Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Doris Lessing, giải Nobel văn học 2007

Doris Lessing, giải Nobel văn học 2007

- Đỗ Tuyết Khanh — published 02/01/2008 14:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17

   
   

Doris Lessing, tiếng nói phóng khoáng của một tâm hồn tự do


     

Đỗ Tuyết Khanh

   

Hai giải Nobel văn chương 2006 và 2007 vinh danh hai khuôn mặt rất khác nhau của làng văn thế giới. Người đoạt giải năm ngoái, ông Orhan Pamuk, người Thổ Nhĩ Kỳ tương đối trẻ, năm nay mới chỉ 55, và cũng mới chỉ viết non một chục tác phẩm. Giải năm nay về tay nhà văn Anh lão thành Doris Lessing, như món quà sinh nhật đến 11 hôm trước ngày bà đúng 88 tuổi, biến bà thành người cao niên nhất trong số 104 nhà văn đã đoạt giải Nobel từ năm 1901 cho đến nay. Doris Lessing bắt đầu làm thơ, viết văn từ khi mười mấy tuổi và sau tác phẩm đầu tiên được in năm 1950, lúc Orhan Pamuk chưa ra đời, viết đủ mọi thể loại, tổng cộng hiện nay trên 60 truyện dài, truyện ngắn, tiểu luận, kịch bản, thơ, và hồi ký, không kể các bài báo. Và bà vẫn tiếp tục sáng tác.

dorisa

Doris Lessing được xem như một trong những nhà văn lớn của thế giới, không chỉ vì đã ngự trị trên văn đàn hơn nửa thế kỷ với con số tác phẩm đáng nể ấy, mà còn vì nhiều sáng tác ấy đã gây chấn động, mở ra nhiều tranh cãi và tác động sâu xa khiến không ít người tuyên bố sách của bà đã thay đổi tâm hồn thậm chí cả cuộc đời của họ. Có người ái mộ đến mức sùng bái, có người bị dội lại vì lời văn đôi khi lạnh lùng khô khan, vì những luận điểm nhiều lúc khiêu khích, nhưng ít ai thờ ơ khi đến với thế giới của bà. Một thế giới phong phú với đủ mọi đề tài, xem xét từ đủ mọi khía cạnh, với một giọng văn rất riêng biệt, thể hiện một cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi. Câu ngắn ngủi trong bản thông cáo của Uỷ Ban Nobel tháng 10 năm nay loan tin trao giải cho Doris Lessing " người đã viết lên thiên trường ca về những trải nghiệm của người đàn bà, và với cái nhìn hoài nghi, rực lửa và tiên tri, đã soi rọi một nền văn minh bị phân hoá " 1 chỉ nhắc đến một trong nhiều khuôn mặt gán cho bà: nhà văn nữ quyền, nhà văn Phi châu, nhà văn cộng sản, nhà văn của nội tâm, nhà văn theo thần bí, và nhà văn viết khoa học giả tưởng. Đúng là Lessing đã khai thác những mảng đề tài này trong các tác phẩm nổi tiếng, nhưng đấy cũng là những chiếc mũ chụp lên đầu bà, làm bà khó chịu, những "nhãn hiệu các nhà phê bình dán lên tác giả rồi chờ đợi tác giả ăn nói đúng theo cái khuôn mẫu ấy do họ đặt ra". Lessing chối từ mọi nhãn hiệu, không tự ép mình vào một khuôn mẫu nào như từ thuở nhỏ đã không để ai hoặc tình huống nào giam mình trong một vai trò, một hoàn cảnh mình không muốn. Cả cuộc đời bà là sự vẫy vùng ra khỏi những mẫu mực, khuôn sáo, ảo ảnh, tất cả những gì giam hãm tâm hồn và tư duy, để truy tìm thực chất đằng sau sự kiện và tìm đến con người thật ở ngay chính mình, để sống thật với con người ấy.


Một cuộc đời sôi nổi và trôi nổi

Doris Lessing sinh ngày 22.10.1919 dưới tên Doris May Tayler2 tại Kermanshah, một thành phố lớn của Persia ngày xưa và Iran ngày nay. Cha mẹ của Doris là người Anh, gặp nhau ở bệnh viện, giữa chiến tranh thế giới thứ nhất, lúc đại uý Alfred Cook Tayler phải nằm điều dưỡng cả một năm sau khi bị cưa một chân và được cô y tá Emily Maude McVeagh chăm sóc. Họ lấy nhau và đến Kermanshah, nơi ông Tayler xin được thuyên chuyển sang làm tại ngân hàng Imperial Bank of Persia, và hai chị em Doris và Harry sinh ra ở đó. Sau năm năm, tuy được lên làm giám đốc chi nhánh ở Kermanshah rồi phó giám đốc tại trụ sở ở Tehran, ông Tayler chán ngán cuộc sống ở Persia và công việc bàn giấy, nhưng lại càng không muốn trở về Anh, một đất nước ông oán hận là đã hủy hoại cuộc đời của ông và bao nhiêu người khác. Cùng lúc ấy, chính quyền da trắng tại Nam Rhodesia, một thuộc địa của Đế quốc Anh, rao bán rẻ mạt đất đai cho các cựu quân nhân Anh để khuyến khích họ sang đó làm ăn, với vốn vay dài hạn từ ngân hàng nông nghiệp. Từ nhỏ, ông Tayler vẫn thích sống ở nông thôn và có mộng trở thành nông dân, nên ông quyết định đổi đời, sang Nam Rhodesia lập nghiệp năm 1924.

Gia đình Tayler cắm dùi ở Lomagundi, một vùng đất hoang vu và thưa thớt dân cư cách thủ đô Salisbury vài trăm cây số. Những bước đầu thật gian nan, tất cả đều phải xây dựng từ số không. Những năm sau đó cũng không kém vất vả, mùa màng thất thu, nợ nần chồng chất, lún sâu gia đình Tayler trong túng bấn và thất bại, nhất là từ khi ông cha dồn hết tâm trí vào giấc mơ tìm được mỏ vàng, việc đồng áng chỉ còn là phương tiện để sống qua ngày. Bà mẹ cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới nhưng không khỏi tiếc nuối cuộc sống tiện nghi, sung túc ở Persia và bên Anh. Mối liên hệ với quá khứ lịch lãm ấy là những bộ quần áo lộng lẫy cất trong rương, những lá thư dài trao đổi với bạn bè xưa và nhất là những thùng sách từ bên Anh gửi đến. Những cuốn sách thu hút Doris, biến cô bé lớn lên giữa rừng Phi châu thành con mọt sách ngay từ lúc mới biết đọc, nuôi dưỡng óc tưởng tượng của cô và mở ra những chân trời cho cô khao khát. Hai chị em Doris và Harry sống hoà đồng với thiên nhiên, cỏ cây và chim muông, mới 10 tuổi đã biết dùng súng bắn chim, lái xe, phụ cha mẹ trong mọi công việc. Sau những năm đầu học ở nhà với mẹ, Doris và Harry được gửi đi nội trú. Năm năm sống xa nhà trong trường tiểu học rồi trong tu viện tại Salisbury để lại cho Doris những kỷ niệm ghê sợ : nỗi nhớ nhà da diết, và những lời răn đe, hăm dọa của các bà sơ về tội lỗi và hoả ngục. Rời tu viện, Doris lên trường trung học nhưng tuy đứng nhất lớp, quyết định bỏ học sau một năm khi bị đau mắt và cũng vì gia đình càng túng quẫn khi ông Tayler lâm bệnh nặng.

Con đường học vấn "chính quy" chấm dứt ở tuổi 14, từ đó Doris tự học qua sách vở, và qua tất cả những gì có thể học hỏi ở người khác. "Tôi đọc nhiều và khi quan tâm đến một vấn đề, tôi mày mò tìm hiểu thêm. Hễ gặp ai có hiểu biết về chuyện gì, tôi không buông tha cho đến khi họ giải thích hết cho tôi." Song không khí gia đình ngày càng ngột ngạt đối với Doris, giữa người cha thay đổi tâm tính vì bệnh tật và bà mẹ ngày càng gay gắt với đứa con gái từ nhỏ đã bướng bỉnh, xung khắc với bà. Năm 15 tuổi, Doris bỏ nhà lên tỉnh làm vú em, học đánh máy và tốc ký, đi làm nhân viên tổng đài điện thoại, rồi thư ký văn phòng. Từ đó cô bay nhảy trong cuộc sống độc lập vô tư của một cô gái tỉnh thành, có bạn trai bạn gái, thoải mái hút thuốc uống rượu. Và qua sách vở, qua gặp gỡ một số trí thức cấp tiến, bắt đầu ý thức những vấn đề xã hội và chính trị, nhất là vấn đề màu da và chế độ cai trị người bản xứ.

Tháng 4.1939, mới hơn 19 tuổi, Doris thành hôn với một người công chức, Frank Wisdom, lớn hơn cô 10 tuổi. Rất nhanh họ có hai đứa con, một trai một gái, John và Jean. Lúc ấy Đệ nhị thế chiến đã đi vào giai đoạn khốc liệt và tuy nam châu Phi không bị ảnh hưởng trực tiếp, không khí chiến tranh cũng bao trùm mọi sinh hoạt, và càng khơi dậy ở ông Tayler những uất giận không thể quên. Phần Doris ngày càng cảm thấy xa cách với các quan điểm của chồng, với vai trò làm vợ một viên chức, hoảng sợ trước viễn tượng hoà mình vào một giai cấp trung lưu đồng tình và đồng loã với chế độ kỳ thị. "Tôi có cảm tưởng tay đeo cùm và hai chân vướng víu xiềng xích". Cô quyết định ly dị và để con lại cho chồng, lao mình vào hoạt động chính trị. Cô tham gia một nhóm trí thức thiên tả và gặp ở đó Gottfried Lessing, người chồng thứ nhì của cô. Gottfried, người đầu tàu trong nhóm, nhưng vì là Do Thái gốc Đức, một nước kẻ thù, phải kín đáo để khỏi bị quản chế. Trong tập 1 của hồi ký xuất bản năm 1994, Under My Skin, Doris giải thích như sau : " Tôi cưới Gottfried Lessing năm 1943, vì lý do duy nhất là thời ấy, không thể sống kiểu già nhân ngãi non vợ chồng mà không phải nghe những câu bực mình ... Tôi xem việc lấy anh như một nhiệm vụ cách mạng. Chúng tôi thành tình nhân cũng chỉ vì là hai người duy nhất còn độc thân trong nhóm. Và cuộc tình này cũng chả có gì quan trọng. Cả hai đều biết là không hợp nhau nhưng bảo nhau là không sao cả, chúng mình sẽ ly dị khi nào hết chiến tranh ". Họ lấy nhau, cùng thành lập Đảng cộng sản Nam Rhodesia, một tổ chức vỏn vẹn vài chục người và chỉ hoạt động hơn một năm. Tuy quan hệ vợ chồng ngày càng lủng củng và Doris dư biết cuộc hôn nhân này cũng sẽ sớm chấm dứt, cô vẫn muốn có con và sinh một bé trai năm 1946, đặt tên là Peter.

Ly dị chồng, bỏ con, lấy ngay người khác, một người ngoại quốc, tệ hơn nữa một người Đức, hoạt động chính trị, làm việc xã hội cho dân bản xứ, giao du thân mật với nhiều người (trong thời gian ấy Doris cũng có vài cuộc tình chớp nhoáng khác) : đó là những gì ít người đàn bà dám làm cách đây hơn 60 năm, và nhất là trong một xã hội bảo thủ và nặng nề như Nam Rhodesia.

Để đo lường được hết sự táo bạo và phóng khoáng ấy, cần phải nhắc lại sơ qua bối cảnh lịch sử và xã hội của nơi cô sinh sống. Cho đến cuối thế kỷ 19, đây là nơi ngụ cư của các bộ lạc Shona và Matabélé, mỗi bộ lạc dưới quyền một thủ lĩnh và có lãnh thổ riêng. Các nước Tây phương (Bồ Đào Nha, Anh, Hoà Lan) đến xâm nhập nam châu Phi gọi vùng này là Mashonaland và Matabéléland. Các nước thực dân bắt đầu xâm chiếm đất đai, giành độc quyền thai khác các mỏ vàng bạc và khoáng chất từ đầu thế kỷ 16. Năm 1888, Cecil John Rhodes, chủ nhân sáng lập công ti khai thác kim cương De Beers và thủ tướng của khu thuộc địa Cape, ép vua Lobengula nhượng cho ông ta độc quyền khai thác tất cả các mỏ trong khu vực và lập công ti British South African Company (BSAC). Một năm sau, Bộ thuộc địa Anh cấp hiến ước đặc quyền (Royal Charter) cho BSAC, cho phép công ti "toàn quyền cai quản để khai thác mọi tài nguyên". Sau khi các cuộc nổi loạn thất bại, vua Lobengula thua trận và chết năm 1893, công ti BSAC nghiễm nhiên thành bộ máy cai trị duy nhất, nắm tất cả các quyền hạn của một nhà nước. Năm 1895, Mashonaland và Matabéléland đổi tên thành Nam Rhodesia, và năm 1923 chính thức trở thành thuộc địa, với quyền tự trị nội địa, của Đế quốc Anh. Từ đó cho đến mấy chục năm sau, Nam Rhodesia cũng như Nam Phi tượng trưng cho một chế độ thực dân cực đoan, xây dựng và tồn tại trên vũ lực, kỳ thị màu da, đàn áp và bóc lột dân bản xứ. Nguyên tắc cai trị là sự thống trị của thiểu số da trắng trên đa số da đen, mọi quyền lực chính trị và kinh tế thuộc về người da trắng và người da đen chỉ được đối xử hơn súc vật trâu bò một tí.

Doris Lessing lớn lên trong một xã hội đưa sự bất bình đẳng đến mức tột đỉnh, tuyệt đại đa số những người cùng giai cấp và màu da với cô nếu không ngược đãi thì cũng khinh bỉ những người da đen, dù là đầy tớ, nông dân hay công nhân, nhưng đều phục vụ cho họ. Sự kỳ thị ăn sâu vào trí óc đến nỗi họ bất bình khi thấy người da trắng nào tử tế với người da đen. Chữ "kaffir" ("mọi") họ dùng để chỉ người bản xứ miệt thị bao nhiêu thì hai chữ "kaffir lover" cũng có dụng ý sỉ nhục bấy nhiêu. Doris và các đồng chí của cô dám đứng ra bênh vực và giúp đỡ người bản xứ là gan góc lắm. Nước Anh, nhất là thời đó, là một xã hội rất đẳng cấp, những kiều dân ở châu Phi cũng du nhập vào cả cái ý thức hệ ấy, kèm theo những định kiến, những hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản mà đa số họ xuất thân. Cộng với sự hung bạo của một chế độ chính trị dựa trên phân biệt chủng tộc, kết quả là một xã hội vừa phong kiến bảo thủ, vừa độc đoán. Càng đụng chạm với những điều này, Doris càng khao khát thoát ly. Cô chờ mong ngày hết chiến tranh để về Anh, đi châu Âu, tìm đến những chân trời có những người tiến bộ, cuộc sống văn hoá, quan hệ bình thường giữa con người. Nhưng phải đợi đến năm 1949, cô mới thực hiện được điều mong ước này.


Những bước ngoặt trong cuộc đời viết văn

"Tôi nhìn về phía trước, không hề quay đầu lại phía sau. Tôi đợi cho tương lai, cho cuộc đời thật của tôi bắt đầu. Đằng sau tôi một cánh cửa đã đóng sập lại. Suốt cả đời tôi đã nghe tiếng cửa đóng sau lưng." Trang cuối của Under My Skin kể lại lúc Doris chuẩn bị cùng con lên tàu thuỷ về Anh, năm 1949, chấm dứt giai đoạn đầu của cuộc đời . Chưa đầy 30 tuổi, cô đứng trước cuộc đời mới, "cuộc đời thật" của mình, sau khi đã ly dị Gottfried và để lại hai đứa con đầu lòng ở Rhodésia. Giai đoạn thứ nhì của cuộc đời Doris bắt đầu lúc ấy và kéo dài cho tới ngày nay : ở Luân Đôn và viết văn.

Doris say mê đọc sách từ khi còn rất nhỏ, cái gì cũng đọc, kể cả sách của người lớn. "Tóm lại, tôi đã bắt đầu tô lên bản đồ thế giới những màu sắc của văn chương. Là cái cho ta (ít nhất) hai điều. Một, cho ta hiểu rõ hơn về con người. Hai, cho ta thông tin về những xã hội, xứ sở, giai cấp, và lối sống" (Under My Skin, trang 88). Sau khi bỏ học, sách vở là nơi cô đi tìm kiến thức và những gì cần thiết cho tâm hồn. Tất nhiên văn chương cũng là phương tiện chính để cô đến với người khác, tự diễn đạt, và thậm chí đương đầu với cuộc sống. Những lúc đẩy xe đưa con đi dạo hàng giờ hay phải ngồi cùng với các bà mẹ trẻ cùng lứa chỉ quanh quẩn với tã lót, thời trang và than phiền về chồng con, đầy tớ, cô trốn chạy sự nhàm chán hay bực bội bằng những vần thơ viết im lặng trong đầu. Như khi 14 tuổi đã viết một bài thơ dài, với những câu chữ và xúc cảm không phải của một đứa bé mà như từ một nơi xa xôi nào đến. Và trong suốt thời gian ở Salisbury, ngoài những lúc tất bật với những bổn phận gia đình, hội họp và sinh hoạt xã hội, cô vẫn viết, truyện ngắn, truyện dài, thơ.

Khi Doris đặt chân đến Luân Đôn, bản thảo của cuốn sách đầu tiên, The Grass is Singing, đã được một nhà xuất bản tại Johannesburg (Nam Phi) mua, nhưng ông này nói thẳng là còn lâu lắm ông ta mới dám phát hành vì nó "sách động" quá. Như cha mẹ nàng trong cuộc hành trình ngược lại đúng 25 năm trước đó, Doris sống rất chật vật những năm đầu ở Luân Đôn. Hậu quả của chiến tranh còn đó, kinh tế khó khăn, một phụ nữ trẻ không bằng cấp phải một mình nuôi một đứa bé mới ba tuổi gặp đủ mọi trở ngại. Doris vừa đi làm vừa tìm nơi chịu in sách của mình. The Grass is Singing, xuất hiện năm 1950, được khen ngợi, bán chạy, cũng như tập truyện ngắn, This Was the Old Chief's Country, xuất bản năm sau. Doris trở thành một nhà văn được chú ý, và từ đó không ngừng sáng tác, mỗi cuốn sách in ra đều thu hút độc giả, đưa tên tuổi nàng đi xa hơn nữa, dần dần tạo nên một sự nghiệp văn chương lừng lẫy, phong phú, đa dạng và độc đáo.

dorisb
D. Lessing (1955)

Nói về Doris Lessing, người ta thường phân biệt các tác phẩm văn chương của bà theo ba mảng đề tài chính : cuộc sống ở Phi châu, các xung đột văn hoá và chính sách kỳ thị; quan hệ nam nữ và những vấn đề nội tâm; khoa học giả tưởng và thuyết thần bí Sufi. Song phân loại như thế cũng là một cách dán nhãn hiệu, mà Doris rất ghét, và thật ra, những đề tài khác nhau này cũng chỉ đánh dầu những bước ngoặt trong cuộc đời viết văn, những giai đoạn trong quá trình tiến hoá của một tư duy nhạy cảm với tất cả những gì làm nên con người và cuộc sống.

Những truyện dài và truyện ngắn về Phi châu thuộc vào giai đoạn đầu, vì lúc ấy Doris mới về lại Anh, quá khứ còn rất gần gũi, đầy ắp trong tâm trí, và cũng vì ít ai biết đến thực tế của thuộc địa xa vời ấy. Những cuốn sách của Doris phơi bầy trần trụi những áp bức bất công đối với dân bản xứ, tính chất ti tiện và cằn cỗi của một văn hoá da trắng gò bó trong mặc cảm tự tôn và thế thủ. Loạt sách thành công ở châu Âu bao nhiêu thì cũng gây phẫn nộ trong giới da trắng ở châu Phi bấy nhiêu. Doris Lessing trở thành persona non grata, sách nàng bị cấm bán, và năm 1956 phải có người can thiệp mới được vào Nam Rhodesia. Đối với Doris, nước Anh trong mấy năm đầu vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, nàng vừa là kẻ đứng trong, qua ngôn ngữ, văn hoá, gốc gác, vừa là kẻ nhìn từ ngoài vì Phi châu vẫn là quê hương, là "nhà". Trong bút ký của chuyến về thăm Phi châu đầu tiên năm 1956, Doris kể lúc nhìn mặt trời mọc từ máy bay : " Buổi sáng ấy nhìn xuống Phi châu, tôi chợt hiểu là [thời gian qua] tôi đã rút vào trong, kéo rèm, ngồi ôm lò sưởi, thu mình trong vỏ. Bây giờ lại xoay ra ngoài, dễ lắm. Tôi tưởng như chưa bao giờ rời nơi chốn này. Đây, bầu không khí của tôi, phong cảnh của tôi, và nhất là mặt trời của tôi. Phi châu thuộc về người Phi, họ phải lấy lại được càng sớm càng tốt. Nhưng một đất nước cũng thuộc về những ai cảm thấy đấy là nhà. Có lẽ tình yêu đối với đất nước Phi châu sẽ đủ mạnh để nối liền những người đang thù hận nhau. Có lẽ. " (Going Home, 1957, trang 8)

Năm mươi năm sau, cái vòng tròn khép lại. Chiến thắng, trả bằng máu, của người da đen chấm dứt chế độ kỳ thị của Ian Smith và cho phép Robert Mugabe lập chính quyền da đen đầu tiên năm 1980 trong một Nam Rhodesia độc lập dưới tên Zimbabwe đã không đáp ứng những hồ hởi và hi vọng của thế giới, và Doris, lúc đó. Chính sách ngày càng phi lý và hung bạo của Mugabe đã dẫn đến sự phá sản, kiệt quệ của một đất nước giàu tài nguyên và triển vọng. Những kỳ thị ngày xưa lại trở thành quốc sách, chỉ đảo ngược các vai nạn nhân và người gây tội, với những chiến dịch hăm doạ, hành hung, tước đoạt và trục xuất người da trắng. Và Doris Lessing lại bị cấm cửa sau khi tố cáo và lên án sự thảm bại này, như trong The Tragedy of Zimbabwe (Time Bites, 2004)3.


dorisc
D. Lessing (1973)

Những cuốn sách viết về Phi châu cho đến cuối thập niên 1950 cũng nằm trong xu hướng thiên tả của Doris, chống bất công áp bức, chống thực dân. Ở Luân Đôn, Doris gặp lại vài người trong nhóm cũ, quen thêm một số bạn bè thiên tả và tất nhiên tham gia các sinh hoạt của họ. Tập 2 của hồi ký, Walking in the Shade, xuất bản năm 1997, dừng lại ở năm 1962 (để tránh đụng chạm đến nhiều người còn sống) nên chủ ý nói về những quan hệ này, sự dấn thân của Doris, những mâu thuẫn về quan điểm, sự rạn nứt của lòng tin vào chủ nghĩa cộng sản và hiện thực của nó ở các nước Đông Âu. Doris quyết định vào đảng khi niềm tin đã rất lung lay và cũng như rất nhiều trí thức tiến bộ, "bạn đồng hành" của các đảng cộng sản Tây Âu, mất những ảo tưởng cuối cùng năm 1956 với bản báo cáo của Kroutchev về các tội ác của Stalin và hình ảnh những chiếc xe tăng Liên Xô tiến vào Budapest đàn áp cuộc khởi nghĩa tại Hungary.4 Yếu tố con người và các giá trị nhân bản, cái đã đưa Doris đến phong trào cộng sản (ở Salisbury, những người duy nhất quan tâm đến người bản xứ là nhóm trí thức thiên tả) cũng là cái cuối cùng bà trân trọng khi nhìn lại quãng đời này : " Và bây giờ tôi phải nhắc đến cái có lẽ là hành động rồ dại nhất đời của tôi. Tôi quyết định vào Đảng Cộng sản. Đúng vào lúc mà các "hoài nghi" của tôi đã trở thành một sự dằn vặt riêng tư không nguôi ... Nghịch lí : trong toàn châu Âu và, trong chừng mực nhỏ hơn thế nhiều, ở Mỹ, những người tham gia phong trào cộng sản là những người nhạy cảm nhất, vị tha nhất, có ý thức xã hội nhất (bên cạnh một loại người rất khác, những kẻ ham mê quyền lực). Những người đàng hoàng, tốt bụng này lại đi ủng hộ chế độ độc tài tồi tệ nhất, tàn bạo nhất thời đại – ngoại trừ Trung cộng " (Walking in the Shade, trang 52).

Cùng lúc với khủng hoảng về ý thức hệ, Doris cũng bị khủng hoảng tinh thần, đặc biệt là trong quan hệ với mẹ. Từ bé, Doris đã hiểu là mẹ yêu em trai hơn mình, biết là bà thất vọng khi sinh con gái đầu lòng, và lại càng thất vọng khi Doris làm ngược lại tất cả những gì bà chờ đợi ở nàng. Sự xung khắc giữa hai mẹ con chỉ tăng với thời gian và khi Doris ra đi năm 1949, một trong những cái nàng bỏ lại sau lưng, đóng sập cửa, là bà mẹ. Song bà Tayler cũng về Anh, ở vài năm và trở lại Nam Rhodesia khi Doris nhất định không ở chung với bà và ít lui tới. Bà chết năm 1957, để lại cho Doris nhiều hối hận, dày vò, đau đớn và nghĩ ngợi.

Quan hệ mẹ - con gái và quan hệ nam nữ là hai chủ đề chính trong văn chương nữ giới. Trong những năm ấy, Doris nghĩ ngợi nhiều về mình và mẹ, mình và các tình nhân, và về các quan hệ nam nữ trong những nhóm hoạt động chính trị, giữa những con người "cách mạng". Năm 1962, The Golden Notebook ra đời, tác phẩm lẫy lừng nhất của Doris, biến bà thành thần tượng của phong trào giải phóng phụ nữ khắp thế giới và cũng giam bà trong hình ảnh đó một thời gian dài.

Đây là một tác phẩm phức tạp về cả hình thức lẫn nội dung. Nhân vật chính là một nhà văn, Anna Wulf, viết nhật ký trong 4 quyển sổ vì cảm thấy phải tách riêng những mảng khác nhau của cuộc đời mình để khỏi rơi vào hỗn loạn và mất trí. Trong quyển màu đen, Anna nhắc lại quãng thời gian sống ở Phi châu, đã là đề tài cho một tiểu thuyết bán chạy nhất của nàng. Quyển màu đỏ ghi chép những hoạt động trong lòng Đảng Cộng sản Anh. Trong quyển màu vàng, Anna viết một tiểu thuyết dựa trên cuộc tình đang đổ vỡ một cách đau xót của nàng. Và quyển màu xanh dành cho những kỷ niệm, chiêm bao và cuộc sống nội tâm của nàng. Bốn quyển sổ không tiếp nối theo thứ tự thời gian mà xen kẽ nhau, mỗi quyển xuất hiện 4 lần, và quyển nào cũng phản ánh những vật lộn của người phụ nữ với những đòi hỏi đối chọi nhau của công việc mưu sinh, tình dục, tình yêu, nhiệm vụ làm mẹ và hoạt động chính trị. Khi Anna cảm thấy không còn gì để viết trong một quyển, nàng gạch một đường đen dài. Khi quyển cuối cùng chấm dứt, từ tất cả những mảnh gương gẫy vụn ấy có thể rút ra một cái gì mới, một quyển sổ vàng.

Phong trào giải phóng phụ nữ lúc ấy đang trổi dậy ở các nước Tây phương, The Golden Notebook đến như một cú sốc cho nhiều người, cả nam lẫn nữ, mỗi người nhận thấy trong đó, ở mặt này hay mặt kia, những tâm trạng hay trải nghiệm của riêng họ. Cuốn sách không dễ đọc với cấu trúc phức tạp, dài hơn 600 trang dày đặc chữ, nhưng người đọc được thu hút bởi lời văn mạnh mẽ, không màu mè, không bóng gió, đề cập thẳng đến những cái tiềm ẩn, sâu xa nhất trong trí óc và tâm hồn của người phụ nữ cũng như những cái tế nhị, kín đáo nhất của cơ thể đàn bà. Cuốn sách trở thành hiện tượng xã hội khi những người đấu tranh giải phóng phụ nữ ở châu Âu và Mỹ đón tiếp nồng nhiệt và coi đó như kinh điển của cả phong trào phụ nữ thế giới.

Đây là một sự ngộ nhận theo Doris, và bà không ngừng cải chính, giải thích, chối từ cái "vinh hạnh" đó. " Khi viết The Golden Notebook, tôi không hề nghĩ mình đang viết một cuốn sách nữ quyền. Tôi chỉ kể lại những gì những người đàn bà vẫn nói với nhau trong phòng bếp của họ ... ". Nhiều người bảo bà : " Tôi đọc quyển ấy trong những năm 1960. Nó đã thay đổi cả đời tôi. Con gái tôi cũng đã đọc, và bây giờ đến lượt con gái nó". Bà trả lời : "Một cuốn sách thay đổi cuộc đời chỉ có thể có nghĩa là người đọc đã sẵn sàng thay đổi, chỉ cần một cái đẩy nhẹ và cuốn sách làm chuyện đó".

Đây không phải là những câu giả vờ khiêm tốn hay phủ nhận vấn đề nữ giới, mà đơn giản chỉ vì Doris không thích bị gán ghép với bất cứ phong trào rầm rộ nào và bà không chia sẻ sự quá khích của một số người. Theo bà, giải phóng phụ nữ không đồng nghĩa với loại trừ nam giới, mà ngược lại, có âm thì phải có dương, hai bên phải tìm cách sống với nhau. Và bà không ngần ngại làm các "chị em" bất bình khi tuyên bố ở Hội chợ sách Edinburgh năm 2001 hãy chấm dứt thói cứ thấy đàn ông là tấn công, và đàn ông cũng có khi là nạn nhân trong sự xung đột nam nữ. Điều này cho thấy một đặc tính cố hữu của Doris : bà không sợ đi ngược lại cái gì đã thành mốt và trở nên độc đoán, bà dám ăn nói không phải đạo, "sai lập trường". Cái tính bộc trực, thậm chí ngang tàng ấy, bà đã có từ thưở nhỏ. Người phụ nữ ở Doris đã được giải phóng từ khi bà bỏ nhà lên tỉnh tự nuôi thân, bỏ cuộc sống yên ổn với người chồng quan chức để theo con đường mình đã chọn, và khẳng định quyền được tự do sống đời sống tình dục của mình. Không chỉ The Golden Notebook mà nhiều tác phẩm khác, nhất là bộ truyện The Children of Violence (1952-1969), vì mang tính tự truyện rõ nét nhất, xoay quanh một nhân vật nữ thể hiện sự phóng túng và tự do này.

Vả lại, Doris viết The Golden Notebook như một cuộc hành trình nội tâm, lúc đứng trước một bước ngoặt của cuộc đời, trong một giai đoạn khủng hoảng cá nhân đã đưa bà đến bác sĩ tâm lý và khơi sâu thêm sự quan tâm của bà đến phân tâm học, tâm lý học. Đã từ lâu bà hay viết về những người loạn trí, nửa điên, hay trầm kha. Có lần bà thử không ăn không ngủ cho đến lúc tâm thần rối loạn, chỉ để xem điên nó ra sao. Những vấn đề tâm thần là đề tài của những tác phẩm bà gọi là "hư cấu nội tâm" (inner fiction), như The Four-Gated City (1969), Briefing for a Descent into Hell (1971), The Good Terrorist (1985), và The Fifth Child (1988). The Fifth Child là một câu chuyện rất u tối và kinh sợ, nói về một đứa bé dị dạng với những bản năng không thể kiềm chế, như từ một thuở rất xa xôi của loài người đến đầu thai trở lại trong một gia đình của thế kỷ 20. Sự hiện diện của đứa bé làm nổ tung những quan hệ trong gia đình và với xã hội chung quanh, làm tan vỡ hình ảnh của một gia đình trung lưu lý tưởng với những ước lệ của nó.

Từ tâm lý, tâm thần sang tâm linh và thần bí chỉ một bước. Sau khi viết The Golden Notebook, Doris cảm thấy đã đi đến tận cùng một con đường, cạn hết một tổng thể tư tưởng, ý nghĩ và cảm xúc, và cần phải đi xa hơn, tìm tòi cái gì khác. Bà chợt thấy có cả một thế giới bà chưa hề nghĩ đến và hoàn toàn không biết: những tôn giáo và truyền thống tâm linh của Á Đông. Bà bắt đầu nghiên cứu về các trường phái đạo Phật, đọc chăm chú và thích thú những kinh điển của Ấn Độ giáo như Veda, Bhagavad Gita, các bài kinh Thiền, nhưng "cứ vào bằng cửa nào thì lại ra bằng cửa ấy". Bà nghiệm ra là cần một người thầy, một người chỉ giáo, để khỏi như bao người bà đã thấy, lang thang không người dẫn dắt trong những vùng phiêu lưu ấy đến lúc mất định hướng và phát rồ. "Một điều mà người Tây phương chúng ta tự hào là tính độc lập. Cái này tôi cũng chưa hề ý thức cho đến khi tự thách đố mình về nó. Thật là không dễ gì từ bỏ cái sự tự lực quý giá ấy, nhất là khi ta đã cả đời đấu tranh để có nó, để bảo vệ nó ... Lại càng khó hơn khi là đàn bà ..." (Walking in the Shade, trang 321). Nhưng chấp nhận tự giới hạn lại tính độc lập của mình để thụ giáo ai là một chuyện, tìm được người mình có thể nhận là thầy lại là chuyện khác. Những ông "gurus" của thời ấy không đủ sức thuyết phục Doris. Và bà tiếp tục mở mắt, lắng tai, đi tìm. Cho đến ngày bà đọc một quyển sách, The Sufis, của Idries Shah. "Từ đấy trở đi – tức là từ cuối những năm 1950 – có một dòng chảy chính trong cuộc đời tôi, sâu kín hơn bất cứ dòng chảy nào khác, là mối quan tâm thật sự của tôi. Vài người sẽ hiểu, vì họ cũng đã trải qua cái gì tương tự, nhưng tôi chắc đa số sẽ thờ ơ hoặc thấy chán phèo. Cho nên chỉ nói đơn giản : đó là cuộc đời thật của tôi". (Walking in the Shade, trang 323). Doris không hề giấu giếm ảnh hưởng mới này trong cuộc đời bà, mà viết nhiều về cuộc gặp gỡ giữa bà và thuyết Sufi, về người thầy bà tìm thấy ở Idries Shah, và đưa cả các nguyên lý Sufi vào một số tác phẩm viết từ đó.

Thuyết Sufi là một truyền thống thần bí nằm trong Hồi giáo, nhưng độc lập với nó, gồm một số tín ngưỡng và nghi lễ để tôn thờ Thượng đế và trau giồi những nhân tố thần minh tiềm tàng trong mỗi con người (giống như "Phật ở tại tâm" trong Phật giáo). Nhưng Sufi không phải là một đạo, theo nghĩa tôn giáo, mà là một đạo theo nghĩa con đường. Nhiều người Sufi thích dùng chữ "con đường Sufi" (the Sufi Path, the Sufi Way) hơn là học thuyết hay triết lý Sufi (Sufism). Theo họ, Sufi thật ra có trước Hồi giáo, xuất hiện cùng với căn nguyên của nhân loại, là cốt lõi của mọi tôn giáo. Con đường Sufi là quá trình đến với một vũ trụ hoà đồng với Đấng tối cao, nhưng khác với các triết lý thần bí khác, người Sufi vẫn tham gia vào thế gian, vì nghĩ rằng họ là hiện thân của cái dòng chảy có thể giúp con người phát triển đến một mức tiến hoá cao hơn. Nói nôm na, một viễn tượng tiến bộ và hài hoà không khác lắm lý tưởng con người mới và thế giới đại đồng !

Thuyết Sufi là khung triết lý cho bộ truyện dài Canopus in Argos (1979-1983) thường được coi như cụm tác phẩm khoa học giả tưởng của Doris, nhưng bà gọi là "vũ trụ giả tưởng" (space fiction). Trong The Golden Notebook, Doris cho Anna chơi một trò chơi của bà khi còn nhỏ ở Phi châu : tập trung tư tưởng vào những vật nhỏ bé nhất trong phòng, rồi để tâm trí mở rộng ra nhìn thấy cả căn nhà, rồi thành phố, rồi cả nước, cả lục địa, nhưng vẫn không rời mắt những vật nhỏ bé kia, cho đến lúc bay bổng ra vũ trụ và nhìn xuống quả đất, nhận thức được cùng một lúc cái bao la vô tận và cái nhỏ li ti. Trò chơi trẻ con ngày xưa trở thành hình tượng văn chương trong vũ trụ giả tưởng của Doris : không gian nội tâm và không gian vũ trụ phản chiếu nhau, cái trong và cái ngoài gắn liền nhau.

Doris thường tự định nghĩa mình là một người kể chuyện (storyteller). Truyện của bà hấp dẫn người đọc vì có nhiều hình ảnh sống động. Trong The Marriages Between Zones Three, Four and Five (1980) thuộc bộ truyện Canopus in Argos chẳng hạn, Doris mô tả một vũ trụ gồm nhiều vùng, từ vùng Năm với trình độ văn hoá xã hội thấp nhất, những con người hung tợn và lối sống thô thiển, đến vùng Ba có văn hoá cao, sống sung túc và hoà bình (nhờ chế độ mẫu hệ). Hai vùng Một và Hai là nơi cao siêu tột đỉnh, mục đích vươn tới của tất cả, chưa ai thấy và đến được, không biết nó ra sao, chỉ có thể nhìn về nó xa tít tắp bên kia rặng núi cao vòi vọi. Trong vùng Bốn lạc hậu và nghèo đói vì vẫn ham gây chiến tranh, đàn bà còn bị đàn ông khống chế, không được phép ngửa đầu lên nhìn trời xanh và rặng núi cao. Nếu bị bắt gặp, hình phạt là một chiếc mũ ghìm đầu họ xuống, rất đau đớn. Người đọc liên tưởng ngay đến cái vòng kim cô và tự hỏi trong những sách về tôn giáo và truyền thuyết Á Đông Doris đọc hồi ấy, không biết có truyện Tề Thiên Đại Thánh không ! Hình ảnh ngửa mặt nhìn núi cao như biểu tượng cho khao khát tự do và thoát ra khỏi thân phận hèn kém cũng từ một kỷ niệm thơ ấu: cha của Doris có thói quen ngồi lặng lẽ hút thuốc, nhìn rặng núi trước nhà, một hình bóng gầy gò, tiều tụy dưới bầu trời lồng lộng chi chít sao.

Song đa số sách của Doris cũng dễ làm người đọc nản lòng vì đắm chìm trong một không khí nặng nề u uất, nếu không lạnh lùng mổ xẻ những thảm bại cá nhân thì cũng vẽ ra một bức tranh vô vọng về những thảm bại tập thể, và nhìn từ xa hơn nữa, như từ một hành tinh khác, những thảm hoạ của cả nhân loại. Một phần tư thế kỷ trước ngày 9.11.2001, trong The Good Terrorist (1985), Doris mô tả cái dây chuyền oan nghiệt của một nhóm người quay cuồng trong những tư tưởng cực đoan, từ khẩu khí đến khẩu hiệu, say men chữ nghĩa thành say men hành động, trở thành khủng bố. Năm 1994, khi nhắc lại cuốn sách này trong hồi ký, Doris đã cảnh báo: " Nhiều lá thơ [độc giả] đến từ những người đã tham gia những giai đoạn đầu của các Đội toán Đỏ [Red Brigades] bên Ý, và họ bảo là nhiều nhóm đã bắt đầu y như thế, với cách làm chính trị nửa mùa a ma tơ như thế, và sau đó bị cuốn theo câu chữ, trở thành những nhóm giết người tàn bạo và hữu hiệu ... Chúng ta phải cẩn thận khi chơi với ai và dùng chữ nghĩa ra sao. Đã có những chế độ, đất nước toàn bộ bị cuốn theo những câu chữ loang ra như một bệnh dịch từ những bộ óc đầy hận thù và ganh ghét " (Under My Skin, trang 276). Những lời này vẫn còn đầy tính thời sự ngày hôm nay.

Cũng với cái nhìn tiên tri như thế, gần 10 năm trước khi cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore góp phần đưa vấn đề bảo vệ môi trường và cứu trái đất thành đề tài quen thuộc của công chúng (và nhờ thế đoạt giải Nobel hoà bình cùng năm với bà), trong Mara and Dann (1998), Doris đã tưởng tượng một trái đất trở lại thời kỳ sông băng, bắc bán cầu đã hoàn toàn đông đá, mọi sự sống chỉ còn tồn tại ở các vùng nhiệt đới. Như các tác phẩm khác, cuốn sách đầy những cảnh kinh sợ, và chi tiết rợn người.

Một nguồn gốc trực tiếp của cái nhìn bi quan đen tối ấy, và Doris hay nhắc đến, là chiến tranh. Chính xác hơn, Đệ nhất Thế chiến, đã tàn phá cả cơ thể lẫn tinh thần người cha, một người cho đến lúc chết vẫn còn kể tên những người bạn đã tử trận. Chấn thương của sự tương tàn đeo đuổi không chỉ những nạn nhân trực tiếp mà cả những người sinh ra từ họ. "Hồi đó tôi thường đùa là cái sinh ra tôi là chiến tranh, như một phản ứng khi chán nghe những câu chuyện không bao giờ dứt về chiến tranh. Nhưng đùa mà lại là thật. Tôi hay cảm thấy như có một đám mây đen, đầy hơi độc, trùm lên tuổi thơ ấu." và " Chúng ta đều do chiến tranh tạo ra, dị dạng và thui chột vì chiến tranh, nhưng chúng ta dường như quên mất điều đó " (Under My Skin, trang 10). Không ngạc nhiên tại sao trong những năm 1960-70, Doris tham gia các phong trào hoà bình, chống chiến tranh hạt nhân, yêu cầu giải trừ quân bị. Và sau này thường xuyên lên án cuộc chiến tranh ở Irak, rất nặng lời với tổng thống Bush và cựu thủ tướng Anh Tony Blair.

Ở tuổi gần đất xa trời, Doris vẫn quan sát thời cuộc với cái nhìn tinh anh, không nhân nhượng, sẵn sàng lên tiếng, dù là có phải đạo hay không, có vừa tai người nghe hay làm họ sửng sốt, phản đối. Trước sau như một Doris vẫn chỉ nói và làm theo cái gì mình nghĩ và thấy đúng, dị ứng với mọi giáo điều nhất là khi đụng phải nó ở những gì mình đặc biệt quan tâm, như lý tưởng cộng sản hay quyền lợi phụ nữ. Những lúc ấy, Doris không ngần ngại nói lên tiếng nói trung thực và riêng biệt của mình, dẫu làm các "đồng chí" thất vọng. " Số tôi cả đời hay gặp những người nghĩ rằng tôi đương nhiên cũng nghĩ như họ vì một niềm tin, hay một số định kiến, cuồng nhiệt và mãnh liệt tới mức họ thật sự không thể tưởng tượng là người khác có thể u mê đến nỗi không chia sẻ được với họ." (Walking in the Shade, trang 22). Doris nhìn nhận, ở bà có cái gì gai góc, dễ làm mất lòng người khác. Nhưng bà nói thêm, cái lợi nhất của nhà văn là không cần phải bận tâm người ta nghĩ gì về mình Cũng vì thế bà không đọc những sách viết về bà, "trừ phi đó là một cuốn trên nguyên tắc chỉ nói về sự kiện, cần được tôi xác định". Và cũng hoàn toàn không tham gia những hoạt động của hội Doris Lessing Society, do một số học giả và giáo sư các đại học bắc Mỹ tự đứng ra thành lập, chuyên nghiên cứu các tác phẩm của bà và đã tổ chức hai hội thảo quốc tế chuyên đề về bà.

Giải Nobel năm nay chỉ là cao điểm của những vinh dự chứng thực cho chỗ đứng của Doris trên văn đàn thế giới. Trước đó bà đã được nhiều giải thưởng quan trọng như Somerset Maugham Award (1954) cho tập truyện ngắn Five, Médicis của Pháp (1976) cho bản dịch tiếng Pháp của The Golden Notebook, Österreichischer Staatspreis für Europäische Literatur, giải của nhà nước Áo cho văn chương Âu châu (1982), Shakespeare-Preis của Alfred-Toepfer-Stiftung cho The Making of the Representative for Planet 8 (1982), W.H. Smith Literary Award và Premio Mondello (Ý) cho The Good Terrorist (1985), Premio Palermo và Premio Internazionale Mondello (1987), Premio Grinzane Cavour (Ý) cho The Fifth Child (1988), Premio Príncipe de Asturias của Tây Ban Nha (2001), và David Cohen British Literature Prize năm 2001.


Bà cũng được đề nghị phong chức Dame of the British Empire nhưng từ chối vì không có Đế quốc Anh gì cả, nhưng tháng 12.1999, khi được phong Companion of Honour, một danh hiệu dành cho những người đã đặc biệt có công với đất nước, thì nhận vì "cái này chả đi kèm với chức tước, bổn phận nào cả. Được là "dame" thì có gì kịch cỡm". Năm 2001, hội Royal Society of Literature cũng phong bà là Companion of Honour.

Gai góc, ương ngạnh, không bị chi phối bởi cái nhìn của người khác, dửng dưng với những gì bà cho là phù phiếm, Doris lúc nào vẫn là con người tự do, phóng khoáng trong tâm hồn cũng như lời nói. Mấy chục năm trôi qua không thay đổi những gì cơ bản nhất ở con người bà: như cô bé ham đọc sách và học hỏi ở người khác ngày xưa, bà cụ gần 90 vẫn tiếp tục tự học và trau giồi tiếng Nga để đọc Pushkin trong nguyên tác.

Cuối cùng, xin được mượn lời Jan Hanford, người thành lập và quản lý dorislessing.org, trang web duy nhất có sự đồng tình của Doris và ủng hộ của các nhà xuất bản của bà : " Trang web này là một công việc tình yêu. Tôi hoàn toàn không phải là nhà văn hay học giả. Tôi chỉ yêu thích đọc sách của Doris Lessing. Sách của bà đã đem đến cho tôi hiểu biết và cảm xúc trong hơn 30 năm và tôi nghĩ bà xứng đáng có một chỗ riêng về mình trên Internet." Thay "Trang web" ở đầu bằng "Bài viết" và thêm "và trên Diễn Đàn" sau chữ cuối là hoàn toàn đúng cho người viết những dòng này, kể cả chi tiết "hơn 30 năm". Chỉ mong sao ông Trời đồng ý cho Doris cộng thêm ít ra là vài năm nữa vào con số ấy.

Đỗ Tuyết Khanh

1.1.2008


1 "that epicist of the female experience, who with scepticism, fire and visionary power has subjected a divided civilisation to scrutiny".

2 Chứ không phải "Taylor" như ngay cả Viện hàn lâm Thuỵ Điển cũng viết sai.

3 Đăng lần đầu dưới tựa đề "The Jewel of Africa" trên New York Review of Books, 10.4.2003, "biên tập theo sở thich của người Mỹ" theo câu chú thích của Doris trong Time Bites, trang 375.

4 Bà đã trả lại thẻ đảng trước đó, năm 1953.

THƯ MỤC

 
Trong suốt hơn nửa thế kỷ, Doris Lessing viết rất nhiều, trong những năm đầu vì mưu sinh và từ sau đó, như bà nói : " vì đơn giản đấy là việc tôi làm ". Song ghi lại thư mục của bà không đơn giản vì những truyện ngắn, tiểu luận, và bài báo của bà được tập hợp khác nhau tuỳ theo các nhà xuất bản Anh hay Mỹ, các ấn bản và tái bản vào các thời điểm khác nhau, thậm chí dưới các tựa đề chung khác nhau. Thí dụ tập truyện ngắn London Observed phát hành năm 1987 tại Anh được in lại bên Mỹ dưới tựa đề The Real Thing năm 1992.

Trong danh sách dưới đây, những năm ghi trong ngoặc kép là năm xuất bản lần đầu ở Anh. 

Truyện dài : 

The Grass is Singing (1950)

The Golden Notebook (1962)

Briefing for a Descent into Hell (1971)

The Summer Before the Dark (1973)

Memoirs of a Survivor (1974)

The Good Terrorist (1985)

The Fifth Child (1988) và tiếp nối : Ben, in the World (2000)

Playing the Game (minh họa bởi Charlie Adlard) (1995)

Love, Again (1996)

Mara and Dann (1998) và tiếp nối : The Story of General Dann and Mara's Daughter, Griot and the Snow Dog (2005)

The Sweetest Dream (2001)

The Cleft (2007)

 

Bộ truyện dài :

The Children of Violence (1952-1969):

Martha Quest (1952)

A Proper Marriage (1954)

A Ripple from the Storm (1958)

Landlocked (1965)

The Four-Gated City (1969) 

The Canopus in Argos:  Archives (1979-1983):

Shikasta (1979)

The Marriages Between Zones Three, Four and Five (1980)

The Sirian Experiments (1980)

The Making of the Representative for Planet 8 (1982)

The Sentimental Agents in the Volyen Empire (1983)

 

Tập truyện ngắn :

This Was the Old Chief's Country (1951)

Five  (1953)

The Habit of Loving (1957)

Wine (1957)

A Man and Two Women (1963)

African Stories (1964)

Winter in July (1966)

The Black Madonna (1966)

The Story of a Non-Marrying Man and Other Stories (1972)

The Summer Before the Dark (1973)

The Sun Between Their Feet (1973)

To Room Nineteen (1978)

The Temptation of Jack Orkney and other Stories (1978)

London Observed: Stories and Sketches  (1987)

Spies I Have Known  (1995)

The Pit (1996)

The Grandmothers (2003)

 

Phi hư cấu :

In Pursuit of the English (1960)

Cat Tales: Particularly Cats  (1967)

The Wind Blows Away Our Words (1987)

Particularly Cats and More Cats  (1989)

Particularly Cats and Rufus the Survivor (1993)

Conversations (phỏng vấn, Earl G. Ingersoll biên tập) (1994)

Problems, Myths and Stories (1999)

The Old Age of El Magnifico  (2000)

On Cats (2002)

Time Bites, views and reviews (2004)

 

Kịch :

Before the Deluge (trình diễn năm 1953)

The Truth about Billy Newton (trình diễn năm 1960)

Play with a Tiger (trình diễn năm 1962, kịch bản phát hành năm 1996)

The Storm (trình diễn năm 1966)

Mr. Dollinger (trình diễn năm 1958)

Each His Own Wilderness (trình diễn năm 1958, kịch bản phát hành năm 1959)

The Singing Door (1996)

 

Tiểu luận :

A Small Personal Voice (1974)

Prisons We Choose to Live Inside (1987)

Unexamined Mental Attitudes Left Behind By Communism (1992)

Shadows on the Walls of the Cave (1994)

 

Thơ :

Fourteen Poems (1959)

The Wolf People (2002)

 

Hồi ký :

Going Home (1957)

African Laughter: Four Visits to Zimbabwe  (1992)

Under My Skin: Volume One of My Autobiography, to 1949 (1994)

Walking in the Shade: Volume Two of My Autobiography 1949 to 1962 (1997)

 

Và dưới bút hiệu Jane Somers:  The Diaries of Jane Somers, gồm:

The Diary of a Good Neighbour (1983)

If the Old Could... (1984)

 

Năm 1983, Doris Lessing viết dưới tên Jame Somers quyển The Diary of a Good Neighbour để thử xem các nhà xuất bản có nhận ra văn của mình và chịu in không. Một số nhà xuất bản quen của bà thấy sách hay, " kiểu như Lessing " nhưng từ chối vì tác giả Somers chưa ai biết đến ! Khi cuốn thứ hai If the One Could... xuất bản, việc này mới được tiết lộ, hai cuốn được gộp chung lại, in dưới tên Lessing và bán rất chạy.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss