Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đọc lại Truyện Kiều từ truyền thống văn hoá Việt Nam

Đọc lại Truyện Kiều từ truyền thống văn hoá Việt Nam

- Bùi Trân Phượng — published 19/08/2019 17:40, cập nhật lần cuối 19/08/2019 17:51

Đọc lại truyện Kiều từ truyền thống văn hóa Việt Nam


Bùi Trân Phượng


Khi nói đến truyền thống văn hóa Việt Nam liên quan đến vị thế người phụ nữ trong xã hội, nhiều người nghĩ đến Nho giáo, thậm chí Tống Nho. Có ít nhất hai lý do chính. Thứ nhất, Nho giáo là bộ phận cấu thành của văn hóa Việt qua nhiều thế kỷ từ Bắc thuộc đến các triều đại độc lập và mãi đến ngày nay. Thứ hai, khi người phương Tây đến Việt Nam vào thời cận đại (thế kỷ 16-17) nước Việt thời đó đang độc tôn Tống Nho trong khoa cử; nên đó là hiện trạng được nhiều nhà quan sát phương Tây chứng kiến và ghi chép lại. Như người nghiên cứu trong nước trước đây và sau này, thông qua tài liệu văn bản họ cũng dễ dàng tiếp cận tác phẩm và tư tưởng các nhà nho Việt Nam hơn là các triết lý và hệ tư tưởng khác, nhất là tín ngưỡng và đạo lý dân gian, đời sống tinh thần của số đông người dân Việt mà thường không có nhiều tư liệu viết ghi nhận, mô tả, phân tích. Chính sử Việt Nam cũng do sử quan là nhà nho ghi lại theo quan điểm chính thống.

Tuy nhiên sẽ rất phiến diện và thiếu sót, giản lược nếu chúng ta cho rằng trước khi tiếp thu ảnh hưởng văn minh và văn hóa phương Tây, Việt Nam chỉ có Tống Nho, hay Tống Nho là tư tưởng, đạo lý chủ đạo trong xã hội. Nếu tìm hiểu truyền thống không chỉ từ nguồn văn học viết cổ điển, mà cả từ lịch sử nói chung, từ thực hành tín ngưỡng, đời sống tâm linh, từ văn hóa, văn học dân gian truyền khẩu, thì trong truyền thống đa dạng, sinh động đó, người phụ nữ tự thể hiện mình cũng như được cộng đồng nhìn nhận khác quan niệm chính thống Tống Nho nhiều lắm. Tam tòng tứ đức không hề là khuôn mẫu duy nhất định hình nữ tính, người phụ nữ Việt trong truyền thống cũng không nhất thiết là liễu bồ dựa bóng tùng quân, an phận nâng khăn sửa túi.

Truyện Kiều là tuyệt tác của văn học cổ điển Việt Nam, cũng là tác phẩm văn học viết được phổ biến và cảm thụ rộng rãi nhất trong đại chúng. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Truyện Kiều, về tư tưởng của tác phẩm từ quan điểm Nho hay Phật học. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nêu suy nghĩ của mình về việc Truyện Kiều thể hiện truyền thống văn hóa, tư tưởng Việt Nam như thế nào, có bao hàm yếu tố tiếp thu từ Tam giáo, nhưng không chỉ là Tam giáo.


1. Tam giáo và đời sống tâm linh người Việt trong Truyện Kiều


Trong truyền thống tư tưởng Việt vào đầu thế kỷ 19, kể cả nhà nho khoa bảng như Nguyễn Du vẫn nặng tinh thần tam giáo đồng nguyên từ thời Lý Trần với cả Nho, Phật, Lão, và còn sâu rộng, lâu bền hơn, là phiên bản bình dân của các triết lý đó. Là một nhà nho uyên bác, Nguyễn Du chắc chắn đã đọc sâu hiểu rộng về Tam giáo. Nhưng cách ông thể hiện trong Truyện Kiều cho phép người ta hiểu các triết lý Nho, Phật, Lão như đại chúng Việt Nam quen và thích hiểu.


a/ Lão giáo, đạo thần tiên, âm dương tương hợp, tương thông


Trước hết, cũng như trong đời sống tinh thần của người Việt nói chung, Lão giáo trong Truyện Kiều có thể được cảm nhận theo phiên bản bình dân. Tên nhân vật là Tam Hợp, vì tinh thần tam giáo đồng nguyên; nhưng bà là một đạo cô, và chính bà – được gọi là sư – là người lý giải về “đạo trời” cho Giác Duyên khi bà vãi này thắc mắc, như bất kỳ người Việt bình dân nào cũng tự hỏi như vậy về cuộc đời nhân vật chính, sao mà gần gũi với đời thật của số đông: “Người sao hiếu nghĩa đủ đường/ Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?” (2653-2654)1 Sự tự vấn ấy, bản thân nó đã là truy vấn trật tự Nho giáo, đã là hoài nghi, phản biện đạo lý Tống Nho, là phát biểu đòi hỏi công bằng của người trần tục. Diễn giải của Tam Hợp đạo cô vừa là cách dung hợp Tam giáo, vừa phù hợp với những xác tín lâu bền trong tâm thức Việt, nơi cội nguồn văn hóa bản địa vẫn có sức sống mãnh liệt, không bị mai một đi, mà thích nghi hài hòa với triết lý học từ bên ngoài.

Là đạo cô, song Tam Hợp đồng tình với lời dạy của Phật giáo bình dân: “Tu là cỗi phúc, tình là dây oan” (2658). Tất cả oan khuất, đau thương của đời Kiều được đổ hết cho cái tội “Lại mang lấy một chữ tình/ Khư khư mình buộc lấy mình vào trong” (2661-2662). Nhưng cái “tội” ấy, làm sao mà không cảm thông, chia sẻ? Cho nên, cách Tam Hợp đạo cô kể lể những nỗi đoạn trường của đời Kiều (c. 2663-2676) đầy thương xót và gợi nỗi xót xa, đồng cảm, vì đó là những đau thương không của riêng nàng, mà của biết bao người đàn bà khác: nhiều lần làm gái, làm tôi đòi, là nạn nhân của đòn roi, lường gạt, bạo lực, chiến tranh, cô đơn trong oan khổ, đến phải liều mình tự tử. Nhưng tiếp theo phán quyết “Làm cho sống đọa thác đày/ Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!”, khiến “Giác Duyên nghe nói rụng rời: Một đời nàng nhẽ! Thương ôi còn gì?” (2677-2678), sư lại ôn tồn: “Song chẳng hề chi, Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều” (2679-2680).

Nghiệp và duyên đều là những khái niệm triết học sâu xa của Phật giáo để lý giải nguyên nhân cái khổ của đời người. Tam Hợp đem “cân lại nhắc đi” theo lẽ công bằng giản dị, bình dân để xét “tội nghiệp” (những việc mình làm tạo ra cái nghiệp ảnh hưởng theo luật nhân quả đến cuộc đời mình cả ở kiếp này và những kiếp sau) Thúy Kiều dựa trên các tiêu chí của cả Nho, Phật, Lão; và thực chất là khúc xạ lại các tiêu chí nhân, hiếu, nghĩa của Nho giáo qua lăng kính, cách nhìn rất mực khoan dung và thực tế của bình dân Việt. Kiều nhờ em thay mình trả nghĩa chàng Kim, được đánh giá là “Lấy tình thâm trả nghĩa thâm” (2683). Bán mình – thực chất là việc chẳng đặng đừng trong hoàn cảnh oan khuất bất ngờ phải lo “sao cho cốt nhục vẹn tuyền” (599), là do nỗi xót cha, xót em đang bị tra tấn dã man, do trách nhiệm người con gái lớn – được tôn xưng theo đạo lý Tống Nho là “đã động hiếu tâm đến trời” (2684). Vô tình là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Từ Hải, Kiều được minh oan là “Hại một người cứu muôn người” (2685), không khỏi có phần gượng ép. Vì có phải là nàng cố tình hại ân nhân Từ Hải để cứu muôn dân đâu! Suy nghĩ của nàng trong tình cảnh đó đã được Nguyễn Du mô tả rất thực tế, chẳng qua, như rất nhiều phụ nữ và con người trần tục khác, vì nàng “thật dạ tin người” (2473) nên mắc mưu Hồ Tôn Hiến, lại cũng vì “lễ nhiều, nói ngọt” (2474). Suy tính của nàng trước hết là cho thân phận “mặt nước cánh bèo/ đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân” (2475-2476), nên mơ một tương lai an nhàn “công tư vẹn cả hai bề/ Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương/ Cũng ngôi mệnh phụ đường đường/ Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha”. Những khao khát đời thường ấy mới là động cơ thật, còn chẳng qua là lý cớ, là khẩu hiệu đầu môi chót lưỡi khi nàng viện dẫn đạo lý Tống Nho: “Trên vì nước, dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu, hai là đắc trung” (2483-2484).

Tóm lại, khi “xét trong tội nghiệp Thúy Kiều”, nằm trong mạch sáng tạo nghệ thuật của mình và đồng điệu với sự đồng cảm, xót thương và khát khao công lý của tâm thức Việt – “ở hiền gặp lành” (tục ngữ) – là nàng phải được “còn nhiều hưởng thụ về sau/ Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào” (2723-2724), Nguyễn Du đã tận dụng mọi lý lẽ Nho, Phật, Lão, song chọn Tam Hợp đạo cô của đạo thần tiên và hồn ma Đạm Tiên làm người phát ngôn, hẳn vì sự phóng khoáng của Lão giáo khiến nó thuận tiện nhất để dung hợp với đạo lý bình dân trong truyền thống Việt.

Đời sống tâm linh của người Việt không chỉ có các đạo sĩ, đạo cô mà còn có nhiều cơ hội tương thông giữa cõi dương và cõi âm, có báo mộng cho nhau như Đạm Tiên hơn một lần xuất hiện, giúp Kiều hiểu rõ số phận mình hơn, như Thúy Vân cũng nhờ báo mộng mà giúp gia đình tìm lại được chị mình trong khi mọi nỗ lực kiếm tìm của Kim Trọng đều vô hiệu. Sự kiện mở đầu cho cuộc đời lưu lạc, truân chuyên của Thúy Kiều chính là việc gặp gỡ Đạm Tiên bên nấm mồ vô chủ. Cũng với tinh thần phóng khoáng của Lão giáo, hay với truyền thống đa thần giáo từ cội rễ bản địa, tâm thức Việt dễ dàng thấu hiểu, chia sẻ ứng xử đa sầu, đa cảm – “lại mang lấy một chữ tình” (2661) – của cô thiếu nữ khuê các: “Hữu tình ta lại gặp ta/ Chớ nề u hiển mới là chị em” (127-128). Phụ nữ có ưu thế trong giao tiếp với cõi âm, như thấy rõ qua nhiều nhân vật nữ của Truyện Kiều. Nhưng Kim Trọng khi tìm được nơi thuê trọ gần nhà người con gái mình theo đuổi, tình cờ thấy đề hiên Lãm Thúy, cũng mừng thầm: “Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây” (282). Người Việt đủ thực tế để không lẫn lộn xưa nay, âm dương, mộng huyễn và đời thực. Thúy Kiều thương khóc Đạm Tiên, có em nhắc nhở; thổn thức sau giấc mộng thấy Đạm Tiên báo tên trong sổ đoạn trường, có mẹ khuyên răn. Nhưng chẳng qua họ tìm ở thánh thần, Tiên Phật và cả ma quỷ chút sẻ chia, an ủi trước thực tế khắc nghiệt họ phải đối đầu trong đời thường, như kẻ bộ hành đường xa gánh nặng ghé bóng mát nghỉ chân.

Cũng trong truyền thống Việt là tập quán thề nguyền.

Kim, Kiều gặp nhau lần đầu có người thân bên cạnh, cùng rung cảm “Người quốc sắc, kẻ thiên tài/ Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” (164). Đó là tình yêu đầu đời, hồn nhiên, sét đánh. Gặp lại nhau, sau lời từ chối cho phải phép của cô gái “xấp xỉ tới tuần cập kê” (36) là: “Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa” (336), chỉ cần chàng Kim nài thêm vài câu, Kiều đã “Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung” (352) và đôi bên lập tức trao nhau kỷ vật làm tin. Nhưng phải đến lần gặp tiếp theo, phải sau khi đã bên nhau cả một “ngày vui ngắn chẳng đầy gang” (425), Kiều về nhà, thấy “hai thân còn dở tiệc hoa chưa về” (430), bèn “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” (432), gặp lại tình nhân trong bối cảnh “khoảng vắng đêm trường” (441) thì đôi trai gái mới chính thức tiến hành nghi lễ thề nguyền, với lời thề ghi trên giấy hoa tiên, với “tóc mây một món, dao vàng chia đôi” (447). Vì sao? Vì lúc ấy đã cùng nhau bày giải nguồn cơn, hiểu nhau sâu sắc hơn? Tất nhiên rồi, mà cũng còn vì chính thức thề nguyền thì phải có “vầng trăng vằng vặc giữa trời” (449) chứng giám. Vì tính thiêng liêng của nghi thức thề nguyền, nên khi nhờ em trả nghĩa chàng Kim, dù biết chia ly mười phần là vĩnh quyết, nghĩ mình không có cơ may gặp lại2, Kiều vẫn tha thiết: “Duyên này thì giữ, vật này của chung” (736) đối với các kỷ vật gắn liền với hứa hẹn, thề bồi như chiếc thoa, tờ giấy ghi lời thề, “mảnh hương nguyền”, phím đàn xưa. Khi tái ngộ, Kim lại viện dẫn thề nguyền để thuyết phục nàng rời chùa trở về đoàn tụ: “Một lời đã trót thâm giao/ Dưới dày có đất, trên cao có trời!/ Dẫu rằng vật đổi sao dời/ Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh!” (3185-3188)

Thề nguyền cũng là cách người ở thế yếu sử dụng để ràng buộc kẻ mạnh vào một cam kết không bình đẳng. Kẻ mạnh có thể dùng lời thề cá trê chui ống để phỉnh phờ, lường gạt nạn nhân. Nhưng nạn nhân bám vào niềm tin có trời đất, quỷ thần chứng tri để vừa đe dọa, ràng buộc kẻ đang ức hiếp mình phải tuân thủ, vừa tự trấn an là sức mạnh siêu nhiên sẽ giúp mình đòi công lý nếu kẻ kia vi phạm lời thề. Đó là lý do Thúy Kiều xiêu lòng khi Tú Bà ngọt nhạt hứa hẹn sẽ gả nàng về nơi tử tế (c. 1010-1012), lại thề nguyền: “Mai sau ở chẳng như lời/ Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi” (1029-1030). Tin lời Đạm Tiên báo mộng, Kiều vâng theo nếp nghĩ cam chịu: “Kiếp này trả nợ chưa xong/ Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau” (1019-1020), như giáo lý nhân quả nhà Phật kiểu bình dân dạy người ta chấp nhận số phận. Tin lời thề nên bị Sở Khanh gạt, Kiều dù ở thế yếu cũng có thể mắng nhiếc: “Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay” (1182) và được “trong ngoài” ủng hộ nàng, chê trách Sở Khanh: “Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương” (1186). Với Bạc Bà, Bạc Hạnh, lúc ấy Kiều đã trải sự đời, hiểu mình ở thế cùng đường, song vẫn ráng níu kéo, nài ép một lời minh thệ: “Dầu ai lòng có sở cầu/ Tâm minh xin quyết với nhau một lời” (2123-2124). Nàng chỉ yêu cầu “chứng minh có đất có trời” (2125), Bạc Hạnh đã sẵn sàng “quỳ xuống vội vàng/ quá lời nguyện hết Thành hoàng Thổ công” (2131-2132). Lời thề từ kẻ bất lương là lời gian dối. Nhưng, trên cả tòa án công luận3, khi được thế lực nổi loạn4 của Từ Hải bảo trợ, nàng Kiều còn có cơ hội thực thi công lý của người, đặc biệt là người xưa nay yếu thế. Trong cuộc trả ơn báo oán, “nàng rằng: Lồng lộng trời cao!/ Hại nhân nhân hại, sự nào tại ta?” (2381-2382). Cả bọn thề gian nói dối đều bị trừng trị, “thề sao thì lại cứ sao gia hình” (2388).

Thúc Sinh cũng từng có lời thề: “Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều/ Cùng nhau căn vặn đến điều/ Chỉ non thề bể nặng gieo đến lời” (1366-1368), và cũng tự thú mình đã phụ lời thề5. Nhưng chẳng những không bị “mắc lời thề” mà chàng Thúc còn được Kiều mãi mãi nhớ ơn, vì hiểu chân tình của chàng, vốn nhu nhược, nhưng không hề chủ tâm lường gạt, mà còn là người đã cứu nàng ra khỏi lầu xanh. Cũng như việc thờ quỷ thần và tin âm dương tương hợp, tương thông, tập quán thề nguyền không bị người Việt thiêng liêng hóa một cách cực đoan, mà chỉ là chút hỗ trợ cần thiết trên đường trần gian khổ. Và họ vẫn trọng tình, như Kiều đối với Thúc Sinh chỉ biết ơn, không oán trách.

Ảnh hưởng đạo thần tiên cũng rõ nét trong cảnh đoàn viên sum họp. Bề ngoài là lý tưởng nho gia: “Một nhà phúc lộc gồm hai/ Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần/ Thừa gia chẳng hết nàng Vân/ Một cây cù mộc, một sân quế hòe/ Phong lưu phú quý ai bì/ Vườn xuân một cửa để bia muôn đời” (3235-3240). Nhưng ở bề sâu, kết cuộc câu chuyện tình Kim Kiều, kết cuộc tốt lành cho một đời oan khổ lưu ly của nàng Kiều thực chất là sự tận hưởng lạc thú thanh cao, cuộc đời như tiên cảnh của đôi trai tài gái sắc: “Hai tình vẹn vẽ hòa hai/ Chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm thơ/ Khi chén rượu, lúc cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên/ Ba sinh đã phỉ mười nguyền/ Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy” (3221-3226). Đặc sắc truyền thống Việt, cũng là đặc sắc của Truyện Kiều thỏa lòng người đọc bình dân là ở chỗ để cho người phụ nữ, lại là người đã chịu nhiều oan khổ, được hưởng lạc thú cuối đời; chứ không chỉ có nhà nho nam giới mới biết hưởng thú nhàn tản tiêu dao sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ lập thân phò vua giúp nước.


b/ Cửa thiền, nơi cứu khổ cứu nạn


Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bắt lỗi nhiều thiếu sót của tác giả Nguyễn Du, của sư cô Trạc Tuyền và cả của sư trưởng Giác Duyên để lý giải cái đối với nhà sư là thất bại của lần tu thứ nhất của Thúy Kiều nơi Quan âm các nhà họ Hoạn và lần tu thứ hai ở Chiêu ẩn am6. Nhưng đối với đại chúng, cửa chùa chỉ đơn giản là nơi nương tựa mà Thúy Kiều xin tìm đến để thoát cảnh trái ngang và được Hoạn Thư rộng lòng cho phép; chứng tỏ đó là lối thoát mà hai người phụ nữ ở thế đối địch cả về địa vị xã hội lẫn về thân phận riêng đều chấp nhận được. Sau đó, Chiêu ẩn am là nơi nàng tìm đến lúc cùng đường. Nhưng mặc dù đủ lễ trước Phật đường Quan âm các, học tam quy ngũ giới và đã trải qua vài tháng nâu sòng muối dưa, khi gặp lại người cũ Thúc Sinh, Kiều vẫn nhắc “Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta” (1964), dẫu chỉ để van xin chàng “Liệu bài mở cửa cho ra/ Ấy là tình nặng, ấy là ân sâu” (1965-1966). Cảnh “Cùng nhau kể lể sau xưa/ Nói rồi lại nói, lời chưa hết lời/ Mặt trông, tay chẳng nỡ rời” (1977-1979) đủ thắm thiết để khi hiểu ra là Hoạn Thư đã âm thầm chứng kiến, Kiều phải “sởn gai rụng rời” (2006) mà “chắp cánh cao bay” (2017).

Lần thứ ba tìm đến thiền môn khi “nạn xưa trút sạch làu làu” (2737), tưởng chừng “gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng” (2734). Song, như lời chứng của Giác Duyên, “Phật tiền ngày bạc lân la/ Đăm đăm nàng cũng nhớ nhà khôn khuây” (2991-2992). Cho nên, chỉ cần gia đình tìm đến – mà lại do Giác Duyên ân cần rước về – nàng lại xiêu lòng. Lời từ khước ban đầu nghe muôn phần có lý: “Đã đem mình bỏ am mây/ Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừa/ Mùi thiền đã bén muối dưa/ Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sòng/ Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?/ Dở dang nào có hay gì?/ Đã tu tu trót, qua thì thì thôi” (3041-3048). Nàng còn kể ơn nghĩa của Giác Duyên, là yếu tố có trọng lượng trong đạo lý bình dân Việt. Nhưng mọi lý lẽ của nàng đều thua lập luận thực tế của người cha: “Ông rằng: Bỉ thử nhất thì/ Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền/ Phải điều cầu Phật cầu tiên/ Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?” (3051-3054) Bỉ thử nhất thìtòng quyền là ý niệm của Nho giáo, được người trần tục vận dụng thoải mái vào việc tu nhà Phật. Cầu Phật cầu tiên bị đánh giá phải nhượng bộ nghĩa vụ người con hiếu, như tinh thần câu ca dao: “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.” Nhưng, cũng y hệt như trong ca dao, chữ hiếu ở đây không đơn thuần là đạo lý nhà nho, mà gần gũi, thiết thực hơn, là cuộc sống đời thường. Trong trường hợp Thúy Kiều, nàng đã vì bán mình chuộc cha mà hy sinh một đời xuân sắc. Sự nài ép đoàn viên chủ yếu là vì món nợ tình chưa trả, vì lời thề chưa trọn, vì hạnh phúc của chính bản thân người con gái mà mẹ cha yêu quý. Một lần nữa, đạo lý Nho giáo chỉ là lớp sơn bên ngoài, cốt lõi là tình cảm gia đình và tính thực tế cổ truyền của người Việt. Chùa chiền chỉ là nơi cứu khổ, cứu nạn, nơi tạm lánh. Lý tưởng là được trở về với đời thường, với người thân và sống ung dung tự tại.

Ngay cả sư trưởng Giác Duyên, được xem như bậc chân tu của đạo Phật, cũng xuất hiện trong Truyện Kiều như bà vãi nhân hậu, như một phụ nữ “lành lòng” cả tin, chỉ cần “thấy màu ăn mặc nâu sòng” của Kiều “liền thương” (2039-2040). Bà cũng chỉ là người yếu thế, như những người yếu thế tìm đến cửa chùa nương tựa. Khi biết ra Kiều đã ăn cắp chuông vàng khánh bạc nhà họ Hoạn, “Giác Duyên nghe nói rụng rời/ Nửa thương nửa sợ bồi hồi chẳng xong” (2073-2074). Sự yếu thế, cả tin của bà đã vô tình đưa Kiều vào hang hùm nọc rắn, vì mụ Bạc Bà “đồng môn với Tú Bà” được bà nhìn lầm là Phật tử hiền lương chỉ vì mụ năng lui tới cúng dường nhà chùa. Cho nên, Kiều mang ơn tế độ, cứu sinh của bà không phải vì bà có quyền phép thần thông hay thế lực chở che bảo hộ, mà chính vì lòng chân thành thương yêu của bà: “Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương” (2346). Kiều nặng mang ơn bà y hệt như nàng biết ơn bà quản gia nhà họ Hoạn, cùng phận tôi tớ như nàng, vì “thấy người thấy nết ra vào mà thương” (1748) nên đã giúp “khi chè chén khi thuốc thang” (1749), lại còn ân cần dạy nàng: “Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi/ Kẻo khi sấm sét bất kỳ/ Con ong cái kiến kêu gì được oan!” (1756-1758) Nguyễn Du dùng điển tích Phiếu mẫu7 của sách vở, song đó cũng là tinh thần phổ biến trong ca dao, tục ngữ Việt, “miếng khi đói bằng gói khi no”.

Giác Duyên yêu thương nàng Kiều không phải chỉ với tấm lòng từ bi cứu độ chúng sinh nói chung, mà còn trăn trở, xót xa vì một phận người cụ thể. Bà hơn một lần cật vấn Tam Hợp đạo cô, mà bà coi là bậc “tiên tri” (2406) về cuộc đời nàng Kiều, bà đến dự cuộc trả ơn báo oán theo lời mời của nàng, năm năm sau bà đón nàng ở sông Tiền Đường, lập thảo am cùng nàng nương náu, giúp nàng cùng gia đình đoàn tụ. Phải sau khi nàng đã bình yên an lạc, bà mới trở lại cuộc sống tu hành “mây bay hạc lánh” (3232). Tu sĩ Phật giáo như bà, đúng là hình ảnh người nhà chùa trong trái tim bình dân Việt, gần gũi họ trong cuộc sống đời thường, giúp đỡ họ bằng phương tiện đơn sơ của nhà chùa khi họ cùng đường cơ nhỡ và là cầu nối để họ tìm hỏi bậc tiên tri về tương lai hậu vận lúc họ trăn trở lo âu.


c/ Trời xanh, thỏa hiệp, phục tùng và phản kháng, ai phải thích nghi?


Ra đời vào đầu thế kỷ 19, sau bốn thế kỷ độc tôn Tống Nho của triều Lê, với tác giả là nhà nho thuộc gia đình đời đời khoa bảng, không ngạc nhiên là Truyện Kiều luôn có vẻ đề cao quan điểm Nho giáo, sử dụng các ý niệm, phạm trù quen thuộc với nho gia. Nhưng, cũng như trong mọi tác phẩm được nhiều người Việt Nam yêu thích, tâm lý các nhân vật Truyện Kiều rất gần gũi với tâm lý phổ quát của người Việt. Trong tâm lý đó, thái độ của người Việt với các xác tín và giá trị Nho giáo đa dạng, nhiều mặt đan xen, phức hợp hơn người ta thường nghĩ.

Tất nhiên, có sự phục tùng, coi xác tín Tống Nho như chân lý mặc nhiên không chối cãi. Nguyễn Du mở đầu Truyện Kiều bằng xác quyết về thuyết tài mệnh tương đố, như một lẽ hiển nhiên từ ngàn xưa và khắp mọi nơi: “Trăm năm trong cõi người ta” (1). Nó chi phối toàn bộ cuộc sống con người. “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” (6), bởi “lạ gì bỉ sắc tư phong” (5). Bỉ sắc tư phong là thành ngữ Hán Việt, nôm na là được này mất kia. Điều đáng để ý là trong các quan điểm phổ quát của Nho giáo, mà phần lớn rao giảng sự phục cổ, sự phục tùng tôn ti trật tự bất di bất bất dịch, những lẽ phải muôn đời được coi là chân lý không có quyền tranh cãi, Nguyễn Du chọn mở đầu Truyện Kiều bằng một “thói quen” đầy nghịch lý của trời già. Vì nó nghịch lý – mà trong Tam giáo, Nho giáo vốn nổi bật vì lý tính – nó lại bất công, nên chí ít, con người vẫn được quyền cảm thấy đau lòng. Nỗi “đau đớn lòng” của Nguyễn Du đã hàm chứa sự phản kháng mãnh liệt. Sự phản kháng cũng hàm chứa trong nhan đề tác phẩm, khác hẳn nguyên tác. Thay vì chỉ là Kim Vân Kiều truyện, chuyện kể về ba người, Đoạn trường tân thanh là tiếng kêu đứt ruột, một tiếng mới. Than, khóc là phản ứng của kẻ yếu, thường bị lầm là phản ứng tiêu cực, thụ động. Nhưng than, khóc cũng có thể biểu lộ bất bình, phản kháng.

Tài, sắc là giá trị cá nhân của người phụ nữ. Nho giáo chỉ thừa nhận phụ nữ có sắc đẹp, còn tài là thuộc tính của nam giới. Người ta vì vậy thường dùng những thành ngữ như trai tài gái sắc, trai anh hùng gái thuyền quyên. Tống Nho còn nghiệt ngã đến mức cho rằng “Nữ vô tài tiện thị đức”, người phụ nữ không tài cán gì mới là có đức. Nguyễn Du tả Thúy Kiều “sắc đành đòi một, tài đành họa hai” (28). Nàng chẳng những đa tài, lại tài cao, tự mình sáng tác “một thiên bạc mệnh lại càng não nhân” (34). Chữ bạc mệnh lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm, nàng Kiều cũng như nhiều người biết nàng đều chấp nhận nàng “phận mỏng cánh chuồn” (411), “vô duyên là phận hồng nhan đã đành” (2660). Nhưng vậy mà nàng, người quanh nàng, đôi khi là chính tác giả Nguyễn Du không ngừng buông lời than thở, xót xa8. Ở tuổi cài trâm tươi trẻ, trong buổi du xuân, bên mộ Đạm Tiên nàng đã khóc than thống thiết: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung/ Phũ phàng chi bấy Hóa công/ Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha!” (83-86) Trách trời, nàng thống trách cả những bạc tình lang không đoái hoài đến mồ hoang vô chủ. Tiếng thét đau thương: “Đau đớn thay phận đàn bà!” (83) được Nguyễn Du thốt lên hai lần trong hai tác phẩm9, riêng trong Truyện Kiều được ông thể hiện sắc sảo, thuyết phục không chỉ qua thân phận Thúy Kiều, mà cả nàng Vân phúc hậu10, cả người vợ chính Hoạn Thư dẫu đầy quyền thế và thông minh, mưu lược có thừa11. Sự thấu cảm với nỗi đau của phận đàn bà, sự phản kháng bất công xã hội và bất bình đẳng giới của Nguyễn Du rất gần với tập tục cổ truyền Việt Nam, với tinh thần ca dao và văn học dân gian.

Phản kháng không có nghĩa là bất phục tùng. Hơn nữa, Nguyễn Du chỉ trực tiếp đưa vào Truyện Kiều – vốn lấy từ phong tình cổ lục, là những câu chuyện được truyền tụng trong dân gian – những ý niệm Nho giáo mà bình dân dễ dàng chấp nhận. Trời theo quan niệm nhà nho, vốn là lẽ sinh hóa hóa sinh tự nhiên mà người đời không hiểu nổi, nên tương truyền Khổng tử từ chối không bàn đến. Nguyễn Gia Thiều mô tả: “Cái quay búng sẵn trên trời/ Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Cung oán ngâm khúc). Có trách cũng chỉ là trách mông lung: “Trẻ Tạo hóa đành hanh quá đáng/ Đánh đuối người trên cạn mà chơi” (Cung oán ngâm khúc), theo cách nhà nho hay gọi trời là Hóa nhi, vì không hiểu nổi lẽ biến thiên nên xem đó là hành vi không giải thích được của đứa trẻ không nhất thiết hành động theo lý trí. Tam Hợp đạo cô cũng diễn ý tương tự: “Sư rằng phúc họa đạo trời” (2655), nghĩa là trời đất tự nhiên, có cả phúc lẫn họa. Nhưng Truyện Kiều nhiều lần nhắc đến trời, thường là theo cách hiểu của bình dân Việt, như một thế lực siêu nhiên được nhân tính hóa, luôn bảo đảm lẽ công bằng, dù có khi ban phúc, có khi giáng họa. Cái lẽ “muôn sự tại trời” mà hình như được cả Nho, Phật, Lão nhất tề răn dạy, bình dân Việt hiểu nó với khao khát công bằng trong đời sống thật. Nó có thể giúp họ nhất thời cam tâm chấp nhận số phận éo le, ngang trái: “Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao/ Có đâu thiên vị người nào/ Chữ tài, chữ mệnh dồi dào cả hai” (3241-3246). Nhưng cũng có lúc nó cho họ được hả hê thỏa nguyện: “Cho hay muôn sự tại trời/ Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta! Mấy người bạc ác tinh ma/ Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương!” (2391-2394) Chưa kể, vì trời đất luôn chứng tri cho sự thật và lẽ phải nên bình dân cảm thấy được nâng đỡ khi tin rằng rốt cuộc kẻ ác sẽ bị trừng trị và người lương thiện sẽ được trời ban thưởng, vì sợ trời mà mọi người phải “dữ răn việc trước, lành dè thân sau” (Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên). Phục tùng đạo trời, vì nó bảo vệ người ngay, đó là xác tín lạc quan của bình dân Việt. Hoàn toàn trong tinh thần ấy, Nguyễn Du đã để Tam Hợp đạo cô phát biểu lời tổng kết về “tội nghiệp Thúy Kiều”, kết hợp cả đạo trời, luân lý Nho và luật nhân quả của nhà Phật theo cách hiểu bình dân: “Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm/ Lấy tình thâm trả nghĩa thâm/ Bán mình đã động hiếu tâm đến trời/ Hại một người cứu muôn người/ Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng/ Thửa công đức ấy ai bằng/ Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi/ Khi nên trời cũng chiều người/ Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau” (2682-2690). Trời chiều người ngay, phục tùng trời là lẽ đương nhiên.

Nhưng khi đạo lý Tống Nho khắc nghiệt ràng buộc con người, đặc biệt là người phụ nữ, thì phải làm sao? Người ta có thể dùng chính những nhân nhượng, thỏa hiệp của nhà nho để tự nới bớt vòng kim cô trói buộc mình. Nhà nho vốn công nhận lẽ thường thì phải chấp kinh (làm theo đạo thường) nhưng khi ngộ biến cũng được tòng quyền. Trong Truyện Kiều cũng như trong đời thật của người Việt, sự quyền biến ấy được tận dụng tối đa.

Sự tận dụng ngoạn mục nhất, khiến đông đảo độc giả yêu quý Truyện Kiều nhưng cũng khiến một số nhà nho bất bình, chê trách, mỉa mai, chính là xoay quanh chữ trinh, ràng buộc quan trọng và cũng là nghiệt ngã nhất của Tống Nho đối với phụ nữ. Nhưng điều thú vị là ngay cả những nhà nho phê phán Truyện Kiều và nhân vật Thúy Kiều gay gắt nhất, vẫn không có ai chỉ trích tác giả hay nhân vật ở hai tình tiết nổi bật trong đó Nguyễn Du đã đi xa nhất trong sự phủ định, vượt qua hay phớt lờ – xin phép “bỏ qua” hay diễn giải hoàn toàn khác đi – đạo lý Tống Nho.

Thứ nhất, là khi nàng Kiều bị Tú Bà và Sở Khanh cấu kết với nhau đưa nàng vào bẫy, bắt quả tang nàng bỏ trốn, mang về đánh đập dã man, khiến Kiều phải khóc lạy, van xin: “Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!” (1147-1148). Nho giáo dạy người phụ nữ quyên sinh để bảo toàn danh tiết. Chẳng cần lời dạy này, mà chỉ vì phản ứng tự vệ của người yếu thế, Kiều đã giấu dao vào người để phòng thân khi rời quê theo Mã Giám Sinh; lần thứ nhất đối mặt Tú Bà, biết mình bị mua về làm gái chứ không phải làm vợ lẽ, nàng đã quyết liệt đấu tranh và rút dao tự sát khi bị ức hiếp. Nhưng lần này, khi đã sa vào bẫy, biết mình sống thác ở tay người, nàng còn cách nào khác hơn là chấp nhận: “Thân này đã đến thế này thì thôi!” (1144)? Cũng như mọi lần khác – không chỉ trong Truyện Kiều mà cả trong Chiêu hồn thập loại chúng sinh và thơ chữ Hán – Nguyễn Du luôn tỏ sự thấu cảm hiếm thấy ở các tác giả cổ điển đối với nhân vật, đặc biệt nhân vật nữ của mình trong đau đớn thân xác: “Thịt da ai cũng là người/ Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau! Hết lời thú phục khẩn cầu/ Uốn lưng thịt đổ, giập đầu máu sa!” (1138-1140)12 Nhưng cái đau thân xác sao bằng sự cay đắng tinh thần? Giống như cảm xúc của vô số độc giả không tên, nhiều nhà phê bình chỉ rõ lời cầu khẩn “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!” đã cực tả nỗi thống khổ của người con gái phải giã từ sự trong sạch làm nên nhân cách của mình khi bị biến thành hàng hóa mua vui cho người. Kiều hiểu rõ và chấp nhận thân phận hàng hóa đó khi nhắc Tú Bà: “Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?” (1146) Đạo lý Tống Nho nghiễm nhiên bị phủ định bởi sự thật trần trụi của xã hội kim tiền, vô phương cứu vãn!

Lần thứ hai là trong tiệc đoàn viên của gia đình ngay tại quan nha. Thúy Vân đề nghị Kim Kiều tái hợp. Kim Trọng cũng nhắc thề nguyền xưa. Kiều khước từ bằng lập luận: “Chữ trinh đáng giá nghìn vàng” (3095) và tự xét thấy mình “còn chi là cái hồng nhan/ Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào?” (3001-3003). Nhà nho, hay người hiểu Tống Nho sao khỏi bất ngờ khi nghe chàng Kim là một nho sĩ hiển đạt, đường quan của triều đình dõng dạc một bài biện giải: “Xưa nay trong đạo đàn bà/ Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường:/ Có khi biến, có khi thường/ Có quyền nào phải một đường chấp kinh? Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay?” (3115-3120)? Theo Tống Nho, hiếu là nghĩa vụ làm con – chủ yếu là con trai đối với cha mẹ đẻ, con dâu đối với cha mẹ chồng – Kiều bán mình chuộc cha được cho là hiếu, đạo lý Nho có thể chấp nhận. Nhưng “lấy hiếu làm trinh” thì trước và sau Nguyễn Du, chưa thấy nho sĩ nào dám quyền biến bẻ ba bảy đường chữ trinh đến như vậy. Mà không ai phản đối, bắt bẻ. Lập luận ấy cho phép Thúy Kiều, sau mười lăm năm chìm nổi, “thanh lâu hai lượt” và hơn một lần kết hôn, vẫn được xác nhận “bụi nào cho đục được mình ấy vay?”. Hay khi Kiều tự nhận: “Chữ trinh còn một chút này/ Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan” (3161-3162), thì đó cũng không hề là chữ trinh Nho giáo, mà đơn giản là sự tự trọng và khao khát được người tôn trọng.

Phải đến đầu thế kỷ 20, trong làn sóng thứ nhất của tư tưởng nữ quyền Việt (1918-1945) có tiếp thu ảnh hưởng văn hóa phương Tây hiện đại, mới thấy nhà nữ quyền Đặng Văn Bảy đề xướng phân biệt chữ trinh thể chất và chữ trinh tinh thần. Nhưng vì sao Kim Trọng, Thúy Kiều, Nguyễn Du có thể khẳng định khác với, nếu không muốn nói là trái với nội hàm chữ trinh của Tống Nho như vậy mà không gặp sự phản kháng nào, ngược lại hai nhân vật Kim-Kiều được nhiều thế hệ độc giả người Việt yêu quý, coi là đôi tình nhân lý tưởng chính nhờ cách nhìn đó? Theo chúng tôi, đó là vì cách hiểu chữ trinh, chữ hạnh của Nho như sự trong sạch từ tấm lòng, từ tâm13 – Nguyễn Du hết sức đề cao chữ tâm, tâm thành và đã mô tả thuyết phục qua nhiều lần nhớ nhà, nhớ gia đình và nhớ người yêu của Kiều, dù đậm nhạt khác nhau phù hợp tâm lý trong từng hoàn cảnh nhưng luôn chân thành, tha thiết – cái người xưa gọi là cái nết và sau này chúng ta gọi là phẩm chất, nhân cách người phụ nữ vốn là cách hiểu lâu đời của người Việt từ truyền thống tôn trọng phụ nữ vẫn được bảo tồn bất chấp tôn ti nam trọng nữ khinh của Nho giáo.

Cũng chỉ với truyền thống Việt trọng tình và tôn trọng phụ nữ, mới đánh giá đúng tư cách và tài sắc Thúy Kiều, nên một ông quan khác, quan phủ Lâm Tri mới chịu nghe Thúc Sinh biện bạch và đột ngột đổi giận làm vui, ngợi khen tài sắc nàng Kiều, còn “sắm sửa lễ công” tác hợp cho đôi lứa; khiến Thúc ông cũng “dẹp lời phong ba”, nhìn Kiều cách khác: “thương vì hạnh, trọng vì tài” (1469-1470).

Tóm lại, phải chăng điều quan trọng nhất đối với bình dân Việt, là Nho, Phật, Lão cũng như tín ngưỡng bản địa viện dẫn trời cao đất dày, Thành hoàng, Thổ địa, tất cả đều phải là chỗ dựa tinh thần, là thế lực bảo vệ, nâng đỡ người ngay lành thấp cổ bé họng khi họ phải đương đầu hay vượt qua gian khó trong thân phận “chiếc bách giữa dòng, E dè gió dập, hãi hùng sóng va” (2485-2486)?

Tuy nhiên, nếu đời sống tâm linh giúp con người có thêm sức mạnh tinh thần, thì động lực chính của ứng xử con người lại không chỉ nằm ở đó, mà nó ở trải nghiệm sống của họ trong thực tế xã hội và ở cách mà họ chọn để hành xử trước thực tế đó.


2. Tính thực tế và tính nhân bản trong hành xử của nhân vật Truyện Kiều


a/ Xã hội tiền, quyền và bạo lực, con người bất an, tuyệt vọng


Việt Nam thời Lê mạt là xã hội vừa trải qua biến động mãnh liệt và sâu sắc của nhiều cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực do thời Nam Bắc triều (Lê-Mạc) và hai trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh. Cuộc nổi dậy của Tây Sơn, cuộc chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh tiếp tục đè lên người dân thường nhiều áp lực của sưu thuế, lao dịch, binh cách. Mặt khác, như một số khảo cứu ghi nhận14, cũng chính trong thời gian nội chiến liên miên ấy, nước Việt chẳng những mở rộng bờ cõi về phía Nam mà còn hình thành những yếu tố cơ bản của một xã hội hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ nội và ngoại thương, sự tăng trưởng thu nhập và gia tăng bất bình đẳng xã hội về kinh tế, sự hình thành tầng lớp lái buôn năng động, giảo hoạt và có thế lực ngang ngửa, có khi lấn át tầng lớp nho sĩ tinh hoa cũ, sự xuất hiện minh thị vai trò và sự chủ động của cá nhân.

Xã hội ấy thấp thoáng trong Truyện Kiều, rõ nét và thực chất hơn lời dẫn truyện có tính quy ước “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng” (9-10). Và cũng chính vì vậy, xã hội mà Nguyễn Du trải nghiệm trong nửa sau thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 gần với xã hội hiện đại của chúng ta hơn là giống xã hội Việt trước thời cận đại.

Trong Truyện Kiều, nổi bật là vị trí thống soái của tiền, quyền và bạo lực. Nhiều câu tả chân đã trở thành tục ngữ, ca dao trong tiếng Việt, chẳng hạn: “Đồ tế nhuyễn, của riêng tây/ Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” (583-584), “Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” (597-598), “Tính bài lót đó luồn đây/ Có ba trăm lạng việc này mới xuôi” (611-612), “Cò kè bớt một thêm hai” (647), “Tiền lưng đã có, việc gì chẳng xong” (652), “Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì” (689-690), “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” (1306). Từ quan Tổng đốc trọng thần đến quan viên, nha lại khắp nơi đều sành sõi trong việc dùng bạc vàng, đút lót và bạo lực, dọa nạt để đạt mục tiêu. Bạo lực thì đủ mọi hình thức, diễn ra khắp mọi nơi, từ công đường quan phủ đến tư gia quan Lại bộ thương thư hay ở chốn lầu xanh. Bậc đại quan không ngại dùng thủ đoạn đê hèn, ám hại tướng đã xin hàng, ép vợ người ta hầu rượu, cợt nhả lả lơi rồi sáng hôm sau mang gả cho thổ quan để giữ “mình phương diện quốc gia/ quan trên trông xuống, người ta trông vào” (2591-2592). Vợ và con gái quan Thượng thư có thể sai gia nô đi đốt nhà dân, đánh tráo tử thi để phi tang, bắt cóc phụ nữ về đánh đập, khảo tra, ép làm tôi tớ. Tướng giặc Từ Hải cũng có thể xua quân khắp nơi gom tội nhân về cho ái thiếp trả thù riêng và phu nhân có thể gia hình người ta không thua quyền lực Diêm Vương dưới địa ngục. Việc bán con gái nhà lành, mua người, chuộc người nhan nhản khắp nơi, chủ chứa dễ dàng đóng vai Phật tử hiền lương khiến sư trưởng mắc lừa.

Trong bối cảnh như vậy, triết lý “âm cực dương hồi” (2646) – mà bình dân Việt cũng chia sẻ, chẳng hạn qua câu tục ngữ Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai – làm sao đủ sức trấn an? Tác giả nhiều lần xen vào câu chuyện để oán thán: “Thương thay! Cũng một thân người/ Hại thay, Mang lấy sắc tài làm chi? Những là oan khổ lưu ly/ Chờ cho hết kiếp, còn gì là thân?/ Mười lăm năm bấy nhiêu lần/ Làm gương cho khách hồng quần thử soi/ Đời người đến thế thì thôi!” (2639-2645). Đạo lý Nho gia càng vô nghĩa, khi thực tế chứng minh: “Mấy người hiếu nghĩa xưa nay/ Trời làm chi đến lâu ngày càng thương” (2647-2648).

Trong xã hội ấy, con người từ thuở chập chững vào đời như cô Kiều mới “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” (36) đã đồng cảm cùng Đạm Tiên kỹ nữ, đã lo âu “phận con thôi có ra gì mai sau!” (233-234), ngay từ mối tình đầu đã thấp tha thấp thỏm: “Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?” (412). Từ đó trở đi, kể từ khi chàng Kim về quê hộ tang, đến nhà nàng gặp gia biến, rồi mười lăm năm lưu lạc, không biết bao lần nàng lâm vào cảnh “ruột rối bời bời” (547), “chín hồi vấn vít” (570), “đau đớn rụng rời” (595), “sởn gai rụng rời” (2006), “ngổn ngang bời bời” (2246), “dùng dắng ngẩn ngơ” (2257). Không biết bao nhiêu lần, nàng đã một mình dằn vặt, lo âu, khắc khoải cho thân phận. Nàng tự thấy mình như “chiếc bách sóng đào/ Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may/ Chút thân quằn quại vũng lầy/ Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao?” (1957-1960). Bao lần nàng trăn trở: “Nghĩ người thôi lại nghĩ mình” (1075), “Nỗi lòng luống những bàn hoàn15 niềm tây” (1760), “Biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu?” (1774), “Thân ta ta phải lo âu/ Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!/ Ví chăng chắp cánh cao bay/ Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa/ Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh/ Chỉn e quê khách một mình/ Tay không chưa dễ tìm vành ấm no” (2015-2022). Bao lần nàng đơn độc, bơ vơ: “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa” (1233-1234), “Vui là vui gượng kẻo mà/ Ai tri âm đó, mặn mà với ai?/ Thờ ơ gió trúc mưa mai/ Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân” (1247-1250), “Canh khuya thân gái dặm trường/ Phần e đường sá, phần thương dãi dầu” (2031-2032). Và khi tuyệt vọng đến cùng cực khiến nàng sắp gieo mình tự tử, những câu tự vấn vẫn còn dồn dập: “Nàng càng ủ liễu phai đào/ Trăm phần nào có phần nào phần tươi/ Đành thân cát dập sóng vùi/ Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh/ Chân trời mặt bể lênh đênh/ Nắm xương biết gởi tử sinh chốn nào? Duyên đâu ai dứt tơ đào? Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay?/ Thân sao thân đến thế này?/ Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi/ Đã không biết sống là vui/ Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương! Một mình cay đắng trăm đường/ Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!” (2643-2616).

Ở quyết định cuối cùng của nàng Kiều là thuyết phục để Kim Trọng đi đến chấp thuận “lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!” (3178), một triết gia thế kỷ 20 đã đọc thấy “một sự lo âu dài hạn, lo âu được đúc kết từ những ngày biệt ly trong những năm về trước. […] Và từ niềm lo âu của Thuý Kiều ta có thể nhìn thấy ít nhiều tâm trạng lo âu lớn rộng của con người Nguyễn Du.”16 Dễ hiểu là với ảnh hưởng của triết học hiện đại phương Tây, đặc biệt là thuyết hiện sinh, Trần Bích Lan có thể cảm nhận nỗi lo âu (anxiety) rất hiện sinh như vậy. Nhưng, chỉ qua trích dẫn chưa đầy đủ của chúng tôi từ chính câu chữ, lời thơ Truyện Kiều, cũng thấy được liên tưởng của Trần Bích Lan không vô căn cứ. Nỗi lo âu, trăn trở, dằn vặt của Thúy Kiều dưới ngòi bút Nguyễn Du, cũng như tâm trạng lo âu, dằn vặt, bất ổn của nhiều nhân vật khác có liên quan trong cuộc đời nàng, như Vương ông, Kim Trọng, Giác Duyên, Từ Hải, kể cả Hoạn Thư, Thúc Sinh hay Thúy Vân, có thể chưa có chiều kích triết học như thuyết hiện sinh – mà thật ra, triết học là gì nếu không phải là suy tư về nghiệm sinh của mỗi con người? – nhưng mô tả rất sinh động và thuyết phục thân phận con người thuộc mọi giai tầng xã hội thời Lê mạt Nguyễn sơ, hay rộng hơn, con người ở mọi thời, đặc biệt là thời hiện đại, khi thấy mình bé nhỏ, mong manh, bất lực trước sóng gió cuộc đời, trước nhiều thế lực đè bẹp mình, trước lòng người sâu hiểm và vô vàn bất trắc, bất định của tương lai. Gọi đó là thiên địa mang mang của Đạo giáo, là mệnh trời của Nho, là nhân quả, là trùng trùng duyên khởi của Phật, hay là ông trời già có khi cay nghiệt có lúc công minh, thần linh, ma quỷ có khi tàn hại, trêu ghẹo, có lúc phù hộ, chở che của bình dân, hay là thuyết Định mệnh như các nhà phê bình sau này17 tuy ít nhiều có tác dụng an ủi, động viên song chưa đủ đem lại lời giải cụ thể cho cuộc sống thực tế của người thường, nhất là người thấp cổ bé họng, con ong cái kiến hay kiếp má hồng mệnh bạc. Vậy họ, con người, phải sống sao đây?


b/ Đoạn trường, an lạc, ý nghĩa cuộc sống


Nguyễn Du đặt tên tác phẩm của mình là Đoạn trường tân thanh, thể hiện rõ ý định nghệ thuật của ông là kể lại truyện phong tình cổ lục về nàng Kiều từ góc nhìn về đau khổ, đau khổ mãnh liệt, cùng cực, nỗi thương tâm đến đứt ruột. Nguyên nhân đau khổ của nàng Kiều – và của những người nam, nữ khác có liên quan – được tác giả gọi tên theo ý thức hệ đương thời là tài mệnh tương đố, là hồng nhan bạc mệnh. Khái quát hơn, độc giả đời sau gọi là thuyết định mệnh (nhiều tác giả), là triết lý đoạn trường (Nguyễn Sỹ Tế), hay cập nhật hơn, như lời Nguyễn Sỹ Tế: “Xưa kia, các tác giả Đông Tây nói tới Định mệnh, ngày nay thêm những nhận thức mới người ta nói tới Thân phận con người. Đặt vấn đề Định mệnh là đặt vấn đề cá nhân, mà đặt vấn đề Thân phận con người là đặt vấn đề tập thể rộng lớn. Ý nghĩa của hai điều hầu như rút về một. Là Định mệnh hay Thân phận con người thì đó cũng là một thực thể nhiều khi ở trong một cái vòng phi lý mà người đời phải nhận.”18 Một lần nữa, phi lý là phạm trù mang âm hưởng triết học hiện sinh của phương Tây thế kỷ 20. Nhưng bằng vào nhiều lần tự vấn, hỏi trời, than trời trách đất của nàng Kiều và các nhân vật khác cũng như của chính tác giả Nguyễn Du, khái niệm phi lý mà Nguyễn Sỹ Tế dùng là hoàn toàn có căn cứ.

Trong Truyện Kiều có mọi cung bậc của vô vàn niềm đau nỗi khổ từ thể xác đến tinh thần. Cả trí thức và bình dân, cả vua quan, lãnh tụ hay người dân thường thuộc mọi giai tầng xã hội đều tìm thấy trong nhiều câu chữ của Nguyễn Du những tâm trạng gần gũi với trải nghiệm đau khổ của họ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời. Chính vì vậy, người ta qua nhiều thế hệ không chỉ ngâm, chỉ đọc Truyện Kiều mà còn vịnh Kiều, lẫy Kiều, tập Kiều, bói Kiều, … và ai cũng có thể bật lên vài câu chữ của Truyện Kiều với cảm giác tác giả đã nói giùm mình trong nhiều tình huống. Ngoại trừ tục ngữ, ca dao, dân ca hò vè, chưa có tác phẩm văn học cổ điển hay hiện kim nào đạt được sự phổ biến sâu rộng và lâu bền như Truyện Kiều của Nguyễn Du trong tâm thức người Việt. Truyện Kiều cũng đứng đầu văn học viết về số lượng tên riêng nhân vật trở thành danh từ chung, cả nhân vật chính và phụ, cả chính diện và phản diện, hay đa diện như Hoạn Thư.

Điều thú vị là người ta không chỉ nhớ, chỉ thuộc những câu cực tả oan khổ, đoạn trường mà người ta cũng thuộc cả những câu tả tình tả cảnh, tả tiếng đàn như tiếng lòng người nghệ sĩ chơi đàn. Truyện Kiều có những câu thơ hay nhất tả mọi sắc thái khác biệt của tình yêu, từ xao xuyến đầu đời đến tình yêu nồng nàn, say đắm, từ tình yêu lãng mạn tuổi trẻ đến tình yêu nhục dục mặn nồng của cặp uyên ương Thúy Kiều-Thúc Sinh, tình yêu trai anh hùng gái thuyền quyên của Kiều với Từ Hải và tình yêu “lọ là chăn gối mới ra sắt cầm” (3178) khi Kim-Kiều tái hợp. Tống Nho dạy “trung thần bất sự nhị quân, trinh nữ bất sự nhị phu”. Xã hội nam quyền coi trai năm thê bảy thiếp là lẽ thường, nhưng không dung dưỡng người phụ nữ thiếu chính chuyên. Chỉ có ca dao thản nhiên bất chấp: “Chính chuyên chết cũng ra ma/ Lẳng lơ chết cũng khiêng ra ngoài đồng”. Trong khi Thanh Tâm tài nhân chỉ kể câu chuyện dật sử về cuộc đời chìm nổi của một kỹ nữ Vương Thúy Kiều truân chuyên trong tình trường, Nguyễn Du đã làm bao nhiêu thế hệ người đọc từ nho sĩ đến trí thức Tây học, từ vua quan cho chí bình dân cảm thông, say đắm với nhiều mối tình khác nhau của nàng Kiều từ thuở xuân xanh đến tuổi ba mươi từng trải. Trong mỗi lần yêu, cảm xúc của nàng và bạn tình cũng không nhất thành bất biến mà thay đổi với thời gian, hoàn cảnh.

Chỉ xin lấy ví dụ trường hợp Thúc Sinh, mà giới phê bình văn học thường ít lưu tâm. Nguyễn Du đã mô tả mối tình này từ lúc “sớm đào tối mận lân la/ Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng” (1289-1290). Lúc đầu, Sinh chỉ là kẻ chơi hoa, tìm đến chẳng qua vì “hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi” (1279). Vừa “giáp mặt hoa đào”, nhan sắc nàng Kiều đã được Sinh đánh giá: “Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa?” (1282). Nhưng không chỉ có lý do Sinh lắm tiền và Kiều tài sắc, lý do Tú Bà thừa cơ “tô lục, chuốt hồng” vì “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” (1305-1306), mà đôi bên còn có sự tương hợp nhất định: “lạ gì thanh khí lẽ hằng/ Một dây một buộc, ai giằng cho ra?” (1287-1288). Rồi có cơ hội Thúc ông vắng nhà, khiến con trai “càng một tỉnh mười mê” (1293). Sau thời gian “miệt mài trong cuộc truy hoan/ càng quen thuộc nết, càng dan díu tình” (1299-1300), lại còn phải có một ngày hè Thúy Kiều tắm khỏa thân trước mắt tình nhân19. Nói chung là có thêm nhiều nhân duyên khiến đôi bên đi đến “chỉ non thề bể, nặng gieo đến lời” (1368). Trước đó, Kiều cũng đã tiên liệu mọi điều bất trắc; nào là chàng có thể không giữ được tình yêu khi nàng “lạt phấn phai hương” (1337), nào là “ở trên còn có nhà thung” (1353), nào là “dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng” (1352). Trải qua cơn thử lửa trước phủ đường, được quan trên đổi ý tác hợp cho đôi lứa, họ nếm trải hạnh phúc: “từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa” (1472). Kiều từng mơ ước một tương lai bình yên, ổn định, nên khuyên chồng về thú nhận mọi việc với vợ lớn, với sự nhẫn nhịn: “Dầu khi sóng gió bất tình/ Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi” (1512). Từ lời khuyên thấu lý đạt tình cùng lời dặn ân cần tha thiết: “Thương nhau xin nhớ lời nhau” (1515), đến nỗi đau ly biệt: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (1525-1526), thật đã là cùng nhau vun đắp hạnh phúc vợ chồng, không phải chỉ đơn thuần là trăng hoa, nhục dục. Ngay cả khi bị đọa đày do nết ghen lạ đời của vợ cả và quyền thế nhà quan, Kiều vẫn ý thức rõ vị thế của mình, từ gái làng chơi nàng đã trở thành người vợ hợp pháp, được thừa nhận của Thúc Sinh với danh phận đàng hoàng: “Rõ ràng thật lứa đôi ta/ Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi” (1813-1814).

Chúng tôi chỉ dẫn một ví dụ để thấy Nguyễn Du đã tả cuộc đời Kiều không chỉ với oan khuất, đoạn trường mà cả với những thời gian an lạc và may mắn, hạnh phúc ngọt ngào, bình thường của con người trong thực tại. Với hai tình yêu kia của nàng cùng Kim Trọng và Từ Hải, cũng không khác. Nàng đã thực sự cùng tình nhân hưởng nhiều lạc thú yêu đương, tri âm tri kỷ. Những trải nghiệm đan xen sướng khổ đó, không phải chỉ với một người đàn ông duy nhất. Ngược với giáo điều Tống Nho, nhưng đúng với đời thường.

Một lần nữa, chúng tôi lưu ý là, trừ trường hợp cá biệt20, không có ai trong vô số độc giả Việt Nam của Truyện Kiều, từ người đương thời đến hậu thế, từ vua chúa, bậc tu hành đến dân thường thuộc nhiều tầng lớp xã hội, từng lên tiếng chê bai, chỉ trích Nguyễn Du hay nàng Kiều về nhiều mối tình, đều sống động và giàu cảm xúc thật của nàng. Cũng không ai phản bác xác quyết của Kim Trọng sau mười lăm năm lưu lạc giang hồ của nàng: “Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay?” Vì sao vậy?

Trước hết, vì không chỉ nhiều mối tình của nàng Kiều, mà những biến cố khác trong đời nàng đều là thường tình thế sự, là những thực tế mà số đông người ta dễ dàng trải nghiệm hay chứng kiến trong đời. Đối với một cô gái con nhà thường dân với gia cảnh “thường thường bậc trung” trải qua thời niên thiếu “êm đềm trướng rũ màn che”, chỉ cần thất thế sa cơ vì gia biến, là có thể rơi vào cảnh phải bán mình chuộc cha, làm vợ lẽ, hơn một lần bị lừa bán vào nhà chứa, rồi phải làm tôi đòi, có lúc bị lôi đến cửa quan như một tội nhân. Nhưng trên bước đường lưu lạc, có thể nhờ sắc, nhờ tài, nhờ trí thông minh, nết ăn ở mà được người đàn ông giàu có như Thúc Sinh, hào hiệp như Từ Hải thương yêu, giúp đỡ hoàn lương; nhờ “biết đường khinh trọng biết lời phải chăng” (2686) mà tai qua nạn khỏi; gặp lúc khốn cùng có thể được người tốt bụng như bà quản gia che chở bảo ban, có thể nương nhờ cửa Phật. Cách nhìn “đạo trời” có phúc, có họa (2655), nhìn người đời “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương” (2292) là cách nhìn không phiến diện, cực đoan, mà ôn hòa, chiết trung, thực tế, cũng là quan điểm thường thấy ở người Việt.

Quan trọng hơn, vì nàng Kiều và các nhân vật nam nữ được đại chúng yêu thích đa phần đều hành xử hợp với chuẩn mực đạo lý mà người Việt quen chấp nhận, cho là hợp lẽ. Truyện Kiều cũng có những nhân vật đa diện, như chàng Thúc si tình, chân thật yêu thương tuy là ươn hèn, khiếp nhược, như quan phủ Lâm Tri mới trông “mặt sắt đen sì”, nhưng trọng tài, rộng lượng, thương người cơ nhỡ, như Hoạn Thư khi ghen thì lồng lộn, hiểm sâu, cay độc, nhưng cũng biết rung cảm trước tiếng đàn hay, cả đối với tình địch cũng biết “rằng: tài nên trọng mà tình nên thương”, biết thương kẻ thuyền quyên bể trần chìm nổi (1900, 1903).

Thúy Kiều, nhân vật chính, càng có nhiều ứng xử khiến người ta yêu quý, nể trọng. Chỉ xin dẫn vài ví dụ, ở những tình tiết mà Nguyễn Du có sự sửa đổi rõ ràng so với nguyên tác, để thấy tác giả và nhân vật Truyện Kiều, dù có khi dùng cái vỏ là ngôn từ, khái niệm Hán hay Tống Nho, nhưng thường với nội hàm khác biệt, gần gũi tâm tình người Việt hơn. Khi Kiều bán mình chuộc cha, ở cả Kim Vân Kiều truyệnĐoạn trường tân thanh, người cha đều đau lòng muốn quyên sinh. Lời can gián của Thúy Kiều trong nguyên tác chỉ dùng lập luận duy nhất: con là phận gái, đằng nào cũng theo chồng xa lìa cha mẹ. Thúy Kiều của Nguyễn Du không hề viện lẽ đó. Sau khi nhắc gương hiếu nữ Hán, Đường, chủ yếu Kiều nêu những lý do thực tế: cha già21 cao tuổi, còn trách nhiệm với cả gia đình, nếu không nỡ để con bán mình thì cả nhà tan nát, nên “thà rằng liều một thân con/ hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây” (677-678). Vì không còn đường nào khác, nên đành cam chịu: “Phận sao đành vậy cũng vầy/Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh” (679-680). Nhưng trong suốt lời phân trần, biện giải của Kiều, không có bất cứ lời nào hạ thấp vị trí bản thân chỉ vì mình là gái; ngược lại, nàng nêu cao gương liệt nữ thời xưa và nhận về mình trách nhiệm người chị cả, người đủ sức cứu cả gia đình để cha mẹ yên lòng ở lại lo cho hai em. Trong nhiều lần nhớ nhà của Kiều trên bước đường lưu lạc, vị thế chị cả đó vẫn y nguyên; và trong thực tế, sự hy sinh của nàng quả đã bảo toàn được gia đình ruột thịt. Cách nhìn đó, ứng xử đó là một trong những khác biệt lớn giữa văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa. Tục ngữ Việt luôn thừa nhận: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”.

Ví dụ thứ hai, thái độ của Thúy Kiều đối với Hoạn Thư. Hoạn Thư của nguyên tác đã dùng y hệt các lập luận tự vệ như trong Đoạn trường tân thanh, kể cả ý: “Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo” (2368). Nhưng nàng Kiều của Thanh Tâm tài nhân chỉ giảm từ án tử hình xuống đánh đòn, Hoạn Thư không tránh khỏi cảnh thịt nát máu rơi thảm khốc, đến nỗi Hoạn bà quá kinh sợ, thương tâm mà bỏ mạng. Nàng Kiều của Nguyễn Du thì quyết định tha ngay, Hoạn Thư bình an vô sự, cũng không ai động đến Hoạn bà, chắc chắn không phải vì bà quyền cao chức trọng mà hẳn vì thể tất người mẹ cao tuổi. Trong quyết định dứt khoát của nàng Kiều có sự cảm thông, thừa nhận lẽ phải của Hoạn Thư: “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình […]/ Lòng riêng riêng những kính yêu/ Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!” (2366, 2369-2370). Và phải chăng, có cả sự biết xấu hổ của người có lòng tự trọng, tuy phải ăn cắp khi bản thân lâm hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng vẫn hàm ơn người đã rộng lượng không truy bức? Đó vừa là sự nhân nhượng, bao dung, vừa là sự ôn hòa, thấu hiểu “mà trong lẽ phải có người có ta” (3114) khiến đại chúng Việt tâm phục khẩu phục, vì đó cũng là ứng xử truyền thống của họ.


3. Truyền thống và minh triết Việt


Như các nhà phê bình văn học đã tổng kết, khi Đoạn trường tân thanh xuất hiện các nhà nho đương thời phần lớn đã bày tỏ cảm tình với tác giả và đề cao giá trị tác phẩm22. Trong đó nổi bật và có giá trị lâu dài nhất là ý kiến của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân23: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời  thì tài nào có cái bút lực ấy”. Đầu thế kỷ 20, nhà nho tân học Phạm Quỳnh ca ngợi: "Thúy Kiều có cái đức nghiêm của người phụ nữ mà lại có cái vẻ phong tình của khách phong lưu, đức hạnh đủ khiến kính, tài tình đủ khiến yêu, giá trị đủ khiến quý, thân thế đủ khiến thương. Vì cảnh ngộ mà nặng kiếp đào hoa trong tình ý vẫn người tiết nghĩa, ở nơi ô nhục mà vẫn giữ được tiết hạnh thanh cao, gặp gian nan mà không hề đắm đuối. Kiều nương thật là gồm được bấy nhiêu tư cách nên ai cũng phải kính, phải thương, phải yêu, phải trọng." (Nam Phong số 30-1919). Cuối thế kỷ 20, thiền sư Thích Nhất Hạnh dành hơn nửa năm trời giảng Kiều tại Làng Mai như một cách thuyết pháp. Các bài giảng được tập hợp thành sách. Nhà sư diễn giải là cuối truyện, Kiều đã tự chuyển hóa theo Phật pháp nhờ được giải thoát ở sông Tiền Đường, nhờ thành tâm tu tập với sự giúp đỡ của Giác Duyên và sau này còn “độ” cho cả Kim Trọng24.

Chúng ta không khỏi thấy khiên cưỡng khi Phạm Quỳnh dùng thuật ngữ Tống Nho gán cho nàng Kiều, như đức nghiêm, đức hạnh, tiết nghĩa25; chỉ có thể đồng tình khi ông nói về tính cách phong tình, phong lưu, tài tình, giá trị, tình ý, tư cách. Càng khiên cưỡng hơn khi thiền sư Nhất Hạnh mơ hồ trích dẫn “nguyên lục” để diễn giải ý nguyện của Kiều là muốn “sống cuộc đời của người tu” trong gia đình26. Dùng Phật pháp để đối chiếu với cách luận giải của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, tác giả Thích Nhất Hạnh từng nhiều lần phê phán và rốt cuộc kết luận: “kiến thức Phật học của cụ [Nguyễn Du] trong khi sáng tác Truyện Kiều còn chưa chín27.

Thật ra, muốn chứng minh Truyện Kiều trung thành với Nho học chính thống hay Phật giáo bác học, đều sẽ gặp mâu thuẫn, như nhà phê bình Trần Thanh Hiệp đã lý giải. Để giải quyết mâu thuẫn, theo ông, chỉ có cách “trả Nguyễn Du về cho nguồn tín ngưỡng bình dân28”. Đó cũng là kiến giải của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: “Truyện Kiều viết ra không để ca ngợi sự hy sinh, diệt nhân dục, mà để nói nỗi đau đớn, “đoạn trường” của con người. […] Kiều là người có tài [… Nhưng] Kiều trong truyện sống chỉ bằng tâm, tự nâng mình lên bằng chữ tâm, cho nên “chữ tâm” kia mới bằng ba chữ tài. […] Chỉ có tấm lòng mới có sức cứu vớt nhân vật. Khi coi tâm là lí thì con người trở nên một sản phẩm của thế tục. Truyện Kiều là truyện kể về một cái tâm thế tục. Truyện thế tục là truyện kể về các chuyện “ăn cơm mặc áo” của con người29. Và ông kết luận: “Truyện Kiều mang tính thế tục và cao thượng, chứ không đạo đức siêu hình, cũng không tầm thường dung tục. Đó chính là phẩm chất bất hủ của nó. Chính cái tâm thế tục, phi siêu hình mà Truyện Kiều mới được đại đa số người đọc đồng tình, yêu chuộng.” (tác giả Trần Đình Sử nhấn mạnh)

Câu ca dao: “Làm trai chớ đọc Phan Trần/ Làm gái chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” là lời răn dạy của nhà nho chính thống đã lan rộng trong đại chúng. Nhưng nó không ngăn nổi Truyện Kiều được truyền tụng và thuộc lòng trong đông đảo bình dân qua nhiều thế hệ, kể cả người mù chữ. Vì sao? Theo chúng tôi, ngoài tài năng đặc biệt của thi hào Nguyễn Du đã đưa truyện thơ Nôm và ngôn ngữ Việt đến đỉnh cao chưa từng có trước đó, một nguyên nhân quan trọng là tư tưởng nhân bản của Nguyễn Du là sự kết tinh và thăng hoa của văn hóa truyền thống Việt Nam từ cội nguồn xa xưa nhất, vẫn sống mãnh liệt cùng dân tộc qua nhiều thế kỷ tiếp thu, dung hợp Nho, Phật, Lão với tín ngưỡng bản địa và không ngừng được làm mới, làm dày dặn, phong phú hơn qua các biến cố và chuyển biến lịch sử cho đến thời Lê mạt Nguyễn sơ của Nguyễn Du, cũng như nó được tiếp tục bảo tồn và làm mới cho đến thời đại chúng ta.

Đặc điểm nổi bật của truyền thống đó thể hiện trong Truyện Kiều là lòng thương yêu, sự quý trọng phụ nữ, trân trọng các giá trị cá nhân của họ, khiến Nguyễn Du dành rất nhiều ưu ái cho nhân vật nữ của mình từ chị em Thúy Kiều, Thúy Vân đến Đạm Tiên, Hoạn Thư, bà quản gia, vãi Giác Duyên hay đạo cô Tam Hợp. Họ đều đẹp hơn trong nguyên tác rất nhiều, với những đức tính được người Việt coi trọng.

Trong trường hợp Thúy Kiều, đó là nhan sắc, tài năng và nết ăn ở có tình có nghĩa, có trước có sau, biết người biết ta, là lòng tự trọng, ý chí đấu tranh sinh tồn không mệt mỏi, không bao giờ buông xuôi, bỏ cuộc. Là nữ nhi trong một xã hội vốn dĩ má hồng mệnh bạc nàng tự biết mình “phận mỏng cánh chuồn”, “biết duyên mình biết phận mình vậy thôi” nên có sức chịu đựng đau khổ rất dai dẳng, bền bỉ. Chịu đựng hoàn toàn không phải theo cách thụ động, càng không phải là tự nguyện hy sinh, câm lặng nhận phần thiệt về mình vì một nghĩa vụ đạo đức trừu tượng nào đó. Dù nhiều lần ở trong thế yếu tuyệt đối, nàng không bao giờ từ bỏ vũ khí của kẻ yếu, từ khóc than, kể lể đến van lạy, khẩn cầu, bỏ trốn, nói dối, ăn cắp hay toan tự sát, để giữ giá trị đối với nàng là quý giá nhất trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đó có thể là mạng sống, là sự thoát thân ra khỏi đau đớn thể xác, tinh thần, khỏi hiểm nguy đe dọa. Khi có thể chọn lựa, nàng sẵn sàng chọn cái chết hay đòn roi tra tấn để giữ sự trong sạch như khi mới sa vào tay Tú Bà lần thứ nhất hay sau khi được Thúc Sinh cứu vớt lại bị quan phủ muốn trả về lầu xanh. Cũng khi hoàn cảnh còn chừa ra lối thoát dù là cánh cửa rất hẹp, nàng đã hơn một lần tự cứu thành công hay tự làm cho số phận bớt phần khắc nghiệt bằng tài thơ, tài đàn hay thái độ biết điều, biết nhân nhượng và thương lượng, thuyết phục khôn ngoan, khéo léo. Không chỉ với Thúc Sinh, Từ Hải hay Kim Trọng ngày tái ngộ, mà cả với kẻ áp bức, mưu hại, nàng đều ít nhiều đạt được điều mình muốn nhờ “biết đường khinh trọng biết lời phải chăng”. “Còn nước còn tát”, “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” (tục ngữ) là ý chí kiên trì, bền bỉ, quyết liệt của dân tộc Việt trải qua nhiều biến cố sinh tử suốt mấy ngàn năm lịch sử.

Đặc điểm thứ hai là, lâu dài trong thời gian và sâu xa về truyền thống hơn sự du nhập Tam giáo từ bên ngoài, là cội nguồn văn mình Đông Nam Á với đa thần giáo, với tín ngưỡng phồn thực từ xã hội nông nghiệp, được duy trì bền vững ở thế thượng phong ít nhất đến cuối thời Trần, theo sử gia Tạ Chí Đại Trường30 và vẫn âm ỉ sống trong tục thờ thần của dân gian suốt trong thời mà quan điểm chính thống của các triều Lê Trịnh, Nguyễn hay Tây Sơn, Nguyễn Ánh đều có vị thế ít nhiều áp đảo của độc tôn Tống Nho và vai trò tầng lớp nho sĩ trong chính trị. Ông cũng dẫn nhiều nguồn tư liệu lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa để xác quyết thực tế là người Việt, từ tầng lớp cai trị bên trên đến dân thường đều giữ được tập quán lâu đời là phóng khoáng trong tình yêu nam nữ và sinh hoạt tình dục, khác hẳn và bất chấp thái độ dè dặt, tiết giảm, kiểm soát, “diệt dục” rất thanh giáo của đạo lý Nho, Phật. Là người nghiên cứu về phụ nữ và giới trong truyền thống Việt, chúng tôi chia sẻ luận điểm này, cũng như phân tích của các nhà giáo-nhà phê bình văn học31 nhiều lần nhấn mạnh sự gần gũi, tương đồng giữa các đoạn tả tình trong Truyện Kiều – dù là tình yêu nam nữ hay tình cảm nhớ nhà, thương thân của Thúy Kiều – và ca dao, văn học dân gian truyền khẩu.

Vì người Việt quen phóng khoáng, bao dung với tình yêu, tình dục, kể cả ngoài hôn nhân, ngoài “vòng lễ giáo” Tống Nho nên – khác với vài nho sĩ khư khư bảo vệ chính thống – độc giả đại chúng hiểu và đồng cảm với tính thực tế đời thường của việc Thúy Kiều “đánh đường tìm hoa”, tự mình thề non hẹn biển với tình nhân, mà sau khi biết ra qua cơn gia biến, cha mẹ nàng vẫn trân trọng tình yêu được coi là chân thành, trong sạch đó của con, đồng tình với việc Kiều nhờ Vân thay mình trả nghĩa chàng Kim và đối với lời dặn dò gởi gắm của nàng, đều nguyện: “Dẫu mòn bia đá, dám sai tấc vàng!” (772)32. Họ cũng hiểu và đánh giá cao cô gái đã biết dùng “lời đoan chính dễ nghe” (523) để cảnh tỉnh người yêu – cũng là tự kiềm chế bản thân vì lòng tự trọng, vì nhân cách và vì hạnh phúc tương lai – khi cả hai đều chống chếnh trong cơn say tình33. Rồi cũng chính người con gái ấy sau gia biến, trước viễn cảnh sắp phải thất thân vào tay người đã mua mình như một món hàng, lại xót xa tiếc nuối: “Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” (791-792)34. Nàng đã nói được tiếng lòng và nỗi đau của biết bao nàng Kiều đương thời và hậu thế, biết bao người phụ nữ lỡ làng duyên phận!

Cũng vì truyền thống phóng khoáng của văn hóa Việt, đại chúng chẳng những không lên án – vì nó trái với giáo điều Tống Nho – mà còn cùng Nguyễn Du say sưa thưởng thức những câu thơ tình tuyệt diệu tả ba tình yêu khác biệt nhau của nàng Kiều, mà mối tình nào cũng nồng nàn, tha thiết. Truyền thống ấy cũng giúp Nguyễn Du đem lại cái kết có hậu, cái kết đẹp mà người Việt còn quan tâm, khao khát hơn cả công lý của cảnh ơn đền oán trả, đó là trả lời cho câu hỏi: “Người sao hiếu nghĩa đủ đường/ Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?” (2653-2654). Chúng ta đã thấy Nho giáo chính thống hay Phật học uyên bác đều không cho được câu trả lời: giải quyết thế nào khi Kim-Kiều tái hợp? Chỉ có bằng cách tiếp cận đời thường. Thúy Kiều đã qua hai lần giải thích, phân trần; lần đầu thất bại vì cả nhà chúng khẩu đồng từ khiến nàng “khôn lẽ chối lời”, đành “cúi đầu nàng những ngắn dài thở than” (3129-3130). Lần thứ hai là trong đêm động phòng sau hôn lễ, trong cảnh “tình nhân lại gặp tình nhân/ Hoa xưa ong cũ mười phân chung tình!” (3143-3144). Cả hai lần, nàng đều nói về nỗi đau của thân xác đã ê chề tủi nhục: “Bấy chầy gió táp mưa sa/ Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn! Còn chi là cái hồng nhan?/ Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào? Nghĩ mình chẳng hổ mình sao?” (3199-3103), “Riêng lòng đã thẹn lắm thay/ Cũng là mặt dạn mày dày khó coi!” (3149-3150), “Cũng là giở nhuốc bày trò/ Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi!” (3155-3156), “Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi!” (3164) Vì Kim Trọng cũng một lòng như nàng, yêu nàng bằng tấm chân tình: “Bấy lâu đáy bể mò kim/ Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa?” nên ý nguyện của nàng mới gặp tâm giao. Và hạnh phúc mà cặp uyên ương lần này có được mới là bồng lai tiên cảnh đem lại sự thanh thản cho cả hai, lại còn cho phép hóa giải nỗi dằn vặt của Thúy Vân giữa “phận cải duyên kim” (tình chồng vợ) và “máu chảy ruột mềm” (tình chị em ruột thịt). Không phải Nho hay Phật, mà chính đạo thần tiên đã dung hợp với tín ngưỡng bình dân để cho lời giải. Dân gian không lầm. Khi bối rối, lo âu trước đường đời muôn nẻo, người ta bói Kiều, nghi lễ bắt đầu bằng lời khấn: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều!” Đó là phiên bản bình dân của Nho, Thích, Lão, là tâm thức và tâm nguyện của đại chúng.

Đặc điểm thứ ba là hệ quả của hai đặc điểm trên. Chính vì truyền thống Việt coi là bình thường việc người phụ nữ có thể hơn một lần yêu và kết hôn, chính vì họ được xem là bình đẳng với nam giới, nên họ không bao giờ ở vị trí lệ thuộc, sống bám người yêu hay chồng mình, như những hình ảnh Tống Nho quen dùng như nâng khăn sửa túi, liễu bồ dựa bóng tùng quân; nên trong ba lần yêu của mình Kiều luôn có quan hệ bình đẳng với người yêu, nhờ vậy có thể hưởng lạc thú tình yêu trọn vẹn, yêu với cả tài cả sắc, cả thân xác, trái tim và trí tuệ của mình. Thúc Sinh, Từ Hải đều bỏ tiền chuộc nàng từ lầu xanh, nhưng đều muôn phần ngưỡng mộ tài sắc và trí thông minh của nàng. Với họ, nàng có thể dùng lời khiêm cung, nhũn nhặn, vì biết phận mình là gái lầu xanh, nhưng từ tình cảm, suy nghĩ đến hành động, nàng luôn thể hiện tư cách khiến Thúc vị nể, còn Từ Hải thì chỉ sau vài lời trao đổi, đã mừng “tri kỷ trước sau mấy người?” (2200). Kim Trọng có thể xót xa: “Rằng: Tôi trót quá chân ra/ Để cho đến nỗi hoa trôi giạt bèo” (2811-2812); nhưng nàng Kiều trong cơn gia biến chỉ tự trách mình: “Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây!”, chưa bao giờ tiếc xót vì chàng Kim không có mặt để giúp nàng thoát hiểm. Đã hơn một lần yêu và được biết bao người đàn ông đánh giá cao, nàng Kiều, cũng như các nhân vật nữ khác trong truyện, như bao người phụ nữ Việt khác ngoài đời, không bao giờ là phận nữ nhi dựa dẫm, nương nhờ, mà luôn tự chịu đau khổ, tự mình tìm cách thoát khổ và cũng luôn biết hưởng lạc thú khi có cơ hội. Vừa tự tin, tự chủ, tự lập với xác tín “Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra/ Có trời mà cũng tại ta” (2656-2657), “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (420), vừa biết “Mà trong lẽ phải có người có ta” (3114) để hiểu và sống được cùng người khác, đó là minh triết Việt qua nhiều thế kỷ đấu tranh vì lẽ sống còn. Sự tự lực và quân bình đó trong kết nối với bản thân, với thiên nhiên, với người khác – nói theo cách diễn đạt của lý thuyết về hạnh phúc thời nay – hình như đã nằm trong minh triết Việt tự bao đời. Nó cũng hiển hiện rõ nét trong tục ngữ, ca dao, dân ca và nhiều hình thức nghệ thuật khác. Truyện Kiều của Nguyễn Du vừa kế thừa được truyền thống đó, vừa đưa nó lên tầm cao mới bằng tấm lòng, tư tưởng và tài năng của tác giả.

Chính vì không bị nhốt chặt trong khuôn Tam giáo mà tác phẩm của Nguyễn Du không chỉ của một thời. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhà phê bình đã đúc kết: “… sở dĩ truyện Kiều rung cảm toàn dân chính vì truyện Kiều đã kết tinh cao độ tất cả nhân sinh quan và triết lý của người Việt, đã thu hút tất cả yếu tố hay của Nho, Thích, Đạo. Ngoài giá trị về văn chương ta còn tìm thấy giá trị triết lý cả hình nhi thượng và hình nhi hạ độc đáo của người Việt35.

Nhưng chúng tôi lại thấy cực đoan và không thể đồng tình khi cũng tác giả trên xác quyết: “Phải là người Việt, đọc hiểu bằng giác quan Việt mới cảm thông hết cái hay của truyện Kiều, mới hiểu được Nguyễn Du và tìm thấy cả giá trị luân lý, cái nền luân lý rộng rãi bao dung độc đáo Việt.”36 Hẹp hòi như vây là trái với sự khoáng đạt và thấu cảm của Nguyễn Du, chẳng hạn khi ông viết: “Thịt da ai cũng là người/ Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau!” (1137-1138). Đồng ý với Mộng Liên Đường chủ nhân cho rằng qua Truyện Kiều, bút lực của Nguyễn Du thể hiện “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”, chúng tôi tán thành nhiều tác giả đã nhận định, như Trần Thanh Hiệp: “Nguyễn Du đã trình bày rất sống những sự thật mà hiện nay vẫn còn bắt gặp bất luận ở Đông phương hay Tây phương. Thảm kịch Thuý Kiều không phải chỉ là đau xót riêng tây của Nguyễn Du, của chúng ta, những người Việt Nam trong khoảng hơn một thế kỷ nay, mà của loài người tất cả đang run sợ trước những trang sổ mở đoạn trường vĩ đại. Tiếng nói Nguyễn Du sẽ chỉ mất hết mầu nhiệm ngày nào mà nhân loại không còn phải nhỏ lệ khóc cho thân phận con người37. Hay như Nguyễn Sỹ Tế viết: “Đoạn trường tân thanh là tiếng kêu cầu cứu, là tiếng kêu báo động vì một tấn thảm kịch ngạt38 chìm sau cái vẻ ngoài hiền lành và trầm lặng của câu chuyện, cũng hiền lành và trầm lặng như nếp sống của tác giả, như nếp sống của dân tộc. Giá trị của tấn thảm kịch này cũng là giá trị của con người […]. Thêm nữa, nói về rung cảm, giá trị rung cảm của Đoạn trường tân thanh lại cũng nhờ ở tấn thảm kịch nội tâm của tác giả và của nhân vật chính […]. Tấn thảm kịch đó cũng chẳng khác mấy tấn thảm kịch của đa số chúng ta ngày nay và còn kéo dài không biết đến bao giờ nữa: tấn thảm kịch của con người, của nhân loại chia từ trong nội tâm của chính mình trở đi.39

Chúng tôi chỉ xin phép nhắc lại: Tiếng kêu đứt ruột mới của Nguyễn Du, sở dĩ lay động tâm can người ta mãnh liệt, có âm vang sâu rộng và lâu bền như vậy, chính vì nó không phiến diện, cực đoan, nó không nhìn đời chỉ một màu đen tối, nhìn xã hội chỉ rặt “phường bán thịt […] tay buôn người”, nhìn phận má hồng luôn mệnh bạc. Truyện Kiều có sức thuyết phục cao chính vì tính thực tế, tính quân bình, toàn diện, thấu cận nhân tình của nó. Nó không chỉ là “ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi40; ngược lại, nó giúp người ta yêu và thưởng thức cái đẹp, không chỉ của giai nhân Thúy Kiều, mà cả của thiên nhiên, của tình yêu với biết bao câu thơ hay tả tình tả cảnh, mà cả của kiếp nhân sinh có vui có buồn, có sướng có khổ. Người có tâm – cái chữ tâm mà Nguyễn Du đánh giá bằng ba chữ tài – là người biết sống trọn kiếp nhân sinh như vậy, trong quan hệ hài hòa với bản thân, với thiên nhiên, cùng đồng loại. Đó cũng là chút đóng góp của văn hóa Việt vào văn học và triết học của thế giới.


7/2019

Bùi Trân Phượng


Nguồn : Tham luận tại Hội thảo Đọc lại Truyện Kiều do Viện Goethe tổ chức tại Hà Nội ngày 13-14/7/2019, tác giả gửi Diễn Đàn.

Chú thích :


1 Chúng tôi sử dụng Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), trong Mai Quốc Liên, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Du toàn tập, t. 1, nxb Văn học, Tp HCM, 2015. Để tiện cho độc giả sử dụng văn bản khác, các trích dẫn từ Truyện Kiều đều chú số của câu bên cạnh, thay vì số trang trong sách.

2 Minh chứng là lời căn dặn: “Mai sau dầu có bao giờ, Đốt lò hương ấy, so tơ phím này, Trông ra ngọn cỏ lá cây, Thấy hiu hiu gió thì hay chị về” (741-744).

3Phụ tình án đã rõ ràng, Dơ tuồng nghỉ mới kiếm đường tháo lui” (1187-1188).

4 Vì vậy, ca dao ghi nhận: “Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa thì quét lá đa, Bao giờ dân nổi can qua, Con vua thất thế lại ra ở chùa”.

5 Ngược lại, Ưng, Khuyển chưa từng có lời thề nào, song vẫn bị gia hình chung với cả bọn bị xem là kẻ ác. Một phần Nguyễn Du tôn trọng nguyên tác. Ngoài ra Ưng, Khuyển là nhân vật phụ, lại là thân phận gia nô, phải chịu vạ thay chủ nhân cũng là điều thường xảy ra trong thực tế.

6 Xem Thích Nhất Hạnh, Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán-Thả một bè lau, Thời đại, Hà Nội, Cty Sách Phương Nam, Tp HCM, 2015, tr. 158-185

7Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân!” (2348) là lời Kiều cảm tạ Giác Duyên và bà quản gia. Phiếu mẫu, cũng gọi Xiếu mẫu là bà già làm nghề giặt sợi ở bến nước. Hàn Tín đời Hán lúc hàn vi được bà đãi một bữa cơm, sau làm đến tước vương, lấy nghìn vàng tạ ơn. Truyện Kiều, sđd, cước chú 2, tr. 202

8 Sau đây là một số ví dụ, chưa đầy đủ: “Một mình lưỡng lự canh chầy/ Đường xa, nghĩ nỗi sau này mà kinh, Hoa trôi bèo dạt đã đành/ Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi!/ Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi/ Nghĩ đòi cơn, lại sụt sùi đòi cơn.” (217-222); “Nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe!” (1220); “Khéo là mặt dạn mày dày/ Kiếp người đã đến thế này thì thôi!” (1223-1224); “Đã cho lấy chữ hồng nhan/ Làm cho cho hại cho tàn cho cân!/ Đã đày vào kiếp phong trần/ Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!” (1271-1274); “Phong trần kiếp đã chịu đày/ Lầm than, lại có thứ này bằng hai!/ Phận sao bạc chẳng vừa thôi? Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan!/ Đã đành túc trái tiền oan/ Cũng liều ngọc nát, hoa tàn mà chi!” (1761-1766); “Bể trần chìm nổi thuyền quyên/ Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời!” (1903-1904); “Chém cha cái số hoa đào/ Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi/ Nghĩ đời mà ngán cho đời!/ Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!/ Tiếc thay nước đã đánh phèn/ Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!/ Hồng quân với khách hồng quần!/ Đã xoay đến thế còn vần chưa tha” (2151-2158)

9Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu” (115-116), Chiêu hồn thập loại chúng sinh, Nguyễn Du toàn tập, t. I, sđd, tr. 265

10 Nhiều độc giả và nhà phê bình Việt ít chú ý Thúy Vân, xem nàng là nhân vật phụ và cũng hay quên vị thế đối lập của Vân-Kiều với “chồng chung” là Kim Trọng. Nhưng thật ra không nên quên nhan đề tác phẩm gốc Kim Vân Kiều truyện. Đọc kỹ Đoạn trường tân thanh mà không chỉ tập trung vào nhân vật chính, ta sẽ thấy Nguyễn Du mô tả tâm lý Thúy Vân muôn phần tinh tế. Từ những chi tiết như: “ân cần hỏi han” (714), “xót tình máu mủ” (732), “nỗi nàng, Vân mới rỉ tai” (765), “tàng tàng chén cúc dở say” (3061), “vậy đem duyên chị buộc vào duyên em/ Cũng là phận cải duyên kim/ Cũng là máu chảy ruột mềm chứ sao?” (3066-3068) – xin để ý điệp ngữ “cũng là” đầy ngụ ý – có thể thấy Thúy Vân dưới ngòi bút Nguyễn Du không hề là cô gái hời hợt, vô tâm như một số người trách. Chí ít, có một nhà phê bình đã dành lời ca ngợi cảm thông cho cái tác giả ấy gọi là sự hy sinh thầm lặng, cao cả của Thúy Vân. Xem Nguyễn Thị Sâm, “Người em vườn Thúy”, Chân dung Nguyễn Du, in tại nhà in Nam Sơn, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn. Kiếm duyệt số 401/XB ngày 08-3-1960. Bản điện tử do talawas thực hiện, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14284&rb=08, tham khảo lần cuối ngày 3/7/19. Đó là cảm nhận của người đọc. Nguyễn Du không nói về sự hy sinh. Ông chỉ tả người, kể việc, qua đó người đọc có thể hiểu rằng cả đối với nàng Vân, “lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (84).

11 Nhiều nhà phê bình để ý Nguyễn Du đã biến Hoạn Thư từ một nhân vật phản diện tầm thường trong Kim Vân Kiều truyện thành một nhân vật bi kịch đa diện, có cá tính. Có tác giả còn xem Hoạn Thư dù là tình địch vẫn là tri kỷ của Thúy Kiều, hơn cả Kim Trọng, Thúc Sinh hay Từ Hải. Xem Khuyết danh, “Nhân vật Hoạn Thư trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du”, https://nghiluanvan.blogspot.com/2013/04/nhan-vat-hoan-thu-trong-oan-truong-tan.html, tham khảo lần cuối ngày 2/7/19.

12 Mỗi lần Kiều bị đánh đòn, Nguyễn Du đều tỏ sự thấu cảm xót thương như vậy: “Ba cây chập lại một cành mẫu đơn/ Phận đành chi dám kêu oan/ Đào hoen quyện má, liễu tan tác mày/ Một sân lầm cát đã đầy/ Gương lờ nước thủy, mai gầy vóc sương” (1426-1430); “Dẫu rằng trăm miệng khôn phân lẽ nào!/ Trúc côn ra sức đập vào/ Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh/ Xót thay đào lý một cành/ Một phen mưa gió tan tành một phen!” (1738-1742). Ông cũng bày tỏ xót xa cho những cơ cực của kiếp tôi đòi: “Ra vào theo lũ thanh y/ Dãi dầu tóc rối da chì quản bao!” (1745-1746); “Sớm khuya khăn mặt, lược đầu, Phận con hầu giữ con hầu dám sai!” (1775-1776). Rất hiếm khi đọc được những chi tiết sinh động tới mức đó ở tác giả cổ văn.

13 Có thể tham khảo Trần Đình Sử, “Chữ tâm trong Truyện Kiều”, https://trandinhsu.wordpress.com/2015/10/27/chu-tam-trong-truyen-kieu/. Tác giả trình bày rất uyên bác về chữ tâm trong truyền thống triết học Trung Hoa và xác quyết “chữ Tâm Truyện Kiều khác với chữ Tâm nho học chính thống, nhưng là hợp với chữ Tâm Minh nho”. Ở đây chúng tôi chỉ nhấn mạnh cách đại chúng hiểu chữ tâm giản dị như trong lương tâm, thành tâm/tâm thành, tâm huyết. Cách hiểu đó gần với điều tác giả Trần Đình Sử diễn giải là: “[có] mâu thuẫn sâu sắc trong chữ Tâm của Tâm học của Minh nho với quan niệm của nho học chính thống dưới thời nhà Nguyễn”. Hay khi ông nhận xét: “Bản thân Nguyễn Du cũng mang một chữ Tâm thế tục thì mới viết ra được Truyện Kiều. […] Người ta yêu thích Truyện Kiều chính vì nó rất đời […]. Người viết chuyện ấy cũng mang tâm hồn thế tục.

14 Tham khảo, chẳng hạn, Nguyễn Thanh Nhã, Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Nguyễn Nghị dịch, nxb Tri thức, 2013; Li Tana, Xứ Đàng Trong, Lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Nguyễn Nghị dịch, nxb Trẻ; các tác phẩm sử học của Tạ Chí Đại Trường, đặc biệt là Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802; Georges Dutton, Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (The Tây Sơn Uprising), Lê Nguyễn dịch và giới thiệu, nxb Tổng hợp Tp HCM và DT Books, 2019.

15 Bàn hoàn: “nghĩ quanh nghĩ quẩn”, Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 34, dẫn bởi Mai Quốc Liên, sđd, cước chú 4, tr. 166

16 Trần Bích Lan, “Nguyễn Du và những nẻo đường tự do”, trong Chân dung Nguyễn Du, in tại nhà in Nam Sơn, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn. Kiếm duyệt số 401/XB ngày 08-3-1960. Bản điện tử do talawas thực hiện. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14257&rb=08, tham khảo lần cuối 5/7/19

17 Xem Trần Bích Lan, bài đã dẫn; Nguyễn Sỹ Tế, “Triết lý đoạn trường”, trong Chân dung Nguyễn Du, sđd

18 Nguyễn Sỹ Tế, bài đã dẫn

19 Về tình tiết này, thiền sư Thích Nhất Hạnh nhận xét: “Nhà Nho Nguyễn Du tả một thiếu phụ đang khỏa thân tắm. Nhà nho này cũng ghê lắm chưa đâu phải chơi. Trong nguyên lục, tác giả chỉ tả cái đẹp của Kiều buổi tối ấy sau khi nàng vừa mới tắm ra, chứ không tả Kiều trong khi đang tắm. Cụ Nguyễn Du lại tả Kiều trong khi nàng tắm. Bài thơ của Thúc Sinh làm ra để ca tụng sắc đẹp Kiều tuy có nói đến “băng cơ tuyết thái” (da băng vẻ tuyết) nhưng cũng chỉ ca tụng mỹ nhân đã mặc áo vào rồi, còn những câu thơ của cụ Nguyễn Du lại là để ca tụng mỹ nhân khi nàng còn khỏa thân. Truyện Kiều như vậy là erotic hơn nguyên lục.” Thích Nhất Hạnh, Thả một bè lau, Thời đại, Hà Nội, Cty Sách Phương Nam, Tp HCM, 2015, tr. 117

20 Một trong những trường hợp “cá biệt” này là Nguyễn Công Trứ (1778-1858) với lời mắng nhiếc: “Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa/ Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!” (Vịnh Thúy Kiều). Nhưng trách “cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu” mà không tính đến nguyên nhân đầu tiên vì sao nàng Kiều rơi vào chốn thanh lâu, thì khá dễ cho nhiều người khác biện minh cho nàng Kiều. Và như đã có nhà phê bình nhận xét, nhà nho háo hức lập công danh dưới triều Minh Mạng thì khó lòng thông cảm với nhà nho bất đắc chí thời Lê mạt Nguyễn sơ là tác giả Đoạn trường tân thanh. Và Nguyễn Công Trứ “đã dùng thể hát nói với giọng chê bai mà vẫn đú đởn, bỡn cợt chứ không gay gắt”. Xem Doãn Quốc Sỹ, Việt Tử, Khảo luận về Đoạn trường tân thanh, Nam Sơn xb, bản pdf.

21 Bản Mai Quốc Liên, sđd, chép: “Cỗi xuân tuổi hạc càng cao” (673), nhưng cũng có bản chép khác: “Xuân huyên…” nói về cả cha lẫn mẹ, càng gần với truyền thống bản địa Việt hơn.

22 Ý kiến tổng kết của Hà Như Chi trong Việt Nam thi văn giảng luận, do Doãn Quốc Sỹ… tóm lược trong Doãn Quốc Sỹ, Việt Tử, Khảo luận về Đoạn trường tân thanh, sđd, “Giá trị Truyện Kiều”.

23 Là bút danh của Nguyễn Đăng Tuyển (1795-1880), quê ở thôn Thượng (tên nôm là làng Bịu Thượng), xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Bài Tựa Truyện Kiều được viết năm 1820.

24 Thích Nhất Hạnh, Thả một bè lau, sđd., tr. 325-352

25 Muốn thoải mái, phải nhớ Phạm Quỳnh là nhà nho tân học nên có thể dùng khái niệm xưa với nội hàm hiện đại hơn (bình cũ rượu mới), đồng thời hiểu trí thức Việt qua nhiều thế hệ vẫn có truyền thống thỏa hiệp rất tài tình ấy. Không khác Nguyễn Đình Chiểu chọn Kiều Nguyệt Nga làm tấm gương tiết hạnh dạy đời. Xem chú thích 31

26 Thích Nhất Hạnh, Thả một bè lau, sđd., tr. 325

27 Thích Nhất Hạnh, Thả một bè lau, sđd., tr. 355

28 Trần Thanh Hiệp, “Để giải quyết mâu thuẫn trong Đoạn trường tân thanh”, trong Chân dung Nguyễn Du, sđd

29 Trần Đình Sử, “Chữ Tâm trong Truyện Kiều”, bài đd

30 Xem các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường, đặc biệt Thần, người và đất Việt, nxb Văn hóa thông tin, Chuyện phiếm sử học, nxb Tri thức&Nhã Nam, 2016

31 Chẳng hạn Việt Tử, “Minh oan cho Kiều”, trong Chân dung Nguyễn Du, sđd; Doãn Quốc Sỹ, Khảo luận về Đoạn trường tân thanh, sđd

32 Tập quán truyền thống đó mạnh mẽ và được bảo tồn bền vững đến nỗi chúng tôi từng viện dẫn một ví dụ thú vị khác, từ một truyện Nôm cũng được phổ biến rất sâu rộng ở Nam bộ. Nửa sau thế kỷ 19, nhà nho nông thôn là Tú tài Nguyễn Đình Chiểu sáng tác Lục Vân Tiên với dụng ý bảo vệ đạo lý Nho giáo trước đe dọa của xâm lược phương Tây, đã mở đầu tác phẩm của mình bằng lời răn sặc mùi Tống Nho: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Nhưng tiết hạnh của Kiều Nguyệt Nga bắt đầu bằng sự chủ động tỏ tình của nàng thiếu nữ khuê các khi giữa đường gặp Lục Vân Tiên cứu nạn, bằng bao nhiêu thương nhớ, mong chờ khi nàng đêm ngày tương tư, làm thơ, tạc tượng người yêu. Tình yêu tự do đó được cha mẹ đồng tình bảo vệ đến nỗi lừa cả nhà vua, đem tì tất Kim Liên tráo vào để cống giặc, giúp nàng giữ tròn “tiết hạnh” với người yêu chưa từng qua mai dong, sắp đặt của gia đình.

33Hoa hương càng tỏ thức hồng/ Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu/ Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” (497-500). Xem nhiều bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp khác nhau để thấy các dịch giả có cách hiểu khác nhau về câu 498; có người hiểu sắc đẹp lung linh của Kiều làm trái tim Kim xao động; có người hiểu là: cả hai liếc nhìn nhau và cảm thấy tình yêu thêm rạo rực trong lòng (bản dịch Nguyễn Văn Vĩnh, được Mai Quốc Liên… hiệu đính). Chúng tôi tán thành cách dịch thứ hai. Mai Quốc Liên, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Du toàn tập, sđd, t. 1, tr. 76, cước chú 5

34 Phải đọc lại nguyên đoạn c. 789-796 sau khi đọc đến cuối truyện, mới thêm cảm phục kỹ thuật và nghệ thuật tự sự, tả tình của Nguyễn Du. Tám câu thơ này đủ cô đọng lại mối tình Kim-Kiều trong cái đẹp và cái bi thương nhất của nó, đủ diễn tả nỗi đau thầm kín, sự mất mát lớn lao, vô phương cứu chữa trong cả kiếp đoạn trường của Thúy Kiều.

35 Việt Tử, “Minh oan cho Kiều”, trong Chân dung Nguyễn Du, sđd

36 Việt Tử, “Minh oan cho Kiều”, trong Chân dung Nguyễn Du, sđd

37 Trần Thanh Hiệp, “Để giải quyết mâu thuẫn trong Đoạn trường tân thanh”, bài đã dẫn

38 Có thể là ngột ngạt? Chúng tôi trích dẫn theo bản pdf hiện có.

39 Nguyễn Sỹ Tế, “Triết lý đoạn trường”, bài đã dẫn

40 Cũng không nên trách sự đánh giá cực đoan của hai nhà nho Huỳnh Thúc Kháng và Ngô Đức Kế, mà nên đặt nhận xét này trở lại bối cảnh cụ thể của nó để hiểu, nhiều hơn là sự đánh giá nàng Kiều hay tác phẩm của Nguyễn Du, nó chỉ là sự bày tỏ thái độ chính trị trong một tình huống nhất định.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss