Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Trung Quốc cận đại : Chính quyền tại lục địa đổi chủ sau Đệ nhị Thế chiến / Chính quyền Trung Quốc tại lục địa đổi chủ sau Đệ nhị Thế chiến (1/5)

Chính quyền Trung Quốc tại lục địa đổi chủ sau Đệ nhị Thế chiến (1/5)

- Hồ Bạch Thảo — published 18/08/2015 12:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 1 : Sau cuộc chiến, Quốc Cộng tranh chấp


Lịch sử Trung Quốc cận đại




Chính quyền Trung Quốc tại lục địa

đổi chủ sau Đệ nhị thế chiến


Hồ Bạch Thảo


Chương một

Sau cuộc chiến, Quốc Cộng tranh chấp

[1944-1945]


hurley

Patrick J. Hurley [1883-1963]
Nguồn : Wikipedi


1. Đại diện Patrick J. Hurley lo toan vấn đề Quốc, Cộng


Xúc tiến việc Quốc, Cộng hoà giải, thống nhất vũ lực quốc gia, nhất trí kháng chiến chống Nhật, đều là nguyện vọng chủ yếu của Mỹ. Tháng 9/1944, trước khi Đại diện Tổng thống Mỹ Patrick J. Hurley đến Trùng Khánh [Chongqing, Tứ Xuyên], bèn mượn đường ghé Mạc Tư Khoa, để mong biết rõ thái độ của Nga Xô. Stalin biết rằng Trung cộng bấy giờ chưa có thể thay thế Quốc dân đảng, nên trước hết cần thành lập chính phủ liên hiệp, xác định địa vị của Trung cộng kế tục khống chế miền Hoa bắc ; sự thực tạo thành 2 nước Trung Quốc, cho Quốc dân đảng danh nghĩa thống trị, để yên tâm người Mỹ. Ngoại trưởng Nga, Molotov, bảo Hurley rằng Trung cộng không phải Cộng sản chân chính, Nga Xô không có quan hệ với đảng này, lại không muốn Trung Quốc bị chia cắt ; nếu như nước Mỹ có thể giúp cho Trung Quốc đoàn kết, quân sự kinh tế cải thiện, thì Nga cũng vui lòng. Hurley tin lời nói đó là thực, đem nói lại với Tưởng Chủ tịch. Tưởng vốn coi Trung cộng là công cụ của Nga Xô, Molotov lại có lời như vậy, nên cũng muốn nhờ uy tín của nước Mỹ, hoàn thành hiệp nghị với Trung cộng qua hy vọng về sự sắp xếp của Hurley.


Hurley sau mấy lần đàm luận với đại biểu Trung cộng Lâm Tổ Hàm, ngày 7/11/1944 đáp máy bay lên Diên An [Yan’an, Thiểm Tây] cùng Mao Trạch Đông bàn định 5 nguyên tắc, bao quát : Quốc dân chính phủ cải tổ thành Liên hiệp chính phủ, Quân sự uỷ viên hội cải tổ thành Liên hiệp quân sự uỷ viên hội. Liên hiệp chính phủ đặt căn bản vào Tam dân chủ nghĩa, thiết lập chính phủ dân trị, dân hưởng, dân hữu 1 ; đề xướng tiến bộ và dân chủ, bảo vệ quyền tự do của dân. Liên hiệp chính phủ và Liên hiệp quân sự uỷ viên hội thừa nhận mọi quân đội kháng Nhật ; các hạng quân đội này cần phục tùng mệnh lệnh của Liên hiệp chính phủ cùng Liên hiệp quân sự uỷ viên hội. Trung Quốc được các nước bạn bè cung ứng phẩm vật, cần phân phối công bình ; Liên hiệp chính phủ thừa nhận Quốc dân đảng, Trung cộng cùng các đảng chống Nhật, địa vị hợp pháp. Ngày 11/11 Hurley trở lại Trùng Khánh, có Chu Ân Lai đi theo.


Vào tháng 9 cùng năm [1944], Quốc, Cộng đàm phán không thành, quan hệ giữa Trung, Mỹ khẩn trương ; viên võ quan đại sứ quán Nga Xô tại Hoa, N. V. Roschin [La Thân] gặp Tưởng Kinh Quốc cho biết Stalin muốn gặp Tưởng Giới Thạch. Tưởng Chủ tịch bảo “ Stalin muốn như vậy, tôi cũng vui vẻ vâng lời ”. Stalin đưa tin tức này tiết lộ cho Đại sứ Mỹ tại Nga Harriman, bảo rằng Tưởng muốn gặp. Ngày 18/11 Hurley hỏi Tưởng “ Muốn gặp Stalin về việc gì ? ” Tưởng trình bày sự việc, rồi bỏ cuộc hội đàm với Stalin, để tránh dị nghị.


Đối với những bàn định giữa Hurley và Mao Trạch Đông, Tưởng cự tuyệt bảo rằng không thể đem chính quyền giao cho Liên hiệp chính phủ, cần giao lại cho dân. Bèn đề ra ba đối sách : chỉnh biên Cộng quân xếp vào Quốc quân chính quy ; thừa nhận Trung cộng là chính đảng hợp pháp, Trung cộng cần ủng hộ Quốc dân chính phủ kháng chiến và kiến thiết đất nước sau cuộc chiến. Tưởng nhất thiết đòi quân đội giao cho Quân sự uỷ viên hội của Quốc dân chính phủ quản lý, tướng lãnh Trung cộng được tham gia Quân sự uỷ viên hội. Mục tiêu của chính phủ là thực hiện Tam dân chủ nghĩa, kiến lập một nước do dân trị, dân hưởng, dân hữu ; ngoại trừ điều kiện an toàn tất yếu để chống Nhật, tự do của dân được bảo vệ.


Trung cộng rất lấy làm bất mãn, vào ngày 7/12, Chu Ân Lai rời Trùng Khánh trở về Diên An. Chính phủ bèn nghĩ 3 biện pháp cụ thể làm điều kiện cho Trung cộng tham gia chính phủ. Thứ nhất, trong Hành chánh viện đặt Chính vụ uỷ viên hội thời chiến, dung nạp Trung cộng và đại biểu các chính đảng khác làm cơ quan quyết định sách lược cho thời chiến. Thứ hai, tại Quân sự uỷ viên hội dung nạp nhân viên Trung cộng ; do chính phủ, Trung cộng và Mỹ tổ chức thành Uỷ viên hội 3 người, thảo luận về cải tổ Cộng quân, cùng vấn đề bổ cấp. Thứ ba, trong thời gian kháng Nhật, do Uỷ viên trưởng quân sự uỷ viên hội Tưởng Giới Thạch phái một viên quan quân Mỹ làm Tổng tư lệnh, chính phủ và Trung cộng mỗi bên bổ nhiệm một viên cùng làm việc.


Lúc bấy giờ Patrick J. Hurley giữ chức Đại sứ Mỹ tại Hoa, lại khuyên Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh tiếp tục đàm phán. Mao yêu cầu đổi địa điểm, đến Diên An hội đàm. Riêng Chu Ân Lai yêu cầu phóng thích chính trị phạm, triệt thoái quân đội bao vây Cộng quân, thủ tiêu pháp lệnh áp bức nhân dân, đình chỉ đặc vụ hoạt động, để biểu thị thành ý thống nhất dân chủ của chính phủ.


Vào ngày Nguyên đán năm 1945, Tưởng Chủ tịch tuyên bố sớm triệu tập quốc dân đại hội, thực thi hiến chính. Hurley gửi điện cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, muốn cùng Viện trưởng hành chánh Tống Tử Văn đến Diên An hội đàm về nguyên tắc, sau đó Mao, Chu sẽ đến Trùng Khánh hoàn thành hiệp định. Mao khéo léo từ chối ; chủ trương do Quốc dân đảng, Trung cộng, Dân chủ đồng minh, cùng các nhân sĩ không thuộc đảng phái, cử hành hội nghị trù bị quốc thị 2. Nhân Hurley đánh điện thúc dục, vào ngày 24/1 Chu lại đến Trùng Khánh, yêu cầu cử hành hội nghị các đảng phái, thảo luận cải tổ chính phủ cùng thiết thi cương lãnh ; đợi khi chính phủ liên hiệp thành lập, Trung cộng sẽ giao quân đội, cùng quân đội các phe đảng khác do quân sự uỷ viên hội mới chỉnh lý biên chế ; không chấp nhận việc Quốc dân chính phủ đề nghị tham gia chính phủ. Riêng Quốc dân chính phủ chủ trương cần đợi triệu tập quốc dân đại hội, định hiến pháp, mới có thể cải tổ chính phủ, kết thúc huấn chính.


Hurley khuyên Tưởng nhượng bộ thêm về vấn đề chính trị, mới mong không chế được Trung cộng. Đồng thời nói cho Chu Ân Lai biết về vật tư chỉ đưa cho Quốc dân chính phủ, nên vấn đề viện trợ Trung cộng chỉ thông qua Quốc dân chính phủ. Vào ngày 3/2, chính phủ đồng ý mời đại biểu các chính đảng, cùng lãnh tụ xã hội vô đảng phái, tổ chức hội nghị chính trị hiệp thương ; thảo luận kết thúc huấn chính, thực hành hiến chính, thi hành chính trị cương lãnh cùng quân đội thống nhất. Trung cộng vẫn không đồng ý, vào ngày 15/2 Chu Ân Lai phát biểu nguyên nhân trong nửa tháng nay cự tuyệt đề nghị của chính phủ : thứ nhất, trao quân đội cho chính phủ cũng chẳng khác gì trao quân đội cho Quốc dân đảng ; thứ hai, Quốc dân đảng kiên trì một đảng chuyên chính không kết thúc, như vậy không có ý nghĩa để nhượng bộ ; cùng chỉ trích chính phủ cự tuyệt thiết lập chính phủ liên hiệp và liên hiệp bộ thống soái. Rồi Chu trở về Diên An, Hurley cũng trở về Mỹ để biết rõ kết quả hội nghị Yalta.


Mao Trạch Đông kiên trì chủ trương chính phủ liên hiệp, Tưởng nhận thấy Trung cộng vẫn tiếp tục muốn lật đổ Quốc dân chính phủ, nếu Trung cộng không giao quân đội, một khi Nga Xô khai chiến với Nhật, sẽ chi trì Trung cộng, tình thế sẽ trở nên khó khăn. Vào ngày 1/3, Tưởng phát biểu trong cuộc diễn thuyết, định vào tháng 11 triệu tập quốc dân đại hội, trả chính quyền cho dân, không trả cho chính phủ liên hiệp ; đợi cho Trung cộng đồng ý cải biên Cộng quân trao cho chính quyền địa phương, tức giao cho địa vị hợp pháp. Lúc này Trung cộng đã nghe biết được nội tình hội nghị Yalta, tức chẳng bao lâu Nga Xô sẽ tham gia cuộc chiến chống Nhật. Vào ngày 9/3 Chu Ân Lai gửi thư cho đại biểu chính phủ cùng Hurley phản đối triệu tập quốc dân đại hội do Quốc dân đảng khống chế ; cần phải triệu tập hội nghị đảng phái, thành lập chính phủ liên hiệp. Ngày 28/3, Đại biện Mỹ, Ngải Triết Sâm gửi điện cho Quốc vụ viện chủ trương cấp vật tư cho Trung cộng, áp lực Tưởng nhượng bộ, khiến Trung cộng tham gia chính phủ, tạo thành Quốc, Cộng hợp tác, để Trung cộng khỏi tìm cầu Nga xô chi viện. John S. Service, nguyên Cố vấn của tướng 4 sao Stilwell, lại đến Diên An bàn luận với Mao Trạch Đông sau đó nhấn mạnh rằng chỉ có cách thành lập chính phủ liên hiệp mới có thể noi theo con đường hoà bình tiến vào hiến chính, cùng khen lao thành tựu của Trung cộng.


Đại sứ Hurley cũng muốn giám định thái độ Nga Xô thêm một lần nữa, từ Hoa Thịnh Đốn qua Trùng Khánh, lại đi qua ngã đường Mạc Tư Khoa. Vào ngày 17/4 gặp Stalin trình bày chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc chi trì Tưởng Giới Thạch lãnh đạo, lập một chính phủ thống nhất, tự do, dân chủ, thống nhất vũ lực, đánh bại Nhật. Stalin biểu thị đồng ý, khen Tưởng là chí sĩ ái quốc. Đại sứ Mỹ tại Nga, Harriman, hoài nghi ý thật của Stalin, cho rằng Stalin sẽ không hợp tác lâu với Tưởng ; sau khi Nga Xô tham gia chiến tranh tại Viễn Đông, sẽ ra sức lợi dụng và chi trì Trung cộng. Nhân đó Quốc vụ viện Mỹ huấn lệnh Hurley rằng chính sách của Stalin tại Nga sẽ tuỳ theo lợi ích mà thay đổi, vậy cần báo với Tưởng trước khi Nga Xô tham gia chiến tranh Viễn Đông hãy sớm lo việc thống nhất quân sự chính trị với Trung cộng.


Tháng 4/1945, Trung cộng tại Diên An triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7. Ngày 24 cùng tháng, Mao Trạch Đông đọc diễn văn “ Luận liên hiệp chính phủ  dài đến hơn 4 vạn chữ ; nêu lên rằng Quốc dân đảng chủ trương độc đảng chuyên chính là kẻ phá hoại đoàn kết, chịu trách nhiệm việc chống Nhật thất bại, là mầm mống của nội chiến ; cần phải phế trừ lập tức ; do các đảng phái và thành phần vô đảng phái liên hiệp thành lập chính phủ, ban bố cương lĩnh thi hành chính trị dân chủ, nhiên hậu triệu tập quốc dân đại biểu đại hội, thành lập chính thức liên hiệp chính phủ ; như vậy mới coi là dân chủ thống nhất, mới có thể thành lập quốc gia tân dân chủ ; mọi quân đội đều thuộc quốc gia này, trở thành quân đội của nhân dân.


Tháng 5, Quốc dân đảng cử hành đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ sáu, chính thức nghị quyết vào tháng 11 triệu tập quốc dân đại hội, cùng thông qua chính cương, xúc tiến thi hành hiến chính ; hẹn ngày dẹp bỏ quân uỷ đảng bộ, học hiệu đảng bộ ; định phép chính trị kết xã, cấp cho chính đảng địa vị hợp pháp ; về vấn đề Trung Cộng giải quyết bằng đàm phán. Lại thông qua bảo toàn lãnh thổ hoàn chỉnh cùng quyền hành chánh, hợp tác hữu nghị với Nga Xô. Những điều nêu trên có thể coi như phản ứng lại những yêu cầu của Trung cộng.


Quốc dân đảng vẫn cho rằng vấn đề Trung cộng giải quyết bằng đàm phán ; ngày 2/6 một số Tham chính viên không thuộc hai đảng Quốc, Cộng đánh điện cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai mong tiếp tục thương lượng. Đến ngày 18, Mao, Chu, phúc đáp qua điện văn, cự tuyệt đến Trùng Khánh. Ngày 1/7, sáu tham chính viên gồm : Trử Phụ Thành, Tả Thuấn Sinh, Phó Tư Niên, Hoàng Viêm Bồi, Linh Duật, Chương Bá Quân, đáp máy bay đi Diên An, lưu lại trong 3 ngày. Trung cộng yêu cầu dẹp bỏ quốc dân đại hội vào tháng 11, triệu tập hội nghị chính trị hiệp thương trước. Mao Trạch Đông lại nói với Tả Thuấn Sinh, Chương Bá Quân rằng “ Tưởng tiên sinh cho rằng trên trời không có 2 mặt trời, dân không có 2 vua ; tôi không tin, rồi sẽ xuất hiện 2 vầng thái dương để mọi người xem ”. Mao không những muốn tranh cao thấp với Tưởng, riêng đối với việc Đại sứ Hurley không cấp vũ khí cho Trung cộng, chỉ chi trì qua Quốc dân chính phủ, thì rất lấy làm phẫn hận, bảo rằng “ Mấy cây súng sét rỉ của ta dám đánh nhau với Nhật, thì cũng dám đánh nhau với Mỹ ; việc đầu tiên ta muốn đuổi Hurley đi, rồi nói chuyện khác ! ” Lời nói trên không những với ý mạnh, còn biểu lộ hận Hurley rất sâu.




2 Kỷ yếu về hội đàm tại Trùng Khánh



Sau khi Nhật Bản đầu hàng ; vấn đề cần thiết của Quốc dân chính phủ là cấp tốc phái binh đến vùng đất bị chiếm, tước vũ khí quân Nhật. Nhưng quân chủ lực của chính phủ đều ở vùng tây nam, tây bắc xa xôi ; cần có thời gian mới điều động đến nơi được. Đây là thời cơ tốt cho Trung cộng cạnh tranh với Quốc dân chính phủ, bèn ra tay mở mang khu vực giải phóng, tăng cường thực lực. Vùng Hoa bắc, Hoa đông là nơi quân Nhật chủ yếu chiếm lãnh, cũng là nơi Cộng quân tập trung, cách Bắc Bình [Beijing], Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Tế Nam [Jinan, Sơn Dông], Thanh Đảo [Qingdao, Sơn Đông], Từ Châu [Xuzhou, Sơn Đông], Khai Phong [Kaifeng, Hà Nam], Nam Kinh, Thượng Hải, Tô Châu [Suzhou, Giang Tô], Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], tương đối gần hơn so với với quân chủ lực chính phủ ; riêng vùng phụ cận Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông] cũng có một ít Cộng quân. Chính phủ sợ Cộng quân nhanh chân đến trước, ngày 11/8 Tưởng Uỷ viên trưởng ban bố mệnh lệnh : thứ nhất, các chiến khu Tư lệnh trưởng quan tiến hành theo kế hoạch ; thứ hai, Tổng tư lệnh Thập bát tập đoàn quân Chu Đức tại nguyên địa phương trú phòng đợi lệnh ; thứ ba, nguỵ quân các nơi duy trì trị an, không được đổi dời nơi trú đóng, hoặc tự tiện cải biên vào bộ đội khác. Cùng ngày, Chu Đức với danh nghĩa Tổng tư lệnh Diên An [Yan’an, Thiểm Tây], ra lệnh Cộng quân tại các tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông, Tuy Viễn, tiến đến Sát Cáp Nhĩ, Nhiệt Hà, Liêu Ninh, phối hợp với quân Nga Xô và Ngoại Mông tác chiến ; tức tranh trước để tiến vào vùng đông bắc. Ngày 13/8, Mao Trạch Đông diễn thuyết trước cán bộ, chỉ trích Tưởng mưu phát động nội chiến, “ 1 tấc quyền cũng đoạt, 1 tấc lợi cũng tranh giành ” ; Trung cộng cần chuẩn bị thật kỹ “ Lấy nhọn chọi lại nhọn, 1 tấc đất cũng tranh ” “ Tưởng hai tay cầm đao, chúng ta cũng vác đao lại. Tưởng cấu kết với Mỹ, giành ưu thế tại Hoa đông, chiếm lãnh các thành lớn tại Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu, Trung cộng cần ra sức tranh miền Hoa bắc ”. Riêng Chu Đức cự tuyệt mệnh lệnh của Tưởng.


Vào ngày 10/8, bộ lục quân Mỹ ra lệnh cho tướng Wedemeyer [Uy Đức Mại] Tổng tư lệnh quân Mỹ tại Hoa, giúp Quốc dân chính phủ chấp nhận quân Nhật đầu hàng. Ngày 14, Thống soái quân đồng minh Douglas MacArthur [Mạch Khắc A Sắt] quy định quân Nhật tại Trung Quốc [ngoại trừ Đông Tam Tỉnh 3], Đài Loan, bắc Việt Nam đầu hàng Tưởng Uỷ viên trưởng. Tổng tư lệnh quân Nhật tại Trung Quốc, tướng Cương Thôn Ninh Thứ, cùng chính phủ nguỵ tại Nam Kinh đều biểu thị phục tòng.


Tưởng Giới Thạch muốn giải quyết ý kiến đối chọi của Trung cộng, ngày 14/8 gửi điện mời Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh cùng bàn việc quốc gia đại sự. Ngày 15, Chu Đức với danh nghĩa Tổng tư lệnh khu giải phóng gửi điệp văn cho Đại sứ các nước Mỹ, Anh, Nga ; nói rõ rằng Quốc dân chính phủ không thể gửi đại biểu đến khu vực Trung cộng giải phóng để tiếp nhận quân Nhật và quân nguỵ 4 đầu hàng, cùng lập điều ước sau khi đầu hàng. Tổng tư lệnh Diên An có quyền thi hành, căn cứ theo các nước đồng minh quy định biện pháp tiếp nhận quân Nhật, Nguỵ đầu hàng, có quyền phái đại biểu cùng các nước đồng minh tham gia tiếp nhận đầu hàng, cùng tham gia hội nghị hoà bình và hội nghị Liên Hiệp Quốc ; yêu cầu nước Mỹ đình chỉ viện trợ cho Quốc dân chính phủ. Ngoài ra Chu Đức còn điện cho tướng Nhật, Cương Thôn Ninh Thứ, ra lệnh quân Nhật tại Hoa bắc, Hoa đông, Hoa trung, Hoa nam đầu hàng các tướng lãnh Trung cộng. Vào ngày 16, Chu Đức yêu cầu Tưởng 6 hạng mục, bao quát như sau : lúc tiếp nhận Nhật, nguỵ đầu hàng, cùng ký kết hiệp định điều ước chấp nhận hàng, cần được khu giải phóng đồng ý trước ; quân địch do Cộng quân bao vây sẽ do Cộng quân tiếp nhận đầu hàng, quốc quân bao vây do Quốc quân tiếp nhận đầu hàng. Lập tức triệu tập các đảng phái hội nghị, thành lập chính phủ liên hiệp ; ngoài ra những điều khác cũng giống như điệp văn gửi cho các Đại sứ Anh, Mỹ, Nga, nhưng lời lẽ hết sức cường ngạnh. Cùng ngày, Mao Trạch Đông phúc đáp Tưởng, đợi sau khi có ý kiến về lời yêu cầu của Chu Đức, sẽ khảo xét vấn đề họp mặt. Ngày 20, Tưởng lại gửi điện thúc dục, bảo rằng yêu cầu của Chu Đức không tiện tiếp nhận. Ngày 22, Mao chấp nhận Chu Ân Lai đến Trùng Khánh trước. Ngày 23, Tưởng gửi điện thúc dục lần thứ ba ; ngày 24 Mao tuyên bố đồng ý hội kiến để bàn vấn đề đại sự về hoà bình kiến quốc.


Sở dĩ thái độ của Mao Trạch Đông biến đổi vì những lý do sau đây. Thứ nhất, xét về tình hình quốc tế, nước Mỹ trước sau đều hy vọng Quốc Cộng hợp tác để Trung Quốc thực hiện thống nhất, an định Á châu ; tuyệt đối không muốn xary ra nội chiến. Mao Trạch Đông kiên quyết cự lời yêu cầu của Tưởng, sẽ không được Mỹ để yên ; nước Mỹ sẽ viện trợ mạnh cho Quốc dân chính phủ chống lại. Nếu Nga Xô muốn chi trì Trung Quốc, thì cũng chỉ trong chừng mực vì nước này đang gặp khó khăn, lại nhân vì chưa có vũ khí nguyên tử nên không dám làm liều gây đại chiến. Huống gì hiệp định Trung Nga hữu hảo điều ước đã ký, nếu như quan hệ Quốc, Cộng bị phá hoàn toàn, những cái Nga Xô giành được trong điều ước khó mà hưởng thụ thuận lợi. Nếu như Quốc, Cộng hiệp nghị thành tựu, mọi quyền lợi của Nga đều không bị suy suyển, mà còn có những thu hoạch khác, đặc biệt là kinh tế tại miền Đông Tam Tỉnh. Thứ hai xét về tình hình trong nước, trong thời gian này Quốc dân đảng thường bị chỉ trích, nhưng đối với Trung cộng cũng không phải hoàn toàn có cảm tình tốt. Sau chiến tranh lòng người muốn hoà bình ; phía Tưởng chủ động kêu gọi đến họp 3 lần, nếu Trung cộng đóng cửa cự tuyệt sẽ mất nhân tâm. Ngược lại khi Mao Trạch Đông tiếp nhận lời yêu cầu, nếu đàm phán không thành, có thể đổ lỗi cho Quốc dân đảng, Trung cộng sẽ không bị chê trách. Nếu đàm phán thắng lợi, Trung cộng có địa vị hợp pháp, không những các khu vực hiện hữu đều được bảo vệ, lại còn có thể khuếch trương thêm, ngoài ra còn được đứng ở thế danh chính ngôn thuận trên trường chính trị.


Ngày 25/8 Trung cộng trung ương uỷ viên hội phát biểu “ Tuyên ngôn đối với thời cuộc hiện tại ”, yêu cầu Quốc dân chính phủ thừa nhận chính phủ dân bầu và quân đội kháng Nhật tại khu vực kháng chiến ; chỉ định Bát lộ quân, Tân tứ quân, cùng các đội kháng Nhật tại Hoa nam tiếp nhận quân Nhật đầu hàng, chỉnh biên quân đội một cách công bằng, thừa nhận địa vị hợp pháp của các đảng phái ; triệu tập đại biểu các đảng phái và vô đảng phái, thành lập chính phủ dân chủ liên hiệp. Phàm tất cả những điều nêu trên đều là trung tâm vấn đề Quốc, Cộng đàm phán sau này.


Ngày 27/8 Đại sứ Mỹ Hurley cùng Đại biểu chính phủ Trương Trị Trung đáp máy bay lên Diên An ; ngày hôm sau đưa Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai trở lại Trùng Khánh. Ngày 29, Tưởng Chủ tịch chính thức tiếp kiến ; ngay chiều hôm đó Đại biểu Quốc dân chính phủ Trương Quần, Trương Trị Trung, Vương Thế Kiệt, Thiệu Lực Tử, cùng Đại biểu Trung cộng Chu Ân Lai, Vương Nhược Phi hội đàm, bắt đầu trao đổi ý kiến tổng quát ; đây là giai đoạn một của cuộc hội đàm.


Bắt đầu vào ngày 4/9 hội đàm đi vào thực tế vấn đề liên quan đến tỷ lệ quân đội hai bên và chính quyền địa phương. Ngày 5, Mao Trạch Đông cho ký giả Đại Công Báo biết rằng có thể tránh được nội chiến, vấn đề trọng đại của quốc gia sẽ giải quyết bằng chính trị. Trong thời gian hội nghị, Trung cộng đứng vào thế công, chính phủ giữ thế thủ, giằng co không quyết định. Ngày 13/9 Mao phát biểu mong muốn đàm phán có kết quả tốt. Vào ngày 18, tại buổi tiệc trà của Tham chính hội Mao nói từ nay trở về sau cần phát triển hoà bình, xây dựng thời đại hoà bình kiến quốc, cần đoàn kết thống nhất, dẹp bỏ tranh giành nội bộ ; các đảng phái tại phương châm của quốc gia, dưới sự lãnh đạo của Tưởng Chủ tịch, triệt để thi hành Tam dân chủ nghĩa, kiến thiết tân quốc gia hiện đại hoá ; lại hô to Tam dân chủ nghĩa muôn năm ! Tưởng Chủ tịch muôn năm ! Ngày 21, giai đoạn 2 của cuộc hội đàm kết thúc, chưa có một chút tiến triển, văn bản soạn sẵn để đưa lên Công Báo, không được tuyên bố ; bế tắc mọi điều.


Ngày 27, bắt đầu hội đàm giai đoạn 3. Ngày 1/10 các Giáo thụ liên minh đại học tây nam tại Côn Minh gửi điện cho Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông rằng Quốc, Cộng không đáng chỉ bàn đến vùng đất, ngạch binh, một đảng chuyên chính ; cần cấp tốc thành lập chính phủ lập hiến. Ngày 10/10, ký được 3 cái “ Hội đàm kỷ yếu ”, phía Trung cộng gọi là “ Song Thập hiệp định ”. Thứ nhất liên quan đến phương châm căn bản xây dựng nước, cả hai bên đều đồng ý lấy hoà bình, dân chủ, đoàn kết làm cơ sở ; dưới quyền lãnh đạo của Tưởng Chủ tịch, trường kỳ hợp tác, kiên quyết tránh nội chiến, kiến thiết nước Trung Quốc hoà bình, tự do, phú cường, triệt để thực hành Tam dân chủ nghĩa. Lại đồng ý điều Tưởng Chủ tịch xướng đạo về dân chủ hoá, quốc gia hoá quân đội, đảng phái hoà bình hợp pháp là con đường đi đến hoà bình kiến quốc.


Liên quan đến vấn đề chính trị dân chủ hoá : nhất trí nhận thức cần cấp tốc kết thúc thời gian huấn chính, do chính phủ triệu tập hội nghị chính trị hiệp thương, mời đại biểu các đảng phái, cùng những nhân vật hiền đạt, thảo luận phương án hoà bình kiến quốc, cùng vấn đề triệu tập quốc dân đại hội. Phía Trung cộng chủ trương tuyển lại đại biểu quốc dân đại hội, hoãn thêm ngày triệu tập hội nghị ; sửa đổi phép tổ chức, phép tuyển cử, cùng bản thảo hiến pháp. Phía chính phủ cho rằng quốc dân đại hội đã tuyển được đại biểu tương đối hữu hiệu, số lượng có thể tăng gia. Kết quả hai bên đồng ý đưa ra hội nghị chính trị hiệp thương giải quyết. Lại đồng ý bảo hộ thân thể của con người, tự do tín ngưỡng, ngôn luận, xuất bản, lập hội ; pháp lệnh hiện hành đáng theo nguyên tắc này để sửa đổi, hoặc phế bỏ. Chính phủ thừa nhận các đảng bình đẳng, có địa vị hợp pháp ; chuẩn bị phóng thích chính trị phạm. Hai bên lại đồng ý tích cực thi hành địa phương tự trị, thực hành chính sách phổ thông đầu phiếu từ dưới lên trên.


Liên quan đến vấn đề quốc gia hoá quân đội : Phía Trung cộng đề xuất chính phủ chỉnh biên quân đội cần công bằng hợp lý, xác định kế hoạch thực thi, hoạch định lại quân khu, xác định chính sách tòng quân và bổ sung. Với kế hoạch này, Trung cộng nguyện đem 24 sư đoàn quân kháng Nhật giảm thành 20 sư đoàn. Cùng đem quân đội kháng Nhật tại các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, nam Giang Tô, nam và trung An Huy, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam cho giải ngũ ; đem quân đội di chuyển đến phía bắc tuyến đường sắt Lũng-Hải [từ Cam Túc đến hải cảng tại Giang Tô]. Phía chính phủ đồng ý quân Trung cộng kháng Nhật từ 24 sư đoàn giảm xuống 20 sư đoàn, về vấn đề trú quân do Trung cộng đề xuất phương án rồi thương thảo quyết định. Ngoài ra còn những vấn đề khác như quân sự uỷ hội, dân binh vùng giải phóng vv… ; hai bên sẽ bàn bạc chi tiết. Để tiến hành cụ thể các điều nêu trên, hai bên đồng ý do Quân chính bộ, Quân lệnh bộ và Đệ bát tập đoàn quân, mỗi tổ chức cử 1 người, tạo thành tiểu tổ 3 người phụ trách giải quyết.


Liên quan đến vấn đề địa phương khu giải phóng : Phía Trung cộng đề xuất chính phủ cần thừa nhận chính phủ địa phương dân tuyển các cấp tại khu giải phóng ; phía chính phủ biểu thị danh từ “ khu giải phóng ” đã trở thành quá khứ, toàn quốc chính lệnh cần thống nhất.


Phía Trung cộng đề xuất phương án thứ nhất, xét về tình hình 18 khu giải phóng, lập lại thành khu vực tỉnh hoặc hành chánh, tức dùng chính phủ địa phương dân tuyển các cấp trình xin chính phủ trung ương giao nhiệm vụ. Phía chính phủ cho rằng sau khi thống nhất quân lệnh, chính lệnh toàn quốc, sẽ khảo xét những người được dân tuyển do Trung cộng đưa ra, thu phục các nhân viên đã làm việc tại các khu, căn cứ vào năng lực và thành tích cho tiếp tục phục vụ tại địa phương, không vì vấn đề đảng phái mà đối xử sai biệt.


Phía Trung cộng đề xuất phương án thứ hai : xin trung ương uỷ nhiệm Trung cộng tiến cử chức Chủ tịch và Uỷ viên tại biên khu Thiểm Cam Ninh [Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ], cùng 5 tỉnh Nhiệt Hà, Sát Cáp Nhĩ, Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây. Đối với 6 tỉnh Tuy Viễn, Hà Nam, Giang Tô, An Huy, Hồ Bắc, Quảng Đông ; uỷ nhiệm Trung cộng tiến cử chức Phó chủ tịch, cùng Uỷ viên. Đối với 4 thành phố Bắc Bình, Thiên Tân, Thanh Đảo, Thượng Hải uỷ nhiệm Trung cộng suy cử Phó thị trưởng ; các tỉnh đông bắc khác, uỷ nhiệm cho Trung cộng cử người tham gia hành chánh. Kinh qua thảo luận, Trung cộng lại cải xin uỷ nhiệm tiến cử chức chủ tịch tại biên khu Thiểm Cam Ninh cùng 4 tỉnh Nhiệt Hà, Sát Cáp Nhĩ, Hà Bắc, Sơn Đông ; xin uỷ nhiệm tiến cử chức Phó chủ tịch tại Sơn Tây, Tuy Viễn ; xin uỷ nhiệm tiến cử chức Phó thị trưởng tại Bắc Bình, Thiên Tân, Thanh Đảo [Qingdao, Sơn Đông]. Phía chính phủ cho rằng trong cuộc kháng chiến Trung cộng có công lớn, về phương diện chính trị sẵn người có khả năng, hãy đề cử để chính phủ nhiêm dụng.


Rồi Trung cộng lại đề xuất phương án thứ ba nội dung tại các khu vực giải phóng cho nhân dân tổ chức phổ thông tuyển cử bầu chính phủ tại tỉnh, khu, huyện ; rồi trình lên trung ương uỷ nhiệm. Phía chính phủ cho rằng dân tuyển tại cấp huyện có thể khảo xét ; nhưng cấp tỉnh phải đợi sau khi hiến pháp ban bố mới thi hành ; trước mắt do trung ương bổ nhiệm chính phủ tỉnh.


Trung cộng lại đưa ra phương án thứ tư rằng các khu vực giải phóng duy trì hiện trạng, đợi hiến pháp quy định thực thi dân tuyển tại các cấp mới giải quyết ; hiện tại quy định biện pháp lâm thời để bảo đảm khôi phục hoà bình trật tự ; những vấn đề này giao cho hội nghị hiệp thương giải quyết. Phía chính phủ cho rằng trước mắt chính lệnh thống nhất cần thực hiện, mong thương lượng được phương án cụ thể ; phía Trung cộng đồng ý kế tục thương đàm.


Đối với vấn đề nhận cho quân Nhật đầu hàng, Trung cộng chủ trương hoạch định lại khu vực và tham gia công việc cho Nhật đầu hàng. Phía chính phủ biểu thị sau khi Cộng quân nhận chỉ thị của trung ương, từ đó sẽ khảo xét.


Trung cộng đối với cuộc đàm phán kỳ này, mặt ngoài ra vẻ mãn ý. Ngày 9/10 trong buổi hội do Trương Trị Trung hoan nghênh Mao Trạch Đông, Mao phát biểu “ Dưới sự lãnh đạo của Tưởng Uỷ viên trưởng, thành lập quốc gia tự do, dân chủ, hoà bình, thống nhất, đoàn kết, phú cường ; sự hợp tác của chúng tôi trường kỳ ”; “ Trung Quốc ngày nay chỉ có một điều kiện là hoà, ‘Dĩ hoà vi quý’ ; còn lo tính làm những điều khác là sai ” ; đối với tiền đồ dân tộc, Mao tỏ vẻ lạc quan. Giải Phóng Nhật Báo lại một lần nữa viết rằng Quốc Cộng hội đàm đã thu được thành quả trọng yếu, chỉ cần đưa vào thực hiện. Nhưng hiệp định Song Thập chưa từng giải quyết được cụ thể những vấn đề then chốt. Lập trường nhất quán của chính phủ là quân sự, chính lệnh phải thống nhất, các thứ khác có thể đối Trung cộng khoan dung ; trung ương có thể nhường, nhưng địa phương không nhường ; chính trị có thể nhường, nhưng quân sự không nhường. Lập trường của Trung cộng trung ương cần tranh, nhưng địa phương và quân sự lại cần tranh hơn. Mao chấp nhận bỏ một số khu vực tại phương nam, do lực chưa đủ, khó có thể đề kháng áp lực của quân chính phủ ; còn về căn cứ địa tại phương bắc, không những cần giữ chặt, mà lại còn mưu khuếch trương lớn. Sau khi về đến Diên An, vào ngày 17/10 Mao báo cáo với các cán bộ rằng “ Vấn đề khu giải phóng chưa giải quyết, vấn đề quân đội thực tế cũng chưa giải quyết ; những điều đạt được qua hiệp định chỉ mới nằm trên giấy, muốn thành hiện thực cần phải kinh qua nỗ lực lớn. Khu giải phóng có nhân dân 100 triệu, quân đội 1 triệu, 2 triệu dân binh, không ai có thể xem thường ; trong dĩ vãng đã không tiêu diệt được ta, hà huống gì ngày hôm nay ! Người đánh ta, thì ta đánh lại ”. Năm 1937, Trung cộng đối Quốc dân đảng nhượng bộ, thực hiện cuộc kháng Nhật toàn quốc ; lần này tuy có nhường một ít vùng đất tại phương nam, nhưng tại phương bắc tuyệt đối không nhường. Quân đội tuy rút xuống với tỷ số so với chính phủ là 1/6 ; nhưng một viên đạn, một khẩu súng cũng không giao nạp.




3. Cuộc chiến Quốc, Cộng lúc Nhật đầu hàng



Trong Hội đàm kỷ yếu đành bỏ ngỏ, không quy định được rõ ràng khu vực chấp nhận Nhật đầu hàng thuộc về bên nào, nên Trung cộng cố giành cho nhiều, mong chiếm nhiều quyền lợi ; nhân vì chiếm được quyền chấp nhận hàng tức phái binh chiếm trọn khu vực Nhật chiếm đóng. Phần lớn khu vực này thuộc vùng xôi đậu, xen kẽ với khu vực quân du kích Trung cộng ; nên Trung cộng đề nghị đình chỉ vũ trang xung đột, quân hai bên tạm lưu nguyên chỗ ; tức không cho phép quân chính phủ tiến vào khu quân Nhật chiếm để làm thủ tục cho Nhật đầu hàng. Phía chính phủ chủ trương đình chỉ xung đột, chỉ muốn Trung cộng hứa cho quân chính phủ đi vào vùng Nhật chiếm, thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Nhân Trung cộng cự tuyệt, cho rằng đòi hỏi đó không nằm trong Hội đàm kỷ yếu quy định, nên gây xung đột.


Sau khi quân Nhật đầu hàng, các thành lớn tại Hoa bắc, Hoa đông quân Nhật và nguỵ vẫn chiếm đóng, đợi quân chính phủ đến xin hàng, những vùng này cự ly cách quân Trung cộng không xa. Khoảng 1 trăm thành trấn tương đối nhỏ, chung quanh Yên Đài [Yantai, Sơn Đông], Trương Gia Khẩu [Zhangjiakou, Hà Bắc] đều bị Trung cộng chiếm đóng. Các tuyến đường sắt tại Hoa bắc bị Cộng quân khống chế hoặc bao vây ; nhắm ngăn chặn quân chính phủ tiến lên, bèn cho phá hoại tổng cộng đến hơn 1.400 km. Trước khi Mao Trạch Đông rời Trùng Khánh 2 ngày, ra lệnh Cộng quân tiếp tục thế công, chiếm đoạt hoặc cắt đứt đường sắt, mở rộng chiếm các hương thôn thành thị ; chẳng bao lâu chiếm phần lớn các tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc, Sơn Tây, Tuy Viễn, phía bắc tỉnh Giang Tô ; toàn tỉnh Sát Cáp Nhĩ và một bộ phận tỉnh Liêu Ninh. Quân chính phủ được quân Mỹ không vận, hải vận yểm trợ, chuyển đến các thành lớn tại Hoa bắc; Thuỷ quân lục chiến Mỹ cũng chia đóng các thành trấn quan trọng tại Hoa bắc.


Quân chính phủ của Truyền Tác Nghĩa sau khi thu phục các thành tại Quy Tuy [Hohhot, Nội Mông], lại hướng về phía đông, bị Cộng quân đánh lui ; quân Diêm Tích Sơn tại phía đông nam tỉnh Sơn Tây cũng thất lợi. Miền Hoa trung, Hoa đông chính phủ chiếm ưu thế ; nhưng tại miền Sơn Tây, Hà Nam, phía bắc Giang Tô, Cộng quân chiếm hơn 100 toà thành. Đoạn phía bắc đường sắt Bình-Hán [Bắc Bình, Hán Khẩu], phía đông đường sắt Lũng-Hải [Cam Túc, hải khẩu Giang Tô], đường sắt Đồng-Phố 5 đều bị Cộng quân cắt phá ; các thành lớn tại Thái Nguyên [Taiyuan, Sơn Tây], Khai Phong [Kaifeng, Hà Nam], An Dương [Anyang, Hà Nam] đều bị vây.


Sau khi Mao Trạch Đông rời Trùng Khánh, Chu Ân Lai cùng chính phủ tiếp tục đàm phán. Chính phủ yêu cầu khôi phục giao thông đường sắt, Trung cộng yêu cầu đình chỉ tiến binh, tiến chiếm ; nếu như muốn chuyển quân đến Bắc Bình, Thiên Tân, cần phải thương lượng. Tháng 11, quân chính phủ dưới quyền Tôn Liên Trung từ Hà Nam theo đường sắt Bình-Hán ngược lên phía bắc, đến huyện Từ [Cixian] thuộc Hàm Đan tỉnh Hà Bắc, bị Cộng quân dưới quyền Lưu Bá Thừa tập kích ; một cánh quân nổi loạn, hai cánh quân khác bị tiêu diệt. Đại biểu chính phủ chủ trương quân hai bên ở đâu tạm dừng ở đó ; quân Trung cộng tiến ra cách hai bên đường sắt đến 10 km, nhưng quân chính phủ cũng không phản ứng. Trung cộng yêu cầu quân chính phủ đã tiến chiếm phải triệt thoái, bảo đảm không tái tấn công khu giải phóng. Mao Trạch Đông tại Diên An tuyên bố với ký giả không hứa cho chính phủ chuyển binh trên xe lửa là một trong những khí giới ngăn ngừa nội chiến. Muốn khôi phục giao thông trước hết phải giải quyết 3 vấn đề : quy đinh khu vực chấp nhận Nhật đầu hàng thuộc về bên nào, công nhận khu vực giải phóng và đối xử với nguỵ quân. Tiếp theo Cộng quân đánh mạnh tại các vùng Bao Đầu [Baotou, Nội Mông], Quy Tuy thuộc tỉnh Tuy Viễn; biên giới hai tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam ; phía bắc Giang Tô, Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc cũng lâm vào chiến tranh không ngừng.


Tháng 11, trung ương Trung cộng mệnh khu vực giải phóng động viên lực lượng, bảo vệ khu giải phóng. Cho nông dân được hưởng giảm tô 6, công nhân được tăng tiền công ; cho địa chủ tiếp tục hoạt động ; công thương nghiệp tư sản vẫn được mưu lợi. Ngoài ra còn hô hào phát triển sản xuất, tăng gia lương thực cùng nhu yếu phẩm, cải thiện nhân dân sinh hoạt, cứu tế dân nghèo. Còn Tưởng Giới Thạch thì triệu tập các quân quan chỉ huy, thi hành chính sách chỉnh quân và phục viên. Mao tranh nhờ sự ủng hộ của nhân dân, Tưởng chính yếu chú trọng vào quân đội. Ngày 25/11, Chu Ân Lai rời Trùng Khánh trở về Diên An, hội nghị Quốc, Cộng đình đốn. Đồng minh dân chủ hiệu triệu phản đối nội chiến ; Giáo thụ và học sinh liên hiệp đại học tây nam tại Côn Minh bãi khoá hưởng ứng ; những viên chức cũ dưới quyền Chủ tịch Long Vân 7 bị giải chức, tham gia xui dục phiến động, khiến học sinh và quân đội xung đột, tử thương hơn 20 người, càng tăng thêm sự khốn khó cho chính phủ. Việc giao thiệp với Nga tại miền đông bắc lại càng gây thêm khó khăn.




Hồ Bạch Thảo










1 Dân hữu : Trong Tam dân chủ nghĩa, Tôn Trung Sơn giải thích nội dung dân hữu tức dân có quyền làm chủ “ Bốn vạn vạn dân [400 000 000] là chủ nhân của đất nước, người trong nước đều là vua [Thiên tử] của nước.”


2 Quốc thị : chính sách trọng đại của quốc gia.


3 Đông Tam Tỉnh : ba tỉnh phía đông bắc Trung Quốc, tức Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh.


4 Quân nguỵ : chỉ quân dưới quyền phe Uông Triệu Minh.


5 Đường sắt Đồng Phố : từ Đại Đồng [Datong] tỉnh Sơn Tây bang qua sông Hoàng Hà xuống phía nam gặp đường sắt Lũng Hải.


6 Giảm tô : giảm lúa hoặc tiền phải nạp cho chủ đất.


7 Chủ tịch Vân Nam, Long Vân, bị mất chức vào ngày 2/10/1945


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss