Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lịch sử Trung Quốc cận đại : Quốc Cộng đại chiến rồi hoà giải / Lịch sử Trung Quốc cận đại : Quốc Cộng đại chiến rồi hoà giải (2)

Lịch sử Trung Quốc cận đại : Quốc Cộng đại chiến rồi hoà giải (2)

- Hồ Bạch Thảo — published 14/05/2015 20:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chương 2 : Cuộc vận động liên hiệp kháng Nhật [1930-1937]



Quốc Cộng đại chiến rồi hoà giải


Hồ Bạch Thảo



Chương 2

Cuộc vận động liên hiệp kháng Nhật
[1930-1937]

thl

Trương Học Lương [1901-2001]

nguồn : Wikipedia



1. Kháng Nhật và chống Quốc dân đảng


Trước thời kỳ bắc phạt và lúc khởi đầu cuộc bắc phạt, các phe kỳ vọng Quốc dân đảng quá cao. Sau khi bắc phạt, nội bộ Quốc dân đảng không ngớt tranh giành, chiến loạn không dứt, làm tàn tạ tinh thần, kiêu căng tự đại, trở thành giai cấp đặc quyền, khiến lòng dân thất vọng, nặng nề nhất là phần tử trí thức. Kể từ năm 1930, các đoàn thể tả khuynh xuất hiện, như “ Tự do đại đồng minh ”, “ Tả dực văn nghệ tác gia liên minh ”, “ Mã Khắc Tư [Karl Marx] chủ nghĩa văn nghệ nghiên cứu hội ”, “ Văn nghệ đại chúng hoá nghiên cứu hội ”, “ Quốc tế văn hoá nghiên cứu hội ”, “ Xã hội khoa học gia liên minh ”, “ Phản đế đại đồng minh ” ; thanh niên, học sinh là đối tượng chủ yếu được những tổ chức này tranh thủ ; tuy họ không hoàn toàn theo Cộng sản, nhưng bất mãn với Quốc dân đảng. Những người tin ở dân chủ và tự do thường phản đối một đảng độc quyền, càng phê bình Quốc dân đảng. Ngược lại Quốc dân đảng dùng chính sách đàn áp nặng, không ít những người bị gán tội Cộng sản rồi bách hại ; như tháng 2/1931, 24 tác giả Tả dực văn nghệ bị xử tử, riêng Lỗ Tấn trốn được.


Khi cuộc biến tại Thẩm Dương [Shanyang, Liêu Ninh] phát sinh, cả nước phẫn giận, đều trách chính phủ không chịu đề kháng ; tại Thượng Hải [Shanghai] đại hội kháng Nhật cứu quốc, yêu cầu chính phủ định ngày bắt quân Nhật rút lui. Học sinh Nam Kinh ẩu đả với Bộ trưởng ngoại giao ; học sinh Thượng Hải đến Nam Kinh thỉnh nguyện, yêu cầu tuyệt giao với Nhật và tuyên chiến. Ngày 26/11/1931, hơn 1 vạn học sinh tại Bắc Bình [Bắc Kinh], Nam Kinh, Thượng Hải bao vây Quốc dân chính phủ. Ngày 5/12 học sinh tại Bắc Kinh tổ chức đoàn thị uy, tung hô “ Dân chúng bị áp bức toàn quốc liên hiệp lại ”, “ Đả đảo chính phủ bán nước ”, chiếm trạm xe lửa, kiên quyết tiến vào kinh đô. Ngày 9/12, học sinh Thượng Hải phá huỷ trụ sở thị đảng bộ Quốc dân đảng, vây văn phòng Quốc dân chính phủ ; các nơi khác như Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc] cũng có hành động tương tự. Ngày 19, Tống Khánh Linh [vợ Tôn Trung Sơn] tuyên bố rằng Quốc dân đảng đã đánh mất địa vị tập đoàn cách mệnh, nay cần dựa vào thế lực cách mệnh của quần chúng mới có thể bài trừ chủ nghĩa đế quốc ; trong nội bộ Quốc dân đảng cũng có thành phần phản đối chính phủ Nam Kinh dấy lên. Ngày 11/12 học sinh tập trung tại Nam Kinh thị uy, nêu khẩu hiệu “ Đả đảo Quốc dân đảng ”, “ Tranh thủ phản đế, cùng giành tự do ”, “ Nông, công, binh liên hợp lại ”. Ngày 15/12 lại đại náo tại bộ ngoại giao, trụ sở đảng bộ Quốc dân đảng ; người vốn được sùng kính như Giáo sư Thái Nguyên Bồi cũng bị đánh chửi, làm nhục. Cùng trong ngày, Tưởng Giới Thạch từ chức Chủ tịch Quốc dân chính phủ và Viện trưởng hành chánh. Vào ngày 17, học sinh phá huỷ trụ sở báo Quốc dân đảng trung ương, tại các thủ phủ tỉnh như Tây An [Xian, Thiểm Tây], Thái Nguyên [Taiyuan, Sơn Tây], trụ sở đảng bộ Quốc dân đảng cũng bị phá huỷ. Đây là giai đoạn một của cuộc vận động kháng Nhật cứu quốc của học sinh sau biến cố “ Cửu Nhất bát ”.


Lúc này tổ chức của học sinh còn thiếu nghiêm mật, bị chính phủ đàn áp trở nên tiêu trầm. Tháng 1/1932, quân Nhật chiếm Sơn Hải Quan [Shanhaiguan, Hà Bắc], học sinh Bắc Bình tuy “ Có lòng ái quốc, nhưng không có cách cứu nước ” chỉ biết bãi khoá, bãi thí ; nhưng trào lưu chung có những biến chuyển tích cực. Tháng 2/1932, phe tả Thượng Hải lập “ Trước tác giả kháng Nhật hội ” yêu cầu toàn quốc kháng Nhật. Tháng 4, học sinh Tây An [Xian, Thiểm Tây] tổ chức Kháng Nhật hội, lại phá huỷ trụ sở Quốc dân đảng. Tháng 5, đoàn thể cứu quốc tại Thượng Hải chủ trương chống nội chiến, thành lập “ Phế chỉ nội chiến đại đồng minh” ; lại tranh luận với đại biểu Nhật, đi đến chỗ ẩu đả với đại biểu Quách Thái Kỳ. Tháng 6 tại Thượng Hải, “ Cứu quốc đoàn thể liên hiệp hội ” kháng nghị chính phủ phong toả ngôn luận. Tháng 12, Tống Khánh Linh, Thái Nguyên Bồi, Lỗ Tấn thành lập “ Trung Quốc dân quyền bảo chướng 1 đồng minh ”. Tháng 4/1933, Mã Lương, Chương Bỉnh Lân đả kích chính phủ về việc bỏ Nhiệt Hà [Chengde, Hà Bắc]. Tháng 9, Quốc tế phản đế chống chiến tranh, tổ chức “ Trung Quốc phân hội đồng minh phản chiến ”. Ngày 20/4/1934, Tống Khánh Linh và bọn Mã Lương phát biểu tuyên ngôn chống Nhật cùng cương lãnh cơ bản yêu cầu lập tức đình chỉ nội chiến, động viên toàn thể nhân dân, do đại biểu công nhân, nông dân, học sinh, thương nhân, binh lính tổ chức hơn 30 đoàn thể như “ Trung quốc dân tộc tự vệ vũ trang uỷ viên hội ”, “ Hoa bắc các giới cứu quốc liên hiệp hội ”, “ Bắc phương nhân dân cứu quốc đại đồng minh ”, “ Bình-Tân [Bắc Bình, Thiên Tân] học sinh cứu quốc liên hiệp hội ”.


Năm 1935, học sinh đối với các sự kiện tại Hà Bắc, Sát Cáp Nhĩ [Chahar youyi] vừa mới tỏ thái độ xong ; thì kế tiếp đến vụ “ Tự trị vận động ” tại Hoa bắc, lại trào dâng lên niềm phẫn nộ. Ngày 1/11, hội học sinh 10 trường gửi thư cho Quốc dân đảng, mãnh liệt công kích việc chính phủ mấy năm gần đây bách hại thanh niên. Ngày 18/11 Bắc Bình học sinh liên hiệp hội khôi phục.Ngày 3/12, xuất hiện “ Ký bắc [Hà Bắc] phòng Cộng tự trị hội ”, học sinh diễn hành phản đối, có vợ chồng Ký giả Mỹ Edgar Snow tham dự. Ngày 9/12, hơn 1.000 học sinh mở cuộc thị uy, phản đối vận động tự trị Hoa bắc, yêu cầu đình chỉ mọi cuộc nội chiến ; rồi xô xát với quân cảnh, nên một số người bị bắt, sự kiện được gọi là “ Nhất nhị cửu vận động ”. Ngày 16/12, lại do việc thiết lập “ Ký, Sát chính vụ uỷ viên hội ”, học sinh chỉ trích rằng thực chất đó là biến tướng của chính phủ tự trị, nên tổ chức 2 lần diễn hành, tham gia gần 1 vạn người ; hơn 370 người bị đả thương, 14 người bị bắt. Phong trào lan ra đến Quảng Châu [Guangzhou], Thượng Hải, Tế Nam [Jinan, Sơn Đông], Vũ Hán [Wuhan, Hố Bắc], Trường Sa [Changsha, Hồ Nam], Tây An [Xian, Thiểm Tây], Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Hàng Châu [Hangzhou, Chiết Giang], Nam Kinh, Khai Phong [Kaifeng, Hà Nam] ; lại còn đòi đến Nam Kinh gửi thỉnh nguyện thư, nên các nơi như Nam Kinh, Thượng Hải, Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] đều bị giới nghiêm. Trung Cộng lại tuyên bố ủng hộ ; cổ vũ công nhân, nông dân, học sinh, binh lính tổ chức chính phủ để giữ nước. Tháng 1/1936, Tưởng Giới Thạch mời hiệu trưởng các trường trung cấp trở lên, cùng đại biểu học sinh đại học đến nói chuyện, bảo rằng quyết không ký bất cứ điều ước nào phạm đến chủ quyền ; nếu sự kiện đi đến cùng, thì đánh cũng không tiếc. Nhưng các học sinh thuộc phái tả vẫn còn bất mãn, bộ giáo dục tuyên bố lúc này cần xử trí nghiêm khắc. Tháng 3, mấy chục học sinh tại đại học Thanh Hoa, Bắc Bình ; đại học Phục Đán, Thượng Hải bị bắt. Tháng 4, hội Cứu quốc liên hiệp tại Vũ Hán bị giải tán. Tháng 5, học sinh tại Bắc Bình, Thiên Tân, Thượng Hải phản đối Nhật Bản ra quân tại Hoa Bắc, cùng việc người Nhật ra vào buôn bán; bèn bãi khoá, diễn hành. Đây là cuộc vận động kháng Nhật cứu quốc của học sinh thuộc giai đoạn hai.




2. Lập trường của Trung Cộng về chiến tuyến dân tộc thống nhất kháng Nhật


Từ “ Cửu nhất bát sự biến ”, Trung Cộng tuy vẫn tuyên bố chống Nhật xâm lược, nhưng không bỏ lập trường lật đổ chính phủ, phủ nhận hợp tác kháng Nhật, cùng hô hào vũ trang bảo vệ Liên Xô. Mùa thu năm 1932, Hồng Đệ tứ phương diện quân tại Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy thua bại, phải chạy sang phía tây ; quân chính phủ sắp sửa thực hiện cuộc vây tiễu lần thứ 4 Hồng Đệ nhất phương diện quân tại Giang Tây ; còn phía Nhật chiếm đoạt Sơn Hải quan, chuẩn bị tấn công Nhiệt Hà. Cộng sản quốc tế chỉ thị Trung Cộng hãy lợi dụng Trung Quốc gia tăng nguy cơ, ý thức dân tộc dâng cao, cùng các lực lượng bộ đội vũ trang và đoàn thể, kết hợp làm liên minh kháng Nhật. Do đó vào ngày 17/1/1933 Chủ tịch chính phủ Trung Hoa Xô Viết Mao Trạch Đông, Chủ tịch quân sự uỷ viên hội Trung Quốc công nông Hồng quân cách mệnh Chu Đức ra tuyên ngôn, chủ trương đình chỉ tấn công khu Xô Viết, bảo đảm quần chúng quyền lợi dân chủ, bảo vệ Trung Quốc, tranh thủ độc lập thống nhất cùng lãnh thổ hoàn chỉnh, khai triển dân tộc cách mạng chiến tranh ; đấu tranh chống Nhật Bản, mọi chủ nghĩa đế quốc, cùng Quốc dân đảng. Nguyện đình chỉ nội chiến, vũ trang nhân dân để thực hành chống Nhật ; cùng bất cứ bộ đội vũ trang nào đính lập hiệp định đình chiến. Qua tuyên ngôn này, có thể nói sách lược Cộng sản quốc tế chuyển biến để cho Trung cộng mở cuộc vận động thống nhất chiến tuyến chống Nhật, nhưng không bao quát Quốc dân đảng trong đó, vẫn công nhận “ Kháng Nhật trước hết phải phản Tưởng ”, mục đích chỉ muốn phân hoá quân chính phủ, giảm thiểu áp lực đối với Hồng quân. Chẳng bao lâu Phùng Ngọc Tường tổ chức Dân tộc độc lập đồng minh quân, cùng Phúc Kiến nhân dân chính phủ của Lý Tế Thâm, Trần Danh Khu trước sau xuất hiện, nhưng cũng không lay động quân chính phủ quyết tâm tiễu Cộng.


Sau khi Phúc Kiến nhân dân chính phủ tan rã, cuộc vây tiễu lần thứ 5 kịch liệt triển khai, Hồng quân lâm vào hoàn cảnh chí nguy. Vào ngày 10/4/1934, Hồng quân phát xuất “ Thư bố cáo dân chúng toàn quốc về việc đế quốc Nhật Bản tiến công Trung Hoa ”. Nội dung hiệu triệu dân tộc đấu tranh cách mệnh ; tại chiến tuyến chống đế quốc, bất phân khuynh hướng chính trị, bất phân nghề nghiệp trai gái, cộng đồng liên hợp ; tuyệt giao, chiến đấu chống Nhật, đình chỉ tấn công khu Xô Viết. Phản đối chính sách đầu hàng bán nước của Quốc dân đảng ; phản đối hiệp định Đường Cô [Tanggu, Thiên Tân], cùng Trung Nhật trực tiếp giao thiệp. Cần khuếch đại chiến tuyến dân tộc chống Nhật, cho dù ý kiến chính trị bất đồng, cũng nguyện cùng liên hiệp. Theo bố cáo này thì liên hiệp ngay cả với Quốc dân đảng, chỉ phản đối chính sách Quốc dân đảng đối với Nhật ; hy vọng chính là đình chỉ tấn công khu Xô Viết. Đầu tiên hưởng ứng là “ Trung Quốc dân tộc vũ trang tự vệ uỷ viên hội ” của Tống Khánh Linh, kế đến là “ Các giới cứu quốc hội ”.


Sáu tháng sau đó, Hồng quân buộc phải rút lui từ tỉnh Giang Tây qua miền tây nam, vào các tháng 6, 7/1935 bị vây khốn tại vùng ven biên tỉnh Tứ Xuyên, thế không dễ sinh tồn. Từ ngày 25/7 đến ngày 2/8, Cộng sản quốc tế tổ chức đại hội thế giới lần thứ 7 tại Mạc Tư Khoa, thông qua “ Phương án thống nhất đấu tranh phản đối chủ nghĩa phát xít ” chỉ rõ Trung Quốc cần đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc liên hợp với chống phát xít, thu hút lực lượng dân tộc chống Nhật, khuếch đại chiến tuyến dân tộc đấu tranh. Ngày 1/8 đại biểu Trung Cộng tại Cộng sản quốc tế Trần Thiệu Vũ, với tư cách Trung Hoa Xô Viết nhân dân chính phủ uỷ viên, cùng Trung cộng trung ương uỷ viên, phát xuất “ Thư bố cáo đồng bào toàn quốc về việc kháng Nhật cứu nước ” ; thực tế nhắm hô hào Quốc dân đảng, văn bản này còn được gọi là “ Nhất Bát tuyên ngôn ” ; trích dịch như sau :


“ Không kể các đảng phái tại quá khứ hoặc hiện tại có bất cứ sự bất đồng nào về chính kiến hoặc lợi, hại ; không kể các giới đồng bào có bất cứ chính kiến hoặc lợi, hại khác nhau ; không kể các quân đội trong quá khứ hoặc hiện tại có bất cứ hành động đối địch nào, đều cần chân thành giác ngộ, trước tiên đình chỉ nội chiến, tập trung mọi lực lượng, vì sự nghiệp thần thánh, đấu tranh kháng Nhật cứu nước. Chính phủ Xô Viết cùng đảng Cộng sản lại trịnh trọng tuyên ngôn rằng chỉ cần Quốc dân đảng đình chỉ hành động tấn công khu Xô Viết, chỉ cần bất cứ lực lượng bộ đội nào đối Nhật kháng chiến ; không quản họ và Hồng quân có sự chia rẽ về vấn đề đối nội, Hồng quân không chỉ đối với họ đình chỉ hành động chiến đấu, lại còn nguyện cùng họ nắm tay cùng cứu nước… Triệu tập các cơ quan chân chính đại biểu đồng bào, để tiện thảo luận vấn đề cụ thể liên quan đến kháng Nhật cứu nước… Do chính phủ lãnh đạo về quốc phòng, tổ chức thành bộ tư lệnh liên quân kháng Nhật.”


Tháng 11/1935, Trần Thiệu Vũ lại giải thích xác minh thêm về ý nghĩa thống nhất chiến tuyến, chỉ trích trong quá khứ có sai lầm về quan môn chủ nghĩa 2, bèn phái Lâm Hữu Anh đến miền bắc tỉnh Thiểm Tây truyền đạt. Phái quốc tế Trung cộng đương nhiên nghiêm nhặt phụng mệnh, nhưng người đương quyền, Mao Trạch Đông, vẫn còn nghi ngờ. Mao một mặt sai Phan Hán Niên đến Mạc Tư Khoa xin chỉ thị, một mặt vào ngày 28/11 ra tuyên ngôn, cũng tương đồng với tuyên bố của Trần về “ Kháng Nhật cứu nước ”nêu trên. Sau khi Phan Hán Niên đến nơi, ngày 25/12 cục chính trị Trung cộng trung ương mở cuộc hội nghị tại Ngoả Diêu Bảo [Baota, Diên An], thông qua nghị quyết “ Xem tình hình chính trị trước mắt cùng quyết định nhiệm vụ của đảng ” : thứ nhất, phát động mọi lực lượng cách mệnh phản Nhật, phản Tưởng ; thứ hai, bất luận người nào, phe phái nào, lực lượng nào ; chỉ cần phản Nhật, phản Tưởng đều đáng liên hợp vào chiến tuyến dân tộc thống nhất, tổ chức chính phủ quốc phòng, cùng liên quân kháng Nhật ; thứ ba, cải Xô Viết công, nông, cộng hoà quốc thành Xô Viết nhân dân cộng hoà quốc, “ Hồng quân, Bạch quân 3 liên hiệp lại ” ; thứ tư, thuyết phục công, nông, binh, giai cấp tiểu tư sản, từng lớp trí thức cùng đồng minh với cách mệnh hãy tin Trung cộng đại biểu cho lợi ích toàn nhân dân. Ngày 27, Mao Trạch Đông luận về sách lược đối Nhật, thuyết minh việc lập chiến tuyến dân tộc thống nhất, cùng Nhân dân cộng hoà quốc. Bảo rằng con đường cách mệnh quanh co, trận tuyến giữa cách mệnh và phản cách mệnh có khả năng biến động, dùng thủ đoạn ngang dọc, đóng mở, đem đội ngũ phản cách mệnh sáp nhập vào cách mệnh. Ngày 21/2/1936, chính phủ trung ương Xô Viết cộng hoà quốc gửi điện “ Tuyên ngôn về đông chinh ” yêu cầu thủ tiêu đảng chuyên chế như Quốc dân đảng, đình chỉ nội chiến, đối Nhật tuyệt giao và tuyên chiến, thành lập chính phủ quốc phòng và liên quân kháng Nhật ; trong điện văn chỉ nói kháng Nhật, không đề cập phản Tưởng. Ngày 25/4 Trung cộng ra tuyên ngôn, trực tiếp yêu cầu Quốc dân đảng cùng ứng phó với quốc nạn, sáng lập trận tuyến nhân dân chống Nhật. Ngày 5/5, Mao Trạch Đông, Chu Đức cùng gửi điện “ Tuyên ngôn rút quân ”, đình chiến nghị hoà, nhất trí kháng Nhật ; hy vọng chính phủ Nam Kinh thành ý triệt để cải hối ; trước hết đình chiến tại Thiểm Tây, Cam Túc, Sơn Tây; cùng gửi đại biểu đến hiệp thương.


Cuộc thị uy vào ngày 9/12/1935 của học sinh tại Bắc Bình có tên là “ Nhất Nhị Cửu vận động ”, tuy do Trung cộng lãnh đạo, nhưng không đề cập rõ về thống nhất chiến tuyến. Ngày 31/5/1936, thành lập Cứu quốc liên hiệp hội toàn quốc tại Thượng Hải, đã đề xuất chính quyền thống nhất chống kẻ thù. Ngày 13/7, yêu cầu Quốc dân đảng tuyên chiến với Nhật, đình chỉ nội chiến. Ngày 10/8, Mao Trạch Đông gửi thư yêu cầu các lãnh tụ Cứu quốc liên hiệp hội thu xếp để các đảng phái tiến hành hợp tác đàm phán. Ngày 25, Trung cộng chính thức gửi thư cho Quốc dân đảng, gọi Quốc dân đảng là “ Quý đảng ”, gọi Tưởng là “ Uỷ viên trưởng ” ; bảo rằng trong báo cáo cùng giải thích về ngoại giao của Uỷ viên trưởng trước hội nghị toàn thể uỷ viên ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng rất cần thiết, có một số tiến bộ, Trung cộng thành khẩn hoan nghênh. Nguyện tán trợ thành lập nước dân chủ cộng hoà thống nhất toàn quốc, ủng hộ đại hội đại biểu kháng Nhật cứu quốc, cùng chính phủ quốc phòng thống nhất, Quốc dân đảng và Trung cộng lại có hợp tác mới. Ngày 23/9, Mao Trạch Đông gửi thư cho Thái Nguyên Bồi, yêu cầu khuyên chính phủ Nam Kinh đình chỉ nội chiến ; cùng thông báo cho Tống Khánh Linh, Hồ Thích, Uông Triệu Minh. Ngày 1/12, Mao Trạch Đông, Chu Đức, Trương Quốc Đảo, Chu Ân Lai, liên danh gửi thư cho Tưởng, khuyên theo thời cơ mà quyết đoán, tiếp thu lời yêu cầu cứu nước của họ, biến địch thành bạn, cùng chung đánh Nhật.




3. Biến cố Tây An


Sau khi tuyên ngôn về đình chỉ nội chiến của Mao Trạch Đông, Chu Đức đưa ra được 6 tuần, vào ngày 28/2/1933 thư của Tưởng Giới Thạch với tiêu đề “ Cáo Cộng sản đảng cán bộ nhân viên thư 告共产党干部 人员书  ” khuyên Cộng sản đừng mê mộng, chủ trương nhất trí kháng Nhật. Riêng tuyên ngôn của Trung cộng đề ngày 10/4/1934, với nhan đề “ Thư bố cáo dân chúng toàn quốc về việc đế quốc Nhật Bản tiến công Trung Hoa ”, không nhận được phúc đáp của Tưởng. 6 tháng sau, khi cuộc vây tiễu lần thứ 5 kết thúc, nhận định rằng Trung cộng không đủ gây mối hoạ lớn, nếu như tổ chức này từ bỏ Hồng quân, có thể giải quyết bằng chính trị ; Tưởng bèn sai Trần Lập Phu tiến hành thăm dò ; sau đó đại biểu của Trần Lập Phu và Đại biểu Trung cộng gặp nhau tại Thượng Hải. Ngày 1/9/1935, Chu Ân Lai gửi thư cho Trần Lập Phu, Trần Quả Phu ; trình bày lập trường đình chiến kháng Nhật của Trung cộng ; ngày 18/9, Thượng Hải kháng Nhật cứu quốc đại đồng minh ra tuyên ngôn cũng tương tự. Tiếp theo báo chí tại Đông Kinh đăng tải tin tức Quốc dân đảng dung Cộng vả Tưởng Giới Thạch hoà hoãn với Hồng quân ; Trương Xung Toàn, từng du học tại Nga, từ Nam Kinh đến khu vực Trung cộng tại miền bắc Thiểm Tây thương thảo ; rồi Stalin trực tiếp yêu cầu Tưởng sai người đến Mạc Tư Khoa. Ngày 24/12, Trần Lập Phu cùng Trương Xung đến Bá Linh, nhưng rồi không đến Mạc Tư Khoa ; có thể Stalin cho rằng lúc này Trung cộng đã vững chân, nên hãy chờ thời cơ xem sao.


Tháng 4 và tháng 5/1936, Trung cộng liên tục ra tuyên ngôn nội dung cùng đương đầu với quốc nạn, nhất trí kháng Nhật. Vào mùa thu cùng năm, Chu Ân Lai, cùng Đại biểu Cộng sản quốc tế Phan Hán Niên, họp với Trương Xung tại Thượng Hải, rồi Xung trở về Nam Kinh bàn với Trần Lập Phu. Trần Lập Phu yêu cầu Trung cộng tuân thủ Tam dân chủ nghĩa, phục tùng Tưởng Uỷ viên trưởng chỉ huy, thủ tiêu Hồng quân cải thành Quốc quân, thủ tiêu Xô Viết cải thành chính quyền địa phương. Đầu tháng 12, hai bên tương đối thông hiểu, đàm phán chấm dứt một giai đoạn, Chu dùng đường Tây An [Xian, Thiểm Tây] trở về Diên An [Yan’an, Thiểm Tây].


Cuộc vận động thống nhất chiến tuyến dân tộc chống Nhật đầu tiên được nhân sĩ phái tả tại Thượng Hải ủng hộ, kế đến ảnh hưởng phe quân nhân tại Tây An. Trong vòng 5 năm trở lại, Trương Học Lương bị người Nhật làm nhục, cùng dư luận trong và ngoài nước chê trách, nội tâm không khỏi đau buồn. Năm 1933 bất đắc dĩ rởi chức, bỏ ăn chơi, du lịch Âu châu 8 tháng, đối với những lãnh tụ độc tài như Hitler, Mussolini cũng chịu ảnh hưởng. Năm 1934 trở về nước, giữ chức Phó tư lệnh tiễu phỉ tại 3 tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy ; tập hợp cán bộ trung ương và đông bắc tổ chức “ Tứ duy học hội ” hô hào tăng cường đoàn kết, ủng hộ Tưởng Giới Thạch phục hưng.


Tháng 10/1935, trung tâm tiễu Cộng dời sang miền tây bắc. Bấy giờ quân đông bắc được điều đến Thiểm Tây, Cam Túc ; Tưởng làm Tổng tư lệnh tiễu phỉ ; Trương Học Lương vẫn giữ chức Phó, nhưng thực tế trực tiếp phụ trách. Lúc này quân đông bắc mới cùng Hồng quân giao chiến, liên tiếp bị bại. Ngày 1/10/1935 quân đoàn thứ 25 Hồng quân phục kích quân đoàn quân đông bắc dưới quyền Vương Dĩ Triết tại Lao Sơn [Laoshan, Thiểm Tây] phía nam Diên An, khiến Sư trưởng Hà Văn Lập tử trận. Ngày 25/10, một sư đoàn quân đông bắc tao ngộ với quân đoàn 15 Hồng quân tại cầu Du Lâm [Yulin, Thiểm Tây], giao chiến trong 5 giờ ; quân đông bắc tử thương hơn 300 người, bị bắt hơn 1.800 ; trong đó có Lữ trưởng Cao Phúc Nguyên. Trung cộng đem những người bị bắt cho huấn luyện rồi phóng thích toàn bộ. Nội dung huấn luyện với luận điệu rằng Tưởng lấy danh nghĩa tiễu Cộng, đẩy quân tây bắc và Hồng quân giao tranh, khiến cả hai đều bị tổn thương ; chỉ có cách là liên hiệp chống Nhật, quân đông bắc mới được trở về cố hương ; Quân đông bắc nếu không tiến đánh, Hồng quân quyết không xâm phạm, nguyện cùng chung chống Nhật.


Chu Ân Lai cũng gửi thư cho Trương Học Lương, lời lẽ tương đồng. Trương Học Lương vì hận nước, thù nhà ; nên những lời thuyết phục của Chu dễ lọt vào tai. Hơn nữa trong vòng 9 năm nay, quân trung ương với sức mạnh to lớn mà không dẹp hết Trung cộng, thì quân đông bắc làm sao đủ sức ? Ngoài ra quân đông bắc và quân trung ương đãi ngộ có sai biệt ; Thiểm Tây là vùng cằn cỗi khó có thể thu thập thêm ; lại không có ngày trở về Hoa bắc, hoặc đông bắc, việc tiễu Cộng lại liên tiếp thất bại, tử trận không được phủ tuất xứng đáng, nên quân mất tinh thần, căm phẫn, tâm lý dao động ; cho rằng đánh Trung cộng chết, so với việc kháng Nhật cứu quốc chết, chẳng vinh hơn sao ? Vì tương lai quân đông bắc và bản thân Trương, chỉ có con đường mở ra là hợp tác với Trung cộng.


Qua tuyên ngôn của Mao Trạch Đông đề ngày 28/11 [đề cập tại phần trên], Trương càng tin rằng vấn đề Trung cộng có khả năng giải quyết bằng hoà bình. Vào tháng 12 Trương đến Thượng Hải gặp những nhân vật trong hội Cứu quốc và nhân sĩ thiên cộng ; họ trách Trương không nên đi vào con đường tử lộ tiễu Cộng, mà cần phải chống Nhật. Ngày 25/1/1936 Tướng lãnh Hồng quân gửi thư cho Tướng lãnh quân tây bắc, hy vọng hiệp thương chống Nhật. Ngày 26, Trương đến Nam Kinh muốn xin Tưởng cho Hồng quân trở lại hợp tác, tuy chưa dám nói ra lời, nhưng trong lòng đã có ý định.


Chủ nhiệm Tây An tuy tĩnh và Tư lệnh lộ quân thứ 17 Dương Hổ Thành xuất thân từ thảo khấu, theo Hồ Cảnh Thạc, rồi Quốc dân quân của Phùng Ngọc Tường. Sau chiến tranh trung nguyên phò trung ương, được giữ chức Chủ tịch tỉnh Thiểm Tây, tự cho là khuynh tả. Sau khi bị giải trừ chức Chủ tịch tỉnh, đâm ra bất mãn với Tưởng, dưới quyền có những phần tử Trung cộng, nên dễ hợp tác với Trương Học Lương.


Tháng 2/1936 Hồng quân tiến sang đông vào tỉnh Sơn Tây, Trương Học Lương không những không thừa cơ tấn công lên phía bắc Thiểm Tây, lại để cho chỉ huy quân sự, Vương Dĩ Triết liên lạc với Trung cộng. Từ ngày 26 đến 28/2, đại biểu Trung cộng Lý Khắc Nông, hội đàm với đại biểu quân đông bắc Vương Dĩ Triết, đạt được hiệp nghị bằng miệng rằng : Hai bên không tương xâm, mỗi bên giữ nguyên địa điểm phòng thủ. Hồng quân đồng ý khôi phục giao thông vận chuyển, kinh tế thông thương cho quân đông bắc tại vùng Cam Tuyền [Ganquan, Thiểm Tây] và Diên An [Yan’an, Thiểm Tây]. Tháng 3/1936 Trương đến Lạc Xuyên [Luochuan, Thiểm Tây] hội đàm với Lý Khắc Nông, phần lớn các vấn đề khác đều dễ nhất trí, riêng thái độ đối với Tưởng thì ý kiến hai bên khác hẳn nhau ; Trương tôn phò Tưởng, Trung cộng chống Tưởng. Ngày 21, Trương lại đến Thượng Hải gặp Đại biểu Trung cộng Phan Hán Niên, đối với việc Trần Lập Phu sang Âu Châu và việc chính phủ Nam Kinh liên lạc với Trung cộng cũng từng được nghe. Ngày 20/5, Mao Trạch Đông triệu tập hội nghị quân sự tại Diên Xuyên [Yanchuan, Thiểm Tây], thảo luận việc hợp tác với Trương. Ngày 30, hội Học sinh cứu quốc tại Thượng Hải ra tuyên ngôn “ Ủng hộ Trương Học Lương chủ trương đình chỉ tiễu Cộng ”. Tháng 6 đại biểu Trung cộng, Đặng Phát, tới Tây An ; cùng tháng Trương và Chu Ân Lai gặp nhau tại Diên An. Chu bảo Trung cộng nguyện ủng hộ Trương phản Tưởng kháng Nhật, có thể được Liên Xô yểm trợ. Trương chủ trương ủng hộ Tưởng kháng Nhật, yêu cầu bỏ danh xưng Hồng quân biên chế thành quốc quân, Trung cộng không được nằm trong quân tuyên truyền, đình chỉ mọi đấu tranh, không tái tục phản đối chính phủ, công kích lãnh tụ ; chính phủ để Trung cộng hoạt động tự do, đến lúc kháng Nhật thắng lợi, thừa nhận Trung cộng là chính đảng hợp pháp. Chu đồng ý liên Tưởng chống Nhật, Hồng quân rút ra phía sau, Trương cấp tiếp tế. Dương Hổ Thành hết sức chủ trương liên Cộng, nếu như Tưởng không đồng ý, đợi lúc đến Tây An sẽ thực hành “ binh gián ” 4. Trung cộng phái Diệp Kiếm Anh, Lý Khắc Nông đến trú tại Tây An, huấn luyện cán bộ quân đông bắc. Trương sai Đại biểu đến Thái Nguyên [Taiyuan, Sơn Tây], Diêm Tích Sơn bảo “ Tiễu Cộng không phải là kế hay, lo đối nội không còn thực lực để đối ngoại ”, khiến lòng tin liên Cộng của Trương lại càng mạnh.


Ngày 17/9/1936 trung ương Trung cộng nghị quyết đình chỉ nội chiến, nhất trí kháng Nhật, thành lập chính phủ cộng hoà ; có tin đồn rằng 4 tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Sơn Tây, Tuy Viễn sẽ liên Nga độc lập. Ngày 3/10 Trương Học Lương phủ nhận việc này với ký giả Anh, chỉ hy vọng Hồng quân với lòng thành trở về ; đồng thời lại sai người đến Thái Nguyên, rồi lại đích thân đến thương lượng với Diêm Tích Sơn. Những động thái của Trương, Tưởng đã được báo cáo qua, nên ngày 22/10 đích thân đến Tây An thuyết trình trước các tướng lãnh rằng phương châm kháng Nhật cần ra sức tảo thanh Cộng sản trước, nặng nề trách một số người ý chí không kiên. Ngày 30, Diêm Tích Sơn mời Trương Học Lương đến Lạc Dương [Luoyang, Hà Nam] để yêu cầu Tưởng đình chỉ tiễu Cộng, Tưởng nghiêm lời cự tuyệt. Diêm bảo Trương rằng “ Xem ra bất tiện đem lời khuyên, hãy từ từ tuỳ cơ mà làm ”. Trương báo cho Trung cộng biết ngay bây giờ khó có thể đình chiến ; Trung cộng biểu thị vẫn tiếp tục hợp tác. Trương liên tiếp báo cáo Tưởng bộ thuộc bất ổn, tình thế Thiểm Tây gấp rút. Ngày 1/12 yếu nhân Trung cộng gồm 19 người như Mao Trạch Đông, Chu Đức, Trương Quốc Đảo, Chu Ân Lai gửi thư cho Tưởng Giới Thạch xin xét thời cơ hiện tại mà hứa chấp nhận yêu cầu cứu quốc, biến địch thành bạn. Ngày 3 cùng tháng, Trương Học Lương lại đến Lạc Dương, khẩn xin Tưởng đến Tây An. Tưởng không nghe lời khuyên của đám thân cận, ngày hôm sau đến Tây An, đối Trương đề xuất hai phương án : hoặc đem toàn bộ quân đông bắc và quân Dương Hổ Thành tiến lên phía bắc đánh Cộng sản ; hoặc chia ra điều đến các tỉnh Phúc Kiến, An Huy ; cả hai điều Trương và Dương đều không đồng ý. Ngày 7, Trương tiếp tục điều trần đình chỉ tiễu Cộng, nhất trí kháng Nhật, Tưởng nghiêm lời đả kích ; chiều hôm đó Dương thượng lượng mật với Trương về “ binh gián ”. Ngày 9, Tưởng lại tiếp tục khuyên bọn Trương rằng việc tiễu Cộng chỉ còn lại 5 phút cuối cùng. Cũng ngày hôm đó học sinh Tây An đến cung Hoa Thanh 5 cũ, nơi Tưởng Giới Thạch lưu ngụ để đề đạt nguyện vọng ; Trương bảo đảm trong một tuần lễ sẽ có đáp ứng ; sau việc này Tưởng đem lời trách, hai bên lời lẽ xung đột. Ngày 10, Tưởng triệu tập tướng lãnh trung ương hội nghị, phái Tưởng Đỉnh Văn làm Tổng tư lệnh tiền địch “ tiễu phỉ ” tại tây bắc, có tin truyền rằng Trương sắp bị bãi chức, quân đông bắc sẽ được cải biên ; Trương, Dương quyết định hành động.


Sáng sớm ngày 12/12 quân Trương Học Lương vây kín chỗ Tưởng lưu ngụ tại cung Hoa Thanh cũ, giết 30 hộ vệ ; Tưởng được cận vệ giúp trèo tường trốn, nhưng bị bắt ; các quan văn võ trung ương, 10 người bị giam kín. Trương Học Lương và Dương Hổ Thành tuyên bố 8 hạng chủ trương, gồm :


– Thứ nhất, cải tổ chính phủ Nam Kinh, dung nạp các đảng phái, cùng chung cứu nước.

– Thứ hai, đình chỉ mọi nội chiến.

– Thứ ba, lập tức phóng thích các lãnh tụ ái quốc bị bắt tại Thượng Hải.

– Thứ tư, phóng thích các chính trị phạm toàn quốc.

– Thứ năm, khai phóng vận động toàn dân ái quốc.

– Thứ sáu, chính trị tự do, bảo đảm nhân dân lập hội, kết xã.

– Thứ bảy, xác thực tuân hành Tổng lý [Tôn Trung Sơn] di chúc.

– Thứ tám, lập tức triệu tập hội nghị cứu quốc.


Ngày hôm sau, 13, thành lập Uỷ viên hội quân sự kháng Nhật liên quân.


Ngay trong ngày xẩy ra cuộc biến, Trương Học Lương gửi điện cho Tưởng phu nhân Tống Mỹ Linh, Phó viện trưởng viện hành chánh Khổng Tường Hy báo rằng tạm mời Tưởng tại Tây An để phản tỉnh, quyết không làm nguy hại. Phương châm xử sự của chính phủ Nam Kinh gồm đánh dẹp và tìm cách khai thông. Đái Truyền Hiền chủ trương đánh dẹp, cho rằng kỷ cương cần phải duy trì, không thể tỏ ra yếu. Chủ trương khai thông có Khổng Tường Hy, Tống Tử Văn, Trần Quả Phu, Trần Lập Phu ; cho rằng cần chiếu cố đến sự an toàn của Tưởng, căn cứ vào điện văn của Trương thì vẫn còn có chỗ để thảo luận. Ngay lúc này biện pháp nghiêm là cách chức Trương, điều binh đến Đồng Quan [Tongquan, Thiểm Tây], phi cơ bay trên vùng trời Tây An để đề phòng trường hợp chuyển Tưởng đi nơi khác. Về mặt khai thông, dùng viên Cố vấn cũ của Trương Học Lương là W. H. Donald [người Úc], đáp phi cơ đến Tây An khuyên bảo. Đối với động thái của Nga Xô hết sức lưu ý, vì cho rằng sự biến có liên quan đến Trung cộng, Nga Xô là đầu mối sách hoạch. Thực hiện phương sách nước sôi rút củi, Trần Lập Phu yêu cầu Phan Hán Niên chuyển lời đến Cộng sản quốc tế rằng nếu như Tưởng có điều bất hạnh, Trung Quốc mất người lãnh đạo, Nhật Bản sẽ tiến công Liên Xô. Khổng Tường Hy mời Đại biện Nga Xô đến gặp, thúc dục Nga Xô cùng Cộng sản quốc tế chú ý đến tính cách nghiêm trọng của sự biến ; nếu như Tưởng bị nguy hiểm, Trung Quốc sẽ bị Nhật ép cùng chống đối Nga ; lại mệnh Đại sứ Trung Quốc tại Nga trình bày thêm. Ngày 14 và 15, Trần Lập Phu lại gặp Phan Hán Niên nói chuyện thêm, hy vọng Chu Ân Lai điều giải, tìm cách cứu Tưởng.


Trước khi sự biến xảy ra, Trung cộng không hề biết, đến khi được tin, kinh ngạc, vui mừng lẫn lộn ; nhận thấy đây là cơ hội báo thù Tưởng. Chính trị cục Trung cộng hội nghị, Mao chủ trương đưa Tưởng ra xét xử ; nhắm chế tài gấp, điều quân xuống phía nam, trợ giúp Trương Học Lương tác chiến. Một mặt phái Chu Ân Lai tới Tây An, đồng thời báo tin cho Mạc Tư Khoa.


Người mưu sâu tính toán kỹ như Stalin, đã có liệu định sẵn trước khi chính phủ Nam Kinh thỉnh cầu và Trung cộng cộng báo cáo. Ngày 12/12 đánh điện cho Trung cộng chỉ rõ sự biến do âm mưu của Nhật, Nga Xô quyết không chi viện cho Trương Học Lương và minh xác phản đối. Trung Quốc cần thống nhất chiến tuyến để đánh Nhật, tối trọng yếu là đoàn kết hợp tác, không thể chia cắt, nội chiến. Trương Học Lương không thể lãnh đạo kháng Nhật, nếu như Tưởng hồi tâm chuyển ý, thì chính y là người lãnh đạo duy nhất để chống Nhật. Trung cộng đối Tưởng không thể giữ chủ nghĩa báo thù, hoặc duy trì nội chiến ; nếu làm như vậy là phù hợp nguyện vọng của bọn quân phiệt và thân Nhật, đối với Nga Xô và Trung cộng đều bất lợi. Cần lập tức tranh thủ hoà bình, giải quyết cuộc biến, lợi dụng thời cơ này để đối xử hữu hảo với Tưởng, trên cơ sở có lợi, khôi phục tự do cho Tưởng. Ngày 14, báo Tin Tức (Izvestia) tại Mạc Tư Khoa bình luận hành vi phản động của Trương Học Lương phá hoại tinh thần đoàn kết và trận tuyến chống Nhật của Trung Quốc; ngày hôm sau, báo Sự Thật (Pravda) cũng bình luận rằng phản biến của Trương Học Lương ngăn trở chính phủ Nam Kinh tiến hành đoàn kết chống Nhật, gây cho đất nước này phân chia, khiến Trung Quốc trở thành vật hy sinh cho ngoại quốc xâm lược ; hy vọng nhân dân Trung Quốc đừng để cho Nhật Bản và Hán gian lừa dối. Ngày 16, Đại sứ Trung Quốc, Tưởng Đình Phất, gặp Ngoại trưởng Nga Xô Lý Duy Nặc Phu, yêu cầu giúp Trung Quốc giải quyết sự biến ; Lý đáp rằng mấy năm gần đây Nga Xô hoàn toàn không có quan hệ với Trương Học Lương, chỉ mong sự biến giải quyết được tốt đẹp ; cùng ngày Cộng sản quốc tế phúc đáp Phan Hán Niên, đồng ý Chu Ân Lai hoà giải. Ngày 17, Ngoại trưởng Nga Xô phản đối Đại sứ Tưởng Đình Phất việc Trung Quốc cấm các báo thông tin những bài xã luận trên báo Tin Tức, Chân Lý của Nga Xô, biểu thị nghi ngờ Nga Xô có quan hệ với Trương Học Lương, điều này thiếu hữu nghị ; lại nhấn mạnh rằng việc duy nhất có thể giúp Trung Quốc là thông báo lập trường của Nga Xô cho Trung cộng biết.


Điện báo của Stalin đến ngày 14, do Tống Khánh Linh [Tôn Trung Sơn Phu nhân] chuyển đến sào huyệt Trung cộng tại Bảo An [Bao’anzhen, Thiểm Tây] ; thái độ của Trung cộng chuyển biến, lập tức thông báo cho Chu Ân Lai trên đường đi Tây An. Trương Học Lương sau khi gây biến trong lòng hy vọng ; nhưng trong mấy ngày ngoài Nga Xô, Trung Cộng, phản ứng trong nước cũng không tốt. Diêm Tích Sơn, người cùng Trương đồng ý đình chỉ tiễu Cộng, cũng chất vấn “ Làm sao có thể tốt lành về sau ? Có hay không giảm thiểu lực lượng kháng chiến ? Có hay không gây nên cuộc tàn sát cực đoan trong nước ? ” Những lãnh tụ quân nhân địa phương từ trước hay có ý kiến với Tưởng, đối với hành động của Trương cũng chê trách. Quân của Dương Hổ Thành hoàn toàn vô kỷ luật, tướng lãnh quân đông bắc không phải ai cũng cho Trương là đúng ; quân đông bắc trú tại Lạc Dương, cự không nhất trí hành động. Quân trung ương tại Hà Nam cấp tốc chiếm cứ Đồng Quan, quân tại Cam Túc tiến hướng Thiểm Tây, không quân trung ương bay trên bầu trời Tây An giám thị, dư luận rầm rộ đả kích, khiến Trương không khỏi thất vọng, lo âu. Nếu như chống lại thì không khỏi bị tiêu diệt, nội chiến không tránh khỏi, chỉ có Nhật Bản thu lợi. Trương đọc qua nhật ký của Tưởng, phát hiện Tưởng đích xác quyết tâm chống Nhật, rất có lòng ái hộ Trương. Vào ngày 15, đem Tưởng từ phạm vi thế lực của Dương Hổ Thành, đến nơi gần Trương trú ngụ ; Tưởng trình bày rõ kế hoạch kháng Nhật, trách Trương lỗ mãng. Ngày 16, Trương diễn giảng trước thị dân Tây An, chủ trương dưới sự lãnh đạo của Tưởng, các đảng phái thực hành cứu nước.


Vào buổi chiều ngày 16/12, Chu Ân Lai đến Tây An ; Trương Học Lương biết rõ hoàn toàn chủ trương của Trung cộng, Nga Xô. Ngày 17, Chu theo Trương gặp Tưởng, thái độ khiêm cung thành khẩn, trình bày Trung cộng không có ý đồ hại Tưởng ; hy vọng mọi người giải trừ thành kiến, đoàn kết chống địch, ủng hộ Tưởng làm lãnh tụ toàn quốc. Tưởng cẩn thận nghe, nhận thấy phù hợp với sự suy nghĩ trong lòng, bèn đích thân viết công hàm truyền lệnh cho tân Tổng tư lệnh thảo nghịch Hà Ứng Khâm đình chỉ hành động quân sự, trong 2 ngày Tưởng sẽ trở về Nam Kinh. Ngày 19, Trương điện cho ký già Thượng Hải, Luân Đôn rằng Tưởng đã bằng lòng ý kiến của y, đợi người của Nam Kinh tới, Tưởng sẽ trở về. Đại khái Tưởng chỉ đồng ý trên nguyên tắc, đối với cụ thể sự kiện từ chối đàm phán ; bởi vậy Trương muốn mời người thứ ba để thuyết phục thêm. Trung cộng gửi điện kiến nghị quân đội Nam Kinh và Tây An lấy Đồng Quan làm giới hạn ; do các đảng, các phái, các quân đề xuất kháng Nhật cứu nước thảo án, cùng thảo luận cách xử trí đối với Tưởng, lại mở hội nghị hoà bình tại Nam Kinh.


Ngày 20 Tống Tử Văn đến Nam Kinh, Trương Học Lương yêu cầu thực hành một, hai việc trong 8 điều đã nêu, nhưng Tưởng không bằng lòng. Tống Tử Văn dừng lại một hôm, rồi trở lại Nam Kinh. Ngày 22, Tống và Tưởng phu nhân [Tống Mỹ Linh] cùng đến, Phu nhân khuyên Tưởng nên tìm cách rời Tây An rồi nói chuyện khác. Ngày 23, Phu nhân nói với Trương rằng nàng thay mặt Tưởng bảo đảm rằng Tưởng đáp ứng việc cải tổ chính phủ, đình chỉ tiễu Cộng ; Trương và Chu Ân Lai rất mãn ý. Ngày 24, Chu Ân Lai tường thuật cho Tưởng Phu nhân về vấn đề cách mệnh, cùng những sự phiền não của Trung cộng ; cuối cùng nói “ Việc nước như ngày hôm nay, bỏ Uỷ viên trưởng ra, thực không có người thứ hai có thể lãnh đạo ”, “ Chúng tôi không phải không tin lòng cứu quốc chân thành của Uỷ viên trưởng, nhưng chỉ hận rằng không thể cấp tốc mà thôi ” ; Phu nhân bảo rằng Tưởng cũng rõ đại thể. Không ngờ giữa Trương Học Lương và Dương Hổ Thành ý kiến khác nhau ; Trương chủ trương lập tức đưa Tưởng về Nam Kinh, Dương quyết liệt phản đối, đến lúc quyết liệt, Chu Ân Lai ra sức điều giải. Buổi sáng ngày 25, Tưởng và Phu nhân tiếp kiến Chu Ân Lai, Chu một lần nữa hy vọng nội chiến đình chỉ ; Tưởng phu nhân nói rằng “ Trung cộng quả có thành ý phục vụ nhân dân, nên cùng nỗ lực dưới sự lãnh đạo của chính phủ, mới là con đường chính… Quyết không nên tàn sát lẫn nhau, vấn đề nội chính nên giải quyết bằng đường lối chính trị, không nên dùng vũ lực. Đó là chủ trương nhất quán của Uỷ viên trưởng ”. Chiều hôm đó vợ chồng Tưởng rời Tây An bay qua Lạc Dương, ngày hôm sau đến Nam Kinh ; Trương Học Lương đi theo, biểu thị bản thân chịu trách nhiệm mọi việc.


Trương Học Lương đột nhiên theo ra Tưởng đi, kẻ ở tại Tây An cảm thấy kinh hãi. Trương Học Lương bị kết tội, nhưng được đặc xá, bị quản thúc ; quân trung ương chuẩn bị tây tiến, Dương Hỗ Thành và tướng lãnh đông bắc bị chỉ trích là bội phản. Trung cộng lo rằng Tây An và Nam Kinh gây nên sự xâu xé, làm vỡ lỡ công trình sắp thành công, nên ngày 8/1/1937 thông điện hiệu triệu hoà bình, đình chỉ nội chiến. Đám quân nhân trẻ tại đông bắc, do việc Trương Học Lương không trở về Tây An, đâm ra giận dữ tướng lãnh cao cấp. Ngày 2/2 giết Quân trưởng Vương Dĩ Triết ; rồi cuối cùng bị dẹp ; quân trung ương vào đóng tại Tây An, quân đông bắc được điều ra khỏi tỉnh Thiểm Tây, Dương Hổ Thành bị triệt chức ; tập đoàn Trương, Dương giải thể. Trung cộng chân chính hưởng lợi, không chỉ chuyển nguy thành an, lại còn khuếch trương rộng địa bàn, chính quyền trung ương Trung cộng từ Bảo An dời đến Diên An, thời đại Mao Trạch Đông bắt đầu ; nhưng cái lợi chung lớn nhất là chiến tuyến thống nhất kháng Nhật biến thành sự thực.


Sau đây là những lời bình về biến cố Tây An của những yếu nhân đương thời :


– Tưởng Giới Thạch trong Tây An bán nguyệt ký viết “ Cuộc biến này gây đình đốn tổn thất lớn cho quá trình cách mệnh của chúng ta ; công trình tiễu Cộng trong 8 năm có kế hoạch trong vòng 2 tuần đến 1 tháng khuếch trương lớn, đi đến chỗ huỷ bỏ trong một sớm. Còn về việc quốc phòng, giao thông, kiến thiết kinh tế ; mấy năm trời kinh doanh tâm huyết, đã bắt đầu có quy mô, qua cuộc phản loạn này, tổn thất khó kể ra hết. Muốn cho địa phương có trật tự, kinh tế tín dụng khôi phục như cũ không phải trong thời gian ngắn ngủi mà làm được. Xét ra trình độ kiến quốc, tụt hậu đến 3 năm, thật đáng đau buồn ! 


– Trương Học Lương vào cuối đời [năm 1992, 92 tuổi] tại Hawaii, nhân Giáo sư sử học Đào Đức Cương làm cuộc phỏng vấn, in trong Trương Học Lương thế kỷ truyền kỳ phát biểu như sau “…Còn việc các anh hỏi tôi tại sao làm cuộc biến Tây An, tôi có thể nói như vầy; tôi tin rằng Trung Quốc nhất định phải được thống nhất, cần cầm súng chống ngoại xâm, không chống nội bộ. Đó là niềm tin nhất quán của tôi, kể từ khi tự nguyện đổi cờ 6, đến sự biến Tân An đều chung một niềm tin như vậy. Không thể nói được có hối hận hay không hối hận ! ”


– Chu Ân Lai phát biểu “ Lịch sử có sự phán xét công bình, cuộc biến Tây An do tự Tưởng Giới Thạch bức bách thành.”


– Hồ Thích, học giả đương thời nhận xét “ Trung Quốc hình thành một lãnh tụ không dễ, nếu như Tưởng Giới Thạch gặp bất hạnh, Trung Quốc thụt lùi 20 năm ”. Có thể minh xác sự biến tại Tây An “ Trên danh nghĩa Trương Học Lương chống địch, nhưng thực chất là phá hoại bức trường thành ”, đúng là “ Tội phạm của dân tộc ”. Lại bảo “ Không có sự biến Tân An, đảng Cộng sản bị tiêu diệt mau chóng… Sự biến tại Tây An là tổn thất cho quốc gia, không có cách gì bổ cứu !




4. Quốc Cộng hợp tác lần thứ hai


Vào ngày 14/12, sau khi Trung cộng nhận được điện của Stalin, đối với việc khôi phục tự do của Tưởng thì không có ý khác, duy chỉ muốn chiếm nhiều lợi ; chủ trương triệu tập hội nghị hoà bình thảo luận cách xử sự với Tưởng, không muốn Tưởng được rời Tây An ngay. Nhưng lúc nào thả, thì do Trương Học Lương quyết định. Ngày 26, Mao được tin Trương theo Tưởng bay về Nam Kinh thì trong lòng kinh hãi không thua gì Dương Hổ Thành và đám quân nhân trẻ đông bắc ; cho rằng Trương đã đầu hàng Tưởng, đem sự biến đổ trách nhiệm cho Trung cộng, Tưởng sẽ mang quân báo thù. Mao bèn ra lệnh Chu Ân Lai ra sức gây cảm tình với Tưởng, thuyết minh Tưởng được an toàn thoát hiểm, do sức Trung cộng. Rồi biết được sau khi trở về Nam Kinh, Tưởng nói rằng qua sự thuyết phục, Trương Học Lương, Dương Hổ Thành hối hận tỉnh ngộ ; Mao lại thêm nghi ngờ lo lắng. Ngày 28, Mao tuyên bố rằng lời Tưởng hàm hồ, duy đáng tán dương ở chỗ “ Ông ta [Tưởng] nói một đoạn về ‘Ngôn tất tín, hành tất quả’ 7; ý tứ cho rằng khi ông ta tại Tây An đề xuất điều kiện với Trương, Dương, tuy không viết lên giấy và ký tên ; nhưng vẫn nguyện thu nạp những điều có lợi cho quốc gia dân tộc, chứ không phải vì không ký tên mà không thủ tín ”. Lại nói rầng “ Sở dĩ ông ta được an nhiên ra khỏi Tây An….do sự điều đình của Cộng sản có ảnh hưởng ; sự việc từ nay trở về sau do ông ta có thực hành đúng theo lời hứa hay không ”. Bắc phương cục của Trung cộng cũng phát biểu “ Tuyên ngôn về việc giải quyết hoà bình trong sự biến Tây An ” nội dung cho rằng sự biến không phải do Trung cộng gây ra, tiếp đến hô hào nhân dân toàn nước yêu cầu chính phủ Nam Kinh từ bỏ chính sách tiễu Cộng. Những sự kiện nêu trên, nguyên nhân do tâm lý lãnh tụ Trung cộng sợ Tưởng Giới Thạch tiếp tục tiễu Cộng.


Trong vòng 3 năm trở lại, danh vọng của Tưởng Giới Thạch lên cao hơn hẳn thời kỳ bắc phạt. Học giả Hồ Thích, một người từng có những lời phê bình bất mãn với Quốc dân đảng và Tưởng Giới Thạch, vào tháng 8/1935 nói rằng Tưởng có tư cách lãnh tụ “ Gần đây [Tưởng] khí độ lớn hơn, tỏ ra hoà bình hơn… Con mắt và tấm lòng nhân dân toàn quốc đều hiểu rằng chỉ một mình ông vùi đầu, khổ sở gánh vác, không từ lao khổ, không từ oán báng ; lại có thể dung nạp những yêu cầu khác với mình, tôn trọng giải pháp của kẻ khác. Tưởng tiên sinh được toàn quốc công nhận là một lãnh tụ, đó là sự thực, nhân vì trong nước không có ai cạnh tranh địa vị lãnh tụ của ông ”. Sự biến Tây An phát sinh, cả nước kinh hoàng ; đến khi Tưởng thoát được trở về, tiếng hoan hô rầm rộ. Với thanh vọng của Tưởng đương thời, cùng được nhân dân ủng hộ, có khả năng lớn trong việc dùng binh với Trung cộng ; nhưng Tưởng không làm việc đó, nguyên nhân lớn vì biết rằng chiến tranh với Nhật không thể tránh được, cần đoàn kết nội bộ và tìm ngoại viện. Qua cuộc biến Tây An, Tưởng tin rằng Nga Xô có lòng thành chi viện Tưởng đánh Nhật, nên cần liên lạc, đối với Nhật không chịu thoái nhượng thêm. Liên kết tốt với Nga Xô, tất phải hoà giải với Trung cộng ; tình hình tương tự với việc trước kia Quốc dân đảng liên Nga dung Cộng lần thứ nhất. Ngày 5/1/1937, chính phủ bắt đầu triệt bỏ Tổng tư lệnh tiễu phỉ đông bắc.


Ngày 10/2/1937, Trung cộng gửi điện cho Quốc dân đảng, mừng sự biến Tây An đã được giải quyết, cùng quốc nội đi đến thống nhất, hy vọng dùng 5 điều sau đây làm quốc sách : Thứ nhất, đình chỉ mọi nội chiến, tập trung quốc lực, nhất trí đối ngoại. Thứ hai, tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, phóng thích chính trị phạm. Thứ ba, triệu tập các đảng, các phái, các giới hội nghị, tập trung nhân tài cộng đồng nỗ lực cứu quốc. Thứ tư, cấp tốc hoàn thành đối Nhật chuẩn bị kháng chiến. Thứ năm, cải thiện sinh hoạt của dân. Đồng thời đề xuất 4 điều bảo đảm : Một, đình chỉ vũ trang bạo động lật đổ Quốc dân chính phủ. Hai, chính phủ Xô Viết cải tên thành chính phủ Trung Hoa dân quốc đặc khu, Hồng quân cải tên thành Quân dân cách mệnh quân ; trực tiếp chịu sự chỉ đạo của chính phủ Nam Kinh, cùng Quân sự uỷ viên hội. Ba, tại đặc khu thực hiện chế độ phổ thông đầu phiếu. Bốn, đình chỉ chính sách tịch thu ruộng đất, chấp hành cộng đồng chiến tuyến kháng Nhật. Ngày 12/2, Tưởng tuyên bố khai phóng ngôn luận, tập trung nhân tài, tha chính trị phạm ; đó là một bộ phận đáp ứng Trung cộng ; cùng ra lệnh Trương Xung đến Tây An tiếp tục thương lượng với Chu Ân Lai. Ngày 3/3, Vương Sủng Huệ thay Trương Quần làm Bộ trưởng ngoại giao, tức bài trừ phần tử thân Nhật, biểu thị thuận tiện liên lạc với Anh, Mỹ, Nga.


Đảng viên trung ương Trung cộng coi điện báo ngày 10/2 giống như đầu hàng Quốc dân đảng, tỏ ra rất phẫn khích ; nên ngày 15/2 giải thích rõ thêm rằng : Quyết sách này mục đích nhắm thủ tiêu trong nước có 2 chính quyền đối lập, nhắm tiện tổ chức thành chiến tuyến dân tộc thống nhất kháng Nhật, cấp tốc thực hiện đối Nhật kháng chiến ; chế độ Xô Viết tuy thủ tiêu, nhưng không buông bỏ quyền lợi chính trị của công nhân và nông dân ; Hồng quân tuy đổi tên nhưng không bỏ sự lãnh đạo chính trị và tổ chức ; đình chỉ tịch thu đất đai, nhưng không khôi phục bóc lột đất đai tại khu Xô Viết. Đối với cái gọi là “ Trung cộng dâng hiến lòng thành ”, “ Tuyệt gốc hoạ Cộng sản ”, trên bình diện tình cảm Trung cộng không kham được. Mao Trạch Đông cũng nhận thấy rằng Quốc dân đảng cao ngạo tự đại, khinh rẻ người ; nhưng muốn Hồng quân sinh tồn trước hết phải đình chỉ tiễu cộng. Hơn nữa quân đông bắc và quân Dương Hổ Thành không phản kháng, quân trung ương đã vào Tây An ; nên chỉ có cách nhẫn nại, không kể đến danh, chỉ mong thực tế yên ổn để đợi thời cơ. Ngày 12/3, Trung cộng chính thức tiếp thụ Quốc dân đảng quyết nghị “ Tuyệt gốc hoạ Cộng sản ”. Nhưng ngày 15/4 Trung cộng ban bố “ Thư gửi các đồng chí toàn đảng vì củng cố hoà bình trong nước, tranh thủ quyền lực dân chủ, thực hiện đấu tranh đối Nhật kháng chiến ” bảo rằng “ 4 điều bảo đảm ” không có nghĩa rằng Trung cộng đầu hàng Quốc dân đảng, chỉ là sự nhượng bộ để thoả hiệp. Bằng cách này có cơ hội hoạt động công khai trên toàn quốc, khuếch đại ảnh hưởng chính trị và tổ chức lực lượng của đảng Cộng sản, thực hiện thống nhất chiến tuyến kháng Nhật; quyết không phải thủ tiêu hoặc hạ thấp tính độc lập và phê phán của đảng Cộng sản, cũng không bỏ sự lãnh đạo của lực lượng cách mệnh. Đảng viên Trung cộng cần phải giữ nguyên tắc bí mật của đảng, cùng kỷ luật sắt, nỗ lực khuếch đại và củng cố nội bộ, kiến lập cơ sở kiên cố nghiêm túc, khiến Trung quốc Cộng sản đảng chiếm được địa vị lãnh đạo cách mệnh dân tộc. Những điều nêu trên có thể giải thích rõ động cơ và chính sách từ nay trở về sau của Trung cộng đối với Quốc dân đảng.


Mao Trạch Đông đối với sự tính toán thực của Tưởng, chỉ dò dẫm nhưng không biết rõ ràng ; Tưởng có thể thi hành kháng Nhật, mà cũng có thể đàn áp Trung cộng. Nếu như chiến tranh với Nhật nhất thời chưa xảy ra, Tưởng có thể điều Hồng quân đi nơi khác, thủ tiêu Hồng quân và khu Xô Viết tại bắc Thiểm Tây ; bởi vậy cần kiên định Hồng quân phải ở lại đặc khu, nhân viên đặc khu do Trung cộng bảo quản, kéo dài cho đến lúc chiến tranh chống Nhật, thì mới có lợi cho Trung cộng. Ngày 3/5, Trung cộng triệu tập đại hội đại biểu khu Xô Viết, thông qua báo cáo của Mao Trạch Đông “ Nhiệm vụ Trung Quốc kháng Nhật thống nhất chiến tuyến trong giai đoạn trước mắt ” cùng với “ 4 điều bảo đảm ” Trung cộng đã nêu lên, rồi do Chu Ân Lai cùng Quốc dân đảng bàn chi tiết về vấn đề cải sửa biên chế Hồng quân ; nhưng cuộc bàn chưa xong thì chiến tranh Trung Nhật bạo phát toàn diện.


Hồ Bạch Thảo















1 Bảo chướng 保障 : có nghĩa là bảo hộ [quyền lợi, sinh mệnh, tài sản, dân quyền] không bị xâm hại.


2 Quan môn chủ nghĩa : Chủ nghĩa đóng cửa, từ ngữ Trung cộng dùng để chỉ sự thiên lệch, cự tuyệt một số người có đủ phẩm chất điều kiện gia nhập đảng.


3 Bạch quân : đây chỉ các lực lượng vũ trang không Cộng sản tại Trung Quốc.


4 Binh gián : dùng biện pháp quân sự để can gián.


5 Cung Hoa Thanh : một trong những cung nổi tiếng tại kinh thành Trường An xưa, nay thuộc Tây An, trong cung có ao Hoa Thanh nước ấm bốn mùa. Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi từng ngự tại cung này ; riêng Dương Quý Phi từng tắm tại ao Hoa Thanh, câu chuyện được mô tả trong Trường hận ca của Bạch Cư Dị.


6 Năm Trương Học Lương 28 tuổi, cha chết lên nắm quyền, bèn tự nguyện đưa quân phiệt Phụng hệ trở về với chính phủ trung ương, nhân đổi cờ Phụng hệ sang cờ Dân quốc.


7 Ngôn tất tín, hành tất quả : giữ lời thủ tín thì việc làm có kết quả.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss