Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đăng Bảo Đài Sơn

Đăng Bảo Đài Sơn

- Phạm Thảo Nguyên — published 08/12/2010 20:57, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
...Nâng sáo lên thổi đi. Vừa thổi hết hơi ra là ánh trăng ngoài kia tràn vào đầy trong lòng, phủ đầy ngực áo: Ta hoà mình vào cả vũ trụ mênh mông đầy ánh trăng đó... [cập nhật ngày 10.12, với bản dịch của Ngô Tất Tố]


Đọc Thơ Thiền Việt Nam

 

Đăng Bảo Đài Sơn
Vua Bụt Trần Nhân Tông
(1258-1308)


Phạm Thảo Nguyên



Vua Trần Nhân Tông sau hai lần lãnh đạo quốc dân phá xong giặc Nguyên, lui về làm Thái Thượng Hoàng, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông, tuy ngài còn giúp vua việc triều chính. Sau khi nhà Nguyên đã chịu bỏ ý định xâm chiếm nước ta, ngài bỏ quyền thế nơi kinh thành, vào dẫy núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. tu hạnh đầu đà tới đắc đạo. Ngài thành lập thiền phái Trúc Lâm hoàn toàn Việt Nam cho nước ta, trở thành Vua Bụt Sơ Tổ Trúc Lâm .

Ta hãy đọc bài thơ Đăng Bảo Đài Sơn của ngài dưới đây. Có thể nói đây là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của thơ thiền Đại Việt cổ.
 

                    登 寶 臺 山

地 僻 臺 逾 古
時 來 春 未 深
雲 山 襄 遠 近
花 逕 半 晴 陰
萬 事 水 流 水
百 年 心 語 心
倚 欄 橫 玉 笛
明 月 滿 胸 襟
 

Phiên âm: Đăng Bảo Đài Sơn

Địa tịch đài du cổ
Thời lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thuỷ lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm
 

Thơ dịch; Lên Núi Bảo Đài

Đất hẹp đài cổ vượt lên
Theo mùa, xuân tiết mới nguyên vừa về
Ngõ hoa nắng, rợp hai bề
Mây vờn xa núi, mây kề cận bên
Việc đời nước chảy, nước lên
Trăm năm lòng sáng biết thêm lòng tà
Tựa lan nâng sáo thổi ra
Đầy lòng đầy ngực ta là sáng trăng.



Bình chú:


Trên ngọn núi Bảo Đài, trong dẫy Yên Tử, tỉnh Quảng Yên, một đêm trăng sáng, vua Bụt ngắm cảnh thổi sáo, ngài ghi lại bằng một bài thơ đẹp huyền diệu trong từng câu chữ:

Với trí của bậc liễu ngộ, mọi sự đều không phiếm diện, và có thể nhìn theo hai thế đối kháng:

Đất hẹp làm đài cổ như nổi cao lên (so sánh với chính nó)

Thời tiết luân chuyển mới vào đầu mùa xuân (mùa đông vừa qua đi)

Ngõ hoa có ánh trăng chiếu và có bóng rợp đi theo.

Mây vờn quanh núi có lúc xa, cũng có lúc gần. Nói xa và gần là đối đãi, so sánh.

Mọi việc trên đời như nước mới vừa trôi đi, là đã có nước khác tới. (Cho nên không có hạnh phúc cũng như đau khổ dài lâu).

Trở về tâm con người, vì có tâm thực nên mới biết có tâm vọng. Có lòng sáng, nên mới biết có lòng tà. Trăm năm cuộc đời tu chỗ đó.

Ngài dùng những hình ảnh nhìn thấy chung quanh mình, trong đời sống thường ngày để giúp sự thực chứng giác ngộ mà không dùng một ý niệm trừu tượng nào. Các bạn có tin không ? Xin đọc nốt hai câu cuối:

Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm.

(Tựa can nâng sáo thổi ra
Đầy lòng đầy ngực ta là sáng trăng).

Nâng sáo lên thổi đi *. Vừa thổi hết hơi ra là ánh trăng ngoài kia tràn vào đầy trong lòng, phủ đầy ngực áo: Ta hoà mình vào cả vũ trụ mênh mông đầy ánh trăng đó.

Một hình tượng vô ngã vô cùng đẹp.

Mà “Vô ngã là niết bàn”.


PTN



* Nâng ngang sáo: Theo văn hoá Á Châu, nâng ly lên là để uống, ta chỉ mời rượu bằng câu: ”Mời nâng ly”. Vua Bụt nâng ngang sáo là để thổi, là ngưòi đắc đạo, nghĩa là lúc nào cũng giác, cũng sống trong chánh niệm, không bao giờ ngài nâng sáo lên mà không thổi. Muốn thổi sáo phải có hơi ra rất mạnh để sáo lên tiếng ngân, vừa thổi hơi ra hết là lập tức không khí được hút vào tràn đầy phổi. Thổi sáo chính là thở ra vào khuếch đại.





Diễn Đàn : Một thân hữu vừa cho chúng tôi biết bài thơ thiền này đã có một bản dịch khác, do học giả Ngô Tất Tố thực hiện. Ngoài ra, trên trang mạng Thiền Tông Việt Nam, còn có bài giảng của Hoà thượng Thích Thanh Từ về thơ Thiền của Sơ tổ phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông, mở đầu với bài Đăng Bảo Đài Sơn này.
Để bạn đọc tham khảo và suy ngẫm về những khác biệt, chúng tôi xin trích lại ở đây phần dịch nghĩa và dịch thơ của Ngô Tất Tố (nguyên văn và phiên âm không khác)
.

cập nhật 10.12.2010, 10 giờ.

Người biên tập hối lỗi : Phiên âm không khác, nhưng thực ra hai bản Hán văn có khác nhau ở hai chữ: 1) chữ "tịch" trong câu đầu bản trong Wikisource viết , nghĩa là "hoang vắng", như Ngô Tất Tố đã dịch; 2) chữ "tương" trong câu ba, bản Wikisource viết , nghĩa là "cùng nhau". Do đó chúng tôi thấy riêng về hai điểm này, hai bản dịch khác nhau vì đã dùng hai dị bản chữ Hán khác nhau.

H.T.
cập nhật 10.12.2010, 19 giờ 


Bản dịch Ngô Tất Tố


(nguồn : Wikisource)


Dịch nghĩa


Đất hẻo lánh, đài thêm cổ kính,
Theo thời tiết, mùa xuân về chưa lâu.
Núi mây như xa, như gần,
Ngõ hoa nửa rợp, nửa nắng.
Muôn việc như nước tuôn nước,
Trăm năm lòng lại nhủ lòng.
Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc,
Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực.


Dịch thơ


Đất vắng, đài thêm cổ,
Ngày qua, xuân chửa nồng.
Gần xa, mây núi ngất,
Nắng rợp, ngõ hoa lồng.
Muôn việc nước trôi nước,
Trăm năm lòng nhủ lòng.
Tựa hiên, nâng sáo ngọc,
Đầy ngực ánh trăng trong.




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss