Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cái chổi

Cái chổi

- Cao Huy Hoá — published 07/05/2017 22:00, cập nhật lần cuối 07/05/2017 17:30

Cái chổi


Cao Huy Hóa



1. Những người con Phật khắp mọi nơi đều biết Pháp sư Huyền Trang với cuộc hành hương thỉnh kinh rất phi thường. Ngài đã đi từ Tràng An, kinh đô của Trung Quốc, năm 629 sau Tây lịch, vào lúc 26 tuổi, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, địa bàn hiểm trở, sương lam chướng khí, giặc cướp rình rập, lẫn đói, khát… có lúc cái chết như cận kề, thế mà ngài đã đến Tây Vức, nơi có thánh địa Phật giáo, để rồi về lại kinh đô Tràng An với 657 bộ kinh bằng chữ Phạn. Ngài đã đi qua 110 nước, nơi cuối cùng là Vương Xá, mất tất cả 17 năm trước khi về lại Trung Quốc. Ngoài mục đích thỉnh kinh, ngài còn đi chiêm bái quê hương đức Phật, hành hương theo bước chân của đức Phật, chiêm bái các thắng tích Phật giáo và học hỏi, thuyết pháp ở nhiều nơi.

Sử sách đã ghi hành trạng gian nan của ngài, riêng tôi, tôi đặc biệt chú ý một đoạn trong sách : Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả của Bhikshu Thích Minh Châu, do Thích Nữ Trí Hải dịch từ bản tiếng Anh (nhà xuất bản Hồng Đức, 2016, trang 91, 92):

“ Pháp sư không bao giờ quên tả chi tiết những bảo tháp và chùa chiền thờ xá lợi Phật (…) Chẳng hạn, trong vương quốc Ba Lợi Ca có một ngôi chùa mới. Trong chùa này, ở giữa phòng thờ tượng Phật, phía Nam có một cái chậu đức Phật thường dùng để tắm rửa, chứa chừng một “thốn” nước (…) Ngoài ra còn có một cái răng Phật, dài chừng 2 phân, rộng 1 phân, màu trắng ngà và chất sáng trong. Lại có một chiếc cán chổi của Phật làm bằng thứ cỏ Kusa dài chừng 5 tấc, chu vi hơn 1 tấc. Cán nạm ngọc quý ”.

Lợi lạc thay ngài Huyền Trang được chiêm bái xá lợi Phật và các di vật của đức Phật cách đây đã gần 1.400 năm và nay chắc không còn nữa. Hai di vật : một chậu nước để làm sạch thân và một cán chổi để làm sạch chùa, sạch sân, sạch nơi ở. Cái chổi gắn liền với sân chùa, gắn liền với đời sống của người tu. Cái chổi được xem như là hình tượng mà đức Phật sử dụng như là công án trao truyền cho vị đệ tử của mình, ngài Châu Lợi Bàn Đặc.


2. “Châu Lợi Bàn Đà Dà hay Châu Lợi Bàn Đặc (Cūdapanthaka) là vị La Hán thứ 16 trong Thập Bát La Hán. Khi Đức Phật còn tại thế, ông là con của một vị Bà La Môn tại thành Vương Xá, sau cùng với anh là Ma Ha Bàn Đặc (Mahāpanthaka) đều xuất gia làm đệ tử Phật. Bẩm tánh của ông chậm lụt, ngu độn; khi học giáo lý, tụng kinh, ông đều quên mất, chẳng nhớ một câu một từ nào, thậm chí đến tên của ông cũng quên mất, không nhớ ; cho nên người đương thời gọi ông là ngu lộ. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm có kể câu chuyện anh ông thấy vậy bảo rằng, nếu ngu si không thuộc chữ nào thì nên trở về thế tục, không nên ở trong chùa và đuổi ông ra khỏi chùa. Ông ra trước cổng chùa đau xót, khóc lóc thảm thiết. Đức Phật dùng tuệ nhãn thanh tịnh thấy được tình cảnh này, bèn từ tĩnh thất đến Kỳ Hoàn Tinh Xá gặp Châu Lợi Bàn Đặc, khuyên nhủ ông nên dùng chổi để quét sạch những vô minh, ngu muội, nghiệp chướng trong người mình. Ngài chỉ dạy cho một câu “ phất trần hư cấu ” (quét bụi trừ nhớp) và khuyên ông nên ngày đêm vừa lau chùi dép của chư tăng, vừa tụng niệm, quán sát, tư duy và thực hành. Ông chậm lụt đến nỗi khi đọc câu trên thì quên quét, đọc chữ trước quên chữ sau, hay quét thì quên đọc câu kệ ấy. Có một hôm nọ, khi đang tụng câu đó, ông hốt nhiên đại ngộ, chứng quả A La Hán. Sau khi chứng ngộ, thần thông của ông rất kỳ diệu.”1

Nếu cái chổi như là công án thiền, thì cái chổi cũng là vật tượng trưng cho hạnh nguyện của một vị cư sĩ Việt Nam tiếng tăm. Thật là kỳ diệu và phân minh, trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ trước, cả 3 miền đều có những cư sĩ xuất sắc mà ngày nay lịch sử Phật giáo đều tán dương công đức, đặc biệt miền Trung có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897 – 1969), miền Nam có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905 – 1973), và ở miền Bắc có cư sĩ Thiều Chửu (1902 – 1954). Vì những biến cố lịch sử lớn lao phủ lên số phận con người, cho nên cư sĩ Thiều Chửu không được biết đến nhiều lắm; tuy nhiên ít nhất giới học thuật và nghiên cứu đều biết đến công trình “Hán Việt Từ Điển” để đời của ông


3. Cư sĩ Thiều Chửu, tên thật là Nguyễn Hữu Kha, quê quán làng Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội, sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học nhiều đời, thân sinh là cụ Cử Cầu, một nhà hoạt động cách mạng lão thành trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. 

Từ thuở nhỏ, ông đã được sống với bà nội, vốn là một cô Tú văn hay chữ giỏi ở đất Hà Nội và lại là người Phật tử mộ đạo thuần thành. Do đó, ông đã tiếp cận được nếp sống đạo hạnh, tập ăn chay từ năm lên 8 tuổi, và cũng nhờ bà nội chỉ dạy cặn kẽ về Nho học, nên ông đã sớm tinh thông Tứ Thư, Ngũ Kinh. Được thừa hưởng vốn liếng căn bản quan trọng ấy, khi vào độ tuổi thiếu niên ông được học chữ Quốc ngữ, đồng thời tự nghiên cứu thông thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa và Nhật. Nhờ thiên tư sẵn có, ông dễ dàng bước vào lãnh vực nghiên cứu giáo lý Phật Đà, và thấm nhuần sâu sắc, nhanh chóng. 

Năm Tân Dậu (1921), lúc ông 20 tuổi, ông đã bắt đầu dạy Nho học cho tăng đồ quanh vùng, nên có điều kiện trao đổi, tìm hiểu thêm trong việc nghiên cứu giáo lý. Từ đó, nhận thấy mình có túc duyên với Phật pháp, và với khả năng tri thức của mình, ông sẵn sàng hộ pháp. Bằng tâm nguyện và tư thế một người cư sĩ, ông đảm nhận phụ giảng cho Tăng Ni và làm công tác từ thiện xã hội. 

Tâm nguyện cao đẹp đó, được ông thể hiện qua nếp sống giản dị, đạm bạc. Ông bắt đầu trường chay và mỗi ngày chỉ ăn một bữa ; y phục đơn giản như những người chân quê.

Năm 1934 Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập và ông là một thành viên từ đầu. Ông là người điều hành và cây bút chủ lực của tạp chí Đuốc Tuệ.

Năm 1941, nhằm phát triển công tác giáo dục và từ thiện xã hội, Hòa thượng Trí Hải đã ủy thác cho ông lập trường Phổ Quang và nghĩa trang Tế Độ, cả hai cơ sở này đặt tại ngoại thành Hà Nội. Ông tận tình trông nom và ra sức dạy học. Lớp học có các tăng ni theo học, ngoài việc dạy chương trình thế học, Nho học, ông còn kiêm giảng dạy Phật học cho Tăng Ni. Từ những lớp Phật học đầu tiên, có những vị đã trở thành danh tăng sau này như Hòa thượng Tâm Tịch, Hòa thượng Thanh Kiểm..., bên ni như Ni sư Đàm Tuệ, Ni sư Đàm Ánh... 

Trong thời kỳ chống Pháp vô cùng khó khăn, nhân dân sơ tán, đi đến đâu ông cũng cùng học trò xây dựng trường học, cất nhà cho người nghèo và kiên định giữ đúng thời khóa của bản thân. Vẫn ăn ngày một bữa, đêm thức dịch kinh, chỉ ngủ 3 giờ đồng hồ, 2 giờ sáng thức dậy ngồi thiền, trì chú, rồi tập thể dục, uống trà và đôi phút ngâm thơ... Ông nghiêm khắc với bản thân cho nên với đồ chúng ông cũng đối xử nghiêm minh triệt để, kỷ luật gắt gao khi có sai phạm. Riêng đối với tăng ni, tuy là học trò của ông, nhưng ông luôn kính lễ, sách tấn họ tu học và tận tâm chỉ dạy sở học của mình cho họ2.

Thiều Chửu để lại 93 tác phẩm viết và dịch. Ngoài bộ Hán Việt từ điển có giá trị vượt thời gian, ông còn dịch 14 bộ kinh căn bản của đạo Phật như Kinh Di Đà, Thủy Sám, Địa Tạng, Kim Cương Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa, Dược Sư, Phả Môn, Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Lễ Sáu Phương, Lục Tổ Đàn Kinh, Khóa Hư. Các sách dịch khác của ông có thể kể : Vì sao tôi tin Phật giáo, Phật học cương yếu, Tây du ký...

Ông cũng viết các sách về Phật học như Sự tích Phật tổ diễn ca, Nhòm qua cửa Phật, Cải tà quy chính, Khóa tụng hàng ngày, Con đường Phật học thế kỷ 20.3

Bút danh Thiều Chửu có ý nghĩa gì ? Theo Từ điển Hán Việt do chính ông biên soạn thì Thiều Chửu là “Cái chổi, cái dùng để quét để giặt rửa đều gọi là chửu.” Riêng chữ Thiều, từ điển đó cắt nghĩa :

Thiều : Hoa lau, cành nứt nở ra hoa, không có bầu có cánh. Nay ta gọi trẻ con thông minh xinh đẹp là điều tú 苕秀 ý nói như hoa lau một ngọn đã nứt ra hoa vậy. Người ta lại dùng những cánh nó làm chổi gọi là điều trửu 苕帚 tức chổi lau. Ta quen đọc là chữ thiều.

Khi lấy bút danh là Thiều Chửu, ông đã thể hiện rõ tâm nguyện của mình là "cây chổi quét bụi ấy sẽ làm trong sáng giáo hội qua ngòi bút cải cách của mình". Ngoài ra, "hàng ngày phải lau quét bụi trần tham nhiễm, đừng để gương lòng vẩn đục bởi phiền não vô minh che lấp". Ông không trở thành tu sĩ mà chỉ là một cư sĩ, tu tại gia.


4. Quét chùa, quét sân, việc quá dễ, ai làm không được ? Thế nhưng những công việc bình thường như thế, diễn ra hàng ngày, mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, nếu làm chú tâm, chu đáo, không bình phẩm, với tâm hoan hỷ… thì tất cả đều là phương tiện tu tập chánh niệm. Một vị đại lão hòa thượng đã làm như thế suốt cả cuộc đời tu học và hành đạo. Đó là cố Đại lão Hòa thượng Thích Chánh Trí, trú trì Tổ đình Hải Đức (Huế), đã viên tịch năm ngoái – ngày 22 tháng 3 năm Bính Thân (nhằm ngày 28-4-2016), trụ thế 99 năm, 72 hạ lạp. “Gần một trăm năm trụ thế, cố Hòa thượng đã sống trọn vẹn một đời thanh bần, giản dị, bình lặng, vô ngã vị tha, thương yêu đồ chúng và con cháu, gần gũi với xóm làng. Hạnh nguyện một đời của cố Hòa thượng là “Cần tảo Già-lam địa”. Nhờ ân đức của cố Hòa thượng hàng đệ tử nay đã trưởng thành, kế tục quý ngài phụng hành Phật sự tại chốn Tổ cũng như thừa đương Phật sự tại nhiều địa phương.”4

“ Cần tảo già lam địa / Thời thời phước huệ sanh / Nhược vô tân khách chí / Diệc hữu thánh nhân hành.”

(Siêng quét đất già lam / Ngày ngày phước huệ sanh / Tuy không có khách đến / Cũng có thánh nhân đi).

Cao Huy Hóa

Tháng 4/2017



1 Theo Nguyên Tâm, Từ điển thuật ngữ và điển tích Tam Giáo, Nhà xuất bản Tôn Giáo, năm 2011, trang 141.

2 Trích :  TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I, Thích Đồng Bổn chủ biên , Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành 

3 Theo Wikipedia tiếng Việt.

4 Trích tiểu sử của cố Đại lão Hòa thượng, được cung tuyên tại lễ nhập bảo tháp.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us