu năm 2008, tôi muốn trải nghiệm cảm giác đó, để sau khi trở lại, có thể nắm bắt được ý nghĩa của sự biến mất.

Rồi khi trở về với thực tại, từ “biến mất” đối với tôi có nhiều ý nghĩa hơn. Trong thực tại của xã hội chúng ta, những điều tốt đẹp đang dần dần biến mất. Và tôi tự hỏi, cái gì là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của cái xấu và cái ác, cái gì làm biến mất những giá trị tốt đẹp, làm đảo lộn các chuẩn mực? Tập “Biến mất” là những câu hỏi khác với những câu hỏi đặt ra trong tập “Chữ cái”. Nhiều câu hỏi chưa được thể hiện trong tập thơ này, vì nó chưa kết thúc. Ví dụ: chúng ta nên để lại điều gì sau khi biến mất khỏi thế giới này: những cái nhà, những cái ô tô, các tài khoản trong ngân hàng của các cá nhân? Và song song là môi trường bị phá hủy, tài nguyên mất mát, nợ nần chồng chất cho thế hệ tương lai, một nền giáo dục lạc hậu, kiềm tỏa và áp chế con người, những nỗi oan khuất không được hóa giải, sự mất thể diện chung của toàn dân tộc…? Hay là ta nên để lại tri thức, các công trình văn hóa đích thực, các giá trị nhân đạo và một xã hội lành mạnh để con cháu sinh ra có thể tự hào vì được làm hậu sinh của một dân tộc cường tráng?

Milan Kundera từng viết: “Nếu ta không biết hiện tại sẽ dẫn  ta tới tương lai nào, làm sao ta có thể nói rằng cái hiện tại này là tốt hay xấu… », chúng ta đang ở trong một hiện tại nhiều đau đớn, thay đổi, sợ hãi, nơi cái ác, cái dốt nát đang mọc mầm nhanh hơn lúc nào hết, vậy chị sẽ nói gì về một tương lai gần?

Liệu tôi có thể nói gì về tương lai khi không có đủ thông tin về hiện tại? Trong thời đại mà thông tin trở thành sức mạnh như hiện nay, thì cả điều này nữa chúng ta cũng chưa ý thức được: tước bỏ thông tin cũng đồng nghĩa với việc tước bỏ khả năng phân tích, khả năng tư duy; từ chối và ngăn cấm việc đối diện với thực tại cũng đồng nghĩa với việc tước bỏ khả năng tác động tới thực tại, mà nếu không có sự tác động đó thì cũng không có sự phát triển, không chuẩn bị được cho tương lai. Lâu dần, tất cả chúng ta sẽ chỉ còn là những cá thể bị lệ thuộc và bị chi phối bởi thực tại, cả tương lai cũng bị chi phối bởi thực tại. Điều đó giải thích tại sao thái độ thích nghi được đề cao trong xã hội chúng ta. Nhưng thích nghi cũng đồng nghĩa với sự dừng lại, không phát triển.

Tuy nhiên, từ góc độ một nước chậm phát triển, thích nghi còn được hiểu theo hướng khác: thích nghi với bối cảnh chung của thế giới, bởi chúng ta đang ở trong thời đại toàn cầu hóa. Thích nghi với sự tiến bộ, thích nghi với thế giới hiện đại. Sự thích nghi này, trái lại, đòi hỏi phải cải cách, phải cách tân, phải can đảm từ bỏ thực tại mình đang có để tạo ra một thực tại khác. Không thể có sự phát triển nếu không chịu từ bỏ cái mình đang là để hướng tới cái mình sẽ là. Đó là một quá trình có thể đau đớn, có thể mất mát, nhưng sẽ có một bước phát triển cao hơn. Còn nếu cố giữ thực trạng hiện tại này, thì cũng không lấy gì đảm bảo là không có mất mát trong tương lai.


Nguyễn Thị Từ Huy/Nhật Lệ

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss