Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Trung Quốc cận đại : Chiến tranh kháng Nhật / Lịch sử TQ cận đại : Chiến tranh toàn diện kháng Nhật (1)

Lịch sử TQ cận đại : Chiến tranh toàn diện kháng Nhật (1)

- Hồ Bạch Thảo — published 04/06/2015 14:47, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 1 : Trung Nhật chiến tranh toàn diện [1937-1938]


Lịch sử Trung Quốc cận đại :

Chiến tranh toàn diện kháng Nhật


Hồ Bạch Thảo


Theo tin đài B.B.C., tại Trung Quốc kỷ niệm rất lớn “ Công lao chống Nhật ” của Hồng quân Công nông, có lần chính lãnh tụ Mao từng tự khen mình thông minh, “ tọa sơn quan hổ đấu ” chờ cho quân Nhật làm suy yếu Quốc Dân Đảng rồi ra tay thu phục Trung Quốc. Tại Đài Loan cũng tưng bừng làm lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Lạc Chiêu Hòa, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan lên tiếng chỉ trích Trung Quốc rằng khi nói đến lịch sử cuộc chiến kháng Nhật, “ không được bóp méo hoặc mạt sát ” lực lượng Quốc Dân Đảng. Để có sự đánh giá khách quan, xin giới thiệu đầu đuôi cuộc chiến dưới đây.


Chương một

Trung Nhật chiến tranh toàn diện
[1937-1938]



ltn

Lý Tông Nhân [1891-1969]

Nguồn : wikipedia


1. Sự biến ngày 7/7, Nhật Bản cầu chiến Trung Quốc ứng chiến


Nếu trước đó Trung Quốc không nhẫn nhịn, thì chiến tranh toàn diện Trung Nhật đã xẩy ra sớm hơn ; ngược lại nếu Nhật Bản bớt nôn nóng, không được voi đòi tiên muốn biến vùng Hoa Bắc như nước Mãn Châu, thì chiến tranh Trung Nhật còn có thể trì hoãn thêm nữa. Nhật Bản muốn bớt mệt mà thu hoạch lớn, nhắm vào lúc Trung Quốc có nội chiến. Nhưng tình hình không đúng như lòng mong muốn ; vấn đề xẩy ra tại Lưỡng Quảng năm 1935 không những không gây ra nội chiến, mà lại còn tăng cường tình đoàn kết. Rồi đền sự biến tại Tây An [Xian, Thiểm Tây], Nhật Bản cho rằng Trung Quốc không tránh khỏi nội chiến. Nhưng ngày 23/12/1936, sự biến hé lộ sẽ kết thúc hoà bình, Thủ tướng Nhật Bản Quảng Điền Hoằng Nghị báo cáo với Khu mật viện rằng nếu như Quốc dân chính phủ dùng chính sách dung Cộng, thoả hiệp với Trương Học Lương, Nhật Bản sẽ kiên quyết bài kích. Sau đó 2 ngày, Tưởng Uỷ viên trưởng [Giới Thạch] thoát hiểm, Nhật Bản hiểu rõ rằng sự việc có liên quan đến Nga Xô. Ngày 28/12, quân Quan Đông thanh minh rằng nếu chính phủ Trung Quốc chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản, cùng chính sách kháng Nhật ; quân Quan Đông sẽ làm mọi điều để phòng vệ nước Mãn Châu, cùng duy trì hoà bình Đông Á. Nhật Bản sắp sửa hành động, ai ai cũng biết, và mục tiêu chính là vùng Hoa Bắc.


Đầu năm 1937, Tư lệnh quân Nhật đồn trú tại Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Điền Đại Hoán Nhất Lang, lại cùng Uỷ viên trưởng Ký Sát [Hà Bắc, Sát Cáp Nhĩ] chính vụ Tống Triết Nguyên đàm phán vấn đề kinh tế Hoa Bắc, Tống bảo rằng chính phủ Nam Kinh không đồng ý yêu cầu của Nhật, nên không có kết quả. Chẳng bao lâu việc Quốc dân đảng vả Trung Cộng hoà giải được minh bạch hoá ; vào tháng 4, Nhật Bản tăng quân tại Bắc Bình, Thiên Tân. Các đại thần Nhật hội nghị ; quyết định dùng Hoa Bắc thành khu vực chống Cộng, thân Nhật, thân Mãn Châu. Báo chí Nhật đưa lời rằng sẽ mở rộng hiệp định Đường Cô, cùng chính phủ chống Cộng tại phía đông tỉnh Hà Bắc ; không để cho miền Hoa Bắc bị “ Trung ương hoá ” hoặc “ Trung ương tập quyền hoá ”, thậm chí còn muốn xua đuổi quân đoàn thứ 29. Tháng 5 Tư lệnh quân Quan Đông, Trực Điền Khiêm Cát tại Nhiệt Hà [Chengde, Hà Bắc], Tư lệnh tại Thiên Tân, Điền Đại Hoán Nhất Lang, mỗi nơi tiếp tục hội nghị, gia tăng khẩn cấp đàn áp Tuy Viễn, Hà Bắc. Đầu tháng 6, Cận Vệ Văn Ma lập nội các tại Nhật, Quảng Điền trở thành Ngoại trưởng ; đều một lòng theo phái quân nhân. Tham mưu trưởng Quan Đông, Đông Điều Anh Cơ Trường, nói về tác chiến chống Nga, trước hết cần dùng vũ lực đánh tan chính phủ Nam Kinh, thanh trừ sự uy hiếp ở phía đằng sau. Tháng 6, Đại sứ Nhật, Mậu Xuyên Việt đàm thoại rằng Trung Quốc nên nhận rõ quyền lợi Nhật Bản sinh tồn và phát triển, cùng sự sinh tồn của nước Mãn Châu luôn luôn liên hệ đến miền Hoa Bắc. Rồi Tổng đốc Triều Tiên, Tư lệnh quân Quan Đông, Tư lệnh quân Nhật đồn trú tại Thiên Tân, Tổng tài đường sắt Nam Mãn, họp bàn tại Đại Liên [Dalian, Liêu Ninh], nội dung vẫn là vấn đề Hoa Bắc.


Sau khi sự kiện Hà Bắc phát sinh, quân Nhật hoành hành không kiêng kỵ, tự ý diễn tập không xin phép. Lúc Tống Triết Nguyên đàm phán với Điền Đại Hoán, Mậu Xuyên Việt cũng gặp mặt Tưởng Uỷ viên trưởng để đề xuất. Tháng 3/1937, Tổng trưởng ngoại giao Vương Sủng Huệ phát biểu rằng chủ quyền quốc gia phải được hoàn chỉnh, quan hệ quốc tế cần bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Tưởng chiêu đãi đoàn khảo sát kinh tế Nhật Bản ; nhấn mạnh “ Điều mình không muốn, đừng đưa cho người ” ; hy vọng Nhật Bản đình chỉ những việc làm tại Hoa.


Ngày 7/7 quân Nhật tại Lô Câu Kiều [Lugouqiao, Hà Bắc] tập trận ban đêm. Cầu này bắc qua sông Vĩnh Định tại phía tây nam Bắc Bình 15 km ; cầu rộng hơn 200 m, đường sắt Bình Hán [Bắc Bình – Hán Khẩu] chạy qua, gần kề có thành huyện Uyển Bình, trạm xe lửa Lô Câu Kiều ở phía bắc cầu. Vào lúc 11 giờ đêm, quân Nhật bảo rằng có 1 người lính bị thất lạc và có tiếng súng nổ tại miếu Long Vương gần thành Uyển Bình, nên đòi hỏi vào huyện thành sưu tra. Trung Quốc đáp ứng bằng cách hai bên cử người cùng sưu tra ; phía Nhật lúc đầu bằng lòng, sau lại không chịu. Rồi quân Nhật đột nhiên tấn công, bị quân trú phòng đẩy lui ; sự biến ngày 7/7 do đó bạo phát. Ngày mồng 8, hai bên nghị bàn, quân đội trở về vị trí phòng thủ cũ ; ngày hôm sau quân Nhật lại tiếp tục đánh. Ngày 11, Trung Quốc hứa rút quân khỏi Lô Câu Kiều và vùng phụ cận, trừng phạt quan quân chịu trách nhiệm, nhưng phía Nhật vẫn còn giận dữ.


Cùng trong ngày chính phủ Nhật Bản ra lệnh quân Nhật trú tại Triều Tiên, Mãn Châu khởi hành đến miền Hoa Bắc. Ngày hôm sau Tham mưu bản bộ lập kế hoạch tác chiến, quyết đánh bại quân Tống Triết Nguyên tại vùng Bắc Bình, Thiên Tân. Ngày 14, viên tân Tư lệnh tại Hoa bắc, Hương Nguyệt Tư, yêu cầu triệt thoái quân tại Bắc Bình, cơ cấu trung ương tại Hà Bắc, Sát Cáp Nhĩ, cùng tổ chức Lam Y 1 ; truất bỏ những nhân vật bài Nhật, triệt để trấn áp hoạt động của Cộng sản ; cấm chỉ cơ quan ngôn luận chống Nhật, cùng vận động trong giới học sinh ; bãi bỏ giáo dục bài Nhật tại học hiệu và trong quân. Ngày 19, Tống Triết Nguyên nhất nhất đồng ý. Ngày 12, quân Nhật pháo kích huyện Uyển Bình, cùng trạm Trường Tân [Changxindianzhen, Hà Bắc] ; Tống ra lệnh triệt bỏ phòng vệ trong thành phố Bắc Bình, xin quân trung ương đình chỉ tiến lên phía bắc.


Lúc bấy giờ Tưởng Uỷ viên trưởng tại Lô Sơn [Lushan, Giang Tây], đang cùng các lãnh tụ thảo luận vấn đề trọng đại của quốc gia ; ngày 8/7 được tin biến cố xẩy ra ; lập tức lệnh bộ phận tuyên truyền của Quốc dân đảng thông báo cho báo chí, cùng lệnh Tống Triết Nguyên tích cực chuẩn bị, chống cự tại chỗ ; nếu như đàm phán thì không để mất chủ quyền. Ngày 9/7 điều 4 sư đoàn tập trung tại Thạch Gia Trang [Shijiazhuang, Hà Bắc], Bảo Định [Baoding, Hà Bắc] ; mệnh Hành chính viện Vụ trưởng Hà Liêm cấp tốc trở về Nam Kinh đích thân báo cho Bộ trưởng quân chính Hà Ứng Khâm biết rằng Tưởng đã hạ quyết tâm. Bộ ngoại giao ngoài việc kháng nghị, ngày 12 ra thanh minh rằng bất cứ giải quyết nào, nếu chưa được trung ương phê chuẩn đều vô hiệu. Lại ra lệnh cho Tống Triết Nguyên ra sức kháng chiến, không để cho quân địch khinh khi. Sau khi nghị bàn với Nhật vào ngày 11/7 không xong, ngày 14/7 quân trung ương lập hành doanh tại Thạch Gia Trang.


Sau khi biến cố xẩy ra được 1 ngày, Mao Trạch Đông và tướng lãnh Trung cộng xin Tưởng Uỷ viên trưởng nghiêm lệnh quân đoàn thứ 29 bảo vệ Bắc Bình, Thiên Tân và Hoa bắc ; động viên toàn quân hải lục không quân, đánh đuổi quân Nhật ra khỏi nước ; Hồng quân nguyện dưới sự lãnh đạo, ra sức liều mình. Sau đó 3 ngày, Chu Ân Lai, Tần Bang Hiến, Lâm Tổ Hàm đến Lô Sơn hội thương về địa vị Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ ; cùng vấn đề biên chế Hồng quân. Ngày 16, Đại sứ Anh tại Hoa cố gắng thu xếp, đề nghị Trung, Nhật đình chỉ điều binh, nhưng bị Nhật Bản cự tuyệt.


Ngày 17, trong cuộc thảo luận tại Lô Sơn, Trưởng Giới Thạch trịnh trọng tuyên bố :


Chúng ta là một nước yếu, nhưng đến thời gian quan trọng tối hậu, phải liều sinh mệnh dân tộc, để quốc gia trường tồn. Lúc bấy giờ sẽ không nửa chừng thoả hiệp, vì biết rằng điều kiện để nửa chừng thoả hiệp chỉ là đầu hàng, diệt vong. Toàn thể quốc dân cần nhận rõ ý nghĩa cái gọi là thời gian quan trọng tối hậu. Một khi thời gian tối hậu đến, chúng ta chỉ biết hy sinh đến cùng, kháng chiến đến cùng ; chỉ có quyết tâm hy sinh đến cùng mới gặt hái được thắng lợi tối hậu.


Sự biến Lô Câu Kiều quan hệ đến cả nước Trung Quốc. Sự kiện có hay không kết thúc, phản ảnh tại thời gian quan trọng tối hậu. Sự biến có hay không khuếch đại thành chiến tranh Trung Nhật, toàn dựa vào thái độ của Nhật Bản. Thời gian quan trọng hoà bình chấm dứt hay tiếp tục, toàn dựa vào hành động quân sự của Nhật Bản. Trước giờ phút tuyệt vọng cho hoà bình một giây, chúng ta vẫn hy vọng hoà bình.”


Tiếp theo, Tưởng thân minh 4 điểm :


Thứ nhất, bất cứ giải quyết nào cũng không thể xâm hại chủ quyền Trung Quốc và lãnh thổ toàn vẹn. Thứ hai, tổ chức hành chính tại Hà Bắc, Sát Cáp Nhĩ không được cải biến bất hợp pháp. Thứ ba, chính phủ trung ương phái quan lại đến địa phương, kẻ khác không được triệt tiêu hoặc thay đổi. Thứ tư, quân đoàn số 29, hiện trú tại những khu vực, kẻ khác không được hạn chế ràng buộc ”. “ Chúng ta hy vọng hoà bình, nhưng không cầu an một cách cẩu thả ; chuẩn bị ứng chiến, nhưng quyết không cầu chiến. Chúng ta biết rằng tình thế sau khi toàn quốc ứng chiến, chỉ có hy sinh đến cùng… đất không chia nam bắc, tuổi không phân già trẻ, không kể ai, đều có trách nhiệm giữ đất kháng chiến, đều quyết tâm hy sinh.”


Phản ứng của chính phủ Nhật Bản là thông qua “ Kế hoạch động viên ”, yêu cầu Trung Quốc triệt thoái quân đội không vào tỉnh Hà Bắc. Tống Triết Nguyên thấy quân Nhật vận chuyển đến Hoa Bắc nhiều, đồng thời biết rằng Tưởng có quyết sách kháng chiến, bổ sung cũng đã được đưa tới, bèn quyết định thế công. Ngày 26/7, quân Nhật chiếm Lang Phòng [Langfang, Hà Bắc], nằm giữa Bắc Bình và Thiên Tân, nhưng khi tiến tới Bắc Hồ [Beihu, Hà Bắc] thì bị đánh lui. Tư lệnh Hương Nguyệt ra thông điệp tối hậu đòi hỏi quân đoàn thứ 29 rút lui đến phía tây sông Vĩnh Định ; ngày 27 quân Nhật tiến bức 4 vùng ven đô Bắc Bình. Ngày 28, đánh lớn tại Nam Uyển, Bắc Bình ; Phó tư lệnh quân đoàn 29 Đông Lân Các, và Sư trưởng Triệu Đăng Vũ tử trận. Ngày 29 Tống Triết Nguyên rời Bắc Bình, qua cuộc kịch chiến tại Thiên Tân, ngày 30 bị hãm ; hai thành phố nổi tiếng Hoa Bắc đều vào tay Nhật ; quân đoàn thứ 29 rút lui đến tuyến Bảo Định.


Ngày 20/7, Tưởng trở về Nam Kinh. Ngay buổi chiều Bắc Bình bị hãm, Tưởng lại có lời phát biểu rằng việc này không thể coi như chiến tranh kết liễu, chỉ một lòng chiến đấu, tương lai không có việc thoả hiệp khuất phục hoặc giải quyết cục bộ. Sau đó 2 ngày, lại gửi thư cho quân chính toàn quốc rằng kháng chiến đến cùng, liều chết với giặc Nuỵ. Đầu tháng 8, tuyên bố tuỳ thời, tuỳ đất mà đánh, khiến quân Nhật đánh nhưng không lấy được. Các lãnh tụ quân sự trọng yếu như Bạch Sùng Hy tại Quảng Tây, Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây, Lưu Tương tại Tứ Xuyên, Long Vân tại Vân Nam, Chu Đức thuộc Trung cộng ; bất luận dĩ vãng đối với Tưởng có ý kiến như thế nào, đều dự hội tại Nam Kinh, suy cử Tưởng Uỷ viên trưởng làm Tổng tư lệnh lục quân, không quân, dùng uỷ viên hội quân sự làm bộ chỉ huy thống soái. Ngày 16, cải đổi Uỷ viên trưởng thành Đại nguyên soái, tổ chức Đại bản doanh.


Lúc này Nhật Bản phát động chiến tranh, có những lý do như sau : Thứ nhất, Quốc dân đảng và Trung cộng hợp tác, chính sách liên Nga dung Cộng lại thực hành ; Nhật cần đàn áp ngay, trước tiên khống chế miền Hoa Bắc. Thứ hai, lực lượng Trung Quốc đang mở mang để được sung thực, cần phải sớm bẻ gãy ; lại không tin Tưởng có quyết tâm đánh đến cùng. Thứ ba, hiệp định phòng Cộng giữa Đức, Nhật cập nhật xong, hiệp định với Ý thành lập vào tháng 11/1936, nên Nhật không bị cô lập ; riêng Anh, Mỹ không có hành động dứt khoát.


Còn riêng Trung Quốc quyết định ứng chiến, do tình thế áp bách như vậy, sự đòi hỏi của Nhật Bản không dừng, nếu còn nhẫn nhịn thêm thì số phận miền Hoa Bắc cũng chìm đắm giống như miền đông bắc, rồi muốn yên một góc cũng không được. Thứ hai, lòng dân phẫn khích đã đến cực điểm, Trung cộng ra sức chủ chiến, lần này nếu không đề kháng thì cuộc nội chiến lại sẽ xẩy ra. Thứ ba, Trung Quốc tuy chưa địch nổi Nhật, nhưng đất rộng, Nhật không thể chiếm hết toàn bộ. Thứ tư, Anh, Mỹ cố kỵ thế lực Nhật ngày một khuếch trương, đợi thời cơ tình hình quốc tế biến hoá, lúc bấy giờ hoà đàm sẽ có lợi thế. Hơn nữa giữa Trung Quốc và Liên Xô đang đàm phán hiệp ước bất tương xâm, trong thời gian này được Liên Xô yểm trợ.




2. Chiến tranh tại Thượng Hải và Nam Kinh


Lúc khởi đầu Nhật Bản chỉ muốn chiếm Hà Bắc ; nên nghĩ rằng sau khi lấy được Bắc Bình, Thiên Tân, Trung Quốc sẽ khuất phục, nên ngày 8/8 đưa ra “ Đình chiến điều kiện ” chuẩn bị đàm phán. Không ngờ Trung Quốc quyết định chiến trường riêng và chủ trương toàn diện kháng chiến. Hoa Bắc đất bằng, lợi cho quân đội Nhật Bản sử dụng cơ giới vẫy vùng ; Giang Nam sông suối ngang dọc, hồ ao đầy rẩy, địa hình phức tạp, lại có công sự quốc phòng xây sẵn, đối với Trung Quốc có lợi thế. Thượng Hải là thành phố buôn bán sầm uất, quân Nhật không nhiều, quyết định bẻ gãy khí thế kiêu căng của Nhật tại nơi này, và gây sự chú ý trên trường quốc tế. Vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 tăng quân tại Thượng Hải, và lập kế hoạch chẹn khúc sông hẹp tại Giang Âm [Jiangyin, Giang Tô] khiến tàu bè Nhật Bản trên sông Trường Giang không thể đào thoát. Nhưng viên Bí thư viện hành chánh Hoàng Lăng bị Nhật Bản mua chuộc, tiết lộ bí mật, nên tàu thuyền, cùng Nhật kiều tại Hán Khẩu đã thoát được trước.


Vào trung tuần tháng 7, viên Tư lệnh hạm đội Nhật Bản trú tại Thượng Hải, Trường Cốc Xuyên Thanh cũng muốn thử, kiến nghị với Đông Kinh rằng không nên hạn chế chiến trường cục bộ tại miền Hoa Bắc, cần đồng thời đánh Thượng Hải, Nam Kinh, chia lực lượng địch, đánh vào tử mệnh. Vào hạ tuần tháng 7, quân của Trường Cốc Xuyên Thanh cũng theo kiểu cũ tại Lô Câu Kiều, nêu lên rằng có một người lính mất tích, cho bố phòng tại đập nước phía bắc Thượng Hải. Ngày 9/8, quân Trung, Nhật xung đột tại Thượng Hải ; tiếp đến vào 9:15 sáng ngày 13 đại chiến bùng nổ.


Chiến tranh Thượng Hải xy ra được 2 ngày, Quốc dân chính phủ tuyên bố tự vệ kháng chiến. Ngày 15/8 Nhật Bản chính thức hạ lệnh động viên, biên chế thành hai đạo quân Thượng Hải và Hoa Bắc. Ngày 20, Trung Quốc cũng chia ra hai chiến khu, Thượng Hải và Hoa Bắc. Lục quân Nhật tại Thượng Hải lúc đầu chỉ 1 vạn quân, lục quân Trung Quốc 4 vạn, dõng mãnh tấn công, không quân oanh tạc Nhật Bản quân hạm. Tuy không quân Nhật Bản đông, tối tân hơn, khống chế bầu trời ; không quân Trung Quốc chỉ có 250 máy bay, nhưng trong ngày 14/8 một phi đội, dưới quyền chỉ huy của Cao Chí Hàng, không chiến đánh rơi 6 máy bay Nhật, nên sau này Trung Quốc dùng ngày 14/8 làm ngày kỷ niệm không quân. Sau đó hai bên lục quân tăng cường, quân Hoa tuy không tiếc hy sinh, nhưng không địch được hoả pháo của Nhật. Trung tuần tháng 9, rút ra trận địa dự bị thứ nhất tại Bảo Sơn [Baoshan], khu phố thuộc phía bắc Thượng Hải ; lúc bấy giờ quân Nhật ước 10 vạn, quân Hoa khoảng trên 30 vạn. Hạ tuần tháng 9, quân Hoa rút đến trận địa dự bị thứ hai tại La Điếm, khu kế cận Bảo Sơn. Tháng 10 quân Nhật tăng đến trên 20 vạn ; quân Hoa đến 50 vạn, ngoài quân trung ương, có quân các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hồ Nam tham gia chiến đấu. Trận địa rất ác liệt, số thương vong mỗi giờ đến hàng ngàn. Ngày 26/10, các trận địa chủ yếu đều bị chiếm, quân Hoa rút sang phía tây Thượng Hải. Tiếp tục 2 sư đoàn Nhật tăng cường, đổ bộ Hàng Châu loan [Hangzhou, Chiết Giang]. Một số tướng lãnh như Lý Tông Nhân đề nghị rút lui về giữ Nam Kinh, nhưng Tưởng vẫn cho hy sinh quân thiện chiến cố bám giữ Thượng Hải, vì cường quốc 9 nước đang họp tại Bruxelles, Bỉ ; Tưởng mong gây ảnh hưởng để các nước Tây phương tham gia vào cuộc chiến. Ngày 9/11 quân Hoa toàn bộ triệt thoái sang phía tây


Cuộc chiến tại Thượng Hải có thể chia làm 3 giai đoạn : Giai đoạn 1, từ ngày 13 đến ngày 22/8 ; thời gian này quân Hoa cố gắng đánh tan các căn cứ quân Nhật tại Thượng Hải; nhưng quân Nhật có công sự phòng thủ chắc, súng đại bác quân Hoa phá không được, lại có không quân và pháo binh tại chiến hạm yểm trợ, nên quân Hoa không thành công. Giai đoạn 2, từ 23/8 đến 26/10, quân Nhật đổ bộ thêm tại bờ biển tỉnh Giang Tô ; quân hai bên chiến đấu ác liệt tranh nhau từng nhà, có những vị trí trong một ngày dành nhau 5 lần, giống như trận Stalingrad trong chiến tranh Nga, Đức. Rồi quân Nhật từng bước kiểm soát, bao vây. Giai đoạn cuối, từ 27/10 đến tháng 11, quân Hoa rút lui bởi sự đe doạ của quân Nhật tấn công cạnh sườn ; rồi quân Nhật xua đuổi quân Hoa cho đến tận thành phố Nam Kinh.




Tổng kết trận Thượng Hải 2


Lãnh đạo chỉ huy



Trung Quốc


Nhật


Tưởng Giới Thạch

Phùng Ngọc Tường

Trần Thành

Trương Trị Trung


Heisuke Yaganawa

Iwane Matsui

Hasegawa Kiyoshi




Lực lượng





Trung Quốc


Nhật


Quân


700.000 gồm 75 sư đoàn, 9 lữ đoàn

300.000 gồm 8 sư đoàn, 6 lữ đoàn

Máy bay

250

3.000

Xe tăng

16

300

Tàu thuỷ


130



Tổn thất





Trung Quốc


Nhật


Chết

200.000

70.000

Bị thương, mất tích

83.500

22.640

Máy bay bị huỷ

91

85

Tàu thuỷ bị huỷ


51



Ngày 20/11 Quốc dân chính phủ ra tuyên ngôn, quyết không đàm phán khi quân địch dưới thành. Từ lúc này, bắt đầu dời chính phủ đến Trùng Khánh [Chongqing, Tứ Xuyên], và nhận định rằng “ Với quy mô rộng lớn, thi hành trì cửu chiến 3 ” ; tỏ lời khen ngợi 3 tháng trời chiến đấu tại Thượng Hải “ Tướng sĩ tại các nơi, vì nghĩa đến cứu nạn ; sáng ra lệnh chiều đã tới nơi, đưa máu thịt xây thành hào luỹ, dù chết không lùi… Trận địa biến thành tro than, lòng người vẫn cứng như sắt đá….”. Nhưng sau cuộc chiến, thực lực tổn thất đến 6 hoặc 7/10 ; không có cách gì ngăn chặn quân Nhật. Các tuyến dự bị từ sông Trường Giang đến Tô Châu [Suzhou, Giang Tô], Gia Hưng [Jiaxing, Chiết Giang], đến Vô Tích [Woxi, Giang Tô], Giang Âm [Jiangyin, Giang Tô] đều không giữ được. Ngày 13/12, thủ đô Nam Kinh bị Nhật chiếm ; chiến dịch này liên quan đến 30 vạn quân Nhật, số quân Hoa tham dự nhiều hơn ; ngày 24 mất Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang]. Một số sử gia ước lượng rằng tại Nam Kinh có khoảng 30 vạn dân và lính bị giết tập thể và hàng chục ngàn phụ nữ bị hiếp ; nhưng sử gia Nhật từ chối việc này.




3. Chiến tranh Trung Nhật tại miền Hoa Bắc, Hoa Trung


Tại Hoa Bắc, sau khi quân Nhật chiếm được Bắc Bình bèn theo đường sắt Bình Tuy [Bắc Bình – Tuy Viễn] lên phía bắc đánh Nam Khẩu [Nankou, Hà Bắc] ; lại từ Sát Cáp Nhĩ xuống phương nam đánh Trương Gia Khẩu [Giangjiakou, Hà Bắc], kịch chiến trong 16 ngày. Hạ tuần tháng 8 Nam Khẩu và Trương Gia Khẩu đều mất. Quân Nhật tiến đánh Đại Đồng [Datong, Sơn Tây]. Vào ngày 25/9 một sư đoàn Hồng quân dưới quyền Lâm Bưu, mới được biên chế thuộc Đệ bát lộ quân, phối hợp với quân Sơn Tây của Diêm Tích Sơn, quân Thiểm Tây, phục kích tại ải Bình Hình [Pinxin pass, Sơn Tây], tiêu diệt 4.000 quân Nhật ; đây là chiến thắng đầu tiên tại chiến trường Hoa Bắc. Hồng quân tại bắc Thiểm Tây sau khi hợp tác với Quốc dân chính phủ, vào ngày 22/8 biên chế thành Đệ bát lộ quân, do Chu Đức và Bành Đức Hoài giữ chức Tổng, Phó tư lệnh, Diệp Kiếm Anh làm Tham mưu trưởng ; có 3 sư đoàn, khoảng 3 vạn quân, do Lâm Bưu, Hạ Long, Lưu Bá Thừa làm Tư lệnh ; Oanh Vinh Trăn, Tiêu Khắc, Từ Hướng Tiền làm Phó tư lệnh, Uỷ viên chính trị, 1 sư đoàn do Oanh Vinh Trăn kiêm nhiệm, còn 2 sư đoàn kia do Quan Hướng Ứng, Đặng Tiểu Bình đảm trách. Ngoài ra vào ngày 22/9 Hồng quân rải rác tại Giang Nam biên chế thành Đệ tứ quân, do Diệp Đình, Hạng Anh giữ Chánh, Phó quân trưởng, chia thành 4 chi đội ; có các chi đội trưởng như Trần Nghị, Trương Vân Dật.


Tháng 11, một cánh quân Nhật đánh chiếm tỉnh thành Quy Tuy tỉnh Tuy Viễn, 1 cánh quân khác xuống phương nam đánh Thái Nguyên [Taiyuan, Sơn Tây]. Quân Hoa đánh chặn tại Hân Khẩu [Xinkou] phía bắc tỉnh Sơn Tây. Đây là trận đánh lớn phối hợp Quốc, Cộng chống Nhật ; chỉ huy gồm Diêm Tích Sơn, Vệ Lập Hoàng, Chu Đức ; tuy cuối cùng bị thua, tử thương đến 100.000 quân, Quân đoàn trưởng, Sư đoàn trường chết nhưng vẫn giữ được trận địa. Phía Nhật 20.000 bị giết, hơn 10.000 bị thương, thiêu huỷ hàng chục xe tăng và 24 máy bay. Rồi quân Nhật từ Nương Tử quan [Niangziguan, Sơn Tây] đánh cạnh sườn, tỉnh thành Thái Nguyên thất thủ.


Sau khi Nam Khẩu tại ngoại ô Bắc Bình thất thủ, Nhật hành quân noi theo đường sắt Bình Hán [Bắc Bình – Hán Khẩu] xuống nam, tháng 9 chiếm Bảo Định [Baoding, Hà Bắc], tháng 10 chiếm Thạch Gia Trang [Shijiazhuang, Hà Bắc], tháng 11 chiếm An Dương [Anyang] tỉnh Hà Nam.


Lại còn một cánh quân theo đường sắt Tân Phố [Thiên Tân – Phố Khẩu] tiến xuống nam chiếm Đức Châu [Dezhou] tỉnh Sơn Đông ; Chủ tịch tỉnh Sơn Đông Hàn Phục Củ không đánh mà rút chạy, vào ngày 27/12 bỏ Tế Nam [Jinan] thủ phủ tỉnh. Thanh Đảo [Qingdao, Sơn Đông] cũng mất vì bị lục quân, hải quân Nhật đánh kẹp ; quân phòng thủ huỷ xưởng dệt, rồi rút về phía tây. Hàn Phục Củ bị xử tử hình, đây là tướng lãnh cao cấp nhất bị xử tử trong cuộc chiến tranh Trung Nhật.


Tháng 3/1938 quân Nhật từ phía bắc đường sắt Tân Phố hành quân xuống phương nam, quân phía nam cũng theo đường sắt Tân Phố đi lên, vượt sông Hoài ; mưu đánh kẹp lấy Từ Châu [Suzhou, Giang Tô]. Tháng 3, quân Nhật đánh Lâm Cần [Linji, Sơn Đông] phía đông bắc Từ Châu, giao tranh suốt 8 ngày, cả hai bên thương vong nặng nề. Bắt đầu từ 20/3 hai bên mở chiến dịch lớn tại Đài Nhi Trang [Taierzhuang, Sơn Đông] vị trí giữa Từ Châu và Lâm Cần, kịch chiến trong vòng 4 tuần. Lực lượng Trung Quốc gấp 4 lần, lúc đầu bị quân Nhật vây, sau đó quân tiếp viện đến tấn công, phản bao vây ; ngày 7/4 Nhật thua rút, chứng minh không phải là vô địch. Quân Nhật đổi hướng tấn công tại vùng giáp giới các tỉnh Sơn Đông, Hà Nam ; tháng 5 quân Hoa rút khỏi Từ Châu, rồi chuyển quân sang phía Đông Hà Nam. Chiến dịch Từ Châu phía Hoa do Lý Tông Nhân chỉ huy, có 600.000 quân tham chiến, tử thương 100.000. Phía Nhật do Tự Nội Thọ Nhất chỉ huy, quân số 240.000, tử thương 30.000.


Tháng 6 quân Nhật chiếm Khai Phong [Kaifeng, Hà Nam] ; tình thế khẩn cấp, Nhật trên đường tiến đánh Trịnh Châu, Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc]. Tưởng Giới Thạch ra lệnh phá đê sông Hoàng Hà, tại Hoa Viên Khẩu phía đông Trịnh Châu [Zhengzhou, Hà Nam]. Vụ phá đê tuy có làm đình trệ quân Nhật tiến công Trịnh Châu và làm chậm mức dộ tiến quân đánh Vũ Hán khoảng 3 tháng, nhưng theo thống kê sau đó của hội cứu tế Quốc dân chính phủ thì 3 tỉnh Hà Nam, Sơn Đông, An Huy bị ảnh hưởng, 44 huyện bị tai nạn, hơn 3.9 triệu người phải tránh lụt, khoảng 890 ngàn người bị chết, kinh tế thiệt hại hơn 1 tỷ nguyên.


Vũ Hán là nơi Bộ tổng chỉ huy thống soái đóng, và cũng là mục tiêu số một của quân Nhật. Từ tháng 2/1938, máy bay Nhật oanh kích không ngừng ; tháng 6, hải quân Nhật ngược sông Trường Giang chiếm An Khánh [Anqing, An Huy], rồi phối hợp với lục quân chiếm các đồn ải quan trọng tại tỉnh Giang Tây. Ngày 25/7 chiếm Cửu Giang [Jiujiang, Giang Tây], bắt đầu giao chiến vùng chung quanh Vũ Hán. Quân Nhật chia làm 3 đường tiến đánh ; theo đường sông Trường Giang kịch chiến tại phía bắc Nam Xương [Nanchang, Giang Tây], trung tuần tháng 10 đánh phía nam tỉnh Hồ Bắc. Một đạo quân từ Hà Nam đánh thẳng xuống, lại một đạo quân khác đi vòng đến Hán Khẩu ; binh lực có đến trên 12 sư đoàn, 3 mặt bao vây Vũ Hán. Lúc bấy giờ Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông] là cảng khẩu duy nhất tiếp tế cho Vũ Hán, Trung Quốc cho rằng Nhật Bản cố kỵ Anh quốc, không ngang nhiên xâm phạm, nên điều quân sinh lực của tỉnh này lên phía bắc. Nhưng Nhật Bản quyết ngăn nguồn tiếp tế, bèn oanh kích nặng nề Quảng Châu rồi ngày 12/10, 4 vạn quân Nhật đổ bộ tại Đại Á loan, ngày 21 chiếm Quảng Châu. Lúc này hai bên bờ sông Trường Giang và phía nam Hà Nam, quân Nhật đã đến gần Vũ Hán. Trung Quốc bèn đánh sau lưng quân Nhật, rồi bắt đầu rút, ngày 25/10 triệt thoái xong. Cuộc chiến Vũ Hán kéo dài trong 3 tháng, đây là trận đại chiến thứ 4, sau Thượng Hải, Sơn Tây, Từ Châu. Tổng kết quân Nhật tử trận 107 ngàn, quân Hoa tử trận 225 ngàn, lớn hơn gấp đôi ; nếu so với trận Thượng Hải quân Hoa có cải tiến hơn, ở trận này tỷ số thương vong Nhật đối với Hoa hơn1/3.


Chiến lược của Trung Quốc là “ trì cửu chiến ” cùng “ tiêu hao chiến ” ; không riêng quyết chiến tại vùng ven biển và nơi thành thị, nhưng chiến tranh khắp nơi ; lôi kéo quân Nhật và nhắm bảo toàn lực lượng ; với dụng ý “ lấy không gian hoán đổi thời gian ”, khiến quân Nhật muốn rút cũng không rút được. Chiến lược Nhật “ tốc chiến tốc thắng ” ; phái quân phiệt Nhật từng tuyên bố bắt Trung Quốc quỳ gối trong 3 tháng ; nhưng hiện tại đã đến 15 tháng, chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu kết liễu. Khu vực Nhật Bản xâm chiếm, phía bắc từ tỉnh Sát Cáp Nhĩ, phía nam tới Quảng Đông, đông đến Thượng Hải, tây đến Vũ Hán ; bao quát hai bên Trường Thành [Great Wall], các tỉnh đông nam và hạ lưu sông Trường Giang, toàn là khu vực tinh hoa của Trung Quốc. Nhưng khu vực Nhật thực sự chiếm cứ gồm thành, trấn, đường lưu thông huyết mạch thuỷ bộ, nhưng không xuống tận hương thôn. Chính phủ Trung Quốc chiếm lãnh hoàn chỉnh các tỉnh miền tây nam, tây bắc ; cùng đại bộ phận hương thôn Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam. Sau khi quân chủ lực Trung Quốc rút, một bộ phận lưu lại vùng sau lưng địch, cùng chính quyền địa phương tổ chức đánh quấy rối. Tại Sơn Tây, Diêm Tích Sơn tổ chức “ Quân dân đại đồng minh ” thành lập tân quân cùng công nhân vũ trang đội ; Hà Bắc dân quân thâm nhập, tại Sơn Đông du kích dấy lên khắp nơi, Đệ bát lộ quân hoạt động mạnh tại miền đông bắc ; tại Giang Tô, An Huy quân du kích, cùng Đệ tứ quân không ngừng uy hiếp lưu thông trên sông Trường Giang.


Hồ Bạch Thảo







1 Lam Y xã : một tổ chức bắt nguồn từ quân sự Hoàng Phố, chủ trương ra sức thi hành Tam dân chủ nghĩa, ủng hộ Tưởng Giới Thạch.


2 Wikipedia, The Battle of Shanghai.


3 Trì cửu chiến : kháng chiến trường kỳ.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss