Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cuộc biểu tình đình công vào năm 1925 tại Trung Quốc

Cuộc biểu tình đình công vào năm 1925 tại Trung Quốc

- Hồ Bạch Thảo — published 15/05/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Ôn chuyện xưa để biết chuyện hiện nay:


Cuộc biểu tình đình công
vào năm 1925 tại Trung Quốc


Hồ Bạch Thảo



Các nước Tây phương lúc bấy giờ đối với việc Trung Quốc dương cao ngọn cờ phản đế, thiếu nhận xét chính xác, chỉ cho rằng hiện tượng này do phần tử thiểu số trí thức, cùng Quốc dân đảng, Trung Cộng, chịu sự phiến động của Nga Xô; nên trấn áp cũng không khó. Bãi công là một trong những thủ đoạn chính nhắm chống chủ nghĩa đế quốc, từ khi cuộc bãi công tại đường sắt Kinh-Hán [Bắc Kinh, Hán Khẩu] bị thất bại, trong vòng hơn một năm tình hình tương đối vô sự. Từ năm 1924 trở về sau Tôn Trung Sơn chủ trương “Liên Nga, dung Cộng” nên Quốc dân đảng cùng Trung cộng hợp lực huy động chống đế quốc, hô hào vận động quần chúng; về đường chính trị Trực hệ [phái Tào Côn, Ngô Bội Phu] bị đánh đổ, uy vọng của Tôn Trung Sơn lên cao là những yếu tố giúp cho cuộc vận động tiện lợi. Tháng 2/1925, Tổng công hội thiết lộ toàn quốc cử hành đại hội đại biểu tại Trường Tân Điếm [Changxindian, Hà Bắc]. Tháng 3, do Quốc dân đảng lãnh đạo, Công hội liên hiệp hội các tỉnh họp đại hội toàn quốc tại Bắc Kinh. Tháng 5, do Trung Cộng lãnh đạo, Toàn quốc lao động đại hội khai mạc lần thứ hai tại Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông] tổ chức công hội toàn quốc, đấu tranh kinh tế với giai cấp tư sản và các nước tư bản, tiến sang bước đấu tranh chính trị.

Các xưởng dệt ngoại quốc tại Hoa, phần lớn do người Nhật làm chủ; đãi ngộ công nhân rất hà khắc, mỗi ngày phải làm việc 12 giờ, tiền công chỉ được 1 giác 5 phân, không bằng lòng thì bị đánh đập hoặc đuổi. Vào tháng 2/1925, hơn 1 vạn công nhân Thượng Hải tại xưởng Nhật, vì lý do bị hành hạ hoặc bị đuổi, tổ chức đình công trong và ngoài xưởng. Tháng 4, hơn 1 vạn công nhân hãng dệt Đại Khang, Nhật Bản tại Thanh Đảo [Quingdao, Sơn Đông] cũng phản đối ngược đãi bãi công, trải qua thời gian đến 20 ngày. Vào tháng 5, phong trào công nhân tại hai nơi này lại dấy lên. Tại Thanh Đảo bị lực lượng quân cảnh khống chế, ngày 24/5 bao vây hãng dệt Đại Khang, quân cảnh trấn áp từ bên ngoài hãng, quân Nhật trấn áp từ bên trong; công nhân tử thương hơn 20 người, nên nội vụ không được khuyếch đại. Tại Thượng Hải tình hình khác hẳn, đấu tranh triền miên; thứ nhất do tại Thượng Hải học sinh, công nhân tập trung đông; thứ hai do Quốc dân đảng và Trung cộng ra sức hoạt động tại nơi này; thứ ba, kẻ sát hại công nhân chính là người Nhật, Trung Quốc rất căm hận dân tộc này. Tại bên trong và bên ngoài các hãng dệt, tơ bông, tiếp tục bãi công, yêu cầu tăng lương. Ngày 15, hai công nhân bị đuổi; công nhân nòng cốt đấu tranh, Cố Chính Hồng, bị người Nhật bắn chết. Ngày 18, học sinh cử hành truy điệu; trước sau bị đám tuần tiễu công cộng tô giới bắt 18 người. Ngày 25, Quốc dân đảng điện trách người Nhật giết người Hoa một cách vô lý. Ngày 28, Trung cộng quyết định cử hành thị uy. Ngày 30 hơn 2.000 học sinh chia nhóm, tại công cộng tô giới diễn thuyết, viện trợ công nhân bãi công; bị đàn áp bắt hàng trăm người. Vào 3 giờ chiều, lực lượng biểu tình tụ tập tại phòng Tuần bổ [Louza police Station], đường Nam Kinh, yêu cầu trả những học sinh bị bắt. Tuần bổ Anh dùng bạo lực can thiệp, xả súng bắn chết 11 người, hơn 20 người bị thương nặng; Công bộ cục [Municipal council] Thượng Hải ra lệnh giới nghiêm, trường đại học phải đóng cửa; sự kiện này được gọi là Ngũ Châu thảm án, hay “Ngũ châu vận động.”

Ngày 31/5, Công bộ cục Thượng Hải công cộng tô giới cấm chỉ người Hoa đi bộ thành đoàn; Tổng thương hội, Tổng công hội quyết định vào ngày 1/6 bãi thị, bãi công, viện trợ học sinh; phần lớn tuần tiễu Trung Quốc tô giới đình chỉ phục vụ. Công bộ cục [Municipal council] điều động Nghĩa dũng đội ngoại quốc, Lục chiến đội để tuần tiễu bố phòng, chiếm đóng các trường đại học, người Hoa tiếp tục bị tử thương. Tháng 6, Công thương học liên hiệp hội thành lập, triệu tập đại hội thị dân, tuyệt giao kinh tế với Anh, Nhật; công nhân, thương nhân, giáo viên tại các đô thị toàn quốc, rầm rộ phấn khởi, học sinh tiếp tục bãi khoá, yêu cầu thu hồi tô giới cùng quyền lãnh sự tài phán của hai nước Anh, Nhật. Ngày 5, công nhân, học sinh tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] thị uy, số người tham gia đến mấy vạn. Ngày 10, cử hành quốc dân đại hội tại Bắc Kinh, số người tham gia hơn 10 vạn. Ngày 11, công nhân Hán khẩu [Hankou, Hồ Bắc] diễu hành, bị thuỷ quân Anh và Thương đoàn bắn chết 8 người, bị thương hơn 40 người; đó là “Hán Khẩu thảm án”. Ngày 13, trong ngoài thành phố Cửu Giang [Jiujiang, Giang Tây] có xung đột, Lãnh sự quán Anh bị thiêu huỷ, ngân hàng Nhật Bản bị đốt. Ngày 25, toàn quốc truy điệu “Ngũ châu thảm án”, nhất trí đòi huỷ bỏ tô giới Anh, Nhật và quyền Lãnh sự tài phán. Nước Anh bị phản đối mạnh nhất, học sinh tình nguyện xin được huấn luyện quân sự để cùng Anh quyết chiến.

Quảng Châu là đại bản doanh chống chủ nghĩa đế quốc, lúc bấy giờ Quốc dân đảng đang bận bịu đối phó với quân Vân Nam, Quảng Tây, nên lúc đầu chưa có hành động tích cực; đợi sau khi dẹp xong, các giới thành lập hiệp hội đối ngoại. Từ ngày 19 đến ngày 21/6, Hương Cảng và tô giới Sa Diện [Shamin Island, Quảng Đông] (1) thực hiện bãi công ủng hộ “Ngũ Châu thảm án”, số người tham gia đến ngoài 20 vạn, đây là cuộc bãi công lớn nhắm vào các cảng khẩu. Đối ngoại hiệp hội cử hành đại thị uy, xưng rằng quyết tử chiến với chủ nghĩa đế quốc. Riêng cục diện tại Quảng Châu vẫn còn bất ổn, nên trước khi cử hành thị uy, nhà đương cục lưu ý thận trọng, để tránh sự việc xẩy ra ngoài ý muốn. Ngày 23, đoàn biểu tình đi qua Sa Cơ, đối diện với Sa Diện; thành phần gồm công nhân, thương nhân, học sinh, cùng học sinh trường võ bị Hoàng Phố có mang súng. Khi gần qua cầu tiếp giáp với Sa Diện, trong tiếng hô đả đảo chủ nghĩa đế quốc và thủ tiêu điều ước bất bình đẳng, thì có xung đột; quân Anh dùng súng trường, súng máy từ Sa Diện bắn vào đám biểu tình, lực lượng Pháp tại quân hạm bắn pháo yểm trợ, khiến 60 dân chết, học sinh lục quân chết 23 người, số bị thương đến hơn 500, người Pháp chết 1, Anh bị thương 5; vụ này được gọi là “Sa Cơ thảm án”, sau đó Tưởng Giới Thạch truy điệu với hành chữ 沙基血迹 黄埔淚潮 [Sa Cơ huyết tích, Hoàng Phố lệ trào ], nói lên niềm đau bởi đổ máu tại Sa Cơ, và dòng nước mắt khóc chiến sĩ trường Hoàng Phố. Chính phủ Quảng Châu nghiêm khắc kháng nghị, Quốc dân đảng quyết định đoạn tuyệt lợi ích với Anh, Pháp, cùng bố trí phòng ngự. Anh, Pháp cự tuyệt lời kháng nghị, tăng quân Quảng Châu; yêu cầu Mỹ, Nhật có hành động cưỡng chế, nhưng không được đồng ý. Tân Tư lệnh vệ nhung Quảng Châu, Tưởng Giới Thạch cũng lập kế hoạch chống lại quân Anh.

Lúc bắt đầu Ngũ châu thảm án, Trung cộng hiệu triệu dân chúng toàn quốc, phản đối chủ nghĩa đế quốc dã man giết chóc. Sau vụ án tại Sa Cơ, Quốc dân đảng quyết định phản đối chủ nghĩa đế quốc. Chính phủ mới thành lập tại Bắc Kinh, trong thư gửi cho các nước trình bày nỗi thống khổ Trung Quốc phải chịu đựng chủ nghĩa đế quốc, không trừ bỏ điều ước bất bình đẳng, không dứt trừ được mối hoạ đế quốc chủ nghĩa. Hơn 50 đoàn thể tại Bắc Kinh hợp thành liên minh phản đế quốc chủ nghĩa, gửi điện trong và ngoài nước hô hào phản đối chính sách xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, đoàn kết lực lượng phản đế các dân tộc bị áp bức, cùng mưu cầu giải phóng và tự do. Vào trung tuần tháng 7, quân hạm Anh, Pháp tại Quảng Châu gia tăng phòng bị, phần lớn dân Anh dời sang Hương Cảng. Quốc dân đảng toàn lực duy trì và khuyếch đại bãi công, hàng chục vạn công nhân Hương Cảng lục tục trở về Quảng Châu, không để cho thuyền buôn nước Anh vào bến, thiết lập Bãi công uỷ viên hội tại cảng. Số thuyền vào Hương Cảng giảm thiểu 85%, cư dân giảm 40%, thương điếm đóng cửa, giá đất xuống thấp. Kinh tế tại Quảng Châu cũng chịu ảnh hưởng, mỗi ngày phải cứu tế gần 1 vạn nguyên cho công nhân là một gánh nặng phải chịu đựng.

Thương nhân tại Thượng Hải có mối mâu thuẫn với Trung Cộng; đối với sự lãnh đạo công, thương, học sinh hiệp hội, không tích cực chi trì. Ngày 13/6 Phụng quân (2) chuyển đến; ngày 22, tuyên bố giới nghiêm, cấm chỉ nhân dân hoạt động. Ngày 26 đình chỉ bãi công, bãi thị tại công cộng tô giới. Ngày 6/7 Công bộ cục [Municipal council] đình chỉ cung cấp nguồn điện cho Trung Quốc, khiến xưởng không mở cửa được. Nhật Bản hy vọng sớm phục hồi, Tổng lãnh sự Nhật thương lượng với đương cục Thượng Hải cấp tuất cho gia đình Cố Chính Hồng, trả tiền thù lao thời gian bãi công và hứa không sa thải vô cớ; riêng công nhân bãi công thời gian lâu, nên cũng cảm thấy mệt mỏi, không hăng hái như trước. Vào ngày 7/9 Trung Cộng phát động kỷ niệm điều ước Tân Sửu [1901], số tham gia cũng không nhiệt liệt. Ngày 9 chấm dứt bãi công tại xưởng dệt Nhật. Ngày 18 Tư lệnh giới nghiêm giải tán Tổng công hội, bắt Uỷ viên trưởng hội này là Lý Lập Tam, Lý cũng là Trung cộng Trung ương uỷ viên, tổng chỉ huy bãi công. Ngày 22, công, thương, học sinh liên hiệp hội tuyên cáo giải tán; ngày 30, chấm dứt bãi công với Anh.

Về thảm án tại Thượng Hải, chính phủ Bắc Kinh mấy lần kháng nghị với ngoại giao đoàn, nhưng Công sứ đoàn không thừa nhận nhà đương cục tô giới phải chịu trách nhiệm, chỉ chấp nhận phái người đến điều tra. Thái độ hai nước Anh, Nhật hết sức cường ngạnh; riêng Nga Xô đối với dân Trung Quốc biểu thị đồng tình. Sáu nước Anh, Mỹ, Pháp, Nhật, Ý, Tỷ Lợi Thì, phối hợp tổ chức đoàn điều tra, nhưng ý kiến không hợp với đại biểu Trung Quốc; Công bộ cục [municipal council] tại tô giới từ chối trừng trị những nhân viên liên quan. Công sứ đoàn thu nạp ý kiến của Anh, để Anh, Mỹ, Nhật tiếp tục điều tra, nhưng Trung Quốc cự tuyệt không tham gia. Vào tháng 12, Công bộ cục chấp nhận cho Tổng tuần bổ từ chức, đưa số tiền 75.000 nguyên để phủ tuất người Hoa bị thiệt mạng; nhưng cự tuyệt xin lỗi và những điều kiện khác. Chính phủ Bắc Kinh tuy không đồng ý, nhưng không làm gì được, vụ án Thượng Hải không thể kết thúc; nhưng cuộc vận động chống chủ nghĩa đế quốc vẫn tiếp tục phát triển, thế lực của Quốc dân đảng, Trung cộng, khuyếch trương chưa từng thấy. Cố vấn Nga Borodin có nhận xét rằng “Chúng ta không thể tạo ra Ngũ Châu thảm án; nhưng chính Ngũ Châu thảm án đã tạo ra chúng ta.”

Sau khi vụ án Thượng Hải xẩy ra, chính phủ Bắc Kinh bị dư luận đòi hỏi, bèn yêu cầu tham gia cuộc hội nghị tại Hoa Thịnh Đốn về tu chính điều ước. Nước Mỹ muốn lòng dân Trung Quốc hoà hoãn, ổn định chính cục; đề nghị triệu tập hội nghị quan thuế, phái người điều tra tư pháp; chuẩn bị cho Trung Quốc tự chủ quan thuế, cùng thủ tiêu lãnh sự tài phán; các nước Anh, Nhật cũng muốn mượn cơ hội này để ngăn cản thế lực Nga Xô tiếp tục phát triển. Tháng 10/1925 hội nghị về quan thuế bắt đầu, điều tra tư pháp cử hành vào tháng 1/1926, nhưng chưa có kết quả rõ ràng; lúc này nội chiến qui mô lại sắp xẩy ra, Bắc Kinh gần như vô chính phủ, nên mọi thứ đàm phán đều không đến nơi đến chốn.

H.B.T.



Chú thích:


1. Sa Diện [ Shamin Island, Quảng Đông, ta quen gọi là Sa Điện]: là đảo nhỏ trên sông Châu Giang, Quảng Châu; một thời là tô giới của Anh, Pháp, diện tích 0.3 km2. Liệt sĩ Phạm Hồng Thái nước ta mưu ám sát Toàn quyền Merlin trong một khách sạn tại nơi này, sau đó bị truy lùng bèn nhảy xuống sông Châu Giang tự tử. Chính phủ Dân quốc kính nể, cho xây mộ tại Hoàng Hoa Cương, cùng với 72 liệt sĩ Trung Quốc trong cuộc cách mệnh Tân Hợi.

2. Quân phiệt Trương Tác Lâm tại Phụng Thiên tức Liêu Ninh ngày nay.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss