Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / CHIẾN TRANH TRUNG NHẬT (1894) / CHIẾN TRANH TRUNG NHẬT (1894)

CHIẾN TRANH TRUNG NHẬT (1894)

- Hồ Bạch Thảo — published 11/04/2014 23:40, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
I. Nhật Bản gây hấn (1885-1894)



Chiến tranh Trung Nhật thời cuối Thanh [1894]
cùng liệt cường mưu chia cắt Trung Quốc



Hồ Bạch Thảo



bando

Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất, 1894

Nguồn : en.wikipedia.org/wiki/First_Sino-Japanese_War

Chương một

Nhật Bản gây hấn [1885-1894]


Ðộng cơ của cuộc vận động tự cường tại Trung Quốc, nhắm đối nội và đối ngoại. Lúc đầu đối ngoại nhắm vào các nước Tây phương, đến năm 1874 trở về sau nước lân bang Nhật Bản trở thành đối tượng, càng ngày càng quan trọng. Thời Minh trị Thiên Hoàng duy tân, Nhật Bản đề xướng “ Tôn vương, nhương Di ” ; tôn vương nhắm củng cố quyền Thiên Hoàng, nhương di nhắm đề phòng Âu Mỹ, chính sách vẫn còn ở thế thủ. Ðến lúc duy tân thu được thành công, bèn đối đầu với Trung Quốc, thái độ chuyển sang thế công. Trung Nhật không thể tránh được chiến tranh, đất Triều Tiên, chốn cạnh tranh của Nhật Bản tại châu Á, sẽ biến thành ngòi nổ.


1. Chính sách của Lý Hồng Chương tại Triều Tiên


Trung Quốc chú trọng đến Triều Tiên vì an toàn miền đông bắc, nhân an toàn miền đông bắc can hệ đến an toàn kinh đô Bắc Kinh. Cuối thế kỷ thứ 16, Nhật Bản tiến đánh Triều Tiên, mục đích lấy Triều Tiên trước, rồi tiến sang đông bắc, để kéo đến Bắc Kinh ; nhà Minh buộc phải dốc toàn lực tăng viện, nên Nhật phải rút. Sau đó hàng loạt nguyên nhân, nhà Minh mất miền đông bắc bởi nhà Thanh, để đi đến chổ diệt vong. Ðoạn lịch sử này nhà Thanh biết rất rõ, nên quyết không để tái diễn. Nhật Bản mưu đồ Triều Tiên càng gấp, thì Trung Quốc càng ra sức đề phòng.

Một mặt nước Nga từ khi chiếm được miền đông sông Ðiểu Tô Lý [Ussuri River], lãnh thổ tiếp giáp với Triều Tiên, nên càng sinh tâm dòm ngó. Sau biến cố năm Giáp Thân [1884], viên Hiệp biện người Ðức P. G. Von Mollendorff tuy trước kia được Lý Hồng Chương tiến cử, đã phản lại Trung Quốc ; khả năng vì lợi ích của nước Ðức, muốn dẫn Nga tiến về phía đông, cùng dụ dỗ Triều Tiên thân Nga. Vào năm 1884, Nga Triều ký hiệp ước, Mollendorff có công xúc tiến việc này, nên được Nga hoàng ban huân chương. Tháng 2/1885 Triều Tiên ký mật ước với Nga tại Hải Sâm Uy [Vladivostok, Nga], chấp nhận người Nga huấn luyện quân và sử dụng Vĩnh Hưng loan. Chẳng bao lâu tin tức tiết lậu ra ; ngoài Trung Quốc ra, nước cảm thấy bất an nhất là Nhật Bản, thứ đến Anh, Mỹ. Nhật Bản tự nhận rằng vẫn chưa đối địch nổi với Nga, nếu như Triều Tiên vào tay Nga thì không những khó chen chân, mà ngay tại đất Nhật còn chịu sự uy hiếp ; ngược lại nếu như Triều Tiên nghe lời Trung Quốc, thì không đáng lo, vì sớm muộn gì cũng vào tay Nhật, nên trước mắt không ngại gì, lợi dụng Trung Quốc làm trái độn để phòng Nga. Nước Anh muốn ngăn cản Nga tiến xuống phương nam, bèn chiếm đảo Cự Văn [Hamilton Island] ; riêng Mỹ đối với Triều Tiên, thì nhất trí theo chính sách của Nhật. Triều Tiên nhân bị Trung Quốc gây khó khăn, không dám thi hành mật ước Hải Sâm Uy, bèn đổi sang mời Sĩ quan Mỹ huấn luyện, nhưng Nga không cho phép. Công sứ Nhật tại Trung Quốc, Nhiễu Bản Vũ Dương, đề xuất phương án ứng phó ; đại để Trung Quốc cùng Nhật bàn bạc về vấn đề ngoại giao và dùng người tại Triều Tiên, do Lý Hồng Chương lệnh Triều Tiên thi hành, chọn một viên quan lớn có khả năng tại Triều Tiên, gặp việc sẽ bàn bạc với Công sứ Nhật tại Hàn ; thoái chức viên phụ trách thuế vụ người Ðức, P. C. Von Mollendorff, chọn một người Mỹ thay thế ; phóng thích Ðại Viện Quân để chế ngự phái thân Nga. Lý tuy không thích Nhật Bản đi sâu vào nội tình Triều Tiên, nhưng trên nguyên tắc đã đồng ý.

Sau khi dẹp được cuộc biến năm Giáp Thân [1884], Viên Thế Khải nổi tiếng. Nhân vì người Nhật vu là người đứng đầu gây hấn, Thống suất quân Trung Quốc, Ngô Triệu Hữu cũng bất mãn về việc Viên chuyên quyền quyết đoán và khoe tài đề cao bản thân, nên tìm cách chèn ép ; Viên không yên với chức vụ, giận trở về nước. Nhưng Lý Hồng Chương đối với Viên càng thưởng thức tài năng, thêm phần tưởng lệ ; Ðốc biện Triều Tiên, Ngô Ðại Trừng cũng khen lao rằng “ Kỳ tài trong thiên hạ ”. Khi Lý quyết định đưa Ðại Viện Quân trở về, bèn giao cho Viên Thế Khải, và khen Viên “ Tài năng khai triển, minh mẫn trung kiên ”, “ Túc trí đa mưu ”, “ Ðảm lược kiêm toàn, có thể nắm đại thể ”. Tháng 10/1885 Viên được chính thức giao chức Tổng lý Triều Tiên Ủy viên giao thiệp thông thương, từ Ðồng tri thăng lên Tri phủ, hàm tam phẩm. Từ đó mối quan hệ Trung Hàn chuyển sang giai đoạn mới, Lý là người quyết định sách lược, Viên là người thi hành. Lý đưa công việc nặng nề, giao độc quyền cho một thanh niên 29 tuổi ; có thể nói đây là cách dùng người phá lệ.

Mẫn Kỷ, người nắm quyền chính trị tại Triều Tiên, kết oán sâu với Ðại Viện Quân ; khi Viện Quân trở về, ra sức chế ngự, Ðại Viện Quân cuối cùng không khôi phục nổi quyền thế cũ, lại khiến cho phái thân Nga càng thêm oán Trung Quốc. Từ đó trở về sau Lý, Viên còn có thể thi triển được, là do Nhật Bản tạm thời buông tay và người Anh giúp đỡ. Lý và Công sứ Nhật bàn tính, rồi gửi thư cho Quốc vương Triều Tiên, khuyên đừng thừa nhận mật ước Hải Sâm Uy, giao cho người Mỹ phụ trách luyện binh, bãi chức P. G. Von Mellendorff ; dùng Ðại thần phái thân Hoa chủ quản ngoại giao, quân sự, tài chính. Sau khi triệt chức Mellendorff, Triều Tiên ưng thuận dùng viên thuế vụ người Mỹ tại Trung Quốc, H. F. Merill [Hắc Hiền Lý], làm Trưởng ty thuế vụ ; và viên tiền nhiệm Lãnh sự Mỹ tại Thiên Tân, O. N. Denny [Ðức Ny] làm Hiệp biện phủ nội vụ ; cả hai người này đều do Lý Hồng Chương tiến cử. P. G. Von Mellendorff chần chừ không ra khỏi nước, tiếp tục phá rối. Viên vạch trần kế xảo quyệt của người Nga để răn Quốc vương Triều Tiên, và ép buộc đuổi P. G. Von Mellendorff. Năm 1886 Quốc vương Triều Tiên lại gửi thư mật yêu cầu Nga bảo hộ ; Viên dọa sẽ mang quân hỏi tội, Lý cũng chuẩn bị lúc cần sẽ phế lập. Vua tôi Triều Tiên nhất mực biện bạch mật thư do ngụy tạo, nước Nga đối với nước Anh cũng tỏ vẻ dè chừng, bảo đảm không chiếm đất đai Triều Tiên. Lý, Viên chia nhau thuyết Quốc vương Hàn đừng hai lòng, y theo Trung Quốc cải cách nội chính.

Nước Mỹ tuy không chủ trương xâm chiếm Triều Tiên, nhưng chính sách họ dùng không có lợi cho Trung Quốc. Ðại sứ Mỹ tại Hàn, C. C. Foulk [Phúc Cửu] thường loan truyền tin tức chống Viên Thế Khải, Viên chỉ thị cho Ngoại vụ Triều Tiên yêu cầu nước Mỹ cải chính ; đối với người chủ trương tự chủ Triều Tiên như Foulk, cảm thấy rất bất mãn. Sứ thần Mỹ tại Bắc Kinh cũng chất vấn Tổng thự rằng Viên Thế Khải tại Triều Tiên thuộc loại chức vị nào ?

Nước Anh đối với Trung Quốc hợp tác không gián đoạn, không đặt Ðại sứ quán tại Hán Thành mà chỉ đặt Lãnh Sự quán, chịu sự tiết chế của Ðại sứ quán Anh tại Trung Quốc. H. F. Merill [Hắc Hiền Lý] giữ chức hải quan thuế vụ tại Triều Tiên do Robert Hart người Anh trực tiếp ủy phái, không khác gì đem quan thuế Triều Tiên sáp nhập vào hải quan Trung Quốc. Năm 1990 Triều Tiên mưu dùng Lý Tiên Ðức, người Mỹ làm ty thuế vụ ; Robert Hart ra lệnh cho viên thuế vụ đương nhiệm cự tuyệt, gặp việc thì thương thảo với Viên Thế Khải.

Viên là người rất tham vọng quyền lực, cứ Trương Tái bảo rằng lúc Viên mới đến Triều Tiên trong lòng muốn cai trị nước này, sau khi bình vụ loạn năm Giáp Thân, Viên kiến nghị với Lý Hồng Chương nên thừa lúc này đưa viên chức lớn mang quân, để thay thế quản lý nội trị và ngoại giao. Không đầy một năm, Viên trở thành người Trung Quốc có quyền lực nhất tại Triều Tiên ; không chỉ phụ trách thương vụ, còn kiêm cả ngoại vụ, vấn đề nội chính tại Triều Tiên cũng đem ra thương lượng với Viên. Ðại thần Triều Tiên có việc lớn đều đến Viên xin chỉ thị, hoặc có lúc Viên đến gặp Quốc vương. Cũng có lúc Viên đến dự hội nghị ngoại giao, thân phận y ở nhiều địa vị khác nhau. Mỹ, Nhật đều có lời trách phiền, riêng Lý Hồng Chương thì cho rằng đáng như vậy. Năm 1887 Triều Tiên theo lời khuyên của O. N. Denny, tự sai Sứ thần đến Mỹ và các nước Anh, Ðức, Pháp, Nga, Ý ; Viên bảo rằng phái Sứ thần đi phải xin phép Trung Quốc, Sứ đến nước nào phải chịu sự tiết chế của Sứ thần Trung Quốc tại nước đó ; cùng truy vấn việc đưa Sứ thần Phác Ðỉnh Dương đến Mỹ. Sau đó Lý Hồng Chương chấp nhận thể lệ thuộc quốc sai sứ đi, nhưng Phác Ðỉnh Phương không tuân. Dưới áp lực của Viên, O. N. Denny phải từ chức, Phác Ðỉnh Phương bị triệu hồi, các Sứ thần được phái đi Âu Châu nửa chừng phài dừng lại. Lý Hồng Chương không quên việc trước đây khuyên Triều Tiên thông hiếu với ngoại quốc, nhưng thông hiếu phải qua Trung Quốc.

Triều Tiên muốn vay nợ ngoại quốc, Viên yêu cầu từ nay trở về sau mượn ngân khoản phải được sự đồng ý của Trung Quốc. Viên và Robert Hart chủ trương giao cho Trung Quốc đảm bảo, thực tế chính phủ Trung Quốc cho thương gia Hàn, Hoa mượn tiền mua hàng tại Trung Quốc, rồi khi đến Triều Tiên giao nạp tiền cho quan thuế. Trong 10 năm về trước, Nhật Bản hầu như chiếm đoạt mậu dịch tại Trung Quốc ; từ năm 1887 Hoa thương mới dần dần ngóc đầu lên, đến năm sau có thuyền máy đi về từ Thượng Hải đến Nhân Xuyên [Incheon, Triều Tiên], rồi từ Nhân Xuyên đến Hán Thành lại có thuyền nhỏ của Hoa thương hàng hành. Ðiện thoại tại Triều Tiên cũng do Trung Quốc cho vay rồi đảm nhiệm thiết lập, các nước khác không được tham dự.

Tại Triều Tiên mọi sự đều do Viên Thế Khải can thiệp, địa vị giống như Giám quốc ; Triều Tiên ngoài mặt thì theo nhưng trong lòng phản đối, mấy lần xin thay đổi, nước Mỹ cũng có yêu cầu giống như vậy, nhưng đều bị Lý Hồng Chương cự lại. Lý Hồng chương tuyên dương Viên thực tâm gánh trách nhiệm, thao túng hợp cách, nên được tấn phong Ðạo viên. Năm 1892, lại khen công lao Viên “ trước hết chính danh phiên thuộc, đề phòng tiếm vượt ; trù tính phép tắc ngoại giao để khỏi xâm phạm, mọi việc đều liên quan đến thể chế, lợi hại. Hoặc trù hoạch trước, hoặc tùy cơ ứng phó, hoặc việc xong rồi bổ cứu ; không việc gì không giải quyết đến nơi ”. Viên là kẻ thừa hành, thành tựu của Viên tức thành tựu của Lý, nói chung chỉ biết bảo vệ quyền bá chủ của Trung Quốc, mà không đếm xỉa đến lòng tự tôn của Triều Tiên ; không những vua tôi Triều Tiên bất bình, mà Nhật Bản cũng không thể ngồi yên mãi mãi.



2. Nhật Bản quyết tâm gây hấn


Năm 1885, tại Nhật Bản đã có người chủ trương đánh một trận tại Triều Tiên và Trung Quốc. Y Ðằng Bác Văn cho rằng chớ nên mạo muội, Trung Quốc phát phẫn mưu đồ tự cường không phải là lời nói suông ; Nhật Bản cần kiến thiết nội bộ, rồi xem tình hình mà hành động. Năm 1887, bộ tham mưu Nhật Bản soạn “ Chinh thảo tình quốc sách ” ; đối Hoa tác chiến chủ trương dùng chủ lực tấn công Bắc Kinh, phân binh tiến đánh sông Dương Tử ; cuối cùng cắt lấy bán đảo Liêu Ðông [Liaodong, Liêu Ninh], Ðăng Châu [Dengzhou] tỉnh Sơn Ðông, quần đảo Ðan Sơn [Zhoushan, Chiết Giang], Ðài Loan, Bành Hồ [Pengho], cùng hai bên bờ sông Dương Tử ; lại chia cắt Ðông Tam Tỉnh 1, Mông Cổ, Tân Cương, Thanh Hải, Cam Túc, Hoa Bắc, Giang Nam ; dùng 5 năm để chuẩn bị, rồi theo thời cơ mà phát động. Năm 1990, Thủ tướng Nhật Bản, Sơn Huyện Hữu Bằng, diễn thuyết ; chỉ Triều Tiên, Ðông Tam Tỉnh, Ðài Loan nằm “ trong vòng bảo hộ lợi ích ” của Nhật Bản. Năm 1892, kế hoạch khuếch trương quân của Nhật Bản hoàn thành, năm sau Thứ trưởng tham mưu Xuyên Thượng Thao Lục đích thân đến Triều Tiên, cùng Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh, để trinh sát. Vào năm 1885, Lý Hồng Chương từng nói rằng, Nhật Bản phú cường cần thời gian trên dưới 10 năm ; hiện tại cách 10 năm không xa, Trung Quốc vẫn y nhiên nằm yên, còn quốc lực Nhật Bản rất khả quan, nên quyết chí gây hấn.

Vua tôi Triều Tiên thường có những lời chống Lý Hồng Chương, Viên Thế Khải ; nhưng ôm hận Nhật Bản rất nhiều. Năm 1889 có một vùng đất trong nước bị mất mùa, bèn cấm đậu, lương thực xuất khẩu. Nhật Bản yêu cầu bỏ lệnh cấm, bồi thường tổn thất cho thương nhân Nhật. Năm 1893, ra thông điệp cuối cùng ; Thủ tướng Y Ðằng Bác Văn trực tiếp dọa nạt Lý Hồng Chương, sắp tuyệt giao với Triều Tiên ; nên Triều Tiên hứa sẽ bồi thường.

Vụ Kim Ngọc Quân bị giết, càng gia tăng ác cảm giữa Hàn, Nhật. Sau sự biến năm Giáp Thân [1884], Kim Ngọc Quân, Phác Vĩnh Hiếu trốn sang Nhật Bản, tiếp tục mưu đoạt chính quyền ; Triều Tiên yêu cầu Nhật Bản câu lưu nhưng bị cự tuyệt, bèn sai Lý Dật Thực và Hồng Chung Vũ lập kế hoạch ám sát, Viên Thế Khải biết dự mưu này. Vào tháng 3/1894, Hồng Chung Vũ dụ Kim Ngọc Quân đến Thượng Hải, hai người trú tại khách sạn Nhật, ngày 22 Hồng bắn chết Kim Ngọc Quân tại nơi này bằng súng ngắn. Trung Quốc giao Hồng Chung Vũ và xác Kim Ngọc Quân cho Triều Tiên. Triều Tiên không đếm xỉa đến lời khuyến cáo của Sứ thần Nhật Bản, đem thây Kim Ngọc Quân xử lăng trì, và phong Hồng Chung Vũ quan ngũ phẩm. Riêng Lý Dật Thực mưu giết Phác Vĩnh Hiếu nhưng không thành, bèn chạy vào Sứ quán Triều Tiên tại Nhật, bị cảnh sát Nhật đến bắt rồi xử cực hình ; Sứ thần Triều Tiên bèn phản đối rồi trở về nước. Dư luận Nhật Bản hết sức khích động, cho rằng Kim Ngọc Quân bị giết rồi phân thây là do Trung Quốc sai bày, đối với Nhật Bản không có gì nhục hơn, cần dứt khoát tuyên chiến với Trung Quốc. Nhà đương cục Nhật Bản cho rằng lý do chưa đủ mạnh, nên Thứ trưởng bộ tham mưu Xuyên Thượng Thao Lục xui tờ báo chủ trương xâm lược Trung Quốc là Huyền Dương Xã tạo thêm lý do về vụ đảng Đông Học.

Ðảng Ðông Học là một tổ chức cuồng tín tại Triều Tiên, do Thôi Phúc Thành sáng lập, dùng các lý thuyết Nho, Phật, Lão, khởi sự từ đạo Khánh Thượng, rồi lan ra các đạo khác. Đảng này chủ trương bài ngoại, bị chính phủ cấm ; nhưng dân chúng không chấp nhận hà khắc, rủ nhau gia nhập. Vào năm 1893, đảng Ðông Học xin bỏ cấm ; bị quan địa phương bách hại nhiều, nên đồng loạt nổi lên. Chính phủ Triều Tiên một mặt chiêu phủ, một mặt xin Viên Thế Khải giúp. Lúc này có tin đảng Ðông Học cấu kết với Kim Ngọc Quân, Viên Thế Khải cấp cáo Lý Hồng Chương, đảng Ðông Học bị giải tán ngay. Tháng 2/1894 đảng Ðông Học lại cử sự một lần nữa, truyền hịch bốn phương “ Trục diệt Di Nụy ” 2, bài xích quan lại ngược đãi dân, tham ô nuôi béo bản thân. Lực lượng đảng Đông Học thắng lợi, phát triển mau, trên đường uy hiếp kinh đô Hán Thành. Triều đình Triều Tiên chấn hãi, điện cáo cấp xin quân Bắc dương cứu viện ; Lý Hồng Chương tâu xin phái Đề đốc Trực Lệ Diệp Chí Siêu, Tổng binh Thái Nguyên Niếp Sĩ Thành mang quân đông viện, tiến đến huyện Nha Sơn nằm tại cánh trái vịnh Nhân Xuyên [Inchong].

Tháng 4, quân đội Nhật Bản bắt đầu hoạt động. Tháng 5, báo Huyền Dương Xã ngụy tạo một tổ chức mang tên “ Thiên hữu hiệp đoàn ” tiếp tế giúp đỡ đảng Ðông Học ; Ðại thần ngoại vụ Nhật, Lục Áo Tông Quang nhận định lúc này là cơ hội tốt để khôi phục lực lượng Nhật tại Triều Tiên. Ngày 2/6 được tin Triều Tiên yêu cầu Trung Quốc mang quân đến dẹp loạn, Nhật Bản không hỏi Trung Quốc lấy lý do gì mang quân, cũng cùng lúc mang quân đến Triều Tiên. Lục Áo ra lệnh cho viên Công sứ Nhật Ðại Ðiểu Khuê Giới chủ động dùng quân sự. Ngày 10/6 Ðại Ðiểu mang hơn 400 lục quân vào Hán Thành, khống chế thủ đô Triều Tiên, hải quân theo sau, để bảo vệ giao thông đường biển.

Nhật Bản chỉ lo quân Trung Quốc không có mặt tại Triều Tiên, để tạo tình thế đối kháng ; nên ngày 3/6 Ðại biện Nhật tại Triều Tiên cùng Lãnh sự Nhật tại Thiên Tân đến gặp Viên Thế Khải và Lý Hồng Chương biểu thị mong Trung Quốc mang quân đến Triều Tiên dẹp loạn. Một người vốn minh mẫn cảnh giác như Viên Thế Khải cũng cho rằng Nhật không có ý đồ gì khác, Lý cũng tin và không nghi. Công sứ tại Nhật Uông Phượng Tảo cũng cho rằng tình hình chính trị tại Nhật đang tranh luận ác liệt, ắt không rảnh để sinh sự. Lý một mặt ra quân, một mặt sai sai Uông thông báo Ngoại vụ Lục Áo rằng Trung Quốc theo lời xin của Triều Tiên, cùng xét theo lệ đối xử với thuộc bang, mang quân đến giúp, việc xong sẽ rút lui. Lục Áo phúc đáp rằng từ trước tới nay Nhật không thừa nhận Triều Tiên là thuộc quốc của Trung Quốc, và Nhật cũng sẽ mang quân đến bảo hộ sứ quán, lãnh sự và thương dân. Cùng trong ngày [7/6] Ðại biện Nhật Bản tại Bắc Kinh Tiểu Thôn Thọ Thái Lang đến gặp Tổng thự, Tổng thự bác việc Nhật Bản mang đại binh, và bảo rằng việc này không do lời yêu cầu của Triều Tiên. Tiểu Thôn hai lần đến gặp Tổng thự bảo rằng Nhật Bản xuất quân căn cứ vào Nhật, Hàn cùng Trung, Hàn điều ước, chỉ muốn làm điều tốt, lý không thể chịu sự bó buộc của Trung Quốc.

Lý Hồng Chương phái 2000 lục quân, đồn trú tại Nha Sơn, cách Hán Thành 50 dặm Anh về phía đông nam ; cùng 3 quân hạm, đóng tại Nhân Xuyên. Phía Nhật Bản, chuyến thứ nhất đưa binh lực gấp bội Trung Quốc, lại còn thêm 8 quân hạm. Trước khi quân Trung, Nhật đến nơi, đảng Ðông Học đã được chiêu phủ, Triều Tiên yên tĩnh, khiến Nhật Bản mất chiêu bài dùng quân bảo hộ sứ quán, lãnh sự, thương nhân. Viên Công sứ Ðại Ðiểu Khuê Giới sợ các nước Tây phương chỉ trích, quay sang đàm phán với Viên Thế Khải để hai nước triệt binh. Từ ngày quân Nhật đến Triều Tiên, trong lòng Viên lo lắng vô cùng ; nay được lời đề nghị của Ðại Ðiểu, chính cầu mong mà chưa được, bèn chuẩn bị giải quyết. Lý Hồng Chương cũng cho rằng một khi quân Hoa triệt, thì quân Nhật Bản cũng không còn cớ để ở lại, nên mệnh quân tại Nha Sơn định kỳ hàng hải về nước. Nhưng viên Ngoại vụ Lục Áo Tông Quang quán triệt quyết tâm cầu chiến của chính phủ Nhật, huống đã ra quân, không thể không lập được thành quả gì mà rút lui. Y cho rằng việc thành bại do quân mạnh hay yếu, nên ra lệnh quân đóng tại Nhân Xuyên tiến vào Hán Thành ; nhưng chưa tìm ra lý do gây chiến, nên cố tạo cơ hội để biến chuyển cục diện.

Rồi viên Ngoại vụ Nhật đưa ra 3 điều :

- Trung,Nhật hiệp đồng bình định nội loạn tại Triều Tiên.

- Sau khi loạn xong, hai nước đặt Uỷ viên tại kinh thành, giám đốc tài chính và cai trị của quan lại.

- Chiêu mộ công trái để cải cách kinh phí tại Triều Tiên.

Tổng thự điện cho Uông Phượng Tảo trả lời rằng việc nội chính tại Triều Tiên do Triều Tiên tự cải cách, không nên can thiệp vào. Phượng Tảo gửi văn thư cho Nhật rằng “ Chỉnh đốn nội trị, để Triều Tiên tự lo lấy, Trung Quốc chúng tôi không muốn can dự. Vả lại quý quốc đã công nhận Triều Tiên là nước tự chủ, sao lại can dự vào việc nội chính ? Còn việc hai bên cùng triệt binh, hoà ước Trung Quốc-Đông kinh vốn đã có chuyên điều, không cần phải bàn thêm nữa ”. Chính phủ Nhật Bản trả lời Uông Phượng Tảo rằng Triều Tiên thiếu tư cách độc lập, Nhật Bản là nước lân bang không thể không mưu cứu giúp.

Vào ngày 14/6, y quyết định Trung Nhật cộng đồng cải cách nội chính Triều Tiên, tức cùng quản lý Triều Tiên, không kể Trung Quốc có ưng thuận hay không ; nếu không cũng không triệt binh và tự đảm nhiệm lấy. Lục Áo tự cho rằng “ không muốn điều hòa mối quan hệ đã bị phá liệt, mà muốn có cơ hội phá liệt hơn ; mới có thể thực hành quyết tâm cuối cùng ”. Mệnh Ðại Ðiểu đình chỉ đàm phán với Viên, cùng thông báo cho Uông Phượng Tảo, Tổng thự và Lý Hồng Chương.

Uông Phượng Tảo yêu cầu Nhật hãy cùng triệt binh trước, rồi bàn luận chuyện nên làm sau. Lục Áo cho rằng khi Triều Tiên chưa yên ổn hoàn toàn, quyết không triệt binh. Uông cho rằng việc chỉnh đốn nội trị, đáng để Triều Tiên tự làm lấy, Trung Quốc không tiện can thiệp ; Nhật Bản đã thừa nhận Triều Tiên là nước tự chủ, càng không có quyền can thiệp. Lục Áo bảo rằng ý kiến Trung, Nhật trái nhau, Nhật Bản có lợi ích rất lớn tại Triều Tiên ; chỉ trên giấy tờ hiệp định không đủ bảo đảm tương lai Triều Tiên ổn định ; dù cho cách nhìn của Trung Quốc bất đồng, Nhật cũng quyết không triệt binh. Vào ngày 22/6, Lục Áo đưa thư tuyệt giao với Trung Quốc ; ngày hôm sau mệnh Ðại Ðiểu đơn độc chấp hành cải cách tại Triều Tiên, tức căn bản không đếm xỉa đến thái độ của Trung Quốc. Cải cách gồm 5 điều :

- Thứ nhất, cử người có khả năng.

- Thứ hai, chế tạo đồ dùng trong nước.

- Thứ ba, cải cách pháp luật.

- Thứ tư, cải cách binh chế.

- Thứ năm, chấn hưng trường học.

Triều Tiên yêu cầu quân Nhật rút trước, rồi cải cách sau, nhưng không được chấp nhận.



3. Thái độ của Nga, Anh và các nước khác


Năm 1885, nước Nga ra mặt đối kháng với Anh, lúc này Nhật Bản tạm thời bắt tay với Trung Quốc, lực lượng Nga tại Viễn Đông còn đợi tăng cường, nên Nga chủ trương tạm thoái rụt tại Triều Tiên. Năm 1891 quyết định xây đường sắt Tây Bá Lợi Á, cùng năm lập hiệp ước đồng minh với Pháp. Viên Ðại thần coi về tài chính Sergei Witte [Uy Ðặc] có ý đồ khống chế Mãn Châu, thôn tính Hoa Bắc, y biết rằng việc xung đột Trung Nhật tại Triều Tiên không thể tránh được, tới lúc đó sẽ có ngày lợi dụng thu xếp lại giang sơn. Nhật Bản vốn kỵ Trung Quốc bành trướng tại Triều Tiên, lại sợ thế lực Nga đông tiến ; hy vọng có thể chiếm Triều Tiên để khống chế trước khi Nga làm xong đường sắt Tây Bá Lợi Á.

Lý Hồng Chương tán đồng Triều Tiên thiết lập ngoại giao với Âu Mỹ, ý muốn khiên chế Nhật, Nga. Sau khi Anh chiếm đảo Cự Văn, Nga thanh minh rằng không có ý định chiếm đất đai Triều Tiên, chứng tỏ chính sách của Lý có hiệu quả. Lúc Nhật Bản sắp mang quân đến Triều Tiên, trước hết Lý yêu cầu Công sứ Anh N. R. O’Conor [Âu Cách Nạp] tìm cách khuyên ngăn ; trong thời gian tranh luận về triệt binh, Lý cùng Tổng thự lại yêu cầu O’Conor điều xử, nhưng chính phủ Anh sợ Nga nghi kỵ, nên không có hành động tích cực.

Vào ngày 20/6, Lý Hồng Chương yêu cầu Công sứ Nga A. P. Cassini [Khách Hy Ni] cùng nước Anh giúp điều giải để Trung Quốc và Nhật Bản đồng thời triệt binh, Cassini đáp ứng nhanh và tích cực. Qua vài ngày sau tuyên bố Nga đã đòi hỏi Trung Quốc và Nhật triệt binh ; nếu Nhật không tuân, cần phải dùng áp lực ; Tổng thự và Lý rất lấy làm an ủi. Sứ thần Nga Hitrovo [Hy Ðặc Lạc Ốc] tại Ðông Kinh đem việc triệt binh hỏi Ngoại vụ Lục Áo, viên này trách ngược Trung Quốc không giữ tín nghĩa, phải đợi sau khi Triều Tiên cải cách mới triệt binh. Hitrovo cảnh cáo hai lần, bị Lục Áo khéo léo cự lại và bảo rằng Nhật Bản không có ý xâm lược đất Triều Tiên ; đợi khi trật tự phục hồi sẽ triệt binh. Hitrovo không kiên quyết thêm, chỉ mong Trung Nhật bàn bạc, không vi phạm điều ước giữa các nước và Triều Tiên, khiến Lục Áo rất khoan tâm. Ngoại trưởng Nga Cách Nhĩ Tư qua điện tín chỉ thị Hitrovo rằng đối với Nhật chỉ dùng hữu nghị khuyến cáo, không nên trực tiếp can thiệp. Lý Hồng Chương thấy nhiều điều ngăn trở, nhưng không buông xuôi, hỏi Công sứ A. P. Cassini rằng nếu như Trung Nhật chiến tranh, Nga sẽ làm gì ? Cassini trả lời Nga sẽ không buông tay. Nhưng thái độ Nga đầu cọp đuôi rắn, cuối cùng không có hành động quyết liệt ngăn cản Nhật.

Nước Anh đối với việc điều giải tuy lúc đầu không tỏ ra nhiệt tâm, nhưng cũng không muốn Trung Nhật tương tranh để riêng Nga hưởng lợi. Thấy Lý Hồng Chương và Công sứ Nga nhiều lần tiếp xúc bèn đổi thái độ, một mặt thương lượng với Nga, chủ trương các nước liên hợp điều giải, một mặt khuyên Tổng thự cùng Nhật bàn bạc chỉnh đốn chính trị tại Triều Tiên, Anh sẽ bảo Nhật Bản triệt binh ; Khánh Thân vương Dịch Khuông chấp nhận đề nghị này. Công sứ Anh N. R. O’Conor nổ lực khuyên Khánh Thân vương hội đàm với Công Sứ Nhật tại Bắc Kinh Tiểu Thôn Thọ Thái Lang mấy lần ; nhưng Nhật đã có chủ tâm gây hấn, nên cuối cùng không thành công.

Riêng Mỹ thì ngoài mặt chủ trương trung lập, nhưng thực tế đồng tình với Nhật Bản; cho rằng cải cách Triều Tiên là thiện ý, phản đối các nước khác can thiệp, và không tin Nhật sẽ gây chiến. Các nước khác như Pháp, Ðức thì như tỏ vẻ bàng quan, đứng bên kia bờ nhìn nhà người khác cháy lấy làm vui.



4. Lý Hồng Chương tiến thoái cùng đường


Lý Hồng Chương từ lúc khởi đầu muốn tránh hành động quyết liệt với Nhật, chủ trương tích cực ngoại giao, trì hoãn về quân sự, không hiểu rõ quyết tâm của Nhật Bản. Cái gọi là ngoại giao, võng tưởng đến sự trợ giúp của Nga và điều giải của nước Anh ; nhưng không biết rằng Anh, Nga mỗi nước có hoài bảo và sự cố kỵ riêng. Sau khi Nhật Bản đề xuất yêu cầu cải cách chính trị, tại Nhật Uông Phượng Tảo qua điện tín báo cáo rằng quân đội Nhật Bản chuẩn bị như có đại chiến, Trung Quốc nên tập trung binh lực để đề phòng. Lý sợ Nhật vin cớ để đánh, nên không theo. Viên Thế Khải xin điều hải quân trước, cùng chuẩn bị lục quân ; Diệp Chí Siêu, chỉ huy quân tại Nha Sơn, cho biết quân Nhật tại Hán Thành và Nhân Xuyên [Incheon] chuẩn bị đánh ; Lý vẫn không chịu tăng quân, răn Diệp đừng chuyển quân về phía Hán Thành, tương lai nếu thêm quân thì “ chỉ làm mạnh quốc uy, chứ không phải là chiến tranh ”. Sau khi Ngoại trưởng Nhật Lục Áo Tông Quang gửi thư tuyệt giao lần thứ nhất [22/6/1894], Lý Hồng Chương nói với Tổng thự rằng “ nếu ta điều thêm nhiều quân, Nhật lại tăng thêm, không dễ thu xếp ”. Hai ngày sau bảo Viên Thế Khải rằng nước Nga đã đòi Nhật triệt binh, chẳng lẽ Nhật không tuân theo ; lại mấy lần dặn Diệp Chí Siêu “ yên mà đợi, chớ có hành động càn ” ; cùng thông sức Ðề đốc hải quân Ðinh Nhữ Xương không cần xin đánh. Viên định hạ cờ trở về nước, Lý bảo nước Nga đang điều xử “ hãy nhẫn nại, tất có khu xử ”, vẫn tin rằng Nhật Bản không gây hấn. Viên tại Hán Thành nghe biết gần, đầu tháng 7, ba bốn, lần điện báo “ Nhật lập mưu đã lâu, chí rất quyết ; Nga, Anh có điều xử e rằng cũng vô ích, lại làm lỡ quân cơ ” ; cần điều quân Diệp qua sông Áp Lục hoặc Bình Nhưỡng, để đợi cử đại binh. Lý chỉ ra lệnh Diệp tùy cơ di chuyển vòng lên phía bắc, nhưng vẫn không chủ chiến.

Trung khu cũng có niềm kỳ vọng tương tự Lý Hồng Chương, cho rằng Nga Anh sẽ điều xử, mãi cho đến ngày 25/6 mới cảm thấy đối với Nhật “ lấy lời lẽ tranh biện, không giúp ích gì ”. “ Hiện quân Nụy đã mang nhiều binh đến Hán Thành, tình thế hết sức cấp bách ” đáng kịp thời thi thố như thế nào, Lý Hồng Chương cần trù tính biện pháp, cùng hỏi A. P. Cassini “ có phương sách gì giúp ta giải quyết, hay chỉ nhìn ngó mà thôi ”. Vào đầu tháng 7, tình hình trở nên cấp bách, vua Quang Tự mấy lần ra chỉ dụ hãy trù bị chiến thủ và báo cáo về lực lượng hải quân ; Lý tâu khó có thể điều động hải quân, cần mộ riêng lục quân, lại bảo Cassini tỏ vẻ thực tâm, nước Nga còn có biện pháp. Sau đó 3 ngày, Lý đối Nga tuy thất vọng, nhưng Tổng thự bắt đầu hy vọng ở Anh. Ngày 14/7, Tổng thự nhận được thư tuyệt giao thứ hai của Nhật, chiếu thư ra lệnh Lý điều quân đến biên giới Triều Tiên, phòng biển tại các vùng như Lữ Thuận. Ngày 16, hội nghị các Ðại thần, quyết định điều phái các quân, chỉ lấy danh nghĩa bảo hộ thương mãi, để đợi người Anh điều đình. Vua Quang Tự một mực chủ chiến, nghiêm sức Lý tiến binh, không thể e sợ. Lúc này Công sứ Anh O’Conor đang điều đình, Cassini sợ sẽ thành công, bèn thúc dục bộ ngoại giao Nga liên hợp với liệt cường yêu cầu Nhật Bản giải quyết hòa bình tại Triều Tiên, cùng báo tin cho Lý biết rằng nước Nga tiếp tục điều xử, thái độ rất cương quyết. Lý lại hy vọng ở Nga, bằng lòng cùng với Nhật Bản cải cách chính trị tại Hàn, nhưng Nhật thì quyết tâm thi thố sức mạnh với Trung Quốc.

Cũng cần chú ý đến các khuynh hướng nghị luận lúc bấy giờ, từ trung ương đến địa phương, không mãnh liệt hào hùng bằng thời chiến tranh Trung Pháp. Trong các quan tại tỉnh, có Tổng đốc Lưỡng Giang Lưu Khôn Nhất (1830-1902) và Tổng đốc Hồ Quảng Trương Chi Ðỗng địa vị rất trọng yếu. Lưu Khôn Nhất cẩn thận, Trương Chi Ðỗng dám nói ; cả hai cũng không có chủ trương gì đặc sắc. Các quan tại kinh đô tuy có người chủ chiến, nhưng số lượng không đông bằng trong cuộc chiến tranh 10 năm về trước. Vào trung tuần tháng 7, biểu tấu đưa lên tương đối nhiều ; hoặc yêu cầu Lý Hồng Chương một lòng quyết chiến ; hoặc bảo Trung Quốc huấn luyện hải quân đã gần 10 năm, Nhật Bản canh tân cũng chỉ 10 năm, quân Bắc Dương cần phải nỗ lực chống cự, nếu không thì trị theo quân pháp ; có kẻ xin mua gấp binh thuyền, hội đồng với thuyền Nam Dương, chạy lòng dòng theo biển Nhật Bản để chia thế giặc, cùng mang trọng binh đến Hán Thành ; hoặc cho rằng được, mất ở Triều Tiên liên quan đến đại cuộc, nếu ở thế tất phải đánh, thì chẳng có cách gì chuyển được mầm gây hấn. Nay chỉ dựa vào ngoại quốc điều xử, lúc đầu dựa vào Nga, Sứ Nga không thành công lại dựa vào Anh, nếu Sứ Anh không thành thì dựa vào ai ? Xin sức Lý Hồng Chương tập trung binh lực, đối phó với sự việc “ làm tăng chí khí, sau đó mới nói hòa ; làm mạnh quân lực, nếu đánh cũng không ngại ”. Ðại thần tại Trung khu ảnh hưởng mạnh đến vua Quang Tự, đứng đầu là Ông Ðồng Hòa, thứ đến là Lý Hồng Tảo ; Ông vốn không tin cách thi thố của Lý Hồng Chương là đúng, Lý Hồng Tảo chủ trương đối ngoại cường ngạnh. Vua Quang Tự mới 27 tuổi, ý khí đương mạnh ; Từ Hy Thái hậu vốn giận Nhật Bản áp bức ; cả hai người không chấp nhận biểu thị sự nhu nhược.

Sở dĩ Lý Hồng Chương chần chừ không tiến, vì biết rõ thực lực không đủ. Tháng 5 năm đó [1894] sau khi duyệt hải quân, Lý khen thao diễn thành thục, kỹ thuật tinh mật, pháo đài kiên cố, bố trí nghiêm chỉnh ; đây chỉ là văn từ quan dạng khen lao bề ngoài. Thực chất trước đó một tháng, Lý đã xin thay súng trên tàu bằng loại trọng pháo kiểu mới bắn nhanh ; mua thêm loại tàu kiểu mới chạy nhanh. Hải quân nha môn chấp thuận, trước hết đổi trọng pháo mới bắn nhanh trên hai tàu Ðịnh Viễn, Trấn Viễn, nhưng thực hiện chưa kịp. Trong thời gian duyệt quân, Lý Hồng Chương từng xem các hạm đội Anh, Pháp, Nga tại Yên Ðài, thấy chiến hạm tinh xảo kiên cố, nên bảo rằng tàu thuyền Tây phương mỗi ngày một mới, tung hoành trên biển, nước nhỏ như Nhật Bản cũng hàng năm thêm chiến hạm lớn ; Trung Quốc trong 6 năm trời, không thêm được chiến hạm nào ; ý nói hải quân Trung Quốc không bằng Nhật Bản.

Lục quân chủ lực là Hoài quân, thành phần tinh nhuệ trú đóng tại vùng phụ cận Thiên Tân. Lý Hồng Chương thừa nhận 3 vạn Hoài quân dưới quyền “ lương hướng thiếu hụt, có mối lo rã ngũ ”. Hoài quân được huấn luyện theo kiểu Ðức trong vài năm, trường vũ bị thành lập được 9 năm, nhưng nội dung phần nhiều theo hình thức thao diễn. Về phần vũ khí, 60-70 % quân sĩ được trang bị súng, thức dạng súng có đến 10 kiểu. Có người cho rằng “ Hoài quân tướng giỏi quân mạnh, đã bỏ đi đến 6-7/10 ; nay phần lớn tân tuyển, chưa từng ra chiến trận ”.

Lý Hồng Chương tuy không nhận ra quyết tâm của Nhật Bản, nhưng tối thiểu biết nhược điểm của quân mình. Chu Phức Kiến một viên Tham mưu cao cấp của Lý bàn rằng “ Nhật Bản nuôi chí đã lâu, lực quân Bắc Dương không chống nổi, phải trù tính đủ quân hướng cho ba quân, không khiêu chiến nhưng trì cửu chống lại, có thể hòa được thì hòa, tăng luyện quân mới 3 vạn, nếu không ắt thua ”. Lúc này Lý Hồng Chương là ông già 72 tuổi, chí khí suy vi, đi đến chỗ cầm cờ không vững, tiến thoái sa cơ.

Hồ Bạch Thảo


Sử liệu sưu tầm từ : Cận Đại Trung Quốc Sử Cương của Quách Đình Dĩ, Thanh Sử Cảo do Triệu Nhĩ Tốn chủ biên, và trang mạng Wikipedia


1 Ðông Tam Tỉnh : ba tỉnh phía đông bắc Trung Quốc, gồm Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang.

2 Trục diệt di Nụy : Nụy tức lùn, vì người Nhật lùn nên bị Trung Quốc, Triều Tiên miệt thị là Nụy. Trục diệt di Nụy có nghĩa là đuổi dẹp bọn man di người Nhật.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us