Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Trung Quốc cận đại : Chính quyền tại lục địa đổi chủ sau Đệ nhị Thế chiến / Chính quyền Trung Quốc tại lục địa đổi chủ sau Đệ nhị Thế chiến (3)

Chính quyền Trung Quốc tại lục địa đổi chủ sau Đệ nhị Thế chiến (3)

- Hồ Bạch Thảo — published 23/08/2015 22:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 3 : Tướng George Marshall làm Đặc sứ tại Hoa [1945-1947]


Lịch sử Trung Quốc cận đại



Chính quyền Trung Quốc tại lục địa
đổi chủ sau Đệ nhị thế chiến



Hồ Bạch Thảo




Chương ba

Tướng George Marshall làm Đặc sứ tại Hoa
[1945-1947]


marshall

George Marshall [1880-1959]
Nguồn
: wikipedia



1. Lệnh đình chiến, hội nghị hiệp thương chính trị,
phương án quân đội chỉnh biên thống biên


Ngày 15/12/1945 tướng Marshall rời thủ đô Washington đến Trung Quốc, Tổng thống Truman phát biểu thanh minh trình bày chính sách tại Hoa :

Thứ nhất, hy vọng Quốc dân chính phủ cùng quân đội Trung cộng đình chỉ xung đột ; do các phần tử đại biểu chủ yếu về chính trị cùng tham gia hội nghị toàn quốc, đi đến thống nhất (tức Quốc, Cộng đình chiến, triệu tập hội nghị hiệp thương).


– Thứ hai, thừa nhận Quốc dân chính phủ là chính phủ duy nhất hợp pháp, đến lúc cơ sở khuếch đại, dung nạp các phần tử chính trị khác, tất có thể xúc tiến Trung Quốc thống nhất, dân chủ, hoà bình cải cách, 1 đảng huấn chính tất sẽ tu sửa (tức cải tổ chính phủ Quốc dân đảng thành chính phủ liên hiệp).


Thứ ba, sự tồn tại của quân đội Cộng sản, đoàn kết với nền chính trị Trung Quốc, sẽ đi theo hướng khác ; dưới quyền một nền chính trị đại nghị, các lực lượng vũ trang cần biên chế vào Quốc dân chính phủ (tức Cộng quân cải biên thành Quốc quân).


– Thứ tư, Trung Quốc đáng noi theo con đường nêu trên tiến một cách hoà bình ; nước Mỹ sẽ viện trợ Quốc dân chính phủ bắt tay vào kiến thiết, cải thiện kinh tế, kiến lập thể chế quân sự (tức nước Mỹ sẽ viện trợ kinh tế cho Trung Quốc).


– Thứ năm, trình bày lại những điểm trong hội nghị Cairo [1943], Potsdam [7/1945], Trung Nga điều ước, quy định đưa miền đông bắc giao lại cho Trung Quốc, thanh trừ thế lực Nhật Bản tại Hoa. Lục quân Mỹ tại Hoa Bắc hiệp trợ Quốc dân chính phủ giải trừ quân Nhật vũ trang, rồi xúc tiến triệt thoái (tức đông bắc cần trao lại cho Trung Quốc).



Trong lời thanh minh của Mỹ, điều thứ hai Quốc dân chính phủ không ưa, điều 3 Trung cộng không thể đồng ý vô điều kiện ; điều 4, điều 5, Nga Xô rất lấy làm cố kỵ.


Ngày 25/12, Thống tướng Marshall đến Trùng Khánh ; hai hôm sau Quốc dân chính phủ và Trung cộng trở lại hội nghị. Ngày 5/1/1946 quyết định thành lập tiểu tổ 3 người, Trương Quần đại biểu phía chính phủ, Chu Ân Lai đại biểu Trung cộng, cùng Marshall thương thảo đình chỉ xung đột, khôi phục giao thông. Ngày 10/1, có được những quyết nghị như sau :


1. Quân Quốc dân chính phủ cùng bộ đội Trung Cộng, lập tức đình chỉ hành động chiến đấu (có hiệu lực vào ngày 13/1).


2. Ngoại trừ vài quy định riêng, việc điều động quân đội nhất luật đình chỉ.


3. Phá hoại cùng trở ngại tuyến giao thông cần phải đình chỉ, trừ bỏ những vật chướng ngại giao thông.


4. Để thực hành hiệp định đình chiến, phía chính phủ, Trung cộng và Mỹ, mỗi bên cử một người, lập thành bộ điều xử chấp hành tại Bắc Bình ; các mệnh lệnh, huấn lệnh đều do 3 bên đồng ý, dùng danh nghĩa Quốc dân chính phủ thông qua bộ điều xử chấp hành ban bố.


5. Kinh qua Quốc dân chính phủ và Trung cộng đồng ý, đối với việc quân Quốc dân chính phủ đi vào miền đông bắc, hoặc điều động trong vùng đông bắc không bị ảnh hưởng với quy định trên, tuy nhiên mỗi ngày phải thông tri cho bộ điều xử chấp hành biết.


Những biện pháp nêu trên, được đưa cho Tưởng Chủ tịch, và Trung cộng trung ương chấp hành uỷ viên hội Chủ tịch Mao Trạch Đông hạ lệnh thuộc cấp tuân hành.


Cùng ngày với lệnh đình chiến ban bố, chính phủ và Trung cộng đồng ý hội nghị chính trị hiệp thương ; tham gia có 38 người, thuộc đại biểu các đảng phái và không đảng phái ; thành phần gồm : 8 Quốc dân đảng, 7 Trung cộng, 5 Trung Quốc Thanh niên đảng, 1 Thôn trị phái, 1 Đệ tam đảng, 9 không đảng phái tức những người hiền đạt trong xã hội, 7 thuộc Dân chủ đồng minh. Tưởng Giới Thạch đọc diễn văn, hy vọng hội nghị đặt ra mô hình dân chủ ; tuyên bố chính phủ quyết định thực thi những điều cho dân hưởng về tự do, các chính đảng nhất luật bình đẳng, thực hành phổ thông tuyển cử, phóng thích chính trị phạm. Chu Ân Lai tiếp lời rằng cần phải ra sức quyết tâm, khiến vĩnh viễn Trung Quốc không phát sinh nội chiến, hoan nghênh Tưởng chủ tịch công bố những điều bảo đảm quyền lợi cho nhân dân ; Thanh niên đảng, Dân chủ đồng minh, và thành phần không đảng phái cũng có biểu thị tương tự. Thực tế cuộc hội nghị hiệp thương ngoài Quốc dân đảng, Trung cộng còn có thêm thế lực thứ ba. Thế lực này lập trường không giống nhau, Thanh niên đảng và 2/3 thành phần vô đảng phái theo phe Quốc dân đảng ; Dân chủ đồng minh và 1/3 vô đảng phái hướng theo Trung cộng. Từ ngày 10/1 đến ngày 19, trải qua 9 lần hội nghị, các nghị án trọng đại hoàn tất ; chưa xong hết thì chia tổ tiếp tục thương lượng ; hai tổ thảo án về hiến pháp và quân sự đạt được hiệp nghị trước ; rồi đến 3 tổ : cương lĩnh thi hành chính sách, tổ chức chính phủ, quốc dân đại hội, hoàn thành sau. Ngày 27, Chu Ân Lai bay về Diên An báo cáo, ngày 30 trở lại Trùng Khánh. Ngày 31, hội nghị chính trị hiệp thương cử hành cuộc họp lần thứ 10, thông qua các quyết nghị dưới đây, rồi bế mạc :


1. Cải tổ chính phủ :


– Uỷ viên Quốc dân chính phủ 40 người, một nửa do Quốc dân đảng đảm nhiệm ; số còn lại do thành phần ngoài Quốc dân đảng đảm nhiệm ; gặp trường hợp thay đổi, phải được 2/3 Uỷ viên tán thành.


– Người đứng đầu các bộ thuộc Hành chánh viện, hoặc Uỷ viên chính vụ ; từ 7 đến 8 người (một nửa) do thành phần không thuộc Quốc dân đảng đảm nhiệm ; tại trung ương hoặc địa phương dùng người không kỳ thị đảng phái.


2. Cương lãnh thi hành chính sách hoà bình :


– Tôn phụng Tam dân chủ nghĩa làm nguyên tắc tối cao.


– Dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch, kiến thiết nước Trung Quốc mới tự do, thống nhất, dân chủ.


– Xác nhận chính trị dân chủ hoá, quân đội quốc gia hoá, đảng phái hoà bình hợp pháp, nhắm đi đến con đường hoà bình, xây dựng nước.


– Dùng phương pháp chính trị để giải quyết chia rẽ về chính trị.


3. Vấn đề quân sự :Quân đội thuộc quốc gia.


– Quân và đảng chia cách, quân dân chia ra để trị, dùng chính phủ trị quân ; bất cứ đảng phái nào cũng không được lợi dụng quân đội làm công cụ tranh quyền.


– Cải tổ quân sự uỷ viên hội thành bộ quốc phòng ; trong đó thành lập kiến quân uỷ viên hội, do nhân sĩ các phái tham gia.


– Tiểu tổ quân sự 3 người cần thương lượng định đoạt chỉnh lý biên chế ; cùng biện pháp Cộng quân gia nhập quân đội Quốc dân chính phủ.


4. Quốc dân đại hội : định vào ngày 5/5/1946 lập hiến pháp ; ngoài các đại biểu cũ, đặt thêm các đại biểu cho Đài Loan và miền đông bắc, cùng đại biểu cho các đảng phái và các nhân sĩ vô đảng phái. (Số lượng như sau : Đài Loan và miền đông bắc số đại biểu 150 người, Quốc dân đảng 220 người, Trung cộng 195 người, Thanh niên đảng 100 người, Dân chủ đồng minh 120 người, nhân sĩ hiền đạt 70 người, cựu đại biểu 1195 người ; mới và cũ gộp lại gồm 2050 người.)


5. Tu sửa hiến pháp : tổ chức Thẩm nghị uỷ viên hội, trong vòng 6 tháng tu chính bản thảo hiến pháp của Quốc dân chính phủ từng soạn thảo trước ngày toàn quốc kháng Nhật.


Ngày 9/2/1946, tiểu tổ 3 người bắt đầu họp, Trương Trị Trung được thay làm đại biểu Quốc dân chính phủ ; riêng đại biểu Trung cộng và Mỹ vẫn là Chu Ân Lai, Thống tướng Marshall như cũ. Vào ngày 5/3 hoàn thành nghị định “ Chỉnh biên quân đội cùng cơ bản phương án việc bộ đội Trung cộng trở thành quân đội Quốc dân chính phủ ”, nội dung :


– Thứ nhất : Bộ điều xử chấp hành căn cứ vào phương án, hoàn thành trong vòng 18 tháng.


– Thứ hai : khi Thống soái tối cao thay đổi quan quân của Trung cộng, cần do Đại biểu Trung cộng đưa người ra thay thế.


– Thứ ba : khi sử dụng lục quân trấn áp tao loạn, cần qua uỷ viên hội Quốc dân chính phủ đồng ý.


– Thứ tư : trong vòng 12 tháng của kỳ thứ nhất, quân chính phủ chỉnh biên thành 90 sư đoàn, Trung cộng chỉnh biên thành 18 sư đoàn ; tại kỳ thứ hai, trong tổng số 60 sư đoàn, quân chính phủ chỉnh biên thành 50 sư đoàn, quân Trung cộng chỉnh biên thành 10 sư đoàn.


– Thứ năm : kỳ thứ nhất biên chế tất cả thành 4 tập đoàn quân, mỗi tập đoàn đều do quân chính phủ và Trung cộng biên thành. Kỳ thứ hai, biên tất cả thành 6 quân, thành phần mỗi quân đều có quân chính phủ và Trung cộng.


– Thứ sáu : quân bảo an tại các tỉnh, hạn là 15 ngàn quân.




2. Quan hệ giữa Quốc dân chính phủ với Nga Xô, Trung cộng trở nên xấu



Hội nghị hiệp thương chính trị kết thúc, các phe phái đều cảm thấy vui mừng ; ngay cả chính khách Mạc Tư Khoa cũng bình luận rằng lệnh đình chiến cùng hội nghị hiệp thương chính trị là bước thứ nhất của nền chính trị dân chủ Trung Quốc. Trung cộng càng mãn ý, trong ngày bế mạc hội nghị Chu Ân Lai thay mặt Mao Trạch Đông và ban chấp hành trung ương Trung cộng gửi lời cảm tạ tướng Marshall, khen ông ta công chính, và đích thân cầm thư của Mao trao cho Marshall. Chu nói rằng Trung cộng chuẩn bị hợp tác với Mỹ qua địa bàn địa phương cùng toàn quốc ; dân chủ kiểu Mỹ sắp được bắt đầu tại Trung Quốc. Trước mắt Trung quốc chưa có điều kiện đầy đủ cho chế độ Xã hội chủ nghĩa, Trung cộng cũng chưa muốn thực hiện trong tương lai gần. Trung Quốc đáng theo con đường của Mỹ, ra sức thực hiện dân chủ, khoa học, đặc biệt là cải cách nông nghiệp, công nghiệp hoá, tự do xí nghiệp, phát triển cá tính ; xây dựng một nước Trung quốc độc lập, tự do, phồn vinh ; cùng nói bóng gió rằng Mao Trạch Đông hy vọng có dịp đến thăm Mỹ. Ngày 1/2, những nhân vật uy quyền tại Diên An khen hội nghị hiệp thương gặt hái được thành quả lớn, quyết định nên thực hiện như thế nào, các khu giải phóng mở đại hội chúc mừng.


Riêng Quốc dân đảng thì có phần thận trọng. Trong buổi bế mạc hội nghị chính trị, Tưởng Giới Thạch ngỏ lời, ngoại trừ việc mong muốn mọi người có trách nhiệm thủ tín tuân hành hiệp nghị, về việc chỉnh đốn biên chế hết sức quan trọng ; quân lệnh, quân chế cần được thống nhất. Lại nói với các ký giả trong và ngoài nước rằng hết sức mong muốn các đảng phái hợp tác mãi mãi ; nhân dân toàn quốc tin tưởng Trung cộng thiết thực thi hành quân đội quốc gia hoá “ Nếu Trung cộng không thể dẹp bỏ quân đội riêng, thì chính trị hiệp thương trở nên vô hiệu ”. Có thể thấy những điểm Tưởng chú ý và hoài nghi việc Trung cộng chịu giao quân đội.


Trong vòng hơn 10 năm nay, các phái hệ trong Quốc dân đảng tranh chấp tương đối mạnh, trong đó mâu thuẫn mạnh nhất giữa hệ Chính học và hệ C C 1. Hệ Chính học có khá nhiều nhân vật quan trọng nằm trong chính phủ, sau khi chiến tranh thắng lợi, nhiều nhân vật trong hệ này đảm nhiệm việc thu phục miền đông bắc và Đài Loan. Đại biểu Quốc dân đảng tham gia hiệp thương chính trị, có cả hai hệ Chính học và C C ; còn việc phụ trách giao thiệp với Nga hầu hết thuộc hệ Chính học. Chính học hệ đối với vấn đề Trung cộng có khuynh hướng thoả hiệp, đối với Nga thường nhượng bộ ; riêng hệ C C không muốn Trung cộng tham gia chính quyền.


Ngày 4/2/1946, Trương Gia Loan từ Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm] trở về Trùng Khánh ; Tưởng Chủ tịch nghe lời báo cáo của Trương, rất lấy làm phẫn nộ, bảo rằng “ Phía Nga không chịu triệt binh, phía ta không tiến lên được ; nếu vậy không bàn về hợp tác kinh tế, cứ bỏ đó xem sao ” Trương bảo rằng “ Từ nay trở về sau, Nga, Mỹ đối chọi, tình cảnh thật không dễ ! Nga sẽ lợi dụng Trung cộng lập chính quyền tại miền đông bắc, đông bắc toàn Cộng sản, Hoa bắc cũng toàn Cộng sản ; cần phải khảo xét kỹ thêm, quyết định một trong hai phương án : một là tuyệt đối không thảo luận hợp tác kinh tế với Nga Xô ; hai là đặt ra đáp án mới, đồng thời đề xuất những điều kiện, hy vọng Nga Xô thi hành.” Tưởng chấp thuận cho khảo xét. Ngày hôm sau, Nga Xô lấy cớ để giải giới quân đội Trung Quốc vũ trang ; nên quyết định khi quân Nga chưa rút hết tại tại Thẩm Dương sẽ không phái binh đến Trường Xuân. Ngày mồng 7, Tưởng quyết định theo phương án bàn bạc nhượng bộ, một mặt bộ ngoại giao thông báo cho Đại sứ Nga Petro, một mặt phái Trương Gia Ngao đến Trường Xuân thu xếp.


Ngày 9/2, nước Mỹ gửi công hàm riêng cho Trung Quốc và Nga, liên quan đến hiệp thương kinh tế tại Mãn Châu, không nên ngại về chính sách môn hộ khai phóng 2, cùng nguyên tắc các nước có cơ hội ngang nhau. Quốc vụ khanh Mỹ James Byrnes cho rằng việc xử trí tài sản Nhật tại Mãn Châu cần do Uỷ viên hội quân đồng minh tại Viễn Đông quyết định. Do đó những kẻ chủ trương cường ngạnh với Nga có thêm lời ; nhân sĩ tại Trùng Khánh du hành miền đông bắc yêu cầu quân Nga lập tức triệt thoái, trả lại vật tư đã chiếm đoạt. Tưởng Chủ tịch vẫn chủ trương đàm phán với Nga, nhưng vấn đề hợp tác kinh tế thì đợi sau lúc triệt binh, chính quyền tiếp thu xong, sẽ thực hành. Ngày 19, Đại sứ Nga đích thân báo cho Ngoại trưởng Vương Thế Kiệt biết rằng nếu như vấn đề chiến lợi phẩm không thể giải quyết, thì mọi việc sẽ không giải quyết, cùng kháng nghị du hành phản đối. Nguyên có ý định cho Trương Gia Ngao đi Trường Xuân bàn bạc thêm, thì được lệnh đình hoãn.


Ngày 22/2, hai vạn học sinh tại Trùng Khánh cử hành cuộc thị uy lớn, dùng dao đâm vào tượng Stalin, hô to “ Quân Nga phải triệt thoái lập tức ”, “ Phản đối đòi hỏi mới của Nga Xô ”, “ Đả đảo tân đế quốc chủ nghĩa ”; rồi phá huỷ cơ sở kinh doanh “Tân Hoa Nhật Báo” của Trung cộng ; các thành thị lớn trong nước đều hưởng ứng. Trung cộng chỉ trích hành động bài ngoại, còn cho là Quốc dân đảng âm mưu phá vỡ quyết nghị hiệp thương. Mạc Tư Khoa trách chính phủ Trung Quốc tưởng lệ bọn tuyên truyền phản Nga ; tướng Nga tại Viễn Đông, Rodin Y. Molinovsky nói rằng Trung Quốc bị nước thứ ba xui bẩy. Tưởng Chủ tịch muốn giải quyết xong đại cuộc, tuyên bố vấn đề đông bắc cần phải giải quyết hợp lý, tình hữu nghị Trung Nga nên giữ gìn ; hy vọng hành động của nhân dân đừng vượt quá phạm vi, chê trách Trần Lập Phu nặng nề về việc học sinh biểu tình. Ngày 27, Đại sứ Nga Petro kháng nghị, cho rằng việc thị uy có hành động tổ chức, lại làm nhục lãnh tụ tối cao của Nga Xô, chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.


Ngày 28/2, Quốc vụ khanh Mỹ diễn thuyết, không chấp nhận cưỡng bách và dùng áp lực xâm lược, cũng phản đối thâm nhập bằng chính trị để thi hành xâm lược ; nhấn mạnh một cường quốc không có quyền tự tiện trú quân tại một nước độc lập, không có quyền tịch thu tài vật tại khu vực Nhật đầu hàng ; những hành động này vi phạm hiến chương Liên hiệp quốc, lúc cần nước Mỹ sẽ dùng vũ lực bảo vệ hiến chương này. Ngày 4/3, Nga Xô phúc đáp công hàm ngày 9/2 của Mỹ, bảo rằng Trung Nga từng thảo luận về tổ hợp công ty khai phá những xí nghiệp trước đây quân Quan Đông lợi dụng khai thác, các xí nghiệp này Nga Xô cho là chiến lợi phẩm ; Nga xô cũng không bài xích nước khác, không làm gì hại đến chính sách môn hộ khai phóng. Phía Trung Quốc chỉ trích yêu cầu của Nga Xô vượt ra khỏi Quốc tế công pháp, thể lệ chung quốc tế, cùng Trung Nga hữu hảo điều ước. Nước Mỹ không đồng ý với quan điểm của Nga Xô, tuy không phản đối đàm phán giữa Trung Nga, nhưng việc này phải xy ra sau khi Trung Quốc đã quản lý hành chánh miền đông bắc. Nhưng do lòng dân nước Mỹ lúc bấy giờ sợ bị sa vào vòng chiến tranh, nên cuối cùng chính phủ Mỹ không có biểu thị cương quyết.


Từ ngày 1 đến ngày 17/3, Quốc dân đảng cử hành hội nghị toàn thể lần thứ hai, khoá 6 ; công kích mãnh liệt người phụ trách kinh tế, tài chính, ngoại giao, chủ trương phế bỏ Trung Nga hữu hảo điều ước ; đối với hội nghị chính trị hiệp thương, yêu cầu xử phạt đại biểu Quốc dân đảng có liên quan ; phần nhiều những ý kiến này phát xuất từ hệ C C. Tưởng tái khẳng định rằng Quốc dân đảng không thể không nhượng bộ các đảng khác ; quốc tế hợp tác là xu thế của thế giới, từ nay trở về sau mọi vấn đề giải quyết bằng chính trị. Hội nghị thông qua các vấn đề sau đây :


– Thứ nhất, mưu Trung Nga chân chính thân thiện, tuân thủ Đồng minh hữu hảo điều ước giữa hai nước, cấp tốc triệt thoái quân Nga tại miền đông bắc, do quân Quốc dân chính phủ tiếp thu phòng thủ.


– Thứ hai, tin vào quyết định của hội nghị hiệp thương cùng mong Trung cộng thi hành chỉnh biên quân đội, theo phương án của quân đội quốc gia.


– Thứ ba, căn cứ theo kiến quốc đại cương và ngũ quyền hiến pháp 3 của Tôn Trung Sơn để soạn thảo hiến pháp.


– Thứ tư, Uỷ viên Quốc dân chính phủ do Chủ tịch Quốc dân chính phủ đề nghị, ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng tuyển dùng.


Đại hội tuyên ngôn đúng theo kỳ hạn triệu tập quốc dân đại hội, trả chính quyền cho dân, tức không trao cho các đảng, các phái; quân đội quốc gia hoá, tức Trung cộng không nắm quân đội ; Uỷ viên Quốc dân chính phủ do Quốc dân đảng tuyển giao chức, tức không chịu bỏ đảng trị.


Chiếu theo lệnh đình chiến cùng quyết nghị của hội nghị hiệp thương, quân chính phủ không được tiến vào khu vực Cộng sản, Trung cộng được tham gia vào chính phủ liên hiệp. Đối với phương án chỉnh biên, thống biên lại càng thêm mãn ý. Nguyện vọng của Mao Trạch Đông chỉ muốn Cộng quân đối với Quốc quân duy trì ở tỷ lệ 1/6 hoặc 1/7 ; kết quả đạt đến 1/5. Nhưng không lâu Mao tỏ ra nghi ngờ, đặc biệt đối với việc thực thi tổ chức chính phủ. Trong trường hợp đủ số 2/3 đồng ý, Quốc dân chính phủ có quyền quyết định. Toàn thể Uỷ viên gồm 40 người, đại biểu Trung cộng 8 người, Dân chủ đồng minh đồng minh 4 người; Trung cộng muốn nắm quyền phủ quyết nên yêu cầu đủ số gộp với Dân chủ đồng minh là 13 người, nhưng Quốc dân đảng không chịu. Trước kỳ hội nghị khoá 6 lần thứ 2 của Quốc dân đảng một ngày ; báo Cộng sản tại Diên An trách cứ Quốc dân đảng âm mưu phá vỡ quyết định của hội nghị chính trị hiệp thương. Trong thời gian hội nghị, Tân Hoa nhật báo mấy lần đả kích, bảo rằng phái phản động ngoan cố với thế lực lấn át trong Quốc dân đảng phải bị ngăn chặn. Hội nghị kết thúc, Chu Ân Lai chỉ trích kết quả trái với quyết định của hội nghị chính trị hiệp thương. Báo chí Liên Xô cũng kết án phần tử phản động trong Quốc dân đảng lộng hành, phản đối Trung Nga hữu hảo điều ước, cùng quyết nghị của hội nghị chính trị hiệp thương, lại nhận được sự chi trì của ngoại quốc, làm cuộc vận động phản Nga.


Ngày 20/3, Tưởng Chủ tịch tại hội nghị tham chính, thuyết trình công tác từ nay trở về sau ; trong đó có quân lệnh, chính lệnh, triệu tập quốc dân đại hội, thực thi hiến chính. Ngày 1/4, Tưởng lại báo cáo tại hội nghị tham chính, cho rằng hội nghị chính trị hiệp thương không chế định hiến pháp, huấn chính ước pháp là phép lớn của quốc gia, trước lúc chưa ban hành hiến pháp không thể phế bỏ, cần khuếch trương tổ chức lực lượng, chứ không phải là lật đổ cơ sở của Quốc dân chính phủ. Đòi hỏi chủ quyền miền đông bắc phải được hoàn chỉnh, không thừa nhận cái Trung cộng gọi là “ Dân chủ liên quân ” hoặc “ Dân tuyển chính phủ ” ; trước khi tiếp thu xong quân Nhật đầu hàng, sẽ không bàn về nội chính, hy vọng bộ đội Trung cộng thi hành thống biên.


Ngày 4/ 4, Chu Ân Lai lại trách Quốc dân đảng phá hoại quyết nghị của hội nghị chính trị hiệp thương, cùng các hiệp định đình chỉ xung đột, khôi phục giao thông, quân đội chỉnh biên, thống biên ; cùng cho rằng các quyết nghị về hiệp định đình chiến và hội nghị chính trị phải được thi hành cho cả vùng đông bắc. Ngày 6, Giải phóng nhật báo của Trung cộng đăng bài xã luận “ Bác Tưởng Giới Thạch ”, đả kích đến điều, không còn để lại một chút tình nào, bảo rằng “ Tưởng có tội làm mất miền đông bắc, không có chút công nào trong việc thu phục đông bắc ”, “ Thông đồng với giặc bán nước ” ; lời lẽ coi như muốn phế bỏ mọi sự đàm phán trong tương lai.




3. Chiến tranh lớn ngoài Sơn Hải Quan



Trong vòng 14 năm bị dày xéo bởi ngoại bang, sau khi Nhật đầu hàng, dân miền đông bắc không ai là không mơ tưởng đến nước cũ. Nhưng quân Quốc dân chính phủ chậm chạp chưa đến nơi, thì quân Trung cộng đã nhanh chân đến trước, được dân chúng vui mừng đón tiếp, quân đội cũ của nước Mãn Châu rầm rộ quy phục. Tháng 11/1945, Bát lộ quân đến từ Vạn lý trường thành, Tân tứ quân đến từ Sơn Đông ; cùng liên quân kháng Nhật tại miền đông bắc, Dân chủ tự trị quân, Tự vệ quân, hợp lại thành “ Đông bắc dân chủ liên quân ” ; tất cả dưới quyền Tổng tư lệnh Lâm Bưu, lập bộ tổng chỉ huy tại Giai Mộc Tư [Jiamusi, Hắc Long Giang], hạ lưu sông Tùng Hoa. Mao Trạch Đông kể lại rằng : khi mới đến Cộng quân có 10 vạn người, tháng 12 khuếch trương tới hơn 20 vạn, tháng 2/1946 lên đến 50 vạn. Tuy được Nga Xô ra sức giúp đỡ, nhưng cuộc vận dụng về chính trị của Trung cộng cũng ảnh hưởng to lớn. Ngày 28/12/1945, Mao Trạch Đông mệnh cục Đông bắc Trung cộng tích cực thành lập căn cứ địa chính trị, công tác quần chúng làm trung tâm, phát động đấu tranh chống Hán gian, thực hiện giảm tô cho nông dân và vận động công nhân, tổ chức đoàn thể, phát động quần chúng vũ trang do đảng làm nòng cốt, thành lập chính quyền nhân dân. Đầu năm sau, lại ra lệnh triển khai sản xuất, lấy nông nghiệp làm chủ, đồng thời khôi phục công nghiệp, triển khai tuyển cử dân chủ, tịch thu ruộng đất địa chủ chia cho nông dân.


Trong lúc hội đàm tại Trùng Khánh, Trung cộng từng yêu cầu được tham gia hành chánh tại miền đông bắc ; đến lúc Trung Nga giao thiệp bế tắc vào ngày 20/1/1946 Giải phóng nhật báo lại biểu thị đối với vấn đề đông bắc, chủ trương thành lập chính phủ liên hiệp địa phương, do nhân dân và các đảng phái miền đông bắc tổ chức thành Đông Bắc chính vụ uỷ viên hội, triệt bỏ các hành doanh và cơ cấu phụ thuộc ; trù bị phổ thông đầu phiếu Thủ trưởng chính phủ các cấp. Ngày 8/2 Chu Ân Lai, Đổng Tất Vũ gặp Trương Gia Ngao kiến nghị vấn đề đông bắc nên giải quyết bằng chính trị, các đảng phái gia nhập Đông Bắc chính trị uỷ viên hội, trong hành doanh do Quốc, Cộng tổ chức tiểu tổ, giải quyết ngay tại chỗ vấn đề quân sự. Ngày 14, phát ngôn nhân tại Diên An yêu cầu cải tổ hành doanh, cùng chính phủ cấp tỉnh ; dung nạp các đảng phái, thừa nhận bộ đội dân chủ kháng Nhật cùng chính phủ tự trị tại các tỉnh, hạn chế số lượng Quốc quân vào miền đông bắc. Quốc dân đảng vẫn muốn giải quyết bằng võ lực như cũ, xung đột kế tục phát sinh. Đến đây chiến tranh đông bắc khuếch đại, mở màn cho cuộc chiến.


Sau khi phương án Quốc quân chỉnh biên và Cộng quân thống biên chế định xong ; ngày 1/3 tổ quân sự 3 người gồm Thống tướng George Marshall, Chu Ân Lai, Trương Trị Trung bay lên Hoa Bắc, thị sát về đình chiến cùng khôi phục tình trạng giao thông, trò chuyện với các tướng lãnh cao cấp Cộng quân. Từ ngày 5 đến ngày 6/3, phỏng vấn Diên An, Mao Trạch Đông bảo Trung Quốc sẽ đem hết sức quán triệt đình chiến, chính trị hiệp thương, hiệp định chỉnh quân. Marshall cảm thấy an lòng, ngày 11 trở về Mỹ, bàn bạc việc viện trợ Trung Quốc. Ngày 16 báo cho các ký giả tại Hoa Thịnh Đốn biết rằng Trung Quốc chính nỗ lực đoàn kết, nước Mỹ cần viện trợ để thành lập chính phủ ổn định.


Trung Quốc không thể tiếp thu toàn bộ yêu cầu hợp tác kinh tế của Nga Xô ; riêng Nga Xô cũng không thể mãi mãi chiếm miền đông bắc, mà không đi. Tướng Nga Rodin Y. Molinovsky một mặt cấp tốc giúp đỡ cho Trung cộng, một mặt tuyên bố định kỳ rút quân ; không đợi cho quân chính phủ Trung Quốc kịp đến tiếp thu, chỉ giao cho bất cứ lực lượng nào có mặt. Trung Quốc nếu không đồng ý kinh tế hợp tác, tức để cho Cộng quân chiếm lãnh khu vực quân Nga triệt thoái. Ngày 8/3 Ngoại trưởng Vương Thế Kiệt báo cho Đại sứ Nga Xô Petro rằng tình hình trước mắt không có cách gì để bàn về hợp tác kinh tế. Ngày 14/3, tại Thẩm Dương [Shenyang, Liêu Ninh] quân Nga triệt thoái hết, sự việc trước đó không thông báo, tại nam bắc Thẩm Dương Cộng quân đánh khắp nơi, ngày 17 chiếm lãnh Tây Bình Nhai [Sipingjie, Liêu Ninh]. Ngày 21, quân Nga tại Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm] bắt đầu rút ra phía sau, không để cho quân Trung Quốc tiếp thu.


Nga Xô chủ trương triệt binh trước để đe doạ, mong đạt được mục đích về kinh tế, hy vọng kế tục đàm phán ; phía Trung Quốc chủ trương giải quyết tại chính phủ trung ương. Ngày 27/3, Đại sứ Petro đem những điều Trương Gia Ngao đã đàm phán về hợp tác kinh tế tại Trường Xuân, thông báo cho bộ ngoại giao Trung Quốc ; lại bảo rằng thể theo lời yêu cầu của Vương Thế Kiệt, giúp quân Trung Quốc tiếp thu vùng đất từ Thẩm Dương lên phía bắc. Ngày 3/ 4 quân Nga tuyên bố nhật kỳ triệt thoái các vùng tại Trường Xuân, Đại sứ Petro hứa trong khả năng có thể làm, sẽ giúp quân Trung Quốc tiếp thu. Tưởng Chủ tịch chủ trương sớm đàm phán hợp tác kinh tế. Ngày 13, Ngoại trưởng Vương Thế Kiệt bắt đầu trình bày cho Petro về nội dung nguyên tắc hợp tác, những tài sản của Nhật đều thuộc loại bồi thường tổn thất cho Trung Quốc, những cổ phần do Nga Xô hợp biện, Trung Quốc sẽ nhường cho ; những điều này bị Đại sứ Petro cự tuyệt.


Ngày 8/4 Cộng quân chiếm lãnh Trường Xuân, Đại Công Báo tại Trùng Khánh phát biểu “ Đáng nhục vì cuộc chiến tại Trường Xuân ” ; riêng Tân Hoa Nhật Báo của Trung cộng thì “ Chúc mừng Trường Xuân ” ; một tuần sau đó Cáp Nhĩ Tân [Harbin, Hắc Long Giang] cũng bị Cộng quân chiếm. Trước khi Thống tướng Marshall rời Trùng Khánh từng đề nghị với hai phe Quốc, Cộng rằng chính phủ có nhiệm vụ khôi phục chủ quyền miền đông bắc, phái binh chiếm lãnh các nơi, có quyền quản lý đường sắt Nam Mãn, Trung đông trong vòng 30 dặm, khi quân Nga rút, Cộng quân không được tiến vào ; những điều này không được Trung cộng chấp nhận. Khi Cộng quân đánh chiếm Trường Xuân, tướng Marshall về đến Trùng Khánh, khuyến cáo quân chính phủ đình chiến, Cộng quân rút ra khỏi Trường Xuân ; nhưng cả hai bên đều không chấp nhận. Ngày 21/4, đoàn đại biểu Trung cộng công bố thanh minh trách Quốc dân đảng kiên trì ước pháp huấn chính, một đảng thống trị ; trước sau không đồng ý đề nghị của Trung cộng có 10 Uỷ viên trong Quốc dân chính phủ và 4 Uỷ viên trong Hành chánh viện, tranh chấp về quyền phủ quyết ; lại thêm vào việc đông bắc nội chiến nghiêm trọng, có khả năng lây lan đến phía trong Sơn Hải Quan [Shanhaiguan, Hà Bắc] ; chỉ khi nào toàn bộ vấn đề nêu trên được giải quyết, Trung cộng mới khảo xét việc tham gia chính phủ cùng quốc dân đại hội. Quốc dân chính phủ chấp nhận trì hoãn triệu tập quốc dân đại hội; riêng đối với yêu cầu đình chiến tại miền đông bắc của Chu Ân Lai thì cự tuyệt.


Ngày 5/5, Quốc dân chính phủ từ Trùng Khánh dời về Nam Kinh. Ngày 6, Tuỳ viên quân sự Nga, N. V. Roschin, được lệnh Mạc Tư Khoa, mời Tưởng Chủ tịch đến thăm, nhưng đã khéo léo từ chối. Cứ theo lời Tưởng tự thuật sau này, nếu như ông ta chấp nhận thì “ Từ nay trở về sau về ngoại giao Trung Quốc phải tuân theo sách lược nhất quán của Nga ; tức Quốc, Cộng hợp tác, thành lập chính phủ liên hiệp, thần phục Nga Xô… Tôi cùng ông ấy [Stalin] hội đàm, là giúp tư liệu để Cộng sản quốc tế ly gián Mỹ và Trung Quốc ”. Ngoài những lý do nêu trên, còn một lý do khác là 28 vạn Quốc quân đã điều đến miền đông bắc, quyết một trận thư hùng với quân chủ lực Trung cộng.


Ngày 16/5 quân Quốc dân chính phủ dưới quyền Đỗ Duật Minh kịch chiến với đạo quân Lâm Bưu, lực lượng 15 vạn, tại Tứ Bình Nhai. Ngày 19, Quốc quân thắng lợi, Cộng quân rút về miền đông bắc. Ngày 23, Quốc quân vào chiếm Trường Xuân [Chengchun, Cát Lâm], nhưng không tích cực tiến lên phía bắc ; nguyên nhân chủ yếu do bổ sung khó khăn, lực không đủ, tinh thần chiến đấu không cao. Vào đầu tháng 4, Quốc quân từng bị thua tại hồ Bản Khê [Benxihu, Liêu Ninh], lần này tuy thắng tại Tứ Bình Nhai, nhưng cũng rất khó khăn. Tại Hải Thành [Haicheng] lực lượng Quốc quân đồn trú thuộc quân Vân Nam, viên Sư đoàn trưởng là bộ hạ của Long Vân, bất mãn việc chủ cũ Chủ tịch Long Vân bị mất chức, nên đầu hàng Trung cộng, khiến mặt sau của Quốc quân bị uy hiếp. Giả sử vượt sông Tùng Hoa lên phía bắc, chiếm miền Bắc Mãn thì e sợ quân Nga Xô gây khó khăn, nên đành phải lưu lại vùng phụ cận Trường Xuân. Tưởng Chủ tịch theo lời khuyến cáo của tướng Marshall tuyên bố bắt đầu từ ngày 6/6 quân chính phủ đình chiến 15 ngày, triệt hồi quân trên đường tiến đến Cáp Nhĩ Tân. Đây là cuộc đình chiến lần thứ hai, sau đó kéo dài thêm thời gian 8 ngày.


Thương lượng trong thời gian đình chiến, phía chính phủ ra điều kiện quân Trung cộng tại miền đông bắc biên chế thành 3 sư đoàn, di chuyển lên phía bắc Hưng Yên Lãnh [Xing’an Mountain, Hắc Long Giang] ; quân phía trong quan ải [Sơn Hải Quan] rút ra khỏi Nhiệt Hà, Sát Cáp Nhĩ, và Yên Đài [Yantai], Uy Hải Vệ [Weihaiwei] tại tỉnh Sơn Đông, cùng giảm xuống chỉ còn 2 sư đoàn. Trung cộng yêu cầu đình chiến trường kỳ tại miền đông bắc, tiếp tục mở hội nghị chính trị hiệp thương, giải quyết cải tổ chính phủ ; vùng đông bắc sẽ biên chế thành 5 sư đoàn, những vùng đã rút không đóng quân trở lại ; quân Quốc dân chính phủ rút ra khỏi Nhiệt Hà, Sơn Đông. Chính phủ cải yêu cầu trong vòng 10 ngày rút quân ra khỏi phía bắc tỉnh Giang Tô, đường sắt Giao-Tế [Giao Châu Loan, Tế Nam], Thừa Đức [Nhiệt Hà], Sát Cáp Nhĩ, đông bắc An Đông [Andong, Liêu Ninh] ; có thể thừa nhận quân Trung cộng tại Hắc Long Giang, Cáp Nhĩ Tân [Harbin]. Phía Trung cộng chỉ chấp nhận giảm thiểu hoặc rút quân khỏi phía bắc tỉnh Giang Tô, đường sắt Giao-Tế, nhưng Quốc quân không được đến chiếm. Chính phủ vì sự an toàn của Thượng Hải, và thủ đô Nam Kinh, đòi hỏi Cộng quân trong vòng 1 tháng rút ra khỏi phía bắc đường sắt Lũng-Hải, nhưng Trung cộng kiên trì đòi giữ lại chính quyền địa phương và quân bảo an. Ngày 3/ 6 hết hạn đình chiến miền đông bắc, nhưng việc điều đình chẳng thành công một chút nào.




4. Quốc, Cộng vừa đánh vừa đàm



Ngoài quan ải [Sơn Hải Quan] xung đột trở nên kịch liệt, phía trong quan ải chiến hoạ cũng không nhờ đình chiến mà giảm bớt. Tuy nhiên trong 4 tháng đầu quy mô chưa lớn, bắt đầu từ tháng 6 chiến tranh trở nên quyết liệt ; Tân tứ quân của Trần Nghị tại tỉnh Sơn Đông chiếm lãnh Cức Xã [Zaozhuang, Sơn Đông], Thái An [Tai’an, Sơn Đông], Đức Châu [Dezhou, Sơn Đông] ; rồi đánh phá vùng ngoại vi Thanh Đảo [Quingdao, Sơn Đông], Tế Nam [Jinan, Sơn Đông] ; tại tỉnh Sơn Tây chỗ nào cũng đánh nhau. Cộng quân dưới quyền Lý Tiên Niệm tại vùng biên khu Hồ Bắc, Hà Nam bị quân chính phủ đánh đuổi, phải phá vòng vây chạy sang phía tây. Tháng 7, Tân tứ quân từ phía bắc tỉnh Giang Tô tiến gần đến Dương Châu [Yangzhou, Giang Tô], Nam Thông [Nantong, Giang Tô] phía bắc sông Trường giang [Changjiang] và vùng giáp giới hai tỉnh Giang Tô và An Huy. Mao Trạch Đông ra lệnh cho Cộng quân “ Dùng chiến tranh tự vệ, đánh tan sức tiến công của Tưởng Giới Thạch ” ; vào lúc này Cộng quân đổi tên “ Nhân dân giải phóng quân , không còn dùng những tên hiệu cũ như Quốc dân cách mệnh quân, Đệ bát lộ quân, hoặc Đệ thập bát tập đoàn quân, Tân tứ quân. Quân chính phủ cơ động khoảng hơn 90 vạn, quân số Trung cộng cũng tương tự. Quân chính phủ vũ khí tốt hơn Cộng quân, 1/3 trang bị theo kiểu Mỹ, phần nhiều giữ thế công, chú trọng chiếm lãnh thành thị, tổn thất tương đối lớn. Chiến lược của Mao Trạch Đông tập trung tuyệt đối ưu thế binh lực, phối hợp quân đội địa phương, chọn mục tiêu thích đáng như lực lượng yếu, thiếu viện trợ, rồi tiêu diệt ; không chú trọng phải chiếm cho được các thành thị. Đối với vấn đề ruộng đất, từng bước từ giảm tô, giảm tức 4, đến tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân ; tổ chức dân binh, đội du kích, khiến nông dân và Cộng quân đứng vào một phe, thi hành chiến tranh trường kỳ nhân dân.


Sau tháng 3/1946, Trung cộng từ từ không tín nhiệm tướng Marshall, cho rằng viên Đặc sứ có thái độ bất công. Việc Cộng quân rút ra khỏi Trường Xuân, tuy rằng do chiến bại tại Tứ Bình Nhai, nhưng cũng do tướng Marshall khuyến cáo ; rồi khi quân Quốc dân chính phủ tiến chiếm Trường Xuân, Trung cộng rất bất mãn với viên Đặc sứ. Vào các ngày 5 và 7/6 “ Giải phóng nhật báo ” đăng các bài xã luận “ Nước Mỹ cần lập tức đình chỉ trợ giúp Trung Quốc nội chiến , “ Phản đối nước Mỹ giúp đỡ việc chém giết nhân dân vùng đông bắc ”. Ngày 19, nước Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự, giúp biên chế 60 sư đoàn quân ; riêng 10 sư đoàn Trung cộng chờ thống biên xong mới trang bị. Ngày 22 Mao Trạch Đông bắt đầu đả kích nước Mỹ viện trợ quân Quốc dân chính phủ là can thiệp vào vấn đề nội chính, yêu cầu lập tức đình chỉ, cùng rút quân Mỹ tại Hoa. Ngày 7/7 Trung cộng ra tuyên ngôn, chú trọng mở hội nghị hiệp thương, cự tuyệt Mỹ viện trợ, đả kích chính sách Mỹ tại Hoa ; báo “ Pravda ” tại Mạc Tư Khoa chỉ trích nước Mỹ viện trợ Quốc dân đảng là nguyên nhân thứ nhất của cuộc nội chiến.


Nhưng Quốc dân đảng cũng đồng thời bất mãn với Mỹ, cho rằng chính sách Mỹ có phần chiều Trung cộng. Nước Mỹ tuy ủng hộ Quốc dân chính phủ, để chính phủ này có quyền lực duy trì quốc gia thống nhất, nhưng không muốn trực tiếp viện trợ vũ lực, hy vọng Quốc dân đảng nhượng bộ Trung cộng để Trung cộng tuân theo sự ước thúc ; tức chính trị dân chủ hoá, quân đội quốc gia hoá. Từ vụ mâu thuẫn với tướng Joseph Stilwell, Đặc sứ Marshall đối với Tưởng vốn có thành kiến ; sau hội nghị chính trị hiệp thương, tại Trùng Khánh có hai phái phản đối và ủng hộ không ngừng đấu tranh, Marshall nhận biết phái ngoan cố trong Quốc dân đảng đang tìm cách phá hoại hiệp thương. Sau quyết nghị của đại hội Quốc dân đảng, cùng việc vào tháng 6 đại biểu Thượng Hải thỉnh nguyện về hoà bình tại Nam Kinh bị làm nhục ; vào tháng 7, lãnh tụ Dân chủ đồng minh Lý Công Phác, Văn Chi Đa bị ám sát tại Côn Minh [Kunming, Vân Nam] ; càng gây cho tướng Marshall phản cảm. Từ tháng 5/1946 trở về sau, về quân sự chính phủ àginh ưu thế ; nên ngày 3/7 quyết định vào ngày 12/11 triệu tập quốc dân đại hội, chuẩn bị thi hành hiến chính, để chống lại chính phủ liên hiệp.


Chẳng bao lâu trận chiến tại phía bắc tỉnh Giang Tô bạo phát, Tưởng Chủ tịch từ Nam Kinh đến hành doanh Lô Sơn [Lushan, Giang Tây] để lo việc quân, nhưng có ý tránh tiếp xúc với tướng Marshall. Vị tướng này tuy bi quan, nhưng không ngừng điều xử ; này 18/7 cùng viên tân Đại sứ John Leighton Stuart [Tư Đồ Lôi Đăng] đến Lô Sơn gặp Tưởng ; từ đó trong vòng 1 tháng, 8 lần bay từ Nam Kinh đến Lô Sơn để bàn bạc. Tưởng chủ trương đúng kỳ khai mạc quốc dân đại hội, Chu Ân Lại vì cuộc chiến phía bắc tỉnh Giang Tô Cộng quân thất lợi, nên yêu cầu đình chiến trước, sau đó bàn về cải tổ chính phủ. Tưởng đang thuận lợi về quân sự, dĩ nhiên không đồng ý ; Trung cộng và Nga Xô tiếp tục đả kích Mỹ. Ngày 29/7, quân Mỹ tại An Bình [Anping, Hà Bắc] gần Bắc Bình bị Trung cộng tập kích, tử thương hơn 10 người, sự việc khiến tướng Marshall chấn động.


Tướng Marshall cho rằng Tưởng không chịu đình chiến, vào ngày 2/ 8 kiến nghị lập tổ 5 người hội nghị, gồm đại biểu Quốc dân chính phủ 2 người, Trung cộng 2 người, phía Mỹ 1 người ; bàn bạc vấn đề cải tổ chính phủ. Tưởng tuy đồng ý, nhưng yêu cầu trong 6 tuần, Cộng quân tại phía bắc tỉnh Giang Tô, Sơn Đông, Sơn Tây, Nhiệt Hà, miền đông bắc, rút ra phía sau ; khôi phục giao thông, chỉnh biên quân đội, thực thi quyết định hội nghị hiệp thương. Chu Ân Lai vẫn kiên trì đòi đình chỉ xung đột, mở lại hội nghị chính trị hiệp thương, cải tổ chính phủ, thừa nhận quyền hành chính của Cộng quân. Tướng Marshall cho rằng điều kiện hai bên cách nhau quá xa, vào ngày 10/8 cùng với Đại sứ John Leighton Stuart ra thanh minh rằng mối lo về chiến sự không thể khống chế được, quân đội Quốc, Cộng lại hành quân lớn, tranh chấp nặng nề giữa chính quyền địa phương về khu vực triệt binh, nên không có cách gì đạt thành hiệp định đình chiến. Tổng thống Truman gửi thư cho Tưởng, hy vọng Trung Quốc dưới quyền chính phủ dân chủ chân chính, hoàn thành vĩnh cửu hoà bình cùng ổn định kinh tế ; nếu không sẽ định lại chính sách của Mỹ đối Hoa. Ngày 14, Tưởng phát biểu cáo văn, trình bày phương châm của chính phủ từ nay trở về sau, đúng kỳ hạn triệu tập quốc dân đại hội, tuân theo quyết định hội nghị hiệp thương, mở mang cơ sở chính trị ; Cộng quân rút ra khỏi một số khu vực, tuân thủ điều xử, thực thi thống biên. Sau đó lại nói thêm rằng ngoài quân đội của Quốc dân chính phủ, không thể có quân đội của lực lượng đối lập, đổi chính đảng vũ trang thành chính đảng hoà bình. Báo Giải Phóng Nhật Báo của Trung cộng bắt đầu chỉ trích đích danh Đặc sứ Marshall không giữ được thái độ công bình ; Trung Quốc nội chiến không thể đình chỉ là lỗi tại Marshall. Chính quyền Diên An ra lệnh tổng động viên, cùng lúc Mao Trạch Đông chỉ trích nước Mỹ chuẩn bị chiến tranh chống Nga Xô, chủ nghĩa đế quốc Mỹ chỉ là con cọp giấy. Đại sứ Mỹ, Stuart, trách Trung cộng công kích xằng bậy chính phủ Mỹ và cá nhân tướng Marshall.


Ngày 22/8, Chu Ân Lai tỏ ý muốn tham gia hội nghị 5 người, Tưởng Chủ tịch đồng ý bàn trước về việc cải tổ chính phủ, không bàn về quyết nghị chính trị hiệp thương, tạm gác việc yêu cầu quân Trung cộng phải rút ra phía sau ; Chu Ân Lai đồng ý. Rồi nhân việc Trung, Mỹ ký hợp đồng mua bán vật tư do quân Mỹ còn thừa tại Thái Bình Dương, cùng việc Quốc quân tiến chiếm Thừa Đức [Chengde] Nhiệt Hà, Trung cộng đả kích Mỹ giúp Tưởng tác chiến. Chu Ân Lai nói với tướng Marshall rằng cần thực hành đình chiến, cùng bảo đảm cho Cộng quân an toàn rút, mới tham gia hội nghị 5 người ; riêng Tưởng chủ trương đàm phán trước về vấn đề chính trị. Ngày 14/9, Đại sứ Mỹ, Stuart, đề nghị đồng thời đàm phán cả hai lãnh vực quân sự và chính trị, Chu vẫn đòi bàn về quân sự trước ; vì lúc bấy giờ quân Trung cộng tuy thắng tại phía tây nam tỉnh Sơn Đông, nhưng tại Tuy Viễn [Hohhot, Nội Mông], Sơn Tây, phía bắc Giang Tô quân chính phủ liên tiếp thắng ; Trung cộng hy vọng đình chiến, nhưng phía chính phủ cự tuyệt, Chu Ân Lai bèn rời đến Thượng Hải. Mao Trạch Đông mệnh tập trung binh lực, tiêu diệt quân địch. Ngày 17/9, quân chính phủ đánh tan căn cứ địa Hoài Âm [Huaiyin] tại phía bắc tỉnh Giang Tô. Ngày 19, Chu Ân Lai tuyên bố tạm thời rút ra khỏi cuộc đàm phán tại Nam Kinh, đả kích chính sách của Mỹ và bảo rằng Trung cộng tiếp tục quyết chiến.


Ngày 27/9, Tưởng Chủ tịch đồng ý cùng thương nghị về quân sự, chính trị. Lúc bấy giờ quân chính phủ đang tiến quân đến Trương Gia Khẩu [Zhangjiakou, Hà Bắc] ; Chu Ân Lai gửi thư cho cả tướng Marshall và Tưởng rằng, nếu như không đình chỉ tiến công Trương Gia Khẩu, tức mặc nhiên công khai phá bỏ hoà đàm. Ngày 1/10, tướng Marshall gửi Bị vong lục [Memorandum] cho Tưởng Chủ tịch nội dung nếu như đình chiến mà không đạt được hiệp nghị, sẽ kết thúc công việc điều giải. Tưởng đồng ý cho Trung cộng và Dân chủ đồng minh cử 13 Uỷ viên vào Quốc dân chính phủ ; nếu như Trung cộng tham gia Quốc dân đại hội, thực thi phương án chỉnh quân, Cộng quân theo hạn kỳ tiến vào chỗ trú đóng quy định, sẽ lập tức đình chỉ hành động quân sự. Chu Ân Lai yêu cầu khôi phục ngày 13/1 Đệ nhất thứ đình chiến, và ngày 7/6 Đệ nhị thứ đình chiến, hiệu lực cho vị trí Cộng quân tại phía trong quan ải [Sơn Hải Quan] và phía ngoài quan ải ; còn các vấn đề khác sẽ giải quyết theo sự đàm phán. Ngày 4/10, Tướng Marshall báo cho Tưởng biết không thể tiếp tục tham gia đàm phán, chuẩn bị trở về nước, cùng đề nghị với hai bên rằng quân chính phủ đình chỉ tiến công Trương Gia Khẩu trong 10 ngày, tiếp tục đàm phán. Trung tuần tháng 10, phe thứ ba gồm đại biểu Dân chủ đồng minh, Thanh niên đảng ra mặt điều giải, kiến nghi đình tấn công Trương Gia Khẩu, hoãn khai mạc Quốc dân đại hội, nhưng triệu tập Hiệp thương tổng hợp tiểu tổ ; cùng ngày quân chính phủ chiếm Trương Gia Khẩu. Ngày 16, Tưởng đề xuất khôi phục giao thông, tại Hoa bắc, Hoa trung quân Quốc, Cộng tạm trú tại vị trí hiện tại ; chính quyền địa phương tại trong quan ải do Quốc dân chính phủ sau khi cải tổ giải quyết 8 điểm, đợi khi Trung cộng đồng ý, sẽ ra lệnh đình chỉ xung đột, triệu tập tổ 5 người hội nghị ; hiệp thương cải tổ chính phủ triệu tập tổ 3 người bàn bạc về vị trí quân đội trú đóng, cùng chỉnh biên. Trung cộng thanh minh cần chấp nhận đình chiến, hai hiệp định hiệp thương phải có hiệu lực, nhưng không đề cập đến hiệp định chỉnh biên và thống biên, vì lúc này quân đội Trung cộng phát triển mạnh, nên không muốn tuân theo quy định của thống biên.


Ngày 21/10, Chu Ân Lai và phe thứ ba từ Thượng Hải trở lại Nam Kinh, cùng ngày Tưởng Chủ tịch bay ra Đài Loan, một tuần lễ sau trở về ; đối với những điều đã tuyên bố trong ngày 16, Tưởng sửa đổi chủ yếu như đình chiến tại vị trí hiện tại, chính quyền tại trong và ngoài quan ải sẽ do Quốc dân chính phủ sau khi cải tổ xử lý, hội nghị Quốc dân đại hội xong, lập tức cải tổ Hành chánh viện. Trung cộng chủ trương Quốc dân chính phủ và Hành chính viện đồng thời cải tổ, chính quyền tại trong và ngoài quan ải y theo nguyên tắc địa phương tự trị quản lý, Quốc dân đại hội do hội nghị hiệp thương quyết định. Ngày 8/11 Tưởng tuyên bố lệnh đình chiến lần thứ ba, thanh minh Quốc dân đại hội không thể trì hoãn,vẫn giữ số danh ngạch đại biểu Trung cộng cùng các đảng phái, căn cứ vào 8 điểm đã đề cập trong ngày 16/10, bàn bạc biện pháp đình chỉ xung đột. Trung cộng cho rằng chính phủ đơn phương đình chỉ hành động quân sự, trước đó chưa từng bàn bạc với Trung cộng, về phương diện chính trị đề ra những biện pháp trái với quyết nghị hiệp thương ; yêu cầu đình chỉ triệu tập Quốc dân đại hội, khôi phục vị trí quân đội như thời gian tháng giêng. Chính phủ tuyên bố Quốc dân đại hội hoãn 3 ngày sẽ cử hành, phía Trung cộng tuyên bố kiên trì đình chỉ. Ngày 15/11, Quốc dân đại hội khai mạc, tham dự có các đại biểu cũ, cùng các đại biểu đảng Thanh niên, đảng Dân chủ xã hội [tức đảng Quốc gia xã hội đổi tên] ; Trung cộng, và đảng Dân chủ đồng minh cự không tham gia. Trong cuộc họp, đối với dự án tuyển cử, định quốc đô, tranh luận nhiều ; cuối cùng do ảnh hưởng của Tưởng, quốc đô vẫn đặt tại Nam Kinh, dự án tuyển cử cũng theo đề nghị của chính phủ, ngày 25/12 thông qua, rồi đại hội bế mạc.


Ngày 19/11, sau khi rời Nam Kinh đến Diên An, Chu Ân Lai trò chuyện với các ký giả rằng nếu như tái tục hoà đàm, cần mở lại hội nghị các đảng phái, tổ chức chính phủ liên hiệp, triệu tập Quốc dân đại hội. Trước khi khởi hành về Mỹ, tướng Marshall hỏi Trung cộng có muốn Mỹ tiếp tục lo liệu hay không ; ngày 3/ 12 Chu bảo rằng phải lập tức giải tán Quốc dân đại hội, khôi phục vị trí trú quân vào ngày 13/1, hoà đàm có hy vọng mở lại ; đối với câu hỏi có hay không muốn Mỹ tiếp tục lo liệu, thì tránh không đáp.


Trung cộng cho rằng Quốc dân đảng kinh tế khó khăn ngày một tăng, nhân tâm xa lìa, sĩ khí tàn lụi ; Trung cộng tuy về mặt quân sự chưa chiếm ưu thế, nhưng đã mấy lần làm thiệt hại quân chính phủ, đợi thời cơ cuối cùng sẽ thắng. Chu Ân Lai ước tính trong 6 tháng nữa sẽ phá thế công của quân chính phủ; trong vòng 1 năm chính trị và kinh tế có biến chuyển lớn. Ngày 1/12 tướng Marshall đau buồn trình bày cho Tưởng về nguy cơ về kinh tế và quân sự; vấn đề Cộng sản không thể tiêu diệt bằng quân sự, cần phải kéo về phía chính phủ. Tưởng cho rằng có thể tiêu diệt Cộng quân trong vòng 9, 10 tháng, kinh tế Trung quốc lấy cơ sở nông thôn, không có nguy cơ sụp đổ. Tham mưu Tổng trưởng Trần Thành tuyên bố một năm nữa có thể dẹp tan Cộng sản.


Trong vòng 6 tháng trở lại, Trung cộng hai, ba lần chỉ trích chính phủ ; đồng thời đảng Dân chủ đồng minh phát động chống Mỹ. Bắt đầu từ ngày 23/ 9, các vùng đất như Thượng Hải [Shanghai] tổ chức một tuần lễ vận động Mỹ rút quân ra khỏi Trung Quốc. Ngày 18/12 Tổng thống Truman tuyên bố tiếp tục giúp đỡ Trung Quốc dân chủ đoàn kết, đợi khôi phục hoà bình sẽ viện trợ Trung Quốc phục hưng, quân đội Mỹ tại Hoa giảm đến 1 vạn 2000 người. Ngày 24/12, tại Bắc Bình xảy ra vụ lính Mỹ hãm hiếp nữ sinh, khiến mấy ngàn học sinh bãi khoá thị uy, một số Giáo sư đưa kháng nghị đòi quân Mỹ rút khỏi Trung Quốc. Thượng Hải, Nam Kinh, Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], Thành Đô [Chengdu, Tứ Xuyên], Trùng Khánh [Chongqing, Tứ Xuyên], Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc], Côn Minh [Kunming, Vân Nam], Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông] tiếp tục dấy lên hưởng ứng ; tổ chức “ Toàn quốc học sinh kháng bạo quyền liên hiệp hội ”, do đó có “ Cuộc vận động học sinh toàn quốc ký tên đòi hỏi nước Mỹ thay đổi chính sách tại Hoa ”, “ Vận động chống hàng hoá Mỹ ”, “ Vận động chống Mỹ giúp đỡ Nhật ”.


Sau khi Quốc dân đại hội bế mạc, tướng Marshall được Tưởng mời phát biểu ý kiến, chỉ trích Trung cộng đối với chính phủ cực đoan hoài nghi, phái quân nhân trong chính phủ thì lạc quan trong việc tiễu Cộng ; hai bên đều phạm sai lầm. Chính phủ cải tổ cần có cơ hội cho Trung cộng và Dân chủ đồng minh tham gia, tân hiến pháp thực hành một cách chân chính, phái thiểu số cần tham gia chính phủ, vẫn mong Trung cộng và chính phủ đàm phán. Tháng 1/1947, Đặc sứ Marshall từ giã Trung Quốc trở về nước trong tiếng phản đối của học sinh. Trước đó một ngày lại phát biểu rằng vấn đề trở ngại lớn cho hoà bình tại Trung Quốc là Quốc dân đảng, Cộng sản nghi ngờ lẫn nhau ; phái Quốc dân đảng phản động có quyền, không ngừng phản đối xây dựng chính phủ liên hiệp; phái cực đoan trong phe Cộng sản, không tiếc mọi thủ đoạn để lật đổ Quốc dân chính phủ. Cứu vãn tình thế này, cần dựa vào chính phủ cùng thành phần tự do và ưu tú trong các đảng tạo thành chính phủ lương hảo.


Ngày 1/1/1947, Tưởng Chủ tịch tuyên bố quyết không thay đổi hoà bình thống nhất phương châm, vấn đề Trung cộng giải quyết bằng chính trị, chính phủ quyết không đóng cửa hoà bình. Nhân sĩ trong chính phủ quay sang các chính đảng Dân chủ đồng minh, Thanh niên đảng, Dân chủ đảng, biểu thị nguyện cùng Trung cộng dốc lòng thành, bàn về các vấn đề đình chỉ xung đột, cải tổ chính phủ ; chuẩn bị phái Trương Trị Trung đến Diên An tiếp xúc khôi phục hoà đàm, lập tức công bố lệnh đình chiến, lại qua Đại sứ Mỹ Stuart, thông tri Trung cộng. Trung cộng đáp rằng cần phải xoá bỏ hiến pháp do Quốc dân đại hội đặt ra, khôi phục vị trí đình chiến một năm về trước ; nếu như chính phủ chấp nhận, hoà đàm có thể tiếp tục tại Nam Kinh. Chính phủ không bằng lòng, nhưng vẫn mong tiếp tục hoà đàm, hạ lệnh đình chiến tại chỗ, chỉnh biên quân đội, khôi phục giao thông ; đối với chính quyền địa phương, nguyện tìm biện pháp hợp lý giải quyết. Trung cộng mãnh liệt đả kích, Cộng quân tại các nơi mở tấn công lớn. Ngày 29/1 Đại sứ Stuart ra thanh minh chấm dứt quan hệ với tiểu tổ 3 người cùng vai trò điều giải quân sự ; sự điều xử của Mỹ hoàn toàn thất bại.


Hồ Bạch Thảo









1 Hệ C. C.: tiếng tắt cho Central Club, nhóm thuộc hai anh em Trần Lập Phu, Trần Quả Phu, là cháu Trần Kỳ Mỹ, đồng chí của Tưởng ; nhóm này nắm trung ương đảng.


2 Môn hộ khai phóng tức mở cửa cho liệt cường được hưởng quyền lợi bằng nhau tại các cửa khẩu


3 Ngũ quyền hiến pháp tức 5 quyền độc lập do Tôn Trung Sơn đề xướng, gồm : hành chính, lập pháp, tư pháp, khảo thí, giám sát.


4 Giảm tô, giảm tức : giảm tiền, lúa mướn ruộng ; giảm tiền lời cho vay.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss