Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đằng sau vụ kiện « chất Da Cam », cuộc đấu tranh của những người trẻ gốc Á

Đằng sau vụ kiện « chất Da Cam », cuộc đấu tranh của những người trẻ gốc Á

- Juliette Guéron-Gabrielle/ Đỗ Tuyết Khanh (dịch) — published 02/09/2024 15:50, cập nhật lần cuối 03/09/2024 11:36

Đằng sau vụ kiện « chất Da Cam », 
cuộc đấu tranh của những người trẻ gốc Á


Juliette Guéron-Gabrielle (*)


Giải mã. Ngày thứ năm 22/8 Toà phúc thẩm Paris sẽ công bố phán quyết trong vụ án dai dẳng về sử dụng độc tố dioxin trong chiến tranh Việt Nam, trong bối cảnh này nhóm Vietnam Dioxine đi đầu trong cuộc đấu tranh pháp lý và là không gian thảo luận về sinh thái học giải thực (écologie décoloniale).

« Đây là một hội mang lại nhiều điều tốt đẹp cho các thành viên », Léa Lo Van nhấn mạnh, cô là một thành viên trẻ của Vietnam Dioxine đấu tranh để đòi đền bù cho các nạn nhân chất Da Cam trong chiến tranh Việt Nam. Từ mười năm nay, nhóm đồng hành với bà Trần Tố Nga, người Việt 83 tuổi, sống ở Evry, chiến đấu chống lại Monsanto-Bayer và 13 công ti hoá dầu khác. Luận điểm của vụ kiện nhắm các công ti này là họ đã cung cấp cho quân đội Mỹ một sản phẩm, chất Da Cam, độc hại hơn rất nhiều so với yêu cầu đặt hàng.

Ngày nay mọi chuyện đã rõ : chất Da Cam đã làm hơn 3 triệu người Việt chết sớm, bị ung thư hay có dị tật do bị phơi nhiễm. Độc tố dioxin trong chất khai quang là một phân tử đặc biệt ổn định, tồn tại lâu dài trong môi sinh và di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Song, ngoài chiến đấu trên bình diện pháp lý, Vietnam Dioxine còn tạo cho các thành viên một không gian rất thuận lợi để những người trẻ Pháp gốc Á châu gặp gỡ và liên kết. « Tôi chưa bao giờ gặp nhiều người gốc Lào, Việt, Khmer như vậy.. » Léa Lo Van, gia nhập Vietnam Dioxine năm nay, hồ hởi nói. Lúc ấy cô đang trên con đường tìm lại cội nguồn, vừa trở về sau chuyến đi Việt Nam với cha, gặp lại một số người thân trong gia đình đã mất liên lạc khi ông bà nội cô trốn chạy chiến tranh sang Lào rồi Pháp.

Tham gia nhóm cũng mở ra những đối thoại chưa từng có trong gia đình, cho phép các thành viên biết thêm về quá khứ của họ. Chẳng hạn, khi nói chuyện với mẹ về gia nhập Vietnam Dioxine, Micheline Pham, 27 tuổi, mới biết là trong chiến tranh mẹ cô làm việc trong một bệnh viện gần một nơi bị rải chất Da Cam, trước khi trốn chạy sang Pháp. « Ngày hôm nay, mọi người bắt đầu nói đến, đặc biệt trong những thế hệ ba, thế hệ tư người Việt sống tại Pháp : họ hỏi cha mẹ ông bà về quá khứ. » Marvin Freyne nhận xét. Anh là sinh viên khoa nhân chủng học tại Trường cao đẳng khoa học xã hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences sociales - EHESS), và năm nay bắt đầu một luận án ở đại học Paris-Cité về những hoạt động nổi lên ở Pháp và Việt Nam xoay quanh chất Da Cam.

Hội Vietnam Dioxine được thành lập năm 2004 lúc vấn đề nhiễm chất độc ít được nhắc đến. Ngay cả hiện nay, nhiều người trong cộng đồng bị nhiễm mà không biết, không được Nhà nước hỗ trợ để xét nghiệm có bao nhiêu dioxin trong máu. Một sự lãng quên có thể là đầu mối của thảm kịch : « Tôi được nghe rất nhiều trường hợp chết sớm trong cộng đồng người Việt ở Pháp », Marvin Freyne kể lại. Cho dù hiện nay không thể khẳng định là điều ấy liên quan đến chất Da Cam, vì thiếu thông tin về hậu duệ của những người đã bị phơi nhiễm trong chiến tranh Việt Nam.

Biểu tình hỗ trợ bà Trần Tố Nga ở Paris, tháng 5.2024


Những nguyên tắc của sinh thái học giải thực


Thành phần nòng cốt của Vietnam Dioxine hiện nay gồm khoảng hai mươi thành viên, nhiều người lần đầu nghe tên hội trong lúc đại dịch Covid, khi nhóm xuất hiện trên các mạng xã hội. Những bài thơ về đất đai bị huỷ hoại, những bản tin về ngày tháng của vụ kiện hay của các bữa ăn tổ chức để ủng hộ bà Trần Tố Nga được loan truyền rộng rãi trong cộng đồng. Đầu năm nay, Vietnam Dioxine đã tập hợp được trên 1 000 người ở quảng trường République ở Paris, trước khi Toà phúc thẩm Paris bắt đầu xét xử trình tự kháng cáo của bà Tố Nga ngày 4.5.2024. « Người ta hay bảo các cộng đồng Á châu im hơi lặng tiếng, Pich Sin, sinh viên ngành giao tiếp nhận xét. Nhưng Vietnam Dioxine cho thấy có những người đã đấu tranh từ rất lâu. » Pich Sin gia nhập hội vì muốn tìm đến một « nhóm dấn thân trên những vấn đề kỳ thị người Á châu » và được thuyết phục bởi « định hướng rõ ràng và cụ thể » của nhóm này.

Vietnam Dioxine chủ trương áp dụng các nguyên tắc của sinh thái học giải thực (1), trào lưu tư tưởng được phổ biến bởi nhà nghiên cứu Malcom Ferdinand. Trong quyển « Sinh thái học giải thực: sinh thái học nhìn từ vùng Caribe » (Une écologie décoloniale : penser l’écologie depuis le monde caribéen), ông phân tích sự khủng hoảng sinh thái như hậu quả của quan điểm, xuất phát từ chế độ thực dân, theo đó đất đai chỉ là để khai thác, và đề nghị đưa các kỹ năng của dân chúng các nước thế giới thứ ba vào những chiến lược ứng phó với hâm nóng khí hậu.

Một hệ tư tưởng cho phép các thành viên Vietnam Dioxine quay lại với những phong trào đấu tranh sinh thái lâu nay họ vẫn cho là quá đậm nét da trắng hay giai cấp tư sản. Léa Lo Van, tham gia phong trào Extinction Rébellion khi còn là học sinh trung học, bất bình trước một số hoạt động có hàm ý trách cứ đối với người nghèo: « Chặn cửa một siêu thị ở ngoại ô ngày đại hạ giá Black Friday là đánh vào những người không phải là đối tượng. » Cô tán thành phương thức hoạt động của Vietnam Dioxine liên kết với những cuộc đấu tranh khác như chống lại chất chlordécone, một độc tố vẫn phun lên các cây chuối ở quần đảo Antilles lâu sau khi đã bị cấm ở chính quốc vì độc hại, hiện là chủ đề của nhiều vụ kiện. « Đây cũng là những đất thuộc địa cũ, những dân chúng bị mất nhân tính », cô phân tích.

Như mọi năm, Vietnam Dioxine sẽ có mặt ở Lễ Hội của báo l’Humanité với một gian hàng trong khu Làng thế giới (Village du monde). Khoảng 50 thành viên sẽ thay phiên nhau bán bánh mì, phim tài liệu và áo tee-shirt. Nhóm cũng thường xuyên tham dự những buổi thảo luận về sinh thái học giải thực và có mặt tại mỗi phiên toà của vụ kiện chống Monsanto của bà Tố Nga. Những phiên toà mang hình ảnh « châu chấu đá voi » của một cuộc đọ sức không cân xứng giữa hai bên, Micheline Pham khẳng định. Và củng cố sự dấn thân của những thành viên trẻ của Vietnam Dioxine : Léa Lo Van kể là cô « rất xúc động » khi đứng giữa nhóm cùng đợi bà Tố Nga trên sân rộng trước Toà phúc thẩm Paris. Lúc ấy cô tự nhủ sẽ còn đồng hành lâu dài với nhóm này.



Juliette Guéron-Gabrielle

(Đỗ Tuyết Khanh dịch)


(*) Nguồn : https://www.nouvelobs.com/justice/20240822.OBS92660/derriere-le-proces-de-l-agent-orange-le-combat-de-jeunes-asiodescendants.html 

Chú thích.

(1) Sinh thái học giải thực, dịch từ tiếng Pháp « Ecologie décoloniale », là một phần của luồng tư duy (xuất hiện từ Nam Mỹ khoảng 30 năm nay) cho rằng ở nhiều nước đã giành được độc lập từ chế độ thực dân, thực ra nhiều mối quan hệ giữa các nước thực dân cũ và thuộc địa của họ vẫn mang nặng tính bất bình đẳng cũ. Theo luồng tư duy này, trong hệ thống quyền lực toàn cầu hiện nay, các quan hệ bất bình đẳng được tiếp tục gìn giữ thông qua những chính sách kinh tế và văn hóa cần được phân tích sâu, đồng thời với việc đề cao những tri thức nhiều nguồn từ các nước cựu thuộc địa để giúp họ thoát ra khỏi sự thống trị của chủ nghĩa Dĩ Âu vi trung (Eurocentrisme) thường thấy trong nhiều phân tích hậu thuộc địa. Một ví dụ trong lĩnh vực môi trường là chính sách đối với các chất độc hại dùng trong nông nghiệp. Chẳng hạn, chất Chlordécone dùng để diệt trừ con mọt chuối (charançon du bananier) chỉ bị cấm ở Pháp từ năm 1990 trong khi vẫn được dùng đại trà từ 1972 đến 1993 trong các đồn điền chuối tại hai đảo Martinique và Guadeloupe của Pháp, mặc dầu mức độc hại của nó (tác động lên hệ thần kinh, hệ sinh sản, gieo ô nhiễm trên đất đai, sông ngòi...) đã được biết tới từ lâu. Theo một khảo sát của Cơ quan về an toàn lương thực, môi sinh và lao động (Agence nationale de sécurité sanitaire de l’alimentation, de l’environnement et du travail), năm 2013-2014, trên 90% dân chúng ở quần đảo Antilles có chlordécone trong máu và đa số nhân viên các đồn điền chuối bị nhiễm khi chlordécone được dùng đại trà (77% năm 1989). "Sinh thái học giải thực" tố cáo các chính sách mang tính "thực dân" đó và cho rằng tri thức, kinh nghiệm làm nông nghiệp truyền thống ở các nước cựu thuộc địa có thể góp phần tìm ra những phương pháp vượt qua chúng.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us