Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Ngàn Phố Ngàn Sâu

Ngàn Phố Ngàn Sâu

- Hồ Bạch Thảo — published 12/03/2017 15:00, cập nhật lần cuối 12/03/2017 15:00


Ngàn Phố Ngàn Sâu


Hồ Bạch Thảo


Nhân tin buồn nhà văn Nguyễn Quang Thân quê tại làng An Lễ huyện Hương Sơn, cùng làng với anh hùng Cao Thắng vừa mới từ trần. Bài viết dưới đây, vừa ca tụng anh hùng Cao Thắng, và cũng xin phúng điếu nhà văn Nguyễn Quang Thân, người con ưu tú của Ngàn Phố Ngàn Sâu


Trong một bài báo đăng trên tạp chí Da Màu, nhà văn Nguyễn Đức Tùng kể về cuộc điện đàm thăm bà chị họ, tức nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thanh Sâm, tác giả truyện dài Cõi Đá Vàng. Bấy giờ nữ sĩ  tuổi đã già, lại bị trọng bệnh, nên gọi mấy lần, bà chỉ mấp máy mấy chữ khó hiểu “ Ngàn Phố Ngàn Sâu ”. Anh Tùng muốn biết ngọn ngành, nên tìm đọc lại Cõi Đá Vàng do Thư Quán Bản Thảo của nhà văn Trần Hoài Thư tái bản tại Mỹ, trong truyện có đề cập đến Ngàn Phố Ngàn Sâu. Được biết dưới thời kháng chiến chống Pháp, nữ sĩ Thanh Sâm từng tham gia tại Liên Khu 4, tức Thanh Nghệ Tĩnh Bình Trị Thiên hiện nay, và bối cảnh tiểu thuyết của bà được xây dựng với thời gian không gian này. Tìm thêm tài liệu anh viết :

Sông Ngàn Phố, còn gọi sông Phố, bắt nguồn từ núi Giăng Màn thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, gần biên giới Việt Lào. Sông Phố chảy từ Tây sang Đông tới nơi giáp ranh huyện Hương Sơn với huyện Đức Thọ. Tại ngã ba Tam Soa nó nhập với sông Ngàn Sâu, tức sông Sâu, từ các huyện Hương Khê, Vụ Quang chảy từ phía Nam lên để tạo thành sông La. Đến lượt sông La chảy vào sông lớn hơn là sông Lam. Thời kháng chiến chống Pháp thượng nguồn sông Sâu và sông Phố là những chiến khu nổi tiếng.”

 Lại nghĩ về cõi lòng bà chị mang nặng dấu ấn Ngàn Phố, Ngàn Sâu, nhà văn Nguyễn Đức Tùng có nhận xét như sau :

Sau này đọc lại cuốn tiểu thuyết Cõi đá vàng của chị, tôi hình dung đó là ký ức thời kháng chiến. Hạnh phúc đôi khi là quên lãng. Nhưng chị không muốn quên, chị muốn nhớ lại. Không phải chị muốn, mà những tế bào thần kinh sắp tê liệt của chị, những ốc đảo cuối cùng giữa hoang mạc, thỉnh thoảng lại phóng điện, như tia chớp. Chúng muốn.

Tôi không được vinh dự quen biết nữ sĩ Thanh Sâm, và cũng không phải là người đồng thời với bà ; nhưng tôi biết rằng, 4 chữ thì không dám quyết ; nhưng riêng hai chữ “ Ngàn Phố ”, thì mai này không xa, chắc tôi cũng sẽ lẩm nhẩm trong cõi vô thức, lặp đi lặp lại, giống như bà.

Tại sao vậy ? Chẳng có gì là lạ, nhà tôi thuở nhỏ gần sông Phố, tức ngàn Phố, về mùa hè tôi ra sông này tắm hàng ngày. Bấy giờ dòng sông nước trong vắt, nhìn dưới đáy sông thấy cả đoàn cá mát, một loại cá đặc biệt hình như chỉ riêng có tại sông này thịt ngon nổi tiếng, bơi lội tung tăng. Trên bước đường lưu lạc, tôi lập gia đình tại Sài Gòn, thường ca tụng dòng sông này với vợ tôi, nàng quê tại miền Bắc. Sau năm 1975, vợ tôi một mình lặn lội thăm quê chồng lần đầu tiên, lúc trở về kể cho tôi hay, dòng sông nơi quê tôi chỉ là một dòng nước bẩn đỏ ngầu ! Phải chờ đến lúc gần đi Mỹ 1990 ; bèn trở về thăm quê sau mấy chục năm xa cách, tôi mới thấy được một phần sự thực. Bà con tại đây kể rằng sau năm 1975, có lệnh nhà nước thành lập nông trường sản xuất, nên điều xe ủi đất về ủi trốc gốc tất cả cây cối dọc hai bên bờ bờ sông, đây là cuộc “ thay đổi sơn hà ” theo nghĩa đen, từ thượng nguồn dòng sông trở xuống, hai bên bờ không còn cây ngăn nước, nên mỗi lần mưa xuống, đẩy phù sa trên đồng ruộng xuống sông ngay, khiến nước đỏ ngầu và dòng sông nhỏ lại. Nhìn dòng sông cảm thấy ngao ngán đã đành, trên mặt sông lại có cầu phao bắc ngang, nên việc lưu thông bằng đường thuỷ hoàn toàn tê liệt.

Bấy giờ dòng sông tong teo như một thân thể tật nguyền, tôi cảm thấy buồn như đứng trước người thân bị bệnh ; kỷ niệm thời niên thiếu đến với tôi ; những vết hằn trên thân xác, dòng sông đều chứng kiến. Thời Cải Cách Ruộng Đất [1954-1955], gia đình tôi bị quy vào thành phần địa chủ, tài sản bị tịch thu, tôi phải làm nghề đốt than sinh nhai. Đi ngược theo dòng sông, vào rừng đốt than, rồi chặt cây nứa đóng bè chở than, xuôi dòng sông Phố đem ra chợ bán. Dòng sông đối với tôi quen thuộc đến nỗi, khi vượt qua những thác như Rào Qua v.v… trên sông, tôi còn nhớ phải chống con sào ở vị trí nào, để chiếc bè tránh khỏi vùng nước xoáy. Rồi cũng nhờ con sông thân yêu này, chúng tôi tìm đường vượt biên. Ngược theo phụ lưu sông Phố, tức Sông Con, đi cho đến lúc nước dưới chân chỉ còn đến đầu gối, bắt đầu leo núi theo hướng tây khoảng 4 ngày, đến bản Ỏn nước Lào ; rồi tìm cách đến Sài Gòn…..

Trải qua vật đổi sao dời, vị thế dòng sông Phố tuy không được như xưa, nhưng tên tuổi nó không thể mai một, vì đã đi vào lịch sử :

Câu truyện được bắt đầu bởi tác phẩm Thượng Kinh Ký Sự [上 京記事, Ký sự lên kinh đô] của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, vị tổ của ngành y Việt Nam. Ông từng ở ẩn nơi quê mẹ tại thôn Bàu Thượng, làng Tình Di, huyện Hương Sơn, bên bờ sông Phố. Nhưng với tài trị bệnh nổi tiếng, lại do Huy Quận công Hoàng Tố Lý tiến cử, ông được mời đến thành Thăng Long chữa bệnh cho chúa Trịnh và Thế tử. Chuyến hành trình của Lãn Ông khởi đầu bằng đò dọc, giống như anh Tùng đã kể ở trên, tức xuôi dòng sông Phố, đến bến Tam Soa hợp với sông Ngàn Sâu thành sông La, rồi đến Ngã Ba Phủ gộp với sông Lam, kế đó quẹo trái theo sông đào vào Vĩnh Dinh tức thành phố Vinh hiện nay ; rồi được chở bằng cáng ra đến Hà Nội. Gần song song với con đường thuỷ vừa kể trên, sau này người Pháp xây quốc lộ số 8 ; tính từ Vinh đến vị trí cách nhà cũ của Lãn Ông tại phía bên kia sông, khoảng cách ước chừng 50 Km.

Trong Thượng Kinh Ký Sự, Lãn Ông chép về cuộc khởi hành trên sông Phố như sau :

Ngày 17 [năm Nhâm Dần,1782] đồ thư nửa gánh, gươm đàn một bao, tôi bước lên thuyền theo đường thủy, nhắm hướng Vĩnh Dinh mà tiến phát. Bấy giờ tân khách đầy nhà, kẻ xin thuốc, người tiễn chân, dùng dằng trèo kéo. Mặt trời đã ngả về tây mới động mái chèo. Tôi ngồi trong thuyền, tình riêng đối cảnh, nỗi khách bâng khuâng, khôn cầm lòng, miệng đọc mấy vần thơ rằng :

Lưu thủy hà thái cấp
Hành nhân ý dục trì
Quần sơn phân ngạn tẩu
Nhất trạo phích yên phi
Sa nhạn thân như tống
Du ngư cấp dục truy
Vân gian hương lĩnh thụ
Thái bán dĩ tà huy.

    Dịch :

Nước chảy sao mà lẹ
Người đi những muốn thư
Non chia đôi ngạn chuyển
Mái rẽ đám sương mờ
Vịt bãi theo đưa tiễn
Cá sông dõi lững lờ
Mây che Hương lĩnh khuất
Quá nửa đã chiều tà (1) ”

Như trên đã trình bày, thượng nguồn sông Phố có ghềnh thác, nên tại đây nước chảy gấp, thuyền lướt nhanh ; riêng tác giả Lãn Ông thì muốn kéo dài thời gian để có thì giờ lâu ngồi thuyền tâm sự với bạn bè và học trò đưa tiễn. Lòng muốn chuyến đi chậm lại [dục trì], còn ngầm nói lên rằng tác giả chẳng hào hứng gì đối với công danh đang đợi chờ trước mắt.

Thuyền lướt nhanh, nên cảnh vật hai bên bờ đều chuyển dịch, các dãy núi nhấp nhô trông như đàn ngựa rong ruỗi bon bon chạy “ Quần sơn phân ngạn tẩu ” :

* Trước hết phải kể đến núi Đại Hàm tại hữu ngạn, một nhánh núi thuộc dãy Giăng Màn vươn ra đến gần sông Phố. Thời Gia Long, Hầu Tạo nổi dậy tại đây. Trải qua mấy năm, Tổng đốc Lê Văn Duyệt bắt được mẹ ; Hầu Tạo đành như Từ Thứ (2), phải ra hàng. Nhưng không may bằng Từ Thứ, Hầu Tạo bị xử tử ; lúc ra pháp trường ông tự làm bài văn tế cho mình, với những câu mở đầu như sau :

Trời Nam Việt sinh ra tráng sĩ,
Đất Hương Sơn còn lắm trượng nhân.
Biết bao phen cậy lực xưng hùng trong thiên địa,
Một phút liều thân xả mệnh làm bạn với quỷ thần !...

Thời khởi nghĩa Cần Vương, cụ Phan Đình Phùng lập một quân thứ tại chiến khu Đại Hàm do Cao Đạn chỉ huy, gọi là Diệm thứ ; vì nơi này thuộc làng Tình Diệm. Nghĩa quân đã cầm cự dằng co với quân Pháp và lính tập dưới quyền Khâm sai Nguyễn Thân, suốt năm Mùi [1895] (3)

* Thuyền xuôi khoảng 10 km, cũng tại hữu ngạn có núi Kim Sơn, mà dân tại đây gọi nôm na là “Rú Vàng”. Đường lộ qua Rú Vàng phải qua dốc núi cao và dài ; là đường độc đạo nên người Pháp điều quân mang đồ tiếp tế cho đồn Phố Châu tại huyện lỵ Hương Sơn, bắt buộc phải đi qua. Nhờ tin mật báo, tướng Cao Thắng, cánh tay mặt của cụ Phan, mở cuộc phục kích tại dốc này, giết sạch toán quân Pháp và lính tập 17 tên, tịch thu 17 khẩu súng Tây, 600 viên đạn, và mấy ngàn đồng bạc. Lần đầu tiên có súng ngoại trong tay, tướng Thắng cho tháo súng nghiên cứu kỹ, rồi kêu gọi thợ rèn làng Vân Chàng [Đức Thọ, Hà Tĩnh] đến, mở xưởng đúc súng.

Một viên võ quan Pháp, Đại uý Gosselin, từng tham gia đánh dẹp tại Nghệ Tĩnh, viết cuốn sách có giá trị tựa đề là Nước Nam [Empire d’Annam] trang 313, có đoạn nói về súng của Cao Thắng như sau :

Tôi có đem nhiều khẩu súng đó về tận bên Pháp ; xem nó giống đủ mọi vẻ như súng của các xưởng binh khí nước ta chế tạo, đến nỗi tôi đưa cho các quan binh pháo thủ ta xem, các ông phải sửng sốt lạ lùng, chỉ hiềm vì nó khác với kiểu súng ta có hai chỗ này thôi : ruột gà không đủ sức mạnh và trong lòng súng không có xẻ rãnh [khương tuyến], vì đó mà đạn bắn ra không xa, không mạnh. Tuy vậy mặc dầu, những súng đó đã từng bắn chết ít nhiều lính Khố Xanh, Cai đội Pháp, lính tập…” (4).

* Tiếp tục xuôi dòng sông Phố khoảng 5 Km, phía tả ngạn nhô lên dãy núi Thiên Nhẫn nổi tiếng, ranh giới giữa 2 huyện Thanh Chương và Hương Sơn. Tại đây, vua Lê Lợi cho xây thành Lục Niên, chống cự với tướng Minh, Phương Chính.

Phía hữu ngạn có núi Kê Quan, tức rú Mồng Gà đỉnh cao chót vót như con gà chọi ; lại có Ngàn Sâu, Ngàn Phố giao lưu bao bọc. Vua Lê Lợi đóng quân tại núi này, mấy lần thắng giặc, rồi chuẩn bị xua quân ra Bắc. Tiến sĩ Bùi Dương Lịch đời Lê, cảm hứng làm thơ vịnh núi Kê Quan, có đoạn như sau :

Tủng thân như phó địch,
Súc khí dục xung thiên.
Cao Hoàng bình Bắc khấu,
Tằng thử phấn minh tiên.

(Thế núi vươn lên như gặp địch,
Khí mạnh cao vút tận trời.
Vua Thái Tổ dẹp giặc phương Bắc,
Đã vung roi ngựa  dấn bước từ đây.)

* Kế núi Thiên Nhận là ngã ba Tam Soa, chỗ Ngàn Sâu và Ngàn Phố họp nhau lại để tạo thành sông La. Danh tướng Cao Thắng, tử trận lúc 30 tuổi, trong vòng 10 năm chống Pháp từng qua lại hoạt động tại vùng này, nên trong văn tế ông có đoạn đề cập đến như sau :

Trong ba kỷ [ba mươi năm] xuân thu tuy chửa mấy, trên yên ngựa đòi phen roi thét, trọng cương thường quyết mở mặt nam nhi.
Ngoài mươi sương
[10 năm] sự nghiệp biết chừng nào, trước cửa viên [cửa quân] bỗng chốc sao sa, thu linh phách vội cướp công tráng sĩ.
Non Thiên Nhận phất phơ hơi gió thổi, thương người tiết nghĩa ngậm ngùi thay !
Nước Tam Soa thấp thoáng bóng trăng soi, nhớ kẻ trung trinh ngao ngán nhẽ…”


Tại hữu ngạn sông La, gần kề ngã ba Tam Soa, có một làng khoa bảng tên là Đông Thái [nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ]. Vào thế kỷ thứ 19, trong làng có hai nhân vật nổi tiếng, một người là quan Đình nguyên Phan Đình Phùng lãnh tụ Cần Vương chống Pháp, người kia là Quận công Hoàng Cao Khải làm Kinh lược Bắc Kỳ, theo Pháp. Lẽ dĩ nhiên lập trường chính trị hai người khác nhau như nước với lửa, nhưng không vì thế mà thư từ trao đổi giữa hai bên, phá hỏng mất tình bạn và tình đồng hương. Cái khó mà người xưa đã làm được, có lẽ thế hệ chúng ta cần học hỏi nhiều.

Sau đây là thư Hoàng Cao Khải dụ Phan Đình Phùng ra hàng :

Đồng ấp Phan Đình nguyên đại nhân túc hạ,       

Tôi với ngài xa cách nhau, xuân thu đắp đổi trải đã 17 năm nay rồi. Dâu bể cuộc đời, bắc nam đường bụi, tuy là mỗi người đi mỗi ngả khác nhau, nhưng mà trong giấc mộng hồn vẫn thường thấy nhau, không phải xa xôi gì. Ngồi nghĩ lại ngày trước chúng ta còn ở chốn quê hương giao du với nhau, cái tình ấy đằm thắm biết là dường nào ?

Từ lúc ngài khởi nghĩa đến giờ, nghĩa khí trung can, đều rõ rệt ở tai mắt người ta. Tôi thường nghe các quý quan [quan Pháp] nói chuyện đến ngài, ông nào cũng phải thở than khen ngợi và tỏ ý kính trọng ngài lắm. Xem như thế thì tấm lòng huyết khí tôn nhân, tuy là người khác nước cũng chung một tâm tình ấy thôi, không phải người cùng thanh khí với nhau mới có vậy.

Ngày kinh thành thất thủ, xa giá nhà vua bôn ba, mà ngài mạnh mẽ ra ứng nghĩa, kể sự thế lúc bấy giờ, ngài làm vậy là phải lắm, không ai không nói như thế. Song le, sự thế ngày nay đã thay đổi ra thế nào, thử hỏi việc đời có thể làm được nữa không, dầu kẻ kém học thức, kém trí khôn, cũng đều trả lời không được. Huống chi như ngài là bậc người tuấn kiệt, chẳng lẽ không nghĩ tới đó hay sao ? Tôi trộm xét chủ ý của ngài, chắc cũng cho rằng : ta cứ làm theo việc phải ta biết, cứ đem hết tài năng ta có ; một việc nên làm mà làm là ở nơi người, còn nên được hay không nên là ở nơi trời, ta chỉ biết đem thân này hứa cho nước, đến chết mới thôi. Bởi thế, cho nên ngài cứ việc làm tới cùng, không ai có thể làm biến đổi cái chí ấy đi được.

Có điều tôi thấy tình trạng ở quê hương chúng ta gần đây, lấy làm đau lòng hết sức. Nhân đó tôi thường muốn đem ý kiến hẹp hòi, để ngỏ cùng lượng cao minh soi xét ; song mấy lần mở giấy ra rồi, đã toan đặt bút xuống viết, rồi lại gác bút thở dài, không sao viết được. Vì sao ? Vì tôi liệu can tràng của ngài cứng như sắt đá, không thể lấy lời nói mà chuyển động nổi. Đã vậy lại còn khác tình, khác cảnh, xa mặt xa lòng, vậy lời nói của tôi, chắc gì thấu tới được nơi ngài ; mà dầu có thấu tới nơi ngài chăng nữa, đã chắc gì lọt vào tai ngài chịu nghe giùm cho, chẳng qua chỉ để cho cố nhân cười mình là thằng ngu thì có.

Nay nhân quan Toàn quyền trở lại, đem việc ở tỉnh ta bàn bạc với tôi, có khuyên tôi sai người đến ngỏ ý cùng ngài biết rằng : ngài là bậc người hiểu biết nghĩa lớn, dầu không bận lòng tưởng nghĩ đến thân mình, nhà mình đi nữa, thì cũng nên tưởng nghĩ cứu vớt lấy dân ở trong một địa phương mới phải. Lời nói đó, quan Toàn quyền không nói với ai, mà nói với tôi, là vì cho rằng : tôi với ngài có cái tình xóm làng cố cựu với nhau, chắc hẳn tôi nói ngài nghe được, vậy có lẽ nào tôi làm thinh không nói ?

Ngài thử nghĩ xem : quan Toàn quyền là người khác nước, muôn dặm tới đây, mà còn có lòng băn khoăn lo nghĩ tới dân mình như vậy thay, huống chi chúng ta sinh đẻ lớn khôn ở đất này, là đất của cha mẹ tôn tộc ở đó, có lý đâu mình làm lơ đành đoạn, thì trăm năm về sau, người ta sẽ bảo mình ra làm sao ? Ôi ! Làm người trên phải có lòng thương yêu dân làm cốt, chưa từng ai không biết thương dân mà bảo là trung với vua bao giờ. Việc của ngài làm từ bấy lâu nay, bảo rằng trung thì thiệt là trung, nhưng dân ta có tội tình gì mà vướng phải nông nỗi lầm than thế này, là lỗi tại ai ? Nếu bảo là đã vì thiên hạ thì không thiết chi tới nhà nữa cũng phải, nhưng một nhà của mình đã vậy, chứ còn bao nhiêu nhà ở trong một vùng cũng bỏ đi cả, sao cho đang tâm ? Tôi nghĩ nếu như ngài cứ khăng khăng làm tràn tới mãi, thì e rằng khắp cả sông Lam núi Hồng đều biến thành hồ cá hết thảy, chứ không phải chỉ riêng lo ngại cho cây cỏ một làng Đông Thái chúng ta mà thôi đâu. Đến nỗi để cho quê hương điêu đứng xiêu tàn, tưởng chắc bậc người nhân nhân quân tử không lấy gì làm vui mà làm thì phải.

Tôi suy nghĩ đắn đo mãi, vụt lấy làm mừng rỡ mà nói riêng với mình : Được rồi, lời nói đó tôi có thể đem ra nói cho ngài nghe lọt tai, để xin ngài chỉ bảo cho biết như vậy có phải hay không ?

Tuy nhiên, sự thể của ngài như cỡi trên lưng cọp đã lỡ rồi, bây giờ muốn bước xuống, nghĩ lại khó khăn biết bao !

Nếu như tôi không có chỗ tự tin chắc chắn nơi mình, thì quyết không bao giờ dám mở lời nói liều lĩnh để mang luỵ cho cố nhân về sau. Nhưng may là tôi với quan Toàn quyền vốn có tình quen biết nhau lâu, lại với quan Khâm sứ ở Kinh, và quan Công sứ Nghệ Tĩnh, cùng tôi quen thân hiệp ý nhau lắm, cho nên trước kia Trần Phiên sứ [tên là Khánh Tiến, làm Tuần phủ nên gọi là Phiên sứ], Phan Thị lang [tên là Huy Nhuận] cũng là chỗ thân trong tỉnh, trong làng, hoặc bị tội nặng, hoặc bị xử đày, thế mà tôi bảo toàn cho hai ông ấy đều được yên ổn vô sự. Lại như mới rồi ông Phan Trọng Mưu ra thú, tôi dẫn đến yết kiến các đại hiến quý quan, thì các ngài cũng tiếp đãi trân trọng như đãi khách quý, và tức thời điện về tỉnh nhà bắt trả lại mồ mả và thả cả 3 con về, như thế tỏ ra nhà nước Bảo Hộ khoan dung biết chừng nào ! Cứ xem vậy đủ biết lẽ ấy, lòng ấy, dầu là người nghìn dặm xa nhau, vẫn là giống nhau vậy.

Bây giờ, nếu ngài không cho lời nói của tôi là dông dài, thì xin ngài đừng ngần ngại một điều gì khác hết, tôi không khi nào dám để cho cố nhân mang tiếng là người bất trí đâu.

            Hoàng Cao Khải 
            Đốn thư


Tiếp theo là thư của cụ Phan trả lời :


Hoàng quý đài các hạ,

Gần đây, tôi vì việc quân, ở mãi trong chốn rừng rú, lại thêm lúc này tiết trời mùa đông, khí hậu rét quá, nông nỗi thiệt là buồn tênh. Chợt có người báo có thư của cố nhân gửi lại. Nghe tin ấy, không ngờ bao nhiêu nỗi buồn rầu lạnh lẽo, tan đi đâu mất cả. Tiếp thư liền mở ra đọc. Trong thư cố nhân chỉ bảo cho điều hoạ phước, bày tỏ hết chỗ lợi hại, đủ biết tấm lòng của cố nhân, chẳng những muốn mưu sự an toàn cho tôi thôi, chính là muốn mưu sự yên ổn cho toàn hạt ta nữa. Những lời nói gan ruột của cố nhân, tôi đã hiểu hết, cách nhau muôn dặm tuy xa, nhưng không khác gì chúng ta được ngồi cùng nhà nói chuyện với nhau vậy.

Song le tâm sự và cảnh ngộ của tôi có nhiều chỗ muôn vàn khó nói hết sức. Xem sự thể thiên hạ như thế kia, mà tài lực tôi như thế này, y như lời cổ nhân đã nói “ thân con bọ ngựa là bao mà dám giơ cánh tay lên muốn cản trở cỗ xe ” sao nổi không biết ; việc tôi làm ngày nay, sánh lại còn quá hơn nữa, chẳng phải như chuyện con bọ ngựa đưa tay ra cản xe mà thôi.

Nhưng tôi ngẫm nghĩ lại, nước mình mấy nghìn năm nay, chỉ lấy văn hiến truyền nối nhau hết đời này qua đời kia, đất nước chẳng rộng, quân lính chẳng mạnh, tiền của chẳng giàu, duy có chỗ ỷ thị dựa nương để dựng được nước là cái gốc vua tôi, cha con theo 5 đạo thường (5) mà thôi. Xưa kia nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh bên Tàu, bao phen lăm le muốn chiếm lấy đất ta làm quận huyện của họ mà vẫn chiếm không được. Ôi ! Nước Tàu với nước ta, bờ cõi liền nhau, sức mạnh hơn ta vạn bội, thế mà trước sau họ không thể ỷ mạnh mà nuốt trôi nước ta được, nào có vì lẽ gì khác đâu, chẳng qua non sông nước Nam tự trời định phận riêng hẳn ra rồi, và cái ơn huệ thi thư lễ nghĩa vốn có chỗ đủ cho mình tự có thể trông cậy nương dựa lắm vậy. Đến nay người Pháp với mình, cách xa nhau không biết là mấy muôn dặm, họ vượt bể lại đây, đi tới đâu là như gió lướt tới đó, đến nỗi nhà vua phải chạy, cả nước lao xao, bỗng chốc non sông nước mình biến thành bờ cõi người ta, thế là trọn cả nước nhà, dân nhà, cùng bị đắm chìm hết thảy, có phải là riêng một châu nào, hay một nhà ai phải chịu cảnh lầm than mà thôi đâu.

Năm Ất Dậu [1885] xa giá Thiên tử ngự đến Sơn Phòng Hà Tĩnh, giữa lúc đó tôi đang có tang bà mẹ, chỉ biết đóng cửa cư tang cho trọn đạo, trong lòng há dám mơ tưởng đến sự gì khác hơn. Song, vì mình là con nhà thế thần, cho nên đôi ba lần đức Hoàng thượng giáng chiếu vời ra ; không lẽ nào có thể từ chối, thành ra tôi phải gắng gổ đứng ra vâng chiếu, không sao dừng được. Gần đây, Hoàng thượng lại đoái tưởng lựa chọn tôi mà giao cho việc lớn, uỷ thác cho quyền to ; ấy, mệnh vua uỷ thác như thế đó, nếu cố nhân đặt mình vào trong cảnh như tôi, liệu chừng cố nhân có đành chối từ trốn tránh đi được hay không ?

Từ lúc tôi khởi nghĩa đến nay, đã trải qua 10 năm trời, những người đem thân theo việc nghĩa, hoặc đã bị trách phạt, hoặc đã bị chém giết, vậy mà lòng người trước sau chẳng hề thấy thế làm chán nản ngã lòng bao giờ ; trái lại họ vẫn ra tài, ra sức giúp đỡ tôi, vả lại số người mạnh bạo ra theo tôi càng ngày càng nhiều thêm mãi. Nào có phải người ta lấy điều tai vạ hiểm nguy làm cho sự sung sướng thèm thuồng, mà bỏ nhà dấn thân ra theo tôi như vậy đâu. Chỉ vì họ tin cậy lòng tôi, lượng xét chí tôi, cho nên hăm hở vậy đó thôi. Ấy, lòng người như thế đó, nếu như cố nhân đặt mình vào cảnh của tôi liệu chừng cố nhân có nỡ lòng nào bỏ mà đi cho đành hay không ?

Thưa cố nhân, chỉ vì nhân tâm đối với tôi như thế, cho nên cảnh nhà tôi đến nỗi hương khói vắng tanh, bà con xiêu dạt, tôi cũng chẳng dám đoái hoài. Nghĩ xem, kẻ thân với mình mà mình còn không đoái hoài, huống chi là kẻ sơ ; người gần với mình mà mình còn không bao bọc nổi, huống chi là người xa. Vả lại hạt ta đến đỗi điêu đứng lầm than quá, không phải riêng vì tại hoạ binh đao làm nên nông nỗi thế đâu. Phải biết quan Pháp đi đến đâu, có lũ tiểu nhân mình túa ra bày kế lập công, thù vơ oán chạ ; những người không có tội gì, chúng cũng đâm thọc buộc ràng cho người ta là có tội, rồi thì bữa này trách thế nọ, ngày mai phạt thế kia ; phàm có cách gì đục khoét được của cải của dân, chúng nó cũng dùng tới hết thảy. Bởi đó mà mối tệ tuôn ra cả trăm cả ngàn, quan Pháp làm sao biết thấu cho cùng những tật khổ của dân trong chốn làng xóm quê mùa, như thế thì bảo dân không phải tan lìa trôi dạt đi sao được ?

Cố nhân đối với tôi, đều là người sinh đẻ tại châu Hoan, mà ở cách xa ngoài muôn dặm, cố nhân còn có lòng đoái tưởng quê hương thay, huống chi là tôi đây đã từng lấy thân chịu đựng và lấy mắt trông thấy thì sao ? Khốn nỗi cảnh ngộ bó buộc, vả lại sức mình chẳng làm được theo lòng mình muốn, thành ra phải đành, chứ không biết làm sao cho được. Cố nhân đã biết đoái hoài thương xót đến dân này, thì cố nhân nên lấy tâm sự tôi và cảnh ngộ tôi thử đặt mình mà suy nghĩ xem, tự nhiên thấy rõ ràng, có cần gì đến tôi phải nói dông dài nữa ư ?

        Phan Đình Phùng
        phúc thư    (6)   


Chiếc thuyền chở Lãn Ông rời dòng sông Phố, qua ngã ba Tam Soa, rồi xuôi dòng sông La. Như đã kể ở trên, khởi đầu phía hữu ngạn có làng Đông Thái, tiếp tục đi xuôi khoảng 15 km. đến Ngã Ba Phủ, hợp với sông Lam. Tại ngã ba danh tiếng này, phía tả ngạn có Rú Thành ; thời Minh, Trương Phụ xây thành tại đây, nên có tên như vậy. Nguyễn Biểu, Sứ giả của vua Hậu Trần đến gặp Trương Phụ tại nơi này, đối đáp không nhục quân mệnh, hiên ngang ăn cỗ đầu người, khiến kẻ thù phải nể sợ. Sau này trước áp lực của nghĩa quân, viên Đô đốc Thái Phúc chỉ huy,  phải bỏ thành chạy ra Bắc rồi đầu hàng vua Lê Lợi, nhờ đó toàn bộ vùng đất từ Nghệ An vào đến Thuận Hoá được giải phóng.

Cũng tại địa điểm này, hãy nhìn chếch lên phía hữu ngạn, thấy núi Hồng Lĩnh sừng sững chạy dài ; dưới chân núi là quê hương của nhiều danh nhân thi sĩ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ vv… Người dân địa phương gọi núi Hồng Lĩnh là Ngàn Hống, sông Lam là sông Rum, ca tụng họ Nguyễn tại làng Tiên Điền của Nguyễn Du lắm quan, lắm người giỏi, nên còn lưu lại câu ca dao :

Bao giờ ngàn Hống hết cây,
Sông Rum hết nước họ này hết quan.

Trong Thượng Kinh Ký Sự, Hải Thượng Lãn Ông mô tả dòng sông lúc này yên tĩnh lại, bởi ngọn hải trào từ biển dâng lên giao thoa với nước nguồn. Sông rộng, nước sâu ; thuyền căng buồm đón gió :

Đêm hôm ấy người đi trong bóng trăng sáng, thôn xóm bên sông đều yên lặng ; chó sủa mỗi khi thuyền bơi qua. Một vầng trăng bạc chiếu dòng sông, đôi bờ hải trào nghênh đò khách. Xa xa vẳng tiếng chuông chùa, mờ mờ sương phủ lùm cổ thụ. Mấy nơi đèn chài lạnh lẽo rọi sáng, hai con hải âu sóng đôi nghỉ ngơi. Bọn học trò đi theo đều uống rượu, mượn chén giải sầu. Tôi nhân ngâm một bài thơ để dãi lòng :

Nhất giang yên thủy tĩnh
Khách tứ mãn quan hà
Phong trọng chinh phàm cấp
Sương thâm khứ nhạn tà
Hàn san lai dạ khánh
Viễn phố xuất ngư ca
Kim tịch do như thử
Minh triêu thả nại hà ?

    Dịch :

Nước mây sông phẳng lặng
Nỗi khách chốn quan hà
Gió mạnh buồm đưa gấp
Sương dày nhạn lượn qua
Núi sâu vang tự khánh
Bến vắng vọng lời ca
Cảnh tối nay như thế
Mai đây biết chăng là ?

Gà gáy đến Vĩnh Dinh [Vinh], nghỉ ngơi chốc lát trong thuyền, đậu ở đầu bến. Sáng ngày mười tám rời thuyền lên bờ vào yết kiến quan thị trấn.” (7)

            *

Người xưa nói rằng “không đọc sách, không biết lấy gì mà nói”; tôi dựa vào hai quyển Thượng Kinh Ký SựPhan Đình Phùng làm nền, có được câu chuyện về “ Ngàn Phố Ngàn Sâu ”. Nhân đầu năm Đinh Dậu, bước sang tuổi 80, cầu mong quỹ thời gian kéo dài thêm, để có dịp bơi lội thưởng thức tiếp kho tàng văn chương Việt Nam.

Hồ Bạch Thảo


        Chú thích :

1. Thượng Kinh Ký Sự, bản dịch của Phan Võ, NXB Trẻ.

2. Từ Thứ : Tướng của Lưu Bị, vì  muốn cứu mẹ nên phải hàng Tào Tháo.

3. Phan Đình Phùng : Đào Trinh Nhất, INSTITUT DE L’ASIE DU SUD-EST, 1990, trang 233.

4. Phan Đình Phùng, sđd trang 109.

5. 5 đạo thường tức 5 đạo đức căn bản : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

6. Phan Đình Phùng, sđd, trang 202-209 ; bản dịch của Đào Trinh Nhất.

7. Thượng Kinh Ký Sự, bản dịch của Phan Võ, NXB Trẻ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us