Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Cuộc vận động tự cường của Trung Quốc / Cuộc vận động tự cường của Trung Quốc (3)

Cuộc vận động tự cường của Trung Quốc (3)

- Hồ Bạch Thảo — published 28/02/2014 00:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


Cuộc vận động tự cường
sau khi liên quân Anh, Pháp
đánh Bắc Kinh




Chương ba

Ngoại quốc gây khó khăn trong
giai đoạn vận động tự cường [1860-1885]


Hồ Bạch Thảo



dongtri

Vua Đồng Trị [1856-1875]

Nguồn : wikipedia


1. Án kiện liên quan đến tôn giáo xẩy ra liên tiếp


Trong thời gian vận động tự cường, Trung Quốc không ngừng bị các nước Tây phương gây khó khăn. Ðứng đầu sự khó khăn là tôn giáo, trong đó có đến tám, chín phần mười do Thiên Chúa giáo. Trung Quốc bỏ cấm đạo, là việc chẳng đặng đừng, miễn cưỡng thực hiện nên không được suôn sẻ. Ðối tượng hoạt động của Thiên Chúa giáo trước kia là quan liêu sĩ phu, nay chuyển sang thứ dân. Trải qua hơn 100 năm bị kềm kẹp, nay thời thế biến đổi, uy quyền của Tây phương lớn mạnh so với trước, nên khí thế của Thiên Chúa giáo không khỏi không vươn lên.


Thứ nhất, chiếu theo điều ước các Giáo sĩ được hưởng trị ngoại pháp quyền, không bị quan lại Trung Quốc quản lý, lại thường tìm cách che chở cho giáo dân. Năm 1861 Tổng thự có bàn luận với Sứ giả Pháp, không cho phép Giáo sĩ đề cập nhiều đến việc công ; tuy nhiên ra lệnh cho các tỉnh dùng lễ tiết đối đãi với Giáo sĩ, để giữ thể diện ; vô hình trung đề cao địa vị ; rồi những người này trở nên ngang nhiên tự đại, coi thường quan phủ, ra vào nha môn, can dự vào việc từ tụng, châu huyện sợ thế lực lớn, để cho họ thung dung. Bọn người xấu, tranh nhau vào đạo, làm điều gian tà phạm pháp, khinh rẻ người lương thiện ; người bần cùng, cũng tham những lợi nhỏ, trở thành nanh vuốt.


Thứ hai, nhà thờ Thiên Chúa giáo và tài sản của giáo hội trước kia tịch thu, nay phải bồi thường ; đây cũng là vấn đề gây lắm việc. Từ thời Ung Chính cấm đạo cho đến nay, tài sản bị tịch thu ; trải qua năm tháng dài, biển xanh trở thành ruộng dâu, địa chỉ cũ đã cải biến, hoặc đổi chủ mấy lần, khó có thể kê tra cho rõ. Nay hạch sách bồi thường, hoặc tại địa chỉ cũ đòi rộng ra, hoặc chỉ xằng những chỗ nhà cao cửa rộng để thu lợi nhiểu, gây nên tao động trong thôn dã.


Trước kia Thiên Chúa giáo sở dĩ bị bài xích, rồi bị cấm ; không chỉ đơn thuần vì chính trị, mà do lễ tục hai bên có nhiều chỗ mâu thuẫn ; nay do thực tế lợi hại xung đột, lại càng xẩy ra mối tệ. Từ trước số người chống Thiên Chúa giáo phần lớn là sĩ phu, nay lại chuyển sang giới bình dân ; sĩ đại phu phần lớn lo lắng đến thế đạo nhân tâm, quốc gia an nguy ; bình dân giận dữ bởi quyền lợi thiết thân bị xâm phạm.


Sĩ đại phu vốn cho rằng lòng Giáo sĩ khó đo lường, bụng họ ôm chí khác, dùng tà thuyết mê hoặc dân chúng, mượn việc hành giáo để dò xét núi sông địa lý ; rồi lúc hữu sự, phía ngoài dùng binh uy hiếp, phía trong hô hào dân hưởng ứng. Người Tây phương mở đất đai, chiếm các nước nhỏ đều theo mưu lược như vậy. Qua chiến tranh nha phiến, cùng chiến dịch liên quân của Anh, Pháp, Trung Quốc bị dòm ngó rất nhiều ; nhưng sở dĩ ký hòa ước rồi rút, vì e ngại dân Trung Quốc quá đông, nên không thể không mượn cớ thông thương để bòn rút tài vật, dùng truyền giáo để thu phục nhân tâm. Quốc gia an nguy hệ tại nhân tâm, nhân tâm một khi xa lìa, căn bản đất nước bị dao động. Trung Quốc lấy danh giáo để trị, Thiên Chúa giáo bất kính tổ tông thần thánh, chỉ thờ phụng Thượng đế, tôn kính Giáo hoàng, không thờ vua, kính cha mẹ. Người vào đạo trai, gái đều tụ tập tại nhà thờ, lễ bái tụng kinh ; hôn nhân tự nguyện, không qua môi giới, không cúng trời đất. Phàm lối giải thích sai lầm như trên, những người chống Thiên Chúa giáo từ đầu triều Thanh thường nói đến ; mãi cho đến đời Ðạo Quang, Hàm Phong vẫn còn số đông, coi đó là sự thực.


Số đông dân chúng cừu hận Thiên Chúa giáo, vì cho rằng Giáo sĩ hoành hành bá đạo, giáo dân phù trợ sự ngang ngược. Năm 1860, Tăng Quốc Phiên đề cập trong một thiên trọng yếu, giải thích sự việc như sau “ Thiên Chúa giáo muốn có nhiều giáo dân, không xét đến giáo dân thiện ác, nên thu nhận quá lạm ; vì vậy người tốt theo giáo ít, người xấu theo giáo nhiều. Án từ giáo dân chống không tuân, thuế má sưu dịch giáo dân không chịu đóng. Giáo dân phạm án, Giáo sĩ không phân biệt phải trái, nhất nhất bênh vực, còn Lãnh sự cũng không hỏi phải trái, cực lực bênh vực Giáo sĩ. Lúc cùng với giáo đồ tranh đấu, dân thường chịu thua, giáo đồ thường thắng. Giáo đồ thế càng hoành hành, khiến dân lửa giận càng mạnh, giận cực độ tức phải phát ra, rồi tụ họp nổi dậy ”. Tổng thự lại theo lời xin của sứ Pháp miễn cho giáo dân tham dự gánh vác công viêc cúng thần, xây miếu, diễn kịch, tế lễ, khiến cho trăm họ càng thêm hận. Giáo sĩ ra ngoài ngồi trên kiệu, bày dựng nghi vệ, tự cho là Khâm mệnh đại viên, khiến lòng người thêm ghen ghét.


Tuy sợ đụng chạm đến người Pháp nên triều đình tỏ ra mềm dẻo với Thiên chúa giáo, nhưng trong nội bộ cũng tìm cách ngầm ngăn chặn đà phát triển của tôn giáo này. Như trong chỉ dụ ngày1/2/1882, tại Thanh Thực Lục, lệnh ngầm không cho dân bán đất hoặc cho mướn để xây nhà thờ:


“ Riêng tờ tâu những lời rằng người Pháp muốn lập nhà truyền giáo tại các phủ Nam Ninh [Nanning, Quảng Tây], Thái Bình [Chongzuo, Quảng Tây] ; hiện ra lệnh quan địa phương điều tra mật, không để cho bọn tham lợi ngầm bán đất xây nhà, nếu xin mướn nhà để truyền đạo cũng lấy lời mềm dẻo từ chối. Mệnh Khánh Dụ mật sức quan lại địa phương tùy cơ mà lo liệu, không để xẩy ra chuyện ”. Ðem văn bản này mật dụ để hay biết.”


Hoặc chỉ dụ ngày 15/5/1883, ra lệnh tầm nã tín đồ Thiên Chúa giáo gây hấn tại Vân Nam :


“ Việc tại huyện Lãng Khung [浪穹, Eryuan, Vân Nam], dân giáo gây hấn, đối với thời cuộc có quan hệ khẩn yếu ; đáng tầm nã phạm nhân quan trọng, liệu biện ổn thỏa, để cho người Pháp khỏi dựa vào mà đưa lời, rồi nảy sinh ra chi tiết. Chuyển theo độ khẩn 500 dặm, mật dụ lệnh hay biết ”.


Tân giáo đến Trung Quốc lịch sử tương đối ngắn ngủi, phương cách hành động cũng khác với Thiên Chúa giáo. Với số lượng ít ỏi, vào các năm 60 thế kỷ thứ 19 số lượng chưa đến 200 người, năm 70 trên 400 người, tập trung tại các cảng khẩu, chú trọng tuyên truyền qua sách báo, tín đồ ước độ vài ngàn. Năm 1866, Giáo sĩ James Hudson Taylor sáng lập Nội Ðịa Hội [China Inland Mission], mở kỷ nguyên mới cho Tân giáo. Cá nhân của họ sinh hoạt chất phác cần kiệm, không ngại lao khổ, tổ chức không phân biệt quốc tịch, trong thời gian 10 năm tại các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, Giang Tây đều có hội sở, dần dần lan đến các tỉnh khác ; tín đồ lên đến 1 vạn 3 ngàn người.


Việc Giáo đồ và dân có sự xung đột, kể từ năm 1861-1870 trong khoảng thời gian 10 năm, xẩy ra không dưới mấy chục vụ, lan ra trên 10 tỉnh, hầu như tất cả đều liên quan đến Thiên Chúa giáo ; các vụ án quan trọng xẩy ra tại Quý Châu, Giang Tây, Tứ Xuyên, Thiên Tân.


Giáo sĩ phụ trách vùng Quý Châu mỗi lần tới nơi thì nghi lễ ngang với quan tỉnh, ngồi trên kiệu, chiêng trống rước xách qua phố thị. Viên Ðề đốc Ðiền Hưng Thứ tuổi trẻ tính nóng, lệnh quan địa phương bài xích Giáo sĩ, điều tra xua đuổi, rồi ghép vào tội. Vào năm 1861, có lúc giáo đường bị cướp, học đường bị đốt, giáo dân bị hại. Năm sau vì việc giáo dân không tham gia cúng tế, 1 Giáo sĩ người Pháp và 4 giáo dân bị giết. Sứ thần Pháp kháng nghị với Tổng thự, Anh, Nga trợ giúp ; yêu cần nghiêm trừng Ðiền Hưng Thứ, nếu không tự họ sẽ hành động. Cung Thân vương cho rằng sự việc liên quan đến thể chế, chỉ hứa bồi thường ; sự việc kéo dài 4 năm, cuối cùng Ðiền Hưng Thứ bị phát vãng Tân Cương, án khổ sai.


Tại tỉnh Giang Tây, Giáo sĩ Thiên Chúa giáo tự xưng Tổng lý Giang Tây giáo vụ toàn quyền Ðại thần, Tuần phủ cho đốt pháo tại cửa quan nghênh đón, khiến giáo dân dựa thế dương oai. Năm 1862 trong cuộc thi tại phủ Nam Xương, sĩ tử đốt giáo đường và nhà dục anh ; Công sứ Pháp tuyệt giao, dọa khai chiến để uy hiếp. Tuần phủ Thẩm Bảo Trinh cho rằng truyền giáo không phải là dụng binh, nên không thể lấy sức mạnh để khuất phục người “ Nếu muốn dùng võ lực để thu hiệu quả trong sớm tối, hậu quả không dễ đoạt được chí khí của kẻ thất phu… kẻ khuyên người làm điều thiện, không nên làm như vậy ”. Cuối cùng phải bồi thường, cho xong việc.


Năm 1863, tại Trùng Khánh [Chongqing, Tứ Xuyên], giáo đường Thiên Chúa giáo, học viện, y viện bị hủy, mấy chục giáo dân bị giết ; nguyên do Giáo sĩ người Pháp cố tính nhận một ngôi chùa, cho là tài sản của giáo hội trước kia. Cuối cùng Ðạo viên Xuyên Ðông bị cách chức, Tổng đốc Tứ Xuyên, Tướng quân Thành Ðô [Chengdu, Tứ Xuyên] bàn bạc, bồi khoản đến 15 vạn lượng. Năm 1865, Giáo sĩ người Pháp tại tỉnh Tứ Xuyên bị đánh đến chết, Công sứ Pháp tuyên bố sẽ đem quân hạm đến Tứ Xuyên, viên Tổng đốc hứa trừng trị phạm nhân và bồi thường. Cùng năm, việc bồi thường cho Thiên Chúa giáo tại Nam Kinh không toại ý nguyện, Công sứ Pháp cảnh cáo Cung Thân vương nếu không tuân sự đòi hỏi thì sẽ tuyệt giao “ vận nước nhà Thanh thế không giữ được ”, Cung Thân vương đành phải chấp thuận.


Năm 1868, Thiên Chúa giáo đường, cùng Tân giáo đường nước Anh bị thiêu hủy ; quân Anh pháo kích An Bình [Anping, Ðài Loan], giết trên 20 quan quân, rồi bắt bồi thường binh phí. Tại Dương Châu [Yangzhou, Giang Tô], viện dục anh của Thiên chúa giáo, cùng giáo đường của Nội Ðịa hội bị thiêu hủy ; Lãnh sự Anh tại Thượng Hải không đợi điều tra, mang binh thuyền hiếp bách ; Lưỡng Giang Tổng đốc Tăng Quốc Phiên phải chấp nhận toàn bộ yêu cầu.


Năm 1869, lại phát sinh cuộc tranh đấu lần thứ hai tại Tứ Xuyên giữa hương dõng và giáo dân, hương dõng chết hơn 160 người ; rồi tại Tuân Nghĩa [Zunyi, Quý Châu] giáo đường Thiên Chúa giáo bị hủy, 1 Giáo sĩ người Pháp bị đánh chết ; viên Ðại biện J. de Rochechouart [La Thục Á] mang binh thuyền ngược sông Trường Giang để can thiệp. Tổng thự cử Lý Hồng Chương đến phân xử ; họ Lý ra lệnh xử tử thủ phạm, kết thúc vụ án. Cùng năm, người Anh giết 69 dân làng tại Triều Châu [Chaozhow, Quảng Ðông], thiêu hủy trên 400 nhà dân ; việc này tuy không liên quan đến tôn giáo, nhưng cùng đóng góp chung mối phản cảm đối với ngoại quốc.


Rồi đến năm sau [1870], phong ba lại dấy lên tại hải cảng Thiên Tân, nơi cửa ngõ kinh sư. Lúc bấy giờ nơi này trẻ con bị mất tích, tại viện dục anh thuộc giáo đường Nhân Từ của Thiên Chúa giáo, trẻ em cũng thường bị chết. Có lời đồn rằng trẻ em bị mưu hại, mổ tim móc mắt để chế thuốc ; một tên bị bắt cung khai rằng do Giáo đường Thiên Chúa sai khiến. Lúc này dân tình sôi sục, vào ngày 12/6 bao vây giáo đường. Lãnh sự nước Pháp H. V. Fontanier [Phong Ðại Nghiệp] đích thân đến gặp Tam Khẩu thông thương Ðại thần Sùng Hậu, to tiếng nặng lời, dùng súng thị uy, phá hủy đồ vật ; trên đường về lại dùng súng bắn bị thương viên tùy tòng huyện, nên bị đánh chết. Lãnh sự quán cùng Giáo đường Nhân Từ bị hủy ; hơn 10 người gồm Pháp, Tỷ Lợi Thì, Anh, Ý, Nga bị giết.


Viên Ðại biện J. de Rochechouart [La Thục Á] lại được lệnh điều động quân hạm đến, đòi hỏi nghiêm trị thủ phạm và tòng phạm ; Công sứ các nước cùng gửi công hàm kháng nghị. Triều đình mệnh Tổng đốc Trực Lệ Tăng Quốc Phiên liệu biện một cách hòa bình, xử các quan lại địa phương tại Thiên Tân, và cử Sùng Hậu làm Sứ thần đến Pháp. Tăng Quốc Phiên không muốn gây hấn với nước Pháp, cho việc chỉ trích người Tây dương móc mắt trẻ con là vu cáo, lệnh tra nã hung phạm, tu sửa giáo đường, nghiêm cấm gây sự ; cùng triệt chức Tri phủ, Tri huyện Thiên Tân. Lúc này dư luận tại trong ngoài kinh đô rầm rộ, cho rằng quá thiên vị người Tây dương.


Lúc bấy giờ triều đình cũng muốn bảo toàn hòa cục, tuy nhiên nhắc nhở Tăng Quốc Phiên đừng để mất nhân tâm, đồng thời cho phòng bị tại duyên hải. Riêng J. de Rochechouart vẫn kiên trì đòi hỏi phải xử tử các viên Tri phủ, Tri huyện, Ðề đốc tại Thiên Tân ; cùng lúc điều động hạm đội đến hải cảng này. Triều đình Bắc Kinh cũng không thể không điều binh khiển tướng, triệu Lý Hồng Chương trong ngày mang bộ hạ lên phía bắc, tình thế rất khẩn trương. Nhưng lúc bấy giờ chiến tranh giữa Phổ, Pháp bùng nổ ; khí thế của J. đe Rochechouart không còn căng thẳng như trước ; các nước cũng muốn giải quyết vụ Thiên Tân cho xong để chiến tranh khỏi lây lan đến vùng này. Rồi bệnh cũ của Tăng Quốc Phiên tái phát, bèn điều nhiệm làm Tổng đốc Lưỡng Giang, giao cho Lý Hồng Chương giữ chức Tổng đốc Trực Lệ. Vào tháng 9, Lý Hồng Chương đến Thiên Tân ; tháng 10, đem Tri phủ, Tri huyện Thiên Tân hiệu lực tại Hắc Long Giang, và xử tử 25 can phạm, đày trong quân 25 người ; bồi thường cho nước Pháp 21 vạn lượng, phủ tuất 28 vạn lượng ; ngoài ra Sứ thần Sùng Hậu cũng đến nước Pháp tạ tội.


Tổng thự từ khi thành lập đến nay, những sự khó khăn đối ngoại đều giải quyết được ; tuy nhiên với phương châm giữ tín nghĩa, tu hòa mục từng đề ra, không thu được thành hiệu như mong đợi. Sự nghiệp tự cường của Trung Quốc không thể dựa vào ngoại quốc tương trợ, lại còn bị phái bảo thủ phản đối. Tổng thự rút kinh nghiệm xẩy ra, muốn ngăn ngừa về sau, vào năm 1871 soạn chương trình giáo vụ bao quát đình chỉ hoặc hạn chế giáo đường nhận nuôi cô nhi, lúc làm lễ không nên cho trai gái hỗn tạp, Giáo sĩ không được tham dự việc công, giáo dân có việc kiện tụng do quan địa phương phán quyết ngay gian, Giáo sĩ không được tự ý du lịch, Giáo sĩ và quan địa phương giao tiếp phải giữ lễ, Giáo đường xưa không được tự ý đòi lại. Tuy nhiên các nước Anh, Mỹ, Pháp không đồng ý ; việc dân, giáo xung đột vẫn tiếp tục không ngừng.



2. Nhật Bản thôn tính Lưu Cầu cùng xâm phạm Ðài Loan


Nhật Bản tiếp xúc với Tây phương chậm hơn Trung Quốc 20 năm. Nha phiến chiến tranh khiến Trung Quốc chịu nhục, giúp Nhật Bản thấy được cỗ xe đổ, biết được điều gì đáng bỏ, đáng theo. Việc tìm mua cơ khí, binh thuyền ; phỏng chế tạo vũ khí, đường sắt ; đem người sang Tây phương du học, nước Nhật thực hiện sớm hơn Trung Quốc. Lúc đầu chỉ vì tự vệ, nhưng Trung Quốc thì nội bộ gặp nguy cơ, yếu đuối không vươn lên niổ ; tình trạng như mời mọc dã tâm của người Nhật, để thực hiện mộng tưởng thời Phong Thần Tú Cát 1.


Trước đó Phùng Quế Phân đã chú ý đến việc Nhật Bản phát phẫn để tự cường, Lý Hồng Chương lúc mới đến Thượng Hải, cũng tỏ ra hâm mộ tân chính sách của Nhật Bản. Năm 1870, Sứ thần Nhật Bản, Liễu Nguyên Tiền Quang, với danh nghĩa xin lập thương, ước đến Thiên Tân ; lúc bấy giờ tại nơi này vụ án về tôn giáo đã xong, Lý Hồng Chương đảm nhiệm chức Tổng đốc Trực Lệ. Liễu Nguyên nói rằng Trung, Nhật là lân bang gần, cùng bị Tây phương hiếp bách, lý đáng thông hiếu, đồng tâm hợp lực. Liễu trình thư của chính phủ Nhật, có đoạn như sau “ Mới đây văn hoá mở rộng, giao tế ngày một thịnh. Nước tôi mới ký minh ước với 14 nước Thái tây. Lân bang như quý quốc, đáng phải thông hiếu kết hoà thân trước, nhưng vì trong nước có lắm việc, lần lữa cho đến ngày hôm nay, hữu nghị chưa tu sửa, thực có lỗi. Nay Tiền Quang đến dưới đài, bàn bạc thông tin, mong sau này sai sứ tu sửa điều ước. Hân hạnh được cầm thư xem xét ”. Lý cảm động “ đem lòng thành đối đãi, nếu không được ngoại viện, thì cũng giữ được liên lạc ” ; nên ưng thuận nghị bàn, Liễu Nguyên để lại bản thảo điều ước rồi trở về.


Năm 1871, Nhật bản Toàn quyền Y Ðạt Tông Thành tiếp tục đàm phán với Lý Hồng Chương, nội dung theo lệ các điều ước với các nước Tây phương. Sau khi bàn thảo, vào ngày 13/9 ký điều ước ; nội dung có những điểm đáng lưu ý :


- Thứ nhất : hai nước không xâm vượt đất đai, đặc biệt bảo vệ Triều Tiên. Ðây là do Lý Hồng Chương cố ý ngăn ngừa đề phòng những điều đã xẩy ra trong lịch sử.


- Thứ hai : hai nước thân thiết với nhau, nếu nước khác gây bất lợi cho Trung, Nhật, thì hai nước tìm cách tương trợ, hoặc tìm cách điều giải. Ðiều này nêu lên ý của Liễu Nguyên rằng hai nước hợp lực để chống Tây phương.


Sau khi ký điều ước, Nhật Bản không được đặc quyền lợi ích cùng hưởng, và lãnh sự tài phán như Tây phương, nên tỏ ra bất mãn. Năm sau xin cải ước, bị Lý Hồng Chương cho là thất tín.


Ðối tượng khuyếch trương của Nhật Bản tại ngoại quốc, phía lục địa có Triều Tiên, ngoài biển có Lưu Cầu và Ðài Loan. Lưu Cầu bị Nhật thôn tính đầu tiên, đây là nước đã thần thuộc Trung Quốc 500 năm. Ðầu thế kỷ thứ 17, nước này bị Nhật Bản khuất phục, nhưng vẫn tiếp tục triều cống dưới thời Minh, Thanh. Năm 1871, một số dân Lưu Cầu bị gió bão trôi dạt, trong đó mấy chục nạn nhân bị Sinh Phiên Ðài Loan giết ; Ðốc phủ Phúc Kiến lập tức tra xét, đưa những người còn sống trở về nước. Năm 1873 Ngoại vụ khanh Phó Ðảo Chủng Thần với danh nghĩa trao đổi điều ước, đích thân đến nhắm dò thăm thái độ triều đình nhà Thanh ; Phó Ðảo không chính thức gửi văn thư, nhưng sai Phó sứ Liễu Nguyên Tiền Quang hướng Tổng thự đề xuất việc Lưu Cầu bị hại. Tổng thự đáp Lưu Cầu, Ðài Loan là những nước lệ thuộc Trung Quốc, không phiền Nhật Bản hỏi đến ; vả lại Sinh Phiên tại ngoài vòng giáo hóa, không tiện trị đến cùng. Liễu Nguyên nói nước Nhật sẽ tự đi hỏi tội, Tổng thự phân tích mổ xẻ thêm, nhưng Liễu Nguyên không biện luận sâu hơn.


Lúc bấy giờ Nhật Bản phía nam chiếm Lưu Cầu, phía tây định đánh Triều Tiên. Trong đám Ðại thần nước này, phái hoãn tiến chủ trương thận trọng ; ngược lại phái cấp tiến, Tây Hương Long Thịnh giận dữ từ quan. Chính cục chia rẽ, nhắm an định nội bộ, Nhật chủ trương đánh Ðài Loan. Vào tháng 4/1874, em của Tây Hương Long Thịnh là Tây Hương Tòng Ðạo được cử làm Ðài Loan Phiên địa sự vụ Ðô đốc, dùng 3 600 quân, ngày 7/5 đổ bộ tấn công nam Ðài Loan. Sinh Phiên dõng mạnh kháng cự, quân Nhật hoành hành đốt, giết ; đánh thình lình, không tuyên chiến. Triều Thanh ngoài việc kháng nghị, bèn sai Phúc Châu thuyền chính Ðại thần Thẩm Bảo Trinh mang quân phòng bị vùng duyên hải, cùng đưa 6 000 Hoài quân đến Ðài Loan. Nhật Bản cũng chuẩn bị động viên ; nhất thời rút kiếm, dương cung, nhưng cả hai bên còn cố kỵ. Lúc bấy giờ chính quyền nhà Thanh, tranh chấp Tân Cương đang đợi xử lý, Lý Hồng Chương tuy xưng rằng quân ta đông, quyết không sợ chúng, nhưng “ binh mạnh khí giới tốt khó có thể tập hợp được ngay ”, hải phòng lại càng suy nhược. Tại Nhật Bản đang cải cách, ý kiến nội bộ còn phân vân ; Sứ thần Mỹ cảm thấy sự việc phức tạp, tạm thời cấm người Mỹ giúp Nhật ; tại Ðài Loan quân Nhật bị thương và bệnh chết hơn 500, quân Trung Quốc đang tập trung, nên Nhật không khỏi phải khảo xét lại.


Thẩm Bảo Trinh mang sứ mệnh phòng thủ và đàm phán, nhưng được ưu tiên cho đàm phán, bèn sai phái viên đến hội đàm với Tây Long. Cùng lúc, Nhật Bản đưa Liễu Nguyên Tiền Quang làm Công sứ tại Trung Quốc, cố ý tung tin rằng quân Nhật sẽ tiến đánh Thiên Tân. Lý Hồng Chương biết rõ rằng đó chỉ là sự dọa dẫm với hy vọng Trung Quốc mau chóng nghị hòa, Lý đem những lời trách Liễu Nguyên rằng “ Một mặt mang quân đến lãnh thổ ta, một mặt sai người đến bàn hòa ; miệng nói hòa hảo, nhưng không làm việc hòa hảo ”. Lý Hồng Chương bàn Tổng thự đừng nhượng bộ, do đó Liễu Nguyên đàm phán với Tổng thự không đem lại kết quả. Vào tháng 9, Nhật sai Ðặc sứ nội vụ khanh Ðại Cửu Bảo Lợi đến, nhưng vẫn chưa giải quyết được ; lúc bấy giờ các nước Anh, Pháp không muốn cho vấn đề Trung, Nhật trở nên quyết liệt, cùng khuyên Tổng thự và Lý Hồng Chương chịu bồi thường cho xong việc. Ngày 10/10/1874 hiệp định thành lập, thứ nhất thừa nhận hành động của Nhật bản là “ nghĩa cử bảo vệ dân ” điều này không khác gì thừa nhận Lưu Cầu thuộc Nhật Bản. Thứ hai, bồi thường 50 vạn lạng bạc, chẳng khác gì tuyên bố Trung Quốc khiếp nhược sợ đánh. Lý Hồng Chương cũng thừa nhận rằng “ Không khỏi tỏ ra mềm yếu, hơi tổn thương quốc thể, làm lớn mộng xâm lăng của giặc ”. Sau khi hiệp định thành, Lãnh sự Nhật tại Phúc Kiến, Phúc Đảo Cửu Thành, trình bày với Thẩm Bảo Trinh 5 điều :


- Xin phái đại diện thu xếp.

- Xin triệt tiêu Đại thần hai bên giấy tờ qua lại.

- Xin được lập bia tại mộ những người bị hại tại Đài Loan.

- Sau này cho người Nhật đến tảo mộ.

- Từ nay trở về sau giao thiệp về Đài Loan do Lãnh sự tại Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến] phụ trách.


Bảo Trinh chấp thuận, riêng việc tảo mộ phải có giấy chứng nhận của Lãnh sự, cúng tế xong đi về.


Năm 1875 Nhật Bản thực hành chiếm lãnh Lưu Cầu, không cho nước này đến triều cống Trung Quốc. Lưu Cầu sai sứ đến Phúc Châu [Fuzhou, Phúc Kiến] cầu viện nhưng không được đáp ứng, năm 1879 Nhật Bản đổi Lưu Cầu thành huyện Xung Thằng [Okinawa]. Lúc bấy giờ cựu Tổng thống Mỹ M.S. Grant [Cách Lan Thắc] du lịch Trung Quốc ; Cung Thân vương và Lý Hồng Chương biết rằng Nhật dựa vào Mỹ, nên nhờ Grant điều giải. M.S. Grant khuyên nên cùng chia Lưu Cầu với Nhật Bản, đừng để thất hòa ; cần tự cường gấp, một khi tự cường thì Nhật không dám sinh chuyện. Sau khi đến Ðông Kinh [Nhật], Grant lại khuyên Nhật không nên gây chiến tranh, để miễn các nước Tây phương can thiệp. Sau đó Sứ thần Nhật Bản đề nghị với Lý Hồng Chương, phía nam Lưu Cầu có thể giao cho Trung Quốc, duy cần tu sửa điều ước, để Nhật Bản có đủ đặc quyền như các nước Tây phương ; ý đồ không những thôn tính Lưu Cầu, lại còn muốn xâm lăng Trung Quốc nữa. Lý Hồng Chương cự tuyệt, nhưng Tổng thự cho rằng hiện đang tranh chấp với Nga tại Y Lê [Yili, Tân Cương], nếu cự tuyệt thì Nhật, Nga sẽ cấu kết với nhau ; nên vào tháng 10/1880 cùng với Sứ thần Nhật soạn thảo ước. Rồi đình thần nghị luận rầm rộ, cho là không thể được ; Lý Hồng Chương lại đề xuất nhượng bộ Nga, để cùng Nga chống lại Nhật. Do đó thảo ước bị phế, việc rắc rối với Nga tạm giải quyết, thì tranh chấp Trung Nhật lại chuyển sang vấn đề Triều Tiên.



3. Vụ án tại Vân Nam liên quan đến Anh, cùng điều ước Yên Ðài


Dưới thời Nguyên, Minh, phía bắc Miến Ðiện lệ thuộc vào bản đồ Trung Quốc ; đời Thanh, Miến Ðiện là nước triều cống. Sau khi Anh chiếm Ấn Ðộ, bèn tiếp tục phía đông mưu chiếm Miến Ðiện, phía bắc dòm ngó Tây Tạng. Vào năm 20 thế kỷ thứ 19, bắt đầu gây hấn Miến Ðiện, Miến phải cắt đất bồi thường. Năm 1852, lại dùng binh chiếm Miến Ðiện cùng Ngưỡng Quảng [Yangon, thủ đô Miến Ðiện], tiến lên dòm ngó Vân Nam ; bàn tính việc xây đường sắt từ Ngưỡng Quảng đến Vân Nam. Năm 1868 sai người tìm lộ tuyến, lúc bấy giờ vùng Vân Nam có loạn, nên chỉ đến được Ðằng Việt [Tengchong, Vân Nam] ; riêng đội dò tìm đường của người Pháp thì vào được trung tâm tỉnh Vân Nam. Nhắm cạnh tranh với Pháp, năm 1874 người Anh tổ chức một đội thăm dò 200 người do H. Browne [Bách Lang] chỉ huy ; Công sứ Anh tại Bắc Kinh Thomas Francis Wade [Uy Thoả Mã] sai viên Phiên dịch Augustus R. Margary [Mã Gia Lý] dùng đường Hồ Nam, Quỳ Châu đến biên giới Miến Ðiện Vân Nam, để nghênh đón.


Thời kỳ Hồi làm loạn, Tù trưởng Ðỗ Văn Tú từng giao thiệp với người Anh ; lúc này tình hình tại Vân Nam chưa hoàn toàn yên ổn, Sầm Dục Anh, Tổng đốc kiêm Tuần phủ Vân Nam vốn không ưa người Anh, nên khi người Anh đến trong lòng sinh ra nghi kỵ. Augustus R. Margary đến Ðằng Việt chưa được bao lâu, Tham tướng Lý Trân Quốc theo sự sai khiến của Sầm Dục Anh mưu cùng Thổ quan tìm cách ngăn ngừa. Vào ngày 21/2/1875 Margary từ Miến Ðiện trở về, đến sơn thôn Man Du [Manyun, huyện Lương Hà, Vân Nam] thì bị hại.


Từ năm 1868 Trung, Anh tu sửa điều ước không thành, Công sứ Anh Thomas Wade đợi thời hành động ; nay thừa cơ hội đòi hỏi, đưa ra 6 hạng điều kiện. Trong đó có 3 hạng không liên quan gì đến vụ Margary, bị Tổng thự cự lại ; Thomas Wade dọa tuyệt giao, Robert Hart [Hách Ðức] cũng nói rằng quân Anh trên đường từ Miến Ðiện đến biên giới Vân Nam. Tổng thự xem gương quân Nhật tại Ðài Loan, sợ lại tiếp tục xẩy ra chiến tranh, nên sai Tổng đốc Hồ Quảng Lý Hàn Chương đến Vân Nam tra xét ; phía Anh cũng phái Tham tán T. G. Grosvenor cùng đi. Thomas Wade biết rằng mọi việc tại Tổng thự đều do Lý Hồng Chương quyết định, nên hướng về Lý Hồng Chương gây áp lực, trách Tổng thự hồ đồ cần phải chỉnh đốn, rồi đòi lan ra nhiều điều như sai sứ đến nước Anh tạ tội, cách chức Sầm Dục Anh để xét xử, định chương trình mậu dịch giữa Miến Ðiện và Vân Nam, ỗn thỏa về ngạch thuế; lại dọa nếu không đáp ứng thì giao cho Tổng đốc Ấn Ðộ biện lý vụ án Vân Nam, thông thương các cửa khẩu giao cho Thủy sư Ðề đốc, ngoài ra đình nạp quan thuế. Lúc bấy giờ hải quân Anh đã tập trung tại Yên Ðài [Yantai, Sơn Đông], Tổng thự rất lo sợ ; bèn sai Ðại thần Quách Tung Ðảo đi sứ nước Anh, cùng trách Sầm Dục Anh giải quyết công việc chậm trễ. Sầm Dục Anh bắt 15 dân thiểu số tại biên giới Vân Nam, cho là hung phạm ; triệt chức Lý Trân Quốc, Sầm nhân có tang mẹ, xin giải nhiệm. Thomas Wade đòi đưa Sầm Dục Anh về kinh đô thẩm vấn, mở thêm cửa khẩu, miễn đánh thuế hàng ngoại quốc tại tô giới ; Tổng thự không chấp nhận toàn bộ. Lúc bấy giờ vào tháng 6/1876, Thomas Wade cho cuốn cờ ra khỏi kinh đô, tình hình quyết liệt dấy lên trước mắt.


Sự hung bạo của Thomas Wade không những Thanh đình không chịu được, mà Công sứ các nước cũng cho là vô lý. Tổng thự tự thấy quốc phòng hư nhược ; giao thiệp giữa Trung, Nhật về Triều Tiên, Trung, Pháp về Việt Nam dấy lên ; Tây chinh của Tả Tông Ðường đang tiến hành, nên nhờ Robert Hart xuống Thượng Hải điều đình giúp. Chính phủ Anh lúc bấy giờ đang khẩn trương về việc Thổ Nhĩ Kỳ, nên cũng muốn giải quyết xong vụ án Vân Nam, không muốn để xẩy ra chiến tranh. Ngày 21/8/1876, Thomas Wade cùng Lý Hồng Chương tiếp tục đàm phán tại Yên Ðài [Yantai, Sơn Ðông], trải qua nhiều gay go, đến ngày 13/9 điều ước được ký kết. Ðiều ước chia làm 3 phần :


Thứ nhất : rửa hờn cho vụ Margary, bao gồm tạ tội và bồi thường 25 vạn lượng ; cùng đính ước chương trình thông thương giữa Vân Nam và Miến Ðiện. Thứ hai : ưu đãi lưu trú. Thứ ba : liên quan đến sự việc thông thương, bao quát miễn thu thuế ly kim các hàng hóa Tây phương trong tô giới ; mở thêm các cửa khẩu : Nghi Xương [Yichang, Hồ Bắc], Vu Hồ [Wuhu, An Huy], Ôn Châu [Wenzhou, Chiết Giang], Bắc Hải [Beihai, Quảng Tây] ; riêng Trùng Khánh [Chongqing, Tứ Xuyên] thì đợi thuyền máy đến được sẽ bàn tính sau. Về phụ khoản chuẩn cho nước Anh thăm dò Tây Tạng [Tibet]. Sau khi điều ước lập xong, Trung Quốc lập tức phê chuẩn, riêng Anh còn yêu cầu tu cải. Ðến tháng 7/1885, Trung Anh lại tiếp tục đính ước chuyên điều, quy định về nha phiến nhập khẩu, ngoài tiền chính thuế 100 cân 30 lạng bạc, còn nạp thuế ly kim 80 lượng ; nước Anh mới chịu phê chuẩn điều ước Yên Ðài.



4. Tranh chấp Trung Nga liên quan đến vùng đất Y Lê


Sau khi vụ loạn tại Y Lê [Yili, Tân Cương] phát sinh, triều đình Thanh xin Nga viện trợ, nhưng bị cự tuyệt. Ðến khi thế lực của A Cổ Bách 2 lớn mạnh, sứ Nga cật vấn Tổng thự rằng có thể dẹp được hay không, nếu không Nga sẽ ra tay. Xâm chiếm lãnh thổ và mở mang thông thương đường bộ là chính sách nhất quán của Nga đối với Trung Quốc ; tuy triều Thanh đã nhượng bộ về thông thương và biên giới, nhưng Nga vẫn chưa vừa ý ; tháng 7/1871 lại chiếm lãnh Y Lê. Y Lê là vùng quan trọng về kinh tế, quân sự ; chiếm được Y Lê có thể khống chế cả tỉnh Tân Cương.


Trong thời gian giao thiệp giữa Trung Nga, sứ nước Nga đột nhiên trở về nước ; triều đình Thanh bất đắc dĩ phải sai Sùng Hậu đến kinh đô Nga, cùng viên Ngoại vụ đại thần M. N. de Giers [Cách Nhĩ Tư] hội đàm. Sùng Hậu là Ðại thần từng giao thiệp thời liên quân Anh, Pháp gây hấn, đã đi sứ nước Pháp, có hơn 10 năm kinh nghiệm về ngoại giao ; nhưng là kẻ tầm thường không có khả năng, không hiểu về tình hình và hình thế tại Tân Cương. Tháng 3/1879, Nga đề xuất 3 vấn đề : buôn bán, bồi khoản, biên giới ; đem sự việc từ một vùng biên giới Trung, Nga, khuyếch trương ra đến toàn bộ ; Tổng thự cho rằng không thể chấp nhận, đặc biệt là vấn đề biên giới. Nhưng vào ngày 2/10/1879, Sùng Hậu tự tiện ký điều ước với Nga tại Livadia phía nam nước Nga, nội dung gồm 6 điểm : Thứ nhất cắt nhường Nga phía tây và nam Y Lê, chỉ còn một thành Y Lê trơ trọi. Thứ hai người Nga không phải chịu thuế buôn bán tại Mông Cổ, Tân Cương ; từ Gia Cốc Quan [Jiayuguan, Cam Túc] đến Tây An [Xian, Thiểm Tây], Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc], Trương Gia Khẩu [Zhangjiakou, Hồ Bắc] đến Thông Châu [Tongzhou, Giang Tô], Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc] được đi về buôn bán ; lại còn đặt Lãnh sự tại 7 nơi. Thứ ba, tàu thuyền nước Nga có thể hàng hành trên sông Tùng Hoa [Tunghua, Hắc Long Giang]. Thứ tư, tiền bồi thường tương đương 280 vạn lượng. Thứ năm, sửa đường biên giới tại Tháp Nhĩ Ba Cáp Ðài. Thứ sáu, công nhận những người Y Lê đã nhập tịch Nga. Trung Quốc chỉ được thành Y Lê đơn độc ; triều đình nghị luận sôi nổi, bèn triệu Tả Tông Ðường, Lý Hồng Chương trù tính. Lý cho rằng nếu ta trước đó bằng lòng, nay lại bác đi, thì mối hấn khích tự mở ra ; hơn nữa lúc này Nhật Bản đang đợi cơ hội để hành động. Tả Tông Ðường không đồng ý, cho rằng người Nga nuốt lời hứa trả lại Y Lê, chứng tỏ bất tín bất nghĩa “ Cần trước hết đem ra nghị luận, khôn khéo dùng cơ mưu ; sau đó nếu bắt buộc thì dùng chiến tranh, kiên nhẫn để mưu thắng.”


Chủ trương của Lý Hồng Chương và Tả Tông Ðường trái ngược nhau, cuối cùng triều đình trung ương theo Tả. Năm 1880 bắt Sùng Hậu thẩm vấn, phủ nhận hiệp ước tại Livadia. Nga đem sự việc ra chất vấn, các nước Tây phương cũng phản đối việc trừng trị Sùng Hậu. Nhưng triều Thanh không lung lay, xử Sùng Hậu tử tội, và điều Tả Tông Ðường đến Cáp Mật [Hami,Tân Cương] để mưu khôi phục Y Lê bằng vũ lực. Quân Nga cũng chứng tỏ không thua kém, tăng quân tại Trung Á ; cùng cho binh thuyền đến Nhật Bản, truyền ngôn Nga, Nhật liên kết xâm nhiễu đông bắc.


Triều đình Thanh không mong chiến tranh, khoan miễn cho Sùng Hậu, dùng Tăng Kỷ Trạch, Sứ thần tại Anh, Pháp đến Nga điều đình, yêu cầu sửa đổi điều ước. Tăng Kỷ Trạch là người hiểu thời sự, cũng không chủ chiến. Riêng Nga lúc bấy giờ binh lực tại Viễn Đông không nhiều, việc chinh điều cũng cũng khó khăn. Quân uy của Tả Tông Ðường đang thịnh, một khi chiến tranh xẩy ra, chưa chắc Nga nắm phần thắng ; riêng thái độ nước Anh lại đáng lo. Sau cuộc chiến tranh Nga, Thổ ; nền ngoại giao của Nga bị cô lập, ngân khố thiếu thốn, nếu như chiến tranh xẩy ra lâu dài, không dễ gì chi viện ; trường hợp lay chuyển được Trung Quốc, có thể thừa cơ yêu sách nhiều bồi thường. Ðầu tháng 8/1880, Tăng Kỷ Trạch cùng đại biểu Nga đàm phán, Tăng chú ý đến biên giới, riêng về khoản bồi thường thì thương vụ có thể gánh vác được. Ngày 24/2/1881 điều ước ký xong, có những điểm khác với điều ước cũ như sau : thứ nhất, thu hồi vùng đất phía nam Y Lê ; thứ hai, đình chỉ buôn bán từ Tây An đến Gia Cốc Quan ; thứ ba, thủ tiêu việc thuyền Nga hàng hành trên sông Tùng Hoa ; thứ tư, chuyển dân Y Lê nhập Nga tịch vào lãnh thổ Nga ; thứ năm, bồi khoản tăng đến 500 vạn lượng. Nhờ vào con đường ngoại giao đã thu lại được đất đai, do đó tiếng tăm của Tăng Kỷ Trạch được đề cao. Năm 1882, theo lời bàn của Khâm sai đại thần liệu biện sự việc tại Tân Cương là Lưu Cẩm Ðường, cho đổi xứ này thành tỉnh, do Tổng đốc Thiểm Tây kiêm quản. Hai năm sau, bổ nhiệm Lưu Cẩm Ðường chức Tuần phủ ; từ đó danh đi đôi với thực, Tân Cương nhập vào bản đồ Trung Quốc.




5. Nhật Bản tranh giành Triều Tiên


Từ thế kỷ thứ 13 trở về sau, Triều Tiên là nước triều cống Trung Quốc. Vào thế kỷ 16, Nhật Bản xâm lăng Triều Tiên, nhà Minh 2 lần mang quân tiếp viện. Ðến đời Thanh, Triều Tiên thường đến cống, riêng chưa từng tiếp xúc với các nước Tây phương. Năm 1833, thuyền Anh thử đến thông thương, quan địa phương Triều Tiên bảo rằng Triều Tiên là nước thần thuộc Trung Quốc, viện cớ Phiên thần không liên lạc ngoại giao với nước khác, để cự tuyệt. Năm 1863, thân phụ Quốc vương Lý Hy là Ðại viện quân Lý Chính Ứng chấp chính, ra lệnh giết Giáo sĩ Thiên Chúa giáo ngầm đến nước nầy. Năm 1866, nước Pháp đưa quân hạm đến hỏi tội, nhưng không có kết quả nên bỏ đi. Nước Mỹ từ lâu muốn mở mang Triều Tiên, nhưng thương thuyền bị hủy, thủy thủ bị hại ; rồi hai lần dùng binh tại Triều Tiên, nhưng không được việc. Nước đầu tiên mở cửa Triều Tiên lại là nước Nhật Bản lân cận. Sau khi Minh Trị Thiên Hoàng duy tân, yêu cầu đính ước giao thiệp, Triều Tiên cho rằng khoản thức không hợp, nên để yên không hỏi đến. Năm 1870 đến 1873, Nhật cho người đến thăm, liên tiếp bị cự tuyệt ; lúc bấy giờ tại nước Nhật dấy lên cuộc tranh luận đánh Triều Tiên, tên là “ Chinh Hàn luận ”. Tuy nhiên Nhật Bản còn lưỡng lự về mối liên lạc giữa hai nước Triều, Trung ; đó là một trong những lý do tại sao yếu nhân Nhật, Phó Ðảo Chủng Thần, đến Trung Quốc năm 1873.


Tổng thự chủ trương không hỏi han nhiều về việc làm của Anh, Mỹ tại Triều Tiên ; kỳ này phúc đáp với Nhật cũng bảo rằng Triều Tiên tuy là thuộc quốc của Trung Quốc, nhưng từ trước tới nay về vấn đề nội trị, ngoại giao, không cật vấn nhiều. Triều Tiên vốn không có cảm tình với Nhật Bản ; Ðại Viện Quân lại ghét nước này giao thiệp với các nước Âu, Mỹ ; hơn nữa thuyền Pháp mấy lần đến quấy phá Triều Tiên đều xuất phát từ Nhật, nên hạ lệnh đoạn tuyệt với nước này, khiến trong nước Nhật, phái chủ trương chinh Hàn lại càng thêm to tiếng. Sau khi mối mâu thuẫn về Ðài Loan giữa Trung, Nhật kết thúc bằng bồi thường, Nhật Bản lại càng khinh thị Trung Quốc. Năm 1875, tàu Nhật Bản trắc lượng hải ngạn Triều Tiên bị pháo kích, Nhật bản điều động thủy lục quân uy hiếp, lại sai Công sứ tại Hoa là Sâm Hữu Lễ thông báo cho Tổng thự. Tổng thự dẫn Trung Nhật điều ước “ Không xâm vượt đất đai của các thuộc quốc ” để bài bác ; Sâm tuyên bố rằng Triều Tiên là nước độc lập, không quan hệ đến Trung Nhật điều ước ; Lý Hồng Chương muốn dập tắt gây hấn để được yên ổn nên chủ trương cho Triều Tiên tự quyết. Lúc bấy giờ Quốc vương Triều Tiên Lý Hy đích thân nắm việc chính trị, nhu nhược không có khả năng, Mẫn Kỷ tham chính, đối địch và làm ngược lại chủ trương của Ðại Viện Quân. Năm 1876 cùng Nhật Bản ký điều ước tại đảo Giang Hoa 3, chấp nhận Nhật Bản đặt sứ quán và thông thương ; ghi rõ Triều Tiên là nước tự chủ, phủ nhận quyền bảo hộ của Trung Quốc. Nhật Bản liên kết với đảng Khai hóa thân Nhật, chống với đảng thân Hoa của Ðại Viện Quân.


Trong giai đoạn Nhật, Hàn tranh chấp, Thanh đình y theo lời xin của Lý Hồng Chương, thiết lập Sứ thần tại Nhật Bản, hy vọng tăng cường liên lạc. Năm 1877, Lý Hồng Chương khuyên Triều Tiên lập hòa ước với Anh, Mỹ ; dùng sách lược “ dĩ địch chế địch ”, nhắm kềm chế Nhật Bản, cùng phòng ngự người Nga. Năm 1880 có tin tức Nga sắp chiếm đoạt Triều Tiên, Lý lại một lần nữa đốc thúc, Triều Tiên chấp nhận thi hành.


Mỹ là nước đầu tiên có hiệp ước bang giao với Triều Tiên. Vào năm 1881, qua sự giới thiệu của Nhật, Thủy sư tổng binh Mỹ R. W. Shufeldt [Tiết Phỉ Nhĩ] đến Triều Tiên giao thiệp nhưng không toại nguyện, bèn quay sang nhờ Lý Hồng Chương. Lý cho rằng nếu như Mỹ, Hàn lập được hiệp ước hòa bình, có thể ngăn ngừa Nhật Bản dòm ngó, nên yêu cầu Triều Tiên cho phái viên đến Thiên Tân thương nghị. Năm sau bản thảo điều ước hoàn thành tại Thiên Tân, rồi được R.W. Shufeldt và Toàn quyền Triều Tiên ký tại Incheon [Nhân Xuyên, Triều Tiên]. Cùng năm, các nước Anh, Ðức y theo nội dung lập ước ; từ năm 1884 đến 1888, Ý và Nga tiếp theo. Các nước đều không đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc coi Triều Tiên là thuộc bang ; Mỹ lập sứ quán tại Hán Thành, để biểu thị hai nước bình đẳng.


Tại Triều Tiên từ khi Mẫn Kỷ cầm quyền, có khuynh hướng thân Nhật, Ðại Viện Quân bị thất thế ; tuy nhiên Mẫn Kỷ dùng bà con tham nhũng, kinh tế suy vi, thiếu lương đến hơn 10 tháng, nên nhân tâm oán hận. Vào năm 1882 binh lính tại kinh thành, qua Ðại Viện Quân xui dục, bắt giết quan đại thần cùng người Nhật, xâm phạm cung vua, đốt sứ quán Nhật Bản, Nhật Bản lập tức ra quân ; việc này được gọi là “ Nhâm Ngọ [1882] sự biến ”. Lúc này Lý Hồng Chương nghỉ cư tang, quyền Tổng đốc Trương Thụ Thanh bàn với Mã Kiến Trung, cùng Tham mưu Tiết Phúc Thành ; sai Ðề đốc Ngô Trường Khánh mang 3000 quân, cùng với Ðinh Nhữ Xương, Mã Kiến Trung mang 3 thuyền binh đến nơi ; tùy viên có Trương Tái và Viên Thế Khải. Ngô Trường Khánh đến nơi, tiễu bình loạn đảng, bắt Ðại Viện Quân, nhờ đó an ninh Triều Tiên được ổn định ; việc này nếu như do Lý Hồng Chương xử sự, không chắc có được cương quyết như vậy. Trương Tái nói với quan Triều Tiên rằng “ Xuất sư lần này, do Lý Tướng quân vắng mặt, nên Trương Tướng quân ra sức.”


Về phương diện quân sự Trung Quốc tuy thành công, nhưng riêng ngoại giao thì thất bại, vì vẫn phải để cho Triều Tiên trực tiếp giao thiệp với Nhật. Tháng 8, Nhật, Hàn ký điều ước tại Nhân Xuyên ; Triều Tiên bằng lòng trừng trị tạ tội cùng bồi thường ; lại hứa cho quân Nhật đóng tại Triều Tiên để bảo vệ sứ quán, khuyếch trương buôn bán, du lịch nội địa. Lý Hồng Chương xác định Trung, Hàn quan hệ, tháng 10 đính lập điều ước mậu dịch với Triều Tiên, minh định Triều Tiên là nước được phong Phiên, phái Ủy viên thương vụ đến các cửa khẩu, trú đóng quân tại Hán Thành. Ngoài việc lập thương ước, họ Lý giúp mời P. G. von Mollendorff [Mục Lân Ðức], cựu Phó lãnh sự Ðức tại Thiên Tân, phụ trách quan thuế cho Triều Tiên, lại phái người đến giúp luyện quân, người thực tế phụ trách là Viên Thế Khải.


Viên Thế Khải [1859-1916] người đất Hạng Thành [Xiangcheng, Hà Nam], lúc nhỏ tuổi từng tập quân sự tại quê nhà và Nam Kinh, lại sống tại Bắc Kinh một số năm ; có lưu tâm đến những việc xẩy ra với Tây dương và chính trị hiện thời. Nhân thi hỏng, năm 1881 đến Ðăng Châu, Sơn Ðông dựa vào người bạn thân của cha là Ngô Trường Khánh để học nghiệp. Nhân được Trường Khánh suy cử, theo quân đến cứu viện Triều Tiên ; Viên chứng tỏ gan dạ, dám nói dám làm, được Ngô Trường Khánh khen lao và người Triều Tiên kính nể. Sau khi mối loạn tại Hàn ổn định, Viên khuyên Triều Tiên luyện quân, được Quốc vương nước này nghe theo, có ý mời Viên chủ trì. Tháng 11/1882, Lý Hồng Chương giao cho nhiệm vụ huấn luyện 1000 binh đinh ; trong vòng 1 tháng đã thấy thành tựu, lúc này Viên mới 24 tuổi.


Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Triều Tiên càng mạnh, thì sự kỵ hận của Nhật Bản và phái thân Nhật càng sâu. Vua tôi Triều Tiên lúc đầu có vẻ kính sợ Trung Quốc, lâu rồi lại tỏ ra bất mãn. Năm 1884, vì mối quan hệ khẩn trương giữa Trung, Pháp ; Ngô Trường Khánh và một nữa quân bản bộ phải điều về giữ bán đảo Liêu Ðông [Liaodong, Liêu Ninh] ; lưu lại 3 doanh do Lưu Triệu Hữu thống lãnh, Viên Thế Khải giữ chức phó, với danh nghĩa Tổng lý doanh vụ để giúp Triều Tiên liệu biện việc quân. Cùng năm, chiến tranh Trung, Pháp lớn rộng ra, Trung Quốc thất lợi ; Sứ thần Nhật tại Hàn tăng cường cấu kết với phái thân Nhật như Kim Ngọc Quân, Phác Vĩnh Hiếu, Hồng Anh Thực dèm pha với Quốc vương Lý Hy rằng Trung Quốc sắp sụp đổ, chính là lúc Triều Tiên cần thừa cơ cải cách độc lập. Thái độ của Lý Hy dao động, mong muốn tự chủ. Phía Nhật Bản và phái thân Nhật mật mưu vũ trang chính biến, riêng Viên Thế Khải cũng chuẩn bị nghiêm.


Ngày 4/12/1884 chính biến phát sinh ; quân Nhật chiếm cứ cung vua, phái thân Nhật đoạt chính quyền, một số Ðại thần thân Trung Quốc bị hại. Viên Thế Khải lập tức mang quân đàn áp ; do Sứ thần Anh, Mỹ, Ðức khuyên hoãn tấn công, Ðại thần Triều Tiên cũng lo sự an toàn cho Quốc vương nên lưỡng lự. Ðến ngày thứ ba, tình thế càng trở nên nguy hiểm, quân Viên đến cung vua, đánh bại quân Nhật ; Trung, Nhật mỗi bên thương vong vài chục người, Hồng Anh Thực bị giết, Sứ thần Nhật trở về nước, sứ quán bị hủy ; đây là “ Biến cố năm Giáp Thân 1884 ”.


Trung Quốc sợ căng thẳng lớn mạnh, Tổng thự mật dụ Lý Hồng Chương đừng gây hấn với Nhật. Lý sai Ðinh Nhữ Xương mang hai chiến thuyền đến trước, mệnh Viên không được khinh suất hành động. Phái quân nhân Nhật Bản chủ trương “ Trừng trị Thanh triều ”, Pháp xui dục thêm ; chính phủ Nhật Bản lợi dụng Pháp, Trung đang giao chiến, bèn đàm phán riêng với Triều Tiên, không cho Trung Quốc xen vào. Tháng 1/1885 Triều, Nhật ký điều ước, chính phủ Triều Tiên tạ tội, phủ tuất cho người Nhật thương vong, bồi thường tổn thất. Cũng như điều ước Nhâm Ngọ trước kia, về mặt quân sự Trung Quốc chiếm thượng phong, nhưng về mặt ngoại giao không dám đem sự việc ra cật vấn Nhật ; rồi thất sách càng lớn hơn, ký điều ước Thiên Tân với Nhật sau đó.


Sách lược của Nhật Bản từ trước tới nay muốn chia rẽ Trung, Hàn. Sau khi ký xong điều ước với Triều Tiên, thừa lúc Trung, Pháp chiến tranh, chính phủ Nhật sai Y Ðằng Bác Văn đến Thiên Tân hội nghị với Lý Hồng Chương, yêu cầu Trung Quốc triệt binh, trừng trị quan chỉ huy, bồi thường tính mệnh tài sản cho Nhật bị tổn thất tại Triều Tiên. Ngày 18/4/1885 hiệp ước Trung Nhật ký kết tại Thiên Tân, gồm các điều như : quân Trung, Nhật tại Hàn nhất luật triệt hồi ; hai bên không mang quân đến huấn luyện quân Hàn, để cho Hàn mướn người tại các nước khác làm việc này ; tương lai nếu Hàn có loạn, Trung, Nhật cần phái binh đến, phải báo cho nhau biết trước, công việc xong thì trở về. Với điều ước này để mong được yên ỗn tạm thời, nhưng chẳng khác gì đã thừa nhận địa vị của Nhật Bản tại Hàn, cùng trói buộc hành động của Trung Quốc.


Hồ Bạch Thảo










1 Phong Thần Tú Cát [1537-1598] : vị anh hùng Nhật Bản, từng thống nhất đất nước và chinh phạt Triều Tiên.

2 A Cổ Bách : người cầm đầu nổi loạn tại Tân Cương.

3 Ðảo Giang Hoa : đảo nằm sát bờ biển tại phía tây bắc Triều Tiên.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss