Đọc sách Dặm đường tôi đi của Võ Quang Huệ
Giới thiệu sách mới
Võ Quang Huệ
Dặm đường tôi đi (*)
Hành trình từ BMW, BOSCH đến VINFAST
Cuốn sách đã được giới thiệu tại đường sách TP HCM và tại không ít trường đại học cũng như trên nhiều báo, đài (Thời báo Kinh tế SG, Đầu tư, Nhân Dân, Đài Truyền hình Quốc hội...), và tác giả được NXB cho biết hai lần in đầu (mỗi lần 2000 cuốn) đã bán hết, đang chuẩn bị in lần 3... Nhưng người viết bài này vẫn ngậm ngùi với con số mấy ngàn bản ấy đối với một cuốn sách lẽ ra ngay lần đầu phải được in ra vài chục ngàn nếu không muốn nói hàng trăm ngàn bản và mau chóng bán hết trong đất nước 100 triệu dân rất đang cần loại sách hữu ích và hấp dẫn này.
Tôi đã có dịp biết anh Huệ từ thời anh hoạt động trong phong trào sinh viên phản chiến tại Đức, và vào khoảng năm 2000 nhân một chuyến đi chơi Ai Cập vợ chồng tôi đã được anh lấy một ngày nghỉ (lúc đó anh làm Tổng đại diện hãng xe BMW tại Cairo) đưa đi thăm thành phố và mấy Kim tự tháp gần đó. Nhưng phải đọc sách tôi mới biết nhiều công việc anh làm cho BMW ở nhiều nước và nhiều cương vị, trong đó có giai đoạn làm ở Việt Nam (đề án lắp ráp xe BMW liên doanh với công ty VMC), và nhất là những công việc anh làm với Bosch - tập đoàn sản xuất linh kiện ô tô hàng đầu thế giới (từ 2007 đến 2017, với cương vị Tổng giám đốc Bosch Việt Nam), rồi chuẩn bị về hưu thì được Vingroup mời làm Phó Tổng giám đốc để xây dựng đề án làm ô tô Vinfast (trong 22 tháng trời, từ lúc ông Phạm Nhật Vượng mời anh đến để nói về ý tưởng làm xe tới lúc những chiếc xe Vinfast đầu tiên ra lò). Như tiểu đề của sách cho biết, "Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast" của tác giả là chủ đề chính của sách, với nhiều câu chuyện lý thú thuật lại quá trình làm việc đó và những kinh nghiệm của anh, một người kỹ sư được đào tạo bài bản và đạt những thành quả đáng kể trong suốt đời hoạt động của mình. Nội dung của nhiều bài học anh rút ra chính là phần hữu ích mà, theo thiển ý, bạn đọc có thể và cần suy ngẫm cho chính mình, dù bạn là một sinh viên mới ra trường, một kỹ sư đứng đầu một ê-kíp trong sản xuất hay điều hành cả một nhà máy, một nhà quản lý cần thương lượng với đối tác trong kinh doanh...
Bài học quan trọng nhất cho cá nhân: "Trên đường đời vạn dặm không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa", anh Huệ đã may mắn cảm thụ được từ thời còn là sinh viên du học tại Đức (“khi lựa chọn theo phong trào thì rất mãnh liệt, nhưng khi chấm dứt thì cũng dứt khoát, dành toàn bộ năng lượng tập trung vào học tập và làm nghề một cách đến nơi đến chốn”, tr.66) và anh đã theo nó suốt đời (học thêm nghề quản lý, tiếng Anh sau nhiều năm ra trường, dù không còn trẻ và đã có vị trí nghề nghiệp được thừa nhận...). Tôi hiểu rằng chính vì ý muốn mãnh liệt truyền cho lớp trẻ ý nghĩa của bài học đó mà anh đã trang trọng đưa nó lên ngay trang bìa sách, và mong rằng nó được tiếp nhận rộng rãi, một cách thực tế nhất có thể.
Những bài học khác bắt nguồn từ đó, tôi chỉ xin lược ra vài điều liên quan đến đối tượng quan tâm nhất của anh, ngành công nghiệp ô tô và rộng ra là nền công nghiệp hiện đại của đất nước. Chính là với những đức tính học được từ ngành công nghiệp Đức (nghiêm chỉnh, cần mẫn, sâu sát, tinh thần win-win trong thương thảo...) mà khi được Bosch yêu cầu thực hiện đề án thành lập một công ty con của tập đoàn tại Việt Nam, anh đã bỏ công sức tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ các phương án tập đoàn đề ra, và mạnh dạn thuyết phục họ chuyển đề án xây dựng nhà máy sán xuất linh kiện ô tô công nghệ cao tại Trung Quốc sang Việt Nam. Đây sẽ là công ty thương mại và dịch vụ 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại VN - tháng 3.2008). Dù có lợi điểm quan trọng là một công ty 100% Bosch, giảm thiểu rủi ro "lộ công nghệ" so với đề án nhà máy tại TQ (bắt buộc phải liên doanh với một công ty TQ), phương án này có thế yếu rõ nhất là vấn đề nhân sự ("tìm đâu ra lực lượng kỹ sư, công nhân có tay nghề", tr.129). Anh Huệ đã tổ chức được các cuộc gặp giữa lãnh đạo tập đoàn và những nhà hữu trách VN để thuyết phục hai bên về phương án đầu tư này. Song song, để trả lời câu hỏi về nhân lực, anh đã mời một số nhà lãnh đạo ngành nghề của Bosch sang VN, thăm Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, một số khu công nghiệp chung quanh Thành phố, trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghệ Đức tại VN, đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại VN và một số công ty châu Âu đang hoạt động tại VN lúc đó. Quá trình và thành quả 10 năm lãnh đạo Bosch Việt Nam của anh được thể hiện qua những con số kinh doanh và vị thế mà công ty đạt được. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh việc Bosch, theo yêu cầu của anh, đã mở ra hai trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) - một cho ngành công nghệ ô tô và một cho công nghệ phần mềm, từ vài chục người ban đầu lên đến hơn 4000 tiến sĩ, kỹ sư và chuyên gia người nước ngoài đến làm việc hiện nay. Các trung tâm này cung cấp nhiều giải pháp công nghệ cho các tập đoàn ô tô tại châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Theo anh, "thực tế chứng minh việc chọn VN làm địa điểm R&D của Bosch là là một quyết định đúng đắn", và "con số mục tiêu 6000 kỹ sư mà Bosch đã đề ra để đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2025, tôi tin chắc sẽ đạt được" - tr.159.
Cuối chương R&D, anh tỏ ý "luôn hy vọng rằng mỗi công ty lớn và trung bình ở nước ta đều có một bộ phận nghiên cứu phát triển" - tr.160. Khi thương lượng trước khi đầu quân cho Vinfast, anh cũng nhấn mạnh "điều quan trọng nhất và thách thức lớn nhất - và cũng là yếu tố chủ chốt trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững cho một công ty ô tô mới "made in Vietnam" như Vinfast - chính là khả năng xây dựng và phát triển một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mạnh mẽ" - tr.208.
Vài điểm tóm tắt trên đây cho thấy tầm nhìn và phương pháp làm việc của nhà quản trị công nghiệp Võ Quang Huệ. Nhưng trước khi kết thúc bài điểm sách này, tôi không thể không nói tới một ứng xử mạnh mẽ của anh, với tư cách cá nhân nhiều hơn là ở vị trí một nhà quản trị. Đó là năm 2001, ở Ai Cập. Anh vừa nhậm chức Tổng đại diện BMW ở Cairo một năm trước thì xảy ra sự kiện 11/9 (cuộc tấn công khủng bố của nhóm Hồi giáo Al Quaeda ở New York). Ngay ngày hôm sau, anh nhận được thông báo của Tổng hành dinh Tập đoàn BMW ở Munich yêu cầu đưa toàn bộ gia đình lập tức quay trở về Đức. "Tuy nhiên tôi vẫn quyết định ở lại" - , anh viết đơn giản, và cho biết lý do : "Tôi suy ngẫm, mình là người gốc Việt, làm việc cho một hãng xe ở Đức, sự kiện lại ở Mỹ dù ảnh hưởng trên toàn cầu nhưng công ty đâu cần phải lập tức "kéo" gia đình chúng tôi về lại Đức" và "không ngần ngại ký vào giấy cam kết tự chịu trách nhiệm về mọi điều có thể xảy ra với cá nhân và gia đình nếu tiếp tục ở lại Ai Cập" - tr.118. Sự việc được kể lại một cách trung tính, trong vài dòng trong một chương cũng ngắn (Ai Cập không ở châu Âu), nói rất nhanh về sáu năm làm việc của tác giả ở một "môi trường văn hóa mới" mà anh đã thích nghi được, "học được cách giao tiếp hiệu quả với đồng nghiệp và đối tác, tránh những xung đột không cần thiết". Đơn giản, nhưng cũng rất đáng suy ngẫm?
Sách dày 330 trang, được
chia là 6 phần (Tôi của
thiếu thời, Khát
vọng trẻ, Khát
vọng và Hiện
thực, Nghề
và Nghiệp, Đi
làm "Startup" chuyện gì cũng khác, Kết nối để
lan tỏa) gồm 35 chương dài ngắn rất khác nhau, được đặt
tên thay vì đánh số,
và một Phụ lục
gồm một số bài tác giả viết cho báo Dân Trí trong hai năm 2022
và 2023, về một số vấn đề thời sự kinh tế - xã hội VN. Xin đặc biệt
giới thiệu bài Con
đường "nhất nghệ tinh" của giới trẻ, đăng ngày 11/12/2023,
trong đó anh nói khá kỹ về chuyện học nghề và chương trình đào tạo kép
(Dualbildung) nổi tiếng của Đức mà anh đã đưa vào áp dụng tại Bosch
Việt Nam và Vinfast. Những ai quan tâm tới giáo dục nghề nghiệp nhất
thiết phải đọc bài viết này. Bài đã được báo Dân Trí đưa lên mạng ở địa
chỉ:
https://dantri.com.vn/tam-diem/con-duong-nhat-nghe-tinh-cua-gioi-tre-20231210182440533.htm.
Nội dung toàn bộ sách rất phong phú, khó lòng tóm gọn trong một bài điểm sách ngắn, dù người viết đã chọn chỉ tập trung nói về các khía cạnh nghề nghiệp của tác giả. Một lần nữa, mong rằng sách có cơ hội đến tay nhiều người đọc hơn con số vài ngàn bản mà nhà xuất bản Thông Tấn và công ty sách Alphabooks dự tính in.
Diễn Đàn trân trọng cảm ơn tác giả đã cho phép giới thiệu 3 chương dưới đây.
(*) Nhà Xuất bản Thông tấn và Công ty cổ phần Alpha Books, Hà Nội 2024.
Hà Dương Tường
Trích đoạn sách Dặm đường tôi đi
Nghề và Nghiệp : Kết thúc là để bắt đầu
“Tất nhiên và ngẫu nhiên” là cặp phạm trù tồn tại trong sự thống nhất biện chứng. Tôi ngẫm lại những chặng đường mình đã đi qua, hầu hết những nơi tôi làm việc đều bắt đầu một cách ngẫu nhiên, gần như tương tự dù bằng cách này hay cách khác.
Hầu hết những cột mốc quan trọng của sự nghiệp đến như những cơ duyên khác nhau đưa đẩy mà không hề có sự tính toán trước. Khi tôi nhận trách nhiệm đề án BMW ở Hà Nội, cơ hội như từ “trên trời rơi xuống” nhờ theo khóa đào tạo lãnh đạo mà gặp chính người tuyển dụng. Sau Việt Nam thì làm khu vực Đông Nam Á. Rồi khi Tập đoàn BMW ra đề án thị trường Mexico, tôi lại đi. Đang lúc thực hiện chương trình chuẩn bị chuyển về Thái Lan làm giám đốc nhà máy BMW thì bên Ai Cập đã triển khai xong dự án sớm hơn, tôi lại lên đường sang làm việc tại Cairo.
Những tưởng xong Ai Cập, dự định về lại Việt Nam tự lập xem như là bến đỗ cuối cùng thì tôi lại gặp lãnh đạo Bosch trên cùng chuyến bay. Những ngày cuối cùng chuẩn bị về hưu thì gặp VinFast. Mọi sự ít khi theo dự tính nhưng mỗi cột mốc là sự đổi mới, tiếp sức và luôn tạo cho tôi nhiều năng lượng mới mẻ, tích cực.
Trên hết tất cả những điều vừa kể, duyên may lớn nhất đời tôi là có người vợ hiền luôn là chỗ dựa vững chắc, theo tôi cùng năm tháng, thực thi lời bài thơ Tự khúc in trong một tuyển tập thơ của nhà thơ Lê Thị Kim đã được vợ tôi tặng, khi hai chúng tôi mới tìm đến nhau: “Duy một điều em tin chắc chắn/ Em có thể làm trái tim anh dịu lại/ Vâng, thiên chức này thốt nhiên một lần em nhận biết/ Để sau những bôn ba, chống chọi, những dằng dặc với đời/ Anh lại về với vầng trăng em yên nghỉ, sưởi ấm, yêu thương” (Tự khúc của Lê Thị Kim).
Trước khi đến phụ trách thị trường Ai Cập, công việc của tôi ở các nước khác phải di chuyển liên tục “nay đây mai đó”. Những chuyến bay dài từ Munich đến nơi làm việc ở các nước trong vài tháng, thậm chí vài tuần rồi lại bay về lại Munich. Còn ở Ai Cập thì khác hoàn toàn, nhờ tôi chính thức làm việc theo hợp đồng chuyên gia ở nước ngoài (expat) nên đưa gia đình sang sinh sống ổn định tại Cairo suốt sáu năm làm việc tại đây.
Với hợp đồng expat, tôi có thu nhập cao hơn lại được nhận nhiều phụ cấp khác, công ty trả 100% tiền thuê nhà và học phí cho tất cả các con theo học tại trường quốc tế, được cấp ô-tô và tài xế riêng cùng chi phí bay cho toàn gia đình để về thăm nước Đức mỗi năm một lần. Về tài chính có khá nhiều thuận lợi cho gia đình, dù phải chịu nhiều xáo trộn do phải chuyển đến sinh sống tại một nước xa lạ. Đối với gia đình tôi, quả đây là một thử thách không nhỏ.
Cùng với đội ngũ tại BMW Cairo (năm 2003)
Ai Cập là một nước ở phía Bắc châu Phi, quốc gia có chính giáo là đạo Hồi. Cairo là thủ đô và thành phố lớn nhất của Ai Cập, nằm ở bờ phía đông của sông Nile. Với lịch sử lâu đời, Cairo có những di sản văn hóa, kiến trúc và lịch sử đặc biệt quan trọng. Thành phố nổi tiếng với những di tích lịch sử độc đáo như kim tự tháp Giza – một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại và Bảo tàng Cairo, nơi bảo quản nhiều hiện vật quý giá về văn hóa Ai Cập cổ đại. Ngoài các di tích lịch sử, Cairo cũng có những khu thị trấn phồn thịnh, những chợ đặc sản sầm uất và những khu phố với đời sống văn hóa sôi động. Nền văn hóa độc đáo, ẩm thực phong phú và các hoạt động giải trí đa dạng làm cho Cairo trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách toàn thế giới. Tôi còn nhớ, cả nhà tôi gọi Cairo là thành phố “đường không tên, nhà không số” bởi không biết tiếng Ả Rập nên chúng tôi không đọc được tên đường và số nhà. Văn hóa cũng khác biệt rất nhiều so với châu Á và châu Âu. Ẩm thực cũng khác 100%. Tuy thế, với tôi thì quãng thời gian sống ở Ai Cập là giai đoạn hài hòa nhất giữa đời sống gia đình và công việc, bởi đó là giai đoạn tôi có nhiều thời gian nhất dành cho gia đình sau công việc.
Trong suốt thời gian dài chúng tôi sống trong một biệt thự nằm ở nội khu của sân gôn Katameya Heights, là sân gôn số một của Cairo với đầy đủ các tiện nghi và sống gần gũi với những người bạn mới cũng như người địa phương. Tôi đặc biệt thích những vòng gôn 9 hố sau giờ làm việc, cùng thư giãn với vợ hoặc chơi một mình, lúc này thời tiết đã dịu xuống và ánh đèn chiếu sáng tuyệt đẹp.
Đây cũng là quãng thời gian quý báu giúp cho các con tôi, còn đang độ tuổi thiếu nhi, dễ dàng phát triển thành những công dân toàn cầu. Hai con nhỏ sống ở Cairo được học tiếng Anh ở trường quốc tế British International School, học cách giao tiếp với bạn học đến từ nhiều nước khác nhau, sống tại một xứ châu Phi “act locally, think globally” (hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu). Chị Hai của các cháu lúc đó đã vào đại học bên Đức, thường bay sang Cairo thăm gia đình, nên cũng có thời gian làm quen với nếp sống và văn hóa khác.
Nhớ về thời gian ấy, chúng tôi có cơ hội quen và làm bạn thân thiết với anh Jacko, cháu gọi tướng Dương Văn Minh là cậu ruột, từ Paris sang trợ giúp sân bay Cairo về công nghệ thông tin và một vài chị Việt kiều theo chồng là các chuyên gia trong ngành dầu khí sang đây làm việc. Anh Jacko sang Ai Cập trước tôi vài năm, nên đã giúp chúng tôi hòa nhập nhanh chóng vào cuộc sống mới ở Cairo. Ở nơi có ít người Việt càng khiến tình bạn, tình đồng hương giữa chúng tôi càng gắn bó. Tôi và anh có nhiều sở thích chung như cùng chơi các môn thể thao cầu lông và gôn. Do anh ở một mình tại Cairo nên chúng tôi có nhiều thời gian với nhau.
Sau khi rời Cairo, chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Sau này, có một thời gian anh cũng sang Việt Nam làm việc hơn một năm, lúc tôi đang làm việc tại Bosch, tình bạn của chúng tôi càng trở nên thân thiết. Khi anh quay về Paris, hầu như chuyến công tác sang châu Âu nào tôi cũng ghé Paris đi chơi và thăm thành phố cùng anh. Rất tiếc, vào tháng 2 năm 2020, khi mới bắt đầu đại dịch COVID, anh qua đời tại Paris sau một cơn bạo bệnh. Chúng tôi mất đi một trong những người bạn quý nhất của gia đình.
Đi làm "Startup" chuyện gì cũng khác : Bỏ giá trị cốt lõi? Không bao giờ!
Sau khi nhận giấy phép đầu tư là bắt đầu vô vàn công việc và những trải nghiệm về những khó khăn, hay các vấn đề gặp phải trong hành trình phát triển và gầy dựng vị thế của Bosch tại Việt Nam được như mong đợi. Trong một môi trường kinh doanh có nhiều việc rất dễ kéo chúng ta đến cách hành xử không theo một thông lệ hay quy chuẩn nào. Đó càng là một thách thức lớn cho người lãnh đạo bên cạnh các sự vụ cần phải giải quyết hằng ngày. Nếu bạn xa rời những giá trị cốt lõi, con đường phát triển có thể chệch hướng và những thành quả dễ trở về con số không.
Chẳng hạn chuyện chúng tôi gặp khó khăn khi nhà máy Bosch tại Long Thành gấp rút thực hiện nhập khẩu lô hàng đầu tiên là các nguyên vật liệu và thiết bị sản xuất. Nếu không nhận được hàng, nhà máy có thể không vận hành đúng hạn. Cả nhà cung cấp và nhân viên Bosch lúc đó đều chưa có kinh nghiệm nên để thiếu một số giấy tờ hải quan. Tôi đề nghị cùng hải quan Long Thành mở cuộc họp để tôi trình bày về tính quan trọng của dự án và nhấn mạnh Bosch muốn tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Bosch thành công ở Long Thành, Đồng Nai thì nghĩa là thành công ở Việt Nam và đó là một điều quan trọng để quảng bá Việt Nam, góp phần thúc đẩy đầu tư FDI vào Việt Nam, phát triển kinh tế. Tôi cam kết những gì còn thiếu sẽ thực hiện đúng thời gian và đề nghị hải quan Long Thành giúp chúng tôi phương cách giải quyết tương ứng. Nhờ vậy, việc nhập hàng được trôi chảy. Qua đây, đội ngũ của tôi đã học được bài học về quan hệ cùng thắng (win-win) ngay từ những ngày đầu Bosch vào Việt Nam và tính tuân thủ, cách giải quyết vấn đề minh bạch không vi phạm luật. Nhất là không đút lót hối lộ.
/p>
Nhà máy sản xuất linh
kiện ô tô tại Long Thành
với tổng vốn đầu tư
khoảng 400 triệu USD
Những câu chuyện mà tôi gặp phải còn khá nhiều. Ví dụ có một vị lãnh đạo tỉnh điện thoại tới giới thiệu một đứa cháu mà theo nhân vật ấy “rất giỏi, học hành đàng hoàng” gửi vào làm việc cho nhà máy Long Thành để được ở gần nhà tại Biên Hòa. Nhưng với quy trình của Bosch, cho dù tôi là tổng giám đốc có quyền quyết định cao nhất thì cũng không thể can thiệp vào việc tuyển dụng của các bộ phận, như vậy là vi phạm các vấn đề về tuân thủ. Thậm chí khi về xây dựng Bosch, chính tôi cũng phải giải thích rõ với những người thân, kể cả họ hàng ruột thịt để mọi người hiểu về tính tuân thủ mà tôi phải thực thi cho dù tôi ở cấp bậc nào chăng nữa. Ở Việt Nam, chuyện gửi người thân vào làm việc trong công ty là rất bình thường nhưng với riêng tôi, hay Bosch, là không thể.
Dù vậy, việc từ chối không phải dễ dàng, mỗi tình huống khác nhau buộc mình phải giải quyết hợp tình, hợp lý và tâm phục, đồng thời giúp ích được cho các bạn trẻ hiểu về chính họ.
Tôi trả lời vị này, chúng tôi đang tuyển dụng nhiều vị trí cho nhà máy, hãy thông báo cháu gọi điện thoại và gửi hồ sơ xin việc để tôi hẹn giờ trao đổi. Tôi mời cháu vào văn phòng và cho biết đây là một cuộc phỏng vấn tuyển dụng chính thức. Tôi yêu cầu bạn trình bày nguyện vọng công việc, sở thích và sở trường. Sau đó tôi trình bày chi tiết các vị trí Bosch cần tuyển dụng với từng yêu cầu cụ thể cho từng vị trí đó, tương ứng mỗi vị trí yêu cầu những khả năng nào để đánh giá ứng viên được chọn. Tức muốn khơi gợi suy nghĩ của bạn ấy để có nhận thức về chính bản thân đang ở đâu, mong muốn nghề nghiệp là gì. Sau khi trình bày xong thì bạn ấy tự trả lời: “Cháu không dám vào Bosch nữa vì vị trí nào cháu cũng thấy mình không có khả năng làm được!”
Dù bạn nói thế, tôi vẫn tiếp tục trao đổi để khơi gợi sự cởi mở, biết định hướng của bạn là gì. Bạn ấy cho biết việc bạn thích nhất là làm trong ngành logistics nhưng với những gì trao đổi trong cuộc phỏng vấn, tôi nhận xét bạn ấy có tố chất trong việc quản lý nhân sự và khuyên nhủ nên dành thời gian học sinh ngữ và sang Singapore học thêm để nâng cao khả năng trong lĩnh vực này, một phần tạo cơ hội học tiếng Anh tốt hơn.
Bạn ấy về kể “Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ có được cuộc nói chuyện thú vị như nói chuyện với chú Huệ”. Người lãnh đạo tỉnh ấy đã gọi điện cho tôi cảm ơn vì đã giúp cháu của vị ấy mở ra được suy nghĩ và có đường hướng phát triển mới cho tương lai. Cuối cùng, bạn đã chọn đi du học, trong vài năm sau đó cứ mỗi dịp Tết đến bạn ấy gửi thư chúc Tết khiến tôi rất vui.
Những việc rất nhỏ như thế buộc tôi phải đứng ra giải quyết dù khá mất thời gian, nhưng không chỉ giữ được tính tuân thủ của công ty mà người ta cũng thấy rõ cái tình, hiểu được lý lẽ và tính chuyên nghiệp của một công ty lớn và có trách nhiệm xã hội cao như Tập đoàn Bosch.
Kể câu chuyện để tôi muốn nói rằng, rất cân nhắc để giải quyết các vấn đề khá tế nhị nhưng vẫn đảm bảo tính tuân thủ, phải thực sự khéo léo, hiểu văn hóa và quan hệ kiểu tình thân của người Việt. Có những tình huống sẽ đưa mình vào thế dở khóc dở cười, nếu không tỉnh táo không chỉ gây thêm rào cản, phá hủy các mối quan hệ mà còn khiến công việc không được suôn sẻ.
Một trường hợp khác, cũng một lãnh đạo tỉnh liên hệ nói rằng chúng tôi biết nhà máy Bosch ở Long Thành có chất thải rắn rất có giá trị nên muốn nhận thầu.
Loại thép để làm dây đai truyền động thuộc loại thép quý và đắt đỏ – vừa dẻo, vừa cứng và bền – đảm bảo chức năng cho của sản phẩm dây đai truyền lực thông thường có tuổi thọ bắt buộc cao hơn vòng đời của một chiếc ô-tô. Trên thế giới chỉ có hai nhà cung cấp được loại thép đó, một từ Nhật và một từ châu Âu. Vì thế vật liệu thải ra trong quá trình sản xuất có giá trị rất cao, bên cạnh những phế phẩm khác của nhà máy cũng có giá trị không nhỏ.
Những công ty “sân sau” hoạt động dựa vào mối quan hệ là khá thuận lợi để nhận thầu. Tôi phải nhẹ nhàng giải thích mặc dù tôi là tổng giám đốc công ty nhưng mà thật sự tôi không quyết định được việc này. Luật của công ty yêu cầu tính tuân thủ, nếu cá nhân tôi không tuân thủ thì có nguy cơ bị mất chức. Tuy nhiên tôi sẵn sàng giúp đỡ bằng cách trình bày rõ ràng quy trình đấu thầu tại Bosch, đề nghị phía công ty nọ gửi đơn đấu thầu.
Trong quá trình theo quy định chặt chẽ như vậy thì một hội đồng độc lập tại nhà máy sẽ thụ lý các hồ sơ, đánh giá và quyết định chọn nhà thầu dựa theo quy trình chặt chẽ với những CPI đánh giá rõ ràng và khách quan. Cuối cùng nhà thầu nọ bị loại thầu nhưng họ và người lãnh đạo tỉnh không trách được gì tôi.
Một chuyện khác liên quan đến thuế. Khi Công ty Bosch Việt Nam hoạt động ở năm thứ tư thì cơ quan thuế bắt đầu thực hiện kiểm tra. Cuộc họp đầu tiên có tôi và giám đốc tài chính tham dự. Trong buổi họp này, tôi trình bày về các quy định tuân thủ pháp luật sở tại của tập đoàn và Công ty Bosch Việt Nam rất vui khi đại diện các ban ngành đến kiểm tra vì đây là dịp để chúng tôi rút kinh nghiệm. Nếu có sai sót, chúng tôi sẽ nộp phạt. Qua kết quả kiểm tra, chúng tôi sẽ đánh giá lại toàn bộ quy trình tại Việt Nam để cải tiến, tiếp tục hoàn thiện nhằm thực hiện tất cả các trách nhiệm về kế toán, khai và đóng thuế của công ty, đảm bảo tính tuân thủ của tập đoàn trên tinh thần minh bạch, rõ ràng. Đồng thời với Công ty Bosch Việt Nam cũng không có những việc “chi trả dưới mặt bàn” hay đút lót để né thuế hay tránh nghĩa vụ của mình. Nếu xảy ra việc ấy thì người thực hiện việc vi phạm luật pháp này và giám đốc tài chính phải gánh chịu trách nhiệm. Trong những tập đoàn đa quốc gia lớn thì hối lộ là vi phạm nghiêm trọng, hoàn toàn không được chấp nhận ngay cả với trường hợp vi phạm nhằm mang lại lợi ích cho công ty. Những người có vi phạm có thể bị đuổi việc. Thậm chí khi ở thành phố có tổ chức lễ hội bia, mỗi vé tham dự sự kiện hơn 500 ngàn đồng, có người trong đoàn kiểm tra nhắn xin vé, tôi cũng đã không mời. Theo quy định pháp luật Việt Nam thì trao quà tặng có giá trị trên 500 ngàn đồng được xem là hối lộ, tức vi phạm quy định công ty và luật pháp Việt Nam.
Hệ thống của Bosch sử dụng phần mềm quản trị SAP, trong nội bộ toàn cầu chúng tôi hiếm khi phải in giấy tờ sổ sách. Khi cơ quan thuế đến kiểm tra, chúng tôi dự định sẽ in từng tài liệu khi được yêu cầu, nhưng không được chấp nhận. Cơ quan thuế bắt buộc chúng tôi in tất cả các hóa đơn trong cả ba năm đầu hoạt động. Chúng tôi đã không thương lượng hay thỏa hiệp. Tôi chỉ đạo các bộ phận thực hiện yêu cầu trên. Toàn bộ công ty đã phải huy động các máy in, in từng cái hóa đơn, giao đến cơ quan thuế. Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu, không tìm cách “bôi trơn“ và kể từ đó về sau, có thể nói Bosch Việt Nam không hề gặp bất cứ khó khăn gì và đã trở thành một trong những công ty đầu tiên tại Việt Nam được chọn thực hiện quy trình hóa đơn điện tử theo quy định mới.
Một lần khác, khi nhập hàng cho nhà máy, nhân viên của chúng tôi đã áp sai mã số thuế, khi phát hiện ra chúng tôi phải nộp thuế truy thu và đóng phạt hàng chục ngàn đô-la. Có người trung gian đề nghị công nhân viên chúng tôi chi tiền để giảm mức đóng phạt nhưng tôi quyết định không cho phép. Chúng tôi đóng phạt toàn bộ số tiền, xem đây là bài học quan trọng trong việc quản lý. Cũng từ đấy chúng tôi không còn gặp bất cứ phiền hà nào tại Long Thành.
Tôi nhận thức rõ rằng, là người Tổng giám đốc đầu tiên của Bosch Việt Nam, nếu tôi – ngay từ ban đầu – không tạo được một văn hóa công ty với tư duy làm việc từ đầu nhất quán với giá trị cốt lõi mà tính tuân thủ là một yếu tố quan trọng hàng đầu thì không xây dựng được một nền tảng phát triển bền vững và sẽ “khổ sở” lâu dài.
Ở tập đoàn đa quốc gia luôn có những cuộc kiểm tra nội bộ. Đoàn kiểm tra này sẽ quyết định chọn đơn vị kiểm tra mà không báo trước. Khi Bosch Việt Nam hoạt động chừng ba năm thì chúng tôi nhận được quyết định thanh tra nội bộ từ tập đoàn. Một khi đã thanh tra thì tổng giám đốc và trưởng các bộ phận phải hiện diện 100% thời gian, không có chuyện đi công tác hay di chuyển đi đâu trừ khi được cho phép. Người trưởng đoàn thanh tra sẽ đưa ra một chương trình làm việc, bố trí lịch đoàn kiểm tra đi đến đâu, làm gì và yêu cầu công ty thực hiện. Không có chuyện mời ăn trưa, ăn tối. Đoàn có phòng riêng, máy tính, một số tủ để tài liệu riêng.
Các vi phạm được chia làm ba loại lỗi: nghiêm trọng, nặng và nhẹ. Lỗi nghiêm trọng, ví dụ nguy cơ dẫn đến chết người hay gian lận tài chính công ty; lỗi nặng là lỗi ảnh hưởng đến uy tín của công ty hay tập đoàn mẹ hoặc gây ra những thiệt hại vì không tuân thủ quy định. Còn các vi phạm khác là lỗi nhẹ. Một khi công ty phạm lỗi nghiêm trọng thì họ cũng không thông báo cho chúng tôi mà báo cáo thẳng về tập đoàn, ở tổng hành dinh sẽ có một ban trực thuộc hội đồng quản trị tập đoàn xử lý. Sau đó họ mới liên lạc, yêu cầu tổng giám đốc phải phản hồi trong vòng 24 tiếng và đưa ra biện pháp xử lý trong vòng một tuần hoặc gia hạn tối đa một tháng. Nếu cá nhân vi phạm lỗi gian lận sẽ không được thông báo mà ra biện pháp xử lý lập tức. Cho nên trong điều hành chúng tôi phải luôn kỹ lưỡng và kiên quyết phòng tránh các lỗi nghiêm trọng. Các lỗi khác nhẹ hơn khó thể tránh 100% nhưng mình có thể khắc phục nhanh chóng hơn.
Trong cuộc thanh tra nội bộ đầu tiên tại Bosch Việt Nam, tôi đã bị sốc khi bị ghi nhận có vi phạm tới hai lỗi nghiêm trọng. Lỗi đầu tiên là vi phạm tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy tại văn phòng. Do thiết kế tòa nhà này khá hẹp, từ bên ngoài vào, đầu tiên là quầy tiếp khách và hai bên có hai phòng làm việc, thang máy phía bên trong, có hai cửa ra vào và một cửa thoát hiểm. Lỗi nghiêm trọng chúng tôi vi phạm là không thiết kế đủ hai cửa thoát hiểm! Lúc đó tôi đã giải trình công ty làm đúng luật Việt Nam nhưng vẫn không được bỏ qua vì với tập đoàn là không đúng quy định. Bất cứ văn phòng nào của Bosch dù lớn hay nhỏ đều thiết kế có hai cửa thoát hiểm để khi xảy ra cháy ngăn thoát hiểm ở một thì vẫn còn lối thoát hiểm ở cửa thứ hai.
Một lỗi nghiêm trọng khác là tại nhà máy có biển thông báo khi vào bên trong khu chế biến nước thải phải đeo mặt nạ chống khí độc nhưng đoàn kiểm tra theo dõi có người có đến ba lần vào bên trong vẫn không tuân thủ. Tức là có luật nhưng không huấn luyện cho nhân viên tuân thủ 100% là vi phạm. Điều này rất khó do nhiều nhân viên người Việt không có thói quen đeo mặt nạ này. Sau đó chúng tôi phải giải trình và đưa ra các giải pháp khắc phục như tích hợp phần mềm nhận diện tự động, khi nhân viên vào phòng, nếu không đeo mặt nạ hệ thống sẽ tự động nhận diện và cửa không mở. Đồng thời phải áp dụng hình thức kỷ luật đối với những người không tuân thủ.
Trong nhà máy có dây chuyền xử lý nước thải nhưng vì vấn đề bảo vệ môi trường, theo quy định của tập đoàn về xử lý nước thải nhà máy Bosch luôn cao hơn tiêu chuẩn quy định của các khu công nghiệp Việt Nam. Chúng tôi đã dành khoản đầu tư gần 20 triệu đô-la cho hệ thống lọc nước, để làm sạch nước trước khi thải vào hệ thống chung của khu công nghiệp hoặc dùng vào việc tưới cây trong khuôn viên nhà máy. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, nhà máy không cần nhưng đã phải tuân theo quy định và tiêu chuẩn chung của tập đoàn dựa theo chuẩn mực môi trường của châu Âu, nên đây là một đầu tư bắt buộc mà Bosch đã thực hiện tại Long Thành.
Kể ra những sự việc trên, tôi muốn nhấn mạnh là các quy định nội bộ tại các công ty đa quốc gia lớn có uy tín trên thế giới chặt chẽ đến mức nào.
Kết nối để lan tỏa : Cùng mạnh lên
Tại Bosch Việt Nam, sau quá trình thành lập công ty, qua những năm đầu tiên xây dựng và phát triển các bộ phận bán hàng, đến xây dựng nhà máy, rồi mở trung tâm đào tạo kỹ thuật và trung tâm R&D, điều thú vị và tự hào nhất với tôi, đó là tôi là CEO người Việt của một công ty con thuộc tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, có một hệ thống toàn trình (end-to-end) tại Việt Nam, từ sản xuất, kinh doanh đến nghiên cứu phát triển. Cho đến nay, chỉ duy nhất có Bosch Việt Nam đạt được như thế tại Việt Nam.
Tôi có một lợi điểm, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân mà còn hỗ trợ rất nhiều trong việc phát triển công ty tại Việt Nam. Vì tôi là một trong số ít CEO người Việt, giao tiếp tiếng Việt, với tính cách khá cởi mở thân thiện nên việc tiếp xúc với báo chí khá thuận lợi và nhận được nhiều thiện cảm. Thông qua đó báo chí đã có những trao đổi, gợi mở nhiều điều qua các cuộc phỏng vấn.
Tôi cũng mở rộng các hoạt động cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA), Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham). Vai trò của Tập đoàn Bosch trở nên quan trọng hơn khi là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam. Cho nên trong suốt khoảng thời gian mười năm tại Bosch Việt Nam thì có đến bảy năm tôi tham gia các hoạt động của hai tổ chức này với tư cách là thành viên của Đoàn chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức và của Đoàn chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu, trong đó có ba năm liền gánh vác vai trò Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam.
Thông qua những hoạt động đó, tôi nghĩ rằng với vai trò là người Việt Nam và là lãnh đạo một công ty châu Âu, sự góp mặt của tôi trong những cuộc họp, gặp gỡ với chính quyền các cấp, với cơ quan, các bộ, ban, ngành cũng là một cơ hội tốt đẹp để cho tôi góp phần tạo ra được những điều hữu ích, kết nối cho doanh nghiệp cũng như cho tất cả các mối quan hệ khác nhau.
Đặc biệt là những hoạt động mạnh mẽ của Phòng Thương mại châu Âu, chẳng hạn chúng tôi phát hành Sách trắng thường niên tổng hợp tất cả đóng góp từ các doanh nghiệp thành viên EuroCham ở khắp 18 tiểu ban ngành nghề kinh doanh. Thông qua kiến thức, kinh nghiệm hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, EuroCham cung cấp đánh giá toàn diện về môi trường pháp lý và những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong các lĩnh vực của họ. Sách trắng tập hợp các khuyến nghị chính sách, các giải pháp thiết thực cho việc tháo gỡ các rào cản pháp lý, tạo môi trường kinh doanh bền vững hơn tại Việt Nam.
Tôi cho rằng đây là một hoạt động dày công và có nhiều ý nghĩ thiết thực mà hiếm có hiệp hội nào có thể thực hiện bền bỉ nhiều chục năm như vậy tại Việt Nam. EuroCham cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động mạnh mẽ qua những sự kiện như Diễn đàn Kinh tế thường niên tại Việt Nam với sự tham dự của các lãnh đạo cao cấp nhà nước. Qua những hoạt động như vậy, là một doanh nghiệp châu Âu hàng đầu tại Việt Nam, vai trò của Bosch với tôi là CEO không thể thiếu trong những cuộc gặp gỡ với các đối tác lớn, như đại diện các công ty nước ngoài, các phòng thương mại. Hay tôi thường tham dự những hội nghị kinh tế, những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các phái đoàn của Chính phủ Đức hoặc những phái đoàn của Liên minh châu Âu đến Việt Nam. Việc tham gia các hoạt động như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp vào việc cải thiện chính sách, kết nối quan hệ đối tác cũng như gián tiếp góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Ngược lại, là người am hiểu Việt Nam hơn một số đồng cấp khác, tôi có điều kiện thuận lợi hơn nhờ là người Việt, nói tiếng Việt, đọc được báo Việt Nam, nắm bắt được các thông tin và hiểu tình hình Việt Nam, nên trong vai trò hoạt động của hiệp hội như vậy tôi cũng giúp đỡ, giải thích khai thông một số vấn đề khi những bạn nước ngoài làm trong các cơ quan như vậy có thể hiểu lầm hoặc hiểu sai lạc.
Nhiều đạo luật đã được chỉnh sửa, thay đổi một phần cũng đến từ những góp ý, những phản biện tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Ví dụ đạo luật đang có thể được thay đổi và thông qua, đó là cho phép người nước ngoài làm việc tại Việt Nam dài hạn hơn. Trong thực tế, không thể nào buộc những người nước ngoài vào Việt Nam làm việc với thời hạn quy định quá ngắn như hiện tại khi họ mang kinh nghiệm từ nước ngoài vào Việt Nam, đóng góp vào công cuộc phát triển nền kinh tế đất nước.
Quá trình vận động chính sách trong vai trò của một thành viên hiệp hội cho tôi thấy tính kết nối và vận động cho việc thay đổi môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng tích cực hơn, quốc tế hóa hơn. Tôi còn nhớ câu chuyện lobbying (tác động) thay đổi luật Việt Nam, dẫn đến việc đầu tư mở rộng của nhà máy Bosch Long Thành được ưu đãi thuế và đề án đầu tư tại nhà máy được hưởng ưu đãi áp dụng công nghệ cao.
Đã có bao nhiêu cuộc gặp gỡ tiếp xúc, đề nghị, bao nhiêu thư được viết, những chuyến ra Hà Nội để giải trình tại các bộ rồi những cuộc thẩm định để chứng nhận đạt chuẩn, kể cả việc mời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư tới đánh giá, mời Bộ trưởng trực tiếp tới thăm nhà máy. Lúc đó, tôi khao khát muốn thúc đẩy được việc Bosch đưa công nghệ cao vào Việt Nam, đầu tư mạnh mẽ hơn để tăng năng lực R&D tại Việt Nam. Ngược lại, khi đầu tư cho công nghệ cao, Bosch được hưởng những lợi ích về chi phí, về thuế. Đó là lợi ích win-win chan hòa cho cả đôi bên.
Tôi rất vui và tự hào khi đã đạt những ưu đãi cho Tập đoàn Bosch mà tuân thủ 100% pháp luật sở tại và quy định nội bộ trong công ty khi chúng tôi không chi bất cứ “phí bôi trơn” nào.
Tính cộng đồng từ hiệp hội còn mang lại nhiều lợi ích khác. Nhiều hoạt động thật sự ý nghĩa và thú vị, ví dụ khi chúng tôi tổ chức sự kiện, như một hội chợ về việc làm (TalentBiz) cho các công ty Đức. Vào tháng 10.2015, hội chợ lần đầu tiên được tổ chức tại Thành phố, giúp các công ty Đức giới thiệu hình ảnh, quảng bá việc làm, kết nối với những công ty Việt Nam tham gia. Đã có hơn 2.000 sinh viên đến tham dự sự kiện. Như vậy cộng đồng doanh nghiệp được các bạn trẻ Việt Nam theo dõi, qua những sự kiện đó, họ tìm hiểu cơ hội và biết được thêm những hoạt động của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, tăng khả năng hướng nghiệp cho giới trẻ.
Các đại sứ từ Liên minh châu Âu thăm nhà máy Vinfast (năm 2019)
Tham gia những hoạt động kết nối của các hiệp hội cũng giúp tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc và học hỏi – như kiểu ông cha ta nói “học ăn, học nói, học gói, học mở” nhưng theo nghĩa rộng bao gồm cách suy nghĩ, ứng xử và hành động – từ những nhân vật trong nền kinh tế, chính trị thế giới. Quả thật thế, với tôi, những buổi giao lưu, trò chuyện riêng, trao đổi những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị với một số nhân vật như nguyên thủ tướng Đức Gerhard Schröder, Angela Merkel, các phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, Philipp Rösler luôn rất thú vị và hữu ích.
Điểm hay khác là kết nối này sẽ dẫn thêm kết nối khác. Chính khi hoạt động tại Eurocham, mối quan hệ khá tốt với Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, đã giúp tôi trong thời gian làm việc tại Vingroup. Qua ông kết nối với các đại sứ châu Âu tại Việt Nam, vào ngày 26.5.2019, tôi đã vinh dự đón tiếp một lúc 16 Đại sứ và Phó Đại sứ của 16 nước châu Âu đến thăm tổ hợp sản xuất ô-tô và xe máy điện VinFast tại Hải Phòng. Đây là một hoạt động quảng bá rất có ý nghĩa.
Kỷ niệm với ông Philipp Roesler, nguyên Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức (2019)
Võ Quang Huệ
Các thao tác trên Tài liệu