Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đối ngoại và ứng phó với tình trạng Nhật Bản từng bước xâm lăng / Trung Quốc : đối ngoại và ứng phó với tình trạng Nhật Bản từng bước xâm lăng (2)

Trung Quốc : đối ngoại và ứng phó với tình trạng Nhật Bản từng bước xâm lăng (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 07/04/2015 19:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 2 : Nhật Bản xâm chiếm miền Đông Bắc cùng phản ứng trong và ngoài nước [1931-1936]


Lịch sử Trung Quốc thế kỷ XX





Đối ngoại và ứng phó với tình trạng
Nhật Bản từng bước xâm lăng


Hồ Bạch Thảo


Chương 2

Nhật Bản xâm chiếm miền Đông Bắc
cùng phản ứng trong và ngoài nước

[1931-1936]


btp

Đại tướng Bản Trang Phồn [1876-1945]
Tư lệnh quân Quan Đông

nguồn : Wikipedia


1. Cuộc biến Cửu Nhất Bát [18/9/1931]


Sau khi Nhật Bản dùng tạc đạn giết Trương Tác Lâm, cản trở Trương Học Lương thay đổi cờ để theo chính phủ Quốc dân đảng Nam Kinh ; tuy chưa đạt được nguyện vọng chia cắt miền đông bắc Trung Quốc, nhưng kế hoạch đã định không hề thay đổi, Nhật vẫn tiếp tục đòi hỏi chính sách về đường sắt. Trương trước sau đem sự việc đổ cho chính phủ trung ương, quân Quan Đông bèn chuẩn bị đánh đổ Trương, lập chính quyền khác. Khi vấn đề Trung đông thiết lộ phát sinh [xem chương 1], Đại tá tham mưu Nhật, Phàn Viên Chinh Tứ Lang, cùng Trung tá tham mưu Thạch Nguyên Hoàn Nhĩ chủ trương thừa cơ hội chiếm Mãn Mông, nhưng nội các của Thủ tướng Tân Khẩu Hùng Hạnh không cho phép. Ngoại tướng Tệ Nguyên dùng Tá Phân Lợi Trinh Nam, người chủ trương Trung Nhật đề huề, làm Công sứ tại Trung Quốc, Tá ra sức giải quyết bằng ngoại giao nên không được phái quân nhân ưa thích. Mấy tháng sau Tá chết đột ngột, có lời đồn rằng bị phe quân nhân giết. Tệ Nguyên định dùng Tiểu Phiên Dậu Cát kế chức, nhưng chưa được Trung Quốc đồng ý, riêng phái quân nhân chỉ trích Tệ Nguyên ngoại giao nhu nhược. Tháng 5/1930, Đại tá Phản Viên chủ trương vấn đề Mãn Mông không thể giải quyết bằng ngoại giao, phải dùng vũ lực đuổi Trương Học Lương, Thạch Nguyên cũng nghĩ rằng “ Chủ yếu là phải đánh gục ”.


Trung Quốc trải qua 8 tháng đại chiến trung nguyên, nguyên khí bị tổn thất rất nhiều. Sau khi quân đông bắc vào quan ải, lực lượng tại Đông Tam Tỉnh giảm yếu ; Trương Học Lương trường kỳ lưu tại Bắc Bình [Beijing, Bắc Kinh] và ra sức chú ý vào nơi này ; nên Nhật Bản nhận thấy, nếu chiếm miền đông bắc, không tốn mấy sức lực. Tháng 3/1931 âm mưu làm chính biến trong nước không thành, Trung tá Nhật, Thạch Nguyên chủ trương hành động tại Trung Quốc để sau đó cải tạo nội chính, bèn soạn “ Đại cương kế hoạch giải quyết cuộc chiến tại Mãn Mông ”. Cái họ gọi là “ Tự do độc lập, toàn dân Mãn, Nhật đồng minh ” cổ vũ Mãn Châu độc lập ; “ Nhật Bản đối ngoại đồng chí hội ” chủ trương giữ thái độ cường ngạnh đối với đường sắt Mãn, Mông. Cho đến tháng 5, phe quân nhân Nhật Bản lại nhận thấy tình hình đối ngoại có lợi cho Nhật Bản, tranh chấp giữa Quảng Châu, Nam Kinh trở nên khẩn cấp, thế lực Hồng quân tại Giang Tây lớn lên, thuỷ tai tại sông Trường Giang nghiêm trọng, kinh tế Anh, Mỹ khủng hoảng ; rõ ràng đây là cơ hội hiếm có cho hành động của Nhật tại miền đông bắc. Lại thêm quốc lực Nga Xô ngày một mạnh, khống chế Ngoại Mông, để áp chế thế lực này ngày một khuếch trương, là điều tất yếu Nhật phải làm. Tháng 6, Lục quân tỉnh và Tham mưu bản bộ hoàn thành “ Phương án vấn đề Mãn Mông ”, quân Quan Đông khẩn cấp gia tăng chế tạo nội loạn tại Trung Quốc. Tháng 7, phiến động cuộc nổi loạn của Thạch Hữu Tam ; dùng phi cơ chở Diêm Tích Sơn lưu vong tại Đại Liên [Dalian, Liêu Ninh] trở về Sơn Tây, xui cùng Thạch Hữu Tam đánh Bắc Bình, Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], để Trương Học Lương không rảnh nhìn ngó đến miền đông bắc. Cùng tháng, Hàn kiều tại núi Vạn Bảo, Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm] xung đột với nông dân địa phương, tại Triều Tiên phát sinh cuộc bạo động bài Hoa. Tin tức gián điệp Nhật Bản, Trung Thôn Chấn Thái Lang, bị giết tại Thao Nam [Taonan, Cát Lâm] cũng truyền ra lúc này ; Thạch Nguyên chủ trương tự hành động xử lý. Đại thần lục quân Nam Thứ Lang triệu tập hội nghị Sư đoàn trưởng, bảo rằng sự việc tại Mãn Châu trọng đại, quân nhân cần đem hết chức trách, tất yếu buộc Trung Quốc khuất phục.


Tháng 5/1931, Tổng tài Nam Mãn thiết lộ hội xã Nội Điền Khang Tai từng cảnh cáo Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, Tang Sĩ Nghị, rằng cái án về Đông bắc thiết lộ cũng cần được giải quyết, nếu không phe quân nhân trẻ của Nhật sẽ hành động. Đầu tháng 6, Tang Sĩ Nghị sai người đến Bắc Bình cầu xin chỉ thị của Trương Học Lương, nhưng Trương xem thường. Cho đến khi các sự kiện Vạn Bảo Sơn, Trung Thôn phát sinh ; ngày 6/7 ra lệnh Thẩm Dương đông bắc chính vụ uỷ viên hội hết sức tránh giao chiến với Nhật. Tưởng Giới Thạch bận bịu việc vây đánh Hồng quân tại Giang Tây lần thứ ba, cùng ứng phó quân sự với Lưỡng Quảng, nên ngày 12 gửi điện cho Trương Học Lương rằng “ Hiện nay chưa phải lúc đánh Nhật, bình định nội loạn là công việc thứ nhất ” ; ngày 23/7 thông điện cho cả nước “ Đánh đuổi ngoại xâm trước hết phải yên nội địa ”. Ngày 6/9, Trương Học Lương ra lệnh cho cấp chỉ huy quân sự tại Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh] rằng “ Vô luận người Nhật gây sự ra sao, phải hết sức kiên nhẫn, không đề kháng, để miễn sự việc khuếch đại ”. Tháng 11, Tưởng cũng ra lệnh tránh xung đột, trong ngày xảy ra sự biến, Tưởng đến Giang Tây điều động quân đánh Cộng sản, cùng đề phòng quân Quảng Đông, Quảng Tây ; đó là do lai đầu đuôi chính sách không đề kháng.


Trung tuần tháng 8/1931, Tệ Nguyên ra lệnh cho Lãnh sự Nhật tại Thẩm Dương, Lâm Cửu Trị Lang giao thiệp với Tang Sĩ Nghị về vụ án Trung Thôn ; Trương Học Lương cũng phái người đến Đông Kinh thương lượng. Lục quân đại thần Nam Thứ Lang tuyên bố, đối với vụ án Trung Thôn, ngoài việc phục thù bằng võ lực thì không có cách nào khác ; quân Quan Đông tích cực chuẩn bị. Ngày 10/9, Đại tá đặc vụ Nhật tại Thẩm Dương, Thổ Phì Nguyên Hiền Nhị trở về Đông Kinh, cùng bộ binh bàn bạc. Ngày 11, Thiên Hoàng Chiêu Hoà lệnh Nam Thứ Lang chỉnh đốn quân phong kỷ đạo quân Quan Đông. Ngày 14, Lục quân tỉnh, Ngoại vụ tỉnh nhận điện từ Thẩm Dương báo cáo rằng quân Quan Đông sẽ hành động ngay. Sau đó 2 ngày, Nam Thứ Lang phái Bộ trưởng Tham mưu bản bộ tác chiến Kiến Xuyên Mỹ Thứ đến truyền đạt lời cáo giới của Thiên Hoàng ; Phản Viên, Thạch Nguyên nhận được, quyết chấp hành theo kế hoạch dự định. Chiều ngày 18/9, Kiến Xuyên đến Thẩm Dương; tối hôm đó vào lúc 10:30, quân Quan Đông tại đường sắt Nam Mãn dùng tạc đạn phá huỷ đường sắt tại hồ Liễu Điều, để đổ lỗi cho người Trung Quốc, cuộc biến Cửu Nhất Bát bộc phát.


Diễn tiến về âm mưu này, Trung Quốc Hiện Đại Sử 1 của Lý Thủ Khổng chép như sau : Vào buổi chiều ngày 18/9/1931, trung đội 3, đại đội 2 quân Quan Đông, trú tại Hổ Thạch Đài [Dadong Qu, Thẩm Dương, Liêu Ninh], dưới quyền viên Trung đội trưởng Đại uý Xuyên Đảo Chính Hùng rời khỏi nơi đồn trú, đi thực tập ban đêm. Đơn vị này duyên theo đường sắt hướng nam tiến đến gần đồn Văn Quan. Khoảng 10: 20, viên Đại uý sai viên trung đội phó Trung uý Hà Bản Mạt Thủ và viên Quân Tào [Trung sĩ] Tiểu Sam Hỷ Nhất dẫn một tiểu phân đội đến tuyến đường sắt Nam Mãn tại hồ Liễu Điều, cách thành phố cũ Thẩm Dương 7.5 km về phía bắc ; rồi cho dùng thuốc nổ phá huỷ đoạn đường sắt. Quân Quan Đông lại dùng 3 thi thể, cho mặc quân phục lính Trung Quốc tại Phụng Thiên, đặt nằm tại hiện trường để làm bằng chứng rằng đường sắt do quân Trung Quốc phá hoại. Vào lúc 11:20, quân Quan Đông lại dùng mìn phá huỷ cầu Liễu Điều, vu cho quân Trung Quốc làm, rồi bắt đầu tấn công vào thành Thẩm Dương


Tổng số quân miền đông bắc khoảng 25 vạn người, một nửa đóng phía trong Sơn Hải Quan [Shanhaiguan, Hà Bắc]. Lúc cuộc biến xẩy ra Tư lệnh trưởng quân biên phòng miền đông bắc Trương Học Lương, Chủ tịch Hắc Long Giang, Vạn Phúc Lân đều tại Bắc Bình ; Chủ tịch tỉnh Cát Lâm, Trương Tác Tương, đóng tại Cẩm Châu [Jinzhou, Liêu Ninh], tại Thẩm Dương chỉ có Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, Tang Sĩ Nghị. Trước khi sự việc xảy ra không cảnh giác, chẳng chuẩn bị một chút nào. Hơn 1 vạn quân Quan Đông, trong vòng 8 giờ đồng hồ chiếm lãnh trại lính, công binh xưởng, phi trường thành Thẩm Dương ; ngày thứ hai, Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm], Doanh Khẩu [Yingkow, Liêu Ninh], An Đông [Andong, Liêu Ninh] đều bị thất hãm ; quân Nhật tại Triều Tiên được lệnh điều động đến Liêu Dương [Liaoyang, Liêu Ninh], Cát Lâm. Nội các Nhược Khái Lễ Thứ lang không chấp thuận khuếch đại sự biến, nhưng quân Quan Đông không nghe, ngày 20 chiếm Trường Xuân, ngày 21 chiếm tỉnh thành Cát Lâm. Nhược Khái tiếp tục ra lệnh rút xuống vùng phụ cận thiết lộ Nam Mãn, không được tiến vào vùng bắc Mãn, lại xin Thiên Hoàng cấm chỉ. Quân Quan Đông thanh xưng rằng nếu như Thiên Hoàng ước thúc hành động, thì sẽ để Mãn Châu độc lập ; cuối cùng để khỏi khích động Nga Xô, tạm thời chưa chiếm Cáp Nhĩ Tân [Harbin, Hắc Long Giang].


Tháng 10, quân Quan Đông xui Trấn thủ sứ Liêu Nguyên [Liaoyuan, Liêu ninh] lên phía bắc xâm lăng tỉnh Hắc Long Giang, bị quân Hắc Long Giang đánh lui. Tháng 11 quân Quan Đông thấy Nga Xô không có ý can thiệp, thực hành tham gia tấn công cầu Nộn Giang tại Thao Nam [Taonan, Cát Lâm], bị Đại lý tỉnh Hắc Long Giang, Mã Chiếm Sơn, đánh bại. Quân Quan Đông lại đến xâm phạm lần thứ hai, Mã chiến đấu 7 ngày, rồi không địch nỗi nên tỉnh thành Tề Tề Cáp Nhĩ [Qiqihar, Hắc Long Giang] không giữ được.


Sau khi Thẩm Dương thất thủ, công thự đông bắc biên phòng, cùng cơ quan tỉnh Liêu Ninh di chuyển về Cẩm Châu [Jinzhou, Liêu Ninh]. Tư lệnh Quan Đông, Bản Trang Phồn, tuyên bố rằng không hứa chính quyền Cẩm Châu tồn tại ; phi cơ Nhật tiếp tục oanh tạc. Sau khi quân Quan Đông chiếm lãnh Tề Tề Cáp Nhĩ, lại chuyển quân sang phía tây ; ngày 19/12 đòi cơ quan chính phủ tại Cẩm châu trong 15 ngày phải di chuyển vào Sơn Hải Quan [Shanhaiguan, Hà Bắc]. Ngày 2/1/1932 quân Nhật tiến vào Cẩm Châu ; như vậy trong 100 ngày, cả vùng đông bắc bị luân hãm.



2. Nội tình Quốc dân đảng sau biến cố Cửu Nhất Bát


Năm 1931 Trung Quốc vẫn ở trong tình trạng chia cắt ; những lực lượng chống lại chính phủ Nam kinh, ngoài Trung Cộng còn có chính phủ Quảng Châu. Vào tháng 7 năm đó, sau khi chính phủ Quảng Châu hạ lệnh đánh dẹp Tưởng Giới Thạch, bèn sai Trần Hữu Nhân sang Nhật để mưu viện trợ. Đầu tháng 9, quân Quảng Đông, Quảng Tây thuộc chính phủ Quảng Châu tiến đến Hồ Nam, quân trung ương cũng hướng về Hồ Nam xuất phát, cuộc nội chiến Quốc dân đảng lại chuẩn bị diễn ra trước mắt. Khi cuộc biến Thẩm Dương xảy ra, chính phủ Nam Kinh xin chính phủ Quảng Châu dẹp bỏ chiến tranh, cùng ứng phó với quốc nạn ; Quảng Châu tuy tán thành, nhưng không dẹp bỏ việc chống lại Tưởng Giới Thạch. Lúc bấy giờ Tưởng chuẩn bị đến Bắc Bình chỉ huy, nhưng muốn xúc tiến sự hợp tác, bèn tự nguyện rút lui, trả lại tự do cho Hồ Hán Dân. Vào tháng 11, Đại biểu Nam Kinh như Thái Nguyên Bồi, Trương Kế, Trần Minh Khu, cùng đại biểu Quảng Châu như Uông Triệu Minh, Tôn Khoa, Trâu Lỗ họp tại Thượng Hải ; quyết định hai bên phân biệt triệu tập toàn quốc Quốc dân đảng đại biểu đại hội, cải tổ Quốc dân chính phủ, dùng nội các chế, Tưởng Giới Thạch có thể không xuống chức.


Đại biểu đại hội tại Nam Kinh thông qua quyết nghị yêu cầu Tưởng lên phương bắc để bảo vệ đất nước, lấy lại phần đất đã mất. Nhưng phái Hồ Hán Dân trong đại hội đại biểu tại Quảng Châu không chỉ kiên trì bắt Tưởng phải từ chức, mà còn đòi hỏi tước bỏ binh quyền, khai trừ đảng tịch. Uông Triệu Minh, Tôn Khoa cho rằng như vậy trái với quyết định tại hội nghị Thượng Hải, nên không cho là đúng ; phái Uông lại bất mãn về việc tuyển cử Uỷ viên trung ương, nên lên Thượng Hải tự tổ chức cuộc hội. Ngày 15/12 Tưởng từ chức Chủ tịch Quốc dân chính phủ và Viện trưởng hành chính. Ngày 28/12 do 3 phía Nam Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu tuyển Đệ tứ khoá Uỷ viên trung ương chấp hành, suy cử Lâm Sâm làm Chủ tịch Quốc dân chính phủ, Tôn Khoa làm Viện trưởng hành chánh ; Tưởng Giới Thạch, Uông Triệu Minh, Hồ Hán Dân làm Uỷ viên thường vụ trung ương chính trị và Uỷ viên thường vụ trung ương chấp hành, nhưng đều chưa đến nhậm chức. Ngày 1/1/1932, Trung ương đảng bộ Quốc dân chính phủ tại Quảng Châu triệt tiêu ; riêng thiết lập ban chấp hành tây nam của Trung ương chấp hành uỷ viên hội, Tây nam chính vụ uỷ viên hội, Tây nam quân sự uỷ viên hội ; tuy nhiên trên thực tế vẫn độc lập như cũ.


Nội các Tôn Khoa không được Tưởng, Uông, Hồ chi trì ; vấn đề tài chính rất khó khăn, quân trú đóng tại Giang Tô, Chiết Giang nhiều lần đòi ngân khoản, Tôn Khoa đành bó tay không trù tính được gì. Chẳng bao lâu Tưởng và Uông thông cảm với nhau ; các phe đều nhận thấy nếu Tưởng không ra nắm quyền, không thể được. Ngày 29/1/1932 Uông Triệu Minh giữ chức Viện trưởng hành chánh, Tống Tử Văn làm Phó viện trưởng kiêm Bộ trưởng tài chánh ; Tưởng Giới Thạch giữ chức Uỷ viên quân sự, rồi được thăng Uỷ viên trưởng, đây là danh hiệu Tưởng thường dùng sau này. Riêng Hồ Hán Dân không chịu trở lại Nam Kinh ; Tôn Khoa cũng cự, không chịu nhận chức Viện trưởng lập pháp.



3. Nhật Bản tấn công Thượng Hải


Sau biến cố tại Thẩm Dương, chính sách của Quốc dân đảng về vũ lực đối với Nhật bản thoái nhường, nhưng ngoại giao thì không buông bỏ. Cái gọi là ngoại giao có hai đường : Thứ nhất, thỉnh cầu quốc tế liên minh ngăn chặn hành động của Nhật Bản, khôi phục nguyên trạng Đông Tam Tỉnh. Thứ hai, Phó viện trưởng hành chánh Tống Tử Văn thương lượng với Công sứ Nhật, Trùng Quang Quỳ ; tổ chức cộng đồng uỷ viên hội để tìm cách giải quyết phương án. Ngày 22/9, Quốc liên lý sự hội thông báo Trung, Nhật đừng khuếch trương mâu thuẫn, bàn bạc việc triệt binh. Nước Mỹ, tuy không phải là thành viên của Quốc liên [League of Nations] cũng biểu thị cho Nhật Bản biết rằng sự biến đã vi phạm vào Công ước của 9 nước, cùng Công ước phi chiến ; hy vọng miễn có hành động quân sự xảy ra. Đại biểu Nhật Bản tại hội Quốc liên, Phương Trạch Khiêm Cát, bảo rằng quân Nhật sẽ lục tục triệt thoái, nhưng do Trung, Nhật trực tiếp giao thiệp, không cần Quốc liên trực tiếp can dự. Đại biểu Trung Quốc, Thi Triệu Cơ, biểu thị đồng ý xin Quốc liên sai người hỗ trợ, bàn định ngày triệt binh, bị Phương Trạch cự lại. Nước Mỹ nhân việc Nhật Bản oanh tạc Cẩm Châu, thái độ tỏ ra cường ngạnh. Ngày 16/10, Lý sự hội của Quốc liên mời Đại biểu Mỹ đến cùng họp, quyết nghị thảo án rằng quân Nhật trước ngày 16/11 rút lui trở về khu vực đường sắt Nam Mãn, rồi Trung Nhật bắt đầu đàm phán ; do Nhật Bản phản đối nên chưa thi hành được.


Ngày 19/10, Ngoại tướng Nhật Bản Tệ Nguyên đề xuất 5 nguyên tắc : thứ nhất, Trung Nhật dẹp bỏ chính sách và hành vi xâm lược ; thứ hai, tôn trọng lãnh thổ hoàn chỉnh ; thứ ba, thủ tiêu những hành động phương hại đến tự do mậu dịch, cùng tổ chức phiến động cừu hận quốc tế ; thứ tư, bảo hộ người Nhật tại Mãn Châu bình yên với nghiệp vụ ; thứ năm, tôn trọng quyền lợi ghi trong điều ước của người Nhật tại Mãn Châu. Quốc dân chính phủ thấy dư luận phẫn khích, trì hoãn thảo luận những điều nêu trên ; lại cho rằng hội Quốc liên đang thực hành tiêu trừ kế hoạch khống chế Mãn Châu của Nhật Bản ; nếu Nhật ngang nhiên không đoái đến, sẽ bị chế tài. Ngoài ra nếu Anh, Mỹ, Pháp thương lượng không có hiệu quả, tuy không đến xảy ra chiến tranh ; nhưng sẽ vận dụng Công ước của 9 nước để chế tài. Trung Quốc cần đoàn kết nhân tâm, bảo trì sự tín nhiệm của dân đối với chính phủ, nhưng quyết không tuyên chiến với Nhật, ra sức gây cảm tình với các nước ; đến lúc vạn bất đắc dĩ sẽ theo ý dân không tiếc sự hy sinh, nhưng trước mắt chủ trương “ Không triệt binh, không giao thiệp ”. Có người trách Quốc dân chính phủ đã đánh mất cơ hội đàm phán với Nhật ; kỳ thực nếu Trung Quốc đàm phán 5 điểm với Tệ Nguyên, thì phái quân nhân Nhật cũng không dung hứa thi hành. Nội các Nhược Khái tuyên bố, nếu quyền lợi của Nhật kiều được bảo hộ tại Mãn Châu, thì cũng chưa rút quân.


Trung Quốc từng xin hội Quốc liên phái đoàn Đại biểu điều tra sự biến tại miền đông bắc ; Quốc vụ khanh Mỹ, Henry Stimson [Sử Đinh Sinh] lại yêu cầu Quốc liên chọn thời gian tất yếu thi hành chế tài kinh tế, các quốc gia khác cũng có chủ ý như vậy. Nhắm hoãn hoà tình thế, vào hạ tuần tháng 11 Nhật chính thức xin phái khiển đoàn điều tra, nhưng không được can dự vào hành động quân sự, và quân Trung Quốc cần rút ra khỏi Cẩm Châu. Trung Quốc kiên trì đòi Nhật Bản định ngày triệt binh, đồng thời đề nghị thành lập khu trung lập tại Cẩm Châu, nhưng Nhật Bản cự tuyệt. Ngày 10/12 Quốc liên cử đoàn điều tra, không can thiệp vào hành động quân sự, không tham dự Trung Nhật đàm phán, Nhật Bản không dựa vào việc điều tra mà trì hoãn triệt binh. Đáp ứng lại, vào ngày 1/1/1932 quân Nhật, điều binh 3 hướng, tiến đánh Cẩm Châu ; 3 vạn quân Trung Quốc chống cự yếu ớt, ngày hôm sau rút ra khỏi thành, hướng về Sơn Hải Quan. Ngày 7/1/1932 Quốc vụ khanh Henry Stimson thông tri cho Nhật cùng 9 nước từng ký vào công ước, rằng bất cứ hành động nào vi phạm chính sách môn hộ khai phóng và công ước phi chiến để lập riêng điều ước khác, cùng tạo nên tình thế thực tế làm tổn thất quyền lợi Mỹ, bao quát chủ quyền độc lập của Trung Quốc, lãnh thổ và hành chính hoàn chỉnh, thì nước Mỹ đều không thừa nhận ; được gọi là “ Bất thừa nhận chủ nghĩa ”.


Sau khi sự biến tại Cẩm Châu phát sinh, quân hạm Nhật tuần hành nhiều lần tại các cửa khẩu, đặc biệt là sông Trường Giang và Thượng Hải. Tinh thần yêu nước của dân Thượng Hải dâng cao, tổ chức hội kháng Nhật cứu quốc, tẩy chay hàng Nhật. Tổng lãnh sự Nhật Bản, Thôn Tỉnh Thương Tùng, chất vấn Thị trưởng Ngô Thiết Thành rằng có đủ năng lực bảo vệ Nhật kiều không ; nếu không Nhật sẽ tìm cách tự vệ. Tháng 10, lục quân Nhật đổ bộ, mấy lần xung đột với người Hoa ; sau khi quân Quan Đông chiếm được Cẩm Châu một cách dễ dàng, quân tại Thượng Hải cũng muốn thử.


Ngày 18/1/1932 có 2 Tăng sĩ Nhật cùng 3 tín đồ bộ hành đọc kinh dọc đường phố ; khi đến gần một xưởng làm mũ của người Hoa, bị dân quân Nghĩa dõng trong xưởng ra tra hỏi. Hai bên sinh sự ẩu đả, xưởng bị đốt cháy ; trong số người Nhật, 1 Tăng sĩ bị giết, 2 người bị trọng thương. Tổng lãnh sự Nhật kháng nghị, yêu cầu giải tán những đoàn thể chống Nhật ; Tư lệnh hạm đội Diêm Trạch Hạnh Nhất buộc Ngô Thiết Thành phải thi hành. Ngày 26, Tổng lãnh sự Thôn Tĩnh ra tối hậu thông điệp gồm 4 điểm :

- Thứ nhất, Thị trưởng phải ngõ lời xin lỗi với Tổng lãnh sự.

- Thứ hai, kẻ gia hại phải bị sưu tra, bắt, xử phạt ; cần cấp tốc thi hành.

- Thứ ba, đối với người bị hại phải chịu tiền phí tổn chữa trị và bồi thường.

- Thứ tư, đối với những phần tử hoặc tổ chức chống Nhật, phải cấm chỉ.

Vào 2 giờ chiều ngày 28, Ngô Thiết Thành chấp nhận toàn bộ, lúc 11:30; lục quân Nhật đột kích Bắc Thị [Thượng Hải], đồng thời tấn công Ngô Tùng [Thượng Hải] ; quân trú phòng lộ 19, dưới quyền Quân trưởng Thái Đình Giai ứng chiến. Quốc dân chính phủ từ Nam Kinh tản cư sang Lạc Dương [Luoyang, Hà Nam] để chứng tỏ bất khuất. Tưởng Giới Thạch tuy trong thời gian thôi chức, nhưng thực tế vẫn lo điều động Đệ ngũ quân và lực lượng đánh dẹp Trung cộng tại Giang Tây đến tăng viện ; Tưởng gửi điện văn cho Tướng sĩ, với lời quyết chiến, có đoạn như sau “….Trung Chính [Giới Thạch] cùng các đồng chí chung hoạn nạn từ lâu, nay trong tình trạng thôi chức, nhưng xin nguyện thề cùng sinh tử với các Tướng sĩ, tận thiên chức, với lòng thành tâm huyết ; mong người người mài dũa phấn phát, cùng chung lòng căm thù giặc, giữ tấm lòng hy sinh, cầm qua đợi mệnh, để cứu nguy vong ”. Quân Nhật đánh mạnh tại chính diện nhưng không tiến lên được, bèn tiến bức tại cánh trái. Ngày 2/3 lộ quân 19 phải rút, Nhật chiếm được vùng phía bắc thành phố Thượng Hải như Nam Tường, rồi tuyên bố đình chiến ; quân hai bên lâm vào tình trạng đối địch. Chiến dịch này quân Nhật tham chiến 6 vạn, quân Hoa 7 vạn ; Nhật thương vong 10 254 người, quân Hoa thương vong 14 801 người ; tuy vũ khí kém xa Nhật nhưng quân Hoa có thể cầm cự được hơn 1 tháng. Kế tục cuộc chiến của Mã Chiếm Sơn tại Nộn Giang, đây là cuộc chiến đấu bi tráng, được đặt tên là “ Chiến dịch Nhất Nhị Bát [28/1] ”.


Nước Anh trước kia muốn mượn tay Nhật Bản để đối chọi với Nga Xô, nên không chịu chung sức hợp tác với Mỹ. Đến lúc chiến tranh Thượng Hải xảy ra, lợi ích của Anh trực tiếp bị tổn thương ; nước Mỹ thấy dã tâm của Nhật không ngừng, nên cả hai nhất trí khiển trách Nhật. Tuy nhiên nước Anh từ chối viện dẫn kiến nghị Công ước 9 nước, chỉ thôi thúc Quốc liên tích cực hơn trước để yêu cầu Trung Nhật đình chiến. Nhật bản chú ý toàn lực vào miền đông bắc Trung Quốc, không rảnh kiêm trị cả Thượng Hải ; nên qua sự điều giải của Mỹ và vài nước khác, vào ngày 5/5/1932 Trung, Nhật ký hiệp ước đình chiến, quân Nhật rút lui về địa vị trước lúc cuộc chiến xảy ra, Trung Quốc tạm lưu tại phần đất hiện trú, khu vực chiến tranh trở thành khu phi vũ trang.


Đoàn điều tra của hội Quốc liên gồm đại biểu các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý ; Đoàn trưởng là đại biểu nước Anh, Lord Lytton [Lý Đốn]. Vào tháng 3/1932 đoàn đại biểu từ Đông Kinh [Nhật] đến Thượng Hải, qua Nam Kinh, Bắc Bình, Thẩm Dương [Shangyang, Liêu Ninh], Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm], Cáp Nhĩ Tân [Harbin, Hắc Long Giang]. Lúc bấy giờ Mãn Châu quốc đã được thành lập, đoàn điều tra khuyên Nhật đừng thừa nhận ; điều này vô ích, chẳng khác gì việc hỏi cọp mượn da. Ngày 1/10 báo cáo của đoàn điều tra công bố khôi phục trạng thái Mãn Châu giống như trước, hoặc thừa nhận Mãn Châu quốc đều không phải là biện pháp đúng; chủ trương không xúc phạm chủ quyền Trung Quốc, cùng hành chính hoàn chỉnh, đặt Đông Tam Tỉnh 2 tự trị (autonomy) ; do Trung Quốc, Nhật Bản, cùng đại biểu Đông Tam Tỉnh và quan sát viên các nước trung lập cùng lập phương án để tổ chức chính phủ tự trị ; đường sắt Nam Mãn đổi sang thương doanh, đường sắt Trung, Nhật hợp làm một. Thực tế những điều này cấp cho Nhật lợi ích đặc thù, Trung Quốc chỉ giữ được danh nghĩa mà thôi. Trung Quốc bằng lòng cải thiện chế độ hành chánh Đông Tam Tỉnh, nhưng không đồng ý lập cố vấn ; riêng Nhật Bản căn bản cự tuyệt tiếp thu. Quốc liên tăng thành viên Uỷ viên hội lên 19 nước, thực hành giám đốc quyết nghị án ; kiến nghị của 19 nước cùng báo cáo của đại biểu nước Anh, Lord Lytton, tương tự. Ngày 24/2/1933 Quốc liên triệu tập hội nghị đặc biệt, 42 nước tán thành, riêng Nhật Bản phản đối, ngày 27/3 Nhật Bản rút ra khỏi Quốc liên. Trung Quốc hy vọng vào Quốc liên [League of Nations] nhưng không được việc gì, uy tín của Quốc liên bị tổn thất nặng.



4. Nhật thành lập nước Mãn Châu, quân nghĩa dõng phấn đấu`


Năm 1917 Trương Huân phò Phổ Nghi trở lại ngôi vua thất bại ; nhưng một số di lão triều Thanh vẫn chưa nguội lòng, ngoài việc cấu kết với quân phiệt còn mong ngoại bang chi trì, đặc biệt dựa vào Nhật Bản. Năm 1924 Phổ Nghi bị đuổi ra khỏi kinh đô, chẳng bao lâu vào sứ quán Nhật Bản ; năm sau chạy vào tô giới Nhật tại Thiên Tân ; ông ta không được hưởng ưu đãi từ Quốc dân chính phủ, lại không thể ngầm bán các đồ vật quý trong cung cấm, nên cuộc sống no đủ hàng ngày cũng là một vấn đề. Khi quân dân cách mệnh bắc phạt, Phổ Nghi lại càng thêm hoảng sợ. Vào năm 1928, lăng mộ của Càn Long, Từ Hy bị trộm ; mộng phục bích [trở lại ngôi vua] lại càng dâng cao, ra sức cấu kết với Nhật.


Trước khi “ Cửu Nhất Bát sự biến ” [18/9/1931] xảy ra 2 tháng, Phổ Nghi biết sắp có biến cố tại miền đông bắc, nghĩ rằng có thể nhân đó làm nên việc lớn. Sau khi sự biến xẩy ra, quân Quan Đông quyết định dùng Phổ Nghi lập chính quyền. Ngày 30/9/1931, Tư lệnh lực lượng Nhật quân đồn trú tại Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Hương Chuy Hạo Bình, sắp xếp cho Phổ Nghi họp bàn với Đại tá Quan Đông Phản Viên Chinh Tứ Lang. Ngày 10/11 Phổ Nghi được đưa lên tàu đến Lữ Thuận, Trịnh Hiếu Tư tháp tùng ; ông ta muốn lên ngôi tại đông bắc, sau đó thiết lập Hoàng đế Đại Thanh tức Hoàng đế toàn Trung Quốc. Kế hoạch của Nhật Bản tham mưu bản bộ và quân Quan Đông chỉ muốn lập một nước mới tại miền đông bắc, nên việc khôi phục đế quốc Đại Thanh đang còn lưỡng lự. Tháng 2/1932, nhân lúc cuộc chiến tại Thượng Hải đến hồi sôi động ; một mặt người Nhật lập ra chính quyền tại miền đông bắc, gọi là “ nước Mãn Châu ” ; một mặt đánh chiếm Cáp Nhĩ Tân [Harbin, Hắc Long Giang].

Ngày 9/3/1932 Phổ Nghi đổi Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm] thành Tân Kinh, tuyên bố chấp chính nước Mãn Châu, niên hiệu là Đại Đồng, Trịnh Hiếu Tư làm Tổng lý quốc vụ ; nắm thực quyền là Quốc vụ sảnh trưởng người Nhật. Ngày 18/8, viên Tư lệnh quân Quan Đông Bản Trang Phồn lập mật ước với Trịnh Hiếu Tư, gồm những điểm : quốc phòng, trị an của nước Mãn Châu do Nhật Bản phụ trách ; đường sắt, cảng, vịnh do Nhật Bản quản lý, kiến thiết ; tài nguyên khoáng sản do Nhật khai thác ; Nhật Bản có quyền di dân đến nước Mãn Châu ; người Nhật được làm quan tại Mãn Châu. Ngày 15/5, Đại sứ Nhật Bản trú tại nước Mãn Châu, Vũ Đằng Tín Nghĩa, lại cùng Trịnh Hiếu Tư ký Nhật Mãn Nghị Định Thư, nội dung cũng giống như mật ước. Năm 1933, quân Nhật chiếm Nhiệt Hà [Chengde, Hà Bắc]. Ngày 1/3/1934 Phổ Nghi cải xưng Hoàng đế nước Mãn Châu, niên hiệu Khang Đức, đây là lần thứ ba xưng Đế. Tháng 4 năm sau, Phổ Nghi đến Đông Kinh đáp tạ, nói rằng “ Cần nỗ lực phục vụ hoà bình cho Mãn, Nhật… Nếu người dân Mãn Châu bất trung với Hoàng đế Mãn Châu, cũng bất trung với Hoàng đế Nhật ”. Kể từ đó miền đông bắc bị Nhật thực dân hoá một cách triệt để.


Quân chính quy đông bắc tuy được lệnh không chống cự quân Nhật, nhưng không ít những đơn vị tự động chống lại. Ngoài Mã Chiếm Sơn ra, còn có Lý Đỗ, Trấn thủ trấn Cát Biên ; Đinh Siêu, quyền Tư lệnh bảo vệ đường sắt Trung Đông ; Trương Thành Duẩn, Dân chính sảnh tỉnh Cát Lâm ; Đoàn trưởng Mã Chiếm Hải. Về phía dân chúng có Vương Đức Lâm, Đường Tụ Ngũ, Hoàng Vũ Trụ ; tổ chức đặt tên là Quân tự vệ, hoặc Cứu quốc quân, số lượng đông đúc, tính chung ước trên 20 vạn. Lúc đầu vì áp lực quốc tế, cùng sự phản kháng của nhân dân miền đông bắc ; phía Trung Quốc nghĩ rằng Nhật Bản thấy khó sẽ rút lui, nhưng khi nước Mãn Châu được thành lập, biết rằng họ muốn chiếm vĩnh viễn. Tuy nhiên mùa đông năm ngoái [11/1931] chống Nhật thành công tại cầu Nộn Giang, mùa xuân năm nay cầm cự tại Thượng Hải, tăng cường thêm lòng tin rằng quân Nhật không phải là đạo quân, hoàn toàn không thể chống lại. Lúc này lực lượng kháng Nhật tại Đông Tam Tỉnh được Trương Học Lương và dân chúng chi trì, nên cũng có phần cổ vũ. Từ tháng 4 đến tháng 7/1932, chiến trường chủ yếu tại các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm. Từ tháng 8 đến tháng 9, quân nghĩa dõng đánh phá tại các thành thị như Thẩm Dương, Liêu Dương [Liaoyang, Liêu Ninh], Phủ Thuận [Fushun, Liêu Ninh], Doanh Khẩu [Yingkou, Liêu Ninh], Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm], Vĩnh Cát [Yongji, Cát Lâm]. Ngoài ra còn phá hoại các tuyến đường sắt Nam Mãn, Thẩm Du [Thẩm Dương – Sơn Hải Quan], Cẩm Triều [Cẩm Châu – Triều Dương], Thẩm Hải [Thẩm Dương – Hải Long], Cát Đôn [Thuỷ Cát –Đôn Hoá] ; có thể nói đó là cao trào của quân nghĩa dõng. Tháng 9, Lữ trưởng Hắc Long Giang, Tô Bỉnh Văn, khởi sự tại Mãn Châu Lý [Manzhouli, Nội Mông], kết hợp với Mã Chiêm Sơn tiến hướng Tề Tề Cáp Nhĩ [Qiqihar, Hắc Long Giang], vào tháng 11 đánh bại quân Nhật ; tại Hắc Long Giang, Lý Đỗ khắc phục Giai Mộc Tư [Jiamusi], đây cũng là một cao trào khác. Vào tháng 1/1933, Tô, Mã, Lý chiến bại ; chia ra rút lui vào lãnh thổ Nga, hoặc vùng giáp giới Liêu Ninh, Nhiệt Hà. Sau khi thất thủ Nhiệt Hà, nghĩa dõng vùng đông bắc không còn được tiếp tế, trong hoàn cảnh gian khổ, lực lượng chiến đấu suy giảm.


5. Mất Nhiệt Hà, ký hiệp định Đường Cô, cùng phong trào chống Nhật, phản Tưởng


Khi Nhật Bản chiếm cứ miền đông bắc, đã có kế hoạch đánh Nhiệt Hà ; đến khi hiệp định Trung Nhật về Thượng Hải thành lập, lục quân Nhật bắt đầu chuẩn bị tiến binh. Nhưng quân Quan Đông bị nghĩa dõng khiên chế, không thể mang đại binh, nhắm đoạn tuyệt nguồn liên lạc tiếp tế từ phía trong quan ải cho 3 tỉnh đông bắc, trước tiên vào ngày 3/1/1933 đánh chiếm Sơn Hải Quan.


Ngày 18/2, quyền Viện trưởng hành chánh Tống Tử Văn cùng Trương Học Lương đến Thừa Đức [Chengde] thủ phủ của tỉnh Nhiệt Hà, tuyên bố quyết không bỏ miền đông bắc và Nhiệt Hà ; giả sử quân địch chiếm thành Nam Kinh, cũng không chịu xin hoà dưới chân thành. Nhưng 3 ngày sau, 2 vạn quân Nhật đến đánh, quân trú phòng 7 vạn người, số đông không đánh mà thua. Chủ tịch tỉnh Thang Ngọc Lân mang số lớn của cải, nha phiến, bỏ thành mà chạy ; ngày 3/3, chỉ 128 quân Nhật vào chiếm Thừa Đức. Tưởng Giới Thạch từ Giang Tây đến Bảo Định [Baoding, Hà Bắc] gấp, sai Bộ trưởng quân chính Hà Ứng Khâm thay Trương Học Lương chủ trì việc quân, quân Nhật tiếp tục hướng về Trường Thành tiến xuống phía nam. Quân Trung Quốc trước tiên chặn Cổ Bắc Khẩu [Gubeiku, Hà Bắc], sau đó đánh mạnh tại phòng tuyến phía nam, quân Nhật gặp phải sức đề kháng tương đối mạnh. Một đạo quân Nhật khác từ Sơn Hải Quan đánh sang phía tây, chiếm lãnh phía đông sông Loan Hà [Loanhe, Hà Bắc] ; tuyến phía bắc sau cuộc chiến đẫm máu, Nam Thiên Môn [Nantianmen, Hà Bắc] thất thủ.

Viện trưởng hành chính Uông Tinh Vệ mấy lần tuyên bố chính sách với Nhật vừa đề kháng vừa giao thiệp ; Tưởng Giới Thạch nhấn mạnh “ giặc Cộng ” chưa dẹp xong, tuyệt đối không thể nói kháng Nhật. Nhật Bản thôn tính Mãn Châu và Nhiệt Hà xong, cũng cho rằng nếu lập tức chiếm hết vùng Hoa bắc thì binh lực hiện chưa đủ, mà cũng sợ quốc tế phản đối. Quân Quan Đông tiếp tục tiến đánh, ý đồ ép Trung Quốc thừa nhận nước Mãn Châu, hoặc chí ít có thể cắt một vùng đất làm trái độn. Quốc dân chính phủ cấp thiết mong quân Nhật đình chiến ; Bộ trưởng ngoại giao La Văn Can, Thứ trưởng Lưu Sùng Kiệt đích thân đến Bắc Bình nhờ Công sứ Mỹ, Anh, Pháp giúp đỡ, nhưng không mấy tác dụng ; Tưởng Trung Chính, Uông Triệu Minh bèn đổi cách sai Hoàng Phu trực tiếp điều đình cùng quân Nhật. Ngày 3/5 đặt Chính vụ chỉnh lý uỷ viên hội trực thuộc viện hành chánh ; giao Hoàng Phu làm Uỷ viên trưởng ; Hoàng tái tục mật đàm với đại biểu Nhật, biết rõ thực sự ý muốn. Ngày 15 Tư lệnh quân Quan Đông, Vũ Đằng Tín Nghĩa tuyên bố nếu như quân Hoa không có thái độ khiêu chiến, quân Nhật sẽ không tiến chiếm Bắc Bình, Thiên Tân ; cùng trong ngày, Hoàng Phu rời Thượng Hải lên phía bắc. Ngày 16, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt [La Tư Phúc] kêu gọi hoà bình ; ngày 19 Tống Tử Văn đến Hoa Thịnh Đốn, phát biểu với báo chí rằng tình thế tại Viễn đông quấy động hoà bình thế giới, tin rằng cuộc chiến tranh Trung Nhật chẳng bao lâu sẽ đình chỉ. Lúc bấy giờ quân Nhật đã tiến gần Bắc Bình, Uông Triệu Minh đánh điện cho Hoàng Phu rằng ngoại trừ việc thừa nhận nước Mãn Châu, cắt nhường 4 tỉnh đông bắc ; riêng các điều kiện khác có thể chấp nhận. Ngày 23 Hoàng cùng với các Sĩ quan Nhật như Vĩnh Tân Tá Tỷ Trọng hội đàm suốt đêm ; ngày 26 thành nghị định. Uông bảo Hoàng Phu kiên quyết tiến hành, nếu quốc dân không bằng lòng, Uông tình nguyện nhận sự đả kích ; Tưởng cũng bảo gian khổ chung mùi, nguyện cùng chịu chung trách nhiệm. Trong lúc hội đàm Tưởng Giới Thạch gửi mật điện cho Hoàng Phu và Hà Ứng Khâm, có đoạn như sau “Quân Nhật giảo hoạt thành tính, trong lúc đàm phán gây lắm chuyện biến hoá, lúc mềm lúc cứng, hốt âm hốt dương, ra sức uy hiếp dụ dỗ. Phía ta chỉ mong chớp được thời cơ, khích lệ sĩ khí, chỉnh đốn quân đội, điều quan trọng là chuẩn bị cho sự hy sinh sau cùng ”. Ngày 31/5 Sảnh trưởng tham mưu bản bộ Hùng Bân, Đại biểu Hà Ứng Khâm cùng Phó tham mưu trưởng quân Quan Đông, Cương Thôn Ninh Thứ, ký hiệp định đình chiến tại Đường Cô [Tanggu, Thiên Tân]. Nội dung quân Trung Quốc rút lui, tuyến quy định từ huyện Diên Khánh [Yanqing] phía tây bắc Bắc Bình, kinh qua Thông Châu [Tongzhou] phía đông Bắc Bình, đến Lô Đài [Lutazhen] phía đông bắc Thiên Tân; chiếm vùng đất nổi tiếng chống Nhật gồm trên 20 huyện, mở rộng địa bàn xâm lược từ miền đông bắc, đến Hoa bắc.


Sau cuộc chiến Thượng Hải, tinh thần dân chúng lên cao, trên trường quốc tế cũng được nể trọng. Mùa hè năm 1932, quân Quan Đông bắt đầu xâm phạm Nhiệt Hà, dư luận ra sức trợ giúp Trương Học Lương quyết giữ. Lúc chiến tranh mới bạo phát, Trương khích ngang điều binh khiển tướng ; nào ngờ chưa đến 10 ngày, Thừa Đức không đánh mà bỏ, các nơi đều trách giận đương cục không tận trách nhiệm. Sự kiện Nhiệt Hà luân hãm, khiến tinh thần sa sút hơn cả thời kỳ mất 3 tỉnh miền đông bắc.


Phùng Ngọc Tường hơn 1 năm không xuất hiện trên chính trường, sau khi quân Nhật xâm lược Thẩm Dương, Tưởng Giới Thạch từ chức ; bèn đến Nam Kinh, muốn có dịp thi triển, nhưng không toại ý. Bèn lên phía bắc, trú tại Trương Gia Khẩu [Zhangjiakou, Hà Bắc] ; tại đây Phùng dựa vào bộ hạ cũ, Chủ tịch tỉnh Sát Cáp Nhĩ 3 Tống Triết Nguyên và liên lạc với Trung cộng. Ngày 26/5/1933, chính vào lúc quân Nhật tiến đến gần thành Bắc Kinh, Phùng tự xưng “ Tổng tư lệnh lực lượng nhân dân đồng minh chống Nhật ”, thực chất là phản Tưởng. Tại Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông] lúc bấy giờ cũng treo cờ “ Viện Nhiệt Hà, chống Nhật ”, phản đối hiệp định Đường Cô, cùng chủ trương phản Tưởng. Vào tháng 7, Phùng thu phục quân tại Nội Mông chiếm lãnh Đa Luân [Duolun, Nội Mông]. Phía Nhật chỉ trích vi phạm hiệp định Đường Cô, Phùng sợ quân Nhật hành động, thế khó chống cự, bèn rời Trương Gia Khẩu xuống phương Nam.

Kế Phùng Ngọc Tường là Trần Minh Khu, đứng đầu Phúc Châu [Fuzhou, Phúc Kiến] nhân dân chính phủ. Trần là một trong những nhân vật trọng yếu từng vận động cho Nam Kinh và Quảng Châu hoà hảo với nhau. Lúc bấy giờ Tưởng, Uông chủ trương chính trị làm những điều thất ý, Trần bèn dựa vào Đệ thập cửu lộ, một đơn vị lớn nổi tiếng trong chiến tranh Thượng Hải, sau cuộc chiến rút vế Phúc Kiến ; ngoài ra lại liên kết với các chính khách, quân nhân tự coi là cấp tiến, tổ chức Sinh sản dân chủ đảng [còn gọi là Xã hội dân chủ đảng]. Lúc Phùng Ngọc Tường tại Trương Gia Khẩu cử sự ; Trần mưu lập chính phủ với khẩu hiệu chống độc tài, thủ tiêu đảng trị, chống chính sách ngoại giao của chính phủ Nam Kinh, liên lạc với Trung Cộng. Ngày 20/11/1933, mở đại hội “ Nhân dân đại biểu ” tại Phúc Châu, thành lập “ Trung Hoa cộng hoà quốc nhân dân cách mệnh chính phủ ”, Lý Tế Thâm giữ chức Chủ tịch, phế trừ Quốc dân đảng. Chính phủ Nam Kinh mang quân đánh dẹp ; Quảng Châu cho rằng bội phản Tam dân chủ nghĩa, nên cự tuyệt hợp tác. Lý Tế Thâm, Trần Minh Khu cầu người Nhật giúp đỡ ; quân Nhật ghét việc liên kết với Trung cộng, nên không đếm xỉa đến. Quân trung ương đánh mạnh, vào ngày 13/1/1934 Phúc Châu nhân dân chính phủ bị tiêu diệt, chỉ tồn tại được trong vòng 53 ngày. Tính ra trong vòng 7 tháng, 2 tổ chức phản Tưởng đều bị tiêu tan.


6. Trung ương không ổn, các tỉnh chiến loạn


Sau khi ký hiệp định đình chiến tại Thượng Hải, Quảng Châu tuyên ngôn phản đối, Giám sát viện đàn hặc Uông Triệu Minh. Khi chính phủ Mãn Châu thành lập, sự giao thiệp với Nhật lại càng khó khăn, Uông tỏ ra tiêu cực. Tháng 8 năm 1932, Uông cho rằng Trương Học Lương không chịu chống địch, lại đòi ngân khoản lớn, nên từ chức và yêu cầu Trương Học Lương cùng từ chức luôn. Tưởng Giới Thạch chấp thuận Trương từ chức Chủ nhiệm Tuy tĩnh Bắc Bình, cải đặt chức Quân sự uỷ viên hội, phân hội Bắc Bình, và lưu giữ Uông Triêu Minh. Các tướng lãnh miền Hoa bắc bất bình, Tưởng ra lệnh Trương giữ chức Uỷ viên trưởng phân hội quân sự uỷ viên hội, Tống Tử Văn [anh vợ Tưởng] quyền Viện trưởng hành chánh thay Uông ; do đó mới ngưng phong ba trong nội bộ. Năm 1933, nhân thất thủ Nhiệt Hà, Trương Học Lương từ chức đi Âu Châu ; Uông Triệu Minh phục chức Viện trưởng hành chánh. Tống Tử Văn bất hoà với Tưởng về vấn đề quân phí, nên Khổng Tường Hy [anh em đồng hao với Tưởng, chồng Tống Ái Linh] thay, giữ chức Viện phó hành chánh, kiêm Bộ trưởng tài chánh ; từ đó Khổng có thế lực lớn về tài chánh, kinh tế.


Trung ương bất ổn, tranh chấp tại địa phương cũng không vì kẻ địch trước mắt mà giảm thiểu. Năm 1932 tại Quảng Đông Trần Tế Đường đánh nhau với hạm đội Việt Hải ; tại Sơn Đông, Chủ tịch tỉnh Hàn Phục Củ giao chiến với Sư đoàn trưởng Lưu Trân Niên tại phía đông Giao Châu Loan [Jiaozhou bay]. Riêng quân phiệt cát cứ tại tỉnh Tứ Xuyên, năm 1929 xảy ra một lần tranh đoạt. Năm 1931 Lưu Văn Huy liên kết với Lưu Tương đóng tại Trùng Khánh [Chongquing, Tứ Xuyên] cùng chống lại Đặng Tích Hầu, Điền Tùng Nghiêu, cát cứ tại miền bắc Tứ Xuyên ; Lưu Văn Huy giành được chức Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1932 Lưu Văn Huy lại đánh nhau với Đặng Tích Hầu, Đường Tùng Nghiêu ; Lưu Tương chuyển hướng, cùng với Dương Sâm tại phía đông Tứ Xuyên ủng hộ Đặng, Điền ; khiến năm 1933 Lưu Tích Niên thua bại, phải chạy sang Tây Khang [Xikang, Tây Tạng]. Thống kê, kể từ bắt đầu thời Dân quốc cho đến lúc này, tại Tứ Xuyên có trên 480 cuộc chiến lớn nhỏ. Chu Tây Thành đóng tại Quý Châu, năm 1929 quân Vân Nam đến đánh, thua chết. Sau đó quân Vân Nam bị đánh lui, nhưng Quý Châu vẫn tiếp tục nội chiến, cho mãi đến năm 1934 mới chấm dứt.


Vùng tây bắc cũng không có một ngày yên ổn ; năm 1928 lực lượng Hồi giáo của quân Mã Gia phản kháng Phùng Ngọc Tường, hai bên chém giết lẫn nhau ; người Hán, Hồi chết đến 20 vạn. Năm 1930, Phùng Ngọc Tường chống Tưởng thất bại, rút quân ra khỏi miền Tây bắc ; các vùng Cam Túc [Gansu], Thanh Hải [Quinghai], Ninh Hạ [Ningxia] hoàn toàn ảnh hưởng của Hồi giáo. Năm 1934, Tôn Điện Anh tại Sát Cáp Nhĩ [Chahar youyi] mang 3 vạn quân kinh qua Tuy Viễn [Nội Mông], tiến đánh Ninh Hạ ; bị quân Hồi đánh tại mặt trước, quân Ninh Hạ đánh từ sau lưng, Tôn bèn bỏ quân chạy trốn.

Năm 1930 người Duy Ngô Nhĩ tại Cáp Mật [Hami] Tân Cương không chịu được sự hà khắc của Chủ tịch chính phủ kiêm Đốc biện biên phòng Kim Thụ Nhân, cùng đứng lên phản kháng. Kim Thụ Nhân mang quân đánh lại, Duy Ngô Nhĩ bèn cầu viện viên tướng lãnh Hồi, Mã Trọng Anh, tại Túc Châu [Suzhou, Cam Túc]. Mã Trọng Anh tuy 20 tuổi, nhưng có chí lớn ; không thoả lòng tại Cam Túc, bèn mưu đồ phát triển, lại có Đại Tây Trung, người Nhật cổ vũ. Mã Trọng Anh đánh thắng quân Kim Thụ Nhân, trên đường thôn tính Tân Cương, nhưng không ngờ gặp Thịnh Thế Tài, một tay cứng cỏi không thua gì họ Mã.

Thịnh Thế Tài người tỉnh Liêu Ninh, từng tại Thượng Hải, Quảng Đông, Nhật Bản học tập về chính trị, quân sự. Năm 1930 giữ chức Đốc biện biên phòng công thự Tân Cương ; vào lúc Kim Thụ Nhân đánh Mã Trọng Anh thất lợi, bèn giao Thịnh làm Tổng tư lệnh tham mưu trưởng tiễu phỉ. Tháng 10/1931, Thịnh phối hợp với quân Bạch Nga, đánh bại Mã Trọng Anh. Mã rút quân về Cam Túc chiêu dụ thanh niên Hồi, khuyếch trương binh lực ; cùng liên kết với Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương ; trong năm 1933, hai lần đến đánh phá. Kim Thụ Nhân dùng Thịnh Thế Tài làm Tổng chỉ huy đến đánh, quân Mã quấy nhiễu tại nam, bắc Thiên San [Tianshan, Tân Cương]. Ngày 12/4/1933 bọn Đốc biện biên phòng công thự Tham mưu trưởng Trần Trung cùng quân Bạch Nga làm chính biến đuổi Kim Thụ Nhân, đưa Sảnh trưởng giáo dục Lưu Văn Long lên làm Chủ tịch tỉnh, Thịnh Thế Tài làm Đốc biện biên phòng ; Mã Trọng Anh vẫn tiếp tục tiến công không ngừng.


7. Nga Xô hoạt động tại miền đông bắc, tây bắc


Sau biến cố Thẩm Dương không lâu, quân Nhật thâm nhập phía bắc Mãn Châu; Đại sứ Nhật tại Nga, Quảng Điền Hoằng Nghị, cảnh cáo Nga đừng trợ giúp nhà đương cục Hắc Long Giang, đừng mang quân đến đường sắt Trung Đông. Ngoại trưởng Nga Xô, Lý Duy Nặc Phu, biểu thị không can thiệp vào cuộc xung đột tại Mãn Châu. Sau khi chiếm được Tề Tề Cáp Nhĩ [Qiqihar, Hắc Long Giang], Quảng Điền lại yêu cầu Lý Duy Nặc Phu tái khẳng định không viện trợ cho Mã Chiếm Sơn, không cho Trung Quốc dùng đường sắt Trung Đông để chở quân. Lý Duy Nặc Phu lại thân minh chính sách bất can thiệp của Nga Xô, cùng đề nghị ký kết điều ước hai bên không xâm phạm lẫn nhau, nhưng Nhật Bản bỏ qua không phúc đáp. Tháng 3/1932 thành lập nước Mãn Châu, Nga Xô thừa nhận nước Mãn Châu có chủ quyền đường sắt Trung Đông. Tháng 8 Nhật, Nga ký hiệp ước mới về ngư nghiệp, tiếp đó đàm phán việc bán đường sắt Trung Đông.

Nga Xô đối Nhật nhượng bộ, nhưng đối Trung Quốc thì chính sách bất đồng. Quốc dân chính phủ cảm thấy hội Quốc liên không có năng lực giúp đỡ, bèn chủ trương cải tiến liên hệ với Nga, muốn hai nước thiết lập bang giao. Nga Xô tuy cho đó là điều tất yếu, nhưng dây dưa không thực hiện, tựa hồ muốn thoả hiệp với Nhật. Ngày 12/12/1932, sau 2 lần đề nghị với Nhật ký điều ước hai nước không xâm phạm, không thu hoạch kết quả, mới bắt đầu giao thiệp với Trung Quốc. Ngày hôm sau, Nhật Bản chính thức cự tuyệt ký điều ước về hai nước không xâm phạm. Nga Xô thanh minh rằng cải thiện bang giao với nước này, cũng không làm phương hại tới nước khác, vẫn tiếp tục yêu cầu cùng Nhật ký điều ước không xâm phạm lẫn nhau, nhưng cuối cùng không được mãn nguyện.


Trung Quốc hy vọng Trung, Nga tái bang giao, về phương diện tiêu cực có thể ngăn chặn Nhật Bản can dự vào đường sắt Trung Đông và không thừa nhận nước Mãn Châu ; về mặt tích cực, Nga có thể viện trợ vật tư cho Trung Quốc. Riêng Nhật chỉ muốn độc quyền Mãn Châu, căn bản bài trừ thế lực của Nga Xô. Tháng 3/1933 cấm giữ những chuyến tàu chạy lên Tây Bá Lợi Á, bãi miễn người Nga làm Cục trưởng đường sắt. Tháng 5, Nga Xô đề xuất đem đường sắt Trung Đông bán cho Nhật, hoặc nước Mãn Châu. Trung Quốc kháng nghị, Nga Xô ngỏ lời rằng hiện tại Nga Xô và Trung Quốc không thể quản lý đường sắt này ; nếu bán thì trong tương lai Trung Quốc thu hồi Mãn Châu có thể thu hồi luôn cả đường sắt.


Về vấn đề đường sắt Trung Đông, Nhật, Nga đàm phán cũng không thuận lợi ; kẻ ra giá, người trả giá, cò kè không dứt khoát. Tháng 3/1934, Nga Xô sợ Trung Quốc thoả hiệp với Nhật, nên viên phó Uỷ viên trưởng ngoại giao Sokolnikov, cùng Uỷ viên trưởng quân sự Voroshilov, nói với đoàn khảo sát Trung Quốc rằng Nga Xô có khả năng chiến thắng Nhật Bản, sau đó sẽ đem nước Mãn Châu trao lại cho Trung Quốc ; bởi vậy thái độ Trung Quốc nên kiên trì bài trừ kẻ địch, Trung, Nga cần hợp tác. Tháng 2/1935 xảy ra cuộc chiến tranh giữa Ngoại Mông Cổ và nước Mãn Châu tại vùng phụ cận hồ Bối Gia Nhĩ [Lake Baikal, Nga] ; ngày 23/3 Nga Xô và nước Mãn Châu ký hiệp định mua bán đường sắt Trung Đông, nhưng không vì việc này khiến quan hệ Xô, Nhật trở nên hoà hoãn ; tháng 10, hai nước xung đột tại Bá Lực [Khabarovsk, Nga].


Tháng 2/1936, Nhật Bản giúp nước Mãn Châu đánh lui quân Ngoại Mông tại vùng phụ cận hồ Bối Gia Nhĩ. Tháng 3 Nga Xô và Ngoại Mông lập hiệp ước hỗ trợ lẫn nhau ; quân Nhật, Mãn tiếp tục tấn công vùng biên cảnh Ngoại Mông. Tháng 11 Nhật, Đức thành lập hiệp ước phòng Cộng, đối tượng là Nga Xô.


Nga Xô thoái rụt tại miền đông Á, nhưng mạnh tiến tại miền tây Á ; ý đồ muốn chia vùng ảnh hưởng đông bắc, tây bắc Trung Quốc với Nhật. Tháng 4/1933, sau cuộc chính biến lật đổ Kim Thụ Nhân tại Ô Lỗ Mộc Tể [Urumqi, Tân Cương], Quốc dân chính phủ sợ Nga Xô thừa cơ xâm nhập, bèn sai Thứ trưởng bộ tham mưu Hoàng Mộ Tùng đến lo liệu. Lúc này Thịnh Thế Tài chưa được chính thức giữ chức Đốc biện biên phòng tỉnh Tân Cương, hoài nghi chính phủ Nam Kinh ủng hộ Mã Trọng Anh ; bèn liên hợp với quân nghĩa dõng từ miền đông qua Tây Bá Lợi Á để vào Tân Cương ; đánh bại Mã Trọng Anh, diệt những kẻ không thuộc phe mình, rồi u cấm Hoàng Mộ Tùng. Lúc chính phủ Nam Kinh thừa nhận Thịnh Thế Tài chức quyền, Thịnh lại càng thêm hung hãn. Tháng 9, chính phủ Nam Kinh lại sai Bộ trưởng tư pháp La Văn Can đến điều giải giữa Thịnh và Mã Trọng Anh, nhưng bất thành ; chiến sự xảy ra, Mã Trọng Anh lại đến vây Ô Lỗ Mộc Tề.


Vào tháng 11/1931, Kim Thụ Nhân từng ký hiệp định với Nga Xô ; nội dung cho Nga Xô buôn bán tại Tân Cương, đặt cơ cấu thương vụ gọi là “ Xô Nga mậu dịch công ty ”, kinh doanh về điện khí, mục súc, giao thông, kim loại ; Tân Cương hướng Nga Xô mua vũ khí, phi cơ, mướn dùng nhân viên kỹ thuật ; hiệp định chưa thi hành thì Kim Thụ Nhân bị lật đổ. Sau khi Ô Lỗ Mộc Tề bị vây lần thứ hai, Thịnh Thế Tài xin Nga Xô viện trợ. Stalin ghét Mã Trọng Anh thân Nhật, riêng Thịnh Thế Tài có khuynh hướng Cộng sản, nên quyết chi trì ; nhắm kết hợp Tân Cương, Ngoại Mông để đối kháng với thế lực Nhật Bản tại Nội Mông và Mãn Châu. Bèn phái G. A. Apresov làm Đại biểu toàn quyền và Lãnh sự tại Ô Lỗ Mộc Tề cùng Thịnh thiết lập hiệp định, viện trợ 5.000 quân, cùng 200 vạn đồng Rúp quân nhu khí giới. Thịnh chấp nhận việc đối ngoại, cùng hứa bổ nhiệm nhân vật quan trọng sẽ thương lượng trước với Nga Xô ; thanh trừ quân Bạch Nga tại Tân Cương, cho Nga Xô quyền khai mỏ khoáng. Chủ tịch tỉnh chính phủ phản đối liên Nga, bị tù ; thủ lãnh quân nghĩa dõng đông bắc bị bắt.


Đồn khẩn sứ Y Lê [Yili, Tân Cương] kiêm Sư đoàn trưởng Trương Bội Nguyên cũng là nhân vật có thực lực tại Tân Cương, tháng 12/1933 mang quân đánh Trịnh Thế Tài, bị Hồng quân tập kích, thua bại, tử trận. Hồng quân tiếp tục đánh Mã Trọng Anh ; Mã thua rút xuống Nam Cương [Nanjiang, Tân Cương], rồi chạy sang Khách Thập Cát Nhĩ [Bayingol, Tân Cương] phía tây, sau đó bị dụ đến Nga, năm 1939 chết tại Mạc Tư Khoa. Sau khi thống trị toàn bộ Tân Cương, tháng 4/1934 Thịnh Thế Tài tuyên bố chống đế quốc, thân Nga Xô, đề ra 6 chính sách về dân chủ, dân tộc bình đẳng. Tháng 7, Nga Xô phái cảnh sát mật đến Ô Lỗ Mộc Tề, thành lập cục quản lý chính trị toàn tỉnh. Ngày 16/1/1935 Thịnh Thế Tài ký hợp đồng vay mượn công ty mậu dịch Nga Xô 500 vạn đồng Rúp ; về quân sự, chính trị, tài chính, kinh tế, giao thông, giáo dục đều do người Nga khống chế ; chẳng khác gì đất thực dân của Nga. Ngày 1/1/1936, Thịnh Thế Tài với danh nghĩa chính phủ Tân Cương ký kết với Nga Xô một hiệp định khác, nội dung Nga Xô phụ trách duy trì trật tự an toàn tại Tân Cương, không để cho thế lực ngoại quốc nào xâm nhập ; Tân Cương nếu bị ngoại lai công kích, Nga Xô lập tức viện trợ ; nếu Tân Cương quyết định độc lập, Nga Xô sẵn sàng giúp. Hiệp định này cũng giống như “ Nghị định thư ” Nhật bản ký với nước Mãn Châu vậy.


Tháng 5/1937, bộ hạ cũ của Mã Trọng Anh là Mã Hổ Sơn nổi dậy tại Nam Cương, tiến công Khách Thập Cát Nhĩ ; tháng 11 bị Hồng quân đánh bại. Năm 1938 tập đoàn thứ 8 của Hồng quân trú tại Cáp Mật [Hami, Tân Cương], chặn đường phía đông, ngăn trở sự đi lại giữa Quốc dân chính phủ với Tân Cương. Tháng 9 năm đó Thịnh Thế Tài đến Mạc Tư Khoa, gia nhập “ Liên cộng ”, lại xin thi hành chế độ Xô Viết tại Tân Cương, nhưng chưa được đồng ý.

Hồ Bạch Thảo




1 Trung Quốc Hiện Đại Sử, Đài Bắc : Tam Dân thư cục, 1973, trang 96.

2 Đông Tam Tỉnh : ba tỉnh phía đông bắc, tức Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh.

3 Sát Cáp Nhĩ : tên tỉnh được đặt ra từ năm 1928-1952, gồm phần đất phía đông Nội Mông và phía bắc Hà Bắc.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss