Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Hồ Biểu Chánh “Ở theo thời” và Marcel Pagnol “Topaze”

Hồ Biểu Chánh “Ở theo thời” và Marcel Pagnol “Topaze”

- Nguyễn Đức Hiệp — published 20/04/2022 17:50, cập nhật lần cuối 20/04/2022 21:34

Hồ Biểu Chánh “Ở theo thời”
và Marcel Pagnol “Topaze”


Nguyễn Đức Hiệp



Ta cũng biết Hồ Biểu Chánh là nhà văn được biết nhiều về các tiểu thuyết đặc trung về con người và xã hội Nam bộ trong nửa đầu thế kỷ 20. Ông sinh trưởng vào buổi giao thời, lúc nhỏ theo cựu học chữ Nho, sau học quốc ngữ, tinh thông chữ Pháp và sau đó làm việc trong các chức vụ hành chánh thời thuộc địa ở Nam Kỳ. Một số các tiểu thuyết của ông có ý tưởng và phỏng theo các tiểu thuyết trong văn học Pháp như “Cay đắng mùi đời” (Sans famille của Hector Malot), “Chúa tàu Kim Quy” (Le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas), “Ngọn cỏ gió đùa” (Les Misérables của Victor Hugo)…

Trong hồi ức “Đời của tôi về văn nghệ” (1957), Hồ Biểu Chánh có nói rõ ông dựa vào cốt truyện trong vở kịch 4 màn “Topaze” (1928) của Marcel Pagnol để viết tiểu thuyết “Ở theo thời” (1935). Nhà viết kịch, đạo diễn phim, nhà văn Marcel Pagnol là người cùng thời với Hồ Biểu Chánh được biết nhiều qua các bộ phim Jean de Florette, Manon des sources của đạo diễn Claude Berri trong thập niên 1980 gần đây.

Trong bài này, chúng tôi trình bày và phân tách những gì giống nhau và khác nhau giữa câu truyện chàng trai Topaze và thầy Hồ Tấn Phát và ý tưởng trong vở kịch của Marcel Pagnol và tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Từ đó ta sẽ thấy Hồ Biểu Chánh đã sử dụng ra sao một phần ý tưởng của tác giả Pháp Marcel Pagnol mà ông đã nhận ra khi đọc tác phẩm Topaze của Pagnol để tạo ra và khai triển thật sáng tạo ra một câu truyện phản ảnh hoàn toàn phong tục, sự kiện trong xã hội đương thời ở Nam kỳ lục tỉnh mà ông sống và hiểu rõ.

Trước hết ta hãy nói sơ qua về Marcel Pagnol và vở kịch Topaze (1928) của ông sau đó là về tác giả Hồ Biểu Chánh và tác phẩm “Ở theo thời” (1935).

Marcel Pagnol (1895-1974) sinh trưởng ở Bouches-du-Rhône miền nam nước Pháp gần thành phố Marseille. Ông là nhà văn, viết kịch và làm điện ảnh gia xuất sắc trong văn học nghệ thuật Pháp vào đầu thế kỷ 20. Ông nổi tiếng với phim “manon des sources” (1952) và được chuyển thành tiểu thuyết L'Eau des collines (Jean de FloretteManon des Sources) (1963) nói về cuộc sống ở vùng quê tỉnh Provence. Phim “manon des sources” sau này được đạo diễn Claude Berri làm lại thành 2 bộ phim “Jean de Florette” và “Manon des sources” (1986). Marcel Pagnol viết nhiều vở kịch Jazz (1926), Topaze (1928), Marius (1929), Fanny (1932), César (1936). Và quyển hồi ký “La gloire de mon père” (1957).

Trong vở kịch Topaze (1928) của Marcel Pagnol, nội dung cốt truyện nói về cuộc đời của thầy giáo trẻ hiền lành ngay thẳng tên Topaze. Topaze dạy ở một trường nội trú nơi các học sinh xuất thân từ giới giàu có khá giả. Ông hiệu trưởng Muche có cô con gái, Ernestine, cũng dạy ở trường, mà Topaze thầm yêu. Nhưng Ernestine chỉ lợi dụng Topaze vì anh là người chân chất, làm việc giùm cho cô ấy như trông coi học sinh, chấm bài. Không những Ernestine mà các thầy giáo và học sinh vì thấy Topaze ngay thẳng hiền lành đều lợi dụng Topaze. Vì Topaze ngay thẳng nên khi Topaze không chịu nâng sửa điểm cho một học sinh, con một bà bá tước thường giúp đỡ tài chính cho trường, để hạng được cao hơn nên Topaze làm ông hiệu trưởng giận dữ và khi biết Topaze theo đuổi con mình, ông sa thải Topaze. Topaze chỉ còn dạy học kèm ở nhà cho cháu của cô Suzy Courtois. Cô Courtois lại có gian díu với một ông Castel-Benac, nghị viên hội đồng thành phố. Ông này dùng văn phòng của mình để làm ăn phi pháp và có lợi nhuận rất nhiều cho ông và cô Courtois. Khi thấy Topaze hiền lành, hai người dùng Topaze là “giám đốc” giả cho công ty mình, Topaze chỉ ký giấy và mọi quyết định là Courtois và Castel-Benac. Sau khi hiểu được công việc mình làm, Topaze lúc đầu lo âu và hối hận vì mình lao vào thế giới lừa lọc. Nhưng sau thì Topaze học được, dùng phương pháp của họ và đẩy Courtois và Casel-Benac ra rìa và trở thành một chủ công ty. Topaze trở thành giàu có và Courtoise bỏ Castel-Benac để trở thành người yêu của Topaze. Bạn dạy học của Topaze là Tamise đến thăm Topaze và ngạc nhiên vê sự biến đổi của Topaze từ một người hiền lành đạo đức nay thành một thương gia lanh lợi, giàu có và mánh mung. Topaze còn khuyên bạn mình Tamise bỏ nghề để đi làm cho công ty của Topaze.

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung (1885-1958), sinh trưởng ở Gò Công. Thuở nhỏ học chữ nho sau học chữ quốc ngữ và ảnh hưởng Tây học qua giáo dục ở trường trung học Mỹ Tho và trường Chasseloup-Laubat (nay là Lê Quí Đôn) ở Sài-Gòn. Sau khi đậu bằng Thành Chung, ông đảm nhiệm các chức vụ trong chính quyền từ ký lục (thư ký) ở dinh thượng thơ, chủ quận ở nhiều nơi đến đốc phủ sứ, nghị viên Hôi đồng thành phố Sài-Gòn và hội viên Hội đồng liên bang Đông Dương. Ông cộng tác viết cho các tờ báo như Công Luận báo, Phụ Nữ Tân Văn. Ông nổi tiếng với các tiểu thuyết xã hội với giọng văn giản dị đặc trưng Nam bộ. Số lượng tác phẩm của ông thật đồ sộ đáng kinh ngạc từ năm 1912 đến 1957. Cũng như Nguyễn Chánh Sắt, ông là người thông cả cựu học truyền thống và tân học. Tiểu thuyết xã hội của Hồ Biểu Chánh là cửa ngõ đi vào thế giới cuộc sống văn hóa và xã hội ở Nam Kỳ vào nửa đầu thế kỷ 20. Những nhân vật, câu truyện trong các tác phẩm của ông mang các nét đặc trưng cá tính của con người lục tỉnh và đời sống xã hội trong đó họ sinh hoạt, nên không lạ gì khi các tiểu thuyết của ông được đón nhận trong mọi tầng lớp vì chúng gần gũi với họ. Ông nói rõ khi ông viết là đã quan sát phong tục để viết ra tiểu thuyết và đưa ra các nhận xét về cuộc sống xã hội đương thời, như trong lời nói đầu trong tiểu thuyết “Ở theo thời” (1935) như sau

Lời nói trước của tác giả

Quan-sát phong tục rồi lần-lược viết ra tiểu-thuyết để cho bạn đồng-thời xem giải muộn, ấy là một cách chơi mà tôi ưa, tôi thích hơn hết trong đời tôi.

Năm nay viết được vài chục bộ tiểu-thuyết về phong tục, tức nhiên chỗ quan-sát của tôi về nhơn-tình thế-thái đã rộng lớn, rộng đến nổi nó bao trùm cả tâm-hồn tôi, rồi nó làm cho tôi có khi phải tức, phải giận, phải buồn, phải chán, trí-nảo không được bình-tịnh nữa.

Bộ tiểu thuyết Ở theo thời nầy là cái ảnh-hưởng của tâm hồn điên đảo ấy.

Bộ tiểu thuyết nầy phát hiện chắc chẳng khỏi có người, vì say mê mùi đạo đức, vì tôn trọng thói chơn-chất, sẽ trách tôi:

  1. Sao từ bố cuộc cho đến kết cuộc, lại khinh nhơn nghĩa, còn trọng lợi sanh, để cho những thói giả dối, bợ-đỡ thấp hèn, nằm trên thái-độ chơn-chánh thành-thiệt đáng yêu, đáng trọng.

  2. Sao lại chọn mấy vị giáo-sư, là hạng người có cái thiên-chức giáo-hóa đáng kính trọng mà cho đóng nhiều vai trong truyện đặng cho tình đời xô qua đẩy lại làm lem-luốc bầm dập thân danh.

Đời nầy là cái đời từ cao xuống thấp, từ đông qua tây đều trọng vật-chất, khinh đạo-nghĩa, cái đời kẻ dại làm người lanh ăn, cái đời lấy tốt làm xấu, lấy xấu làm tốt, nếu xây đấp đường ngay nẻo thẳng sợ e không mấy người muốn để chơn, thà là chỉ vẽ nẻo hẹp đường eo, cho thiên-hạ vui mà xông vào, hoặc may có người chán-ngán giựt mình mà trở bước.

Còn hiện-thời các giai-cấp trong xã-hội ta duy có mấy vị giáo-sư thì hằng ngày lo ung-đút trí não của con em về phương-diện nhơn-nghĩa, đặng di-trì nền luân-lý cho chưởng-tộc. Muốn tả cho rõ-ràng thiên-hạ đời nầy ai cũng cho luân-lý nhơn-nghĩa là đồ trái mùa, không thích-hạp với cuộc tấn-hóa nữa, nếu đặt mấy vai trong truyện cho có tánh-chất đặc-sắc, mà không mượn hạng người có cái thiên-chức giáo-hóa luân lý, thì còn biết cậy hạng nào.

Viết bộ Ở theo thời, chủ-tâm của tác-giả là vậy đó, chớ không phải muốn khuyến khích trọng lợi-danh khinh nhơn-nghĩa, mà cũng không phải muốn ngạo báng hạng người có công giáo hóa con em.

Nếu bạn đồng-thời, có dịp đọc tiểu-thuyết nầy, biết lượng xét mà tha thứ, thì tác giả may lắm vậy.

Saigon, Mai [tháng 5] 1935

Hồ-Biểu-Chánh

Những tác phẩm đầu tiên xuất bản khi ông còn là thanh niên trong thập niên 1910 đầu thế kỷ 20 có các truyện “Ai làm được” (1912, 1926) (bộ 2 cuốn), “U tình lục” (1913). Những tác phẩm này cho thấy tài năng sắc sảo về cuộc sống xã hội đương thời của ông với truyền thống cựu học, giáo dục truyền thống. Sau đó là một loạt các tác phẩm chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết xã hội, phiêu lưu và tình đời trong văn học Pháp như “Cay đắng mùi đời” (1923), tiểu thuyết phóng tác từ tác phẩm “Sans famille” (Vô gia đình) (1878) của Hector Malot. “Ngọn cỏ gió đùa” (1926), Hồ Biểu Chánh. Tiểu thuyết phóng tác dựa theo tác phẩm “Les Miserables” (Những kẻ khốn cùng) (1862) của nhà văn Pháp Victor Hugo. Tiểu thuyết “Chúa tàu kim qui” (1927) đã được đăng nhiều kỳ (feuilleton) trên tờ Công Luận báo từ năm 1922 với tựa “Chúa tàu kim qui – Ơn đền oán trả”. Đây là tiểu thuyết dựa theo truyện nổi tiếng của Alexandre Dumas “Le comte de Monte-Cristo” (1844). Trước đó Gilbert Trần Chánh Chiếu cũng đã dịch cuốn này, xuất bản in với tựa là “Tiền căn hậu báo” (1914). Truyện này cùng đã đăng trên tờ Lục tỉnh tân văn trước đó. Tiếp theo là tiểu thuyết “Tiền bạc, bạc tiền” (1926), “Thầy thông ngôn” (1927), Imprimerie de l’Union, “Con nhà nghèo” (1930), “Nam cực tình huy” (1930), Hồ Biểu Chánh, 6 cuốn.

Trong thập niên 1930, ông viết rất nhiều như “Tỉnh mộng”, “Nợ đời”, “Cha con nghĩa nặng”, "Nợ gánh cang thường", “Lạc đường”, “Con nhà giàu”, “Đóa hoa tàn”, “Vì nghĩa vì tình”, "Ông Cử", “Tân phong nữ sĩ”, có năm ông xuất bản 5 hay 6 quyển tiểu thuyết như năm 1935 có các quyển “Ở theo thời”, “Ông Cừ”, “Một đời tài sắc”, “Cười gượng”, “Dây oan”, “Thiệt giả, giả thiệt” hay năm 1938 các quyển “Lời thề trước miễu”, “Tại tôi”, “Bỏ Chồng” (1938, nhà in Đức Lưu Phương), “Ý và tình”, “Bỏ vợ”, “Người thất chí, “Từ hôn”. Và trong năm 1957, một năm trước khi ông mất, nhiều quyển được xuất bản gồm có: “Hạnh phúc lối nào”, “Sống thác với tình”, “Nợ tình”, “Ðón gió mát, nhắc chuyện xưa”, “Chị Ðào, chị Lý”, “Nợ trái oan”, “Tắt lửa lòng” (18). Đa số các tiểu thuyết của ông do nhà in và xuất bản Đức Lưu Phương phát hành.


HBC-1 HBC

Hình 1 – Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh) (nguồn: Souverains et notabilites d'Indochine (Partie I), Éditions du Gouvernement General de l'Indochine, IDEO, 1943). Marcel Pagnol (nguồn: allocine.com).

Các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cho ta các bức tranh sống động mang chất Nam Bộ và giọng văn giản dị được thể hiện trong các tiểu thuyết của ông, như đoạn sau đây trong tiểu thuyết “Ở theo thời”(1935). 'đoạn trích để nguyên'


Lối 4 giờ chiều, nhờ mấy cây cồng lớn của làng trồng chung quanh nhà-việc (1) Tiểu-Cần che áng mặt trời, nên cái sân rộng trước nhà-việc, kêu là sân chợ-củ, có chỗ còn nắng, mà có chỗ đã mát. Một chú bán mì-thánh, để gánh trên lề đường, đứng gõ sanh lắc cắc cụp. Một chị bán chè-thưng đi dọc theo trước phố rao hàng tiếng nghe ngọt xớt. Sắp con nít tựu mấy chỗ có bóng mát mà trững-giởn, đứa chạy rần-rật, đứa la om-sòm.

Thinh lình có cái xe đò, chở đầy hành-khách, ầm-ầm chạy vô cái sân ấy, bóp kèn te-te, bụi bay mù-mịt. Sáp con nít la om, “xe Trà-vinh qua, xe Trà-vinh qua” rồi lật-đật đứng nép vô lề đường mà coi xe tới.

Xe hơi chạy chậm-chậm rồi ngừng tại giữa sân. Hành-khách chộn-rộn leo xuống, người xách gói, kẻ bồng con, lại có nhiều người xúm đứng chung quanh xe, chờ mà lấy hành lý. Trong đám hành khách chờ lấy đồ đây, có một người trai, nước da trắng, gương mặt tròn, sơn-đình cao, chơn mày rậm, mình mặc bộ đồ âu-phục bằng bố xám, đầu đội nón trắng, chơn mang giầy đen, đứng ngó dáo-dác, bộ coi ngại ngùng lắm.

Trên xe bỏ xuống một cái rương lớn. Người trai ấy nhắc để dựa bên lề đường rồi nhắm đám con nít đứng gần đó, mà hỏi rằng: “Mấy em biết nhà ông Đốc-học ở chỗ nào, xin làm ơn chỉ giùm cho qua chút ?" Có hai đứa nhỏ giành nhau mà đáp rằng: “Đây, nhà ông Đốc ở phía sau nhà việc(1) đây”.

Người ấy hỏi: “Hai em dắc [dắt] giùm qua lại đó được hay không ?” Hai đứa nhỏ đáp: “Được”.

Người ấy ngó cái rương rồi nói rằng: “Còn cái rương đây làm sao ? Hai em biết ai làm cu ly, kêu giùm cho qua một người đặng qua mướn vác cái rương rồi đi mới được chớ”

Một đứa nhỏ liền kêu một người đứng gần đó mà nói rằng: “Ê! Anh Tao, thầy mướn vác cái rương đây nè anh, vác lại nhà ông Đốc rồi thầy cho tiền xài”. Người trai ấy trạc chừng 17-18 tuổi, trên đầu tóc chôm-bôm, ở trần đưa lưng đen trạy, mặc một cái quần vắn mốc-thít (2), thủng thẳng bước lại hỏi vác đi đâu nhớm thử cái rương, rồi ngồi xuống kê vai mà vác.

Hai đứa nhỏ đi trước, người mặc đồ Tây với người vác rương đi theo sau. Mấy người đứng chơi tại sân, họ ngó theo và nói với nhau rằng: “Thầy nào đó lạ mà hỏi thăm ông Đốc-học vậy kìa ?. Chắc là thầy-giáo mới đổi lại đây chớ gì”.

Phía sau nhà-việc Tiểu-Cần, có một dãy phố trệt mười căn, lợp ngói, vách ván, lót gạch, tuy phố cũ mà sạch-sẽ. Đi tới 2 căn chót, hai đứa nhỏ đứng lại chỉ mà nói rằng: “Đây, ông Đốc ở hai căn đầu đây”.

Người lạ, mặc đồ Tây, ngó vô thì thấy nhà dọn bàn ghế hực-hở (3), trước cửa có rào hàng rào tre, làm thành một cái sân nhỏ nhỏ. Trong sân có để chin mười chậu, cái thì trồng cau đỏ, cái thì trồng cau vàng, cái thì trồng kiểng bằng cây sộp, cây ngâu. Dựa theo hàng rào lại có trồng chuối nước với móng tay, trổ bông chỗ đỏ, chỗ trắng, chỗ tím, chỗ vàng, coi rất đẹp mắt. Người ấy quay lại tạ ơn 2 đứa nhỏ, rồi xâm-xâm bước vô sân với người vác rương.

(chú thích: (1) nhà việc: nhà chung trong làng để hội họp (2) mốc-thít: mốc thếch, mốc meo hay cũ (3) hực-hở: theo ĐNQÂTV, rực rỡ).

Mặc dầu tiểu thuyết “Ở theo thời” là phóng tác dựa theo vở kịch Topaze của Marcel Pagnol nhưng tình cảnh xã hội và các nhân vật là hoàn toàn Nam Kỳ và theo sự theo dõi nhận xét của tác giả Hồ Biểu Chánh về phong tục và con người Nam Kỳ đương thời như tác giả đà cho biết trong lời nói đầu như đã nói trên. Nội dung tiểu thuyết “Ở theo thời” về thầy giáo trẻ Hà Tấn Phát sau khi tốt nghiệp trường sư phạm ở Sài-Gòn được bổ nhiệm xuống Tiểu Cần, một huyện ở tỉnh Trà Vinh, dạy một trường tiểu học. Thầy Phát, cha mẹ mất sớm, rất siêng và học giỏi nhờ sự giúp đỡ của người anh họ. Ở Tiểu Cần, thầy Phát được ông Đốc-học cho dạy lớp nhứt. Ở trọ tại nhà thầy Nguyên dạy cùng trường. Thời gian ban đầu ở Tiểu Cần, trong những dịp họp mặt với các đồng nghiệp và những người quen biết họ thường rủ thầy Phát chơi bài tứ sắc, nhưng thầy Phát không bao giờ tham dự. Hay những buổi đi chơi với đồng nghiệp do họ mời rủ, thầy Phát không tham dự vào việc đánh bài hay trai gái. Thầy ký Huy, một trong các người bạn trong quận cùng đi thuyền vui chơi ngày lễ, nói với thầy Phát như sau, khi Phát không tham dự lả lơi với các cô gái:

“… Ở đời người ta làm sao mình phải làm theo vậy, mới thuận cảnh, coi mới vui, chớ mình làm khác người ta thì khó coi lắm, mà lại trái nhơn-tình. Thầy xét lại đó mà coi, đời nầy không phải là đời đạo-đức, hay là đời nhơn-nghĩa gì đâu. Đời nầy là đời danh-lợi, là đời kim-tiền, từ lớn chí nhỏ, từ sang chí hèn, thảy đều tranh đua với nhau mà làm cho có tiền, không kể cách làm đó hiệp nhơn-nghĩa hay là không hiệp. Hễ có tiền rồi thì lo mua cái danh, không cần xét cái danh ấy trong hay là đục. Bọn mình đây sanh nhằm cái đời như vậy, thì mình phải cư xử theo người đời ấy, chớ mình tập theo tánh tình người đời khác thì thành ra mình trái đời, mình có chơi với ai được….”.

Sau khi thầy ký Huy nói, mọi người có vẻ tán thành. Thầy Phát đáp lại:

Thầy ký lớn tuổi hơn tôi, thầy lịch duyệt đường đời hơn tôi, nên thầy chỉ bảo giùm cho tôi, thiệt tôi cảm tình thầy lắm. Nhưng mà tôi xin lỗi thầy cho tôi cãi lại ít lời. Luân-lý là luân-lý, dầu ở đời nào, dầu ở nước nào cũng vậy, không có thể dời đổi được. Theo lời thầy nói hồi nãy, thì cái đời lễ-nghĩa, cái đời đạo đức đã qua mất lâu rồi, cái đời hiện thời đây là đời danh-lợi, là đời kim-tiền. Mà thầy không có chê cái đời đã qua đó là đời quấy, không khen cái cái đời hiện tại đây là đời phải, thế thì tôi chắc thầy cũng công nhận đời đạo đức là … tốt, còn đời danh lợi là xấu. Nếu thầy biết đời nầy không tốt, mà sao thầy còn dám xướng lên mà khuyên tôi phải tập tánh tình cư xử theo đời nầy? Có lẽ thầy cũng rõ biết, con người, dầu ở đời nào cũng vậy, hễ tới lúc đủ trí khôn thì sự phải với sự quấy chàng-ràng trước mặt, chẳng khác nào người đi đường đi tới ngã ba. Sự giáo dục là một phương chước đặt ra để chỉ đường phải cho thiên-hạ đi, để chỉ nẻo quấy cho thiên-hạ tránh. Anh em chúng ta đây là bọn có giáo-dục ít nhiều, rủi chúng ta sanh nhầm đời danh lợi, thiên hạ đều kéo nhau đi vào đường quấy, bổn phận chúng ta phải lo kéo họ lại mà chỉ đường phải cho họ đi. Sao thầy lại lập cái thuyết xuối [xúi] thiên-hạ sanh đời danh lợi đi vào đường quấy hết thẩy. Rõ ràng cái thuyết của thầy không chánh đáng, không thể làm cho tôi cảm phục được.”

Thầy ký Huy cười xòa mà đáp rằng: “Dưới bóng trăng thanh, kề vai mỹ nữ, mà thầy dạy anh em học luân lý thì không hiệp thời. Thôi để bữa nào rảnh rỗi chúng ta sẽ bình luận việc đó lại. Bây giờ để lo chơi cho vui, kẻo mất ngày giờ.” Thầy nói dứt lời, liền ôm cô áo đen mà nựng.

Tư đó về sau, nhiều đồng nghiệp và quen biết không thích chơi với thầy và có ý xa lánh thầy. Thầy Phát ra mướn ở chỗ riêng khác do vợ chồng thầy Nguyên có ý không muốn cho thầy Phát ở trọ nữa vì thầy không hòa đồng chơi tứ sắc và nghiêm trang trong xử thế. Ông Đốc học có ba người con, con trai lớn có vợ con và làm việc ở Vĩnh Long, còn cô Thiện Tú và người em trai Thiện Chí vẫn ở chung với ông Đốc-học. Nhân dịp nghỉ hè, ông Đốc-học nhờ thầy Phát dạy kèm cho Thiện Chí và cô Thiện Tú để giúp cho hai chị em học tốt hơn. Cô Thiện Tú có cảm tình với thầy từ đó. Nhưng thầy Phát vì siêng năng dạy và thiệt thà liêm chính nên trong lớp thầy có trò con ông Cai Tổng lười biếng học không đặng nên thầy khuyên không nên đi thi và cố gắng học. Khi con về nhà nói xấu thầy với ông Cai Tổng, ông Cai Tổng nói với ông Đốc Học và cả hai đến lớp thầy đang dạy để biết chuyện. Ông Cai Tổng không những không rầy con mình nói sai mà lại đi giận thầy Phát vì đã ngay thẳng chỉ ra sự tình và sai trái. Ông Đốc Học thì lo lắng, không hài lòng và dặn thầy Phát nên đến nhà ông Cai Tổng xin lỗi kẻo ông ta có quen biết sẽ thưa với Chủ Quận. Thầy Phát cho là mình không có lỗi chi mà đáng ra ông Cai Tổng phải xin lỗi thầy mới phải. Cuối cùng ông chủ Quận mời thầy Phát và ông Đốc học đến hầu chuyện. Sau khi nghe hết chuyện, ông Chủ quận nói thầy Phát còn trẻ không nên gây hấn với phụ huynh.

Buồn bã, thầy Phát ra về và mấy ngày sau ở Tiểu Cần ai cũng biết chuyện và đa số đều không tán thành việc thầy Phát làm. Duy chỉ có ông Hội-đồng Bành-đại-Lợi, một người gốc khách-trú (người Hoa), thông hiểu sự tình khi nghe thiên hạ đồn nên sau đó khi có tình cờ gặp thầy Phát và mời thầy về nhà thăm hỏi. Ông Hội-đồng Lợi thông cảm sự lẻ loi biệt lập của thầy Phát trong xã hội vì chính ông cũng chán ngán quan niệm sống của thiên hạ đương thời. Ông kể với thầy Phát là ông là một người chỉ biết chăm chỉ làm ăn không ham danh vọng. Nhưng vì ông chăm chỉ và nhờ thời thế trở nên giàu với nhiều ruộng. từ đó nhiều người muốn lợi dụng ông như ông nhà báo thường viếng thăm ông nhờ mua các tờ báo hàng năm mặc dầu ông không biết chữ, ông đều chịu và vì thế có bài viết khen ông. Các hương chức trong làng, quận đều muốn quen ông để hưởng lộc. Khi dịp con gái ông lấy chồng, ông có mời một số các hương chức đến dự tiệc. Rồi từ quen biết, họ đến thường hơn, tiệc tùng vui chơi bài bạc theo đó. Ông muốn yên thân một mình cũng không được. Rồi họ kêu ông đứng ra tranh cử ở Hội đồng địa hạt, cho là ông chắc chắn thắng vì họ nói rằng chỉ có một mình ông Hương chủ Thống ở làng khác ra tranh cử mà thôi và nói rằng họ sẽ bỏ phiếu hết cho ông.

Vả thầy dọ ý cử tri các làng thì phần đông không chịu bỏ thâm [thăm] cho Hương-chủ Thống, họ nói thằng cha đó gắt gao độc ác, không đáng mặt đại biểu của dân, và họ ước ao cho tôi ra tranh cử thì họ bỏ thâm cho tôi hết thảy, vì họ biết tôi tuy giàu có mà sẳn có lòng lo công ích. Thầy Cai khuyên tôi phải ra mặt đặng cho vừa lòng Hương-chức các làng, thầy làm đầu giúp đỡ mọi việc hết thảy, không có sao đâu mà ái-ngại.”

Nhưng ông Lợi là một người gốc khách trú chỉ biết làm ăn, không biết chữ quốc ngữ và không có tham vọng chỉ muốn yên thân nên từ chối. Vậy mà thầy Cai giận và dạy kêu vợ ông Lợi đến hầu chuyện để ép sao cho ông Lợi chấp nhận.

Tôi tỏ thiệt với thầy Cai rằng tôi quê mùa dốt nát, không xứng đáng làm chức Hội-đồng, nên tôi xin thầy chọn người khác. Thầy làm mặt giận, tôi sợ quá nên tôi xin với thầy để tôi về bàn tính việc nhà rồi tôi sẽ trả lời.Thầy ừ mà lại dặn tôi về biểu đờn-bà của tôi qua hầu thầy đặng thầy dạy việc. Tôi về nói chuyện lại cho vợ con hay. Đờn-bà của tôi rầy quá, bả nói thầy Cai thẩy thương thẩy muốn giúp tôi, sao tôi không chịu, làm bỉ mặt thẩy đây thẩy giận đố khỏi mang khốn. Bả liền che dù qua hầu thầy Cai. Thầy Cai nói với bả sao đó không biết, mà bả về bả cự với tôi, bả nói thầy Cai rầy quá nên bả đã chịu rồi, vậy phải lo ra tranh chức Hội-đồng, đừng có từ chối gì hết. Bả lại nói thầy Cai hứa làm đơn và xin giấy tờ giùm cho, thầy cũng sẽ kiếm người trong mỗi làng đặng nói giùm với cử-tri cho nữa.”

Ông buộc phải lao vào cuộc chơi mới tìm danh. Coi như ông Lợi bị ép ra và phải chi tiêu rất nhiều cho cuộc tranh cử. Ông trở thành ông Hội-đồng Lơi mà thật ra chỉ là con cờ để các hương chức và mọi người lợi dụng tiền tài của ông. Thật là một hài kịch của bầu cử Hội đồng địa hạt.

Thiệt quả chiều có Biện tổng đem đơn xin ra mặt qua mà biểu ký tên và nói sáng bữa sau sẽ đi Trà Vinh mà xin sao lục án Tòa giùm. Cách vài ngày Hương-chức các làng tới nhà tôi rần-rần. Lớp thì lo đãi đằng, lớp thì chịu tiền xe, tốn hao hung quá. Gần tới ngày tuyển cử, họ nói Hương-chủ Thống quyết ăn thua, nên ra tiền mua thâm hung quá, mỗi lá thâm dám mua tới hai chục, hăm lăm đồng. Vợ chồng tôi bàn tính với nhau, Hương-chủ Thống không phải giàu hơn mình mà nó dám làm như vậy, lẻ nào mình lại nhịn thua nó. Tôi cũng phải mua thâm. Bữa cữ, tôi hơn Hương-chủ Thống được 12 lá thâm, tôi đắc-cử. Cha chả! Mà tốn hao nặng quá. Về đãi đằng, về mua thâm, về đền ơn nghĩa chỗ nầy, chỗ kia, cộng hết thảy non tám ngàn đồng !”

Rồi đãi tiệc cử tri, tiệc tùng tốn bao nhiêu. Người quen biết đông quá, hôm tiệc cưới, tiệc giỗ liên miên, chơi bài bạc, hùn hạp thầu hốt me, nhiều người mượn tiền không trả, có người cậy đứng giấy bảo lãnh nợ giùm rồi biến mất. Hội đồng Lợi sau đó cho thầy Phát biết về kinh nghiệm của ông với bộ máy hệ thống danh lợi đương thời ở Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh mà hết thảy thiên hạ đều lao vào kiếm sống.

Thiên hạ xấu lắm thầy ơi ! Ai cũng là “thằng điếm” hết thảy, bất luận là họ nói tiếng chi, hay họ làm việc chi, họ đều tính cho có lợi hết thảy. Tôi đã có kinh nghiệm rồi, nên tôi chỉ giùm cho thầy tránh. Thầy chẳng nên tin ai. Họ ghét thầy là vì họ lột da thầy không được nên họ mới ghét. Họ thương thầy là vì họ có lợi nên họ mới thương. Ấy vậy ở đời nầy mình cần lo giử cái túi của mình trước hết đã, rồi sau sẽ nói chuyện thương ghét.

- Tôi mới bước chơn vào đường đời mấy tháng nay, mà tôi thấy nhiều việc tôi chán ngán rồi. Nay tôi nghe lời thầy nói chuyện nhơn-tình nhiều chỗ đê tiện nữa thì tôi càng thêm buồn. Vậy thì cái nền luân lý của nước ta đã suy-sụp rồi còn gì?

- Có lẻ

Tôi nghĩ tôi dại lắm. Tại tôi muốn cho họ thương, nên tôi mới mang nợ mang nần, chớ nếu tôi giữ chức Hương-bộ cựu, không cầu ai khen, dầu ai thương ai ghét thây kệ, thì tôi sung sướng lắm. Mà thầy biết mấy năm nay tôi mắc nợ, trong nhà bẩn chật (1), rồi thiên hạ họ ở với tôi làm sao không ? Họ coi tôi không ra gì hết. Đó, như hôm bên Hương-sư (2) Lầu đám giỗ họ có mời tôi đâu.

(chú thích: (1) bẩn chật: chật hẹp, lúng túng, không đủ tiêu dùng (2) Thời này ban hộ tề trong làng có 12 chức sắc: hương cả, hương chủ, hương sư, hương trưởng, hương chánh, hương giáo, hương thân, hương hào, hương bộ, hương quản, xã trưởng, chánh lục bộ)


HBC2G HBC2D

Tiểu thuyết “Ở theo thời” (1935) mặc dù tả tình cảnh ở Tiểu Cần, Trà Vinh, nhưng nói chung ra là cho ta thấy tình cảnh xã hội ở Nam Kỳ trong thập niên 1930 đã phân hóa xuống dốc về phương diện đạo đức, con người chỉ trọng danh lợi từ trên đến dưới trong dân dã. Còn những người sống liêm chính không theo làm giàu, mua danh, bợ trên nẹt dưới thì bị thiên hạ tránh coi như khác người không hòa đồng xã hội như mọi người khác trong thiên hạ. Những điều này mà tác giả Hồ Biểu Chánh đã phác họa và diễn tả ra rất sống động qua các nhân vật và sự kiện trong truyện thật ra cũng rất thời sự và áp dụng cho xã hội ở nhiều nơi sau này và cho tới ngày nay.

Ông Hội-đồng Lợi và thầy Phát trở thành đôi bạn thân thiết. Một ngày ông Lợi cho thầy Phát biết là ông đang gặp khó khăn về tài chánh phải trả nợ tiền mượn xưa kia từ hai người chà-và để mua đất ở Phước Long mà mấy năm nay chi phí nhiều quá và thất mùa. Mấy hôm hai người Chà xã tri đòi nợ nhưng không đủ tiền trả thì họ sẽ kiện để phát mãi các ruộng và tài sản của ông. Lãi xuất của bọ Chà và xã tri (chetty) rất cao, ông Lợi đã trả mấy năm qua chỉ tiền lãi mà đã hơn vốn nợ ban đầu. Nay ông không biết nhờ ai để giao lại ruộng vườn nhà cửa cho khỏi bị bọn chà-và phát mãi mất hết ruộng đất. Ông Hội-đồng vì thế nhờ thầy Phát đứng tên để ông giao lại tất cả tài sản. Mặc dầu thầy Phát không muốn nhưng bị nài quá nên cuối cùng thầy Phát cũng đồng ý. Hai người Chà biết tin nên kiện tòa hủy bọ giấy tờ giao đất với lý do gian lận. Mặc dầu ông Lợi đã mướn trạng sư bào chữa, nhưng Tòa xử cho hai chủ nợ Chà thắng kiện và phạt 1 năm tù đối với ông Hội-đồng Lợi và nửa năm với thầy Phát vì can tội giúp đỡ sự gian lận. Sự kiện này đã làm cuộc đời của hai người đi vào sóng gió và khủng hoảng đối với thầy Phát về quan niệm sống. Hội đồng Lợi trước sau rồi cũng bị phát mãi bán hết ruộng nhà cửa để trả nợ. Thầy Phát về Sài-Gòn nhờ vợ chồng anh họ Hà Tấn Tài cố vấn giúp đỡ. Ông Tài sau khi hiểu tình hình đã nhờ trạng sư ở Sài-Gòn kháng cáo lên tòa Phúc án và đồng ý làm giấy cho thầy Phát mượn tiền để cho biết là thầy mua đất của Hội-đồng Lợi là thật. Công việc dạy học của thầy bị bộ giáo dục cho ngưng việc cho đến khi có kết quả của tòa Phúc án. Trong thời gian ở Sài-Gòn thầy Phát được vợ chồng Hà Tấn Tài khuyến khích đi thăm dạo đời sống ở Sài-Gòn để hiểu về cuộc sống thực tế thay vì theo sách vở. Thầy Phát đã đi và chứng kiến cuộc sống của những người nghèo khổ ở xóm nghèo đến chỗ cao sang và chợ Bến Thành, thấy được nhân tình thế thái và sinh tồn của xã hội. Thầy xét thấy mình phải sống theo thời như người ta nhưng cơ bản vẫn dùng luân lý của mình để xét đoán và xử thế sao cho thích hợp chứ không bỏ mất.

Nói về Hội-đồng Lợi ở Tiểu-Cần, sau khi tòa kêu án 1 năm tù, ông buồn khổ không còn thiết sống, một phần hối hận đã làm thầy Phát liên lụy và gia sản coi như mất hết nên ông không buồn trả lời giấy tòa Phúc án kêu lên mấy lần. Cuối cùng tòa Phúc án (tòa kháng cáo), do có thêm giấy tờ và trạng sư giỏi, nên tòa đã tuyên bố hủy án của tòa phúc thẩm, hai người Chà xã tri chủ nợ thua ở tòa. Thầy Phát và Hội đồng Lợi được trắng án và thầy Phát được bổ làm việc lại ở trường Tiểu Cần. Không những thế, tài sản ruộng vườn nợ của Hội đồng Lợi giờ trước luật pháp là của thầy Phát làm chủ. Thầy Phát nói với anh mình là thầy sẽ để lại cho Hội-đồng Lợi nhà và 50 ha ruộng để sống và mưu sinh. Vui mừng với kết quả, thầy Phát lái xe hơi của anh mình xuống Tiểu Cần để báo cho gia đình Hội-đồng Lợi biết và ý định của thầy. Đến Tiểu Cần, gặp lại ông Đốc học và đồng nghiệp, họ đều vui vẽ mừng cho thầy Phát và ân cần hỏi han hơn lúc trước. Khi thầy sửa soạn đến nhà Hội-đồng Lợi thì họ báo là ông Lợi đã mất vài tuần trước rồi vì thất vọng bịnh mà chết. Thầy Phát quá đổi ngạc nhiên và đau buồn. Đến nhà Hội-đồng Lợi, thầy thương cảm và chia buồn và cho biết tòa đã tha bổng không còn tù tội gì hết nhưng quá trễ vì ông Lợi đã mất. Thầy cũng cho biết sẽ để lại nhà và 50 ha ruộng cho gia đình. Khi nào định được ai trong gia đình đứng ra nhận trên giấy tờ, rồi lên Sài-Gòn gặp thầy để làm giấy tờ chuyển nhượng. Gia đình đều cám ơn thầy hết sức. Thầy trở về Sài-Gòn.

Vợ và con trai Hội-đồng Lợi gặp thầy ở Sài-Gòn để nhận nhà và ruộng cho con trai Hội đồng Lợi. Nhưng lúc này, vợ và con trai ông Lợi đòi phải trả hết hoặc ít nhất là phân nửa nếu không thì họ sẽ mang ra công luận. Ngạc nhiên và thất vọng trước đòi hỏi thái quá này, thầy Phát buồn và nói sẽ không cho gì hết và đổi ý chuyện cho tài sản. Sau đó thì có tờ báo “Nam Kỳ” đăng bài tố cáo thầy Phát đoạt đất và tài sản. Nhưng cũng có các tờ báo “Tấn bộ”, “Sự thật” binh vực thầy Phát. Thầy Phát trong cuộc trao đổi với thầy mình ngày xưa, ông giáo Lý-kỳ-Phùng đến thăm sau khi đọc các bài trên báo để hiểu thực hư, Thầy Phát dầu làm theo thiên hạ trong cuộc sống nhưng “cái gốc đạo đức vẫn nắm vững bền, cái lòng nhân nghĩa vẫn nuôi kỷ lưỡng” đã thổ lộ như sau:

Đối với thiên hạ thì em cũng là một “thằng điếm trong chợ xã hội” nầy như họ vậy, nhưng mà thằng điếm có lương tâm, có nhơn-nghĩa. Tuy vợ con Hội-đồng Lợi đối với em khiếm nhả, em giận em nói vậy, chớ bề nào rồi đâu em cũng làm cho có nhà mà ở, có ruộng mà làm. Còn em có lấy cho phần em bao nhiêu, thì em lấy đặng dùng mà làm việc nhơn-nghĩa với đời, cho thiên hạ biết “tiền bạc là quí mà phải dùng nhằm chỗ mới quí” chớ không phải em lấy đặng xài-phí bậy bạ như người ta vậy đâu”.

Ông giáo Phùng châm-chỉ nghe dứt lời rồi, ông vổ vai thầy Hà-tấn-Phát mà cười và nói rằng: “Vậy mới đúng! Hồi trước thầy truyền cho em cái nhơn-đạo mà thôi, bây giờ em cải-lương chế sữa cái nhơn-đạo ấy cho thích hiệp [hợp] với thời-cuộc, thì hay lắm, thầy cũng chịu, chớ không còn cãi gì nữa”.

,

Nói tóm lại, Hồ Biểu Chánh đã đọc và theo dõi văn học Pháp và lấy cảm hứng từ câu chuyện trong vở kịch Topaze (1928) để viết ra tiểu thuyết “Ở theo thời” (1935) nhưng hoàn toàn đặt trong bối cảnh xã hội Nam Kỳ và con ngườI thầy Phát khác với Topaze là mặc dầu làm theo thiên hạ nhưng vẫn giữ cốt đạo đức nhân nghĩa để giúp không những cho mình tiến thân mà có trách nhiệm giúp đỡ những người khác trong xã hội. Tức là sống với họ, hành xử như họ mà không như họ, vẫn giữ phong cách và triết lý đạo đức của mình, không bị làm điều trái nhân nghĩa, thoái hóa nhiểm hết vào mình. Đây là triết lý sống mà Hồ Biểu Chánh giúp cho ta thấy đường đi thực tiễn mà bị không lụn bại trí đức trong bất cứ xã hội ở đâu, thời nào kể cả ngày nay.

Thực ra nếu Hồ Biểu Chánh không cho ta biết tác phẩm “Ở theo thời” lấy cảm hứng từ cốt truyện trong vở kịch Topaze thì ta cũng hoàn toàn không biết có sự liên hệ giữa hai tác phẩm. Điều này cho thấy Hồ Biểu Chánh khi thấy một ý tưởng hay trong một tác phẩm văn học nghệ thuật Pháp, ông khai triển nó và dựng ra thành một tiểu thuyết hoàn toàn trong bối cảnh xã hội phong tục đời sống Nam Kỳ với câu truyện rất lôi cuốn hấp dẫn người đọc. Đó là bản lãnh dấu ấn của một tiểu thuyết gia hay kịch gia chuyên nghiệp.


Nguyễn Đức Hiệp


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us