Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Năm Hợi nói chuyện lợn tây

Năm Hợi nói chuyện lợn tây

- Bùi Trọng Liễu — published 05/03/2007 15:51, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:17
Con lợn tham dự chuyện hòa hay chiến ở phương Tây


Hai chuyện lợn tây


Bùi Trọng Liễu


Trong bài Con heo Đinh Hợi đăng trên Diễn Đàn, tác giả Đặng Tiến viết : Không nghe nói lợn tham dự vào cuộc chiến nào, hay có được thành tích nào hiển hách. Tôi không có ý « phản biện » mà chỉ muốn «tiếp lời » anh Đặng Tiến, để góp phần kể mua vui trong tháng giêng ta này. Đó là chuyện một con lợn nhà và chuyện một con lợn rừng thời cổ phương Tây, ít nhiều liên quan đến thời loạn lạc chiến tranh.

Mào đầu linh tinh một chút. Khởi thuỷ của Văn học Pháp là vào giữa thời Trung cổ ở châu Âu. Nói kỹ hơn : Lãnh thổ của hoàng đế Charlemagne (742-814) rất rộng, nhiều loại dân, có tới ba mươi sáu thứ tiếng nói ; hoàng đế này đã cố gắng thống nhất bằng việc cổ vũ dùng tiếng La-tinh, nhưng ngôn ngữ trong dân gian phổ biến nhất vẫn là tiếng « roman ». Sau khi ông chết, người con nối nghiệp cũng đã gặp nhiều khó khăn để bảo tồn nguyên vẹn lãnh thổ. Đến đời cháu thì đất đai chia làm ba cho 3 người cháu nội. Họ tranh giành nhau. Văn kiện đầu tiên bằng « tiếng Pháp » được viết vào năm 842 : đó là « Lời thề ở Strasbourg » giữa hai người cháu nội của hoàng đế Charlemagne, hợp tác với nhau để chống người anh cả Lothaire trong việc tranh quyền bính và đất đai. Hai người con thứ này là Louis [le Germanique] và Charles [le Chauve], cai quản hai vùng đất khác nhau, tiếng nói khác nhau. Để cho binh lính của Charles có thể hiểu được, Louis đọc « Lời thề » bằng tiếng roman (tổ tiên của tiếng Pháp), và ngược lại để cho binh lính của Louis có thể hiểu được, Charles đọc « Lời thề » bằng tiếng tudesque (tổ tiên của tiếng Đức), mà không dùng tiếng La-tinh là ngôn ngữ bác học chung cho thời đó. Bản « Lời thề » mà Louis đọc chính là văn kiện cổ nhất bằng « tiếng Pháp ». Vào khoảng thế kỉ 12, 13, những tác phẩm là những « chansons de geste » – une « geste » trong ngôn ngữ cổ của tiếng Pháp, từ này thuộc « giống cái » (genre féminin), là một chiến công, có người dịch ra tiếng Việt Nam là những bài thơ « anh hùng ca » hay « hiệp sĩ ca », ca ngợi những thần thoại hay chiến công lịch sử – do những « troubadours » viết, kể và hát (« troubadours » : nhà thơ trữ tình thuộc ngôn ngữ langues d’oc phương nam) và sau đó ít lâu, đến lượt những « trouvères » (« trouvères » là loại nhà thơ thuộc ngôn ngữ langues d’oïl phương bắc) bắt chước, nhưng hướng về những bản tình ca.

Bài « chanson de geste » được biết đến nhiều nhất là bài « Chanson de Roland », mà một bản cổ gồm 4002 câu thơ, chia làm 291 « laisses » (khổ thơ : đoạn). Câu chuyện kể trong bài đại khái như sau : Trong bảy năm, Charlemagne đánh dẹp quân người Hồi giáo ở xứ Tây-ban-nha. (Nhắc lại là người Hồi giáo chiếm đất vùng đất đai Tây-ban-nha ngày nay, lập nên nhiều vương quốc hồi giáo ở đó từ thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 15 ; chính ông nội Charlemagne là Charles Martel năm 732 phá được quân Hồi giáo ở Poitiers trên đường họ xâm chiếm châu Âu, và đẩy lui được họ xuống vùng đất Tây-ban-nha). Bài ca kể rằng Charlemagne đánh thắng nhiều nơi, chỉ còn thành Saragoza (Saragosse) của vua Hồi giáo Marsile tiếp tục chống cự. Vua này đề nghị hoà, Charlemagne do dự ; hiệp sĩ Roland muốn cố đánh chiếm thành, nhưng đa số tuớng của Charlemagne muốn hoà. Muốn hoà, nhưng cử ai làm sứ giả để đi điều đình? Roland đề nghị cử bố vợ mình là Ganelon ; ông này bất đắc dĩ phải đi, nhưng trong lòng rất căm giận, vì đây là một chuyến đi nguy hiểm, chắc gì giữ được mạng sống. Vua Marsile đoán biết được, nên không những không hại Ganelon mà còn bày một kế để cho Ganelon có thể trả thù : cho Ganelon trở về thuyết Charlemagne rút quân về đất Pháp, đồng thời thuyết phục Charlemagne cử Roland cầm đạo hậu quân. Khi đạo hậu quân này vượt dãy núi Pyrénées ngăn chia đất Pháp và đất Tây-ban-nha, tới khe núi gần đèo Ronceveaux, thì bốn mươi vạn quân Hồi giáo – đây là con số nêu trong bài ca, nhưng thuở ấy và vùng ấy, sao mà có được nhiều quân vậy ! – mai phục ở đó, đổ xuống đánh giết hai vạn quân của Roland. Thế đã cùng quẫn, thân cận đã chết hết, Roland mới đem cái tù và của mình ra thổi để cầu cứu, Charlemagne vội vã đem quân trở lại để cứu, nhưng đã muộn, Roland và đám hậu quân đã chết hết. Lúc đó bỗng có phép lạ xảy ra, « chứng tỏ » là Chúa Trời « bênh » Charlemagne : mặt trời bỗng ngưng lại vài tiếng đồng hồ, để ông này có thì giờ để đánh quân Hồi giáo, phá được thành Zaragoza ; vua Marsile chết, vợ phải bỏ đạo Hồi để qui theo đạo Ki-tô. Ganelon bị xử tội phanh thây. Đấy là chuyện kể trong bản anh hùng ca.

Nhưng « sự thật » lịch sử thì có khác, chẳng có vua Marsile, cũng chẳng có Ganelon, chỉ có hầu tước Roland là chết thật. Theo một số sử gia thì thuở ấy, các vua Hồi giáo đánh lẫn nhau. Tướng trấn thủ thành Zaragoza là Sulayman Ben Al-Arabi phản chủ là vua Hồi giáo xứ Cordoba (Cordoue), nên cầu cứu Charlemagne ; nhưng khi quân ông này tới nơi, thì Ben Al-Arabi đổi ý, không cho vào thành. Charlemagne giận, đánh bắt được Ben Al-Arabi làm tù, rồi rút quân về vì được tin có loạn ở biên thuỳ phía bắc. Trên đường về đến Ronceveaux, thì các con của Ben Al-Arabi , với sự giúp sức của quân bản địa Vascons (tổ tiên của người Basques ngày nay), tấn công và cứu thoát được Ben Al-Arabi. Hầu tước Roland, chỉ huy đạo hậu quân, bị vướng vì lỉnh kỉnh chở nhiều xe của cải hôi được trước đó, đi chậm, nên bị giết với toàn bộ quân sĩ. Đó là một trận thua lớn của Charlemagne.

Bại mà kể là thắng. Thế mới là tuyên truyền hay ! Có thuyết cho rằng bài anh hùng ca cần kể như vậy để kích thích các hiệp sĩ đi chiến đấu chống người Hồi giáo đã chiếm Đất thánh ở Cận Đông, và để đi chiếm lại đất Tây-ban-nha. Việc muốn chiếm lại Đất thánh, thì châu Âu Thiên chúa giáo tổ chức tám cuộc viễn chinh chữ thập (croisades) từ thế kỉ 11 đến cuối thế kỉ 13 ; còn việc « tái chiếm » (Reconquista) đất Tây-ban-nha thì phải mất nhiều thế kỉ, từ giữa thế kỉ thứ 8 đến cuối thế kỉ 15 mới xong.

Bài « Chanson de Roland » có nhiều dị bản, ngắn dài từ 4000 đến 9000 câu thơ. Bản cổ nhất còn giữ được tới nay là một bản viết khoảng năm 1100 (lưu ở một thư viện ở Oxford nước Anh). Nguyên nhân tại sao có nhiều dị bản là :

- Thuở đó, chưa có tác quyền. Tác phẩm bị coi là của chung. Kẻ hát, người viết, ai hứng lên thêm thắt vài ba câu cũng không sao.

- Phải chăng văn hoá truyền khẩu thuở đó chưa thấy sự cần thiết của một nguyên bản chính xác?

- Máy in chưa xuất hiện (Johannes Gensfleisch, còn có tên gọi là Gutenberg, năm 1440 mới chế ra loại máy in bằng chữ in kim loại có thể chuyển dịch).

- Sao chép bằng tay thì dễ « tam sao thất bản », đôi khi không do người chép chủ ý. Nhưng cũng không loại trừ khả năng người chép tự ý sửa cho « hay hơn », (giống như kiểu những nhà « biên tập » của vài tờ báo hay vài nhà xuất bản ở Việt Nam ngày nay).

carcassonne

Charlemagne được coi là vị hoàng đế giỏi, cho nên nội dung bài anh hùng ca mới xoay quanh ông ta ; nhưng có nhiều truyền thuyết về ông ta đôi khi không phù hợp với sự thật lịch sử. Chuyện hiệp sĩ Roland là một thí dụ. Có một truyền thuyết nữa về ông ta : Charlemagne chinh chiến nhiều, chiếm đất đai để mở rộng đế quốc của mình. Câu chuyện kể rằng quân ông ta vây một toà thành của người Hồi giáo (vùng Nam nước Pháp hiện nay). Trong 5 năm, đánh nhau bất phân thắng bại, nhưng viên tướng thủ thành này bị tử trận. Charlemagne cho rằng lực lượng giữ thành đã kiệt quệ, lương thực đã cạn, nên sửa soạn tấn công để chiếm thành. Nhưng chính lúc đó, bà vợ goá viên tướng giữ thành kia, tên là bà Carcas, bày mưu, từ trên thành cao, sai ném xuống chân thành một con lợn nhồi đầy ngũ cốc. Charlemagne thấy vậy – còn có ngũ cốc cho lợn ăn! – kết luận rằng thành còn dư lương thực, và hạ lệnh rút quân. Quân đang rút, thì trong thành chuông và tù và nổi lên theo lệnh của bà Carcas, cổng thành mở ra, và một đoàn sứ giả trong thành ra nghị hoà. Charlemagne cảm phục lòng dũng cảm, và mưu kế của bà Carcas – vì thực ra lực lượng giữ thành đã kiệt quệ, luơng thực thực sự đã cạn – đồng ý cho hoà. Và đặt tên cho thành này là Carcassonne – nghĩa là [bà] Carcas nổi hiệu [sonne : thổi tù và, róng chuông] – để vinh danh bà. Bà bỏ đạo Hồi để theo đạo Thiên chúa. Charlemagne còn đem bà gả cho một tướng của ông – có nguồn nói là Oliban, có nguồn nói là Roger ; cặp này sinh con đẻ cái, cha truyền con nối cai quản vùng này (dòng dõi các hầu tước Carcassonne (?) ) từ thế kỉ thứ 9 đến thế kỉ 13. Carcassonne ngày nay là một thành phố phồn vinh, một thành phố rất hấp dẫn khách du lịch, vì còn giữ đuợc di tích thành quách rộng lớn từ thời Trung cổ ; hàng năm vào tháng ba, có hội « con lợn » để kỷ niệm câu chuyện bà Carcas. Có điều tôi hơi băn khoăn mà chưa có lời giải đáp : nếu bà Carcas quả là người Hồi giáo như quân thủ thành, thì sao lại có thịt lợn nhỉ? Hay là nuôi lợn làm cảnh chứ không ăn ? Hay là thời đó các vua Hồi giáo cũng như các vua Thiên chúa giáo, tồn tại xen kẽ và tranh chấp đất đai của nhau, nên tương đối biết khoan dung với phong tục các đạo khác ? Hay là cũng như câu chuyện ông Shah Mohammed Shah Aga Khan (1877-1957), imam (giáo chủ) thứ 48 của cộng đồng Hồi giáo Ismaeli ; ông rất thích uống rượu sâm banh; có người hỏi ông rằng : « Đạo Hồi cấm uống rượu, sao Ngài lại uống ? » ; ông trả lời : « Khi Ta bưng cốc rượu lên đến miệng, thì nó biến thành nước, nên Ta uống được không sao » ! Nếu có phép lạ, phải chăng khi đưa miếng thịt lợn lên gần miệng thì nó biến thành miếng thịt cừu ?

Trên đây là câu chuyện lợn nhà. Bây giờ kể câu chuyện lợn rừng. Chuyện xảy ra vào thời vua Hồi giáo cuối cùng trên đất Tây-ban-nha (đoạn cuối cùng của cuộc «Tái chiếm » của các vua Thiên chúa giáo), tức vua Hồi giáo Muhammad XII (phương Tây thường gọi là Boabdil) xứ Granada. Đây là cái ông vua có nhiều chi tiết đáng kể như chuyện khi ông này bỏ thành chạy trốn, khi chạy đến mỏm núi Padul, ngoảnh lại nhìn cung điện Alhambra lần cuối, thì bật khóc ; bà mẹ mới mắng rằng : « Mày khóc như một người đàn bà [tiếc] cái cơ đồ mà mày đã không giữ nổi như một người đàn ông ». Ai thăm nơi này hẳn còn nhớ là nó được gọi là « Aqui, Suspiro del Moro » (nơi người Môrô thở than), và nhớ có một bản nhạc cổ khá hay mang tên « ông vua Môrô để mất Alhambra » (Le roi Maure qui a perdu l’Alhambra).

alhambra

Dưới thời vua Boabdil trị vì (1482-1492), có chàng thiếu niên tên là Benito sống với em gái, tuy nghèo và mồ côi nhưng anh em rất thương yêu hoà thuận. Nhưng dân vùng này nổi loạn ; vua sai quân dẹp loạn ; dẹp xong, bắt tù binh và bắt cả dân thường, trong đó có em gái của Benito mang về kinh. Benito thương em, lần về tận kinh thành, và cố hết sức để lọt vào buổi chầu ở cung điện Alhambra mà nhà vua dành cho dân – bởi theo lệ, các vua Hồi giáo có những buổi chầu dành cho dân, giàu nghèo sang hèn, có thể khiếu nại kêu oan thẳng lên vua. Khi vua xuất hiện, Benito lớn tiếng kêu oan cho em, rằng em gái mình mới 16 tuổi không thể là người phiến loạn, mong nhà vua cho thả ra. Trước sự thành khẩn của chàng thanh niên 18 tuổi này, nhà vua ra một điều kiện : Ba ngày nữa sẽ có bữa yến tiệc lớn của nhà vua, nhưng còn thiếu món lợn rừng lúc đó đang hiếm ; nếu Benito săn được lợn rừng dâng vua, thì em gái sẽ được phóng thích. Benito mang khẩu súng hoả mai vào rừng, rình bên bờ suối, đến sáng ngày thứ ba thì thấy hai con lợn rừng, con trước con sau, tới uống nước. Chàng nổ súng, con đi trước bỏ chạy, con đi sau đứng trơ không động. Ngạc nhiên, lại gần chàng mới hiểu : con đi sau là con lợn rừng bẩm sinh mù cả 2 mắt, ngậm đuôi con lợn rừng đi trước dắt đi. Phát súng đã cắt đuôi con lợn đi trước, cái đuôi vẫn còn ngậm trong mồm con lợn mù. Chàng nảy ra một ý, cầm cái đuôi cụt để dắt con lợn mù – nó cứ tưởng là vẫn theo con lợn kia dẫn đường – về đến kinh đô. Dân chúng thấy lạ, theo chàng tới tận cung vua. Vua giữ lời hứa, cho chàng dắt em về, và cũng « ân xá » cho con lợn rừng mù và nuôi nó trong chuồng. Sau khi vua Boabdil mất nước, Benito theo phò vua Thiên chúa giáo Fernando II lập nhiều công lao, được phong tước và được phép dùng hình con lợn rừng trong « huy hiệu » – các nhà quí phái phương Tây thuở xưa đều có « huy hiệu » (armoiries : hình biểu tượng, khẩu hiệu, vv.) riêng của mình. Có điều là câu chuyện không kể rõ Benito trở thành hầu tước, bá tước, hay nhà quí phái gì … Hay là chỉ là câu chuyện tầm phào kể trong cuốn Almanach des chasseurs xuất bản khoảng năm 1935-1936 gì đó ?

Tôi không phải là người nghiên cứu sử hay dã sử, tôi chỉ kể lại những gì đã đọc được thời còn trẻ, để góp phần giải trí cho bạn đọc ; nếu có gì viết sai, mong được hiệu chỉnh.


Bùi Trọng Liễu




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss