Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cách đây tròn 50 năm

Cách đây tròn 50 năm

- K.V. — published 03/01/2010 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Cách đây tròn 50 năm


ĐẠI SỰ KÝ
1960


K.V.


01.01 : Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ban hành Hiến pháp 1960

03.01 : Alvaro Cunhal, lãnh tụ Đảng cộng sản Bồ Đào Nha vượt ngục Peniche (Bồ Đào Nhà còn ở dưới chế độ độc tài cực hữu cho đến cuộc « cách mạng hoa cẩm chướng » tháng tư 1974.

17 01 : Đồng khởi ở Bến Tre, mở đầu cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang ở miền Nam Việt Nam, chống lại chính sách « tố cộng » và luật 10/59 đàn áp những người kháng chiến cũ của chính quyền Việt Nam cộng hoà.

21.01 : Ông Nguyễn Hữu Đang (nhóm Nhân văn – Giai phẩm) bị kết án 15 năm tù

27.01 : Chiếc tàu đầu tiên chở vũ khí vào nam rời bến, nhưng không tới đích (Đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đã được thành lập ngày 19.05.1959, chuyến xe đầu tiên khởi hành ngày 20.07.59 ; Đoàn 759 phụ trách vận chuyển bằng đường biển được thành lập cũng vào tháng 07.59)

29 01 : Trận Tua Hai, Tây Ninh (4 đại đội bộ binh và đặc công đánh căn cứ Tua Hai của trung đoàn 32, thuộc Sư đoàn bộ binh 21 của Quân lực Việt Nam cộng hoà, giành thắng lợi to lớn, thu được 1500 súng)

01.02 : Cuộc « sit-in » (biểu tình ngồi) đầu tiên của sinh viên da đen tại Greensboro (bang North Carolina). Các cuộc « sit-in », « teach-in » sẽ nổ ra mấy năm sau đó với cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

05.02 : Khởi động protonsynchrotron, máy gia tốc hạt mạnh nhất thế giới tại trung tâm CERN (Trung tâm Âu châu nghiên cứu hạt nhân) ở Meyrin (gần Genève).

13.02 : Pháp thử quả bom nguyên tử đầu tiên tại Reggane, sa mạc Sahara (đến năm 1964, đến phiên Trung Quốc, cường quốc hạt nhân thứ 5).

28.02 : Thành lập tổ chức Ku Klux Klan, tập hợp các tổ chức kỳ thị chủng tộc của 17 bang miền nam Hoa Kỳ.

01 03 : Điều tra dân số miền bắc. Kết quả 15 916 955 người (7 687 814 nam, 8 229 141 nữ). Dân số cả nước : 30 triệu (ước tính) – dân số toàn thế giới năm 1960 là 3 tỉ.

02.03 : Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo, giáo hoàng Gio-an XXIII tân phong những hồng y da màu : một người Châu Phi, một người Nhật Bản, một người Phi Luật Tân. (Cùng năm 1960, giám mục Vĩnh Long Ngô Đình Thục được phong làm tổng giám mục. Lễ mừng “Đức Cha” sẽ là một scandale chính trị, gắn liền hình ảnh gia đình trị, độc tài tôn giáo với chế độ Ngô Đình Diệm).

03.03 : Tướng De Gaulle tuyên bố vấn đề Algérie chỉ có thể được giải quyết sau khi quân đội Pháp chiến thắng (ba tháng sau, ông ta chủ trương một nước « Algérie algérienne »).

21.04 : Lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua Civil Rights Bill thừa nhận quyền bầu cử của người da đen.

Tháng 05 : Đạt-lai Lạt-ma đặt chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Dharamsala (Ấn Độ)

Tháng 05 : Nhà vật lý học Mỹ Theodore Harold Maiman (1927-2007) bắn tia laser đầu tiên.

14.05 : Hội nghị thượng đỉnh tứ cường (De Gaulle, Eisenhower, Khrushev, Macmillan) khai mạc tại Paris. Bị phá vỡ vì vụ U2 (máy bay gián điệp của Mỹ bay qua Liên Xô bị hắn rơi, phi công Gary Powers bị bắt, ban đầu Eisenhower chối, rồi nhận, nhưng không chịu xin lỗi).

05.06 : Norodom Sihanouk trở thành quốc trưởng Campuchia, chủ trương trung lập.

06.06 : Báo cáo của American Heart Association (Hội Mỹ nghiên cứu Tim) thiết lập liên hệ giữa thuốc lá và bệnh tim mạch.

22.06 : chuyến bay đầu tiên Boeing 707, mở đầu sử dụng dân sự. Năm 1960, công ti hàng không dân sự (không kể khối các nước xã hội chủ nghĩa) chuyên chở 108 triệu hành khách.

20.07 : Người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử loài người trở thành thủ tướng : bà Sirimavo Bandaranaike (Tích Lan, nay là Sri Lanka).

09.08 : Đại uý Không Lê đảo chính, lật đổ chính quyền thân Mỹ ở Lào ; ngày 11.8, hoàng thân Souvanna Phouma (trung lập) thành lập chính phủ. Phe hữu lật ngược tình thế, cuối năm 1960, S. Phouma phải tị nạn ở Campuchia. Cuộc nội chiến chỉ tạm chấm dứt vào mùa hè 1962 với hiệp định Genève.

19.08 : Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik 5. Tổng cộng trong năm 1960, Mỹ phóng thành công 31 vệ tinh và 2 trạm thăm dò không gian, Liên Xô 7 vệ tinh và 1 trạm thăm dò không gian.

05.09 : Đại hội lần thứ 3 Đảng Lao động Việt Nam (đại hội trước họp năm 1951, đại hội sau năm 1976, từ đó mới theo nhịp 5 năm một lần). Bầu Hồ Chí Minh làm chủ tịch đảng, Lê Duẩn bí thư thứ nhất. Đại hội này thông qua « Nghị quyết 15 » (tháng 1.1959) chủ trương « xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, giải phóng Miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước ». Coi như « hoàn thành cơ bản » việc cải tạo tư bản, thương nghiệp tư nhân, hợp tác hoá nông nghiệp (ở cấp thấp) (1958-60)

06.09 : 121 nhà trí thức Pháp, trong đó có Jean-Paul Sartre, Laurent Schwartz công bố Tuyên ngôn 121 khẳng định quyền độc lập của nhân dân Algérie, quyền thanh niên Pháp chống quân dịch, bỏ ngũ, tuyên bố sẵn sàng « mang va-li » giúp kháng chiến Mặt trận giải phóng dân tộc FLN. Đây là hạt nhân quan trọng (độc lập với Đảng cộng sản Pháp) của phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam phát triển từ năm 1966 trở đi tại Pháp.

20.09 : Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kết nạp một lúc 13 quốc gia mới giành độc lập. Tổng cộng trong khoá họp này, gần 20 thuộc địa cũ của Pháp, Anh, Bỉ trở thành những nước độc lập (ít nhất về danh nghĩa, phần lớn vẫn bị chủ nghĩa thực dân kiểu mới chi phối). Algérie vẫn phải tiếp tục đấu tranh vũ trang cho tới năm 1962 (Albert Camus, tử nạn ngày 4.1.1960, mà nhiều người đang ca ngợi quá mức, giữ yên lặng từ năm 1958, không chịu lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Algérie, « giữa công lý và mẹ tôi, tôi chọn mẹ »). 1960 là cái mốc quan trọng trong quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, song cuộc giải thực ở châu Phi, phải tới năm 1990 mới chấm dứt khi Mandela ra tù (sau 27 năm giam cầm).

22.09 : Fidel Castro « siêu sao » ở Liêp Hợp Quốc. Quan hệ căng thẳng giữa Cuba và Mỹ. Cuba xích lại gần Liên Xô. Mỹ mở trại huấn luyện tại Guatemala để đổ bộ lên đảo. Tháng 1.61, Cuba và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thiết lập quan hệ ngoại giao.

20.10 : Tranh luận lớn tiếng ở LHQ. Đại biểu Phi Luật Tân gọi các nước Đông Âu là thuộc địa của Liên Xô, ông K rút giầy đập lên bàn.

08.11 : John F. Kennedy thắng phiếu Richard M. Nixon (34 221 463 vs 34 108 583 phiếu) trong cuộc tranh cử tổng thống (70% cử tri da đen bỏ phiếu cho JFK)

Tháng 11 : Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân họp tại Moskva. Sự phân liệt giữa phe « xét lại » (Liên Xô) và phe « giáo điều » (Trung Quốc), bắt đầu từ cuộc hội nghị năm 1957, nay đã hiện rõ, đến 1963 sẽ bùng nổ công khai. Chủ trương « xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, giải phóng Miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước » của Nghị quyết 15 (tháng 1.1959 của Đảng Lao động Việt Nam) phải tiến hành trong điều kiện quốc tế ngày càng phức tạp : không ngả về phía Bắc Kinh để tranh thủ sự ủng hộ của khối Đông Âu và các đảng cộng sản lo ngại nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ ba, cưỡng lại sức ép hai mặt của Bắc Kinh (đòi Hà Nội phải « dứt khoát chống xét lại » đồng thời ngăn cản cuộc đấu tranh vũ trang vượt quá mức mà Bắc Kinh quy định theo lợi ích của mình).

11.11 : Đảo chính chống chế độ Ngô Đình Diệm của những lực lượng quân đội, do đại tá Nguyễn Chánh Thi, trung tá Vương Văn Đông, đại uý Phan Lạc Tuyên khởi xướng, với sự ủng hộ của « nhóm Caravelle » (chính khách đối lập, trong đó có Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Quang Đán…). Đảo chính thất bại (các sĩ quan chỉ huy phải tị nạn ở Nông Pênh, đại uý Phan Lạc Tuyên sẽ tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng, các chính khách bị bỏ tù…) nhưng đã gây chấn động lớn, biểu lộ sự khủng hoảng của chế độ trước cuộc đồng khởi do Đảng cộng sản chủ trương.

28 11 : Đại hội lần thứ ba Đảng Dân chủ Việt Nam, ông Nghiêm Xuân Yêm được cử làm Tổng thư ký. Thành lập năm 1944, đảng này là một hình thức biến tướng của Đảng cộng sản nhằm tranh thủ sự ủng hộ đồng thời kiểm soát thành phần « nhân sĩ » ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập. Năm 1988, lo sợ cuộc đối mới vượt khỏi tầm kiểm soát của mình, ĐCS quyết định giải thể đảng này và Đảng xã hội Việt Nam (Cần phân biệt Đảng Dân chủ Việt Nam này với « Đảng dân chủ phục hoạt » mà ông Hoàng Minh Chính, với danh nghĩa được ĐCS cử làm tổng thư ký Đảng dân chủ năm 1946 – sau đó chính thức hoạt động như một cán bộ cao cấp của ĐCS cho đến năm 1963 – đã tuyên bố « hoạt động trở lại » năm 2006 trước khi từ trần).

20 12 : Thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam với chương trình hành động 10 điểm. 

26.12 : Đại hội lần thứ ba Đảng Xã hội Việt Nam. Ông Nguyễn Xiển được tái cử làm tổng thư ký. Đảng xã hội Việt Nam thành lập năm 1946 với sự "giúp đỡ" của Đảng cộng sản, nhằm mục đích tập hợp trí thức "cũ" tham gia Mặt trận Viêt Minh. Những năm đổi mới (1986-88), toà soạn báo Tổ Quốc và trụ sở Đảng Xã hội (phố Nguyễn Du) là nơi tập hợp của đông đảo trí thức (đảng viên Cộng sản và ngoài Đảng) thiết tha với công cuộc đổi mới. Đó là lý do dẫn tới quyết định năm 1988, ĐXH tuyên bố "tự giải thể" (thực chất đây là quyết định của lãnh đạo ĐCS). 


Điện ảnh, nghệ thuật văn học, thể thao…


Năm 1960, điện ảnh Việt Nam hình như không có gì đặc sắc. Tìm trên mạng chỉ thấy một cuốn phim (45 phút ?) Vật kỷ niệm, đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi & Phạm Kỳ Nam (Xưởng phim truyện, Hà Nội). Cuốn phim truyện đầu tiên sản xuất ở Miền Bắc là Chung một dòng sông đã ra mắt tháng 7 năm 1959. Cuốn phim được đánh giá cao, Con chim vành khuyên, năm 1962 mới ra đời.

Điện ảnh thế giới được mùa lớn : La Dolce Vita (F. Fellini, Cành cọ vàng ở Cannes, và bị Giáo hội Roma lên án), A bout de souffle (J-L Godard), Bài ca người lính (G. Tchoukhrai), Avventura (M . Antonioni), The Young One (L. Bunuel), The Magnificent Seven (J. Sturges), Psychose (A. Hitchcock), Rocco e I suoi fratelli (L. Visconti), Moderato Cantabile (P. Brook), Jamais le dimanche (Jules Dassin)...

Âm nhạc : buổi trình diễn đầu tiên trước công chúng của nhóm The Beatles, Johnny Hallyday xuất hiện lần đầu trên TV Pháp, Elvis Presley được một tờ báo Đông Đức gọi là « kẻ thù công cộng số 1 », Bản tứ tấu đàn dây số 8 (D. Chostakovitch) trình tấu lần đầu tại Moskva.

Văn học thế giới : Toà phúc thẩm New York cấm phát hành « Người tình của Lady Chatterley » (D.H. Lawrence) vì đó là một « tác phẩm tục tĩu » ; J.-P. Sartre công bố « Critique de la raison dialectique », E. Ionesco « Rhinoceros », Samuel Beckett, « La dernière bande » (diễn tại Pháp, bản dịch của tác giả), Arthur Adamov, « Les Âmes mortes », M. Duras « Hiroshima mon amour ». 

Văn học Việt Nam : Bình Nguyên Lộc « Ký thác », Chế Lan Viên « Ánh sáng và phù sa », Doãn Quốc Sĩ « Hồ Thuỳ Dương », Lê Khâm (Phan Tứ) « Trước giờ nổ súng », Nguyên Hồng « Sóng gầm », Nguyên Ngọc « Mạch nước ngầm », Nguyễn Công Hoan « Hỗn canh hỗn cư », Nguyễn Huy Tưởng « Sống mãi với Thủ đô », Nguyễn Khải « Mùa lạc », Nguyễn Thị Vinh « Men chiều », Nguyễn Tuân « Sông Đà », Nhất Linh « Dòng sông Thanh Thuỷ », Nhật Tiến « Những vì sao lạc », Phạm Văn Ký « Perdre la demeure », Tô Hoài « Vợ chồng A Phủ », Vũ Bằng « Miếng ngon Hà Nội », Vũ Hoàng Chương, « Cảm thông ».  

Kiến trúc : Oscar Niemeyer xây Phủ tổng thống và Nhà quốc hội tại Brasilia.

Bóng đá : Liên Xô (Vô địch Châu Âu), Hàn Quốc (Vô địch Châu Á,-- Nam Việt Nam hạng 4, sau Israel và Đài Loan), Real Madrid (Giải các câu lạc bộ Âu Châu).

Thể thao : Thế vận hội Roma (sau đó, là Thế vận hội người tàn tật, tổ chức lần đầu tiên)


K.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss