Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đáp lời bài ’Giới thiệu Danh nhân khoa học và lược sử khoa học thế giới’

Đáp lời bài ’Giới thiệu Danh nhân khoa học và lược sử khoa học thế giới’

- Lâm Thành Mỹ — published 18/07/2023 22:50, cập nhật lần cuối 19/07/2023 19:28

Đáp lời bài ’Giới thiệu Danh nhân khoa học và lược sử khoa học thế giới’
của anh Hà Dương Tường (đăng trên Diễn Đàn ngày 09/07/2023).


Lâm Thành Mỹ


Trước bài của anh Hà Dương Tường, sách đã được anh Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu trong bài ‘Giới thiệu sách được tặng’ đăng trên blog Rosetta của anh và  được Diễn Đàn giới thiệu lại trong mục’Thấy trên mạng’. Anh Nguyễn Xuân Xanh nhận ra ngay rằng tác giả là ‘người mới vào làng sách’. Sau khi bàn về tầm quan trọng của các Danh nhân khoa học, anh kết luận ‘ Sách này rất có ý nghĩa’. Đó là một câu động viên tôi rất nhiều, người ‘tay mơ’ mới vào làng sách.

Chắc anh Xanh không có thời giờ đọc quyển sách từ đầu đến cuối nên ít nói về nội dung của sách. Anh Hà Dương Tường đã dành thời giờ để đọc kỹ sách từ đầu đến cuối và tôi rất cám ơn anh về việc này.

Anh Tường nhận ra rất đúng là quyển sách đã nói nhiều về đời sống của các nhà khoa học, vì tôi cho rằng điều đó thường cho ta thấy rõ hơn tầm quan trọng và những đặc điểm của đóng góp của họ. Các nhà viết sử về khoa học  thường có cái hướng là bỏ qua đời sống của các nhà khoa học, tỷ như nói về thành quả khoa học của Pythagoras mà không cần biết đời sống của ông. Tôi làm khác : nói rõ Pythagoras là giáo chủ một môn phái, đào tạo môn sinh chẳng những về khoa học mà còn về đạo lý ở đời ( ăn chay, tập thể dục, sống thanh bạch…) vì vậy ảnh hưởng của ông được truyền bá rộng rãi, kể cả ảnh hưởng khoa học.

Cách viết của tôi vì thế ít trừu tượng hơn. Và theo tôi độc giả vẫn thấy được con đường tiến triển của khoa học khi đi qua những cái mốc là nhũng danh nhân. Ví dụ, từ Kopernik qua Galilei rồi Tycho Brahe, Kepler và cuối cùng Newton, độc giả thấy rõ con đường tiến triển từng bước gay go của thuyết nhật tâm.

Anh Tường nêu ra hai trường hợp để cho rằng tầm quan trọng của đóng góp của hai danh nhân khoa học đã bị bỏ qua.

Trường hợp đầu là Simon Stevin, Anh Tường viết : Tính chất vec-tơ của các lực cơ học mà nghiên cứu của Simon Stevin cho thấy- qua sự phân tích tác động của lực trên hai hướng khác nhau theo hình bình hành-, tiếc đã bị bỏ qua. Phần tôi,  tôi có trình bày thí nghiệm (tưởng tượng) chuỗi hình cầu và có viết rằng nó góp phần phát động nghiên cứu về tương quan giữa các lực không đồng hướng.

Tôi đã viết theo các sử gia khoa học mà tôi tham khảo : Vincent Julien , René Taton, Colin Ronan (cf Tài liệu tham khảo).  Họ không nêu ra tính vec-tơ của lực, có lẽ họ cho là đương nhiên ? Sau khi trình bày thí nghiệm (tưởng tượng) chuỗi hột trên hai mặt phẳng nghiêng của Stevin, Vincent Julien(1) viết 'Từ đó, Stevin- và những người khai thác công trình của ông- có thể hiểu cách các lực hợp nhau và cộng nhau trong sự thăng bằng của của các vật nặng.).

 (Nguyên văn : A partir de cela, Stevin-et ceux qui exploitent ses travaux- purent comprendre comment se composent et s’additionnent les forces en jeu dans l’équilibre des corps pesants’.

Colin Renan(2) viết : ‘…Les résultats sont les fondements de ce que nous nommons aujourd’hui le ‘parallélogramme des forces’ ; ‘Kết quả là nền móng của cái mà ngày nay ta gọi là ‘hình bình hành của các lực’.

René Taton(3) không thêm gì sau thí nghiệm chuỗi hạt nhưng cho biết : trong khi nghiên cứu thăng bằng của vật được dây buộc lại, Stevin đưa ra  sụ hợp nhất của các thành phần thẳng góc qua hình bình hành của các lực (Nguyên văn : Dans  l’étude de l’équilibre des corps maintenus par des fils, Stevin arrive à formuler, pour les composantes rectangulaires, la règle du parallélogramme des forces.).

Thật ra, cách trình bày rõ ràng về việc hợp nhất hai lực không đồng hướng qua hình bình hành là của Varignon Pierre(4) (1654-1722, thành viên của Hàn lâm viện khoa học Paris) trong quyển ‘Projet de nouvelle mécanique sur les propriétés des poids suspendus à des cordes’ (Về tính chất của các trọng lượng được dây treo), xuất bản năm 1687.

Về Toricelli, tôi nghĩ rằng tôi đã tóm tắt đầy đủ công trình của ông trong vấn đề được đưa ra: bơm nước không lên cao hơn 10m, thầy Galilei không giải quyết vấn đề, ông là môn sinh đã giải quyết, tìm ra nguyên nhân của hiện tượng, đưa ra khái niệm áp suất của khí quyển, đồng thời khám phá ra chân không. Các sự kiện được đưa vào đoạn dành cho Pascal vì ông này tiến thêm một bước khi  nhờ anh rể mang ống chứa cột thủy ngân lên núi, cho thấy mức thủy ngân được hạ xuống khi ở độ cao, chứng tỏ ảnh  hưởng của khí quyển. Sách của tôi có đoạn dành cho Pascal vì đoạn này có nội dung dồi dào. Tôi không thể mở ra một đoạn dành cho Toricelli.

Anh Tường đã nêu ra một số lỗi. Các lỗi anh nêu ra hầu hết do lơ đểnh khi đánh máy, có chỗ ý không rõ vì viết quá ngắn. Tôi chép lại theo thứ tự của anh đã ghi ra :

Lỗi đầu tiên nằm trong câu ‘ Ngày đông chí, bóng ngắn nhất và hướng về phía bắc’ (trang 43), tức nhiên phải sửa lại là ‘Ngày hạ chí, bóng ngắn nhất và hướng về phía bắc’. Tôi không biết lỗi từ đâu đến ! Trong phần về Ai-Cập, có câu ‘ họ biết rằng bóng ngắn nhất của cột tiêu hướng về phía Bắc’(trang 29).

- Về câu ‘Ibn Sina mô tả các vi khuẩn, vi rút (trang 197)’, anh Tường nói đúng, phải bỏ mấy chữ ‘ mô tả các vi khuẩn, vi-rút’

- Với những số vuông, Pythagoras và môn đệ có thể tìm ra dễ dàng những ‘bộ ba Pythagoras, tức những số a,b,c liền nhau theo công thức a2=b2+c2 (trang 64). Anh Tường đặt câu hỏi : Nếu’liền nhau’ thì ngoài bộ ba 3,4,5 không biết có còn đáp số nào nữa không ? Tôi xin trả lời rằng ba số liền nhau theo công thức chứ không phải liền khít nhau.

- Về công thức trung bình điều hòa (trang 66) thì đúng là có lỗi lơ đễnh khi đánh máy ; công thức đúng là : (a-b)/a = (b-c)/c, b là trung bình điều hòa của a và c. Khi áp dụng qua số thì công thức được viết đúng.

- Về lỗi log(a+b)=log a+log b (trang 340), cũng là lỗi lơ đễnh khi đánh máy, phải sửa lại thành log(a . b) = log a +log b.

Tôi sẽ viết Errata cho các lỗi này, nhờ Nhà Xuất bản giúp truyền đến những tiệm sách còn sách đang bán. Riêng tôi cũng tìm cách phổ biến Errata.

Anh Hà Dương Tường kết luận rằng đây là một cuốn sách hữu ích cho diện người đọc mà tác giả nhắm tới. Kết luận này làm cho tôi rất phấn khởi. Một lần nữa, tôi xin rất cám ơn anh Hà Dương Tường đã dành thời giờ đọc hết, đọc kỹ sách của tôi và đã viết bài giới thiệu.

Lyon, ngày 14/07/2023.

Lâm Thành Mỹ.

Tài liệu tham khảo:

1-Vincent Julien-2016, L’Histoire des sciences pour les nuls, Editions First, trang 177

2-Ronan Colin A.1988, Histoire des sciences, bản dịch từ tiếng Anh của Claude Bonnefont,  Nxb Ed.du Seuil, trang 421

3-Taton René, 1969, La science moderne, Nxb Presses Universitaires de France, trang 105.

4- https://fr.wikipedia.org/wiki/Pierre_Varignon

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss