Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lính thợ O. N. S. ở Pháp

Lính thợ O. N. S. ở Pháp

- N. H. T. — published 19/03/2010 00:26, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Chứng từ về cuộc sống của những người "lính thợ" Việt Nam ở Pháp những năm 1940


Chứng từ



LÍNH THỢ O.N.S. Ở PHÁP



N. H. T.


Từ 1938, chính quyền Pháp dùng đủ mọi cách, vừa khuyến khích vừa bắt buộc dân thuộc địa góp của và người cho « mẫu quốc » để chuẩn bị chiến tranh.

Về của : chúng họp hương biểu, tộc biểu lại hiểu thị, cổ vũ nhà giàu mua « quốc trái » mỗi « cổ » 50 $ (giá 5 con bò hạng trung).

Về người : chúng mộ lính chiến (tirailleurs) nhiều lắm. Tôi thấy làng nào cũng có người đi lính.

Cuối 1939, chúng tuyển lính thợ gọi là O. N. S. (Ouvriers Non Spécialisés / công nhân không chuyên nghiệp) chừng 25 000 người i. Nơi nào không đủ người tình nguyện thì chúng bắt.

Cách tổ chức : Mỗi groupe 24 lính thợ thì đặt một người có bằng sơ học (certificat d’études primaires) hoặc trên sơ học đứng đầu gọi là surveillant ; 4 groupe thì đặt một hạ sĩ (quản hay đội đã về hưu bị gọi trở lại) đứng đầu ; 8 groupe thì đặt một người Pháp đứng đầu gọi là quản cơ (commandant de compagnie) ; nhiều cơ họp lại gọi là đạo (légion). Mỗi đạo đóng ở một nơi trên đất Pháp. Tất cả lính thợ đặt dưới một cơ quan gọi là M.O.I. ii (Main d’Oeuvre Indigène) chúng tôi gọi là MỌI.

linhtho
Lính thợ tại một xường vũ khí (ảnh Phạm Văn Nhẫn)

Đầu 1940 chúng tôi tới Marseille, nghỉ mấy ngày rồi đi làm nhà máy binh khí ở Toulon. Mấy tháng sau thì đình chiến, họ đưa chúng tôi về Sorgues (Vaucluse).

Để thu lợi, họ chia chúng tôi ra từng nhóm đưa đi làm thuê : nào chặt củi, đốt than, làm ruộng, hái rau quả, đắp đường, làm muối, v.v…

Không biết chủ trả cho MỌI bao nhiêu chứ tiền MỌI phát cho chúng tôi thì không đủ hút thuốc. MỌI chỉ cho chúng tôi ăn cho khỏi chết đói thôi.

Thời Pháp bị Đức chiếm, dân Pháp đã khổ mà chúng tôi lại còn khổ gấp nhiều lần !

Đầu 1941, họ đưa một détachement 30 người, trong đó có tôi, tới Rustrel (Vaucluse) chặt củi. Chủ cho chúng tôi ở chung trong một căn phòng lớn, trước để chứa đồ chứ không phải nhà ở. Tối tăm, ban ngày cũng phải đỏ đèn ; không có giường, phải trải nệm ra nền nhà nằm sát cạnh nhau ! Có vài phòng nhỏ khá hơn một chút thì dùng làm nhà bếp, nhà kho và phòng chef de détachement. Không có nhà tắm, nhà tiêu (may mà ở gần rừng).

Chặt củi khổ lắm : núi cao, lắm đá và dốc, cây thưa và thấp, phải làm hết sức và « lựa những thanh cong queo sắp vào giữa » mới đủ số stère quy định. Tuy vậy, chúng tôi cũng còn gặp được hai cái may : 1) không ai bị đau nặng chứ chúng tôi không có người lo về y tế ; 2) đến tháng 11 thì hết việc, được trở về Sorgues, không phải sống qua mùa đông ở Rustrel.

Về Sorgues nghỉ vài tuần để sắp đặt nhân số rồi họ đưa cả cơ đi làm muối ở Salin de Giraud (Bouches-du-Rhône). Hồi đó có ba cơ : 41, 50, 73 và nửa cơ 47, cả thảy có gần 700 người làm muối ở Salin.

Làm muối lại còn khổ hơn chặt củi ! Người mình thấp mà phải xúc muối đổ vào « goòng » (wagon) cao, mùa hè trời nắng chang chang, giầy, áo quần đều ẩm mùi muối. Nhà bếp đưa cơm trưa ra tại chỗ, ăn rồi phải làm việc ngay mới đủ số « goòng » quy định. Vì khổ quá, có người khai đau không đi làm. Nhưng khai đau mà bị phê C.N.M. (consultation non motivée / xin khám bệnh không có lí do) thì bị phạt nặng. Sau cùng, anh em thấy không còn gì để mất, bèn đánh liều làm reo.

Cuối 1942, họ đưa chúng tôi tới La Ferté-Imbault (Loir et Cher) làm nhà máy binh khí cho Đức. Hè 1943, nhà máy bị bom Đồng Minh đánh tan. May bom thả trúng mục tiêu và thả vào ban đêm, không có thợ trong nhà máy !

camargue
Lính thợ  cấy lúa ở Camargue (ảnh Vũ Ngọc Phan)

Cuối năm 1943, họ đưa chúng tôi về Saint Amand Montrond chia ra từng nhóm đưa đi làm thuê cho tư gia Pháp để họ thu tiền.

Sau ngày nước Pháp giải phóng, chúng tôi vẫn phải đi làm thuê nhưng đời sống khá hơn trước nhiều : chúng tôi bầu ra Ban đại diện để giao dịch với nhà chức trách Pháp ; tổ chức các lớp học ; đọc báo tiếng Pháp và tiếng Việt, đi biểu tình với Đảng Cộng sản Pháp và Nghiệp đoàn CGT v.v…

Cuối 1944, Việt kiều ở Pháp, gồm đủ thành phần, lần đầu tiên, tổ chức được đại hội ở Avignon, bầu ra Tổng Uỷ Ban Đại Diện (sau có người bị bắt).

Sau tháng tám 1945, hầu hết Việt kiều đều hướng về Tổ quốc, tuy có sự bất đồng về ý thức hệ.

Phong trào Việt kiều càng lên cao thì các vụ bắt bớ đàn áp cũng lên theo. Tôi kể một trường hợp, đúng hơn là một tấn bi kịch :

Cuối năm 1948, thời gian có nhiều người bị bắt, chúng tôi ở Montluçon, làm cho hãng Dunlop. Đêm khuya bị vây trại, một nhóm người Pháp mặc thường phục vào khám xét và bắt đi hai người, trong đó có anh B. V. N. iii là đại biểu cơ. Sau khi bắt, chúng tôi chỉ biết tin họ tuyệt thực để phản đối rồi mất tích, không biết họ bị đưa đi giam ở đâu.

Hơn 20 năm sau, có anh H. L. về thăm nhà rồi trở sang đây nói cho tôi biết : anh B. V. N. không nhớ năm nào, bằng cách nào, được tha hay trốn tù, mà về được đến quê nhà. Nhưng về đến nhà thì bị chính quyền địa phương kết tội theo Tây, bắt giam và chết trong tù.

Tôi gọi trường hợp anh B.V.N. là một tấn bi kịch, bởi :

1) Vì anh ta có bằng sơ học nên cuối 1939 bị Pháp bắt đi coi 24 lính thợ.

2) Vì có khả năng, được anh em tín nhiệm bầu làm Đại biểu nên bị Pháp bắt.

3) Vì bị chính quyền Việt Nam kết tội theo Tây bắt giam nên bỏ mạng trong tù.

Số lính thợ Việt Nam chết ở Pháp cũng nhiều lắm : chỉ kể 16 người có bằng sơ học cùng đi với chúng tôi đã có 2 người chết vào những năm 1943-1944.

Sau 1948, hều hết lính thợ đều trở về Việt Nam, chỉ ít người ở lại Pháp.

N. H. T.



i Chừng 25 000 người là tôi dựa vào câu trong bài văn tế lính thợ chết ở Pháp do nhà văn Lê Lục (thông ngôn lính thợ) sáng tác vào dịp tết năm 1945 : « …Hai vạn rưởi lênh đênh trên đất khách, dây liên đoàn hứa hẹn buổi vinh quang / Một ngàn hơn bất hạnh nẻo tha hương, nào kịp hưởng ít nhiều ơn vũ lộ ».

Chú thích bổ sung của Diễn Đàn : con số này phù hợp với thống kê chính thức : 7000 lính chiến và khoảng 20 000 lính thợ (xem Les travailleurs indochinois en France de 1939 à 1948 của Trần Nữ Liêm Khê)

ii Chú thích của Diễn Đàn : M.O.I. (Main d’ouvre indigène) là cơ quan thuộc Bộ thuộc địa quản lý các nhân công bản xứ (chỉ chung người dân các nước thuộc địa) chính quyền thực dân mang sang Pháp để phục vụ cho guồng máy chiến tranh. Cần phân biệt với tổ chức cũng gọi là M.O.I., hay đúng hơn FTP-MOI (Francs-Tireurs et Partisans / Main d’œuvre immigrée) là tổ chức của những người nước ngoài nhập cư ở Pháp tham gia các lực lượng du kích chống phát-xít. FTP-MOI do Missak Manouchian lãnh đạo. Sự hy sinh của Manouchian và các đồng chí đã được Louis Aragon ngợi ca troing bài thơ bất hủ L’Affiche Rouge (Tấm áp phích đỏ) được Léo Ferré phổ nhạc. 

iii Chú thích của Diễn Đàn : Biện Văn Nguyên, theo chúng tôi biết.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss