Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Trung Quốc cận đại : Chính quyền tại lục địa đổi chủ sau Đệ nhị Thế chiến / Chính quyền Trung Quốc tại lục địa đổi chủ sau Đệ nhị Thế chiến (5/5)

Chính quyền Trung Quốc tại lục địa đổi chủ sau Đệ nhị Thế chiến (5/5)

- Hồ Bạch Thảo — published 30/08/2015 22:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 5 : Trung cộng thắng lợi [1947-1950]



Chính quyền Trung Quốc
tại lục địa đổi chủ
sau Đệ nhị thế chiến


Hồ Bạch Thảo


Chương năm

Trung cộng thắng lợi

[1947-1950]


tt

Trần Thành [1898-1965]

Nguồn : wikipedia


1. Quyết chiến quyết thắng


Từ tháng 6/1947 Nhân dân giải phóng quân tại các nơi chuyển sang thế công, trong vòng một năm quân chính phủ đều gặp bất lợi, tinh thần sa sút ; Trung cộng bèn chủ trương quyết chiến, chiếm các thành lớn. Tháng 9/1948, Trần Nghị thống suất Nhân dân giải phóng quân tấn công Tế Nam [Jinan, Sơn Đông], quân phòng thủ 2 vạn, dưới quyền Ngô Hoá Văn, không đánh mà hàng. Ngày 24/9 Trần Nghị chiếm lãnh Tế Nam, bắt được Chủ tịch tỉnh Sơn Đông cùng hơn 6 vạn thuộc hạ dưới quyền ; đây là trận thua bại lớn nhất, xảy ra đầu tiên.

Đồng thời với quân Trần Nghị tấn công Tế Nam, Lâm Bưu thống suất 50 vạn Nhân dân giải phóng quân, hành quân phía tây tỉnh Liêu Ninh, nhắm cắt giao thông ngoài quan ải, chặn đường về của quân chính phủ. Ngày 16 đánh chiếm Cẩm Châu [Jinzhou, Liêu Ninh], 2 sư đoàn quân phòng thủ phản biến, Phó Tổng tư lệnh Phan Hán Kiệt cùng 7 vạn thuộc hạ bị bắt, khiến quân tại Trường Xuân [Changchun, Cát Lâm], Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh] đều bị cắt viện trợ. Trước khi Cẩm Châu thất thủ, Tưởng Chủ tịch đến Thẩm Dương, mệnh quân tại Trường Xuân rút lui về Thẩm Dương để bảo vệ cho Cẩm Châu. Nhưng chưa kịp ra tay thì Cẩm Châu thất thủ, lại nghiêm lệnh Tổng tư lệnh Vệ Lập Hoàng phản công. Ngày 19/10, 1 sư đoàn quân phòng thủ tại Trường Xuân phản biến, quân Giải phóng tiến vào thành phố. Ngày 21, Phó tổng tư lệnh quân đông bắc Trịnh Động Quốc cùng 6 vạn quân đầu hàng. Ngày 27/10, đạo quân của Liêu Diệu Sương bị vây tại phía tây Thẩm Dương, hơn 10 vạn quân thua bại. Quân giải phóng tiến đánh Thẩm Dương, Vệ Lập Hoàng rút lui. Ngày 2/11, quân chính phủ 10 vạn người noi theo theo hướng biển, số quân rút ra an toàn không quá 3 vạn. Toàn bộ miền đông bắc bị quân Giải phóng chiếm, quân chính phủ bị thiệt hại khoảng 40 vạn ; Trung cộng gọi đó là chiến dịch Liêu Thẩm. Qua quân chính phủ, Trung cộng đoạt được số lớn vũ khí của Mỹ, như hổ thêm cánh, họ coi đó như là chiến thắng quyết định.


Trước kia Mao Trạch Đông ước tính rằng đến năm 1951 có thể đánh gục Quốc dân chính phủ, nhưng đến tháng 9/1948 thì Mao cho rằng trong vòng trên dưới 1 năm có thể hoàn thành. Đánh Tế Nam xong, quân bản bộ tập trung đánh Từ Châu [Xuzhou, Giang Tô] và lược định lưu vực sông Hoài [Huaihe River]. Tháng 11 quân Giải phóng biên chế thành 5 Dã chiến quân : Tây bắc, Trung nguyên, Hoa bắc, Hoa đông, Đông bắc, giao cho : Bành Đức Hoài, Lưu Bá Thừa, Trần Nghị, Niếp Vĩnh Trăn, Lâm Bưu làm Tư lệnh ; toàn bộ binh lực lên quá 300 vạn, riêng quân chính phủ không đến 300 vạn.


Vào cuối tháng 8/1948, 2 Dã chiến quân Hoa đông và Trung nguyên, binh lực 60 vạn, do Lưu Bá Thừa và Trần Nghị chỉ huy theo hướng đông tây tiến thẳng đến Từ Châu, lại có 200 vạn dân binh và dân công trợ giúp. Quân chính phủ khoảng 50 vạn người, do Tổng tư lệnh “ Tiễu phỉ ” Lưu Trì, Phó tổng tư lệnh Đỗ Duật Minh chỉ huy, có 3 binh đoàn chủ lực dưới quyền Khâu Thanh Tuyền, Hoàng Bá Thao, Hoàng Duy, dùng thế thủ. Ngày 6/11 bắt đầu cuộc chiến, đại sứ quán Mỹ ra lệnh cho Mỹ kiều tại hai tỉnh Giang Tô, An Huy di tản ; Thượng Hải, Nam Kinh xảy ra nạn cướp lương khắp nơi, trật tự hỗn loạn. Quân tại đông lộ Từ Châu, vừa mới tiếp xúc với Cộng quân, hơn 2 vạn quân phản biến ; nam lộ, tây lộ, mấy ngàn quân đầu hàng. Quân Giải phóng chuyên dùng chiến thuật “ Vây điểm đả viện ”, trước hết vây binh đoàn Hoàng Bá Thao tại đông lộ, rồi đánh binh đoàn Khâu Thanh Tuyền đến tăng viện. Ngày 22/11 Hoàng Bá Thao tự tử, đạo quân 12 vạn hoàn toàn sụp đổ. Đạo quân nam lộ dưới quyền Hoàng Duy bị vây tại huyện Túc [Suxian], tỉnh An Huy. Ngày 30/11 Lưu Trì bỏ Từ Châu, rút xuống Phong Phụ [Bengbu, An Huy], Khâu Thanh Tuyền, Đỗ Duật Minh rút sang vùng biên giới Hà Nam, Giang Tô tại phía tây nam ; mưu giải vây cho quân Hoàng Duy, nhưng không thành công. Ngày 15/12 bộ phận lớn 9 vạn quân của Hoàng Duy bị tiêu diệt. Quân của Đỗ Duật Minh, Khâu Thanh Tuyền bị quân Giải phóng và dân công đào hào bao vây, cơ giới không di chuyển được, trời mùa đông lạnh, lương hết. Vào ngày 10/1/1949, Đỗ Duật Minh bị bắt, Khâu Thanh Tuyền tự sát ; trên 7 vạn quân dưới quyền bị tiêu diệt, Phong Phụ không cần đánh mà mất. Chỉ trên 2 tháng, trận quyết chiến quy mô lớn kết thúc, quân chính phủ lại tổn thất 40 vạn người ; Trung cộng gọi là chiến dịch Hoài Hải, chính phủ đặt tên Từ Phong hội chiến.


Vào lúc Dã chiến quân Hoa đông, Trung nguyên đánh mạnh vào Từ Châu ; một bộ phận Đông bắc dã chiến quân của Lâm Bưu tiến vào Thừa Đức [Chengde, Hà Bắc] ; một bộ phận khác tiến vào miền đông tỉnh Hà Bắc ; riêng Hoa bắc Dã chiến quân dưới quyền Niếp Vĩnh Trăn chiếm cứ Bảo Định [Baoding, Hà Bắc]. Tổng tư lệnh “ Tiễu phỉ quân ” Hoa bắc Truyền Tác Nghĩa thu nhỏ chiến tuyến ; lực lượng 60 vạn quân chủ yếu đóng tại Bắc Bình, Đường Cô, Trương Gia Khẩu, Tân Bảo An [Xinbao’anzhen, Hà Bắc]. Đầu tháng 12 quân Lâm Bưu vào Cổ Bắc Khẩu [Gubeikou, Hà Bắc], quân Niếp Vĩnh Trăn chiếm Nam Khẩu [Nankou, Hà Bắc] ; vào cuối tháng vùng ngoại thành Bắc Bình, Thiên Tân xảy ra kịch chiến. Ngày 22/12 quân của Truyền Tác Nghĩa bỏ Tân Bảo An, ngày 24 bỏ Trương Gia Khẩu, tổn thất hơn 5 vạn. Quân Lâm Bưu đánh Thiên Tân, trải qua hơn 20 ngày kịch chiến ; ngày 15/1/1949 bị quân Giải phóng chiếm, 13 vạn quân chính phủ bị bắt. Ngày 22/1, Truyền Tác Nghĩa và Lâm Bưu ký hiệp nghị hoà bình, thực chất chỉ là đầu hàng tránh đổ máu, 25 vạn quân của Truyền cải biên sang quân Giải phóng. Ngày 31/1 quân Giải phóng vào Bắc Bình, Trung cộng gọi là Bình Thiên chiến dịch ; cùng với các chiến dịch Liêu Thẩm, Hoài Hải gộp lại mệnh danh là Tam đại chiến dịch, phía quân chính phủ tổn thất 150 vạn.




2. Quốc dân đảng cầu hoà, Trung cộng tiến quân khắp toàn quốc



Nước Mỹ bất mãn với Tưởng, không chỉ mới xảy ra trong một ngày ; Đặc sứ Marshall nhận thấy Tưởng cố chấp quật cường, khó có thể lay chuyển được. Mấy năm nay Lý Tông Nhân với tư cách Chủ nhiệm hành doanh tại Bắc Bình, kết giao với các giới văn hoá giáo dục, lọt qua cặp mắt xanh của Đại sứ Stuart ; Lý trúng cử chức Phó tổng thống, cũng nhờ sự cổ vũ của viên Đại sứ này. Sau khi Lý trúng cử, mang hùng tâm lớn, hy vọng của Stuart càng cao. Tháng 8/1948 Stuart từng kiến nghị bộ ngoại giao Mỹ tìm cách giúp cho Quốc, Cộng đình chiến, chia Trung Quốc thành một số khu vực, thi hành chế độ liên bang, cho Trung Cộng có quyền lực tại các bang, riêng nước Mỹ viện trợ. Lúc bấy giờ Thống tướng Marshall làm Bộ trưởng ngoại giao, không có ý định thực hành lời kiến nghị này. Ngày 13/12, Đại sứ Stuart yêu cầu chỉ thị rõ ràng của bộ ngoại giao có hay không nên bảo Tưởng Giới Thạch từ chức, nhường cho Lý Tông Nhân hay một người khác để tiếp tục kháng chiến hoặc yêu cầu đình chiến ; Ngoại trưởng Marshall không quyết đoán, bảo tạm thời đừng hỏi thêm nữa.


Hai tháng trước, tức vào tháng 10, Tưởng nói với ký giả Mỹ rằng nước Mỹ cần trọng thị cục diện Trung Quốc. Đầu tháng 11, bộ ngoại giao Trung Quốc thỉnh cầu Ngoại trưởng Marshall phái khiển một phái đoàn quân sự, do quan quân Mỹ chỉ huy quân đội Trung Quốc. Tưởng gửi thư cho Tổng thống Truman, cũng xin gửi một tướng lãnh cao cấp làm cố vấn. Ngày 1/12, Tưởng cũng biểu thị với các ký giả Mỹ rằng sẽ trường kỳ giữ phía nam sông Trường Giang, hoan nghênh tướng MacArthur làm Cố vấn quân sự tối cao.


Hạ tuần tháng 12, Tôn Khoa kế nhiệm làm Viện trưởng hành chánh ; tuyên bố mục đích tối hậu của chính phủ dùng binh là tranh thủ hoà bình. Ngày 24, Tổng tư lệnh Hoa trung tiễu phỉ Bạch Sùng Hy điện cho Trương Quần, Hà Ứng Khâm để chuyển giao cho Tưởng; nội dung rằng với nhân tâm, sĩ khí, vật lực hiện tại, không thể tái chiến ; xin Đại sứ các nước Anh, Mỹ, Nga, Pháp điều giải, mưu hoà với Trung Cộng. Căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch tỉnh Hà Nam, Tham nghị hội yêu cầu Tưởng thoái chức ; các tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây hưởng ứng, Đại sứ Stuart cũng ngầm ủng hộ. Tưởng ra cáo văn, nguyện cùng Trung cộng đàm phán để khôi phục hoà bình ; bất kể cá nhân lưu lại hay rời chức.


Trung cộng với uy thế của kẻ chiến thắng, vào ngày 25/12/1948 tuyên bố từ Tưởng Giới Thạch trở xuống gồm 43 người là tội phạm chiến tranh. Ngày 30, Mao Trạch Đông lại tuyên bố quân cách mệnh sẽ tấn công triệt để ; đối với tuyên cáo của Tưởng cho là “ Chiến phạm cầu hoà ”, quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn phần tử phản động, đuổi thế lực xâm lược của đế quốc Mỹ ra khỏi Trung Quốc. Ngày 14/1/1949, Mao phát biểu thanh minh về thời cuộc, nguyện căn cứ vào 8 hạng điều kiện, cùng “ chính phủ phản động ” Quốc dân đảng và chính phủ địa phương của họ tiến hành hoà đàm, trừng trị chiến phạm, phế trừ cựu điều ước, cải biên quân đội, tịch thu tài sản của quan liêu, cải cách ruộng đất, trừ bỏ điều ước bán nước, triệu tập hội nghị chính trị hiệp thương không có phần tử phản động tham gia, thành lập chính phủ dân chủ liên hiệp, tiếp thu quyền lực của “ chính phủ phản động ” Quốc dân đảng cùng các cấp phụ thuộc. Cuối cùng chỉ thị cho quân Giải phóng nhân dân, trong việc thực hiện chân chính dân chủ hoà bình như đã nêu, không một chút nào lơ là nỗ lực chiến đấu, đối với bất cứ phản kháng nào của phần tử phản đối, cũng kiên quyết triệt để tiêu diệt.


Ngày 8/1, Bộ trưởng ngoại giao Quốc dân chính phủ gửi văn thư cho Đại sứ 4 nước Anh, Mỹ, Pháp, Nga, yêu cầu trợ giúp việc hoà đàm ; đồng thời Tưởng ra lệnh cho các tướng sĩ chớ nên vì vận động hoà bình mà buông bỏ đề kháng. Bạch Sùng Hy cũng nói rằng cần chuẩn bị chiến tranh để cầu hoà, chớ vì cầu hoà mà quên chiến đấu. Ngày 19/1, cả 4 nước tạ tuyệt việc điều giải ; Hành chính Viện yêu cầu Trung cộng vô điều kiện đình chiến, tái tục hoà đàm. Ngày 21/1, Tưởng Tổng thống chính thức tuyên bố thoái vị ; Lý Tông Nhân nắm chức Tổng thống. Lúc bấy giờ quân Giái phóng đã tiến tới bờ phía bắc sông Trường Giang, quan binh tại Nam Kinh rầm rộ lo nghĩ việc trốn rút. Bộ ngoại giao thông tri cho sứ quán các nước từ ngày 5/2, chính phủ sẽ bắt đầu làm việc tại Quảng Châu.


Trung cộng kiên quyết cự tuyệt vô điều kiện đình chiến trước khi đàm phán, Lý Tông Nhân chấp nhận lấy 8 hạng điều kiện làm cơ sở hoà đàm. Tại Quảng Châu, hành chánh Viện trưởng Tôn Khoa bảo rằng quyết không tiếp thu trừng trị chiến phạm và hoà bình đầu hàng. Ngày 13/2, Lý Tông Nhân yêu cầu Nhan Huệ Khánh, Chương Sĩ Sao 1 với tư cách Sứ giả hoà bình dân gian đáp máy bay lên Bắc Bình, rồi đến Thạch Gia Trang [Shijiazhuang, Hà Bắc] gặp Mao Trạch Đông. Tháng 3, Hà Ứng Khâm thay Tôn Khoa làm hành chánh Viện trưởng, phái Trương Trị Trung, Thiệu Lực Tử, Hoàng Thiệu Hoằng làm đại biểu hoà đàm. Uỷ viên hội Trung cộng trung ương ra nghị quyết tập trung lực lượng giải quyết tàn dư Quốc dân đảng. Ngày 25 cùng tháng, Trung cộng trung ương dời đến Bắc Bình ; ngày hôm sau phái Chu Ân Lai làm đại biểu hoà đàm. Đầu tháng 4, đại biểu hai bên tại Bắc Bình bắt đầu trao đổi ý kiến. Tân Hoa xã của Trung cộng hai ba lần thanh minh rằng quân Giải phóng cần giải phóng cả nước, yêu cầu chính phủ Nam Kinh đầu hàng với nhân dân. Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng chủ trương quân đội tại nguyên vị trí phòng thủ, nếu như Cộng quân vượt sông Trường Giang, hoà đàm lập tức đình chỉ ; Lý Tông Nhân càng mong cùng Trung cộng “ Cách sông phân trị ”. Trung cộng tại Bắc Bình loan truyền Giải phóng quân tích cực chuẩn bị vượt sông, y theo 8 hạng điều kiện thực hiện hoà bình. Vào ngày 13/4, đại biểu Quốc, Cộng chính thức cử hành hội nghị, Chu Ân Lai đề xuất bản thảo hiệp định gồm 8 hạng, 24 điều ; điểm quan trọng là mọi lực lượng vũ trang của chính phủ Nam Kinh cải biên thành quân Giải phóng nhân dân, Giải phóng quân đến khu vực chính phủ Nam Kinh tiến hành tiếp thu. Ngày 15, tu chính sơ lược, rồi hẹn vào ngày 20/4 ký. Quốc dân chính phủ cự tuyệt tiếp thu ; Bạch Sùng Hy phản đối càng mạnh, Lý Tông Nhân yêu cầu Trung cộng khảo lự thêm.


Chính phủ cầu hoà nhắm mục đích bảo vệ phía nam sông Trường Giang, tranh thủ viện trợ của Mỹ, chấn chỉnh lại quân bị. Trung cộng nhắm làm sụp đổ Quốc dân đảng, không để cho tro tàn bén lửa. Trong thời gian hoà đàm, Đệ nhị dã chiến quân dưới quyền của Lưu Bá Thừa, Đệ tam dã chiến quân dưới quyền Trần Nghị, dàn binh tại sông Trường Giang, chuẩn bị vượt sông xuống phía nam ; Đệ tứ quân của Lâm Bưu từ Bắc Bình, Thiên Tân xuống phía nam hướng thẳng đến Vũ Hán ; Đệ nhất dã chiến quân của Bành Đức Hoài cùng bộ thuộc của Hạ Long hướng Tây An ; bộ hạ của Từ Hướng Tiền khẩn cấp đánh Thái Nguyên. Ngày 21/4, Chủ tịch Trung Quốc nhân dân cách mệnh uỷ viên hội Mao Trạch Đông, Tổng tư lệnh nhân dân giải phóng quân Chu Đức ra lệnh các quân dã chiến tiến thẳng. Trong ngày Đệ nhị và Đệ tam dã chiến quân chia nhau vượt sông Trường Giang tại các địa điểm Địch Cảng [Digang, An Huy] và Giang Âm [Jiangyin, Giang Tô]. Ngày 23, Đệ nhị dã chiến quân vào Nam Kinh ; hơn 10 vạn quân chính phủ tại các tỉnh Giang Tô, An Huy, Chiết Giang tan rã hoặc bị tiêu diệt. Ngày 3/5, Đệ tam dã chiến quân vào Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], ngày 27 chiếm Thượng Hải ; quân chính phủ tổn thất đến 10 vạn. Ngày 17/8 chiếm Phúc Châu [Fuzhou, Phúc Kiến], 17/10 chiếm Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến] ; ngày 26 đánh đảo Kim Môn [Kinmen county], bị quân chính phủ đánh lui. Ngày 19/5, Đệ nhị dã chiến quân chiếm Cửu Giang [Jiujiang, Giang Tây], ngày 21 chiếm Nam Xương [Nanchang, Giang Tây] rồi xua ra phía tây đánh Hồ Nam. Đệ tứ dã chiến quân theo đường sắt Bình-Hán [Bắc Bình, Hán Khẩu] ngày 16/5 chiếm Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc] ; quân của Bạch Sùng Hy rút về Hoành Châu [Hengzhou, Hồ Nam]. Vào ngày 3/8, Chủ nhiệm Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] tuy tĩnh công thự Trình Tiềm lập hiệp nghị hoà bình với Lâm Bưu.


Thái Nguyên thủ phủ tỉnh Sơn Tây bị vây mấy tháng, vào ngày 25/4 thất thủ ; quyền Chủ tịch tỉnh Lương Đôn Hậu cùng mấy trăm người tự sát, hơn 7 vạn quân lính bị làm tù binh. Ngày 20/5 Đệ nhất dã chiến quân, cùng quân dưới quyền Hạ Long chiếm Tây An [Xian, Thiểm Tây] ; tháng 6, quân chính phủ phản công nhưng không thắng, tổn thất hơn 4 vạn người. Tháng 7, Đệ nhất dã chiến quân vào Cam Túc, ngày 26/8 chiếm Lan Châu [Lanzhou, Cam Túc], ngày 4/9 chiếm Tây Ninh [Xining, Thanh Hải], ngày 24 chiếm Ninh Hạ [Ningxia] ; mấy chục năm nay quân Hồi chiếm cứ tại Cam Túc, Thanh Hải, Ninh Hạ, nay bị tiêu diệt. Từ ngày 19 đến ngày 26 cùng tháng, chia quân vào chiếm Tuy Viễn [Hohhot, Nội Mông], Địch Hoá [Urumqi, Tân Cương]; trọn vùng Hoa bắc và Tây bắc đều do quân Giải phóng chiếm lãnh.


Sau khi Tưởng rút lui, trở về làng cũ tại Chiết Giang, nhưng vẫn còn nắm quyền. Lý Tông Nhân tài cán tầm thường khó mà thi triển ; bèn khuyên Tưởng ra khỏi nước đưa hết quyền lực, nhưng bị Tưởng cự. Sau tháng 4, Tưởng tuần xét miền duyên hải đông nam, bố trí quân sự. Tháng 6, Diêm Tích Sơn thay Hà Ứng Khâm làm Viện trưởng hành chánh. Từ tháng 7 đến tháng 10, Tưởng đi về các vùng Quảng Châu, Trùng Khánh [Chongquing, Tứ Xuyên], Thành Đô [Chengdu, Tứ Xuyên], Côn Minh [Kunming, Vân Nam] hoạch định bảo vệ miền Tây Nam ; điều quân của Hồ Tông Nam từ miền nam Thiểm Tây trở về Tứ Xuyên, ra lệnh cho quân của Bạch Sùng Hy từ phía nam tỉnh Hồ Nam vào Quí Châu, chống cự Cộng quân tại biên cảnh tỉnh Tứ Xuyên. Bạch muốn bảo vệ tỉnh Quảng Tây, điều bộ hạ xuống phía nam. Đệ tứ dã chiến quân bèn đuổi dài đến Quảng Đông, ngày 15/10 chiếm Quảng Châu ; Quốc dân chính phủ dời lên Trùng Khánh. Ngày 22/11, Đệ nhị dã chiến quân chiếm Quế Lâm ; Đệ tứ dã chiến quân đánh phá 15 vạn quân Bạch Sùng Hy tại biên giới Quảng Đông, Quảng Tây, ngày 6/12 chiếm Nam Ninh.


Ngày 14 tháng 11, Đệ nhị dã chiến quân chiếm Quý Dương [Guiyang, Quý Châu], cùng ngày Tưởng đến Trùng Khánh. Trước đó 6 ngày, có một cánh quân của Đệ nhị dã chiến quân vào miền đông nam Tứ Xuyên, quân chính phủ không đánh mà tan. Ngày 30/11, Trùng Khánh không giữ được, Tưởng đến Thành Đô. Đệ nhị dã chiến quân tiếp tục tiến, cùng bộ hạ của Hạ Long đánh kẹp Thành Đô. Ngày 9/12, Tứ Xuyên tuy tĩnh Chủ nhiệm Đặng Tích Hầu, Chủ tịch tỉnh Tây Khang [Xikang] Lưu Văn Huy, Chủ tịch tỉnh Vân Nam Lư Hán đầu hàng ; Tưởng đi Đài Loan, lưu Hồ Tông Nam giữ Thành Đô ; sau đó phái phi cơ đưa Hồ Tông Nam về Đài Loan. Ngày 27/3/1950, quân Giải phóng đánh chiếm căn cứ địa cuối cùng Tây Xương [Xichang, Tứ Xuyên] của quân chính phủ tại lục địa. Tổng kết, kể từ tháng 4/1949, trong vòng 11 tháng, quân Giải phóng chiếm trọn lục địa Trung Quốc.




3. Trung Hoa nhân dân cộng hoà quốc tại lục địa,
Trung Hoa dân quốc tại Đài Loan



Từ năm 1937 sau khi xoá bỏ chính phủ Xô viết trung ương, trên danh nghĩa Trung cộng không tự nhận là chính phủ trung ương. Quốc, Cộng chiến tranh 2 năm, vào ngày 1/5/1948 Trung cộng đề nghị triệu tập tân hội nghị hiệp thương, thảo luận thành lập chính phủ liên hiệp ; các đảng như Quốc dân đảng cách mệnh uỷ viên hội 2, Dân chủ đồng minh, gửi điện ủng hộ. Vào ngày 5/3/1949 Mao Trạch Đông tại hội nghị toàn thể trung ương uỷ viên Trung cộng báo cáo đã đến giai đoạn thành thục triệu tập hội nghị chính trị hiệp thương, thành lập chính phủ liên hiệp; hy vọng vào tháng 4 tháng 5, sau khi chiếm lãnh Nam Kinh xong sẽ thực hiện.


Vào ngày 15/6/1949 tại hội nghị trù bị cho hội nghị tân chính trị hiệp thương tại Bắc Bình, Mao Trạch Đông tuyên bố “ Chính phủ dân chủ liên hiệp một khi thành lập, công tác trọng điểm là thanh trừ tàn dư phái phản động, trấn áp phái phản động làm loạn ; đem hết khả năng, dùng đại lực lượng, khôi phục và phát triển sự nghiệp của nhân dân, đồng thời khôi phục và phát triển sự nghiệp văn hoá và giáo dục.” Ngày 1/7 Mao lại phát biểu “ Luận nhân dân dân chủ chuyên chính ” trình bày rằng vũ khí của Trung cộng là chủ nghĩa Mác Lênin, Trung Quốc tất phải theo chủ nghĩa xã hội. Trung Quốc cần sự viện trợ của quốc tế, nhưng không phải từ Anh, Mỹ ; mà từ Nga Xô. Trung Quốc cần thực hành chính phủ dân chủ nhân dân chuyên chính, dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản, đoàn kết các giai cấp công nhân, nông dân, thành thị tiểu tư sản, cùng tư sản dân tộc, cộng đồng chuyên chính ; dùng công, nông liên minh làm cơ sở, do tân dân chủ tiến đến xã hội chủ nghĩa, cùng Cộng sản chủ nghĩa. Tháng 9 đổi Chính trị hiệp thương hội nghị thành Nhân dân chính trị hiệp thương hội nghị, cử hành tại Bắc Bình từ ngày 21 đến ngày 30. Ngày 27, thông qua phép tổ chức chính phủ Trung Hoa nhân dân cộng hoà quốc trung ương ; thủ đô đặt tại Bắc Bình, nhưng đổi lại tên thành Bắc Kinh. Về niên hiệu thì tính năm theo Dương lịch ; quốc kỳ dùng 5 ngôi sao vàng in trên nền đỏ ; ngôi sao lớn tượng trưng cho Trung cộng, 4 ngôi sao nhỏ tượng trưng cho 4 giai cấp : công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Ngày 29 thông qua cương lĩnh chung ; ngày 30 tuyển cử Mao Trạch Đông làm Chủ tịch chính phủ nhân dân trung ương, Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ, Tống Khánh Linh, Lý Tế Thâm, Trương Lan, Cao Cương làm Phó chủ tịch ; Trần Nghị, Hạ Long, Diệp Kiếm Anh, Lâm Bưu, Bành Đức Hoài, Lưu Bá Thừa làm Uỷ viên. Ngày 1/10, Trung Hoa nhân dân cộng hoà quốc thành lập, Chu Ân Lai làm Tổng lý chính vụ viện, kiêm Bộ trưởng ngoại giao ; Mao Trạch Đông kiêm Chủ tịch nhân dân uỷ viên hội, Chu Đức làm Tổng tư lệnh quân đội Nhân dân giải phóng.


Vào lúc lục địa Trung Quốc pháo đạn rầm trời, quân chính phủ liên tiếp thất lợi ; thì Đài Loan là một tỉnh tương đối yên ổn. Bắt đầu từ tháng 4/1947 bộ quốc phòng thiết lập tại Đài Loan bộ tư lệnh huấn luyện lục quân, cùng các cơ cấu quân sự khác, do sự giúp đỡ của cố vấn Mỹ. Tháng 12/1948, Trần Thành giữ chức Chủ tịch Đài Loan, đem vàng của Trung ương ngân hàng lưu giữ tại Đài Loan. Nửa năm đầu 1949, Đài Loan có nhiều cải cách, như thực hành giảm tô, cải cách tiền tệ. Hoà đàm không thành, đảng viên Quốc dân đảng phần lớn chủ trương Tưởng phục chức. Ngày 7/12, chính phủ tuyên bố dời ra Đài Loan, Lý Tông Nhân đi Mỹ không trở về ; lúc bấy giờ lời hô cổ võ cho Tưởng trở lại chức rầm rộ. Ngày 1/3/1950 Tưởng trở lại chức Tổng thống, dùng Trần Thành làm Viện trưởng hành chánh, từ đó trở về sau Đài Loan trở thành đất của chính phủ Trung Hoa dân quốc.


Sau khi chiến dịch Hoài Hải tại phía bắc các thành thị Nam Kinh, Thượng Hải bộc phát ; Đại sứ Mỹ Stuart cho rằng cục diện hết thuốc chữa, thua thắng đã rõ ràng, nước Mỹ bèn triệt hồi đoàn cố vấn quân sự. Quốc dân chính phủ dời về Quảng Châu, Stuart không đi theo. Sau khi quân Giải phóng tiến chiếm Nam Kinh, Đại sứ Stuart chuẩn bị đến Bắc Kinh thừa nhận chính phủ Trung cộng, nhưng Quốc vụ viện Mỹ không cho phép ; lại đề nghị nước Mỹ, hoặc Liên hiệp quốc tạm quản Đài Loan ; nhưng Tưởng phản đối, khuyên nước Mỹ giúp Trung Quốc tiếp tục chống Cộng, xác nhận bảo vệ Đài Loan, một lực lượng chính trị có hy vọng mới. Ngày 5/8/1949, Quốc vụ viện Mỹ công bố bạch thư về “ Quan hệ Trung, Mỹ ”, có kèm theo thư của Ngoại trưởng Dean Acheson gửi Tổng thống Truman, biện hộ cho chính sách Mỹ. Bảo rằng phản cộng tại Trung Quốc thất bại do chính phủ không có khả năng ; Trung cộng trung thành với Nga Xô khiến cho dân tộc Trung Quốc lâm vào thảm hoạ bởi áp lực của một đảng độc tài phục vụ cho đế quốc kiểu mới nước ngoài. Cuối cùng nền văn hoá lâu dài của Trung Quốc, chủ nghĩa cá nhân, dân chủ sẽ phát triển lực lượng đấu tranh, giải thoát gông cùm ; nước Mỹ cần cổ vũ mục tiêu đó, nhưng quá trình phải trải qua giai đoạn cam go cuối cùng mới ổn định được. Lời tuyên bố này khiến cho Quốc dân chính phủ trước giờ hấp hối cũng mãnh liệt đả kích ; riêng phía Trung cộng Mao Trạch Đông tuyên bố 5 bài đả kích quyết liệt, cho Mỹ là kẻ thù tối hung ác của Trung quốc, cần cừu hận, miệt thị, khinh ghét, dẹp bỏ ảo tưởng, chuẩn bị đấu tranh.


Sau khi chính phủ Trung Hoa nhân dân cộng hoà thành lập được 1 ngày, được Nga Xô công nhận. Nước Mỹ tuy tiếp tục thừa nhận Quốc dân chính phủ, nhưng không tích cực viện trợ. Ngày 5/1/1950 Tổng thống Truman, Ngoại trưởng Dean Acheson lại thanh minh một lần nữa rằng nước Mỹ không có ý định viện trợ quân sự cho Quốc dân chính phủ tại Đài Loan, chỉ viện trợ kinh tế mà thôi. Lúc này Mao Trạch Đông đang thăm Nga Xô ; vào ngày 14/2 Chu Ân Lai và Ngoại trưởng Nga Xô Vyshinsky ký 3 văn thư về ngoại giao ; 1 hiệp định 30 năm “ Trung Xô hữu hảo đồng minh hỗ trợ điều ước ” ; 1 hiệp định Nga Xô cho Trung Quốc mượn 300 triệu Mỹ kim ; 1 hiệp định, Nga Xô chấp nhận giao đường sắt Trường Xuân cho Trung Quốc, triệt thoái quân đội tại Lữ Thuận, hành chánh tại Đại Liên do Trung Quốc quản lý.


Ngay lúc Mao Trạch Đông tại Nga Xô, Ngoại trưởng Dean Acheson trong một buổi diễn thuyết nói mục đích của Nga Xô là thôn tính vùng Ngoại Mông và Hoa bắc ; người Mỹ tin rằng Trung Quốc bị ngoại quốc khống chế, đi ngược lại lợi ích của dân Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch không được nhân dân ủng hộ, không phải là lãnh tụ Trung Quốc ; nước Mỹ sẽ ủng hộ lực lượng tự do dân chủ lãnh đạo Trung Quốc, cùng bảo vệ Nhật Bản ; hàm ý Phi Luật Tân, Đài Loan, Triều Tiên không nằm trong đó.


Sau khi Tưởng Giới Thạch trở lại cầm quyền chưa đến 80 ngày, thì những hải đảo làm thế ỷ dốc cho Đài Loan như Hải Nam, quần đảo Châu Sơn đều bị quân Giải phóng đánh chiếm. Tưởng Kinh Quốc báo động rằng trong vòng 100 ngày, Đài Loan sẽ trải qua giai đoạn nghiêm trọng. Nào ai ngờ vào ngày 25/6/1950, Bắc Hàn do sự xui khiến của Nga Xô, tấn công Nam Hàn. Nước Mỹ nhận thấy nếu như để mất Nam Hàn thì không riêng nước Nhật không giữ được, mà cả những nước gần Nga Xô cũng bị xâm lược. Nên ngày 27/6 chính sách của nước Mỹ đối với Đài Loan hoàn toàn thay đổi ; Tổng thống Truman một mặt ra lệnh cho Thống tướng MacArthur quân viện cho Nam Hàn tác chiến, một mặt ra lệnh Hạm đội 7 bảo vệ Đài Loan. Nhờ đó Đài Loan được an toàn, chính phủ Trung Hoa dân quốc tiếp tục duy trì quyền lực cho đến ngày nay.


Hồ Bạch Thảo









(Tham khảo từ : Cận Đại Trung Quốc Sử Cương, Quách Đình Dĩ ; Xô Nga Tại Trung Quốc, Tưởng Trung Chính ; Wikipedia Anh văn, Trung văn ; Bản đồ Google)






1 Nhan Huệ Khánh là nhà ngoại giao kỳ cựu, Chương Sĩ Sao là văn nhân chính khách có quen biết Mao Trạch Đông.

2 Quốc dân đảng cách mệnh uỷ viên hội thành lập tại Hương Cảng vào ngày 1/1/1948, lãnh đạo là Lý Tế Thâm.

ưo

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss