Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cuộc vận động tự cường của Trung Quốc / Cuộc vận động tự cường của Trung Quốc (2)

Cuộc vận động tự cường của Trung Quốc (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 17/02/2014 00:41, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


Cuộc vận động tự cường
sau khi liên quân Anh, Pháp
đánh Bắc Kinh



Hồ Bạch Thảo



Chương hai

Bước đầu mưu tự cường [1860-1885]



zh

Cung thân vương Dịch Hân [1833-1898]
Nguồn: zh.wikipedia.org/zh/恭親王


1. Tổng lý nha môn cùng Nam bắc dương đại thần


Sau cuộc nghị hoà tại Bắc Kinh vào năm 1860, nhóm Cung Thân vương chú trọng đến cách cư xử ra sao để từ đó trở về sau đối với các nước Tây phương, hai bên đều được yên ổn. Trước thời Nha phiến chiến tranh, nhà đương cục Quảng Ðông quản lý việc người ngoại dương đến buôn bán ; sau khi mở 5 cửa khẩu, giao cho Tổng đốc Lưỡng Giang và Lưỡng Quảng chủ trì thương vụ với nước ngoài, còn đặt Khâm sai đại thần kiêm Tổng đốc Lưỡng Quảng đứng chủ trì. Ðại diện ngoại giao các nước Anh, Mỹ, Pháp trú tại Hương Cảng, Áo Môn, hoặc Quảng Ðông gặp việc không dễ cùng bọn họ đàm phán, tâm lòng sinh bất mãn, nên hy vọng cùng Bắc Kinh trực tiếp qua lại. Ðó là do lai việc tu sửa điều ước, và cũng là một trong những nguyên nhân của cuộc chiến tranh với Trung Quốc lần thứ hai.


Sau cuộc chiến, Công sứ Anh, Pháp, Mỹ, Nga chính thức trú tại kinh đô. Chiếu theo Trung Nga điều ước, Nga có thể đi lại tiếp xúc với Quân cơ xứ, các nước khác cũng muốn đòi như vậy, nhưng Thanh đình thì không muốn ; nhân vì Quân cơ xứ nắm tối cao về quân sự chính trị, liên quan đến cơ mật thể chế ; hơn nữa từ đó trở về sau việc giao thiệp với ngoại quốc phức tạp, cần có cơ quan chuyên môn cáng đáng. Sau khi khảo xét, nhóm Cung Thân vương đặt ra 6 điều cho “ Biện lý thông thương thiện hậu chương trình ”, một trong 6 điều, tại kinh đô thiết lập “ Tổng lý các quốc sự vụ nha môn ”, giao cho Ðại thần tước vương quản lãnh, lại giao cho Quân cơ đại thần kiêm quản. Ngày 20/1/1861 chiếu chỉ chấp thuận, giao cho Cung Thân vương, Văn Tường, Quế Lương lo liệu. Ðây là lần đầu tiên cơ quan chuyên về ngoại giao được thiết lập tại Trung Quốc.


Lúc đầu Tổng lý các quốc sự vụ nha môn được gọi là Tổng lý các quốc thông thương sự vụ nha môn ; Cung Thân vương cho là Trung Quốc giao thiệp với các nước không chỉ hạn chế bởi thông thương, nên bỏ hai chữ “ thông thương ” và chỉ gọi là Tổng lý các quốc sự vụ nha môn, hoặc thường gọi là Tổng lý nha môn, hay giản xưng thành Tổng thự. So sánh với Quân cơ xứ, Tổng thự có những chỗ tương đồng. Thứ nhất, cả hai đều là tổ chức lâm thời, đợi khi công việc đối với ngoại quốc giảm thiểu thì triệt bỏ đi ; nhưng thực tế sau đó công việc đối với ngoại dương ngày một đa đoan, nên cả hai tổ chức trở thành vĩnh cửu. Thứ hai, cả hai tổ chức đều là uỷ viên chế, có một thủ lãnh do Ðại thần kiêm nhiệm, nhân viên do các cơ quan khác điều dụng đến. Trong Tổng thự có nhiều viên chức thuộc Quân cơ xứ, nên cả hai hầu như là một. Thứ ba, cả hai cơ quan danh và thực không phù hợp. Quân cơ xứ nguyên là cơ quan cơ mật về dụng binh, sau biến thành nơi phụ trách về chính lệnh. Tổng thự nguyên là cơ quan giao thiệp thông thương với nước ngoài, sau biến thành nơi giải quyết mọi việc liên quan đến ngoại quốc như : thương vụ, giáo vụ, hải quan, thuyền máy, hoả khí ; cho đến thiết lộ, điện tuyến, khoáng sản, hải quân ; nói một cách khác, sự nghiệp tự cường thành bại từ thời Ðồng Trị cho đến Quang Tự đều liên quan đến Tổng thự. Cung Thân vương chủ trì Tổng thự 24 năm [1861-1884], ngoài ra có những Ðại thần kiêm nhiệm chức vụ tại Tổng thự và Quân cơ xứ, giai đoạn đầu có Văn Tường, Bảo Quân ; sau đó có Thẩm Kế Phân, Lý Hồng Tảo.


Trong chương trình về Biện lý thông thượng thiện hậu do nhóm Cung Thân vương hoạch định, có việc đặt ra các Ðại thần chuyên coi các cửa khẩu nam, bắc. Lý do sau điều ước Thiên Tân các cửa khẩu buôn bán với ngoại quốc gia tăng, phía bắc lên đến tận Ngưu Trang [Niuzhuang, Liêu Ninh] phía nam đến Quỳnh Châu, nên chia làm hai để công việc có thể giải quyết nhanh. Phía bắc đem các cảng khẩu Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Ngưu Trang, Ðăng Châu [Dengzhou, Sơn Ðông] dưới quyền Bắc dương thông thương đại thần. Riêng 5 cửa khẩu ghi trong điều ước Nam Kinh, cùng các cửa khẩu mới thiết lập tại sông Trường Giang vẫn dưới quyền Khâm sai trú tại Thượng Hải liệu biện, được gọi là Nam dương thông thương Ðại thần.


Thông thương Ðại thần được thiết lập, ngoài những lý do nêu trên, còn có những dụng ý sau đây : Thứ nhất, các cửa khẩu có người chuyên biện lý, nhiệm vụ Tổng thự tại kinh đô được giảm nhẹ. Thứ hai, công việc giao thiệp với nước ngoài đều lo liệu tại Thiên Tân, Thượng Hải ; Công sứ tại kinh đô không có việc để làm, lâu ngày hoặc có thể rút lui. Năm 1870, việc đối ngoại giao thiệp tại Thiên Tân ngày mỗi nhiều, bèn đem thương vụ, hải vụ giao cho Khâm sai đại thần tỉnh Trực Lệ đảm trách, mỗi năm vào mùa xuân trú Thiên Tân, mùa đông trú Bảo Ðịnh [Baoding, Hà Bắc] ; lúc này Lý Hồng Chương làm Tổng đốc Trực Lệ. Cũng cùng năm, Tổng đốc Lưỡng Giang Tăng Quốc Phiên giữ chức Nam dương thông thương Ðại thần ; từ đó Nam, Bắc dương thông thương Ðại thần đều do các Tổng đốc Trực Lệ và Lưỡng Giang đảm nhiệm. Trực Lệ đứng đầu các quan lại địa phương, từ lâu do Lý Hồng Chương đảm nhiệm ; nhiệm vụ phòng ngự kinh đô, nên địa vị Bắc dương quan trọng hơn Nam dương nhiều. Bắc dương Ðại thần phần lớn xuất thân từ hệ thống Hoài quân ; riêng Nam dương Ðại thần xuất thân từ Tương quân.




2. Robert Hart [Hách Ðức] và hải quan


Tân chính sách cùng ngoại thương trực tiếp hoặc gián tiếp do ngoại quốc khích động. Ðứng về phương diện cá nhân, không bàn đến động cơ như thế nào, Robert Hart [Hách Ðức 1835-1911] có ảnh hưởng lớn không thể phủ nhận được.


Robert Hart người Ái Nhĩ Lan, tốt nghiệp học viện Hoàng gia Belfast với thành tích tối ưu, chuyên về ngữ văn và triết học. Vào năm 1854 đến Hương Cảng, được Tổng đốc Bao Lãnh biết đến. Khởi đầu làm Trợ lý phiên dịch Lãnh sự quán Anh tại Ninh Ba [Ningbo, Chiết Giang], năm 1858 được điều đến làm Trợ lý tại Lãnh sự quán Quảng Châu, năm sau chuyển làm Phó ty thuế vụ tại Quảng Ðông. Năm 1861, Tổng thuế vụ ty H. N. Lay [Lý Thái Quốc] vì vết thương cũ phải về nước điều trị, giao cho ty quan thuế G. H. Fitz-Roy [Phí Tư Lại] cùng Robert Hart cùng thay thế phụ trách. G. H. Fitz-Roy không thông Trung văn cùng sự tình Trung Quốc, nên thực tế do Robert Hart chủ trì. Tính tình Robert Hart ôn hoà và dễ dãi hơn người tiền nhiệm, vào tháng 6/1861 đến kinh đô trước hết gặp Văn Tường, rồi yết kiến Cung Thân vương, báo cáo tình hình thu thuế, và biện pháp thi hành trong tương lai ; lại kiến nghị mua thuyền binh, cùng vào sông Trường Giang giúp dẹp giặc. Văn Tường và Cung Thân vương có ấn tượng rất tốt với Robert, chính thức giao cho y thay mặt làm Tổng thuế vụ ty sự vụ. Sau khi hiệp định mở các cửa khẩu tại sông Trường Giang có hiệu lực, đáng phải chờ dẹp loạn xong mới thi hành, nhưng theo lời xin của Robert Hart cho biện lý ngay ; và chính Robert đã kể lại vụ chính biến tại Bắc Kinh cho các quan tại Lưỡng Hồ biết. Năm 1863 H. N. Lay từ chức, Robert đảm nhiệm chức Tổng thuế vụ ty mãi cho đến năm 1908.


Vấn đề hải quan hành chính triều Thanh, từ trước tới nay do nhân viên phủ nội vụ thao túng, mối tệ ăn chặn sinh ra. Từ khi thông thương 5 cửa khẩu, đối nội vẫn hỗn độn như cũ ; đối ngoại thì bị thất thoát, hàng nhiều khai ít, đưa những vật quý trọng liệt vào giá rẻ, thậm chí có thứ nhập khẩu riêng không qua thuế quan ; thổ sản xuất khẩu cũng thường không trình để xét nghiệm. Do thương nhân cùng Lãnh sự các nước thông đồng, đến nỗi mỗi năm không thu nổi vài trăm vạn lượng. Năm 1854, hải quan Thượng Hải do ngoại quốc quản lý thay, năm 1859 chế độ ty thuế vụ ngoại dương chính thức thành lập. H. N. Lay [Lý Thái Quốc] từng đưa ra kế hoạch hải quan hành chính cùng chương trình khai biện quan thuế mới, quy mô dần dần. Cung Thân vương trong dụ phúc đáp thuyết minh chức trách của tân thuế vụ một mặt bang trợ hải quan giám đốc các việc tại hải quan, một mặt khảo xét nhân viên hải quan người Tây dương công tội. Theo như Robert Hart tính toán, mỗi năm có thể thu được 1 000 vạn lượng thuế 1. Năm 1864 Robert cùng Tổng thự bàn định hải quan mướn người ngoại quốc lo liệu việc thuế vụ, để tránh cho nhân viên hải quan giữ toàn quyền. Nhân viên ngoại quốc gồm chánh, phó ty thuế vụ, bang biện ; trừ thiểu số người Pháp, Mỹ, Ðức ; số còn lại là người Anh. Vào thập niên năm 1870, số nhân viên thuế vụ người Tây dương khoảng 400 người, cuối cùng đến 600 người ; tổng cộng số lương bổng lên đến trên 100 vạn lượng.


Trong thời gian Robert Hart giữ chức tổng thuế vụ, tiền thuế tăng hàng năm ; sau 10 năm, mỗi năm đạt được 2 000 vạn lượng, đó là nguồn tài nguyên làm chỗ dựa rất lớn ; thời Ðồng Trị, kinh phí của của chính phủ 9/10 lấy từ đó. Ảnh hưởng của Robert Hart càng tăng, chính phủ liệu biện các việc, phần lớn do khuyến cáo của y. Cung Thân vương, Văn Tường gặp việc đều hỏi ý kiến ; có lúc trao chức Tổng đốc, Tuần phủ cũng tham khảo, về ngoại giao thì khỏi phải bàn. Riêng tân giáo dục, bưu điện cũng do y quản lý, quyền lớn nhất phải kể đến hành chánh. Khi thu được tiền thuế quan, trả nợ nước ngoài trước ; như bồi khoản năm 1860, ngoại trừ 130 vạn lượng do bộ hộ, tỉnh Trực Lệ, Quảng Ðông chi cấp ; kỳ dư do quan thuế chia nạp. Từ năm 1861-1864, mỗi năm Thượng Hải mượn nước ngoài 63 vạn lượng ; 1862-1864, mỗi năm Phúc Kiến mượn 65 vạn lượng ; 1857-1866, mỗi năm Quảng Châu mượn 62 vạn lượng ; cùng Tả Tông Ðường mượn dùng để chinh Tây ; tất cả đều do quan thuế trả hoặc nhận bảo lãnh.


Khoảng thập niên năm 1890, trong cuộc vận động biến pháp, có lời phê bình về việc người ngoại quốc nắm giữ quan thuế như sau “ Trong thiên hạ, nguồn lợi ở đâu thì quyền lực ở đó, không thể trao cho người một cách dễ dãi. Họ không phải là người dân tộc ta, trao rồi không trả lại, nắm giữ các bến cảng quan trọng, gốc lớn rễ sâu. Quan nhà Thanh lấy được tiền thuế 3 000 vạn, ngưỡng trông như hơi thở để mà sống còn. Bọn chúng đem đồ đảng đến mấy trăm người, tiền trả đến 200 vạn ; dần dần âm mưu nắm giữ việc bàn bạc trong triều, còn mặt nổi thì khống chế ngoại giao...”




3. Anh Mỹ hợp tác qua chính sách dẫn dụ bằng ngoại giao


Năm 1860, Cung Thân vương và Văn Tường chủ trương hoà hảo với các nước Tây phương. Các quốc gia cũng muốn Trung Quốc yên, để hưởng thụ quyền lợi trong việc buôn bán, cùng nghe theo sự chỉ đạo của họ. Nước Anh, chiếm số lượng buôn bán quá một nửa với Trung Quốc, càng trông mong thuận lợi trong việc buôn bán ; nên ngoài việc giúp Trung Quốc dẹp loạn trong nước, còn khuyến khích nước này phát triển ngoại giao. Công sứ Anh tại Trung Quốc như Fredrick W. A. Bruce [Bốc Lỗ Tư, 1861-1864] và người kế nhiệm Rutherford Alcock [Ha Lễ Quốc, 1864-1869] đều tuân theo chính sách này. Nước Mỹ sau thời kỳ nội chiến, thế nước vươn lên, công nghiệp phục hưng ; vì lợi ích buôn bán cũng không muốn liệt cường phân cắt Trung Quốc. Hai nước Anh, Mỹ đều khuyến khích Cung Thân vương, Văn Tường đối ngoại giao hảo, đối nội cải cách, vay mượn Tây phương ; theo phép Tây phương thi hành cái gọi là “ Hợp tác chính sách ”.


Hợp tác chính sách ” khởi đầu được thể hiện bởi các nước ngoài tiếp tục ký điều ước. Cung Thân vương dự liệu rằng các quốc gia Tây phương thế tất sẽ bắt chước Anh, Pháp, Nga, Mỹ thỉnh cầu lập ước, nên ra lệnh cho Khâm sai đại thần tại Thượng Hải tìm cách ngăn trở ; nhưng vô hiệu. Từ năm 1861 đến năm 1874, trước sau có 10 nước sau đây ký điều ước với Trung Quốc : Phổ Lỗ Sĩ, 1861 ; Bồ Ðào Nha, 1862 ; Ðan Mạch, Hà Lan, 1863 ; Tây Ban Nha, 1864 ; Tỷ Lợi Thì, 1865 ; Ý Ðại Lợi, 1866 ; Áo Ðại Lợi, 1869 ; Nhật Bản, 1871 ; Bí Lỗ [Peru], 1874. Trong các nước, Phổ Lỗ Sĩ là nước mới dấy lên, Tổng thự lúc đầu ngần ngại ; nhưng Anh, Pháp giúp nói thay rằng Phổ là nước mạnh, không thể không lập điều ước. Riêng điều ước với Bồ Ðào Nha sau khi ký xong có sự tranh cãi, mãi cho đến năm 1887 mới được chính thức thành lập, trong đó Trung Quốc thừa nhận Áo Môn vĩnh viễn thuộc Bồ, và nước Bồ hứa giúp Trung Quốc thu thuế thuốc phiện tại Áo Môn. Còn Bí Lỗ [Peru] có việc ngược đãi người Hoa, nên lập riêng điều ước để tra xét. Những điều ước nêu trên nội dung phần lớn đều phỏng theo điều ước Thiên Tân đã ký trước kia.


Sự cải cách của triều Thanh lúc bấy giờ cũng không phải hoàn toàn tự phát. Công sứ Mỹ Anson Burlingame [Bồ An Thần] lúc mới đến Bắc Kinh đã khuyên Cung Thân vương biên chế huấn luyện một đạo quân đánh giỏi, để lo dẹp loạn. Tháng 6/1864, lúc sắp đánh thành Nam Kinh, Công sứ Burlingame ra lệnh cho Lãnh sự Mỹ hợp tác với các quan chức Trung Quốc, thừa nhận quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc, chấp hành đúng điều ước quy định, dùng ngoại giao công bình thay thế cho vũ lực.


Nước Anh không chỉ giúp Trung Quốc luyện binh tại Thiên Tân, Thượng Hải, còn khuyên mua thuyền máy ; dụng ý cũng giống như Mỹ. Ðến lúc quân Thái Bình sụp đổ, chính quyền nhà Thanh ổn định, có hai tham luận quan trọng, mang tên “ Cục ngoại bàng quang luận ” và “ Ngoại quốc tân nghị lược luận ” do Robert Hart và Tham tán Anh Thomas Wade [Uy Thoả Mã] trình cho Tổng thự. Công sứ Anh Rutherford Alcock nhấn mạnh rằng những văn bản nêu trên được phụng mệnh soạn thành, hy vọng không bị gác bỏ ; bởi vậy Tổng thự không thể không chú tâm tìm hiểu. Do đó có thể thấy cái gọi là “ Tân chính ” không phải do Trung Quốc tự phát mà do áp lực của ngoại quốc gây nên.


Cung Thân vương rút kinh nghiệm đã trải qua, các nước có hành động giảo hoạt đòi hỏi thêm quyền lợi ghi trong điều ước, nên tháng 6/1867 tâu xin cho các quan Ðại thần Nam, Bắc dương đến kinh đô để thăm hỏi, nhắm chuẩn bị cho việc tu sửa điều ước vào năm sau. Tháng 10, lại gọi đương cục các tỉnh có liên quan đến việc giao thiệp với ngoại quốc đến bàn các việc như Sứ thần ngoại quốc triều kiến, cùng việc sai Sứ đi các nước v.v... Tăng Quốc Phiên cho rằng trừ việc triều kiến, sai Sứ, khai mỏ khoáng ; còn các việc khác không cho thi hành. Tả Tông Ðường vốn ghét Robert Hart [Hách Ðức] và Thomas Wade [Uy Thoả Mã] khinh mạn, nên chỉ đồng ý cho triều kiến và sai Sứ. Lý Hồng Chương cùng Thuyền chính đại thần Thẩm Bảo Trinh ý kiến tương đồng, tán thành triều kiến, sai Sứ, cùng thử liệu biện về điện tuyến, đường sắt, thuyền máy, khai mỏ.


Năm 1868, ba lần Rutherford Alcock [Ha Lễ Quốc] đưa cho Tổng thự những điều giản yếu về tu sửa điều ước, yêu cầu miễn đánh thuế ly kim 2, cải cách quan thuế, chấp nhận hàng hành trên sông, thêm bến tàu tại sông Trường Giang, thiết lập khách sạn cho nhân viên hải quan, lập khách sạn tại nội địa, người Tây phương do quan Tây phương quản lý, nhập cảng muối, khai mỏ khoáng ; nhưng Tổng thự không chấp nhận toàn bộ. Rutherford Alcock vẫn kiên trì đòi hỏi hàng hành trên sông, lập khách sạn tại nội địa, khai mỏ khoáng, lập bến tàu ; lại đề cập thêm về điện tuyến, đường sắt. Tháng 11, lại cùng Sứ thần nước Mỹ J. Ross Browne [Lịch Văn La Tư] đến Tổng thự đàm phán, cuối cùng hai bên soạn xong bản thảo điều ước. Chính phủ các nước Anh, Mỹ, Pháp sợ rằng thi hành gấp sẽ bị nhân dân Trung Quốc phản đối ; khai mỏ, làm đường, dùng thuyền máy hàng hành trên sông, trực tiếp ảnh hưởng sinh kế của dân ; hơn nữa trên nguyên tắc thì Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương đã tán đồng, Tổng thự cũng nhân nhượng về mậu dịch, nên thi hành từ từ cũng không phương hại. Năm sau chính phủ Anh quyết định đình hoãn tu sửa điều ước, đợi diễn biến nhân tâm tại Trung Quốc, Mỹ cũng biểu thị đồng ý. Rutherford Alcock đề nghị với Tổng thự, đem bản cảo điều ước soạn năm ngoái tạm thi hành, không cần sửa điều ước. Tổng thư cho rằng nếu không tái tu ước, thì hãy đợi 10 năm nữa mới bàn tu sửa. Rutherford Alcock xin thương lượng tiếp, rồi đến ngày 23/10 Trung Anh điều ước ký kết; nhập khẩu nha phiến, cùng xuất khẩu tơ, thuế đều tăng. Thương nhân Anh không được toại nguyện lòng mong muốn, ra sức phản đối ; chính phủ Anh cũng chưa phê chuẩn. Mãi cho đến năm 1876, điều ước Yên Ðài [Yantai, Sơn Ðông] thiết lập, mới chấm dứt giai đoạn dằng co. Chính sách mà các nước Anh Mỹ gọi là hoà hợp, cuối cùng không đem đến tổn hại quyền lợi hiện thực của các nước này.


Thời Ðồng Trị các nước đính lập điều ước đều do ngoại quốc thúc đẩy, việc sai Sứ xuất ngoại cũng như vậy. Công sứ nước Anh nhiều lần yêu cầu, Tổng thự lấy lời khéo léo từ chối “ Trung Quốc không có gì cần ứng biện tại nước ngoài ”. Tuy nhiên rồi thấy rằng những điều hư thực của Trung Quốc, không có điều gì mà ngoại quốc không biết ; riêng Trung Quốc đối với tình hình nước ngoài thì mờ mịt mang nhiên, nên cũng muốn cử người ra ngoại quốc tìm hiểu những điều lợi, hại, để trù tính kế hoạch ; nhưng còn ngại về lễ tiết. Năm 1866, Robert Hart [Hách Ðức] xin trở về nước cưới vợ cho con, bèn đề nghị với Cung thân vương, Văn Tường xin đem học sinh trường Ðồng Văn Quán đi theo, để mở rộng sự hiểu biết. Cung Thân vương cho rằng việc này, không liên quan đến việc cử sứ giả, nên chấp nhận, bèn cử Bân Thung chức Văn án tại ty thuế vụ hướng dẫn 3 học sinh đi. Chuyến đi kéo dài 5 tháng, qua Ba Lê, Luân Ðôn, cùng các nước Ðức, Thụy Ðiển, Nga ; được Nữ hoàng Anh tiếp kiến. Ðây là phái đoàn Trung Quốc đầu tiên tham quan các nước Tây phương, trong du ký của Bân Thung, đã đề cập được một số nhận thức.


Năm 1865, Anson Burlingame [Bồ An Thần] trở về nước Mỹ báo cáo tình hình ; quan Ðại thần Tổng thự yêu cầu Anson đi qua các nước, giải thích dùm sự hiểu lầm ; ông ta hứa rằng nếu như Trung Quốc và các nước có sự tranh chấp, nguyện đứng giữa điều giải. Khi Anson Burlingame đến Hoa Thịnh Ðốn, Quốc vụ khanh William Seward [Tây Hoa Ðức] ra lệnh ông ta chuyển lời cho Tổng thự, hoan nghênh Trung Quốc sai sứ đến Mỹ. Năm 1867 Anson Burlingame quyết định từ chức, Cung Thân vương thiết tiệc tống tiễn ; trong buổi tiệc Anson phát biểu rằng “ Từ nay trở về sau nếu như Trung Quốc có sự bất bình, tôi sẽ ra sức giúp, coi như Trung Quốc phái tôi làm Sứ giả vậy ”. Nhân lời nói, Văn Tường thừa cơ mời Anson Burlingame đảm nhiệm chức Sứ thần Trung Quốc. Qua nhiều lần thương nghị, lại thêm sự thôi thúc của Robert Hart, Anson Burlingame nhận lời. Vào tháng 11, chính thức sai Anson đến các nước từng ký kết điều ước với Trung Quốc, đồng hành có nhân viên Tổng thự như Ký danh đạo Chí Cương, Ký danh tri phủ Tôn Gia Cốc, Phiên dịch tại sứ quán Anh John M. Brown [Bách Trác An], nhân viên hải quan Pháp E De Champs [Viên Ðức Thiện] làm Bí thư ; ý muốn lung lạc Anh, Pháp, lập thành phái đoàn hỗn hợp. Năm 1868 Anson đến nước Mỹ trước, đích thân diện kiến Tổng thống Andew Johnson ; trong các cuộc diễn thuyết tại Mỹ Anson tuyên bố rằng Trung Quốc hiện tiếp thu văn hóa Tây phương, đi vào con đường hoà bình tiến bộ. Vào tháng 7, ký “ Trung Mỹ tục tăng điều ước ” với Quốc vụ khanh William Seward, xác minh dân hai nước được thuận tiện cư trú, ưu đãi du học, thiết lập học đường, Mỹ không can thiệp vào nội bộ Trung Quốc ; nếu như Trung Quốc muốn lập điện tuyến, đường sắt, nguyện chi trì hiệp trợ ; có thể nói đây là điều ước bình đẳng. Tuy nhiên trong điều ước cũng chiếu cố đến lợi ích của Mỹ, như việc “ thuận tiện cư trú ” do Mỹ cần công nhân người Hoa, “ thiết lập học đường ” thuận tiện cho việc truyền giáo. Khi đến Luân Ðôn, thái độ của nước Anh có phần lãnh đạm, sau 2 tháng mới được yết kiến Nữ hoàng ; Ngoại trưởng Anh tuyên bố “ Không cưỡng ép Trung Quốc, khiến mất quyền tự chủ ”. Năm sau [1870] phái đoàn Anson đến Ba Lê, qua Thuỵ Ðiển, Hà Lan, Ðức, vào cuối năm đến Nga ; tháng 2 Anson bệnh chết tại Bỉ Ðắc Bảo [thành phố này thời Liên Xô được gọi là Leningrad]. Chí Cương, Tôn Gia Cốc tiếp tục suất lãnh phái đoàn đến Tỷ Lợi Thì, Ý Ðại Lợi, Tây Ban Nha ; rồi trở lại nước Pháp, để trở về nước.


Công sứ các nước tuy đã vào trú tại Bắc Kinh, nhưng chưa được yết kiến vua ; Tổng thự lấy lý do “ Hoàng thượng tuổi nhỏ, hai cung [Thái hậu] đang buông rèm nghe việc chính sự ”, nên có điều bất tiện. Lúc dự trù tu sửa điều ước, bọn Tăng Quốc Phiên chủ trương lúc vua Ðồng Trị đích thân coi việc chính trị, thì chấp nhận theo lời xin. Năm 1873, Thái hậu bỏ rèm, các nước lại tiếp tục đòi hỏi, Tổng thự chấp nhận, không còn kiên trì bắt phải quỳ bái. Ngày 29/6, vua Ðồng Trị ngự tại điện Tử Quang, nhân Sứ thần Nhật Bản Phó Ðảo Chủng Thần nhiều lần xin, nên được yết kiến ; kế đó đến Sứ thần các nước Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, 5 nước ; đó là lần thứ nhất, Hoàng đế Trung Quốc với nghi thức bình đẳng, tiếp kiến Sứ thần các nước. Điện Tử Quang vốn là nơi chiêu đãi yến tiệc cho các ngoại Phiên, nên các Sứ thần vẫn chưa vừa lòng. Chẳng bao lâu, vua Quang Tự lên ngôi, Thái hậu lại một lần nữa buông rèm nghe việc chính sự ; chờ đến khi vua Quang Tự thân chính, Sứ thần ngoại quốc lại bắt đầu yết kiến.




4. Thiết lập công nghiệp quân sự


Theo nguyên tắc muốn tự cường phải luyện binh, binh mạnh trước hết phải chế được vũ khí ; Cung Thân vương chủ trương mướn thợ giỏi ngoại quốc chế vũ khí. Tăng Quốc Phiên cũng chủ trương luyện binh theo kiểu Tây phương, chế tạo pháo, đóng thuyền ; năm 1861 sai Từ Thọ, Hoa Hoành Phương chế tạo tại An Khánh [Anquing, An Huy]. Năm 1863, qua sự giới thiệu của Hoa Hoành Phương, Dung Hoành bàn với Tăng Quốc Phiên, lập xưởng chế tạo cơ khí ; không chỉ riêng chế tạo pháo, thuyền, mà còn chế các thứ khác nữa ; Tăng Quốc Phiên bèn sai Dung Hoành sang Mỹ liệu biện. Cũng vào năm này, Lý Hồng Chương mua được cơ khí tại Hương Cảng, mộ thợ Tây dương thiết cục chế tạo pháo, đạn, giao cho Halliday Macartney [Mã Khắc Lý] cùng Ðinh Nhật Xương quản lý. Năm 1865, Dung Hoành chở đồ cơ khí đến Thượng Hải, Lý Hồng Chương ra lệnh hợp với thiết bị có sẵn tại Thượng Hải, lập Giang Nam chế tạo cục, còn có tên là Giang Nam thiết xưởng. Năm sau lại lập Kim Lăng [Nam Kinh] chế tạo cục, do Halliday phụ trách. Năm 1867 lập Thiên Tân chế tạo cục, sau khi Lý Hồng Chương giữ chức Tổng đốc Trực Lệ lại được cải tiến thêm.


Thượng Hải, Kim Lăng, Thiên Tân là 3 cơ khí cục được thiết lập tương đối sớm, quy mô có phần lớn ; việc kinh doanh có liên quan đến Lý Hồng Chương, cùng người ngoại quốc tham dự, kinh phí đều do quan thuế cung cấp. Thời đánh giặc Niệm, Hoài quân cần súng đạn, đều do Kim Lăng chế tạo cục cung cấp. Sau đó các đạn pháo lớn cho pháo đài Ðại Cô [Dagu, Thiên Tân] đều do cục này chế tạo, lúc bắn thử có 2 lần bị nổ sớm ; nếu không phải do Halliday không muốn tăng cường lực lượng đối ngoại phòng thủ, thì cũng do lỗi về kỹ thuật. Thiên Tân cơ khí cục là nơi tập trung nhu cầu cho quân Bắc dương, ngoại trừ cung ứng cho Hoài quân tại Trực Lệ, Giang Nam, còn tiếp tế cho các tỉnh Phụng Thiên, Cát Lâm, Hà Nam. Tổng kê trong vòng 10 năm, trừ các cục nêu trên ; các vùng Tây An [Xian, Thiểm Tây], Lan Châu [Lanzhou, Cam Túc], Phúc Kiến, Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Ðông], Tế Nam [Jinan, Sơn Ðông] đều tiếp tục thiết lập cục.


Tổng quát về việc các tỉnh chế tạo cơ khí, chiếu theo thời gian liệt kê như sau :


- Vào năm Đồng Trị thứ nhất [1862] thiết lập xưởng chế tạo pháo súng tại Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc]

- Năm thứ 2, 3 [1863-1864] tỉnh Giang Tô thiết lập 3 cục cơ khí tại Thượng Hải [Shanghai], Giang Ninh [Nam Kinh, Nanjing].

- Năm thứ13 [1874] thiết lập cục cơ khí tại Phúc Kiến, chế pháo khai hoả ; cục Thượng Hải phỏng chế tạo súng trường Remington ; hai cục Thiên Tân, Thượng Hải bắt chước chế thuỷ lôi. Quảng Đông thiết lập cục cơ khí.

- Năm Quang Tự thứ 2 [1876] cử học sinh ra ngoại quốc học cơ khí. Hai tỉnh Hồ Nam, Sơn Đông đều lập cục cơ khí, tự tạo khi giới không dùng thợ ngoại quốc.

- Năm thứ 3 [1877] tỉnh Tứ Xuyên thiết lập cục cơ khí chuyên chế súng Mã Thê Ni, nạp đạn phía sau.

- Năm thứ 4 [1878] cục Thiên Tân chế tạo súng nạp hậu.

- Năm thứ 6 [1880] cục Giang Ninh chế tạo các loại súng trường Remington, Mã Thê Ni, Lai Phúc Thương.

- Năm thứ 7 [1881] cục Thượng Hải chế tạo Thai Cương pháo. Tỉnh Cát Lâm thiết lập cục cơ khí ; tại Giang Ninh lập thêm cục chuyên chế thuốc súng.

- Năm thứ 11[1885] Quảng Đông lập cục chế tạo và cục thuỷ lôi.

- Năm thứ 13 [1887] cục Giang Ninh chế tạo Điền Kê pháo, Quảng Đông thiết lập cục chế đạn.

- Năm thứ 16 [1890] tỉnh Hồ Bắc thiết lập công binh xưởng chế tạo các loại vũ khí mới mà các cục khác chưa chế ; cùng lập xưởng luyện thép, khai mỏ than để làm cơ sở chế tạo.

- Năm thứ 18 [1892] tỉnh Quý Châu lập lò luyện thép.

- Năm thứ 19 [1893] các cục Thiên Tân, Thượng Hải, đều lập lò luyện thép.

- Năm thứ 20 [1894] Hồ Bắc lập thêm 3 xưởng chế pháo, chế đạn pháo, và chế đạn cho súng cá nhân.

- Năm thứ 21 [1895] Thiên Tân cơ khí cục đổi tên thành Tổng lý bắc đương cơ khí cục. Quảng Đông chế tạo súng trường ; hai tỉnh Giang Nam lập thêm xưởng luyện thép, xưởng thuốc súng không khói ; Thiểm Tây lập cục cơ khí.

- Năm thứ 22 [1896] xưởng mới tại Giang Nam chế tạo súng bắn nhanh ; cục Thiên Tân chế tạo pháo kiểu mới ; xưởng tại Hồ Bắc cải tạo súng nạp đạn phía sau ; tỉnh Sơn Đông đặt thêm xưởng luyện kim, và các xưởng súng lớn, súng nhỏ.

- Năm thứ 23 [1897] xưởng tại Hồ Bắc chế thêm thép tốt làm nòng súng, cùng thuốc súng không khói.

- Năm thứ 24 [1898] Sơn Tây lập xưởng chế pháo, súng ; Thiên Tân, Thượng Hải tăng chế pháo bắn nhanh.

- Năm thứ 25 [1899] tỉnh Sơn Tây tạo thêm súng, đạn ; tỉnh Hắc Long Giang lập cục chế tạo.

- Năm thứ 33 [1907] bộ lục quân kiến tạo 4 binh công xưởng lớn ; tỉnh Tứ xuyên lập các xưởng súng, đạn, thuốc súng không khói.


Về tàu thuyền, ngay từ năm 1856 H.N. Lay [Lý Thái Quốc, Tổng thuế vụ] đề nghị mua thuyền máy, để đối phó với quân Thái Bình. Sau khi đại doanh tại Giang Nam bị vỡ, không biết lúc nào thu phục được Kim Lăng ; nếu có thuyền máy, thì mới có thể lập công được ; nhân dịp Robert Hart kiến nghị chế tạo thuyền máy, mướn chuyên viên ngoại quốc, người Hoa theo đó học tập, kinh phí lấy từ thuế thuốc phiện ; Cung Thân vương, Tăng Quốc Phiên đều biểu thị tán thành. Vào năm 1861 giao cho H. N. Lay liệu biện, H.N. Lay bèn giao cho viên Ðại tá hải quân S. Osborn [Ha Tư bản] quản lý, mua 7 chiếc pháo hạm, mộ hơn 600 quân. H.N.Lay cho rằng người Trung Quốc ngu muội, mọi việc đều tìm cách áp bức ; y lại tự cho rằng không phải là quan viên Trung Quốc, nên không cần nghe lệnh. Binh thuyền đều giao cho S. Osborn làm chủ, tự do hành động, chính phủ Trung Quốc không thể trực tiếp chỉ huy ; các thuyền máy khác của Trung Quốc theo kiểu Tây phương cũng đều do S. Osborn quản lý. Tổng thự không đồng ý, chủ trương binh thuyền do người Trung Quốc chỉ huy, S. Osborn chỉ phụ trách bang trợ, theo sự tiết chế của Tổng đốc, Tuần phủ ; về lương hướng do H.N. Lay lo liệu.


Vào tháng 7/1863, Tổng thự hứa với H.N. Lay rằng nếu như đánh được Nam Kinh, tài vật thu được sẽ chia cho S. Osborn 35 % ; nếu như quân của S. Osborn một mình chiếm được, thì sẽ được hưởng 70 %. Lúc bấy giờ việc dẹp loạn đến giai đoạn gần thành công ; Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương muốn tự mưu lấy, không để cho ngoại bang kiềm chế. Còn S. Osborn thì đòi thực hiện theo lời hứa, nếu không sẽ giải tán binh thuyền. Công sứ Anh Fredrick W. Bruce [Bốc Lỗ Tư] ra mặt can thiệp, Tổng thự tiến thoái lưỡng nan, nhưng vẫn cương quyết đòi hỏi người Trung Quốc giữ chức chỉ huy, không chịu giao binh thuyền cho người ngoài. Rồi Tổng thự và Fredrick W. Bruce quay sang yêu cầu Công sứ Mỹ Anson Burlingame [Bồ An Thần] phân xử ; Anson vốn không muốn nước Anh độc nắm quyền hải quân tại Trung Quốc, cũng không muốn Trung Quốc có một hạm đội với kỹ thuật mới, lại lo binh thuyền sẽ vào tay bọn cướp biển rồi bị quân phía Nam nước Mỹ lợi dụng, nên đề nghị bán lại cho nước Anh ; cả Fredrick và O. Osborn đều đồng ý. Vào tháng 11, triệt hồi tàu thuyền để đem bán ; số tiền trước kia mua là 167 vạn lượng, nay chỉ thu được hơn 20 vạn lượng, phần còn lại trôi theo biển đông ! Tổng thự vốn ghét H.N. Lay gian trá, nay nhân việc sai lầm về tàu thuyền bèn cách chức, giao cho Robert Hart [Hách Ðức] thực thụ Tổng ty thuế vụ. Ðiều này thấy được việc thay đổi chính sách mới của nhà Thanh không dễ ; do trung ương và địa phương không hoà hợp, ngoại quốc có âm mưu riêng, giữa các liệt cường lại mâu thuẫn. Qua thất bại, những quyền thần chủ trương cải cách như Cung Thân vương, Văn Tường đâm ra chán nản.


Tạo thuyền và chế pháo, là 2 kế sách mới về tự cường ; trong thời gian tìm mua thuyền binh, thì tại xưởng An Khánh, Từ Thọ đã chế được thuyền máy cỡ nhỏ, vận tốc tương đối chậm chạp. Sau khi bình định xong Giang Nam, Lý Hồng Chương theo chủ trương của Ðinh Nhật Xương, xin Tổng thự lập xưởng chế tạo thuyền máy, cùng tưởng lệ thương gia mua. Cục chế tạo Giang Nam lãnh 2 sứ mệnh : chế pháo và tạo thuyền ; lúc này việc đánh giặc Niệm khẩn trương, nên phải ưu tiên chế pháo súng. Năm 1867 bắt đầu chế tạo thuyền máy, đến năm sau thì hoàn thành ; vỏ thuyền và nồi súp de [boiler] thì tự chế lấy, riêng máy móc mua từ nước ngoài. Sau đó 3 năm, tiếp tục hoàn thành được 3 chiếc. Năm 1872, hoàn thành tàu binh Hải Yên, dài 30 trượng, 404 mã lực ; được coi như tàu lớn nhất của Trung Quốc thời bấy giờ. Năm 1875, hoàn thành chiếc Ngự viễn, cũng tương đương như chiếc tàu trên ; nhưng thực tế lại không chắc chắn bằng tàu ngoại quốc, giá thành lại cao, nên đình chỉ chế tạo ; tổng cộng hoàn thành được 6 chiếc tàu.


Trước sau chuyên nghiệp về đóng tàu, phải kể đến xưởng Phúc Châu [Fuzhow] do Tả Tông Ðường lập ra tại Phúc Kiến. Khi Tả Tông Ðường khắc phục được Hồ Châu [Huzhow, Chiết Giang], phần lớn nhờ công của thuyền máy ; nên lúc xong việc Tả cho bắt chước chế được một chiếc, đem chạy thử tại Tây Hồ [Xihu, Chiết Giang]. Những người Pháp như Ðức Khắc Bi, Nhật Ý Cách khuyên Tả mua máy, sẽ tìm cách chế tạo dùm ; Tả đem sự việc tâu lên, tháng 7/1866 được chấp thuận. Nhật Ý Cách vốn là viên chức hải quân Pháp, Tả giao cho y cùng Hồ Quang Dong trù liệu. Chẳng bao lâu, Tả Tông Ðường giữ chức Tổng đốc Thiểm Tây, giao cho Thẩm Bảo Trinh coi tổng quát về thuyền chính, dùng Nhật Ý Cách, Ðức Khắc Bi làm chánh phó Giám đốc; lại được bộ hải quân Pháp ủng hộ, bắt tay vào việc mua máy và tuyển mộ nhân công. Năm 1868, chính thức khai công, địa chỉ xưởng tại Mã Vĩ, Phúc Châu [Mawei, Phúc Kiến]. Kế hoạch của Tả Tông Ðường không riêng chỉnh đốn hải quân, lại còn muốn phát triển vận chuyển trên biển. Thuyền quân và vận tải cùng được chế tạo, khiến “ vận tải tăng, hải quân mạnh thêm, thương nhân không gặp khó khăn, hải quan thịnh vượng ”. Trong vòng 5 năm, tiêu phí hơn 300 vạn lượng, chủ yếu lấy từ quan thuế và thuế ly kim ; chế được 10 binh thuyền, 5 thương thuyền, thuộc loại từ 500 tấn cho đến 1 560 tấn ; sau cùng xưởng này do người Trung Quốc quản lý.




5. Mở đầu nền giáo dục theo kiểu Tây phương


Ðầu triều Thanh, mối quan hệ với Nga trở nên quan trọng ; thời Khang Hy mệnh con em Bát kỳ học Nga văn tại “ Nga La Tư quán ”. Việc giao thiệp giữa Trung, Anh vào thế kỷ thứ 18, phần lớn nhờ người Tây phương sống tại Hoa, cùng thương nhân người Quảng Ðông giữ chức Thông sự, cáng đáng việc thông dịch. Trong các cuộc đàm phán tại Nam Kinh, Thiên Tân, Bắc Kinh, thì dựa vào các Giáo sĩ ngoại quốc. Thông sự trình độ không đều, phần nhiều là thương nhân ham lợi ; Giáo sĩ thường diễn không đạt ý, có nhiều thiên kiến ; vả lại người giữ trọng trách giao thiệp cần hiểu ngoại quốc để khỏi bị che giấu lừa đảo. Năm 1859, Biên tu Quách Tung Ðảo tấu trình một trong những phép chế ngự Di, là phải am tường về ngữ ngôn văn tự. Sau khi điều ước Bắc Kinh lập xong, bọn Cung Thân vương đặt Thiện hậu chương trình, cũng cho rằng giao thiệp với người nước ngoài, nếu ngôn ngữ không thông, văn tự không biết, thì có sự cách trở không đi đến thoả hiệp được. Nên định chọn người biết Anh, Pháp văn trong đám thương gia tại Quảng Ðông, Thượng Hải, đến Bắc Kinh mở trường ; rồi lựa con em Bát kỳ loại thông tuệ cho theo học. Trải qua hơn 1 năm, không chọn được người vừa ý từ Quảng Ðông, Thượng Hải ; bèn mời Giáo sĩ người Anh J. S. Burdon [Bao Nhĩ Ðằng] đảm nhiệm, chọn được 10 học sinh ; vào tháng 7/1862 khai trường, mang tên “ Ðồng Văn quán ”, kinh phí do hải quan chu cấp. Năm sau lại lập hai quán : Pháp văn, Nga văn. Sau khi J. S. Burdon từ chức, một Giáo sĩ người Anh khác John Pryer [Bác Lan Nhã] thay thế ; rồi đến năm sau Giáo sĩ người Mỹ W.A.P. Martin [Ðinh Vi Lương] lại thay. Còn về học sinh, chọn con em Bát kỳ, chỉ riêng hạn chế tại quán Nga văn ; riêng các quán khác thì con em người Hán cũng được theo học.


Do kiến nghị của Phùng Quế Phân, sau khi “ Ðồng văn quán ” thành lập tại kinh sư, “ Quảng phương ngôn quán ” được thiết lập tại Thượng Hải. Phùng lập luận rằng Thượng Hải, Quảng Châu là nơi đông người Tây phương tụ tập ; cần được đào tạo người có khả năng về Tây học, không những có ích trong việc giao thiệp, còn phải nghiên cứu sâu về Tây học, phiên dịch Tây thư. Lý Hồng Chương đem những điều này tâu lên, xin phỏng theo lệ “ Ðồng văn quán ”, tại Thượng Hải, Quảng Châu, cho lập trường học ; tuyển chọn những thiếu niên thông tuệ tại vùng lân cận, cùng các viên chức Hậu bổ, Tá nhị trẻ tuổi, xuất sắc, cho vào học. Sau khi được chấp thuận, do Phùng Quế Phân lập chương trình, đặt tên “ Quảng Phương Ngôn quán ”, Giáo sĩ Mỹ Young John Allen là Giáo viên Anh văn đầu tiên. Khóa học hạn trong 3 năm, để tốt nghiệp học sinh phải dịch một quyển sách ngoại ngữ ra Hoa văn. Năm 1870, trường này sáp nhập vào Giang nam chế tạo cục. Giang Nam chế tạo cục cho lập thêm “ Cơ Khí Học đường ” ; Phúc Châu thuyền chính cục cho lập thêm “ Cầu thị đường nghệ cục ” ; “ Cầu thị đường nghệ cục ” lại chia ra “ Pháp quốc học đường ” và “ Anh quốc học đường ” ; một trường chuyên về tạo thuyền, một trường chuyên về hàng hải. Các tướng lãnh quan trọng về sau, đều xuất thân từ trường này. Dịch giả nổi danh, Nghiêm Phục [Tông Quang] là một, trong số đó.


Cung Thân vương và Văn Tường cũng nhận thấy rằng việc chế tạo cơ khí, súng đạn, hàng hải, hành quân, đều liên quan đến thiên văn và toán học ; nếu không học từ căn bản thì không có ích cho thực dụng. Năm 1866 quyết định ngoài “ Ðồng văn quán ” còn mở thêm các quán về thiên văn, toán học ; chọn các viên chức thuộc loại Cống sinh, Sinh đồ từ ngũ phẩm trở xuống đưa vào quán học, mời thầy Tây phương. Phái bảo thủ có Ngự sử Trương Thịnh Tảo, Ðại học sĩ Nụy Nhân chỉ trích rằng “ dùng Di biến Hạ ”, học theo Tây phương là điều đáng hổ thẹn. Bọn Cung Thân vương cho rằng thiên văn, toán học là môn trọng yếu cần học hỏi “ Cái Trung Quốc cần học không phải chỉ dừng tại thuyền máy và súng ống ; nếu chỉ đề cập đến pháo, thuyền thì có thể mua từ ngoại quốc, kế tuy tiện nhưng thao túng tại tay người, nếu tìm học từ nguồn gốc thì mọi việc nằm trong tay ta ; một đàng là tạm thời, một đàng là vĩnh viễn ”. Lại nói “ Cái điều nhục trong thiên hạ là thua kém người ; nay không cho việc thua người là nhục, mà lại cho việc học người là nhục. Nếu thấy mình không bằng người mà không chịu học, thì làm sao có thể rửa mối nhục lớn được ! ”. Cuộc tranh luận này trên mặt nổi tuy Cung Thân vương thắng, nhưng Sĩ đại phu tụ đảng bàn bạc không ngừng, làm trở ngại chương trình học tập tại “ Ðồng văn quán ”, còn có kẻ miệt thị Cung Thân vương là Quỷ tử lục 3.


Học viên Toán Học quán phần lớn thuộc lớp tuổi trung niên, trường lại không có cơ sở vật chất, nên có thầy giáo Tây dương cự tuyệt không chịu dạy ; Ðồng Văn quán hầu như gần giải thể. Lúc bấy giờ Ðinh Vĩ Lương từ Mỹ trở về, năm 1869 đến Bắc Kinh, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, tích cực cải tiến ; lúc này lớp học khoảng hơn 40 người, phần lớn thuộc Bát kỳ, chẳng bao lâu lập thêm quán Ðức văn. Vào năm 1871, học sinh tăng lên đến trên 400, thành phần không hạn là Bát kỳ. Thời gian học qui định 8 năm, 3 năm đầu học ngôn ngữ và sử địa Tây dương, năm thứ tư học toán học đại số, năm thứ 5 học hình học, tam giác, vạn vật ; năm thứ 6 học môn thực dụng quan trọng, năm thứ 7 học hoá học, thiên văn, địa chất ; năm thứ 8 học chính trị, kinh tế, quốc tế công pháp ; các nhân viên thuế vụ ngoại quốc được cử làm làm nhân viên giảng huấn. Các học viên tốt nghiệp Ðồng Văn quán phần lớn được giao chức vụ nơi sứ quán tại nước ngoài ; lệ như năm 1879 tại Luân Ðôn [Anh] 3 người, Ba Lê [Pháp] 2 người, Bá Linh [Ðức] 2 người, St Petersburg [Nga] 4 người, Hoa Thịnh Ðốn [Mỹ] 2 người, Ðông Kinh [Nhật] 2 người. Sau 30 năm làm Hiệu trưởng Ðồng Văn quán, năm 1893 Ðinh Vĩ Lương từ chức ; kế nhiệm là G.H. Oliver [Âu Lợi Phủ].


Vào các năm 60 thuộc thế kỷ thứ 19, các học hiệu của giáo hội phát triển nhanh ; đặc biệt Tân giáo nước Mỹ hoạt động rất tích cực. Các học hiệu nổi tiếng như : Vào năm 1864, Trưởng lão hội nước Mỹ mở Văn Hội quán tại Ðăng Châu [Dengzhow, Sơn Ðông] ; năm sau Tẩm Lễ hội nước Anh mở Quảng Văn thư viện, cũng tại Ðăng Châu ; sau này cả hai học viện hợp lại thành Tề Lỗ đại học. Năm 1865 tại Thượng Hải, Thánh Công hội của Mỹ mở thư viện Thánh Ước Hàn, đó là trường đại học Thánh Ước Hàn sau này [Saint John’s University]. Năm 1866, Giám Lý hội của Mỹ mở Hối Văn thư viện tại Bắc Kinh, tức đại học Yên Kinh sau này. Năm 1867, Công Lý hội của Mỹ mở Hoa Bắc thư viện tại Thông Châu [Tongzhow, Trực Lệ] ; cùng năm Trưởng Lão hội của nước Mỹ mở học hiệu Sùng Tín tại Ninh Ba [Ningbo, Chiết Giang], sau đó dời đến Hàng Châu đổi tên là học viện Dục Anh, tức đại học Chiết Giang sau này.


Sau khi mở các học đường, tiến một bước đưa trẻ em xuất dương du học. Người tiên phong đề xướng là Dung Hoành, Dung vốn được Tăng Quốc Phiên giao biện lý về cơ khí, nhận định rằng con đường căn bản phục hưng Trung Quốc là giáo dục, dùng văn hóa Tây phương cải biến văn hóa Trung Quốc. Từ năm 1868 trở về sau, mấy lần bàn bạc với Tuần phủ Giang Tô Ðinh Nhật Xương, cụ thể trước tiên phái 120 trẻ em, tuổi từ 12 đến 14, chia thành 4 toán lần lượt xuất ngoại, có thầy giáo Trung Quốc đi kèm. Lúc bấy giờ Trung Mỹ ký thêm điều ước, ghi rõ hỗ tương ưu đãi học sinh, nên Dung Hoành chủ trương gửi sang Mỹ.


Dung Hoành lập cục xuất dương tại Thượng Hải, chiêu sinh được 30 tên, đa số từ Quảng Ðông. Năm 1872 Trần Lan Bân, Dung Hoành được cử làm chánh phó Uỷ viên, kinh lý việc lưu học, lập Biện lý sự tại Hartford [Connecticut, Mỹ], sau đó 3 năm các toán thứ 2, đến thứ 4 lục tục đến nơi. Ðến lúc Ngô Gia Thiện giữ chức Uỷ viên du học, không bằng lòng với lời lẽ của học sinh, chỉ trích rằng “ Yêu lạ, vong bản ; không kể gì lời khuyên của sư trưởng, khó có thể thành tài ; giá phỏng nếu thành thì cũng để cho người khác dùng ! ” cùng chủ trương triệt hồi. Lý Hồng Chương và Dung Hoành bênh vực nhưng vô hiệu, năm 1881 theo lời xin cho triệt về. Trong số này có những kẻ đã tốt nghiệp đại học, có người còn học trung học, đại học ; sau khi trở về nước phần lớn giữ chức tại hải quan, hải quân, khai mỏ ; những người được biết đến nhiều như Chiêm Thiên Hữu, Ðường Thiệu Nghi, Lương Ðôn Ngạn.




6. Tây học được tích cực giới thiệu


Cuối Minh đầu Thanh, thuộc thời kỳ thứ nhất Tây học du nhập ; các triều đại Ðồng Trị, Hàm Phong, được coi là khởi đầu thời kỳ thứ hai Tây học du nhập. Sau khi 5 cửa khẩu thông thương, việc truyền giáo triển khai, Tân giáo tỏ ra rất năng động, sách báo phát hành nhiều. Kể từ năm 1850, trong vòng trên 20 năm, các tập san định kỳ trọng yếu phải kể đến : Giả Nhĩ Quán Trân [Chinese Serial] xuất bản tại Hương Cảng, Trung Ngoại Tân Báo [Chinese and Foreign Gazette] tại Ninh Ba ; Lục Hợp Túng Ðàm [Shanghai Serial], Trung Ngoại Tạp Chí [Shanghai Miscellany], Giáo Hội Tân Báo [Church News] tại Thượng Hải; Vạn Quốc Công Báo [The Globe Magazine], Ích Trí Tân Lục [A Miscellany of Useful Knowledge] vv… Tôn chỉ của báo nhắm khai thông tình hình trong và ngoài nước, trình bày khái lược về Tây học. Không bàn đến những tạp chí này thực sự có ích cho Trung Quốc hay không, nhưng nó đã giúp người Trung Quốc biết về Tây phương và mở mang quan niệm học thuật của Trung Quốc.


Phía nhà nước, đứng đầu về công trình dịch thuật phải kể đến Giang Nam Chế Tạo Cục, thứ đến là Bắc Kinh Ðồng Văn Quán. Ðồng Văn Quán thiết lập để bồi dưỡng nhân tài về ngoại giao ; sau khi lập quán được một năm [1863], Ðinh Vĩ Lương dịch xong Vạn Quốc Luật Lệ [Wheaton, Elements of International Law], được Công sứ Mỹ Anson Burlingame giới thiệu cho Tổng thự. Tuy nhiên Cung Thân vương, chủ trì Tổng thự e ngại rằng trong đó có điều khoản buộc Trung Quốc phải theo ; nhân Ðinh Vĩ Lương đích thân giải thích, nên không còn nghi ngại gì thêm, bèn sai người nhuận sắc, năm 1864 cho khắc in. Cũng vào năm này, Phổ Lỗ Sĩ chiến tranh với Ðan Mạch, tại cửa biển Ðại Cô [Dagu, Thiên Tân] binh thuyền Phổ khấu lưu thương thuyền Ðan Mạch, Tổng thự viện dẫn điều khoản trong sách này, trách nước Phổ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, nên Sứ thần Phổ phải chấp nhận sai lầm, điều này chứng minh sự hữu hiệu của quốc tế công pháp.


Sau đó Ðinh Vĩ Lương chọn học viên lớn tuổi ưu tú, dưới sự hướng dẫn của các thầy, tiếp tục dịch các bộ : Công Pháp Tiện Lãm [Woolsey, Introduction to the Study of International Law], Công Pháp Thông Hội [Hall, Treaties on International Law], Tinh Diêu Chỉ Chưởng [Der Martens, Guide Diplomatique], Pháp Quốc Luật Lệ [Code Napoleon], Phú Quốc Sách [Faweate, Political Economy]. Ðồng Văn Quán lập nhà xuất bản [1873], in các sách này, phân gửi đến các nha môn, nhưng phổ biến không rộng.


Chế Tạo Cục chú trọng đến công nghệ, phần lớn dịch các sách thực dụng và lý luận khoa học ; người đề xướng là Tăng Quốc Phiên, nhưng thực tế do Từ Thọ [1818-1884]. Trước khi Từ làm tham mưu cho Tăng Quốc Phiên đã từng quen với các Giáo sĩ Tây phương, xem rộng các sách, chuyên tâm về chế tạo. Biết rằng Tây phương có nền công nghệ tốt, dựa vào học chuyên môn ; nên cần phải phiên dịch các sách hữu dụng, để thăm dò nguồn gốc. Tăng căn cứ vào lời bàn của Từ, dâng sớ có đoạn viết “ Người Tây phương chế khí dụng dựa vào toán học, trong đó các điều ảo diệu đều được thuyết minh bằng đồ hình ; do ngôn ngữ cách trở không thông, nên hằng ngày thực tập khí cụ cũng không hiểu cách chế tạo ”. Nhận thức phiên dịch sách khoa học là điều căn bản giúp cho sự chế tạo, nên Tăng Quốc Phiên cho in lại các sách như Kỷ Hà Nguyên Bản. Lý Hồng Chương thiết lập Quảng Phương Ngôn Quán có mục đích chủ yếu là đào tạo nhân tài về khoa học, duyệt đọc và phiên dịch thư tịch Tây phương, cũng cho in bộ sách Trọng Học. Năm 1867 Chế Tạo Cục thiết lập Phiên Dịch Học Quán, do Từ Thọ chủ trì. Quảng Phương Ngôn Quán cũng nối gót, mời các trí thức Tây phương như D.J. MacGowan [Mã Cao Ôn, người Mỹ] ; C. L. Kreyer [Kim Giai Lý, người Mỹ gốc Ðức] tham gia ; những người Tây phương này dịch miệng, rồi người Hoa chép lại.


Ngoài Từ Thọ ra, những cây bút phiên dịch nổi danh khác như Hoa Hoành Phương, Triệu Nguyên Ích, Vương Ðức Quân, Lý Phượng Bao, Giả Bộ Vĩ, Chung Thiên Vĩ ; cùng Kiến Dần, con trai của Từ Thọ. Trước sau dịch thành sách gồm 200 bộ ; kể ra có 23 bộ toán học, 31 bộ công nghệ, 11 bộ vật lý, 12 bộ địa chất khoáng sản, 9 bộ thiên văn, 8 bộ địa lý, 58 bộ quân sự, 10 bộ hóa học ; những tác phẩm phiên dịch cẩn trọng tinh mật đều là công trình của Từ Thọ. Vào năm 1871 bắt đầu xuất bản, phát hành hơn 31 000 sách ; sau đó phạm vi lan ra đến các môn y dược, nông nghiệp, kinh tài, ngoại giao, pháp luật, lịch sử. Ngoài ra Kim Lăng Chế Tạo cục, Bắc Kinh Hải Quan Tổng Thuế Vụ ty, Thiên Tân Thuỷ Sư học đường, Vũ Bị học đường, cũng kiêm việc dịch thuật.


Hồ Bạch Thảo












1  Lúc bấy giờ mỗi năm hải quan thu được 700 vạn lượng, sau năm 1871 mỗi năm thu quá 1.100 vạn lượng.

2  Thuế ly kim : một loại thuế bách phân để thu thêm ngoài thuế chính.

3  Cung Thân vương là con thứ 6 của vua Ðạo Quang, nên bị phái bảo thủ miệt thị là Quỷ tử lục.






Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us