Giặc khách : Lý Dương Tài
Giặc khách : Lý Dương Tài
HỒ BẠCH THẢO
Lý Dương Tài xuất thân từ một võ quan, rồi trở thành đầu đảng giặc.
Vào những năm 1871-1873, Lý Dương Tài theo Ðề đốc Phùng tử Tài sang Việt Nam đánh dẹp giặc khách. Từng lập công dẹp giặc tại phủ Tùng Hóa, tỉnh Thái Nguyên ; vào năm Ðồng Trị thứ 11 [2/1872] chiếm được sào huyệt giặc tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn ngày nay 1.
Sau đó theo Phùng Tử Tài rút quân trở về Trung Quốc, rồi vào năm Quang Tự thứ 4 [31/10/1878] tại quê nhà thuộc huyện Linh Sơn, châu Liêm, tỉnh Quảng Ðông ; Lý Dương Tài mạo nhận thừa lệnh Tổng đốc Lưỡng Quảng, mộ quân sang đánh giặc tại Việt Nam. Y chiêu tập được số quân lớn, hơn 1 vạn người, lại còn còn tuyên bố rằng tổ tiên y tại Việt Nam, cần trở về nước phục hồi cơ nghiệp. Vua Quang Tự lại sai Phùng Tử Tài sang Việt Nam tìm cách đánh dẹp :
Ngày 6 Nhâm Ngọ tháng 10 năm Quang Tự thứ 4 [31/10/1878]
Dụ các Quân cơ đại thần :
“ Dương Trọng Nhã [Tuần phủ Quảng Tây] dâng tấu triệp về việc một viên quan võ tại nhiệm, mộ quân đến Việt Nam gây chuyện.
Viên Tổng binh Lý Dương Tài xưng càn rằng nước Việt Nam là cơ nghiệp của tổ tiên, nên y muốn phục hồi cơ nghiệp. Rồi tại nơi sinh quán huyện Linh Sơn, cùng các xứ như châu Khâm, mạo xưng rằng phụng mệnh thư trát của Tổng đốc ủy quyền mộ quân ra khỏi quan ải, chiêu tập đảng hơn 1 vạn, lục tục xuất phát ; thực cuồng loạn đến cực độ. Lệnh cách chức ngay Lý Dương Tài, truy nã gấp để trừng trị. Vùng đất Việt Nam điêu tàn, không chịu nỗi sự dày xéo thêm ; lần này Lý Dương Tài đột nhiên nỗi lên, sợ binh lực nước này khó mà phòng ngự ; lệnh Dương Trọng Nhã cấp tốc điều phái quan quân, theo bén gót mà truy bắt, nhắm bắt được tên tội phạm về trừng trị, không để chúng thâm nhập lan rộng ra. Tên tội phạm tập hợp không ít dân chúng, bọn đồ đảng hung hãn thì nhất luật tiễu trừ ; ngoài ra những kẻ bị dụ hiếp, đáng khắc thiết hiểu dụ, phân biệt đối xử, giải tán.
Phùng Tử Tài trước đây từng đánh dẹp giặc phỉ tại Việt Nam, tình hình tại nước này tương đối hiểu rõ, lệnh mang quân xuất quan, tùy cơ mà trù liệu ; tuy nhiên mọi sự điều động lệnh cùng với Dương Trọng Nhã bàn bạc liệu biện. Việt Nam là nước Phiên được đời đời sắc phong, lại là tấm màn che chở từ phương nam ; nay viên quan võ vô cớ sinh sự, sự việc xẩy ra thực thuộc không thành sự thể ; nếu không sớm dẹp tan, lại lo đưa đến sự dòm ngó khác ; việc quan hệ không nhỏ, bọn Dương Trọng Nhã đáng cấp tốc trù biện, không được coi thường chút nào. Viên quan bị cách, từng dán yết thị khắp các vùng như huyện Linh Sơn, để chiêu tập đồ đảng, tại sao quan địa phương không phát hiện được ; hiện nay tại các vùng Khâm Châu, Linh Sơn có còn giặc phỉ ẩn náu để lục tục xuất cảnh hay không, lệnh Lưu Khôn Nhất [Tổng đốc Lưỡng Quảng], Trương Triệu Ðống [Tuần phủ Quảng Ðông] lập tức ta rõ, phòng bị ỗn thỏa.” Chuyển dụ này theo độ khẩn 600 dặm 1 ngày, lệnh hay biết. (Ðức Tông Thực Lục quyển 79, trang 7-8)
Trước khi nổi dậy, Lý Dương Tài đã sai bộ hạ là Lưu Tưởng Hoa đi đến các tỉnh thành Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa để hỏi việc cơ mật ; tên này tự xưng được sự ủy nhiệm của Hiệp trấn Tầm Châu Lý Dương Tài. Sự việc được phía Việt Nam đem ra hỏi lại Tổng đốc Lưỡng Quảng và Tuần phủ Quảng Tây ; các viên này đều trả lời Lý Dương Tài đã bị hạch tội cách chức 2.
Ðồ đảng của Lý Dương Tải nổi dậy tại huyện Linh Sơn, rồi ven theo dãy Thập Vạn Ðại Sơn đến động Thiên Long 3 thuộc tỉnh Quảng Tây. Tại đây, xâm nhập qua các châu biên giới như Tư Châu, Tư Lăng để vào Việt Nam. Chúng đánh phá phố Kỳ Lừa 4 và vây tỉnh thành Lạng Sơn ; nhưng bị liên quân Thanh, Việt đánh bật ra khỏi cùng giải vây tỉnh thành :
Ngày 14 Kỷ Mùi tháng 11 năm Quang Tự thứ 4 [7/12/1878]
Lại dụ các Quân cơ đại thần :
“ Bọn Lưu Khôn Nhất [Tổng đốc Lưỡng Quảng] dâng các tấu triệp về viên quan bị cách, Lý Dương Tài, trốn đến Việt Nam ; quân Quảng Tây giúp đánh thắng được và lấy lại gò Kỳ Lừa.
Lý Dương Tài mang đồ đảng do đường qua động Thiên Long, châu Thổ Trung dọc theo biên giới Quảng Tây bị viên Tri đạo Triệu Ốc điều binh chặn con đường ra khỏi quan ải, tên tội phạm bèn do đường tại biên giới thuộc các châu Tư Châu, Tư Lăng vào Việt Nam, chiếm cứ gò Kỳ Lừa 6, đánh tỉnh thành Lạng Sơn, thế lực khá mạnh. Triệu Ốc sai Phó tướng Ðảng Mẫn Tuyên mang binh ra khỏi quan ải, giúp đánh thắng được, khắc phục các xứ như gò Kỳ Lừa.
Lần này giặc chạy trốn qua các xứ như Tư Châu, viên quan địa phương cớ sao không phòng ngự, để chúng quấy nhiễu đến Việt Nam. Triệu Ốc nghe tin báo động, bèn phái quan quân giúp đánh, ra sức bẻ gãy mũi nhọn giặc, thực thuộc đáng khen. Hiện tại đám đông giặc đồn trú tại phủ Trường Khánh 5, mang quân cướp phá 4 phương ; lại có dư đảng của Ông Thất, Lý Lục thừa cơ suẩn động đến gần phủ Trấn An 6 ; việc biên phòng quan trọng, đáng đánh bắt mau để khỏi man diên. Lệnh Lưu Khôn Nhất, Dương Trọng Nhã truyền hịch cho Triệu Ốc, phái quan quân hợp lực với quan binh Việt Nam giáp công, để nhanh chóng diệt khí thế giặc, một mặt chặn giữ biên giới, ngăn ngừa chúng quay trốn trở lại.
Phùng Tử Tải sau khi phụng nhận chiếu chỉ trước, mang quân bản bộ ra khỏi quan ải, quan sát hướng tiến của giặc, tấn tốc ra quân, định ngày kết thúc việc sớm. Tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây cùng Việt Nam có các nơi giáp giới ; mệnh Lưu Khôn Nhất, Trương Triệu Ðống ra lệnh quân phòng thủ nghiêm mật bố trí, không được để sơ hở. Lại có tờ tâu rằng bọn giặc phỉ Lưu Tưởng Hoa, giả mạo quan được sai phái đến Việt Nam, thực thuộc dám cả gan ; mệnh Lưu Khôn Nhất nghiêm sức thuộc hạ bắt kỳ được, tra tấn rõ ràng để liệu biện. Từ nay trở về sau các thương nhân nội địa đến Việt Nam buôn bán, phải căn cứ vào chương trình nghiêm mật kê tra, để ngăn chặn mối tệ trà trộn.” Chuyển dụ này theo độ khẩn 500 dặm 1 ngày, lệnh các nơi liên hệ hay biết. (Tuyên Tông Thực Lục quyển 81, trang 18-19)
Riêng trận đánh tại tỉnh thành Lạng Sơn, sử Việt Nam 7 mô tả như sau :
“ …Giặc [Lý Dương] Tài nhân lúc đêm canh tư đến đánh thành Lạng Sơn dữ dội. bọn Nguyễn Ðình Nhuận [Bố chánh Lạng Sơn] chia ủy văn võ, lại dịch, binh dõng lên thành, 4 mặt hết sức chống đánh, từ giờ Sửu đến giờ Mão vừa đâm vừa bắn, bọn giặc chết rất nhiều, giặc ấy bỏ thang tre hơn 20 chiếc, thang xếp hơn 100 chiếc, búa sắt 6 chiếc, trốn về phố Ðồng Bộc 8…”
Bị thua tại Lạng sơn, Lý Dương Tài chuyển quân về phía nam, lập căn cứ tại tỉnh Thái Nguyên. Nơi này y tương đối quen thuộc, vì trước kia khi ở trong hàng ngũ quân Thanh sang Việt Nam dẹp giặc khách, y đã từng hành quân tại đây. Ðề đốc Phùng Tử Tài, cấp chỉ huy cũ của y, nay lại được lệnh đích thân đến Thái Nguyên, phối hợp với quân Việt Nam, nhắm đánh dẹp y cho bằng được :
Ngày 2 Bính Ngọ tháng 3 năm Quang Tự thứ 5 [24/3/1879]
...Ðầu mục giặc Chung Vạn Tân hiện cùng Lý Dương Tài hợp mưu, chiếm cứ các xứ như Tả Ðinh, thuộc tỉnh Thái Nguyên. Bọn chúng cấu kết với giặc phỉ chiếm cứ Hà Dương 9 là Ðàm Tứ Thê, muốn xâm phạm Tuyên Quang rồi đến Thập Châu 10. Phùng Tử Tài đã phái binh chia đường ngăn đánh, viên Ðề đốc đích thân đến Thái Nguyên đốc chiến để khích lệ các quân nhắm ra sức đánh dẹp, cùng lệnh quan binh An Nam hợp lực giáp công, nhắm nhanh chóng diệt khí thế giặc… (Ðức Tông Thực Lục quyển 89, trang 1-2)
Tuần phủ Quảng Tây Dương Trọng Nhã và Ðề đốc Phùng Tử Tài đều xác nhận quân Lý Dương Tài đóng tại tổng Dã Nham thuộc châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn, giáp với Thái Nguyên. Lực lượng chúng đóng tại địa phương rộng, có 90 chiến lũy, nên nhất thời chỉ mới đánh dẹp được một vài xứ. Vua Quang Tự thúc dục đánh gấp, cùng liên lạc với Việt Nam chia binh chặn đánh :
Ngày 12 Ất Dậu tháng 5 năm Quang Tự thứ 5 [1/7/1879]
Lại dụ [các Quân cơ đại thần] :
“ Dương Trọng Nhã, Phùng Tử Tài dâng tấu triệp đề cập một cách tường tận về tình hình quan quân đánh giặc phỉ thu được chiến thắng lớn, liên tiếp phá được nhiều chiến lũy sào huyệt. Bọn giặc phỉ Lý Dương Tài chia đóng các xứ tại Dã Nham, Ðề đốc Phùng Tử Tài đốc suất các quan binh lần lượt đánh chiếm Tả Xá, Bản Ðạo, rồi đến Than Ðầu, chém 50 thủ cấp, tịch thu được nhiều súng ống ; tuy nhiên địa phương rộng, lũy giặc nhiều đến 90 tòa, càng đáng nhận rõ để tiến đánh. Phùng Tử Tài hiện đã đi đến Bắc Kỳ, lệnh đôn đốc nghiêm các quân tiến đánh gấp không được chần chừ nữa, sẽ can tội ; lại thông báo cho Việt Nam chia binh đóng, để chặn phòng trốn vượt... (Ðức Tông Thực Lục quyển 94, trang 8)
Tiếp theo Tuần phủ Quảng Tây tâu đã đánh tan sào huyệt Dã Nham, dẹp hầu hết các chiến lũy, bắt được gia thuộc của Lý Dương Tài ; nhưng riêng hai tên đầu sỏ Lý Dương Tài và Lục Chi Bình thì vẫn chưa bắt được :
Ngày 26 Kỷ Hợi tháng 5 năm Quang Tự thứ 5 [15/7/1879]
Lại dụ [các Quân cơ đại thần]
“ Dương Trọng Nhã dâng tấu triệp về việc quan quân đánh tan sào huyệt Giả Nham thắng lớn, cùng đại khái tình hình việc bắt đầu sỏ giặc. Vào đầu tháng 4 Phùng Tử Tài đích thân điều động các quân dẹp tan sào huyệt giặc tại vùng Dã Nham, cùng hơn một trăm chiến lũy lớn nhỏ, bắt được nhiều tên đầu mục giặc, cùng gia thuộc của Lý Dương Tài.
Ðánh dẹp khá được việc, duy 2 tên giặc Lý Dương Tài và Lục Chi Bình trốn tránh ở rặng núi Khấu Cẩm phía sau, đáng thừa thanh uy cấp tốc diệt sạch. Nay lệnh cho Lưu Khôn Nhất, Trương Thụ Thanh bàn bạc với Phùng Tử Tài đốc sức quan quân, nghiêm mật vây bắt, nhắm diệt trừ tên này ngay tại chỗ, định ngày hoàn thành công việc, không để trốn sang chỗ khác, khiến lây lan ra. Tình hinh chi tiết về việc đánh thắng giặc lần này, lệnh Trương Thụ Thanh, Phùng Tử Tài tra xét, rồi tâu đầy đủ.” (Ðức Tông Thực Lục quyển 95, trang 8-9)
Sau 3 tháng, mặc dù càn quét dữ, lại chiêu mộ 500 dân sơn cước làm chỉ điểm, nhưng vẫn chưa bắt được Lý Dương Tài. Triều đình nhà Thanh dọa qui tội cho Phùng Tử Tài, vì viên Ðề đốc này là cấp chỉ huy cũ của tên giặc, khiến viên tướng họ Phùng phải tìm mọi cách truy lùng :
Ngày 9 Kỷ Mão tháng 9 năm Quang Tự thứ 5 [23/10/1879]
Dụ các Quân cơ đại thần :
“ Trương Thụ Thanh tâu hiện nhận được thư của Ðề đốc Phùng Tử Tài có những lời rằng : cứ theo lời bẩm báo của quan Việt Nam thì hai tên nghịch tặc Lý, Lục vẫn còn trốn tại vùng rừng núi tỉnh Thái Nguyên ; đã mang quân chia ra để đánh bắt.
Quan quân đánh dẹp giặc ngoài quan ải, cần hẹn ngày bắt cho được 2 tên đầu sỏ Lý Dương Tài, Lục Chi Bình, mới hoàn thành công việc. Hiện căn cứ vào lời bẩm báo của quan chức Việt Nam thì 2 tên nghịch vẫn còn ẩn náu trong rừng núi Thái Nguyên, Phùng Tử Tài đã chiêu mộ 500 dân sơn cước nước này, phối hợp với các doanh để hướng dẫn vào núi đánh bắt. Nay mệnh Lưu Khôn Nhất, Trương Thụ Thanh, Phùng Tử Tài nghiêm lệnh quan quân hẹn ngày bắt gấp 2 tên nghịch tặc rồi lập tức mang quân vào quan ải ; công việc chỉ còn thiếu một sọt đất, không được buông thả một chút nào. Nếu để cho tên nghịch trốn thoát, gây nên mối lo về sau, thì cứ đưa Phùng Tử Tài ra mà xét hỏi.” Chuyển dụ này theo độ khẩn 500 dặm 1 ngày, lệnh hay biết. (Ðức Tông Thực Lục quyển 100 trang 5-6)
Cuối cùng đầu đảng Lý Dương Tài bị bắt, triều đình nhà Thanh ban lệnh cho đạo quân của Phùng Tử Tài trở về nước, để đỡ tốn kém :
Ngày 20 Canh Thân tháng 10 năm Quang Tự thứ 5 [3/12/1879]
Lại dụ [các Quân cơ đại thần] :
“ Trương Thụ Thanh dâng tấu triệp về tình hình chi tiết việc đánh bắt tên Lý Dương Tài và xin tưởng thưởng các viên biền ra sức.
Ðã giáng chỉ dụ rõ, chấp thuận theo lời xin ; lại miễn đem Phùng Tử Tài ra nghị xử và giao cho bộ bàn để thăng thưởng... Các quân binh ngoài quan ải suốt năm phục dịch, quân nhu cung ứng nhiều ; mệnh Lưu Khôn Nhất, Trương Thụ Thanh, Phùng Tử Tài kính tuân chiếu chỉ ngày mồng 6 tháng này, ra lệnh lục tục khải hoàn để tiết kiệm phí tổn.” Chuyển dụ này theo độ khẩn 500 dặm 1 ngày, lệnh các nơi liên hệ hay biết. (Ðức Tông Thực Lục quyển 102, trang 8-9)
Sau khi tội phạm cung khai hoàn tất, Ðề đốc Phùng Tử Tài cho giải Lý Dương Tài đến tỉnh thành Quảng Tây, rồi được lệnh của triều đình cho xử tử tại tỉnh, sau đó mang đầu đến Việt Nam công bố cho mọi người biết :
Ngày 6 Ất Hợi tháng 11 năm Quang Tự thứ 5 [18/12/1879]
Lại dụ [Nội các] :
“ Trước đây theo lời tâu của Trương Thụ Thanh về tình hình quan quân đánh bắt Lý Dương Tài, đã giáng chỉ ban huấn thị. Nay viên Tuần phủ tâu những lời rằng hiện được Ðề đốc Phùng Tử Tài tra xong lời cung, rồi giải giao đến tỉnh, xin chiếu chỉ để biện lý.
Tên đứng đầu đảng nghịch Lý Dương Tài, là quan võ mưu phản, dám tập hợp đám đông ra khỏi quan ải, quấy nhiễu Việt Nam, đoạt ải chiếm chỗ hiểm, kháng cự quan quân, tội cực đại ác. Hiện nay đã bị bắt, lệnh xử tử tại tỉnh thành Quảng Tây, rồi mang đầu đến Việt Nam treo trên sào tre cho công chúng biết, nhắm răn đe rõ ràng. (Ðức Tông Thực Lục quyển 103, trang 8-9)
Chép về sự việc này, sử nước ta xác nhận rằng quan quân Việt Nam đã phối hợp với quân Thanh bắt được Lý Dương Tài tại núi Hậu Sơn, thuộc tổng Dã Nham ; sau đó áp giải về Trung Quốc :
Quan quân ta cùng với biền binh ở dinh quân nước Thanh bắt sống được tên đầu sỏ của giặc là Lý Dương Tài tại núi Hậu Sơn xứ Dã Nham áp giải đưa về nước Thanh 11.
Hồ Bạch Thảo
1 Thanh Thực Lục : Mục Tông Thực Lục quyển 327 (trang 10-11)
2 Ðại Nam Thực Lục, bản dịch của Viện Sử Học, nxb Giáo dục: Hà Nội, 2007, tập 8, trang 285-286.
3 Ðộng Thiên Long thuộc phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, vị trí giáp tỉnh Lạng Sơn.
4 Kỳ Lừa : phố chợ, tại phía bắc tỉnh thành Lạng Sơn, thuộc châu Thoát Lãng.
5 Phủ Trường Khánh : thuộc tỉnh Lạng Sơn, giáp tỉnh Quảng Yên.
6 Trấn An : tên phủ thuộc tỉnh Quảng Tây, giáp với tỉnh Cao Bằng, Việt Nam.
7 Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 8, trang 310.
8 Ðồng Bộc : phố Ðồng Bộc thuộc tổng Ðồng Bộc, châu Lộc Bình, phủ Tràng Khánh, tỉnh Lạng Sơn.
9 Ðồn Hà Dương : thuộc tỉnh Tuyên Quang, gần đồn Yên Biên ; vùng đất Hà Dương còn được gọi là Hà Giang, tức thuộc tỉnh Hà Giang sau này.
10 Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập 2, trang 681, chú thích Thập Châu gồm: Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu, Ninh Biên, Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ. Nay 4 châu Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu và Ninh Biên thuộc Hưng Hóa ; 2 châu Quảng Lăng và Hoàng Nham thuộc Vân Nam [Trung Quốc] ; 4 châu Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ và Khiêm Châu không khảo cứu được.
11 Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 8, trang 374.
Các thao tác trên Tài liệu