Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Hải Nam tạp trước - 2

Hải Nam tạp trước - 2

- Hồ Bạch Thảo — published 27/08/2023 20:55, cập nhật lần cuối 27/08/2023 21:43

Hải Nam tạp trước - 2


Tình hình Huế, Quảng Trị gần 200 năm trước,
qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc.


Hồ Bạch Thảo
Giới thiệu, dịch và chú thích



Vào ngày 30 tháng chạp [16/2/1836] (1) đến thành Phú Xuân [Huế] (tục gọi là thành Thuận Hóa). Thành xây bằng gạch, hết sức kiên cố, cao hơn 1 trượng [1 trượng = 3.2 mét], chu vi khoảng 4,5 dặm [1 dặm = 0.576 km.] (2); xây 8 cửa, thành lầu hẹp nhỏ. Trên thành, khoảng hơn 200 bước đặt 5 cỗ đại pháo nối liền nhau, các khẩu pháo đều che bởi pháo đình, trông như bầy chim vung cánh. Ngoài thành có hào (hào sâu nước không bao giờ cạn); ngoài hào lại có sông [sông Hương] (sông rộng và sâu, phía trong thông với các sông khác, phía ngoài chảy ra biển. Phàm chiến hạm, thuyền lớn nhỏ các màu đều đậu ven bờ sông, mui thuyền bằng lá. Bốn phía thành, thị tứ rất hoa lệ, hàng hóa phong phú, dân chúng đông đúc, nhà cửa chỉnh tề. Tôi đến thành vào buổi trưa, viên Cai đội (Cai đội là quan danh tương đương với Thiên tổng) dẫn đến thành, gặp quan Phủ doãn [Kinh đô trưởng] Nguyễn Thạc Phủ, quan Phủ thừa Lê Tiếu Hạ. Quan họ Nguyễn gặp tôi rồi lui, riêng quan họ Lê có tài hùng biện, trao cho giấy tờ với thơ và phú, múa bút bình luận, đến quên ngày giờ. Trời sắp tối, tôi từ giã, đi sang phố mới (tại bờ sông phía bắc thành) trú tại nhà người thân họ Trần (người đất Tấn giang) [Tấn Giang thị, Phúc Kiến]. Hôm đó là đêm Trừ Tịch [ba mươi tết, 16/2/1836], nhà nhà thay đối liễn, đốt pháo, tống cựu nghênh tân giống như Trung Quốc; xa nhà nhớ người thân, tôi và em suốt đêm nhỏ nước mắt, không ngủ được.

Hôm sau là ngày mồng một tháng giêng năm Bính Thân, Đạo Quang thứ 16 [17/2/1836] ( Việt Nam là năm Minh Mệnh thứ 17); lễ tết bắt đầu, hân hoan chúc mừng may mắn, mọi đường trong phố thị, ca múa tưng bừng, niềm vui tràn trề. Tôi mang bài văn khánh chúc, cùng với Hồng Lương (người Hạ Môn) [Phúc Kiến] đến dinh Phủ Doãn chúc năm mới và xin giới thiệu đến mừng Quốc vương. Gặp lúc quan Đông các đại học sĩ Quan Nhân Phủ, Lang trung bộ Hộ Nguyễn Nhược Thủy đều tại dinh; cùng đem bài văn ra bình phẩm khen lao. Ông họ Quan bút đàm cho biết:

Nước tôi có lệ ngày Nguyên Đán lúc gà vừa gáy sáng, các quan văn võ vào cung mừng Vua, được ban vàng rồi ra về. Sau đó lập tức đóng cửa cung, đợi chiếu chỉ cho mở cửa, mới được ra vào. Nay ông muốn làm lễ tại nước tôi, xin đợi khi mở cửa, sẽ dẫn vào; e rằng Vua chúng tôi sẽ giữ ông lại, chờ thuận tiện thuyền thì đưa về, lúc đó không thể khước từ được. Nếu không làm như vậy, thì cứ theo lệnh cũ, lấy giấy thông hành từ quan tỉnh, đợi đến ngày mồng bảy [23/2/1836] lúc mở kho, lãnh lương khởi hành; rồi lưu văn chương tại tòa Phủ Doãn, sẽ giúp ông đạt lên chúc mừng Vua.”

Ý tôi quyết muốn về, bèn từ giã các quan lớn, rồi du lịch khắp trong thành. Cung điện Vương tại góc đông nam, đối mặt với núi Ấn Sơn [Ngự Bình ?] (núi hình như quả ấn, tại ngoài thành, phía trên có núi sông, đàn xã tắc); qui mô tráng lệ, lầu, gác, đình, đài, đều là những công trình cực kỳ tinh xảo, phía trên điện trang trí bình hồ lô [trái bầu] vàng, đẹp chóa mắt. Trước cung có cửa Ngọ Môn, giữa đường trước cửa Ngọ Môn dựng một lá cờ lớn. Bên trái và phải cung là doanh trại, thân quân bảo vệ, khí giới chỉnh túc. Xế bắc là phủ của Tả, Hữu tướng quân; chứa 16 gian đại pháo, thuốc súng. Phía ngoài chu vi tường, đào hào sâu, rộng hơn một trượng; ngoài hào lại có 2 vòng rào ngăn, cấm người vô sự không được gần. Lại xây lầu Minh Viễn, tại một cung riêng, song cửa, hàng hiên sáng sủa, phòng ốc huy hoàng, đây là nơi dùng để chiêu đãi. Phía tây Vương cung, là các cung cho các con Vương và thân thuộc; lại phía tây là nha môn của các quan lớn trong nội. Gần phía đông bắc là kho tàng, gạo lương thực chất đầy, có thể dùng đến hàng chục năm. Ngoài ra là dinh của các quan văn võ, doanh lính phòng thủ, doanh viện, chùa miếu, nhưng ít nhà dân.

Ngày mồng 2 [18/2/1836] đến dinh Phủ Doãn dự yến; những người nghe tin tôi là nhân sĩ Trung Quốc, nên đến dự gần chật phòng, vì đông nên không biết rõ địa vị cao thấp.

Ngày mồng 7 [23/2/1836], làm thơ từ biệt các quan Đông các, Phủ doãn, rồi mướn thuyền đến Nghênh Hạ (tên đất) [Đông Hà, Quảng Trị]; quan Phủ thừa họ Lê tiễn ra khỏi thành, lệnh lính hộ tống đi đường bộ đến đợi ở tỉnh Quảng Trị trước, người thân họ Trần đem cả gia đình đến sông đưa tiễn. Đi trên sông 2 ngày [từ sông Hương, qua phá Tam Giang, đến sông Ô Lâu Quảng Trị], mây mù giăng mắc, 4 phía núi tuy ban ngày nhưng trời tối, cửa mui thuyền ẩm ướt, qua chốn lau lách nước chảy sột soạt, thủy triều mới dâng lên khoảng 2,3 thước [1 thước = 0.32 mét].

Đến bình minh ngày mồng 10 [26/2/1836] đến Quảng Trị (từ Huế đến nơi này, đường thủy 120 dặm) [1 dặm = 0.576 km.]. Ghé thuyền vào bến đò khúc khuỷu, nên phải nhờ người chèo thuyền giúp lên bờ; đi khoảng 2, 3 dặm đến tỉnh thành Quảng Trị, viên Cai đội đã đến trước đứng đợi tại cửa thành. Mưa bắt đầu, nên phải gọi gấp viên thư lại dẫn đến gặp quan Tuần phủ họ Hà ( quan kiêm quản tỉnh Quảng Bình nên gọi là Tuần phủ Trị Bình, tên là Đăng Khoa) (3). Bấy giờ viên quan đang mặc áo ngắn nghỉ ngơi, thấy khách tới phải vội vàng thay y phục; nên giận viên thư lại, đánh 20 roi. Tôi vội đưa thư :

Khi tôi đến anh ta không thất lễ, sao lại trừng phạt nhục nhã thế ?”

Hà công dịu mặt từ tạ rằng :

Hắn ta không thông báo trước, khiến lão phu thảng thốt không kịp làm lễ; nhất thời đường đột, xin tha lỗi!.”

Rồi mời vịnh thơ tức cảnh, công xem thơ rất vui, mời lưu lại, nhưng không nhận. Tôi đốc thúc công soạn văn thư giới thiệu xuất quan ải, hoán đổi hộ tống, lệnh họ đến đợi trước tại Nghênh Hạ. Tôi cáo từ, phu thuyền cõng tôi đội mưa đi xuống thuyền. Ngày hôm sau [27/2/1836] lên bờ (từ tỉnh thành Quảng Trị tới nơi này đường thủy 40 dặm) [0.576 km . 40 = 23.04 km.] trú tại Nghênh Hạ [Đông Hà, Quảng Trị] (4), rồi mướn phu võng để ngày hôm sau đi tiếp.


Nguyên văn:


三十日,抵富春城俗稱順化城。城以磚築,甚堅致;高丈餘,周四、五里,建八門,城樓狹小。城上相去二百餘步,列大炮五,相連屬,皆覆以亭, 望之如群鳥舒翼。城外環以濠河深水不涸,濠外環以溪溪極深廣,內通眾溪, 外達大,凡戰艦彩船,大小列溪邊,覆以茅亭。近城四面,闤闠甚嘩,貨物豐備,人煙稠密,廬舍整齊。餘至城,日向午,該 隊官該隊官,官名;職若干總導進城,見承天府尹阮公碩甫、府丞黎公名肖夏,進士出身。阮公一見而退;黎公頗負才辨,授紙賦詩,揮毫評論,至忘形骸。日將沒,辭出,往新在城北溪邊,宿陳親家晉江人。是日除夕,人家換桃符、放爆竹,如中國送臘迎年故事。餘感時思親,與家弟終夜零涕,不能成寐。

明年丙申,為道光十六年正月初一日越南國明命十七年。序慶履端,辰征首祚,丁街亥市,番舞夷歌,歡聲動地。餘攜名版與洪涼廈門人詣府堂官賀年,且乞介紹賀國王。會東閣大學士關公仁甫戶部郎中阮公若水皆在府尹座,交致研詰。移時,關公手書示曰:『我國有例,元旦聞雞聲,眾文武入宮拜賀,賜金出,即封宮門;俟有 旨啟門,方許出 入。君欲修禮於下國,俟門啟,當引君一謁;慮吾王以船相留,必毋卻。不然,既有前命,但執省官文憑行無礙,待初七日開倉,領糧起程,留牘府 堂,自能為君達賀悃也』。餘行意已定,遂辭大官出,遍歷城中。其王宮在東南隅,面印山山形如印,在城外, 上有山川、社稷壇,規制壯麗,樓閣亭台俱極土木之 勝。殿脊安黃金葫蘆,光彩耀目。宮前為午門,門前中道豎一大旗。宮左右列營,處親軍衛卒,器械整肅。稍北為左右將軍府,貯大炮藥彈十六間。宮外環高牆,牆 上四隅設炮台,置紅衣大炮。牆外周圍鑿深濠,闊丈餘。濠外護欄兩重,禁閒人不得近。又建明遠樓,在別宮;軒窗明淨,棟宇輝煌,為游宴所。王宮以西諸宮,王 子及親屬所居。又西為內大官諸衙門。近東北為倉廒,糧米充實,可支數十年。餘皆文武官署、營房及宮院、祠廟,少民居。

初二日,赴府堂官燕。聞者群以餘中國士,相率來觀,室幾滿,不辨誰何貴賤。

初七日,以詩別閣學及府堂官,賃溪船達迎賀地名。黎公特送出城,令護送諸人先由陸路侯廣治省;陳親舉家送溪邊。溪行二日,霧匝雲迷,四山晝暝,篷窗雨急,蘆葦 中溪流潺潺,新漲驟添兩、三尺。

初十日平明,抵廣治自富春至此,水程一 百二十里。艤舟溪曲,隨榜人登岸,行二、三 里至省城,該隊員先在城門踮候。雨且至,急挽一書吏導入見巡撫兼管廣平,稱治平巡 撫官何公登科。時公方袒衣捫虱,見客至,斂衣,遽怒鞭書吏二十。餘以書進曰:『某來未失禮,何遽見辱』?公霽顏起謝曰:『渠 不先通報,致老夫倉皇不能為禮,一時唐突,幸勿罪』!乃請即景賦詩。公閱詩喜,留宿;不可,促辦關文,換遣護送,令先至迎賀相候。餘辭出,榜人負餘冒雨歸舟。次日午後抵自廣治至此,水程四 十里,宿迎賀迎賀至廣平二百四十 里,雇輞夫明日再發。


Chú thích:

1.Chữ trong ngoặc [] là của người dịch; chữ trong ngoặc () của tác giả.

2.Tác giả ước tính sai; thực sự thành chu vi gần 10 km, cao 6.6 mét.

3. Đại Nam Thực Lục [ĐNTL], Hà Nội: NXB Giáo Dục, tập 4, trang 875, xác nhận vào tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 [17/3-15/4/1836] Hà Đăng Khoa làm Án sát tỉnh Quảng Trị.

4.Nghênh Hạ: xét vị trí cách tỉnh thành Quảng Trị 23 km đường sông, có thể là Đông Hà, Quảng Trị.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us