Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Hà Tông Quyền

Hà Tông Quyền

- Hồ Bạch Thảo — published 25/02/2009 14:26, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
một tài năng thiếu may mắn, qua những trang QUỐC SỬ DI BIÊN


Hà Tông Quyền :
một thiên tài thiếu may mắn

Hồ Bạch Thảo



Hà Tông Quyền [1789-1839] quê tại làng Cát Ðộng, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hoà, Sơn Nam ; nay thuộc xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Lúc 4 tuổi văn chương diễm lệ, được ca tụng là thần đồng. Quốc Sử Di Biên (1) chép về thuở học trò của ông như sau :

Dùng Hà Tông Quyền làm quan Nội Các. Quyền người Cát Ðộng, Thanh Oai, đậu Tiến sĩ năm Nhâm Ngọ [1822] ; cha đậu Hương tiến thời cựu Lê, mẹ là vợ thứ. Quyền người thấp lùn, tục truyền do thần ếch [, oa] giáng sinh ; mới 4 tuổi chăm học, văn chương diễm lệ, thiên hạ cho là thần đồng ; rồi được kén chọn vào đại khoa và sủng hạnh.”

Ông đậu Tiến sĩ kỳ thi Hội dưới thời nhà Nguyễn, vào năm Minh Mệnh thứ 3 [1822]. Khoa thi rất gay, có 174 thí sinh, nhưng quan trường chỉ chọn được 3 quyển, trong đó có tên ông. Chánh chủ khảo xin duyệt lại lấy thêm được 2 quyển ; vua Minh Mệnh chê ít, ra chỉ dụ cho các quan duyệt thêm được 3 quyển. Tổng cộng 8, gồm 5 Tiến Sĩ trúng cách, 3 Tiến sĩ gia ân :

Ngày 28 khởi đầu mệnh thi Hội Cống sĩ. Vào ngày 8 tháng giêng, chiếu ban tân cựu Cống sĩ chưa bổ nhiệm, mỗi người đến quan địa phương lãnh bằng cấp đến kinh đô ; đã bổ nhiệm thì không được thi Hội. Ðến nay thi Hội tại cửa điện Thái Hoà, gồm 174 thí sinh (Hương cống thời cựu Lê 1 người, Hành tẩu 16 người, các khoá 130 người, Cống sinh 27 người). Dùng Lưu Công Ðạo, Phan Huy Diệu, Lưu Bảo Tam, Nguyễn Mậu Bách, Trần Bá, Trần Công Tuân làm Giám khảo ; các kỳ tam trường trở về trước vua ra đề, kỳ thứ tư quan ngoài ra đề. Nội trường duyệt được 3 quyển sau đây trúng cách : Hà Tông Quyền tại Cát Ðộng, Lê Trần Hiệu tại Phủ Lý, Nguyễn Ý tại Vân Bãi ; Chánh khảo quan xin duyệt lại được hai quyển : Lê Tông Nguyên tại Bình Vọng, Phan Hữu Tính tại Hoàn Hậu. Lập danh sách xếp loại dâng lên, Thiên tử cho là quá ít, dụ các quan nội ngoại trường duyệt thêm được 3 quyển : Ðinh văn Phác tại Kim Hán, Vũ Bá Khuê tại Hoa Ðường, Phan Bá Ðạt tại Việt An. Chiếu chỉ chấp nhận, lấy trúng cách 5 quyển, gia ân thêm 3 quyển, cộng 8 quyển. Số còn lại hứa cho vào Quốc Tử Giám tu nghiệp, hoặc làm hành tẩu ; hoặc tình nguyện trở về quê học cũng được chấp thuận.” (2)

Tông Quyền không phải là loại kẻ sĩ chỉ để lại văn chương suông trên đời, óc thông minh và tài phán đoán của ông đã cứu vua Minh Mệnh hai lần. Lúc bấy giờ do chính sách cứng rắn của nhà vua, khiến các nước Tây phương giận dữ. Lợi dụng kỹ thuật cao, họ đã chế hoả pháo bí mật cài vào áo và đèn cầy để làm quà, một lần vào năm Minh Mệnh thứ 11 [1830] nhân ghé tàu vào bến cảng, cho gửi quà dâng hiến vua. Nhất cử lưỡng tiện, chắc mục đích họ vừa muốn cảnh cáo lại âm mưu ám sát nhà vua, những đã được Hà Tông Quyền phát giác trước. Công của Hà Tông Quyền rất lớn, khiến nhà vua không chỉ ban ơn riêng, mà lại còn cho vời mẹ Quyền vào kinh đô, để tìm tìm cách ưu đãi :

Lúc bấy giờ thương gia Tây Dương tiến áo cẩm bào, giá ngàn vàng ; Quyền dâng lời :

– Ðồ lạ của nước ngoài, không nên nhẹ dạ tin ; xin cho tử tù mặc thử.

Khi gài nút thì lửa cháy, tù nhân bị lửa đốt chết. Nhà vua kinh hãi than phiền. Sau đó nước Hoa Lang (?) [花 郎 國] tiến một cặp 4 cây sáp linh cỡ lớn [tứ linh cự lạp nhất song] ; Quyền xin bẻ 1 cây làm hai, thì ở trong chứa hoả pháo và thuốc khói mù, nhà vua lấy làm kỳ dị về tài năng, thường nói rằng :

Triều đình không thể một ngày thiếu Quyền !

Lại bảo rằng :

Tông Quyền về chính sự, Tế Mỹ về văn học, Nguyễn [Công] Trứ về thao lược ; thật không thẹn với danh tiếng khoa bảng.”

Vua ngồi trên thuyền, cho Quyền tháp tùng, Cẩm Y vệ cầm tay đưa lên thuyền ; mẹ Quyền và Thái hậu cùng tuổi, nhà vua thường hỏi thăm. Nhân triệu mẹ và em gái đến kinh đô, ban tiền gạo cấp dưỡng. Người mẹ tuổi 70, sai lính cận vệ đưa về quê thượng thọ ; sau đó ban chiếu phủ huyện mỗi tháng đến vấn an một lần, đáng vinh hiển trên đời ! (3)

Ở đời có tài thường có tật, Hà Tông Quyền vướng cảnh đam mê nữ sắc, lấy một người con gái thương gia giàu tại kinh đô làm thiếp. Thời xưa “ trai năm thê bảy thiếp ” là thường, nhưng chẳng may bà vợ cả của ông quá ghen, nên tai hoạ mới xảy đến. Trong một trận đánh ghen, bà không dằn được cơn tam bành, đổ cơm của mẹ chồng và nói những lời xâm phạm đến triều đình. Nhân một quan trong triều thấy được, đem sự việc trình lên, bà vợ bị giải đến quan, chịu sự tra xét như một phạm nhân, rồi bị xử lưu đày, riêng Quyền phài đi hiệu lực (4) Tây Dương (5) :

Hà Tông Quyền bị giáng chức, hiệu lực đi Tây Dương. Quyền sống tại kinh đô, lấy con gái một thương gia giàu làm thiếp, ngày đêm đam mê nữ sắc ; người vợ cả tranh ghen, mang gia đồng đến bắt được Quyền, nhân đó xẩy ra sự sỉ mạ, mẹ già can gián, người vợ giận đổ cơm của mẹ. Nhân quan tại kinh đến nhà thấy được, người vợ nói những lời xâm phạm đến quan tại kinh ; nên kinh quan đem việc này đề đạt lên. Chiếu ban nghiêm khắc thẩm vấn người vợ, người vợ thú, bị xử giảo nhưng lưu đày đến trại Tân Lang. Quyền bị hiệu lực đi Tây Dương. (6)

Cũng cần nói thêm, sở dĩ nhà vua xử nặng tay như vậy, cũng còn do Tông Quyền mang tính tự cao. Một hôm nhà vua hỏi chữ “ quảng xuyên ”, Quyền đáp do chữ “ quảng châu ” viết sai, rồi tự ý thêm 3 nét chấm vào, nên bị quan Khởi cư trú (7) đàn hạch. Tuy nhiên sau 3 tháng trừng phạt, nhà vua thấy không thể thiếu Hà Tông Quyền bên cạnh để hỏi han, nên lại được triệu vào nội các :

Tham bổ : vua thường xem sử Tàu, hỏi Quyền chữquảng xuyên 廣川 ” Quyền đáp chữ đó làQuảng Châu 廣州 ” ; rồi tự biết là sai bèn lấy bút tăng các dấu chấm thành chữ châu []. Quan Khởi cư trú đàn hặc lời tấu đối lừa vua nên bị biếm trích. Sau đó mấy tháng Quyền lại được triệu vào nội các, nhà vua nói :

Khanh đi 3 tháng, Trẫm ăn không ngon ; Trẫm sở dĩ thống ngự được bốn phương, khu trục động loạn, không có khanh không thể được  ” (8)

Năm Minh Mệnh thứ 13 [1832] lại ban chiếu đưa Hà Tông Quyền vào Nội Các lần nữa. Lúc bấy giờ đất nước loạn lạc, nhà vua lắm việc phải lo ; để khuyến khích vua, ông dâng tác phẩm Tiều Phu Từ, trong đó có câu :

Lộ hiểm lộ di tâm tự bình.

(Ðường gian hiểm hoặc bằng phẳng thì tâm vẫn bình thản)

Câu văn này rất được nhà vua thích :

Lại ban chiếu cho Hà Tông Quyền vào Nội Các. Quyền giỏi về thù tiếp vâng mệnh, thuật Tiều Phu Từ cho vua, dùng thể cách Hồi Ðầu Văn của Trần Kế Minh, có câu “ Lộ hiểm lộ di tâm tự bình ” được nhà vua khen không ngớt. Lại cùng với bọn Thân văn Quyền, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Kim Bảng, Nguyễn Quốc Cẩm, Trần Danh Phi, Nguyễn Tán, Nguyễn Bá Thân vào Nội Các.(9)

Rồi một tai hoạ xảy ra cho đời ông. Lúc bấy giờ vua Minh Mệnh định chọn người kế vị, nên họp các quan trọng thần và Hoàng thân quốc thích đến bàn. Vì được tín nhiệm, nên trong buổi họp nhà vua đích thân hỏi ý kiến Hà Tông Quyền. Ông bắt buộc phải trả lời :

 Xin Bệ hạ chọn Hoàng hậu trước ; một khi Hoàng hậu được đặt, tức người kế vị đã có.

Tưởng cần nói thêm, triều nhà Nguyễn theo chính sách triệt để độc tài : trong triều không đặt Tể tướng, kỳ thi Ðình không lấy Trạng Nguyên, trong cung chưa lập Hoàng hậu. Vì những chức vị Tể tướng, Trạng Nguyên, Hoàng hậu quá cao, có khả năng lấn át vua. Nên khi đã chọn một bà phi làm Hoàng hậu, thì con bà đương nhiên được làm vua.

Câu nói chung chung của Hà Tông Quyền tưởng đã thoát được sự hận thù của các Hoàng tử đang có ý giành ngôi báu ; nhưng không ngờ lại gây sự giận dữ bởi một ông Hoàng em vua, vì một khi đã chọn Hoàng hậu, thì em vua hết đường hy vọng. Ông Hoàng này là Kiến an công Ðài, con út của Hoàng Thái hậu, mẹ đẻ vua Minh Mệnh, nên rất được cưng chiều. Ðang ôm niềm hy vọng được anh ruột nhường ngôi, thì trong buổi họp nghe Hà Tôn Quyền nói như vậy, chẳng khác gì bị dội gáo nước lạnh vào mặt. Tan họp, vị Hoàng thân này mời Hà Tông Quyền đến nhà, mời uống rượu, rồi lấy chuỳ đánh vỡ đầu, vứt xác trôi sông. Khi vua biết thì mọi sự đã rồi, vì nể mẹ đành phải khoan thứ cho em, và thu xếp đưa quan tài Hà Tông Quyền về quê an táng trọng thể. Nhưng sự việc 7 năm sau, khi gia nhân làm lễ cải táng cho Hà Tông Quyền, phát giác trong hòm không có xác người :

Hà Tông Quyền mất. Lúc bấy giờ nhà vua bàn về việc chọn người kế vị, nên họp đại triều, các thân thích và bậc huân nghiệp đều dự. Nhà vua hỏi Hà Tông Quyền, Quyền tâu rằng :

 Bệ hạ nên lập Hoàng hậu trước, Hoàng hậu đặt, tức người kế vị đã có.

Lúc bấy giờ Kiến an công Ðài là con út của Hoàng thái hậu, nên được sủng ái, không vui với câu nói đó. Lúc bãi triều mời Quyền đến phủ cùng uống rượu, Quyền vâng dạ tuân theo. Lúc Quyền đến ban cho rượu uống say, rồi lấy chuỳ đánh nát đầu, ném thây xuống sông. Sau đó Kiến an công vào triều chịu tội và nói :

 Tông Quyền rất nịnh, thần đã giết và chôn rồi.

Nhà vua khóc lớn, cho lụa bạch áo quan khâm liễm, ban cho nhiều tiền ; mệnh quan dùng thuyền đi biển chở về quê an táng. Năm sau đến Hà Nội, các quan tỉnh tế cúng. Quyền không có nhà thờ, vua cho tiền xây cất. Ðến năm Ất Tỵ [1845], con cháu làm lễ cải táng, mở hòm ra chỉ thấy quan tài không, bèn đến kinh đô tâu ; có chiếu chỉ rằng :

Tử thi bị tiêu hủy mau, nên như vậy.” (10)

Ông tuy mất lúc 40 tuổi, nhưng đã để lại một công trình sáng tác khá đồ sộ :

  •  Chữ Hán 

1. Tốn Phủ thi tập

2. Tốn Phủ văn tập

3. Mông dương tập

  •  Chữ Nôm có 3 tập vịnh Truyện Kiều :

1. 15 bài thất ngôn tứ tuyệt,

2. 30 bài (mỗi bài 4 câu lục bát)

3. những bài tập Kiều (11)

HỒ BẠCH THẢO




(1) Quốc Sử Di Biên, Thám hoa Phan Thúc Trực, Southeast Asia Studies Section, Hong Kong, 1965, trang 297.

(2) Quốc Sử Di Biên, s.đ.d., trang 224.

(3) Quốc Sử Di Biên,s.đ.d., trang 297.

(4) Hiệu lực : thời nhà Nguyễn các quan có tội bị giáng chức, rồi bắt phấn đấu làm các công việc nặng nề, như ra mặt trận, đi thuyền ra nước ngoài ; công việc đó được gọi là “ hiệu lực ”.

(5) Tây Dương : dùng chỉ chung các nước Âu Tây, và các nước có người Tây phương đến lập nghiệp như Phi Luật Tân, Singapore, Nam Dương vv…Có sách nói Hà Tông Quyền đi hiệu lực tại Nam Dương.

(6) Quốc Sử Di Biên, s.đ.d., trang 206.

(7) Khởi cư trú : chức quan bên cạnh vua để ghi chép việc vua làm ; thời xưa có Tả sử chép lời, Hữu sử chép việc.

(8) Quốc Sử Di Biên, s.đ.d., trang 206.

(9) Quốc Sử Di Biên, s.đ.d., trang 224.

(10) Quốc Sử Di Biên, S.đ.d., trang 282-283

(11) Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss