Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Một nụ cười mỉm....

Một nụ cười mỉm....

- Châu Diên — published 04/10/2006 18:24, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Châu Diên viết về Nguyễn Xuân Khánh, người và văn



Một nụ cười mỉm và một nghiệp văn xuôi

NGUYỄN XUÂN KHÁNH



Châu Diên


– 1 –

Nguyễn Xuân Khánh người Hà Nội, gốc ở làng Cổ Nhuế nằm ở vùng Nam Thăng Long bây giờ. Khánh chào đời năm 1933, tuổi Dậu, tuổi bị thầy Tử Vi áp cho là “hình ngục nan đào”. Hỏi lại “hình ngục” theo nghĩa bóng hay nghĩa đen, các thầy sẽ phán loanh quanh “người này không bị tù ngồi, thì đời cũng gặp rặt chuyện rắc rối…” Và thầy Tử Vi cẩn thận bao vây Khánh bằng một loạt “hình ngục”, vợ con kìm chân, đàn bà đẹp ràng buộc, nghề nghiệp trói buộc.

Đến đây thì có câu hỏi: vậy nghề nghiệp gì? Nguyễn Xuân Khánh từng có những tiềm năng nghề như sau: đỗ tú tài Toán xong, anh học Y khoa ở Hà Nội, chắc là muốn theo nghiệp chữa bệnh cứu người. Sau rồi anh lại đi bộ đội, chắc là định theo nghiệp đánh giặc cứu dân. Nhưng rồi khi Hoà bình lập lại năm 1954, anh lại thành giáo viên văn hoá ở bộ đội, chắc là định theo nghề mở mang dân trí. Nhưng sau đó anh về làm biên tập tại báo Văn nghệ quân đội và bắt đầu viết truyện. Thời kỳ này, truyện ngắn Một đêm của Nguyễn Xuân Khánh được giải thưởng. Đó là chuyện về một anh lính trẻ đi bộ suốt đêm để về trả phép đúng hẹn, và suốt đêm ấy anh đẩy giúp chuyến xe của một người đàn bà, tên người đàn bà đáng yêu trong chuyện trùng với tên người chị họ của tác giả. Tiếp đó, Khánh ra mắt tập truyện ngắn Rừng sâu(1), câu chuyện mang tên cuả tập sách nói về một anh bộ đội coi một kho hàng trong rừng sâu, hết chiến tranh thì người ta quên mất cái kho đó, nhưng anh vẫn ở lại rừng sâu coi kho…

Viết truyện ngắn như thế thì có gì là “hình ngục” nhỉ? Nhưng sau đó là một thời kỳ ở nước ta hình như có quy định là những ai “có vấn đề tư tưởng” thì không được làm công tác tư tưởng trong quân đội. Chắc là vì tư tưởng “có vấn đề” nên Khánh được giải ngũ về làm báo Thiếu niên tiền phong. Chiến tranh lan khắp cả nước, Khánh không được gọi tái ngũ. Nhưng đoạn đường đời làm báo thiếu niên cũng là những năm tháng anh lặng lẽ có mặt ở những nơi chiến tranh dữ dội, nhất là ở tuyến lửa khu Bốn. Anh tự tìm thấy cái ràng buộc không phải là “hình ngục”. Nhưng rồi sau đó, anh cũng không được đi đâu nữa, chắc bây giờ là “hình ngục nan đào” thật, Khánh chỉ được loanh quanh ở nhà, phải về hưu non, được làm thợ may, được nuôi lợn. Đoạn đời nghề nghiệp này chẳng biết có chứng minh cho Tử Vi và tuổi Dậu? Chỉ thấy điều này nổi lên rõ rệt: làm thợ may cũng chỉ qua ngày, nuôi lợn cũng chỉ dăm ba lứa, nhưng nghiệp viết văn thì dai dẳng, Nguyễn Xuân Khánh viết đều đặn, không bao giờ nghỉ.

Trong những năm nuôi lợn, hẳn là Nguyễn Xuân Khánh vẫn thầm nghĩ mình là nhà văn. Nếu không, ta sẽ không bao giờ được đọc tiểu thuyết Trư cuồng(2) – cuốn sách kể chuyện về cái chứng điên của người khi quá gần gụi với lợn. Cũng thời gian này, song song với Trư cuồng, Khánh còn viết Suối đen: cái cống trước cửa nhà anh ở xóm Thanh Nhàn chảy từ nhà máy rượu Hà Nội ra sông Lừ đã thành một con suối. Bên con suối đó là những thân phận anh bắt gặp hàng ngày và cảm thương họ. Có điều là, dẫu có sống bên dòng suối đấy, song họ cũng chỉ có thể là những con người của một dòng suối đen. Tiếc rằng, bản thảo này bị mất, và mất biệt tích. Thời đó thế giới thì có cả rồi, nhưng ở nước ta thì chưa có photocopy!

May mà bản thảo này mất thì còn bản thảo khác. Cũng trong những năm gian nan đó anh viết xong tiểu thuyết Miền hoang tưởng, rồi vào năm 1990 ngỡ là đất nước đã đổi mới, Nguyễn Xuân Khánh cho công bố bản thảo đó(3). Dẫu sao, Nguyễn Xuân Khánh vẫn cẩn thận đứng một tên khác: Đào Nguyễn, một họ mẹ một họ cha ghép lại để ký vào tác phẩm này. Vì hồi đó có cái luật có lẽ đã thành văn nhưng lại luôn luôn bất thành văn cấm Nguyễn Xuân Khánh in sách. Đó cũng chính là thời kỳ mà một người bạn cùng tuổi Dậu như Nguyễn Xuân Khánh, anh Bùi Ngọc Tấn, đêm ngày thai nghén trong lao động vinh quang cuốn Chuyện kể năm 2000 mà chúng ta đều biết. Sau khi sách ra đời, đã có những tiếng nói có trọng lượng đòi đưa tác giả Miền hoang tưởng ra toà, nhưng một sự may mắn bất thành văn nào đó đã cứu Nguyễn Xuân Khánh. Tử Vi vừa đúng vừa sai là thế!

Ta có nên gộp đoạn đời đó của Nguyễn Xuân Khánh vào chung một mục “suối đen” hay không nhỉ? Gộp hay không gộp, thì cũng chính trong thời “suối đen” định mệnh đó Nguyễn Xuân Khánh đã viết nên vở kịch về Hồ Quý Ly. Bạn anh khuyên nên chuyển thành tiểu thuyết để có đông công chúng hơn. Lầm lũi hai mươi năm sau, Hồ Quý Ly(4) ra đời, tám trăm trang sách đầy đặn nhận một lúc hai giải thưởng của hai Hội Nhà văn trung ương và Hà Nội. Sáu năm sau cuốn tiểu thuyết về nhà cải cách trong lịch sử kia, Nguyễn Xuân Khánh cho ra mắt bạn đọc Mẫu thượng ngàn(5) vừa mới phát hành thì một tháng sau đã phải nối bản luôn.

Đó là những tác phẩm thuộc loại để đời của Nguyễn Xuân Khánh. Còn thì, với nhà văn nào cũng vậy, bao giờ cũng có những công trình đệm. Với Nguyễn Xuân Khánh, đó là những sách dịch thuê, cả những sách viết vội khác nữa chứ, tổng cộng hơn mười đầu sách, những sách nếu cậu không dịch hoặc “khảo cứu” thì có người khác dịch hoặc khảo cứu thay, những việc làm mà khi bạn bè có nhắc đến thì Khánh đều cười trừ. Vả chăng, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Trư cuồng, Miền hoang tưởng đã át mất vía của những công trình làm viền, nên cũng khó có ai còn muốn tỉ mẩn tìm sâu vào những công việc làm đệm ấy. Đó cũng là chuyện xảy ra với tất cả các nhà văn xưa nay, không riêng với một ngoại lệ nào, dù là được ưu ái.

Trường hợp viết văn của Nguyễn Xuân Khánh trong thời điểm hiện tại của đất nước giục ta thử đi sâu thêm để có một cách nhìn và một tầm nhìn khác về nghề viết văn, để từ một cái nghiệp riêng mà phần nào thấy được bối cảnh chung, liệu có đáng chăng?

– 2 –

Thật lạ kỳ, khi ngẫm nghĩ về công việc viết văn của Nguyễn Xuân Khánh, chọn các từ khác nhau ra để so sánh, một công việc tiến hành trong không ít ngày, và rồi bao giờ cũng chỉ có thể dừng lại ở một chọn lựa, đó là từ hồn nhiên.

Gì thì gì, chắc hẳn một con người làm bao nhiêu nghề cuối cùng cũng chỉ để làm một việc viết văn xuôi; vất vả bao nhiêu mà vẫn không bao giờ ngừng ngòi bút văn xuôi; từ những cảm hứng buổi thiếu niên được chui vào ổ rơm nằm chung với các cô du kích xinh đẹp cho tới những ngày anh đàn ông ấy một mình dắt xe đạp đi lững thững dưới trăng dọc tuyến lửa khu Tư… người ấy Nguyễn Xuân Khánh ấy luôn luôn là con người của sự hồn nhiên. Hồn nhiên nhìn thấy xung quanh mình, đâu đâu cũng tiềm tàng những con người thú vị một lúc nào đó chắc là sẽ phải có một chỗ đứng trên trang viết. Chính cái sự hồn nhiên này đã khiến cho nghiệp văn xuôi Nguyễn Xuân Khánh đối với anh không còn nặng nề nữa. Đụng vào đâu cũng thấy một đề tài cho mình xử lý. Chạm vào ai cũng thấy đó là nhân vật cho mình gửi gắm một thứ gì đó tự nhiên nó phải được gửi vào.

Điều đó thấy khá rõ, và có thể tìm thấy cái chất hồn nhiên đó trước hết ở tiểu thuyết Trư cuồng.

Theo như tên tiểu thuyết, “trư” là “lợn”, còn “cuồng” là “điên”. Nghĩa của “trư cuồng” có thể hiểu như là một chứng điên của con người xoay quanh chuyện con lợn. “Trư cuồng” ra đời sau khi Nguyễn Xuân Khánh đã in tập truyện ngắn Rừng sâu đầy những người tốt việc tốt. Tiếp theo tập truyện ngắn này là một giai đoạn Khánh cũng như nhiều nhà văn già và trẻ khác đều cùng lúng túng. Lúng túng vì những băn khoăn tìm đường của cá nhân trong một đất nước cũng đầy lúng túng. Đất nước hoà bình mà mùi khói súng vẫn lởn vởn và sau đó thì súng nổ thật lâu. Cải cách ruộng đất đã xong và lại đang sửa sai. Vụ “Nhân văn-Giai phẩm” vừa khép lại với đầy thắc mắc nhưng chẳng mấy ai dám nói. Cuộc sống mới như nó phải trôi đi thuận chiều, song ai ai cũng thấy nó đầy những điều khó hiểu. Người viết văn gặp một khó khăn kép: vừa phải sống cuộc sống đó như mọi người, lại vừa phải diễn đạt cuộc sống ấy, chưa hết, lại còn phải diễn đạt nó theo những lời dạy dỗ – có khi là răn và dạy – cả về phương hướng lẫn cách thức viết văn. Nhiều người viết văn đã “thành công” nghĩa là có tác phẩm đem in, và được ngợi khen trên báo chí chính thống. Nhiều tác phẩm còn nghiễm nhiên đi vào chương trình giảng Văn ở chốn học đường, mà kết quả sau ba bốn chục năm là cái hồn văn và cái tài văn của các cô cậu tú tài như ta vẫn đang chứng kiến!

Trong bối cảnh đó, một Nguyễn Xuân Khánh hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Làng nghèo của mình. Khi ấy, một người bạn được Khánh cho đọc bản thảo đã đề nghị anh đổi tên tiểu thuyết thành Cái mặt nạ trôi sông. Vì tiểu thuyết của anh đụng chạm đến những cái chết trong chiến tranh – song hiện ra rõ nét ở một anh đồn trưởng trẻ tuổi nguỵ quân thích âu sầu và thích đọc sách – anh ta đã chết, và xác anh trôi trên sông, chẳng ai nhận ra nổi cái khuôn mặt đó khi còn sống là của con người nào. Nhưng Khánh vẫn giữ tên tiểu thuyết như anh đã chọn, Làng nghèo. Ấy thế mà tiểu thuyết đó cũng không được ra đời! Đó vẫn đang còn là thời của những tiểu thuyết đúng, chứ chưa đến thời của những tiểu thuyết hay. Những người lính gác nhà xuất bản khi đó vẫn chưa quen với việc trong tiểu thuyết phải có những thân phận cá nhân. Càng chưa thể là những thân phận cá nhân của những “con người mới” chính thống. Dĩ nhiên, càng không thể là những thân phận cá nhân theo sở trường và vụt ra từ tiềm thức của một cá nhân tác giả.

Giá như hồi ấy Làng nghèo có chỗ ngồi trên giá sách công cộng, thì khó có thể có Nguyễn Xuân Khánh nửa thế kỷ sau như ta bắt gặp hôm nay. May cho anh, cả một cái làng nghèo thì quá nặng trên một cái kệ sách. Giá ví thử nó nhẹ chỉ bằng một cái sân thôi, hoặc nó vu vơ tung tăng như một cái tầm nhìn thôi, thì những người canh gác nhà xuất bản cũng dễ bút phê cho Khánh tiếp tục nghiệp văn theo hướng ấy. Song, may cho anh, Làng nghèo của anh đã được từ chối, rồi anh được giải ngũ, và anh được trở về làng Thanh Nhàn sống với cái lõi hồn nhiên như cái tên làng ấy dạy cho. Khánh hồn nhiên nuôi lợn, và Khánh hồn nhiên quan sát những thân phận người anh đụng chạm hàng ngày. Cả chuyện Khánh bị Công an gọi “làm việc” hồi đó cũng được ghi lại gần nguyên văn trong Trư cuồng. Chuyện của những người bạn và hàng xóm sống bằng “nghề” bán máu cũng được ghi lại với một sự xót xa ra vẻ dửng dưng. Mấy chục năm sau, khi đưa in trên talawas, tác giả có thêm ở bìa phụ nào lời của Lão Tử, nào lời của Pascal, nào lời của Descartes, người viết bài này xin nói: bạn đọc đừng tin vào những thêm thắt mới mẻ đó. Nguyễn Xuân Khánh hồn nhiên hơn thế nhiều lắm! Song chính cái hồn nhiên sẽ ghi chép được nhiều sử liệu hơn. Cũng giống như trẻ con ít nói dối hơn.

Nhưng trẻ con, cũng như người viết văn trẻ, cần vượt qua chặng đưòng con nít của mình, để cái hồn nhiên ban đầu trở thành cái hồn nhiên có sức mạnh riêng, khi đó tài năng mới đáng tin cậy. Cái gì đo sức mạnh riêng của trẻ con cũng như người viết văn trẻ? Đó là năng lực vượt khỏi được những áp đặt vô hình và hữu hình của “người lớn”, các loại người lớn. Tức là của các thiết chế xã hội.

Đó chính là trường hợp của cuốn tiểu thuyết khác Nguyễn Xuân Khánh viết cũng trong thời gian hình ngục nan đào này, Miền hoang tưởng.

Những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, Nguyễn Xuân Khánh có nhiều bạn bè trẻ tuổi lao vào hoạt động âm nhạc, làm thơ, vẽ tranh, nặn tượng, viết kịch hoặc đạo diễn kịch… Thật thảm hại việc một nhà văn thành danh vào đầu những năm 90 thế kỷ trước đã viết báo đòi đưa Nguyễn Xuân Khánh ra trị tội chỉ vì dám viết Miền hoang tưởng. Thực ra, cuốn tiểu thuyết đó nói chuyện gì? Nó nói về những đam mê và trắc trở của những đời nghệ sĩ như Khánh nhận xét thấy ở các bạn nghệ sĩ trẻ vẫn đến thăm anh ở căn nhà dột trong làng Thanh Nhàn. Khánh ghi nhận ở họ cái khí chất điên điên khùng khùng mà rất dễ thương của người sáng tác nghệ thuật. Chỉ một việc họ đói hơn Khánh, nhưng hễ có tiền thì họ mua đồ vẽ, cũng đủ để chứng minh cái chất điên điên đó. Một nhạc sĩ trẻ vốn là giáo viên bị kỷ luật phải đi xây trường học; làm xong ngôi trường tuyệt đẹp bên bờ suối, anh đạp xe về Hà Nội mua một cái trống lên, vì theo anh nhà trường không thể dùng kẻng, vì theo anh Cái Đẹp học đường không dung thứ cái kẻng. Bọn người như thế chỉ có thể tồn tại như một con người, như một nghệ sĩ, một khi họ còn có được cái bình thường không bình thường đó trong máu. Tội nghiệp cho những người dễ sợ ma thường chỉ nhìn thấy ở các nghệ sĩ đó tính chống đối, tính nổi loạn. Những người sợ ma không sao hiểu nổi các nghệ sĩ trẻ đó nổi loạn chống lại cái gì. Họ chống lại chính họ. Họ hồn nhiên chống lại sự trì trệ phản động trong chính họ. Suy tư của Nguyễn Xuân Khánh về nghệ sĩ và nghệ thuật được gói lại trong một hình ảnh Trương Chi. Cái nghiệp của nghệ thuật nằm trong một anh Trương Chi trong một miền hoang tưởng, và thế là đủ.

Ngưyễn Xuân Khánh khi ấy đã tìm đến đúng cái miền hoang tưởng trong tâm lý những nghệ sĩ “nổi loạn” đương đại. Dĩ nhiên, khi đất nước có chiến tranh, thì sự phân tích đến độ sợi tóc chẻ tư đó là chưa thích hợp. Vì vậy, một Nguyễn Xuân Khánh dù có hồn nhiên cũng biết cất bản thảo cho kỹ, đợi đúng dịp mới đưa ra công khai. Nhưng đến tận đầu những năm 1990 rồi, bước vào thời Đổi Mới viết hoa rồi, tuy xã tắc bao lâu lao đao lận đận đến độ “đôi chân ngựa đá hình như cũng vẫn lấm bùn”, song những vất vả đến mấy thì cũng đang lui vào kỷ niệm rồi, khi đó sự tinh tế vốn biết thân đã tự rút lui đi cần được vươn ra sống lại, thì mới hợp lý. Miền hoang tưởng giống với Trư cuồng ở một điểm này: sự phân tích tinh tế cuộc sống của nhân vật. Trư cuồng khác với Miền hoang tưởng chỉ ở một điểm này: Trư cuồng mang nhiều tính ghi chép như bút ký, trong khi Miền hoang tưởng đã thực thụ thành tiểu thuyết.

Song trong cả hai tác phẩm đó, mối bận tâm của người viết văn xuôi Nguyễn Xuân Khánh vẫn là sự tinh tế của bối cảnh, của tình tiết và tâm lý nhân vật. Khánh có ý thức đổi mới nền văn xuôi không ở những thứ “phá phách” lặt vặt bề ngoài. Trước sau như một văn xuôi Nguyễn Xuân Khánh vẫn mang phong thái cổ điển. Và tính tinh tế là đặc điểm nổi trội nhất của nghệ thuật cổ điển. Khi sự tinh tế hết đất sống, khi đó cũng là sự cáo chung của cuộc sống. Đừng nghĩ cuộc sống hiện đại là “máy móc”, là “công nghệ”, mà cuộc đời hiện đại chính là sự tinh tế. Cuộc sống trên con tầu vũ trụ tinh tế gấp triệu triệu lần cuộc sống đã làm ra được triệu triệu câu ca dao óng ả. Khi cuộc sống thiếu đi sự tinh tế – đặc biệt khi sự tinh tế vắng bóng ở hai cái nôi là nhà trường và gia đình – khi đó đừng hy vọng có công nghiệp hoá và có hiện đại hoá. Ta thậm chí còn có thể hoàn toàn tin rằng sự tinh tế sẽ đẩy lui được cả nạn tham nhũng – vì sự tinh tế khiến con người biết thẹn, và nếu có để quên cái thẹn nhiều lần (trên máy bay chẳng hạn), thì đến lúc nào đó sự tinh tế cũng giúp nhận ra cái ô nhục của sự không biết thẹn. Bọn tham nhũng là sản phẩm của một nền văn hoá chỉ to mồm nhưng hoàn toàn không tinh tế. Nếu ai đó cùng đọc lại Miền hoang tưởng với cái đầu tinh tế hơn, thì cũng có hy vọng trong lần tái bản, tên thật của tác giả sẽ được phục hồi cả trên bìa một lẫn trong bìa phụ.

Dẫu sao đó là những chuyện của hoàn cảnh khách quan. Chuyện chủ quan của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là sự hồn nhiên mang cái nghiệp vào thân. Không nhìn thấy đặc điểm này, thì khó hiểu vì sao suốt hai ba chục năm ấy, Nguyễn Xuân Khánh vừa có Trư cuồng Miền hoang tưởng và cũng lại có công nuôi nấng hai hình hài sẽ ra đời đầu thế kỷ sau.

– 3 –

Bây giờ là lúc ta sẽ thử cùng phân tích Hồ Quý Ly và đứa em sinh đôi của nó là Mẫu Thượng ngàn.

Cặp song sinh này ra đời cách nhau sáu năm, đứa sinh năm 2000, đứa sinh năm 2006. Ra đời cách nhau sáu năm, thế mà vẫn gọi được đó là song sinh, vì sao? Vì cặp trứng ấy đã rụng để rồi đón gặp được con mầm vào cùng một lúc. Xã hội xưa nay quen nhìn tác phẩm khi đã chào đời. Xã hội chưa quen nhìn tác phẩm trong tính chất phát sinh của nó hoặc chúng nó. Chỉ nhìn tác phẩm khi đã ra đời có thể khó phân biệt của thật với của giả, đổi mới thật với đổi mới nhăng cuội, trẻ trung thật với trẻ trung vờ vĩnh. Nhưng nếu nhìn kỹ được vào sự phát sinh, thì tình hình sẽ khác.

Hồ Quý Ly Mẫu Thượng ngàn đã phát sinh trong tâm lý người viết văn mang tên riêng Nguyễn Xuân Khánh như thế nào?

Hai tác phẩm văn xuôi vừa nhắc tới được phát sinh trong một tâm lý của người viết khi anh ta hoàn toàn từ chối lối viết văn minh hoạ, tuyên truyền, dù là minh hoạ thông minh và tuyên truyền tài hoa chăng nữa.

Và từ chối không tuyên truyền, không minh hoạ, chẳng phải chỉ để viết tiểu thuyết lịch sử như nhiều người đã nhìn nhận – và bây giờ vẫn tiếp tục nhìn nhận – từ khi Hồ Quý Ly mới ra đời. Đó là cuốn tiểu thuyết tâm lý với những tình tiết giả như lịch sử. Đó không phải là tiểu thuyết lịch sử. Đó là chuyện về con người thông qua một con người để nói về những ước vọng, thậm chí tham vọng của con người. Ước vọng hoặc tham vọng của con người ấy có cái xấu có cái tốt, chúng hình thành trong tốt và xấu, chúng thui chột trong sự xấu và sự tốt, chúng giết chết cả cái tốt lẫn cái xấu.

Nếu cần thì ta thử so sánh Hồ Quý Ly với vài ba tiểu thuyết lịch sử khác. Tiểu thuyết lịch sử như của Nguyễn Triệu Luật, chẳng hạn như Bà Chúa Chè, là cách viết của một học giả, là ý muốn đính chính một sự kiện, rằng cô gái làng Lim có công với lịch sử triều chính của dân tộc. Ông giáo Luật viết Bà Chúa Chè khi đảng cách mạng của ông thất bại trong cuộc đấu tranh chống người Pháp cai trị để giành lại độc lập cho dân tộc. Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật là một nỗ lực mang tính chất “dân tuý” của nhà dân tuý chủ nghĩa lúc chờ đợi một thời cơ cứu nước khác. Xét về tâm lý sáng tác, bản thân con người Nguyễn Triệu Luật xứng đáng trở thành một nhân vật tiểu thuyết trong tay một nhà văn khác, hơn là một tác giả tiểu thuyết. Sách của ông là sách mang tính khảo cứu nhiều hơn là mang tính tiểu thuyết.

Dẫu sao, tính chất khảo cứu của Nguyễn Triệu Luật vẫn còn để lại nhiều đóng góp hơn là Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng sau này. Đóng góp của Nguyễn Triệu Luật là đã nhấn mạnh vào tính chất dân dã của một bà vương phi nhiều quyền lực. Còn câu chuyện về cậu bé Trần Quốc Toản của nhà giáo Nguyễn Huy Tưởng thì mờ nhạt: nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một ca đau lòng của một nạn nhân tự nguyện cho công cuộc tuyên truyền bằng “nghệ thuật”. Tiểu thuyết Lá cờ thêu sáu chữ vàng không đem lại gì hơn cho người đọc ngoài những điều người ta đã biết.

Thế nhưng, ở một tác giả đi sau – thực ra giữa thế hệ Nguyễn Xuân Khánh và thế hệ Nguyễn Huy Tưởng cũng chẳng xa cách nhau bao nhiêu – với Hồ Quý Ly, người đọc được đi vào thế giới nội tâm của các tầng lớp cai trị xã hội, tầng lớp cầm cương cỗ xe do nhân dân nai lưng ra kéo. Trong tiểu thuyết này, bạn đọc chúng ta bắt gặp nhiều điều được tác giả nói hộ mình và phần nào lý giải hộ những ẩn ức của mình. Chúng ta đặc biệt được thấy trong triều đình nhà Trần, nhà Hồ, những con người sống với nhau trong không khí đầy những nghi kỵ và ganh ghét, đầy những âm mưu và thủ đoạn. Ấy thế nhưng họ vẫn có nổi một sức mạnh của giới thống trị, cái sức mạnh khiến cả dân tộc phải cúi đầu vâng lệnh họ mà làm ra những việc lớn, đó là vì cớ gì vậy? Chúng ta bắt gặp ở đây những lũ người ăn hại, gọi là “trí thức” nhưng thực ra chỉ là bọn “mặt trắng” vô tích sự, nhưng bọn này vẫn ngoi được vào vị trí cầm roi xua cho cỗ xe phóng có vẻ như nhanh thêm, đó là vì cớ gì vậy?

Ta hoàn toàn có thể tin rằng trong một tương lai thật gần, thế hệ trẻ sẽ thích nghiên cứu Lịch sử hơn, vì chúng đựoc tự do xem xét Lịch sử hơn, và chỉ có trong sự tự do xem xét Lịch sử đó thì thiếu niên và thanh niên mới hết rơi vào đại hoạ nhận điểm Zêrô khi đi thi môn Lịch sử. Và khi đó Hồ Quý Ly sẽ là một bộ sách quy chiếu chiếm tần suất cao, ít ra là hơn sách “lịch sử” của Nguyễn Triệu Luật và Nguyễn Huy Tưởng, vì tính chất gợi ý rất cao như tiểu thuyết của nó, chứ không vì tính chất áp đặt như giáo khoa thư của nó.

Nếu Hồ Quý Ly gợi ý nhiều trên bình diện tại sao của Lịch sử, thì đến Mẫu Thượng ngàn tính chất gợi ý sẽ mở rộng sang phương khác, cái phương đi về đâu của Lịch sử, dĩ nhiên trước sau vẫn chỉ là cái lịch sử của dân tộc này, cái tương lai của người Mẹ chung hoặc con thuyền chung của tất cả chúng ta.

Một lần nữa, lại phải nhấn mạnh vào sự phát sinh tác phẩm trong tâm lý nhà văn, thay vì chỉ vồ vập một cuốn sách những cuốn sách đã viết xong đã biên tập xong đã in xong và đang bầy bán trên giá sách.

Và một khi đi vào tâm lý phát sinh cuả Mẫu Thượng ngàn ta sẽ nhìn thấy một bước phát triển mới của hành trình tư tưởng Nguyễn Xuân Khánh. Cuốn tiểu thuyết mới không phải là sự ca tụng hoặc cổ động cho chầu văn và hầu bóng đâu! Cũng chẳng phải là tuyên ngôn “Mẫu” vừa cao siêu hơn lại vừa gần gụi hơn với dân tộc so với các triết thuyết hoặc tôn giáo khác đâu! Hãy đọc kỹ nó để thấy được ở trong đó ẩn chứa những luận điểm được tiểu thuyết hoá về cái quo vadis của cả một dân tộc trước một viễn cảnh khó có thể ngay một lúc đạt tới sự nhất trí đồng thuận cùng nhau.

Cái tài của một nhà văn là ở chỗ tạo ra những sản phẩm đa nghĩa. Nguyễn Xuân Khánh có cái tài đó trong văn xuôi.

Đa nghĩa là với cùng một văn bản có thể tạo ra vô số cách nhìn và cách hiểu và dường như cách hiểu nào cũng chấp nhận được.

Nguyễn Xuân Khánh bây giờ đang cười mỉm trước mọi cách tiếp nhận đa nghĩa đối với Hồ Quý Ly cùng Mẫu Thượng ngàn của anh.

Đến tuổi này, đã có thể nói là cả một đời “hình ngục nan đào” rồi, cả một đời đi theo cái nghiệp văn xuôi không một giây một phút sao nhãng rồi, Nguyễn Xuân Khánh bây giờ có cái quyền được cười mỉm kín đáo như thế.

Hoá ra “hình ngục nan đào” nào thì cũng chỉ là bề ngoài. Trừ phi nhà văn buông bút đầu hàng, còn thì hễ đã chấp nhận nghiệp văn mới là cái hình ngục khó khăn nhất mà tình nguyện nhất, thì sau năm chục năm cầm bút như thế, ta vẫn có quyền hoạn hô những tác phẩm và con người Nguyễn Xuân Khánh lắm chứ!

Có điều là cuộc sống muốn tiến lên mạnh hơn và đẹp hơn, thì cần giải mã cái mỉm cười cùng nghiệp văn xuôi Nguyễn Xuân Khánh cho đúng hơn. Thế thôi.

Châu Diên

Biệt thự Thu Trang, 2-9-2006 / 4-9-2006



(1) Rừng sâu, 7 truyện ngắn in chung, nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1962.

(2) Trư cuồng, tiểu thuyết, ở dạng bản thảo nằm chờ từ 1973, công bố trên trang web talawas năm 2005.

(3) Miền hoang tưởng, tiểu thuyết, nhà xuất bản Đà Nẵng, 1990

(4) Hồ Quý Ly, tiểu thuyết, nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 2000, 2001, 2002 (tái bản 15 lần) và mới tái bản 2006.

(5) Mẫu Thượng ngàn, tiểu thuyết, nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 2006.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us