Nàng tiên kinh tế thị trường
Nàng
tiên kinh tế thị trường
Nhân
đọc một
bài của ông Đoàn Tiểu Long
về
học thuyết kinh tế của Marx
Phan Huy Đường
Lâu rồi tôi không đọc bài vở tiếng Việt về những học thuyết kinh tế et tutti quanti của Marx. Mình có là kinh tế gia đâu, đọc làm gì ? Chỉ ămvc thôi cũng đủ mệt rồi. Nhưng tôi động lòng vì tôi đã lỡ quý trọng Marx và, như ông Đoàn Tiểu Long nhận xét : nhiều người uýnh Marx hoặc chưa đọc Marx, hoặc nếu có đọc thì chẳng hiểu gì cả. Đây không là lời ngạo mạn rẻ tiền chê người khác ngu nhe ! Tôi không biết dễ dãi với mình như thế. Chính tôi đã hiểu nhầm Marx trong nhiều năm tháng. Thời sinh viên, tôi đã tóm tắt ba quyển đầu trong Tư Bản Luận ít nhất ba lần để kiểm soát sự hiểu biết của mình. Lần đầu, trong khi đi làm "culy culeo", tôi gửi văn bản cho một người bạn đang hoàn thành luận án tiến sĩ kinh tế ở Paris để xin ý kiến, nó bảo : mày hiểu sai bét ! Hè hè… Đơn giản thế này. Muốn hiểu (thôi) Marx trong lĩnh vực triết, phải có chút ít "vốn liếng" về triết lý Tây U, từ thời Hy Lạp cổ cho tới chí ít Kant, Hegel và Feuerbach, lúc đó mới hiểu được mỗi từ ngữ, khái niệm của Marx nghĩa là gì, khác hay/và đối nghịch với cùng từ ngữ ấy trong ngòi bút của người khác như thế nào. Chúng ta suy luận bằng khái niệm, bằng ngôn từ mà ! Muốn hiểu học thuyết kinh tế của Marx cũng thế nốt và… không đầy đủ ! Biết định nghĩa khái niệm "giá trị của hàng hoá" của Aristote, Smith và Ricardo thôi không đủ. Món đó, chỉ học năm đầu đại học kinh tế Tây U thôi1, lại trong tiết mục linh tinh vô bổ nhất "lịch sử tư tưởng kinh tế học" chứ đâu có "khoa học" như Samuelson2, là xong, biết hết, chẳng còn gì để tìm hiểu thêm. Để hiểu khái niệm ấy dưới ngòi bút của Marx, còn cần hiểu triết lý ("khoa học" nhân văn mà), sử quan của ông và cần được nghiệm sinh thế nào là một nền sản xuất tư bản "hoàn chỉnh". Điều cuối này, "nhân dân ta" bây giờ mới bắt đầu tiếp cận. Ai không tin, cứ đi hỏi các anh chị em công nhân thứ thiệt – nghĩa là làm công cho chủ tư bản thứ thiệt trong thị trường thứ thiệt – đã đình công "bất hợp pháp" ở Việt Nam trong mấy năm qua thì biết...
Vì thế, lâu lâu tình cờ được đọc một tác giả có kiến thức nghiêm túc về thuyết kinh tế của Marx, tôi cũng thấy vui vui. Ông Đoàn Tiểu Long quả đã đọc kỹ Tư Bản Luận (3 quyển đầu, Livre I) và đã hiểu nó như những trí thức Tây Âu tả khuynh sắc sảo nhất3 hiểu nó, nghĩa là : hiểu đúng phần có thể trình bày mạch lạc được bằng khái niệm và phương pháp suy luận hình thức4. Thế thôi cũng đủ zui chơi với khối lý thuyết kinh tế thời thượng đời nay rồi. Phần còn lại, như ông Đoàn Tiểu Long nói, dính dáng tới triết, nhân sinh quan, thế giới quan và phương pháp suy luận biện chứng – của riêng Marx – chính Marx đã công khai thừa nhận mình kế thừa Hegel bằng cách… phủ định Hegel mà ! Không chỉ thế thôi ! Nó dính dáng tới khả năng mở đường cho lý trí của ngôn ngữ mà chúng ta dùng để tư duy ngày nay. Hai món đó không biệt lập được !
Thí dụ : những khái niệm "hàng hoá", "lao động", "giá trị" và "tiền". Định nghĩa biện chứng của chúng ở trong Contribution à la Critique de l'économie politique. Ngay khi hạ bút viết, Marx đã có được cái nhìn khá rõ ràng, toàn diện, vừa vi mô, vừa vĩ mô ở mức toàn cầu của phương thức sản xuất và hình thái kinh tế xã hội5 tư bản. Câu đầu trong bài đề tựa trứ danh cho quyển sách này là : "Tôi xem xét hệ thống kinh tế tư sản theo thứ tự sau : tư bản, sở hữu đất đai, lao động đổi lấy đồng lương6 ; Nhà nước, ngoại thương, thị trường thế giới.7" Cái "kinh tế toàn cầu hoá" ngày nay chẳng có gì mới mẻ về mặt lý thuyết, về lôgích vận động nội tại của nó, nó là kinh tế tư bản bành trướng ở mức toàn cầu, đó là "sự nghiệp lịch sử8" của nó như Marx đã khẳng định từ lâu, thế thôi. Chính vì thế, hiện nay, nó ngày ngày tái tạo ở mức toàn cầu những điều mà Marx đã nghiên cứu, mô tả – và giải thích – ở các nước tư bản thời ông. Đương nhiên, về mặt hiện tượng, như mọi hiện tượng đáng chú ý ở đời, nó hoàn toàn mới lạ9. Mới lạ nhất là vai trò quyết định của tư bản dưới hình thái tài chính. Đây là hình thái "nguyên chất" nhất của nguyên lý tư bản : tiền tự đẻ ra tiền10… Trong khoảnh khắc, bất cần phải thông qua một quá trình sản xuất bất cứ gì… Ở thời Marx, chưa đến nỗi thế.
Tuy vậy, quyển Contribution à la Critique de l'économie politique chưa bàn tới khái niệm tư-bản nhe, mới chỉ bàn tới cái nôi cần thiết để khai sinh ra tư bản và quá trình lịch sử sản xuất và trao đổi của nhân loại đã cho phép cái nôi ấy ra đời như thế nào. Chỉ thế thôi mà Marx đã phải mất 15 năm nghiên cứu kiến thức kinh tế học mà thiên hạ có được từ thời… Aristote cho tới thời ông ! Ông cũng công nhận đó là những khái niệm nền tảng, trừu tượng nhất của môn kinh tế học. Vớ phải nó, hoặc phải chịu khó uống nhiều paracétamol để cầm cự khi đọc11, hoặc hiên ngang phán : exotic, phi khoa học, không có gì đáng bàn hết ! Nhưng hỡi ơi, chưa hiểu định nghĩa biện chứng của những khái niệm ấy, chẳng thể nào hiểu cạn Livre I của Tư Bản Luận. Đọc Marx-Engels Correspondance thì biết : Engels khuyên Marx đơn giản hoá cách trình bày thuyết giá trị trong Tư Bản Luận, Marx không chấp nhận với lý do : chúng ta có trách nhiệm với những độc giả trẻ khao khát kiến thức khoa học. Trong ngôn ngữ của Marx : tư duy biện chứng mới thực sự khoa học. Có đầy ví dụ. Vừa kế thừa thế kỷ Khai Sáng12, vừa "vượt" nó theo kiểu Hegel là thế đấy.
Quyển sách trên có thể coi là quyển sách gốc của học thuyết kinh tế của Marx, vì sao ? Vì khái niệm "giá trị" là nền tảng của mọi lý thuyết kinh tế, chẳng khác gì khái niệm "năng lượng" trong vật lý. Nhưng than ôi, hàng hoá cũng như giá trị của nó không là một vật thể vốn có sẵn trong tự nhiên, có thể lôi cổ vào labô để thoải mái xem xét, phân tích, tìm hiểu, "toute chose égale par ailleurs (*)" được. Nó xuất hiện rất muộn màng trong lịch sử của loài người, nó lại do con người tạo ra trong những hoàn cảnh và điều kiện rất cụ thể, rõ ràng, có thể… hiểu được ? Chỉ mới gần đây thôi, trong nhân giới khốn khổ này, "có tiền mua tiên cũng được" mới trở thành sự thật phổ biến đến mức "đương nhiên" thống trị tư duy của quần hào vì lẽ "cái gì cũng có… cái giá của nó", kể cả… tiền. Nhưng hỡi ơi, chính vì "giá trị", dưới hình thái đôla chẳng hạn, là thước đo chung của tất cả, kể cả đàn bà Việt Nam trong cái chợ người toàn cầu hoá này, mà bản thân nó không có… "giá trị", không có thước đo, ta không thể dùng một khúc platine cất trong Hôtel des poids et des mesures (**) làm đơn vị đo lường cho nó được. Khúc platine ấy sẽ tức khắc nhảy nhót như hàng hoá trong một chương lừng danh của Tư Bản Luận đã khiến ông Derrida mê tơi bình luận tràng thơ đại hải trong quyển Spectres de Marx13. Ta cũng chẳng thể ký một hiệp ước quốc tế để "vĩnh viễn" khẳng định nó là cái gì cả. Thế mới chết người ta. Phải chăng vì thế mà đi vào môn kinh tế học, khôn ngoan nhất là lờ vấn đề này, chứ mê mệt tìm hiểu "bản chất" của anh "giá trị" quái đản này thì rất ít có khả năng làm xong luận án tiến sĩ đúng kỳ hạn.
Trong tất cả những tranh cãi về khái niệm "giá trị của hàng hoá", chỉ cần lưu ý điều này thôi, thì thấy rõ ngay một số vấn đề : "giá trị" không là gì cả, nó (là) quan-hệ xã-hội, ở đây (là) quan-hệ trao đổi lao động xã hội, travail social, nghĩa là : nó không chỉ là quan hệ cá nhân giữa người mua và người bán (lý thuyết cung-cầu ấy mà, with transparency or not), mà là quan-hệ tổng hợp của con người với xã hội đương thời để cùng nhau tồn sinh trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định. Nói thế thì là tào lao triết lý rồi, đâu còn là khoa học nữa, sẽ chẳng bao giờ lĩnh giải Nobel kinh tế học được. Thế mà cả chính giới lẫn kinh tế gia tha thiết kêu gọi bàn dân một số nước Châu Âu đi… bầu (sic) để lập ra một hình thái đơn vị đo lường của giá trị : đồng tiền Euro ! Mamma mia… Mỵ dân thì giỏi, khoa học thì zéro ! Đời thuở nào có chuyện chính quyền mời bàn dân tứ xứ đi bầu để quyết định một mét dài bao nhiêu ? Kinh tế toàn cầu hoá cũng có cái hay của nó : nó cho phép con người ý thức rằng "cái" gọi là "kinh tế" (là) quan-hệ giữa người với người chứ không chỉ là quan hệ giữa vật-thể với vật-thể như trong khoa học tự nhiên. Đố ai khẳng định được một cách khoa học (kinh tế nhe) đồng Euro dài ngắn như thế nào, nặng bao nhiêu tờ đôla. Hè hè…
Ông Đoàn Tiểu Long đã chịu khó bỏ thời giờ viết về những kiến thức ABC mácxít này. Chẳng phải chuyện đùa đâu. Nhất là cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp (riêng với tôi) rất lấn cấn khi phải đề cập tới tính chất biện chứng ở chúng. Hăng tiết vịt một tí thôi, cà lăm liền.
Thật đáng quý. Nhất là hôm nay. Chắc ông không nhắm đấu đá với mấy lý thuyết kinh tế linh tinh thời thượng ở đời nay, để làm gì ? mà muốn mượn dịp này để viết đôi điều đáng suy ngẫm cho độc giả muốn thực sự tìm hiểu một vấn đề chẳng dễ hiểu tí nào. Tôi mong vậy.
May thay, đọc ông Đoàn Tiểu Long có một điều thú vị. Ông là người "đang trực tiếp làm kinh doanh, nên phải thường xuyên mặc cả (ngôn ngữ sang trọng gọi là đàm phán) với các nhà cung cấp" trong nền kinh tế tư bản toàn cầu hoá thứ thiệt này ! Chí ít ông chia sẻ với Engels điều này : cả hai người đều đã từng quản lý hoạt động kinh tế tư bản đích thực để tồn sinh. Chính Engels đã từng mang cho Marx xem bảng biểu kế toán dùng để quản lý hãng tư bản do ông điều khiển để Marx thấy cụ thể nó "vận dụng" hữu hiệu những khái niệm của Marx về kinh tế tư bản như thế nào ! Phải chăng vì thế ông Đoàn Tiểu Long không chỉ tán suông về những "khái niệm" trời ơi đất hỡi, cứ đưa ra những ví dụ cụ thể, quá cụ thể (sic) trong cuộc sống thị trường thực hỡi ơi này. Ê, chơi xấu đến thế thì chết người ta ! Còn gì là khoa học với nhân văn nữa ? Mất hết sự trang nghiêm của học thuật, chỉ còn toàn là tì với tiền thôi. Kinh thật !
Sau đây, hai nhận định lý thú của ông.
1/ Còn cái việc ở Việt Nam, Liên Xô v.v… người ta hạch toán kinh tế kiểu gì đó thì chả liên quan gì đến học thuyết Marx, vì đó là kinh tế phi thị trường, trong khi Marx nghiên cứu kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Quá đúng ! Điều này còn có nghĩa, theo biện chứng kiểu Marx14 : nếu ngày nào đó trên quả đất này, có được một hình thái kinh tế xã hội đáng gọi là xã hội chủ nghĩa, hình thái kinh tế xã hội ấy phải là kinh tế thị trường, nhưng không là kinh tế thị trường tư bản (lấy lợi nhuận làm gốc, lấy chiếm hữu thời gian lao động thặng dư làm nguồn), cũng không là kinh tế thị trường của thời Bàn Cổ, có đấy (sic), mà là một hình thái kinh tế thị trường được "thuần hoá" để phục vụ nhu cầu sống, lao động, nghỉ ngơi, zui chơi, sáng tác nghệ thuật, thậm chí yêu nhau, cũng có đấy và không thể hiện-thực được ngoài xã hội loài người, nhu cầu sống có nhân cách với nhau của con người, sống vừa bình đẳng vừa công bình với nhau, mỗi người đóng góp hết mình cho mọi người tuỳ tài năng riêng của mình và thụ hưởng nhiều ít theo cống hiến của chính mình, vì sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và văn học (vì khoa học và kỹ thuật chỉ là phương tiện thôi) đã cho phép con người điều chỉnh hữu hiệu hành-động sản xuất, trao đổi, phân phối et tutti quanti của chính mình, chứ không chỉ đánh cá ngựa dài dài với luật rừng như hôm nay, dù với những phương trình toán tối ưu nhất15. "Vượt" hình thái kinh tế tư bản là như thế chứ không phải là lôi nhau về những hình thái kinh tế của thời Trung Cổ dù cố hoá trang chúng với mỹ từ và khẩu hiệu kêu kẻng kiểu xã hội chủ nghĩa lơ tơ mơ. Để có thể đi tới đó, tất nhiên phát triển khoa học và kỹ thuật là cần thiết. Nhưng không đầy đủ. Còn cần phát triển lý trí và tâm hồn của con người trong lĩnh vực nhân văn bao gồm cả lý luận kinh tế học et tutti quanti, trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sống ôn hoà và trìu mến với nhau bất kể hoàn cảnh khốc liệt đến thế nào. Cần một nền văn hoá khá hơn những văn hoá thống trị đời nay.
Vậy thì hành-văn cũng không phù phiếm, háo danh hão.
2/ Cát chỉ bắt đầu có giá trị khi tôi xúc nó lên, chở nó đến chỗ anh cho anh xây nhà. Anh phải trả công cho tôi đúng bằng cái công sức của tôi bỏ ra. Nghĩa là anh trả cho lao động của tôi, chứ không trả cho cát. Không có lao động của tôi thì cát vô giá trị.
Rất đúng. Nhưng món này không có trong Tư Bản Luận. Marx nghĩ ngược lại : chỉ có lao động "trực tiếp16" sản xuất ra của cải vật chất mới tạo ra giá trị. Do đó, ông không coi những anh "lái buôn" như những người tạo ra giá trị, – tội nghiệp họ quá, cũng cày bở hơi tai mới ra tiền chứ –, họ chỉ ăn xén một phần giá trị đã được tạo ra và họ ăn xén được vì công việc của họ cần thiết để hoàn thành quy trình sản xuất – tiêu thụ.
Ông Đoàn Tiểu Long "duy vật biện chứng" đích thực đấy ! Chỉ vì ông ngày ngày phải mặc cả giá mấy đống cát để sinh nhai mà ông ấy mácxít hơn cả Marx trong vấn đề này ! Một cách chính đáng ! Lại hoàn toàn phù hợp với triết lý "duy vật biện chứng" của… Marx ! Hè hè…
Theo tôi đây là sai lầm lớn nhất của Marx trong học thuyết kinh tế của ông. Vì quá mê chủ nghĩa duy vật, thời đại "duy khoa học" mà, ông lỡ quên lý luận biện chứng của chính ông ! Cát ở nơi hoang vu và cát nằm chình ình trong sân nhà tôi có thể là cùng một đống cát có "giá trị sử dụng" y hệt nhau. OK. Lao động của anh xúc cát khiêng tới nhà tôi cũng chẳng thay đổi nó tí nào, chẳng tạo được ở nó một "giá trị sử dụng" nào mới, một điều gì mới gọi là lao động kết tinh trong sản phẩm ! Nó y hệt như cũ mà. Tuy vậy quan-hệ của tôi với hai đống cát ấy hoàn toàn khác nhau. Quan hệ đầu, với đống cát ở nơi hoang vu, đống cát "khoa học", tự-nó kiểu lôgích hình thức, chỉ là quan hệ trừu tượng, hình thức, không hiện-thực, muốn thế nào cũng được trong phạm vi toàn bộ những chức năng vật lý của nó, kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm cụ thể của người đời như Marx phân tích, cũng được, bất cần gì hết cũng… chẳng sao, nó là…thơ. Và do đó nó… vô giá ! Quan-hệ thứ hai chỉ có thể có được xuyên qua quan-hệ của tôi với người khác, xuyên qua quan hệ xã-hội của tôi để… xây nhà, nôm na là để sản xuất một… hàng hoá mới ! Nó có thời gian tính và thời gian ở đây không chỉ là thời gian vật lý, đã đành, còn là thời gian lao động của con người trong xã hội trên cơ sở một trình độ khoa học và kỹ thuật nào đó ở một thời đại nào đó, thời gian lao động xã hội cần thiết của người này đối với người kia để…, vân vân và vân vân.
Từ sai lầm ấy của Marx17, nhiều lý thuyết gia kinh tế "mácxít", nhất là mấy ông quan có chức có phận có phần trong một guồng máy quyền lực không mấy mácxít, thật thà không hiểu nổi ý nghĩa và tầm quan trọng của "dịch vụ" ngay ở mức đơn giản nhất : xúc cát ở đây để mang nó tới nơi nó trở thành… hữu dụng ! Đối với người khác ! Engels nhấn mạnh đấy ! Trở thành giá trị sử dụng đích thực, trong nghĩa biện chứng !
Sai lầm này nằm ngay trong định nghĩa của khái niệm "giá trị sử dụng" (valeur d'usage) của Marx : nó bị giới hạn trong quan-hệ vật lý và sinh học (biologique) ảo (nghĩa là trong labô thôi) giữa người với vật-giới. Nó phi không-thời-gian tính, nó hoàn toàn hình thức. Vì thế mà dễ hiểu, chẳng ai chống lại cả.
"Giá trị sử dụng" hay "giá trị" chỉ có nghĩa với con người thôi và chúng chỉ hiện-thực xuyên qua hành-động thiết thực của con người thôi18 : mua-bán hay… nhậu ! Hoặc… sử dụng, kiểu này kiểu nọ. Bất cứ định nghĩa nào ngoài hành-động sử dụng ấy đều… hão.
Thí dụ của ông Đoàn Tiểu Long cho thấy liền : thiếu quan-hệ xã-hội thì quan hệ vật lý và sinh học trên cũng không thể hiện-thực được ! Đối với tôi, người muốn xây nhà. Đối với mọi người trong xã hội, bất kể họ muốn có cát để làm gì.
Làm "đệ tử" của Marx chán ngán ở hai điều này :
a/ hiểu chàng muốn nói gì cũng đã ứ hự. Nhưng chưa đến nỗi ứ hự như đối với một đống triết gia bí hiểm đời nay, hậu hiện đại lacanien or not.
b/ vận dụng phương pháp suy luận của chàng để ứng xử (thực, chứ không chơi chơi) với thế-giới thực luôn luôn đổi mới, luôn luôn lạ lùng thì cứ như Diogène thắp đuốc đi tìm… một con người, cứ như Võ Nguyên Giáp phải uýnh thực dân Pháp, không nhỏ nhe, lại có cả đại tướng Leclerc, De Lattre et tutti quanti, với… hai bàn tay trắng, cái bụng đói meo, cái túi tiền… thủng !
"Biện chứng là phân tích cụ thể một tình hình cụ thể19". Với những tình hình "cụ thể" đã qua, đã khó rồi, và cũng chẳng thay đổi được gì ngoài tán phét. Với những tình hình cụ thể đích thực, đương thời, khi ta muốn hành-động, thì… hỡi ơi. Ngay cả tình hình cụ thể của một đống cát khi có ai xúc nó vào nhân giới để mưu cầu một điều gì, để làm người với lao động của chính mình. Chẳng dễ tí nào.
Ôi, phải chi bớt tiều tụy một tí ti, nàng tiên kinh tế thị trường toàn cầu hoá này vẫn còn hấp dẫn quá ta !
Phan Huy Đường
2007-12-12
Để zui zui một tí
Về nạn dùng toán để "chứng minh" tính khoa học trong môn kinh tế học, thỉnh thoảng ta cũng nên nhớ chuyện không đùa, mới đây thôi, năm 2001. Hai vị Nobel kinh tế Robert Merton và Myron Scholes đã dùng kiến thức "khoa học" của họ để làm sập xuồng hãng LTCM trong nội… một buổi sáng. Nhà cầm quyền Mỹ sợ sự phá sản ấy làm sụp đổ luôn cả hệ thống tài chính quốc tế và nền kinh tế thế giới, đã phải huy động một đống ngân hàng trút vốn vào cứu bồ, chẳng đếm xỉa gì hết tới những "quy luật" khoa học khách quan vĩnh cửu tốt đẹp của kinh tế thị trường toàn cầu hoá. Một thí dụ điển hình cho giá trị khoa học của những mô hình toán trong kinh tế học. Ở đây, mới chỉ là mô hình hoá một bộ phận nhỏ xíu của kinh tế và hai vị Nobel này lại có thừa mứa thông tin và phương tiện xử lý thông tin để hành động. Thời đại computer cũng có mặt tai hại của nó. Hai vị mà phải vận dụng mô hình toán của mình bằng bút giấy, có khi không kịp đến nông nỗi này. Nhưng zui chơi (bằng tiền của người khác) với anh computer thì vèo một cái, 1000 tỷ đôla có thể tức thì biến thành… thơ !
Một hình thái kinh tế xã hội cho phép đơn vị đo lường giá trị của chính nó tách rời thực tế sản xuất của người đời tới mức này và, trên cơ sở đó, cho phép vài thằng, Nobel or not, zui chơi với tiền, đời sống, thậm chí sinh mạng của hàng chục, hàng trăm triệu người không trừu tượng như khái niệm hình thức tí nào, thì hình thái kinh tế xã hội ấy bệnh hoạn ! Lạy giời, hãy khuyến khích anh tài tứ xứ ở đời tập trung trí tuệ của họ để chẩn đoán đúng căn bệnh, và, dù chưa chữa được, cũng hạn chế được phần nào sự tàn phá nhân giới của nó. Đếm bằng nhân mạng và tương lai của trẻ con đó nhe !
Mấy vị này chưa "trực tiếp" giết ai cả. Gián tiếp thì thế nào ?
Chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ 20 đã tự đào mồ, tự sụp đổ, chẳng ai phải tốn viên đạn nào, giết cũng chẳng bao nhiêu người trong cơn giãy chết.
Rất có thể chủ nghĩa tư bản cũng sẽ tự diệt thôi. Nhưng sẽ đẫm máu là cái chắc, nếu chúng ta chấp nhận bất lực. Trong tư-duy, trong hành-động. Còn hà hứa cuốn theo chiều gió để cùng nó hưởng thụ và tiêu vong, bất kể người đời, xin miễn bàn. Coi thông tin từng ngày hôm nay cũng thấy quá rõ rồi.
P.H.Đ.
Chú thích
(*) Trong khi những điều khác được giữ nguyên không thay đổi (chú thích của D. Đ.)
(**) Viện lưu trữ nguyên mẫu đơn vị đo lường (chú thích của D. Đ.)
1 tôi cũng đã lỡ, còn dại dột học hết bằng cử nhân.
2 Nobel kinh tế đấy, người mở đường cho toán học ào vào môn kinh tế học, đã từng tiên đoán rằng kinh tế thế giới sẽ phải mất 30 năm mới khôi phục được khả năng mà nó đã có trước chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đến 1975, chẳng còn ai nỡ nhớ tới lời tiên tri ấy. (do một bài báo trong Le Monde nhắc lại, theo trí nhớ tồi tệ của tôi)
3 Chỉ liếc qua danh sách các tên tuổi ấy cũng đủ ớn xương sống ! Không chỉ có Nobel tà tà zăn chương thôi, có đủ thứ khác : các nhà toán học, vật lý, sinh học, tiềm thức học (psychanalyse), khoa học nhân văn, nghệ sĩ đủ loại et tutti quanti. Ngay Hannah Arendt cũng không coi thường Marx ! Đủ biết…
4 Trong lĩnh vực này, ít ai viết văn chính xác và chặt chẽ bằng Marx !
5 mode de production, forme économique et sociale.
6 travail salarié. Khái niệm này chỉ được định nghĩa hoàn chỉnh hơn 10 năm sau trong Tư Bản Luận, khi Marx phân biệt rõ ràng "sức lao động" với lao động. Ông coi đó là đóng góp đặc thù của ông cho môn kinh tế chính trị học.
7 "J'examine le système de l'économie bourgeoise dans l'ordre suivant : capital, propriété foncière, travail salarié ; État, commerce extérieur, marché mondial."
Contribution à la critique de l'économie politique, Éditions Sociale, Paris, 1957, p. 3.
8 Coi Tuyên Ngôn Cộng Sản trứ danh của Marx-Engels.
9 Hiện tượng "quả táo táng u đầu Newton" và hiện tượng "Zidane húc banh lọt lưới" biến anh PhuLăngXa thành vô địch thế giới, mới lạ hết xảy, chẳng có gì giống nhau. Tuy vậy chúng thể hiện cùng những quy luật vật lý cơ bản.
10 Trong Tư Bản Luận : giá trị đẻ ra giá trị (de la valeur qui enfante de la valeur). Engels đã từng bình luận : đây là định nghĩa trừu tượng nhất, do đó là định nghĩa "chung" nhất (général, khái niệm triết) của tư bản, không thể có định nghĩa nào chung hơn.
11 Marx đã công nhận : đây là tác phẩm hegelien nhất của ông. Ông cũng đã ân hận rằng vì ông muốn khẳng định đóng góp quý báu của Hegel cho triết học mà ông đã vận dụng ngôn ngữ một cách rất hegelien khiến quyển sách khó hiểu. Trong trước tác của mình, Trần Đức Thảo đã dùng nhiều khái niệm trong tác phẩm này và những bản thảo làm việc do Marx để lại (Grundrisse, 1100 trang !).
12 Khai Minh, Bùi Văn Nam Sơn đề nghị dịch như thế. Cũng có lý.
13 Những bóng ma của Marx. Tạm dịch, và không có nhu cầu tìm cách dịch "hay" hơn, vì "Spectres" còn có nhiều nghĩa khác, ai muốn hiểu gì thì hiểu và, trong trường hợp ông Derrida, thiên hạ cũng đã hiểu và tán đủ thứ chuyện chẳng dính dáng gì tới thuyết kinh tế hay triết lý của Marx cả.
14 Nói vậy vì tuy tôi đã công khai nhận nợ với Marx, trong lĩnh vực triết tôi suy luận khác Marx một tí, một tí ti thôi. Trong chuyện này, hậu sinh chẳng khả uý tí nào, chỉ gượng gạo nối gót tiền nhân để khắc khoải bước thêm một bước tí ti sau những bước khổng lồ của tiền nhân. Xem Tư Duy Tự Do, nxb Đà Nẵng, 2006.
15 Ối giời ơi, xin lỗi bạn đọc nhé. Chẳng mấy khi tôi viết một câu văn dài dòng lủng củng như thế này. Còn dài hơn cả những câu văn dài nhất của Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh ! Nhưng hễ dại dột thậm thụt biện chứng thì sa ngay vào tình trạng khốn khổ này, cứ đọc Hegel, Marx và Sartre thì biết. Ba người này "biện chứng" rất khác nhau nhe. Thế thì chẳng ai đáng tin cả, chẳng nên coi trọng suy luận biện chứng làm gì ?
16 Vì lao động của anh kỹ sư, tuy không vai u thịt bắp, cũng "trực tiếp" góp phần tạo ra sản phẩm vật chất mới (không sẵn có trong tự nhiên) phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của khách hàng.
17 Ối giời ơi, sao tôi khờ đến thế này ? Các quan lý luận mácxít sẽ uýnh tôi bỏ mạng mất. Mong sẽ có ai ai bố thí một lời ai điếu.
18 11 luận đề về Feuerbach.
19 La dialectique, c'est l'analyse concrète d'une situation concrète. Ai cũng biết, khỏi cần tìm sách nguồn.
Các thao tác trên Tài liệu