Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Học thuyết giá trị lao động mới

Học thuyết giá trị lao động mới

- Đàm Văn Vĩ — published 28/09/2009 02:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18

HỌC THUYẾT “GIÁ TRỊ LAO ĐỘNG” MỚI!


Đàm Văn Vĩ



LTS. Trong bài "Lại Karl Marx" đã đăng trên mặt báo này, Phan Huy Đường viết:

" Ông cụ này chết dai hơn đỉa. Mỗi lần "thị trường toàn cầu hoá" khủng hoảng, người ta lại lôi cổ ông ra bàn. Dĩ nhiên theo kiểu trích một ý, một "quy luật", bàn cho vui rồi quên, qua chuyện khác… Nhưng cũng có thanh niên đã no đòn chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 20, vẫn nỗ lực tìm hiểu học thuyết kinh tế của ông, phê phán những sai lầm hay thiếu hụt của nó đúng theo lôgích nội tại của nó, để trang bị cho mình một phương tiện tiếp cận và tìm hiểu những hiện tượng kinh tế thời nay."

Bài viết dưới đây, chúng tôi nhận được từ trong nước, là một nỗ lực như vậy. Mong rằng bạn đọc cũng đón nhận nó - đồng ý hay phản bác - trong tinh thần đó.

Bài hơi dài, chúng tôi đăng làm hai lần, phần tiếp theo sẽ xuất hiện trong 1, 2 ngày tới.


Lời mở đầu


Việc giảng dạy chủ nghĩa Marx ở Việt Nam theo phương pháp "thầy nói trò nghe", "thầy đọc trò ghi" đã gây ra rất nhiều tai hại cho việc hiểu biết về lý luận kinh tế chính trị của Karl Marx. Trong những năm tháng dài vừa qua tại các nước Xã hội chủ nghĩa, việc tuyệt đối hoá chủ nghĩa Marx, cho rằng nó luôn luôn đúng trong mọi thời kỳ và khi có ai đó phát triển hoặc bổ sung cho lý luận của Marx thì đều bị cho là "hữu khuynh", là không có lập trường Marxist đã làm cho lý luận của Marx bị đóng kín hoàn toàn. Mọi sự sáng tạo đều đã bị lên án hoặc cô lập. Khi cơ chế xã hội thông thoáng hơn thì ở một vài điểm nào đó cũng có sự bổ sung vào lý luận của Marx, nhưng đáng tiếc là sự bổ sung không mang tính hệ thống. Đôi khi đó chỉ là sự cóp nhặt một vài khái niệm của kinh tế học hiện đại để thay thế, mở rộng khái niệm của Marx. Điều đó là chưa đủ, bởi vì hệ thống lý luận của Marx, nếu nhìn nhận một cách hệ thống, toàn diện, là một hệ thống logic. Bổ sung mà không xây dựng lại theo logic thì sẽ biến học thuyết của Marx thành một mớ hỗn độn, thiếu tính logic và không giúp cho chúng ta hiểu rõ về những sai xót cũng như những điều cần bổ sung cho học thuyết của Ông. Nó không giúp cho chúng ta hiểu rõ được bản chất của các vấn đề, hiện tượng trong thế giới hiện thực đã phần nào thay đổi hiện nay. Con đường phát triển của khoa học luôn luôn là sự sáng tạo và bổ sung những cái mới theo thực tiễn cho những học thuyết đã không còn phù hợp với thực tiễn. Chủ nghĩa Marx không phải là một chủ nghĩa đóng, là chủ nghĩa đã tuyệt đối đúng, nó cần được bổ sung theo thực tiễn, đó chính là mục đích của bài viết này.

Để đọc và hiểu bài viết này, người đọc cần có một lượng kiến thức nhất định về kinh tế chính trị Marxist cũng như những kiến thức về kinh tế học hiện đại. Nhưng cần tránh áp dụng những giáo điều của lý thuyết cũ để đánh giá cho lý luận của lý thuyết mới - lý thuyết đã bổ sung cho những giáo điều, những thiếu sót của lý thuyết cũ, vì vậy người đọc cần đứng trên quan điểm khoa học để đánh giá những lý luận mới này, tức là chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tiễn và tính logic (nhất là logic học biện chứng mà Karl Marx là người khai sinh) để đánh giá. Với những kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế của mình, tôi không dám khẳng định tuyệt đối những điều mình viết ra là đúng. Nhưng tôi hy vọng những ai có kiến thức sẽ chung tay bổ sung và hoàn thiện nó để có thể góp phần làm cho xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.

Bài viết này sẽ làm rõ những sai lầm và thiếu sót trong kinh tế chính trị của Marx đồng thời bổ sung và hoàn thiện học thuyết này. Nó có thể sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chế độ Xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang xây dựng. Những ý tưởng đầu tiên của bài viết này hình thành vào tháng 10/2006 và bài viết này đã được tôi hoàn thành lần đầu tiên vào ngày 30/4/2007, khi tôi ở thành phố Hồ Chí Minh; nó được bổ sung lần thứ hai vào ngày 23/3/2008 khi tôi làm việc cho Foxconn Technology Group tại Thâm Quyến - Trung Quốc. Lần thứ ba vào ngày 17/4/2009 khi tôi đang làm việc tại công Silkroad Hà Nội JSC, khu công nghiệp Đại An - Hải Dương. Và hoàn thiện lần thứ tư vào ngày 11/08/2009.


I. ĐẶT VẤN ĐỀ:


Cơ sở lý luận của bài viết này là lý thuyết kinh tế chính trị của Karl Marx và các lý thuyết kinh tế khác cùng với thực tiễn nền kinh tế hàng hoá đang tồn tại trên thế giới (tôi nhấn mạnh đến nền kinh tế hàng hoá nói chung chứ không chỉ là nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa). Theo Karl Marx, lượng giá trị của hàng hoá là: W = C + V + m, với W là lượng giá trị của hàng hoá, C là tư bản bất biến, là tư liệu sản xuất như nhà xưởng, máy móc, nguyên vật liệu ...; V là tư bản khả biến, là tiền để thuê công nhân; m là giá trị thặng dư của người công nhân đồng thời cũng là lợi nhuận mà nhà tư bản thu được. Theo lý luận của Marx, nhà tư bản không đóng góp vào giá trị của hàng hoá nhưng mà vẫn thu được lợi nhuận là giá trị thặng dư: P = m. Câu hỏi đặt ra là: lợi nhuận P phải chăng chỉ là giá trị thặng dư m do người công nhân tạo ra? Và công thức W = C + V + m là hoàn toàn đúng cho mọi giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế hàng hoá?

Câu trả lời của tôi là: không! Lợi nhuận không chỉ là giá trị thặng dư của người công nhân, cũng như công thức W = C + V + m là không đúng cho giai đoạn phát triển hiện nay của nền kinh tế hàng hoá, nó cần phải được bổ sung. Lý luận mới này sẽ phê phán và xây dựng lại khái niệm “giá trị sử dụng”, một trong hai mặt thể hiện của “hàng hoá”. Khái niệm “lao động tạo ra giá trị” cũng sẽ được xây dựng lại. Trên cơ sở khái niệm “giá trị sử dụng” mới chúng ta sẽ mở rộng khái niệm “hàng hoá”. Tiếp theo chúng ta sẽ xây dựng lại khái niệm “giá trị của hàng hoá”. Từ đó chúng ta sẽ hiểu được bản chất của “giá trị thặng dư” và “lợi nhuận”. Đồng thời có thể gợi mở cho chúng ta hiểu rõ hơn về “Chủ nghĩa xã hội của cái có thể” và con đường đi đến cái có thể đó. Để người đọc dễ hình dung, tôi sẽ đi theo một trình tự logic như sơ đồ dưới đây:



II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

Hệ thống lý luận của Karl Marx về kinh tế chính trị của nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa là một hệ thống logic. Vì vậy, muốn phê phán và xây dựng lại hệ thống lý luận này chúng ta phải bắt đầu từ chính các khái niệm mang tính “tiên đề” mà Marx đã xây dựng. Đây cũng là phương pháp làm việc của các lĩnh vực khoa học khác, nó là cách thức mà một học thuyết khoa học mới ra đời để thay thế và bổ sung cho các học thuyết khoa học cũ. Chương đầu tiên trong bộ “Tư bản” là chương về “hàng hoá”, cũng dễ hiểu thôi, vì hàng hoá và trao đổi hàng hoá là khái niệm nền tảng của nền kinh tế hàng hoá. Karl Marx viết: “Thoạt nhìn, của cải trong chế độ tư sản biểu hiện ra là một đống hàng hoá khổng lồ và từng hàng hoá là hình thái tồn tại giản đơn nhất của nó. Nhưng mỗi hàng hoá lại thể hiện dưới hai mặt là giá trị sử dụnggiá trị trao đổi”[1]. Và vấn đề cần quan tâm trước tiên là vấn đề khái niệm “giá trị sử dụng” của hàng hóa.

Để hiểu rõ cái gì là hàng hoá, cái gì không là hàng hoá, chúng ta sẽ bắt đầu phân tích một trong hai mặt thể hiện của hàng hoá, đó là giá trị sử dụng của hàng hoá. Karl Marx để lại cho chúng ta hai khái niệm về giá trị sử dụng, nhưng hai khái niệm này đã không thống nhất với nhau trong hệ thống lý luận của Ông.

a, Khái niệm thứ nhất (trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị - Tư bản, quyển 1): “Phương thức tồn tại ấy của hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng nhất trí với phương thức tồn tại tự nhiên, có thể sờ mó được của nó”[2]. Hay có thể hiểu rằng, giá trị sử dụng của hàng hoá là do thuộc tính tự nhiên (hình học, vật lý, hoá học, sinh học…) của hàng hoá đó quy định. Giá trị sử dụng chỉ biểu hiện là một mối quan hệ giữa “con người” với “tự nhiên”, giữa nhu cầu của “con người” với thuộc tính có ích nào đó của “vật thể”. Giá trị sử dụng là đối tượng cho nhu cầu của con người, nó đặt trong mối quan hệ của con người với con người trong xã hội thông qua hàng hoá, nhưng “giá trị sử dụng” tuyệt đối không biểu hiện một mối quan hệ sản xuất vật chất của một xã hội nhất định nào cả, mà đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị là nền “sản xuất vật chất”[3] của một xã hội nhất định nên khái niệm giá trị sử dụng không thuộc lĩnh vực của kinh tế chính trị học. Đúng như Ông đã viết: “Giá trị sử dụng là đối tượng của các nhu cầu xã hội, do đó nó đặt trong mối liên hệ xã hội, nhưng nó không biểu hiện một quan hệ sản xuất xã hội nào cả”[4]. Và “Khi giá trị sử dụng chẳng quan hệ gì tới mọi quy định kinh tế về hình thức, nghĩa là khi giá trị sử dụng được coi là giá trị sử dụng, thì nó không thuộc lĩnh vực của khoa kinh tế chính trị”[5]. Như vậy ở đây chúng ta chỉ thấy có quan hệ của con người với tự nhiên, giữa nhu cầu của con người với các thuộc tính tự nhiên của vật chất, chứ không hề có mối quan hệ giữa con người với con người trên phương diện sản xuất. Đây là một quan điểm “duy vật”.

b, Khái niệm thứ hai (trong Các học thuyết về giá trị thặng dư – Tư bản, quyển 4): “Ngoài công nghiệp khai thác, nông nghiệp và công nghiệp chế biến ra, thì còn một lĩnh vực sản xuất vật chất thứ tư nữa; trong sự phát triển của nó, lĩnh vực này cũng đi qua nhiều giai đoạn sản xuất khác nhau: giai đoạn thủ công, giai đoạn công trường thủ công, và giai đoạn cơ khí. Đó là ngành công nghiệp vận tải, không kể nó chuyên chở người hay hàng hoá. Mối quan hệ của lao động sản xuất, tức là của người công nhân làm thuê đối với nhà tư bản, ở đây cũng hoàn toàn giống như trong các lĩnh vực sản xuất vật chất khác. Hơn nữa, ở đây đối tượng lao động bị trải qua một sự thay đổi vật chất nhất định, theo ý nghĩa là thay đổi về không gian, thay đổi chỗ. Khi nói đến việc chuyên chở người thì sự thay đổi chỗ này chỉ là một sự phục vụ, do nhà kinh doanh thực hiện cho những người đó. Nhưng mối quan hệ giữa những người mua và những người bán sự phục vụ đó cũng rất ít giống với mối quan hệ của những công nhân sản xuất với nhà tư bản, cũng như mối quan hệ giữa những người bán sợi và những người dệt sợi vậy.

Nếu xét quá trình đó đối với các hàng hoá thì ở đây, trong quá trình lao động, đối tượng lao động, tức là hàng hoá, thực sự có trải qua một sự thay đổi nhất định. Sự tồn tại trong không gian của nó thay đổi, và do đó giá trị sử dụng của nó bị thay đổi, bởi vì sự tồn tại trong không gian của giá trị sử dụng này thay đổi. Đồng thời, giá trị trao đổi của hàng hoá tăng lên bằng lượng lao động cần thiết để thực hiện sự thay đổi đó của giá trị sử dụng của hàng hoá, - bằng một tổng số lao động mà một mặt thì do việc tiêu dùng tư bản bất biến, tức là do tổng số lao động vật thể hoá đã gia nhập vào hàng hoá quyết định, và mặt khác, thì do tổng số lao động sống quyết định, - như điều đó đã diễn ra trong quá trình tăng giá trị của tất cả các hàng hoá khác”[6]. Theo sự trình bày của Marx, giá trị sử dụng của hàng hoá thay đổi trong không gian, thời gian, sự thay đổi đó do lao động của con người tạo ra trong hoạt động sản xuất, của nền sản xuất xã hội của xã hội tư sản. Ngày nay điều này dễ nhìn nhận hơn nhiều với các hàng hoá ở dạng dịch vụ, những hàng hoá không còn ở dạng vật thể với thuộc tính giá trị sử dụng là thuộc tính tự nhiên của vật thể nữa mà nó là thuộc tính xã hội của những dịch vụ (hàng hoá phi vật thể). Điều đó có nghĩa là: giá trị sử dụng của hàng hoá thay vì chỉ biểu hiện quan hệ giữa “người” với “vật” thì bây giờ nó còn biểu hiện quan hệ giữa “người” với “người” trong nền sản xuất xã hội. Vậy giá trị sử dụng phải thuộc lĩnh vực của kinh tế chính trị học. Đây là một quan điểm “biện chứng”[7] .

Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận giá trị sử dụng của hàng hoá theo hai khái niệm trên một cách riêng rẽ thì chúng ta sẽ thấy mâu thuẫn. Khái niệm thứ nhất “duy vật” nhưng không “biện chứng”, khái niệm thứ hai “biện chứng” nhưng không “duy vật”. Nếu chấp nhận một trong hai cách hiểu trên thì chúng ta sẽ hiểu khái niệm giá trị sử dụng của hàng hoá một cách phiến diện, hình thức và đầy mâu thuẫn. Đó là lý do chúng ta phải xây dựng lại khái niệm giá trị sử dụng của hàng hoá một cách “duy vật biện chứng”. Nhìn nhận giá trị sử dụng của hàng hoá theo quan điểm “duy vật biện chứng” thì giá trị sử dụng của một hàng hoá nào đó là một thuộc tính có ích, cần thiết của một loại hàng hoá đó và giá trị sử dụng đó là đối tượng của nhu cầu của con người (vật chất, tinh thần, trực tiếp hoặc gián tiếp đáp ứng nhu cầu của con người) về loại hàng hoá đó. Giá trị sử dụng của một loại hàng hoá nào đó là do “tính chất tự nhiên” vốn có của hàng hoá đó cùng với “tính chất xã hội” của hàng hoá đó do lao động của con người tạo ra. Chính khái niệm giá trị sử dụng mới này sẽ thay đổi khái niệm về hàng hoá, và từ đó sẽ làm thay đổi chính cái tiên đề cấu tạo nên học thuyết giá trị lao động của Marx, và nó sẽ là cơ sở logic cho việc tìm ra học thuyết giá trị lao động mới.

Các loại hàng hoá mới đã ra đời trong lịch sử phát triển của nhân loại, các loại hàng hoá dưới dạng “vật thể” hữu hình, như tầu hoả, máy bay, máy tính… và các loại hàng hoá dưới dạng hàng hoá “dịch vụ” như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… đến các hàng hoá công cộng… đều có mặt thể hiện giá trị sử dụng của chúng, nhưng đó không chỉ là “thuộc tính tự nhiên” mà còn có “thuộc tính xã hội” do lao động của con người tạo ra, theo nhu cầu của con người trước đòi hỏi của cuộc sống, phục vụ cho con người một cách chung nhất. Những giá trị sử dụng - những thuộc tính đó của hàng hoá có thể trực tiếp đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của con người như là: gạo đáp ứng nhu cầu ăn; nước sạch để uống; quần áo để mặc… nhưng cũng có thể đáp ứng nhu cầu khác của con người (ngoài những nhu cầu cho sinh hoạt trực tiếp) như là: đất đai để trồng trọt; dịch vụ vận tải để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển; máy móc và nguyên vật liệu để sản xuất, sức lao động để đáp ứng nhu cầu của sản xuất; dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vay, gửi tiền, huy động vốn…; dịch vụ chứng khoán để đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho sản xuất, cho việc trao đổi chứng khoán kiếm lời… dịch vụ phân phối để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hoá; dịch vụ du lịch, hay nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu giải trí… dịch vụ giáo dục để đáp ứng nhu cầu về tri thức; dịch vụ nghiên cứu khoa học để đáp ứng nhu cầu về kiến thức mới, công nghệ mới; dịch vụ y tế để đáp ứng nhu cầu về sức khoẻ; dịch vụ bảo vệ để đáp ứng nhu cầu về bảo vệ tài sản cá nhân; dịch vụ An ninh của Chính phủ để đảm bảo tính mạng cho các cá nhân, tổ chức; dịch vụ Quốc phòng để đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; dịch vụ lập pháp để đáp ứng nhu cầu về trật tự, công bằng trong xã hội…; dịch vụ hạ tầng cơ sở để đảm bảo nhu cầu hạ tầng của nền sản xuất xã hội… Những thuộc tính đó là giá trị sử dụng của hàng hoá, nhưng đó không phải chỉ là “thuộc tính tự nhiên” của hàng hoá dưới dạng vật thể như Marx hiểu nữa mà thêm vào đó nó còn có “thuộc tính xã hội” hay “thuộc tính nhân tạo” của những hàng hoá dưới dạng vật thể, dưới dạng dịch vụ (dù là dịch vụ công hay dịch vụ tư), những thuộc tính do con người tạo ra thông qua lao động để phục vụ cho nhu cầu của con người. Nó không đơn giản và phiến diện như Marx đã viết: “Các giá trị sử dụng đều trực tiếp là tư liệu sinh hoạt”[8]. Như vậy giá trị sử dụng của hàng hoá không phải chỉ là quan hệ giữa “người” với “vật” nữa mà nó còn là quan hệ giữa “người” với “người” trên phương diện sản xuất xã hội. Chúng ta cần đứng trên quan điểm “duy vật biện chứng” để hiểu về “giá trị sử dụng” của hàng hoá chứ không thể nhìn nhận một cách khập khiễng, phiến diện như Marx được.

Đối với hàng hoá, một điều kiện tất yếu của nó phải là một giá trị sử dụng”[9]. Thêm một điều kiện nữa để một cái gì đó trở thành hàng hoá đó là nó phải có “giá trị trao đổi”. Marx viết rằng: “Trực tiếp thì giá trị sử dụng là cái cơ sở vật chất trong đó biểu hiện một quan hệ kinh tế nhất định, giá trị trao đổi”[10]. Nhưng nếu hiểu giá trị sử dụng theo cách hiểu mới đã trình bày ở trên thì chúng ta phải viết lại là: Trực tiếp thì giá trị sử dụng là cái cơ sở vật chất – xã hội trong đó biểu hiện một quan hệ kinh tế nhất định, giá trị trao đổi. Còn giá trị trao đổi được hiểu là: “... quan hệ về lượng, theo đó các giá trị sử dụng có thể trao đổi được lẫn nhau”[11]. Từ khái niệm mới về giá trị sử dụng của hàng hoá, theo logic, thì ngoài những hàng hoá tồn tại dưới dạng hữu hình là những “vật thể” có công dụng là các “thuộc tính tự nhiên” thích hợp với nhu cầu của con người, được sản xuất bằng các công cụ, máy móc, được trao đổi trên thì trường, thì các loại hình dịch vụ là dịch vụ tư nhân và dịch vụ công cộng cũng là hàng hoá, và chúng ta có thể gọi nó tương ứng là hàng hoá dịch vụ và hàng hoá công cộng (những hàng hoá phi vật thể hay có thể gọi là hàng hoá vô hình). Như vậy về mặt lý luận chúng ta đã giải quyết được câu hỏi cái gì là hàng hoá, cái gì không phải là hàng hoá và hai mặt thể hiện của hàng hoá là “giá trị sử dụng” và “giá trị trao đổi”. Còn về mặt thực tiễn, bản thân những hàng hoá hữu hìnhhàng hoá vô hình đã và đang là hàng hoá, những hàng hoá mà con người đã thừa nhận.

Bây giờ chúng ta sẽ quay lại với khái niệm hàng hoá của Karl Marx để thấy được sai lầm logic trong khái niệm hàng hoá của Ông, những sai lầm này phát sinh từ sự không nhất quán về khái niệm giá trị sử dụng của hàng hoá tạo ra, bởi vì chính Marx đã không triệt để đứng trên quan niệm “duy vật biện chứng” trong vấn đề này. Ông không đưa ra một khái niệm tổng quát, rõ ràng về hàng hoá mà chỉ nêu ra khái niệm về hàng hoá của các nhà kinh tế học Anh: “Theo lối nói của các nhà kinh tế học Anh, thì hàng hoá trước hết là "một vật thể nào đó, cần thiết, có ích cho đời sống hoặc làm cho đời sống dễ chịu", là một đối tượng của nhu cầu của con người, là một tư liệu sinh hoạt hiểu theo nghĩa rộng nhất. Phương thức tồn tại ấy của hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng nhất trí với phương thức tồn tại tự nhiên, có thể sờ mó được của nó. Chẳng hạn, lúa mì là một giá trị sử dụng đặc biệt, khác với giá trị sử dụng của bông, thuỷ tinh, giấy ...”[12]. Khi đọc toàn bộ chương “Hàng hoá” trong quyển I của bộ “Tư bản” chúng ta chỉ thấy Marx nhấn mạnh đến hàng hoá hữu hình là các vật thể, có công dụng nhất định, được sản xuất bằng các công cụ máy móc, và được trao đổi trên thị trường. Chúng ta hoàn toàn không thấy bóng dáng của hàng hoá vô hình là các hàng hoá dịch vụ và hàng hoá công cộng, theo cách hiểu hiện đại, những hàng hoá đang tồn tại một cách hiện thực trong thực tiễn của nền sản xuất hàng hoá. Trong khi đó theo các giáo trình Kinh tế chính trị Marxist đang được giảng dạy tại Việt Nam, thì hàng hoá lại được hiểu một phần theo cách hiểu của kinh tế học hiện đại: "Hàng hoá là sản phẩm của lao động có thể thoả mãn một nhu cầu nhất định nào đó của con người thông qua trao đổi mua-bán với nhau. Hàng hoá là một phạm trù lịch sử. Sản phẩm lao động mang hình thái là hàng hoá khi nó là đối tượng mua bán trên thị trường. Hàng hoá có thể ở dạng vật thể (hữu hình) hoặc ở dạng phi vật thể"[13]. Đây là một khái niệm khá rộng mặc dù nó chưa hoàn toàn chính xác vì chưa phản ánh hết khái niệm hàng hoá hiện nay. Nhưng chúng ta phải chú ý rằng đây hoàn toàn không phải là khái niệm về hàng hoá mà Marx muốn trình bày. Nếu được trình bày lại, một cách cụ thể, thì ngày nay, hàng hoá có thể phân biệt thành hàng hoá dưới dạng vật thể (được thể hiện bằng các thuộc tính hình học, vật lý, hoá học, sinh học...) và hàng hoá dưới dạng phi vật thể (được thể hiện dưới dạng dịch vụ) và hàng hoá công cộng. Hàng hoá dưới dạng vật thể như là đất đai, máy móc, nguyên vật liệu, tư liệu sinh hoạt trực tiếp như cơm, áo, giấy... Hàng hoá dưới dạng phi vật thể ở dạng dịch vụ như bảo hiểm, nghệ thuật, công trình khoa học, sức lao động, chứng khoán... và hàng hoá dưới dạng công cộng như Quốc phòng, An ninh, Giáo dục, Y tế, luật pháp, cơ sở hạ tầng... Tất nhiên là chúng phải thoả mãn được yêu cầu, nhu cầu của con người cả về mặt vật chất và tinh thần, chúng trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho cuộc sống của con người.

Như vậy, hàng hoá là những vật thể hoặc dịch vụ được con người tìm ra, làm ra, nó trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho một nhu cầu, yêu cầu nhất định của con người, đồng thời nó được trao đổi, mua-bán trên thị trường mở rộng.

Hàng hoá là những gì có giá trị sử dụng nhưng không nhất thiết những gì có giá trị sử dụng đều là hàng hoá. Việc cái gì là hàng hoá, cái gì không là hàng hoá là do lịch sử phát triển của loài người quy định, vì vậy nó là một phạm trù của lịch sử. Hàng hoá có thuộc tính giá trị trao đổi, đó là sự trao đổi một số lượng hàng hoá này lấy một số lượng hàng hoá thông qua một loại hàng hoá đặc biệt là tiền tệ. Nhưng điều cần lưu ý ở đây là sự trao đổi không chỉ diễn ra trên thị trường tự do mà nó còn diễn ra trên thị trường hành chính, đó là trường hợp của hàng hoá công cộng. Thị trường tự do ở đây là thị trường mà kinh tế học vẫn đang hiểu, nó là một không gian trao đổi tự do của một nhóm hoặc một nhóm cá thể, như là chợ, siêu thị, thị trường ngoại hối, thị trường chứng khoán... Còn thị trường hành chính là sự trao đổi thông qua luật pháp về lương do toàn xã hội cùng nhau lập ra. "Thị trường mở rộng" là thị trường tự do và thị trường hành chính. Hàng hoá theo khái niệm mới thể hiện dưới hai mặt là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, nhưng giá trị sử dụng phải hiểu theo nghĩa mới như đã phân tích ở trên, thị trường ở đây là thị trường mở rộng.

Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang vấn đề "giá trị của hàng hoá". Marx cho rằng "giá trị trao đổi" là hình thức còn "giá trị" là nội dung. Theo Marx: "Thời gian lao động được vật hoá trong các giá trị sử dụng của hàng hoá, là cái thực thể làm cho các trị sử dụng trở thành những giá trị trao đổi, vì vậy trở thành những hàng hoá, đồng thời nó cũng đo những lượng nhất định giá trị của hàng hoá. Những lượng so sánh của các giá trị sử dụng khác nhau mà trong đó thời gian lao động giống nhau được vật hoá là những vật ngang giá, hay là tất cả các giá trị sử dụng đều là những vật ngang giá theo những tỷ lệ trong đó các giá trị sử dụng này chứa đựng những lượng giống nhau về thời gian lao động đã chi phí, đã được vật hoá. Với tư cách là những giá trị trao đổi, tất cả các hàng hoá chỉ là những lượng nhất định của thời gian lao động đã kết đọng lại"[14] và "giá trị trao đổi, xét về nội dung của mình, là một lượng lao động nào đó hoặc một lượng thời gian lao động nào đó đã được vật hoá" hay "giá trị trao đổi chỉ biểu hiện ra ra với tư cách là sản phẩm của lao động"[15]. Như vậy xét về nội dung của bản thân nó thì giá trị trao đổi là do thời gian lao động quy định, mà nội dung của giá trị trao đổi là giá trị, do đó giá trị của hàng hoá do lao động kết tinh trong hàng hoá quy định, hay lao động tạo ra giá trị. Thế nhưng vấn đề cần đặt ra là: Đó là lao động nào và của ai? Karl Marx đã không có một lý luận đầy đủ về hàng hoá, do đó Ông đã trả lời không đúng cho câu hỏi này. Và việc Ông không có câu trả lời đúng cho câu hỏi này đã làm cho lý luận giá trị của Ông không đầy đủ, do đó từ lý luận giá trị sai lầm của mình mà Marx đã xây dựng một lý luận không đầy đủ về giá trị thặng dư và lợi nhuận.

Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn xem giá trị của hàng hoá là gì, và Marx coi những lao động nào tạo ra giá trị của hàng hoá. Marx lập luận rằng: "Giá trị trao đổi nảy sinh từ lưu thông, có trước lưu thông, tự duy trì trong lưu thông và tự nhân lên thông qua lao động"[16]. Có từ trước lưu thông tức là giá trị của hàng hoá có từ sản xuất, hay giá trị của hàng hoá là do lao động của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá. Theo logic suy luận của Marx thì: Giá trị của hàng hoá là lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá. Suy rộng ra từ lý luận của Marx, thì chỉ những người lao động trong lĩnh vực sản xuất (chủ yếu là công nhân) mới tạo ra giá trị của hàng hoá, còn những lao động gián tiếp như lao động trong lĩnh vực lưu thông, lao động của nhà tư bản, lao động trong lĩnh vực hàng hoá dịch vụ, lao động trong lĩnh vực hàng hoá công cộng thì không tạo ra giá trị của hàng hoá. Luận điểm này không những là sai lầm của Marx mà nó còn là sai lầm của các nhà Marxist Việt Nam, như trong giáo trình Quốc gia về Kinh tế chính trị Mác-Lênin họ viết: "Lao động hao phí để tạo ra hàng hoá kết tinh trong hàng hoá là cơ sở chung của trao đổi, được gọi là giá trị hàng hoá. Giá trị hàng hoá là lao động của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá"[17]

Chúng ta sẽ bắt đầu với hàng hoá sức lao động và vấn đề lao động. Sức lao động là toàn bộ thể lực và trí lực của con người được sử dụng trong quá trình lao động. Lao động là quá trình tiêu dùng sức lao động trong một không gian, thời gian nhất định. Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ các nhu cầu của đời sống con người. Các sản phẩm ở đây phải hiểu là ở dạng vật thể hoặc phi vật thể và nó phục vụ cho nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi các sản phẩm này được trao đổi trên thị trường mở rộng thì chúng trở thành các hàng hoá. Để quá trình sản xuất được thực hiện trong thực tiễn, ngoài việc cần có sức lao động và lao động, chúng ta còn cần có đối tượng lao độngtư liệu lao động. Đối tượng của lao động có thể tồn tại ở dạng vật thể hoặc phi vật thể, nó là cái mà con người tác động vào để làm thay đổi các hình thái, đặc điểm, tính chất… của nó trong không - thời gian, để nó phù hợp với mục đích nhất định của con người. Các vật thể có thể ở dạng vô cơ hay hữu cơ, còn phi vật thể như là tri thức, sức khoẻ vật chất, tinh thần, ngôn ngữ, nghệ thuật, quy trình, chính sách… Còn tư liệu của lao động là một vật hay hệ thống những vật làm nhiệm vụ truyền dẫn sự tác động của con người nên đối tượng lao động nhằm biến đối tượng lao động thành sản phẩm thoả mãn nhu cầu của con người một cách chung nhất. Từ những khái niệm hàng hoá, hai mặt thể hiện của hàng hoá là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, cùng với khái niệm lao động đã trình bày ở trên, chúng ta có thể thấy rằng giá trị của hàng hoá là do sức lao động của con người tạo ra thông qua lao động (tất nhiên nó là lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá và chỉ có ý nghĩa khi hàng hoá được trao đổi, nhưng vấn đề này sẽ bàn ở phần sau của bài viết). Lao động được thực hiện trong một không gian và một khoảng thời gian nhất định. Và thời gian lao động được chia thành thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư. Thời gian lao động cần thiết là khoảng thời gian để mà người lao động tạo ra phần sản phẩm cần thiết để nuôi sống người lao động và gia đình họ. Thời gian lao động thặng dư là thời gian lao động ngoài thời gian lao động cần thiết và phần sản phẩm tạo ra trong thời gian lao động thặng dư là phần sản phẩm thặng dư . Phần sản phẩm thặng dư là do thời gian lao động thặng dư tạo ra, hay giá trị thặng dư - kết quả của phần sản phẩm thặng dư sau khi sản phẩm biến thành hàng hoá - là do lao động thặng dư tạo ra và nó không hề liên quan đến quan hệ tư bản - lao động. Nó là giá trị do sức lao động của con người tạo ra thông qua lao động. Trong nền kinh tế hàng hoá, giá trị thặng dư do sức lao động tạo ra, còn trong nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa, với quan hệ tư bản - lao động, thì giá trị thặng dư ấy cũng vẫn do sức lao động của người làm thuê tạo ra nhưng nó bị bóc lột bởi nhà tư bản. Vì vậy chúng ta phải hiểu rằng tư bản là giá trị đem lại giá trị thặng dư bị bóc lột, chứ không phải là tư bản là giá trị đem lại giá trị thặng dư một cách chung chung. Giá trị của hàng hoá là khái niệm chỉ xuất hiện trong nền kinh tế hàng hoá, và chúng ta phải quan niệm rằng nó là con đẻ của nền kinh tế hàng hoá chứ không phải là của nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa. Nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa chỉ là một phần (mặc dù nó là một phần rất quan trọng) của nền kinh tế hàng hoá.

Vậy theo Marx, thế nào là lao động sản xuất và thế nào là lao động không sản xuất? Marx cho rằng: “Chỉ có lao động nào trực tiếp chuyển hoá thành tư bản, nghĩa là chỉ có lao động nào làm cho tư bản khả biến trở thành một đại lượng khả biến, và làm cho toàn bộ tư bản K bằng K + ∆, thì lao động đó mới là lao động sản xuất. Nếu như trước khi trao đổi với lao động, tư bản khả biến ngang với x, - thành thử chúng ta có phương trình y = x, - thì lao động đã biến x thành x + h, còn phương trình y = x thì biến thành phương trình y = x + h”[18] và “Như vậy, lao động sản xuất trong hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa là lao động sản xuất ra giá trị thặng dư cho kẻ nào sử dụng lao động đó, hay nói khác đi, đó là thứ lao động biến những điều kiện khách quan của lao động thành tư bản, và biến những kẻ chiếm hữu những điều kiện lao động ấy thành nhà tư bản, vì vậy, đó là thứ lao động tạo ra sản phẩm của chính nó với tư cách là tư bản.

Vì vậy khi chúng ta nói đến lao động sản xuất là chúng ta nói đến một lao động xã hội nhất định, là nói đến thứ lao động bao gồm một quan hệ hoàn toàn xác định giữa người mua lao động và người bán lao động”[19]. Như vậy, lao động sản xuất là những lao động nằm trong mối quan hệ tư bản – lao động. Còn các lao động khác, dù là lao động có tạo ra sản phẩm, sản phẩm đó có được trao đổi thì nó cũng không phải là lao động sản xuất nếu nó không nằm trong quan hệ tư bản – lao động, và các lao động này chỉ là sự phục vụ, như Ông đã viết: “Lao động không sản xuất với tư cách là lao động cung cấp những sự phục vụ”[20]. Chúng ta sẽ làm rõ luận điểm này thông qua ví dụ về lao động sản xuất và lao động không sản xuất của hai người thợ may, một người là lao động tự do, một người là lao động làm thuê trong mối quan hệ tư bản lao động, khi nghiên cứu cụ thể về vấn đề này chúng ta sẽ thấy sự ngập ngừng, sự mâu thuẫn của Marx; cái mâu thuẫn có lẽ đã làm cho phần lớn những người Marxist không phân biệt được đâu là lao động sản xuất và đâu là lao động không sản xuất, và do đó đã phần nào hiểu sai học thuyết của Ông.

Trường hợp thứ nhất, tôi có thể mua một chiếc quần từ nhà người thợ may tự do, hoặc tôi có thể bảo người thợ may tự do đó đến nhà tôi may, cách nào không quan trọng, mà quan trọng là tôi trao đổi tiền của mình để lấy giá trị sử dụng của chiếc quần, tiền ở đây là chỉ là phương tiện trao đổi nó không phải là tư bản. Trong trường hợp thứ hai, tôi cũng mua một chiếc quần như vậy, nhưng ở đây là chiếc quần do người thợ may làm thuê cho nhà tư bản tạo ra. Đứng trên quan điểm của Marx, trong trường hợp thứ nhất, lao động của người thợ may tự do là lao động không sản xuất vì nó không tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản, nó không nằm trong mối quan hệ tư bản – lao động. Còn trường hợp thứ hai, lao động của người thợ may làm thuê đó là lao động sản xuất vì nó tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản, nó là lao động sản xuất vì nó nằm trong quan hệ tư bản lao – lao động. Đúng như Marx đã phân tích: “Ngược lại, sự phục vụ mà người thợ may làm thuê đem lại cho nhà tư bản may mặc đã thuê anh, thì hoàn toàn không phải ở chỗ anh ta biến vải thành quần, mà ở chỗ thời gian lao động cần thiết đã vật thể hoá trong quần bằng 12 giờ, còn tiền công mà người thợ may làm thuê nhận được chỉ bằng 6 giờ thôi. Do đó, sự phục vụ mà anh ta đem lại cho nhà tư bản là ở chỗ anh ta làm 6 giờ không công. Điều đó được thực hiện dưới hình thức may quần: sự việc đó chỉ che đậy mối quan hệ thực tế mà thôi. Vì vậy, hễ có cơ hội là nhà tư bản may mặc cố biến quần trở lại thành tiền, nghĩa là thành một hình thái trong đó tính chất xác định của lao động may mặc sẽ biến mất, còn sự phục vụ đã làm thì biểu hiện ra ở chỗ đáng lẽ một thời gian lao động trong 6 giờ, được biểu hiện ra trong một lượng tiền tệ nhất định, thì trước mắt người ta lại có một thời gian lao động 12 giờ, được biểu hiện ra trong một số tiền gấp đôi”[21]. Tôi đồng ý với trường hợp thứ hai mà Marx đã phân tích. Nhưng trường hợp thứ nhất thì tôi không đồng ý với phân tích của Marx. Marx viết: “Tôi mua lao động của người thợ may vì sự phục vụ mà anh ta đem lại cho tôi với tư cách là lao động của người thợ may, bằng cách thoả mãn nhu cầu của tôi về quần áo, do đó, phục vụ một trong những nhu cầu của tôi. Nhà tư bản may mặc thì mua lao động đó như là một phương tiện cho phép hắn biến một đồng ta-le thành hai. Tôi mua lao động của người thợ may vì lao động ấy sản xuất ra một giá trị sử dụng nhất định. Nhà tư bản mua lao động đó bởi vì lao động đó đem lại một số giá trị trao đổi lớn hơn những chi phí đã chi cho lao động đó, nghĩa là vì đối với nhà tư bản, lao động đó chỉ là một phương tiện để trao đổi một số lượng lao động ít hơn lấy một số lượng lao động lớn hơn.

Trong trường hợp mà tiền được trực tiếp trao đổi lấy một lao động không sản xuất ra tư bản, tức là sự trao đổi lấy lao động không sản xuất, thì lao động đó được mua với tư cách là một sự phục vụ”[22] và “Mặt khác, người thợ may làm ở nhà tôi không phải là một người công nhân sản xuất, mặc dầu lao động của anh ta cung cấp cho tôi một sản phẩm, tức là cái quần, và mang lại cho anh ta giá cả của lao động của anh ta, tức là tiền. Có thể là số lượng lao động chứa đựng trong tiền công mà anh ta nhận được từ tay tôi; điều đó thậm chí còn rất có thể, vì giá cả lao động của anh ta được quyết định bởi giá cả mà những người thợ may là công nhân sản xuất nhận được. Nhưng điều đó đối với tôi tuyệt đối không quan trọng gì cả. Một khi giá cả đã được quy định, thì người thợ may đó có làm 8 giờ hay 10 giờ, đối với tôi cũng thế thôi. Đối với tôi chỉ có giá trị sử dụng, tức là cái quần, mới có ý nghĩa thôi, hơn nữa, - không kể tôi có cái quần ấy bằng cách thứ nhất hay cách thứ hai, - dĩ nhiên điều tôi quan tâm là làm thế nào để trả tiền quần ít hơn, về vấn đề này, trong trường hợp thứ nhất cũng như trong trường hợp thứ hai, tôi đều quan tâm một cách như nhau: giá cả do tôi trả trong cả hai trường hợp không được cao hơn giá cả bình thường. Đó là khoản chi tiêu cho việc tiêu dùng của tôi: tiền của tôi không tăng lên, mà ngược lại, lại giảm đi. Cái đó tuyệt nhiên không phải là phương tiện làm giàu, cũng như nói chung, không một sự chi phí tiền tệ nào cho việc tiêu dùng cá nhân của tôi lại là phương tiện làm giàu”[23]. Tôi không đồng ý với lập luận này của Marx về lao động không sản xuất, bởi vì lao động của người thợ may tự do không sản xuất ra tư bản là đúng, nhưng không sản xuất ra giá trị và giá trị thặng dư là sai, và anh ta không làm giàu được cũng sai nốt. Chúng ta thấy rằng, quan hệ thứ nhất là quan hệ tay đôi: thợ may tự do – tôi, quan hệ thứ hai là quan hệ tay ba: tư bản - thợ may làm thuê – tôi. Tôi mua một chiếc quần với một giá cả bằng nhau, ở đây là trao đổi ngang giá trong cả hai trường hợp, cái mà tôi quan tâm là giá trị sử dụng của chiếc quần, và tôi không quan tâm đến thứ khác, và hiển nhiên tôi không thể làm giàu được. Người thợ may làm thuê thì cũng chẳng lấy đâu mà làm giàu thông qua hành động trao đổi này vì anh ta còn bị nhà tư bản bóc lột cơ mà. Còn lại hai người là nhà tư bản và người thợ may tự do. Nhà tư bản thì đã làm giàu được sau khi kết thúc hành vi trao đổi hàng hoá là chiếc quần, đó là điều mà Marx đã chỉ ra ở trên. Còn lại là người thợ may tự do, anh ta có làm giàu được hay không và lao động của anh ta có tạo ra giá trị của hàng hoá và giá trị thặng dư hay không? Câu trả lời theo lý luận mới là: có! Bởi vì cái quần mà anh ta làm ra là một hàng hoá, có giá trị sử dụng và có giá trị trao đổi, khi hàng hoá đó được trao đổi với tôi thì anh ta đã thu được giá trị của hàng hoá đó dưới dạng tiền mà tôi đã trả để lấy quần. Sức lao động của anh thông qua lao động may chiếc quần của anh ta đã tạo ra giá trị của hàng hoá đó. Vì vậy sức lao động của anh ta thông qua lao động may quần đó có tạo ra giá trị, hay lao động đó là lao động sản xuất (với cách hiểu lao động sản xuất là lao động tạo ra giá trị của hàng hoá, còn lao động không sản xuất là lao động không tạo ra giá trị của hàng hoá, ví dụ như lao động làm ra một sản phẩm nhưng sản phẩm đó không trở thành hàng hoá, tức là nó không được trao đổi thì lao động đó là lao động không sản xuất, nó không tạo ra giá trị của hàng hoá). Còn về việc làm giàu với giá trị thặng dư mà Marx muốn nói đến, tôi khẳng định là có. Chúng ta phải bắt đầu xem xét lao động của thợ may làm thuê cho nhà tư bản, thời gian lao động của người thợ may làm thuê này được chia làm hai giai đoạn, đó là thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư, và giá trị thặng dư mà nhà tư bản thu được là do lao động thặng dư tạo ra. Tương tự như vậy, thời gian lao động của người thợ may tự do cũng được chia thành hai giai đoạn, đó là thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư. Khi thực hiện được giá trị của hàng hoá thông qua trao đổi thì anh ta sẽ thu được giá trị thặng dư của chính mình tạo ra. Đó là lý do tại sao anh ta vẫn làm giàu được. Đó là sự tích luỹ. Còn giá trị thặng dư đó là nhiều hay ít thì phải do năng suất lao động của anh ta quyết định cùng với năng suất của người thợ may làm thuê (bởi vì trao đổi theo giá cả trung bình). Nếu công nhân làm thuê có 6 giờ lao động cần thiết và 6 giờ lao động thặng dư, còn người thợ may tự do có 10 giờ lao động cần thiết và 2 giờ lao động thặng dư (do phân công lao động, do năng suất lao động tạo ra như vậy) thì hiển nhiên giá trị thặng dư mà người thợ may tự do thu được sẽ ít hơn so với nhà tư bản tính trên 1 lao động. Còn việc vì sao phương thức sản xuất hàng hoá tư bản chủ nghĩa lại chiếm ưu thế trong nền kinh tế hàng hoá thì Marx đã phân tích rồi, tôi không đi sâu vào vấn đề đó, mà chỉ muốn lưu ý rằng: giá trị thặng dư là khái niệm của nền kinh tế hàng hoá chứ không phải là nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa, giá trị thặng dư là do lao động thặng dư tạo ra, nó không phải là sản phẩm của tư bản và không phải cứ nói đến giá trị thặng dư là nói đến bóc lột trong nền sản xuất hàng hoá, cũng như lao động sản xuất phải hiểu là lao động tạo ra giá trị của hàng hoá, còn lao động không sản xuất là lao động không tạo ra giá trị của hàng hoá.

Karl Marx rất vĩ đại khi Ông đã nhìn nhận được mọi hiện tượng trong đời sống ở thời đại mà Ông đang sống, cũng như Ông đã nhìn ra được bản chất và ưu thế của nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa. Hệ thống kinh tế chính trị của Ông là một hệ thống logic, thế nhưng, trong phần phụ lục “Tính chất sản xuất tư bản. Lao động sản xuất và lao động không sản xuất” được đưa vào tập 26, phần I, trong “Các học thuyết về giá trị thặng dư”, chúng ta lại thấy Ông ngập ngừng khi nói về lao động thủ công và nông dân không có lao động làm thuê trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Tại sao Ông lại ngập ngừng, mà thậm chí là mâu thuẫn với chính mình như thế chỉ trong có vài trang giấy của phần “phụ lục” này? Và tại sao Ông lại không đưa phần lập luận này vào trình tự theo logic của ba tập chính trong bộ “Tư bản ” mà lại chỉ đưa vào phần “phụ lục”? Câu trả lời có lẽ là Ông đã không có cái nhìn biện chứng về lao động và giá trị của hàng hoá do sức lao động của con người tạo ra thông qua lao động, và phải chăng lý luận của Ông đã quá tập trung vào phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mà không để ý tới các quan hệ khác trong nền kinh tế hàng hoá. Như đoạn trên đã phân tích, Marx cho rằng, lao động của anh thợ may tự do không phải là lao động sản xuất. Nhưng khi nói về người thợ thủ công và nông dân không có lao động làm thuê thì Marx lại bảo rằng những lao động này có tạo ra giá trị thặng dư, tức là những lao động này thuộc phạm trù của lao động sản xuất (mặc dù Ông nói ra với sự ngập ngừng trong hệ thống suy luận của mình, một điều mà chúng ta ít gặp trong hệ thống lý luận của Ông, cũng như tính quyết đoán của Ông). Ông cho rằng: “Còn đối với người thợ thủ công độc lập hay là đối với nhưng người nông dân không có công nhân làm thuê, và do đó họ sản xuất không phải với tư cách là những nhà tư bản, thì sự việc diễn ra như thế nào? Họ có thể - đây là nét đặc trưng đối với người nông dân {nhưng không phải đối với người làm vườn mà tôi thuê riêng cho mình chẳng hạn} – là những người sản xuất hàng hoá, và lúc đó tôi mua hàng hoá của họ, hơn nữa, sự việc không có gì thay đổi nếu như người thợ thủ công sản xuất ra hàng hoá của mình theo đơn đặt hàng chẳng hạn, còn người nông dân thì cung cấp hàng hoá của mình tuỳ theo những phương tiện mà anh ta có được. Trong trường hợp ấy, đối với tôi, họ có một mối quan hệ nhất định với tư cách là những người bán hàng hoá, chứ không phải với tư cách là người bán lao động, và dó đó, mối quan hệ ấy không có một chút gì giống với việc trao đổi tư bản lấy lao động và vì vậy ở đây không thể áp dụng sự phân biệt giữa lao động sản xuất và lao động không sản xuất, tức là sư phân biệt dựa trên cái cơ sở là lao động có được trao đổi với tiền với tư cách là tiền hay không, hay nó được trao đổi với tiền với tư cách là tư bản. Vì vậy, nông dân và thợ thủ công không thuộc vào loại không sản xuất, cũng không thuộc vào loại những người lao động sản xuất, mặc dầu họ là những người sản xuất hàng hoá. Nhưng đó là những người sản xuất hàng hoá mà công việc sản xuất không lệ thuộc vào phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Có thể là những người sản xuất đó, làm việc với những tư liệu sản xuất của chính mình, không những tái sản xuất ra sức lao động của mình, mà còn tạo ra giá trị thặng dư nữa, hơn nữa hoàn cảnh của họ cho phép họ chiếm đoạt lao động thặng dư của bản thân mình hay một phận lao động thặng dư đó (vì phần còn lại của họ bị lấy mất đi dưới hình thức thuế khoá…). Ở đây, chúng ta thấy một đặc điểm điển hình đối với một chế độ xã hội trong đó một phương thức sản xuất nhất định chiếm ưu thế, tuy rằng chưa phải tất cả những quan hệ sản xuất của xã hội đó đã phục tùng phương thức sản xuất ấy”[24]. Chúng ta phải thấy rằng hai quan niệm mà Marx đã đưa ra đã mâu thuẫn với nhau hoàn toàn. Đúng vậy, làm gì có cơ sở để phân loại lao động này là lao động sản xuất hay là lao động không sản xuất, bởi vì Marx đã tự trói mình trong khái niệm về lao động sản xuất ở bên trên rồi, đó là lao động đem lại giá trị thặng dư trong mối quan hệ tư bản – lao động, còn ở đây làm gì có mối quan hệ ấy. Đưa ra một khái niệm, để rồi không giải thích được hiện tượng và không thể kết luận được hiện tượng đó, vậy thì khái niệm đó phải được thay đổi (với cá nhân mình, tôi cho rằng đây là một quan niệm áp đặt không hơn không kém, nó không nằm trong hệ thống logic của Ông). Nếu sử dụng khái niệm lao động tạo ra giá trị mà tôi đã trình bày ở trên thì có thể kết luận ngay đây là lao động tạo ra giá trị và nó là lao động sản xuất. Còn nếu dùng khái niệm của Marx đã trình bày ở trên thì sẽ xuất hiện mâu thuẫn không thể giải quyết được. Cái mâu thuẫn từ một khái niệm, mà nó chỉ được Marx áp dụng duy nhất cho nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa đã bị các nhà Marxist đời sau hiểu nhầm và áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế hàng hoá nói chung. Nếu muốn áp dụng cho nền kinh tế hàng hoá thì chúng ta phải áp dụng khái niệm mới. Có lẽ do Ông nghĩ rằng không trước thì sau nền sản xuất nhỏ lẻ đó sẽ mất đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa, nên Ông đã không quan tâm nhiều đến nó, Marx cho rằng các lao động loại này sẽ dần dần mất đi để nhường chỗ cho quan hệ tư bản – lao động: “Thêm vào đó, điều kiện sau đây cũng là một quy luật: trong quá trình phát triển kinh tế, những chức năng ấy được phân ra cho những người khác nhau, và người thợ thủ công, hay người nông dân, sản xuất với những tư liệu của bản thân, thì hoặc là dần dần biến thành nhà tư bản nhỏ bóc lột lao động của người khác, hoặc là mất hết tư liệu sản xuất của mình {thường thường thì diễn ra trường hợp sau, mặc dầu về mặt danh nghĩa anh ta vẫn là người sở hữu các tư liệu sản xuất, ví dụ như người nông dân khi cầm cố ruộng đất chẳng hạn} và biến thành người công nhân làm thuê. Đó là khuynh hướng phát triển trong cái hình thái xã hội trong đó phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chiếm ưu thế”[25]. Chúng có xu hướng mất đi, chứ không hẳn là đã mất đi hoàn toàn, vì vậy khi nhìn nhận về nền kinh tế hàng hoá đang tồn tại, chúng ta vẫn phải tính đến nó. Nhất là đối với xã hội Việt Nam, xã hội mà nông dân không thuê lao động làm thuê còn chiếm một phần đông của lực lượng lao động.

Karl Marx đã có một sai lầm rất lớn, đó là Ông đã bỏ qua vai trò của nền sản xuất phi vật chất và thêm vào đó là thiếu một cái nhìn tổng quát, toàn diện về sự vận hành của nền kinh tế hàng hoá với các mối quan hệ kinh tế bên trong nó, những mối quan hệ ngoài mối quan hệ tư bản – lao động. Trước tiên, chúng ta phải bắt đầu tư đối tượng mà Marx muốn nghiên cứu. Trong “Lời nói đầu” được Marx viết vào cuối năm 1857, với tư cách là phần viết trước bản nháp sơ thảo lần thứ nhất cho bộ “Tư bản”, Ông viết: “Đối tượng của công trình nghiên cứu này trước hết là nền sản xuất vật chất”[26]. Còn khi nói về nền sản xuất phi vật chất, trong “Các học thuyết về giá trị thặng dư” thì Marx lại kết luận về lĩnh vực sản xuất này như sau: “Tất cả những biểu hiện đó của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa trong lĩnh vực này thật không đáng kể so với toàn bộ nền sản xuất, nên có thể hoàn toàn bỏ qua không cần chú ý đến”[27]. Con người muốn tồn tại thì cần có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, phương tiện đi lại… vì vậy nền sản xuất vật chất là vô cùng quan trọng trong nền sản xuất của nhân loại. Nhưng con người chỉ tồn tại về mặt vật chất, về mặt thể xác là một điều trái với thực tế, là một sự tưởng tượng. Là sự tách riêng kiểu Robinson mà Marx thường hay phê phán các nhà kinh tế học cổ điển Anh. Con người tồn tại trong hiện thực với cả yếu tố vật chất lẫn yếu tố tinh thần của mình – đó là hai mặt cần thiết của con người, thiếu yếu tố tinh thần con người là một con Robot, là một cái máy không hơn không kém. Nghiên cứu chỉ một nền sản xuất vật chất và coi đó là yếu tố duy nhất tạo nên cơ sở tồn tại của xã hội loài người là một sự tưởng tượng, là xa rời thực tiễn vì vậy nó không còn là một khoa học nữa. Theo Marx bản chất của nền kinh tế hàng hoá là tạo ra giá trị thặng dư và giá trị thặng dư đó bị nhà tư bản bóc lột, đó là nền sản xuất mang một mối quan hệ rất đặc trưng đó là quan hệ tư bản – lao động. Nếu hiểu rằng nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa chỉ là nền kinh tế sản xuất ra hàng hoá và trao đổi nó thì đó là một cách hiểu sai, mà đó phải là quá trình sản xuất ra hàng hoá và trao đổi nó để thu được giá trị thặng dư. Nói đến nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa là nói đến quan hệ giữa nhà tư bản và người làm thuê, hay là mối quan hệ tư bản – lao động. Sản xuất là sản xuất ra giá trị thặng dư, là sản xuất ra tư bản. Đúng như những gì Marx viết: “Chúng ta thấy rằng quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là quá trình sản xuất ra hàng hoá, mà còn là quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư, là sự hấp thụ lao động thặng dư, và do đó, là quá trình sản xuất ra tư bản”[28]. Nhưng khi chúng ta nhìn vào nền kinh tế hàng hoá hiện thực của nhân loại đang có, một câu hỏi được đặt ra là: quan hệ đó có chiếm vị trí độc tôn, duy nhất, toàn diện trong nền kinh tế hàng hoá hiện nay không, và phải chăng không còn mối quan hệ kinh tế nào khác ngoài quan hệ kinh tế tư bản – lao động. Câu trả lời là: không! Nền kinh tế hàng hoá đã trải qua mấy trăm năm phát triển của nó, chưa bao giờ quan hệ tư bản – lao động trở thành một quan hệ kinh tế duy nhất cả. Chúng ta còn có mối quan hệ kinh tế của các cá nhân, cá thể độc lập với nhau, còn mối quan hệ kinh tế của trong lĩnh vực kinh tế Nhà nước, thêm nữa là mối quan hệ giữa Nhà nước và các doanh nghiệp cũng như Nhà nước với các cá nhân… Chưa bao giờ nhân loại xuất hiện một nền kinh tế hàng hoá mà ở đó có một quan hệ duy nhất, mà ở đó chỉ có các doanh nghiệp với quan hệ giữa nhà tư bản và người làm thuê cả; tức là ở đó chỉ toàn doanh nghiệp, không có lao động riêng lẻ, không có kinh tế Nhà nước và không có cả Nhà nước luôn. Nền kinh tế hàng hoá đang vận hành với tư cách là một hệ thống, với nhiều mối quan hệ kinh tế chồng chéo nhau, và doanh nghiệp với mối quan hệ của chính nó chỉ là một phần của nền kinh tế hàng hoá mà thôi, mặc dù nó là phần cốt lõi rất quan trọng của nền kinh tế hàng hoá mà nhân loại đang vận hành. Thêm một điều cần phải nói rõ, đối với bản thân Marx, nền sản xuất của kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa chỉ là nền sản xuất vật chất, nền sản xuất mà ở đó hàng hoá chỉ là các vật thể còn nền sản xuất ra hàng hoá với tư cách là phi vật thể như dịch vụ thì “có thể hoàn toàn bỏ qua không cần chú ý đến”. Ông viết:

Trong lĩnh vực sản xuất phi vật chất, - ngay cả khi nó chỉ được tiến hành để trao đổi thôi, và do đó, chỉ sản xuất ra hàng hoá thôi, - cũng có thể có hai trường hợp:

1) Kết quả của nền sản xuất đó là những hàng hoá, những giá trị sử dụng có hình thái độc lập, tách khỏi người sản xuất cũng như tách khỏi người tiêu dùng, - do đó những hàng hoá, những giá trị sử dụng đó có thể duy trì sự tồn tại của mình trong khoảng thời gian giữa sản xuất và tiêu dùng, và do đó có thể lưu thông trong thời gian đó với tư cách là những hàng hoá có thể dem bán được: ví dụ như sách, tranh , và nói chung là tác phẩm nghệ thuật tồn tại tách rời hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ đã sáng tạo ra chúng. Ở đây, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ được áp dụng trong một quy mô rất hạn chế mà thôi, thí dụ như trong trường hợp một nhà văn nào đó bóc lột rất nhiều tác giả khác với tư cách là người lao động phụ, để làm một tác phẩm tập thể nào đó, ví dụ như để làm một cuốn bách khoa toàn thư nào đó chẳng hạn. Ở đây, trong phần lớn các trường hợp, sự việc đó bị hạn chế trong hình thức quá độ sản nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, hình thức này bao hàm ở chỗ là những người làm những loại sản xuất khoa học và nghệ thuật khác nhau, những thợ thủ công hay cả những người nắm vững tài nghệ của mình nữa, đều làm việc cho tổng tư bản thương nghiệp của các nhà kinh doanh sách, - tức là một quan hệ không có gì giống với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa theo đúng nghĩa của danh từ, và thậm chí còn chưa phụ thuộc một cách hình thức vào phương thức sản xuất đó nữa. Chính trong những hình thức quá độ đó, việc bóc lột lao động đạt tới mức độ cao nhất, - tình hình đó cũng không hề làm thay đổi thực chất của vấn đề một tí nào

2) Sản phẩm được sản xuất ra không tách rời khỏi hành vi sản xuất ra nó, như điều thường xảy ra với tất cả các nhà nghệ sĩ biểu diễn, các diễn giả, các diễn viên, các giáo viên, thầy thuốc, cha cố , v.v.. Cả ở đây nữa, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng chỉ áp dụng với một quy mô không lớn lắm và do bản chất của sự vật, nên ở đây nó chỉ có thể được áp dụng trong một vài lĩnh vực thôi. Ví dụ, trong các trường học, các giáo viên có thể là những công nhân làm thuê đơn thuần của nhà kinh doanh chủ trường học; những công nhân xưởng để dạy học loại như thế có rất nhiều ở nước Anh. Mặc dầu đối với học sinh của mình, những giáo viên đó hoàn toàn không phải là những công nhân sản xuất, nhưng đối với chủ kinh doanh đã thuê họ thì họ lại là những công nhân sản xuất. Chủ kinh doanh trao đổi tư bản của mình lấy sức lao động của các giáo viên đó và làm giàu bằng quá trình đó. Cả những chủ gánh hát, các tổ chức du hí, v.v., cũng làm giàu bằng cách đó. Đối với công chúng thì diễn viên ở đây thể hiện ra như là một nghệ sĩ, nhưng đối với chủ kinh doanh của mình thì người diễn viên đó lại là một công nhân sản xuất. Tất cả những biểu hiện đó của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa trong lĩnh vực này thật không đáng kể so với toàn bộ nền sản xuất, nên có thể hoàn toàn bỏ qua không cần chú ý đến”[29].

Vì sao Ông lại bỏ qua ngành dịch vụ, có lẽ là do thời đại mà Ông sống, ngành này chưa có nhiều lao động, chưa đóng góp nhiều cho giá trị của hàng hoá, nó cũng không cần thiết cho thời buổi ban đầu của nền kinh tế hàng hoá. Nhưng hiện nay thì ngành sản xuất ra hàng hoá dịch vụ đang chiếm rất nhiều lao động, nó được mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực khác nhau, và quan trọng hơn là nó đang có vai trò không thể thiếu trong sự vận hành của nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa. Nó không chỉ là “hình thức quá độ sang nền sản xuất tư bản chủ nghĩa” và nó cũng không phải là mối quan hệ “không có gì giống với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa theo đúng danh nghĩa của từ này”, lao động trong lĩnh vực này hiện nay mang đúng bản chất của phương thức tư bản chủ nghĩa là tư bản – lao động và sự bóc lột vẫn có diễn ra như thường. Và sản xuất hàng hoá dịch vụ cũng không phải “chỉ áp dụng trên quy mô không lớn lắm” và “chỉ áp dụng ở một vài lĩnh vực” mà nó đã áp dụng trên một quy mô rất lớn, với rất nhiều lĩnh vực. Đóng góp của lĩnh vực dịch vụ chẳng hề nhỏ chút nào như Marx đã hình dung. Chúng ta hãy nhìn vào GDP của các nước kém phát triển nhất như Việt Nam và những nước phát triển nhất ở Phương Tây chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Ở Việt Nam, ngành nông nghiệp với chủ yếu là lao động cá thể, không có lao động làm thuê, mà vẫn đóng góp vào GDP của Việt Nam. Còn ở các nước Phương Tây thì ngành sản xuất hàng hoá dịch vụ đang đóng góp rất lớn vào GDP của các nước đó. Nếu như GDP chỉ có duy nhất ngành công nghiệp và nông nghiệp với quan hệ tư bản – lao động thì bài viết của tôi có thể vứt thẳng vào thùng rác. Nhưng thực tiễn của nền kinh tế hàng hoá mà nhân loại đang dùng lại không phải như vậy, đó là lý do mà chúng ta cần xem xét và bổ sung cho học thuyết kinh tế chính trị của Marx. Và trong phần tiếp theo tôi sẽ làm rõ hơn những sự bổ sung của mình.

Đàm Văn Vĩ

11/8/2009

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 21

[2] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 22

[3] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999, tập 46, phần I, trang 33

[4] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 22

[5] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 22-23

[6] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 590-591

[7] Xem: Thảo luận của Phan Huy Đường và Đoàn Tiểu Long
http://amvc.free.fr/PHD/LangThangChuNghia/ThaoLuanVoiDTLong.htm

[8] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 23

[9] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 22

[10] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 23

[11] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 23

[12] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13 trang 21-22

[13] Giáo trình Kinh tế học chính trị Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999, trang 120

[14] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 26-27

[15] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999, tập 46 (phần I), trang 352-353

[16] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999, tập 46, phần I, trang 353

[17] Giáo trình Kinh tế học chính trị Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999, trang 123

[18] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 559

[19] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 564

[20] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 573

[21] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 576

[22] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 576-577

[23] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 574-575

[24] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 582-583

[25] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 586

[26] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999, tập 46, phần I, trang 33, năm 1998

[27] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 589

[28] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 581

[29] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, tập 26, phần I, trang 587-588-589

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss