Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Chân dung Xuân Sách

Chân dung Xuân Sách

- Đặng Tiến — published 23/06/2008 22:51, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Hiện nay, văn giới đang bàn tán nhiều về hồi ký Đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải, rồi nhắc lại Di Cảo của Chế Lan Viên. Tôi không mấy quan tâm đến những tâm cảnh, quan cảnh chiếu hậu này, vì không biết đâu là phần chân thành đâu là phần biện minh. Vớt vát. Nhưng tôi trân trọng Chân dung nhà văn của Xuân Sách vì đã sáng tác tại chỗ và đúng lúc. Nó là một tài liệu văn nghệ sống đã đành, mà còn là tiếng nói của lương tri thời đại, như chữ ông đã dùng.


CHÂN DUNG XUÂN SÁCH
1932- 2008



Đặng Tiến



Nhà thơ Xuân Sách vừa qua đời tại Hà Nội nửa đêm 2 tháng 6-2008. Ông họ Ngô, sinh ngày 4-7-1932, tại Thanh Hóa, tác giả 4 tiểu thuyết, 4 tập truyện, 4 tập thơ, nhưng nổi tiếng nhất là tập thơ biếm họa Chân dung nhà văn, xuất bản năm 1992, gồm 99 bài đã được truyền tụng trong văn giới từ vài ba mươi năm về trước. Thêm một chân dung tự họa.

Bạn đọc trẻ ngày nay, nhất là người không theo sát thời sự văn nghệ Hà Nội, khó bề tưởng tượng được ảnh hưởng của loạt thơ này trong quần chúng qua nhiều thập niên cuối của thế kỷ trước. Song song với thơ Xuân Sách là thơ hài hước Bút Tre thời đó, vừa đùa với ngôn ngữ, vừa phản ánh thời thế. Thơ Bút Tre giàu chất hài hước, thơ Xuân Sách nặng phần thế sự, qua lăng kính văn học.

Đặt thơ Xuân Sách vào thời điểm của tác phẩm, nhất là sau « vụ án »  xét lại, mà hú hồn cho những câu (trong bài 69) :

Nhà càng lộng gió, thơ càng nhạt
Máu
ở chiến trường, hoa ở đây.

Ám chỉ lãnh đạo Tố Hữu, tác giả các tập thơ Gió Lộng (1955-1961) và nhất là Việt Nam, máu và hoa (1972-1977). Ai cũng biết anh Lành không phải là người hiền lành giữa một thời cuộc không hiền lành.


*


Thơ Xuân Sách, có giá trị văn học đặc biệt, trong một xã hội không có bình luận văn học thật sự. Ngành phê bình lý luận thời đó – có lẽ cho đến bây giờ – chăm chăm một việc : bảo vệ, phát huy « tính đảng » , trên những cơ quan truyền thông hoàn toàn do chính quyền quản lý.

Thơ Xuân Sách đùa vui, thường thường là nhẹ nhàng, nên không phải là bảng phong thần sâu sắc, nhưng là tiếng nói của lương tri – lương tri bình thường của người đọc bình thường, minh mẫn, độc lập, không a dua. Không a dua, nói thì dễ, nhưng sống thực thì không dễ. Chế độ đòi hỏi « nhất trí » ( !) thì người dân phải a dua. Vì mù quáng, vì tập quán, vì trung thành hay sợ sệt, 99 bài thơ ngắn ngủi của Xuân Sách, trong bối cảnh lịch sử, và lịch sử văn học Miền Bắc thời 1982-1992 là một chứng từ quan trọng, quý hóa, và tương đối đầy đủ, như một bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Lấy ví dụ Hà Minh Tuân (1929-1992). Thời ấy, tác phẩm của những công thần, như Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Mười năm của Tô Hoài còn bị đả kích nặng lời, nói chi đến truyện Vào Đời, 1962 của một tác giả « chiếu dưới » :

Bốn mươi tuổi mới vào đời
Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ
Giữa hai trận tuyến
ngu ngơ
Trong lòng Hà Nội
bây giờ ở đâu ?

(bài 83)

Chúng tôi chủ động gạch dưới tên tác phẩm, để bạn đọc dễ theo dõi.. Câu hỏi đơn giản mà tế nhị : bây giờ ở đâu ? Bây giờ là lúc đó. Ngày nay, mấy ai còn nhớ Hà Minh Tuân, cho dù tác phẩm Vào Đời có được tái bản, 1991.

Ưu thời mẫn thế, Xuân Sách đã ghi lại đôi nét phôi pha về Phù Thăng, Nguyễn Thành Long, … Ở một đôi tác giả, ông ghi lại nét thời đại nhiều hơn là cá tính đương sự. Như với Vũ Trọng Phụng :

Đã đi qua một thời giông tố
Qua một thời
cơm thầy cơm cô
Còn để lại những thằng
Xuân tóc đỏ
Vẫn nghênh ngang cho đến tận bây giờ

(bài 45)

Về Thế Lữ, Xuân Sách có câu thơ bạo, nhưng không nhắm vào tác giả Nhớ rừng : bỏ rừng già về vườn bách thú. (Ngoài đề : Nguyên Hồng đã gian nan vì một truyện ngắn kể chuyện con hổ biến thành gia súc).

Dĩ nhiên là có nhiều bài nhắm trực tiếp vào cá nhân đương sự, về tư cách hay văn chương, như câu thơ dành cho Tố Hữu đã trích dẫn. Hay cho Lưu Trọng Lư : Con nai vàng ngơ ngác / Nó ca bài cải lương ; hoặc Chính Hữu : Cái ghế quan trường giết chết thơ. Đoạn thơ về Chế Lan Viên sắc cạnh :

Điêu tàn ư ? Đâu chỉ có điêu tàn ?
Ta nghĩ tới
vàng sao từ thuở ấy,
Chim báo bão
, lựa chiều cơn gió dậy
Lựa
ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa

(bài 10)

Từ ngữ nôm na mà sắc sảo là hai chữ « trên đầu ». Bài này nhiều người ưa thích vì sát thực tế. Bài biếm họa Hoài Thanh cũng được truyền tụng :

Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên
Thi nhân
còn một chút duyên
Lại vò cho nát, lại lèn cho đau
Bình thơ tới thuở bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình

(bài 15)

Thời trẻ, Hoài Thanh chủ trương « nghệ thuật vị nghệ thuật » chống lại thuyết « nghệ thuật vị nhân sinh » theo đường lối mác-xít của Hải Triều (1935) ; sau đó viết Thi Nhân Việt Nam (1942), có giá trị, nhưng lại công khai khước từ. Bài thơ Xuân Sách đanh ác, nhất là câu cuối. Ông kể lại rằng về sau, có vào viện thăm Hoài Thanh khi già yếu : « Ông không giận tôi nữa, còn cho tôi là người có tình và ông thấy những gì tôi viết về ông có phần đúng ». Trong lời tựa viết 1992, ông tự xét rất sáng suốt :

« Nói về đồng nghiệp cũng là nói về mình. Cái hay cái dở của một người cũng là của một thời. Câu thơ : « từ thuở tóc xanh đi vỡ đất. Đến bạc đầu sỏi đá chửa thành cơm » đâu chỉ là số phận của một nhà thơ (Hoàng Trung Thông, ĐT ghi chú) : Hơn ai hết, tôi nghĩ nhà văn là đại diện của một thời, là lương tri của thời đại. Đã đành khó ai vượt được thời đại mình đang sống, không dễ nói hết, nói công khai những điều mình suy nghĩ. Nhưng cũng thật đau lòng và xấu hổ khi những nhà văn bán rẻ lương tâm, cong lưng quỳ gối trước quyền uy, mê muội vì danh lợi. Có lẽ đó là động cơ thúc đẩy tôi viết, nếu có nói quá đáng thì cũng dễ hiểu ; Cái con « quỷ ám » (chữ của Vương Trí Nhàn, ĐT ghi chú) nếu có thì cũng là sản phảm của những cảm xúc ấy, nỗi đau chung ấy (…) Tiếng cười nhiều khi xuất phát tự nỗi đau »

Chỗ mạnh, cũng là chỗ yếu của Xuân Sách, cái đúng đồng thời cái sai của ông là : đã xem nhà văn, như là lương tri của thời đại.

Xuân Sách sống đúng lương tri, nhưng nhầm thời đại. Trong mọi thể chế, người tài xế vẫn lái xe, vị bác sĩ vẫn chữa bệnh, người đầu bếp vẫn xào nấu. Nghề văn Việt Nam không có cơ may đó. Người đọc có thể phản chứng bằng trường hợp Phan Khôi, nhưng Việt Nam chỉ có một Phan Khôi, không thể có nhiều Phan Khôi. Và biết đâu chừng phản chứng Phan Khôi vô hình trung, lại là biện chứng cho nhiều kẻ « cong lưng quỳ gối trước quyền uy ». Dù sao, cũng không thấy Xuân Sách vịnh Phan Khôi… Nhưng có bài ưu ái cho Trần Dần, cũng đã là dũng khí lắm..


*


Đến đây, bạn đọc hẳn thắc mắc : tại sao một tập thơ với nội dung như thế lại được phép xuất bản ? Tại sao tác giả lại chép tay rồi phóng ảnh, thay vì đánh máy, xếp chữ như thường lệ ? Tại sao in tại nhà in bộ Nội Vụ, tức là bộ Công An ngày nay ? Câu trả lời : đây là mưu lược của nhà xuất bản Văn Học, do Lữ Huy Nguyên điều hành và Hoàng Lại Giang đại diện phía Nam. 99 bài thơ được đánh số, không ghi rõ tên chân dung của nhà văn nào, buộc người đọc phải đoán, như một câu đố. Được tướng Trần Độ ghi âm tại Vũng Tàu, nơi Xuân Sách cư ngụ. Lữ Huy Nguyên và Hoàng Lại Giang nghe được, bằng lòng xuất bản, chịu trách nhiệm và hậu quả. Nhưng để tránh khâu in ấn, đánh máy, xếp chữ, chữa bản vỗ dễ bị công an PA25 theo dõi và ngăn chặn, tác giả phải chép tay rồi chụp phim. Cuối cùng đưa cho nhà in Bộ Nội Vụ là nơi ít bị công an theo dõi nhất. Thế là sách in ra và phát hành.

Dĩ nhiên là chính quyền phản ứng. Bộ Văn Hóa họp để quyết định số phận tập thơ. Kết quả phiên họp có 2 phiếu chống, 3 phiếu thuận, trong đó có lá phiếu Huy Cận được vận động trước. Tác phẩm bị niêm phong số sách in còn lại, chứ không phải thu hồi. Chuyện do Hoàng Lại Giang kể với đài BBC ngày 5-6-2008.

Thêm chuyện nhỏ về Huy Cận : chính anh đã đọc cho tôi nghe bài biếm họa Hoài Thanh, một cách thích thú. Anh đọc chệch nửa câu :

Thi nhân còn một chút duyên
Chẳng gìn cho vững, lại lèn cho đau.

Thay vì : lại vò cho nát lại lèn cho đau. Huy Cận nhớ sai, có lẽ vì tiềm thức anh liên kết với câu Kiều, đã làm nền cho thơ Xuân Sách :

Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan

Anh cũng có mách việc Xuân Sách vào viện thăm Hoài Thanh, do Từ Sơn con trai Hoài Thanh kể lại.

Chuyện nhỏ này chứng tỏ những tác giả quyền thế, dù bị công kích, cũng có người tán thưởng những bài thơ đúng đắn và nghệ thuật. Dù bài vịnh Huy Cận có lời ác :

Tôi hát chiến tranh như trẩy hội
Đừng nên xấu hổ khi nói dối

Nhưng Huy Cận không lấy làm điều.

*

Hiện nay, văn giới đang bàn tán nhiều về hồi ký Đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải, rồi nhắc lại Di Cảo của Chế Lan Viên. Tôi không mấy quan tâm đến những tâm cảnh, quan cảnh chiếu hậu này, vì không biết đâu là phần chân thành đâu là phần biện minh. Vớt vát.

Nhưng tôi trân trọng Chân dung nhà văn của Xuân Sách vì đã sáng tác tại chỗ và đúng lúc. Nó là một tài liệu văn nghệ sống đã đành, mà còn là tiếng nói của lương tri thời đại, như chữ ông đã dùng.

Tiếc rằng cuốn sách chưa được phổ biến rộng rãi đúng lúc. Đây cũng là việc các nhà xuất bản phải lưu tâm.


Đặng Tiến

Hạ chí, 21-6-2008


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us