Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cách mệnh Tân Hợi / Cách mệnh Tân Hợi (2)

Cách mệnh Tân Hợi (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 29/09/2014 17:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Cơ hội của Viên Thế Khải [1911-1912]



Cách mệnh Tân Hợi


Hồ Bạch Thảo




Chương 2


Cơ hội của Viên Thế Khải

[1911-1912]


vtk

Viên Thế Khải [1859-1916]

Nguồn : en.wikipedia.org/wiki/Yuan_Shikai


1. Viên trở lại chính trường


Mãn Thanh thành kiến với người Hán sâu sắc không phá được. Sau cuộc chính biến năm Mậu Tuất [1898] lại càng nghiêm trọng, những người thuộc đảng cách mệnh, duy tân vốn đã cừu hận ; đến như Viên Thế Khải cũng bị ức chế, mấy lần bị bãi truất. Trong thời gian cách mệnh Tân Hợi, Tổng đốc, Tuần phủ tại các tỉnh trừ một số chết, số còn lại thì trốn tránh hoặc theo, càng làm cho chính quyền nhà Thanh sụp đổ mau.


Viên Thế Khải sau khi bị bãi truất, bèn rời khỏi kinh đô, trở về Chương Đức [nay Anyang, Hà Nam]. Chương Đức là một trong những thành lớn thuộc tỉnh Hà Nam gần với Bắc Kinh ; lại có đường sắt Kinh Hán đi qua, giao thông tiện lợi, liên lạc tin tức nhanh chóng; Dịch Khuông, Từ Thế Xương, Na Đồng vẫn thường liên lạc. Con trưởng Viên Khắc Định vẫn còn làm việc tại kinh đô, có thể giúp Viên thám thính tình hình.


Từ trước tới nay quý tộc Mãn Thanh lo sợ trước thanh uy của cách mệnh ; sau cuộc khởi nghĩa tại Hồ Bắc thì những người kiếp nhược như Tái Phong, vô học không hiểu biết như Long Dụ Thái hậu, hôn ám như Dịch Khuông ; cùng những người chưa từng trải qua đại sự như Tái Trạch, Tái Đào rất kinh hoàng chấn hãi. Ngày 20/10 đem Tổng đốc Hồ Bắc Thuỵ Trừng cách chức bắt “ đái tội lập công ”, một mặt sai Đại thần lục quân Ấm Xương mang quân đánh dẹp. Lục quân lúc bấy giờ chia thành 3 quân, mỗi quân khoảng 2 trấn. Đệ nhất quân đương tiền địch, do Ấm Xương đích thân chỉ huy. Đệ nhị quân cảnh giới Trực Lệ, Sơn Đông, do Quân tư sứ Phùng Ngọc Chương [1859-1919] đốc suất. Đệ tam trấn đóng gần kinh thành do Quân tư đại thần Tái Đào đốc suất. Hai quân đệ nhất, đệ nhị do các trấn 2,3,4,5,6 của Bắc dương tổ chức thành ; riêng đệ tam quân do quân cấm vệ, cùng kinh kỳ cải biên đệ nhất trấn lập nên. Âm Xương xuất thân từ bát kỳ, từng du học Đức, nhưng thiếu tài năng ; Tái Đào không rành việc quân lữ, không có chút kinh nghiệm nào về chiến tranh ; riêng Phùng Ngọc Chương là tay chân của Viên Thế Khải.


Khi phong trào tranh chấp đường sắt dâng cao tại Tứ Xuyên, Dịch Khuông đã có ý dùng Viên Thế Khải. Hiện tại tình hình khẩn trương, nên một mặt vấn kế Viên, một mặt cùng với Từ Thế Xương, Na Đồng khuyên Giám quốc Tái Phong, Long Dụ Thái hậu ; Công sứ đoàn tại Bắc Kinh cũng cho rằng ngoài Viên Thế Khải không ai có khả năng bình loạn, Ngôn quan 1 cũng có lời xin như vậy. Tái Phong, Long Dụ Thái hậu cùng với Đại thần thân quý không có cách nào giải quyết, đành phải chấp thuận để cứu cấp tình trạng lửa bốc cháy lông mày. Ngày 14/10 giao cho Viên chức Tổng đốc Hồ Quảng và Sầm Xuân Huyên giữ chức Tổng đốc Tứ Xuyên, với dụng ý lấy Hán chế Hán. Trong ngày ban bố mệnh lệnh, người thân cận Viên khuyên không nên ra một lần nữa, sợ khi sự việc bình ổn sẽ nguy đến tính mệnh. Viên đã có sẵn kế hoạch trong bụng, biết rõ trước mắt triều Thanh không thể không dùng, nhưng chức Tổng đốc Hồ Quảng không vừa ý nên xưng bệnh từ chối, với chủ ý rút lui một bước để tiến hai, ba ; hy vọng quan cao hơn, quyền lực lớn hơn. Rồi chiếu chỉ thúc dục lên đường, giao quyền điều động toàn quân thuỷ lục lưu vực sông Trường Giang, lại sai Từ Thế Xương đến Chương Đức đốc thúc. Viên Thế Khải đề xuất điều kiện, gồm 6 điểm :


– Năm sau mở quốc hội.

– Lập nội các trách nhiệm.
– Khoan dung người gây biến tại Vũ Xương,
– Bỏ việc cấm đảng.
– Được nắm tổng quát binh quyền.
– Cho thêm quân phí rộng rãi.

Nói tóm lại Viên đòi tự chủ hành động, nắm cả binh quyền lẫn chính quyền. Ngày 21/10, triều đình nhà Thanh chuẩn bị mộ thêm 1 trấn và đưa thêm ngân khoản 400 vạn. Viên xin Thanh triều tạm đình chỉ tiến công và biểu lộ thiện ý bằng cách sai Lưu Thừa Ân viết thư cho Lê Nguyên Hồng bàn hoà. Ngày 25/10 cải phái Phùng Ngọc Chương Tổng thống Đệ nhất quân, Đoàn Kỳ Thuỵ [1865-1936] Tổng thống Đệ nhị quân. Ngày 27/10 giao cho Viên Thế Khải chức Khâm sai đại thần, triệu Ấm Xương trở về. Ngày 30/10 Viên đến Hồ Bắc điều quân.


Học sinh Trung Quốc học tập quân sự tại Nhật Bản, tham gia Đồng minh hội trên 100 người, không ít số còn lại làm việc tại bộ lục quân, quân tư phủ. Năm 1908, sau khi Viên bị bãi chức, bọn họ thừa cơ thuyết phục quý tộc hoàng thân đưa những người đồng học vào, để làm yếu thế lực Viên sẵn có trong quân ; điều này đánh trúng lòng mong muốn của bọn Tái Đào ; nên Ngô Lộc Trinh, Trương Thiệu Tăng, Lam Thiên Uỷ được chia ra giữ chức Thống chế, Hiệp thống, nắm một phần binh quyền quân Bắc Dương. Trước khi Viên Thế Khải xuống đến Hồ Bắc, thì Hồ Nam, Thiểm Tây, Cửu Giang đã giành được độc lập ; ngày 29/10 Sơn Tây độc lập. Cùng trong ngày Thống chế Trương Thiệu Tăng chỉ huy trấn 20 tại Loan Châu [Luanzhou, Hà Bắc] phía đông Bắc Kinh, liên kết với Lam Thiên Uỷ Thống lãnh hỗn thành hiệp tại Phụng Thiên, yêu cầu sớm lập quốc hội, tổ chức nội các không có người Hoàng tộc, dùng chính trị phạm ; lại doạ rằng “ quân tình dao động, trước và sau lưng đều đáng lo ”. Hành động này được gọi là “ Loan Châu binh gián ” ; Thanh đình dưới sự uy hiếp nặng nề, nên chấp nhận toàn bộ. Ngày 1/11 Viên Thế Khải thay Dịch Khuông giữ chức Tổng lý đại thần, nắm được chính quyền.


Ngô Lộc Trinh, Thống chế trấn thứ 6 đóng tại Thạch Gia Trang phía nam Bắc Kinh là kình địch của Viên Thế Khải ; Ngô liên lạc với Trương Thiệu Tăng, Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây, chuẩn bị chiếm Bắc Kinh, phía nam đánh Chương Đức, đoạn tuyệt đường huyết mạch của Viên Thế Khải. Ngày 2/11 chặn khí giới đạn dược vận chuyển đến Hồ Bắc, yêu cầu đình chỉ chiến tranh ; đây là đòn sinh tử đánh vào triều Thanh và Viên. Rồi 5 ngày sau đó, Ngô bị giết 2, binh quyền Trương Thiệu Tăng bị giải thể, Bắc Kinh từ nguy trở thành yên, địa vị Viên không bị tổn thất. Lê Nguyên Hồng tỏ ý cho Viên biết rằng “ chỉ cần Viên trở về ” với cách mệnh, thì nhiệm kỳ thứ nhất Tổng thống sẽ vào trong tay Viên.




2. Liệt cường vì quyền lợi ủng hộ Viên Thế Khải



Triều đình nhà Thanh dùng lại Viên Thế Khải, muốn Viên trung thành ra sức dẹp tan đảng nghịch. Viên đối với triều đình thì đòi hỏi, đối với cách mệnh sử dụng biện pháp vừa cương vừa nhu. Viên biết rằng uy tín nhà Thanh đã hết, vận mệnh không thể vãn hồi ; cho dù đánh lấy được Vũ Xương, với thực lực dưới tay vài vạn quân, cũng không có khả năng đánh dẹp hết cả nước. Nếu cứ để dằng dai, tình hình biến chuyển khó có thể ứng phó ; bởi vậy tiến thoái lưỡng lự. Khi Viên mang quân xuống miền nam, từng tâm sự với người thân rằng “ Lực lượng ta dù mạnh cũng không ngược đãi cách mệnh ” ; người thân khuyên rằng “ Phàm việc nên để lại chút tình ”.


Lúc bấy giờ khí thế cách mệnh dâng cao, Viên cần ra uy để làm bớt nhuệ khí. Cuối tháng 10 quân Viên thắng, đầu tháng 11 lấy được Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc]. Viên cho rằng quân cách mệnh đã khống chế, bèn sai sứ giả đem thư đến xin bàn hoà. Đảng cách mệnh hiểu rõ sự mâu thuẫn giữa Viên và triều Thanh, cùng dã tâm của Viên, bèn thừa dịp đem điều lợi hại ra lay động, khuyên cùng chung sức phản Thanh, bảo rằng “ Quân của chúng tôi thanh thế ngày một lớn, còn Chấp sự thì chức tước mỗi ngày một cao. Giả sử quân Hồ Bắc bị Mãn Thanh khuất phục, thì chỉ trong một vài ngày sẽ lâm vào tình trạng ‘Chim hết, bẻ cung ; thỏ chết, chó bị làm thịt’. Chấp sự công cao bị chúa hiềm nghi, lúc bấy giờ muốn trở về sống yên tại Chương Đức quê nhà, cũng không được nữa. Long Dụ còn sống, thì chuyện năm Mậu Tuất [1898] 3 sẽ không bao giờ quên… Đáng hiểu điều nhân thì không nhường cho ai, thấy nghĩa phải dõng mạnh làm, không thể khác được ”. Lời nói động vào gan ruột, thấy được tâm bệnh của Viên ; tuy nhiên lúc bấy giờ chưa nắm được toàn cuộc, nên Viên chưa vội hành động, cần phải đợi thời cơ chin muồi, lấy được chính quyền nhà Thanh một cách thuận lợi, lúc đó mới chắc giành được chức Tổng thống vào tay.


Ngày 13/11 Viên từ Hồ Bắc đến Bắc Kinh, ngày 16 thành lập nội các. Trước kia Quân cơ đại thần, hoặc Tổng lý nội các mỗi tháng vào cung triều kiến một lần, nay huỷ bỏ. Các nha môn có việc muốn tâu thông qua nội các liệu biện, muốn xin chiếu chỉ do nội các thay mặt tâu lên ; nói một cách khác mọi việc chính trị đều tập trung vào Viên, do Viên quyết định. Còn về quân vụ, quân hải lục tại Hồ Bắc do Viên trực tiếp chỉ huy ; sau khi Viên đến Bắc Kinh lại nắm giữ binh quyền tại kinh kỳ, đệ tam quân, cấm vệ quân trước kia dưới quyền Tái Đào nay do Phùng Quốc Chương tiếp tục chỉ huy, 1 trấn mới biên chế cải thành quân cận vệ.


Sau khi Hán khẩu thất thủ, quân cách mệnh rút về Hán Dương. Lúc bấy giờ Hoàng Hưng đến Vũ Xương giữ chức Tổng tư lệnh, dưới quyền có quân Hồ Bắc cùng viện quân Hồ Nam. Vào ngày 17/11 Hoàng Hưng điều 8 000 quân phản công ; bị hơn 1 vạn quân của Phùng Quốc Chương đánh bại. Rồi đánh tiếp trong 6 ngày ; cuối cùng vì vũ khí không tốt, quân thiếu huấn luyện, nên ngày 27 mất tiếp Hán Dương, Hoàng Hưng trở về Thượng Hải. Phùng Quốc Chương định thừa thắng đánh Vũ Xương, Viên đích thân điện ra lệnh dừng ; lại điện cho Lê Nguyên Hồng đề nghị đình chiến, giao cho Phùng Quốc Chương ở gần, tìm cách thương lượng. Đoàn Kỳ Thuỵ, mới đến nhậm chức Tổng đốc Hồ Bắc, cũng đề nghị hưu chiến. Mưu sĩ của Viên là Vương Tích Đồng cũng bảo rằng “ Khí lực của cách mệnh khắp cả nước, nếu lấy binh lực để đàn áp, mối hoạn sẽ dấy lên ; đó không phải là kế hay. Vả lại Đại thần chuyên chính, lập công không ai theo kịp, chỉ có hai con đường : thứ nhất, như Nhạc Phi, thân chết mà nước nguy ; thứ hai, như Tào Tháo, bão táp không dung cả vua ; cả hai đường, nếu không phải là vua giết bầy tôi, thì cũng là bầy tôi giết vua; Tướng công nên cư xử theo đường nào ? ” lời khuyên khiến Viên càng thêm rõ đường đi. Một người bạn cũ của Viên là Công sứ Anh John Jordan [Chu Nhĩ Điển], trước kia cùng Viên làm việc tại Triều Tiên, năm 1906 John làm Công sứ tại Trung Quốc, cũng khuyên Viên nên chấm dứt hành động quân sự và thu xếp để Lãnh sự Anh tại Hán Khẩu H. Goffe [Cát Phúc] giúp điều đình. Quân cách mệnh tại Vũ Xương nguy trong sớm tối, nên chấp nhận theo lời đề nghị. Ngày 21 hiệp nghị thành lập, từ đó trở về sau không có chiến tranh tại Vũ Xương.


Vào năm Canh Tý [1900] trong khi loạn Nghĩa Hoà đoàn dấy lên ở kinh thành, riêng tại Sơn Đông Viên Thế Khải thi thố, được các nước Tây phương khen. Đến khi giữ chức Bắc dương đại thần, cùng Thượng thư ngoại vụ ; đối nội thi hành chính sách mới, đối ngoại giao hảo tốt với Anh, Mỹ ; tiếng tăm nổi lên. Sau khi Viên bị bãi truất, uy tín nhà Thanh xuống dốc ; Anh, Mỹ không còn hy vọng gì ở nhà Thanh, nhưng không ưa cách mệnh đắc thế, nên muốn Viên quay lại nắm chính quyền. Sau cuộc nổi dậy tại Vũ Xương, Công sứ Mỹ W. J. Calhoun [Gia Lạc Hằng] tại hội nghị Công sứ đoàn, tuyên bố rằng chỉ có Viên mới bình loạn được. Ngoại trừ Công sứ Nhật Bản Y Tập Viện Nhan Cát, các viên Công sứ khác đều đồng ý, đó là một trong những lý do tại sao Dịch Khuông yêu cầu Tái Phong nên dùng lại Viên Thế Khải. Trong ngày ban bố dụ cử Viên làm Tổng đốc Hồ Quảng, Công sứ Anh John Jordan điện cho Bộ trưởng ngoại giao E. Grey [Cát Lôi] rằng việc bổ nhiệm này có thể bảo đảm sự trung thành của quân Bắc dương, tăng gia lực lượng cho chính phủ Thanh xử lý nguy cơ. Hai ngày sau, Đại Lục báo của người Mỹ tại Thượng Hải phát hành bài xã luận nội dung triều Thanh giao binh quyền cho Viên Thế Khải cũng chưa đủ, trừ phi giao cho Viên tham dự quốc vụ, thì triều đình Thanh mới được tín nhiệm từ trong và ngoài nước. Ngày 28/10 đại biểu ngân hàng Mỹ trú tại Bắc Kinh W. Straight [Đái Đức] nhận định rằng nếu như triều Thanh giao cho Viên quyền lực tổ chức nội các, thì quân phía nam nhất định sẽ thất bại. Sau đó 4 ngày, Viên được chỉ định làm Tổng lý nội các ; John Jordan liên tiếp điện cho Ngoại trưởng E. Grey rằng việc đề cử này có tác dụng an định nhân tâm, Bắc Kinh có triệu chứng chấn tác.


Anh, Mỹ vì lợi ích kinh tế, muốn Trung Quốc yên ổn ; riêng Nhật đối với Trung Quốc tương phản, Trung Quốc càng nhiễu loạn càng có lợi cho Nhật. Ngày 16/10 Ngoại trưởng Nhật Bản Nội Điền Khang Tai Điện lệnh cho Y Tập Viện ngỏ lời viện trợ vũ khí cho triều Thanh. Ngày 24 tại Nhật, nội các Tây Viên Tự Công Vọng quyết định chính sách vĩnh viễn duy trì mọi quyền lợi Nhật tại Trung Quốc đặc biệt Đông Tam Tỉnh ; bảo hộ chính quyền Thanh, ngăn cản quân cách mệnh tiến lên phía bắc. Y Tập Viện muốn chia cắt Trung Quốc thành ba : Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam ; triều Thanh chiếm Hoa Bắc, vĩnh viễn đối đầu với người Hán, lại yêu cầu John Jordan khuyên triều Thanh thực hiện quân chủ lập hiến. John Jordan thấy được thâm ý, lại sợ Trung Quốc bị chia cắt bất lợi cho người Anh, nên đáp rằng chính thể tại Trung Quốc cần để cho dân nước này tự quyết. Ngày 15/11 Ngoại trưởng Anh E. Grey gửi điện cho biết chính phủ Anh hữu hảo kính trọng Viên, hy vọng Trung Quốc có một chính phủ mạnh có thể đối ngoại công chính, đối nội duy trì trật tự ; sau khi cách mệnh, mậu dịch tại Hoa có hoàn cảnh thuận lợi, chính phủ Anh sẽ viện trợ ngoại giao, ngân hàng Anh, Mỹ, Đức, Pháp cũng viện trợ về tài chính. John Jordan căn cứ vào đó trình bày cho Viên, khẳng định nước Anh sẽ chi trì chính phủ do Viên lãnh đạo.


Nhắm giúp cho quyền lực nội các của Viên lớn mạnh thêm, ngày 22/11 Công sứ đoàn y theo chủ trương của Công sứ Mỹ W. J. Calhoun tiếp tục hành động ; giao cho John Jordan bàn bạc với Viên. Sau đó John gặp Dịch Khuông bảo rằng sở dĩ cách mệnh nổi lên do nền chính trị không tốt, chính trị không tốt do Giám quốc Tái Phong thi thố sai lầm ; triều Thanh muốn được ngoại quốc ủng hộ, Tái Phong cần phải từ bỏ chức Nhiếp chính vương ; kế hoạch này cũng còn do Đường Thiệu Nghi qua lại vận động từ bên trong. Ngày 5/12 Ngoại trưởng E. Grey một mặt thông báo cho Công sứ Nhật tại Luân Đôn, một mặt sai John Jordan bàn bạc với Y Tập Viện hợp tác nhắm áp lực Tái Phong rút lui. Ngày 6/1 Long Dụ Thái hậu chuẩn cho Tái Phong thoái chức, từ nay việc hành chính và dùng người đều do Tổng lý nội các đảm trách. Vương Tích Đồng bảo rằng việc Tái Phong rời chức, chính quyền quy vào nội các, do “ Công sứ Anh Chu Nhĩ Điển giúp Viên Thế Khải nên thành công ”.


Vì vấn đề chia cắt Trung Quốc, Nhật Bản cũng muốn tranh thủ Viên Thế Khải. Ngày 18/11 sau khi nội các của Viên thành lập được 3 ngày Y Tập Viện biểu thị Nhật Bản sẽ tương trợ ; Viên cũng tỏ lời trung thành với triều Thanh. Nhật Bản lại bàn với nước Anh hợp lực đốc thúc Trung Quốc thành nước quân chủ lập hiến ; Anh tuy miệng nói tán thành, nhưng không muốn can thiệp vào việc nội chính. Sau khi đình chiến tại Vũ Hán, Y Tập Viện lo rằng Viên sẽ thoả hiệp với cách mệnh, lại chủ trương giúp nam phương chống lại bắc phương. Sau khi Viên và quân cách mệnh bắt đầu hoà nghị, Ngoại trưởng Nhật Nội Điền đề nghị với Anh, Mỹ bảo tồn triều Thanh ; lại sai Y Tập Viện cảnh cáo Viên Thế Khải không thừa nhận đổi sang cộng hoà ; một mặt sai Đầu Sơn Mãn, Khuyển Dưỡng Nghị thông tri cho Tôn Trung Sơn phản đối chủ trương cách mệnh, sẽ không tiếc để ủng hộ Thanh triều ; nhưng cuối cùng tình hình quốc tế không cho phép, nên không dám ngang nhiên thực hành.




3. Viên Thế Khải được các phe lập hiến ủng hộ, đảng cách mệnh nhượng bộ



Trương Tái lãnh đạo phái lập hiến muốn cùng Viên Thế Khải hợp tác. Tháng 6/1911 Trương từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, trên đường ghé qua Chương Đức bàn bạc với Viên ; Viên biểu thị nếu tương lai tái xuất chính, sẽ tôn trọng ý kiến của Trương. Trương tin rằng Viên sẽ có dịp trở lại chính trường nên bảo rằng Viên tính toán không sai lầm ; quả nhiên sự việc đúng như lời tiên đoán. Vào ngày 16/10 Tuần phủ Giang Tô Trịnh Đức Toàn dùng ý kiến của Trương Tái viết lời tâu xin đình chỉ nội các Hoàng thân, “ đặc chọn người hiền năng, tự tổ chức, để thay vua gánh vác trách nhiệm ”, đối quân cách mệnh dùng chiêu phủ, không đánh dẹp ; cái gọi là người hiền năng, tuy không nêu đích danh, nhưng muốn ám chỉ Viên. Vào ngày 20, Trương Tái với danh nghĩa Tư nghị cục, yêu cầu lập hiến, mở quốc hội. Mười ngày sau, có 7 tỉnh thoát ly khỏi Thanh triều ; căn cứ tình hình biến đổi nhanh, Trương Tái cố gây ảnh hưởng cho phe lập hiến bằng cách giúp cho Trịnh Đức Toàn độc lập tại Giang Tô, mục đích có chỗ đứng, không để cho cách mệnh thắng lợi toàn bộ ; nhờ đó phe lập hiến giữ được quyền phát ngôn, ủng hộ Viên thành lập trung tâm chính trị. Tư nghị viện, cùng Nghị viên Tư nghị cục tại các tỉnh cũng cùng chung tâm lý.


Sau một trăm ngày duy tân thất bại, Viên Thế Khải là kẻ thù không đội trời chung với phái Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu ; những ngày trước cách mệnh Tân Hợi phái này liên kết với Tái Đào, Ngô Lộc Trinh, Trương Thiệu Tăng định làm việc phi thường. Rồi Vũ Xương nổi dậy, bèn lập kế hoạch dùng quân cấm vệ làm cuộc chính biến đả đảo Tái Trạch, Dịch Khuông, dùng Tái Đào làm Tổng lý nội các, đình chỉ thảo phạt cách mệnh, vận động các tỉnh Tổng đốc, Tuần phủ tạm thi hành tự lập để ngăn chặn thế lực cách mệnh. Tháng 11 Lương Khải Siêu từ Nhật Bản về Phụng Thiên [Liêu Ninh], chuẩn bị thâm nhập Bắc Kinh ; không ngờ Ngô Lộc Trinh bị giết, Trương Thiệu Tăng mất chức, bèn đổi chủ trương là “ Hoà Viên, uỷ cách, bức Mãn, phục Hán ” 4. Rồi tình thế tại Phụng Thiên bất lợi, mưu tính tan vỡ, bèn quay trở lại Nhật Bản. Lúc này địa vị của Viên tương đối vững Lương lại đề xướng “ bỏ vua theo cộng hoà ”, trong tháng 12 các nơi hoạt động liên Viên, liên Sầm Xuân Huyên, liên Lê Nguyên Hồng ; chú trọng nhất là liên kết với Viên. Viên Thế Khải cũng muốn lợi dụng Lương Khải Siêu bởi tiếng tăm văn chương cùng ảnh hưởng trong Tư nghị viện, Tư chính cục của Lương ; nhắm chống đảng cách mệnh, hai bên thân mật hợp tác.


Những người vốn thân cận với Viên Thế Khải nay hoạt dộng một cách mạnh mẽ ; hoặc tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Chương Đức, lo trù tính kế lớn ; tham dự như Đường Thiệu Nghi, Dương Độ, Lương sĩ Di, Viên Khắc Định liên lạc thông tin với Trương Tái. Phương án cụ thể của họ là triệu tập quốc dân hội nghị, quyết định chính thể cộng hoà, đưa Viên lên làm Tổng thống. Sau khi Viên vào kinh đô, cuộc vận động này tuỳ lúc thuận lợi khai triển. Trung tuần tháng 11, chiếu chỉ mệnh đại biểu các tỉnh đến kinh đô, cộng đồng hội nghị về chính sách trọng đại của quốc gia. Đồng thời Dương Độ cùng Uông Triệu Minh [thuộc đảng cách mệnh, vừa được thả từ trong tù] đề xướng “ Quốc thị 5 cộng tế hội ”, chủ trương rõ ràng do quốc dân hội nghị quyết định quân chủ, dân chủ ; Dịch Khuông có ý tán thành, Tái Phong “ sợ quốc dân đại hội chủ trương cộng hoà ”, nên không chịu đáp ứng. Dương Độ gửi thư cho Tư chính viện bảo rằng cố nhiên không biết được quyết định của quốc dân đại hội chấp nhận quân chủ hay dân chủ, tuy nhiên “ cái gọi là quân chủ lập hiến chỉ có thể nói được trong phạm vi kinh đô, còn các tỉnh không cho là đúng ”. Riêng Viên Thế Khải thì lươn lẹo giả bộ nói rằng bản thân triệt để ủng hộ quân chủ, không tán thành cộng hoà ; tuy nhiên “ trên thế giới đã có chủ thuyết cộng hoà, thì nghiên cứu cũng không hại gì ”. Lại ngỏ lời với Uông Triệu Minh rằng “ Tôi rất tán thành quốc dân đại hội, nhưng đứng về địa vị cá nhân không tiện chủ trương dân chủ, chỉ chủ trương quân chủ lập hiến ”. Uông nói rằng “ Trung Quốc không dùng thể chế cộng hoà không được, cộng hoà không có ông giúp thành không được, lại không có ông đảm nhiệm chức Tổng thống cũng không được.” Viên bảo cá nhân y sẽ theo quyết định của đại hội, nhưng để cho được công bình, hoà bình thì không dễ ; rồi Vương Khắc Định cùng Uông Triệu Minh mật đến Vũ Xương hội thương. Ngày 2/12/1911, đại biểu các tỉnh đã giành độc lập tại phía nam họp tại Hán Khẩu quyết định “ Để trống chức Lâm thời đại Tổng thống, nhắm sau khi đổi chính thể sẽ dành cho Viên ”. Uông điện cho Hoàng Hưng, chủ trương nam bắc liên hợp, cưỡng nhà Thanh thoái vị, suy cử Viên làm Tổng thống. Tôn Trung Sơn tại Luân Đôn điện về cũng chủ trương suy cử Lê Nguyên Hồng, hoặc Viên Thế Khải làm Tổng thống. Ngay cả Hoàng Hưng cũng bảo rằng nếu như Viên làm được như Washington tại Mỹ, thì cả nước đều nghe lệnh.


Sau khi giải trừ chức Giám quốc nhiếp chính của Tái Phong, việc triệu tập quốc dân đại hội giảm trở lực. Ngày 7/12 Long Dụ mệnh Viên Thế Khải uỷ thác đại biểu cùng với phương nam thảo luận đại cuộc ; đại biểu được tuyển là Đường Thiệu Nghi, Tham tán Dương Sĩ Kỳ ; phía cách mạng Ngũ Đình Phương đảm nhiệm. Địa điểm hội nghị trước định tại Hán Khẩu ; nhưng nhân vật quan trọng của cách mệnh phần lớn tại Thượng Hải, Vũ Xương và Thượng Hải lại có ý kiến khác nhau, sợ Vũ xương gây ảnh hưởng cuộc hội nghị, nên cải sang cử hành tại Thượng Hải. Công sứ đoàn thuận tiện vận dụng tại Thượng Hải, phía Viên tiện gần với phái lập hiến tại Giang Tô, Chiết Giang, nên các bên đều nhất trí.


Kế hoạch của Đường, qua cuộc hội nghị muốn ủng lập Viên lên làm Tổng thống, riêng Đường cũng hy vọng có thể giữ chức Tổng lý nội các. Dương Sĩ Kỳ chủ trương trước hết phải đòi triều Thanh nhường ngôi, sau đó nghị hoà với phương nam ; Viên cho rằng như vậy không ổn, sợ rằng sau đó nghị hoà không thành ; chi bằng từ việc chấp nhận cộng hoà dành lấy chức Tổng thống. Dương Độ lại bảo rằng hãy làm Tổng thống trước, sau đó như Napoléon, ý chỉ sẽ lên ngôi vua. Công sứ đoàn hy vọng chấm dứt tranh chấp tại Trung Quốc, sớm thực hiện chính quyền của Viên, để quyền lợi hiện tại tránh tổn thất và tương lai được bảo đảm ; yêu cầu hai bên hết sức giải quyết hoà cuộc.


Ngày 18/12 Ngũ Đình Phương và Đường Thiệu Nghi mở cuộc họp tại toà thị chính tô giới Thượng Hải, bàn định các nơi đình chiến. Ngày thứ hai, Công sứ các nước Nhật, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức gửi điện khuyến cáo Ngũ, Đường ; ý muốn nam phương nhượng bộ. Ngoại trưởng Anh E. Grey ra lệnh cho Công sứ John Jordan khuyên Trung Quốc thống nhất, về chính thể do dân tự chủ ; nhưng thực tế muốn thanh viện cho Viên. Đường theo chỉ thị của Viên, ra sức nhờ phái lập hiến ủng hộ, từng gặp mặt Trương Tái hỏi ý kiến về việc cử Viên làm Tổng thống, Trương đáp đồng ý, nhưng chỉ đại biểu cho hai tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, không dám đoan chắc rằng Đồng minh hội sẽ theo. Đường lại bàn với Đô đốc Giang Tô Trình Đức Toàn, Trình hứa ra sức giúp ; Đô đốc Chiết Giang Thang Thọ Tiềm cũng nhất trí với Trương, Trình ; Đường chuyển sang thương lượng với Hoàng Hưng, cũng gặp thuận lợi. Vào ngày 20, Ngũ, Đường hội nghị lần thứ hai ; Ngũ yêu cầu thừa nhận cộng hoà, thủ tiêu chế độ Mãn Thanh ; Đường không phản đối nhưng đòi hỏi quốc dân hội nghị quyết định. Trong ngày đại biểu của Hoàng Hưng họp mật với đại biểu phương bắc, định rõ thể chế cộng hoà, lật đổ chế độ nhà Thanh suy cử chức Tổng thống, đối với Thanh đình dùng chính sách ưu đãi.


Sau hai lần hội nghị, Đường cùng phe lập hiến, cách mạng ngày đêm tụ bàn. Uông Triệu Minh ra sức khuyên Đồng minh hội đừng thi thố quá gấp, sợ quá nhanh không đạt hiệu quả, lại điện cho Viên rằng “ Hạng Thành 6 là người hùng trong thiên hạ, mọi người đều nhắm vào, người khác không thể giữ chức nguyên thủ ”. Đường điện cho Lương Sĩ Di hy vọng Viên sẽ là Washington của Trung Quốc, Viên cho rằng “ không thể tự mình đề xuất trước ”. Lúc này đại khái Thống lãnh quân cấm vệ Phùng Ngọc Chương vẫn chủ trương quân chủ, Đại thần bộ lục quân Vương Sĩ Trân thái độ tiêu cực, Đoàn Kỳ Thuỵ tại tiền phương vẫn nghi lự, Công sứ Nhật Bản tỏ rõ không đồng ý cộng hoà, nên Viên cũng còn tư lự.


Chính lúc này Tôn Trung Sơn từ hải ngoại trở về. Đường Thiệu Nghi quán triệt kế hoạch đã định, ngày 24/12 đem lời đe doạ triều đình nhà Thanh rằng “ Mục đích của dân quân muốn cải sang cộng hoà, nếu ta không thừa nhận, hội nghị không thể tiếp tục ; quan sát dân tình miền đông nam, chủ trương cộng hoà ở thế không thể át được. Mới đây chế được 2 thuyền máy, Tôn Văn đến Thượng Hải mang theo số tiền lớn, cùng đưa về mấy chục viên Sĩ quan Thái Tây, thế lực ngày một lớn ; sắp tổ chức chính phủ lâm thời để làm kế hoạch căn bản. Lại nghe rằng các khoản định mượn từ ngoại quốc, đều bị Tôn Văn yêu cầu dừng lại, khiến bị ngăn trở. Cuộc nghị hoà lần này nếu thất bại, mầm chiến tranh dấy lên, chi tiêu kiệt quệ đáng lo, sinh dân đồ thán, liệt cường sẽ thành công trong việc qua phân, xã tắc mất còn khó mà biết được. Lúc Thiệu Nghi ra khỏi kinh thành, Tổng lý đại thần [Viên] dặn dò giải quyết hoà bình, nên trong cuộc hội đề nghị triệu tập quốc hội nhắm đưa ra giải quyết vấn đề quân chủ dân chủ, để mong chuyển đổi tình thế ”. Viên Thế Khải sau khi thương nghị với Dịch Khuông và Từ Thế Xương, bèn tâu trình Long Dụ Thái hậu, nhấn mạnh rằng nếu không quyết định thì chiến tranh sẽ xẩy ra “ Vấn đề ngân sách chi tiêu ra sao ? Quân cơ ra sao ? Có thể thắng được không ? Vạn nhất thua bại, quân đến dưới thành, vương thất làm sao an toàn được ? Sinh mệnh người nước ngoài làm cách nào để bảo hộ ? Nếu như triệu tập quốc hội, nghị quyết giữ được chế độ quân chủ là điều tốt ; nếu nghị quyết theo cộng hoà thì Hoàng thất cũng được đãi ngộ long trọng, tiền đồ của Trung quốc còn có hy vọng hạnh phúc. Phía nào được, phía nào mất, tình thế rõ ràng ; nếu còn trì hoãn, hoạ hoạn sẽ đến ngay ”. Ngày 28, Long Dụ chấp nhận lời xin. Đường và Ngũ Đình Phương tiếp tục hội nghị, bàn bạc biện pháp cho quốc dân hội nghị : chính phủ nhà Thanh triệu tập đại biểu các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, Cam Túc, Mông Cổ, Đông Tam Tỉnh ; số còn lại do chính phủ dân quốc triệu tập.


Hồ Bạch Thảo





1 Ngôn quan : quan chuyên về can gián đàn hặc, tương tự như Ngự sử.


2 Ngô Lộc Trinh bị giết, có thuyết cho rằng Vương Thế Khải chủ mưu, có thuyết bảo do Hiệp thống quân cấm vệ Lương Bật.


3 Chuyện năm Mậu Tuất : chỉ việc Viên Thế Khải phản vua Quang Tự, khiến vua bị giam trong chính biến năm Mậu Tuất. Xin xem chương “ Duy tân yểu mệnh cùng triều đình chính biến lần thứ ba 


4 Hoà Viên, uỷ cách, bức Mãn, phục Hán: hoà với Viên Thế Khải, an ủi cách mệnh, áp bức Mãn Thanh, khôi phục Hán tộc.


5 Quốc thị : chính sách trọng đại của quốc gia.


6 Hạng Thành : dùng để chỉ Viên, vì quê Viên tại Hạng Thành, tỉnh Hà Nam.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss