Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Hồ sơ LÊ VĂN TÁM, HIỆN THỰC VÀ HUYỀN THOẠI (2)

Hồ sơ LÊ VĂN TÁM, HIỆN THỰC VÀ HUYỀN THOẠI (2)

- Nguyễn Văn Thịnh — published 25/10/2009 00:59, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Bài của Nguyễn Văn Thịnh và bình luận của chúng tôi


Hồ sơ LÊ VĂN TÁM, HIỆN THỰC VÀ HUYỀN THOẠI (2)



Lê  Văn Tám ! Anh là ai ?


 

Nguyễn Văn Thịnh

 

Tiếp theo bài viết của nhà sử học Phan Huy Lê (Về câu chuyện Lê Văn Tám), chúng tôi đăng dưới đây bài của ông Nguyễn Văn Thịnh (theo đài BBC, là nhà văn. nguyên bác sĩ quân y). Bài này đề ngày 5.9.2009, nghĩa là viết trước bài của Phan Huy Lê, nhưng nhằm phản bác lời của Phan Huy Lê trả lời báo Người Việt bốn năm trước đó. Ưu điểm chính của bài viết là ông Nguyễn Văn Thịnh đã cung cấp được chứng từ của đại tá Võ Thanh Khiết. Đại tá Khiết đã phân biệt rõ hai sự kiện khác nhau về thời gian và không gian : vụ đốt kho xăng Thị Nghè ngày 17.10.1945, và vụ phá nổ kho đạn Sở Thú ngày 8.4.1946. Nhưng ai đốt kho xăng thì ông cũng chỉ "nghe nói" : "vụ cháy trạm xăng, qua tin tức nội bộ nói là do một em bé tên Tám đốt. Em Tám chứ không nêu đủ họ danh Lê Văn Tám như sau này đâu (...) Còn cái tên Tám xuất hiện từ đâu, muốn làm rõ ra cũng không là điều dễ. Hãy coi như một cái tên lịch sử.". Phần viết của ông Nguyễn Văn Thịnh, còn lại, là lời biện hộ cho những huyền thoại lịch sử và lối chụp mũ, kích động : "Tại sao người Việt tin Phù Đổng Thiên Vương là có thật dù ai cũng hiểu nó pha nhiều huyền thoại ? (...) Ngọn đuốc sống là hìmh tượng nghệ thuật mà sự rung cảm xuất thần của nhà văn đã dựng nên và cũng không ngờ nó còn sáng mãi (...) Tôi rất cảm phục ý kiến của một cư dân mạng luhanhhoangviet : (...) Dù Lê Văn Tám là một nhân vật tưởng tượng thì tôn vinh anh cũng là thể hiện lòng nhớ ơn tới những người đã hy sinh vì đất nước, chẳng có gì là sai cả !".

Sau khi bài của Phan Huy Lê được công bố, ông Nguyễn Văn Thịnh lại cả quyết ''Lê Văn Tám không phải là hư danh đâu mà chúng tôi cũng sẽ chứng minh là có thật''. Nhưng khi được BBC hỏi liệu ông đã có đầy đủ tư liệu để chứng minh rằng nhân vật Lê Văn Tám có thật hay không, ông nói : ''Dĩ nhiên bây giờ một người chết đã rất lâu rồi bây giờ gọi là tư liệu hoàn toàn chính xác thì không ai dám nói nhưng mà có những cơ sở, những tư liệu, những người nói rằng Lê Văn Tám là có thật." (BBC 16.10.2009).

Nhũng lời nói hồ đồ bất nhất đó càng làm nổi bật lối chụp mũ quy kết đã một thời thịnh hành : " những tư tưởng chính kiến sáng rỡ của thầy lưu rành rành trong sách, được nhiều người trân trọng coi như di huấn thì trò lại xé toạc đi ! Ông làm đầu trò kích xúi người ta dựng dậy thây ma của những kẻ bán nước hại dân trong khi ông thâm trầm khôn khéo xô đổ những tượng đài yêu nước ! ". Cũng cần giải mã hai câu bí hiểm này : nếu chúng tôi không lầm, tác giả muốn nhắc lại lời kết án Phan Thanh Giản (bán nước) của ông Trần Huy Liệu, và việc ông Phan Huy Lê tổ chức hội thảo về Chúa Nguyễn và Nhà Nguyễn tháng 10.2008 là "kích xúi người tra dựng dậy thây ma...".  Bất hủ không kém là lời phán chắc nịch "Muốn trung thực phải trung thành trước đã". 

Có dịp, chúng tôi sẽ trở lại cuộc vận động của những phần tử "trung thành" nhằm xuyên tạc, ngăn cấm những nghiên cứu khoa học chân chính.

Dư luận từ râm ran đến ngày càng rộ lên về chuyện tấm gương hy sinh anh hùng của một thiếu niên ở Sài gòn trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến mà trong tâm trí  của nhiều thế hệ người Việt Nam, hơn nửa thế kỷ qua vẫn coi như ngọn đuốc sống sáng ngời tinh thần yêu nước.

Người ta càng lưu tâm nhiều hơn vì tin ấy chính thức tung ra từ mấy người trong giới sử đã có thương hiệu quá quen thuộc với nhiều người. Trước hết là ông Phan Huy Lê  nói tại cuộc gặp mặt các nhà làm phim ở Hà Nội đầu năm 2005, lại có tạp chí Xưa và nay của ông Dương Trung Quốc đăng hồi ký của nhà hoạt động cách mạng lão thành ở miền Nam là ông Dương Quang Đông xác nhận điều đó. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa báo nói, báo viết về một sự kiện thiếu tính chân xác của lịch sử đang thành một chấn động dây truyền trong lòng người lẽ ra không đáng có !

Theo ông Lê, đấy là  điều ông cần phải nói ra, trước hết là trách nhiệm của người làm sử có lương tâm, sau là  trả món nợ với anh Trần Huy Liệu – bậc thầy của ông đồng thời là nhà cách mạng lão thành kiêm sử gia đáng kính.

Dựa vào tin thu trên mạng, tóm lược như sau : Lúc đang làm Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền (thời điểm 1946-1948?), ông Trần Huy Liệu đã viết về một nhân vật thiếu nhi Lê Văn Tám tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng của giặc Pháp ở Thị Nghè. Ông Lê nói : Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng : Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Lúc đó ông Trần Huy Liệu đã là một nhà hoạt động xã hội lớn thì sao có thể thổ lộ gan vàng với cậu bé Lê mươi mười lăm tuổi ?!

Nhà văn Phan Vũ thì kể rằng ông không biết chuyện đốt kho xăng có thật không nhưng theo yêu cầu của công tác tuyên truyền, ông dựng phim truyền hình (?) vào dịp Cách mạng tháng Tám nên lấy tên Tám đặt cho nhân vật là hợp với tập quán của người Nam bộ. Tình tiết này không hợp lý vì mãi tới năm 1973, Hà Nội mới có truyền hình, tuy nhiên cho tới nay chưa từng dựng một phim nào về Lê Văn Tám.

Được biết thời điểm ông Phan Vũ viết vở kịch Lửa cháy lên rồi với nhân vật trung tâm là thiếu nhi Lê Văn Tám vào khoảng 1953-1954 ở chiến khu Nam Bộ và đã diễn cho bà con vùng kháng chiến xem trước khi tập kết ra Bắc. Suốt mấy năm sau, vở kịch được công diễn trên nhiều sân khấu các thành phố lớn và học đường ở miền Bắc mới giải phóng, góp phần nhen lên trong lòng lớp thiếu niên lúc ấy ngọn lửa của lòng yêu nước. Sau đó không thấy vở kịch công diễn nữa, vì sao thì không rõ nhưng hình ảnh ngọn đuốc sống đã in đậm trong lòng nhiều người, nhất là khi cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược càng vào những thời điểm gay go quyết liệt, tấm gương của những dũng sỹ diệt Mỹ ở miền Nam sáng lên cùng với hình ảnh của ngọn đuốc sống Lê Văn Tám như một dòng chảy tự nhiên từ cậu bé Gióng sọ dừa đến Trần Quốc Toản Phá cường địch báo hoàng ân

Nhiều người lớn tuổi kể rằng trong kháng chiến chống Pháp, ở vùng tự do phía Bắc, có viết chuyện nhiều thiếu niên nêu những tấm gương hy sinh dũng cảm, trong đó có chú bé đốt kho xăng ở Sài Gòn. Chuyện do ai viết ra thì không nhớ và cái tên Lê Văn Tám xuất hiện từ lúc nào, do ai khởi xướng cũng không mấy ai để ý. Vậy có tư liệu lưu trữ lại không ?

Trên báo Cựu chiến binh TP.HCM số 269 ngày 20/10/2008, có nêu ý kiến trao đổi của Đại tá, hội viên Hội Cựu chiến binh quận X Võ Thanh Khiết như sau :

Kho xăng dầu Thị Nghè thực ra là một trạm trung chuyển của hãng dầu Shell để xuất hàng cho các khách hàng mua sỉ không lớn lắm, thường đến nhận hàng bằng xe tải hay ghe thuyền. Nó nằm trên bờ tây rạch Văn Thánh, ngay sát đầu cầu trên đường Ngô Tất Tố ngày nay, cách chợ Thị Nghè vài trăm thước, nên thường được gọi là Kho xăng dầu Thị Nghè. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, ngày 17/10/1945, Lê Văn Tám được giao nhiệm vụ đột nhập vào kho này, dùng chai xăng đốt phá, bị xăng bắt cháy vào người thành ngọn đuốc sống và anh dũng hy sinh. Gương anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ của Tám đã động viên chúng tôi rất nhiều trong chiến đấu lúc bấy giờ. Đó là chuyện có thật 100 %, không phải hư cấu như người ta nói.

Còn Kho đạn Sở thú, thường gọi như vậy do nó nằm trên đường Docteur Angier (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngang với Bảo tàng lịch sử thành phố trong khuôn viên Thảo cầm viên) là một kho đạn quy mô không lớn, nghe nói nó thuộc Trung đoàn thuộc địa số 11 (11e RIC) trước kia, nó cách Kho xăng dầu Thị Nghè hơn 500 mét, bị một đơn vị vũ trang của ta đánh nổ đêm 8/4/1946 nhằm triệt phá tiềm lực chiến tranh của giặc.

Cả hai sự kiện lịch sử trên diễn ra cách nhau về thời gian, không gian và khác biệt nhau cả về tính chất hồi đầu Nam Bộ kháng chiến, được báo chí kháng chiến và báo chí nội thành Sài Gòn lúc ấy phản ánh khá đầy đủ, có thể sưu tra để phản ảnh lịch sử đúng sự thật vốn có của nó.

Vậy là sự kiện mà ông Dương Quang Đông nêu ra mới chỉ đúng nửa phần sự thật vì đó là trận đánh Kho đạn Thị Nghè với sự hy sinh của các chiến sỹ Kakim, Kỷ và Ny, coi như là có thật. Còn đánh cháy Kho xăng Thị Nghè lại là một sự thật khác nhưng người chiến sỹ cảm tử ấy là ai ?

Vậy ngọn đuốc sống là hoàn toàn không có thật hay chỉ cái tên là không thật ? Đặt cho cùng một nhân vật cái tên Tám – Lê Văn Tám có là sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa nhà sử học, nhà văn và dư luận ở những thời gian và không gian khác nhau không ? Ai có thể làm rõ ra chuyện này?

Chúng tôi trực tiếp gặp Đại tá Võ Thanh Khiết vào dịp Quốc khánh năm nay (2009) và lược nhanh vài nét trong buổi chuyện trò thân tình vui vẻ.

– Người viết : Xin ông cho biết sơ luợc trích ngang về quá trình tham gia kháng chiến.

– Đại tá VTK : Tôi sinh năm 1929, quê ở xã Tân Bửu, Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc địa bàn huyện Bình Chánh và Bến Lức). Năm 1940 tôi lên học ở Sài Gòn. Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 9/3/1945, tôi về quê, tham gia Thanh niên Tiền phong. Ngày 24/8/1945, tham gia cướp chính quyền ở tòa Bố tỉnh Chợ Lớn. Sau đó làm liên lạc cho báo Kèn gọi lính của ta. Sau ngày 23/9, Uỷ ban kháng chiến Sài gòn rút ra đóng tại xã tôi thì tôi làm liên lạc cho Uỷ ban, thường xuyên ra vào thành phố lấy tin tức. Lúc đó vùng Thị Nghè còn là ngoại đô, là nơi tranh giành quyết liệt giữa ta và địch, có cả lính Vệ quốc đoàn Nam tiến cùng chiến đấu với các lực lượng võ trang của địa phương. Khoảng cuối tháng 10 năm đó, khi quân của Leclerc tăng viện cho mặt trận Sài gòn thì quân ta rút khỏi Thị Nghè. Năm 1947, tôi vào du kích Hạ Trung Huyện, rồi lên tiểu đoàn 308 Nguyễn An Ninh do anh Huỳnh Văn Một chỉ huy, liên tục chiến đấu ở vùng Chợ Lớn cho đến năm 1950

– Người viết : Lúc đó ông có biết chuyện cháy Kho xăng Thị Nghè không ?

– Đại tá VTK : Thời gian đó cơ quan Uỷ ban còn đóng sát nách Sài Gòn, tôi ra vào nội đô thường xuyên sao không biết. Tôi nói rõ để anh biết. Khi tôi là học sinh trường Pétrus Ký, điểm chính hiện nay thì quân Nhật biến thành trại lính của nó rồi. Trường tôi chuyển về học tại trường Trưng Vương ngày nay, sát ngay Sở Thú, kế bên là Thị Nghè. Đám học sinh nội trú chúng tôi thường ra đó chơi, đá banh rồi nhảy xuống tắm ở cái hồ kế đó, nước trong và mát lắm. Bởi thế vùng này tôi rành lắm.

– Người viết : Vậy Kho xăng Thị Nghè và Kho đạn Sở Thú là hai căn cứ khác nhau ?

– Đại tá VTK : Đúng ! Khác nhau về địa điểm và cả về tầm cỡ. Thực ra gọi là Trạm xăng Thị Nghè thì đúng hơn vì nó chỉ là một Đại lý bán sỉ xăng dầu của tư nhân thì làm chi có lính bố phòng. Nó nằm kề bên bờ con rạch gần chợ, thuyền ghe hoặc xe ô tô đều ra vô được. Tôi còn nhớ rõ đó là một căn nhà thấp, nền đất, không rộng lắm, mái tôn xập xệ, vách là những tấm gỗ mảnh đóng thưa, trong nhà chứa nhiều thùng phuy, tới nơi sặc hơi dầu. Chung quanh có một lớp rào kẽm gai sơ sài, có ai đột nhập vào cũng không khó khăn gì. Còn Kho đạn Sở Thú là một doanh trại, toàn lính lê dương canh gác, lại gần Tổng hành dinh của tướng Leclerc nên được bố phòng cẩn mật.

bando

– Người viết : Cả hai trận đánh ông đều biết ?

– Đại tá VTK : Đạn nổ điếc tai, lửa khói ngất trời thì cả thành phố ai mà không biết. Hôm sau đồn rầm lên những tin truyền khẩu rồi mới là trên báo chí. Do đơn vị nào đánh thì không biết nhưng thiệt hại của nó và tâm lý địch, ta thì biết. Dù không chính xác nhưng báo chí của nó đã nêu lên một phần sự thật.

– Người viết : Lúc đó ông đã biết người đánh trạm xăng là ai ? tên gì và do đơn vị nào tổ chức chưa ?

– Đại tá VTK : Theo tôi thì trận đánh Kho đạn ngày 18/4/1946 phải có tổ chức chu đáo và có nhiều người phối hợp mới tiến hành được. Các anh chịu khó tìm xem. Trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai chấp bút có nói đến trận đánh này. Còn cháy Trạm xăng Thị Nghè tháng 10 năm trước thì dù tổ chức hay cá nhân nào có ý đồ đều dễ thực hiện, nhất là lúc đó phong trào tiêu thổ kháng chiến đang cao. Dù chỉ là một trạm chứa nhưng vài chục tới trăm phuy xăng dầu 200 lít cùng cháy rần rần thì cả thành phố đều biết, gây sự phấn chấn trong lòng người lúc đó đang căm thù quân xâm lược. Trận nào báo chí nó cũng chỉ nói là bị Việt Minh đánh. Nhưng vụ cháy trạm xăng, qua tin tức nội bộ nói là do một em bé tên Tám đốt. Em Tám chứ không nêu đủ họ danh Lê Văn Tám như sau này đâu.

– Người viết : Ông có nghe những thông tin trái chiều về ngọn đuốc sống hay không ?

– Đại tá VTK : Tôi có nghe và cảm thấy buồn. Ông Trần Huy Liệu là một sĩ phu tâm huyết, người mà trước sau tôi vẫn rất kính trọng. Tôi chỉ nói được rằng vụ cháy trạm xăng Thị Nghè là có thật, tôi là một chứng nhân ! Còn tiến hành thế nào thì làm sao biết được. Vùng này lúc đó phức tạp, cả ta và tây đều không làm chủ được, tập trung rất nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ và có tinh thần đánh tây hăng lắm. Mà vũ khí chỉ cần một que diêm hay cái hộp quẹt thôi. Khi lửa phật lên, xăng phụt ra bắt cháy, ai cũng phải có phản xạ vọt chạy thoát ra. Gọi là ngọn đuốc sống cũng không có gì là quá. Có thể nào ông Trần Huy Liệu hư cấu ra một chuyện trùng với sự thật đã xảy ra trước đó cả năm trời, ở cách xa ông hàng ngàn kilômét ?! Còn cái tên Tám xuất hiện từ đâu, muốn làm rõ ra cũng không là điều dễ. Hãy coi như một cái tên lịch sử.

Trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhiều sự kiện bi hùng khó được minh xác cả về hành tung và nhân vật. Khắp thế giới này ở đâu cũng thế, nó thường bị phủ lên màu huyễn hoặc tuỳ thuộc sự kiện ấy lớn hay là nhỏ cùng với bối cảnh xảy ra. Nhất là khi nó được diễn tả bằng những hình tượng văn học thì tuỳ theo tư duy trừu tượng của người nghệ sĩ sáng tạo nên những nhân vật hoặc phi lý thì chết yểu, hoặc hợp với yêu cầu chính đáng của lịch sử nhân vật sẽ thành thần tượng bất tử trong sinh hoạt tinh thần của một cộng đồng. Tại sao người Việt tin Phù Đổng Thiên Vương là có thật dù ai cũng hiểu nó pha nhiều huyền thoại ? Tại sao người Trung Hoa tin ông Quan Vân Trường đức độ, tài ba, uy vũ cả lúc sống đến khi đã chết ? Tại sao ở thế kỷ XV, khi nước Pháp không còn được là cái bóng của chính mình, người ta lại tin cô thôn nữ thất học Jeanne d’Arc, lúc 12 tuổi đã nhận được thiên khải của Chúa truyền cho sứ mệnh thống lãnh quân đội Pháp đánh bại quân xâm chiếm Anh ? Tại sao người nữ chiến binh dũng cảm ấy lúc 18 tuổi cầm quân đã qua mặt bao nhiêu thống lĩnh, được coi như người làm nên chiến thắng cho nước Pháp trong cuộc chiến tranh 100 năm với người Anh ? Năm 19 tuổi, cô bị bắt. Từ bị coi như kẻ dị giáo, bị thiêu trên giàn hoả, rồi lại được giải oan, coi như một tín đồ tử vì đạo, được ban phúc lành, rồi được Giáo hoàng phong thánh, là niềm tự hào của nước Pháp và được các văn nhân nghệ sĩ tài danh như Shakespeare, Voltaire, Schiller, Verdi, Tchaikovsky, Twain, Shaw… lấy làm hình tượng sáng tác tôn vinh.

Thực tế suốt mấy mươi năm chiến đấu kiên cường giải phóng non sông, đồng bào và chiến sĩ ta đã nêu những tấm gương hy sinh chịu đựng để giữ lòng sắt son trung kiên với nước không bút mực nào tả hết, những tấm gương anh hùng dũng cảm không tiếc thân mình cho thắng lợi cuối cùng cũng không sao kể hết ra. Hạnh phúc thay cho nhà văn có nhân vật của mình được hoá thân thành con người thật giữa đời và sống mãi trong lòng nhân dân. Chú bé nào được mang danh Lê Văn Tám tượng trưng cho tuổi trẻ Việt Nam anh hùng chẳng khác gì chú bé Gavroche của kinh thành Paris mà hôm nay tới đó, người ta vẫn tưởng như có bóng chú thấp thoáng trên những ngã phố, quảng trường. Những con người như thế đã làm đẹp cho lịch sử dù không làm nên lịch sử nhưng họ xứng đáng bước vào trang sách những em thơ.

Ngọn đuốc sống là hìmh tượng nghệ thuật mà sự rung cảm xuất thần của nhà văn đã dựng nên và cũng không ngờ nó còn sáng mãi. Sự việc chỉ có một người hành động mà đã không còn. Ai biết được chú bé ấy có một mái nhà ở đâu đó hay chú là đứa trẻ lang thang lấy góc chợ, lề đường làm nhà, lúc đánh giày, lúc bán lạc rang ? Người mẹ kia có thể là má Tư, dì Tám thương tình đứa trẻ bơ vơ và chú ngả vào lòng ? Đời người lính chiến có khi sống chết ngoài quy luật. Đã không là bản báo công thành tích để tuyên dương công trạng thì sao lại đòi phải có thân nhân hay đơn vị đứng ra xác nhận và cần biết chú đúng 10, 12, 15 hay 17 tuổi làm chi ? Có ai vô cảm vô tâm tới mức đi đo đếm quãng đường bé em chạy khi trên mình đầy lửa chính xác là bao nhiêu mét ? Ai đã từng được nhìn tấm hình nổi tiếng bé gái Phúc trần truồng vì phỏng lửa bom của giặc Mỹ vào năm 1972, chỉ có thể nhạt nhoà nước mắt thương tâm chớ ai còn lòng nào hỏi con đường em đã chạy được bao xa ? Mà vị sử gia hàng đầu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn đủ lòng bình thản đi tìm bác sỹ tham vấn xem khi lửa xăng đang bốc cháy trên người một chú bé 10 tuổi, liệu khả năng sẽ chạy được bao xa ?! Để làm gì ?! Tôi rất cảm phục ý kiến của một cư dân mạng luhanhhoangviet : Thật ra thì trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của nhân dân ta, những hành động anh hùng nhiều lắm, có điều là họ hy sinh vì đất nước nhưng tên tuổi thì không được ai biết đến. Có thể trong số họ không có ai tên là Lê Văn Tám nhưng những việc họ đã làm cũng không kém đâu. Dù Lê Văn Tám là một nhân vật tưởng tượng thì tôn vinh anh cũng là thể hiện lòng nhớ ơn tới những người đã hy sinh vì đất nước, chẳng có gì là sai cả !

Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại sau đó của nhật báo Người Việt, phóng viên hỏi : Ông Trần Huy Liệu nói ra với ông (PHL) điều đó vào lúc nào ? Ông Lê trả lời : Ông Trần Huy Liệu nói với tôi rất nhiều lần câu chuyện này vào những năm cùa thập kỷ 1960, vài năm trước khi ông Liệu mất, có cả mấy người cùng biết hiện nay đang còn sống. Khác như ông nói ở phần trên ! Lúc này ông Lê mới tốt nghiệp Đại học – Khoa Sử, được giữ lại làm cán bộ giảng tại Trường Đại học, ông Trần Huy Liệu làm Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam. Thầy trò lúc phiếm có thể nói với nhau những chuyện trái của nghề viết lách mà trò coi như di ngôn, cần phải thanh minh cho người thầy tiết tháo. Trái lại, những tư tưởng chính kiến sáng rỡ của thầy lưu rành rành trong sách, được nhiều người trân trọng coi như di huấn thì trò lại xé toạc đi ! Ông làm đầu trò kích xúi người ta dựng dậy thây ma của những kẻ bán nước hại dân trong khi ông thâm trầm khôn khéo xô đổ những tượng đài yêu nước ! Hẳn ông biết giữa triều, vua Lê Thánh Tông từng mắng nhiếc mấy sử quan ăn ở hai lòng :… Các ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là người theo đạo chết, mang lòng không vua. Các ngươi nay thờ chủ này mai thờ chủ khác chỉ vì lợi lộc, sao trong lòng không tự xấu hổ mà chết ư ?

Muốn trung thực phải trung thành trước đã.

Nói hết ra sự thật để làm xao xuyến lòng người, chưa hẳn là người có lương tâm.

 

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 9 năm 2009

 
NGUỒN : phongdiep.net

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss