Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Đối ngoại và ứng phó với tình trạng Nhật Bản từng bước xâm lăng / Trung Quốc: đối ngoại và ứng phó với tình trạng Nhật Bản từng bước xâm lăng (I)

Trung Quốc: đối ngoại và ứng phó với tình trạng Nhật Bản từng bước xâm lăng (I)

- Hồ Bạch Thảo — published 03/04/2015 17:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 1 : Giao thiệp đối ngoại sau thời kỳ Bắc phạt [1928-1931]


Lịch sử Trung Quốc thế kỷ XX



Đối ngoại và ứng phó với tình trạng
Nhật Bản từng bước xâm lăng


Hồ Bạch Thảo


Chương 1

Giao thiệp đối ngoại sau thời kỳ Bắc phạt

[1928-1931]

vcd

Vương Chính Đình [1882-1961]

Nguồn : Wikipedia


1. Giao thiệp phế trừ điều ước cũ


Sau khi Bắc phạt, Quốc dân chính phủ tại Nam Kinh quyết noi theo con đường ngoại giao để thủ tiêu bất bình đẳng điều ước. Ngày 15/6/1928 ra tuyên ngôn theo tôn chỉ chính đáng, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, để sửa đổi điều ước. Ngày 7/7 lại tuyên bố rằng đối với những điều ước bất bình đẳng đã mãn kỳ, không còn hiệu lực, lập điều ước mới ; đối với chưa mãn kỳ sẽ sửa đổi ; cựu ước đã mãn, tân ước chưa đính lập, theo biện pháp lâm thời xử lý. Những người nước ngoài được pháp luật Trung Quốc bảo hộ, phải tuân theo pháp luật Trung Quốc, quan thuế do chương trình hiện hành biện lý. Đương lúc này thương lượng với Ý Đại Lợi, Pháp, Nhật, Tỷ Lợi Thì, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch.


Những việc nêu trên thành hay bại, quan hệ bởi sự ủng hộ của các nước lớn. Trước hết nhận được phản ứng tương đối tốt của Mỹ ; vào ngày 25/7 Trung, Mỹ ký kết chỉnh lý quan thuế điều ước, Mỹ thừa nhận Trung Quốc quan thuế tự chủ, nhưng các quốc gia được hưởng thụ đãi ngộ, không có sự sai biệt ; nói một cách khác, đợi các quốc gia cùng thừa nhận mới thi hành ; còn về pháp quyền, thì trước mắt chưa thương lượng. Vào năm này các nước Đức, Na Uy, Tỷ lợi Thì, Đan Mạch, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển kế tục thừa nhận quyền tự chủ quan thuế của Trung Quốc ; đồng thời thừa nhận Quốc dân chính phủ.


Ngày 31/7 Nhật Bản thông báo nếu Trung Quốc chủ trương bỏ những điều ước hết hạn, Nhật Bản nguyện cùng Trung Quốc lập tân ước. Bộ trưởng ngoại giao Vương Chính Đình cùng với Lãnh sự Nhật tại Thượng Hải thương lượng nhưng chưa thoả hiệp ; Tưởng Giới Thạch sai Trương Quần đến Đông Kinh trực tiếp hội đàm với Thủ tướng Điền Trung. Điền Trung bảo Mỹ, Anh, Pháp không đồng ý hiệp đồng chính sách với Nhật, thái độ có phần hoà hoãn. Tháng 6/1929 Nhật Bản thừa nhận Quốc dân chính phủ. Tháng 7, Tân Khẩu Hùng Hạnh thuộc đảng Dân Chính, thay thế Điền Trung cải tổ nội các ; Tệ Nguyên Hỷ Trọng Lang lại nhận chức Ngoại trưởng, tuyên bố đối với Trung Hoa không có ý xâm lược, chỉ muốn bảo hộ quyền lợi hợp pháp. Ngày 6/5/1930 Trung, Nhật ký hiệp định quan thuế, thực hành hỗ huệ thuế suất [Reciprocal Tariff].


Đối với việc thủ tiêu lãnh sự tài phán 1 thì sự khó khăn càng lớn hơn. Tháng 10/1928, Trung Quốc yêu cầu các nước có liên quan tiến hành thương lượng ; Ý Đại Lợi, Tỷ Lợi Thì, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tuy đồng ý trên nguyên tắc, nhưng yêu cầu 9 nước có liên quan đến việc này đồng loạt thi hành. Tháng 4/1929, Vương Chính Đình gửi văn thư cho các nước như Anh, Mỹ, Pháp yêu cầu cùng khảo xét ; mãi cho đến tháng 8, Anh, Mỹ, Pháp đều trả lời chưa chấp nhận thủ tiêu lãnh sự tài phán lúc này. Vương Chính Đình lại xin bàn thêm ; lúc bấy giờ đối ngoại tranh chấp Trung đông thiết lộ với Nga, đối nội chiến tranh với Phùng Ngọc Tường, thời cơ hoàn toàn bất lợi, nên các nước ngang nhiên cự tuyệt. Ngày 23/12, bộ ngoại giao công bố đại cương chính sách ngoại giao ; trừ việc thủ tiêu lãnh sự tài phán, lại đề xuất thu hồi quyền hàng hành trên sông, tô giới, nơi trú quân của các nước phải triệt thoái ; nhưng các nước dửng dưng không đếm xỉa đến. Năm 1930 Quốc dân chính phủ bận bịu ứng phó vào đại chiến tranh Trung nguyên, nên không rảnh đề cập. Sau khi nội chiến kết thúc, vào tháng 2/1931 Vương Chính Đình tuyên bố, trong thời gian ngắn phải đạt cho được thủ tiêu lãnh sự tài phán. Tiếp đến Hồ Hán Dân bị bắt buộc phải từ chức, cuộc đánh dẹp Cộng sản tại Giang Tây bất lợi, đại cuộc dao động, Trung Quốc đàm phán với Anh, Nhật đều không có kết quả ; chỉ có các nước nhỏ như Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Tỷ Lợi Thì hứa thủ tiêu lãnh sự tài phán. Tháng 5, Quốc dân chính phủ ban bố điều lệ quản lý người ngoại quốc, nhưng chỉ là văn suông, không có giá trị thực tế. Ngoại trừ tháng 7/1927 thu hồi được tô giới Trấn Giang [zhenjiang, Giang Tô] và lấy được bồi khoản năm Canh Tý [1900] từ nước Anh để bổ sung vào việc giáo dục và xây dựng đường sắt ; trong vòng 3 năm trở lại, thực tế thành tựu về thủ tiêu bất bình đẳng điều ước, gồm thu hồi quan thuế tự chủ quyền, năm 1929 thu hồi tô giới Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], năm 1930 thu hồi tô giới Uy Hải Vệ [Weihaiwei, Sơn Đông] từ nước Anh.


2. Trung, Nga tranh chấp Trung đông thiết lộ


Từ mùa đông năm 1925, phát sinh sự kiện Nga Xô không cho phép Trương Tác Lâm dùng Trung đông thiết lộ 2 để chở quân. Tiếp theo đến năm 1927, đại sứ quán Nga Xô tại Bắc Kinh bị sưu tra, hai bên giao thiệp càng xấu đi. Tháng 12, Trương Học Lương tiếp quản những hoạt động kinh doanh phi pháp của Trung đông thiết lộ, gồm điện báo, điện thoại ; Nga Xô tuy không thừa nhận nhưng không làm gì. Vào tháng 2/1929, Trương Học Lương theo con đường đàm phán hạn chế quyền lực Nga Xô tại Trung đông thiết lộ ; Cục trưởng người Nga không đếm xỉa đến, lại còn không cho Phó cục trưởng người Hoa cùng ký vào văn thư. Có thuyết cho rằng Trương Học Lương nghe lời bàn của viên Luật sư Lữ Vinh Hoàn, Đốc biện Trung đông thiết lộ, quyết thu hồi thiết lộ này. Ngày 27/5 được tin Cộng sản quốc tế tổ chức cuộc hội nghị nơi lãnh sự quán Nga Xô tại Cáp Nhĩ Tân [Harbin, Hắc Long Giang] với âm mưu, cảnh sát Trung Quốc bèn đến nơi bắt hơn 30 người Nga ; Nga Xô trả đủa, cũng phá huỷ sứ quán Trung Quốc, bắt Hoa Kiều. Vào ngày 10/7,Trương Học Lương hội nghị với Tưởng Giới Thạch, Vương Chính Đình ; Tưởng bảo rằng “ Hiện Nga Xô bị cô lập trên trường quốc tế, chắc không dám gây chiến với Trung quốc ; túng sử vạn nhất chiến tranh Trung Xô xảy ra, trung ương có thể ra quân 10 vạn, điều bát 100 vạn nguyên tương trợ cũng không thành vấn đề ”. Ngay sau đó Trương cưỡng chế tiếp quản Trung đông thiết lộ, đóng những cơ quan phụ thuộc, bắt hơn 200 người Nga, giải chức Cục trưởng, Phó cục trưởng Nga tịch. Ngày 13 Nga Xô gửi tối hậu thông điệp, hẹn trong 3 ngày phải bỏ tất cả hành động phiến diện tự làm. Trung Quốc trách Nga Xô phiến động nội loạn tại Trung Quốc, bất đắc dĩ mới có hành động như vậy, vẫn hy vọng có sự thượng lượng hợp lý. Ngày 17 Nga Xô đoạn tuyệt lưu thông Trung đông thiết lộ, bắt giữ thuyền Trung Quốc tại Hắc Long Giang, ra lệnh Đại biểu Trung Quốc tại Nga về nước.


Quốc dân chính phủ dám xử trí một cách cương quyết với Nga Xô, khả năng có những nguyên nhân đặc thù sau đây : Thứ nhất, chính trị nội bộ của Stalin vững, nhưng đối ngoại bị cô lập ; 2 năm về trước Trương Tác Lâm sưu tra sứ quán Nga Xô tại Bắc Kinh vô sự, lần này sưu tra lãnh sự quán tại Cáp Nhĩ Tân đã hơn một tháng, nhưng cũng không có phản ứng mạnh. Thứ hai, Nhật Bản không muốn Nga Xô đắc thế tại miền đông bắc, nếu Trung Quốc chống Nga Xô, tức đúng theo ước muốn của Nhật, nên Nhật sẽ không làm khó Trung Quốc thêm nữa. Thứ ba, Nga Xô từ trước tới nay nêu khẩu hiệu hiệp trợ dân tộc bị áp bức, nay nếu như vì Trung đông thiết lộ mà dùng binh thì sẽ mang tiếng, huống gì mới đây quốc tế mới ra công ước hoà bình Kellogg-Briand Peace Pact 3. Thứ tư, mới thảo phạt xong Quế hệ, nếu thu hồi được Trung đông thiết lộ thì uy tín của Quốc dân chính phủ được đề cao.


Nhưng tình thế biến hoá không đúng như dự liệu, phần lớn các nước không cho hành động của Trung Quốc là đúng ; quân Quan Đông Nhật Bản cấm chỉ Trương Học Lương chuyển binh và vũ khí qua đường sắt Nam Mãn. Nước Mỹ đề nghị nước trung lập làm trọng tài tranh chấp ; nhưng Nhật Bản cự tuyệt tham gia, khuyên Trương Học Lương cùng Nga Xô trực tiếp giao thiệp. Nga Xô yêu cầu khôi phục Trung đông thiết lộ nguyên trạng và chuẩn bị chiến tranh. Đầu tháng 8, lực lượng Viễn đông Hồng quân xâm chiếm biên cảnh, Trương Học Lương cũng điều binh phòng ngự. Trung Quốc nhờ Đức điều giải không thành, quân Nga chia làm 2 lộ đông, tây, tiến thẳng đến phạm vi các tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang. Tháng 10, lộ phía đông chiếm Đồng Giang [Tongjiang, Hắc Long Giang], Phú Cẩm [Fujin, Hắc Long Giang] ; tháng 11, tây lộ chiếm Mãn Châu Lý [Manzhouli, Nội Mông], Lữ đoàn trưởng quân đông bắc Hàn Quang Đệ cùng 2.000 quân tử trận. Chính phủ Nam Kinh đang giao tranh với quân Phùng Ngọc Tường, không thể viện trợ quân đông bắc ; tuy nhiên quân Nga không muốn chạm trán với quân Nhật tại phương nam, nên không tiếp tục tiến.


Sau khi Trương Học Lương thất bại, vào ngày 3/12 dùng viên chức giao thiệp Thái Vận Thăng tại Cáp Nhĩ Tân [Harbin, Hắc Long Giang] cùng với Đại biểu Nga Xô, Hy Man Nặc Tư Cơ, bàn luận hoà ước tại Ussuri [Nga] ; rồi hai bên ký kết tại Khabarovsk [Nga] vào ngày 22 ; nội dung khôi phục nguyên tình trạng Trung đông thiết lộ, lãnh sự quán, và cơ quan thương nghiệp tại Đông Tam Tỉnh ; thả những người Nga bị bắt, giải tán quân Bạch Nga trên đất Trung Quốc. Về vấn đề giao thương và bảo đảm hiệp định thi hành, trong tương lai sẽ có hội nghị chính thức giải quyết. Chính phủ Nam Kinh chỉ trích Thái Vận Thăng vượt quyền, chỉ chấp thuận bàn đến Trung đông thiết lộ mà thôi. Tháng 2/1930 phái viên tân nhiệm Đốc biện Trung đông thiết lộ Mạc Đức Huệ làm Đại biểu tại hội nghị. Tháng 5 Mạc Đức Huệ đến Mạc Tư Khoa, đề nghị trước tiên bàn về việc Trung Quốc chuộc lại Trung đông thiết lộ ; phía Xô Nga đòi hỏi bàn trước về việc thông thương và quyền hàng hành trên sông Hắc Long Giang [Heilongjiang] và Tùng Hoa [Songhua river], hai bên giằng co không bên nào chịu nhường ; lúc bấy giờ cuộc chiến tranh phản Tưởng đang hăng, Nga Xô có ý chờ xem. Tháng 11, hội nghị Trung Nga tiếp tục, Nga Xô kiên trì cho hiệp định tại Khabarovsk năm trước hữu hiệu, cùng đem phạm vi thảo luận mở rộng sang lãnh vực thông thương, giao hảo, nên hội nghị chấm dứt. Bắt đầu vào tháng 4/1931 hội nghị tiếp tục khai mạc đến 25 lần, nhưng không thu được kết quả gì, rồi chẳng bao lâu “ Cửu nhất bát [18/9] sự biến ” bạo phát tại Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh] với Nhật.


Hồ Bạch Thảo



1 Lãnh sự tài phán quyền [consular jurisdiction] quyền này ban cho người ngoại quốc tại quốc gia phạm tội, không do quốc gia đó xử, mà do Lãnh sự phán xử.

2 Đường sắt Trung Đông tức “ Trung Đông thiết lộ ” là tiếng gọi tắt của “ Trung Quốc đông Thanh thiết lộ ” do Nga Hoàng xây từ 1896-1903, trung tâm là Cáp Nhĩ Tân [Harbin, Hắc Long Giang], tây đến Mãn Châu Lý [Manzhouli, Nội Mông], nam đến cảng Đại Liên [Đalian, Liêu Ninh]. Sau cuộc chiến tranh Nga Nhật, đoạn phía nam từ Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm] đến Đại Liên bị Nhật chiếm.

3 Kellogg-Briand Peace Pact : là hiệp ước quốc tế về hoà bình ký tại Pháp năm 1928, có hiệu lực vào ngày 24/6/1929.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss