Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / CHIẾN TRANH TRUNG NHẬT (1894) / CHIẾN TRANH TRUNG NHẬT (1894)

CHIẾN TRANH TRUNG NHẬT (1894)

- Hồ Bạch Thảo — published 24/04/2014 00:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương hai : Chiến tranh Trung-Nhật, Trung Quốc thảm bại [1894-1895]



Chiến tranh Trung Nhật thời cuối Thanh [1894]
cùng liệt cường mưu chia cắt Trung Quốc



Hồ Bạch Thảo



Chương hai

Chiến tranh Trung-Nhật,
Trung Quốc thảm bại [1894-1895]




tn

Chiến tranh Hoa Nhật tại Bình Nhưỡng (tháng 8-1894)

Nguồn : wikipedia



1. Hải lục quyết chiến


Vào đầu tháng 7/1894, lục quân Nhật Bản tại Triều Tiên gần 1 vạn, quân Trung Quốc trú tại Nha Sơn [đông nam Hán Thành khoảng 50 dặm Anh] không đầy 3.000 người, vào giữa tháng Lý Hồng Chương quyết định tăng quân, tập kết tại Bình Nhưỡng [Pyongyang] ; lại mướn thuyền máy nước Anh chuyển thêm 2.000 quân đến Nha Sơn. Quân tập kết tại Bình Nhưỡng gồm 4 đại đơn vị do : Tổng binh Vệ Nhữ Quý chỉ huy, xuất phát từ Thiên Tân ; Phó đô thống Phong Thân Á xuất phát từ Phụng Thiên [tỉnh Liêu Ninh] ; Đề đốc Mã Ngọc Côn xuất phát từ Lữ Thuận [Lushun, Liêu Ninh] ; Tổng binh Tả Bảo Quý xuất phát từ Phụng Thiên. Vì sợ đường thuỷ bị chặn, nên 4 đạo quân này hành quân bộ, vượt sông Áp Lục đến nơi tập kết.

Trong cuộc đại duyệt binh của Lý Hồng Chương hai tháng trước, Nhật Bản đã dò được nhược điểm hải quân Trung Quốc ; tăng viện bằng đường thuỷ kỳ này lại không bảo mật, gián điệp Nhật tại Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc] đầy rẫy, đã báo cho chiến hạm ngoài khơi biết để tìm đánh. Ngày 23/7, hai chiến hạm Trung Quốc, Tế Viễn, Quảng Ất hộ tống thuyền máy đổ bộ tại Nha Sơn. Ngày 24/7, viên chỉ huy chiến hạm Tế Viễn, Phương Bá Khiêm, nhận được tin từ tàu Anh cho biết chiến hạm Nhật sắp tới. Ngày hôm sau 25/7 lúc tờ mờ sáng Tế Viễn, Quảng Ất từ Nha Sơn quay trở về, lúc hàng hành đến Phong Đảo 1, tại phía tây nam vịnh Nha Sơn, gặp 3 chiến hạm Nhật : Cát Dã, Lãng Tốc, và Thu Tân. Chiến hạm Nhật khai pháo trước, bắn nhau đến hơn một tiếng đồng hồ, Quảng Ất bị cháy hủy, Tế Viễn không địch nổi. Chiến hạm Quảng Ất do Phúc Kiến Thuyền Chính chế tạo ; bị Lãng Tốc dùng hoả lực áp đảo, hư hại nặng, thân tàu nghiêng, quân lính thương vong nhiều, không còn khả năng tác chiến. Cùng lúc đó chuyến vận tải thứ hai gồm tàu Anh, Cao Thăng, mang quốc tịch Anh chở 1.200 quân Thanh và nhân viên người Anh ; cùng chiếc Tháo Giang chở quân cụ lần lượt đến. Tàu Nhật, Lãng Tốc, Thu Tân, quay sang truy kích 2 tàu vận tải, Cao Thăng của Anh bị chìm, chết hơn 700 người ; riêng chiếc Tháo Giang bị bắt ; đó là trận mở màn Trung, Nhật hải chiến. Quảng Ất không còn năng lực chiến đấu, rút vào vùng nước cạn gần bờ, phóng hoả tự đốt chìm. Tế Viễn một chọi ba, thực không dễ, bèn bỏ lại 2 tàu vận tải, rút về phía tây, chiến hạm Nhật, Cát Dã, truy kích phía sau, Tế Viễn dùng pháo phía đuôi chống lại, nên thoát được.

Nhật Bản cho rằng lục quân đánh ắt thắng, hải chiến cũng có thể nắm chắc, nên quyết định đánh, không cần tuyên chiến, nhắm chiến thắng hải quân Trung Quốc để làm tăng sĩ khí. Sau khi thắng tuy mừng, nhưng riêng chiếc tàu Cao Thăng của Anh bị chìm, thì không khỏi lo lắng. Dư luận nước Anh nhất thời có phần khích động, nhưng Công sứ Anh tại Bắc Kinh, N. R. O.Conor, tuyên bố rằng chiếc Cao Thăng đã cho Trung Quốc mướn, nước Anh không liên quan, kết quả nhận bồi thường để kết thúc sự việc. Nhân Nhật Bản liên tiếp thắng, nên nước Anh cũng không muốn làm mất lòng Nhật.

Trước chiến thắng Phong Đảo 2 ngày, quân Nhật đã chiếm Hán Thành, khống chế Quốc vương Triều Tiên. Cùng ngày với trận hải chiến, ra lệnh Triều Tiên tuyên bố là nước tự chủ, xin Nhật Bản đánh đuổi dùm quân Trung Quốc. Quân Trung Quốc lúc này đóng tại Nha Sơn khoảng 4.000 người, ở vào thế cô lập, bèn di chuyển đến vùng Thành Hoan gần đó. Ngày 28/7 quân Nhật đến từ phía bắc Thành Hoan, ngày 29 đánh bại, quân Thanh lại chạy lên Bình Nhưỡng phía bắc. Thống lãnh Diệp Chí Siêu sàm tâu bại thành thắng, triều đình Thanh bèn tưởng thưởng, tự cho rằng hải quân tuy bại, lục quân hoạch thắng, cũng đủ an ủi.

Ngày 27/7 Bắc Kinh nhận được tin tức tại Phong Đảo, chuẩn bị tuyên chiến ; lại hai ngày sau nhận được tin tức tại Thành Hoan, bèn triệu hồi Công sứ tại Nhật. Ngày 30, Tổng thự thông báo Công sứ các nước, trách nước Nhật bội nghĩa phi pháp, gây hấn trước ; thi hành tuyệt giao với Nhật ; rồi ngày 1/8 [1 tháng 7 năm Quang Tự thứ 20] Trung-Nhật tuyên chiến.

Đầu tháng 8, khoảng 1 vạn 4 ngàn lục quân Trung Quốc đến Bình Nhưỡng. Chủ lực là 6.000 Hoài quân, do Vệ Nhữ Quí chỉ huy, kỷ luật rất kém, xuất phát mới được 2 ngày đã đào ngũ 400 quân ; vào đến đất Triều Tiên thì gian dâm cướp đoạt, rất thất nhân tâm. Các tướng lãnh không cùng một đơn vị thống thuộc, người được chỉ định làm Tổng chỉ huy là Diệp Chí Siêu, thiếu năng lực chế ngự ; giữ thành Bình Nhưỡng, lương hướng không đủ no quân, vũ khí đạn dược thiếu hụt. Về phía Nhật Bản thì binh lực chưa tập trung, còn bận giải quyết tại Hán Thành, nên chưa tiến thẳng. Hạ tuần tháng 7 Nhật-Hàn thành lập xong cái gọi là Công thủ đồng minh, Nhật mang đại quân lên Bình Nhưỡng, binh lực tương đương với Trung Quốc, do Tư lệnh đệ tam sư đoàn Dã Luật Đạo Quán chỉ huy. Vào ngày 14/9, tức vào tiết trung thu, bắt đầu công kích ; ngay hôm sau đánh ác liệt. Tổng binh Mã Ngọc Côn, phòng thủ lộ phía đông và Tổng binh Vệ Nhữ Quí phòng thủ lộ phía nam ra sức đánh, Tổng binh Tả Ngọc Quí phòng thủ lộ phía bắc, dù cánh quân bạn bỏ chạy, địch quân áp lực, vẫn quyết chống trả cho đến lúc tử trận, nên được vua Quang Tự phong hàm Thái tử thiếu bảo. Riêng Diệp Chí Siêu hoảng hốt bỏ thành chạy, vũ khí lương thực mất hết, chết hơn 2.000 người. Vào ngày 16, quân Nhật chiếm được Bình Nhưỡng, đây là trận đánh trên bộ, qu mô cũng chưa phải là lớn. Từ đó trở về sau trên lãnh thổ Triều Tiên không còn dấu tích quân Hoa ; toàn bộ rút lui khỏi phía tây sông Áp Lục.

Hải chiến lớn xẩy ra sau khi mất Bình Nhưỡng 2 ngày. Sau trận Phong Đảo, hạm đội Bắc Dương 3 lần tuần tiễu vùng biển Triều Tiên ; riêng hạm đội Nhật Bản ngoài việc chuyển lục quân đến Triều Tiên an toàn, còn thăm dò các hải cảng Uy Hải Vệ [Weihaiwei, Sơn Đông], Đại Liên [Đalian, Liêu Ninh] để khiên chế. Hạm đội Bắc Dương bèn cải sang thế thủ, không còn khinh suất rời khỏi Lữ Thuận [Lushun, Liêu Ninh] ; do đó bị đình thần quở trách, Đề đốc Đinh Nhữ Xương bị cách chức lưu nhiệm. Lý Hồng Chương cho rằng chiến hạm dùng được có Trấn Viễn, Định Viễn, nhưng tàu nặng chạy chậm, vận tốc tối đa chỉ được 14.5 hải lý/giờ 2, các tàu khác như Tế Viễn cũng chỉ chạy được 16 hải lý, Hải chiến trên biển, cần tàu chạy nhanh để đuổi đánh hoặc rút lui hữu hiệu ; tàu Nhật Bản loại chạy nhanh vận tốc 23 hải lý, loại hạng hai 20 hải lý. Hải quân Trung Quốc chủ trương không xông ra đánh, mà chỉ tuần tiễu vùng biển Bột Hải 3, để chiến hạm Nhật khỏi xâm phạm. Đầu tháng 8, triều đình Bắc Kinh định mua 3 chiếc tàu chạy nhanh, do lời đề nghị của viên chỉ huy tàu tuần hải quan người Anh, W.F. Tyler [Thái Lạc Nhĩ], nhưng chưa thành ; nếu như mua xong cũng chậm, không đáp ứng được.

Ngoại trừ vận tốc tàu không bằng Nhật Bản, pháo bắn nhanh cũng thua Nhật, mà đạn pháo cũng thiếu nhiều. Trên tàu Định Viễn, Trấn Viễn, mỗi đại pháo chỉ có 3 quả đạn ; nhân cần tiền cho lễ khánh thọ lục tuần của Từ Hy Thái Hậu nên không có ngân khoản chi. Còn chí quyết tâm chiến đấu, thì quan quân trung, hạ cấp tương đối hăng, nhưng nhân viên cao cấp thì phần nhiều sợ sệt, người đứng đầu như Lưu Bộ Chiêm cũng khiếm khuyết đảm lược.

Vào ngày 16/9, Đinh Nhữ Xương đốc suất toàn đội Bắc Dương hải quân đến Đại Đông Câu tại cửa sông Áp Lục để yểm trợ lục quân đổ bộ. Vào đúng ngọ [12:00 giờ trưa] ngày 17, ngay lúc định quay trở về Lữ Thuận ; gặp hạm đội Nhật 12 chiếc [cộng 38.000 tấn] xuất hiện tại vùng biển Hoàng Hải 4, Tư lệnh là Y Đông Hỗ Hanh, đương nhiên phải có mật báo. Dưới quyền Đinh Nhữ Xương có 14 tàu lớn nhỏ, loại có thể tham chiến gồm 10 chiếc [cộng 31.000 tấn] ; Định Viễn là chiến hạm đứng đầu, do Lưu Bộ Chiêm chỉ huy, có những người Tây Dương như W.F. Tyler [Thái Lạc Nhĩ], Hán Nạp Căn trên tàu. Lúc đầu hạm đội dàn theo đội hình hai hàng dọc song song, Định Viễn, Trấn Viễn đi đầu ; nhưng rồi Lưu Bộ Chiêm tự cải thành đội hình hàng ngang, Định Viễn, Trấn Viễn đi giữa, cho các tàu nhỏ theo hàng dọc chạy hai bên, nên bố trí trở nên loạn. Nhật Bản chiến hạm trước tiên bức bách hông bên phải, Đinh Nhữ Xương và W.F. Tyler ra lệnh chuyển sang phải để quân chủ lực nghênh địch, nhưng Lưu không tuân ; lúc này trọng pháo dấy lên, Đinh Nhữ Xương bị thương tại đài quan sát. Sau giờ ngọ, chiến tranh tiếp tục, hai chiếc Dương Uy, Siêu Dõng bị đánh chìm, quan quân đều tử trận. Tàu Trí Viễn tác chiến dõng mạnh, bị thương nặng, đạn dược sắp hết, chỉ huy Đặng Thế Xương ra lệnh xông vào tàu Cát Dã của Nhật, nhưng bị ngư lôi bắn chìm, toàn tàu quan quân 200 người tử trận ; tàu Kinh Viễn bị xé nát, chỉ huy Lâm Vĩnh Thăng tử trận. Định Viễn, Trấn Viễn bị 5 tàu Nhật giáp công, vẫn tiếp tục đánh không ngừng ; Định Viễn từng bắn trúng tàu Nhật, Tây Kinh Hoàn, bản thân cũng bị bắn phát hỏa ; Trấn Viễn do Lâm Thái Tăng chỉ huy, một mặt hộ vệ Định Viễn ; một mặt chiến đấu, bắn trúng soái hạm Tùng Đảo, phòng của Hạm trưởng bị phá, nhưng vì đạn không đủ thuốc súng nên tàu không chìm. Sự việc xẩy ra khiến tàu Nhật phải tạm rút lui, để Trung tướng Y Đông chuyển sang tàu khác, ngoài ra số thương vong hơn 10 quan binh. Đến 5:30 chiều, chiến đấu kết thúc, Trung Quốc mất 4 chiến hạm, tử thương hơn 1000 người ; phía Nhật Bản 3 tàu bị trọng thương, tử thương hơn 500. Từ đó quân chủ lực Nhật Bản được tự do đến bán đảo Triều Tiên, thâm nhập Liêu Đông [Liaodong, Liêu Ninh], uy hiếp Bắc Kinh. Chiến dịch này quyết định cuộc chiến tranh thắng bại, cùng quyết định 40 năm mạt vận của Trung Quốc và nuôi dưỡng dã tâm xâm lược của Nhật Bản.


2. Triều đình nhà Thanh mưu hòa, Nhật Bản tiếp tục tấn công


Lý Hồng Chương vốn chủ trương thoả hiệp với Nhật ; Từ Hy tuy từng bảo rằng không thể tỏ ra yếu đuối, nhưng cũng không muốn đánh, vì còn nghĩ đến ngày lễ khánh thọ 60 tuổi tại vườn Di Hòa. Riêng Quang Tự muốn phấn chấn, thầy học là Ông Đồng Hòa cũng cầu mong chiến thắng để tạo lập uy thế cho Quang Tự, thoát khỏi sự khống chế của Từ Hy. Chủ hòa là những người đương quyền có thực lực, phái chủ chiến là những người luận bàn suông, ảo tưởng.

Sau các trận thảm bại tại Bình Nhưỡng, Hoàng Hải ; phái chủ hòa lập luận có chỗ dựa, riêng phái chủ chiến cũng bớt hăng. Kiến nghị xin dùng trở lại người đang còn uy tín là Cung Thân vương Dịch Hân, được Từ Hy Thái hậu đồng ý ; rồi đến cuối tháng 9, Quang Tự miễn cưởng chấp thuận ; vẫn ra lệnh cho quản lý Tổng thự, cùng tổng lý hải quân, hội đồng biện lý quân vụ. Về việc Lý giao thiệp với Nga, thủy chung vẫn tiếp tục ; vào tháng 8 nước Nga không hứa cho Nhật Bản phá hoại hiện trạng tại Triều Tiên. Sau cuộc chiến tại Hoàng Hải 7 ngày, Lý Hồng Chương báo cáo với Tổng thự rằng “ Ý của triều đình Nga vẫn không thay đổi, không muốn Nhật chiếm Hàn quốc. Quân hải lục của họ tại Hải Sâm Uy không thiếu, 2 tháng trước nước Nga đã điều động quân đến biên giới Hàn, nhắm mục đích đợi chờ cơ hội.” Từ Hy Thái hậu sai Ông Đồng Hòa đến Thiên Tân để tìm hiểu về tình hình đàm phán, Ông Đồng Hòa thấy rằng Nga không đủ để dựa, lúc trở về kinh đô chủ trương cùng viên Tổng thuế vụ người Anh, Robert Hart, tiếp tục xin nước Anh điều đình. Công sứ Nga A. P. Cassini lúc bấy giờ từ Yên Đài [Yantai, Sơn Đông] đến Thiên Tân, Lý nhiều lần thúc dục ; Cassini cho biết đợi đến lúc Trung Quốc ký hòa đàm xong, nếu Nhật vẫn tiếp tục chiếm Triều Tiên thì Nga sẽ có hành động, còn trước mắt tạm thời giữ trung lập.

Thái độ Ông Đồng Hòa đối với nước Nga có phần nghi ngờ ; cũng ít nhiều ảnh hưởng bởi Tổng đốc Trương Chi Đỗng, viên này vào trung tuần tháng 8 điều trần chủ yếu liên lạc với Anh, nên Ông đã kiến nghị tái xin nước Anh can thiệp. Đầu tháng 10, Cung Thân vương bàn luận với Robert Hart ; lúc này nước Anh không ngờ rằng hải lục quân Trung Quốc thất bại nhanh như thế, sợ triều đình Thanh sẽ dựa vào Nga, hoặc sụp đổ mau, khiến Nga có thể chiếm vùng Mãn Châu, nên đã thương lượng với các nước giúp điều đình, để cho Triều Tiên độc lập, Trung Quốc chịu bồi khoản. Các nước Đức, Mỹ cho rằng thời cơ chưa tới, Nga, Pháp có mưu đồ riêng ; thậm chí dư luận tại Anh cũng phản đối áp chế Nhật Bản. Công sứ Anh N.R. O’Conor khuyên Lý Hồng Chương sớm nghị hòa, Lý yêu cầu trước tiên đình chiến, rồi bàn đến tương lai Triều Tiên, và cự tuyệt đòi bồi thường binh phí. Cung Thân vương đối với điều kiện nước Anh đưa ra tỏ vẻ ưng thuận ; Ông Đồng Hoà và Lý Hồng Chương phản đối, xin Từ Hy đợi Công sứ Nga Cassini tới thương lượng tiếp, nhưng Từ Hy quyết ý mưu hoà. Nhật Bản càng đánh càng thắng, nên không mãn ý với phương án của người Anh, chỉ muốn kế tục tiến công ; riêng Mỹ, Đức lúc này cũng lãnh đạm với việc điều đình, để cho Trung Quốc bị đánh. Ngày 23/10, Nhật phúc đáp cho Anh rằng lúc này chưa có ý hướng đình chiến.

Cùng trong ngày, Đệ nhất quân của Sơn Huyện Hữu Bằng gồm 2 vạn bắt đầu vượt qua phía tây sông Áp Lục, tiến vào Phụng Thiên [Liêu Ninh] 5. Quân Thanh gồm Hoài quân dưới quyền Tống Khánh và quân Mãn Châu dưới quyền Y Khắc Đường A gồm 4 vạn, theo nhau thua chạy ; trong vòng 50 ngày liên tiếp mất các thành An Đông, Cửu Liên, Phượng Hoàng, Khoan Điện, Tụ Nham ; chỉ còn quân của Tổng binh Niếp sĩ Thành giữ được Đại Cao Lãnh, hương dõng cũng tích cực chống lại. Vào ngày 25/10 Đệ nhị quân của Nhật Bản trên 2 vạn, do Đại Sơn Nham chỉ huy, đổ bộ tại bán đảo Liêu Đông [Liaodong, Liêu Ninh], gần phía sau lưng quân cảng Lữ Thuận [Lushun, Liêu Ninh]. Lữ Thuận là cơ sở của hải quân Bắc Dương, có 30 pháo đài, 150 cỗ đại pháo, được coi là kiên cố nhất. Vào trung tuần tháng 10, tàn dư của quân Bắc Dương rút về đóng tại Uy Hải Vệ, không đoái đến Lữ Thuận. Sau khi Đệ nhị quân của Nhật Bản đổ bộ, không gặp sức kháng cự nào, bèn chiếm Kim Châu [Jinzhou], Đại Liên [Dalian, Liêu Ninh]. Quân trú đóng tại Lữ Thuận hơn 1 vạn, nhìn ngó không tiến, không yểm trợ lẫn nhau, tranh bỏ trốn trước ; Tổng binh Từ Bang Đạo ra sức đánh nhưng không địch nổi, khiến quân cảng được ra công xây dựng trên 10 năm, thất thủ vào ngày 21/11 ; quân Nhật chém giết trong 4 ngày, phụ nữ cũng không từ. Đồng thời Đệ nhất quân tại phía tây sông Áp Lục chiếm thành Tích Mộc, Hải Thành. Vào tháng 1/1895 Đệ nhất quân hợp với Đệ nhị quân chiếm Cái Bình [Gaizhou, Liêu Ninh], các vùng đất quan trọng phía đông sông Liêu Hà [Liaohe River, Liêu Ninh] cơ hồ mất hết.

Sau mấy lần binh bại tại Liêu Đông, vào đầu tháng 11 Cung Thân vương chính thức nhờ 5 nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga điều đình giúp ; điều kiện giống như nước Anh đã nêu ra. Nước Anh biểu thị không tiện tái thương lượng với Nhật, Công sứ Anh N.R. O’Conor nhân tiện tiến cử Robert Hart giúp Trung Quốc luyện binh, để mong nắm được quyền lợi lớn về quân sự và tài chánh, nhưng Cung Thân vương khước từ. Nước Đức cho rằng nguyên đề nghị của Anh, chưa vị tất Nhật đồng ý ; Nga, Pháp vẫn không tích cực, Mỹ đồng ý đem ra hỏi ý kiến Nhật, nhưng không chấp nhận cùng liệu biện với các nước Âu châu.

Ngay trong cuộc chiến và trước đó, nước Mỹ đứng về phía Nhật Bản, hy vọng có thể giúp cho Triều Tiên độc lập, cùng chèn ép nước Nga ; nhưng không muốn quân Nhật Bản hành động quá độ, khiến cho Trung Quốc sụp đổ, tình thế đông Á trở nên hỗn loạn. Vào ngày Đại Liên mất [6/11], Mỹ khuyến cáo Nhật rằng nếu Nhật tiếp tục tiến, các nước Âu Châu sẽ can thiệp ; vậy có muốn để cho nước Mỹ điều giải không ? Lúc bấy giờ trước mắt có thể chiếm được Lữ Thuận, nên Nhật lấy cớ rằng Trung Quốc chưa chính thức xin hòa, Nhật cho rằng thời cơ chưa chín muồi. Đến lúc Lữ Thuận mất, Cung Thân vương đồng ý với Công sứ Mỹ C. Denby [Điền Bối] phương án, báo cho Nhật Bản biết rằng Mỹ đơn độc điều giải, cùng theo lời đề nghị của Lý Hồng Chương giao cho viên thuế vụ Thiên Tân Détring mang thư của Lý gửi cho Thủ tướng Y Đằng Bác Văn, nhưng Nhật Bản cự tuyệt tiếp nhận. Lý Hồng Chương sắp xếp như vậy, vì không muốn gửi viên quan lớn khiến cho người Nhật khinh bỉ, riêng Nhật cự tuyệt Détring, vì cho rằng tư cách viên này không hợp. Vào tháng 12, Từ Hy Thái hậu và Cung Thân vương cải phái Thị lang bộ hộ Trương Ấm Hoàn cùng Tuần phủ Hồ Nam Thiệu Hữu Liêm trực tiếp đến Nhật xin hòa ; đồng thời Cung Thân vương cũng được cử làm quân cơ Đại thần, tăng thêm quyền lực. Trương trước kia từng đi sứ tại nước Mỹ, hiện kiêm Tổng thự đại thần, Thiệu cũng đã trải qua nhiều lần liệu biện việc ngoại giao ; riêng phía Mỹ cũng tiến cử viên Quốc vụ khanh tiền nhiệm, John W. Foster [Phúc Sĩ Đức], làm Cố vấn.

Vua Quang Tự và thân cận tả hữu đều phản đối hòa nghị, Cẩn phi, Trân phi, anh ruột là Chí Nhuệ, cùng thầy học Văn Đình Thức cũng đều như vậy. Sau chiến bại Bình Nhưỡng, Lý Hồng Chương bị xử phạt thêm, khi mất Lữ Thuận bị cách chức lưu nhiệm ; Từ Hy cũng giáng Cẩn Phi, Trân Phi xuống Quý nhân, đem Chí Nhuệ trị tội. Khi quyết định đem Trương, Thiệu đi nghị hòa, Ngự sử An Duy Tuấn đàn hặc Lý Hồng Chương thông với giặc bán nước, cùng chỉ rõ rằng ý kiến nghị hòa phát xuất bởi Từ Hy Thái hậu và Thái giám Lý Liên Anh. Hán Nạp Căn xin luyện thêm tân quân, cùng mua pháo hạm ; nhưng hoàn cảnh nước xa không cứu nổi lửa gần, nên bất đắc dĩ phải cải dùng Tương quân thay thế Hoài quân, cùng thay đổi Thống soái, dùng Tuần phủ Hồ Nam Ngô Đại Trừng phụ trách phòng ngự Sơn Hải quan [Shanhaiguan, Hà Bắc], Lưu Khôn Nhất làm Quân cơ đại thần, tiết chế các quân trong ngoài quan ải. Ngô từng khuyên Trương Ấm Hoàn “ xin khởi hành chậm một chút, để chờ tin chiến thắng ” ; riêng tại Thượng Hải có truyền đơn đả kích chuyến đi của Trương và Thiệu.

Huấn lệnh của triều đình nhà Thanh cho Trương, Thiệu bao gồm : hứa cho Triều Tiên tự chủ, không cắt đất, binh phí có thể bồi thường nhưng số lượng không quá cao ; các điều kiện Nhật Bản yêu cầu, cần đợi chiếu chỉ để tuân hành, không được tự tiện chấp thuận. Những điều kiện của Nhật Bản, ngoại trừ Triều Tiên độc lập, cùng bồi thường, còn đòi hỏi cắt đất và những đặc quyền khác tại Hoa ; Nhật dự liệu rằng Trung Quốc không ưng thuận toàn bộ, nên cần tiếp tục đánh. Vào đầu tháng 2/1895, Trương, Thiệu cùng Y Đằng, và Ngoại vụ Lục Áo Tông Quang họp tại Quảng Đảo [Hiroshima, Nhật] 6 ; Y Đằng cho rằng Trương, Thiệu không đủ toàn quyền, cự không khai hội, trách cứ Trung Quốc thiếu thành ý ; lại không cho Trương, Thiệu điện tín về nước. Hai bên gặp nhau mấy lần rồi ngưng, triều Thanh bèn sửa đổi quốc thư, cho Trương, Thiệu quyền đính ước, nhưng Nhật Bản vẫn khăng khăng không chịu.

Nhật Bản quyết tâm tiếp tục làm nhục Trung Quốc, công kích căn cứ thứ hai của hải quân Bắc Dương tại Uy Hải Vệ. Quân phòng thủ tại Uy Hải Vệ khoảng hơn 1 vạn, hạm đội Bắc Dương cũng có lực lượng tương đương ; bất hạnh chiến hạm chủ lực Trấn Viễn đụng vào đá bi hư, Hạm trưởng Lâm Thái Tăng tự sát, khiến lòng quân không phấn chấn. Quân Nhật vẫn sử dụng chiến thuật dùng lục quân làm chủ lực, vào tháng 1/1895 trên 2 vạn quân đổ bộ tại Vinh Thành Loan, phía đông Uy Hải Vệ, đoạt pháo đài phía nam, dùng hải quân chẹn cửa biển. Đầu tháng giêng, thủy lục giáp công, liên tiếp đánh chìm các chiến hạm Định Viễn, Lai Viễn, Tĩnh Viễn ; Đạo viên Đái Tông Khiên, Tổng binh Trương Văn Tuyên, Lưu Bộ Chiêm tự tử. Đinh Nhữ Xương cự tuyệt chiêu hàng, hạ lệnh đánh chìm thuyền, kẻ dưới quyền không tuân, bèn uống thuốc độc tự tử. Vào ngày 14/2 nhân viên hải quân Long Trấn Băng, theo lời Cố vấn Anh, giả danh Đinh, gửi thư đầu hàng ; các tàu Trấn Viễn, Tế Viễn, lớn nhỏ 11 chiếc vào tay Nhật, hải quân Bắc dương bị quét sạch.

Cuộc chiến trên bộ tại miền đông bắc Trung Quốc tiếp tục tiến hành, quan quân tuy bại rút, nhưng hương dõng dấy lên đề kháng ; các vùng Khoan Điện, Trường Điện, Tụ Nham thuộc Liêu Đông ; Liêu Dương, Hải Thành, Lữ Thuận thuộc Liêu Trung, Liêu Nam chống trả rất mãnh liệt. Tháng 2/1895, quân Nhật 4 lần xâm phạm Liêu Dương [Liaoyang, Liêu Ninh], đều bị đánh lui. Tương quân 2 vạn, hợp đồng với quân Cát Lâm, Hắc Long Giang 3 vạn, phản công Hải Thành [Haicheng, Liêu Ninh], nhưng không thành công. Đầu tháng 3 quân Nhật tiếp tục chiếm được Ngưu Xã, Doanh Khẩu, Điền Xã Đài, giết đốt rất thảm ; Tương quân tổn thất quá nửa, Liêu Tây báo động, Bắc Kinh bị uy hiếp nặng. Cùng tháng này, hải quân Nhật Bản hướng đến Đài Loan; Bành Hồ không giữ được, lúc này cuộc đàm phán giữa Lý Hồng Chương và Nhật Bản bắt đầu.



3. Điều ước Mã quan nhục nhã khắt khe



Nhật Bản cự tuyệt Trương Ấm Hoàn, Thiệu Hữu Liêm đàm phán vì lý do nhân sự. Y Đằng Bác Văn nói rõ cho Ngũ Đình Phương biết Trung Quốc cần phái người có toàn quyền, một đại quan có danh vọng cao, tốt nhất là Cung Thân vương hay Lý Hồng Chương, đối với Sứ thần Mỹ tại Đông Kinh [kinh đô Nhật] cũng trình bày như vậy. Lúc bấy giờ Liêu Dương thế nguy, số phận Uy Hải Vệ mất trong sớm tối, vào ngày 10/2, vua Quang Tự triệu Quân cơ đại thần đến gặp, nói trong tiếng khóc rằng thời thế như vậy, đánh hoặc hòa đều không có chỗ dựa. Từ Hy quyết định sai Lý Hồng Chương đi, ngày 13 trao chức Toàn quyền đại thần hàng đầu.

Phía Nhật Bản cũng không phải mọi việc đều toại lòng, nước Nga đã biểu lộ ý không muốn Nhật mở mang lãnh thổ tại đại lục, tình hình ngoại giao cũng có chỗ bất lợi. Về quân sự, mở mang nhiều chiến trường, cảm thấy không đủ lực, nên cũng muốn Trung Quốc sớm phái Sứ thần khác đến để giải quyết, cùng đem điều kiện đòi hỏi gửi trước cho Bắc Kinh, để giúp cho Sứ thần mới được giao quyền chấp thuận. Đặc biệt đối với điều khoản cắt đất, Lý Hồng Chương tâu lên vua Quang tự rằng “ về việc cắt đất, không dám đảm nhận ” ; trong Quân cơ đại thần có người chủ trương rằng bồi thường nhiều hơn cắt đất, có người lại cho rằng nếu không cắt đất khó giải quyết xong. Kỳ thực bản thân Lý và Cung Thân vương không tuyệt đối phản đối cắt đất, điều lo là cắt chỗ nào thích hợp “ nếu bằng lòng cắt tại phía bắc thì ngại nước Nga, phía nam thì ngại Anh, Pháp ”.

Thanh triều và Lý Hồng Chương vẫn trông mong viện trợ từ bên ngoài, bèn chia nhau thương nghị với các nước. Lý Hồng Chương nói với Công sứ Anh N.R. O’Conor rằng nếu giúp cho Trung Quốc không mất đất đai, nguyện giao cho nước Anh những đặc quyền về chính trị, quân sự, đường sắt, mỏ khoáng và thương vụ ; nhưng nước Anh đang chuẩn bị liên kết với Nhật, nên khuyên Lý chấp nhận những điều Nhật yêu cầu. Công sứ Mỹ C. Denby khuyên đừng để ý đến sự can thiệp của các nước, cứ chấp nhận cắt đất và bồi thường ; sau này có thể dùng người Mỹ xây đường sắt, khai mỏ khoáng, lập ngân Hàng để tăng thu nhập. Nước Nga rất quan tâm đến việc Nhật Bản có chiếm Triều Tiên, Mãn Châu hay không, vì chưa biết được đích xác nên chưa hành động, chỉ nói nếu như Nhật Bản có tham vọng quá lớn, sẽ liên hợp với các nước can thiệp. Nước Đức rất muốn chiếm nhiều quyền lợi về quân sự, buôn bán, hải cảng ; mong cho Trung Quốc khốn đốn càng nhiều, thì cơ hội của nước này càng lớn. Nước Pháp dòm theo nước Nga đi trước, cũng đợi xem Nhật Bản chiếm lãnh đất đai tại chỗ nào, rồi mới đem lời bình luận. Toàn bộ nguyện vọng của Thanh triều và Lý Hồng Chương do đó rơi vào không tưởng. Cho đến khi Uy Hải Vệ bị công hãm, Bắc dương hạm đội bị tiêu diệt, Nhật Bản có khả năng xâm phạm Thiên Tân, Bắc Kinh, vào ngày 3/3 Thanh đình cuối cùng trao cho Lý Hồng Chương quyền nhượng đất. Nguyên nhân nếu không làm như vậy “ thì mối nguy của đô thành chỉ trong gang tấc, lấy tình thế ngày hôm nay mà bàn thì tông miếu là trọng, nơi biên giới xem thường ”.

Ngày 19/3/1895 Lý Hồng Chương cầm giấy uỷ nhiệm toàn quyền của triều đình, đáp tàu Đức hiệu Công Nghĩa đến cảng Mã Quan 7, Nhật Bản ; để cùng Y Đằng, Lục Áo đàm phán tại lầu Xuân Phàm, Mã Quan. Trong số tùy viên có Lý Kinh Phương con của Lý, La Phong Lục, Mã Kiến Trung, Ngũ Đình Phương, cùng viên Cố vấn người Mỹ 8, John W. Foster, người đã từng tham gia trong kỳ hội đàm trước.

Ngày 20/3 hai bên kiểm soát giấy uỷ nhiệm toàn quyền, cùng trao đổi ngắn.

Ngày 21/3 bắt đầu chính thức hội đàm, Lý yêu cầu cho đình chiến ngay, mong hai nước vĩnh viễn hòa hảo cùng duy trì đại cuộc Á Châu, nếu không thì có hại cho Trung Quốc, mà cũng chẳng có ích cho Nhật. Y Đằng không thèm để ý đến, ngày hôm sau đưa ra điều kiện : Nhật Bản chiếm Sơn Hải Quan [Shanhaiguan, Hà Bắc], Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Đại Cô [Dagu, Thiên Tân] ; quân Trung Quốc tại những nơi này phải nạp khí giới ; đường sắt từ Thiên Tân đến Sơn Hải Quan do người Nhật quản lý, Trung Quốc phải đảm trách quân phí cho Nhật lúc đình chiến. Lý cho rằng điều kiện quá hà khắc, Y Đằng bức bách thêm rằng hẹn trong 3 ngày, phải triệt hồi yêu cầu đình chiến.

Ngày 24/3, trong phiên hội nghị thứ ba, Lý ngồi kiệu đến lầu Xuân Phàm, bị một thích khách là cựu võ sĩ Nhật Bản muốn cuộc nghị hòa bất thành, dùng súng bắn vào má bên trái, máu chảy ướt y phục, ngất xỉu tại chỗ. Hung thủ trốn vào phố bên cạnh ; riêng viên đạn không vào chỗ hiểm, Lý Hồng Chương được thầy thuốc tháp tùng cấp cứu, nên mau bình phục. Vụ đánh trộm này, hóa ra giúp Lý. Y Đằng, Lục Áo sợ Lý lấy cớ bỏ về nước, dẫn đến các nước Âu Châu can thiệp, bèn hứa đình chiến, nhưng Đài Loan, Bành Hồ không nằm trong đó.

Vào ngày 1/4, Y Đằng đưa ra điều ước rất độc hại, hẹn trong 4 ngày phải quyết định, Lý tu chỉnh thêm, mềm mỏng thỉnh cầu, hy vọng đoái tưởng đến hai nước từng giao thiệp lâu đời. Y Đằng vẫn đưa ra đòi hỏi, rồi yêu cầu trả lời vắn tắt có hay không đáp ứng mà thôi, cùng uy hiếp Lý Kinh Phương rằng “ Nhật Bản là nước chiến thắng, nếu như đàm phán bị phá ; tôi ra mệnh lệnh, thì sự an nguy của Bắc Kinh không dám bàn thêm nữa ; lúc bấy giờ Toàn quyền đại thần Trung Quốc đến nơi đó có thể ra vào cửa thành một cách an nhiên hay không, điều đó tôi không dám bảo đảm ”. Điều mà Lý Hồng Chương và Bắc Kinh không thể tiếp thụ được là tiền bồi thường 3 vạn vạn đồng, cắt nhượng miền nam Phụng Thiên (bán đảo Liêu Đông) cùng Đài Loan, Bành Hồ. Qua sự hăm dọa của Y Đằng, Lý đồng ý cắt 4 huyện giáp với Triều Tiên cùng Bành Hồ. Ngày thứ 10, Y Đằng đưa điều khoản giảm một ít, trừ Liêu Dương thuộc bán đảo Liêu Đông, bồi khoản cải thành 2 vạn vạn lượng, kỳ dư đều như cũ “ nhưng chỉ cần cho biết hai câu, ưng hay không mà thôi ”. Bắc Kinh hy vọng bồi khoản tái giảm, cùng giữ lại miền bắc Đài Loan ; nếu không thể thương lượng thêm, thì cho đính ước. Cuộc hội đàm lần thứ năm, Lý đưa lời khẩn cầu cuối cùng, nhưng Y Đằng không nhượng thêm. Vào ngày 17/4/1895, cha con Lý Hồng Chương cùng Y Đằng, Lục Áo ký điều ước, tức Mã Quan điều ước.

Nội dung chủ yếu của điều ước :

- Thứ nhất, Trung Quốc thừa nhận Triều Tiên tự chủ, tức mặc nhiên hứa cho Nhật làm chúa tể Triều Tiên, Trung Quốc không được xen vào.

- Thứ hai, cắt nhượng phía nam Phụng Thiên, cùng Đài Loan, Bành Hồ. Phía nam Phụng Thiên bao gồm cửa sông Áp Lục cho đến thành Phượng Hoàng [Fenghuang, Liêu Ninh], Hải Thành [Haicheng, Liêu Ninh], Cung Khẩu [Yingkou, Liêu Ninh], tức toàn bộ phía nam bán đảo Liêu Ninh ; Lữ Thuận, Đại Liên nằm trong đó. Đài Loan, Bành Hồ tức toàn tỉnh Đài Loan. Trước kia Trung Quốc từng mất đất cho Nga hoặc Anh, toàn thuộc vùng xa xôi, hoặc đảo nhỏ, lần này bị cắt đều là “ nơi quan trọng, màu mỡ ”.

- Thứ ba, bồi khoản 2 vạn vạn lượng, trong 3 năm phải giao đủ ; số tiền này gấp 7 lần tiền bồi thường cho Anh và Pháp trong các điều ước năm 1842 và 1860, hơn gấp hai tiền thu nhập của Trung Quốc hàng năm. Triều đình nhà Thanh chỉ còn cách uống rượu độc cho hết khát, với trăm thứ hạch sách, phải ngửa tay mượn tiền ngoại quốc, khiến cho dân cùng lực tận. Nhật Bản ký điều ước này hưởng lợi tương đương với toàn quốc nước này thu nhập trong 3 năm, có thể dùng phát triển thực nghiệp, gia tăng quân phí, để chuẩn bị xâm lăng Trung Quốc trong tương lai.

- Thứ tư, người Nhật được mở các xưởng công nghệ tại các cửa khẩu, chỉ nạp thuế hàng hóa đến cửa khẩu, không nạp thuế nội địa. Như vậy người Nhật có quyền lập công xưởng tại Trung Quốc, lợi dụng nhân công nguyên liệu Trung Quốc tại chỗ, sản phẩm được miễn thuế nội địa, khiến công thương nghiệp Trung Quốc không có cách gì cạnh tranh, các nước Tây phương lại viện theo lệ đó mà làm. Lý Hồng Chương và Thanh triều ra sức tranh luận về việc cắt đất, bồi thường ; nhưng đối với điều khoản liên quan đến huyết mạch kinh tế, thì coi thường bỏ qua.

- Thứ năm, mở các cửa khẩu Tô Châu [Suzhou, Giang Tô], Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], Sa Thị [Sashi, Hồ Bắc], Trùng Khánh [Chongquing, Tứ Xuyên] ; tàu thuyền Nhật được hàng hành trên các sông Trường Giang, Vận Hà, Ngô Tùng [Songjiang, Thượng Hải], khuếch đại phạm vi thâm nhập nội địa.

- Thứ sáu, lập riêng thương ước, hưởng đặc quyền lãnh sự tài phán 9(9) cùng tối huệ quốc đãi ngộ; các quốc gia Tây phương trong dĩ vãng và tương lai hưởng được đặc quyền nào, thì Nhật Bản cũng hưởng như vậy.

-Thứ bảy, quân Nhật chiếm Uy Hải Vệ 3 năm, chờ cho bồi khoản trả xong mới rút; Trung Quốc phải gánh vác 50 vạn lượng quân phí. Kể từ lúc này Nhật Bản không những là nước chủ yếu xâm lược Trung Quốc, mà lại còn rất hung độc.

Sau khi ký xong điều ước Mã Quan, Lý Hồng Chương cảm khái nói “ Nhật Bản là mối lo suốt đời ”.



4. Nga, Đức, Pháp can thiệp



Trước và sau khi điều ước Trung Nhật ký kết, người trong nước đau khổ giận dữ vô cùng, rầm rộ tranh luận ; đòi hỏi đừng thừa nhận, hãy tiếp tục chiến tranh. Tình hình quốc tế nhất thời có phần lợi cho Trung Quốc, do nước Nga lãnh đạo can thiệp. Khi quân Nhật sắp tiến vào miền đông bắc, nước Nga đã có hành động nêu lên để thế giới biết. Tháng 12 Sứ thần Nga Hy Đặc Lạc Ốc báo cho Ngoại vụ Nhật, Lục Áo, biết rằng nếu như Nhật chiếm Đài Loan, Nga sẽ không phản đối, ngụ ý không hứa chiếm miền đông bắc Trung Quốc ; tháng 1/1895 Nga bắt đầu gia tăng hạm đội Thái Bình Dương. Sau khi phái đoàn Trương, Thiệu bị cự tuyệt, Hy Đặc Lạc Ốc lại gặp Lục Áo, hy vọng Nhật đừng khuếch đại đất đai tiến công tỉnh Trực Lệ. Tháng 2, Sứ thần Trung Quốc tại Nga là Hứa Cảnh Trừng được bộ ngoại giao Nga cho biết nếu như Nhật Bản đòi hỏi quá nhiều Nga sẽ hợp với Anh, Pháp can thiệp, và có ý không để cho Nhật Bản chiếm đất. Đầu tháng 3 nước Nga yêu cầu liệt cường liên hợp khuyên ngăn Nhật, Anh khéo léo từ chối liên kết. Nước Đức muốn hưởng quyền lợi và quân cảng tại Trung Quốc, từng ngỏ lời với Anh rằng nếu nước thứ 3 hưởng quyền lợi tại Trung Quốc, Đức cũng muốn hưởng thêm, mong Anh trợ giúp ; nhưng nước Anh xưng rằng không có ý định hành động tại Viễn Đông, nên Đức quay sang Nga. Viên Thị lang bộ ngoại giao Đức, trước kia từng giữ chức Công sứ tại Trung Quốc là Ba Lan Đức ủng hộ lập luận này ; cho rằng như vậy sẽ chuyển thái độ Nga tại biên giới châu Âu trở nên hữu hảo hơn, lại có thể hướng Trung Quốc yêu sách để được báo đáp. Hành động của Đức, chính là điều nước Nga mong ước. Lúc đầu quan Đại thần ngoại vụ Nga chỉ mong Nhật từ bỏ Lữ Thuận, nhưng Đại thần tài chính Uy Đặc Kiên, chủ trương Nhật phải từ bỏ bán đảo Liêu Đông để cho đường sắt Tây Bá Lợi Á khỏi bị uy hiếp, lại có thể xuyên qua Mãn Châu, rồi tiến thêm cải biến lãnh thổ Trung Nga. Hải lục quân Đại thần nhất trí tán thành, cho rằng lúc này không tiếc việc cưỡng chế Nhật, có thể chuẩn bị một cuộc chiến. Nga Hoàng Ni Cổ Lạp đời thứ hai cho rằng việc chia cắt Trung Quốc không xa, ngày 15/4/1895 chính thức phê chuẩn. Nước Pháp là đồng minh của Nga, cũng lo rằng Nhật Bản quá phần đắc thế, có thể nguy cho địa vị Pháp tại Á Châu, nên chấp nhận theo nước Nga ; như vậy tạo thành 3 nước kết hợp. Trước đó Ba Lan Đức khuyên Lý Hồng Chương không ngại cứ ký hoà ước, phải chăng viên Thị lang người Đức muốn đưa Nhật Bản lên lò nướng, khiến nước Nga không thể không can thiệp.

Đối với động thái của Nga, Nhật vẫn thường chú ý ; cho rằng Nga cố kỵ Anh Mỹ, nên không tin nước này có hành động quyết liệt ; bởi vậy Nhật có thể đưa hết khả năng ép buộc Trung Quốc tuân phục. Lúc bấy giờ giữa Trung Quốc và Nga tuy không liên lạc nhiều, tuy nhiên trước khi Lý Hồng Chương đến hội đàm tại Mã Quan đã nhận được điện báo của Hứa Cảnh Trừng và qua Sứ thần Pháp biết được khả năng can thiệp của Nga và Pháp, nên dự liệu rằng nếu như cắt nhượng Liêu Đông, Nga sẽ ra mặt ngăn cản. Đối với triều nhà Thanh thì sự lợi ích của Liêu Đông và Đài Loan nặng nhẹ quá rõ ràng, nhưng Lý Hồng Chương trong cuộc hội đàm chỉ ra sức tranh luận đến Đài Loan, ít nói tới Liêu Đông, chắc trong lòng đã có sẵn biện pháp.

Cùng ngày ký điều ước Mã Quan, nước Nga chính thức yêu cầu Đức, Pháp can thiệp ; đòi Nhật Bản bỏ đòi hỏi bán đảo Liêu Đông. Ngày 23/4 tuyên bố, đồng thời hải, lục quân Nga trong thế khẩn trương. Ba ngày hôm trước triều đình Bắc Kinh đã nhận được tin tức từ Bá Linh [Berlin, Đức], nên chủ trương tạm thời không phê chuẩn điều ước. Tổng thự yêu cầu Nga, Đức, Pháp thương lượng giúp triển hạn. Nhật Bản cao ngạo, ngạc nhiên phẫn nộ, nhưng cân nhắc tình thế ; trải qua chiến tranh với Trung Quốc quân lính mệt nhọc, quân nhu thiếu thốn, không những không đủ sức chống lại 3 nước, mà cũng không chống nổi nước Nga. Bèn một mặt quay sang Nga khẩn khoản thương lượng, một mặt cầu viện Anh, Mỹ. Nước Nga cự không nhượng bộ, Anh giữ trung lập, riêng nước Mỹ đáp ứng bằng cách khuyến cáo triều đình nhà Thanh phê chuẩn điều ước, do Công sứ Mỹ C. Denby và viên Cố vấn John W. Foster làm áp lực tại Bắc Kinh ; Lý Hồng Chương cũng nói rằng nếu không phê chuẩn, chiến tranh sẽ xẩy ra. Ngày 2/5 vua Quang Tự cùng Ông Đồng Hòa “ nhìn nhau gạt nước mắt, sợ hãi nghẹn ngào ” rồi đem điều ước phê chuẩn. Vào ngày mồng 8 cùng tháng, trao đổi điều ước tại Yên Đài [Yantai, Sơn Đông], do John W. Foster trợ giúp lo liệu.

Chính sách của Nhật Bản, vạn bất đắc dĩ nhượng bộ 3 nước, riêng đối với Trung Quốc thì một bước cũng không nhường. Vào cuối tháng 4, Lục Áo ngỏ lời với Nga rằng Nhật hy vọng giữ lại Lữ Thuận và Đại Liên, bằng lòng bỏ phần đất còn lại tại nam Liêu Đông, riêng Trung Quốc phải nạp thêm một số tiền chuộc. Nga kiên quyết giữ nguyên đòi hỏi, không chấp nhận Nhật chiếm một tấc đất tại đại lục. Vào ngày 7/5 Nhật Bản chấp nhận đòi hỏi của 3 nước, nhưng yêu cầu trả tiền bồi thường 5 ngàn vạn lượng. Nước Nga cho rằng số tiền quá lớn, Đức cũng muốn lưu chút dư tình với Nhật, nên không phản đối. Cuối cùng đồng ý giảm xuống 3 ngàn vạn lượng, và nước Nga không phản đối việc nước Đức cho Trung Quốc mượn tiền. Ngày 8/11, Trung Quốc ký Liêu Nam điều ước, mượn ngân khoản trả xong trong 8 ngày, quân Nhật triệt thoái trong vòng 3 tháng. Trung Quốc thu hồi bán đảo Liêu Đông, nhưng cũng phải trả tăng thêm một số tiền bồi thường lớn.



5. Cuộc đề kháng tại Đài Loan



Nhật Bản nhất quyết khai chiến với Trung Quốc không chỉ vì muốn chiếm Triều Tiên, Nhật còn muốn chiếm cho kỳ được Đài Loan, để rồi dùng hải, lục theo hai hướng chiếm lục địa Trung Quốc. Ngày đầu cuộc đàm phán tại Mã Quan, quân Nhật đã xuất hiện tại Bành Hồ. Trong cuộc đàm phán, Lý Hồng Chương nói cho Y Đằng biết trước rằng Đài Loan là một tỉnh, không thể giao cho nước khác. Quang Tự nói “ Đài Loan bị cắt thì nhân tâm trong thiên hạ đều bỏ, Trẫm làm sao có thể làm chủ thiên hạ được ”. Dư luận phản đối kịch liệt, cho rằng Đài Loan quyết không thể bỏ, nếu không nhân tâm sẽ mất, lúc đó muốn làm một triều đình nhỏ cũng không được ; nhưng cuối cùng đã bị cắt nhường. Chương tấu các nơi gửi về triều đình tới tấp xin đừng phê chuẩn điều ước, lời thỉnh nguyện của triều đình Bắc Kinh đến 3 nước cũng không có tác dụng. Một vị Cử nhân gốc Đài Loan làm quan tại kinh đô tuyên bố “ nếu sống làm kẻ hàng giặc, chẳng bằng chết để làm nghĩa dân ”. Trương Chi Đỗng cùng Tuần phủ Đài Loan Đường Cảnh Tùng lúc đầu mưu nhờ người Anh cản trở Nhật chiếm hữu, nhưng không kết quả. Nước Pháp có phần chú ý đến Đài Loan, nên Trương và Đường nhờ Pháp đề đạt đến 3 nước, lưu tâm mở rộng phạm vi can thiệp đến Đài Loan ; trong những người hăng hái tham gia vận động có viên cựu du học sinh tại Pháp, từng giữ chức Tham tán tại Sứ quán tại Trung Quốc tại Ba Lê là Trần Quí Đồng. Nhưng nước Nga có ý nhường cho Nhật phía nam, nên viện cớ rằng không thể thay đổi hoặc nói thêm với Nhật Bản. Riêng Đức thì muốn tỏ ý tốt với Nhật, trách Trung Quốc xúi dục dân Đài Loan. Cuối cùng Pháp nói rằng người Nhật đã chịu rút ra khỏi Liêu Dông, xét tình hình hiện nay, không tiện ra mặt can thiệp. Không còn hy vọng bởi sự viện trợ từ bên ngoài, Nhật Bản thúc dục giao Đài Loan rất gấp, Lý Hồng Chương y theo lời khuyến cáo của John W. Foster, xin chiếu theo điều ước liệu biện ; Thanh triều giao nhiệm vụ này cho Lý Kinh Phương, thay thế Đường Cảnh Tùng xin nghỉ việc. Thủ tục bàn giao hoàn thành vào ngày 2/6/1895, tại cửa khẩu Cơ Long [Jilong, Đài Loan], người trợ giúp Lý Hồng Phương vẫn là John W. Foster.

Chiến tranh sắp xẩy ra, tỉnh Đài Loan tích cực dự phòng. Trong quá khứ nhân dân Đài Loan biểu lộ tinh thần chiến đấu qua các cuộc phản Thanh, Chiến tranh nha phiến, cùng Trung Pháp chiến tranh. Tin tức về việc cắt Đài Loan đến nơi, người dân Đài “ đi lại kể cho nhau nghe, tụ tập khóc tại chợ, ngày cho đến đêm, tiếng khóc lan ra bốn phương, thề không theo giặc Nuỵ ”. Triều đình nhà Thanh đã không nhìn đến, ngoại viện cũng không có hy vọng, duy chỉ còn “ Giữ đảo, cố thủ để chờ thời cơ ” ; dùng vũ lực đánh Nhật Bản “ nguyện người người tử chiến cho đến mất Đài Loan, nhưng không chịu đưa tay dâng Đài Loan ”. Dưới sự lãnh đạo của bọn Khâu Phùng Giáp, vào ngày 25/5/1895 thành lập nước Đài Loan dân chủ, suy cử Đường Cảnh Tùng làm Tổng thống niên hiệu Vĩnh Thanh với ý “ vĩnh viễn tôn phù nhà Thanh ”, “ sau khi bình định, tái thỉnh mệnh triều đình ” quy phục Trung Quốc. Tân chính phủ thiết lập 3 nha môn : Nội vụ, Ngoại vụ, Quân vụ, cùng nghị viện.

Quân lính tại Đài Loan khoảng 4, 5 vạn, sau khi cắt nhượng quá một nửa số trở về nội địa, quan lại rầm rộ bỏ đi, nên binh lực sĩ khí bị ảnh hưởng rất lớn. Lúc đầu vũ khí lương thực còn được các tỉnh tiếp tế, như Lưỡng Giang dưới quyền Trương Chi Đỗng, Lưỡng Quảng thuộc Đàm Chung Lân ; sau đó bị các nước như Anh, Đức chỉ trích, triều đình nhà Thanh bèn cấm chỉ. Đơn vị hỗn tạp, Đường Cảnh Tùng lại thiếu tài thống ngự và quyết tâm, kèm thêm ý kiến của lực lượng phòng ngự phía nam Đài Loan như Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy đạo quân cờ đen, Lâm Triều Đống lãnh tụ địa phương thời chiến tranh Trung Pháp, nên sức đề kháng bị giảm. Cuối tháng 5, quân Nhật đổ bộ tại Cơ Long, miền đông bắc, vào ngày 3/6 Cơ Long thất thủ, ngày hôm sau Đường Cảnh Tùng rút chạy. Vào ngày 8/6, một ký giả người Mỹ, J. W. Davidson cùng quân Nhật vào Đài Bắc.

Sau khi Đài Bắc mất, dưới sự lãnh đạo của Lưu Vĩnh Phúc và Thủ lãnh nghĩa dõng, lực lượng địa phương chiến đấu mãnh liệt. Trương Chi Đỗng hy vọng vào sự can thiệp của Nga, điện cho Lưu kiên trì cố thủ, tương lai viện binh có thể đến. Thi nhân Dịch Thuận Đỉnh tuân mệnh Lưu Khôn Nhất, hai lần từ lục địa đến Đài Loan lo tiếp viện. Nhật Bản lúc đầu sợ thanh uy quân Lưu Vĩnh Phúc, không dám tiến nhanh ; hơn nữa miền trung nam bộ nhiều mưa, nước lụt thường xẩy ra, hành quân không dễ nên tạm thời dừng quân. Tháng 7, nghĩa quân mấy lần diệt quân Nhật tại huyện Tân Trúc [Xinzhu, Đài Loan], thủ lãnh Khương Thiệu Tổ tử trận. Rồi sư đoàn Cận vệ dồn quân tiến mạnh về phía nam, binh dõng địa phương và quân Cờ Đen, nhiều lần ngăn đánh nhưng không địch nổi, khiến Đài Trung và Chương Hóa không giữ được, Thủ lãnh Ngô Bành Niên, và Ngô Thang Hưng tử trận. Vào tháng 9, nghĩa dõng, quân Cờ Đen cùng quân Nhật mấy lần giao tranh tại các vùng Chương Hóa [Changhua, Đài Loan], Vân Lâm [Yunlin, Đài Loan] thương vong trầm trọng ; thủ lãnh nghĩa dõng Dương Tứ Hồng trận vong, một viên Lữ đoàn trưởng Nhật bị giết. Nhật Bản điều thêm 2 sư đoàn hợp đồng với hải quân xâm phạm phía nam ; Gia Nghĩa [Chiayi, Đài Loan] mất, thủ lãnh nghĩa dõng Từ Tương tử trận. Lục quân Nhật từ biển đổ bộ phía tây và nam Đài Loan, hải quân chiếm Kỳ Hậu thuộc Cao Hùng [Kaohsiung, Đài Loan], Phong Sơn không giữ được, Đài Nam [Tainan, Đài Loan] lâm vào trùng vây. Lưu Vĩnh Phúc thấy viện trợ cắt, lương hết ; bèn trở về Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến] ; ngày 21/10 quân Nhật vào Đài Nam.

Tổng số quân nghĩa dõng và Cờ Đen không đến 1 vạn người, biết rõ không chống nổi, nhưng đã liều chết chiến đấu hơn 4 tháng trời. Quân Nhật lúc đầu nghĩ rằng có thể dơ tay lấy được Đài Loan, nhưng gặp phải sức đề kháng dữ dội, thương vong trầm trọng, nên giận dữ phóng túng giết chóc gian dâm. Đài Loan tuy bị luân hãm, nhưng người dân Đài Loan bất khuất, dưới sự thống trị trong vòng nửa thế kỷ, nhưng các cuộc vận động chống Nhật chưa hề ngưng nghỉ.

Hồ Bạch Thảo





1 Phong Đảo : vị trí tại tây nam vịnh Nha Sơn.

2 Hải lý : tương đương 1.852 km.

3 Bột Hải : vùng duyên hải tỉnh Hà Bắc.

4 Hoàng Hải : vùng biển nằm giữa duyên hải Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.

5 Phụng Thiên : tên tỉnh Liêu Ninh vào thời Thanh.

6 Quảng Đảo [Hiroshima] : một thành phố tại Nhật, bị ném bom nguyên tử vào cuối Thế chiến thứ hai.

7 Mã Quan : nay là cảng Hạ Quan, thuộc huyện Sơn Khẩu, Nhật Bản.

8 Phía Y Đằng cùng Lục Áo cũng có 1 Cố vấn người Mỹ.

9 Lãnh sự tài phán quyền [consular jurisdiction] quyền này ban cho người ngoại quốc tại quốc gia phạm tội, không do quốc gia đó xử, mà do Lãnh sự phán xử.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss