Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / De Gaulle và Duy Tân

De Gaulle và Duy Tân

- Bùi Trọng Liễu — published 25/12/2006 14:01, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Trong bài viết về ngày 19/12/1946, tác giả Bùi Trọng Liễu đã nói tới dự định của tướng De Gaulle đưa ông Vĩnh San (cựu hoàng Duy Tân) về Việt Nam. Dưới đây, Diễn Đàn xin giới thiệu bài viết của tác giả về câu chuyện ấy. Toàn văn bài này đã được công bố trong cuốn "Tự sự cuả người xa quê hương" (Chuyện gia đình và ngoài đời), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. Trước đó, một phần đã được đăng trên Đoàn Kết số 397, 1987, và Tổ Quốc, 4-1988 dưới bút hiệu H.B.


Nhân việc đưa hài cốt
cựu hoàng Duy Tân về nước


Bùi Trọng Liễu


Tháng tư 1987, báo chí ở Việt Nam đăng tin đưa hài cốt cựu hoàng Duy Tân về nước chôn tại lăng xây ở Huế 1. Những người Việt Nam lớn tuổi hẳn còn nhớ biến cố xảy ra năm 1916. Nhưng dù ở lớp tuổi nào, không chắc mấy ai đã rõ những sự việc xảy ra năm 1945. Trong bài này, tôi xin chỉ nhắc lướt qua về sự việc năm 1916 vì đã có nhiều sách báo viết về việc này, mà chủ yếu là nói đến những sự việc thuộc « đoạn sau », qua những tài liệu mà tôi được đọc.

hue
Đồng bào Huế đón di hài vua Duy Tân (1987). 

Vua Duy Tân là vua thứ mười nhà Nguyễn 2 . Khi vua Thành Thái, vì tư tưởng bài Pháp, bị chính quyền bảo hộ Pháp ép phải thoái vị, thì con trai là hoàng tử Vĩnh San, lúc đó mới 7 tuổi, được đưa lên làm vua với niên hiệu Duy Tân (1907). Ý hẳn người Pháp muốn lập vua trẻ để dễ bề khống chế, vả lại lập vua Duy Tân cũng là một cách xoa dịu dư luận thời đó, không những bất mãn về việc truất ngôi vua Thành Thái, mà lại còn đang thiết tha đấu tranh để đổi mới, vì coi đó là một điều kiện tất yếu cho việc giành lại quyền tự chủ sau này.

Thời đó, người ta còn kể lại những mẩu chuyện về trí thông minh và lòng yêu nước của vua Duy Tân ... Năm 1915, chiến tranh thế giới đang diễn ra dữ dội, Việt Nam quang phục hội, với các nhà lãnh tụ Trần Cao Vân và Thái Phiên, chủ trương khởi nghĩa lật chính quyền bảo hộ Pháp để giành lại độc lập cho nước nhà. Hai nhà cách mạng này bí mật liên lạc với vua Duy Tân, xin nhà vua ra mật chỉ kêu gọi để có sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp vào việc khởi nghĩa. Do sự sơ suất của một đảng viên và tiếp theo đó là sự tố giác 3, cơ mưu bị bại lộ, nhưng các nhà lãnh đạo phong trào vẫn không biết. Đêm 2/5 rạng ngày 3/5/1916, vua Duy Tân cải trang ra khỏi hoàng thành, ra lời kêu gọi khởi nghĩa, nhưng chính quyền bảo hộ Pháp đã đề phòng sẵn, nên cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Những người khởi xướng bị bắt, nhiều người bị án tử hình. Riêng vua Duy Tân bị người Pháp bắt, đưa về giam, và sau đó đày sang đảo La Réunion. Lúc đó vua Duy Tân mới 17 tuổi.

Nhắc lại thêm là khi vua Duy Tân đã bị đi đày rồi, thì người Pháp đưa Bửu Đảo lên ngôi, tức là vua Khải Định (1916-1925), và sau đó là Vĩnh Thuỵ nối ngôi, tức là vua Bảo Đại (1925-1945). Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Ngày 24/8/1945 4, vua Bảo Đại thoái vị, và sau đó trở thành công dân Vĩnh Thuỵ, cố vấn tối cao của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Theo 5, vua Duy Tân bị đi đày, có hoàng mẫu là Nguyễn Thị Định, vợ là hoàng phi 6 Mai Thị Vàng và một người em gái cùng đi theo ; nhưng ở đảo một thời gian, vì không hợp thuỷ thổ, ốm đau luôn, ba người đều trở về Việt Nam. Năm 1925, cựu hoàng Duy Tân (nay trở thành ông Vĩnh San) đã gửi cho Hội đồng hoàng tộc thư và giấy ly hôn để bà Vàng, lúc đó mới 27 tuổi, còn kịp lấy chồng khác, nhưng bà Vàng quyết ở vậy thủ tiết.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời được hơn ba tháng thì, nhân một chuyến đi công tác, ông Lê Văn Hiến, lúc đó là bộ trưởng, có gặp bà Thành Thái và bà Duy Tân (ngày 10/12/1945). Lúc đó ông được Hồ chủ tịch uỷ thác tìm gặp hai bà, chuyển lời ân cần thăm hỏi, trong đó có câu « từ ngày ông Thành Thái và ông Duy Tân, vì lòng yêu nước, mong nước nhà tự do độc lập, nên bị thực dân Pháp bắt đày đi xứ lạ, hai bà đều lâm vào cảnh lẻ loi, cô đơn đằng đẵng hàng mấy chục năm », và báo là chính phủ (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) từ nay tặng tiền trợ cấp cho hai bà để sinh sống ; ông có kể lại sự xúc động và lời cảm ơn của hai bà đối với sự ân cần chú ý của Hồ chủ tịch bằng những lời lẽ rất cảm động trong những trang hồi ký của ông 7.

   

Những sự việc của « đoạn sau »:

Ngày 26/12/1945, một tai nạn máy bay xảy ra ở châu Phi... Báo chí Việt Nam ngày nay 1 còn đăng : « Ông (Duy Tân) bị chết trong một tai nạn máy bay rất mờ ám ngày 26/12/1945 ». Tại sao lại « mờ ám »? Và nhân dịp gì?

Nay xin kể lại từ đầu (tôi tóm tắt bỏ qua những sự việc không quan trọng để tránh rườm rà; và tôi đánh số từng đoạn để dễ « dẫn », khi cần đến dưới đây):

votuyen
Ông Vĩnh San hành nghề vô tuyến

a) Theo 8 kể, sau khi ở lại một mình ở La Réunion, ông Vĩnh San học và hành nghề vô tuyến. Ông lập lại gia đình tại chỗ. Vẫn theo 8, ông có tư tưởng rộng rãi, nhân ái, tư tưởng mà ông diễn đạt trong thời kỳ Mặt trận Bình dân. (Xem thêm 9). Ngày 5-6-1936, ông có gửi một thư cho chính phủ Pháp, yêu cầu cho ông được sang sống ở Pháp, nhưng không được trả lời. (Trong bức thư có giải thích thái độ của ông trong sự việc năm 1916). Năm 1940, chiến tranh thế giới bùng nổ. Tại La Réunion, ông tham gia phái kháng chiến Pháp La France libre của tướng De Gaulle, chủ yếu là trong việc sử dụng vô tuyến, vì đó mà (tháng năm 1942) ông bị chính quyền Pháp Vichy (của thống chế Pétain) giam giữ sáu tuần. (Sau này, năm 1944, ông có được tặng huân chương kháng chiến Pháp, Médaille de la Résistance). Cuối năm 1942, khi đảo La Réunion thay đổi chính quyền – từ chính quyền Vichy sang chính quyền De Gaulle – ông xin tòng quân gia nhập hàng ngũ quân đội Pháp với lòng mong muốn được sang châu Âu chiến đấu.

phatbieu
Vĩnh San phát biểu trong một cuộc mít tinh Mặt trận Bình dân ở đảo La Réunion (1936).

b) Thoạt đầu, ông được tuyển tạm thời làm quartier-maitre radio trên khu trục hạm Léopard ở La Réunion. Nhưng sau 22 ngày, thì hợp đồng tuyển bị xoá vì lý do sức khoẻ (theo 8 đã dẫn). Nhưng theo lời chứng của tướng De Boissieu 10 – lúc đó có mặt, nhưng chưa là sĩ quan cấp tướng và chưa là rể của De Gaulle – trong một chuyến đi trên khu trục hạm Léopard, tướng Legentilhomme, cao uỷ Pháp ở Ấn Độ dương, nhận thấy có một thuỷ thủ Việt Nam được đồng bang kính nể, hỏi ra thì mới biết là cựu hoàng Duy Tân. Tướng Legentilhomme mới quyết định là không thể giữ trên chiến hạm này, với tư cách thuỷ thủ, một ông hoàng « có thể phục vụ cho chính nghĩa của Đông Dương ». (Nguyên văn: « Un prince qui pourrait servir la cause de l'Indochine »). Rồi tướng Legentilhomme ra lệnh cho ông De Boissieu thảo một bức thư gửi tướng De Gaulle, đề nghị gửi ông Vĩnh San sang Anh học trường học sinh sĩ quan Ribbesford. (Từ đó ông De Boissieu tạm thời bẵng tin. Ta hãy nghe ông E.P.Thébault 8 kể nối). Nhưng rồi bị cản trở, đặc biệt là do phía bộ thuộc địa, ông Vĩnh San không được đưa đi học trường võ bị nói trên ; rốt cuộc năm 1944, ông Vĩnh San mới được nhận làm binh nhì, rồi hạ sĩ quan bộ binh ở đảo La Réunion, nhưng có lệnh là không được để ông rời đảo. Ông De Boissieu 10 kể tiếp: tháng 3/1945, ông De Boissieu được gọi về bộ tham mưu riêng của tướng De Gaulle ở Paris, và được tướng De Gaulle giao cho nhiệm vụ đưa ông Vĩnh San về Paris, để được thấy (sức mạnh) đội ngũ quân đội Pháp, và để được kịp tham dự phần chót chiến dịch (diệt Đức quốc xã) như ông Vĩnh San thiết tha mong muốn. Nhưng vẫn vì sự cản trở của bộ thuộc địa – và sau phải do ông De Gaulle nổi giận, trực tiếp ra lệnh – ông Vĩnh San mới được đưa về Paris, nhưng khi về đến nơi thì Đức đã đầu hàng, chiến tranh ở Âu châu đã chấm dứt.

c) Cũng theo lệnh tướng De Gaulle, ông De Boissieu thu xếp để ông Vĩnh San được đi « tập sự » ở một số đơn vị như đã dự chiến trận10 , và sau đó, trong cùng một sắc lệnh ký ngày 29/10/1945 (xem 8), ông Vĩnh San được phong thiếu uý (5/12/1942), trung uý (5/12/1943), đại uý (tháng chạp 1944) và tiểu đoàn trưởng (nghĩa là tương đương với thiếu tá) (25/9/1945) 11.

d) Thời đó ở Paris, ông Vĩnh San có viết một « chúc thư chính trị » (xem 8 10) – mà ông nói là để phòng xa cho sự bất trắc có thể xảy ra – trong đó ông trình bày ý kiến của ông về vấn đề Việt Nam : một nước Việt Nam thống nhất ba kỳ, « độc lập », hợp tác mật thiết với nước Pháp, mà « tạm thời » trao trách nhiệm về ngoại giao và quốc phòng cho Pháp (xem 8 trang 30). Đó cũng là nội dung « lời kêu gọi » mà ông công bố ngày 14/12/1945 tại Paris (xem 9). Ngày 14/12/1945, tướng De Gaulle (lúc đó vẫn là chủ tịch chính phủ Pháp) tiếp ông Vĩnh San. Theo ông E.P. Thébault thuật lại 8 : ngày 16/12/1945, ông được ông Vĩnh San kể lại là chính quyền Pháp chấp nhận ông Vĩnh San trở lại ngôi vua, và tướng De Gaulle dự định sẽ cùng đi Việt Nam với ông, vào khoảng tháng ba 1946. (Xin đối chiếu với 12).

e) Ngày 24/12/1945, ông Vĩnh San rời Paris trong một chiếc máy bay để về thăm gia đình ở La Réunion. Ngày 26/12/1945, trên chặng đường Fort Lamy-Bangui, tai nạn xảy ra khoảng lúc 18giờ30. Phi đoàn gồm một thiếu tá và hai trung uý, và hành khách gồm hai quân nhân (trong đó có ông Vĩnh San) và bốn thường dân, đều bị chết hết.

g) Sau khi tai nạn xảy ra, chính quyền Pháp có mở hai cuộc điều tra, và đi đến kết luận là không có bằng chứng gì là tai nạn do người ám hại ( 9 10).

Đó là các sự việc, theo các nguồn đã dẫn. Theo ý tôi, các nguồn này đều nghiêm chỉnh, không có lý do gì để nghi ngờ là họ nói sai sự thật.

Nhưng còn vấn đề hiểu và giải thích những sự việc này ra sao?

Theo 10 (trang 175), trong một khoảng thời gian dài, tướng De Gaulle nghi là tai nạn này có nguyên nhân mờ ám. Một số người khác (xem 8, trang 33 và 35) cũng đặt nghi vấn, nhưng « mờ ám » đây, chỉ có nghĩa là họ nghi rằng người Anh không muốn Pháp lập lại chủ quyền ở Đông Dương – thái độ của một số người Anh lúc đó có lẽ phức tạp và không đồng nhất 13. Nhưng những người đã ra lệnh điều tra, cũng là những người nghi là có sự « mờ ám », cũng lại là những người kết luận là không có bằng chứng để nghi. Dù sao, « mờ ám » đây, cũng chẳng có gì để cho người Việt Nam ta hiểu sang cách khác!
   

Những câu hỏi:

1/ Về việc ông Duy Tân gặp ông De Gaulle, đã kể ở đoạn d) trên đây, và cần đối chiếu với 12 , hai người đã nói với nhau những gì? Theo 8 10 thì chưa có một sự thoả thuận chính xác giữa hai người về quy chế chính trị của Việt Nam. Xin trích một đoạn của ông Thébault 8, trang 30 (tôi xin tạm dịch, và để cho thật chính xác, xin xem nguyên văn ở 14 dưới đây) : « Rồi ông Vĩnh San khẳng định rằng ông De Gaulle và ông ta nhanh chóng đồng ý trên các điểm chính và đặc biệt trên việc thống nhất ba kì. Ông De Gaulle tuy chưa dứt khoát chấp nhận, nhưng có vẻ thuận. Rồi thế nào ông De Gaulle cũng phải chấp nhận (việc này) – ông Vĩnh San nói với tôi như vậy ». Và một đoạn của 10 , trang 172, lời chứng của ông De Boissieu ( xin xem nguyên văn ở 15 dưới đây) : « Ông De Gaulle tiếp ông Vĩnh San không với kế hoạch định sẵn. Ông muốn biết và đánh giá ông Vĩnh San, mà ông Vĩnh San thì chỉ muốn một điều : trả lại ông vị trí đứng đầu nước Nam để ông có thể phục vụ ».

Tóm lại, theo tôi hiểu qua các tài liệu mà tôi được đọc:

- Phía ông Vĩnh San, thì muốn thực hiện những điều đã tóm tắt trên đây ở phần d) (thêm phần: nước Việt Nam thống nhất, có quan hệ liên bang với Miên, Lào... 8, trang 23).

- Phía ông De Gaulle, thì lúc đó, chính thức vẫn là lập lại chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, với quy chế chính trị sau đây : Liên bang Đông Dương trong khối Liên hiệp Pháp gồm năm xứ tự trị, Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Miên, Lào, với một chính phủ liên bang, đứng đầu là một viên toàn quyền...

Có người gán cho ông De Gaulle những « tư tưởng rộng rãi » đối với Đông Dương và Việt Nam lúc đó (thí dụ như lời chứng của ông De Boissieu trong 10 , trang 178). Nhưng nhiều nhân chứng khác cho thấy là không phải như vậy, kể cả sau thời điểm ông De Gaulle tiếp ông Duy Tân, như : việc đô đốc D'Argenlieu xin phép được sử dụng từ « độc lập » trong việc điều đình (với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) mà không được phép (xem 10 , trang 73; thời điểm: 7/1/1946; lúc đó ông De Gaulle còn cầm quyền); việc ông De Gaulle dặn ông H. Laurentie: « Chớ cho Nam kỳ cho ông Hồ Chí Minh » (xem 10, trang 238; thời điểm tháng tám 1946 ; lúc đó ông De Gaulle đã từ chức 16).

Ngoài ra, cũng cần chú ý là khi ông De Gaulle viết về ông Bảo Đại lúc đó (« si son successeur et parent Bao-Dai se montre, en définitive, dépassé par les évènements ... » ) nếu ta đứng về phía Việt Nam mà đọc, thì có lẽ phải hiểu từ « dépassé » theo nghĩa là ông Bảo Đại đứng về phía nhân dân Việt Nam, Pháp không sử dụng được về mặt chính quyền nữa (mà trong thực tế thì tháng tám 1945, ông Bảo Đại đã thoái vị và trở thành Cố vấn tối cao của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà).

Như tôi đã viết trong bài tiếng Pháp 17, lịch sử cho ta thấy là độc lập, tự do không do người ta cho mình, mà do mình đấu tranh bằng phương pháp hoà bình hoặc/và vũ trang mà giành lấy. Ông Duy Tân đã dựa trên cơ sở nào để đánh giá tình hình lúc đó, mà bắt tay với chính phủ ông De Gaulle ? Ông muốn điều đình chăng? Nhưng với lực lượng nào làm hậu thuẫn để đòi được thống nhất, độc lập, dù là thống nhất, độc lập « sau một thời gian » (à terme) và có bảo đảm quyền lợi cho nước Pháp, như chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lúc đó và sau đó cũng cố gắng điều đình với Pháp mà không thành công?

Tôi không có ảo tưởng là có được câu trả lời cho những câu hỏi ấy.

Có chăng là, như tôi đã viết trong bài 17, chúng ta có thể thông cảm với ông Duy Tân ở chỗ là tình hình ở Việt Nam lúc đó rất phức tạp:

Cuối 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời được vài tháng; « lý lịch » của Hồ chủ tịch còn có người chưa rõ; những người đồng chí và cộng tác thân cận của Hồ chủ tịch còn chưa được mấy người biết đến, như ông Võ Nguyên Giáp lúc đó còn chưa là vị danh tướng như sau này, vv. Tại chỗ lại đầy dẫy quân nước ngoài: nửa trên (vĩ tuyến 16) thì quân Tàu Tưởng kéo sang, nửa dưới (vĩ tuyến 16) thì quân Anh-Ấn kéo vào, để giải giáp quân Nhật còn đóng tại chỗ. Quân Pháp thì đổ bộ vào miền Nam. Lại thêm một số giáo phái, đảng phái lắt nhắt, được sự bảo trợ của nước ngoài, đang hoành hành dữ. Vả lại, bị đày xa nước nhà đã gần 30 năm, ông Duy Tân có thể không rõ rằng xã hội Việt Nam lúc đó đã thay đổi, và ngoài lòng thiết tha đòi « độc lập, tự do », nhân dân Việt Nam còn mong mỏi tìm thấy « hạnh phúc » thông qua một chính quyền « từ nhân dân mà ra » nữa.

2/ Vào khoảng những năm 1947-1948 , khi các nhà cầm quyền Pháp thời đó thấy không thể lập lại chủ quyền Pháp ở Đông Dương như cũ được nữa, nhưng đồng thời lại còn tiếc rẻ, họ bèn tìm một giải pháp khác 18, nghĩa là tìm « người đối thoại » để lập ra một thứ chính phủ « quốc gia » người Việt do họ kiểm soát, để đối lập với chính phủ kháng chiến « cộng sản » (của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà). Có phải vì vậy mà họ lại bới ra việc ông Duy Tân? Ông Duy Tân đã chết tháng 12/1945, mà vì một sự trùng hợp gì mà đến ngày 16/7/1947 mới có việc trích đăng « chúc thư chính trị » của ông trong tờ báo Combat ? Có phải « lá cờ vàng ba sọc (màu lam hay màu đỏ ?)» là lá cờ của ông Duy Tân (xem 8, trang 30, dòng 19) nghĩ ra và định sử dụng 19 ? Nếu đúng vậy, thì ai, và với dụng ý gì, đem cái cờ này ra cho ông Bảo Đại làm cờ « quốc gia » lúc Pháp đưa ông về làm « quốc trưởng » trong vùng họ tạm chiếm, và còn có người tiếp tục dùng cái cờ này về sau?

Tôi nghĩ rằng, khi có người đem so sánh ông Duy Tân với ông Bảo Đại 20 , thì cũng có chỗ không công bằng. Không có cơ sở gì để ta hoài nghi lòng yêu nước của ông Duy Tân, trong thời trẻ, cũng như trong phần cuối đời ông. Ta có thể giả thuyết rằng ông quá tin và không sát thực tế, nhưng hành động của ông khi còn sống chưa đưa đến hậu quả nào, xấu hay tốt.

Cho nên tôi hiểu được thái độ của người trong nước trong việc (gia đình ông, thực hiện lòng ước mong của ông) đưa hài cốt ông về nước chôn tại lăng ở Huế. Giáo sư Phạm Huy Thông đã có một kết luận « vừa mức », trong bài báo về ông Duy Tân 21.

Riêng tôi, khi được đọc các tài liệu đã dẫn về quân hàm thiếu tá của ông (: không học trường võ bị; không kịp tham gia chiến tranh chống Đức quốc xã ; tham gia phái kháng chiến Pháp với tư cách thường dân chứ không với tư cách quân nhân; sắc lệnh phong ông làm thiếu uý, trung uý, đại uý, tiểu đoàn trưởng-thiếu tá ký cùng một lúc, chỉ đề ngày khác nhau,...), tôi nghĩ rằng giả thuyết « ông được phong quân hàm thiếu tá không phải vì đã tham gia chiến tranh trong quân đội Đồng Minh chống Đức quốc xã » là có cơ sở. Tiếp theo giả thuyết đó, câu hỏi « Phải chăng ông được phong quân hàm thiếu tá là vì chính quyền De Gaulle sửa soạn sử dụng ông trong kế hoạch Đông Dương của họ? » hẳn cũng có cơ sở.

Dù sao, như tôi đã viết trong bài, tôi vẫn tiếp tục nghĩ rằng ông Duy Tân từ trước tới sau vẫn là một người yêu nước. Có thể rằng việc ông tham gia phái kháng chiến Pháp (với tư cách thường dân), và việc ông thiết tha xin tòng quân gia nhập hàng ngũ quân đội Pháp của tướng De Gaulle để sang chiến đấu ở châu Âu, phát nguồn từ ý « nếu mình góp phần giúp người Pháp giải phóng đất nước họ, thì họ sẽ không quên rằng mình có quyền mong mỏi đất nước Việt Nam của mình được độc lập tự do » chăng?

Nhưng đây chỉ là những giả thuyết. Tôi không phải là nhà nghiên cứu sử học. Tôi chỉ chép nhặt lại một số điều mà tôi được đọc qua một số tài liệu 22 . Tôi đã không cất công lục lọi tìm kiếm mọi tài liệu có thể có, tôi cũng không tìm hỏi các nhân chứng 23. Vì mục đích của tôi chỉ là nêu một số câu hỏi. Xin để ai có bằng chứng thì trả lời.

Tôi chỉ xin được nói thêm : không nên và không cần vì tình cảm mà tô điểm cho sự việc, nếu không thì rơi vào cảnh: « Yêu thì yêu cả đường đi, ghét thì ghét cả tông chi họ hàng » !

   
Tháng Tám 1987

Bùi Trọng Liễu

 
 

Nguồn hình ảnh : Các hình ảnh minh hoạ bài này do Diễn Đàn tuyển chọn từ bộ hình của trạm URL : http://vinhsan.free.fr/

   

   

1 Như : « Đưa hài cốt vua Duy Tân về nước », trong Nhân Dân 3/4/87. « Lễ tưởng niệm và cải táng hài cốt vua Duy Tân được tổ chức trọng thể tại Huế », trong Nhân Dân 7/4/87. « Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng tiếp các con của cựu hoàng Duy Tân », trong Nhân Dân 12/4/87.

2 Nếu không kể ông Dục Đức mà cũng có người coi là đã được làm vua trong ba ngày.

3 Xem « Cụ Trần Cao Vân » của Hành Sơn, nxb Minh Tân, Paris 1952.

4 Về ngày thoái vị này, cuốn « Tổng khởi nghĩa tháng tám 1945 », nxb Sự thật, 1985 thì ghi là 30/4/1946, chứ "Encyclopaedia Universalis" lại đề là ngày 25/8/1945.

5 « Vua Duy Tân » của Minh Phú, trong báo Hà Nội mới ngày 5/4/1987.

6 Các vua triều Nguyễn có lệ không phong hoàng hậu, không đặt tể tướng, không lấy trạng nguyên. Trường hợp vua Bảo Đại với hoàng hậu Nam Phương là ngoại lệ.

7 « Gặp các bà hoàng cuối triều Nguyễn », trong tập san Sông Hương, số 9 (tháng 9/1984), có in lại trong Đoàn Kết, số 372 (tháng 7/1985).

8 « Le tragique destin d'un empereur d'Annam, Vinh-San/Duy-Tân », của E.P.Thébault, trong France-Asie-Asia, số 200, 1er semestre 1970, trang 3-40. Ông E.P.Thébault có lúc đã là đổng lý văn phòng của toàn quyền gaulliste Capagorry ở La Réunion khoảng năm 1942-1943 khi đảo này chuyển từ chính quyền Vichy sang chính quyền De Gaulle, và quen biết ông Duy Tân nhiều. Tài liệu này nói khá kỹ và có đưa bằng chứng.

9 « Chronique d'Indochine, 1945-1947 », của đô đốc Thierry d'Argenlieu, nxb Albin Michel, 1985, trang 436-437.

10 « Le général De Gaulle et l'Indochine, 1940-1946 », (colloque tenu par l'Institut Charles De Gaulle les 20 et 21 février 1981, actes établis par Gilbert Pilleul), nxb Plon, 1982.

11 Theo ông E.P.Thébault kể thì sắc lệnh này không đăng trong công báo Journal Officiel, nhưng ông ta có xin được một bản sao của Bureau central d'archives administratives militaires.

12 Trong « Mémoires de guerre (1940-1945) » , tập 3, nxb Plon, 1959, trang 230 và 231, ông De Gaulle viết: « Aux fins qui pourraient être utiles, je nourris un dessein secret. Il s'agit de donner à l'ancien empereur Duy-Tan les moyens de reparaitre, si son successeur et parent Bao-Dai se montre, en définitive, dépassé par les évènements.[...]. C'est une personnalité forte. [...]. Le 14 décembre, je le recevrai pour voir avec lui, d'homme à homme, ce que nous pourrons faire ensemble. Mais quelles que soient les personnes avec qui mon gouvernement sera amené à conclure les accords, je projette d'aller moi-même les sceller en Indochine dans l'appareil le plus solennel, quand le moment sera venu ».

13 a) Theo 8, trang 33, ông Duy Tân kể cho ông E.P. Thébault là: người Anh đề nghị cho ông 30 triệu để ông từ bỏ ý định trở về ngôi vua. b) Tướng Gracey, tư lệnh quân đội Anh ở Việt Nam lúc đó, thì hết sức giúp quân Pháp đổ bộ vào. c) Theo 10, trang 203, thì đô đốc Mounbatten (hầu tước Anh, tư lệnh quân đội Đồng Minh ở Đông Nam Á) sau này kể lại với Ph.Devillers là ông ta tiếc rằng lúc đó hội nghị Potsdam không trao quyền giải giáp quân Nhật trên toàn lãnh thổ Việt Nam cho người Anh: ông ta có thể làm trung gian giữa cụ Hồ và người Pháp để điều đình; ông ta nói là tướng Gracey đã vượt quyền.

14 Nguyên văn: Puis il (Vĩnh San) m'affirma que De Gaulle et lui étaient tombés assez vite d'accord sur les points essentiels et notamment sur la réunion des trois kỳ. De Gaulle, sans l'accepter formellement, semblait y être favorable: « Il y viendra nécessairement », me dit Vĩnh San.

15 Nguyên văn: C'est donc sans plan nettement défini qu'il [De Gaulle] reçoit le prince Vĩnh San. Il veut jauger l'homme, lequel ne veut qu'une chose: qu'on le replace à la tête de l'Annam et qu'il puisse y servir.

16 Ông De Gaulle từ chức (tháng 1/1946) do thời cuộc ở Pháp, và ông chỉ trở lại cầm quyền 13 năm sau (tháng 5/1958). Ông đã đổi ý (trở thành thuận) về nền độc lập thống nhất của Việt Nam vào lúc nào, để đi tới tuyên bố ngày 29/8/1963 và bài diễn văn của ông đọc tại Phnôm Pênh ngày 1/9/1966, thời Mỹ đang can thiệp ở Việt Nam?

[Lời bổ sung 1998: Có lẽ cần kể thêm là con ông ta, đô đốc Philippe de Gaulle, có lẽ muốn gỡ trách nhiệm cho cha, có viết trong hồi ký của mình « Mémoires accessoires, 1921-1946 », nxb Plon, 1997, trang 392, là đầu tháng 12/1945, đô đốc D'Argenlieu có xin ý kiến tướng De Gaulle về việc chấp nhận từ « độc lập » trong khi điều đình với Việt Nam, thì tướng De Gaulle cho ý kiến thuận. (Nguyên văn: Au début de décembre, il [Jean Sainteny] y rencontre Ho Chi Minh et, à la fin du même mois, l'amiral d'Argenlieu demande au général de Gaulle, qui répond affirmativement, si le terme d’ « indépendance » peut être accepté dans les accords et, puisque Bao Dai a abdiqué fin août, et si le retour de l'ex-empereur Duy Tan (prince Vinh San) serait envisageable. Mais ce dernier a trouvé la mort dans un accident d'avion à Madagascar (sic) deux jours auparavant. [...] Le général de Gaulle aura quitté le pouvoir le 20 janvier (1946). A partir de cette date, la question indochinoise lui échappe). Đấy chỉ là những lời chứng, không có văn kiện làm bằng, mà lại không phù hợp với những lời chứng khác. Thêm vào đó, vài chi tiết mà đô đốc Philippe de Gaulle nêu ra, (thí dụ như khi ông ta kể ông Duy Tân bị nạn máy bay ở Madagascar (sic)), không phù hợp với sự thực].

17 « Duy-Tân », trong Đoàn Kết số 392 và số 393, 1987.

18 « Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc », nxb Hà Nội 1983 của Phạm Khắc Hoè. Ông Phạm Khắc Hoè trước là ngự tiền văn phòng tổng lý của vua Bảo Đại, lúc trước Cách mạng Tháng tám 1945. Theo ông Hoè kể lại: tháng tư 1947, ở Sài Gòn ( lúc đó thuộc vùng quân đội viễn chinh Pháp chiếm), ông tìm gặp cựu hoàng hậu Nam Phương (vợ Bảo Đại). Xin trích lại đây (trang 259-260) một mẩu câu chuyện ông Hoè nói với bà Nam Phương. (Ông Hoè nói:)

- Chủ trương của thực dân Pháp là dựng nên một chính phủ mà họ gọi là chính phủ quốc gia để chống lại chính phủ kháng chiến của cụ Hồ mà họ gọi là cộng sản. Đó là chính sách « chia để trị », chính sách « dùng người Việt đánh người Việt », tạo điều kiện cho thực dân Pháp đô hộ dân tộc ta mãi mãi. Vai trò chủ tịch chính phủ quốc gia bù nhìn ấy lúc đầu (tức tháng 10/1945), tướng Đờ-Gôn đã quyết định giao cho cựu hoàng Duy Tân. Duy Tân đã nhận lời và được phép bay đi Rê-uy-ni-ông thăm vợ con trước khi trở về Việt Nam. Nhưng Duy Tân đã bị tử nạn trên trời châu Phi. Duy Tân chết, thực dân Pháp lại muốn sử dụng Thành Thái, nhưng Thành Thái đã cương quyết từ chối. Cho nên cuối cùng, họ phải quay về cái mà họ gọi là – xin lỗi ngài – « con bài Bảo Đại » hoặc « con bài Bảo Long-Nam Phương »... [...]. Để chơi con bài này [...], thực dân Pháp đã đưa tôi từ Hoả Lò, Hà Nội vào ... Đưa Trần Trọng Kim từ Hông Kông về ... đưa đại uý Bông từ Pháp sang ... và xui Phan Văn Giáo mở cuộc vận động khôi phục quân quyền... (Họ) đang tiếp tục làm đủ mọi cách, tìm đủ mọi người để hòng một lần nữa – xin ngài tha lỗi – lôi cuốn cả gia đình ngài vào cạm bẫy của họ... [...].

(Vẫn theo ông Hoè kể, thì bà Nam Phương có trả lời như sau:

- [...] Ngày mai, tôi sẽ biên thư cho nhà tôi, kể tất cả những điều ông vừa cho biết để nhà tôi đề phòng không bị lôi cuốn vào cạm bẫy của bọn thực dân...[...]

(Chú thích: Lúc này ông Bảo Đại đang ở Hồng Kông. Mấy tháng sau, ông Hoè ra chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến).

[Lời bổ sung 1998: Nhưng trong cuốn « Bao Dai ou les derniers jours de l'Empire d'Annam », nxb JC Lattès, 1997, tác giả Daniel Grandclément lại có cái nhìn khác về vai trò và tính toán của bà Nam Phương: nhà báo này đưa giả thuyết là bà Nam Phương muốn lập lại chế độ quân chủ, với giải pháp Bảo Long, con trai trưởng, lên ngôi và bà ta phụ chính].

19 Xin phân biệt giữa: cờ « long tinh » (vàng, một sọc đỏ ở giữa, rộng một phần ba chiều rộng, chạy dài suốt lá cờ), là cờ của Nam triều, lúc còn Pháp bảo hộ ; cờ « quẻ ly » (vàng, hai sọc đỏ trên và dưới, kẹp hai gạch đỏ cách đôi ở giữa, như một chữ « vương đỏ không (cột) sống), là cờ thời « độc lập-thuộc Nhật-chính phủ Trần Trọng Kim », và cờ « ba sọc » (vàng, ba sọc đỏ).(...).

[Lời bổ sung , 2001 : Nhân đọc cuốn sách Người Việt ở Pháp 1940-1954 của Đặng Văn Long 1997, trang 403, tôi thấy kể là vào đầu năm 1946, ở một số trại công binh Việt Nam ở Pháp có nhận được một bản « Thuyết minh » của cựu hoàng Duy Tân, làm tại Paris 14/12/1945, (12 ngày trước khi ông Duy Tân bị tử nạn máy bay, nhưng đầu năm 1946 mới phát ra), trang đầu có hàng chữ « Duy Tân hoàng đế di chiếu », kèm theo một bài sấm Trạng Trình, lời lẽ kỳ lạ. Bài sấm Trạng Trình đó như sau:

Vội đi tìm lại tổ xưa,
Lưng giời nhiệt khí hoả lô thăng hà,
Thầy Tăng nguyện chú phân ba,
Còn là cơ vị, mất là ngẫu phân.
Quỷ xa tranh với quỷ gần,
Hổ mang cuốn khúc, ngũ tuần đông lai.

« Di chiếu » thật của cựu hoàng Duy Tân, hay là di chiếu giả do nhà cầm quyền thực dân bày ra? Tôi liên tưởng tới sự việc sau đây : hồi 1949, lúc tôi còn ở quê (lúc này Pháp đã ký với cựu hoàng Bảo Đại), quân đội viễn chinh Pháp có rải truyền đơn một bài sấm Trạng Trình, tôi nhớ mang máng (không bảo đảm chính xác câu chữ ) bốn câu như sau, lời lẽ rất thô thiển như sau:

Ô hô thế sự bềnh bồng,
Nam Bắc hà thời thiết lộ thông,
Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch,
Nguyễn vô thành nội huyết do hồng ( !?).

Chiến tranh tâm lý đôi khi nhắm vào những gì thô thiển? Cũng tội nghiệp cho Trạng Trình, bao nhiêu lần bị người ta lợi dụng tên để chế biến ra những câu tiên tri giả.

20 Sau khi thoái vị, ông Bảo Đại, nay trở thành ông Vĩnh Thụy, được Hồ chủ tịch mời ra Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 3/1946, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (lúc đó là chính phủ liên hiệp các đảng phái) cử một phái đoàn thân thiện đi Trùng Khánh (lúc đó là thủ đô của chính quyền Tưởng Giới Thạch, mà quân Tưởng lại đang đóng ở nước ta, từ vĩ tuyến 16 trở lên). Khi phái đoàn trở về thì ông Vĩnh Thuỵ ở lại (theo 18 đã dẫn thì ông ta bỏ không về; còn theo ông Lê Tùng Sơn, Nhật ký một chặng đường, nxb Văn học Hà Nội 1978, thì lúc ấy tình hình trong nước rất lộn xộn, nên Hồ chủ tịch cho điện bảo ông ta tạm ở lại Trung Quốc chờ lệnh mới; còn chính ông ta thì kể trong cuốn Dragon d'Annam là ông ta nhận được thư cụ Hồ bảo tạm ở lại). Sau ông ta sang Hồng Kông. Cuối 1947, chính quyền Pháp bắt đầu tiếp xúc với cựu hoàng Bảo Đại ở Hồng Kông, rồi ở vịnh Hạ Long (6/12/1947) rồi Genève (12/1/1948), rồi Paris (8/3/1949).

[Chú thích bổ sung, 1998: Có người lưu ý rằng mỗi lần quân đội viễn chinh Pháp thua quân kháng chiến (cụ Hồ) một đợt, thì lại nhả ra cho ... ông Bảo Đại một chút. Thế mà ngay khi ký Thoả ước Elysée 8/3/1949 với ông Bảo Đại (có Trần Văn Hữu và Bửu Lộc), chính quyền Pháp lúc đó vẫn chưa chịu dứt khoát nhả « thống nhất » dù chỉ là trên giấy tờ. Cũng phải đến 23/4/1949, khi ông Bảo Đại cho biết chỉ chịu về Việt Nam (tất nhiên là theo nghĩa vùng Pháp kiểm soát) nếu Nam Kỳ tái nhập vào Việt Nam, thì Hội đồng Nam Kỳ (do chính quyền Pháp đặt ra) mới biểu quyết sự tái nhập này của Nam Kỳ vào « Quốc gia Việt Nam ».

Cũng có người lưu ý rằng: khi ông (Bảo Đại) du học ở Pháp về làm vua, tuy chẳng còn quyền hành gì vì chính quyền bảo hộ Pháp nắm giữ hết, ông cũng có được một cử chỉ tân tiến là thay lễ « lạy (vua) năm lạy » bằng « vái ba vái » (hành tam khấu lễ) ; hồi tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp, triều đình Huế tuyên bố bãi bỏ Hiệp định Pháp bảo hộ, ông cũng có được câu « Dân vi quí » (câu của Mạnh tử: Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh, nghĩa là dân là quí, rồi mới đến nhà nước, còn vua là « nhẹ »); hồi Cách mạng Tháng tám 1945, lúc ông thoái vị cũng có được câu « ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ »; mấy tháng làm Cố vấn tối cao bên cụ Hồ, thái độ của ông chẳng có gì đáng trách. Nhưng sau ông ký kết với chính quyền Pháp, dần dần bắt lính người Việt, thành lập quân đội dưới sự chỉ huy của Pháp, với sự viện trợ của Mỹ, chuyển màu da của chiến tranh (dù cho vì « chiến tranh lạnh thế giới » và thời cuộc đẩy đưa), thì trách nhiệm của ông lại nặng. Viết những dòng này, tôi nghĩ rằng: xét người cũng như xét sự việc, nên đánh giá từng giai đoạn, không nên đem giai đoạn sau gán cho giai đoạn trước, hay ngược lại.

(Có lẽ cũng nói thêm là, đọc lại mấy tờ báo Pháp vào những ngày 19, 20, 21, 22 tháng 12 năm 1946 nghĩa là vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, thì thấy họ chẳng phân biệt người Việt Nam quốc gia, người Việt Nam cộng sản gì hết , chỉ thấy họ nói đến quyền lợi của Pháp ở Đông Dương...)].

21 « Duy Tân, một nhà vua, một con người », trong báo Đại Đoàn Kết , ngày 15/4/1987. 

[Chú thích bổ sung, 1998: Ông Phạm Huy Thông có viết: [...] Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chúng tôi ở Pháp đã có dịp tình cờ gặp ông [Vĩnh San] trên đường phố Pa-ri. Tôi đã tiếp xúc ông, trong quân phục thiếu tá Pháp, ở căn phòng quận sáu Pháp. Đã nói chuyện chừng một tiếng đồng hồ với con người bé nhỏ, điềm đạm, thông minh ấy, thăm dò ý tứ nhau. Tôi đã chụp chung một tấm ảnh mà, sau đó, để tránh mọi sự hiểu lầm có thể có với diễn biến của tình thế, tôi đã huỷ đi, huỷ cả phim. Không bao lâu, báo chí đăng tin thiếu tá Vĩnh San, hoàng đế An Nam cũ, qua đời vì rủi ro. [...] theo tôi biết, ông không bao giờ hối tiếc việc đã làm thời niên thiếu. Cũng không được quên ý Bác Hồ dạy chúng tôi, thời chúng tôi ở Pháp mới đến với cách mạng Việt Nam : trong mỗi người Việt Nam từ xưa vẫn thường có một người dân yêu nước. [...] 

(Ông Phạm Huy Thông(1916-1988) trước du học ở Pháp, tiến sỹ Luật, agrégé Sử Địa ở Pháp. Thời gian ở Pháp, ông hoạt động trong phong trào Việt kiều. Năm 1946, ông làm thư ký cho Hồ Chủ tịch khi Chủ tịch sang Pháp đàm phán. Năm 1952, ông bị chính quyền Pháp trục xuất về Sài Gòn, ở đó ông tham gia đấu tranh chính trị, là Tổng thư ký phong trào vận động hoà bình (1954), bị bắt nhiều lần, và rốt cục bị trục xuất ra Bắc (1955); ở đó ông giữ nhiều nhiệm vụ trong các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam, vv. Ông làm hiệu trưởng Đại học sư phạm, rồi phó chủ nhiệm Uỷ Ban Khoa học Xã hội, viện trưởng viện Khảo cổ. Ông là nhà thơ, nhà khảo cổ, nhà ngôn ngữ học, nhà sử học,...)].

22 Xin chân thành cảm ơn các anh Hải Vân, P.Q. và T.T.Hiệp đã giúp tôi một số tài liệu.

23 Xin kể thêm rằng ngày 28/3/1987, trong lễ truy niệm ở chùa Vincennes (Pháp) trước khi đưa hài cốt cựu hoàng Duy Tân về nước, một nhóm người muốn trưng cờ vàng ba sọc đỏ. Ông Georges Vĩnh San (con trai ông Duy Tân) và gia đình đã cương quyết bác bỏ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss