Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Trung Quốc cận đại : Chiến tranh kháng Nhật / Lịch sử TQ cận đại : Chiến tranh toàn diện kháng Nhật (2)

Lịch sử TQ cận đại : Chiến tranh toàn diện kháng Nhật (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 07/06/2015 22:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 2 : Đối nội, đối ngoại ảnh hưởng đến cuộc chiến



Lịch sử Trung Quốc cận đại :

Chiến tranh toàn diện kháng Nhật


Hồ Bạch Thảo


Chương hai

Đối nội, đối ngoại ảnh hưởng đến cuộc chiến

ht

Hồ Thích [1891-1962]
Nguồn : Wikipedia


1. Phản ứng của liệt cường về chiến tranh Trung Nhật lần thứ hai


Sau khi biến cố tại Lô Câu Kiều [Luguoqiao, Hà Bắc] xảy ra, Trung Quốc gửi thông điệp đến Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Ý ; chỉ trích Nhật Bản làm trái ngược với Công ước 9 nước 1, Công ước phi chiến, cùng Hiến chương liên minh quốc tế. Trung Quốc sẽ đem toàn lực bảo vệ lãnh thổ cùng sự tôn nghiêm của quốc gia ; nhưng vẫn nguyện tuân theo phương pháp hoà bình do điều ước quốc tế đã quy định, để giải quyết sự kiện Trung Nhật. Anh, Mỹ khuyên Nhật đừng gây rắc rối tại Hoa Bắc. Nước Mỹ lại khuyên các nước biểu thị thái độ quốc tế, chủ trương không sử dụng vũ lực, không can thiệp nội chính, tuân thủ điều ước, đối với con đường duy trì hoà bình nguyện cộng đồng nỗ lực ; tuy nhiên Mỹ chỉ phát biểu trên lời nói, chứ không muốn ôm gánh nặng vào thân.


Tưởng Uỷ viên trưởng lần lượt tiếp kiến Đại sứ Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Đức xin chủ trì công đạo ; đặc biệt nhấn mạnh chỉ có Anh , Mỹ giúp tình thế có thể hoà hoãn, Mỹ là nước đề xuất Công ước 9 nước, đối với sự kiện này có nghĩa vụ thi hành luật pháp. Lúc bấy giờ Anh, Mỹ là hai nước có ảnh hưởng lớn, nhưng đều lưỡng lự. Nước Anh nhân Hitler tham chính tại Đức, tình hình Âu Châu bất ổn, nên chỉ mong liên minh quốc tế làm áp lực với Nhật mà thôi. Mỹ thì trong nước có chủ trương tự cô lập, không muốn tham gia vào tranh chấp quốc tế. Trung Quốc cũng xin Hội quốc liên [The League of Nations] ngăn cấm hành động của Nhật, nhưng Quốc liên chỉ khiển trách Nhật oanh tạc bừa bãi vào các thành thị không có phòng thủ. Tổng thống Mỹ Roosevelt muốn tỉnh ngộ dư luận trong nước, ngày 5/10 diễn thuyết, nội dung rằng hiện tại hành động phi pháp trên thế giới đầy rẫy như là bệnh dịch, cộng đồng quốc tế cần có hành động tích cực để khỏi tạo thành mối hoạ quốc tế. Quốc vụ viện tuyên bố hành vi của Nhật Bản tại Hoa không hợp với nguyên tắc quốc tế, vi phạm Công ước 9 nước, cùng Công ước phi chiến ; quốc tế cần liên minh quyết nghị triệu tập hội nghị 9 nước để xử lý xung đột Trung Nhật ; đối Trung Quốc cần chi trì bằng đạo nghĩa, tránh hành động phương hại đến cuộc đề kháng của Trung Quốc. Nhưng bài diễn thuyết của Tổng thống Roosevelt cũng không gây nhiều hiệu quả trong nước, lại có kẻ chê trách, phản đối nước Mỹ có hành động liên minh quốc tế.


Mãi cho đến ngày 3/11, hội nghị Công ước 9 nước mới bắt đầu nhóm họp tại Bruxelles ; Nhật và Đức cự tuyệt tham gia, nước Mỹ không chịu đứng lên lãnh đạo, nước Anh thái độ tiêu cực. Trung Quốc tại cuộc chiến Thượng hải không tiếc hy sinh lớn, do muốn tranh thủ tình thế có lợi trong hội nghị 9 nước ; nhưng rồi bất đắc dĩ phải rút quân, về ngoại giao không được gì, còn chiến lược thoái rút kịp thời tại các tuyến định sẵn cũng không thực hiện được. Quân Nhật đuổi dài, nhưng hội nghị Công ước 9 nước chỉ trương mắt mà nhìn ; duy ngày 15/11 ra được một bản tuyên ngôn rằng Trung Nhật xung đột ảnh hưởng đến quyền lợi các nước, cả thế giới lo lắng mất an ninh ; Nhật Bản thi hành vũ lực không thể giải quyết sự việc một cách công chính và lâu dài. Ngày 24 lại một lần nữa thân minh rằng Công ước 9 nước duy trì nguyên tắc hoà bình trên thế giới, Trung Nhật tranh chấp cần giải quyết trên cơ sở nguyên tắc đó ; những lời tuyên bố nảy không giải quyết được gì cho thực trạng chiến tranh đang xảy ra khốc liệt. Trước khi Nam Kinh thất thủ một ngày, phi cơ Nhật Bản bắn chìm pháo hạm Pinay của Mỹ trên sông Trường Giang, Mỹ chỉ kháng nghị mà thôi. Tưởng Uỷ viên trưởng trực tiếp xin Tổng thống Roosevelt viện trợ, Roosevelt phúc đáp nguyện ra sức mưu hoà bình. Cho đến khi chiến tranh kéo dài đến 17 tháng, tức tháng 12/1938 Trung Quốc mới được Mỹ cho mượn 15 triệu Mỹ kim.


Khi Trung Quốc và Nga Xô giao thiệp trở lại, từng thương lượng về việc hai nước không tương xâm, nhưng nghị quyết chưa thành. Tháng 1/1936, sau khi Ngoại tướng Nhật, Quảng Điền đề ra 3 nguyên tắc, trong đó điều đòi hỏi phải tuyệt giao với Cộng sản, Trung Quốc và Nga mấy lần bàn về biện pháp duy trì hoà bình nhưng không có kết quả. Tháng 4/1937, Quốc, Cộng hoà giải đã thành, Nga Xô biểu thị muốn cấp cho Trung Quốc tiền mượn mua vũ khí. Sau biến cố Lô Câu Kiều phát sinh, Đại sứ Trung Quốc tại Nga yêu cầu điều đình giúp ; Ngoại trưởng Molotov bảo rằng nếu một mình Nga Xô hành động thì rõ là không có khả năng. Sau khi chiến tranh Thượng Hải xảy ra, Trung Quốc hy vọng ngoài hiệp ước hai bên không xâm phạm, lại đính lập hiệp định hỗ trợ, nhưng bị Nga Xô từ chối. Ngày 21/8/1937, hiệp ước hai bên không xâm phạm ký kết, nội dung một khi nước ký kết bị nước thứ 3 xâm lược, thì nước kia không giúp đỡ nước thứ 3 ; cũng không có hành động hoặc ký kết điều ước có phương hại cho nước ký kết bị xâm lược. Lại có thanh minh bằng lời rằng trước khi Trung Nhật quan hệ chưa khôi phục, Nga Xô sẽ không ký điều ước hai bên không xâm phạm với Nhật ; Trung Quốc không ký hiệp định phòng Cộng với nước thứ 3 ; Nga xô hứa trong 3 tháng hoặc 6 tháng sẽ thực hành tham chiến. Vào đầu tháng 9, Đại biểu Trung Quốc đến Mạc Tư Khoa ; chẳng bao lâu Georgi K. Zhukov dẫn đoàn Cố vấn Nga Xô đến Hoa. Tháng 11, cấp tiền vay 50 triệu Mỹ kim để mua máy bay, phi đội Nga xô “ Chính nghĩa kiếm ” đến sau đó. Trung Quốc hy vọng Nga Xô sớm tham chiến, Bộ trưởng quốc phòng Nga, Voroshilov cho biết khi chiến tranh Trung Nhật đến hồi sinh tử, Liên Xô nhất định sẽ ra quân, chứ không ngồi nhìn. Ngày 20/12, Tưởng Uỷ viên trưởng cho rằng quân Nhật không ngớt bức bách, yêu cầu Stalin thực hành lời hứa ; Stalin bảo rằng thời cơ chưa đến nên không tiện ra quân, vả lại ra quân cần phải được hội nghị tối cao Xô Viết quyết định, thời gian đến lúc hội nghị còn 2 tháng, trong lúc chờ đợi, Liên Xô nguyện giúp về kỹ thuật. Tháng 1/1938, Trung Quốc sai Tôn Khoa đến Mạc Tư Khoa đàm phán Trung Nga đồng minh, nhưng không thành, Nga Xô lại hướng Nhật Bản đề nghị giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước, nhưng Nhật không để ý đến. Tháng 6, Nga Xô lại cho Trung Quốc vay súng đạn trị giá 50 triệu Mỹ kim ; Trung Quốc trả lại bằng chì thiếc, thuỷ ngân, dầu cây đồng, da dê, trà, sứ vv… Tháng 7 quân Nga gây xung đột tại hạ lưu sông Đồ Môn [Tumen river, Hắc Long Giang] ; Trung Quốc đề xuất đính lập hiệp ước đồng minh hoặc hỗ trợ, nhưng Nga xô vẫn như cũ, không hứa.


Nước Đức không xui dục Nhật Bản và Trung Quốc đánh nhau, để khỏi làm yếu lực lượng khiên chế Nga Xô. Nguyện vọng của Nhật là “ Tốc chiến tốc thắng ”, nhưng sau khi chiến tranh Thượng Hải tiến hành được trên 2 tháng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, đến lúc hội nghị Công ước 9 nước sắp cử hành, Nhật Bản lại muốn “ Cấp tốc quyết định hoà ”. Ngày 21/10/1937 ngỏ ý với Đại sứ Đức tại Nhật, H. Von Dirkession chuẩn bị cùng Trung Quốc trực tiếp đàm phán, hoan nghênh hai nước Đức, Ý, khuyên Trung Quốc tìm cách giải quyết; chính phủ Bá Linh mệnh Đại sứ tại Hoa, Oscar P. Trautmann truyền đạt. Ngày 2/11 Nhật Bản đề xuất những điều kiện như sau : Nội Mông Cổ tự trị, mở rộng khu vực phi quân sự tại Hoa Bắc, Thượng Hải ; đình chỉ bài Nhật, cộng đồng phòng Cộng, giảm quan thuế xuống thấp. Nếu như Trung Quốc đoạn tuyệt, Nhật Bản quyết tiếp tục cuộc chiến, đến lúc chính quyền Trung Quốc sụp đổ sẽ đề ra điều kiện khắt khe hơn. Tưởng uỷ viên trưởng biểu thị nếu như khôi phục trạng thái trước khi cuộc chiến xảy ra, thì có thể đàm phán ; nếu chấp nhận điều kiện của Nhật đề ra, thì dư luận không dung thứ sẽ phát sinh cách mệnh ; bởi vậy Nhật Bản tiếp tục cuộc chiến, Trung Quốc quyết không đầu hàng ; nếu chính quyền Trung Quốc sụp đổ, kẻ đắc thế là đảng Cộng sản. Oscar P. Trautmann nêu lên rằng cuộc chiến đến hồi nghiêm trọng ; Tưởng lại thân minh rằng Hoa Bắc hoàn chỉnh, chủ quyền dân tộc phải bảo trì, Nhật cần đình chiến ; Trung Quốc quyết không nhận tối hậu thư.


Sau khi Nam Kinh thất thủ, khí thế Nhật Bản dâng cao, ngày 22/12 đề xuất điều kiện thêm hà khắc : Thứ nhất Trung Quốc bỏ chính sách thân Cộng, bài Mãn, bài Nhật ; cùng Mãn, Nhật chống Cộng. Thứ hai, cắt đất đai Trung Quốc thành khu vực phi vũ trang, thành lập chính quyền riêng. Thứ ba, Nhật, Mãn, Trung hợp tác kinh tế. Thứ tư, Trung Quốc bồi thường chiến tranh. Trong thời gian đàm phán vẫn tiếp tục chiến tranh. Tưởng dứt khoát cự tuyệt. Phía Đức cảnh tỉnh Nhật rằng Trung Quốc đang tranh thủ Nga Xô viện trợ, một khi Trung Quốc bị xích hoá thì rất nguy hiểm, nhưng Nhật không nao lòng ; ngày 2/1/1938, hạn Trung Quốc trong 3 ngày phải quyết định thái độ. Bộ trưởng ngoại giao Vương Sủng Huệ báo cho Oscar P. Trautmann biết rằng vì không rõ nội dung chi tiết điều kiện của Nhật, nên không thể biểu thị ý kiến. Ngày 16 Ngoại trưởng Nhật, Quảng Điền, thông báo cho Đại sứ Đức, H. Von Dirkession, trách cứ Trung Quốc thiếu lòng thành, cố tình kéo dài thời gian, nên Nhật Bản bỏ việc nhờ Đức giúp đỡ đàm phán.




2. Mở mang cơ sở kháng chiến



Lúc Tưởng Uỷ viên trưởng quyết định kháng chiến, bèn mời các lãnh tụ địa phương tổ chức tham nghị hội quốc phòng, đề những nguyên tắc lớn lâu dài để được cộng đồng tin tưởng. Ngày 15/9, Trung cộng phát biểu “ Kháng Nhật cứu quốc thập đại cương lãnh ” gồm 10 mục : 1/ đả đảo Nhật Bản đế quốc chủ nghĩa ; 2/ tổng động viên quân sự toàn quốc ; 3/ tổng động viên toàn dân ; 4/ cải cách cơ cấu chính trị ; 5/ chính sách ngoại giao kháng Nhật ; 6/ chính sách kinh tế tài chính thời chiến ; 7/ cải lương sinh hoạt nông dân, cải lương đãi ngộ công nhân, viên chức, giáo viên ; 8/ chính sách giáo dục kháng Nhật ; 9/ tảo thanh Hán gian, thân Nhật ; 10/ đoàn kết dân tộc kháng Nhật.


Từ ngày 29/3 đến ngày 1/4/1938, Quốc dân đảng tại Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc] cử hành lâm thời đại hội, thông qua “ Kháng chiến kiến quốc cương lĩnh ” gồm 7 điều : 1/ xác nhận Tam dân chủ nghĩa là chuẩn mực tối cao cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, cả nước dưới sự lãnh đạo của Quốc dân đảng và Tưởng Uỷ viên trưởng phấn đấu tiền tiến ; 2/ liên hợp với các quốc gia dân tộc đồng tình với Trung Quốc, cùng các thế lực phản đối Nhật Bản trên thế giới, vì thế giới hoà bình chính nghĩa cộng đồng phấn đấu ; 3/ khẩn cấp tăng cường huấn luyện quân sự chính trị, thực hiện dân chúng vũ trang, ưu đãi gia đình kháng chiến ; 4/ tổ chức quốc dân tham gia chính quyền, đoàn kết lực lượng toàn quốc, tập trung toàn quốc kiến thức, quyết định đem những điều có lợi cho quốc sách thi hành, gia tốc thi hành địa phương tự trị, cải thiện cơ cấu chính trị ; 5/ dùng kiến thiết quân sự làm trung tâm, đồng thời lưu ý đến sinh hoạt nhân dân, khích lệ sản xuất thời chiến, phát triển kinh tế nông lâm, xây dựng công nghiệp nặng, cổ vũ kinh doanh công nghiệp nhẹ cùng thủ công nghiệp, nghiêm cấm đầu cơ tích trữ ; 6/ phát động động viên cho kháng chiến ; phàm không vi phạm Tam dân chủ nghĩa cùng pháp lệnh, được bảo đảm tự do ; nghiêm trị Hán gian cùng tịch thu tài sản ; 7/ Cải sửa chế độ giáo dục, thi hành giáo trình thời chiến.


Đại cương “ Kháng chiến kiến quốc cương lĩnh ” của Quốc dân đảng trong đó có “ Kháng Nhật cứu quốc thập đại cương lãnh ” của Trung cộng ; chỉ nhấn mạnh thêm lấy Tam dân chủ nghĩa làm chuẩn, cùng sự lãnh đạo của Quốc dân đảng và Tưởng Uỷ viên trưởng, nhưng chủ trương quốc phòng của Trung cộng thì không đưa vào.


Đại hội tuyên ngôn rằng : Mục đích kháng chiến là chống Nhật Bản xâm lược, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ kiến quốc ; tập trung nhân tài, vật lực để hoàn thành mục đích này. Không kháng chiến thì không giữ được sinh tồn của dân tộc, không kiến quốc thì thực lực không đầy đủ ; chỉ có kháng chiến mới giải trừ áp bức, chỉ có kháng chiến thắng lợi mới tổ chức được Trung Hoa Dân Quốc tự do thống nhất. Lấy chủ nghĩa dân tộc làm mạnh lực lượng, giúp kháng chiến thắng lợi ; kháng chiến thắng, thua, không hoàn toàn quyết định bởi quân lực, nhưng quyết định lớn bởi dân lực. Dân tộc phát triển cùng dân quyền tăng tiến hỗ tương nhân quả, tổ chức và huấn luyện dân chúng là công tác tất yếu để phát triển dân lực, và cũng là điều kiện để phát triển dân quyền. Nhắm thích ứng trong thời chiến cần thiết lập cơ cấu quốc dân tham chính, tập trung các bực hiền trí để tham dự vào kế sách lớn, khiến cơ sở dân quyền cũng do đó mà thiết lập. Cơ sở kinh tế Trung Quốc tại nông thôn, trong thời kỳ kháng chiến trước hết cần khuyến khích duy trì ; còn việc phục hưng nền công nghiệp cần có sự hợp tác giữa chính phủ và dân. Làm tốt những việc nêu trên, cả nước cần : Thứ nhất, tiết kiệm khắc khổ, nhắm tích luỹ tư bản. Thứ hai, mọi kế hoạch phục hưng đáng tập trung cho kháng chiến thắng lợi. Thứ ba, căn cứ vào tín điều dân sinh chủ nghĩa, thi hành kế hoạch kinh tế, phân biệt quốc doanh, tư doanh. Cuối cùng kết luận “ Dân ta đặt căn bản vào Tam dân chủ nghĩa, một mặt kháng chiến, một mặt kiến quốc… Nếu quyết tâm ra sức, kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành… Không đoàn kết không thể đi đến kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành, không nỗ lực thi hành Tam dân chủ nghĩa không thể thực hiện đoàn kết chân chính ”.


Trước ngày đại hội Tưởng từng có kế hoạch nhiều đảng thành một đảng, Quốc dân đảng có thể thay tên đảng, hoặc canh cải tổ chức. Trung Quốc thanh niên đảng biểu thị có thể tiếp thu, Quốc gia xã hội đảng hứa sẽ khảo xét 2 ; riêng Trung cộng đồng ý hợp tác, nhưng không đồng ý gộp lại làm một. Trung cộng chủ trương thành lập tổ chức liên minh, thống nhất cương lãnh ; do Quốc dân đảng hoặc Tưởng đại diện phát biểu, rồi các đảng phái tuyên ngôn ủng hộ ; nếu không thì khôi phục 1924-1927 phương thức Quốc Cộng hợp tác, các đảng đảng viên gia nhập Quốc dân đảng, nhưng vẫn giữ riêng tổ chức đảng mình độc lập ; cách thức đầu được Quốc dân đảng đồng ý, cách thức sau không được tiếp nhận. Trong lễ bế mạc, Tưởng hô hào các đảng, các phái đoàn kết nhất trí, nỗ lực kháng chiến kiến quốc, Quốc dân đảng với tấm lòng thành tiếp nạp ; đặc biệt hy vọng Trung cộng thi hành những lời hứa với Quốc dân đảng. Trương Gia Sâm đại biểu đảng Quốc gia xã hội, Tả Thuấn Sinh đại biểu đảng Trung Quốc thanh niên, phúc đáp rằng chủ trương của họ nhất trí với Tam dân chủ nghĩa, nguyện ủng hộ Quốc dân chính phủ. Trung cộng, do Tổng thư ký Trương Văn Thiên, tán thành cơ sở nguyên tắc của đại hội đại biểu lâm thời toàn quốc Quốc dân đảng, dùng làm cương lãnh cho các đảng phái. Mao Trạch Đông lại bổ sung thêm rằng cần đem cương lãnh kháng chiến kiến quốc phổ cập đến quân đội và nhân dân, khiến mọi nơi thực hành ; như vậy các đảng phái quan trọng đã chính thức thừa nhận. Trong “ Cương lãnh kháng chiến kiến quốc ” có nói đến cơ cấu quốc dân tham chính, tức Quốc dân tham chính hội, là cơ quan tối cao dân ý có tính chất thay thế Quốc phòng tham nghị hội. Tham chính viên do Quốc dân đảng trung ương chấp hành uỷ viên hội tuyển chọn 94 người trong các cơ quan đoàn thể, 50 người trong các đoàn thể văn hoá ; tuy không phải do nhân dân trực tiếp bầu cử, nhưng bao quát các đảng, các phái, các dân tộc, các địa phương, các đoàn thể nhân sĩ ; như Trung cộng có các Tham chính viên : Mao Trạch Đông, Trần Thiệu Vũ, Tần Bang Hiến, Lâm Tổ Hàm, Ngô Ngọc Chương, Đổng Tất Vũ, Đặng Dĩnh Siêu [vợ Chu Ân Lai]. Khoá thứ nhất Tham chính hội khai mạc tại Vũ Hán vào ngày 6/7/1938, thông qua sách lược trường kỳ kháng chiến của chính phủ, ủng hộ “ Kháng chiến kiến quốc cương lãnh ”, thiết lập Tham chính hội tại các tỉnh huyện. Trung cộng qua Tham chính viên tuyên bố với thái độ tối tích cực, nhiệt thành, thành khẩn, ủng hộ Quốc dân chính phủ thực thi “ Kháng chiến kiến quốc cương lãnh ”, phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Tưởng Uỷ viên trưởng.


Sau khi Tôn Trung Sơn mất, Quốc dân đảng không thiết lập Tổng lý, chỉ lập Uỷ viên chế. Lúc này trong thời kháng Nhật, Quốc dân đảng lâm thời toàn quốc đại biểu đại hội quyết nghị khôi phục lãnh tụ chế, suy tôn Tưởng Trung Chính làm Tổng tài, Uông Triệu Minh làm Phó tổng tài ; danh vọng Tưởng lớn như thời Tôn Trung Sơn còn sống. Ngoài ra đại hội còn thiết lập Tam dân chủ nghĩa thanh niên đoàn, ít nhiều bắt chước Cộng sản chủ nghĩa thanh niên đoàn, hoặc đoàn thanh niên Hitler tại Đức, mục đích hướng dẫn huấn luyện thanh niên nỗ lực kháng chiến kiến quốc, là nguồn cán bộ bồi dưỡng cho Quốc dân đảng ; tổ chức này do Tưởng kiêm nhiệm đoàn trưởng, quân quan Hoàng Phố là thành phần cốt cán.




3. Cuộc di chuyển lớn



Miền hạ du sông Hoàng Hà, Trường Giang, các vùng ven biển là nơi tập trung dân cư, công nghiệp, học hiệu ; lại là nơi đầu tiên xảy ra chiến trường. Thượng Hải là nơi tập trung trên 50 % công nghiệp chế tạo, lâm vào xung đột trong giai đoạn đầu. Sau biến cố ngày 7/7/1937 tại Lô Câu Kiều [Lugouqiao, Bắc Kinh], chính phủ đã trù bị di chuyển chỗ này. Chẳng bao lâu cuộc chiến ngày 13/8 xảy ra, lưu thông trên sông Trường Giang và đường sắt bị ngăn trở, phi cơ Nhật không ngừng oanh kích ; nhân viên công xưởng liều mình tháo gỡ, chuyển vận ; phần nhiều nhờ thuyền gỗ quanh co trên sông, di chuyển đến thượng du, bắt đầu đến Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc], rồi đến phía tây tỉnh Hồ Bắc, hoặc Tứ Xuyên ; phía nam di chuyển đến Hồ Nam, phía bắc đến Thiểm Tây. Một bộ phận nhỏ khác dùng đường sắt, thuỷ lộ, hoặc công lộ ; đó là những nơi còn có thể sử dụng được xe lửa, thuyền máy và xe vận tải. Đại bộ phận dùng thuyền gỗ, do sức người chèo chống, trải qua ghềnh thác, hoặc nước cạn gian lao. Như từ Hoa Bắc đến Tứ Xuyên, vượt qua sơn lãnh cheo leo, gian khổ có thể thấy được.


Trước khi cuộc chiến xảy ra, các công xưởng tại Thượng Hải, ngoại trừ thuộc nhà nước, tư doanh có khoảng 5.000 nhà ; trong lúc chiến tranh, cùng các tỉnh Giang Nam, có khoảng 250 nhà di chuyển đến hậu phương ; tại Vũ Hán di chuyển đến hậu phương khoảng 150 nhà ; riêng Quảng Châu không kịp di chuyển. Cho đến năm 1940, số hãng xưởng toàn quốc di chuyển chỉ hơn 450 nhà, khí dụng vật tư ước trên dưới 10 vạn tấn ; 55 % chuyển đến Tứ Xuyên, số còn lại di chuyển đến miền tây tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây, hoặc Thiểm Tây. Phần lớn thuộc công nghiệp nhẹ như xưởng dệt, hoá chất ; thứ đến điện khí, thực phẩm ; riêng công nghiệp nặng chiếm khoảng 2 %. Công nhân khoảng 10 vạn người, sinh hoạt khó khăn, lại thường bị máy bay oanh tạc, không thể không xây hầm làm xưởng, năng suất đương nhiên giảm sút.


Từ năm 1935, giới giáo dục cao đẳng đều biết rằng chiến tranh Trung Nhật không thể tránh được ; nên các trường đại học tại Bắc Bình, Thiên Tân, Nam Kinh, đều lo tìm địa điểm tại Hoa Trung cùng phía tây nam, để chuẩn bị xây dựng trường. Như trường Thanh Hoa, Bắc Bình chuẩn bị tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] ; các trường Nam Khai, Thiên Tân, Trung ương đại học Nam Kinh, chuẩn bị tại Trùng Khánh [Chongquing, Tứ Xuyên]. Thanh Hoa đại học đã chuyển vận trước sách và khí cụ ; Trung ương đại học đóng sẵn hàng loạt những rương lớn. Tháng 8/1938 đại học Nam Khai bị máy bay Nhật phá huỷ, Trung ương đại học cũng bị không tập.


Vào tháng 9, Thanh Hoa, Nam Khai, cùng đại học Bắc Kinh hợp nhất tại Trường Sa, thành Lâm thời đại học ; tháng 2 năm sau, lại dời đến Côn Minh [Kunming] Vân Nam, cải tên thành Tây nam liên hợp đại học ; không ít Giáo thụ, học sinh đi theo ; phải trải qua 70 ngày đường. Trung ương đại học thực hành di chuyển vào tháng 9/1937, nhờ chuẩn bị sớm, lại có thuyền máy chạy trên sông Trường Giang nên tổn thất không lớn, 42 ngày sau trường mới đã hoàn thành tại Trùng Khánh, để kịp thời khai giảng vào tháng 11. Các trường đại học khác tại phía bắc tổ chức thành Tây bắc lâm thời đại học, thiết lập tại Hán Trung [Hanzhong, Thiểm Tây] ; sau này chia thành Tây bắc đại học và Tây bắc công học viện. Chiết Giang đại học di chuyển hai lần, cuối cùng đặt cơ sở tại Tuân Nghĩa [Zunyi, Quí Châu]. Đại học Vũ Hán dời đến Gia Định [Jiading, Tứ Xuyên]. Trung Sơn đại học tại Quảng Châu chia ra, dời đến miền bắc tỉnh Quảng Đông và Vân Nam ; các đại học tại Thượng Hải phần lớn dời đến Tứ Xuyên ; ngoài ra còn có các trường đại học và chuyên khoa mới mở.


Trước cuộc chiến số học sinh đại học, chuyên khoa khoảng 6 vạn, trong cuộc chiến khoảng 8 vạn ; Trung Ương đại học khuếch trương lớn hơn, thiết bị cũng tương đối đầy đủ. Nói chung quốc dân giáo dục được mở rộng, số trẻ con vào tuổi đi học đến trường ước 76 %, ngoài ra tại vùng hậu phương chính phủ mở thêm nhiều trường trung, tiểu học. Một số học sinh cao đẳng, đại học, trung học đến vùng hậu phương được cấp học bổng ; một mặt nhắm ổn định sinh hoạt, một mặt không muốn cho đám thanh niên này đến khu vực Cộng sản. Trung cộng cũng lập đại học kháng Nhật, Lỗ Tấn nghệ thuật học viện, hấp dẫn không ít thanh niên.


Số lớn thanh niên trí thức và dân chúng tại vùng Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Đông liều bom đạn và sự ngăn trở của quân Nhật, dọc đường đói rét ; dắt già dìu trẻ, tìm đến khu vực chính phủ kiểm soát. Trong giai đoạn đầu được chính phủ cứu tế, hoặc thân hữu giúp đỡ, sau đó tự kiếm việc làm. Hoặc kinh doanh nhỏ, hoặc phá đất vỡ hoang, có kẻ vào làm công xưởng, gia nhập quân đội, hoặc làm phu cầu đường. Hoa kiều hải ngoại gửi tiền về giúp, cũng có kẻ tự nguyện về nước phục vụ. Nói chung tinh thần đề kháng quân Nhật tương đối cao, đồng thời cũng giúp cho miền tây nam, Tây bắc khai phá ; đả phá tư tưởng cổ hủ không muốn rời quê nhà.




4. Uông Triệu Minh phản bội



Sau khi Nhật Bản chiếm cứ Bắc Bình, Thiên Tân, Thái Nguyên [Taiyuan, Sơn Tây], tháng 12/1937 lập “ Trung Hoa dân quốc lâm thời chính phủ ” dùng Vương Khắc Mẫn làm bù nhìn ; trên danh nghĩa thống hạt vùng Hoa Bắc, duy trì trật tự vùng chiếm lãnh, tiêu diệt thế lực Quốc dân chính phủ, vơ vét vật tư thực hiện chính sách “ Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh ”, cùng giáo dục thân Nhật.


Sau khi nước Đức điều giải không thành, chiến lược “ Tốc chiến tốc thắng ” của Nhật cũng không có kết quả trọn vẹn ; ngày 10/1/1938 thanh xưng không công nhận Trưởng Trung Chính là đại biểu quốc dân chính phủ ; sẽ ký hoà ước với các Chủ tịch tỉnh. Ngày 16/1 lại ra tuyên ngôn từ nay trở về sau không chấp nhận Quốc dân chính phủ là đối thủ ; hy vọng đề huề với chính phủ sẽ thành lập trong tương lai. Nhắm khuyếch đại chiến lược “ Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh ”, vào tháng 3 thành lập tại Nam Kinh “ Duy tân chính phủ ” do Lương Hồng Chí làm bù nhìn, trên danh nghĩa lãnh miền Hoa Đông. Thủ tướng Nhật, Cận Vệ Văn Ma, cho rằng chiến tranh chưa có hy vọng kết thúc ngay, vào tháng 5 cải tổ nội các, mưu điều đình với Quốc dân chính phủ. Quân bộ cho rằng đối với Tưởng không thể nói chuyện ; Vương Khắc Mẫn, Lương Hồng Chí thuộc loại tàn dư quân phiệt cũ, dư luận không đếm xỉa đến ; nên cần nhân vật có trọng lượng như Đường Thiệu Nghi, hoặc Uông Triệu Minh. Tháng 9, Đường bị giết tại Thượng Hải, nên Nhật tìm cách cấu kết với Uông.


Năm 1932, lúc Uông giữ chức Hành chánh viện trưởng, tán thành đề kháng Nhật. Đến năm 1933, qua chiến dịch tại Nhiệt Hà [Chengde, Hà Bắc] nhận thấy Trung Quốc không có khả năng chống Nhật, nên chủ trương “ Một mặt giao thiệp, một mặt đề kháng ”, phần lớn dư luận chỉ trích thân Nhật, thậm chí có người kết án là Tần Cối 3. Uông đối Tưởng, mâu thuẫn trước sau chưa gỡ được, lại càng ghét Trung cộng. Sau khi sự biến Tây An phát sinh, vào tháng 1/1937 Uông từ Âu châu trở về, lời đồn cho rằng có tiếp xúc riêng với Đức, Ý. Lúc bấy giờ Quốc, Cộng hoà giải đã định, cuộc chiến với Nhật sớm muộn không thể tránh được ; Uông nêu lên trong cuộc diễn thuyết rằng đối ngoại nguyện bắt tay với bất cứ nước nào trên nguyên tắc hai bên đều hưởng lợi, đối nội không chấp nhận hai chính phủ, hai quân đội, không tin việc đồng lòng với Cộng sản chống ngoại xâm, vẫn chủ trương yên nội bộ trước, chống bên ngoài sau. Đến lúc Tưởng quyết định kháng chiến, trên mặt nổi Uông hô hào đồng loạt hy sinh, tiêu thổ kháng chiến, nhưng trong nội tâm Uông chủ trương có thể hoà được thì hoà.


Cùng ý kiến như vậy, không chỉ một mình Uông. Vào ngày 30/7 Hồ Thích bàn với Cao Tông Vũ, Ty trưởng Á châu thuộc bộ ngoại giao, rằng lộ tuyến ngoại giao với Nhật không thể cắt đứt, cần tích cực đả thông, giao cho chính trị gia có trách nhiệm đảm nhận trọng trách. Ngày hôm sau lại đích thân trình bày chủ trương với Tưởng, tiến cử Cao Tông Vũ, lại nhấn mạnh rằng Trung Quốc là nước th uộc hạng trung thế kỷ, khó địch nổi một nước thuộc hạng cận đại như Nhật. Ngày 6/8 Tưởng lại trò chuyện với Hồ Thích, Hồ bảo rằng trước khi đại chiến xảy ra cần làm một nỗ lực hoà bình, mong khôi phục tình trạng trước ngày 7/7, tái điều chỉnh quan hệ Trung Nhật, kiến lập 50 năm hoà bình. Sau khi chiến tranh Thượng Hải bùng nổ được 1 ngày, hội nghị tối cao quốc phòng quyết định 2 nguyên tắc : Thứ nhất, đối Nhật không tuyên chiến, không tuyệt giao ; thứ hai, không dời chính phủ. Uông mắt thấy quan binh bị thương, thiếu thuốc trị liệu, nói rằng “ Trận như thế này, làm sao đánh được ! ” Hồ bảo đừng quá nôn nóng, đừng quá bi quan.


Đầu tháng 9, Tưởng mệnh Hồ Thích đến Mỹ, Tưởng Phương Chấn đến Âu Châu, rồi ra lệnh Trần Công Bác đến Ý, Cao Tông Vũ ngầm đến Hương Cảng mật đàm với Nhật. Trần Công Bác vốn quen với G. Ciano, rể của Mussolini, trước kia làm Đại sứ tại Trung Quốc, hiện làm Bộ trưởng ngoại giao Ý. G. Ciano đề xuất Trung Nhật hoà bình, Đại sứ Ý bèn đem sự việc đến thuyết Uông.Tháng 2/1938 nước Đức thừa nhận Mãn Châu quốc, tháng 4 cấm vận vũ khí đến Trung Quốc, tháng 6 triệu hồi Đại sứ từ Trung Quốc trở về, tháng 6 triệt thoái đoàn cố vấn quân sự ; Uông càng cảm thấy tiền đồ không còn hy vọng, nếu chờ bại rồi nói chuyện hoà, không bằng hãy lo sớm đi ! Nhật Bản thanh ngôn rằng không chấp nhận nói chuyện với Tưởng, Uông với địa vị Phó tổng tài, chỉ dưới Tưởng một bực, tự cho rằng có tư cách thay Tưởng.


Cao Tông Vũ tại Thượng Hải mật đàm với Nhật, bắt đầu vào tháng 2/1938. Viên Đại thần lục quân Nhật Bản mới nhậm chức, Bản Viên Chinh Tứ Lang quyết tâm lập chính phủ trung ương tại Trung Quốc, tháng 7 hẹn Cao Tông Vũ đến Đông Kinh hội thương ; chẳng bao lâu tại Luân Đôn truyền tin rằng Nhật Bản cùng Uông tiến hành hoà đàm. Ngày 8/10 Tưởng thỉnh cầu Tổng thống Roosevelt mở hội nghị, mưu tìm công chính hoà bình cho Viễn Đông ; Roosevelt hy vọng với tiêu chuẩn công chính hoà bình chuyển biến nhân tố xung đột. Lúc bấy giờ Hồ Thích giữ chức Đại sứ Trung quốc tại Mỹ, nhận xét rằng Mỹ không thể đưa thực lực để chủ trì hoà bình. Sau khi Quảng Châu, Vũ Hán luân hãm, Uông nhận thấy không hoà không thể được ; nếu không làm vậy, trường hợp Nhật Bản tấn công Trùng Khánh, tất phải chạy về tây bắc, sẽ bị Trung cộng, Nga Xô khống chế. Điện từ ngoại quốc loan truyền Uông đã đàm phán với Nhật về điều kiện hoà bình, Hoa kiều Tham nghị viên Trần Gia Canh mấy lần đưa lời cảnh cáo Uông. Ngày 23/10 Uông tuyên bố “ Đề kháng xâm lược và không chống lại hoà bình, hoàn toàn không mâu thuẫn ; nếu điều kiện hoà bình không có hại cho sinh tồn độc lập của Trung Quốc, thì hà tất phải cự tuyệt ”. Lại bảo “ Xâm lược quốc gia phá hoại hoà bình, bị xâm lược quốc gia bảo vệ hoà bình ”. Trần Gia Canh bài xích là sai lầm, Tham chính hội quyết nghị rằng khi kẻ địch chưa ra khỏi nước, nói hoà tức là Hán gian ; Tưởng cũng phát biểu, kiên định giữ lòng tin vào kháng chiến. Ngày 3/11 Thủ tướng Cận Vệ tuyên bố kế tục cuộc chiến, cuối cùng kiến thiết Đông Á thành nơi yên ổn lâu dài với trật tự mới ; Quốc dân chính phủ nếu dẹp bỏ chính sách sai lầm từ trước tới nay, lại do người khác kiến lập, trật tự được duy trì, thì Nhật Bản không cự tuyệt. Ngày 18, phúc đáp văn thư của Mỹ, tỏ ý hoan nghênh tại Trung Quốc thành lập chính quyền, tham dự kiến tạo miền Đông Á.


Ngày 20/11 Cao Tông Vũ cùng Khoá trưởng mưu lược Tham mưu bản bộ Ảnh Tá Trinh Chiêu ký “ Trung Nhật hiệp nghị kỷ lục ”. Ngày 6/12 Uông phát biểu “ Tích cực phát triển khu vực bị luân hãm ”. Lúc này tại Trùng Khánh nói chuyện hoà không được, Uông quyết định tìm cách xuất ngoại, trước hết vợ là Trần Bích Quân nhờ Chủ tịch tỉnh Vân Nam, Long Vân, giúp đỡ. Ngày 16, Uông gặp Tưởng ; Tưởng không đợi Uông nói, chỉ vào chén trà nói “ Giả sử hoà đàm thành công, chúng ta muốn uống một chén nước tự do cũng không được ! ” Uông không còn cách gì để bàn thêm, ngày 18 đáp máy bay đi Côn Minh [Kunming, Vân Nam]. Sau khi bàn bạc với Long Vân, ngày 21 đến Hà Nội. Ngày 22, Thủ tướng Nhật Cận Vệ, tuyên bố phương kế ngoại giao để “ Làm Trung Quốc sống lại ” gồm :


– Thứ nhất, triệt để đánh dẹp Quốc dân chính phủ kháng Nhật, nhưng cùng chính phủ mới đề huề.


– Thứ hai, Nhật Bản, Mãn Châu, Trung Quốc cộng đồng phòng Cộng, kinh tế hợp tác.


– Thứ ba, Nhật Bản tại Hoa bắc, Nội Mông trú binh.


– Thứ tư, Trung Quốc để cho người Nhật ở trong nước tự do kinh doanh.


– Thứ 5, Nhật Bản không đòi hỏi lãnh thổ, bồi thường chiến tranh ; chỉ yêu cầu Trung Quốc chấp hành nhiệm vụ thiết lập trật tự đông Á.


– Thứ sáu, Nhật Bản hứa khảo xét thủ tiêu Trị ngoại pháp quyền tại Hoa, cùng trả lại tô giới.


Ngày 26, Tưởng kịch liệt bài bác, xác minh rằng hành động của Uông hoàn toàn không quan hệ với Quốc dân chính phủ. Ngày 29, Uông gửi điện cho đảng bộ trung ương Quốc dân đảng yêu cầu y theo lời của Thủ tướng Cận Vệ gồm 3 điểm : hữu hảo với lân quốc, cộng đồng phòng Cộng, kinh tế đề huề ; để Trung, Nhật khôi phục hoà bình. Quốc dân đảng phản ứng bằng cách khai trừ đảng tịch của Uông, cách bỏ mọi chức vụ, ra lệnh tập nã Uông là kẻ phản quốc. Cận Vệ lúc đầu coi Uông là một món hàng chính trị quí, có thể dùng để làm sụp đổ Quốc dân chính phủ, kết quả cuộc vận động hoà bình của Uông bị coi là vận động bán nước ; nên biết rằng chiến đã khó, mà hoà cũng khó ; tiền đồ Nhật Bản có lắm mối lo, bèn từ chức vào ngày 4/1/1939 4.


Tháng 3/1939, Uông bị đâm tại Chợ Gạo 5, Hà Nội, nhưng không trúng ; có thuyết cho rằng mật vụ Quốc dân đảng ra tay. Uông lại tuyên bố rằng hoà bình là con đường trọng yếu của Trung Quốc, gấp rút thành lập chính phủ. Bản Viên muốn biến toàn bộ Trung Quốc giống như Mãn Châu quốc, nên ủng hộ Uông tại Thượng Hải triệu tập “ Quốc dân đảng đại biểu đại hội ”, việc này tỏ cho thấy chính quyền Uông sắp sửa xuất hiện. Chính phủ Nhật Bản cho rằng từ khi Uông đề xướng hoà bình đến nay, không có sự hưởng ứng đáng kể trong nội bộ Trung Quốc, chìa khoá hoà chiến vẫn nằm trong tay Tưởng ; nếu như Uông tổ chức chính phủ, thì cắt đứt con đường hoà đàm với Tưởng. Nhưng Bản Viên tự ý quyết định một mình, cho rằng Trung Quốc có chính phủ trung ương mới, không những hiếp Tưởng xin hoà, còn có thể xác định quyền lợi đặc thù của Nhật, thiết thực khống chế khu vực chiếm lãnh. Ngày 30/12 Nhật, Uông ký kết “ Nhật Chi 6 tân quan hệ yếu cương ” ; những người tham dự như Cao Tông Vũ, Đào Hy Thánh trốn đến Hương Cảng, đem văn bản ra công bố, khiến Uông rất bối rối.


Ngày 29/3/1940, chính quyền Uông thành lập tại Nam Kinh ; Uông tự giữ chức chủ tịch Quốc dân chính phủ và Viện trưởng hành chánh. Trần Công Bác và Chu Phật Hải chia giữ Thiên Tân, và Bắc Bình ; thủ tiêu “ Duy tân chính phủ ” tại Nam Kinh ; “ Lâm thời chính phủ ” tại Bắc Bình đổi tên là “ Hoa bắc chính vụ uỷ viên hội ”, do Nhật trực tiếp khống chế. Vào ngày 29/11 Nhật, Uông chính thức đính lập “ Trung Nhật quan hệ cơ bản điều ước ”. Uông hy vọng chính phủ Trùng Khánh nhất trí mưu hoà, cùng chung phản cộng ; nếu không làm được như vậy, thì ít ra chính phủ của Uông cũng tìm cách làm giảm bớt sự kềm kẹp về kinh tế của Nhật tại vùng bị chiếm. Nhật Bản cũng đang dương chiêu bài hoà, nên không phóng túng ra tay nô dịch vùng bị chiếm. Ngày 10/11/1944 Uông mất vì bệnh tại bệnh viện ở Nhật ; theo nguyện vọng trước lúc lâm chung, đem về chôn bên cạnh mộ Tôn Trung Sơn, tại Trung Sơn Lăng, Nam Kinh ; riêng tàn cuộc tại Nam Kinh giao cho Trần Công Bác, Chu Phật Hải duy trì. Sau khi Nhật đầu hàng, mộ của Uông bị huỷ vào năm 1946, thi thể bị thiêu.


Việc làm lúc cuối đời của Uông bị phần lớn người Trung Quốc kết tội Hán gian ; tuy nhiên cũng có người cẩn thận đánh giá công tội :


Danh tướng Lý Tông Nhân, trong Lý Tông Nhân Hồi Ức Lục viết :


“ Nói một câu về công đạo, Uông Triệu Minh tuy đáng tội Hán gian, nhưng chưa có hành động tích cực phá hoại kháng chiến. Tại vùng địch hậu, đối với những tướng lãnh trước kia thâm giao với Uông, nhưng Uông chưa từng viết một chữ nào để chiêu hàng những nhân vật lúc bấy giờ, như Tư lệnh Đệ tứ chiến khu [Lưỡng Quảng] Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ nhất tập đoàn tại Đệ Ngũ chiến khu [Hồ Bắc] Hoàng Kỳ Tường. Đại nghĩa còn đó, trong lòng Uông còn biết tự chế.”


Vợ Uông, Trần Bích Quân, bào chữa cho chồng tại toà như sau :


“ Giặc Nhật xâm lược, chính phủ trung ương không có sức để cứu hộ dân, đất nước trầm luân, nhân dân chịu tại ương, sống chết nằm dưới gót sắt, đó là trách nhiệm của Tưởng Trung Chính, hay trách nhiệm của Uông tiên sinh ? Bảo rằng Uông tiên sinh bán nước ? Lúc bấy giờ đất nước như vậy, Uông tiên sinh lấy gì để bán ?


Ngược lại những vùng đất mà chính phủ Trùng Khánh thống trị, Uông tiên sinh chưa từng gọi một tên lính, gọi một tướng ra hàng. Vùng Nam Kinh thống trị là vùng đất Nhật Bản chiếm lãnh, không còn một thước đất để bán ; ngược lại Uông tiên sinh lấy thân vào chốn nguy hiểm, nhẫn nhục gánh trách nhiệm, trước mắt giặc mưu phúc cho dân, mỗi ngày sinh hoạt trước mũi súng giặc, lúc bấy giờ còn nước đâu để bán !


Uông tiên sinh vận động hoà bình, bàn tay không đi lại giao thiệp với Nhật, lấy được vùng đất đã mất, hôm nay như viên ngọc nguyên vẹn đưa trở lại quốc gia, không những không có tội mà lại có công.”


Hồ Bạch Thảo




















1 Công ước 9 nước tức Nine-Power Treaty ký năm 1921-1922, 9 nước gồm : Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Pháp, Anh, Ý, Bỉ, Bồ Đào Nha, Hà Lan.


2 Quốc gia xã hội đảng, thành phần chính là đảng Tiến bộ của Lương Khải Siêu trước kia ; đảng này thành lập năm 1932, lãnh tụ là Trương Gia Sâm.


3 Tần Cối : Quan đời Tống, lãnh đạo phái chủ hoà với Kim, bị người đời cho là Hán gian.


4 Cận Vệ Văn Ma giữ 2 nhiệm kỳ Thủ tướng Nhật, nhiệm kỳ thứ nhất vào năm 1937-1939, thứ hai vào năm 1940-1941. Tháng 12/1945 tự tử bằng thuốc độc trước khi bị Đồng minh đem ra xử.


5 Chợ Gạo : nguyên là cửa sông Tô Lịch cũ, chỗ sông Hồng tiếp nước cho sông này, vì vậy còn có tên là Giáp Giang Nguyên. Ngày chưa lấp sông Tô, trên bờ sông là nơi tụ tập của những hàng bán gạo, nên gọi là Chợ Gạo. Nay thuộc quận Hoàn Kiếm, gần khu Quan Thánh.


6 Chi tức Chi Na, tên dùng để chỉ Trung Quốc.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us