Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Chiến tranh nha phiến, nguyên nhân cùng hậu quả (4 và hết)

Chiến tranh nha phiến, nguyên nhân cùng hậu quả (4 và hết)

- Hồ Bạch Thảo — published 21/07/2013 23:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Chương 4 (và hết) : Sơ biến thời cận đại


Chiến tranh nha phiến,
nguyên nhân cùng hậu quả






HỒ BẠCH THẢO




Chương 4

Sơ biến thời cận đại
[1842-1850]





1. Điều ước Nam Kinh :


Triều đình thời Ðạo Quang không có chính sách đối ngoại nhất quán, lúc hòa lúc chiến, do bởi không biết mình biết người. Mở đầu tuy không muốn gây hấn, cuối cùng phải lao vào chiến tranh. Thời Ðịnh Hải mất, kinh đô bị uy hiếp, bèn chuyển hướng sang hòa ; rồi bị ép không chịu nổi, lại quay sang tiến công ; tiến công thất bại đành phải khuất phục. Chẳng ngờ đối phương không tha, bất đắc dĩ phải ứng chiến. Rồi chiến tranh bất lợi, Ðịnh Hải mất lần thứ hai, Trấn Hải [Zhenhai], Ninh Ba không giữ được ; viên Tuần phủ Chiết Giang Lưu Vận Kha vốn chủ chiến, thấy rằng nếu không xin hòa không có đường khác, bèn xin dùng lại Y Lý Bố, người đã từng giao thiệp với quân Anh tại Chiết Giang, nhưng không được chấp thuận. Vào đầu năm 1842, loạn tại phía nam Hồ Bắc [Hubei] dấy lên, kế tiếp cuộc phản công của Dịch Kinh thất bại, Hàng Châu [Hangzhou] chấn động ; Lưu Vận Kha lại tiếp tục trình bày những nguy cơ về nhân tâm, sĩ khí, hỏa khí, lương hướng, và tiếp tục xin phái Y Lý Bố đến Chiết Giang, nếu không “ khó có thể giữ được, ngoài ra bọn giặc lại thừa cơ dấy lên ”. Vua Ðạo Quang bèn nghe theo lời bàn, điểu Kỳ Anh làm Tướng quân Hàng Châu giao chức Khâm sai đại thần, mệnh Y Lý Bố phụ tá.


Kỳ Anh dựa vào Y Lý Bố, Y Lý Bố lại dựa vào gia nhân là Trương Hỷ. Lúc Ðịnh Hải mất lần thứ nhất, Trương Hỷ từng đến nơi này để gặp Charles Elliot [Nghĩa Luật] xúc tiến cuộc đình chiến tại Chiết Giang. Khi Kỳ Anh đến Hàng Châu, nghe tin Sạ Phố mất ; qua Trương Hỷ, Y Lý Bố chuyển thư yêu cầu người Anh đình chiến để thông thương, kế tiếp hai bên liên lạc chiếu hội, về phía người Anh đòi hỏi phải chấp nhận mọi yêu cầu. Lúc bấy giờ quân Anh đã vào sông Trường Giang, tuyên bố sẽ đánh Nam Kinh, Thiên Tân [Tianjin], rồi đến Bắc Kinh. Vua Ðạo Quang lo sợ, phẫn uất ; đến lúc mất Trấn Giang [Zhenjiang], tỏ ý bằng lòng giao thiệp song phương ngang hàng, cắt nhượng Hương Cảng, tăng mở cửa khẩu, giao cho Kỳ Anh, Y Lý Bố toàn quyền hòa nghị ; riêng không chịu bồi thường.


Quân Anh tiến tới Nam Kinh, Tổng đốc Lưỡng Giang Ngưu Giám xin hòa ; Sir Henry Pottinger [Phác Ðỉnh Tra] đáp rằng đợi Khâm sai đại thần Kỳ Anh, Y Lý Bố đến sẽ thuận theo lời yêu cầu, có thể không đánh thành. Ngày 8/8 Y Lý Bố đến trước, sai Trương Hỷ lên chiến hạm Anh hai lần, gặp viên Thông dịch John R. Morrison [Mã Nho Hàn] để sắp xếp trước. Sau khi Kỳ Anh đến nơi, Sir Henry Pottinger hẹn ngày 14/8 bàn luận, nếu không sẽ đánh thành. Ngày 17 Bố chánh Giang Ninh [Nam Kinh] Hoàng Ân Ðồng bàn thảo điều ước với John R. Morrison. Ngày 22, Ðạo Quang chấp nhận toàn bộ ; Kỳ Anh, Y Lý Bố, Ngưu Giám thể theo lời mời của Sir Henry Pottinger lên thăm tàu ; Sir Henry Pottinger cũng lên bờ đáp lễ.


Ngày 29/8/1842 chính thức ký điều ước tên gọi là Nam Kinh điều ước, nhưng phía Trung Quốc thì có tên Vạn Niên hòa ước. Ðiều ước chủ yếu gồm : Chuẩn cho người Anh mang quyến thuộc đến cư trú ; đặt 5 cảng khẩu mậu dịch : Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Ðông], Phúc Châu [Fuzhou, Phúc Kiến], Hạ Môn [Xiaman, Phúc Kiến], Ninh Ba [Ningbo, Chiết Giang], Thượng Hải [Shanghai], thiết lập lãnh sự ; cấp nhường Hương Cảng cho người Anh. Bồi thường nha phiến số tiền 600 vạn nguyên, tiền Hàng thương thiếu 300 vạn, tiền binh phí 1200 vạn, tổng cộng 2100 vạn nguyên 1 ; giao trước 600 vạn nguyên, số còn lại giao xong trong 4 năm. Chuẩn cho người Anh được tự do mậu dịch không kinh qua trung gian Hàng thương ; trả người Anh bị bắt, khoan miễn cho người Trung Quốc từng giao dịch làm việc với Anh. Những hàng xuất khẩu đánh thuế một cách công bình ; hàng hóa của nước Anh nhập khẩu theo lệ nạp thuế xong, thương nhân Trung Quốc vận chuyển không phải chịu thêm thuế. Sau khi Trung Quốc hứa thi hành hòa ước, quân Anh sẽ rút ra khỏi sông Trường Giang. Riêng Ðịnh Hải [Dinghai, Chiết Giang], đảo Cổ Lãng [Gulang, Phúc Kiến], thì đợi sau khi trả xong nợ và mở các cửa khẩu mới rút.


Cuộc đàm phán lần này, bọn Kỳ Anh “ khoanh tay nhận điều ước, không bàn thêm được một lời ”. Ðối với vấn đề nha phiến, từ thời Kỳ Thiện làm Khâm sai đại thần trở về sau đều để trong bụng ; chỉ dụ của vua Ðạo Quang không đề cập đến, riêng trong điều ước, một chữ cũng không thấy. Sir Henry Pottinger khuyên Trung Quốc bỏ lệnh cấm để đánh thuế, nhưng Hoàng Ân Ðồng đáp “ xin gác lại, để thương lượng sau ”, viên này cùng với Kỳ Anh cho rằng vua Ðạo Quang sợ mất thể diện không chính thức tuyên bố bỏ thuốc phiện, nên theo phương cách không nghe và không hỏi. Ðầu tháng chín, Ðạo Quang phê chuẩn điều ước, chấp nhận châm chước một vài chi tiết. Qua Kỳ Anh và Sir Henry Pottinger văn thư qua lại chiếu hội để làm rõ một vài điểm như : từ nay trở về sau thương nhân thiếu tiền, quan không trả nợ thay ; người Anh không được che chở gian dân ; trường hợp người Anh và Hoa có việc tố tụng “ người Anh do chính phủ Anh xử lý, người Hoa do Trung Quốc tra cứu ” như vậy người Anh dành được trị ngoại pháp quyền.


Lần bồi thường thứ nhất 600 vạn nguyên, lấy từ ngân khố các tỉnh Giang Tô [Jiangsu], Chiết Giang [Zhejiang], An Huy [Anquing], cùng tiền quyên góp ; đã giao đủ để hạm đội Anh rút ra biển. Riêng việc giao trả quân Anh bị bắt là vấn đề gay go. Khi chiến hạm Anh lên phía bắc lần thứ hai, có thuyền bị nạn tại Ðài Loan [Taiwan]. Một chiếc đụng phải đá ngầm, thủy quân da trắng lên tiểu đĩnh thoát khỏi, riêng hơn 100 quân da đen bị bắt ; còn một chiếc thuyền buôn khác hơn 40 người bị mắc cạn, 19 người bị giam cấm cố, số còn lại bị giết. Nay Sir Henry Pottinger biết được, kết tội quan chức Ðài Loan giết người bị nạn, đòi bồi thường. Triều đình Bắc Kinh và Kỳ Anh rất lo hòa ước bị hủy, bèn sai Tổng đốc Mân Chiết tra xét, bắt Tổng binh và Tri đạo Ðài Loan thẩm vấn, sự việc mới được yên.


Lần chiến tranh này, người Trung Quốc cho rằng nguyên nhân bởi nha phiến, riêng phía nước Anh công nhận nguyên nhân dùng binh do bởi thương vụ và chính trị. Hòa ước Nam Kinh tuy có định rõ điều khoản, nhưng chỉ là đại cương ; nước Anh muốn minh xác quy định thêm, để được cụ thể tường tận. Trung Quốc cũng cho rằng từ này trở về sau hai bên mở rộng giao dịch, sẽ có nhiều chuyện xẩy ra, nên phải có chương trình rõ ràng để tuân thủ. Liên quan đến vấn đề thông thương có nhiều điều phức tạp, không thể giải quyết trong hạn ngày giờ ; nhưng Trung Quốc muốn quân Anh mau ra khỏi sông Trường Giang, phía người Anh ở lâu trên tàu cũng bất tiện, nên cả hai bên định đến Quảng Châu giải quyết. Triều đình Bắc Kinh giao Kỳ Anh chức Tổng đốc Lưỡng Giang, thống lãnh việc thông thương tại các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến ; giao cho Y Lý Bố chức Khâm sai đại thần, Tướng quân Quảng Châu, phụ trách bàn về điều ước thông thương ; chẳng bao lâu Y Lý Bố bị bệnh mất, cải nhiệm Kỳ Anh liệu biện.


Sau khi đến Quảng Châu, để tỏ sự thành tín, Kỳ Anh hẹn với Sir Henry Pottinger gặp nhau tại Hương Cảng để bàn bạc. Vào ngày 22/7/1843, Trung Anh công bố chương trình thông thương tại 5 của khẩu, định thuế suất hàng hóa 4 %, riêng trà thuế suất 10 %, đình chỉ mọi loại phí trước kia quy định phải nạp. Người Hoa và người Anh kiện cáo, người nước nào xử theo pháp luật nước đó, quân hạm nước Anh được ghé tại 5 cửa khẩu. Ngày 8/10/1843 lại đính thêm Thông thương phụ niêm thiện hậu điều ước, còn gọi là Hổ Môn điều ước định rõ thương gia Anh tại 5 cửa khẩu không được tự tiện vào vùng hương thôn phụ cận, tại 5 cửa khẩu có thể mướn nhà, hoặc mướn đất để xây ; nếu như Trung Quốc ban ơn cho các nước khác, thì cũng đều được hưởng điều kiện như người Anh.


Nói chung hòa ước Nam Kinh người Anh được đãi ngộ như một tối huệ quốc về quan thuế, tô giới, và quyền lãnh sự tài phán ; đây chính là hòa ước bất bình đẳng. Riêng Kỳ Anh và người phụ tá là Hoàng Ân Ðồng hoàn toàn không hiểu được những điều khoản này xâm phạm chủ quyền Trung Quốc rất nhiều ; ngược lại còn cho rằng có điều tiện lợi vì người nước nào do nước đó phân xử quản lý, chỉ cần nước Anh không che chở cho người Trung Quốc phạm pháp là họ mãn ý. Nhìn về quá khứ quan hệ giữa Trung Quốc và Tây Phương thao túng trong tay Trung Quốc, nay thì mọi việc nằm trong tay người ; quá khứ Trung Quốc không đối đãi bình đẳng, người Anh nhiều lời kêu gọi bình đẳng ; hiện tại cho đến về sau thì ngược lại, bất bình đẳng được dùng để đối xử với Trung Quốc.





2. Mỹ Pháp bắt chước Anh



Lúc Lâm Tắc Từ bắt nạp nha phiến tại Quảng Châu [1839], Giáo sĩ Mỹ Peter Parker [Bá Giá] từng khuyên Lâm nên đính ước giao thương cùng các nước. Thương nhân Mỹ cũng đòi hỏi trong nước đưa đại biểu đến Trung Quốc đàm phán ; cùng liên hợp với Anh, Pháp, Hà Lan yêu cầu cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Năm sau [1840] quốc hội Mỹ chú ý đến tình hình tại Quảng Châu, chính phủ trù tính đưa quân hạm đến. Năm 1842, L. Kearny [Gia Ni] Tư lệnh hạm đội Ðông Ấn độ phụng mệnh đến Quảng Ðông với nhiệm vụ bảo hộ thương thuyền Mỹ, cấm buôn thuốc phiện, không tham gia vào cuộc tranh chấp giữa Anh Hoa. L. Kearny gửi thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng, yêu cầu cho Mỹ cùng được buôn bán, để hai bên cùng có lợi. Ðương cục phụ trách Di vụ cho rằng từ trước tới nay Mỹ tỏ ra cung thuận, người Anh cũng không phản đối việc Mỹ đến buôn bán tại các cửa khẩu mới mở, nếu như từ chối thì Mỹ “ được ơn với người Anh, mà gây oán với Trung Quốc ”, vậy cách hay nhất là dựa theo tình thế tìm đường tốt, đối xử chung một lòng nhân. Nhưng L. Kearny không có quốc thư về đàm phán đính ước, nên phải trở về nước.


Ðại biểu chính thức của nước Mỹ là Caleb Cushing [Cố Thịnh] nhận được huấn lệnh rằng : người Mỹ tại các cửa khẩu mới mở được hưởng đãi ngộ như nước Anh, không bảo hộ thương nhân Mỹ buôn bán phi pháp, cùng xin đến kinh đô hội kiến. Trong quốc thư Tổng thống John Tyler [Thái Lộc] trình bày “ với ý thái bình, cùng tấm lòng hòa hảo.” Ðó là lần thứ nhất nước Mỹ biểu thị chính sách với Trung Quốc.


Trước khi Caleb Cushing đến, lãnh sự Mỹ tại Quảng Châu xin Kỳ Anh chuẩn cho Caleb Cushing đến Bắc Kinh yết kiến, nhưng bị từ chối. Tháng 2/1844 Caleb Cushing đến Áo Môn, báo cho Tổng đốc Lưỡng Quảng biết rằng đợi thuyền binh ổn định chỗ đậu, sẽ lên Thiên Tân xin đến kinh đô nghị ước và chiêm cận. Lại bảo rằng “ không thương nghị với các quan, chỉ thương nghị với Khâm sai đại thần.” Lúc bấy giờ Kỳ Anh đã trở về Nam Kinh, triều đình nhà Thanh biết rằng việc này không thể giao cho người khác, bèn điều Kỳ Anh trở lại Quảng Châu, giữ chức Tổng đốc Lưỡng Quảng, tái ban cho Khâm sai đại thần quan phòng, biện lý các việc thông thương tại duyên hải, tương đương với Ðại thần về ngoại giao.


Sau khi đến Quảng Châu, Kỳ Anh đích thân đến Áo Môn gặp Caleb Cushing để yêu cầu đừng đến kinh đô. Lúc đầu Caleb Cushing cố tình tránh né, không đáp thẳng vào lời yêu cầu ; một tuần sau thông báo chấp nhận lời yêu cầu và xin bắt đầu nghị bàn. Về điều ước, đã có tiền lệ với người Anh, bản thảo ước phía Mỹ đưa ra đại để không trái ngược, nên dễ cho Kỳ Anh chấp thuận ; tuy nhiên về chi tiết Kỳ Anh đã rơi vào mưu thuật của Caleb Cushing. Ngày 3/7/1844 Trung Mỹ điều ước ký tại thôn Vọng Hạ [Áo Môn], nên còn được gọi là Vọng Hạ điều ước. Ngoại trừ vấn đề bồi thường được gạt ra ngoài, các điểm khác ghi trong điều ước Trung Anh đều có đủ trong đó, lại thêm những chi tiết như : về quyền lãnh sự tài phán, trường hợp Trung Mỹ tranh chấp, người Mỹ do Lãnh sự Mỹ xử, riêng đối với người ngoại quốc tranh chấp với Mỹ, cũng đều do Mỹ xử ; quan chức Trung Quốc tại cảng khẩu phụ trách tiếp đãi binh thuyền Mỹ, chuẩn cho người Mỹ tại 5 cảng khẩu xây giáo đường, nghĩa địa ; điều ước cứ 12 năm tu sửa một lần, nước Mỹ được hưởng tối huệ quốc đãi ngộ, lý do được cho là Mỹ không buôn bán nha phiến. Caleb Cushing tự xưng rằng chính họ đã mở cửa ngõ vào Trung Quốc.


Riêng nước Pháp tại Trung Quốc lúc bấy giờ, không có lợi ích lớn về thương nghiệp, họ chú ý đến vấn đề truyền giáo. Ðối với Trung Anh xung đột Pháp rất lưu ý, năm 1841 gửi hai quan sát viên đến Quảng Ðông theo dõi. Sau khi Trung Anh hòa ước ký kết, Pháp vin theo lệ thỉnh cầu, Kỳ Anh chủ trương nhất luật đối đãi với các nước Tây phương, nên chấp nhận. Tháng 8/1844 đại biểu Pháp Théodore de Lagrené [Lạt Ngạc Ni] đến Áo Môn, hộ tống bởi 8 binh thuyền để gây áp lực. Qua những lần tiếp xúc, thủ đoạn của Théodore de Lagrené cũng rất cao tay, trước hết y đề ra những điều khó có thể chấp nhận được như việc lên Bắc Kinh triều kiến vua Ðạo Quang, xin cắt nhường đất Hổ Môn vv… sau vài hôm mới nêu lên điểm trọng yếu là bỏ cấm đạo Thiên Chúa, khiến Kỳ Anh không tiện bác thêm. Kết quả chấp nhận cho người Trung Quốc theo đạo Thiên Chúa, nhưng Giáo sĩ ngoại quốc không được tự tiện vào nội địa truyền giáo. Ngày 24/10/1844 hòa ước Trung Pháp được ký tại Hoàng Phố tỉnh Quảng Ðông, được xưng gọn là Hoàng Phố điều ước, về mậu dịch cũng tương tự như hòa ước ký với Mỹ, duy có thêm vấn đề truyền giáo và bảo vệ phần mộ giáo đường.


Sau khi điều ước ký xong Théodore de Lagrené cũng chưa thỏa mãn, y kiên trì đòi hỏi phải thông tư cho các tỉnh thả những người theo đạo, chuẩn cho xây dựng giáo đường, tụ họp, nhà vua công khai ban dụ tuyên bố, đem các giáo đường thời Khang Hy trả lại cho giáo dân ; nếu không “ thì việc giữa hai nước, không biết sẽ như thế nào ! ”. Lúc này có lời đồn rằng quân Pháp sẽ chiếm Ðịnh Hải, vua Ðạo Quang phẫn khái trước cuộc biến thiên, nhưng chỉ đành “ tòng theo sự quyền nghi ”. Ngày 8/2/1846, y theo lời đòi hỏi của Théodore de Lagrené, bỏ cấm Thiên Chúa giáo ; việc này cũng thi hành luôn cho đạo Cơ Ðốc [Protestantism], vì Mỹ, Anh có nhiều tín đồ đạo này, đã được công nhận là tối huệ quốc.


Sau khi ký điều ước với các nước Anh, Mỹ, Pháp ; các nước Tây phương khác như Hà Lan, Tỉ Lợi Thì, Ðan Mạch, Phổ Lỗ Sĩ, Tây Ban Nha cũng đều được hứa tham gia chương trình hỗ thị. Riêng Thụy Ðiển từng chính thức lập điều ước ; Bồ Ðào Nha yêu cầu miễn địa tô tại Áo Môn và khuyếch trương địa giới ; tuy không hoàn toàn chấp nhận, nhưng cũng được chước giảm một phần tiền mướn đất.




3. Việc thông thương tại 5 cửa khẩu




Từ năm 1843-1844, 5 cửa khẩu ghi trong điều ước : Quảng Châu, Hạ Môn, Thượng Hải, Ninh Ba, Phúc Châu lần lượt mở cửa. Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba địa thế hẹp, nên thương vụ không phồn thịnh. Mậu dịch tại Quảng Châu khôi phục, thương gia từ Lưỡng Hồ, Giang Tây mang trà, tơ tới, hàng Tây phương buôn lên phía bắc “ chốn thị tứ, điềm nhiên vui với nghề nghiệp ”, nhưng tình trạng tốt cũng chỉ bất thường.


Thượng Hải tại cửa sông Trường Giang và Hoàng Phố, giao thông tiện lợi ; vị trí gần các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang giàu có, từ xưa tới nay vốn là hải khẩu quan trọng trong nước. Khi mới mở cửa khẩu, thương thuyền ngoại quốc đến chưa nhiều, một năm khoảng 20 chiếc, đến năm 1847 vượt lên trên 100 chiếc. Ðến năm 1850 áp đảo Quảng Châu, năm 1855 có đến trên 400 thuyền ngoại quốc đến. Các nhà buôn lớn tại Quảng Châu di chuyển đến, hoặc lập chi điếm tại nơi này ; Thượng Hải trở thành thị thành lớn nhất toàn nước. Tô giới của nước Anh lúc đầu chỉ có 27 mẫu Anh 2 , năm 1845 giữ 187 mẫu, 3 năm sau khuyếch trương đến 450 mẫu. Tô giới Pháp định vào năm 1849, khoảng 200 mẫu Anh. Tô giới Mỹ hình thành năm 1847, phạm vi không hoàn toàn cố định, khoảng 1.000 mẫu Anh ; năm 1863 gộp với nước Anh, gọi là công cộng tô giới. Ngoài việc buôn bán bình thường, nơi này còn tàng trữ dung dưỡng hành động phạm pháp.


Còn vùng đất cắt nhượng, Hương Cảng, vốn là nơi tụ tập ra vào của hải tặc, chỉ có vài chục hộ đánh cá. Sau khi người Anh chiếm cứ, bèn tạc núi mở đường, kiến thiết lớn ; trở thành khu trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của nước Anh tại Viễn Ðông. Một thời là nơi tâp trung nha phiến, công khai mậu dịch.


Trước thời chiến tranh Trung Anh, mậu dịch tại Trung quốc do Hàng thương khống chế, thực tế đảm nhiệm việc buôn bán. Bọn họ lúc đầu được mướn để giúp cho ngoại quốc mua bán các vật linh tinh, cùng phục vụ chốn ăn ở nhu yếu. Ðến khi việc buôn bán với ngoại quốc trở nên phồn thịnh, Hàng thương gánh vác thêm những dịch vụ khác, nên quyền lực thêm nặng. Sau khi 5 cửa khẩu khai thông, ngoại quốc tuy có quyền trực tiếp chọn người buôn bán, nhưng cũng cần đến thuật buôn bán chuyên môn của lớp Hàng thương cũ. Sau khi Thượng Hải hưng khởi, những tay buôn kinh nghiệm tại Quảng Châu đến, nổi tiếng như Ngô Kiến Chương, Từ Nhuận ; hoặc những cựu thương gia tại Chiết Giang như Mục Bỉnh Nguyên, Dương Phường v v… Ngoài việc buôn bán tại chỗ, họ vào nội địa thu mua trà, tơ ; hoặc bán các hàng nước ngoài, giao dịch chuyền tay cả ngàn vàng. Tuy nhiên vấn đề mua bán lúc bấy giờ, phần lớn không giống như dịch vụ của Hàng thương trước kia. Từ đó những người dân duyên hải “ tranh nhau làm việc cho ngoại quốc ” ; người biết nói tiếng ngoại quốc “ đông mau như chim đàn ” ; không ít người giàu có lớn, họ tiếp xúc quen với Tây phương, tập sống theo lối Tây.


Sau khi mở cửa thông thương, hàng buôn lậu rất nhiều, đặc biệt là nha phiến. Tại các hải khẩu ; ngoài Hương Cảng, Thượng Hải là nơi quan trọng ; nha phiến trử trên phà, dùng loại thuyền chạy nhanh “ phi tiễn thuyền ” vận chuyển đi các nơi. Các thương phẩm khác cũng có buôn lậu, nếu như khám phá được, thì Lãnh sự tìm cách che chở. Chỉ khoảng 1/2 hoặc 1/3 hàng hóa, nạp thuế qua hải quan. Nhà cầm quyền tại Áo Môn và thương cảng tổ chức hộ thuyền, dùng các thuyền buôn và thuyền cướp có trang bị súng ống ; gọi là bảo hộ nhưng hạch sách các thuyền tư, thảm bạo hơn là bắt người, trói nhốt, đưa đến Mỹ Lạp Ðinh [Latin America] ; đường đường người Hoa nhưng số phận như trâu chó.




4. Hoạt động của các giáo sĩ



Trước thời chiến tranh nha phiến, Thiên Chúa giáo tại Hoa chưa hoàn toàn tuyệt tích ; năm 1846 chiếu chỉ bỏ cấm đạo đưa đến nhiều tiện lợi, các giáo phái hoạt động triển khai, có riêng khu vực truyền giáo như Giang Tô, An Huy. Sau năm 1843, tại Thượng Hải, gần quê hương của Từ Quang Khải, thiết lập tổng hội ; xây quan tượng đài, bác vật viện, thư viện, trường học, nhà in. Năm 1853 trong giáo khu có 78 trường học, hơn 1.200 học sinh, tín đồ mỗi ngày một tăng ; theo thống kê giáo đồ Thiên Chúa giáo toàn quốc ước 30 vạn người.


Giáo sĩ tân giáo người Mỹ tại Áo Môn, Quảng Châu hoạt động rất năng nổ, đầu tiên vào năm 1803 Mỹ quốc công lý hội [American Board of Commissions for Foreign Missions] phái các Giáo Sĩ như E. C. Bridgman [Tỳ Trị Văn], David Abeel [Nhã Tỳ Lý] đến Trung Quốc. Năm 1832 E. C. Bridgman phát hành Trung Quốc hối văn bằng tiếng Anh [The Chinese Repository] tại Quảng Châu ; lại cùng David Abeel mở trường học. Giáo sĩ Samuel Wells Williams [Vệ Tam Úy] trước tác [Trung Quốc tổng luậnThe Middle Kingdom, 1848] và Hoa văn chú âm tự điển [Syllabic Dictionary of Chinese Language, 1874]. Năm 1835 Peter Parker [Bá Giá] lập y viện đầu tiên tại Quảng Châu, tên là Canton Hospital. Các giáo đồ Bố đạo hội 3 đến sau, chia đến các thành phố ven biển lập giáo đường, mở trường, nhà thương, cùng cơ sở ấn hành sách báo. Tân giáo tổ chức không nghiêm mật bằng Thiên Chúa giáo, nhưng tinh thần năng nổ, phương pháp mới, đối với việc thâu nhập văn hóa Tây phương có ảnh hưởng lớn. Các quốc gia theo Tân giáo ảnh hưởng kinh tế tại Trung Quốc mạnh hơn các quốc gia theo Thiên Chúa giáo, tuy nhiên Thiên Chúa giáo có bề dày về lịch sử, thế lực thâm nhập vào nội địa, tín đồ đông hơn ; trong khi phạm vi hoạt động của Tân giáo phần lớn hạn chế tại các thương khẩu.




5. Nghiên cứu về Tây phương



Trước thời chiến tranh nha phiến, trí thức Trung Quốc chú tâm nghiên cứu Tây phương, chủ chốt có Lương Ðình Ðan với các tác phẩm Quảng Ðông hải phòng hối lãm, Việt hải quan chí. Trong thời kỳ chiến tranh, nhắm tìm hiểu về các nước Tây phương, Vương Uẩn Hương soạn Hải ngoại phiên di lục. Sau thời kỳ chiến tranh Lương Ðình Ðan tham khảo những tài liệu do các Giáo sĩ Anh Mỹ biên tập, soạn sách Hợp chúng quốc chí ; lại thu thập những điều bản thân nghe thấy, chép thành sách Di phân kỷ văn.


Ðối với việc nghiên cứu Tây phương sâu hơn một bực, có Ngụy Nguyên [1774-1857]. Ngụy người Thiệu Dương [Shaoyang], tỉnh Hồ Nam, chuyên về học liên quan đến nhân sinh, là bạn thân của Lâm Tắc Từ. Từ năm 1840-1841 làm tham mưu dưới trướng Dụ Khiêm, qua những lời khẩu cung của tù binh Anh, soạn sách Anh Cát Lợi tiểu chí. Năm 1841 Ngụy gặp Lâm Tắc Từ tại Trấn Giang ; lúc này sách Thánh vũ Ký đã hoàn thành, bèn cho bổ sung thêm thiên Dương sưu tiễu phủ ký, bàn về chiến tranh nha phiến. Tháng 1/1843 Ngụy Nguyên ra mắt bộ Hải quốc đồ chí 50 quyển, đây là một tác phẩm lớn về địa lý, lịch sử thế giới và tình hình chính giáo Tây phương. Tài liệu phần lớn được lấy từ họa báo, sách dịch do Lâm chủ trương tại Quảng Châu, mà cốt cán là bộ Tứ châu chí. Năm 1847, đích thân đến Quảng Châu, Áo Môn, phỏng vấn danh nho Trần Phong cùng Lý sự quán Bồ Ðào Nha, lại đến Hương Cảng mua bản đồ thế giới, triển khai Hải Quốc đồ chí thành 60 quyển. Lại 5 năm sau [1853] đọc thêm các sách Trung Tây, như Ðịa lý bị khảo của Marchis [Mã Cát Sĩ] người Bồ Ðào Nha, tiếp tục hoàn thành, tăng đến 100 quyển.


Ngụy Nguyên là một học giả đầu tiên, sau chiến tranh nha phiến, thấy được sự biến thiên của thời đại và ảnh hưởng lớn của Tây phương ; ông viết : “ Khí vận trong thiên hạ rõ ràng do biến. Quả đất hình tròn, phải chăng biến chuyển từ tây sang đông ? ” ; “ Trong những viễn khách đến phương đông, biết yêu lễ thi hành điều nghĩa, trên thông thiên tượng, dưới xem địa lý, thắm thiết nhân tình, thông quán cổ kim ; là kẻ sĩ trên thế giới, là bạn tốt của ta ” ; “ Thánh nhân coi thiên hạ như một nhà, bốn biển là anh em, nên mềm dẻo với người xa, giữ lễ với tân khách, đó là đại độ của bực vương giả ; hỏi han phong tục, tìm hiểu mọi việc trên địa cầu là chức phận của bậc trí sĩ ”. Chủ ý tác giả Hải Quốc đồ chí là biết mình biết người, tự cho mình hiểu biết chưa đủ, đàm luận học hỏi khắp nơi “ dùng [sở trường] của Di để đánh Di, dùng Di để chế ngự Di ” . Lại luận về “ học sở trường kỹ thuật của Di để chế ngự Di ” ; cái mà ông chú ý nhất về sở trường kỹ thuật là thuyền và pháo, đáng mở xưởng cục, mời chuyên viên Anh, Mỹ, chế tạo thao diễn ; đặt thêm ngành thủy sư, đào tạo khoa bảng chuyên về chế thuyền, pháo Tây dương, hỏa khí. Ông đề cao chế độ dân chủ tại Mỹ, gọi chương trình [hiến pháp] của nước Mỹ “ đời qua đời không có mối tệ ”, “ 27 bộ [tiểu bang] 4 cộng cử một đại Tù trưởng [Tổng thống] cứ 4 năm thì thay đổi, quan chức tuy thay nhưng lòng người vui vẻ một dạ ”, “ Nghị sự, tố tụng, tuyển quan, cử hiền tài, đề bạt từ dưới lên ; cứ dân chấp nhận là được, dân phủ nhận thì bỏ ” lại “ vừa giàu và mạnh nhưng không ăn hiếp nước nhỏ, không quen thói cú vọ với Trung Quốc, vì nghĩa phẫn giận, tình nguyện ra tay ”. Lại cho rằng thời đại biến đổi, sự việc nhân vật thời xưa không thể giống ngày nay “ cố chấp việc xưa để ràng buộc ngày nay là vu hãm hiện tại ; cố chấp hiện tại để xét việc xưa là vu hãm cổ nhân ”. Những điều nghị luận khích thiết, người thời bấy giờ chưa ai nói tới, nên cho là “ Kỳ thư ” ; nhưng đáng tiếc ảnh hưởng sách ông tại Trung Quốc không nhiều, nhưng ảnh hưởng tại Nhật bản lại mạnh.


So với Vạn quốc đồ chí của Ngụy Nguyên tương đồng, nhưng có hệ thống hơn, đó là công trình của Từ Kế Dư. Năm 1840-1851, làm quan tại Phúc Kiến, trải qua các chức Ðạo viên, Bố chánh, lên đến Tuần phủ, họ Từ lưu ý việc liên quan đến nước ngoài. Từng kết giao với Giáo sĩ Mỹ David Abeel [Nhã Tỳ Lý] từ Mỹ đến đảo Cổ Lãng năm 1842, Từ soạn Doanh hoàn chí lược, hoàn thành năm 1848, ấn hành năm 1850 ; tường thuật từng nước về địa lý, lịch sử, chính trị, kèm theo địa đồ mới chính xác.




6. Dân Quảng Ðông chống người Anh



Chính sách pháo hạm của ngoại quốc khiến cho triều đình nhà Thanh bị khuất phục, nhưng những điều ước trên giấy không thay đổi được lòng dân đối với ngoại bang ; từ đó trở về sau, mối quan hệ không biến chuyển tốt, mà trở nên ác hóa. Kẻ chiến thắng Anh quốc rút được kinh nghiệm rằng thái độ cường ngạnh đáp ứng hữu hiệu, càng làm cho Trung Quốc lùi bước, nên tiếp tục khuyếch đại, hoành hành kiêu căng ; khiến cho triều đình và dân chúng càng thêm phẫn giận. Ðó là nguyên nhân tại sao sau điều ước Nam Kinh xung đột giữa Trung Anh liên tiếp xẩy ra, càng ngày càng ác liệt.


Sự kiện xung đột phần lớn xẩy ra tại Quảng Châu, sơ khởi do nhân dân chống Anh, được quan lại biểu đồng tình. Dân Quảng Ðông cương cường, tiếp xúc với ngoại nhân từ lâu, mâu thuẫn với ngoại nhân có phần ác liệt. Thời nha phiến chiến tranh, lòng giận địch càng cao, Lâm Tắc từ tưởng thưởng đoàn luyện, ảnh hưởng cũng rất mạnh ; vụ dân chúng nổi dậy đánh quân Anh tại Tam Nguyên Lý càng củng cố lòng tin, nên tổ chức vũ trang “ Bình Anh đoàn ” ra đời. Năm 1842, lập “ Thăng bình xã học ” “ Kẻ giàu giúp lương, người nghèo ra sức, cử hành đoàn luyện, căn cứ từng hộ mộ người ” ; tuy rằng quan phủ chỉ muốn dùng tổ chức này để tự vệ, chứ không phải để gây hấn.


Sau chiến tranh nha phiến, người Anh tại Quảng Châu có thái độ chinh phục “ từ lời nói, dấy lên phong ba ” mỗi lần “ đi trên phố, la mắng dân tránh đường, chưa kịp thì lấy roi đánh ”. Một người dân Phúc Kiến lưu ngụ tại Quảng Châu, với tấm lòng đầy nhiệt tâm, in truyền đơn đả kích người Anh và hô hào dân chúng định ngày tập hội ; bị viên Tổng đốc Kỳ Cống xua đuổi. Khoảng 10 ngày sau đó, xẩy ra vụ Di quán bị đốt trong đêm, chết 2 người Anh, 3 người Hoa ; Sir Henry Pottinger [Phác Ðỉnh Tra] dọa mang quân đến bao vây tỉnh, Kỳ Cống chấp nhận bồi thường và xử tử 10 người. Sir Henry Pottinger cho rằng trước sự tức giận của đám đông, không nên gây thêm phong ba, bèn cho kết thúc vụ việc. Năm 1844, người Anh lại đòi mướn đất tại phía nam Quảng Châu, dân nổi lên phản đối, Tổng đốc Hương Cảng [Hong kong] Sir John Francis Davis [Ðức Tí Thời] chuẩn bị cưỡng chiếm, thân sĩ dân chúng dán bố cáo chống lại, cuối cùng đành hủy bỏ.


Qua hai sự kiện đã xẩy ra, triều đình và dân chúng đều cảm thấy rằng “ dân có thể chế ngự Di ”. Qua điều ước Nam Kinh nhường cho Anh 5 cảng khẩu buôn bán, người Anh cho cảng khẩu là thành thị, nên đòi hỏi vào thành. Tại Thượng Hải [Shanghai], Ninh Ba [Ninhbo] không gặp khó khăn ; Phúc Châu [Fuzhow], Hạ Môn [Xiamen] có mâu thuẫn nhỏ ; riêng Quảng Châu thì kiên cường cự tuyệt. Năm 1843 Sir Henry Pottinger mấy lần xin vào thành gặp Kỳ Anh, bị Thanh bình xã học cực lực chống đối, viên đại diện Anh đành gác bỏ. Năm sau Sir John Francis Davis tái đề xuất, cũng không được như ý. Dân Quảng Ðông mỗi lần gặp vài ba người Anh vào thành, bèn tụ lại la hét, có lúc ẩu đả. Năm 1847 người Anh bị nhục tại Phật Sơn [Foshan], Sir John Francis David không đợi tra cứu bèn mang chiến hạm vào sông gần tỉnh lỵ, chiếm lãnh pháo đài, Kỳ Anh phải đích thân đến Di quán thương lượng. Lại xẩy ra vụ ẩu đả tại Hoàng Trúc Kỳ, vùng phụ cận Quảng Châu, khiến 6 người Anh và 3 người Hoa chết, Sir John Francis David lại mang quân hạm đến tỉnh thành, Kỳ Anh phải đem 4 hung thủ ra xử tử.


Sau vụ Hoàng Trúc Kỳ, Kỳ Anh có ý xin giải nhiệm ; tháng 2/1848 sắc mệnh Kỳ Anh trở về kinh, cử Từ Quảng Tấn thay giữ chức Tổng đốc, kiêm Khâm sai đại thần ; Diệp Danh Sâm lãnh chức Tuần phủ Quảng Ðông. Hành động này chứng tỏ triều đình có sự chuyển biến, trong sắc dụ cho Từ vua Ðạo Quang lưu ý “ trách nhiệm chính của Ðại thần là yên dân, lòng dân không mất thì người nước ngoài không thể khinh nhờn ; từ nay trở về sau trong sự giao thiệp giữa dân và ngoại Di, không thể trừng phạt một cách thiên lệch. ”


Phía Trung Quốc thay đổi nhân sự, về phía Anh cũng cử S.J. Bonham [Văn Hàn] giữ chức Công sứ Anh, cùng Tổng đốc Hương Cảng. S.J Bonham, từng giữ chức tại Tân Gia Ba [Singapore] và Mãn Lạt Gia nên biết ít nhiều về người Hoa, yêu cầu năm sau tiến vào thành Quảng Châu ; nhưng bị Từ Quảng Tấn từ chối vì “ lòng dân không hứa.”


Qua sự dằng co giữa hai bên, phía Anh cân nhắc lợi hại về việc buôn bán, cuối cùng bố cáo với thương gia ngoại quốc rằng “ bãi bỏ việc tiến thành, mọi người an tâm mậu dịch.”  ; triều Thanh coi đó là một thắng lợi lớn./.




Hồ Bạch Thảo








Kỳ trước :


Chương 1 : Trung Anh tranh chấp khuếch đại trước chiến tranh nha phiến



Chương 2 : Lâm Tắc Từ cấm thuốc phiện

Chương 3 : Chính sách pháo hạm của nước Anh




1 Số tiền giao để không đánh thành Dương Châu là 50 vạn nguyên, chuộc thành Quảng Châu là 500 vạn nguyên ; như vậy thực tế bồi thường là 2.750 vạn nguyên.


2 1 mẫu Anh tương đương 4.046 mét vuông (m2).


3 Bố đạo hội : một chi phái Cơ Ðốc giáo có nhiều tín đồ tại các thành phố ven biển Trung Quốc.


4 Lúc bấy giờ nước Mỹ chỉ mới có 27 tiểu bang.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us