Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / DIỄN TỪ

DIỄN TỪ

- Georges CONDOMINAS — published 01/04/2010 23:33, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
tại lễ trao Giải thưởng văn hoá PHAN CHÂU TRINH


Nhận giải thưởng Phan Châu Trinh (về Việt học)


DIỄN TỪ

Georges CONDOMINAS

Thưa ông Chủ tịch,

Thưa các bạn Đồng nghiệp trong Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh thân mến,

Xin các bạn cho phép tôi một lần nữa nồng nhiệt cảm ơn các bạn đã dành cho tôi vinh dự rất lớn được nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh 2009. Qua bản thân tôi vốn chỉ là một nhà nghiên cứu, giải thưởng này cũng là vinh dự của Cộng đồng Pháp ngôn ; chẳng những thế, do gốc gác của riêng tôi, nó còn là vinh dự cho tổ tiên người Việt đã gợi hứng cho tôi nghiên cứu.

condo

Thực ra, tôi chỉ đã làm bổn phận của mình, và giải thưởng này cũng là của toàn thể các nhà nghiên cứu đã làm việc ở Trung tâm Sưu tập tư liệu và Nghiên cứu về Đông Nam Á và Thế giới Nam đảo (CeDRASEMI) mà tôi đã lập ra ở Paris và sau đó ở cả Valbonne (Côte d’Azur), dưới sự chủ trì của Trường Cao học về Khoa học Xã hội (EHESS) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS). Bản thân tôi chỉ là một nhân tố của Trung tâm, những thành quả đạt được là của toàn thể các nhà nghiên cứu thuộc CeDRASEMI cũng như của các đồng nghiệp thân cận với nó.

Tôi cũng xin các bạn khoan thứ cho việc tôi sắp nhắc đến các kỷ niệm cá nhân , nhất là về thời thơ ấu của mình, trong một tình huống long trọng như hôm nay, vì người ta vẫn thường xem làm như thế là không khoa học Lúc tôi mới tám tuổi, một hôm tôi thấy lần đầu một người Thượng (mà thời ấy người ta gọi là « Mọi » cũng giống như người Hy Lạp thời xưa gọi những dân tộc không phải Hy Lạp là « Barbaroï »). Từ vùng rừng núi lân cận, người Thượng ấy đem đến tặng cho bố tôi một ché rượu cần để tỏ tình thân thiện. Trước sự kinh ngạc đầy thán phục của tôi đối với người Thượng ăn bận sơ sài đó, bố tôi thoải mái nói với tôi: «Người này có dáng dấp dũng cảm và hiên ngang, tổ tiên của người Việt cách đây hai ngàn năm chắc cũng giống như thế!» Sự cố ấy và nhận xét ấy đã in sâu trong trí nhớ của tôi đến mức sau này tôi đã tìm cách biến huyền thoại cá nhân này thành hiện thực. Dĩ nhiên nền giáo dục cũng như kinh nghiệm đã khiến tôi, từ tuổi thơ đến khi trưởng thành, ngày càng thấy được sức nặng của sự mơ mộng trong kỷ niệm này; nhưng sự mơ mộng đó đã duy trì trong tôi sự cổ vũ tượng trưng trong hành động nhằm thực hiện những ước nguyện của tôi trong thế giới cụ thể liên quan đến gốc gác của tôi.

Sau đó khá lâu, vào năm 1937, khi tôi đang học trung học ở Paris và trước khi bố tôi về lại Việt Nam, bố con chúng tôi có lần đi dạo trong một cuộc Triển lãm Quốc tế, choáng ngợp trước sự rực rỡ của khoa học và nghệ thuật. Trong khi chúng tôi chuyện trò về hiện trạng thế giới lúc đó vừa hướng đến tương lai, cha tôi nói với tôi: «Lúc nầy, con thấy đó, chúng ta ở Việt Nam là để giúp họ; do họ tiến bộ rất nhanh, con sẽ thấy là chừng mươi năm nữa, họ sẽ không cần đến chúng ta, nên chúng ta sẽ phải ra đi!» Là một công chức cấp thấp, cha tôi không đời nào nói như thế trong giới thuộc địa, nhưng điều đã làm tôi kinh ngạc lâu sau đó là đã phát hiện ra nơi Phan Châu Trinh (mà cha tôi hoàn toàn không đọc các trước tác) một chương trình có nội dung tương tự, nhất là trong bức thư mà Phan Châu Trinh gửi cho Toàn quyền Đông Dương ba mươi năm trước đó. Điều kỳ lạ là bức thư này đã gây một số khó khăn cho Trường Viễn Đông Bác cổ vì đã công bố nó trong tập san của trường và nhất là đã khiến cho tác giả của nó phải chịu một số phận bi đát là bị đày ra Côn Đảo.


Chính từ năm 1940 trở đi tôi mới thực sự phát hiện ra giới thuộc địa, các đặc quyền và nhất là các sự bất công của giới này đối với tuyệt đại đa số dân chúng. Sự phát hiện đó đã bắt đầu sau khi tôi quay về Việt Nam (dự kiến chỉ lưu lại ở đây vài tháng thôi) vào tháng 1.1940. Nhưng nó thực sự trở thành sâu sắc sau cuộc xâm lăng của Nhật cũng vào cuối năm này. Người Pháp lúc đó rơi vào một tình trạng nhập nhằng mà tôi đã gọi là «kẻ chiếm đóng bị chiếm đóng». Tuy nhiên trong thời kỳ này ở Hà Nội tôi đã có thể vừa học Luật vừa học hội hoạ ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Đương nhờ được hoãn tòng quân dài hạn, để rồi rốt cuộc bị gọi vào Hải quân. Thay đổi và thử thách lớn nhất đè nặng trên những người «chiếm đóng bị chiếm đóng» đã bắt đầu với cái mà người ta gọi là «cuộc đảo chính Nhật»; cuộc đảo chính này đã loại bỏ lực lượng quân sự lèo tèo của Pháp vào ngày 9.3.1945.

Việc tôi vượt ngục thất bại và, tiếp theo, việc tôi bị Nhật bắt giam đã gây ra các dấu ấn sâu sắc nơi tôi trong suốt đời, nhưng chính các thử thách trong thời gian bị cầm tù đã vĩnh viễn dạy cho tôi biết được thế nào là tủi nhục và nhất là thế nào là cuộc sống bần cùng cũng như sự bất lực gần như tuyệt đối mà các cư dân thuộc địa cảm nhận khi muốn thoát ra khỏi cảnh lao lung.

Tôi tin rằng chính trong vô thức tôi đã chọn lựa cư dân nghèo khổ, sống nhọc nhằn trong những không gian xã hội hạn hẹp, nhưng gắn bó trực tiếp với Tự nhiên và với những tài nguyên của nó. Rời bỏ thế giới của những đặc quyền và thích nghi với lối sống của người Mnong Gar để hiểu họ hơn không chỉ là một thử thách mà còn làm cho bản thân tôi phong phú thêm lên, bởi vì tôi đã được hưởng tình bằng hữu của họ. Họ đã rèn luyện nhân cách của tôi và đã bắt tôi, dù họ không ý thức được điều đó, tìm một phương pháp nghiên cứu tôn trọng được tập tục và ngôn ngữ của họ. Đúng là tôi nợ họ quá nhiều!

Tôi đã có được may mắn sống liên tục hai mươi tháng liền trên thực địa giữa lòng đồng bào Mnong Gar, nhưng phải trừ đi bốn tháng nằm bệnh viện, rồi tăng thêm mười lăm ngày sau khi bị bại liệt và hai tuần quay lại cùng họ tám năm sau đó. Như vậy, tôi đã có được may mắn vượt quá dự định của tôi là phải quan sát một chu kỳ nông nghiệp kéo dài mười hai tháng. Sở dĩ tôi có được may mắn đó là nhờ tình bạn và sự thông cảm của người Mnong Gar.

Tôi còn được một may mắn khác là đã vượt qua phần cuối của thử thách nhờ khả năng nghề nghiệp của bác sĩ Jouin ở Buôn Ma Thuột và nhờ Giáo sư Soulage ở bệnh viện Grall (Sài Gòn).

Mặt khác, tôi cũng đã có được những người bạn đủ can đảm để đến làng Sar Luk giúp tôi đo đạc các thửa rẫy và các ngôi nhà mà tôi cần nghiên cứu. Nhưng nhất là tôi cần phải cảm ơn hai sinh viên hành chính điều khiển đồn Pháp ở Lac cũng như anh cán bộ Việt Minh, sau khi đã bí mật đến Sar Luk quan sát tôi làm việc, đã thấy được sự hữu ích của các nghiên cứu của tôi cho Việt Nam, nên đã để cho tôi yên.

Còn nhiều người khác nữa... Một nhà nghiên cứu trên thực địa không phải lúc nào cũng gặp được nhiều may mắn như thế.

Để có một cái nhìn toàn bộ về dân tộc học Việt Nam, một nước có nhiều dân tộc, đáng ra cần phải nghiên cứu nhiều không gian xã hội khác. Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật về Hải ngoại (ORSTOM) đã cho phép tôi, với tự giúp đỡ của Trường Viễn Đông Bác cổ, thực hiện một nghiên cúu có chiều sâu về một nhóm người. Nhưng không may là ORSTOM lại không có nhiều nhà dân tộc học, nên sau đó đã gửi tôi đến các nước khác ở ngoài châu Á. Do đó tôi đã chỉ có thể tiến hành các nghiên cứu giới hạn về người Rađê, Thái và Kinh (Việt). Chỉ rất lâu về sau, nhờ Trường Cao học về Khoa học Xã hội và nhờ sự thành lập CeDRASEMI, chúng tôi mới mở rộng được các nghiên cứu ra cả toàn bộ Đông Nam Á.

Tôi muốn cảm tạ nơi đây các đồng nghiệp Việt Nam của tôi và, riêng cá nhân tôi, đặc biệt cảm tạ nhà dân tộc học quá cố Nguyễn Từ Chi mà tôi vinh dự được kết làm bạn thân. Một lần nữa xin nồng nhiệt cảm ơn tất cả các đồng nghiệp trong Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh.

Paris, ngày 24 tháng Ba năm 2010

Georges CONDOMINAS

>> nguyên tác tiếng Pháp

Ngày 24.3.2010, giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh 2009 đã được trao cho các ông G. Condominas (Việt học), Inrasara Phú Trạm (nghiên cứu), Hồ Ngọc Đại (giáo dục), Phạm Vĩnh CưLê Anh Minh (dịch thuật).

1. Đôi nét tiểu sử Georges Condominas

Sinh năm 1921 ở Hải phòng, bố người Pháp và mẹ lai Bồ Đào Nha - Trung Quốc - Việt Nam.

Tuổi thơ, theo chân một người cha là hạ sĩ quan trong các cuộc công cán ở Pháp, Tunisie và Việt Nam, hẳn ông đã tìm ra được niềm ham thích khám phá từ đấy.

Ông đã đạt được nhiều văn bằng trong nhiều ngành khác nhau : cử nhân luật ở trường đại học Hà Nội – nơi ông cũng theo học trường cao đẳng Mỹ thuật – vào năm 1943, cử nhân văn chương rồi tiến sĩ khoa học học nhân văn ở Sorbonne vào năm 1947 và 1970, văn bằng của Trung tâm đào tạo về nghiên cứu dân tộc học ở Paris năm 1948, và cuối cùng văn bằng của trường Cao đẳng thực hành Paris năm 1955.

Sau chiến tranh, Condominas theo học các khoá học của André Leroi-Gourhan, Denise Paulme và Marcel Griaule ở Bảo tàng Nhân chủng học cùng với Georges Balandier, Jean Guiart và Paul Mercier. Ông đã theo dự các xê-mi-na của Maurice Leenhardt ở Trường Cao đẳng thực hành Paris (EPHE).

Một thực địa khai mở : Sar Luk (Việt Nam)

Năm 1948, hai mươi bảy tuổi, ông tiến hành cuộc thực địa đầu tiên, theo chủ trương của Cơ quan nghiên cứu khoa học ở thuộc địa (Orsc), về sau sẽ trở thành Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hải ngoại. Ông đã đến Sar Luk, một làng của người Mnong Gar, trên cao nguyên Darlac (ngày nay là tỉnh Đắc Lắc) ở miền trung Việt Nam. Ông đã cố gắng năm bắt một cách trung thành nhất cuộc sống xã hội của ngôi làng này.

Từ cuộc nghiên cứu thực địa ở Sar Luk đã ra đời một công trình khoa học phong phú đưa đến hai cuốn sách rất nổi tiếng : Chúng tôi ăn rừng đá thần Gôo (Nous avons mangé la forêt de la pierre-génie Gôo) (1957) và Kỳ lạ mỗi ngày (l'Exotique est quotidien) (1965).

Chúng tôi ăn rừng là một tác phẩm hết sức hiện đại được Maurice Nadeau, Édouard Glissant và Claude Lévi-Strauss hết sức chú ý.

Khi nó ra đời, Claude Lévi-Strauss đã chào mừng tác phẩm này bằng những lời hết sức nồng nhiệt : " Chúng tôi ăn rừng đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, đặc trưng bởi sự gắn bó sâu sắc với thực tế bản địa hơn tất cả những gì đã từng được toan tính trước nay "

Kỳ lạ mỗi ngày (1965) được xuất bản trong bộ sách Trái đất của con người ở nhà xuất bản Plon, do Jean Malaurie chủ trương.

CeDRASEMI

Condominas tiếp tục sự nghiệp dân tộc học của mình trong nhiều cuộc nghiên cứu giữa những 1957 và 1960. Ông đã lần lượt là:

● nhà nghiên cứu của Orstom ở Togo và Madagascar.

● ủy viên thông tấn của Viện Viễn đông bác cổ trong các năm 1947, 1951 và 1954.

● phái viên của UNESCO ở Thái Lan, Lào và Cămpuchia. 

Năm 1960 ông được bổ nhiệm làm giám đốc nghiên cứu ở chi nhánh của trường Cao đẳng thực hành (Ephe) nơi năm 1962, cùng với André-Georges Haudricourt và Lucien Bernot, ông đã thành lập Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam Á và vùng Insulien (CeDRASEMI), từ đó CeDRASEMI sẽ là nơi tất cả các nhà nghiên cứu Pháp về khu vực văn minh này bắt buộc phải đi qua. 

Dấn thân đến cùng 

Đối với Condominas dân tộc học là một loại hình sống toàn vẹn chính nó biện minh cho những sự dấn thân của ông:

● thái độ chống chủ nghĩa thực dân càng quyết liệt hơn vì ông đã từng tham gia vào nền cai trị thuộc địa (việc ông ký Tuyên ngôn 121 người),

Tuyên ngôn 121 người, với tiêu đề "Tuyên bố về quyền bất tuân lệnh trong chiến tranh Algérie", có chữ ký của các trí thức, các giáo sư đại học và nghệ sĩ và được công bố ngày 6 tháng Chín 1960 trên tạp chí Sự thật-Tự do. Nó được hình thành từ hoạt động của nhóm phi chính thức có tên là "Những người bạn của đường phố St-Benoît" do từ tên của con đường có ngôi nhà của Marguerite Duras ở Paris. Nhóm này gồm Maurice Blanchot, Dionys Mascolo, Edgar Morin, Robert Antelme, tất cả đều là đảng viên cọng sản đã ra khỏi đảng năm 1956. Điều đó cho phép tập họp những nhân vật thuộc nhiều xu hướng khác nhau trong một tinh thần tự do và đúng ra là thiên về phía tả. Nó sẽ có tác động quyết định đến tương lai của phái tả và cực tả ở Pháp. Đặc biệt đây là một cuộc biểu dương tinh thần và công khai hiếm hoi phản ứng lại quan niệm về quyền lực của Tướng de Gaulle.

● đấu tranh cho một sự phát triển trong tinh thần tôn trọng đa dạng văn hóa và do đó tôn trọng đối với mỗi nền văn hóa hợp thành một quốc gia và một Nhà nước.

● đấu tranh đòi công nhận một di sản phi vật thể toàn thế giới.

Một sự nghiệp được công nhận trên toàn thế giới

Tiếng vang của sự nghiệp của Condominas vượt ra khỏi biên giới của nước Pháp. Ông đã nhiều lần được mời làm giáo sư thỉnh giảng ở các đại học Columbia và Yale giữa những năm 1963 và 1969, rồi thành viên của Trung tâm nghiên cứu tiên tiến về khoa học hành vi ở Palo Alto năm 1971. Ở Nhật Bản ông được coi là một bậc thầy về dân tộc học và là người nước ngoài đầu tiên đọc diễn từ trong lễ kỷ niệm 150 năm Nihon Minzoku Gakkai (Hiệp hội dân tộc học Nhật Bản) ở Tokyo năm 1983. Ông cũng được mời đến Đại học Quốc gia Úc năm 1987 và đại học Nhật Bản ở Sophia năm 1992.

Cuộc triển lãm "Chúng tôi ăn rừng …: Georges Condominas ở Việt Nam" từ ngày 19 tháng Sáu đến 17 tháng Chạp năm 2006 nhân dịp khai trương bảo tàng Quai Branly, năm sau được tổ chức lại tại bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội với cuốn sách giới thiệu bằng song ngữ đã làm cho tên tuổi của ông được biết đến trong công chúng rộng rãi. Trong dịp này kho lưu trữ của bảo tàng Quai Branly đã nhận được một kho tư liệu, sách và ảnh quan trọng do Condominas trao tặng, từ nay được dành cho các nhà nghiên cứu sử dụng. 


2- Không gian xã hội

Cuốn Không gian xã hội vùng Đông Nam Á của G. Condominas (Paris, Flammarion, 1982) đã có bản dịch sang tiếng Việt, Nxb Văn hóa, 1997, nêu ra một khái niệm quan trọng của ông trong dân tộc học.

Khái niệm "không gian xã hội" được G. Condominas định nghĩa lại vào đầu những năm 1980 như sau: "Không gian xã hội là không gian được xác định bởi tổng thể các hệ thống những mối quan hệ, đặc trưng cho nhóm người được quan sát" (Condominas, 1980:14).

Tác giả phân biệt hai loại không gian xã hội mà ông gọi là "những không gian xã hội hẹp" (ví dụ không gian xã hội của các dân tộc thiểu số) và "những không gian xã hội rộng (ví dụ: Việt, Thái)

Khái niệm này đã được sử dụng nhiều trong xã hội học và dân tộc học. ClaudeLévi-Strauss đã định nghĩa khái niệm đó như sau: " (đấy là) cách thức mà các hiện tượng xã hội được phân bổ trên bản đồ và những cưỡng buộc nảy sinh từ sự phân bố đó ".

Nhưng điểm đặc sắc trong quan niệm của Condominas là đưa lên hàng đầu việc nghiên cứu một cách sinh động các quan hệ xã hội và các mạng lưới bao phủ trên các cấu trúc và các thiết chế hình thức. Cụ thể, trong trường hợp các nghiên cứu về vùng nông thôn Việt Nam, bác bỏ định đề giới hạn một cách tiên định đời sống nông thôn trong một không gian theo lối manichéen "làng / thế giới ngoại vi", vấn đề đặt ra là có phải biết rằng việc nghiên cứu một làng được coi như một không gian mở cuối cùng có thể cho phép đi đến kết luận rằng các hệ thống quan hệ và trao đổi, nảy nở một cách ưu trội trong lòng xã hội đó, do vậy đem lại cho nó một vai trò nổi bật trong cơ cấu xã hội ?

Ta biết định nghĩa này đã gây nên nhiều nghiên cứu phê phán, và tổng quát hơn, là cách tiếp cận có tính khái niệm được đề xuất và ngay cả trước khi tác phẩm Không gian xã hội vùng Đông Nam Á ra đời (1980).

Năm 1977, trong một số đặc biệt tập san của CeDRASEMI có tên là Không gian xã hội và phân tích các xã hội Đông Nam, đã đăng loạt bài và biên bản các tranh luận, tập họp các ý kiến đồng tình hay phản đối khái niệm do Condominas nêu ra.

Trong một bài điểm sách có cái tên rất khêu gợi "Không gian xã hội; từ làng đến Nhà nước", J. Matras, nhấn mạnh tính chất khó thao tác vì quá chung, đặc biệt trong các xã hội có Nhà nước ở đó không gian xã hội – chính trị cuối cùng lại hòa tan vào chính khái niệm Nhà nước (Matras, 1983).

Mười năm sau, J. Matras và C. Taillard lại nêu lên một số điều dè dặt ngụ ý nói đến những khó khăn trong việc xác định tiếp cận về mặt khái niệm toàn cục một cách thỏa đáng và có tính thao tác trong phân tích các xã hội trong khuôn khổ đa ngành, như dân tộc học và địa lý học. Liên hệ đến việc Condominas nhấn mạnh đến chiều kích chính trị trong định nghĩa các không gian xã hội, hai tác giả này nhận xét : "Bị thu hẹp như vậy vào chiều kích quen thuộc (chiều kích chính trị), không gian xã hội mất đi một phần quan trọng tính độc đáo và tính riêng biệt của nó, bị hòa lẫn hoặc với xã hội nhà nước hoặc với xã hội làng" (Matras-Guin và Taillard, 1992: 9) .

Thử thách trong thực tế thực địa, định nghĩa của Condominas đặt ra hai vấn đề phụ nữa đối với người quan sát muốn nắm bắt không gian xã hội trong hai yếu tố sau đây.

1. Thứ nhất là tính phức tạp và đa tạp của các lĩnh vực phải khai phá. Yêu cầu có một sự phân tích "tổng thể các hệ thống quan hệ (…)" đòi hỏi những lĩnh vực đó phải được nắm bắt trong tất cả sự đa dạng phải có của chúng (kinh tế, chính trị, xã hội, tinh thần), tầm quan trọng tương ứng của chúng và sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng phải được đánh giá và sắp xếp thứ hạng theo dòng thời gian và các biến cố cắt nhịp đời sống của nhóm người, và phải đặt lại chúng trong bối cảnh các không gian (vật chất, tưởng tượng v.v.) của chúng trong đó chúng nối kết, nảy nở và biến mất, đặng có thể làm hiển lộ những gì là "đặc trưng của nhóm người được quan sát".

2. Vấn đề thứ hai nằm chính trong việc lựa chọn nhóm người cần quan sát. Việc đó đòi hỏi nắm bắt các cộng đồng nông thôn không chỉ trong tương quan của chúng với lãnh địa chúng chiếm cứ và khai thác, mà còn như những nhóm người mà bản chất và tầm vóc có thể thay đổi và phát triển tùy thuộc vào loại hình quan hệ được người quan sát soi rọi, việc xác định nhóm người chỉ đến sau đó, khi sự phân tích đã hoàn thành. Nói cách khác, có một sự nhập nhằng ngay giữa cách phát biểu khái niệm "nhóm người cần quan sát" tức đã giả định một sự lựa chọn từ trước trong khi đúng ra nó chỉ được xác định sau đó, như là kết quả của một thao tác hậu suy, khi đã kết thúc sự phân tích.

Tuy nhiên, mặc dầu có những phê phán và dè dặt, hai chiều kích của khái niệm (do Condominas nêu ra) vẫn đặc biệt thích đáng để đổi mới cách nhìn của chúng ta đối với xã hội nông thôn Việt Nam và trong thực tế đã có ảnh hưởng sâu sắc đến công tác thực địa của chúng ta.

1. Thứ nhất, "không gian" mang cùng một lúc hai chiều kích không gian và thời gian: về bản chất nó mang tính phát triển, vật thể (vật chất) hay tưởng tượng (ý niệm), có ranh giới xác định rõ rệt hay mờ ảo, liên tục hay gián đoạn. Việc chấp nhận không gian đó cho phép vượt qua sự tiếp nhận bao gộp và toàn trị đối với làng ở đó tất cả các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế chỉ còn thu lại trong các giới hạn lãnh thổ của nó cũng như các quy chiếu có ý nghĩa căn cước tạo nên cảm giác về tính thân thuộc (sự gắn bó với đất đai của tổ tiên, nhà thờ họ, v.v.)

2. Mặt khác, chú trọng đến chiều kích các "quan hệ" như là yếu tố đặc trưng của nhóm người được quan sát, tức là nhấn mạnh đến các mạng quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và liên thông với nhau, đến tính năng động của các trao đổi hơn là cấu trúc xã hội và các thiết chế hình thức. Từ góc độ quan sát này, cái nhìn của chúng ta sẽ hướng về sự uyển chuyển của các liên hệ, của các quan hệ ổn định hay chỉ thoáng qua vốn vượt ra khỏi các loại hạng khái niệm được xác định trước đã suy thoái thành các cặp tương phản (nội/ ngoại; làng/ xã hội ngoại vi; quyền lực địa phương/quyền lực trung ương; dòng họ mạnh/ dòng họ yếu; truyền thống/ hiện đại) hay lập nên những cầu nối giữa những gì thoạt trông không thể dung hợp được với nhau. Nói cách khác, việc nghiên cứu cái nội dung được coi trọng hơn là cái vỏ bọc, hay đúng hơn cái vỏ bọc được xác định và gọi tên không phải là cái khung biểu hiện duy nhất của một nội dung xã hội, như vẫn thường thấy trong các mô tả về "ngôi làng truyền thống" (nhà cộng đồng, dòng họ, các hiệp hội và phường hội nghề nghiệp, v.v.).

Tóm lại, khái niệm được Condominas xem xét lại là một cách đưa vào thực hành nguyên lý, theo cách nói của P. Bourdieu, chú trọng đến "cái đứt gãy", bằng cách du nhập các yếu tố gây nhiễu, các liên hệ bất ngờ vào giữa các nhân tố và các đối tượng của cuộc khảo sát: "Sự lĩnh hội một sự kiện bất ngờ ít ra cũng giả định là phải quan tâm một cách có phương pháp đến cái cái bất ngờ và ý nghĩa phát hiện của nó phụ thuộc vào sự thích đáng và tính cố kết của các hệ thống vấn đề mà nó đặt thành vấn đề" (P. Bourdieu và al, 1968 : 37).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss