Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Trung Quốc cận đại : Chiến tranh kháng Nhật / Lịch sử TQ cận đại : Chiến tranh toàn diện kháng Nhật (3 và hết)

Lịch sử TQ cận đại : Chiến tranh toàn diện kháng Nhật (3 và hết)

- Hồ Bạch Thảo — published 11/06/2015 09:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 3 (và hết) : Quốc Cộng vừa hợp tác vừa tranh chấp và chiến tranh Trung Nhật tiếp diễn


Lịch sử Trung Quốc cận đại :

Chiến tranh toàn diện kháng Nhật

(3)


Hồ Bạch Thảo


Chương ba

Quốc Cộng vừa hợp tác vừa tranh chấp
và chiến tranh Trung Nhật tiếp diễn


cd

Chu Đức [1886-1976]

Nguồn : Wikipedia


1. Quốc cộng vừa hợp tác vừa tranh chấp


Hai bên Quốc, Cộng muốn lợi dụng nhau, lần thứ nhất đã xảy ra trên 3 năm hợp tác ; rồi không cùng lập trường nên mâu thuẫn nảy sinh, tuy cùng nhau Bắc phạt, nhưng chưa kịp hoàn thành thì nửa đường tan vỡ, trở thành kẻ tử địch. Kinh qua 10 năm chém giết lẫn nhau, sau biến cố Tây An [1936] trở lại hoà giải. Lúc này Trung cộng hầu như trải qua hoàn cảnh sắp chết được sống lại, nhưng nếu cuộc chiến tại Lô Câu Kiều không xảy ra, thì ai dám bảo rằng không có cuộc tranh chấp mới sau đó. Bấy giờ chiến tranh Trung Nhật xảy ra, Quốc dân đảng gặp kẻ đại địch trước mặt, Trung cộng thực lực có hạn, nên tạm để yên ; tuy nhiên Trung cộng ý thức được cơ hội tốt đến nơi, không những không sợ Quốc dân đảng áp bức, còn có dịp tổ chức nông dân, đại sự phát triển. Quốc dân đảng khó mà chịu nhịn, nên cuộc hợp tác chưa được hai năm, biểu hiện sự xung đột, giống như đã xảy ra thời hợp tác lần thứ nhất.


Mao Trạch Đông tin tưởng chính quyền thành lập từ mũi súng, lúc mở đầu đã tự lập lực lượng vũ trang ; Stalin cũng bảo vũ trang cách mệnh là ưu điểm của Trung Quốc, ly khai vũ trang đấu tranh, địa vị đảng Cộng sản không còn tại Trung Quốc. Lúc Quốc, Cộng mới hoà giải, Trung cộng hứa đem Hồng quân đổi thành Quốc dân cách mệnh quân, chịu sự chỉ huy của Quốc dân chính phủ, nhưng thực tế thì độc lập tự chủ. Khi chiến tranh Trung Nhật bạo phát, Mao Trạch Đông chỉ thị Cộng quân tuỳ cơ lập căn cứ địa tại vùng địch hậu, nắm địa vị chỉ huy vũ lực tại địa phương, cùng chiếm địa vị lãnh đạo quân chính phủ.


Mùa thu năm 1937, khi Chu Đức mang Đệ bát lộ quân từ Thiểm Tây xuất phát, Mao Trạch Đông diễn giảng trước đoàn quân, với những điểm chính như sau :


1. Trung Nhật chiến tranh là cơ hội tuyệt hảo cho Trung cộng phát triển. Quyết sách của chúng ta là 7 phần phát triển, 2 phần ứng phó với Quốc dân đảng, 1 phần kháng Nhật.


2. Quyết sách này chia làm 3 giai đoạn để thực thi : Giai đoạn thứ nhất, thoả hiệp với Quốc dân đảng để cầu sinh tồn. Giai đoạn thứ hai, lực lượng ta và Quốc dân đảng ngang nhau, hai bên tương trì. Giai đoạn ba, thâm nhập vùng Hoa trung, thành lập căn cứ địa tại Hoa trung, phản công Quốc dân đảng.


Tháng 10/1937, Trần Thiệu Vũ đại biểu Trung cộng tại quốc tế Cộng sản đến Diên An thông báo quyết định của Stalin chủ trương thống nhất chiến tuyến kháng Nhật, ủng hộ Quốc dân đảng lãnh đạo chính phủ và quân đội ; nhưng Mao Trạch Đông không cho là đúng, muốn lợi dụng thời kỳ kháng chiến để khuếch đại thế lực vũ trang của đảng. Sau khi thất thủ tại Thượng Hải, hoàn cảnh Quốc dân chính phủ hết sức nguy nan ; ngày 12/11 Mao Trạch Đông chỉ trích Quốc dân đảng đã không để nhân dân quần chúng tham gia vào cuộc chiến, hy vọng Quốc dân đảng cải tạo cơ sở chính phủ và quân đội, và nên dùng Bát lộ quân làm tiêu chuẩn mô phạm trong việc cải tạo. Mao tuy nói kiên trì thống nhất chiến tuyến, nhưng trên nguyên tắc tự chủ độc lập, do giai cấp vô sản lãnh đạo giai cấp tư sản. Trung cộng tuyệt đối lãnh đạo Bát lộ quân, phóng tay phát động, không để cho Quốc dân đảng hạn chế hoặc trở ngại. Stalin thấy Quốc dân đảng không vì việc điều đình của nước Đức mà lay động, bèn chỉ thị cho Trần Thiệu Vũ tại cuộc hội Trung ương chính trị cục Trung cộng vào ngày 9 đến ngày 13/12 xác minh cao trào, nhất thiết phục tùng kháng Nhật, nhất trí kháng Nhật thống nhất chiến tuyến. Vào ngày 25/12, Trung cộng tuyên ngôn củng cố Quốc, Cộng hai đảng thành tâm đoàn kết, ủng hộ Tưởng uỷ viên trưởng chủ trương kháng chiến đến cùng. Trần trú tại Vũ Hán cùng Quốc dân đảng liên lạc, Chu Ân Lai đảm nhiệm Quốc dân chính phủ quân sự uỷ viên hội Chính trị bộ Phó bộ trưởng.


Tháng 6/1938, Stalin hy vọng Trung Quốc có thể kháng chiến trường kỳ với Nhật, gửi thư cho Tưởng Uỷ viên trưởng biểu thị lòng tin kháng chiến tất thắng. Tháng 9, trong lúc chiến tranh bảo vệ Vũ Hán đến hồi gấp rút, Trần Thiệu Vũ, Chu Ân Lai trở về Diên An [Yan’an, Thiểm Tây] tham dự hội nghị lần thứ 6 Trung cộng trung ương uỷ viên. Hội nghị chưa xong, Chu Ân Lai trở lại gấp Vũ Hán mang thư do Mao đích thân viết, nội dung dưới sự lãnh đạo của Tưởng, tin tưởng sâu sắc Quốc Cộng trường kỳ đoàn kết để có thể chi trì cho cuộc trường kỳ kháng chiến ; ngoài ra Chu thỉnh cầu đảng viên Trung cộng gia nhập Quốc dân đảng. Tưởng nghi ngờ lời nói của Mao, cùng rút kinh nghiệm bất lợi về việc “ dung Cộng ” trong quá khứ, nên không dám hứa chấp nhận lời kiến nghị của Chu.


Trong hội nghị toàn thể ban chấp hành Trung cộng trung ương, Mao Trạch Đông phát biểu “ Luận về giai đoạn mới ”, nhấn mạnh thống nhất chiến tuyến, địa vị lãnh đạo của Quốc dân đảng, hai đảng Quốc, Cộng trường kỳ hợp tác, cộng đồng kháng chiến, cộng đồng kiến quốc. Nhưng trong báo cáo của Mao vào tháng 10, tháng 11 bảo rằng các đảng trong thống nhất chiến tuyến vẫn giữ tính tương đối độc lập, tự do ; nếu qua thống nhất chiến tuyến, rồi nhất nhất phục tùng, tức đầu hàng ; phương châm của Trung cộng lả “ Thống nhất, lại độc lập ”. Đem vấn đề ra trăn trở, họ Mao từng nêu lên những câu nói như “ Những vấn đề tại Trung Quốc, nếu ly khai vũ trang không thể giải quyết được ”, “ Có quân sẽ có quyền, chiến tranh giải quyết mọi việc ”, “ Ai có súng, người đó có thế ; ai súng nhiều, người đó thế mạnh ”, “ Có súng có thể cải tạo đảng ”, “ Chính quyền xuất hiện từ cây súng ”, “ Mọi việc sẽ xuất hiện từ đầu mũi súng ”, “ Quân đội là thành phần chủ yếu của chính quyền, ai muốn nắm chính quyền quốc gia, phải nghĩ đến việc nắm quân đội ”, “ Cả thế giới này cần cây súng mới cải tạo được ”. Mao Trạch Đông là Chủ tịch trung ương Trung cộng, Trần Thiệu Vũ tuy dựa vào Cộng sản quốc tế và Stalin, nhưng quyền lực vẫn dưới Mao.


Lúc bắt đầu cuộc kháng chiến, binh lực Trung cộng khoảng 3 vạn người, tại 15 huyện vùng biên khu Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ [Ningxia]. Ngày 6/9/1937 đổi tên Xô Viết chính phủ thành biên khu chính phủ. Tưởng ra lệnh hành doanh Tây An [Xian, Thiểm Tây] nghiêm phòng, nhưng biên khu đã khuếch đại thành 20 huyện, các huyện đều có quân tự vệ. Từ đó trong vòng 3 năm sau Bát lộ quân cùng Hồng quân mở mang, đại để như sau :


– Thứ nhất, từ cuối năm 1937 thiết lập tại vùng biên khu 3 tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Sát Cáp Nhĩ binh lực trên 5 vạn, vùng hoạt động khoảng 40 huyện.


– Thứ hai, vào năm 1938 thiết lập tại miền trung tỉnh Hà Bắc bình lực 2 vạn, vùng hoạt động khoảng 20 huyện.


– Thứ ba, miền đông tình Hà Bắc, binh lực khoảng 1 vạn, vùng hoạt động khoảng 10 huyện.


– Thứ tư, phía nam tỉnh Hà Bắc và biên khu Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông ; binh lực khoảng 3 vạn, khu vực hoạt động khoảng 50 huyện.


– Thứ năm, tại biên khu Sơn Tây, Tuy Viễn [Nội Mông], binh lực khoảng 1 vạn, vùng hoạt động khoảng 7 huyện.


– Thứ 6, khu vực tỉnh Sơn Đông bắt đầu năm 1939, binh lực khoảng 7 vạn, khu vực hoạt động đến toàn tỉnh.


Tổng kê vùng Hoa bắc, Bát lộ quân hoạt động đến hơn 200 huyện, binh lực khoảng 30 vạn, năm 1940 phát triển nhanh nhất. Các cấp lãnh đạo chủ yếu như Oanh Vinh Trăn tại biên khu Sơn Tây, Hà Bắc, Sát Cáp Nhĩ ; Hạ Long tại miền trung Hà Bắc ; Lưu Bá Thừa tại miền nam Hà Bắc ; Từ Hướng Tiền tại Sơn Đông.


Miền hạ du sông Trường Giang, Đệ tứ quân mới lập khoảng 1 vạn quân ; năm 1938 chia làm 4 khu : Hoài nam, Hoài bắc, Tô nam, Tô bắc ; binh lực phía bắc sông Trường Giang ước hơn 2 vạn, phía nam sông Trường Giang ước 3 vạn. Còn có biên khu Giang Tô, Hà Nam, An Huy, Sơn Đông ; biên khu Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy ; mỗi khu binh lực khoảng 1 vạn. Hồ Nam, Chiết Giang, Quảng Đông, khoảng hơn 2 vạn. Hợp kê binh lực khoảng 10 vạn, vùng hoạt động khoảng 50 huyện ; những nhân vật lãnh đạo chủ yếu nhu Diệp Đình, Hạng Anh, Trần Nghị, Trương Vân Dật, Lý Tiên Niệm. Nói một cách tổng quát, binh lực Trung cộng chủ yếu Bát lộ quân tại 3 tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông ; Đệ tứ quân tại 2 tỉnh An Huy, Giang Tô.


Quốc dân chính phủ tại 5 tỉnh này vẫn thiết lập tỉnh, huyện chính phủ, có quân đội tương đương, lại có dân quân địa phương; riêng Trung cộng khuếch trương lớn, nên hai bên xung đột không tránh khỏi. Từ năm 1938 đến năm 1940, 1 vạn dân quân Hà Bắc của Trương Ấm Ngô bị Bát lộ quân lần lượt tập kích tiêu diệt ; quân chính quy mấy vạn cũng bị đánh tan, khiến tỉnh chính phủ không thể đứng vững. Từ năm 1939 đến năm 1940, lực lượng bảo an tại tỉnh Sơn Đông bị tước khí giới khoảng 4,5 vạn người. Tân quân của Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây, mệnh danh “ Quyết tử quân ” ước 2 vạn người, quá nửa do cán bộ Trung cộng thống suất, từ năm 1939 đến năm 1940 tiếp tục đối Diêm thoát ly quan hệ. Năm 1940 Tân đệ tứ quân phía bắc tỉnh Giang Tô phối hợp với Đệ bát quân từ bắc xuống đánh chiếm Hưng Hoá [Xinghua, Giang Tô], giết mấy ngàn quân chính phủ. Phía bắc tỉnh Hồ Nam, phía nam Hà Nam, Quốc, Cộng xung đột ; Tân đệ tứ quân gặp bất lợi.


Tháng 6/1939, Chu Ân Lai yêu cầu thừa nhận khuếch đại biên khu Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ, cùng binh lực hiện đại của Bát lộ quân ; giải quyết vấn đề Hà Bắc. Tưởng mệnh Trung cộng phục tùng mệnh lệnh, ngược lại quyết không để yên. Quốc dân đảng ban bố “ Biện pháp phòng ngừa chế ngự đảng khác hoạt động ” cùng “ Phương án xử lý về vấn đề đảng khác ” ; quân chính phủ thực hành phong toả miền bắc Thiểm Tây. Thái độ của Mao Trạch Đông trở nên cường ngạnh, vào tháng 9 tuyên bố với ký giả rằng “ Người không phạm ta, ta không phạm người ; nếu người phạm ta, ta tất phạm người ”. Rồi Quốc Cộng vũ trang liên tục xung đột, Trung cộng gọi là “ Phản ma xát đấu tranh ” ; phía quân chính phủ gây nên cao trào phản Cộng trong thời kỳ chiến tranh, từ tháng 12/1939-3/1940. Mao chỉ thị cán bộ Trung cộng “ Đối với phái ngoan cố đấu tranh cần cương quyết, triệt để, tiêu diệt toàn bộ ” “ Không đấu thời thôi, đã đấu phải thắng ”, đoàn kết nhưng không đình chỉ cần thiết đấu tranh. Lại ra lệnh Tân đệ tứ quân phóng tay khuếch đại, cương quyết lập căn cứ địa, bồi dưỡng cán bộ, mọi việc đều đối chọi Quốc dân đảng.


Tháng 9/1939, chiến tranh Âu châu bộc phát ; Nga Xô bận lo việc tây tiến, không muốn xung đột Quốc, Cộng khuếch đại tại Trung Quốc. Tháng 4/1940 Đại sứ Nga Xô tại Trung Quốc, A .S. Panuyaskkin [Phan Hữu Tân], tìm cách điều giải với Tưởng. Tháng 7, Tổng trưởng tham mưu Hà Ứng Khâm đề nghị với Chu Ân Lai dành Hà Bắc, Sát Cáp Nhĩ, phía bắc sông Hoàng Hà tại tỉnh Sơn Đông, làm khu vực tác chiến của Hồng quân, khuếch trương Bát lộ quân thành 6 sư đoàn, Tân Tứ quân thành 2 sư đoàn ; nhân Trung cộng có yêu cầu riêng, nên chưa có thoả hiệp. Từ tháng 8 đến tháng 10, vùng phía nam tỉnh Sơn Đông bị Bát lộ quân và Tân tứ quân chiếm lãnh ; chính phủ ra lệnh hai đại đơn vị này di chuyển lên phía bắc sông Hoàng Hà, Trung cộng chỉ chấp nhận Tân tứ quân từ phía nam sông Trường giang di chuyển lên phía bắc. Ngày 9/12 Tưởng ra lệnh Tân tứ quân lập tức đi lên vùng Giang bắc, rồi tái tục lên phía bắc sông Hoàng Hà ; Bát lộ quân cũng nhất luật lên phía bắc sông Hoàng Hà.


Ngày 4 đến ngày 12/1/1941, 9.000 quân Tân tứ quân bị quân chính phủ bao vây tại huyện Kính [Jingxian] thuộc phía nam tỉnh An Huy, Quân trưởng Diệp Đình và 5.000 quân bị bắt, Phó quân trưởng Hạng Anh bị giết, Quân chính phủ triệt bỏ danh hiệu đơn vị này. Trung cộng cho đó là cao trào phản Cộng lần thứ hai, phản ứng bằng cách tự tiện bổ nhiệm Trần Nghị làm Quân trưởng Tân tứ quân, Lưu Thiếu Kỳ làm Chính trị viên, yêu cầu khôi phục danh hiệu đơn vị này. Lại đòi trừng trị nhân vật liên quan đến cuộc biến, triệt thoái quân chính phủ, huỷ tuyến phong toả tại Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ ; trừ bỏ chính sách một đảng cầm quyền, tái yêu cầu thừa nhận chính quyền kháng Nhật của Trung cộng, duy trì hiện trạng khu vực chiếm giữ tại Hoa bắc, Hoa trung và tây bắc ; biên chế Bát lộ quân, Tân tứ quân thành 6 quân ; thành lập uỷ viên chế liên hợp các đảng phái ; đại biểu Quốc, Cộng phân nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch. Chính phủ đương nhiên không đồng ý, thanh minh rằng đối với bộ đội trái lệnh không thể không chế tài, Trung cộng không thể ở địa vị ngoại lệ ; rất mong cùng giữ cương lãnh kháng chiến kiến quốc, tuân theo mệnh lệnh. Dư luận đối với biến cố Tân tứ quân tỏ ra đau lòng, cho rằng một nước không thể có 2 hệ thống chính quyền và quân sự, quân đội cần phải quốc gia hoá. Chính phủ thành lập Quốc, Cộng quan hệ điều chỉnh đặc biệt uỷ viên hội, cùng chuẩn bị việc phòng bị tại vùng phía bắc tỉnh Thiểm Tây.


Cùng ngày với biến cố xảy ra, Đoàn trưởng cố vấn Nga Xô Vassily L. Chuikov khuyên Tưởng đừng để nội chiến xảy ra, Tưởng đáp lại rằng sự biến này hoàn toàn do chỉnh đốn quân kỷ, không có vấn đề khác. Nước Mỹ cũng rất lưu tâm, Roosevelt sai viên Trợ lý hành chánh L. Currie đến, tỏ lòng mong muốn Quốc, Cộng hợp tác. Tháng 2, L. Currie đến Trùng Khánh, Tưởng nói cho biết rằng Trung Quốc kháng chiến, một mặt chống Nhật xâm lược, một mặt ngăn ngừa Trung cộng nhuộm đỏ ; L. Currie nói về hai mặt này cũng cần phải châm chước.




2. Tình hình quốc tế diễn biến



Từ khi chiến tranh Trung Nhật xảy ra, thái độ Nga xô đối với Trung quốc tuỳ lúc hoặc thân cận, hoặc chia lìa, khó dò được thực tâm ; một mặt sai không quân chí nguyện viện trợ Trung Quốc, một mặt mong quan hệ hoà hoãn với Nhật. Tháng 3/1939, Stalin diễn thuyết tại đại hội đảng Cộng sản Nga, nêu lên rằng Trung Nhật chiến tranh là bộ phận tân đế quốc chủ nghĩa chiến tranh, Nga Xô cần thiết lập hữu nghị thân thiết với lân quốc. Chính phủ Trung Quốc cảm thấy bất an ; vào tháng 4, sai Tôn Khoa mang thư của Tưởng Uỷ viên trưởng đích thân viết, đến Mạc Tư Khoa lần thứ hai giao cho Stalin, hy vọng Stalin trong lúc hội đàm với Anh, Pháp về vấn đề Âu châu, đặc biệt chú trọng đến an toàn tại Viễn Đông. Tháng 7 Stalin, phúc đáp rằng mới đây đã giúp cho các quốc gia yêu hoà bình tại Viễn Đông liên hiệp ; ngoài ra cho Trung Quốc vay một số tiền 150 triệu Mỹ kim. Cái gọi là giúp cho các quốc gia yêu hoà bình tại Viễn Đông liên hiệp có liên quan đến hiệp ước Đức, Nga hỗ tương không xâm phạm, để Đức tấn công Ba Lan. Ngày 7/9 Đại sứ Nga Xô, A .S. Panuyaskkin, gặp mặt Tưởng Giới Thạch trình bày điện văn của Stalin cho biết Nga Xô chưa đàm phán thoả ước với Nhật, nhưng ngày 15 hai bên sẽ ký hiệp định đình chiến tại Nặc Môn Khảm 1. Ngày 28, cùng nước Đức chia cắt Ba Lan, rồi tiến công Phần Lan và rút ra khỏi liên minh quốc tế. Tháng 1/1940, trách Trung Quốc không bỏ phiếu phản đối việc thủ tiêu Nga xô tại liên minh quốc tế, nên không xét việc xin viện trợ của Trung quốc, đồng thời đàm phán thương ước với Nhật. Tháng 9 , không cho phép nước Mỹ vận chuyển đến Trung Quốc qua cảng Hải Sâm Uy [Vladivostok] ; sau đó lại yêu cầu Trung Quốc mượn tiền Mỹ mua khí giới của Nga Xô.


Nhắm cô lập Trung Quốc, Nhật Bản chuẩn bị cùng Nga Xô ký hiệp ước hai bên không xâm phạm. Nga Xô hy vọng cùng Nhật, Đức, Ý ký hiệp ước, hoạch định phạm vi thế lực ; tuy không được như ý nguyện, nhưng tháng 12/1939 trong văn bản “ Nhật, Chi [Na] tân quan hệ điều chỉnh yếu cương ” đề xuất cho Uông Triệu Minh, nội dung ngoại trừ miền Đông bắc, Nội Mông, Hoa bắc, Hoa trung, Hoa nam giao Nhật Bản khống chế ; còn thừa nhận Ngoại Mông, Tân Cương, Tây Tạng thuộc thế lực Nga Xô, như vậy Nhật đối Nga đã có thoả thuận. Ngày 13/4/1941, Nga Nhật trung lập điều ước thành lập, định rõ nếu một bên ký kết phát sinh chiến tranh với nước khác, thì nước phía bên kia giữ trung lập, Nga Xô thừa nhận nước Mãn Châu, Nhật Bản thừa nhận Ngoại Mông ; nhưng Nga Xô vẫn nói với Trung quốc rằng không hy sinh tình bạn bè với nước bằng hữu.


Stalin ký điều ước với Đức hai bên không xâm phạm, khiến nước Đức an tâm đánh nhau với Anh, Pháp. Nay lại thiết lập trung lập điều ước với Nhật ; khiến hai bên tả, hữu có thể mặc sức thao túng với Anh, Mỹ. Không ngờ rằng Hitler đắc thủ tại Tây Âu, sau khi đánh bại nước Pháp, vào ngày 22/6/1941 quay sang phía đông cử đại binh đánh Nga Xô. Trong vòng 1 năm, quan hệ Trung, Nga xuống thấp, qua nhật ký Tưởng tiết lộ “ Chính phủ Nga từ năm ngoái [1940] đến nay, đối ta khinh nhục miệt thị, can thiệp nội chính, rõ ràng yểm trợ đảng Cộng, lại thiết lập phi trường tại Tân Cương, xâm phạm lãnh thổ ta không chỉ một lần ”. Ngày 24/10, Nga Xô tuyên bố đình chỉ viện trợ cho Trung Quốc ; Tưởng hết sức chu toàn, từng đến gặp Đoàn trưởng cố vấn Vassily L. Chuikov tỏ ra lo lắng việc Nga bị xâm lăng, cùng đích thân đến Đại sứ quán chúc mừng ngày kỷ niệm cách mệnh Nga. Một tháng sau, biến cố Trân Châu cảng [Pearl Harbor] phát sinh, Trung Quốc chính thức đối Nhật, Đức, Ý tuyên chiến, hy vọng Nga Xô cũng tuyên chiến với Nhật. Nga xô đáp rằng đợi khi Trung, Anh, Mỹ, Nga có kế hoạch chu mật ; nay đang trong vòng chuẩn bị.


Nước Anh lúc đầu muốn dùng điều ước để ràng buộc Nhật, nhưng không thành công ; nên bắt đầu chi trì Trung Quốc về kinh tế. Năm 1939 trước sau cho mượn tiền và hàng hoá 10 triệu Bảng Anh ; sau đó nhân Hitler hoành hành, bèn tìm cách vỗ về Nhật. Lúc này đối ngoại Nhật Bản tấn công bằng 2 mũi bắc và nam ; về phía nam nhắm cô lập Trung Quốc, tìm cách cắt đứt đường giao thông từ Việt Nam, Miến Điện đến Quảng Tây, Vân Nam. Ngày 20/6/1940, thừa lúc Pháp bại trận tại Âu châu, Nhật ép buộc đình chỉ tuyến đường sắt Việt Nam – Vân Nam, không cho chở vật tư đến Trung Quốc. Như vậy việc giao thông bằng đường biển đến Trung Quốc hoàn toàn chấm dứt ; ngoài ra cố vấn Pháp tại Hoa cũng nhân đó phải rút về. Vào ngày 17/7, nước Anh phải tuân theo yêu cầu của Nhật, phong toả đường công lộ Miến Điện – Vân Nam ; nhưng lúc bấy giờ thái độ Mỹ đối với Nhật quyết liệt hơn, nên sau 3 tháng bèn mở cửa lại. Ngày 23/9 quân Nhật vào đóng tại miền bắc Việt Nam ; các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam bị uy hiếp ; ngày 27, Nhật, Đức, Ý chính thức đồng minh. Tháng 7/1941, thừa dịp Đức Nga Xô chiến tranh, Nhật mang quân chiếm miền nam Việt Nam, muốn tăng gia áp lực tại phương nam, bắt Trung Quốc khuất phục.


Nước Mỹ bắt đầu gây áp lực thực tế đối với Nhật vào tháng 1/1939 bằng cách cấm chuyển các phụ tùng thiết bị máy bay, cùng đạn dược. Tháng 2, cho Trung Quốc vay 25 triệu Mỹ kim ; tháng 7, tuyên bố phế bỏ thương ước Mỹ, Nhật. Tháng 4/1940 lại cho Trung Quốc vay 20 triệu Mỹ kim, được trả lại bằng thiếc tại Vân Nam. Tháng 8 Mỹ cấm vận xăng, sắt, quân dụng, cùng vật tư tới Nhật. Tháng 1/1941, Tổng thống Roosevelt gửi thư cho quốc hội, nội dung đem toàn lực viện trợ cho các dân tộc chống xâm lược, khiến nước Mỹ trở thành binh công xưởng cho các quốc gia dân chủ trên thế giới. Tháng 3, thành lập pháp án về việc vay mượn quân dụng vũ khí, Trung Quốc cũng được hưởng quyền lợi về việc này. Tháng 4, Trung, Mỹ thiết lập hiệp định về vay mượn tiền bạc hàng hoá, nước Mỹ dùng 50 triệu Mỹ kim mua hàng Trung Quốc.


Trung Quốc cần gấp phi cơ, tháng 10/1940 cùng Cố vấn người Mỹ, C. L. Chenault [Trần Nạp Đức] thương lượng về đội chí nguyện không quân, tháng 4/1940 Roosevelt cho phép công dân Mỹ đến Hoa phục vụ. Ngày 1/8 đội chí nguyện không quân Phi Hổ thành lập tại Côn Minh [Kunming, Vân Nam]. Chí nguyện đội viên mỗi tháng lãnh lương 750 Mỹ kim, bắn rớt 1 chiếc máy bay được thưởng thêm 500 Mỹ kim ; sau khi chiến tranh Mỹ Nhật bùng nổ, tháng 4/1942 đội chí nguyện được đổi thành đội hàng không số 14 của Mỹ và đội khu trục số 23 ; C. L. Chenault giữ chức Tư lệnh không quân Mỹ tại Hoa. Tháng 10, bắt đầu huấn luyện nhân viên phi hành Trung Quốc tại Mỹ.




3. Chiến tranh tiếp tục xảy ra




Cuộc hội chiến tại Vũ Hán kết thúc, cao trào chiến tranh chấm dứt ; phần lớn quân chủ lực Trung Quốc rút sang phía tây đường sắt Bình Hán [Bắc Bình – Hán Khẩu] và Việt Hán [Quảng Đông – Hán Khẩu], riêng bộ tổng chỉ huy lui về Trùng Khánh [Chongqing, Tứ Xuyên]. Tại phía đông các tuyến đường sắt nêu trên và miền Hoa bắc tuy quân Nhật chiếm phần lớn các thành thị và đường giao thông huyết mạch, nhưng quân Trung Quốc tại nông thôn vẫn tìm cách khiên chế, bảo vệ cho hậu phương lớn Tứ Xuyên. Binh lực của Nhật không đủ để phân phối ra mọi nơi, việc tấn công thủ phủ Tứ Xuyên không dễ, bèn dùng chính sách vây tiễu, mong bình định những vùng chiếm được. Lại nhân nước Đức tại Âu châu trên đà chiến thắng, Nhật khẩn cấp cấu kết, gây sức ép với Anh, Pháp, cùng thoả hiệp với Nga, Mỹ ; đợi thời cơ nam tiến, thực hiện cái gọi là “ Trật tự mới tại Đông Á ”. Trung Quốc sau các chiến dịch lớn, nguyên khí tổn thương, tài lực gian nan, ngoại viện nhỏ giọt không đáng kể, quân phí lớn phải tự lo lấy, nên giá sinh hoạt tăng cao. Các đơn vị tinh nhuệ phải hy sinh trong giai đoạn đầu, nên dũng khí kém hơn trước ; ngoài ra hai đảng Quốc, Cộng mâu thuẫn lớn, nên chỉ có cách cố kéo dài sự tồn tại để đợi thời cơ.


Tứ Xuyên trong ngoài sông núi, địa thế hiểm trở, dân đông đúc, sản vật nhiều ; là căn cứ địa rất tốt cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Sau khi cuộc chiến xảy ra, Lưu Tương mang quân ra khỏi tỉnh tham chiến, vào tháng 1/1938 mất vì bệnh tại Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] nên nội tình Tứ Xuyên trở nên bất ổn. Lúc đầu phái quân nhân phản đối tân Chủ tịch tỉnh, nội bộ tương tranh ; Tưởng cho việc chỉnh đốn Tứ Xuyên, thống nhất tây nam, củng cố hậu phương là công việc tối quan trọng trước mắt, nên lo lắng như lửa đốt “ Lúc ăn, lúc ngủ, thậm chí trong giấc mộng cũng không rời suy tưởng ”. Tháng 9/1939 Tưởng kiêm nhiệm Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên, tăng điều quân đội đến, cục thế mới được tạm ổn định, từ đó lương hướng, nguồn binh cống hiến rất lớn. Vị trí của Vân Nam chỉ dưới Tứ Xuyên, Chủ tịch chính phủ tỉnh, Long Vân, kiêu hoành cũng không thua gì tướng lãnh tỉnh Tứ Xuyên ; năm 1940 đường sắt Việt Nam – Vân Nam, công lộ Miến Điện – Vân Nam tiếp tục đóng cứa, quân Nhật tiến đóng Việt Nam, thái dộ Long Vân dao động ; rồi quân trung ương tiến đóng nên được vô sự.


Về phía quân Nhật lo củng cố các cứ điểm, bảo hộ các tuyến giao thông thuỷ bộ, mở rộng khu vực chiếm lãnh, nghiêm mật phong toả các đường giao thông từ bên ngoài ; từ năm 1939 đến 1941 lại tái phát động thế công. Xét về các chiến dịch tương đối lớn, nếu xếp theo khu vực phải kể đến :


– Thứ nhất, chiến trường tại miền bắc tỉnh Giang Tây xảy ra 2 lần. Lần thứ nhất vào tháng 3/1939, khoảng 5 vạn quân Nhật tiến đánh tỉnh lỵ Nam Xương ; quân Hoa khoảng 20 vạn nghênh địch, 1 tuần sau thành bị hãm. Lần thứ hai vào tháng 3/1941, quân Nhật ước 4 vạn, quân Hoa gấp bội, kịch chiến tại phía tây Nam Xương trong vòng 2 tuần, quân Nhật tương đối bị tổn thất.


– Thứ hai, chiến trường tại vùng tây bắc tỉnh Hồ Bắc và phía nam tỉnh Hà Nam. Vào cuối tháng 4/1939 hai bên kịch chiến tại Tuỳ huyện [Suixian, Hà Bắc], trận chiến kéo dài 20 ngày, lực lượng Trung Quốc do Lý Tông Nhân chỉ huy ; cuối cùng chận được quân Nhật, phía quân Hoa tổn thất 28.000, phía Nhật 21.000, tỷ số tổn thất có phần giảm hơn những trận đánh trước đó. Tháng 5/1940, quân Nhật lại tiến đánh, binh lực gia tăng gấp bội, Tổng tư lệnh tập đoàn Hoa quân Trương Bạch Trung tử trận. Tháng 6 quân Nhật chiếm Nghi Xương [Yichang, Hồ Bắc] cắt đứt đường thuỷ từ Hồ Nam đến Tứ Xuyên, lại dùng phi trường nhỏ nơi này điều máy bay oanh kích ; đối với thủ phủ mới Trùng Khánh, gây áp lực rất lớn.


– Thứ ba, hai lần tiến đánh miền bắc tỉnh Hồ Nam. Vào tháng 11/1938, quân Nhật từ Hồ Bắc xâm nhập Nhạc Dương [Yueyang, Hồ Nam] Chủ tịch tỉnh Hồ Nam Trương Trị Trung kinh hoàng thất thố, ra lệnh phóng hoả, cả tỉnh lỵ Trường Sa [Changsha] gần bị thiêu trụi, làm mất tinh thần quân kháng chiến rất lớn. Tháng 9/1939, quân Nhật 10 vạn tiến phạm ; quân Hoa với lực lượng 16 vạn dưới quyền chỉ huy của Trần Thành, Tiết Nhạc đẩy lui, cuộc chiến kéo dài gần một tháng. Vào ngày 6/9/1941 quân Nhật lại tiến đánh Trường Sa lần thứ hai, lực lượng trên 12 vạn, với sự yểm trợ của máy bay và tàu chiến. Trận chiến xảy ra tại phía bắc thành phố, quân Hoa dưới quyền chỉ huy của Tiết Nhạc điều 10 vạn binh, chiếm lại được thành phố ; phía Nhật tổn thất 10.000 quân, đến ngày 30/9 rút lui.


– Thứ tư, chiến trận tại phía nam tỉnh Quảng Tây. Vào tháng 2/1939 quân Nhật chiếm đảo Hải Nam, tháng 11, đổ bộ tại vịnh Khâm châu [Qinzhou, Quảng Tây]. Với binh lực 5 vạn tiến chiếm tỉnh thành Nam Ninh [Nanning], cắt hoàn toàn đường giao thông giữa Quảng Tây và Việt Nam. Tháng 12, quân Hoa 16 vạn làm cuộc tấn công lớn, kịch chiến tại ải Côn Lôn [Kunlun pass] trong vòng 2 tháng. Chiến dịch này quân Hoa do Bạch Sùng Hy chỉ huy, lực lượng 16 vạn ; phía Hoa tổn thất khoàng 23.000, phía Nhật hơn 8.100. Ngoài ra vào tháng 4/1941 Nhật tiếp tục chiếm các vùng duyên hải đông nam như Ninh Ba [Ningbo, Chiết Giang], Ôn châu [Wenzhou], Phúc châu [Fuzhou, Phúc Kiến].


– Thứ năm, chiến dịch tại Hà Bắc, Sơn Tây. Khởi sự từ tháng 8/1940 đến tháng 1/1941, chủ yếu gồm lực lượng Bát lộ quân, khoảng 10 vạn quân với 105 đoàn tham gia, nên có tên “ Bách đoàn đại chiến ”. Chiến dịch dưới quyền chỉ huy tổng quát của Chu Đức, Bành Đức Hoài, với nhiệm vụ phá hoại và chống càn. Hồng quân phá huỷ các đường sắt cùng tấn công các cứ điểm bảo vệ đường sắt tại các tuyến như Bình Hán [Bắc Bình – Hán Khẩu], Chính Thái [Thạch Gia Trang – Thái Nguyên], Tân Phố [Thiên Tân – Phố Khẩu] ; phá các mỏ khoáng, cùng chiếm cứ Nương Tử Quan [Niangziguan] tại tỉnh Sơn Tây.


– Thứ sáu, chiến dịch tại vùng núi Trung Điều [zhongtiao Mountain], phía đông nam tỉnh Sơn Tây. Đây là cứ điểm quan trọng tại phía bắc sông Hoàng Hà, vào tháng 5/1941, 6 vạn quân Nhật đến xâm phạm, quân Hoa 10 vạn chiến đấu trong 10 ngày, sau đó phải rút lui, một cánh xuống Hà Nam phía nam, 1 cánh chuyển đến núi Thái Hàng [Taihangshan, Sơn Tây].


Không quân Nhật oanh tạc vùng hậu phương, lúc đầu chủ yếu tàn phá nặng nhất tại Nam Kinh, Vũ Hán, Quảng Châu. Từ năm 1939 kéo dài đến Lan Châu [Lanzhou, Cam Túc], Tây An [Xian, Thiểm Tây], Côn Minh [Kunming, Vân Nam] ; nhưng mục tiêu chính là thủ phủ mới Trùng Khánh. Vào ngày 3/5 năm này, Trùng Khánh chịu cơn đại hoả tai, tinh hoa vật chất biến vào mồi lửa, chết 4.400 người, bị thương 3.000 người ; dân thành thị phải di tản về nông thôn, báo chí tạm đình bản. Tính trong vòng năm 1939, bị không tập hơn 2.600 lần, số người chết hơn 28.000, bị thương hơn 31.000. Vào ngày 19-20/8/1940, Trùng Khánh bị oanh tạc suốt hai ngày, hoả hoạn lớn suốt ngày đêm. Trong năm này, không quân chí nguyện Nga Xô triệt thoái, Trung Quốc mất sức đề kháng. Nhật Bản tiếp tục không tập đại lục, oanh tạc mạnh, thiêu đốt nhiều ; nhắm làm dao động chiến sĩ Trung Quốc, phá hoại kinh tế, quấy nhiễu trật tự hậu phương, nhưng dân Trung quốc vẫn kiên nhẫn chịu đựng, không tỏ lời oán hận chính phủ. Trùng Khánh là thành phố núi, thiết lập địa đạo, đội phòng không, nhờ đó sinh mệnh dân chúng giảm thiểu. Bất hạnh vào tháng 6/1941, phát sinh tai nạn nghẹt đường hầm, chết 2 vạn người ; vào tháng 8, Nhật thi hành chiến dịch oanh tạc liên miên suốt cả ngày đêm trong 7 ngày, mọi công việc công tư đều đình trệ, ăn ngủ gián đoạn, nhà của Tưởng Uỷ viên trưởng cũng bị thiêu huỷ, dân tại Thành Đô [Chengdu, Tứ Xuyên], Côn Minh, đều gánh chịu tai hoạ cũng tương tự. Khi chiến tranh Thái Bình Dương bộc phát, quân Nhật đổi từ “ Chính lược oanh tạc ” sang “ Chiến lược oanh tạc ” ; chú trọng đến mục tiêu quân sự, nên việc không tập tại vùng hậu phương không còn hung dữ như trước.


Hồ Bạch Thảo




(Tham khảo từ : Cận Đại Trung Quốc Sử Cương, Quách Đình Dĩ ; Xô Nga Tại Trung Quốc, Tưởng Trung Chính ; Trương Học Lương Thế Kỷ Truyền Kỳ, Vương Thư Quân ; Bí Danh, Lâm Ngữ Đường ; Wikipedia Anh văn, Trung văn ; Bản đồ Google)













1 Nặc Môn Khảm nằm giữa biên giới Mãn Châu và Mông Cổ ; từ tháng 5/1939, Nhật, Nga tại nơi này oanh kích lẫn nhau liên tục 4 tháng.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss