Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Trung Quốc hiện đại : Chiến tranh kháng Nhật (giai đoạn TQ tham gia Chiến tranh Thế giới) / Lịch sử Trung Quốc hiện đại : Chiến tranh kháng Nhật (giai đoạn TQ tham gia Thế chiến)

Lịch sử Trung Quốc hiện đại : Chiến tranh kháng Nhật (giai đoạn TQ tham gia Thế chiến)

- Hồ Bạch Thảo — published 24/06/2015 12:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 1 : Tình trạng Trung Quốc sau khi chiến tranh Thái Bình Dương bộc phát [1941-1943]

Chiến tranh toàn bộ kháng Nhật

(Giai đoạn Trung Quốc tham gia Đệ nhị thế chiến)


Hồ Bạch Thảo



Chương một



Tình trạng Trung Quốc sau khi
chiến tranh Thái Bình Dương bộc phát

[1941-1943]


lb

Lâm Bưu [1907-1971]

nguồn : Wikipedia


1. Trung Quốc là thành viên của đồng minh


Tháng 7/1939, Nhật Bản chuẩn bị nam tiến ; ngoài việc mưu đồ cản trở sự giao thông từ Việt Nam sang Trung Quốc còn muốn xâm phạm miền đông Ấn Độ và phía bắc Úc châu. Vào cuối tháng 9/1940 quân Nhật tấn công Bắc Việt bằng 2 mặt, một mặt tại biên giới Hoa Việt từ Long Châu [Longzhou, Quảng Tây] sang Lạng Sơn [Việt Nam] ; một mặt đổ bộ tại Đông Tác, phía nam Hải Phòng. Chính phủ Pháp đành phải chấp nhận cho Nhật đóng quân tại Hải Phòng, Gia Lâm và kiểm soát đường sắt Việt Hoa. Trước và sau lúc quân Nhật chiếm đóng Bắc Việt, Mỹ 2 lần phản đối ; lại vào tháng 2/1941 cùng nước Anh phản đối ý đồ nam tiến của Nhật. Tổng thống Roosevelt trả đũ a việc Nhật xâm lăng Đông Dương bằng 3 bước quan trọng : thứ nhất, phong toả ngân hàng Nhật tại Mỹ ; thứ hai, đưa quân thuộc chính quyền Philippines dưới quyền Mỹ chỉ huy ; thứ ba, đóng cửa kênh Panama không cho tàu Nhật sử dụng. Vào tháng 3, tân đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, Dã Thôn Cát Tam Lang, hướng Quốc vụ khanh Mỹ Cordell Hull [Hách Nhĩ] đề xuất phương án uyển chuyển, bao gồm việc quân Nhật rút ra khỏi Trung Quốc, không đòi bồi thường binh phí, cùng bàn phương châm môn hộ khai phóng, chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc hợp lại, thừa nhận nước Mãn Châu. Chờ khi Trung Quốc tiếp nhận, Nhật sẽ y theo chính sách đối xử tốt với lân quốc cộng đồng đề phòng Cộng sản, trực tiếp bàn với tân chính phủ Trung Quốc về các sự kiện hoà bình cùng 3 nguyên tắc hợp tác kinh tế ; nếu như chính phủ Trùng Khánh cự tuyệt, nước Mỹ không nên tiếp tục viện trợ cho họ. Nước Mỹ trước hết đòi hỏi chủ quyền và lãnh thổ hoàn chỉnh của các nước, không can thiệp nội chính, ủng hộ cơ hội bình đẳng, không nhiễu loạn Thái Binh Dương.


Chiến tranh Đức, Nga xẩy ra ; Nhật Bản mở cuộc họp Ngự tiền 1 quyết định thành lập “ Khối thịnh vượng Đại Đông Á ”, tăng cường chính sách Nam tiến, không loại bỏ phải khai chiến với Anh, Mỹ ; tạm chưa gia nhập liên minh Đức, Ý, dùng thủ đoạn ngoại giao để ngăn ngừa Mỹ tham chiến. Vào ngày 28/7 quân Nhật đổ bộ Sài Gòn ; Roosevelt thấy tình thế nghiêm trọng, đích thân đem 2 bản thanh minh cho Đại sứ Dã Thôn rằng nếu Nhật Bản tái tục xâm hại lân bang, Mỹ sẽ sử dụng toàn bộ áp lực ; Nhật cần đình chỉ khuyếch trương, giữ khu vực Thái Bình Dương hoà bình. Ngày 2/10 Cordell Hull đề nghị Trung Nhật hưu chiến trong vòng 3 tháng, Nhật không còn tiếp tục nam tiến, không đánh Vân Nam, sau đó sẽ triệt binh tại Việt Nam ; nước Mỹ sẽ bỏ việc phong toả Nhật.


Phái quân nhân Nhật phản đối, nội các Cận Vệ từ chức, Đại thần lục quân Đông Điều Anh Cơ giữ chức Thủ tướng ; ngày 1/11 đại bản doanh cùng nội các họp hội nghị liên tịch, quyết định chỉ đàm phán vấn đề phương nam với Mỹ, còn vấn đề Trung Quốc do Nhật tự giải quyết lấy. Vào ngày 5/11, qua cuộc họp Ngự tiền, chính phủ Nhật quyết định phát động vũ lực đối với Mỹ, Anh ; cùng phái thêm Đại sứ tại Đức, Lai Tây Tam Lang, đến Mỹ làm Đặc sứ.


Vào các ngày 17, 18/11, Lai Tây đến gặp Tổng thống Roosevelt và Quốc vụ khanh Cordell Hull, cự tuyệt việc quân Nhật rút ra khỏi Trung Quốc ngay. Ngày 20, đề xuất phương án cuối cùng, trừ Việt Nam ra, Nhật, Mỹ sẽ không khuếch trương quân sự tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương ; sau khi đã khôi phục hoà bình tại Trung Quốc, quân Nhật sẽ rút ra khỏi Việt Nam. Yêu cầu nước Mỹ bỏ thái độ và hành động thiên vị ; Nhật, Mỹ hợp tác khai thác vật tư tại vùng thuộc địa Hà Lan, khôi phục Nhật, Mỹ thông thương, nước Mỹ bán cho Nhật số lượng dầu cần dùng. Ngày 22, phía Mỹ soạn lâm thời thảo án, nội dung Nhật, Mỹ sẽ không sử dụng vũ lực tại khu vực Thái Bình Dương, Nhật Bản giảm thiểu quân trú đóng tại Bắc Việt, không tấn công Vân Nam, nước Mỹ sẽ nới lỏng chế tài. Tưởng Uỷ viên trưởng thấy trong thảo án 2 nước Mỹ không đòi hỏi quân Nhật rút ra khỏi Trung Quốc, có ý hy sinh Trung Quốc để thoả hiệp với Nhật, nên mệnh Đại sứ Hồ Thích tại Mỹ phản đối ; nước Anh cũng không đồng ý quân Nhật đóng tại Việt Nam. Vào ngày 26, nước Mỹ bỏ thảo án, rồi đề ra 9 nguyên tắc cùng 10 điểm ; nội dung chính : Nhật không xâm phạm Thái Bình Dương và các quốc gia trong vùng ; cơ hội thông thương và đãi ngộ bình đẳng ; quân Nhật rút ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam ; ngoại trừ chính phủ Trùng Khánh, Nhật, Mỹ không viện trợ cho chính phủ nào khác : buông bỏ các loại đặc quyền tại Hoa.


Ngày 27, chính phủ Đông Kinh tiếp được báo cáo của Đại sứ Dã Thôn, nhận thấy không thể dung nạp được đề án của Mỹ, đặc biệt là vấn đề triệt binh và chi trì chính phủ Trùng Khánh ; do vậy không còn gì để thảo luận thêm, duy chỉ có chiến tranh mà thôi ! Ngày 29, Thủ tướng Đông Điều diễn thuyết tại hội nghị các đại thần rằng cần báo phục Anh, Mỹ. Ngày 30, tại hội nghị nội các, Đông Điều lại nhấn mạnh rằng đối với cuộc chiến Anh, Mỹ không thể kéo dài thời cơ ; nếu không kinh tế Nhật Bản sẽ đi vào bế tắc. Ngày 1/12 tại hội nghị Ngự tiền quyết định khai chiến với Anh, Mỹ, Hà Lan. Ngày 6 Tổng thống Roosevelt đích thân điện cho Nhật Hoàng, yêu cầu Nhật Bản rút ra khỏi Việt Nam ; Tưởng Uỷ viên trưởng cũng thông báo cho Roosevelt rằng Trung Quốc quyết không bỏ miền Đông Tam Tỉnh.


Ngày 27/11, hạm đội Nhật bắt đầu xuất phát đến Hawaii, ngày 8/12 đột kích căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu cảng [Pearl Harbor], cùng lúc tấn công các mục tiêu khác tại Thái Bình Dương ; Anh, Mỹ cùng tuyên chiến với Nhật. Trung Quốc khổ sở cầm cự để đợi biến, nay đã thành hiện thực, phấn khởi có thể thấy được ; chính thức tuyên chiến với Nhật, Đức, Ý. Tưởng kiến nghị thành lập Trung, Mỹ, Anh, Hà Lan, Úc liên hiệp tác chiến uỷ viên hội ; cộng đồng bảo vệ Hương Cảng, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Miến Điện, Đông Ấn Độ 3 thuộc Hà Lan ; cùng yêu cầu Nga Xô tham gia. Nhân Nga Xô khéo léo từ chối ; ngày 23/12, ba nước Trung Quốc, Mỹ, Anh mở cuộc hội nghị quân sự lần thứ nhất tại Trùng Khánh, nhưng không có quyết định quan trọng. Thủ tướng Anh, Churchill, cho rằng nước Mỹ chú trọng việc đánh Nhật, nên đích thân đến thủ đô Washington thuyết phục Mỹ ra sức tấn công nước Đức, đối với Nhật tạm giữ thế thủ. Các nhà quân sự Mỹ cũng nhận thấy Đức quả là địch thủ chính, nên quyết định chiến lược ưu tiên cho Âu châu, sau mới đến Á châu.


Ngày 1/1/1942, 26 nước đồng minh như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc tuyên cáo liên hiệp quốc đem toàn lực đánh phe trục Đức, Ý, Nhật ; Trung Quốc bắt đầu được liệt nhập vào hàng tứ cường 4. Roosevelt muốn cổ võ Trung Quốc, đề cao thanh vọng của Tưởng, suy cử làm Thống soái chiến khu Trung Quốc, bao quát Việt Nam và Thái Lan.


Sau khi đột kích Trân Châu Cảng, thế lực Nhật Bản tại Thái Bình Dương ồ ạt tung hoành, trong vòng hơn 1 tháng chiếm đảo Guam, Hương Cảng, Mã Lai, xâm phạm Indonesia, bức bách Miến Diện ; nhưng lại bị tổn thất tại chiến trường Trung Quốc. Vào ngày 24/12/1941 quân Nhật từ Nhạc Dương [Yueyang, Hồ Nam] xuống phía nam đánh Trường Sa [Changsha, Hồ Nam], quân Trung Quốc đợi thâm nhập rồi bao vây, đánh ngang hông. Ngày 15/1/1942 Nhật phải rút quân trở về nơi xuất phát, đây là chiến thắng thứ 3 tại Trường Sa, cũng đều do tướng Tiết Nhạc chỉ huy. Lực lượng tham dự, phía Trung Quốc 300 ngàn quân, phía Nhật 120 ngàn ; quân Trung Quốc tử trận 28 116 người ; quân Nhật 56 746, mất 600 cỗ pháo. Đây là trận thắng Nhật đầu tiên của phe đồng minh, nên các nước Anh, Mỹ đều khen ngợi.


Trung Quốc bảo vệ đường giao thông Miến Điện – Vân Nam, nguyện hợp tác phòng thủ Miến Điện ; nước Anh thấy tình hình khẩn trương, miễn cưỡng đồng ý. Tháng 2/1942, Tưởng Uỷ viên trưởng đến thăm Ấn Độ, đề nghị nước Anh để Ấn Độ tự trị, Ấn Độ tạm dừng đòi hỏi độc lập, tập trung vào việc kháng Nhật ; nhưng Thủ tướng Anh, Churchill, vẫn còn thành kiến, nên lãnh tụ Gandhi tỏ ra không mặn nồng với việc kháng Nhật. Quân Anh tại Miến Điện muốn bảo tồn lực lượng để giữ Ấn Độ nên không muốn tham chiến ; Tưởng phái hai đạo quân vào Miến Điện trợ chiến ; giao cho tướng Joseph Stilwell [Sử Địch Uy], Tổng tư lệnh quân Mỹ tại chiến khu Trung, Miến, Ấn, kiêm Tham mưu trưởng chiến khu Trung Quốc chỉ huy. Joseph Stilwell cho tấn công phía nam Miến Điện, tuy giải vây cho quân Anh tại Yenangyaung và Tougoo ; nhưng đến tháng 5 các vùng Mandalay, Myitchyina, Lashio, cùng miền biên giới tỉnh Vân Nam như Uyển Linh, Long Lăng, Đằng Xung [Tengchong, Vân Nam] tiếp tục mất. Quân Nhật tiến đến phía tây sông Nộ Giang [Vân Nam], Joseph Stilwell chạy sang Ấn Độ ; tổng kê Trung Quốc 13 ngàn quân tử trận.


Tháng 4/1942, máy bay Mỹ từ hàng không mẫu hạm lần đầu oanh kích tại lãnh thổ nước Nhật, xong việc bay đến tỉnh Chiết Giang [Zhejiang] hạ cánh, nhưng bị huỷ. Nhật Bản sợ Mỹ sử dụng lục địa Trung Quốc làm căn cứ không quân, bèn điều 10 vạn quân tấn công miền tây Chiết Giang và miền đông Giang Tây. Lúc bấy giờ Tưởng Uỷ viên trưởng đang chú tâm vào cuộc chiến tại biên giới Miến Điện, Vân Nam, lại lo bảo vệ tỉnh Hồ Nam, nên không quyết chiến tại nơi này, khiến quân Nhật rảnh tay, phá huỷ các phi trường trong vùng. Từ đó trong vòng hơn một năm có những chiến dịch lớn như : Thứ nhất, quân Nhật càn quyét vùng biên khu 3 tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Hà Nam vào tháng 4/1943, trọng điểm tại vùng núi Thái Hàng [Taihangshan, Sơn Tây], khiến quân Hoa bị tổn thất nặng. Thứ 2, vào tháng 5 quân Nhật tấn công vùng biên khu hai tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam tại phía tây nam Nghi Xương [Yichang, Hồ Bắc], lúc đầu Nhật chiếm được các huyện như Tùng Tự [Songzi, Hồ Bắc], Công An [Gong’an, Hồ Bắc]. Tưởng ra lệnh cho tướng Trần Thành điều quân tăng cường, máy bay Mỹ oanh kích chìm tàu Nhật trên sông Trường Giang, nên cuối cùng quân Nhật phải từ bỏ những vùng đã chiếm. Thứ ba, vào tháng 11/1943 quân Nhật tấn công Thường Đức [Changde, Hồ Nam], chiến tranh rất ác liệt, lúc đầu chiếm được, đến tháng 12 quân Trung Quốc được không quân Mỹ yểm trợ, lấy lại. Quân Trung Quốc do Tôn Liên Trung chỉ huy, lực lượng 210 ngàn quân, tổn thất 60 ngàn ; phía Nhật do Isamu Yokoyama chỉ huy, lực lượng 100 ngàn, tổn thất 40 ngàn quân.


Trung Quốc tuy là một nước đồng minh, nhưng không được đãi ngộ một cách bình đẳng. Nước Mỹ chỉ muốn Trung Quốc tuân theo một cách vô điều kiện ; riêng nước Anh thì vừa khinh miệt, vừa đố kỵ. Những nhu yếu cấp thiết đều được Mỹ gia tăng viện trợ ; tuy nhiên đối với những thỉnh cầu của Trung Quốc, ngoại trừ vào tháng 2/1942 cho mượn 50 triệu Mỹ kim, kỳ dư thì dè xẻn ; nhưng lại thúc dục Trung Quốc chiến đấu mạnh. Trong chiến dịch tại Miến Điện, phía Trung Quốc tổn quân chết tướng ; Tưởng Uỷ viên trưởng cho rằng nguyên nhân sự thất bại do bởi kế hoạch tác chiến do người thao túng, không có quyền tự chủ ; đau hận vì nước yếu, cương vị đồng minh chỉ ở trên lời nói, đối với Mỹ cũng không ngoài lệ đó. Ngày 21/4, đại biểu đoàn quân sự Trung Quốc tại Mỹ, Hùng Thức Huy, Bộ trưởng ngoại giao Tống Tử Văn yêu cầu hội nghị tham mưu đoàn Anh, Mỹ, cùng việc phân phối vũ khí quân dụng, nhưng cũng không đạt được những điểm quan trọng. Hùng Thức Huy cũng từng gặp mặt trao đổi với Tham mưu tổng trưởng George Marshall [Mã Yết Nhĩ], nhưng cũng không có kết quả. Ngày 21/3, Thủ tướng Churchill diễn thuyết, không gọi Trung Quốc là nước trong “ Tứ cường ”. Ngày 25/5, Tưởng gửi điện cho Roosevelt phàn nàn rằng hoàn toàn dao động lòng tin ở đồng minh, từ trước tới nay chưa lúc nào gặp nghiêm trọng như vậy ; nay xin xét rõ tình thế, nắm vững hiện thực.


Sau khi phát động chiến tranh, Nhật Bản thanh ngôn rằng nguyện thủ tiêu trị ngoại pháp quyền và trả lại tô giới cho Trung Quốc. Từ năm 1940 đến năm 1941, Mỹ, Anh lần lượt tuyên bố sau cuộc chiến sẽ cùng Trung Quốc đàm phán thủ tiêu tại Hoa đặc quyền điều ước, nhưng hiện nay thì chưa phế bỏ. Sau khi Trung Quốc yêu cầu cải thiện địa vị tại đồng minh nhưng không được toại nguyện, tháng 5/1942 Hùng Thức Huy chủ trương Trung Quốc tự tuyên bố phế bỏ, nhưng Tống Tử Văn phản đối, Đại sứ Hồ Thích lúc bấy giờ cũng không nhiệt tâm ủng hộ. Tháng 6, Hùng chuyển sang thuyết phục Bạch Cung [White House] rằng nước Mỹ viện trợ vật tư cho Trung Quốc chỉ có hạn ; vậy nên thủ tiêu bất bình đẳng điều ước, để cổ vũ tinh thần. Chính phủ Mỹ nhận thấy đó là điều tốt, mà hiện tại cũng chẳng phí tổn gì, nên sau khi bàn với nước Anh, ngày 9/10 Quốc vụ khanh Cordell Hull thông báo cho Đại sứ Trung Quốc lúc bấy giờ là Nguỵ Đạo Minh [thay thế Hồ Thích] chuẩn bị để đàm phán liên quan đặc quyền điều ước và ký hiệp ước mới. Cùng ngày nước Anh cũng biểu thị như vậy ; kế tiếp là các nước Gia Nã Đại, Hà Lan, Ba Tây [Brasil].


Ngày 11/1/1943 Trung Mỹ, Trung Anh ký hiệp ước mới ; 100 năm bất bình đẳng điều ước cáo chung. Tiêu huỷ hàng loạt các quyền như : Quyền Lãnh sự tài phán 5, Tô giới, Quyền hàng hành trên sông, Quyền quân hạm vào lãnh hải Trung Quốc, Quyền người Tây phương quản lý hải quan, Quyền trú quân tại sứ quán Bắc Bình cùng tuyến giao thông từ sứ quán ra biển ; nhưng riêng nước Anh chưa chịu bỏ tô giới Cửu Long [Kowloon, Quảng Đông]. Nước Mỹ lại còn biểu thị thêm thái độ hữu nghị đối với Trung Quốc, phế trừ hạn chế di dân Trung Quốc, cho phép người Hoa nhập cảnh, nhập tịch ; khiến Nhật Bản không thể dùng luận điệu “ Đại Đông Á ”, liên hiệp Đông phương để chống lại Tây phương. Roosevelt tuyên bố rằng việc bài Hoa là sai lầm lịch sử, bỏ pháp án về ngăn cấm di dân Trung Quốc, không những nước Mỹ công nhận Trung Quốc là bằng hữu tác chiến, mà cũng là người bạn lúc hoà bình. Ngày 17/12 chính thức phế bỏ pháp án về người Hoa, Roosevelt lại tái tuyên bố “ Việc này chứng tỏ nhân dân nước Mỹ cảm tình và kính yêu ; những chướng ngại giữa quốc gia đồng minh tiêu trừ, từ nay trở về sau tăng gia khẩn cấp nỗ lực tác chiến, càng giải quyết được mục tiêu chung của hai nước ”. Nhưng số lượng di dân mỗi năm hạn chế 105 người.


Bình đẳng điều ước mới được đính lập, cả nước hoan nghênh ; Tưởng Uỷ viên trưởng cũng bảo rằng đây là điều mừng duy nhất trong đời ông. Nhưng mối lo trước mắt và hiện tại, khốn khó vẫn chưa giải trừ, trong các nước đồng minh vẫn còn lừa lọc lầm lỡ, mỗi nước mưu tính một cách ; sự gian nan nguy hiểm của Trung quốc cũng không vì thế mà ít hơn thời kỳ tác chiến một mình.




2. Tranh chấp Trung Nga tại Tân Cương,
Trung Mỹ Anh mâu thuẫn trong việc phản công
tại Miến Điện, hội nghị Cairo



Sau khi Nga Xô khống chế quân sự, chính trị tại Tân Cương, bèn dấn bước vào việc tước đoạt kinh tế, đặc biệt là khoáng sản. Ngoài ra Stalin cũng không tin Chủ tịch tỉnh Tân Cương Thịnh Thế Tài, nên sau khi chia cắt Ba Lan, bèn quay sang phương đông để tìm cách thôn tính Tân Cương. Vào đầu năm 1940, ngoại trừ việc gây phản loạn tại vùng núi A Lặc Thái [Altay, Tân Cương], còn âm mưu bạo động tại Ô Lỗ Mộc Tề [Urumqi, Tân Cương], nhưng cả hai nơi đều thất bại. Tháng 11 Đại biểu Nga Xô là Bakulin, Korpov trao văn kiện bí mật cho Thịnh Thề Tài, bảo rằng “ Một chữ cũng không đổi, ngươi là đảng viên “ Liên cộng ” phải phục tùng mệnh lệnh của đảng, càng phải đấu tranh lợi ích cho Nga Xô ”. Ngày 26 cùng tháng, Thịnh Thế Tài với tư cách Chủ tịch tỉnh Tân Cương ký mật ước ghi rằng trong vòng 50 năm giao cho Nga Xô mỏ thiếc, các khoáng sản, nguyên liệu, công lộ, đường sắt, rừng ; Nga Xô đặc cách thiết lập công ty mỏ thiếc, hoàn bị việc vũ trang.


Thịnh Thế Tài bắt đầu bất mãn với Stalin, đại khái bắt đầu từ năm 1938 khi Trung Cộng chấp thuận cho Thịnh gia nhập đảng, nhưng bị Stalin cự ; năm 1940, có âm mưu bạo động tại Ô Lỗ Mộc Tề, cùng việc bách hiếp ký mật ước về mỏ thiếc, càng khiến cho Thịnh khó lòng cư xử. Kế hoạch của Stalin phát động chính biến vào ngày 12/4/1942 ; nhân việc Lữ đoàn trưởng phụ trách về cơ giới Thịnh Thế Kỳ, em ruột của Thế Tài, bị giết vào trước đó mấy ngày nên dẫn đến thất bại. Thịnh Thế Kỳ từng tốt nghiệp đại học Hồng quân tại Mạc Tư Khoa, ngày 29/3/1942 bị giết ; nguyên nhân về cái chết có 2 thuyết tương phản : Một thuyết cho rằng Stalin thu phục y, nên bị Thịnh Thế Tài xử tử. Một thuyết cho rằng Thế Kỳ không chịu phục tùng mệnh lệnh của Stalin, bị vợ là Trần Tú Anh, đảng viên Cộng sản giết, Thịnh Thế Tài lại giết Trần Tú Anh.


Lúc bấy giờ chiến tranh Nga Đức chuyển qua bước ngoặt, Stalin bèn đem sự việc giao thiệp giữa chính quyền Tân Cương và Nga công khai hoá. Đầu tháng 7, Thứ trưởng ngoại giao Nga Xô Dekanozov giao cho Thịnh Thế Tài một công hàm, kể hết tội của Thịnh phản bội Trung Quốc, Đại sứ chính phủ Trùng Khánh Phan Hữu Niên tại Nga đem phó bản gửi cho Tưởng Uỷ viên trưởng ; Thịnh Thế Tài cũng đem mọi việc đối với Nga trình bày cho Tưởng Uỷ viên trưởng. Tưởng một mặt vỗ về an ủi Thịnh Thế Tài, một mặt thu xếp với Nga cho qua chuyện. Tháng 8, Tưởng đích thân đến tỉnh Cam Túc, phái Tưởng Phu nhân [Tống Mỹ Linh] cùng Trưởng quan Đệ bát chiến khu [khu tây bắc] Chu Thiệu Lương đến thủ phủ tỉnh Tân Cương, Ô Lỗ Mộc Tề. Tháng 9, Thịnh thông tri cho Lãnh sự Nga Xô mệnh cố vấn, chuyên gia triệt thoái về nước ; giết các yếu nhân Trung cộng như Mao Trạch Dân [em Mao Trạch Đông], Trần Đàm Thu.


Quan hệ giữa Trung Nga xấu đi, quan hệ Trung Mỹ cũng thiếu đẹp đẽ ; chiến dịch quân viện tại Miến Điện khiến Tưởng rất tức giận, việc này thực sự có liên quan đến tướng Joseph Stilwell. Từ năm 1919 Joseph Stilwell lần lượt giữ chức giáo sư sinh ngữ cho quân Mỹ tại Bắc Kinh, Chỉ huy trưởng quân Mỹ đóng tại Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Sĩ quan tuỳ viên tại sứ quán Mỹ, tổng cộng 10 năm ; tính tình kiêu ngạo, coi khinh năng lực của người Trung Quốc, không hiểu rõ tình trạng Trung Quốc hiện tại đã biến hoá. Lần này đến Trung Quốc do Tham mưu tổng trưởng George Marshall suy cử, giữ hai nhiệm vụ : Đại biểu nước Mỹ, có quyền nắm giữ tô giới, tiền mượn, vật tư ; lại là Tham mưu trưởng chiến khu Trung Quốc dưới quyền Tưởng Thống soái, nhưng không chịu tuân mệnh lệnh. George Marshall biết rằng Joseph Stilwell không hợp với Tưởng, nên ngày 24/4/1942 nói với Đại biểu đoàn quân sự Trung Quốc Hùng Thức Huy rằng sẽ triệu hồi Stilwell và cử người khác thay thế. Tưởng chưa biểu thị phản ứng, còn chấp nhận cho huấn luyện tân binh tại Ấn Độ, giữ chức Tư lệnh tại Ấn.


Căn cứ theo thư của Tưởng gửi cho Hùng Thức Huy và Tống Tử Văn vào ngày 19/6, vì những nguyên nhân sau đây nên không muốn bộc bạch khuyết điểm của Stilwell : thứ nhất y bị bệnh hoàng đản 6 nặng, thứ hai Trung Mỹ giao thiệp cần bảo toàn danh dự, thứ ba trách mình trước, trách người ít. Lại bảo “ Thất bại tại Miến Điện do bởi chiến lược ; phía Trung Quốc [Tưởng] ra lệnh cho Stilwell đến Mật Chi Na [bắc Miến Điện] phòng thủ…. Nhưng y tự tiện đến Ấn Độ… chưa từng thính thị hoặc báo cáo với ta… chưa hề nói đến tội mình, trốn tránh trách nhiệm để tự bảo vệ, đến như vậy là quá lắm. Chiếu theo thông lệ của nước ta, trách nhiệm về sự thất bại tại Miến Điện đáng đưa ra xét tại toà án quân sự mới làm minh bạch cứu cánh công tội, nhưng không phải trong hoàn cảnh quốc tế hiện tại ”. Lại bảo “ Stilwell sống tại Hoa lâu, nên dùng nhãn quan 15 năm trở về trước để đánh giá nước ta và quân lính, nên không đúng. Từ nay trở về sau nước Mỹ nếu còn phái người, yêu cầu đừng phái những vũ quan cũ từng làm việc tại Hoa ”. Những lời trên có thể thấy Tưởng ghét Stilwell như thế nào !


Nước Mỹ từng chấp nhận duy trì tại Trung Quốc 500 chiếc máy bay, mỗi tháng cung cấp 500 tấn vật tư ; nhưng không những chưa cung cấp đủ, còn đem máy bay chiến khu Trung Quốc sử dụng tại Ấn Độ điều sang Ai Cập. Tưởng mệnh Stilwell báo cáo về Mỹ, kể từ tháng 8 thi hành đúng những lời hứa nêu trên, sẽ phái binh mở đường giao thông Miến Điện. Stilwell cự không tuân hành, Tưởng vẫn khăng khăng theo ý mình ; Stilwell bèn yêu cầu Marshall làm áp lực. Tháng 7, Tổng thông Roosevelt sai người đến Trung Quốc thương lượng, Tưởng đồng ý phái binh phản công Miến Điện nhưng cần quân Anh hải lục phối hợp, Mỹ cấp đầy đủ không quân chi viện. Roosevelt chấp thuận tăng thêm không quân và không vận. Tháng 10, Trung Quốc chở quân đến Ấn Độ thụ huấn, 30 sư đoàn tân quân quay trở về Vân Nam xuất phát. Nước Anh sợ Trung Quốc và Ấn Độ liên hợp, không muốn để Trung Quốc thu phục Miến Điện, bảo rằng hải quân chưa có thể điều đến.


Tháng 1/1943, Roosevelt và Churchill quyết định mở mặt trận thứ hai tại Âu châu, nên tạm hoãn phản công Miến Điện ; sau đó đề nghị riêng Trung Quốc phản công miền bắc Miến, đợi lúc thành công quân hải lục Anh, Mỹ sẽ tấn công miền nam Miến Điện. Tưởng chủ trương cùng tiến công một lượt, Stilwell bèn ngầm tiếp xúc với Trung cộng, muốn dùng Đệ bát quân. Tưởng hết sức bất mãn, muốn đuổi Stilwell đi, nhưng vì hội nghị tam cường Anh, Mỹ, Hoa tại Cairo [Ai Cập] sắp tới, nên đành phải tạm gác.


Tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ, Anh, Nga họp tại Mạc Tư Khoa, đưa lời tuyên ngôn rằng sau khi chiến tranh sẽ thiết lập tổ chức quốc tế ; Trung Quốc được Mỹ chi trì nên cũng có tên trong danh sách. Mỹ, Anh, Nga từng bàn việc lãnh tụ 3 nước hội nghị ; Roosevelt có ý mời Trung Quốc tham gia, Stalin đưa lời rằng Nga Xô chưa tuyên chiến với Nhật nên không tiện gặp Tưởng, do vậy cải đổi cử hành hội nghị tại hai chỗ. Vào ngày 23 đến ngày 26/11/1943, Tưởng cùng Roosevelt, Churchill hội nghị tại Cairo [Ai Cập], đây là lần thứ nhất Trung Quốc tham gia hội nghị lãnh tụ đồng minh. Ngày 1/12 ban bố tuyên ngôn hội nghị Cairo thanh ngôn mục đích cuộc chiến lần này nhắm trừng phạt Nhật Bản xâm lược, lấy lại đất đai hải đảo Nhật đã chiếm từ năm 1941 ; trả lại Trung Quốc 4 tỉnh miền đông bắc cùng Đài Loan, Bành Hồ [Penghu] và để cho Triều Tiên độc lập ; Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện.


Trong cuộc họp tại Cairo, Tổng thống Roosevelt yêu cầu Tưởng cho ý kiến về việc phế trừ chế độ của Thiên hoàng ; Tưởng bảo rằng mối hoạ đầu tiên của chiến tranh là quân phiệt, còn vấn đề chế độ tại Nhật Bản xin hãy chờ sau chiến tranh nhân dân nước này tự quyết. Tưởng cũng chủ trương độc lập tại Triều Tiên, và hy vọng Việt Nam được độc lập. Đối với vấn đề phản công tại Miến Điện, Tưởng vẫn chủ trương hải lục quân liên hiệp hành động, Roosevelt hứa từ mùa xuân năm sau sẽ bắt đầu. Từ ngày 28/11 đến ngày 1/12, lãnh tụ tam cường Roosevelt, Churchill, Stalin họp tại Tehran [Iran] ; Stalin ra sức tranh luận mở thêm chiến trường tại Âu châu, đợi khi đánh bại Đức xong, Nga Xô sẽ quay lại đánh Nhật. Churchill khuyên Roosevelt thu hồi lời hứa về việc tấn công Miến Điện với Tưởng ; Roosevelt cho rằng được sự hợp tác của Nga Xô không những rút ngắn thời kỳ chiến tranh, mà kế hoạch hậu chiến cũng sẽ thực hiện một cách thuận lợi, nên không quá cân nhắc nặng nhẹ về Trung Quốc. Ngày 5/12 Roosevelt gửi điện cho Tưởng Uỷ viên trưởng bảo rằng hải quân nước Anh phải ưu tiên sử dụng tại chiến tranh với Đức, Ý, không thể lập tức dùng để đánh Nhật ; vậy có thể hành quân đơn độc, hoặc đợi đến tháng 11/1944 phe đồng minh có thể cử đại binh.


Lúc rời khỏi hội nghị Cairo, Tưởng đã dự liệu “ Nước Anh không chịu bỏ chút lợi ích nào để giúp người khác… Roosevelt tuy khẳng định rằng hải quân sẽ đổ bộ tại Miến Điện, nhất trí hành động với lục quân của ta, nhưng theo ta thì không có khả năng đó… Bởi vậy thời gian phản công Miến Điện, ước đoán rằng trước mùa thu năm sau [1944] chưa có thể thực hiện được ”. Rồi nhận được điện của Roosevelt thì không lấy làm lạ ; bèn phúc đáp rằng về quân sự và kinh tế Trung Quốc không thể chi trì nổi trong vòng 6 tháng, hy vọng có thể cho mượn 1 tỷ Mỹ kim, cùng tăng cường thực lực cho không quân tình nguyện của C. L. Chennault [Trần Nạp Đức] và không quân Trung Quốc, mỗi tuần không vận 2 vạn tấn vật tư ; nước Mỹ cho rằng tiền mượn không bổ ích cho kinh tế Trung Quốc.




3. Tình hình khẩn trương trong quan hệ Quốc, Cộng



Trung Cộng do nhiều nguyên nhân nên đối với việc Tân tứ quân bị Quốc quân tập kích tại tỉnh An Huy vào cuối năm 1941, không thể không tạm thời nhẫn nại :


– Thứ nhất, thực lực chưa đủ mạnh, các phe lúc bấy giờ đều công nhận Quốc dân đảng là trung tâm lãnh đạo của cuộc kháng chiến.


– Thứ hai, vào tháng 6 năm 1941 Nga Xô bị nước Đức đánh chớp nhoáng, nếu như Nhật Bản cùng Đức cộng đồng hành động thì Nga Xô sẽ không trụ nổi và không còn sức để chi viện Trung cộng. Tháng 7 Trung cộng tuyên ngôn rằng Nga Xô chiến đấu Đức, cùng Trung cộng chiến đấu Nhật tính chất tương đồng ; cần khuếch trương trận tuyến khiến quân Nhật không có thể điều binh bắc tiến, tây tiến, hoặc nam tiến. Báo Giải phóng nhật báo tuyên bố chủ trương của Tưởng Uỷ viên trưởng cùng ý kiến của Trung cộng nhất trí. Tháng 12, khi cuộc chiến tại Thái Bình Dương bộc phát, Trung cộng lại nhấn mạnh củng cố hợp tác giữa Quốc dân đảng và Trung cộng. Riêng Nga Xô cũng tỏ ra mềm dẻo, trong thư của Stalin đề ngày 1/12/1941 do viên Đại Sứ đích thân trao cho Tưởng, có đoạn như sau “ Trong quá trình nếm mùi gian khổ, tình hữu nghị giữa hai nước biểu thị khắp nơi ; trong tương lai càng kiên cường vững chắc, mãi mãi không phai. Sau khi cuộc chiến tranh hoàn toàn thắng lợi, tình hữu nghị này sẽ làm căn bản xác định tình thần hợp tác của nhân dân hai nước, thiết lập hoà bình vĩnh cửu trên thế giới.”


– Thứ ba, lúc bấy giờ địa vị của Mao Trạch Đông cũng chưa được mười phần xác định, nên chuẩn bị thời gian Nga Xô không rảnh để tham dự vào chính sự Trung cộng, bèn đả kích phái quốc tế, đứng đầu là Trần Thiệu Vũ. Tháng 2/1942 thực hành “ chỉnh phong ”, dùng chỉnh đốn học phong để phản đối chủ nghĩa chủ quan, chỉnh đốn đảng phong để phản đối chủ nghĩa bè phái, chỉnh đối văn phong để phản dối lối văn ảnh hưởng Bát cổ 7, khiến chủ nghĩa Karl Marx được Trung Quốc hoá, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, kiến lập địa vị Mao là lãnh tụ độc nhất ; đây có thể coi là chính sách làm yên nội bộ của Trung cộng.


– Thứ tư, khoảng từ năm 1941 đến 1943 quân Nhật tại Hoa bắc tiến hành tảo thanh Cộng quân, thực hành cái gọi là “ Tam quang ” tức giết sạch, đốt sạch, cướp sạch ; miền trung tỉnh Hà Bắc và miền biên khu Sơn Tây, Hà Bắc, Sát Cáp Nhĩ bị tàn phá kịch liệt.


Hậu quả nhân khẩu vùng Trung cộng giài phóng từ 100 triệu, xuống đến 50 triệu ; Bát lộ quân từ 40 vạn xuống đến 30 vạn, Tân tứ quân từ 13 vạn xuống đến 11 vạn. Đồng thời miền Hoa bắc thuỷ tai nghiêm trọng, quân chính phủ gia tăng phong toả vùng Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ ; Trung cộng tự nhận đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Ngoài ra Thịnh Thế Tài phục tùng chính phủ trung ương càng gây thêm bất lợi cho Trung cộng.


Tháng 9/1942, Mao Trạch Đông phái Lâm Bưu, tướng xuất thân từ trường võ bị Hoàng Phố đến Tây An [Xian, Thiểm Tây] gặp Tưởng, nói rằng “ Mao Trạch Đông lại một lần nữa bảo học sinh [Lâm Bưu là học sinh trường Hoàng Phố, lúc Tưởng làm Hiệu trưởng] rằng, từ nay trở về sau hai đảng cần gần gũi trở thành một khối, để mong hiện tại hợp tác một cách chân thành, cầu tương lai vĩnh viễn đoàn kết… Trung cộng tuy theo chủ nghĩa Cộng sản, nhưng quyết không theo những biện pháp cụ thể của Karl Marx, Friedrich Engels, Lenin, Stalin… để thực hiện giống y tại Trung Quốc… Trước mắt hai bên tác phong tuy khác nhau, nhất thời chưa thể ép buộc đồng nhất, nên chúng tôi xin nỗ lực theo Tam dân chủ nghĩa cùng cương lãnh kháng chiến… Ước mong dưới sự lãnh đạo của Uỷ toà [từ dùng tôn xưngTưởng] bình định củng cố cơ sở, để mong tối hậu thành công.”


Vào tháng 1/1943 Lâm Bưu lại gặp Tưởng 2 lần tại Trùng Khánh [Chongqing, Tứ Xuyên], yêu cầu bỏ cuộc phong toả miền biên khu phía bắc Thiểm Tây, tiếp tế Trung cộng quân lương, đạn dược, thuốc men, nhưng không có kết quả. Tháng 3, Lâm Bưu cùng Chu Ân Lai thương lượng với Tham mưu tổng trưởng Hà Ứng Khâm đề xuất 4 điều : Trung cộng giữ địa vị hợp pháp ; quân đội biên chế thành 4 quân đoàn, 12 sư đoàn ; biên khu Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ cải thành khu hành chánh ; các nơi khác thành lập tổ hành chánh ; đợi sau thời kháng Nhật, Cộng quân phía nam sông Hoàng Hà gia nhập vào khu do trung ương chỉ định. Hà Ứng Khâm nhắc lại mệnh lệnh năm 1940, Bát lộ quân biên chế thành 3 quân đoàn, 6 sư đoàn, 5 bổ sung đoàn ; Tân tứ quân biên chế thành 2 sư đoàn, trong vòng 1 tháng bắt đầu di chuyển lên phía bắc sông Hoàng Hà, cải Thiểm, Cam, Ninh biên khu thành Thiểm bắc hành chánh khu, giao cho chính phủ tỉnh Thiểm Tây chỉ huy.


Sau khi sự kiện Tân tứ quân phát sinh, chính phủ Trùng Khánh không có hành động tiếp tục chèn ép Trung cộng, nguyên nhân chính lưỡng lự bởi Mỹ phản ứng. Vào tháng 2 năm đó [1941], Lauchlin Bernard Currie [Cư Lý], người Gia Nã Đại nhập cư Mỹ làm cố vấn kinh tế cho Tổng thống Roosevelt, mang thư của Tổng thống đến Trung Quốc giao cho Tưởng Uỷ viên trưởng, trong thư có lời khen Trung cộng, hy vọng Quốc Cộng có thể dẹp bỏ những ý kiến khác nhau để mật thiết hợp tác, có lợi trong việc chiến đấu chống Nhật. Bernard Currie nhân dịp bàn bạc với Chu Ân Lai và Đại sứ Nga Xô A .S. Panuyaskkin liên quan đến vấn đề này. Vào tháng 6, Roosevelt giới thiệu với Tưởng viên Cố vấn chính trị Owen Lattimore [Lạp Đề Ma Nhĩ], viên này và ngay cả Bernard Currie đều có cảm tình với Trung cộng. Bí thư đại sứ quán Mỹ kiêm Cố vấn của tướng 4 sao Stilwell, như John P. Davis [Đái Duy Tư], John S. Service [Tạ Vĩ Hiệp] thường thường gặp gỡ Chu Ân Lai.


Sau khi Bernard Currie đến Trung Quốc, Chu Ân Lai tỏ ý hoan nghênh phái viên Mỹ đến khu vực Trung cộng thị sát. Đầu năm 1943 nói với John P. Davis rằng phái viên Mỹ nên đến thăm Diên An, và mong lập phi trường tại đây. John P. Davis cũng đề nghị với Quốc vụ viện thiết lập tổng lãnh sự quán và phái đoàn quan sát quân sự tại phía bắc tỉnh Thiểm Tây ; lại cùng với John S. Service gửi báo cáo về nước nội dung không thể xem thường lực lượng Trung cộng; còn Quốc quân thì sĩ khí xuống thấp, quan chỉ huy tham ô, phe phái chính trị phân tranh, không gia tâm kháng Nhật ; chính phủ Mỹ cần can thiệp, yêu cầu Quốc dân chính phủ từ bỏ phong toả Cộng quân, phân phối vật tư vay mượn cho Trung cộng mới có thể cải thiện được tình thế ; Trung cộng cũng chưa phải là Cộng sản chân chính, ý thức dân tộc rất mạnh, được nhân dân ủng hộ.


Viên Đại biện người Mỹ G. Acheson đối với quyển sách Tưởng Giới Thạch viết Trung Quốc Chi Mệnh Vận cũng chỉ trích nhiều, cho rằng có thiên kiến bài ngoại. Nhân sĩ thuộc hội học thuật Thái Bình Dương thậm chí còn cho rằng sẽ có hai nước Trung Quốc, một là khu vực phong kiến thống trị của Quốc dân đảng, một là khu vực dân chủ thống trị của Trung cộng ; những người Trung Quốc bất mãn với hiện tại, phần nhiều hướng theo Trung cộng. Nhà đương cục Mỹ hy vọng Trung cộng hợp lực chống Nhật, trách cứ Quốc dân đảng nặng nề ; cho rằng Quốc dân đảng muốn ngồi đợi nước Mỹ đánh bại Nhật Bản, lại không chịu khoan dung cho Trung cộng.


Ngày 22/5/1943, Cộng sản quốc tế giải tán ; Trung cộng cảm thấy bất an tuyên bố rằng mấy năm gần đây Cộng sản quốc tế chi trì nhiều về tinh thần, nay Trung cộng sẽ tiếp tục ủng hộ Quốc dân đảng chống Nhật. Mao Trạch Đông nói Cộng sản quốc tế giải tán, cần tăng cường lực lượng đảng Cộng sản tại các nước, gia tăng dân tộc hoá ; Trung cộng sẽ trở thành đảng có tính cách dân tộc. Mao cũng ưu tư Quốc dân đảng sẽ cho rằng Trung cộng bị Nga xô bỏ, bèn ra sức áp bách. Ngày 6/6 Tưởng Uỷ viên trưởng quả nhiên nói với Chu Ân Lai, Lâm Bưu, tại Trùng Khánh rằng nếu như Trung cộng từ bỏ chính phủ biên khu và quân đội, tức sẽ có địa vị hợp pháp, mong cho biết quyết định trước tháng 8. Lúc bấy giờ lực lượng bao vây phía bắc tỉnh Thiểm Tây của quân chính phủ từ 14 sư đoàn, tăng lên 21 sư đoàn, Chu Ân Lai và Lâm Bưu trong 9 tháng trời thương luợng không có kết quả, nên cuối tháng 6 trở về Diên An. Tháng 7, đoàn văn hoá Tây An yêu cầu Mao Trạch Đông giải tán quân đội, thủ tiêu biên khu. Ngược lại Mao Trạch Đông, Chu Đức mấy lần điện cho tướng Hồ Tông Nam yêu cầu quân Đệ bát chiến khu rút ra, không còn giám thị miền bắc Thiểm Tây nữa ; dân chúng miền Diên An cũng mở đại hội hô hào bảo vệ biên khu. Chính phủ Mạc Tư Khoa chỉ trích chính phủ Trung quốc phá vỡ Quốc, Cộng hợp tác, mưu đồ tiêu diệt Cộng quân, nội chiến sắp xảy ra. Đại sứ Nga xô tại Trùng Khánh lại gặp Đại sứ Mỹ, tỏ ra lo lắng ; bảo rằng quân chính phủ pháo kích vào trận địa bố phòng của Cộng quân tại phía bắc tỉnh Thiểm Tây.


Tưởng đối ngoại vốn đã có nhiều điều lo lắng, trong nước lại còn lắm chuyện xảy ra. Tỉnh Hà Nam đại hạn, lúa bị sâu keo ; hàng trăm vạn dân bị đói, số chết đói lên đến mấy chục vạn người. Tại Cam Túc, Tứ Xuyên, nông dân phản đối nạp lương, đăng lính ; quân nhân địa phương thừa cơ làm khó chính phủ. Thêm vào đó vật giá leo thang khó mà ứng phó ; nên đối phó với vấn đề Trung cộng phải cẩn trọng. Tháng 8/1943, nhân vật quan trọng tại Trùng Khánh cho ký giả Mỹ biết rằng chính phủ quyết không dùng giải pháp quân sự giải quyết sự phân ly giữa hai phe Quốc, Cộng. Tổng trưởng ngoại giao Tống Tử Văn nói với Quốc vụ viện tại Hoa Thịnh Đốn rằng Quốc dân chính phủ không có ý quyết liệt với Trung cộng. Tháng 9, Tưởng tuyên bố vấn đề Trung cộng thuộc về chính trị, nên giải quyết bằng phương diện chính trị. Cuộc hội nghị toàn thể ban chấp hành trung ương quyết định sau khi chiến tranh kết thúc một năm sẽ triệu tập đại hội quốc dân, ban hành hiến pháp, hy vọng Trung cộng sẽ thiết thực tuân theo. Ngày 5/10, Mao Trạch Đông yêu cầu Quốc dân đảng và Tưởng đồng ý thực hiện chính trị dân chủ ; Quốc, Cộng hợp tác, thừa nhận chính quyền Cộng sản tại vùng biên khu và căn cứ địa sau lưng địch, khôi phục Tân tứ quân, triệt thoái bao vây biên khu Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ ; phế bỏ độc đảng chuyên chính, thủ tiêu cơ quan đặc vụ. Điều kiện hai bên tuy khoảng cách rất xa ; nhưng đụng độ mạnh để gây nội chiến, thì tạm thời đình hoãn được.




Hồ Bạch Thảo



1 Ngự tiền : trước mặt Nhật Hoàng.


2 Quốc vụ khanh Cordell Hull đem nội dung thảo án báo cho Đại sứ Trung quốc, Hồ Thích, cùng Đại sứ Anh, Úc, Hà Lan.


3 Đông Ấn Độ tức tiền thân nước Indonesia hiện nay. Vùng này trước kia là thuộc địa của Hà Lan, năm 1949 giành được độc lập, ngoại trừ vùng New Guinea được Hà Lan trả lại năm 1963.


4 Tứ cường : 4 nước mạnh trong phe đồng minh, gồm Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc.


5 Lãnh sự tài phán quyền [consular jurisdiction] quyền này ban cho người ngoại quốc tại quốc gia phạm tội, không do quốc gia đó xử, mà do Lãnh sự phán xử.


6 Bệnh hoàng đản : bệnh vàng da.


7 Bát cổ : lối văn đối ngẫu xưa, văn bài chia làm 8 vế, gồm phá đề, thừa đề, khởi giảng, khởi cổ, trung cổ, hậu cổ, thúc cổ, đại kết.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss