Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Lựa chọn tập thể - bài toán khó

Lựa chọn tập thể - bài toán khó

- Phạm Hải Vũ — published 23/06/2010 15:26, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18
Lá phiếu hay cơ chế thị trường ?

Lựa chọn tập thể - bài toán khó
cho bất kỳ cộng đồng nào


Phạm Hải Vũ



I. Hai con đường đi đến tối ưu


Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển kinh tế và hội nhập xít xao với thế giới. Đất nước đối mặt với nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng: đường xá, cầu cống, các khu đô thị mới, sân bay, cảng biển…Những câu hỏi lớn đặt ra cho tất cả những ai quan tâm là các cơ sở hạ tầng cần được làm với quy mô nào ? khi nào? và do ai đảm nhiệm ? Ở một góc độ khác những câu hỏi này có thể được đặt lại như sau: nên để ai là người ra quyết định ? làm thế nào để ra một quyết định tối ưu ? Và khi nào cần ra quyết định ? Đối với các công trình tầm cỡ quốc gia, chúng ta thường thấy Nhà nước đảm nhiệm các vai trò này. Lý do là vì chỉ Nhà nước mới có thể có một cái nhìn tổng quan về sự cần thiết của hạ tầng, cũng như có thể cân đối các lợi ích tư nhân trong dự án một cách công bằng nhất. Ngoài ra hầu như chỉ Nhà nước mới có thể vận động được những nguồn vốn lớn cho các dự án xã hội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần biết liệu quyết định của Nhà nước đã là tối ưu ? Bên cạnh đó, những câu hỏi tương tự có thể được đặt ra ở bất kỳ cấp độ cộng đồng nào. Một tỉnh muốn triển khai một dự án trồng rừng. Một xã muốn xây dựng một nhà văn hóa, trường học. Một khu tập thể muốn làm một hệ thống cống thoát nước. Nên để ai là người quyết định ? và làm sao biết được quyết định đó là tối ưu ? Các cộng đồng đều phải đối mặt với vấn đề lựa chọn tập thể khi muốn đưa ra một quyết định. Có thể coi đây là một điều tất yếu trên con đường phát triển của xã hội.

Nhân loại đã đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên từ rất lâu. Thế nhưng chỉ vào khoảng nửa sau của thế kỷ 20, các nhà kinh tế học mới có những công trình mang tính đột phá cho bài toán này. Ít nhất đã có 3 giải Nobel kinh tế được trao cho những người mà tên tuổi gắn liền với nghiên cứu lựa chọn tập thể: James Buchanan, Kenneth Arrow, Amartya Sen. Điều dường như nghịch lý là dưới những phương pháp tiếp cận khác nhau, các tác giả trên không hoàn toàn nhất trí thế nào là một lựa chọn tối ưu. Họ chỉ đồng ý với nhau rằng một quyết định tối ưu chỉ có thể đến từ hai phương pháp cơ bản, đó là lá phiếu và cơ chế thị trường (vote and market mechanism). Kenneth Arrow viết câu mở đầu lời giới thiệu luận văn tiến sỹ của ông nhan đề Social choice and Individual values1 như sau: « In a democracy there is essentially two methods by which social choices can be made: voting…and the market mechanism… », tạm dịch là « trong một thể chế dân chủ, chỉ có hai cách chủ yếu để xác định lựa chọn xã hội: bỏ phiếu biểu quyết….và cơ chế thị trường ». Luận văn của ông sau này trở thành nổi tiếng, góp phần đem lại cho ông giải Nobel kinh tế năm 1972.

Ví dụ minh họa sau đây giúp bạn đọc phân biệt một cách giản đơn hai cơ chế này. Giả sử một đất nước muốn xây dựng một sân bay tầm cỡ quốc tế. Vì sân bay là bộ mặt của quốc gia, nên Nhà nước sẽ hầu như chắc chắn là người cuối cùng quyết định dự án. Tuy nhiên Nhà nước vẫn phải áp dụng ít nhất là một trong hai phương pháp trên để đảm bảo rằng quyết định của mình có cơ sở. Phương pháp bỏ phiếu (vote) có nghĩa rằng Nhà nước sẽ đưa dự án ra thông qua tại quốc hội. Nếu đa số đại biểu quốc hội bỏ phiếu Thuận thì Nhà nước sẽ lựa chọn dự án. Cơ chế thị trường (market mechanism) có nghĩa là Nhà nước để Chính phủ thông qua dự án mà không nhất thiết cần lấy ý kiến của quốc hội. Chính phủ sẽ xem xét tính hiệu quả kinh tế của dự án và lựa chọn dự án có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Nói cách khác, phương pháp bỏ phiếu cho phép xã hội lựa chọn trên nền tảng dân chủ. Còn phương pháp cơ chế thị trường đưa quyền lựa chọn cho thị trường. Một khi thị trường đã tìm thấy tối ưu, về mặt lý thuyết không cần quan tâm đến ai sẽ là người ra quyết định nữa, vì bất cứ ai chọn tối ưu thị trường cũng sẽ đưa đết kết quả như nhau với xã hội.

Giữa hai phương pháp thường có một sự liên quan nhất định. Về mặt logic, quốc hội sẽ không bỏ phiếu cho một dự án hạ tầng bị lỗ kinh tế, cũng như chính phủ nhiều khi không thể quyết định dự án có lãi mà không thông qua quốc hội. Luật pháp nhiều quốc gia đều quy định những dự án nào chính phủ có thể duyệt thẳng, dự án nào có tầm ảnh hưởng lớn buộc phải thông qua quốc hội…vv…Tuy nhiên, sự phân biệt giữa hai phương pháp Bỏ phiếu và Cơ chế thị trường là cần thiết, bởi vì trong một số trường hợp giữa chúng có thể không có liên hệ gì. Ví dụ chính phủ có thể không phê duyệt một dự án có lãi về mặt kinh tế, nếu như dự án này ảnh hưởng đến các chính sách ngoại giao, quân sự mà mình theo đuổi. Chính phủ cũng có thể không ra quyết định chỉ vì không xác định được các ảnh hưởng môi trường của dự án trong lâu dài. Về phần mình, quốc hội hoàn toàn có thể bỏ phiếu thông qua một dự án lỗ kinh tế, với điều kiện nó giúp đỡ người nghèo, giảm bất công hay bất bình đẳng xã hội. Nói tóm lại, bỏ phiếu và cơ chế thị trường là hai con đường khác nhau để đi đến quyết định tối ưu. Chúng có thể giao nhau tại nhiều điểm, nhưng vẫn là hai con đường độc lập. Việc hiểu rõ hai con đường này là cần thiết để xã hội nhận thức đầy đủ lựa chọn của mình.


II. Phương pháp bỏ phiếu và những khiếm khuyết


Tìm đến nguyên tắc bỏ phiếu để lựa chọn quyết định, thực ra là một câu trả lời « xưa như Trái Đất » của nhân loại. Trong một xã hội lý tưởng, một quyết định tối ưu là một quyết định đạt được đồng thuận, có nghĩa là được 100% các thành viên của mình nhất trí. Trong lịch sử Việt nam cũng như lịch sử thế giới, việc lấy ý kiến của người dân để đi tìm đồng thuận trước những quyết định hệ trọng là những điều đã được ghi chép rất rõ ràng. Về mặt logic, Đồng thuận – consensus – là điều kiện cần và đủ để nói rằng quyết định cần cân nhắc là quyết định tốt nhất có thể. Khi đạt được đồng thuận, cộng đồng có thể yên tâm quyết định đưa ra là tối ưu, mà không cần xem xét các phương án lựa chọn khác. Trên thực tế, hiếm khi các vấn đề xã hội được 100% các thành viên của mình thông qua. Đặc biệt là khi có sự đối lập quyền lợi (trò chơi có tổng bằng 0), một quyết định được người này ủng hộ sẽ bị người kia phản đối vì bị thiệt hại quyền lợi. Một quyết định tối ưu do đó sẽ là một quy định được thông qua bởi đa số. Đa số thắng thiểu số được coi là nguyên tắc cơ bản để lựa chọn, và nhà nước được kỳ vọng là trọng tài để đảm bảo việc thi hành công bằng nguyên tắc đó. Tuy nhiên nó cũng chứa một số khiếm khuyết, đặc biệt khi phải xem xét tính tối ưu kinh tế của vấn đề.

Trước hết hay xem xét tiêu chí lựa chọn tối ưu thông qua nguyên tắc này. Nhà kinh tế học người Mỹ Duncan Black đã trình bày một mô hình bỏ phiếu tối ưu trong một bài báo năm 19482. Giả sử một cộng đồng đối mặt với lựa chọn một dự án kinh tế và cần xác định số tiền đầu tư để kêu gọi mỗi thành viên đóng góp. Giả thiết cộng đồng có 5 thành viên a, b, c, d, e với khả năng đóng góp tương ứng là 4, 7, 5, 10, 15. Theo Black, dự án tối ưu chính là dự án gần với khả năng đóng góp của thành viên trung bình nhất, bởi vì nó sẽ được ít nhất một nửa số thành viên ủng hộ. Điều này được chứng minh như sau.

Xếp 5 người này theo thứ tự khả năng đóng góp tăng dần, ta có thứ tự mới các thành viên: a, c, b, d,e.


Hình 1 : Theo D. Black, dự án tối ưu là dự án phù hợp với thành viên trung bình nhất

Thành viên b với mức đóng góp 7 là thành viên có đóng góp trung bình nên đứng giữa (median). Theo lập luận của Black, dự án với quy mô 7*5 = 35 là dự án tối ưu vì nó huy động mức đóng góp gần với thành viên trung bình nhất. Bất cứ dự án nào huy động ít hơn, hoặc nhiều hơn mức này đều sẽ không thể đạt được sự ủng hộ của một nửa số thành viên. Ví dụ nếu chọn dự án ở mức 50 (10*5), nghĩa vụ đóng góp của mỗi thành viên sẽ là 10. Dự án này sẽ được ủng hộ bởi 2 người có khả năng đóng góp 10 và 15. Dự án 35 (7*5) sẽ được ủng hộ bởi 3 người có thu nhập 7, 5 và 4 vì những người này sẽ chọn mức đóng góp gần với khả năng thật của mình hơn cả. Khi đem so sánh dự án 50 sẽ thua : 2 thua 3. Lập luận tương tự có thể được áp dụng lên các tình huống còn lại.

Trong bài toán tổng quan với một cộng đồng n thành viên có khả năng đóng góp khác nhau, ta xây dựng biểu đồ phân phối theo hàm số xác xuất. Giả thiết rằng các thành viên được phân bố với khả năng đóng góp tương ứng theo hàm phân phối chuẩn Laplace – Gausse. Kết luận của Black vẫn giữ nguyên. Cần phải chọn dự án nào chinh phục được người đứng giữa. Kết luận của ông sau này được phát triển thêm bởi nhà kinh tế học Anthony Down, và trở nên nổi tiếng với tên gọi định lý Black, còn gọi là định lý người bỏ phiếu ở giữa (median elector theorem).


Hình 2: định lý Black cho một tập thể n thành viên với phân phối chuẩn Laplace-Gausse.

Dự án A chinh phục thành viên ở giữa là dự án tối ưu. Một dự án B bất kỳ ở nằm về phía bên trái hoặc bên phải của A đều chỉ có thể chinh phục được ít hơn một nửa số thành viên. Trên hình vẽ, B chinh phục được các thành viên bên trái và các thành viên bên phải của mình tới tận đường CC’- C là trung điểm đoạn AB. Phần còn lại của cộng đồng (đa số) sẽ ủng hộ dự án A.


Định lý Black mở ra một con đường xây dựng dự án tối ưu theo mức trung bình của xã hội. Theo đó, dự án tối ưu là dự án phù hợp với số đông của tập thể nhất. Với tư duy toán học mạch lạc, Black đã trình bày lựa chọn tối ưu một cách rất thuyết phục.

Tuy nhiên như đã nói, phương pháp bỏ phiếu chứa những khiếm khuyết khi xét đến các ảnh hưởng kinh tế. Một trong số đó là việc nó chia cộng đồng thành hai phía, một phía được lợi nhờ dự án, một phía bị thiệt hại. Phía thiệt hại dù là thiểu số không hề được Black quan tâm đến. Họ có thể mất nhà cửa, mất việc làm …chỉ vì một quyết định ủng hộ đa số. Nhiều công trình khác nghiên cứu các hình thức đền bù đã được phát triển tiếp theo Black. Các công trình này vẫn lấy định lý Black làm nền tảng cơ sở lý luận.

Định lý Black còn chứa một khiếm khuyết chính vì nó đảm bảo tối ưu tập thể nhưng chưa chắc đã quyết định tối ưu kinh tế. Đây cũng là một nhược điểm lớn của phương pháp bỏ phiếu nói chung. Giả sử cộng đồng 5 người trong ví dụ trên muốn xây dựng một công trình với thời hạn sử dụng lâu dài: một cây cầu qua sông lấy ví dụ. Ở mức đầu tư 50, công trình sẽ có thời hạn sử dụng 50 năm và sẽ là tối ưu kinh tế. Với mức đầu tư 35, chỉ có thể sử dụng cây cầu được 30 năm. Sử dụng phương pháp bỏ phiếu, cộng đồng sẽ quyết định làm một cây cầu với thời hạn sử dụng 30 năm. 30 năm sau, cộng đồng sẽ phải làm một phép tính mới để làm lại cây cầu. Phương pháp của Black chỉ cho phép nhìn thấy tối ưu tại thời điểm 30 năm. Tuy vậy, nó coi đây là một vấn đề ngoài lề bởi 30 năm sau, vấn đề quyết định sẽ thuộc về một thế hệ khác. Các thông số ra quyết định sẽ thay đổi và tập thể cần ra quyết định cũng sẽ là những con người mới.

Theo những nhà nghiên cứu chính trị và kinh tế chính trị, nguyên tắc đa số thắng thiểu số thực ra là một nguyên tắc tồi để xác định lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, vì không tìm ra gì khá hơn nên nhân loại vẫn phải sử dụng nó, và coi đó là nền tảng cho lựa chọn tập thể.


III. Cơ chế thị trường


Không đảm bảo tối ưu kinh tế là một nhược điểm lớn của phương pháp bỏ phiếu. Các nhà kinh tế học buộc phải đi tìm một con đường khác để xác định tối ưu. Đóng góp to lớn nhất lại không đến từ họ, mà đến từ các kỹ sư của trường Cầu Đường Pháp. Bối cảnh ra đời của phương pháp như sau.

Vào cuối thế kỷ XIX, chính phủ Pháp rất muốn hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nước Pháp. Ích lợi (utility) công cộng của một công trình được xác định hoàn toàn chỉ qua ước tính, và qua ý kiến của các cơ quan quyền lực. Nếu cho rằng việc xây một công trình là cần thiết cho đất nước, chính phủ có thể ra một nghị quyết nói rằng công trình này là công trình lợi ích công, và yêu cầu thi hành nghị quyết trên bằng luật pháp. Trong những trường hợp khác, quốc hội cũng có thể bỏ phiếu thông qua việc xây dựng một công trình mà không có ước tính cụ thể lợi ích của việc xây dựng.

Một kỹ sư của trường Cầu đường, Jules Dupuit đã đặt những nghi vấn về cơ sở khoa học cho hình thức quyết định này. Vào năm 1844, Jules Dupuit viết trong một bài báo của mình đăng tại Biên khảo Trường Cầu đường «  những cuộc khảo sát, những điều luật, những bản thông báo chỉ thị của chính phủ ….không biến một con đường, một tuyến đường sắt, hay một con kênh thành có ích lợi, nếu như thật sự chúng không có ích lợi gì3 ». Dupuit muốn tính lợi ích một dự án thông qua các phương pháp kinh tế độc lập với quyết định của chính phủ, để xem công trình có thực có lợi cho xã hội hay không ? Phương pháp của Dupuit được phát triển sau này bởi nhiều nhà kinh tế khác và được ứng dụng rộng rãi trong ngành kinh tế học công cộng (public economics). Nó trở thành phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trong việc xác định hiệu quả kinh tế một công trình hạ tầng. Đó là phương pháp Phân tích chi phí - lợi ích cost-advantage analysis.

Ý tưởng của Dupuit được bổ sung và phát triển từ suốt hơn 150 năm qua. Nó được các nhà kinh tế học đúc kết lại thành nguyên tắc: một dự án tối ưu không đi ngược lại với cơ chế thị trường. Điều này có nghĩa là phải lựa chọn những dự án đem lại hiệu quả kinh tế. Phương pháp cơ chế thị trường bắt đầu bằng giả định rằng nếu người quyết định dự án tối đa hóa được hiệu quả kinh tế, xã hội phải ủng hộ anh ta vì sẽ được hưởng lợi từ công trình. Khi hiệu quả kinh tế là tối ưu, khi đưa ra biểu quyết dự án sẽ được chọn bởi đa số. Mặt khác, bài toán kinh tế cũng tìm cách gỡ bỏ gánh nặng trách nhiệm cho người ra quyết định. Nếu tìm thấy tối ưu kinh tế, việc chọn người ra quyết định chỉ còn là vấn đề hình thức, vì ảnh hưởng kinh tế của dự án lên xã hội sẽ không thay đổi.

Để có thể hiểu rõ hơn cách tiếp cận này, trước hết cần phải nhìn nhận công trình cơ sở hạ tầng như một loại hàng hóa – hàng hóa công cộng, và nhìn nhận xã hội như một doanh nghiệp khổng lồ. Nhà nước đóng vai trò ban quản trị, tìm cách huy động các nguồn tài nguyên và nguồn lực của mình để sản xuất hàng hóa cho chính mình. Xã hội được ngầm giả định là sẽ ủng hộ bất cứ dự án nào có tổng thu cao hơn tổng chi phí, bởi vì khoản lãi này đảm bảo hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (tăng tổng sản phẩm quốc nội GDP). Dự án có lãi sẽ đồng thời là dự án có ích. Ở đây không bàn đến việc tái phân phối thặng dư.

Để dự án có lãi, người ra quyết định dự án buộc phải áp dụng các nguyên tắc kinh doanh. Ông ta phải kiểm soát được các nguồn chi phí đồng thời tối đa doanh thu. Như một chủ doanh nghiệp tư nhân, ông ta phải xây dựng các phân tích kinh tế và tài chính một cách chính xác. Phải phân bổ nguồn vốn của mình hợp lý, cân đối được vốn tự có với các khoảng nợ ngắn & dài hạn huy động được. Ông ta phải huy động được các nguồn tư bản cố định và lưu động đúng thời hạn, kiểm soát được nguyên vật liệu và tồn kho, kiểm soát được công nghệ và chất lượng sản phẩm – công trình của mình. Ở những dự án lớn, người ra quyết định lý tưởng còn phải tính đến một số rủi ro khác như biến động thị trường, hay biến động tỷ giá hối đoái (đặc biệt trong trường hợp vay nợ nước ngoài). Các công trình cơ sở hạ tầng còn có một đặc tính đặc biệt khác là yêu cầu một chi phí duy trì và bảo dưỡng thường xuyên. Chi phí này có thể coi tương tự như chi phí bảo hành – chi phí sau bán hàng với những hàng hóa tư nhân thông thường.

Tất cả các điểm trên đều được xây dựng trong giả thiết rằng xã hội chính là một doanh nghiệp khổng lồ, nơi mà người đệ trình dự án chỉ lập các mô hình tình toán với tư cách là « giám đốc tạm thời » của nó. Đây cũng là một điểm khó khăn nhất cho bài toán kinh tế lựa chọn xã hội, bởi vì người ta dễ nhầm nó với việc hạch toán tư nhân. Công ty thực hiện dự án nhiều khi chỉ tính lỗ lãi trên cơ sở thu chi của doanh nghiệp mình, mà quên các chi phí khác vô hình đối với doanh nghiệp nhưng xã hội phải gánh chịu.

Trong vai trò « giám đốc tạm thời » của doanh nghiệp xã hội, mục đích của phép tính chi phí - lợi ích là để xem xã hội được hưởng lợi gì, và bị thiệt hại gì từ dự án, mà không phải là xem liệu đơn vị thực hiện dự án sẽ hạch toán có lãi hay không. Nếu đơn vị thực hiện dự án có lãi trong khi xã hội bị thiệt hại, dự án không có hiệu quả kinh tế. Ngược lại, nếu đơn vị thực hiện dự án chịu lỗ (ví dụ nhà nước thực hiện các công trình lớn sẽ bị thâm hụt ngân sách) nhưng xã hội được lợi, thì dự án vẫn có hiệu quả kinh tế. Lúc này sẽ xem xét tiếp đến tính khả thi tài chính – kỹ thuật của dự án. Liệu có thể tìm đủ đội ngũ kỹ sư đảm bảo thi công, làm thế nào để huy động đủ nguồn vốn cần thiết, làm thế nào để đảm bảo an toàn công trình khi đưa vào hoạt động …

Về mặt nội dung, phân tích chi phí lợi ích chia thời gian sử dụng một công trình thành nhiều quãng thời gian nhỏ. Nó tính lãi ròng – chênh lệch giữa tổng thu và tổng chi – trên mỗi quãng thời gian này. Sau đó nó tính tổng lãi ròng trên tất cả các quãng thời gian, đem trừ đi tổng chi phí mà nhà nước phải bỏ ra đầu tư ban đầu. Con số cuối cùng chính là thặng dư sản sinh ra từ dự án. Nếu con số này dương thì có nghĩa là dự án sinh lãi và có hiệu quả kinh tế, cần được triển khai. Cơ chế thị trường sẽ không cho phép làm các dự án có hiệu quả kinh tế âm, bởi vì như thế có nghĩa là công trình sẽ không có ích lợi kinh tế cho xã hội. Một cách logic, nếu công trình không có ích lợi thì sẽ không nên chọn để làm nó. Bạn đọc quan tâm cụ thể hơn xin xem các sách giáo khoa về Public Economics.

Tóm lại, cơ chế thị trường và lựa chọn thông qua bỏ phiếu là hai hình thức quyết định đã được khoa học kinh tế chứng minh là tốt nhất. Mỗi người trong chúng đều có chứa những ưu điểm và khiếm khuyết, do đó việc sử dụng kết hợp hai phương pháp này là điều mà các quốc gia phát triển trên thế giới đều áp dụng.


IV. Kết luận


Bài viết này xin được kết thúc bằng việc trình bày ngắn gọn lại hai phương pháp xác định lựa chọn xã hội: bỏ phiếu và cơ chế thị trường. Việc kết hợp cân đối giữa bỏ phiếu và cơ chế thị trường là cần thiết đối với bất cứ một dự án lớn nào có ảnh hưởng đến cộng đồng. Nếu không quyết định đưa ra sẽ là một lựa chọn thiếu cơ sở. Nếu chỉ nghiêng về hiệu quả kinh tế, quyết định sẽ có thể gây nên một làn sóng bất bình trong xã hội. Ví dụ như một dự án có hiệu quả kinh tế cao đôi khi có ảnh hưởng xấu tới công bằng xã hội, vì nguyên tắc cơ chế thị trường chỉ quan tâm tới việc tạo ích lợi cho các tác nhân kinh tế một cách tổng thể, mà không xem xét việc phân phối nguồn thặng dư tạo ra. Nếu quá nghiêng về bỏ phiếu, quyết định có thể không có hiệu quả kinh tế, dẫn đến một số biến dạng. Lý do là vì những người liên quan sẽ tìm các con đường tắt để đảm bảo lợi ích kinh tế cá nhân. Hậu quả là nhà nước sẽ có thể quyết định một đằng, xã hội làm một nẻo.

Tuy rằng đây là hai phương pháp cơ bản, cần không được quên rằng đi tìm đồng thuận mới chính là đi đến gốc rễ của vấn đề. Bởi vì đi tìm đồng thuận là đi tìm tiếng nói chung. Còn biểu quyết bằng lá phiếu là đi tìm một sự đồng thuận hình thức bằng con số áp đảo. Lựa chọn xã hội trên lá phiếu và trên cơ chế thị trường, nhưng luôn hướng đến cái đích đồng thuận của tất cả thành viên trong cộng đồng chính là mô hình phát triển của các quốc gia phát triển ngày hôm nay.

Phạm Hải Vũ

14/06/2010


Tài liệu tham chiếu

1 Arrow K. (1951): Social choice and individual values. New York, Wiley & Sons, Inc

2 Black, D. (1948) “On the Rationale of Group Decision-making” Journal of Political Economy, Vol. 56, pp 23-

3 Nguyên văn : « des enquêtes…, des lois, des ordonnances ne feront pas qu’une route, un chemin de fer, un canal, soient utiles s’ils ne le sont pas réellement » J. DUPUIT, « De la mesure de l'utilité des travaux publics », in Annales des ponts et chaussées, 1844

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
Trung Tâm Đổi Mới Sáng Tạo: Webminars 22/02/2025 - 22/03/2025 — via ZOOM
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Ici Vietnam Festival: La Place - Paris 29/03/2025 19:30 - 02:00 — La Place - 10 Pass. de la Canopée, 75001 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us