Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Con chó khóc đứng khóc ngồi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

- Cổ Ngư — published 01/12/2017 00:00, cập nhật lần cuối 21/03/2018 10:50

Con chó khóc đứng, khóc ngồi :
Bà ơi, đi chợ, mua tranh làng Hồ !


 Cổ Ngư



Ghi chú : Trong bài này tên các nhân vật trong họ hàng nhà khuyển được viết đậm; tên các nhân vật có kèm chân dung gắn trong bài (gần chỗ nêu tên) được tô màu xanh lá cây.

Trong các loài gia súc, từ thời thượng cổ cho đến mãi tận gần đây, chó và ngựa vẫn được xem là gần gũi với con người nhất. Thế rồi, theo dòng lịch sử, hình ảnh những chàng kỵ mã oai hùng «da ngựa bọc thây» chìm dần vào quên lãng, ngựa cũng đành chịu chung số phận, lùi vào bóng tối, nhường chỗ cho lũ mèo mon men đến gần người hơn. Nhưng vị trí thứ nhất bên cạnh loài người vẫn luôn dành cho chó, con vật tinh khôn và trung thành, mà sự bày tỏ tình cảm lộ rõ từ cái vểnh tai, ánh nhìn đến chót đuôi vẫy rộn. Vì vậy, không phải là điều ngạc nhiên khi nhìn vào kho tàng truyện tranh và phim hoạt hoạ của các «cường quốc» trong lĩnh vực này : Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp và Nhật Bản, người ta thấy cơ man nào chó là chó.


Nhật Bản


Trong kỹ nghệ truyện tranh (manga) và phim hoạt hoạ của Nhật Bản, có thể nhắc đến đến bộ phim hoạt hoạ 39 kỳ Tchaou & Grodo, kể về cuộc phiêu lưu đi tìm mẹ của chú chó con Tchaou, với sự trợ lực của lão chó lang thang Grodo và cô bạn Mosso. Gần như đồng thời với Tchaou & Grodo, bộ phim hoạt hoạ 52 kỳ có tên Belle & Sébastien (hoạ sĩ Shuichi Seki) dựa theo tiểu thuyết của nữ văn sĩ Pháp Cécile Aubry cũng đã lần lượt được chiếu trên các đài truyền hình Nhật, Canada và Pháp trong các năm 1981-82-83, vẽ lại tình bạn thắm thiết giữa chú bé Sébastien và chó trắng Belle. Ngoài ra, tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng «Ba chàng ngự lâm pháo thủ» của nhà văn Pháp Alexandre Dumas đã được hai studio Nippon Animation (Nhật Bản) và BRB Internacional (Tây Ban Nha) cùng hợp tác để phóng tác thành loạt phim hoạt hoạ truyền hình 26 kỳ D’Artagnan và 3 chàng lính ngự lâm (1981) với rất nhiều tài tử… chó : 4 chàng ngự lâm d’Artagnan-Athos-Porthos-Aramis, nàng Constance, hồng y Richelieu, bá tước Rochefort, vua Louis XIII, hoàng hậu Anne d’Autriche, công tước Buckingham… (chỉ có nữ gián điệp Milady de Winter là đội lốt… mèo trong bộ phim truyền hình này !) 


d'Artagnan

D'Artagnan và Constance


Một chú chó khác, Hihn, xuất hiện trong bộ phim hoạt hoạ Tòa lâu đài lưu động (2004), của Hayao Miyazaki, dựa theo tiểu thuyết của Diana Wynne-Jones, kể về câu chuyện cô bé Sophie bị biến thành lão bà vì lời nguyền của mụ «phù thủy sa mạc» và bị cầm tù trong toà lâu đài của ảo thuật gia Hauru. Nhiều bộ phim hoạt hoạ của Hayao Miyazaki (studio Ghibli, cùng với họa sĩ Takahata) được thế giới «khám phá» và yêu chuộng, có thể kể đến : Nausicaä (1984), Lâu đài trên trời (1986), Bạn hàng xóm Totoro (1988), Kiki, cô phù thủy bé nhỏ (1989), Porco Rosso (1992), Công chúa Mononoké (1997), Ponyo trên sườn đồi (2008), Gió nổi (2013) cùng nhiều bộ phim hoạt hoạ ngắn khác. Bộ phim Cuộc du lịch của Chihiro (2001) đã đem đến cho ông Giải Gấu Vàng Berlin 2002.

Ngoài ra, giữa hàng trăm (có thể đã lên đến hàng nghìn) nhân vật của bảy thế hệ trò chơi điện tử-phim hoạt hoạ Pokemon từ 1996 đến nay (hoạ sĩ Satoshi Tajiri), người ta nhận diện được một số nhân vật có ngoại hình của họ hàng nhà «khuyển», vài chú có biệt tài biến hoá qua nhiều «kiếp» khác nhau : Couafarel, Caninos-Arcanin, Ponchiot-Ponchien-Mastoufle, Rocabot


Hoa Kỳ - Canada


Có thể kể ngay đến thế giới của Walt Disney (1901-1966) với hàng trăm nhân vật hoạt hoạ do ông dựng nên. Trong số đó, có khá nhiều… chó. Nói đến Disney, không thể nào không nhắc đến chú chuột láu lỉnh Mickey. Nhưng nếu nhiều người trong chúng ta biết đến «chuột đẹp» Minnie của chàng chuột này, hoặc những bạn nối khố của Mickey như chó đần Dingo (Goofy), chó Pluto trung thành hay vịt Donald cáu bẳn, thì lại ít ai biết đến kẻ thù «không đội trời chung» của Mickey là Pat Hibulaire. Xuất hiện từ năm 1925 trong loạt phim ngắn về cô bé Alice, đến 1928, Pat Hibulaire chính thức trở thành đối thủ của Mickey. Trong những phim hoạt hoạ đen trắng của thời kỳ đầu, Pat – còn mang tên Peg Leg Pete – là gã mèo đen khổng lồ mang một chân giả bằng gỗ, lúc nào cũng chực chờ ăn tươi nuốt sống chú chuột tí hon. Rồi theo năm tháng, Pat Hibulaire dần thay hình đổi dạng, để cuối cùng, đội lốt một con sói hung dữ, miệng thường phì phèo điếu xì-gà to tướng, và trở thành kẻ thù chung của Mickey và bạn hữu. Nhưng, với trào lưu «sống chung hòa bình», trong loạt phim truyền hình nhiều kỳ Dingo & Cie, Pat Hibulaire trở thành ông hàng xóm của cha con chó Dingo và Max, tuy vẫn mang tánh khó chịu, ăn thua đủ, nhưng đã trở nên khá tốt bụng và mất đi gần hết thói hung hiểm. Trong một trào lưu khác, trào lưu «trẻ hóa» các nhân vật, bé Pat vui sống và cũng làm đầy những trò «nhí nhố» bên cạnh các bé Mickey, Minnie, Donald, Daisy, Dingo, Pluto, Gus...

Dingo

        Dingo                     và                  Pluto

Với sự góp mặt trong hơn một trăm phim ngắn dài, trải từ 1930 đến 2005, suốt từ thời phim đen-trắng đến kỷ nguyên hoạt hoạ trong không gian ba chiều và trò chơi điện tử, chú chó khù khờ Pluto luôn là người bạn đường trung thành của chuột Mickey. Pluto có con trai tên Pluto Junior, có người yêu là Fifi, Dinah, có kẻ thù là chú chó bulldog Butch, có những bạn «đồng diễn» : rùa con, hải cẩu, anh em sóc Tic và Tac… Tương tự Pluto, chó đần Dingo/Goofy cũng là một «khuôn mặt lớn» của gia đình Disney. Xuất hiện thường xuyên trong phim hoạt hoạ và truyện tranh từ 1932 đến nay, Dingo nổi tiếng đần và tốt bụng, gây nên những cảnh tức cười, nhất là trong loạt phim có liên quan đến các môn thể thao (Nghệ thuật trượt tuyết (1941), Thế vận hội (1942), Vợt tennis (1949)…) Cùng với các «siêu sao» Mickey, Minnie, Donald, Daisy…, Pluto và Dingo cũng đã góp mặt trong bộ phim Ngày xưa, mùa Giáng Sinh, sản xuất năm 2004, hoàn toàn được thực hiện bằng hình ảnh tổng hợp của máy vi tính...


Loups

Lão sói dữ và ba sói con

Quý độc giả nào thường xuyên theo dõi sinh hoạt của dòng tộc vịt Donald đông đúc chắc sẽ nhận ra ngay kẻ thù không đội trời chung của bác vịt Picsou là anh em nhà chó Rapetou, chuyên tìm cách trộm kho vàng của bác vịt giàu nứt đố đổ vách này. Bên cạnh anh em nhà chó-trộm Rapetou, lại có cảnh sát trưởng tận tuỵ Finot chuyên việc lùng bắt… cướp ! Ngoài ra, các «khuyển vật» khác cũng xuất hiện rải rác đây đó trong những trang truyện tranh hay phim truyện dài ngắn của hãng Walt Disney : Lão sói dữ & ba tên sói con (Ba chú heo con (1933), Lão sói dữ (1934), Ba tên sói con (1936), Chú heo thực tiễn (1939)), chó Saint-Bernard Bolivar của Donald (thập niên 30’ thế kỷ XX), cha con chó đồng Bent-Tail (Huyền thoại Hòn Chó Đồng (1945), Chó chăn cừu (1949)), Con sói (Pierre và con sói (1946)), chó già Bruno (Lọ Lem (1950)), vú Nana (Peter Pan (1953)), Akéla, Rama và bầy sói (Truyện rừng xanh (1967)), NapoléonLafayette (Quý tộc mèo (1970)), Cha Tuck, Cảnh sát trưởng Nottingham, Corniaud (Hiệp sĩ rừng xanh (1973)), Toby (Thám tử tư Brasil (1986)), chó xồm Max (Nàng nhân ngư (1989)), chó ma Zero (Giáng Sinh kỳ quái của ông Jack (1993)), lũ chó cười Shenzi, Banzaï, Ed (Vua sư tử (1994)), chó kênh kiệu Percy (Pocahontas (1995)), chó ngao ba đầu Cerbère gác cửa địa ngục (Hercule (1997)), chó khờ Em trai (Mộc Lan (1998)), chó cảnh sát Rusty (Nông trại nổi loạn (2004))... Đặc biệt, trong một số bộ phim hoạt hoạ của hãng Disney, chó xuất hiện thật đông đảo, vừa là «siêu sao» lẫn sắm vai «quần chúng». Thí dụ : Người Đẹp & ChàngLang thang, cùng bạn hữu : César, Jock, Toughy, Dachsie, Boris, Peg, Pedro, Bull, Enjoy, Buster… (Người Đẹp và chàng Lang thang (1955), dựa theo truyện của Ward Greene - Tiếng gọi đường phố (2001)) và các con : chó Scamp với ba cô em gái Prudence, Constance, Clémence, hay gia đình chó đốm Pongo, Perdita, Rolly, Patch, Penny, Lucky, Freckles, Pepper và bạn bè : Đại tá, Towser, Danny, Puce, Ouragan, Courant d’air… (101 con chó đốm (1961), dựa theo truyện của Dodie Smith - Tiếp bước anh hùng (2003)), chó săn Rouky, Xếp (Rox & Rouky (1980)), bầy chó vỉa hè Roublard, Rita, Tito, Francis, Einstein, cô nhà giàu Georgette và hai tên «khỉ đột» Roscoe, DeSoto lần lượt xuất hiện quanh nhân vật chính : chú mèo con Oliver (Oliver và bạn bè (1988)).


LaBelle

Người Đẹp và Chàng Lang thang


Đốm

Gia đình Chó Đốm


Volt

Volt, Mitaine và Rhino

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật điện ảnh, các bộ phim hoạt hoạ ba chiều thực hiện bằng hình ảnh tổng hợp thay thế dần phim hoạt hoạ cổ điển vẽ trên không gian phẳng. Nhóm Pixar đi tiên phong trong việc giới thiệu đến người xem kỹ thuật tân kỳ này. Sau đó, Pixar nhập vào tổ hợp Disney và cùng đều đặn sản xuất nhiều bộ phim có giá trị. Với kỹ thuật image de synthèse này, chó đã tức khắc đổi lốt, xuất hiện với «khuyển dạng» mới, linh động hơn trong các bộ phim vẽ với hình ảnh nổi : chó nâu Razmotte và chó lò xo Zig Zag (Truyện đồ chơi 1, 2 & 3 (1995, 1999 & 2010)), bạch khuyển superstar Volt với cô chủ Penny, mèo đen ốm nhom Mitaine và chuột ù Rhino (Volt (2008)), chó Doug hiền lành và lũ Alpha, Beta, Gamma hung dữ (Trên cao (2009)). Mùa Giáng Sinh 2017 năm nay, trẻ em trên thế giới sẽ có dịp làm quen với chú chó mực Mễ-tây-cơ Dante lông ngắn nửa phân, lưỡi dài cả thước trong bộ phim Coco đầy âm nhạc và màu sắc.

Nếu như trong thế giới hoạt hoạ và truyện tranh của Disney, người ta có thể phân biệt rạch ròi hai phe chính - tà (Bạch Tuyết - Nữ hoàng, Lọ Lem - mẹ ghẻ, nàng nhân ngư Ariel - mụ phù thủy Bạch Tuộc, Aladin - lão Tể tướng…) thì hầu hết các nhân vật của Tex Avery đều có ít nhiều óc khôi hài đen (humour noir). Trong các phim của ông (đa số là phim ngắn), thường chỉ có hai nhân vật - đối thủ, lúc nào cũng tìm cách đấu trí để thắng đối phương. Đối với nhiều khán giả, loạt phim «cười bể bụng» của Tex Avery là loại «phim hoạt hoạ dành cho người lớn», trong đó, chân lý luôn luôn thuộc về kẻ chiến thắng, thường là yếu sức nhưng lanh trí và nhanh nhẹn hơn kẻ thù.

Người ta có thể chia sự nghiệp của Tex Avery ra làm hai thời kỳ:

  • Thời kỳ đầu (1936-1942) : làm việc ở hãng Warner Bros, ông đã khai sinh chú heo Porky, chú vịt đen Daffy, chú thỏ Bugs Bunny, thợ săn Elmer và chú chó Willoughby (1940).
  • Thời kỳ sau (1942-1955) : làm việc ở hãng Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), ông tiếp tục cho ra đời chú chó Droopy (1943) cùng hai đối thủ : chó Spike (1949) và Con Sói (1952), cô bé quàng khăn đỏ, gấu George, sóc điên Casse-Noisettes…

droopy
Droopy

Chú chó Droopy ra đời muộn nhưng lại nổi tiếng hơn nhiều so với Willoughby. Với bộ mặt ngủ ngày và dáng điệu lờ rờ, Droopy thường để cho tình địch là chó Spike hoặc Con Sói khinh thường, nhưng cuối cùng, luôn chiến thắng nhờ nhanh trí và… gặp hên ! Ngoài ra, trong các phim hoạt hoạ của Looney Tunes - hãng Warner Bros (các hoạ sĩ Friz Freleng, Chuck Jones, Bob Clampett, Robert McKimson, Tex Avery…), còn có sự góp mặt của các anh tài khác : chó đồng Vil (1949) luôn tìm cách sáng chế ra đủ thứ bẫy gài để bắt cho bằng được chú chim băng đồng Bip-bip; chó chăn cừu Sam và con sói Ralph, chó Barnyard Dawg, Charlie, Chester

Ngoài những nhân vật của Disney và Tex Avery, còn có một số chú chó Mẽo khác cũng thường được nhắc nhở đến, như : cha con chó SpikeTyke, kẻ thù không đội trời chung của mèo Tom (hoạ sĩ William Hanna & Joseph Barbera, 1942), chú chó Snoopy thích nằm trên nóc chuồng nhìn trời mơ mộng cùng bạn vàng anh Woodstock (hoạ sĩ Schultz, 1950), chó xanh thắt nơ Huckleberry Hound, chó phi công Muttley (studio Hanna-Barbera Production, thập niên 50’-60’ thế kỷ XX), chú chó Scooby-Doo (các hoạ sĩ Iwao Takamoto, Joe Ruby, Ken Spears, 1969) bự con nhưng lại rất sợ ma, chú chó khờ Odie, bạn của mèo vằn Garfield (họa sĩ Jim Davis, 1978), siêu khuyển Krypto (loạt phim hoạt hoạ truyền hình Mỹ-Canada, 2005-2006), chó nâu Santa's Little Helper của gia đình Simpson …

snoopy
Snoopy và Woodstock
Hud

Huckleberry Hound

 scoop
Scoopy-Doo


Odie



Garfield và Odie 


Từ không gian phẳng hai chiều, một số chú khuyển vừa nêu tên đã lần lượt bước vào thế giới phim hoạt hoạ nổi ba chiều : Scooby-Doo và bộ phim cùng tên (2002) với diễn viên thật đóng cùng toon, Odie trong Garfield & Cie (phim truyền hình nhiều kỳ, 2008-2015), Snoopy với bộ phim Snoopy và nhóm trẻ Củ Lạc (2015). Tiếp bước lớp đàn anh, hàng loạt chó liên tiếp xuất hiện trong các bộ phim vẽ 3D được sản xuất mấy năm gần đây : loạt phim hoạt hoạ truyền hình của Canada Biệt đội Chó cứu nguy (Keith Chapman, từ 2013) với cậu bé 8 tuổi Ryder và tám cô, chú khuyển với những biệt tài, nghề nghiệp khác nhau : Marshall (cứu hoả-cứu thương), Rubble (xây dựng), Chase (cảnh sát-thám tử), Rocky (tái chế biến), Zuma (cứu nguy trên biển), Skye (phi công), Everest (cứu nguy trên núi), Tracker (thám hiểm rừng rậm) , chó trắng bác học bá nghệ Peabody cùng với cậu bé con nuôi Sherman và cô bé Penny phiêu lưu đây đó trong chiếc máy vượt thời gian (studios DreamWorks Animation, 2014), hai chú chó Bijou, Frankie trong hai bộ phim Kế hoạch Tách-Hạt-Dẻ (hợp tác Hoa Kỳ-Canada-Đại Hàn, 2014-2017), Max, Duke, Mel, Pops, Gidget, Leonard, Buddy… trong The secret life of Pets (Illumination Entertainment, 2016), Paco chó trắng tai đen (Bò mộng Ferdinand, Blue Sky Studios, 2017)…


Pat

Biệt đội Chó cứu nguy


Max

Max và Duke

Bỉ-Pháp 


Nếu kỹ nghệ phim hoạt hoạ của châu Âu còn kém xa Hoa Kỳ về số lượng lẫn chất lượng, kỹ thuật và nghệ thuật, thì bù lại, trong lĩnh vực truyện tranh, người ta thấy xuất hiện khá nhiều nhân tài, tập trung tại hai nước Bỉ và Pháp. Có hàng chục nhà xuất bản chuyên về truyện tranh, dẫn đầu là Dupuis, sau đó có thể kể đến Dargaud, Casterman, Glenat, Le Lombard (Hachette cũng nổi tiếng về sách cho thiếu nhi nhưng không xuất bản truyện tranh). Còn về các hoạ sĩ, các nhân vật cùng đề tài thì không sao kể xiết.

Tìm trong cái «rừng» nhân vật đó, cũng tóm được vài chú chó để đem ra đây trình làng cùng quý độc giả.

tintin

Tintin và Milou

Trước tiên, xin được giới thiệu Milou, chú chó fox-terrier thông minh, bạn đường trung thành của nhân vật Tintin nổi tiếng Âu Á. Hoạ sĩ Rémi Hergé (1907-1983), cha đẻ của Tintin và Milou là người Bỉ và được xem là người sáng lập ra trường phái Bỉ (école Belge) về truyện tranh. Từ truyện tranh, Milou & Tintin đã rời trang giấy (23 albums, từ 1929 đến 1976) để bước vào những thước phim truyện với người thật và chó thật (Tintin và bí mật của chiếc áo lông cừu vàng, 1961 – Tintin với những quả cam xanh, 1964) hay loạt phim hoạt hoạ chiếu trên màn ảnh lớn và truyền hình, từ 1957 đến 1992. Năm 2011, đạo diễn Mỹ nổi tiếng Steven Spielberg cũng đã mời cặp chủ & chó này làm quen với thế giới hoạt hoạ ba chiều trong bộ phim Bí mật của ngựa đầu sừng và ông còn dự định sẽ tiếp tục sản xuất những bộ phim khác của Tintin & Milou trong thời gian tới. Cũng xin kể ra đây hai cặp bài trùng chủ & chó là Boule & Bill (hoạ sĩ Roba) và Sémaphore & Cubitus (hoạ sĩ Dupa). Trong những truyện tranh Boule & Bill (từ 1959 đến nay), nguời ta thấy rõ sự «bình đẳng» giữa chó cocker Bill và chú bé Boule, cả hai thân thiết và gấu ó với nhau như bạn bè hay như anh em trong gia đình. Trái lại, chú chó trắng đuôi vàng Cubitus (và cháu Bidule chó trắng đuôi cam) rõ ràng có thái độ lấn lướt ông chủ của mình và trở thành nhân vật trung tâm trong loạt truyện tranh của hoạ sĩ Dupa (từ 1968 đến nay). Nhìn lại, ta thấy có đủ ba mối tương quan chủ & chó (Tintin & Milou), đôi bạn (Boule & Bill) và chó & chủ (Cubitus & Sémaphore), nhưng ngoài ra, cũng không thiếu những chú chó đứng độc lập một mình, như chó Pif tinh khôn, tốt bụng, lại kết cặp bài trùng với mèo Hercule hung hăng, thích gây sự (hoạ sĩ Arnal) hay chú chó Gai-Luron lẩm cẩm triết lý của hoạ sĩ Gotlib, người đặc biệt thích vẽ truyện tranh châm biếm, thường chỉ có hai màu đen trắng.


Idee fix

IdéFix

Boule

Boule và Bill


Ngoài những nhân vật chó trung tâm hay rất gần với nhân vật chính, một số chú khuyển khác, tuy chỉ giữ vai phụ nhưng cũng có những cá tính đặc biệt và rất được yêu thích. Chẳng hạn như chú chó tí hon Idéfix của chàng «bé bự» Obélix. Khi dựng nên bộ ba Astérix-Obélix-Panoramix, cặp bài trùng Uderzo-Goscinny đã tạo nên hàng trăm nhân vật vệ tinh, từ những con người bình thường của ngôi làng gaulois nhỏ bé cho đến nhà quân sự độc tài César hay nữ hoàng Ai Cập Cléopâtre. Chú chó Idéfix nằm trong đám nhân vật vệ tinh ấy, và khác biệt vì là… chú chó duy nhất ! Là chó, dĩ nhiên món khoái khẩu của Idéfix là xương, nhất là xương heo rừng, nhưng đừng quên Idéfix sẵn sàng nổi xung hay khóc tu tu lên khi thấy những cây đại thụ trong khu rừng quanh làng bị bứng bật gốc.


Pì

Pif và Hercule

semaphore

      Cubitus, Bidule, Sémaphore & Sénéchal, 


Nhưng đặc biệt hơn hết thảy, có lẽ là Rantanplan, chú chó cảnh sát của Morris. Là người Bỉ nhưng Morris đã khá thành công khi tạo nên hình ảnh anh chàng cao bồi cô đơn miền viễn tây Hoa Kỳ, người có biệt tài «bắn nhanh hơn cái bóng của mình» qua loạt truyện Lucky Luke (bắt đầu bằng quyển Arizona 1880, 1946). Nói đến Lucky Luke, không thể nào không nhắc đến chú bạch mã Jolly Jumper, bốn anh em nhà Dalton và chú chó… má nhất trong những nhân vật chó của truyện tranh và phim hoạt hoạ ! Mang tiếng là chó cảnh sát nhưng hình như Rantanpkan không có khiếu làm cảnh sát lẫn làm… chó (!) nên đã gây ra khá nhiều cảnh cười ra nước mắt giữa chàng cao bồi Lucky Luke và bốn anh em Dalton, chuyên nghề cướp cạn.

Luky
Luky Luke, Jolly Jumper và Rantanplan


Gromit

Wallace và Gromit

Cũng như Milou, các chú Bill, Cubitus, Idéfix, Rantanplan và Pif đã lần lượt từ trang giấy truyện tranh bước vào sự chuyển động của những bộ phim hoạt hoạ. Ngoài ra, người ta còn thấy chú chó rậm lông Pollux trong loạt phim Đu quay kỳ diệu (Serge Danot), chó vàng Finot sát cánh cùng thám tử Gadget và cô cháu gái Sophie trong việc truy lùng tội phạm qua loạt phim hoạt hoạ Thám tử tư Gadget (Bruno Bianchi & Jean Chalopin), chú chó ù Bruno trong bộ phim Chị em sinh ba khu Belleville của đạo diễn Pháp Sylvain Chomet, sản xuất năm 2002 hay chú chó biết nói và cực kỳ thông minh Corneil với chỉ số Q.I. lên đến 250 trong các bộ phim hoạt hoạ Corneil & Bernie chiếu trên truyền hình Pháp từ 2003 đến nay (Stéphane Franck & Emmanuel Franck). Cũng không thể không nhắc đến cặp bài trùng Wallace và Gromit trong những phim bằng bột nắn của đạo diễn Anh Nick Park, nổi tiếng thế giới qua bộ phim Gà chẩu – Chicken run (2000).


Thay lời kết


Bài viết ngắn này đã có dịp giới thiệu qua những chú chó ít nhiều nổi tiếng trong thế giới truyện tranh và phim hoạt hoạ. Chắc chắn là còn nhiều thiếu sót và chắc chắn rằng trong tương lai, chúng ta sẽ còn thấy xuất hiện nhiều nhân vật chó khác, những con vật bốn chân được xem là gần gũi với loài người nhất, và luôn luôn là một loại «thiên thần hộ mạng» của trẻ em.

Có phải vậy không, Cún, Vàng, Khoang, Vện, Mực ?


Thiais 12.2017,

Cổ Ngư



Tài liệu tham khảo

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2018
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss