Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Dựa vào bằng cớ nào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định với Tổng thống Obama về chủ quyền tại biển Đông ? (4/4)

Dựa vào bằng cớ nào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định với Tổng thống Obama về chủ quyền tại biển Đông ? (4/4)

- Hồ Bạch Thảo — published 15/10/2015 00:41, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Phần 4 (và hết)


Dựa vào bằng cớ nào
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
khẳng định với Tổng thống Obama
về chủ quyền tại biển Đông?

(Phần 4)


Hồ Bạch Thảo


E. ĐỜI THANH


1. Khởi đầu về đời Thanh, biên giả Hối Biên trưng 2 sử liệu sau đây để nói rằng Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Ðường được nhập vào lãnh thổ châu Vạn :

– Sử liệu thứ nhất từ Quảng Ðông Thông Chí [廣東通志] của Hác Ngọc Lân đời Thanh, tại mục Hình Thắng : “ Châu Vạn có 3 đoạn nước bao bọc bởi biển, 6 chỗ liên tiếp với núi ; tại châu trị trong chốn yên ba ẩn hiện Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường ” 1.

– Sử liệu thứ hai từ Quảng Ðông Thông Chí [廣東通志] của Nguyễn Nguyên đời Thanh “ Trường Sa Thạch Ðường đều tại phía đông thành ngoài biển cả. Cổ chí chép châu Vạn có Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường ; nhưng đều tại biển ngoài, không thể kê cứu được sự thực ” 2.

Hai sử liệu nêu trên chỉ có giá trị như những câu văn tả cảnh tổng quát, không xác định chủ quyền. Muốn rõ chủ quyền, cần tìm hiểu vị trí, giới hạn, của châu Vạn được ghi trong Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí [欽定大清一統志], một bộ sách chính thức của triều đình nhà Thanh đời Càn Long, mà biên giả không muốn trưng ra :

Châu Vạn tại phía đông nam phủ Quỳnh Châu 450 lý [261 km], từ đông sang tây 205 lý [118 km], nam chí bắc 120 lý [69 km] ; phía đông từ châu lỵ đến biển 25 lý [14.5 km], phía tây cách núi Lê 180 lý [104 km], phía nam đến bờ biển 25 lý [14.5 km], phía bắc đến huyện Lạc Hội 95 lý [55 km]. Phía đông nam giáp biển 30 lý [17 km], tây nam giáp huyện Lăng Thuỷ 100 lý [58 km], đông bắc đến biển 70 lý [40 km], tây bắc đến núi Lê 160 lý [92 km] 3.

Dưới đây là bản chụp nguyên văn :

kd

Thử hỏi châu Vạn rộng từ đông sang tây 205 lý [118 km], phía đông từ châu lỵ đến biển 25 lý [14.5 km] thì Vạn Lý Trường Sa, và Thiên Lý Thạch Ðường xa xôi, có thể đặt vào trong đó được không ? Ngoài ra để tham khảo thêm, xin giới thiệu bản đồ phía đông đảo Hải Nam cũng in trong Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thông Chí [欽定大清一統志], tại trang đầu, quyển 350 :

bd

Nhìn trên bản đồ từ bắc chí nam có những địa danh được phiên âm gồm : huyện Văn Xương, huyện Hội Ðồng, huyện Lạc Hội, châu Vạn, và đảo Ðộc Châu Sơn. Lưu ý : trong lãnh thổ châu Vạn chỉ ghi đảo Ðộc Châu sơn, ngoài ra không hề có tên Thiên Lý Trường Sa, và Vạn Lý Thạch Ðường, như biên giả Hối biên đã nêu.

Lại cần phải nói về thêm hành vi thiếu trung thực của biên giả Hối biên ; trong quyển 4, Quảng Đông Thông Chí [廣東通志] của Hác Ngọc Lân, họ chỉ trưng lên câu văn tả cảnh tại phần Hình Thắng [形勝] như đã nêu trên ; nhưng không dám nêu rõ vị trí châu Vạn tại mục Cương Vực [疆域], cũng nằm trong quyển 4 như sau :

“ Châu Vạn tại phía đông nam phủ thành 450 lý, ngang 205 lý, dọc 120 lý ; phía đông tới bờ biển 25 lý ; phía tây đến núi Giá Cô Đề 180 lý, bên ngoài dân tộc Sinh Lê sinh sống ; phía nam đến biển 25 lý, bắc đến biên giới huyện Lạc Hội 95 lý. Đông bắc đến Liên Chi Lãnh 70 lý, tây nam đến biên giới huyện Lăng Thuỷ 100 lý, tây bắc đến biên giới Hoành Lĩnh, Lê Động 160 lý, đông nam đến bờ biển 30 lý.”


2. Sách Tuyền Châu Phủ Chí [泉州府志] của Hoàng Nhiệm đời Thanh, và Ðồng An Huyện Chí [同安縣志] của Ngô Ðường đời Thanh đều kể việc Ngô Thăng tuần phòng vùng núi Ðồng Cổ tại châu Vạn và Thất Dương Châu như sau :

Ngô Thăng, tự Nguyên Trạch, người Ðồng An, nguyên họ Hoàng, giữ chức Tổng lữ, đánh giặc tại Quả Ðường thăng chức Thiên tổng. Lại đi đánh tại Kim Môn, Hạ Môn, Bành Hồ, Ðài Loan có công được giữ chức Du kích Thiểm Tây, thăng Phó tướng Quảng Ðông, được điều đến Quỳnh Nhai. Ðích thân tuần phòng thị sát từ Quỳnh Nhai, qua Ðồng Cổ, Thất Châu dương, Tứ Canh Sa vòng quanh đến 3000 lý ; nhờ vậy địa phương được ninh thiếp 4.

Biên giả Hối Biên lại một lần nữa khẳng định rằng Thất Châu Dương tức quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa]. Ðính chính sự sai lầm này, tại mục 5, ĐỜI MINH, chúng tôi đã trích dẫn Quỳnh Châu Chí [瓊州志] chép rằng Thất Châu Dương cách huyện Văn Xương [Hải Nam] về phía đông 100 lý [58 km]. Nhìn qua bản đồ, thấy hải trình của Ngô Thăng là cuộc tuần hành xung quanh đảo Hải Nam, khởi hành từ Quỳnh Châu phía bắc đảo, lần lượt qua Ðồng Cổ, Thất Châu tại phía đông đảo, rồi vòng qua phía tây đảo đến Tứ Canh Sa thuộc huyện Xương Hóa, cuối cùng trở lại Quỳnh Châu. Cuộc hành trình như vậy hết 3000 lý [1740 km] là hợp lý vì đường kính đảo Hải Nam khoảng dưới 1000 lý ; nếu còn đi đến Tây Sa [Hoàng Sa], như biên giả nêu thì phải tốn thêm 7, 8 trăm cây số nữa. Hơn nữa Ngô Thăng muốn giữ an ninh cho đảo Hải Nam, tức Quỳnh Nhai, thì tuần hành xung quanh đảo này, còn vươn ra nơi xa xôi Tây Sa [Hoàng Sa] để làm gì ?


3. Biên giả Hối Biên trưng tư liệu, từ Bắc Kinh Cố Cung Bác Vật Nguyên Minh Thanh Ðang Án [北京故宮博物院明 清档案] 5 liên quan đến việc viên Tổng đốc Lưỡng Quảng Dương Ứng Cư tâu trình về việc cứu người ngoại quốc bị nạn trên biển, vào năm Càn Long thứ 30 [1765] như sau :

Ðề báo rằng viên Bố chính Quảng Ðông Thạch Trụ Tường xưng rằng vào năm Càn Long thứ 30 [1765] điều tra về việc bọn Phiên tên Liên Ðắc Lợi gồm 16 người đi thuyền chở hàng hóa như khăn tay, vải, từ nước họ đến Gia Lặc Ma buôn bán. Bị bão phiêu dạt đến biển Cửu Châu thuộc châu Vạn, thuyền hư nát, chết trôi 2 tên Phiên là Bạch Thiểu, Ni Bì ; lại tiếp tục bị bệnh mất 2 tên là Bạch Nê Mẫu, Duy Gia la, còn lại 12 tên. Sau khi viên Tri châu tra rõ, bèn chu cấp lương thực, đưa đến huyện Hương Sơn, giao cho viên quan phụ trách về dân Di, để tìm thuyền tiện lợi, vào ngày 27 tháng 10 năm Càn Long thứ 20, và ngày 12 tháng 11, trước sau chở về nước… 6

Một sự kiện tương tự, tại nước ta lúc bấy giờ quân lính chúa Nguyễn bị nạn tại đảo Hoàng Sa, trôi dạt đến đảo Hải Nam, được Lê Quí Ðôn chép trong Phủ Biên Tạp Lục [撫邊雜錄] như sau :

. Quan Chính đường sưu tra công văn trong đó kể rằng vào tháng 7 năm Càn Long thứ 18 [1753], 10 người lính thuộc đội Cát Liêm, xã An Bình, huyện Chương Nghĩa 7 đến Vạn Lý Trường Sa [萬里長沙] thu thập các vật, 8 tên lính lên bờ thu thập, chỉ có 2 người lưu lại giữ thuyền. Chợt cuồng phong nổi lên, đẩy thuyền xa đến cảng Thanh Lan [青瀾港8 [Trung Quốc], viên quan tại đây điều tra sự thực bèn cho áp giải trở về. Nguyễn Phúc Chu sai Cai bạ Thuận Hóa Thức lượng hầu gửi thư phúc đáp.

Ðọc Thanh Thực Lục [清實錄], được biết thời đó những người nước ta đi thuyền đến vùng Quảng Ðông, Phúc Kiến thường bị giam giữ về tội xâm nhập bất hợp pháp ; riêng việc 2 người lính của chúa Nguyễn từ đảo Hoàng Sa trôi dạt vảo cảng Thanh Lan, Hải Nam thì không gặp rắc rối gì. Lý do có thể hiểu được rằng lúc bấy giờ nhà Thanh không coi Hoàng Sa là lãnh thổ của họ, nên viên quan địa phương mới có thể tự tiện trao trả những người này cho chúa Nguyễn nước ta. Trường hợp chiếc thuyền buôn bị tai nạn tại Cửu Châu được Tổng đốc Lưỡng Quảng Dương Ứng Cư cho trả về nguyên quán, cũng theo một thông lệ tương tự. Cửu Châu Dương là biệt danh chỉ Thất Châu Dương, nhưng biên giả Hối Biên lại bảo triều đình nhà Thanh thi hành chủ quyền trên đảo Tây Sa [Hoàng Sa] cứu vớt người bị nạn, lập luận này không thể chấp nhận được.


4. Lại một tư liệu từ Bắc Kinh Cố Cung Bác Vật Viện Minh Thanh Ðang Án [北京故宮博物院明 清档案] chép về trường hợp thuyền của Cống sứ Tiêm La bị chìm tại Thất Châu dương, địa điểm tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý 9 ; nhưng biên giả Hối Biên vẫn khẳng định Thất Châu Dương tức quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] một cách vô lý. Tư liệu có đoạn như sau :

. .Tuần phủ Quảng Ðông Thác Ân Ða Sơ xưng Quốc vương Tiêm La có lòng thành theo sự giáo hóa sai Sứ giả là bọn Bị Thải Trảo Ðề mang biểu văn, phương vật, voi thuần đến Quảng Ðông để tiến cống. Trước tiên nghe viên Tri huyện Tân Ðình trình báo, thuyền của viên Chánh sứ bị gió thổi chìm tại địa phương Trà Loan trong huyện ; thuyền viên Phó sứ bị bão tại Thất Châu Dương gãy cột buồm đâm vào chỗ cạn. Ðã ban hịch cho quan địa phương trước sau cứu vớt thu hoạch những vật bị chìm


5. Điều đáng lưu ý rằng từ trung điệp triều Minh cho đến triều Thanh ; quân Nhật [sử Trung Quốc gọi là Nu khấu] thao túng cướp phá vùng biển. Trung Quốc chỉ phòng thủ trên bờ và ven biển cũng không xong, nên không màng đến biển cả. Bằng cớ ngay cả đảo lớn giàu tài nguyên như Ðài Loan, được liệt vào ngoại quốc dưới triều Minh. Qua Minh Sử, bộ chánh sử cuối cùng của Trung Quốc trong Nhị Thập Tứ Sử, có thể tìm thấy lãnh thổ Ðài Loan dưới tên Kê Lung Sơn, tại mục “ Ngoại quốc ”, phần Liệt truyện.

Biển lúc bấy giờ là mối hệ luỵ, nên Trung Quốc chủ trương phòng thủ thụ động trên bờ, bỏ mặc đại dương không chiếu cố đến. Mục Ngự Hải dương trong Quảng Đông Thông Chí [廣東通志] quyển 9, ghi lời chiến lược gia đời Minh, Ðàm Luân, nói về điểm bất lợi trong việc giao tranh ngoài biển như sau :

“ Hải đạo Phó sứ đời Minh, Ðàm Luân, nói rằng chống cự giặc biển không cho lên bờ là thượng sách, các sĩ phu ngày nay đều chủ trương như vậy. Sự thực biển rộng mênh mang, đánh dẹp giặc tại biển rất khó. Vì giặc thuận theo gió và thủy triều mà đến, ta đánh lại ngược theo gió và thủy triều rất khó. Khi giặc rời, chờ gió thuỷ triều thuận mà rút ; ta nhờ gió và thủy triều thuận để đuổi, càng đuổi càng xa, và đã chắc gì đuổi kịp ; nếu kịp thì ngược gió, ngược thủy triều rất khó trở về. Huống gì giặc thấy thuyền ta, tìm cách tránh né ; bẻ tay lái trong gang tấc, có thể tránh xa ngàn dặm, ta làm sao có thể đánh kịp. Vả lại [hành quân trên biển], bọn tướng chỉ huy gian dối có thể dựa lời vì gió, thủy triều để tránh né, lấy gì căn cứ để tra xét.

Ðánh trên bộ không như thế, có thể thắng trong phút chốc, thế hai bên không cùng tồn tại, tướng sĩ không có mối tệ. Vậy giảng về đánh trên biển, không bằng giảng về đánh trên bộ...”

Tại mục Cố hải ngạn cũng trong Quảng Đông Thông Chí quyển 9 ghi lời Thông chính Ðường Thuận đời Minh đề cao việc chống cự ngay lúc giặc lúc mới đổ bộ lên bờ :

“ Giặc đến không thể chống trên biển, nên việc phòng trên bờ rất khẩn yếu. Ðối với điều thứ hai khi giặc mới đến, đói khát, sào huyệt chưa thành, đánh dễ hơn. Ðợi đến khi vào nội địa, nếu quét sạch được cũng tổn thất nhiều...”

Chiến lược bỏ biển được nêu lên một cách cụ thể trong kiệt tác Hải Quốc Ðồ Chí 海國圖志 của Ngụy Nguyên [1774-1857]. Tại quyển một, Hải Quốc Ðồ Chí, mục Trù hải, trang 56, Ngụy Nguyên nêu bằng chứng rằng dưới thời Minh, Thanh ; đảo Châu Sơn [Zhoushan] thuộc tỉnh Chiết Giang, không tiện việc phòng thủ, nên đã bỏ ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Nhìn lên Google Map, đảo này chỉ cách bờ biển Trung Quốc khoảng 10 km ; Châu Sơn thị 10 hiện nay dân số hơn 120 vạn người, tại đó có Phổ Ðà Sơn là khu du lịch quốc tế. Nguyên văn trích dẫn như sau :

“ Xin nói rộng ra về tỉnh Chiết Giang, đảo dự nhiều như rừng, Châu Sơn là một trong các đảo. Nói về hiểm thì không phải là cửa khẩu, nói về giàu thì đất không phì nhiêu, nói lớn thì thuộc loại như viên đạn ; Thang Hoà [湯和 1326-1395] 11 đời Minh kinh lý đảo này không thu nhập vào đất nội địa. Năm Thuận Trị thứ 8 [1651] Nghị chính vương Ðại thần tâu rằng Châu Sơn là đất đã bỏ của triều ta, đất này vô ích, ra lệnh cho Phó đô thống chuyển lính Mãn Châu trở về kinh đô, đó là những lời của bực lão thành chiêm nghiệm hàng trăm dặm. Bởi vậy từ thời Khang Hy trở về trước đều cho là đất ngoài vòng giáo hóa, vì rằng chỗ đó thành giáp với biển, thuyền ghé sát vào thành, pháo có thể bắn vào trong thành, so sánh khác với Ðài Loan, Quỳnh Châu, Sùng Minh.”

Thời Thanh viên Tổng đốc đốc Lưỡng Quảng Ngô Hùng Quang xin chế tạo nhiều thuyền để ra biển bắt cướp ; bị vua Gia Khánh bác và khẳng định quốc sách là phòng thủ tại cảng và truy lùng những người trên bờ ngầm mua bán hợp tác với bọn cướp. Xin trích dịch chiếu thư của vua Gia Khánh như sau :

Ngày 2 Kỷ Tỵ tháng 12 năm Gia Khánh thứ 12 [30/12/1807]

... Còn trong tấu triệp Ngô Hùng Quang trình bày rằngThuyền cướp qua lại đợi chờ mới liên lạc được với bọn gian trên bờ, nếu thuyền binh khẩn trương theo tung tích truy nã, thì bọn chúng không thi thố được thủ đoạn. Vậy muốn ngăn tiếp tế, nên tu tạo nhiều thuyền, xuất dương truy bắt.”

Ðiều này không đúng, về bọn cướp biển, gạo, nước, thuốc súng đều nhờ vào trên bộ. Bọn giặc trên bờ và dưới nước vốn quen nhau, ngầm giao dịch, cũng không phải chờ bọn cướp biển lên bờ tìm kiếm mới được tiếp tế. Tổng chi, đáng ra lệnh các quan văn võ tại cửa biển mật cho tuần tra, nghiêm bắt, trừng trị nặng ; bọn phỉ trên bờ co rút lại, thì mới đoạn tuyệt việc tiếp tế.

Ðiều đó khẳng định rằng việc cấm bọn phỉ tiếp tế tất phải nghiêm tra trên bờ, làm vững rào dậu là biện pháp chính. Phúc Kiến nghiêm cấm tiếp tế tại cửa biển, thực hiện hữu hiệu, tỉnh Quảng Ðông cần nhất luật thực hiện...” (Nhân Tông Thực Lục quyển 189, trang 7)

Cùng đề cao sách lược phòng thủ thụ động nơi ven biển, tại quyển 9, mục Hải Phòng, trong Quảng Ðông Thông Chí 廣東通志, Tổng đốc Hác Ngọc Lân tóm tắt :

Phàm thuyền đến không cho đậu, đi không tiếp tế ; thì dân chúng duyên hải đều được yên gối mà ngủ.”

Với chính sách phòng biển ngay tại bờ, tỉnh Quảng Đông đã lập sẵn 62 vị trí xung yếu làm giới tuyến cho các vệ, sở phòng thủ. Quân lính chỉ chịu trách nhiệm phòng thủ phía trong giới tuyến, riêng phía ngoài, coi như vùng biển quốc tế không thèm biết đến. Riêng từ huyện Lạc Hội [nay thuộc huyện Văn Xương] được ghi là điểm khởi đầu ranh giới tiếp giáp với biển An Nam, nên chúng tôi ghi rõ 26 điểm xung yếu từ huyện Lạc Hội đến biên giới Việt Trung, tiếp giáp với An Nam. Vị trí 62 điểm xung yếu, quan trọng đến nỗi được ghi cẩn thận trong 2 sách Thông Chí của nhà cầm quyền Trung Quốc ; thứ nhất, Đại Thanh Nhất Thống Chí quyển 350 của triều đình nhà Thanh; thứ hai, Quảng Đông Thông Chí quyển 9 của tỉnh Quảng Đông. Xin dịch nguyên văn, phần trong dấu ngoặc [] do chúng tôi ghi thêm, nhắm diễn giải rõ hơn :

Xung yếu :

Từ huyện Lạc Hội [樂會 Wenchang, Hải Nam], phủ Quỳnh Châu, khởi đầu tiếp giáp với biên giới An Nam :

- [1] Vũng Hải Ðiều [Wenchang, Hải Nam] : giới hạn của huyện Văn Xương [với biển An Nam].

- [2] Cảng Phố Tiền [鋪鋪 Puqianzhen, Hải Nam] : giới hạn huyện Hội Ðồng [với biển An Nam]

- [3] Cảng Thần Ứng [Quiongzhou, Hải Nam] : giới hạn phủ Quỳnh Châu [với biển An Nam]

- [4] Phố Phong Doanh [Qiongzhou, Hải Nam] : giới hạn phủ Quỳnh Châu [với biển An Nam]

- [5] Phố Ma Ðầu [Lincao, Hải Nam] : giới hạn huyện Lâm Cao [với biển An Nam].

- [6] Phố Cung Loan [Lincao, Hải Nam] : giới hạn huyện Lâm Cao [với biển An Nam].

- [7] Loan Ðiền Hòa [Danzhou, Hải Nam] : Giới hạn châu Ðam [với biển An Nam].

- [8] Núi Nga Trá [Changhua, Hải Nam] : giới hạn huyện Xương Hóa [với biển An Nam].

- [9] Doanh Bạch Sa [Dongfang, Hải Nam] : giới hạn huyện Cảm Ân 感恩 [với biển An Nam].

- [10] Ðại Ðộng Thiên [Yazhou bay, Hải Nam] : giới hạn châu Nhai [với biển An Nam].

- [11] Tiểu Ðộng Thiên [Yazhou bay, Hải Nam] : giới hạn châu Nhai [với An Nam].

- [12] Vũng Nha Lang [Lingshui, Hải Nam] : giới hạn huyện Lăng Thủy [với An Nam].

- [13] Cửa Song Châu [Lingshui, Hải Nam] : giới hạn huyện Lăng Thủy [với An Nam].

- [14] Thất Thập Nhị kính [Qinzhou, Quảng Tây] : giới hạn châu Khâm [với An Nam].

- [15] Nha Sơn [Qinzhou, Quảng Tây] : giới hạn châu Khâm [với An Nam].

- [16] Ðạm Thủy Loan [Qinzhou, Quảng Tây] : giới hạn châu Khâm [với An Nam].

- [17] Doanh Cách Mộc [Lingshan, Quảng Tây] : giới hạn huyện Linh Sơn [với An Nam]

- [18] Núi Ô Lôi [Lingshan, Quảng Tây] : giới hạn huyện Linh Sơn [với An Nam].

- [19] Ao Thanh Anh [Lingshan, Quảng Tây] : giới hạn huyện Linh Sơn [với An Nam].

- [20] Ao Dương Mai [Beihai, Quảng Tây] : giới hạn phủ Liêm Châu [với An Nam].

- [21] Ao Bình Giang [Beihai, Quảng Tây] : giới hạn phủ Liêm Châu [với An Nam].

- [22] Thiệu Châu [Beihai, Quảng Tây] : giới hạn sở Vĩnh An [với An Nam].

- [23] Mão Châu [Beihai, Quảng Tây] : giới hạn sở Hải An [với An Nam].

- [24] Vi Châu [Weizhou island, Quảng Đông] : giới hạn sở Cẩm Nang [với An Nam].

- [25] Điều Châu [Waning, Hải Nam], giới hạn của Thiên hộ sở Thạch Thành [với An Nam.]

- [26] Độc Trư Châu [Wanning, Hải Nam] giới hạn của Thiên hộ sở Thạch Thành với An Nam.

- [27] Cương Châu, giới hạn của sở Ninh Xuyên 寧川所.

- [28] Tiểu Hoàng Trình 小黃程, giới hạn của sở Ninh Xuyên.

- [29] Phần Châu, giới hạn của sở Ninh Xuyên.

- [30] Núi Thanh Tụ [Dianbai, Quảng Đông], giới hạn của vệ Thần Điện 神電衛.

- [31] Đỉnh La Phù [Dianbai, Quảng Đông], giới hạn của vệ Thần Điện.

- [32] Núi Hải Lăng [Yangjiang, Quảng Đông], giới hạn của sở Song Ngư 雙魚所.

- [33] Núi Tiểu Hoạch [Yangjiang, Quảng Đông], giới hạn của của sở Hải Lang 海朗所

- [34] Núi Trung Hoạch, giới hạn của sở Dương Giang.

- [35] Núi Đại hoạch, giới hạn của huyện Tân Ninh.

- [36] Núi Tây Hùng [Xinhui xian, Quảng Đông], giới hạn của huyện Tân Hội.

- [37] Núi Ngạc Châu [Xinhui xian, Quảng Đông], giới hạn của huyện Tân Hội.

- [38] Núi Vạn Hộc [Foshan, Quảng Đông], giới hạn của huyện Thuận Đức.

- [39] Núi Thượng Xuyên [Foshan, Quảng Đông], giới hạn của huyện Thuận Đức.

- [40] Đỉnh Thạch Kỳ [Zhuhai, Quảng Đông], giới hạn của huyện Hương Sơn.

- [41] Núi Xà Tây, giới hạn của 2 huyện Nam Hải, Phiên Ngung.

- [42] Núi Đại Nam Thường, giới hạn của 2 huyện Nam Hải, Phiên Ngung.

- [43] Biển Ô Sa [Zhujiang River Estuary], giới hạn của tuần ty Bạch Sa.

- [44] Biển Cửu Tinh [Zhujiang River Estuary], giới hạn của tuần ty Phúc An.

- [45] San Hô châu [Dongguan, Quảng Đông], giới hạn của huyện Đông Hoàn.

- [46] Núi Bôi Độ [Dongguan, Quảng Đông], giới hạn của huyện Đông Hoàn.

- [47] Bãi Hợp Lan, giới hạn của sở Đại Bằng.

- [48] Bãi Mã Yên, giới hạn của dịch trạm Thiết Cương.

- [49] Núi Ninh Châu [Huizhou, Quảng Đông], giới hạn của phủ Huệ Châu.

- [50] Núi Cát Châu [Huizhou, Quảng Đông], giới hạn của phủ Huệ Châu.

- [51] Biển Ký Tâm, giới hạn của sở Bình Hải.

- [52] Núi Từ Nương [Haifeng, Quảng Đông], giới hạn của huyện Hải Phong.

- [53] Núi Đại Tinh Tiêm, giới hạn của sở Tiệp Thắng.

- [54] Đỉnh Cát Đầu [Jieshi bay, Quảng Đông], giới hạn của vệ Kiệt Thạch.

- [55] Đỉnh Tiền Tiêu, giới hạn của sở Giáp Tý Môn.

- [56] Vịnh Đào Nương [Jinhai harbor, Quảng Đông], giới hạn của sở Tình Hải.

- [57] Tình Hải Úc [Jinhai Harbor, Quảng Đông] giới hạn của sở Tình Hải.

- [58] Núi Đại Phù [Haimen bay, Quảng Đông], giới hạn của sở Hải Môn.

- [59] Núi Ngọc Dự [Haimen bay, Quảng Đông], giới hạn của sở Hải Môn.

- [60] Núi Tiểu Cam, giới hạn của sở Bồng Châu.

- [61] Núi Đại Tướng, giới hạn của sở Đại Thành.

- [62] Núi Đại Kinh [Raoping, Quảng Đông], giới hạn của huyện Nhiêu Bình.” 12

Phối kiểm về những vị trí xung yếu giáp An Nam, chúng tôi còn tìm được bằng chứng trong các thư tịch khác, như sau :

– Thanh Thực Lục chép lời tâu của Tổng đốc Lưỡng Quảng Trần Ðại Thụ thời Càn Long, xác nhận vùng Long Môn, châu Khâm, giáp với biển Bạch Long Vĩ nước ta :

Ngày 30 Tân Mùi tháng 5 năm Càn Long thứ 15 [3/7/1750]

Tổng đốc Lưỡng Quảng Trần Ðại Thụ tâu :

Vùng Long Môn, Khâm Châu Quảng Ðông giáp giới với biển Bạch Long Vĩ, thuộc An Nam. Thuyền buôn nội địa [Trung Quốc] qua lại gặp những sự cố, hoặc những lính tráng đào ngũ trốn tránh tại nơi đây, ta cho là biển của nước Di, nên từ chối không phòng ngự… Nhận được chiếu chỉ :

Ðiều thấy đúng, đã hiểu rõ.” (Cao Tông Thực Lục quyển 365, trang 34)

Tìm hiểu xa hơn, điểm xung yếu số 14, Thất Thập Nhị Kinh được sách Ðại Thanh Nhất Thống Chí 13 xác nhận là 72 đường thủy chạy quanh co tại Long Môn :

Ngoài Long Môn quần sơn nhấp nhô, chia biển ra thành 72 đường thủy đạo, theo núi quanh co, đường nọ với đường kia có thể thông nhau, người đời thường gọi Long Môn thất thập nhị kínhlà tại đây.

Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí 14 cho biết Nha sơn, điểm xung yếu 15, cách Long Môn 34 km về phía đông, như vậy cũng gián tiếp xác nhận Nha Sơn gần biển An Nam :

Núi Nha Sơn [牙山島] : núi ở ngoài biển, phía đông cách Long Môn 60 lý [34 km] ; giữa biển nhô lên 3 ngọn núi, chiều ngang hàng chục lý, hình như 3 chiếc răng. Gần Nha Sơn 20 lý [11.6 km] có mũi Kim Cổ, phía đông có vũng Ô Lôi, phía tây có núi Mã Yên, đều là cảng, có thể đậu thuyền ngoài biển.

Qua bản đồ Google thấy hình dáng Nha Sơn như 3 chiếc răng chìa ra biển, tại tọa độ 21.701934,108.622856

– Thanh Thực Lục cũng xác nhận thêm Vi Châu [điểm xung yếu 24] là cửa ngõ của 3 phủ Cao Châu, Lôi Châu, Quỳnh Châu ; mặt phía tây thuộc biển Việt Nam :

Ngày 18 tháng 3 năm Ðạo Quang thứ 13 [9/3/1833]

Lại căn cứ theo Cao Nghi Dõng khám xét biển phía đông nam Long Dương, thuộc 3 phủ Cao, Lôi, Quỳnh, trong đó có đảo Vi Châu làm cửa ngõ, mặt phía tây thuộc Việt Nam, thuyền cướp thường trốn tại núi Cẩu Ðầu ; cần phải chặn việc tiếp tế lương thực, thuốc súng ; ngăn con đường vượt biên giới ăn cướp. Lại dò biết thuyền cướp có hơn 1 chục chiếc, trốn tránh xa tại châu Giáp, núi Cẩu Ðầu thuộc đất Di [Việt Nam], quân ta không quen đường cát, khó có thể đi xa. Ðáng phải thông báo cho Việt Nam, xua đuổi ra đánh. Duy cương vực Hoa, Di có phân biệt, phải biết rõ tình hình, thì mới có thể đánh bắt không để sót… (Tuyên Tông Thực Lục, quyển 230, trang 6-8). Riêng bản đồ Google ghi nhận Vi Châu đảo tại tọa độ 21.046695,109.117584


– Ngoài ra một đạo dụ của vua Ðạo Quang trong Thanh Thực Lục, xác nhận rằng bãi Ðồi Mồi [Ðại Mạo châu] thuộc vùng Tam Á, châu Nhai, gần Ðại Ðộng Thiên [điểm xung yếu số 10], Tiểu Động Thiên [điểm xung yếu số 11] tiếp giáp với biển Việt Nam :

Ngày 30 Nhâm Dần tháng 11 năm Ðạo Quang thứ 12 [20/1/1833]

Lại dụ :

... Lại cứ Lý Tăng Giới xưng rằng bọn Phó tướng Lý Hiền tuần tiễu đến bãi Ðại Mạo [đồi mồi] vùng biển ngoài Nhai Châu, Tam Á, chỗ này tiếp giáp với biển Di Việt Nam, thấy 3 thuyền phỉ, mỗi thuyền 1, 2 ngàn người, bèn cho đuổi bắt….. (Tuyên Tông Thực Lục quyển 226, trang 28-30).

Nếu thời thế không đổi thay thì 25 vị trí xung yếu nêu trên mãi mãi làm ranh giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nhưng vào hậu bán thế kỷ thứ 19, một cơn đại biến xảy đến cho Việt Nam, Pháp xâm lăng, rồi đô hộ. Lúc này người Pháp chỉ lưu tâm đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa trong nước, như :

Phan Đình Phùng phất lá nghĩa kỳ,
Hàng muôn vạn nỗi theo liều chết xông pha tên đạn.
Hoàng Hoa Thám mộ quân cảm tử,
Hơn 10 năm chống cự với sơn hà

(Hịch Đánh Giặc Pháp)

Do đó Pháp tạm thời không có hành động tích cực, như mang quân đến đồn trú tại lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa ; nơi mà chính quyền chúa Nguyễn và nhà Nguyễn liên tục quản trị, được ghi chép rõ trong sử, chí Việt Nam hàng mấy trăm năm.

Riêng tại Trung Quốc vào thời gian này, cũng nhờ ngọn gió Tây thổi đến, giúp họ hiểu rõ vị trí đặc thù và tài nguyên phong phú của biển cả. Một người tỏ ra bén nhạy với thời cuộc là viên Thuỷ sư đề đốc Lý Chuẩn ; y lợi dụng tình trạng Việt Nam trong vòng đô hộ, nên vào năm Quang Tự thứ 33 [1009] mang các tàu như Phục Ba, Sâm Hàng đến đảo Hoàng Sa để giành chủ quyền. Điều kẹt cho y, quần đảo này chưa hề nằm trong lãnh thổ Trung Quốc nên các đảo không có tên ; bởi vậy y bèn tuỳ tiện lấy tên hai tàu “ Phục Ba ”, “ Sâm Hàng ” đặt tên cho 2 đảo, lấy tên quê y là “ Lãnh Thuỷ ” đặt tên cho một đảo khác, rồi nhân có giếng nước ngọt trên một đảo, bèn đặt tên đảo này là “ Cam Tuyền ”. Nhắm khua chiêng gióng trống cho mọi người biết, y cho bắn đại bác, treo cờ ; khắc bia trên hòn đảo được đặt tên là Phục Ba, với hàng chữ như sau “ Đại Thanh Quang Tự năm thứ 33, Thuỷ sư Quảng Đông Đề đốc Lý Chuẩn tuần thị đến nơi này.” 15


Kết luận :



Nghiêm chỉnh dựa vảo tư liệu về lịch sử thì không thể chứng minh được chủ quyền biển Ðông của Trung Quốc ; để đáp ứng nhu cầu, các nhà biên khảo Hối Biên viết theo đơn đặt hàng, đã có những “ sáng tạo ” mới. Họ mượn các địa danh có sẵn trong lịch sử như Trướng Hải, Tiêu Thạch, Cửu Nhũ Loa Châu để gán cho đảo Hoàng Sa; hoặc Vạn Lý Trường Sa để gán cho quần đảo Trường Sa. Riêng Côn Lôn và Thất Châu Dương là hai vị trí nằm trên tuyến hàng hải, được đề cập trong nhiều thư tịch thì không đơn giản, họ bèn bèn tạo ra hai vị trí : 1 Côn Lôn gần nước Chân Lạp cũ, 1 Côn Lôn tại đảo Trường Sa ; cũng tương tự có 1 Thất Châu dương gần đảo Hải Nam, và 1 Thất Châu dương khác được gán cho quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa]. Việc làm thiếu trung thực, sẽ bị những nhà nghiên cứu trên thế giới “ Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha ! ” 16 nghiêm khắc lên tiếng ; theo chúng tôi biết một trong những vị đó là nhà biên khảo Trung Quốc Ðàm Kỳ Tương, đã cung cấp được một số sự thực trong bài viết Thất Châu Dương Khảo [七州洋考17

Ngoài ra dưới hai triều đại Minh, Thanh, có lệnh cấm biển, người dân tỉnh Quảng Đông bị cho là phạm pháp nếu vượt ra ngoài 62 điểm xung yếu đã được trình bày ở trên, 62 điểm này cũng được coi là giới hạn về biển của Trung Quốc. Nhưng rồi thời thế đổi thay, vào thời cuối Thanh, khi ngửi thấy tiềm năng lớn của biển cả, những người như Lý Chuẩn bèn gióng trống khua chiêng nêu chủ quyền tại đảo Hoàng Sa, Trường Sa ; để đến ngày nay Chủ tịch Tập Cận Bình lớn tiếng nói rằng Trung Quốc đã có chủ quyền từ thời xa xưa, không thể tranh cãi !

Hồ Bạch Thảo






1 Hối Biên, trang 66.

2 Hối Biên, trang 66.

3 Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí, phủ Quỳnh Châu, quyển 350.

4 Hối Biên, trang 67.

5 Ðang án: loại văn kiện lưu giữ riêng, chưa công bố qua sử chí.

6 Hối Biên, trang 68-69.

7 Chương Nghĩa : tương đương với huyện Tư Nghĩa và một phần đất quận Nghĩa Hành ngày nay.

8 Cảng Thanh Lan : thuộc huyện Văn Xương, Trung Quốc ; từ đảo Hoàng Sa đến cảng này cách 330 hải lý.

9 Hối Biên, trang 70.

10 Châu sơn : nay là Châu Sơn thị, thuộc tỉnh Chiết Giang, dân số hơn hiện nay hơn 120 vạn người.

11 Thang Hoà : Khai quốc công thần triều Minh, làm quan đến chức Chinh tây tướng quân, được tấn phong Tín quốc công.

12 Nguyên văn 62 vị trí xung yếu : Quảng Đông Thông Chí [東通志], Trung Quốc Triết Học Thư Điện Tử Kế Hoạch [中 國哲學書電子化計劃], quyển 9, trang 109-113.

13 Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí, quyển 384, phủ Liêm Châu.

14 Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí, quyển 384, phủ Liêm Châu.

15 Nguyên văn trong bài “Đại Thanh Quang Tự Lý Chuẩn năm 1909 tuần thị nơi này” đăng tại http://www.sina.com.cn ngày 9/5/2012 :

大清光绪李准< /span>1909年巡视至< /span>

http://www.sina.com.cn  2012< /font>05< /font>09< /font>15:01  新民周刊

实在1907年,李准就曾巡视西沙各岛,并在伏波岛刻石留念 称:大清光绪三十三年广东水师提督李准巡视 至此

  此次南海巡视,李准率队每到一处岛屿都逐一命名,勒石树碑,鸣炮升旗,申明中国的主权。这< /font>15岛屿的命名也很有意思,都是以舰 名、物产名及同行人的籍贯命名。比如一岛命名为伏波,另一岛命名为琛航;因李准是邻水人就命名一岛为邻水;一个岛上掘出淡水,就把该岛命名为甘泉”……

16 Truyện Kiều.

17 Ðàm Kỳ Tương, Thất Châu Dương Khảo, sách Nam Hải Chư Ðảo Sử Ðịa Khảo Chứng Luận Tập trang 1-7.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss