Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Giới thiệu cuốn Những nét đan thanh của Trần Đình Sơn

Giới thiệu cuốn Những nét đan thanh của Trần Đình Sơn

- Võ Quang Yến — published 09/07/2020 11:25, cập nhật lần cuối 09/07/2020 11:25

Giới thiệu cuốn Những nét đan thanh của Trần Đình Sơn


MỘT CUỐN SÁCH, MỘT CON NGƯỜI



Võ Quang Yến


Cuối năm qua, tôi ngạc nhiên vui sướng nhận được từ Sài Gòn một cuốn sách dày, to, in đẹp, giấy láng, nội dung phong phú, hình ảnh hấp dẫn, lời nói đầu cũng như bài báo dẫn lại cuối sách là những bài học vô cùng bổ ích, nhất là cho kẻ phàm phu sống tha hương bên phương trời Tây xa thẳm như tôi luôn tìm hiểu những kiến thức về văn hóa đất nước. Xin trân trọng cảm ơn tác giả.



Những nét đan thanh của tác giả Trần Đình Sơn là một cuốn sách khổ 25X25cm, dày 256 trang, do nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành năm 2007. Anh Sơn có thể nói là người cùng quê với tôi : anh người gốc làng Hiền Lương, nghĩa là cùng huyện Phong Điền với nhau tuy làng Mỹ Cang nơi tôi sống lên chỉ là quê ngoại. Tôi qua Pháp từ lâu nên không có dịp quen sớm anh, chỉ gặp anh hồi anh qua Pháp trình bày những di tích Thăng Long trong cuộc khai quật ở trung tâm Hà Nội và những lần về nước lại ăn quán Phú Xuân ở Sài Gòn. Như ở Paris lúc trước đi ăn quán An Hiên, khách ít ai dè bà chủ quán Diệu Tâm là một nhà văn đã viết nhiều sách. Ở quán Phú Xuân, nếu không quen trước, chắc cũng ít ai biết ông chủ quán là một nhà sưu tầm đồ cổ mà trước đây cùng với phu nhân Hoàng Anh, đã cho in cuốn Tản mạn Phú Xuân (nhà xuất bản Trẻ, 2001) với những hình ảnh người mẫu trong y phục, tư thế người phụ nữ đất Thần kinh, những bài viết rất đặc sắc về Huế, về triều Nguyễn, về những danh nhân miền Trung,… và những dĩa bàn, bình hoa, điếu bát, tô chén, nai rượu… phần nào dẫn đường cho cuốn Những nét đan thanh mới ra đời.

Như tác giả đã trình bày trong lời nói đầu, sách được xem như một cuộc triển lãm 135 dĩa trà ký kiểu của người Việt Nam. Mỗi dĩa có hình chụp, ghi chú qua hai tiếng Việt và Anh những chi tiết đường kính, thế kỷ, hiệu đề, đề tài trang trí. Hiệu đề ghi dưới đáy đồ gốm sứ là niên hiệu các triều vua Trung Quốc, Việt Nam hoặc tên các lò sứ. Mỗi một niên hiệu được xác định qua tên năm trong lịch thường ngày. Đề tài trang trí được giải thích trên trang bên cạnh qua một bài thơ bằng chữ Hán và phần dịch nghĩa hay dịch thơ, thêm sau mỗi khi cần phần phụ chú để chỉ định nơi chốn, sự tích miêu tả, bình luận câu thơ, xuất xứ của nó, có khi thêm tên những dĩa ghi hiệu khác cùng đề tài. Có đủ thứ đề tài :

Phong cảnh ở Việt Nam hay Trung Quốc : cửa biển Tư Dung, cảnh núi Thúy Vân ở Thừa Thiên, cảnh chùa Thánh Vân ở núi Thúy Vân, cảnh chùa Thái Bình ở Ngũ Hành Sơn, cảnh chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô, cảnh động Đào Nguyên ở Hồ Nam, cảnh động Bạch Lộc ở Giang Tây, cảnh chùa Bạch Tự, cảnh chùa Phi Lai…

Sự tích nhiều vô kể, có tích thường nghe nói : Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, Vương Chấp gặp tiên, Ngưu Lang gặp Chức Nữ, Từ Thúc gặp Giáng Hương, Văn Vương gặp Lữ Vọng, Lữ Vọng ngồi câu ở Bàn Khê, thiên tổ Bồ Đề Đạt Ma tọa thiền, Trà Tổ Lục Vũ, Tiền Xích Bích Phú, Tô Đông Pha du Xích Bích, Bá Nha gặp Tử Kỳ…

có tích ít biết hơn : Hàn Tương Tử trên mây thổi sáo, Hán Chung Ly cầm quạt bên chim hạc, Bạch Cư Dị đàm đạo với nhà sư, Lưu Bị quá Đàn Khê, Lưu Bị tam cô thảo ngư, Bá Lý Hề chăn trâu đọc sách, Trương Lương dâng giày cho Hoàng Thạch Công, Vương Duy tiễn bạn Nguyên Nhị, Hàn Long phục hổ La Hán, Thần bốc trước thảo am, Nghiêm Quang ngồi câu cá ở Đồng Giang, hổ khê tam tiếu, hòa hợp nhị thánh, lưu hải hý thiềm, gươm hùm treo mộ, sào phủ hứa do, hải ốc thiêm trù, đạp tuyết tầm mai…

Ngoài ra còn có những cảnh thú vật : Cá đớp bóng trăng, chim bay trên không, Ngư ông chống thuyền đánh cá, Đàn chim bay trên khóm trúc, Đôi cò trắng dưói bãi sông, Hai con chim đang hót trên cành liễu, Rồng cọp tranh hùng, Nai đực nai cái dưới hai cội tùng, Bồn con hạc (phi, minh, túc, thực), Hai con nai bông dưới bóng tùng, Hai chim hạc hai gốc mẫu đơn, Đôi chim hạc chấp cánh cùng bay,…

cảnh hoa trái : Mai hạc, Hoa mai và chim hạc, Văn nhân cưỡi lừa, người hầu vác cành hoa mai, Cành hoa và con gà, Trái Phật thủ, Hai con cẩm kê trên cây quế, Hai ngọn lá ngô đồng rụng xuống, Hai giò lan treo, Trúc và đá, Ba cây trúc ba đọt măng…

Nhưng, theo tôi, loạt dĩa điển hình nhất trình bày những cảnh trong đời sống : Cụ già vào núi, tiểu đồng ôm đàn, Văn nhân ngắm cảnh, Ông quan thưởng ngoạn trời chiều, Cảnh sống phong lưu thanh nhã, Ông lão dưới bóng cổ thụ, Ông quan nhìn ngắm hoa sen, Tiểu đồng xuống suối lấy nước pha trà, Ngồi trong thủy tạ ngắm hoa sen, Ngồi ngủ tựa trên bàn đá, Nằm ngủ dưới bóng tùng, Mở cổng tre đón bạn, Gọi đò bên kia sông, Từ giả bên chiếc cầu, Hai ông lão dưới bóng cây, Chiếc thuyến giữa cảnh nước non, Người ngồi trên thuyền buông câu….

Những cảnh nầy nói lên cuộc sống thanh bình mà một thuở những người lớn tuổi ở nước ta cũng như ở bên Tàu đã được hưởng thụ trước kỳ chinh chiến tang tóc, một thời đã qua mà có lẽ sẽ không bao giờ trở lại hay trở lại dưới một hình thức khác, tùy trường hợp đẹp hơn hay xấu hơn. Có những người may mắn được sống lên trong một môi trường ít bị bên ngoài xáo động nên dù phải trải qua nhiều khó khăn vẫn tiếp tục được chí hướng của mình. Tôi tưởng anh Trần Đình Sơn có thể là một người ấy.



Qua bài báo Đồ cổ, nghìn vàng đổi lấy đồ chơi của tác giả Quế Phương (Tạp chí Doanh Nhân 2004) đăng lại ở cuối sách, bạn đọc có thể theo dõi được một phần nào con đường dẫn anh lại thú chơi đồ cổ, một thú chơi mà cụ Vương Hồng Sển cho là ham thích hơn khách hào hoa mê gái đẹp và hơn xa người đánh bạc mê trò đỏ đen. Xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc - cụ Cố giữ chức Thượng thư bộ Hình qua hai triều vua Duy Tân và Khải Định – có truyền thống yêu chuộng cổ vật, ngay từ nhỏ anh Sơn đã được đắm mình trong một không gian cổ kính và sống trong môi trường đầy cổ vật. Vẫn biết môi trường rất quan trọng trong cuộc giáo dục, nhưng chỉ môi trường có đủ không để một thanh niên ham thích những gì đã thấy, những gì ông cha đã làm. Những con nhỏ Einstein, Pasteur đâu có làm nên sự nghiệp như ông cha. Đây còn có một cái khiếu cá nhân, một thị hiếu cần phải được bồi đắp để trở nên thực dụng. Cái may của anh Sơn là có được một ông Nội - vốn là một vị thâm nho - dạy cho học chữ Hán hồi còn bé để có thể chiêm nghiệm hết cái hay nét đẹp trong những câu thơ ghi lại trên đồ sứ. Tôi thường hay nghĩ và đã có viết : cái may thường hay đến với ai sẵn sàng đón nhận như thường thấy với những nhà bác học với những phát minh là có khả năng, đủ điều kiện khám phá khi đứng trước sự kiện. Người Pháp có câu ngạn ngữ : mầy tự giúp mầy rồi Trời sẽ giúp mầy sau. Không ham thích đồ xưa thì anh Sơn không làm sao và cũng không muốn gặp cụ Vương Hồng Sển làm gì khi rời Huế vô Sài Gòn học lúc 20 tuổi. Không thạo chữ Hán thì không làm sao anh Sơn được cụ Sển yêu chuộng, vì đã dịch nghĩa được cho cụ nhiều câu thơ, và coi như là tri âm tri kỷ hay hơn nữa, theo như trong nhật ký của cụ, nâng anh lên hàng bậc thầy của cụ ! Thành thử cách nhau hơn 40 tuổi, hai người trở thành đôi bạn vong niên…

Tuy được cụ Sển dìu dắt, hướng dẫn như anh sinh viên trẻ tuổi mới nhập môn phân biệt các nước men, màu sắc, niên hiệu của từng món đồ cổ, anh Sơn thấy muốn thành công cần phải tự học hỏi, trau dồi kiến thức về hội họa thủy mặc, điển tích, thơ văn Hán-Nôm trên đồ sứ ký kiểu do ngọn bút tiền nhân lưu lại. Nhưng, như anh viết trong lời nói đầu, một kiến thức sâu rộng, một trình độ thẩm mỹ vững vàng, một tính cách kiên trì, cẩn thận, một tình hoài cổ sâu đậm chưa đủ, còn quan trọng là những điều kiện tất yếu khác như thì giờ, công sức, tiền của, môi trường giao tiếp. Anh đã nêu lên những trường hợp vì thiếu những điều kiện đó nên chủ nhân đành phải bỏ cuộc chơi sau một thời gian theo đuổi. Thành thử tuy sưu tầm ngoạn cổ là một thú vui cao nhã, người chơi phải biết bền tâm, không nản chí, hoạt động được theo dỏi khi mạnh mẽ, sôi nổi, khi âm thầm, lặng lẽ để luôn luôn tiếp tục. Theo anh Sơn, một sinh viên, một công chức, dù với thu nhập khiêm tốn vẫn có thể đeo đuổi trò chơi nầy, với điều kiện là có niềm say mê và sự kiên nhẫn tích lũy về lâu về dài. Ngoài ra cũng nên chọn cho mình một loại nào phù hợp với sở thích và điều kiện tài chính. Hiện nay, một chung trà cổ giá khoảng hai ba trăm ngàn đồng một cái, như thế người bắt đầu chơi đồ cổ có thể tiết kiệm tiền để mỗi tháng mua một chiếc. Rồi cứ hàng tuần, hàng tháng lại ra công sục sạo, năm này qua năm nọ tìm tòi mua thêm từng chiếc một để bổ sung dần. Sau đôi ba chục năm ắt sẽ hình thành một bộ sư tập vô cùng giá trị, xứng đáng với công bỏ ra, mà trong suốt thời gian đó còn được hưởng niềm vui vô tận của cuộc chiêm nghiệm những câu thơ sâu sắc, ngắm phong cảnh nên thơ khắc họa trên các chung trà, qua đó cả một bề dày văn hóa của nhiều thời đại quá khứ hiển hiện lại trước mắt người đời nay.

Như đã thấy trong cuốn sách trước, anh Sơn chú trọng đến nhiều loại đồ cổ nhưng trong cuốn nấy, anh chỉ hạn chế vào các dĩa trà ký kiểu của người Việt Nam. Không muốn sách mang nặng tính chuyên môn như loại sách nghiên cứu, anh đã cho trình bày một cách thanh thoát để bạn đọc tùy ngẫu hứng không cần thứ tự mở sách ra xem xét từng chiếc tranh, ngâm nga từng bài thơ, tận hưởng từng giải thích. Vừa rồi nhân viết bài về cây ngô đồng, tôi vui thích thấy trong sách mấy dĩa có vẽ lá ngô đồng với một câu tìm ra trong thơ cổ

Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu

Dịch:

Một lá ngô đồng rụng
Khắp nơi biết thu đến


Nói đến ngô đồng tất nhiên nghĩ đến cây đàn của Bá Nha mà Bá Nha thì đi đôi với Tử Kỳ. Không có Tử Kỳ thì mấy ai biết đến Bá Nha? Trong sách anh Sơn có đến ba dĩa Bá Nha gặp Tử Kỳ. Xin chỉ trích một câu thơ cổ

Ty đồng khinh tháo lộng
Lưu thủy ngộ tri âm

Dịch:

Tơ đồng nhẹ nhàng gảy
Lưu thủy gặp tri âm.


Những bài thơ năm chữ nầy tuy ngắn nhưng bao hàm biết bao ý nghĩa, làm tôi nghĩ đến những câu haiku của phái Zen Nhật Bản, những bài thơ ngắn ngày nay thường được viết cho những nhà thư pháp, gói gắm trọn vẹn trong một trang giấy. Nhìn xuống dưới, mấy hàng phụ chú cống hiến một giải thích làm hài lòng kẻ tò mò: Đồ sứ đặt làm năm Giáp Tý (1804), kỷ niệm thời điểm triều Thanh chính thức công nhận nước Việt Nam và tuyên phong cho vua Gia Long. Thì ra dĩa trà còn có một ý nghĩa lịch sử, chứng tích của một thời đại.


.


Một cuốn sách như cuốn Những nét đan thanh đóng góp nhiều vào cuộc tìm hiểu tâm hồn người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng. Trong mỗi dĩa trà, sự tích, câu thơ cần thiết đã đành mà còn phải nhìn đến nghệ thuật trình bày, nét vẽ của họa sĩ. Thành thử để thấu hiểu sâu xa một đồ cổ loại nầy, kiến thức về điển tích, thơ văn chưa đủ, người ngoạn cổ còn phải thông thạo hội họa thủy mặc. Liệu có được bao người làm sưu tầm với đủ những điều kiện ấy! Tôi tin anh Trần Đình Sơn không phải là người đầu tư trong đồ cổ để sinh lợi về sau. Anh bỏ công, bỏ của làm công việc sưu tầm chỉ vì là một sở thích, một đam mê. Viết thành sách thành quả của mình là vì anh muốn chia sẻ nổi vui thích của mình với bao người khác. Đằng khác, tạo cho con cái có cơ hội tiếp xúc không gian cổ, truyền cho các con lòng yêu văn hóa, thi ca dân tộc là một việc làm vô cùng bổ ích không những cho gia đình mà cho cả đất nước, một việc mà mọi cha mẹ biết trách nhiệm của mình cần phải luôn nghĩ tới.


Bài đã đăng Văn hóa Phật giáo 54 (01.04.2008)
về già đọc lại, nhà dưỡng lão La Faiencerie thành Xô tháng 7.2020

Võ Quang Yến

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss