Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Bảo tồn di sản đô thị : chính quyền và xã hội

Bảo tồn di sản đô thị : chính quyền và xã hội

- Nguyễn Thị Hậu — published 23/03/2019 11:57, cập nhật lần cuối 23/03/2019 11:57

BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ: 

VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN VÀ XÃ HỘI (*)



Nguyễn Thị Hậu



1. Di sản văn hóa ngày nay được gắn liền với khái niệm “ký ức cộng đồng”.

Tầm quan trọng của ký ức cộng đồng đặc biệt hơn ở các đô thị, nơi mà mối liên hệ và tính gắn kết của cộng đồng chưa sâu bền bằng ở nông thôn. Ký ức cộng đồng góp phần xác định cảnh quan tự nhiên và nhân văn – môi trường sống, phản ánh các thành tố văn hóa và sự nhận thức về các yếu tố đó của cộng đồng dân cư đô thị. Nó góp phần tạo dựng truyền thống và làm dày thêm lịch sử đô thị.

Nhìn chung các khái niệm về “di sản đô thị” đều đề cập đến một số yếu tố như: các công trình kiến trúc, cảnh quan tự nhiên và quy hoạch đô thị… phản ánh về lịch sử, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, quy hoạch đô thị và văn hóa các cộng đồng dân cư. Bảo tồn di sản đô thị cũng chính vì những yếu tố đó. Tuy nhiên, “tiêu chí” cụ thể của một đối tượng được coi là di sản khi hội đủ ba điều kiện:

- Tính truyền thông: Mỗi công trình luôn mang nhiều ý nghĩa với một cộng đồng, các ý nghĩa có thể khác nhau trong mỗi thời đại, vì vậy công trình tồn tại là biểu hiện của lịch sử, sự chia sẻ đồng thời tích lũy các giá trị qua thời gian.

- Tính khoa học: Công trình có giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… có khi là những giá trị không thể thay thế được. Tiêu chí này nhằm bảo tồn bản chất của di sản, nhất là trong trường hợp “tính truyền thông” của di sản bị hạn chế do sự thay đổi xã hội mà phổ biến nhất là sự thay đổi thể chế trong thời hiện đại.

- Tính kinh tế: Là những công trình vật chất nên sự mất mát di sản làm thiệt hại về vật chất, thiệt hại về kinh tế từ giá trị và ý nghĩa của nó mang lại.

Ngoài những công trình còn khá nguyên vẹn để dễ dàng nhận thức, đánh giá giá trị nhiều mặt, những tàn tích, phế tích còn mang giá trị hồi tưởng lịch sử, giá trị này bù đắp cho sự thiếu hụt giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, là tiêu chí quan trọng để bảo tồn thậm chí phải bảo vệ cấp bách.

Những tiêu chí trên được xác lập do chủ quan con người mội thời đại, mỗi thể chế, vì vậy một công trình hay quần thể công trình, cảnh quan có là “di sản” hay không phụ thuộc vào mỗi xã hội, cộng đồng, thậm chí từng cá nhân, kể cả việc bảo tồn di sản cũng vậy. Do di sản là “ký ức cộng đồng” nên bảo tồn di sản là gìn giữ và làm dày thêm ký ức, nối dài thêm lịch sử cộng đồng trong đó có lịch sử từng con người. Phá hủy di sản là xóa bỏ ký ức, hành vi này làm thiệt hại cho xã hội và gây tổn thương về tinh thần cho cộng đồng. Một chính quyền có thể đủ “sức mạnh” (vật chất, “lý lẽ”) để phá bỏ di sản của (các chính thể) quá khứ, nhưng sẽ làm tổn hại ngay tính chính danh và sự văn minh của chính quyền ấy.

Di sản đô thị Sài Gòn chỉ trong vài năm gần đây đã bị phá một cách triệt để ở khu trung tâm thành phố. Dấu vết cảnh quan đô thị xưa biến mất chen vào đó là những công trình mới, như đánh giá của nhiều nhà chuyên môn là không độc đáo về kiến trúc và không hài hòa về cảnh quan, nhất là trên tuyến đường Đồng Khởi.

Khu Ba Son trước khi bị phá (ảnh Internet)

Vào năm 2016 di tích lịch sử Ba Son bị xóa sổ là một thất bại nặng nề của việc bảo tồn di sản đô thị ở TP.HCM. Ngoài di tích lịch sử hơn 200 năm từ thời Chúa Nguyễn Ánh, Ba Son còn là di tích hiếm hoi về thời kỳ khởi đầu công nghiệp đóng tàu của nước ta. Mặt khác, toàn bộ cảnh quan sông nước và di tích cần được phục vụ lợi ích cộng đồng cư dân nhưng hiện nay nó hoàn toàn nằm trong dự án dành cho một thiểu số người. Và đến năm nay, 2018 là thông tin về tòa nhà “Dinh Thượng Thơ” ở ngay phía sau Dinh Xã Tây – UBNDTP sẽ bị đập bỏ để xây một công trình “hiện đại” chức năng như trung tâm hành chính của thành phố.

Một vấn đề luôn được đề cập đến trong quy hoạch đô thị lâu nay, đó chính là bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị: bên nào sẽ thắng hay có phương pháp nào để hai bên cùng thắng? Hầu như ở các đô thị di sản luôn đứng trước sự lựa chọn: lợi ích kinh tế trước mắt hay lâu dài, lợi ích của một nhóm nhỏ hay của cộng đồng? Câu trả lời của chính quyền thế nào sẽ tìm ra phương pháp giải quyết như thế.

2. Một số phương thức bảo tồn di sản trong các mối quan hệ của di sản với đời sống đô thị hiện nay.

2.1 Bảo tồn di sản gắn với và từ chính sách của chính quyền:

Chính quyền đô thị và các cơ quan quản lý chuyên môn về di sản văn hóa khẩn trương chỉ đạo và thực hiện việc thống kê, đề xuất danh sách các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn để chính quyền xem xét và quyết định. Bên cạnh đó cần nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo tồn, nhất là đối với các công trình có giá trị từng mặt kiến trúc, nghệ thuật hay lịch sử nhưng chưa đầy đủ điều kiện để xếp hạng di tích. Chính quyền cần có những chính sách đa dạng, linh hoạt phù hợp với thực tế, đặc biệt hài hòa được quyền lợi của người dân với Nhà nước, có như thế mới có thể bảo tồn và gìn giữ các công trình kiến trúc có giá trị.

Những ý kiến, đề xuất của cộng đồng về giá trị của một công trình, thậm chí chỉ một thông tin liên quan hay phản ánh giá trị công trình, cần được chính quyền và nhà quản lý lưu tâm, xác minh và minh bạch trước công luận, để tạo sự đồng thuận trong việc bảo tồn di sản.

2.2 Bảo tồn di sản gắn với cuộc sống người dân, sinh hoạt của cộng đồng:

Nhiều công trình kiến trúc, nhất là nhà cổ… người dân làm chủ sở hữu và hiện đang cư ngụ. Bảo vệ các công trình này như thế nào để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân là điều không đơn giản. Vì nhu cầu sinh hoạt, người dân muốn sửa chữa, cơi nới nhà, cửa hàng… nhưng gặp không ít khó khăn trong cơ chế bảo tồn, quản lý của Nhà nước. Cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa di tích và quyền lợi của người dân. Việc bảo tồn, gìn giữ công trình kiến trúc có giá trị nhưng phải đảm bảo tốt nhu cầu sống và phát triển kinh tế, xã hội của người dân. Người dân – chủ sở hữu của di tích phải được hưởng một phần lợi nhuận từ nguồn lợi mà các di tích đem lại.

Những công trình công cộng, ngay cả vỉa hè lề đường của các khu phố cổ/ cũ, nơi đã có những sinh hoạt từ lâu đời của người dân như buôn bán vỉa hè, cửa hàng, đi bộ ngắm phố phường... nằm trong phạm vi “khu vực di sản, khu vực ký ức” thì hết sức thận trọng khi tác động vào đó. Bởi vì sẽ gây nên xáo trộn, thay đổi và làm tổn hại đến những “đặc điểm nhận diện” mà nhờ đó các cộng đồng khác biết đến.

2.3 Bảo tồn di sản gắn với sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng

Sự hiện diện của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ngoài ý nghĩa truyền thống, lịch sử còn là yếu tố quan trọng cho “sự cân bằng tinh thần” trong đời sống quá vội vã và bề bộn của đô thị. Việc bảo tồn các công trình này, vì thế, còn mang đến giá trị tinh thần cho đời sống hiện đại chứ không chỉ có giá trị về tôn giáo, tín ngưỡng. Một thực tế là khi các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng diễn ra thường xuyên, lành mạnh thì giá trị của di sản càng được trân trọng, cộng đồng càng hiểu rõ và tích cực tham gia bảo vệ di tích. Thông qua đó việc phát huy giá trị di sản tôn giáo, tín ngưỡng chủ yếu thuộc về cả cộng đồng kể cả người không theo tôn giáo tín ngưỡng. Cũng cần thấy trùng tu, tôn tạo di tích tôn giáo tín ngưỡng hiện nay phần lớn là nhờ, từ cộng đồng. Đó cũng là một cách thức cộng đồng bảo vệ ký ức của mình và di truyền cho đời sau.

2.4 Bảo tồn di sản gắn với hoạt động du lịch

Phát huy giá trị di sản gắn với hoạt động du lịch là đặc trưng quan trọng của bảo tồn di sản đô thị. Một di tích là tổng hòa các yếu tố cấu thành như kiến trúc, trang trí nghệ thuật, cổ vật và sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh, đặc sắc cùng các hoạt động quảng bá du lịch. Du khách đến các di tích lịch sử văn hóa, khu vực trung tâm đô thị cổ với các công trình kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan văn hóa đặc trưng... bên cạnh việc tìm hiểu về hoạt động giải trí, kinh tế, tín ngưỡng hay tôn giáo còn muốn đến chiêm nghiệm giá trị những công trình lịch sử, văn hóa hiện hữu. Do đó, di tích, kiến trúc, cảnh quan và những hiện vật cổ cần được giữ gìn để phục vụ cho các hoạt động tham quan du lịch. Đây là giải pháp để sinh lợi cho các công trình kiến trúc, phát huy giá trị công trình một cách phù hợp và bền vững.

Khách sạn Continental ở góc đường Đồng Khởi (Catinat cũ, ảnh Internet)

2.5 Bảo tồn di sản gắn với sự nhập cuộc của nhà nghiên cứu, đồng thời chuyển giao tri thức cho cộng đồng.

Sự nhập cuộc của các nhà nghiên cứu không chỉ hiểu đơn giản là thực hiện việc các công trình nghiên cứu. Nghiên cứu nhằm tạo cơ sở khoa học và pháp lý để bảo tồn di sản, giúp chính quyền và chủ nhân di tích hiểu biết giá trị mọi mặt của di sản, từ đó có biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị. Mặt khác, nghiên cứu thực chất cũng có vai trò phát huy giá trị di sản vì góp phần quảng bá hình ảnh của di sản ra bên ngoài một cách rộng rãi và đúng đắn, thông qua các phương tiện truyền thông mà phổ biến là sách báo, tạp chí, internet... Mối quan hệ giữa bảo tồn và nghiên cứu còn thể hiện ở chỗ: càng có nhiều công trình nghiên cứu sâu về nhiều lĩnh vực khác nhau thì việc bảo tồn và phát triển càng đúng hướng, nhất là hiện nay – giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ ở tất cả các thành phố. Quá trình nghiên cứu cũng là quá trình truyền bá, “chuyển giao” tri thức và ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho cộng đồng. Đó là một trách nhiêm quan trọng của nhà nghiên cứu.

2.6 Bảo tồn di sản bằng sự tham gia của cộng đồng trong vai trò phản biện, góp ý và giám sát:

Những trường hợp phá hủy di sản đô thị tại TP.HCM vừa qua đều ít nhiều phản ánh vai trò, sự hiểu biết của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa thành phố. “Sức ép” từ công luận buộc chính quyền, nhà quản lý phải xem xét lại chính sách, quy trình quản lý và bảo tồn di sản. Mặt khác, nó cho thấy trách nhiệm, vai trò của các bên liên quan trong việc hủy hoại các di sản. Đây là một trong những hoạt động bình thường của xã hội dân sự, khi ý thức cộng đồng ngày càng tự giác trên cơ sở những hiểu biết khoa học và pháp luật.

Tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều người trẻ, nhiều giới nhiều ngành cùng lên tiếng với thiện ý nhằm giúp chính quyền thành phố tìm ra giải pháp phù hợp trong việc bảo tồn các công trình, khu vực di sản. Đặc biệt, nhiều tri thức và kinh nghiệm của thế giới thông qua hiểu biết của cộng đồng chứ không chỉ bó hẹp trong giới học thuật như trước kia. Đây chính là nguồn tri thức mà nhà quản lý và nhà đầu tư cần tham khảo và trang bị cho mình để có thể hành xử phù hợp với di sản của thành phố, đồng thời cũng làm tăng thêm giá trị kinh tế của bất động sản cùng với thương hiệu của doanh nghiệp.

2.7 Bảo tồn di sản từ các chương trình Quy hoạch kinh tế xã hội của thành phố

Hiện nay phương pháp quy hoạch tổng hợp đa ngành được vận dụng nhằm hạn chế nhược điểm của quy hoạch KTXH, trong đó việc bảo tồn chỉ dựa vào quy hoạch xây dựng khu di tích. Để thể hiện đầy đủ ý nghĩa và nội dung của di sản đô thị thì những Dự án quy hoạch KTXH cần coi Dự án bảo tồn di sản đô thị là quan trọng không kém quy hoạch đất đai hay hạ tầng...

Xây dựng các Dự án bảo tồn di sản cần có đầy đủ các tiêu chí sau khai thác từ thông tin về di sản đô thị trong mối quan hệ liên ngành:

- Đặc trưng và các giá trị nổi bật khu vực/quốc gia (giá trị tự thân và giá trị tiềm ẩn)

- Mối quan hệ cơ tầng văn hóa: địa lý – khảo cổ - tộc người

- Mối đe dọa từ tự nhiên và con người: thực trạng và dự báo

- Hiện trạng di tích: nhất là khả năng bền vững trong môi trường mới: đô thị hóa, biến đổi khí hậu..

- Lịch sử và kinh nghiệm bảo tồn khu di tích (nếu có)

- Các giá trị văn hóa khác trong khu vực di tích

- Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật

- Quy hoạch phát triển du lịch gắn kết dịch vụ - văn hóa – sinh thái

- Cơ hội phát triển kinh tế và những giải pháp thích ứng.

- Sự tham gia của cộng đồng trong kinh tế, du lịch, bảo tồn di sản

- Môi trường thể chế, chính trị phù hợp, thuận lợi

- Sự tham gia, phối hợp và hỗ trợ của các đối tác

- Xây dụng quỹ bảo tồn và nguồn tài trợ...

Di sản văn hóa nói chung, di sản đô thị nói riêng, cần được coi là tài sản, nguồn vốn xã hội quan trọng và lâu dài chứ không phải là một “gánh nặng’ của việc bảo tồn, trùng tu hay là sự cản trở quá trình “hiện đại hóa”. Do vậy, di sản cần luôn được bảo vệ trước những phản ứng, hành vi thậm chí phải được nằm ngoài sự “tranh cãi” giữa “bảo tồn và phát triển”, để có thể chính danh tham gia vào những quy hoạch chiến lược phát triển của đô thị, của quốc gia.

Sau khi xác định giá trị di sản, các nhà chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc, lịch sử, bảo tồn sẽ đề xuất phương án lưu giữ công trình cổ làm bảo tàng hoặc làm khu nghệ thuật cho người trẻ; thậm chí là khu thương mại nhưng bên trong cái “kiến trúc cũ” chứ không phải phá đi xây công trình mới. “Lợi nhuận” từ di sản sẽ đạt được bằng cả kinh tế và văn hóa, lợi nhuận ấy là bền vững và tích lũy theo giá trị di sản. Thực tế ở nước ta nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng không được như vậy, các nhà đầu tư thường chọn “tiền tươi thóc thật” ngay và luôn! Đáng tiếc là các nhà quản lý, chính quyền đô thị cũng không quan tâm đến một phương thức khác!


3. Mối quan hệ giữa nhà quản lý và cộng đồng trong bảo tồn di sản đô thị


3.1 Thực tiễn nhiều năm nay tại TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, những thực trạng diễn ra tại TP. HCM cho thấy dường như chính quyền đô thị vẫn còn cho rằng, vùng lõi đô thị nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa chỉ là vùng “đất vàng”, thậm chí “đất kim cương”, chưa coi đây là “vùng di sản, vùng ký ức”. Do đó, việc thực thi bảo tồn di sản chưa nhất quán theo quan điểm: Di sản phải quý hơn vàng hơn kim cương! Vì đây là sự kết tinh bao nhiêu giá trị, được lưu truyền lại và là tài sản chung của tất cả cư dân. Không thể đánh đổi vội vã trong một thế hệ hay một “nhiệm kỳ” - để lấy sự tăng trưởng (?) kinh tế nhất thời!

Để bảo tồn di sản đô thị có hiệu quả cần có sự kết hợp giữa ba thành phần liên quan về “trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ” là nhà quản lý, nhà chuyên môn và cộng đồng dân cư đô thị và những người quan tâm. Trên thực tế ngoài ba thành phần trên giờ đây có thêm một đối tượng nữa chính là những nhà đầu tư vào đô thị. Trong quá trình hiện đại hóa đô thị hóa hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư ở đô thị hoặc từ là nơi khác đầu tư vào đô thị. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản mang lại kết quả tốt nhất thì nhà đầu tư cũng phải có sự liên kết với ba đối tượng kia. Mối liên kết ở đây là gì?

Chính quyền là người thay mặt dân cư quản lý đô thị, trong quy hoạch của chính quyền phải có hoạch định và quan điểm rõ ràng về bảo tồn di sản: phá hay giữ? Nếu như chính quyền kiên quyết giữ, thì phần tiếp theo là lắng nghe tư vấn từ các nhà chuyên môn xem giữ như thế nào, giữ đến đâu. Không phải cái gì thuộc về “đồ cổ” cũng giữ nhưng nếu có giá trị di sản đô thị thì bắt buộc phải được bảo tồn, trùng tu và sử dụng có hiệu quả!

Sau khi lắng nghe tư vấn, phải lựa chọn nhà đầu tư có cùng quan điểm và tôn trọng quyết định của chính quyền, tức là nhà đầu tư có tầm văn hóa và có tâm vì “lợi ích muôn đời”. Cái tầm văn hóa ở đây thể hiện nhà đầu tư hiểu biết về giá trị di sản. Nhà đầu tư có thể không có lợi nhuận ngay nhưng sẽ nhận được sự tôn trọng của cộng đồng, và khi nhà đầu tư có những cách thức “khai thác” phù hợp thì di sản ấy phát huy giá trị nhiều hơn, tăng giá trị văn hóa và cả giá trị kinh tế của nó. Tầm nhìn của chính quyền và nhà đầu tư là ở đây: không phá di sản đi chỉ để kiếm tiền từ đất.Vì vậy nếu cạnh chính quyền, nhà đầu tư không có tầm văn hóa, không có tâm với di sản của một vùng đất, mở rộng hơn là của đất nước thì tất yếu dẫn đến thực trạng di sản văn hóa bị phá hủy.

Cuối cùng là ý thức cộng đồng, thể hiện sự hiểu biết và trách nhiệm bảo vệ và lưu truyền “tài sản văn hóa”, “vốn xã hội” cho đời sau. Sự quý trọng và “công nhận” của cộng đồng đối với di tích cổ là bước đầu buộc chính quyền có cách ứng xử phù hợp: làm hồ sơ công nhận di tích và những việc tiếp theo. Ở thời điểm hiện nay tiếng nói của cộng đồng rất quan trọng nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn là chính quyền. Khi chính quyền không có thái độ rõ ràng, quan điểm đúng đắn đối với di sản thì không thể thực thi bảo tồn di sản.

Tình trạng phá hủy di sản tại khu trung tâm Sài Gòn hiện nay đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều của người dân, việc chính quyền cần ứng xử là không để cho người dân có thêm những phản ứng tiêu cực. Không thể cho rằng, bảo tồn làm hạn chế phát triển hoặc đã phát triển thì dứt khoát phải phá di sản. Qui hoạch đô thị các nước xung quanh đã có rất nhiều bài học mà Việt Nam, TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng được.

Trong quy hoạch phát triển TP.HCM dứt khoát khu vực di sản phải được bảo tồn tuyệt đối. Tất cả những công trình mới không được xây dựng trong vùng lõi di sản của đô thị chính là khu vực quận Một. Nếu lấy Nhà Thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất làm tâm thì có thể kéo ra bán kính khoảng 1- 2km là khu vực rất “nhạy cảm” về di sản, có tác động lớn đến ký ức, tình cảm, thái độ của cộng đồng.

Di sản đô thị tốt đẹp, đặc sắc của Sài Gòn là một lợi thế để các nhà đầu tư vào đây vì mang lại cho họ sự thiện cảm với thành phố. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng coi di sản văn hóa là một lợi thế, thậm chí họ coi đó là vật chướng ngại để phá đi chứ không phải là giá trị để giữ lại. Nhưng nhà đầu tư không thể làm điều đó nếu không được chính quyền đồng ý. Quyết định bảo tồn di sản đô thị và “phát triển bền vững” hay không là trách nhiệm của chính quyền.

3.2 Một trường hợp gần đây điển hình về mối quan hệ này: Dinh Thượng Thơ

Dinh Thượng thơ là một trong những công trình kiến trúc lâu đời của TP.HCM. Công trình do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Người dân đương thời gọi là Dinh Thượng Thơ. Qua nhiều thời kỳ, tòa nhà được cải tạo, mở rộng để phục vụ cho việc cai trị của người Pháp như Bộ Nội vụ, trụ sở Bộ Kinh tế. Sau khi thống nhất đất nước, công trình trở thành trụ sở của Sở Công thương và hiện là trụ sở làm việc của Sở Thông tin - Truyền thông.

Tòa nhà Dinh Thượng Thơ được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm một dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa. Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà. Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình này đã gần 160 tuổi.

@ Vào cuối tháng 4 Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tổ chức triển lãm lấy ý kiến người dân về phương án mở rộng trụ sở HĐND - UBND thành phố (trong đó có nội dung phải phá bỏ toàn bộ tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng). Sau nửa tháng triển lãm, với khoảng 300 phiếu trả lời thì “đa phần ý kiến đều đồng thuận việc mở rộng cũng như thiết kế của tòa trụ sở UBND và HĐND thành phố”. Tuy nhiên, đã có rất nhiều ý kiến góp ý liên quan đến việc bảo tồn công trình Dinh Thượng Thơ qua các phương tiện truyền thông trong và ngoài thành phố.

Thông tin từ cuộc họp báo của UBND TP.HCM đầu tháng 5.2018, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, thành phố xem xét rất kỹ khi chọn phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP.HCM. Trong đó, tòa nhà gần 160 năm tuổi có thể bị đập bỏ. "Công trình này không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa - Thể thao nên thành phố quyết định không bảo tồn”. Chánh văn phòng UBND TP.HCM cũng cho biết việc xây dựng trung tâm hành chính đã được thành phố trăn trở từ khá lâu. Nhiệm kỳ lãnh đạo trước đã tổ chức thi tuyển, chọn được phương án nhưng Chính phủ sau đó yêu cầu tạm dừng.

Thời điểm đó, thành phố đã yêu cầu bảo tồn tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng vì là di tích lịch sử nhưng không ban ngành nào xác nhận. Đơn vị thiết kế trước đây đưa ra phương án sẽ dời tòa nhà vào chính giữa đường Lý Tự Trọng (giới hạn bởi đường Pasteur và Đồng Khởi) nhưng cách này rất tốn kém. Từ thông tin này báo chí, truyền thông đã lên tiếng, góp phần đưa ý kiến người dân đến với các nhà quản lý và chính quyền thành phố. Có thể nhận thấy đó là những bài báo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cùng với đó là các bảng thăm dò ý kiến người dân của các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP, Phụ Nữ TP, Người Đô Thị, Lao Động, Văn Hóa, Vietnamnet.vn, Vnexpress.net... đều cho thấy đại đa số người dân đóng góp những phân tích về giá trị và đề nghị chính quyền thành phố bảo tồn công trình Dinh Thượng Thơ.

@ Về những ý kiến của các nhà quản lý ở thành phố cho rằng, công trình Dinh Thượng thơ không phải là di tích đã được xếp hạng, cũng không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa thể thao nên không thể bảo tồn mà sẽ phá đi để xây dựng công trình mới. TS. Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học TPHCM cho rằng như vậy là chưa thể hiện hết trách nhiệm của chính quyền thành phố! Bà đưa ra dẫn chúng:

Việc khẩn cấp xếp hạng một di tích, hay trước mắt đưa ngay vào danh mục kiểm kê di tích để sau đó đánh giá toàn diện giá trị của công trình, là việc làm không quá khó khăn và cần nhiều thời gian. Một trường hợp cụ thể: vào năm 1997 – 1998 bảo tàng lịch sử TPHCM tổ chức khai quật di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8), đây là di tích thuộc “xóm lò gốm Sài Gòn xưa” duy nhất còn lại khá quy mộ, tuy đã hư hỏng rất nhiều. Cuộc khai quật chia làm 2 đợt, xong đợt 1 vào cuối năm 1997, nhận thấy giá trị đặc biệt của di tích này, từ việc nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành về KCH, được chính quyền thành phố đồng ý, Sở VHTT lúc đó đã khẩn trương làm hồ sơ và trình Bộ VHTT, chỉ trong thời gian rất ngắn, vào tháng 4/1998 Bộ VHTT đã có quyết định công nhận Lò gốm cổ Hưng Lợi là di tích KCH cấp quốc gia. Sau đó, Bộ VHTT và thành phố đã cho cho phép BTLS tiếp tục khai quật đợt 2 để nghiên cứu bảo tồn tại chỗ, phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa một di tích của “Sài Gòn 300 năm”.

Vì vậy, đối với công trình Dinh Thượng thơ hoàn toàn có thể tiến hành những thủ tục pháp lý theo cách thức như vậy! Trước hết cần đưa ngay công trình vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố, tổ chức cho những nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn di sản, kiến trúc và quy hoạch, quản lý văn hóa... tọa đàm, hội thảo khoa học về giá trị lịch sử, kiến trúc của công trình và cả cảnh quan khu vực công trình tọa lạc, vì di tích kiến trúc xưa cần được đặt trong cảnh quan và quy hoạch đô thị. Đồng thời lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân vì “di sản là tài sản và ký ức” của nhiều thế hệ cộng đồng trong quá khứ và tương lai, di sản phải được bảo vệ và di truyền cho đời sau chứ không thể tùy tiện phá hủy vì lợi ích trước mắt của một đời, một “nhiệm kỳ”. Các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp thành phố cho công trình này. Cũng cần thấy rằng, di sản văn hóa SG – TPHCM không phải của riêng thành phố này mà là “tài sản văn hóa” chung của đất nước!

@ Sau nhiều tuần làm việc với nhau, một nhóm trí thức trong và ngoài nước, gồm các nhà nghiên cứu, khoa học, chuyên môn lĩnh vực vừa công bố một bản kiến nghị bảo tồn Dinh Thượng Thơ và lấy chữ ký người dân. Đây là tòa nhà sẽ bị đập bỏ trong phương án xây dựng trụ sở cải tạo, nâng cấp UBND - HĐND TP.HCM. Trong bản kiến nghị và lấy chữ ký người dân online này, nhóm trí thức đã phân tích rõ 6 lý do cần UBND TP.HCM ngưng phá bỏ Dinh Thượng Thơ để xây trụ sở hành chính; và đưa ra 3 thỉnh nguyện UBND TP.HCM. Qua những nội dung phân tích trên nhiều phương diện như văn hóa lịch sử, kiến trúc, du lịch, quản lý và bảo tồn, quy hoạch… nhóm trí thức thỉnh nguyện UBND TP.HCM hủy bỏ phương án của Công ty Gensler (Mỹ) đề xuất việc phá hủy Dinh Thượng Thơ. Nếu phải xây dựng Trung tâm hành chính thì nên đặt ở vị trí vùng đất mới khác chứ không nên phá hủy kiến trúc lịch sử trong phần lõi khu trung tâm thành phố.

Nhóm kiến nghị cho rằng, cách quản lý di sản hiện đang có vấn đề. Theo nhóm này, Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn hay danh mục kiểm kê di sản, nhưng đó không phải là lý do để phá bỏ công trình xưa đứng thứ nhì trên địa bàn thành phố. Nhóm cũng đặt vấn đề, nếu vậy những công trình cổ như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM… chưa phải là di tích cũng sẽ bị phá bỏ hay sao? Trong khi đó, Singapore với diện tích 700km2 nhưng có tới 7.000 công trình và 72 khu vực, tượng đài, di tích được bảo tồn. So với TP.HCM có diện tích 2.000km2 nhưng chỉ có hơn 100 công trình và di tích.

Về phương diện quy hoạch và bảo tồn, theo nhóm kiến nghị, giá trị của từng công trình cổ không thể tách riêng lẻ với toàn thể đô thị cổ của thành phố. Như trụ sở UBND TP.HCM dù còn nguyên vẹn hình thức kiến trúc cổ nhưng nếu gắn thêm vào đó khối công trình mới do Công ty Gensler (Mỹ) thiết kế sẽ không phù hợp và hoàn toàn áp chế không gian kiến trúc cổ của trụ sở UBND TP.HCM hiện hữu và cả khu phố Lý Tự Trọng, Đồng Khởi và đường Pasteur thuộc quận 1. Đặc biệt, việc xóa sổ di sản cũng đồng nghĩa với phá vỡ quy hoạch, một trong các điểm mấu chốt tạo sự mất cân bằng và ảnh hưởng lớn tới quần thể.

Nhóm kiến nghị cũng nhấn mạnh, giá trị kiến trúc của Dinh Thượng Thơ rất cá biệt trong vùng Đông Nam Á, nếu bị Gensler gắn cho phương án giống tòa nhà Unilever Headquarters ở Jakarta thì mất đi giá trị lịch sử và đặc thù. Còn về văn hóa và lịch sử, công trình được tu sửa như tòa nhà hiện nay vào năm 1882, nhưng trước đó từ năm 1865 đã là nơi hành chính quản lý Sài Gòn và Nam Kỳ, nơi lưu trữ các công văn, công báo, hồ sơ hành chính… Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, tòa nhà vẫn còn sót lại trong khi các kiến trúc lịch sử, văn hóa khác như tòa nhà Hòa giải, Petrolimex đường Lê Duẩn, xưởng cơ khí Ba Son đã biến mất.

Cũng theo nội dung phân tích của nhóm này, nạn kẹt xe và không gian di sản kiến trúc cổ không còn sẽ làm giảm lượng du khách đến thành phố, kéo theo giảm sức mua sắm, ảnh hưởng đến nguồn thu của TP.HCM. Và không thể là “thành phố thông minh”, bởi kẹt xe ngay khu vực trung tâm thành phố đang là vấn nạn chưa lối thoát. Cứ tính thêm 1.700 nhân viên và hội họp sẽ tốn thêm năng lượng lớn, mâu thuẫn với chủ trương “hành chính thông minh” của UBND TP.HCM.

Ngoài ra, nhóm này còn kiến nghị đưa Dinh Thượng Thơ và các công trình kiến trúc lịch sử khác như Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà… vào diện bảo tồn. Đồng thời, khi tái cấu trúc thành phố, cần tôn trọng và gắn kết với mạng lưới di sản tại trục đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, trục đường Đồng Khởi, Pasteur, nơi có các công trình kiến trúc cổ và công viên cần được bảo tồn.

Chỉ trong một thời gian ngắn bản Kiến nghị này đã có hơn 6.000 chữ ký của người dân trong và ngoài nước và đã được gửi đến UBND TP.HCM.

Những ngày sau đó các văn nghệ sĩ TP.HCM cũng Đơn Thỉnh nguyện gửi UBNDTP về việc bảo tồn Dinh Thượng Thơ.

@ Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam vừa có công hàm gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, đề nghị bảo tồn và không phá hủy tòa nhà Pháp tại TP.HCM. Tòa nhà này được người Sài Gòn quen gọi tên Dinh Thượng Thơ và trong hơn ba tháng qua đã gây ồn ào dư luận bởi đề xuất phá bỏ xây công trình nâng cấp, mở rộng trụ sở HĐND - UBND TP.HCM. Công hàm số 3168220 của Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam gửi đi ngày 16.6 từ Hà Nội, đến người nhận là ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM và đồng gửi Sở Ngoại vụ TP.HCM.

@ Cơ hội bảo tồn Dinh Thượng Thơ, một kiến trúc có giá trị lịch sử - văn hóa của thành phố.

Ngày 27.7.2018 Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã có văn bản số 3643/SQHKT-QHKV1 báo cáo UBND TP.HCM về nội dung kiến nghị của Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam (công hàm số 3168220 ngày 16.6.2018) và đơn thỉnh nguyện của văn nghệ sĩ TP.HCM đối với việc bảo tồn trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông tại địa điểm số 59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM (Dinh Thượng Thơ).

Trong văn bản này, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM báo cáo đề xuất UBND TPHCM nội dung trả lời: thành phố đã có ghi nhận sự quan tâm đóng góp ý kiến của hai tổ chức trên; trong quá trình tổ chức tọa đàm, hội thảo xem xét hướng xử lý đối với công trình tại địa điểm số 59-61 Lý Tự Trọng, sẽ mời đại diện các đơn vị tham dự cùng các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, di sản để đóng góp thêm ý kiến và phương án.

Tiếp đó, ngày 30.7.2018 ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM có văn bản số 3427/UBND-DA chỉ đạo khẩn Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM về ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan đến phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND và nội dung bảo tồn kiến trúc tại địa điểm số 59 - 61 Lý Tự Trọng. Tại văn bản này, UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì thực hiện: Tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để xem xét sự cần thiết và phương pháp bảo tồn công trình tại địa điểm 59 - 61 Lý Tự Trọng, báo cáo và đề xuất trình UBND TP.HCM trước ngày 15.8.2018.  

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khảo sát, đánh giá phân loại, bổ sung công trình trên vào danh mục các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị theo “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM” ban hành theo Quyết định số 2751/QĐ-UBND ngày 29.5.2013; phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM khảo sát, thu thập tài liệu hình ảnh, đánh giá phân loại, từ đó đề xuất giải pháp quản lý chặt chẽ đối với công trình.

***

Từ trường hợp của Thương xá TAX trước đây (năm 2014) và nay là trường hợp Dinh Thượng Thơ, có thể nhận thấy việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị là khả thi nếu được thực hiện với một điều kiện quan trọng: chính quyền thành phố tôn trọng ý kiến của người dân thông qua các kênh thông tin: báo chí truyển thông, thăm dò ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu... Và đặc biệt chính quyền hiểu biết giá trị những di tích ít ỏi còn lại của Sài Gòn, nhất là ở khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời, người dân có sự hiểu biết và yêu quý di sản văn hóa thành phố, lên tiếng với ý thức trách nhiệm đóng góp cho chính quyền. Truyền thông kịp thời đưa tin và phản ánh dư luận quần chúng một cách khách quan.

Qua đó, những giải pháp mới của UBNDTP đã kịp thời điều chỉnh phương án cũ làm tổn hại di sản, thể hiện trách nhiệm của chính quyền một thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” mà trước hết là văn minh trong ứng xử với di sản văn hóa, hiện đại theo xu hướng bảo vệ di sản văn hóa của thế giới và nghĩa tình với quá khứ của mảnh đất mình đang sinh sống!


Nguyễn Thị Hậu


(*) Bài tham gia hội thảo "Tầm nhìn phát triển đô thị TPHCM hướng tới mục tiêu xây dựng Thành phố sống tốt" do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức 8.2018.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2019
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss