Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Kì Đồng vẽ Gauguin

Kì Đồng vẽ Gauguin

- Hà Vũ Trọng — published 27/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Hà Vũ Trọng



Kì Đồng vẽ Gauguin



Một buổi sáng giữa tháng 9 năm 1901, năm đầu tiên của thế kỉ 20, con tàu Croix du Sud (Thập tự tinh phương Nam) đã chở Gauguin từ đảo Tahiti tới Atuona, một ngôi làng trên đảo Hiva-oa thuộc quần đảo Marquesas giữa Thái Bình Dương. Ngôi làng nằm trong một cái vịnh rất cạn, từ hướng đông thổi tới là những luồng gió mùa mậu dịch. Một đám đông lao nhao tò mò xem người khách có tên là Paul Gauguin đang cập vào bờ bằng một con thuyền nhỏ, và ông đang loay hoay nhảy lên một bờ đá dốc lởm chởm. Trong đám đông đó có một thanh niên quý phái người Annam, dáng người mảnh mai, anh nhã nhặn tới chào đón Gauguin bằng một giọng Pháp mẫu mực và đề nghị đưa ông đi thăm làng.

kidong1

Tàu Croix du Sud cập bến Atuona

Người dẫn đường kiệt xuất đó tên là Nguyễn Văn Cẩm, 26 tuổi, biệt danh thường gọi là Kì Đồng tức “thần đồng kì lạ” (tương truyền do vua Tự Đức phong cho), ông thường hóm hỉnh giải thích với mọi người trên đảo về biệt hiệu của ông : Kì Đồng là phiên âm của chữ Qui donc/ Ai Vậy? Ba năm trước, Kì Đồng bị lưu đày do hoạt động cách mạng ; Việt Nam khi ấy đã trở thành thuộc địa mới của Pháp là Đông Dương. Trong cái rủi có cái may, do sự nhầm lẫn của một trong những sở của Bộ Thuộc địa, Kì Đồng đã được đem tới Biển Nam Thái bình dương thay vì tới Đảo Quỷ (của quần đảo Guyana ở Trung Mĩ thuộc Pháp) như đã chỉ định.

Chẳng bao lâu, có lẽ thấy Kì Đồng sớm có địa vị ảnh hưởng trên đảo ở Tahiti nên nhà cầm quyền đã lại đày ông tới một quần đảo khác là Marquesas, cách Tahiti 1000 km về hướng Đông (mất khoảng 10 ngày đường thuỷ) và cho ông làm y tá viên. Cũng như nhiều nhà ái quốc khác trong khối thuộc địa Pháp, trước sau ông đã hấp thụ phần lớn những tư tưởng cách mạng trong thời gian học ở trường Lycée [Trung học] của Pháp ở Alger (thủ đô của Algérie ở Bắc Phi, lúc đó thuộc Pháp). Ông đậu bằng Tú tài Văn chương và Khoa học Pháp năm 1896 lúc 21 tuổi; không kể các tu sĩ thì ông là người Việt đầu tiên có học vị này. Kì Đồng cũng đã học sự thưởng ngoạn nghệ thuật, âm nhạc và văn chương Pháp. Ông đã theo đuổi nền học vấn của Pháp một cách thấu đáo, bằng chứng là việc ông viết rất thuần thục thơ văn bằng tiếng Pháp. Một trong những tác phẩm của Kì đồng bao gồm một trường thi dài bằng thể thơ alexandrin (12 chân), miêu tả việc Gauguin tới đảo Marquesas (Marquises). Vở hài kịch thơ này dài 1500 câu, nhan đề Les Amours d’un vieux peintre aux Iles Marquises (Những mối tình của người hoạ sĩ già ở quần đảo Marquises), đã được xuất bản tại Paris, do Jean-Charles Blanc hiệu đính, năm 1989. Xin được nhắc sơ qua tiểu sử Kì Đồng.

Kì Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm sinh năm 1875 trong một gia đình khá giả ở tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ đã tỏ ra thông minh xuất chúng, khi cuộc nổi dậy chống Pháp năm 1887 bị thất bại ông bị bắt đưa sang Pháp rồi đưa sang Algérie. Ngày nay người ta còn có thể thu lượm được những huyền thoại kì lạ về Kì Đồng, điển hình qua những tranh mộc bản dân gian (gồm 5 tấm có kèm theo truyền thuyết) do Henri Oger thực hiện năm 1908-9. Thống sứ Bihourd, vì muốn mua chuộc và đinh ninh rằng thế nào Kì Đồng cũng theo Pháp nên đã cấp dưỡng cho Kì Đồng lúc mới 12 tuổi qua Alger ăn học. Sang du học ở Alger từ năm 1887 đến năm 1896. Tại Alger Kì Đồng đã thường tiếp xúc với vua Hàm Nghi lúc đó đang bị lưu đày. Khi về nước, Kì Đồng nhận hợp tác với một bác sĩ người Pháp, mượn cớ lập đồn điền ở Yên-thế, nhưng ở bên trong Kì Đồng có ý giúp Đề Thám chiêu mộ thêm binh sĩ để chống Pháp. Năm 1897, Kì Đồng ra mặt chống Pháp một cách công khai và quyết liệt. Ông hoạt động ở vùng Nam Định, Thái Bình và Hải Dương. Phong trào này Pháp gọi là “Giặc Kì Đồng”. Toà sứ và trại giám binh của Pháp ở Hải Dương luôn luôn bị kháng chiến quân của Kì Đồng tấn công dữ dội. Quân Pháp biết Kì Đồng chủ mưu, nên tìm cách mở những cuộc càn quét dữ dội để mong bắt cho được Kì Đồng. Sau vụ âm mưu và việc tấn công Toà sứ và trại giám binh không thành, Kì Đồng bị Pháp bắt và đày sang đảo Tahiti năm 1898, rồi chuyển sang quần đảo Marquesas, sau đó lại được chuyển về thủ phủ Papeete và ông đã qua đời tại đây năm 1929.



kidong2

Kì Đồng chụp hình với một viên chức ở Marquesas (Nguồn trong sách Nguyễn Khắc Ngữ)

Với 500 cư dân, hai cơ sở truyền giáo, 5, 6 cửa hàng và hai tiệm bánh mì của người Hoa kiều, ngôi làng Atuona là nơi “văn minh” nhất trong toàn quần đảo Marquesas. Trước hết, nó thuận lợi vì Gauguin có bạn bè ở đây, trong khi ở phần lớn những đảo khác ông không có bạn bè biết tiếng Pháp, vài câu tiếng Tahiti mà ông biết cũng vô dụng, bởi vì ngôn ngữ đảo Marquesas khác với tiếng Tahiti. Vậy ngôi làng Atuona, một lần nữa là nơi ngoại lệ duy nhất có thuyền bè qua lại trực tiếp với Tahiti, và là địa điểm quan trọng nhận hàng hoá, bưu điện từ châu Âu. Và cuối cùng, quần đảo này cũng là nơi cư trú của một bác sĩ duy nhất. Gauguin lập tức quyết định ở lại, với sự giúp đỡ của người bạn mới là Kì Đồng ông đã tìm ra chỗ ở tạm trong ngôi nhà của một người Tahiti gốc Hoa. Ông cũng đang đi tìm một mảnh đất trống để dựng nhà thường trú. Kì Đồng đã dẫn ông vào giữa làng và chỉ cho ông một chỗ rất tuyệt, đó là một mảnh đất rất rộng chưa xây cất. Chỗ này tốt cho Gauguin về mặt sức khoẻ ngày càng bị sa sút vì những cơn đau hành hạ nên khó đi bộ xa được, chỗ này thuận tiện vì có một cửa hiệu rất đầy đủ, ông chủ là người Hoa Kỳ tên Ben Varney, việc còn lại là thuyết phục được vị Giám mục ở đó đồng ý nhượng cho.

Sau đó, cùng những cô gái trên đảo, Gauguin đã mời tất cả cùng vào một tiệm trà bánh. Lúc ấy, Gauguin đã không đeo kính, và rõ ràng đã “để mắt” đến một cô gái tên là Fetohonu, cảnh tượng này làm nổi lên nhiều trận cười tinh quái, vì không phải chỉ ông mới có cái chân đau cà nhắc, mà cô gái kia cũng khập khiễng bên cạnh ông vì cái chân vẹo bẩm sinh. Đến cả Kì Đồng cũng không sao nín cười được. Sau khi rời quán, Kì Đồng đưa họ về chỗ trọ của Gauguin và ông trở về nhà mình. Vài ngày sau, Kì Đồng đã viết nên trường thi Những mối tình của người hoạ sĩ già trên quần đảo Marquesas. Vở kịch thơ trào phúng này có chủ đề về sự khốn đốn của dục tình, rõ ràng đã lấy Gauguin làm nhân vật chính. Sau này chính Kì Đồng đã xác nhận trong cuộc đàm thoại với Guilaume La Bronnee năm 1910 rằng “vở hài kịch nhỏ trào phúng nhân vật chính bằng thơ vần ” khởi hứng từ một sự kiện có thực xảy ra ngay sau khi Gauguin chọn định cư tại Atuona vào cuối năm 1901. “Nhà hoạ sĩ đã sớm ngỏ ý tìm một bạn gái bản xứ, và chuyện xảy ra là khi chúng tôi đi dạo tình cờ lại gặp được năm, sáu cô gái Marquesas dễ dãi, chúng tôi liền mời họ dùng trà bánh với Gauguin. Do người hoạ sĩ rất hào phóng, cho nên họ đều đồng ý sống chung với ông nhưng nhà hoạ sĩ bối rối vì không biết chọn cô nào đây? Sau Gauguin chọn cô Fetohonu (Ngôi sao rùa) đó là một cô gái hai mươi tuổi, xinh đẹp và cao lớn, nhưng hơi bị thọt bẩm sinh. Quyết định này của Gauguin khiến mọi người chế nhạo ông nhưng riêng ông, ông không hiểu tại sao. Nhân thấy cảnh này, tôi đã viết một hài kịch nhỏ bằng thơ trào phúng. Mấy hôm sau, tôi đưa cho Gauguin đọc, ông hết sức thú vị. Từ ngày đó, tôi thân với ông lắm. Mỗi khi rảnh việc ở sở, tôi lại ra thăm ông. Ngày nào cũng vậy, cả sáng lẫn chiều, chúng tôi cùng uống rượu với nhau”. Theo Kì Đồng nói, ông đã cho Gauguin xem vở kịch thơ hoàn thành bốn ngày sau lần gặp mặt đầu tiên, Nếu vậy, bản thảo do chính tay tác giả viết và do hậu duệ của tác giả còn lưu giữ tại Tahiti, chắc hẳn sau đó đã được viết đi viết lại. Tuy nhiên, người ta có thể hình dung ra cảnh tượng chàng thi sĩ trẻ đó đang diễn ngâm một bản trung thực hơn, giọng sang sảng, trong khi Gauguin và bạn bè đang uống rượu bữa chiều, họ cười rộn ràng trong khung cảnh sắc màu sặc sỡ địa phương pha trộn vào với những điển tích phương Tây uyên bác. Một trong những lời thoại cuối của Paul trong vở kịch khi phát biểu với ả giang hồ Germaine (đang giả dạng làm người lính sen đầm), cho thấy Kì Đồng gần gũi và bám sát với tư tưởng Gauguin: “Tôi ngạc nhiên bởi ông không biết đến tên tôi, thế giới vang lừng danh tôi... Tôi hiện thân cho tinh thần mâu thuẫn. Tôi khước từ thiên đàng, hoả ngục và luyện ngục. Với chính quyền, tôi biểu lộ sự đối lập; những kẻ có tư cách nhìn thấy nơi tôi chính là cuộc cách mạng của họ. Ngòi bút và cây cọ của tôi là những vũ khí uy lực được tôi dùng để chế phục những thành kiến ngu xuẩn. Tác phẩm của tôi sẽ phơi mở cho hậu thế thấy sự tự do bao la được bắt nguồn từ lạc thú!”. Cũng ở đây, ta nhận thấy cơ duyên của một tình bạn đặc biệt, vì cả hai đều là những nhà cách mạng trong lưu đày. Một người là nhà cách mạng của nghệ thuật tự do đã tự lưu đày khỏi thế giới văn minh cơ khí của thế giới phương Tây để trở về với địa đàng thiên nhiên. Một người là nhà cách mạng và nhà thơ tranh đấu cho sự tự do tự trị của một dân tộc.

Những dòng trên do Kì Đồng viết ra có lẽ xuất phát từ chính miệng của Gauguin nếu đối chiếu với những bản thảo của Gauguin khi phát biểu về tư tưởng hiện đại và Thiên Chúa giáo. Nhà viết tiểu sử Eisenman nhận định rằng: “Vở kịch của Kì Đồng vừa trào phúng vừa ngợi ca cuộc đời và tư tưởng của Gauguin. Nó mô tả một hoạ sĩ và nhà văn phóng đãng, luân phiên khi thì nhỏ nhen khi thì cởi mở, khi yếm thế khi duy lí tưởng, khi vị kỉ khi độ lượng. Vở kịch vừa là một ngụ ngôn thô nháp về những nguy cơ của dục tình không được kiềm chế và tác phẩm đã được nguỵ trang bằng một giai thoại đương thời… Do vậy, không ngạc nhiên là nó chẳng bao giờ được trình diễn và bị nằm trong bóng tối”.



Tại mảnh đất mua được với sự giúp đỡ của Kì Đồng và cùng với sự giúp đỡ của dân địa phương, Gauguin cũng đã dựng lên một ngôi nhà theo kiểu nhà rông wharenui của người Maori mà trên khung cửa gỗ điêu khắc những cặp nam nữ trần truồng. Gauguin đặt tên cho cơ ngơi mới của mình là Maison du Jouir (Nhà Chơi hay Ngôi nhà Hưởng thụ) nổi tiếng về sự “suy đồi”, tại đây ông cũng lại sống chung với Vaeoho, một thiếu nữ 14 xuân xanh. Đây là cô dâu nho nhỏ thứ ba của ông, những nàng Eve mộc mạc, hồn nhiên trong một vườn Eden chưa lấm bụi trần trong trí tưởng hoa tình của ông. Vaeoho, mà ông gọi là “vợ” ám ảnh cả trong hồi kí viết vài tháng cuối đời là Avant et Après (Trước và Sau), ngay cả khi cô đã bỏ ông đi rồi đang khi cô đang mang thai và cũng từ chối trở về sau khi đã sinh đứa con gái, vì không muốn ăn nằm với người đàn ông đầy mụn nhọt đau đớn do bệnh giang mai cùng những cơn mất trí nhớ.


kidong7

kidong3


“Ngôi nhà Hưởng thụ” của Gauguin


Mối liên hệ của Gauguin với người bản xứ trên quần đảo Marquesas điển hình cho bất cứ xã hội Đa đảo thuộc địa nào khác. Như ở Tahiti, nhiều người châu Âu đã kết hôn với những gia đình thổ dân Marquesas thuộc tầng lớp thượng lưu, do vậy lằn ranh xã hội giữa người da trắng với dân bản địa thường cũng mờ nhạt hơn. Trong số bạn bè của Gauguin, có Varney, Renier và Kì Đồng Nguyễn Văn Cẩm, tất cả đều lấy những người vợ danh giá ở Marquesas. Với riêng Kì Đồng cũng vậy, trong trường hợp này ông đã lấy cô gái tên Punu Ura a Tamihau xinh đẹp để bắt đầu ổn định một đời sống mới trong lưu đày.

kidong5

Gauguin và những thiếu nữ
trên đảo Marquesas

Mười năm ở đảo Tahiti và quần đảo Marquesas là thời kì quan trọng và phức tạp nhất trong cuộc đời Gauguin. Cuộc hội ngộ giữa Gauguin với Kì Đồng chắc hẳn đã khơi lại giấc mơ tới miền Viễn Đông không thành của Gauguin. Ông đã từng mong ước đặt chân tới vẽ ở vùng Đông Dương trước cả khi tìm tới “địa đàng Tahiti”. Ấn tượng sâu sắc nhất của Gauguin khởi đầu từ cuộc Triển lãm Quốc tế năm 1889 ở Paris, khi ông đi dạo quanh các khu triển lãm, với ngọn tháp Eiffel đang ngự trị biểu tượng cho sự kiêu hãnh và trơ lì của nền kĩ nghệ và công trình xây dựng của Pháp. Gauguin thấy khó mà tìm thấy được sự thú vị trong tất cả những sản phẩm “diệu kì” chế tạo từ hãng xưởng và cơ khí thần tình ấy, và nó đang tràn ngập những cung điện kính và những dãy hành lang sắt thép. Cái quyến rũ ông hơn cả là khu triển lãm điêu khắc của vùng Viễn Đông của Đông Nam Á, từ những công trình gốc hay những bản phục dựng mà ông được thấy lần đầu trong khu triển lãm thuộc địa của Pháp. Gauguin đã nghiên cứu cuộc triển lãm mang đầy tính nhân loại học này, nó được gọi là “Sự tiến hoá của nhà ở”, trong đó bao gồm cả các kiểu nhà sàn, nhà tranh, đền chùa, làng mạc, vũ nữ và phụ nữ duyên dáng của vùng Đông Nam Á,...

Ngay thời gian ấy Gauguin đã bắt đầu thể hiện sắc màu nhiệt đới dị kì mang tính “hương xa” (exotic) trong tranh của ông. Tại cuộc Triển lãm này ông có vẽ kí hoạ về người “Annam”. Từ đó, ông háo hức muốn được “Đông du” tới những xứ sở nhiệt đới, mà Đông Dương (Indochine Française) đã trở thành vùng thuộc địa mới của Pháp từ 1884, ở đó có những phế tích đền đài kì vĩ mới được khám phá trong rừng sâu (như Angkor Wat, tháp Chàm, Borobudur...). Cũng như nhiều thanh niên Pháp thời ấy mang đầy tính phiêu lưu (điển hình như Victor Segalen), Gauguin cho rằng những nhà cầm quyền người Pháp sẽ sẵn lòng cấp cho ông một chuyến đi độc lập với số lương hàng tháng rộng rãi nếu như ông nạp đơn xin chính quyền thuộc địa. Tất nhiên, ông hình dung ra đó là một nhiệm sở thoải mái ở một chốn rừng rú hun hút nào đó để sẽ không bị cấp trên nào đó gây trở ngại đến hoạt động của mình. Gauguin đã bộc trực trong một lá thư : “Điều tôi mong muốn là được bổ nhiệm tới xứ Bắc kì (Tonkin), ở đó tôi có thể làm việc với nghề vẽ của mình và để dành dụm. Toàn thể phương Đông và triết học đã được khắc ghi lên đó bằng nghệ thuật, bằng chữ vàng – Tất cả điều này đáng để học, và tôi nghĩ mình sẽ tìm thấy ở đó những năng lực hồi sinh mới. Phương Tây ngày nay đã rữa nát mất rồi, nhưng chỉ kẻ nào với bản lĩnh của Hercules thì mới có thể hấp thu được khí lực mới như Antaeus, bằng chính việc bám vào đất. Và rồi sau một, hai năm người ta sẽ nên cường tráng và bền bỉ trở lại.” (1889). Gauguin cũng từng viết cho nhà soạn kịch August Strindberg (năm 1895) rằng: Ngược với nền văn mình mà bạn đang khổ luỵ, thì tình trạng man dã đối với tôi lại là một cuộc hồi sinh”. Giấc mơ trở lại “địa đàng đã mất” bằng sự phóng chiếu phương trình khoảng cách không gian và thời gian, và việc vạch biểu đồ không-thời gian này cho Gauguin nhìn thấy hành trình ra ngoài như là một hành trình trở về – về với những khởi nguyên của muôn loài, bản thể, và cũng là của văn minh đích thực. Gauguin nói rằng: “Bạn phải trở về nguồn gốc khởi thuỷ – buổi ấu thơ của nhân loại.” Và “Đôi lúc tôi đã trở về cõi rất xa, vời vợi hơn cả đoàn ngựa Parthenon... vời vợi như con ngựa dada thời thơ ấu của tôi, con ngựa gỗ phước lành”. Quan niệm của Gauguin về nguồn năng lượng có thể hồi sinh lại từ nghệ thuật nguyên thuỷ, đã truyền xuống Picasso, sang Matisse, tới Derain, Kirchner và các hoạ sĩ trong nhóm Die Brucke [Cây Cầu] ở Dresden và nhiều hoạ sĩ trẻ khác. Gauguin xem nghệ sĩ như là vị chủ tể đời sống, y có thể tìm, chọn từ quá khứ những gì phát toả được bản tính thâm sâu của mình. Với quan niệm này, ông là người đi tiên phong cho những mẫu mực của thế kỉ 20..

kidong4

Gauguin, kí hoạ trang phục người An Nam và Ả Rập trong cuộc Triển lãm Thế giới 1889

Ngoài mối liên hệ rất ý nghĩa giữa Kì Đồng với Gauguin, còn có những bằng chứng về thư từ qua lại giữa vua Hàm Nghi và nhà điêu khắc Auguste Rodin. Trong thời lưu đày ở Alger từ 1888 cho đến khi qua đời năm 1943, vua Hàm Nghi đã tìm khuây khoả trong hội hoạ và âm nhạc, và đã có một cuộc triển lãm tranh và tượng ở Paris năm 1926. Vua Hàm Nghi đã là hoạ sĩ đầu tiên của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp rất sớm của hội hoạ phương Tây theo phái Ấn tượng, thậm chí với Hậu Ấn tượng, tranh ông mang màu sắc “nhiệt đới buồn” chuyên chở tâm trạng u uất trong sự lưu đày. Đó cũng là khởi đầu cho những quan tâm của một số nghệ sĩ Pháp đối với Đông Dương và các danh sĩ Việt Nam thời thuộc địa, sau này đã dẫn tới cao điểm là bản tuyên ngôn kí chung của tất cả nghệ sĩ Siêu thực do André Breton chủ xướng để phản đối chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam năm 1931 nhân cuộc Triển lãm Thuộc địa (Exposition Coloniale) năm 1930.

Trước đó, cùng năm 1924, hoạ sĩ Siêu thực Max Ernst đã gặp nhà thơ Paul Éluard tại Sài Gòn, Ernst trong chuyến hải hồ độc hành về phương Đông, ông đã đến thăm phế tích của Khmer và Champa, đã cho thấy có ảnh hưởng tới những tác phẩm lớn của ông, điển hình là bức ‘L’Europe après la pluie’ /Châu Âu sau cơn mưa II (vẽ năm 1940 – 42). Ernst cũng đã tới “xứ Mọi” Tây Nguyên và không khí rừng rú bao phủ đầy huyền thuật ở đây rất có thể đã để lại dấu ấn trong các tác phẩm siêu thực của ông.



Ba năm cuối đời trên một hòn đảo xa xăm giữa Thái bình dương, vào tuổi 54, trong tự thuật cho biết Gauguin đang đau khổ vì một lần tự đầu độc mà không thành. Ông chỉ còn lại vài tháng để sống, vừa vật vã để hoàn tất cuốn hồi kí Avant et Après. Hơn nữa, ông đang gặp cái hoạ bị phạt 3000 quan tiền và 3 tháng tù vì " tội chống đối nhà cầm quyền” ngược đãi dân bản địa. Nhưng bệnh hoạn đã ngăn cản ông làm một chuyến đi Tahiti để kháng án. Vào ngày 8 tháng 5, một tháng trước sinh nhật thứ 55, Gauguin qua đời. Ông được chôn cất trong một nghĩa trang gần làng Atuona. Thế nhưng vào chính đoạn cuối đời, nhất là trong những lúc bệnh hoạn kiệt cùng và chán nản cực độ, ông còn lại người bạn gần gũi nhất là Kì Đồng thường xuyên lui tới thăm Gauguin, và Kì Đồng là một trong vài người được phép vào trong xưởng vẽ của Gauguin lúc ấy. Lai lịch bức chân dung Gauguin cuối cùng đã được Danielsson tái hiện : Một ngày nọ, sau mọi cố gắng vô ích khi ráng làm cho bạn mình phấn khởi, Kì Đồng mới ngồi trước giá vẽ và bắt đầu pha màu để vẽ. Đúng như dụng ý, mối quan tâm của Gauguin dần bị kích thích sau đó đã khiến ông khập khiễng tới bên giá vẽ để xem người bạn mình vẽ ra sao. Kì Đồng đang vẽ chân dung ông. Gauguin lẳng lặng đặt tấm gương lên, đẩy bạn sang một bên, rồi cầm cọ hoàn thành bức chân dung diện mạo chính con người thật khốn khổ của mình. Bức tranh này phơi bày cái “hiện thực” tàn nhẫn của một người đàn ông, tóc hoa râm, hằn vết nhăn, đang đau đớn, đăm đăm nhìn vào người xem bằng đôi mắt mệt mỏi lờ đờ qua tròng kính mỏng. Một con người đánh mất thần thái, không còn mang vẻ thống khổ bi tráng của Chúa Jêsu trong bức “Golgotha” (Núi Sọ) cũng là bức tự hoạ mà ông luôn mang theo. Từ đó có thể hiểu tại sao các nhà chuyên môn từ lâu có lí do để hoài nghi tính xác thực về mặt phong cách của bức chân dung này không kí tên, cũng không ghi ngày tháng.

Theo cách nhìn và lí giải sâu sắc của Eisenman thì ở chặng cuối đời của Gauguin, ông thường hoài niệm về người bạn quá cố là Van Gogh, và bức tự hoạ ở quần đảo Marquesas này đã là một sự tưởng nhớ đến Van Gogh; nó cũng vừa là một cách hoà giải và là một chứng từ gửi tới người bạn là Kì Đồng đã từng chia sẻ với mình một giấc mơ về cõi tự do không tưởng. Gauguin đã tặng bức tự hoạ này lại cho Kì Đồng, một người bạn đặc biệt trong số những người thân quen cũng như để nhắc nhớ ông về Van Gogh là người bạn vào năm 1888 đã vẽ tặng ông bức Tự hoạ đề tặng Paul Gauguin. Như vậy, bức tranh là quà tặng của Gauguin cho Kì Đồng, người bạn thân đã chăm sóc và an ủi người hoạ sĩ trong cuối đời bệnh hoạn và kiệt cùng. Nhưng sau đó vì lí do gì đó, có thể là để thanh toán khoản nợ nần của Gauguin, cho nên Kì Đồng đã miễn cưỡng “tặng” lại nó cho một thương gia người Thuỵ sĩ, Louis Grelet, vào năm 1905. Quan trọng hơn nữa, bức tranh cũng được người con trai của Kì Đồng là Pierre Văn Cẩm xác thực cùng với bản thảo thơ văn Kì Đồng và các thông tin Pierre đã cung cấp cho nhà viết tiểu sử người Thuỵ Điển là Bengt Danielsson.

Sau khi Gauguin qua đời để lại nợ nần chồng chất, chính Kì Đồng là người đứng ra lo việc thanh toán các khoản nợ qua việc bán đấu giá tài sản còn sót lại của Gauguin. Sau cái chết của Gauguin, Kì Đồng cũng đã rời đảo Marquesas để đến Papeete năm 1911, ở đó ông làm điều dưỡng viên ở một quân y viện. Năm 1928 vợ ông qua đời, khiến ông đau khổ và năm sau, năm 1929 ông mất tại đó. Có sự trùng hợp về số phận của hai người bạn Gauguin và Kì Đồng là họ đều qua đời ở tuổi 55.



kidong6

Chân dung cuối cùng của Gauguin do Kì Đồng và Gauguin vẽ chung năm 1903

Giờ đây bức chân dung cuối cùng của Gauguin nằm trong Viện Bảo tàng Nghệ thuật ở Basel, Thuỵ sĩ. Chính phong cách dị biệt của bức tranh này đã giải thích cho cơ duyên của nó, cơ duyên đó mang ấn tích của một tình bạn hi hữu, như thể đồng kí tên chung trong một bức chân dung cuối cùng : Nguyễn văn Cẩm mệnh danh Kì Đồng (l’Enfant Prodigue) và Paul Gauguin – “Người Dã man Cao quý” (Le Noble Sauvage), như trong giấc mơ của nhà văn kiêm triết gia Jean-Jacques Rousseau – linh hồn của cuộc Cách mạng Pháp 1789.

Bức tranh Chân dung cuối cùng của Gauguin do Kì Đồng và Gauguin vẽ chung năm 1903  hiện bày ở viện bảo tàng Oeffentliche Kunstsammlung Basel, Kunstmuseum, Thuỵ sĩ. Theo thư mục toàn tập tác phẩm của Gauguin do Georges Wildenstein soạn, Gauguin - Catalogue 1 (Les Beaux-Arts, Paris 1964), bức đánh số 634, Le Dernier Portrait de Gauguin, sơn dầu trên vải bố và bồi trên gỗ ; kích thước: 0,42 x 0,25cm, xác nhận bức chân dụng tự hoạ này vẽ năm 1903. Chi tiết về lai lịch sưu tập của bức tranh, cũng theo thư mục này : do Gauguin tặng cho nhà cách mạng người Annam là Kì Đồng, bị lưu đày ở Quần đảo Marquesas và đã chăm sóc cho ông. Bức tranh này do người kể sau này [Kì Đồng] tặng vào năm 1905 cho một thương gia Thuỵ Sĩ du hành tới Tahiti và đã quen biết hoạ sĩ [Gauguin] giữa các năm 1900 và 1903; được bán ra ở London, ngày 6.2.1924, số mục 88 (giá bán 95 bảng Anh), cho Finch; được đưa trở lại Thuỵ Sĩ, được triển lãm lần đầu tiên ở Bâle, năm 1928. Bộ sưu tập riêng ở Bâle ; tặng cho viện Bảo tàng Nghệ thuật Kunstmuseum ở Bâle năm 1944.


Hà Vũ Trọng



Tham khảo:


Wayne Andersen, Gauguin – Paradise Lost, the Viking Press 1971

Bengt Danielsson, Gauguin in the South Seas (bản tiếng Thuỵ điển: 1964; tiếng Anh: 1965), Doubleday NY

Stephen F. Eisenman, Gauguin’s Skirt, Thames and Hudson, London, 1997

Nancy Mowll Mathews, Paul GauguinAn Erotic Life , Yale University Press 2001

Nguyễn Khắc Ngữ, Kỳ-Đồng: Nhà cách mạng và Nhà thơ , Tủ sách nghiên cứu sử địa, Montréal, Canada 1990

Nguyễn Phan Quang, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm , Nxb TPHCM 1993

David Sweetman, Paul Gauguin – A Complete Life , Hodderre Stoughton 1995

Belinda Thomson, Gauguin, Thames and Hudson, London, 1987


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss