Lịch sử TQ cận đại : Quốc Cộng đại chiến rồi hoà giải (3 và hết)
Lịch sử Trung Quốc cận đại
Quốc Cộng đại chiến rồi hoà giải
Hồ Bạch Thảo
Chương 3
Điểm qua những tiến bộ của chính phủ Nam Kinh
trong 7
năm đầu 1930
[1930-1937]
Thái Nguyên Bồi [1868-1940]
nguồn : Wikipedia
1. Tưởng Giới Thạch thành công trong việc thống nhất
Sau cuộc biến Cửu Nhất Bát [18/9/1931], chính sách trị an nội địa của Tưởng, trước tiên mưu cầu cho nội bộ Quốc dân đảng nhất trí. Tưởng từ chức, chủ yếu muốn chính phủ Nam Kinh và Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông] đoàn kết. Trong kế hoạch tổng quát về kháng Nhật đề ra vào tháng 2/1931, đặc biệt chú trọng về kinh doanh tại hậu phương. Sau cuộc tiễu Cộng tại 3 tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy kết thúc ; bèn mệnh quân bản bộ dưới quyền Hồ Tông Nam, di chuyển sang tỉnh Cam Túc, kiến trúc đường sá, chuẩn bị lúc khai chiến với Nhật sẽ dời chính phủ sang tây bắc. Sau cuộc vây tiễu lần thứ 5 hoàn thành, tháng 10/1934 chỉnh đốn hành chính, xúc tiến kiến thiết ; rồi đại quân đến Tứ Xuyên, lập hành doanh tại Trùng Khánh [Chongqing], điều khiển quân chính miền tây nam, quyền lực trung ương khuếch trương đến 3 tỉnh vùng này. Đây là sự kiện từ 20 năm nay chưa xẩy ra, cải định Tứ Xuyên thành căn cứ địa chống Nhật trong tương lai. Tháng 4/1936 Tưởng lại đến quan sát chỉ đạo tại Thành Đô [Chengdu, Tứ Xuyên], Côn Minh [Kunming, Vân Nam], Quý Dương [Guiyang, Quí Châu] ; lập phân hiệu trường huấn luyện quan quân trung ương tại Thành Đô, nhận thức rằng Tứ Xuyên là căn cứ địa thiên nhiên của quốc gia.
Đối với nhà đương cục hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Tưởng khuyên hợp tác, khẩn mời Hồ Hán Dân lên Nam Kinh. Tháng 11/1935, hội nghị toàn thể ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng, cùng Đại biểu đại hội lần thứ 5, Hồ Hán Dân được suy cử Chủ tịch uỷ viên thường vụ hội, Uông Triệu Minh làm Chủ tịch trung ương chính trị hội, Tưởng Giới Thạch làm Phó chủ tịch hai hội trên ; mặt nổi 3 nhân vật đứng đầu Quốc dân đảng ra vẻ đoàn kết. Rồi Uông thụ thương vì bị đâm 1, Hồ tuy hứa vào kinh nhưng chậm đến ; việc trung ương do một mình Tưởng chủ trí.
Lãnh tụ quân sự Lưỡng Quảng, Trần Tế Đường, Lý Tông Nhân, Bạch Sùng Hy thành kiến đối với Tưởng cũng chưa rửa hết ; người Nhật lại tìm cách xui dục. Tháng 5/1936, Hồ Hán Dân bệnh mất ; tình huống tại Quảng Châu thình lình sinh biến ; Trần Tế Đường lấy danh nghĩa chống Nhật, mang quân sang Hồ Nam. Tưởng một mặt kêu gọi muốn cứu nước phải tập trung quốc lực, không thể khinh suất tranh chấp nội bộ ; một mặt điều quân đến Hồ Nam để phòng bị, đóng trước tại Hoành Châu [Hengzhou] ; quân Quảng Đông, Quảng Tây bèn rút. Tưởng thanh minh quán triệt chính sách hoà bình thống nhất, nguyện thành khẩn thương thảo. Trần Tế Đường mang quân lên phía bắc hết sức mất nhân tâm, các đảng viên Quốc dân đảng lâu năm phản đối, Tướng lãnh cao cấp như Dư Hán Mưu, Lý Hán Hồn đều ủng hộ trung ương ; tháng 7, Trần bị ép ra ngoại quốc.
Lưỡng Quảng được yên, trung ương chỉ định Lý Tông Nhân, Bạch Sùng Hy làm làm chánh, phó Chủ nhiệm tuy tĩnh Quảng Tây. Rồi lại điều đi ; khiến Lý, Bạch chống mệnh không nhận chức. Tưởng đích thân đến Quảng Châu và dàn binh tại biên giới Quảng Tây ; cùng sai Trần Thành đến gặp Lý, Bạch, trình bày quyết tâm và kế hoạch kháng Nhật, đồng ý cho lưu lại Quảng Tây. Tháng 9, mọi việc kết thúc trong hoà bình ; càng biểu hiện tinh thần nhẫn nhịn vì nước.
Sau khi mất Đông Tam Tỉnh 2, Nhiệt Hà [Chengde], chính phủ Nam Kinh trên danh nghĩa có 24 tỉnh ; trong đó 14 tỉnh ở thế bán tự chủ, 7 tỉnh bị Hồng quân chiếm một phần. Sau khi Hồng quân chạy sang phía tây, thế lực trung ương vươn ra đến vùng tây nam ; thu hoạch lớn ngoài sự mong ước. Đến lúc này ngoại trừ Đông Tam Tỉnh và Nhiệt Hà, một phần tỉnh Hà Bắc và Sát Cáp Nhĩ [Chahar youyi] bị Nhật chiếm ; một phần Tân Cương bị Nga Xô khống chế ; một bộ phận tại miền bắc tỉnh Thiểm Tây và phía đông Cam Túc thuộc Trung Cộng ; kỳ dư phần còn lại đều chịu mệnh lệnh của chính phủ trung ương.
2. Tiến bộ về quốc phòng và kiến thiết
Sau bắc phạt 6 năm, việc làm của Quốc dân chính phủ phần lớn bị người chê trách, nhưng chính phủ không phải không để ý đến việc kiến thiết quốc gia. Năm 1934, việc tiễu cộng tại vùng hạ lưu sông Trường Giang kết thúc một giai đoạn, lại càng ra sức thi thố, nên những lãnh vực quân sự, tài chính, kinh tế, giao thông, giáo dục, học thuật thu hoạch được thành tựu tương đối. Từ năm 1927, Quốc dân chính phủ không dùng Cố vấn Nga Xô, chuyển sang thu dùng Cố vấn Đức. Đầu tiên vào năm 1928, Thượng tá Max Bauer được mời làm Cố vấn trưởng với Cố vấn đoàn 40 người ; từng tham dự cuộc chiến giữa quân chính phủ trung ương và quân Quảng Tây vào năm 1929. Chẳng bao lâu Max Bauer bị bệnh mất, Tướng quân Georg Wetzell kế nhiệm, từng tham dự cuộc chiến trung nguyên với Diêm Tích Sơn và Phùng Ngọc Tường ; từ đó Cố vấn đoàn công tác được triển khai mạnh. Tháng 1/1933, cựu Bộ trưởng quốc phòng Đức, Tát Khắc Đức [Hans von Seekt], được mời đến, lưu lại trong 2 tháng ; khuyên Tưởng lập một đạo lục quân hiện đại, trước tiên lập đoàn Cố vấn, lần lượt huấn luyện quan quân, cùng thiết lập công nghiệp quốc phòng. Cùng năm, đoàn huấn luyện mở tại Lô Sơn [Lushan, Giang Tây], trước sau huấn luyện 7.500 quan quân ; Cố vấn đoàn có hơn 100 người ; chiến lược, chiến thuật tiễu Cộng cải tiến rất nhiều. Tháng 3/1934, Tát Khắc Đức lại đến, chính thức giữ chức Cố vấn trưởng, nửa năm sau trở về nước. Người kế nhiệm là Fabul, sau đó là Alexander von Falkenhausen. Alexander von Falkenhausen tại Trung Quốc 4 năm, là người có ảnh hưởng rất lớn trong kế hoạch 5 năm quốc phòng ; như thống nhất biên chế lục quân, thi hành luyện binh tinh nhuệ, tăng gia không quân, tạm hoãn hải quân, xây đường sắt phía nam sông Trường Giang, thông Nam Kinh với các tỉnh tây nam, xây dựng pháo đài, cửa ải tại các yếu điểm dọc sông, biển. Tháng 3/1935, lập Chỉnh lý xứ lục quân tại Vũ Xương [Wugang, Hồ Bắc], Trần Thành giữ chức Xứ trưởng ; mỗi năm chỉnh đốn 20 sư đoàn, trong 3 năm chỉnh đốn xong 60 sư đoàn ; định năm 1938 hoàn chỉnh các binh chủng đặc biệt, cơ giới hoá quân đội. Chế tạo binh khí cùng cải lương bổ sung các loại súng cá nhân, súng máy, bích kích pháo, tạc đạn. Về công sự quốc phòng xây dựng nhiều tại Hoa bắc, Hoa đông, Hoa nam ; đặc biệt chú trọng vùng phụ cận Nam Kinh, cùng các xứ như Tô Châu [Suzhou, Giang Tô], Vô Tích [Woxi, Giang Tô], Giang Âm [Jianyin, Giang Tô].
Về không quân, vào năm 1928 phụ thiết lập đội hàng không vào Trung Quốc quân quan học hiệu ; năm 1931 thành lập hàng không học hiệu. Năm 1933 tích cực phát triển, đặt hàng không uỷ viên hội phụ trách tổng quát, dùng Cố vấn Ý ; đưa học sinh sang Ý, Mỹ thụ huấn. Năm 1934, mở xưởng chế tạo phi cơ, năm 1936 lập trường không quân cơ giới. Đến năm 1937, tổng kết có hơn 600 máy bay, phần lớn mua từ Mỹ hoặc Ý ; trong nước chia thành 6 quân khu.
Tháng 7/1928, Uỷ hội tài chính toàn quốc hoạch định quan thuế ; các loại thuế bông vải, bột mì, thuốc lá, rượu, thuế thi hành qua tem phiếu [Stamp Duty], do trung ương phụ trách ; thuế doanh nghiệp, ruộng đất, thuế chấp chiếu [tax on licenses] do các tỉnh đảm trách. Bắt đầu từ tháng 1/1931, bỏ thuế ly kim 3, tăng thuế hải quan. Trước kia thuế khoản hải quan do ngân hàng ngoại quốc nắm giữ ; kể từ năm 1932 tập trung vào ngân hàng Trung Quốc. Nhân viên quan thuế cải dùng người Hoa, về ngành muối cũng giảm bớt nhân viên ngoại quốc. Tổng thu nhập năm 1929 là 33.000 vạn nguyên, đến năm 1937 tăng đến hơn 87.000 vạn nguyên. Nhưng thu, chi không quân bình, số bội chi năm 1929 là 10.000 vạn nguyên, năm 1937 hơn 30.000 vạn nguyên ; toàn dựa vào công trái, khố khoán 4, tiền mượn, để bù vào. Quân phí chi rất lớn, thường chiếm vào nửa phần hoặc quá nửa tiền thu nhập.
Trước kia bạc lượng và đồng nguyên bạc cùng lưu hành song song, tháng 4/1933 bỏ bạc lượng, chỉ dùng nguyên bạc ; mọi giao dịch đều dùng đồng nguyên bạc mới đúc, khiến tiền tệ thống nhất. Rồi nước Mỹ thu mua bạc, giá bạc tăng trên trường quốc tế, khiến nguyên bạc Trung Quốc lưu hành ra ngoài. Hậu quả trong nước thiếu nguyên bạc, ngân hàng gặp khó khăn, sản phẩm bị hạ giá. Chính phủ theo lời kiến nghị của nhà tài chính người Anh, Leith-Ross, tháng 11/1935 thực hành cải cách tiền tệ, biến ngân bản vị thành hối đoái bản vị, liên hệ với đồng Mỹ kim và đồng Bảng Anh ; cấm lưu hành nguyên bạc ; định 3 ngân hàng Trung Ương, Trung Quốc, Giao Thông phát hành “ Pháp tệ ” 5 mà thôi. Trung Ương ngân hàng thu mua nguyên bạc, nắm giữ được 800 triệu nguyên ; giải pháp này được dân ủng hộ và nước Anh chi trì, Nhật Bản dùng nhiều cách phá hoại, nhưng vẫn thi hành thuận lợi.
Năm 1929, chính phủ đặt phương án kiến thiết kinh tế, chú trọng công nghiệp ; đến năm 1932 tích cực thi hành. Trên nguyên tắc, chính phủ trung ương phụ trách công nghiệp nặng, công nghiệp hoá học, khoáng sản ; riêng các bộ môn khác giao địa phương cùng tư nhân hợp doanh ; công nghiệp nhẹ do tư nhân kinh doanh, chính phủ chỉ giúp đỡ và tưởng lệ. Từ đó buôn bán với nước ngoài, nhập siêu giảm. Năm 1936 tơ lụa sa nhập khẩu so với năm 1928, giảm 38 %, sợi vải bố nhập khẩu giảm 20 %, bột mì nhập khẩu giảm xuống 15 %. Cố nhiên điều này còn do ngoại quốc tăng gia lập xưởng, nhưng sản lượng của các xưởng người Hoa gia tăng, cũng là nguyên nhân. Cùng các năm trên, số sắt thép nhập khẩu tăng lên 20 % ; một mặt có thể chứng minh rằng công nghiệp nặng của Trung Quốc còn lạc hậu, mặt khác chứng minh công nghiệp của Trung Quốc trên đà phát triển, nên cần nhiều sắt thép. So sánh năm 1936 với năm 1933, việc sử dụng cơ khí để khai thác than đá tăng 10 %, cùng năm sản lượng gang sắt tăng 32 %, số thép luyện được tăng cao 30 %.
Việc cải cách về nông nghiệp, bắt đầu vào năm 1933 cũng tỏ ra tích cực. Chính phủ đặc cách thiết lập Nông thôn phục hưng uỷ viên hội, Trung ương nông nghiệp thí nghiệm sở, Cải tiến sở lúa toàn quốc, Cải tiến sở sản xuất bông. Năm 1934 thành lập hợp tác xã, giúp cho nông dân vay vốn phát triển sinh sản. Nông bản cục thành lập năm 1936, giúp điều hoà sản xuất nông nghiệp, xúc tiến vận chuyển tiêu thụ. Trong vòng mấy năm sản lượng gia tăng, tiểu mạch và bông vải có thể tự túc tự cấp, số lúa gạo nhập cảng giảm nhanh. Ngoài ra có những kẻ sĩ có tâm huyết, nỗ lực cải lương hương thôn, giải trừ thống khổ cho dân ; như An Dương Sơ soạn sách học với 1.000 chữ để giúp dân thoát nạn mù chữ nhanh, lãnh đạo bình dân học vụ tại huyện Định [Dingzhou], tỉnh Hà Bắc; hoặc Lương Nộn Minh lãnh đạo dân huyện Trâu Bình [Zouping] tỉnh Sơn Đông kiến thiết tự trị ; ngoài ra những người trong giáo hội cũng ra sức làm những công tác như vậy, tạo thành một phong trào tương đối rộng rãi.
Trước năm 1931, tổng số đường sắt tại Trung Quốc là 11.000 km, 92 % do người ngoại quốc kinh doanh ; người trong nước chỉ làm được khoảng 1.000 km. Từ năm 1933 đến 1937, ngoại trừ Đông Tam Tỉnh do Nhật chiếm ; đã kiến thiết được 3.300 km đường sắt, do người Trung Quốc tự làm. Liên tiếp các tuyến đường sắt Hổ Hàng [Thượng Hải – Hàng Châu], Việt Hán [Quảng Đông – Hán Khẩu] hoàn thành năm 1936, tạo thành tuyến đường từ Thượng Hải, qua Chiết Giang, Nam Kinh, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam đến Quảng Châu [Guangzhou, Quảng Đông]. Tuyến đường ngang Lũng-Hải [Cam Túc, Giang Tô] vượt quá Đồng Quan [Tongguan, Thiểm Tây], năm 1937 thông đến Bảo Kê [Baoji, Thiểm Tây].
Công lộ tiến triển lại càng nhanh, năm 1937 hoàn thành 110 ngàn km, phần lớn tại phía nam sông Hoàng Hà. Về tây nam, từ Nam Kinh đến Vân Nam, về tây bắc từ Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] đến Tân Cương, xe hơi có thể đến nơi. Số thuyền máy, năm 1928 Trung Quốc chế tạo được 29 vạn tấn, năm 1935 tăng lên 67 vạn tấn. Hàng không dân dụng, Trung, Mỹ hợp tác lập công ty hàng không Trung Quốc; đến năm 1931, Trung, Đức hợp tác lập công ty hàng không Âu Á ; rồi đến năm 1933 lập công ty hàng không tây nam ; đường bay qua các vùng Thượng Hải, Nam Kinh, Hán Khẩu, Quảng Châu, Tây An [Xian, Thiểm Tây], Lan Châu [Lanzhou, Cam Túc], Trùng Khánh [Chongquing, Tứ Xuyên], Thành Đô [Chengdu, Tứ Xuyên], Phúc Châu [Fuzhou, Phúc Kiến], cùng các tỉnh Vân Nam, Tân Cương.
Về giáo dục, từ sau năm 1928, số học sinh tiểu học, trung học gia tăng ; năm 1929 có 17 % số trẻ em thuộc tuổi đi học đến trường, năm 1936 tăng đến 43 % ; học sinh trung học tăng 60 % ; thầy giáo đào tạo đúng quy định. Trừ một vài nơi xa xôi, các tỉnh đều có trường Đại học, trường chuyên nghiệp công lập, tư thục và của giáo hội ; năm 1929 có hơn 3 vạn sinh viên, năm 1936 tăng đến 6 vạn ; các Giáo sư phần nhiều tốt nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1932, kinh phí giáo dục không thiếu, nên sinh hoạt của Giáo sư ổn định. Các tổ chức Trung Hoa giáo dục văn hoá cơ kim hội, Trung Anh Canh Tý bồi khoản uỷ viên hội không ngừng hỗ trợ thiết bị cho đại học, nên phong cách nghiên cứu ngày một thịnh, trình độ học thuật được đề cao. Các đại học công lập nổi tiếng như Bắc Kinh đại học, Thanh Hoa đại học tại Bắc Bình, Trung Ương đại học tại Nam Kinh ; về tư thục có Nam Khai đại học tại Thiên Tân, Yên Kinh đại học tại Bắc Bình. Viện nghiên cứu trung ương, sở địa chất điều tra là những trung tâm nghiên cứu, cống hiến nhiều cho học thuật. Có thể nói thời gian 5 năm cho đến năm 1937 là giai đoạn hoàng kim về giáo dục học thuật của chính phủ dân quốc.
Hồ Bạch Thảo
(Tham khảo từ : Cận Đại Trung Quốc Sử Cương, Quách Đình Dĩ ; Xô Nga Tại Trung Quốc, Tưởng Trung Chính ; Trương Học Lương Thế Kỷ Truyền Kỳ, Vương Thư Quân; Wikipedia Anh văn, Trung văn ; Bản đồ Google)
1 Vào ngày 1/11 khai mạc ban Chấp hành trung ương Quốc dân đảng, Uông Triệu Minh bị đâm, sau đó ra ngoại quốc.
2 Đông Tam Tỉnh : ba tỉnh phía đông bắc Trung Quốc, tức Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh.
3 Ly kim : một loại thuế phụ thu thêm, ngoài chính thuế.
4 Khố khoán : dùng tài sản quốc gia bảo đảm, để ngân khố phát hành tiền.
5 Pháp tệ : tiền tệ quy định bởi pháp luật.
Các thao tác trên Tài liệu