Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Guy Debord và Xã hội diễn cảnh

Guy Debord và Xã hội diễn cảnh

- Nguyễn Tùng — published 04/03/2014 19:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19



Guy Debord và xã hội diễn cảnh


Nguyễn Tùng


LTS : Nhà xuất bản Tri Thức vừa phát hành cuốn Xã hội diễn cảnh (La Société du spectacle) của Guy Debord, do Nguyễn Tùng dịch, chú giải và giới thiệu. Chúng tôi đăng lại dưới đây bài giới thiệu của người dịch.



Có một cuộc sống “đầy tiếng ồn và cuồng nộ”, bị bệnh nặng do say rượu hầu như suốt đời, kết thúc bằng sự tự sát, Guy Debord là một hiện tượng kỳ lạ của giới trí thức Pháp vào nửa sau của thế kỷ 20: chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Marx, ông thường được xem như là thuộc cánh cực tả chủ trương cách mạng triệt để; tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là cuốn La Société du spectacle [Xã hội diễn cảnh] thường được nhiều người đánh giá hoàn toàn trái ngược nhau…; thế mà, cách đây hơn ba năm, ông lại được chính quyền Pháp (lúc đó do phái hữu nắm) chính thức công nhận là “bảo vật quốc gia” và bỏ ra gần ba triệu euro để mua các tư liệu lưu trữ của ông !

debord


Tiểu sử :


Sinh ở Paris năm 1931, Guy-Ernest Debord có mẹ thuộc một gia đình tư sản trung lưu chủ nhà máy sản xuất giày. Cha ông chỉ là một điều chế viên dược, bị bệnh ho lao sau khi sinh ra ông, rồi chết khi ông lên 4, nên hai cha con hầu như không có quan hệ gì với nhau.

Trước thế chiến 2, sau khi dọn xuống Nice, mẹ Debord sống và có thêm hai con (một gái và một trai) với Domenico Bignoli, một người Ý dạy lái ô tô và hoạt động cho cho phát xít Ý ở vùng Côte d’Azur, mà Debord rất quý. Nhờ ông Bignoli, Debord biết tiếng Ý. Năm 1942, gia đình ông dời đến Pau. Năm sau, mẹ Debord lại yêu một công chứng viên giàu có, nên đoạn tuyệt với Bignoli. Năm 1945, gia đình mới lại dời đến Cannes, nên Debord học trung học rồi đậu tú tài ở đây vào năm 1951. Năm 1952, mẹ Debord lại yêu một người đã có vợ và dan díu với ông này trong gần 30 năm.

Theo Christophe Bourseilleri, do hầu như không có cha, Debord luôn ngờ vực các « khuôn mặt cha » ; chính vì thế mà ông đã chống phá những người mà ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc như André Breton (1896-1966), Cornelius Castoriadis (1922-1997), Henri Lefebvre (1901-1991)…, theo kiểu một đứa con hay có ý nghĩ giết cha !


Phong trào chữ cái (lettrisme)


Bước ngoặt đầu tiên trong đời Debord là cuộc gặp Isidore Isouii vào tháng 4.1951: bên lề liên hoan điện ảnh Cannes, Isou đã gây tai tiếng với việc chiếu cuốn phim của ông : Traité de bave et d'éternité (Hiệp ước nước dãi và vĩnh hằng) với ba kỹ thuật độc đáo là dùng lối dựng phim chênh lệch (montage discrépant) tức là tách rời băng âm và băng hình, dùng các bài thơ chữ cái để làm băng âm và dùng lại những đoạn phim cũ bị cắt bỏ (found footage). Isou cho rằng cách duy nhất để làm một cuốn phim độc đáo là phá hủy ngay chính các nền tảng của nó. Debord đã gia nhập phong trào chữ cái, khi mới 20 tuổi.

Do chịu ảnh hưởng của Isou, Debord đã viết bản tóm tắt cuốn phim Hurlements en faveur de Sade (Gào thét vì Sade) mà ông định quay, đăng trong tạp chí Ion, số 1, tháng 4.1952. Nhưng chỉ hơn nửa năm sau đó, Debord đã rời bỏ Isou và cùng với vài người khác lập ra ở Paris, vào tháng 12. 1952, nhóm Quốc tế chữ cái (Internationale lettriste, viết tắt là IL) lập trường chính trị gần với những người vô chính phủ và mácxít cách mạng. Nhóm này xuất bản tạp chí cùng tên, chỉ ra được bốn số với số độc giả không đáng kể. Tuy mang tên là « Quốc tế », họ chỉ có khoảng mươi người tham gia, trên cả thế giới !

Trước khi ra báo IL khoảng hơn một tháng, vào ngày 29.10.1952, Debord và vài « đồng chí » của ông đã phá hoại cuộc họp báo của vua hề Charlie Chaplin ở khách sạn Ritz (Paris) để giới thiệu cuốn phim nổi tiếng Limelight (Ánh đèn sân khấu) và rải truyền đơn tố cáo Chaplin là « kẻ lừa đảo tình cảm, kẻ doạ dẫm để tống tiền sự đau khổ », là « phát xít giấu mặt » (fasciste larvé)… Hai ngày sau, Isodore Isou cùng hai « đồng chí » trung thành với ông, cho đăng trong báo Combat (1.11.1952) thông cáo công khai chối bỏ hành động của nhóm Guy Debord, đánh dấu sự đoạn tuyệt giữa họ.

Trong tuyên ngôn đăng trong số 2 của IL (2.1953), Debord cùng các « đồng chí » khác cho rằng họ « đã đuổi cổ Isou vì ông ta đã tin vào sự hữu ích của việc để lại các dấu vết », họ tố cáo nhà thơ siêu thực André Breton là « tên chỉ điểm mà ai cũng biết », họ chủ trương phải có những hành động « khiêu khích » (provocation), « tuyệt đối không lao động (il ne faut absolument pas travailler) », « chối từ thảo luận », « quan hệ giữa người và người phải lấy sự đam mê, nếu không phải là sự khủng bố, làm nền tảng » !

Trong bài « Phải bắt đầu lại chiến tranh Tây Ban Nha » ký tên nhiều người đăng ở số 3 của IL (8.1953), họ viết : « Chúng tôi kêu gọi các đảng cách mạng vô sản tổ chức một cuộc can thiệp vũ trang để ủng hộ một cuộc cách mạng mới » ở Tây Ban Nha.

Sau số IL cuối cùng phát hành vào tháng 6.1954, nhóm lại ra tạp chí Potlatchiii : từ ngày 22.6.1954 đến 5.11.1957, tạp chí này ra được cả thảy 29 số.

Năm 1954, Guy Debord kết hôn với nhà văn nữ Michèle Bernsteiniv.

Chương trình của Potlatch  là « thiết lập có ý thức và tập thể một nền văn minh mới »v. Trong tạp chí Bỉ Les Lèvres nues (1954-1957), Debord đề ra chủ trương « dérive » (trôi giạt), một lối vui chơi « hoàn toàn khác với các quan niệm cổ điển về du lịch và dạo chơi »vi  Cũng trong tạp chí này, cùng viết với Wolman, Debord đã cho đăng vào năm 1956 một bài quan trọng : Mode d'emploi du détournementvii [Cách sử dụng sự chuyển đổi] sẽ được trình bày dưới đây.

Thông qua các hoạt động có tính khiêu khích, IL tuyên truyền cho việc sử dụng các nghệ thuật một cách cách mạng. Họ cho rằng sự khủng hoảng của nghệ thuật là triệu chứng của sự xuất hiện của một hiện tượng mới rộng lớn hơn : đó là khả năng trực tiếp thực hiện, lần đầu tiên trong lịch sử, sự kết hợp giữa nghệ thuật và cuộc sống, « không phải để hạ thấp nghệ thuật vào cuộc sống hiện tồn tại, mà trái lại để nâng cao cuộc sống lên đến điều mà Nghệ thuật đã hứa hẹn »viii, nhờ chiếm lấy những phương tiện mà giai cấp tư sản đã phát triển do họ đã làm tăng thêm sự chế ngự thiên nhiên.


Quốc tế tình huống


Quốc tế tình huống (Internationale situationniste, viết tắt : IS) được chính thức thành lập vào ngày 28.7.1957 ở hội nghị Cosio di Arroscia (Ý) với sự tham gia của tám người sau đây : Michèle Bernstein, Guy-Ernest Debord (Quốc tế chữ cái). Giuseppe Pinot Gallizio, Asger Jorn, Walter Olmo, Piero Simondo, Elena Verrone (Phong trào quốc tế vì một Bauhaus imaginisteix ở Ý), Ralph Rumney (Hội tâm-địa học Londonx). Đường lối của Quốc tế này chủ yếu dựa trên Báo cáo về sự xây dựng các tình huống và về các điều kiện tổ chức và hành động của khuynh hướng tình huống quốc tế xido Guy Debord viết. Trong báo cáo này, Debord chủ trương phải « thay đổi thế giới » và phải vượt tất cả các hình thức nghệ thuật bằng sự sử dụng các phương tiện đảo lộn cuộc sống thường nhật. Ý tưởng trung tâm của IS là « xây dựng cụ thể các tình huống » tức là các « bầu không khí nhất thời của cuốc sống, và biến đổi chúng thành chất lượng đam mê cao hơn ».

Là một tổ chức cách mạng cực tả, nó muốn đoạn tuyệt với xã hội có giai cấp và sự chuyên chính của hàng hoá, do tiếp thu ảnh hưởng của nhiều trào lưu cách mạng xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, chủ yếu là tư tưởng mácxít của Anton Pannekoek, Rosa Luxemburg, của quan niệm cộng sản đề cao vai trò của các hội đồng cũng như của nhóm Socialisme ou Barbariexii (Chủ nghĩa xã hội hay sự dã man, viết tắt là S ou B) hoạt động từ cuối những năm 1940, của Henri Lefebvrexiii với sự quan tâm phê phán cuộc sống hằng ngày... Ít ra trong vài năm đầu, IS muốn vượt các trào lưu tiên phong về nghệ thuật của nửa đầu thế kỷ 20 là phong trào đađa (dadaïsmexiv), phong trào siêu thực (surréalismexv) và phong trào chữ cái (lettrisme). Nó cũng muốn tái chiếm hữu hiện thực, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Lúc đầu, những người tình huống muốn lôi cuốn sự chú ý của thiên hạ bằng việc sử dụng lối nói hai nghĩa (calembour) như là vũ khí, để chế nhạo nghệ thuật đương đại và để chứng minh sự phù phiếm và nông cạn của văn hoá gọi là tư sản.

Từ tháng 6.1958 đến tháng 9.1969, họ phát hành được 12 số của tạp chí Quốc tế tình huống do Debord làm giám đốc.

Năm 1959, ông thực hiện phim Sur le passage de quelques personnes à travers une assez courte unité de temps [Trên lối đi của vài người xuyên qua một đơn vị thời gian khá ngắn].

Càng ngày Debord càng ít quan tâm đến cái chết của nghệ thuật, mà muốn vượt nghệ thuật bằng sự phê phán toàn bộ xã hội. Cái mới lạ mà IS đem tới không phải là sự tố cáo chủ nghĩa tư bản và sự tha hoá, mà là sự phê phán triệt để, về hình thức cũng như về nội dung, hệ thống thị trường tha hoá cá nhân trong đời sống hằng ngày. Như vậy vào đầu những năm 1960, Debord và các đồng chí của ông tin tưởng vào một cuộc cách mạng xã hội. Họ tuyên bố muốn tiếp tục thực hiện Công xã 1871xvi.

Từ hơn mười lăm năm nay dấy lên một cuộc tranh luận đôi khi khá gay gắt về ảnh hưởng của nhóm S ou B (đặc biệt là của Cornelius Castoriadisxvii) đối với Guy Debord. Trong khi Vincent Kaufmannxviii muốn « đánh tan » « sự hiểu lầm » về ảnh hưởng nói trên, thì các chứng từ của Pierre Guillaumexix và Daniel Blanchardxx cũng như các nghiên cứu của Bernard Quirinyxxi, Stephen Hastings-Kingxxii Daniel Lindenberg xxiii đã chứng minh ngược lại.

Theo một bức thư của chính Debord, năm 1958 ông đã tiếp xúc với số thành viên trẻ trong nhóm S ou B nhưng không mấy cảm tình vì ông nhận thấy họ: «máy móc đến mức kinh hoàng. Họ chẳng mácxít gì cả mà là duy công nhân (ouvriériste) […] : giai cấp vô sản là Thượng đế ẩn giấu của họ. Các ý đồ của thượng đế là không thể lý giải được, và các nhà trí thức phải tự hạ mình, và chờ đợixxiv »

Theo Daniel Blanchard (thành viên của S ou B với bí danh là Pierre Canjuers), năm 1959, ông đã gặp Debord lần đầu. Blanchard đã cùng Debord viết bài « Thoả thuận sơ bộ cho một sự xác định về sự thống nhất chương trình cách mạng » được xuất bản ngày 20.7.1960xxv. Tư liệu này chủ yếu bàn về chủ nghĩa tư bản và văn hoá. Nó đưa quan niệm vốn có của S ou B về sự kiện xã hội tư bản bị chia thành các người lãnh đạo và người thừa hành vào lĩnh vực văn hoá mà IS đặc biệt quan tâm.

Debord et Canjuers cũng đã nói đến « diễn cảnh » như là « phương thức thống trị thiết lập quan hệ giữa người và người ». Theo họ « chính thông qua diễn cảnh mà con người có ý thức – bị làm lệch lạc – về vài mặt của toàn bộ đời sống xã hội ». Họ minh nhiên xác định rằng « quan hệ giữa các tác giả và khán giả chỉ là một sự chuyển vị (transposition) quan hệ cơ bản giữa những người lãnh đạo và những người thừa hành ». « Và sự hoàn thiện của xã hội tư bản thể hiện phần lớn sự hoàn thiện của cơ chế tạo thành diễn cảnh  xxvi »

Nói chung, ảnh hưởng của S ou B trong tư liệu này là khá rõ nét. Chỉ vài tháng sau đó, Debord khẳng định trong thư gửi cho André Frankin, là Canjuers là tác giả của « ít ra hai phần ba văn bảnxxvii ».

Nếu số 5 của IS (phát hành tháng 12.1960) có nhắc đến việc xuất bản văn kiện « Thoả thuận sơ bộ… », thì ngược lại S ou B hoàn toàn không nhắc đến có lẽ vì họ xem thường nó, dù theo P. Guillaume, Canjuers đã phân phối nóxxviii.

Pierre Guillaume và Debord gặp nhau lần đầu tiên ngày 27.10.1960 trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh Algérie và trong những tháng sau đó họ đã gặp nhau nhiều lần. Pierre Guillaume đã ra sức lôi kéo Debord gia nhập S ou B. Debord đã tham gia nhiều buổi họp của nhóm và của ban biên tập tạp chí.

Ta tìm được nhiều âm vang về các các cuộc gặp gỡ và tham gia này trong các thư của Debord. Stephen Hastings-King, khi nghiên cứu các tư liệu nội bộ của nhóm, nhận định rằng sự tham gia của Debord thường rất kín, trừ buổi họp ngày 22.5.1961 khi ông tuyên bố rời nhóm.

Trong bức thư rút ra khỏi nhóm đề ngày 5.5.1961xxix, Debord tố cáo hiện tượng « ngôi sao » (tức « vedette », rõ ràng là ám chỉ Castoriadis) trong các cuộc tranh luận và cãi vã nội bộ. Điều đó chứng tỏ Debord không chấp nhận vị trí bá quyền của Castoriadis trong sự điều hành và định hướng lý thuyết của nhóm.

Theo Pierre Guillaume, sự ra đi của Debord kéo theo sự ly khai của khoảng mười thành viên S ou B. Debord không cho họ gia nhập IS. Theo Christophe Bourseiller, sự từ chối đó phản ánh « quan điểm duy ưu tú » (vision élitiste) của Debordxxx

Nhưng chỉ từ số 9 của IS (8.1964) trở đi, Debord mới công khai đả kích Castoriadis chống chủ nghĩa Marx và lý thuyết mácxít về lịch sử trong khi IS vẫn trung thành với chúngxxxi.

Debord đã rút ra nhiều ý tưởng từ các bài viết của Castoriadis trong thập niên 1950 và vào đầu thập niên 1960, đặc biệt là bài « Phong trào cách mạng dưới chủ nghĩa tư bản hiện đạixxxii»

Nhưng trong khi Castoriadis liên tục tiến hành tự phê bình về lý thuyết và do đó nhận ra các luận điểm của chính ông đã chịu ảnh hưởng những gì của chủ Marx mà ông từ từ lìa xa, thì Debord lại lui vào một thứ giáo điều không nhân nhượng, nên chối bỏ chuyển biến tư tưởng của Castoriadis từ 1964 trở đi, được thể hiện trong các văn kiện như « Làm lại cách mạngxxxiii », « Chủ nghĩa Marx và lý thuyết cách mạngxxxiv ». Sử gia Mỹ Stephen Hastings-King đã chứng tỏ rất rõ là, sau khi rời bỏ S ou B, để đoạn tuyệt với Castoriadis về lý thuyết, Debord đã lao vào trong một chủ nghĩa Marx theo quan niệm của Lukacs mà ta thấy dấu vết trong nhiều luận điểm của Xã hội diễn cảnhxxxv. Theo Hastings-King, « đối với Debord, Lukacs trở thành một văn bản cơ bản do ông chối bỏ quan niệm của S ou B cho rằng thế giới tưởng tượng của chủ nghĩa Mác bị khủng hoảng nên dẫn đến một sự bế tắc về ý niệm. Debord sử dụng Lukacs để kết hợp các lý thuyết của mình về nghệ thuật với một chủ nghĩa Marx cứng đờxxxvi. »

Theo Bernard Quiriny, có lẽ ý niệm « diễn cảnh » nổi tiếng của Debord đã chịu ảnh hưởng của đoạn sau đây trong bài « Phong trào cách mạng dưới chủ nghĩa tư bản hiện đại » : « Như vậy, diễn cảnh [...] trở thành mô hình xã hội hoá đương đại, trong đó mỗi người đều thụ động trong quan hệ với cộng đồng và không thấy nữa tha nhân như là chủ thể trao đổi, truyền thông và hợp tác, mà là như một vật thể trơ ì giới hạn các hoạt động của mìnhxxxvii »

Trong Xã hội diễn cảnh, khi Debord phân biệt « diễn cảnh tập trung » (spectaculaire concentré) với « diễn cảnh khuếch tán » (spectaculaire diffus), ông đã lấy lại, dưới các thuật ngữ khác, sự đối lập nhau giữa « chủ nghĩa tư bản toàn diện » (capitalisme bureaucratique total) với « chủ nghĩa tư bản chia cắt » (capitalisme bureaucratique fragmenté) mà Castoriadis đã đề nghị trước đó từ lâu.

Và rõ ràng là Debord đã lấy lại quan niệm xem các hội đồng như là nền tảng của một lý thuyết về tự quản như René Riesel đã triển khai trong « Nhận định sơ bộ về tổ chức dựa trên các hội đồngxxxviii »

Theo Hastings-King, « S ou B đã đóng một vai trò cơ bản trong biến chuyển của Debord từ nghệ sĩ sang nhà cách mạng bảo vệ chủ nghĩa Mác chính thống chống lại tà thuyết (heresy). Quan hệ này thể hiện ở hai mức độ : thông qua các quan hệ cá nhân trực tiếp và thông qua các lập trường mà S ou B chiếm trong các trang của ISxxxix»

Bill Brown cho rằng « một nghiên cứu chi tiết ảnh hưởng của S ou B trên IS có lẽ sẽ giúp cho việc phi huyền thoại hoá Debord : nó cho phép đánh tan sương mù thần thánh hoá Debord được không ít tác giả xem như là một thiên tài cô đơn hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của ai hết !xl»

Năm 1960, Debord ký Tuyên ngôn của 121 nhà trí thức Pháp chống chiến tranh Algeria.

Sau phim Trên lối đi qua của vài nhân vật thông qua một đơn vị thời gian rất ngắn (quay năm 1959), Debord lại thực hiện phim Phê phán sự tách biệt vào năm 1961. Trong hai phim này, ông tố cáo đời sống bị tha hoá, trong đó mỗi người đánh mất đời sống của mình để gặp những người khác trong thế giới bị tách biệt của hàng hoá.

Năm 1962, do có sự chia rẽ giữa các nhà « nghệ sĩ » và những người chỉ muốn làm cách mạng, Debord khai trừ những nhà « nghệ sĩ » ra khỏi IS.



Phong trào tháng 5.1968



Giám đốc tạp chí IS, Debord đề ra các « luận điểm Hamburg »xli chủ yếu dựa trên luận điểm cuối cùng của Marx về Feuerbach : « Phải thực hiện triết học » cộng với dự án vượt và thực hiện nghệ thuậtxlii

Tư liệu đầu tiên làm dư luận Pháp biết đến IS là cuốn sách mỏng có tựa đề là Về sự khốn khổ trong giới sinh viên,xliii không ghi tên tác giả – nhưng sau này người ta biết chủ yếu là do Mustapha Khayati (người Tunisia) thảo – được công bố ở Strasbourg ngày 22 novembre 1966, tư liệu này đã gây tai tiếng ngay sau khi được phân phối đến mức nhật báo Le Monde, trong số ra ngày 26.11.1966, đã nhận định với không ít cường điệu : « Quốc tế tình huống nắm quyền nơi các sinh viên Strasbourg ».

Nhưng phải đợi thêm một năm nữa IS mới được báo chí Pháp bàn luận đến nhiều với hai cuốn sách được xuất bản kế tiếp nhau : La Société du spectaclexliv (Xã hội diễn cảnh) của Guy Debord (được NXB Buchet/Chastel phát hành ngày 14.11.1967) và Traité de savoir-vivre à l'usage des jeunes générationsxlv (Chuyên luận về lễ nghĩa dành cho các thế hệ trẻ) của Raoul Vaneigem (được Gallimard phát hành ngày 30.11.1967).

Nhờ ba văn bản trên đây, IS đã cung cấp cho phong trào tháng 5.1968 một số ý tưởng mới. Đối với Debord, đây là « một phong trào cách mạng vô sản, lại đột hiện sau nửa thế kỷ bị đè bẹp »xlvi

Trong số 12, tức số cuối cùng của IS, xuất bản vào tháng 12.1969, trong bài « Vấn đề tổ chức cho IS » (viết vào tháng 4.1968), Debord nhận định : « Bây giờ, IS phải chứng tỏ sự hiệu quả của nó trong một giai đoạn sau của hoạt động cách mạng – hay biến mất đi », vì chúng tôi « đã không bao giờ xem IS như là một mục đích, mà như là một thời điểm của một hoạt động lịch sử »xlvii.

Trong cuốn Sự thực về sự chia rẽ trong Quốc tế tình huốngxlviii, Debord cho rằng một phong trào tiên phong phải biết chết khi đã lỗi thời (faire son temps). Phải chăng vì thấy Quốc tế tình huống đã bị như thế, nên vào năm 1972, nó đã tự giải tán ?

Vào lúc đông nhất, IS chỉ có ở Pháp 15 thành viên chính thức trong số đó nhiều người đã bỏ đi (như Michèle Berstein, 1967, René Viénet, 1971) hay bị Debord khai trừ (như Théo Frey, Édith Frey, Jean Garnault, Herbert Holl, 1967) !


Sau Quốc tế tình huống


Năm 1972, chỉ vài tháng sau khi ly dị với bà Michèle Bernstein, ông lấy bà Alice Becker-Ho (nhà văn, có cha Đức và mẹ Hán) đã chung sống với ông từ nhiều năm.

Từ năm 1972, Debord ngày càng sống lang thang : tùy theo mùa, ông ta lưu trú ở Paris, ở vùng Auvergne (Pháp) và ở vùng Toscana (Ý). Chính ở Ý, ông đã quan sát chính sách đàn áp của nhà nước chống lại các cuộc nổi dậy của công nhân. Debord tiếp tục hoạt động bên cạnh Gianfranco Sanguinetti, một nhà sản xuất rượu vang ngườiÝ, cựu thành viên của Quốc tế tình huống và là bạn thân của ông.

Trước đó một năm, tức vào 1971, ông gặp Gérard Lebovici, một người đã làm giàu nhờ các hoạt động điện ảnh (sản xuất phim, làm ông bầu cho nhiều diễn viên Pháp nổi tiếng) rồi mở nhà xuất bản Champ libre. Lebovici tài trợ cho Debord thực hiện phim phóng tác cuốn Xã hội diễn cảnh (1973), và nhất là cuốn phim In girum imus nocte et consumimur igni (Chúng tôi không tìm ra lối thoát trong đêm và rốt cuộc bị lửa thiêu, 1978). Trong cuốn phim sau, mà nhà điện ảnh Olivier Assayas ca tụng hết lời, Debord tổng kết với sự u buồn các hoạt động nghệ thuật và chính trị của ông và dường như từ bỏ các hy vọng cách mạng, mười năm sau phong trào tháng 5.1968.

Từ năm 1972 trở đi, do chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của Debord, nhà xuất bản Champ libre của Gérard Lebovici đã in sách của nhiều tác giả mà Debord cho là quan trọng : Gracián, Clausewitz, August von Cieszkowski, Anacharsis Cloots, Bruno Rizzi… Mục đích của Debord là phơi bày hiện thực và phi huyền thoại hoá nhằm chống lại sự tha hoá phổ biến và sự điều kiện hoá con người bằng các phương tiện truyền thông đại chúng.

Sau khi Lebovici bị ám sát ngày 5.5.1984, Debord bị đa số báo chí Pháp chỉ trích, thậm chí vài tờ đã xem ông trực tiếp hay gián tiếp chịu trách nhiệm về vụ ám sát này. Debord đã kiện họ và đã thắng kiện. Sau đó ông đã viết cuốn Nhận định về vụ ám sát Gérard Lebovici trong đó ông lên án những người đã vu cáo hoặc đã bảo vệ ông vì theo ông họ đều là nhưng người phục vụ cho « hệ thống láo khoét diễn cảnhxlix ». Để tôn vinh Lebovici, ông chính thức xuất hiện trong danh mục của Champ libre được đổi tên thành NXB Gérard Lebovici

Năm 1988, ông xuất bản bài Commentaires sur la société du spectaclel (Bình luận về xã hội diễn cảnh) trong đó ông ghi nhận sự hội tụ (vừa xảy ra) của « diễn cảnh tập trung » và « diễn cảnh khuếch tán » để tạo thành « diễn cảnh chỉnh hợp » (intégré).

Trong cuốn tự truyện Panégyriqueli (Lời ca ngợi) gồm hai tập, ông nói rõ là ông uống rượu suốt ngàylii : « điều rõ ràng đã có ảnh hưởng quyết định đến cả cuộc đời của tôi, là thói quen uống rượu […] từ các thứ rượu vang đến các loại rượu mạnh và bia […], cái mà chắc chắn tôi đã làm giỏi nhất là uống rượu […], tôi đã uống nhiều hơn hẳn hầu hết những người hay uống rượu ». Ông thừa nhận : « tất cả điều này khiến tôi còn ít thì giờ để viết và đó là đúng là điều thích hợp với tôi : nên viết rất ít, vì trước khi tìm ra cái xuất sắc, phải uống rượu thật nhiều » như Lý Bạch. Ông tự cho mình ở trong số những người « ưu tú » « chỉ say một lần thôi, nhưng lần say đó kéo dài suốt đời », theo câu nói của Baltasar Gracián, nhà văn Tây Ban Nha mà ông khâm phục.

Biết mình bị bệnh viêm nhiều dây thần kinh do nghiện rượu nặng (polynévrite alcoolique), Debord tự sát ở nhà ông gần Bellevue-la-Montagne (Haute-Loire) ngày 30.11.1994.

Ngay từ năm 1992, Gallimard, nhà xuất bản lớn và rất có uy tín của Pháp, đã xuất bản cuốn Xã hội diễn cảnh, rồi các cuốn khác của ông. Năm 2006, toàn bộ các sách của Debord cũng như các văn bản chưa xuất bản đã được tập hợp thành cuốn Œuvres (Tác phẩm).

Ngày 29.1.2009, nhà nước Pháp (dù do cánh hữu nắm quyền) đã ra nghị định sắp toàn bộ các tư liệu lưu trữ của Debord vào di sản quốc gia để chống lại việc Đại học Yale (Mỹ) muốn mua chúng. Nghị định này cho rằng chúng có « tầm quan trọng lớn cho lịch sử các ý tưởng của hậu bán thế kỷ 20 và cho việc nhận thức về các việc làm luôn gây tranh cãi của một trong số các trí thức lớn của thời kỳ này liii». Vào đầu tháng 3.2010, Thư viện quốc gia Phápliv đã bỏ ra 2,75 triệu euros để mua các tư liệu lưu trữ nói trên trong đó có khoảng 1400 thẻ đọc mà một phần ba là về binh pháp và chiến lược. Debord có lần tâm sự với triết gia Ý Gorgio Agamben ông không phải là triết gia mà là một nhà chiến lược : ta đừng quên là vào khoảng năm 1955, ông đã sáng tạo « trò chơi chiến tranh » (jeu de la guerre), dựa trên lý thuyết của Clausewitz về chiến tranh. Điều này cũng giải thích tại sao cuộc triển lãm về Guy Debord do Thư viện Quốc gia Pháp tổ chứclv lại lấy tên là « Guy Debord, un art de la guerre » [Guy Debord, một nghệ thuật về chiến tranh].


Xã hội diễn cảnh


Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Guy Debord. Bắt chước lối viết của Marx trong cuốn Thesen über Feuerbach (Luận điểm về Feuerbach), Xã hội diễn cảnh gồm cả thảy 221 luận điểm thường độc lập với nhau và được chia thành 9 chương. Cái độc đáo thứ hai của cuốn sách là tác giả sử dụng một cách có hệ thống phương pháp « chuyển đổi » (détournement). Trong bài Cách sử dụng sự chuyển đổilvi đăng năm 1956, Guy Debord và Gil J. Wolman cho rằng không những ta « có thể sửa chữa một tác phẩm hay sáp nhập những đoạn của các tác phẩm đã lỗi thời vào một tác phẩm mới mà còn có thể thay đổi nghĩa của các đoạn và giả mạo, bằng bất cứ cách nào ta cho là tốt, cái mà những tên ngốc vẫn ngoan cố gọi là trích dẫn ». Theo hai ông, làm như thế đỡ phí sức, và nhà thơ Lautréamont (1846-1870) là người đã đi rất xa trong việc dùng phương pháp này : tập thơ les Chants de Maldoror của ông là một « chuyển đổi rộng lớn » (vaste détounement) các tác phẩm về lịch sử tự nhiên của Buffon.

Trong Xã hội diễn cảnh, Debord thường trích một câu hay một đoạn văn của một tác giả nổi tiếng rồi thay đổi một vài từ để làm chúng biến nghĩa hoàn toàn. Chẳng hạn Debord đã chuyển đổi câu đầu tiên trong cuốn Tư bản luận của Marx « Sự giàu có của các xã hội trong đó phương thức sản xuất tư bản ngự trị tự báo hiệu như là một sự tích lũy khổng lồ hàng hoá » thành «  Tất cả đời sống của các xã hội trong đó các điều kiện sản xuất hiện đại ngự trị, tự báo hiệu như là một sự tích lũy khổng lồ các diễn cảnh.»

Năm 1973, Debord đã ghi lại các trích dẫn và các chuyển đổi mà ông đã thực hiện trong cuốn Xã hội diễn cảnh để giúp những người muốn dịch cuốn sách nàylvii. Dựa trên bản ghi này, ta thấy hai tác giả được Debord « chuyển đổi » hay trích dẫn nhiều nhất là Marx (gần 60 lần) và Hegel (37 lần). Dường như Debord cố tình bắt chước lối viết rất trừu tượng và tối tăm của Hegel, nên trong Xã hội diễn cảnh có nhiều từ, cụm từ, câu và đoạn văn rất khó hiểu.

Đôi khi ta tự hỏi : trong chừng mực nào đó, phải chăng sự nổi tiếng của cuốn sách này một phần là nhờ cái tên của nó. Đối với nhiều người chưa hề đọc hay chỉ đọc lướt qua cuốn sách này, « xã hội diễn cảnh » là xã hội mà trong đó mọi sự kiện, hiện tượng, định chế đều có tính cách trình diễn, tức là được tổ chức để có tác động như là một diễn cảnh. Do đó, từ bốn thập niên nay, ở Pháp nhiều người hay dùng các thành ngữ được tạo với từ « spectacle » như : l'État-spectacle (Nhà nước - diễn cảnh), délinquance-spectacle (tội phạm - diễn cảnh), protestation-spectacle (phản kháng - diễn cảnh), information-spectacle (thông tin - diễn cảnh), politique-spectacle (chính trị - diễn cảnh)... Thế mà, theo quan niệm của Debord, từ này có nghĩa khác hẳn : « Diễn cảnh không phải là một tập hợp hình ảnh, mà là một quan hệ xã hội giữa những con người, qua sự trung gian của hình ảnh » (luận điểm 4). Debord phân biệt hình thức « diễn cảnh tập trung » (spectactacle concentré) ở các nước có chế độ độc tài (cụ thể là theo chủ nghĩa Stalin, phát xít hay Quốc-Xã) vớí hình thức « diễn cảnh khuếch tán » (spectacle diffus) ở các nước dân chủ phương Tây. Trong bài Bình luận về xã hội diễn cảnhlviii viết năm 1988, Debord xác định thêm là hai hình thức diễn cảnh trên đã xuất hiện vào những năm 1920 và đã chấm dứt vào cuối những năm 1980 vì chúng đã hợp nhất trong hình thức chung của « diễn cảnh chỉnh hợp » (spetaculaire intégré).

Cũng cần nói thêm rằng, trong cuốn Xã hội diễn cảnh, chỉ trong hơn 200 trang khổ (11 cm x 18 cm), Debord không những bàn về diễn cảnh mà còn đề cập đến hàng chục chủ đề khác nữa, và từ đông sang tây, tự cổ chí kim : về thời gian chu kỳ và thời gian không thể đảo ngược, về Trung Quốc và Ai Cập cổ đại, về chế độ chuyên chính quan liêu ở Liên Xô, về chiến tranh Tây Ban Nha, về sự tha hoá (aliénation), sùng bái hàng hoá (fétichisme de la marchandise), vật hoá (réification)… do chủ nghĩa tư bản hiện đại gây ra…

Đúng như Anselm Jappelix đã nhận định, Guy Debord đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của Marx, như quan niệm về tha hoá mà Marx đã trình bày trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 (Ökonomisch-philosophischen Manuskripte aus dem Jahre 1844) và lý thuyết về sự sùng bái hàng hoá trong Tư bản luận. Debord cũng đã chịu ảnh hưởng quan niệm « vật hoá » của Georg Lukàcs trong Lịch sử và ý thức giai cấplx.

Nhiều tác giả – như Anselm Jappe, Gérard Brichelxi và nhất là các lý thuyết gia phê phán giá trị (« wertkritik » của nhóm Krisis) – trách Debord còn dừng lại trong chủ nghĩa Marx truyền thống như khi ông ca ngợi vai trò của các hội đồnglxii. Trong Đội tiên phong không thể chấp nhận, suy nghĩ về Guy Debord, Anselm Jappe phê phán quan niệm cho rằng tư tưởng của Debord đang bị « xuyên tạc để lợi dụng » (récupéré) và « làm tan rã » (dissolu) thông qua sự phổ cập hoá ý niệm « diễn cảnh » trong các phương tiện truyền thông : ông chỉ ra các diễn dịch sai thường gặp về ý niệm này (như là sự làm cho chính trị biến tính, sự phát triển quảng cáo…). Nhưng theo ông, dù bị rất nhiều người hiểu sai, tư tưởng của Debord vẫn có tính « lật đổ » (subversif).

Trong Lời bàn bên lề cho bài « Bình luận về Xã hội diễn cảnh », triết gia Ý Giorgio Agamben đã ca ngợi Debord như một nhà tiên tri : « Khía cạnh đáng lo ngại nhất của các cuốn sách của Guy Debord là dường như lịch sử đã kiên trì khẳng định các phân tích của ông. Không những, hai mươi năm sau cuốn Xã hội diễn cảnh, bài « Bình luận về xã hội diễn cảnh » (1988) đã có thể ghi lại trong mọi lĩnh vực sự đúng đắn của các chẩn đoán và dự báo [của Debord], mà cả dòng chảy của các sự kiện, trong khoảng thời gian đó, đã diễn ra ngày càng nhanh hơn ở khắp nơi và đều theo cùng một hướng đến mức chưa đến hai năm sau khi bài « Bình luận… » được công bố, dường như lịch sử thế giới hiện nay chỉ là sự dàn dựng mô phỏng lố bịch của kịch bản mà nó chứa đựng lxiii»

Trái lại trong Chống Debord, Frédéric Schiffter đả kích gay gắt lý thuyết về diễn cảnh mà ông cho là chỉ nhai lại tư tưởng của Platon và Jean-Jacques Rousseau : « khái niệm diễn cảnh gợi ý là ‘bản chất’ của con người mất đi trong dòng chảy của thời gian từ khi xuất hiện phương thức sản xuất và trao đổi hàng hoá. Theo Debord, bản chất này lùi xa trong một biểu trưng. Nhưng bản chất đó là gì, thì Debord hoàn toàn không định nghĩa lxiv». 

Trên báo Le Monde, Daniel Bougnoux chỉ trích Debord đã bay trên các vấn đề mà không bao giờ hạ mình thực hiện các cuộc điều tra trên thực địa […] Sự quyến rũ của Debord là không thể bị phản bác và thoát khỏi mọi tranh luận, nhưng đó cũng là khuyết tật của ông. Nó là minh hoạ tốt nhất cho tư tưởng vô hại, triệt để đến mức không gây hại cho ai cả !lxv"

Ít gay gắt hơn nhiều, trong bài « À chacun son Debord » [Mỗi người có Debord của mình] đăng gần đây trong báo Le Monde, nhân dịp Thư viện Quốc gia Pháp tổ chức triển lãm « Guy Debord , un art de guerre »lxvi, Raphaëlle Rérolle đã đưa ra một số nhận định khá đúng về ông : « Về triết học, Debord không ăn khách nữa, dù một người như triết gia Ý Giorgio Agamben vẫn nhắc đến ông » ; « ta có thể nói rằng, tư tưởng của Guy Debord đã thất bại, bởi vì cách mạng đã không diễn ra. Sự phá hủy xã hội diễn cảnh mà ông mong muốn trong cuốn sách của ông không xảy đến », […] nhưng « tư tưởng của ông đã len lỏi vào cuốc sống của các cá nhân, trong cách mà họ nhìn thế giới, ngay trong cảm tính của họlxvii »

Độc đáo hơn cả, nhà văn Philippe Sollerslxviii đề nghị nên xem Debord như là một « thi sĩ lớn », một « nhà văn siêu hình học lớn » chứ không phải như là một nhà xã hội học hay một nhà tư tưởng hệ chính trị ! Và, nếu ông nhận định đúng, có lẽ ta nên xem Xã hội diễn cảnh như là một bài thơ dài lắm khi rất khó hiểu như thơ của Lautréamont mà Debord vốn tôn sùng !

Do sự khó hiểu này, trong hơn năm năm qua, tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để dịch Xã hội diễn cảnh và lắm khi tôi đã rất bực bội trước sự bất lực của mình, vì phải ở vào tư thế của một người không bao giờ biết được các giải đáp của mình cho các câu đố hiểm hóc – mà dường như Debord đã tạo ra – là đúng hay sai, vì Debord sẽ chẳng bao giờ gục hay lắc đầu ! Mỗi khi gặp khó khăn, tôi đều tham khảo ba bản dịch tiếng Anhlxix, nhưng chúng đã không giúp tôi được gì, vì các tác giả của chúng cũng đã ở vào tư thế giống hệt như tôi ! Trong lời tựa cho bản dịch tiếng Ý in lần thứ tư, Debord đã tố cáo gay gắt sự « bất cập tột độ » (extrême carence) của nhiều bản dịch mà theo ông chủ yếu là do « lợi nhuận của nhà kinh doanh lệ thuộc vào sự thực hiện nhanh lẹ và vào chất lượng xấu của vật liệu được sử dụng », chứ ông hoàn toàn không quy một phần trách nhiệm (không nhỏ chút nào !) cho lối viết (cố tình ?) tối tăm của ông. Dĩ nhiên, nếu bản dịch này còn nhiều câu chữ dịch sai hay nhất là khó hiểu, thì người dịch cũng xin nhận lấy phần trách nhiệm của mình, chủ yếu là do hiểu biết có hạn chứ không phải vì thiếu nổ lực. Rất mong độc giả rộng lượng thứ lỗi và chịu khó chỉ giáo !

Nguyễn Tùng



ii Isidore Isou (1925-2007), người Rumani, sáng lập ở Paris năm 1945 trường phái tiên phong chữ cái (lettrisme) chủ trương – ít ra là vào thời kỳ đầu - dùng các âm thanh (son), các từ tượng thanh (onotomatopée), âm nhạc của các chữ cái để làm thơ. Phát xuất từ một sự chống đối hoàn toàn mọi phong trào mỹ học hiện hữu mà Isou phân tích sự tiêu vong không thể nào tránh khỏi, ông đề nghị phải sáng tạo liên tục các hình thức mới, trong mọi lĩnh vực Theo Guy Debord, từ 1946 đến 1952, nhóm chữ cái đã tiến hành một sự khuấy động bổ ích, nhưng vì phạm sai lầm chấp nhận hoạt động trong khung cảnh chung giống như cũ, các thử nghiệm của họ là không đáng kể.

iii Potlatch là tên lễ hội của người Mỹ Ấn ở vùng Tây-Bắc châu Mỹ, trong đó có sự tranh đua tặng quà giữa các thủ lĩnh, xem Marcel Mauss, Luận về biếu tặng, Nguyễn Tùng dịch, NXB Tri Thức, 2011.

iv Bà đã tham gia Quốc tế chữ cái và, sau đó, Quốc tế tình huống mà bà chính thức ly khai năm 1967. Bà ly dị với Guy Debord năm 1972, nhưng họ vẫn giữ quan hệ mật thiết với nhau.

v Potlatch số 1, 22.6.1954, do Gallimard in lại, 1996, tr. 11.

vi  « Théorie de la dérive » [Lý thuyết trôi giạt], Les Lèvres nues số 9, 12.1956 ; trong Internationale Situationniste số 2, 12.1958, tr. 19 ; Arthème Fayard in lại nam 1997, tr. 51.

vii Guy-Ernest Debord, Gil J. Wolman, « Mode d'emploi du détournement », Les Lèvres nues, số 8, 5.1956.

viii Anselm Jappe, Guy Debord, NXB Sulliver/Via valeriano, 1998, tr. 92.

ix Do Asper Jorn (1914 – 1973), hoạ sĩ Đan Mạch, sáng lập năm 1953, phong trào này khuyến khích các nghệ sĩ vượt qua các biên giới của chuên ngành của họ và suy nghĩ về vai trò cần có của nghệ thuật trong xã hội hiện đại. Asper Jorn cũng đã tham gia lập ra, ở Paris năm 1948, nhóm CoBrA. Được tạo bằng cách ghép âm đầu của ba thủ đô Copenhagen, Bruxelles và Amsterdam, CoBrA là tên của một tạp chí do một nhóm nghệ sĩ siêu thực-cách mạng tiên phong chủ trương. Nhóm này đã hoạt động ở Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ, rồi lan sang Đức cho đến năm 1951 thì tan rã.

x Tức London Psychogeographical Committee do Ralph Rumney (1934 – 2002), chồng sau của Michèle Bernstein, sáng lập.ở  Corsio d'Arroscia  ngày 28.7.1957, rồi ngay sau đó nhập vào IS. 

xi Guy Debord, Œuvres, Paris, Gallimard, «Quarto », 2006 hay ở NXB Mille et une nuits, Paris, 2000. Trực tuyến : http://fr.scribd.com/doc/44496986/Guy-Debord-RAPPORT-SUR-LA-CONSTRUCTION-DES-SITUATIONS-ET-SUR-LES-CONDITIONS-DE-L-ORGANISATION-ET-DE-L-ACTION-DE-LA-TENDANCE-SITUATIONNISTE-INTERNATI

xii Được thành lập năm 1948 và hoạt động từ năm 1949 đến 1967 chung quanh tạp chí cùng tên, nhóm B ou B triệt để chống lại hiện tượng quan liêu và chủ nghĩa tư bản nhà nước ở các nước xã hội chủ nghĩa mà họ cho là nằm trong tay của một giai cấp thống trị mới. Hai lý thuyết gia nổi tiếng nhất của B ou B là Cornelius Castoriadis và Claude Lefort (1924-2010).

xiii Đặc biệt cuốn Critique de la vie quotidienne II, Fondements d'une sociologie de la quotidienneté [Phê phán đời sống hàng ngày. II, Cơ sở cho một môn xã hội học về cuộc sống hàng ngày], Paris, L'Arche, 1961.

xiv Phong trào trí thức, văn học và nghệ thuật được thành lập chung quanh nhà thơ Tristan Tzara (1896-1963), người Romania, vào tháng 1.1916 ở Zurich (Thụy Sĩ). Họ muốn phá hủy tất cả các quy ước và các bó buộc tư tưởng hệ, mỹ học và chính trị. Phong trào bắt đầu tan rã từ năm 1920.

xv Phát xuất từ phong trào đađa, phong trào siêu thực được thành lập năm 1924 dựa trên Tuyên ngôn Siêu thực do André Breton viết. Nó bao gồm toàn bộ các phương thức sáng tạo và thể hiện sử dụng các sức mạnh tâm lý (sự tự động, giấc mơ, vô thức) được giải phóng khỏi sự kiểm soát của lý năng và chống lại các giá trị hiện có.

xvi Xem Internationale situationniste, số 7, 4.1962, tr. 12; được Arthème Fayard in lại năm 1997, tr. 252.

xvii Gốc Hy Lạp, Cornelius Castoriadis (1922-1997) là một lý thuyết gia nổi tiếng của Pháp. Ông quan tâm đến nhiều chuyên ngành : tri thức luận, nhân học, chính trị, kinh tế, lịch sử và phân tâm học. Ông tham gia nhóm B ou B từ ngày thành lập cho đến khi nhóm này chính thức tự giải tán năm 1967. Ông được bầu làm giáo sư ở Trường cao học về các khoa học xã hội (EHESS) năm 1980.

xviii Vincent KaufmannGuy Debord, la révolution au service de la poésie [Guy Debord, cách mạng phục vụ thơ], Fayard, 2001.

xixPierre Guillaume, « Debord », La Vieille Taupe, số 1, 2.1995, tr. 63-108. Được thành lập năm 1948 và hoạt động từ năm 1949 đến 1967 chung quanh tạp chí cùng tên, nhóm B ou B triệt để chống lại hiện tượng quan liêu và chủ nghĩa tư bản nhà nước ở các nước xã hội chủ nghĩa mà họ cho là nằm trong tay của một giai cấp thống trị mới. Hai lý thuyết gia nổi tiếng nhất của B ou B là Cornelius Castoriadis (1922-1997) và Claude Lefort (1924-2010).

xxDaniel Blanchard, Debord, dans le bruit de la cataracte du temps [Debord, trong tiếng ồn của thác nước thời gian], Sens & Tonka, 2002.

xxi Bernard Quiriny, « Socialisme ou barbarie et l’Internationalale situationniste», Archives & documents situationnistes, n°3, automne 2003, Denoël. Trực tuyến : http://www.magmaweb.fr/spip/IMG/pdf_SouB_IS_Quiriny-Fargette_.pdf

xxii Stephen Hastings-King, « L’Internationale situationniste, Socialisme ou Barbarie and the Crisis of the Marxist Imaginary » [Quốc tế tình huống, Chủ nghĩa xã hội hay Dã man và sự khủng hoảng của thế giới tưởng tượng mácxít], Substance, số 90, 1999, tr. 26-54.

xxiiiLindenberg Daniel, « Debord et les marxistes » [Debord và những người theo chủ nghĩa Marx], Magazine littéraire, số° 399, 6.2001, tr. 32.

xxiv Thư gửi André Frankin ngày 8.8.1958 trong Guy Debord, Correspondance, t. II, Fayard, 1999, tr. 130-131.

xxv Trực tuyến : http://debordiana.chez.com/francais/preliminaires.htm, Xem Daniel Blanchard, sđd, tr. 44.

xxvi P. Blanchard, Préliminaires..., sđd, tr. 51

xxvii Xem Guy Debord, Correspondance, T. II, sđd, tr. 74.

xxviii Pierre Guillaume, bài đã dẫn.

xxix Guy Debord, Correspondance, T..II, sđd, tr. 82-88.

xxx Christophe Bourseiller, sđd, p. 170.

xxxi « La contestation en miettes » [Mảnh vụn đối kháng], Internationale situationniste, số 9, 8.1964., tr. 18.

xxxii Paul Cardan (bí danh của Castoriadis), "Le mouvement révolutionnaire sous le capitalisme moderne" (Phong trào cách mạng dưới chủ nghĩa tư bản hiện đại). S. ou B., số 31,12.1960-2.1961, tr. 51-81 ; số 32, 4-6.1961, tr. 84-111 ; số 33, 12-1961-2.1962), tr. 60-85. Trực tuyến : http://magmaweb.fr/spip/IMG/pdf_MouvRevCapMod-I.pdf

xxxiii Paul Cardan, « Recommencer la Révolution » [Làm lại cách mạng], trong S ou B, số 35, 1-3.1964, tr. 1-36.

xxxiv  Paul Cardan, "Marxisme et théorie révolutionnaire" (Chủ nghĩa Marx và lý thuyết cách mạng). S. ou B., số 36, 4-6.1964, tr. 1-25 ; số 37, 7-9.1964, tr. 18-53 ; số 38, 10-12. 1964, tr. 44-86 ;  số 39, 3-4.1965, tr.16-66 ; số 40, 6-8. 1965, tr. 37-71.

xxxv Cuốn Geschichte und KlassenbewußtseinStudien über marxistische Dialektik (Lịch sử và ý thức giai cấp.Nghiên cứu về phép biện chứng của chủ nghĩa Marx) của Lukacs, được dịch sang tiếng Pháp thành Histoire et conscience de classe, Essai de dialectiqye marxisre (1919-1922), do Éditions de Minuit xuất bản năm 1960.

xxxvi Stephen Hastings-King, « L’Internationale situationniste... », bài đã dẫn, tr. 46-47

xxxvii Xem chú thích xxxii.

xxxviii « Préliminaires sur l’organisation conseilliste», Internationale situationniste, số 12, 9.1969, tr. 64-73.

xxxix Stephen Hastings-King, bài đã dẫn, tr. 50.

xl Bill Brown, « Strangers in the night... », Not Bored !, số 31, 6.1999.

xli Xem Internationale situationniste, Paris, Arthème Fayard (1997), tr. 703-704. Trực tuyến : http://www.chez.com/debordiana/francais/hambourg.htm

xlii « Le prolétariat doit réaliser l'art », Internationale situationnistesố 1, 6. 1958, tr. 8; in lại trong Internationale situationnisteArthème Fayard, 1997, tr. 8.

xlvi Trong IS, số 12, septembre 1969, tr. 7 ; được Arthème Fayard in lại năm 1997, tr. 575

xlvii « La question de l’organisation pour l’IS » [Vấn đề tổ chức cho IS], IS, số 12, 12.1969, tr. 112.

xlviii La Véritable scission dans l'internationale, Champ Libre, 1972, Fayard tái bản năm1998.

xlix Guy Debord, Considérations sur l'assassinat de Gérard Lebovici [Nhận định về vụ ám sát Gérard Lebovici], Gérard Lebovici, 1985; Gallimard, 1993, tr. 9.

l  Gérard Lebovici, 1988. Được Gallimard tái bản năm 1992 với Préface à la quatrième édition italienne de « La Société du Spectacle » [Lời nói đầu cho ấn bản thứ tư của bản dịch sang tiếng Ý của cuốn Xã hội diễn cảnh], rồi được Folio-Gallimard tái bản năm 1996.

li Tập 1, Gérard Lebovici, 1989 ; Gallimard, 1993. Tập 2, Arthème Fayard, 1997

liii Frédérique Roussel, « Debord, un trésor » [Debord, một bảo vật], Libération, 16.2.2009.

liv Phỏng vấn Philippe Sollers : « L’identité nationale, c’est moi » [Bản sắc dân tộc, chính là tôi], L’Express, 11.3.2010.

lv Từ 27.3 đến 13.7.2013 ở thư viện François Mitterrand (Paris).

lvi Xem chú thích 7.

lvii Sau đó đã được xuất bản, xem Guy Debord, Relevé des citations ou détournements de la société du spectacle, Farândola, 2003. Trực tuyến : http://www.geocities.ws/contrefeu/spectacle.html

lix Anselm Jappe, Guy Debord, NXB Sulliver/Via valeriano, 1998 ; Anselm JappeL'avant-garde inacceptable - réflexions sur Guy Debord [Đội tiên phong không thể chấp nhận, suy nghĩ về Guy Debord], Léo Scheer, 2004

lx Xem chú thích 35.

lxi Gérard Briche, " Le spectacle comme réalité et illusion " [Diễn cảnh như là hiện thực và ảo tưởng] Colloque Guy Debord 2007

lxii Tức các xô viết đã được lập ra ở Liên Xô năm 1905 và 1917, ở Đức năm 1918-1919, ở Ý năm 1919 và ở Hungary năm 1956. Đây là một hình thức dân chủ trực tiếp.

lxiv Frédéric Schiffter, Contre Debord, PUF, 2004, tr. 16.

lxv Daniel Bougnoux, « Éloge têtu du spectacle », Le Monde, 15.10.1999, Culture&idée, tr.3.

lxvi Xem chú thích 52.

lxvii Raphaëlle Rérolle, « À chacun son Debord », Le Monde, 23.3.2013, tr.IX.

lxviii « Trò chuyện với nhà văn Philippe Sollers », Télérama, 20.3.2013.

lxix Fredy Perlman and Jon Supak, The Society of the Spectacle, Black & Red, 1970; rev. ed. 1977. Trực tuyến : http://library.nothingness.org/articles/SI/en/pub_contents/4. Donald Nicholson-Smith, The Society of the Spectacle, Zone, 1994. Trực tuyến : http://www.cddc.vt.edu/sionline/si/tsots00.html. Ken Knabb, The Society of the Spectacle, Rebel Press, 2004. Trực tuyến : http://www.bopsecrets.org/SI/debord/index.htm


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss